C1. Tính Kinh Điển Của Kinh Thánh
MỤC LỤC
(Của Bob Weiner, sáng lập viên Hội thánh Maranatha Campus, Gainesville, FL).
Các sách nào là sách trong Kinh Thánh? Điều đó đã được quyết định như thế nào?
Sự kinh điển hóa Kinh Thánh là tiến trình mà các sách trong Kinh Thánh được các nhà lãnh đạo hội thánh tán đồng và công nhận. Làm thế nào các sách trong Kinh Thánh được thừa nhận như là một phần của Kinh Thánh kinh điển?
Làm thế nào một người có thể nhận ra một sách được hà hơi khi nhìn thấy quyển sách đó? Có những nét đặc trưng khác biệt nào giữa một tuyên ngôn thiên thượng và một tuyên ngôn tốt đẹp của con người? Tiến trình nhận diện này căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn. Dân sự của Đức Chúa Trời cần tìm kiếm những nét riêng biệt nào đó của uy quyền thiên thượng.
Các sách ngụy kinh và các tác phẩm giả thì không nên thánh. Mối đe dọa không ngừng của chúng đã khiến con cái Đức Chúa Trời phải xem xét lại kỹ càng tuyển tập sách Thánh của họ.
Có hai loại Thánh văn cần phải được xem xét:
1) Các sách được một số tín hữu chấp thuận, nhưng những tín hữu khác lại không và
2) Các văn bản đã có lúc từng được chấp thuận, nhưng sau đó lại bị nghi vấn.
(Ở các thế kỷ trước, người ta nghĩ rằng các văn bản này được Đức Chúa Trời hà hơi, nhưng sau này người ta cho chúng là những bản gốc đáng ngờ).
Những bản thảo của cả hai loại trên đã được các hội đồng giáo hội xem xét để xác nhận xem chúng có thật là một phần của Kinh Thánh hay không.
1) Tính Thẩm Quyền: Sách này có mang tính thẩm quyền không? Có công bố thuộc về Đức Chúa Trời không?
2) Tính Tiên Tri: Sách có thể hiện tính tiên tri hay không? Có được viết ra bởi tôi tớ Đức Chúa Trời hay không?
3) Tính Xác Thực: Sách có xác thực hay không? Có nói lên lẽ thật về Đức Chúa Trời, về con người... hay không?
4) Tính Năng Động: Sách có quyền năng không? Có được sức mạnh làm biến đổi đời sống hay không?
5) Được Chấp Nhận: Liệu những lớp người đầu tiên mà sách muốn dạy dỗ có chấp nhận hay không? Sách có được công nhận là đến từ Đức Chúa Trời hay không?
Mỗi sách của Kinh Thánh đều mang sự công bố về quyền năng thiên thượng. Câu viết dứt khoát "Đức Chúa Trời phán" thường xuất hiện trong sách. Đôi khi chính giọng điệu và sự kêu gọi cũng bày tỏ được nguồn gốc thiên thượng của sách. Trong sách luôn có những Thánh ngôn. Trong văn chương giáo huấn thường có những Thánh ngôn chuyên bảo tín đồ nên làm điều gì.
Trong các sách lịch sử, các lời kêu gọi thường được nói đến nhiều hơn, cũng như có nhiều câu công bố nói đến những gì Đức Chúa Trời đã làm trong lịch sử của dân Ngài. Nếu một sách mà thiếu thẩm quyền của Đức Chúa Trời, thì sẽ không được xem là "Kinh Điển" và không được liệt vào Kinh Thánh.
Hãy minh họa nguyên tắc thẩm quyền có liên quan đến Kinh Thánh Kinh Điển này: sách của các Đấng tiên tri cũng dễ dàng được nhận ra bởi nguyên tắc của tính thẩm quyền này.
Những lời được lập lại như: "Đức Chúa Trời phán với ta", hoặc "Lời của Đức Giê-hô-va phán cùng tôi... "là những bằng cớ hiển nhiên nói lên uy quyền thiên thượng của những lời đó.
Có một số sách thiếu đi sự công bố thiêng thượng, và do đó bị phủ nhận là không có tính kinh điển. Có lẽ đây là trường hợp của "sách Jasher" và "sách về các chiến trận của Chúa". Một số sách khác cũng bị nghi vấn và thách thức về tính uy quyền Thiên Thượng, nhưng cuối cùng cũng được chấp nhận vào kinh điển Kinh Thánh như sách Ê-xơ-tê chẳng hạn.
Rõ ràng rằng, mãi cho đến khi mọi lời công bố của Đức Chúa Trời trên dân sự của Ngài được trình bày trong sách Ê-xơ-tê không còn bị mọi người nghi ngờ nữa, thì lúc đó sách Ê-xơ-tê mới có được một vị trí nhất định trong kinh điển Kinh Thánh của người Do Thái. Thật vậy, sự việc mà một số sách bị đặt vào vòng nghi vấn đã cho ta một sự đảm bảo rằng tín đồ rất nhạy bén. Nếu họ không tin chắc về thẩm quyền Thiên Thượng của sách thì sách đó bị loại trừ.
Những sách được hà hơi đều do những người được xem là các Đấng tiên tri do Thánh Linh cảm động mà viết ra (IIPhi 1:20, 21). Lời của Đức Chúa Trời gởi đến dân sự Ngài cũng chỉ qua các Đấng tiên tri mà thôi. Mỗi tác giả Kinh Thánh đều có ơn tiên tri hoặc có chức năng tiên tri, dẫu cho nghề nghiệp người đó không phải là tiên tri (Hêb 1:1).
Phao-lô biện luận trong sách Ga-la-ti rằng sự dạy dỗ và thư tín của ông cần phải được chấp nhận bởi ông là một sứ đồ, "chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào, bèn là bởi Đức Chúa Giêxu Christ và Đức Chúa Trời, tức là Cha "(Ga 1:1).Sách (thư tín) của ông được thừa nhận bởi vì mang tính sứ đồ, đến từ một người phát ngôn được Đức Chúa Trời chỉ định, hay từ một tiên tri.
Các sách không được chấp nhận vì không đến từ các Đấng tiên tri của Đức Chúa Trời, ví dụ rõ ràng là những lời cảnh cáo của Phao-lô khuyên đừng chấp nhận sách của những kẻ mạo xưng là sứ đồ (IITê 2:2), và lời cảnh báo cho người Cô-rinh-tô về những sứ đồ giả (IICôr 11:13).
Những lời cảnh báo của Giăng về các Đấng Mêsia giả cũng như việc thử các thần cũng theo sự phân loại nói trên (IGiăng 2:18, 19; 4:1-3). Cũng do nguyên tắc tiên tri này mà bức thư thứ hai của Phi-e-rơ đã gây nên tranh cãi ở vài Hội thánh đầu tiên.
Thư này chưa chiếm được một vị trí nhất định trong Kinh Thánh Cơ Đốc cho đến khi các giáo phụ đều bị thuyết phục rằng nó không phải là thư giả mạo nhưng thực sự của sứ đồ Phi-e-rơ như những lời trong thư (IIPhi 1:1).
Một dấu hiệu khác của sự hà hơi là tính xác thật. Bất cứ sách nào có những lỗi về sự kiện hoặc giáo lý (được phán đoán bởi những khải thị có trước) đều không thể do Đức Chúa Trời hà hơi. Đức Chúa Trời không thể nói dối; Lời của Ngài phải thật và kiên định.
Theo quan điểm của nguyên tắc này, người thành Bê-rê đã chấp nhận sự dạy dỗ của Phao-lô và tra tìm Kinh Thánh để xem điều Phao-lô dạy họ có thật sự phù hợp với sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước hay không (Công 17:11). Đơn giản chỉ phù hợp với những điều bày tỏ trước đây cũng chưa nói lên được sự dạy dỗ đó có được sự hà hơi hay không. Nhưng mâu thuẫn với những bày tỏ trước đây thì cho thấy rõ ràng sự dạy dỗ đó không được hà hơi.
Phần lớn sách Apocrypha đã bị loại trừ do nguyên tắc về tính xác thật. Những điều khác thường về lịch sử cũng như những dị giáo thần học khiến ta không thể chấp nhận sách đó là đến từ Đức Chúa Trời dẫu cho sách đó có hình thức thẩm quyền đi chăng nữa. Sách đó không thể đến từ Đức Chúa Trời mà lại chứa nhiều sai trật đến vậy.
Vài sách kinh điển đã bị đặt trong nghi vấn trên căn bản của nguyên tắc này. Có thể nào thư tín của Gia-cơ được hà hơi lại mâu thuẫn với sự dạy dỗ của Phao-lô về vấn đề được xưng công bình bởi đức tin chứ không bởi việc làm? Sách Gia-cơ cứ bị nghi vấn cho đến khi sự hòa hợp quan trọng đó được nhận ra.
Một số người khác đã nghi vấn thư Giu-đe về việc trích các ngụy kinh không có tính xác thật (các câu từ 9-14). Khi hiểu rằng các đoạn trích của Giu-đe cũng không làm cho các sách trên có ảnh hưởng nhiều hơn so với các câu trích của Phao-lô từ các trước giả không phải là Cơ Đốc Nhân (xem 17:18; Tít 1:12) thì không còn lý do nào để loại bỏ thư Giu-đe cả.
Cách thử nghiệm thứ tư về tính kinh điển này không được rõ ràng bằng một số cách khác. Đó là năng lực biến đổi đời sống của tác phẩm.
"Lời của Đức Chúa Trời là sống động và đầy quyền năng "(Hêb 4:12).
Vì vậy Kinh Thánh được dùng để "bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công chính " (IITi 3:16, 17).
Sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ rằng năng lực biến đổi đời sống của những tác phẩm được hà hơi có liên quan đến việc công nhận Kinh Thánh và 3:16, 17 đã chỉ ra điều này. Phao-lô viết cho Timôthe "Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu "(c.15).Ở chỗ khác, Phi-e-rơ nói về quyền năng khai sáng và rao giảng của Lời Đức Chúa Trời (IPhi 1:23; 2:2)
Một số thông điệp và sách khác đã bị loại bỏ vì đã đưa ra những hy vọng không thực (ICác 22:6-8) hoặc những lời cảnh báo giả mạo (IITê 2:2). Như vậy chúng không trợ giúp cho việc gây dựng tín đồ về lẽ thật của Đấng Christ. Chúa Giêxu phán:"Các ngươi sẽ biết lẽ thật và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi " (Giăng 8:3). Sự dạy dỗ giả thì không bao giờ giải phóng người ta, chỉ có lẽ thật mới có quyền năng giải thoát.
Vài sách trong Thánh kinh như Nhã-ca và Truyền-đạo đã bị nghi vấn và có người nghĩ rằng chúng thiếu đi quyền năng khai sáng năng lực này.
Cho đến khi người ta bị thuyết phục rằng Nhã ca không mang tính nhục cảm mà ngược lại rất sâu nhiệm thuộc linh, và Truyền-đạo thì không mang tính hoài nghi và bi quan nhưng trái lại rất tích cực và khai huấn (Truyền 12:9-10), thì mối hoài nghi về tính kinh điển của hai sách này không còn nữa.
Đặc tính sau cùng của một tác phẩm có quyền năng là sự công nhận của con cái Đức Chúa Trời là những người đầu tiên được ban cho lời Kinh Thánh.
Lời của Đức Chúa Trời được ban ra qua các tiên tri của Ngài và lẽ thật của Ngài phải được dân Ngài thừa nhận. Những thế hệ tín đồ sau này đã tìm cách làm sáng tỏ sự kiện này. Vì nếu sách được những đối tượng ban đầu của sách chấp nhận, thu thập và sử dụng như là lời của Đức Chúa Trời, thì tính kinh điển của sách đã được thiết lập rồi.
Sự truyền thông và giao thông trong thời xưa đôi khi cũng khiến cho các bậc giáo phụ Hội thánh tốn nhiều thời gian và công sức trong việc quyết đoán sự công nhận này. Vì lý do này nên phải qua rất nhiều thế kỷ thì toàn thể Hội thánh mới công nhận trọn vẹn và dứt điểm sáu mươi sáu sách kinh điển.
Các sách của Môi-se đã được dân sự của Đức Chúa Trời lập tức công nhận. Chúng đã được sưu tầm, trích dẫn, bảo quản và thậm chí áp đặt lên các thế hệ tương lai.
Các thư tín của Phao-lô đã lập tức được chấp nhận bởi các Hội thánh mà Ông viết cho họ (ITê 2:13) và ngay bởi các sứ đồ khác (IIPhi 3:16).
Có một số tác phẩm khác lại bị dân sự của Đức Chúa Trời loại bỏ ngay lập tức vì thiếu đi uy quyền Thiên Thượng (IITê 2:2). Các tiên tri giả (Mat 7:21-23) và các linh nói dối phải được thử nghiệm và loại trừ (IGiăng 4:1-3) như đã ám chỉ trong nhiều trường hợp trong chính Kinh Thánh (Giê 5:2; 14:14).
Có một thời gian, nguyên tắc chấp nhận này đã dẫn đến sự hoài nghi một số sách Kinh Thánh như Giăng II và Giăng III. Do tính chất riêng tư và lưu hành hạn chế nên dễ hiểu là vì sao có sự miễn cưỡng khi chấp nhận các sách đó, mãi đến khi người ta xác định được các sách này đã được dân sự của Đức Chúa Trời ở thế kỷ thứ nhất công nhận là đến từ sứ đồ Giăng.
Không cần nói cũng biết rằng lúc đầu không phải ai cũng chấp nhận sứ điệp của một nhà tiên tri. Đức Chúa Trời đã bênh vực cho các tiên tri của Ngài khỏi những kẻ chối bỏ họ (ví dụ ICác 22:1-38), và khi bị thách thức, Ngài đã chỉ ra những ai là người của Ngài. Khi thẩm quyền của Môise bị Côrê và những người khác thách thức thì đất đã hả ra và nuốt sống họ (Dân 16:1-50).
Vai trò của dân sự Đức Chúa Trời có tính quyết định trong việc công nhận Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là người quyết định thẩm quyền của các sách. Nhưng chính dân sự của Ngài được kêu gọi để khám phá ra sách nào có thẩm quyền và sách nào không. Để giúp họ trong việc khám phá này chính là năm cách thử nghiệm tính kinh điển được phác thảo ở trên.
Ta không nên tưởng tượng ra một hội đồng các giáo phụ Hội thánh với một chồng sách khổng lồ và năm nguyên tắc hướng dẫn trước mặt khi nói về tiến trình kinh điển hóa này. Tiến trình ấy thật ra tự nhiên và sống động hơn nhiều. Trong đó chỉ có vài nguyên tắc được ngụ ý.
Mặc dù cả năm đặc tính ấy đều hiện hữu trong mỗi văn bản được hà hơi, nhưng không phải tất cả các quy luật đều thể hiện rõ ràng khi quyết định từng quyển sách mang tính kinh điển. Đối với các dân sự đầu tiên của Đức Chúa Trời, không phải rõ ràng lập tức rằng có những quyển sách lịch sử đầy "quyền năng" và "đáng tin". Đối với họ, điều dễ nhận ra hơn đó là những sách có "tính tiên tri" và "được chấp nhận".
Một người có thể dễ dàng nhận thấy câu nói "Đức Chúa Trời phán vậy" đóng một vai trò có ý nghĩa đáng kể trong việc tìm tòi những sách "kinh điển" bày tỏ kế hoạch cứu chuộc toàn diện của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề đôi khi lại đúng, nghĩa là quyền năng và uy quyền của sách lại dễ thấy hơn nguồn gốc tác giả của sách (ví dụ sách Hêbơrơ).
Trong bất cứ tình huống nào, cả năm tính chất đều có liên quan đến việc khám phá từng cuốn sách kinh điển, cho dầu có vài tính chất được dùng một cách tìm ẩn mà thôi.
Đơn giản bởi một sách đã được một số tín hữu ở một nơi nào đó chấp nhận thì chưa hẳn đó là bằng chứng của sách được Đức Chúa Trời hà hơi. Sự chấp nhận ban đầu của dân sự Đức Chúa Trời là những người được ở vị trí tốt nhất để kiểm tra quyền năng tiên tri của sách, là rất quan trọng.
Phải tốn nhiều thời gian để mọi thành phần của các thế hệ kế tiếp được thông báo đầy đủ về các tình huống ban đầu. Do đó, việc chấp nhận của họ rất quan trọng nhưng thực chất thì chỉ có tính hỗ trợ.
Nguyên tắc trọng yếu nhất thay thế tất cả những nguyên tắc khác. Bên dưới cả một tiến trình thẩm định sách có một nguyên tắc cơ bản: đó là tính tiên tri của sách.
Nếu một sách được viết ra bởi một tiên tri được công nhận chính thức, đưa ra lời công bố đầy uy quyền đến từ Đức Chúa Trời thì không cần phải đưa ra những nghi vấn khác nữa.
Câu hỏi liệu tính không xác thật có thể bóp méo sách tiên tri hay không là câu hỏi hoàn toàn có tính chất giả thuyết. Không một sách nào từ Đức Chúa Trời mà giả dối cả. Nếu một sách tuyên bố là sách tiên tri nhưng dường như có điều giả dối mà không thể tranh cải được, thì lúc ấy cần phải xem xét lại tài liệu tiên tri đó. Đức Chúa Trời không thể nói dối. Trong trường hợp này bốn nguyên tắc còn lại sẽ đóng vai trò thẩm tra tính chất tiên tri của những sách kinh điển.
Thuật ngữ Apocrypha được dùng để chỉ các tuyển tập các tác phẩm Do Thái cổ được viết trong khoảng 250 T.C và của các Cơ Đốc Nhân ở những thế kỷ đầu tiên. Các sách Apocrypha (thứ kinh) đã từng được xem là Kinh Thánh được hà hơi trong quan điểm thần học của Hội thánh Công giáo La-mã. Nhưng quan điểm Do Thái giáo và cải chánh giáo lại cho rằng chúng không được hà hơi.
Khi người Tin lành nghiên cứu các sách thứ kinh (Apocrypha) để tìm xem tác dụng của chúng trên đời sống và tư tưởng của người Do Thái trước Thiên Chúa, thì họ đã loại trừ, không cho đó là Kinh Thánh được hà hơi vì những lý do sau:
Các sách thứ kinh không phải là một phần của Thánh kinh Cựu Ước được Chúa Giêxu và Hội thánh thế kỷ thứ I sử dụng. Ba nhóm sách trong Cựu Ước là sách luật pháp, sách tiên tri và sách văn thơ vẫn được sử dụng trong Kinh Thánh tiếng Hêbơrơ và trong các bản dịch Cựu Ước tiếng Do Thái, lại chưa bao giờ bao gồm các sách thứ kinh cả.
Không phải là Chúa Giêxu và môn đồ Ngài không biết về sách thứ kinh, nhưng họ không bao giờ trích dẫn sách này như Kinh Thánh cả.
Các tác giả Do Thái cổ sử dụng Kinh Thánh bằng tiếng Hy-lạp, nổi tiếng có Philo và Josephus, cũng quen thuộc với Apocrypha, nhưng họ chưa bao giờ trích dẫn sách này như là Kinh Thánh cả. Sách IIEsdras của bộ Thứ Kinh gồm có hai mươi bốn sách, tương ứng và quyển Kinh Thánh Hêbơrơ như ta biết hiện nay, cùng với 70 sách văn thơ khác, về thực chất chúng rất huyền bí (II Esdras 14:44-48).
Điều đáng nói là sách thứ kinh này khẳng định sách Cựu Ước là sách được sử dụng trong các nhà hội Do Thái và các Hội Thánh Tin lành.
Các giáo phụ Hội thánh là những người quá quen thuộc với sách kinh điển Hêbơrơ, có thể phân biệt cách rõ ràng sách kinh điển và sách thứ kinh. Các tác phẩm của Meliro xứ Sardis, Cyril thành Giêrusalem, và thánh Jerome đã cho thấy sự nhận ra điểm khác biệt giữa Kinh Thánh được hà hơi và sách Apocrypha.
Các sách Thứ Kinh chưa bao giờ được tuyên bố là Kinh Thánh có quyền năng mãi đến hội đồng Công giáo Trent thành lập (1546 S.C). Vào lúc đó những sách Thứ Kinh như sau được công bố là sách kinh điển: Tobit, Judith, sự khôn ngoan của Salômôn, Ecclesiaticus, Baruch (gồm cả thư của Giêrêmi), I và II Maccabês, phần bổ sung sách Êxơtê, một phần bổ sung sách Đaniên (Sasanna, bài ca của ba chàng trai trẻ, Bel và Con rồng).
Nhiều học giả Công giáo La-mã đã phân biệt giữa các sách kinh điển nguyên thủy (Cựu Ước của chúng ta) và sách Thứ Kinh (Apocrypha).
Phần lớn các học giả đều cảm thấy các sách Thứ Kinh trình bày mức độ viết thấp hơn là Kinh Thánh kinh điển. Nó chứa nhiều điều không chính xác về mặt lịch sử và địa lý cùng những sai lệch về niên đại, và cũng không toát lên tinh thần tiên tri vốn rất hiển nhiên trong các sách kinh điển.
Trong tuyên bố Wesminter (1643, do các nhà lãnh đạo Tin lành viết) đã nói rằng: "Những sách thường được gọi là Thứ kinh không phải do Thiên Thượng hà hơi, và không phải là thành phần của Kinh Thánh Kinh Điển, do đó cũng không có Thẩm quyền nào trong Hội thánh của Đức Chúa Trời hay cũng không được ủng hộ, chúng chỉ được chấp nhận và khai thác như là một tác phẩm của con người".
Các Hội thánh cải chánh không khuyến khích sử dụng sách thứ kinh và kết quả là sách này rất hiếm khi được sử dụng trong Cơ Đốc giáo hiện nay.
Hội thánh Anh giáo (nước Anh) trong điều khoản số 39 đã có một thái độ dung hòa như sau: "Hội thánh xem các sách Thứ Kinh là những ví dụ về cuộc sống và răn dạy tư cách, nhưng không dùng để nói về tín lý".
Cộng với các sách thường được gọi là sách thứ kinh, còn có một mảng lớn văn chương đa diện thời cổ đại của người Do Thái lẫn Cơ Đốc được gọi là ngụy kinh (Pseudepigrapha).
Apocrypha, Ngụy kinh, một phần văn thơ từ cụm Crumra và các tác phẩm cổ xưa đa dạng khác đã cho ta một nguồn tài liệu phong phú và hữu ích để hiểu về thế giới của thời Tân Ước cũng như của Hội thánh đầu tiên. Tuy không so sánh ngang tầm với Kinh Thánh nhưng những tác phẩm này cũng được dùng để xem xét nghiên cứu.
Cuốn sách đầu tiên của bộ Esdras thuật lại một loạt bối cảnh trong lịch sử Cựu Ước, bắt đầu bằng lễ Vượt Qua do Giô-suê (khoảng năm 621 T.C) tổ chức tại Giêrusalem, và chấm dứt bằng sự kiện Êxơra đọc luật pháp trước công chúng (khoảng năm 444 T.C).
Nó còn tác chế lại tài liệu "Ba người lính gác". Nói về ba chàng trai trẻ làm vệ sĩ cho vua Đariút. Để khỏi ngủ mê, họ đã tranh luận với nhau về năng lực nào là mạnh nhất trên đời. Một người bảo đó là rượu uy lực đặc biệt của rượu trên con người; người kế tiếp nói đó chính là vua, vì người có uy quyền vô hạn đối với thần dân; và người thứ ba (tên Jerubbabel) khẳng định phụ nữ, là người sanh ra con người, mới là người mạnh nhất, nhưng trên hết thảy mọi thứ, đó là lẽ thật.
Khi được hỏi ý kiến xem ai là người thắng, thì vua đã chọn câu trả lời của Jerubbabel (Xôrôbabên) và ban thưởng cho anh bất cứ điều gì anh muốn. Và Jerubbabel đã xin phép được trở về Giêrusalem để xây dựng lại đền thờ.
Phần cuối mô tả việc dân Do Thái ra khỏi Babylôn và lên đường về Giêrusalem. Đa số các học giả cho rằng IEsdras được biên soạn tại Ai-cập sau năm 150 T.C.
Phần cốt lõi của sách II Esdras (chương 3-14) nhằm mô tả bảy khải thị tận thế được ban cho Ê-xơ-ra ở Ba-by-lôn. Chúng có liên quan đến vấn đề chịu khổ của dân Ysơraên và cố gắng "xét đoán các đường lối của Đức Chúa Trời đối với con người".
Tác giả của sách này rõ ràng là một người Giuđa mong chờ sự giáng thế của Đấng Mêsia cho Ysơraên và thời kỳ phước hạnh mà Ngài mang đến. Phần giới thiệu (chương 1 và 2) cùng phần kết thúc (chương 15 và 16) bao gồm phần bổ sung viết theo quan điểm Cơ-Đốc giáo.
Phần cốt lõi của sách có lẽ được viết ở Aramaic, vào cuối thế kỷ thứ I S.C. Khoảng giữa thế kỷ thứ II, một phần giới thiệu được thêm vào (ở Hy-lạp), và phần kết luận được viết một thế kỷ sau đó. Các bản dịch Đông phương và các bản viết tay tốt nhất bằng tiếng Latinh chỉ bao gồm phần chính của sách.
Là một cuốn tiểu thuyết tôn giáo, có lẽ được viết ở Aramaic vào thế kỷ thứ II T.C. Kể về một người Do Thái tin kính thuộc chi phái Néptali ở Galilê, cùng với vợ tên Anna và con trai là Tobias, bị Shalmaneser (khoảng 721 T.C, IICác 18:9-12) bắt đưa đến thành Ni-ni-ve. Tại xứ lưu đày họ vẫn tuân thủ luật pháp Do Thái.
Khi Tobit bị mù, Ông sai con trai tới Rages, thuộc xứ Media để thâu nợ. Một thiên sứ đã dẫn anh tới Ecbatana, tại đây anh đem lòng yêu một góa phụ xinh đẹp có liên tiếp bảy đời chồng bị ác thần giết ngay trong ngày cưới.
Tobias đã cưới người góa phụ đồng trinh này và đã thoát khỏi nạn chết bằng cách đốt chảy phần ruột của một con cá, khói bay ra đã khiến ác thần bay xa. Ơn phước thêm ơn phước, mật của con cá này lại được dùng chữa bệnh mù mắt cho Ông Tobit già nua.
Câu chuyện về Judith bằng tiếng Hêbơrơ có lẽ do một người Do Thái ở xứ Palestine viết ra suốt những năm sau cuộc nổi dậy của đảng Maccabee. Chuyện kể về một góa phụ Do Thái tên Judith đã làm cách nào để cứu dân của mình thoát khỏi vòng vây của tướng Holoferners người Asiri đang công hãm thành Bethulia.
Bất kể nguy hiểm cá nhân, Judith đã tìm đường đến trại của Holoferners, dùng sức quyến rũ của mình đánh lừa viên tướng Asiri này. Phục rượu cho Holoferners say mèm, Judith đã lấy gươm của hắn, cắt đầu hắn và mang về thành Bethulia như một bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời đã cho dân Ngài thắng hơn người Asiri. Judith có thể được so sánh với Giaên trong Kinh Thánh, người đã giết tướng Canaan là Sisêra (Quan 4:17-22).
5. Phần Thêm Vào Sách Êxơtê
Vào thế kỷ thứ II hoặc thứ I trước C.N, một người Do Thái gốc Ai-cập đã dịch sách Êxơtê được công nhận sang tiếng Hy-lạp, lúc đó ông ta đã chen vào 107 câu ở sáu nơi mà ông cảm thấy cần thêm vào lời chú giải về tôn giáo.
Các phần thêm đầy vẻ mộ đạo này đề cập đến danh xưng của Đức Chúa Trời và bài cầu nguyện là hai thứ không hề có trong sách Êxơtê kinh điển.
Phần bổ sung của sách Thứ kinh còn thêm 10 câu vào Êxơtê đoạn 10 và sáu chương phụ trội khác, đánh số từ 11 đến 16. Trong bản Bảy Mươi tiếng Hy-lạp, các câu bổ sung lại được phân phối khắp nhằm làm cho lời kể chuyện được liên tục.
6. Sự Khôn Ngoan Của Salômôn
Một người Do Thái tại thành Alexanhdra, trong khoảng thời gian từ 150 đến 50 T.C đã soạn thảo một luận thuyết đạo đức đặt tên là "Sự khôn ngoan của Salômôn" để có được nhiều đọc giả hơn. Mục đích là nhằm bảo vệ người Do Thái ở Ai-cập tránh khỏi chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa vật chất, và thói thờ lạy hình tượng. Ông cũng muốn dạy dỗ những đọc giả người ngoại những lẽ thật của Do Thái giáo cũng như nói về sự rồ dại của tà giáo.
Sách mở đầu bằng lời kêu gọi các bậc cai trị đời này tìm kiếm sự khôn ngoan và đi theo sự công chính. Học thuyết của sách dựa trên Cựu Ước, cộng với một số thay đổi bắt nguồn từ những tư tưởng triết lý của Hy-lạp đang thịnh hành tại thành Alexanhdra thời đó.
Không giống với Cựu Ước và Tân Ước đề cao Thân thể con người, trong "Sự khôn ngoan của Salômôn" tác giả xem thể xác như là một cái gì "trì kéo linh hồn", chỉ đơn thuần là một "căn lều trên đất", "làm tâm trí suy tư bị nặng nề" (9:15). Sự tồn tại tiền kiếp (preexistence) (8:19-20) và sự bất tử của linh hồn được duy trì mặc dầu tín lý Cơ Đốc-Do Thái về sự phục sinh của thân thể không đề cập đến.
7. Ecclesiasticus (Hay Là Sự Khôn Ngoan Của Giêxu, Con Trai Sirach)
Sách Ecclesiasticus, một luận thuyết đạo đức đề cao phẩm chất khôn ngoan, được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ vào giữa những năm 200 và 175 T.C do một học giả tin kính thành Giêrusalem tên là Giêxu, con trai Sirach.
Cháu nội của tác giả, một người Do Thái thành Alexanhdra, đã dịch tác phẩm sang tiếng Hy-lạp và thêm vào phần giới thiệu (132 T.C). và là sách dài nhất của thứ kinh, và là sách duy nhất có tác giả rõ ràng. Giống như sách châm ngôn trong Kinh Thánh, sách Ecclesiasticus này đề cập đến những vấn đề thực tiễn đa dạng, mọi vấn đề từ việc kiêng ăn đến các mối quan hệ trong gia đình!
Phần liên tục dài nhất của sách (từ chương 44 đến 50) là "bài ngợi khen những Nhân vật nổi danh", mà miêu tả vắn tắt tính cách một loạt các danh Nhân người Do Thái từ Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham đến Jerubbabel và Nê-hê-mi, và cuối cùng là thầy tế lễ thượng phẩm Si-môn, một người bạn đương thời của tác giả.
8. Sách Baruch
Sách Baruch, bề ngoài thì có vẻ do một người bạn và là thư ký của Giê-rê-mi (Giê 32:12; 36:4, 51-59) viết, nhưng lại một tác phẩm lắp ghép, chỉ hoàn tất mãi đến thế kỷ thứ I T.C hoặc là sau đó nữa. Mặc dầu bản duyệt sau cùng được viết bằng tiếng Hy-lạp, nhưng có một số đoạn có thể truy nguyên được từ bản chính bằng tiếng Hêbơrơ.
Sách bắt đầu bằng lời cầu nguyện ăn năn, nhận biết những tai họa trên Giêrusalem chỉ là sự báo trả cho những tội lỗi của thành (3:8).
Phần thứ hai của thơ ca giải thích sự bất hạnh của dân Ysơraên là do họ đã làm ngơ trước sự Khôn Ngoan (từ 3:9 đến 4:4), một tác giả có tư tưởng triết lý đã hát ca ngợi sự khôn ngoan này và so sánh sự Khôn Ngoan ngang hàng với luật pháp Đức Chúa Trời (4:1-3).
Phần thứ ba của sách, cũng ở thể thi ca, là một sứ điệp an ủi và hy vọng cho dân Ysơraên khốn khổ, kẻ thù sẽ bị hủy diệt và con cái của Giêrusalem sẽ trở về trong chiến thắng! Baruch là một cuốn sách của thứ kinh mang hơi hướng nảy lửa của các nhà tiên tri trong Cựu Ước mặc dù có sự thiếu sót về nguồn gốc.
9. Thư tín của Giêrêmi
Vào khoảng 300 T.C hoặc sau đó, một tác giả vô danh đã viết một bài giảng đầy nhiệt thành dựa trên sách Giê 11:10, trong đó ông đã bày tỏ sự vô năng của các thần bằng gỗ, bạc và vàng.
Bài giảng này được coi là "Thư tín của Giêrêmi" nguyên thủy được viết bằng tiếng Hêbơrơ (hoặc tiếng Aram) mặc dầu hiện chỉ có bản tiếng Hylạp hoặc những bản dịch từ bản Hy-lạp mà thôi.
Vì có nhiều bản viết tay bằng tiếng Hylạp và Syri cũng như bản tiếng Latinh, đã gắn liền thư tín với sách Baruch, cho nên thư tín này xuất hiện như là chương thứ sáu của sách Baruch trong hầu hết các bản dịch sách thứ kinh Apocrypha bằng tiếng Anh.
Dẫu vậy, thư tín này chẳng có liên quan gì đến sách Baruch cả, trong một vài bản Kinh Thánh cổ còn đặt nó sau sách Ca thương của Kinh Thánh.
10. Lời Cầu Nguyện Của Azariah và Bài Ca Về Ba Chàng Trai Trẻ
(Đây là phần bổ sung cho sách Đaniên, xen kẽ vào giữa đoạn Đa 3:23 và 3:24).
Vào khoảng thời gian nào đó ở thế kỷ thứ II hoặc thứ I T.C, có ba "phần bổ sung" vào sách Đa-ni-ên trong Kinh Thánh đã tồn tại như những sách riêng lẽ của Thứ kinh và được viết bởi những tác giả vô danh.
Phần bổ sung đầu tiên là "Lời cầu nguyện của Azariah và bài ca về ba chàng trai trẻ", có lẽ được một người Do Thái tin kính viết ra bằng tiếng Hêbơrơ trong suốt giai đoạn dân tộc của ông đang chịu khổ sở dưới tay cai trị của Antiochus Epiphanes hoặc trong thời kỳ nổi dậy của dân Maccabee tiếp sau đó.
Trong thử thách phải vô lửa hừng, Azariah đã tiêu biểu cho tinh thần ngợi khen Đức Chúa Trời, xưng nhận tội lỗi của dân sự mình, và cầu nguyện cho sự giải cứu dân tộc.
Thiên sứ của Đức Chúa Trời đã vào lò lửa và dập ngọn lửa nên các chàng trai trẻ đã không bị hề hấn gì. Và từ trong ngọn lửa họ hát bài ca khen ngợi Đức Chúa Trời. Bài ca này gợi nhớ đến Thi-thiên 148 về mặt nội dung, và Thi-thiên 136 về thể cách xướng họa.
11. Sách Susanna
Không rõ bản gốc được viết bằng tiếng Hêbơrơ hay tiếng Hy-lạp. Tác giả vô danh này đã sống vào khoảng thế kỷ thứ II hoặc thứ I T.C, nhưng chúng ta cũng không biết những chi tiết khác về cuộc đời của ông ta. Tuy nhiên, cuốn sách được nhìn nhận là một trong các truyện ngắn vĩ đại của nền văn chương thế giới.
Chuyện kể về hai trưởng lão thiếu đạo đức đã đe dọa tố cáo Susanna, người vợ xinh đẹp của một người Do Thái gốc Babylon danh vọng, rằng nếu nàng không ưng chịu họ thì họ tố cáo đã thấy nàng trong vòng tay của tình nhân. Khi bị cự tuyệt, họ đã tố cáo nàng tội ngoại tình, và bằng chứng từ miệng hai nhân chứng này, nàng bị kết án tử hình.
Tuy nhiên có một thanh niên tên là Đaniên đã cắt ngang vụ án này và đã tra hỏi riêng lẽ hai nhân chứng này. Chàng yêu cầu từng người đến nhận diện gốc cây mà đã bảo là thấy Susanna và người mà họ cho là tình nhân của nàng.
Bị phản cung bởi những câu trả lời không nhất quán của mình, hai trưởng lão tội lỗi này bị kết án tử hình, còn Susanna được thoát chết. Trong bản Bảy Mươi, câu chuyện về Susanna đặt trước sách Đa-ni-ên, còn trong bản Vulgate thì đặt sau.
12. Bel Và Con Rồng
Câu chuyện Bel và con rồng có lẽ được viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ I T.C, bằng tiếng Hêbơrơ, và được dịch giả Hylạp đưa vào sách Đaniên. Trong bản Bảy Mươi, nó tiếp ngay sau sách Đaniên, trong khi ở bản Vulgate, nó đứng sau sách Susanna.
Câu chuyện về Bel là một trong những chuyện trinh thám cổ xưa nhất thế giới. Chuyện kể về vua Cyrus, vua xứ Batư, đã hỏi Đa-ni-ên lý do vì sao Đa-ni-ên không chịu thờ lạy Bel, thần của Ba-by-lôn.
Cyrus kể cho Đaniên nghe về số lượng bột mì, dầu và số cừu mà thần Bel có thể tiêu thụ được mỗi ngày. Đaniên thuyết phục Cyrus tiếp tục đặt các vật phẩm vào đền thờ như mọi khi, sau đó cho đóng và niêm phong các cửa đền thờ. Cùng lúc, Đaniên rắc bụi tro trên nền của đền thờ.
Khi ban mai đến, thực phẩm lại mất đi và trên nền lưu lại vết chân của các thầy tế lễ cùng với vợ và con họ. Những người này ban đêm đã vào trong đền thờ bằng một lối bí mật dưới bàn và tiêu thụ hết các vật phẩm.
Nhà vua, trước chứng cớ của việc lừa dối này, đã ra lệnh xử tử các thầy tế lễ và hủy diệt đền thờ.
"Con rồng" thật ra chỉ là một con rắn mà nhà vua thờ lạy cho đến khi Đaniên giết nó bằng cách cho nó ăn các cục chai, mỡ và tóc.
Dân thành Babylôn, giận dữ vì chuyện thần của họ bị tiêu diệt nên đã yêu cầu xử tử Đaniên. Nhà vua phải miễn cưỡng đồng ý và Đaniên bị đưa vào hang sư tử (6:1-28).
Nhưng con sư tử đó không động đến Đaniên, là người đã được tiên tri Habacúc nuôi sống một cách nhiệm mầu, Habacúc đã được thiên sứ đưa từ Giuđa đến hang sư tử ở Babylôn.
Vào ngày thứ bảy, nhà vua mang Đaniên ra khỏi hang sư tử, đồng thời ném kẻ nghịch với Đaniên vào hang, lập tức, chúng bị sư tử nhai nuốt. Câu chuyện về Bel và con rồng nhằm mục đích giễu cợt sự thờ hình thượng và báng bổ thủ thuật tế lễ tà giáo.
13. Bài Cầu Nguyện Của Manase
Có lẽ do một người Do Thái ở xứ Palestine viết ra vào khoảng 2 thế kỷ cuối T.C. Các học giả cũng chưa xác định sách được viết đầu tiên bằng tiếng Hêbơrơ, Aram hay Hylạp. Bài cầu nguyện được xem là của Manase, vua xứ Giuđa, là người mà theo IISử 33:1-25 đã bị bắt đưa đến Babylôn, tại đó ông đã ăn năn việc thờ hình tượng là điểm đặc trưng cho những năm tháng ông trị vì.
Bài cầu nguyện của Manase được đề cập đến trong sách IISử 33:19, và một người Do Thái mộ đạo hình như đã cố gắng viết như đó chính là bài cầu nguyện mà Manase đã thốt ra.
Manase làm nên lời cầu nguyện đề nghị (33:19) và một người Do thái tin kính đã nỗ lực để viết lời cầu nguyện như vậy khi Manase cầu nguyện.
Bài cầu nguyện là một điển hình cho thể loại cúng tế của Do Thái giáo xưa. Mở đầu bằng lời ngợi khen Chúa, sự oai nghi của Ngài được nhận thấy qua sự sáng tạo (1-4) và sự thương xót của Ngài đối với tội nhân (5-8). Tiếp theo đó là lời xưng tội cá nhân (9-10) và cầu xin sự tha thứ (11-13). Bài cầu nguyện kết thúc bằng lời cầu xin ân điển (14) và lời tôn vinh (15).
14. Sách I Maccabees
Imac là một tài liệu lịch sử giá trị về thời gian 40 năm bắt đầu từ lúc Antiochus Epiphanes lên ngôi vua nước Sy-ri (175 T.C), và chấm dứt bằng cái chết của Simon đảng Maccabees (135 T.C). Sách có lẽ do một người Do Thái ở Palestine viết bằng tiếng Hêbơrơ, khoảng 100 năm trước C.N.
Sách cho ta một tài liệu tốt nhất về cuộc kháng chiến của dân Do Thái chống lại Antiochus, cũng như về các cuộc kháng chiến của người Maccabees mà cuối cùng mang lại độc lập cho xứ Do Thái. Mattathias là thầy tế lễ đã thách thức Antiochus và đã khơi dậy cuộc cách mạng đó.
Sách thuật lại chiến công của ba người con trai của Mattathias: Judas (3:1 đến 9:22) Jonathan (9:23 đến 12:53) và Simon (13:1 đến 16:24).
Lễ hội hằng năm của người Do Thái tổ chức y như mùa Giáng Sinh, nhằm để tưởng nhớ đến việc tái khánh thành đền thờ sau hành động can đảm của người Maccabees. Lễ hội này được Kinh Thánh Tân Ước nói đến như là "Lễ khánh thành đền thờ " (Giăng 10:22).
15. Sách II Maccabees
Là sách song song với bảy chương đầu của I Maccabees, bao gồm giai đoạn từ 175 trước C.N đến 160 trước C.N. sách này được cho là phần lượt giản của bộ lịch sử dài năm cuốn do Jason xứ Cyrene (2:9-23) viết mà lý lịch của Jason này vẫn còn là một vấn đề phỏng đoán.
Còn tác giả của II Maccabees rõ ràng là một người Do Thái sống ở thành Alexanhdra. Ông viết sách này bằng tiếng Hylạp, có lẽ sớm nhất là vào năm 120 trước C.N và trễ nhất là đầu thế kỷ thứ I sau C.N.
II Maccabees so với I Maccabees thì nhẹ chất sử ký nhưng nặng chất tu từ. Sách được viết theo quan điểm của người Pharisi, nhấn mạnh đến khía cạnh phép lạ và huyền diệu, tương phản với chất văn xuôi và khách quan của I Maccabees.