MỤC LỤC
Bạn không bao giờ bước vào sự đắc thắng cho tới khi bạn biết kẻ thù của bạn bị đánh bại!
Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta không đi từ thất bại tới đắc thắng. Chúng ta không đi từ nghi ngờ tới đức tin. Tuy nhiên, Kinh Thánh bảo chúng ta rằng có một con đường đức tin dẫn chúng ta tới đức tin lớn hơn "từ đức tin đến đức tin" (Rô 1:17).
Tương tự như vậy, điểm khởi đầu cho sự đắc thắng của chúng ta không phải là một trong những thất bại nhưng là đắc thắng, sự đắc thắng của Đấng Christ. "Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Chúa Jesus Christ chúng ta "(ICôr 15:57).
Chúng ta phải bắt đầu trong sự đắc thắng, chúng ta sẽ có chiến thắng. Sự nghi ngờ, thất bại và tuyệt vọng không phải là chất liệu để chúng ta có thể xây dựng một đời sống đắc thắng mạnh mẽ.
Chúng ta không bao giờ có thể là kẻ thắng trận khi chúng ta còn tự cho mình là nạn nhân khốn cùng, vô vọng của ma quỷ. Satan không còn có sức mạnh hay uy quyền để đánh bại các con trai và con gái của gia đình Hoàng tộc của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nó có khả năng lừa dối con cái của Đức Chúa Trời nếu họ không hiểu họ là ai trong Đấng Christ.
Khi tôi còn là một tân tín hữu, tôi bày tỏ một nỗi sợ hãi thực sự về bất cứ đều gì thuộc về Satan hay ma quỷ. Tôi không biết sự lo sợ đó đến từ lúc nào và bằng cách gì. Khi còn là một cậu bé, tôi rất thích các nhà truyền đạo và những điều họ đang làm. Có lẽ một vài câu chuyện nói về quyền lực của ma quỷ đã gieo một hạt giống sợ hãi vào trong tâm trí của tôi mà tôi không nhận ra. Về sau nầy, tôi khám phá ra nhiều Cơ Đốc Nhân cũng có cùng một nan đề như tôi.
Tôi được cứu và đầy dẫy Đức Thánh Linh khi tôi còn niên thiếu. Khi tôi tăng trưởng trong Chúa, tôi thật sự khao khát có uy quyền trên quyền lực của ma quỷ. Tôi nói với Chúa rằng nếu bất cứ khi nào tôi gặp ma quỷ, tôi muốn có khả năng đuổi chúng.
Tôi rất lo lắng về việc giữa tôi và tà linh ai có quyền lực lớn hơn, đến nỗi thậm chí tôi còn mơ về sự chạm trán, gặp mặt như vậy. Trong giấc mơ, tôi thấy tôi đang cố gắng đuổi quỷ, nhưng tôi không có đủ khả năng làm điều đó. Vào thời điểm đó tôi rất sợ hãi.
Tuy nhiên, Cha Thiên Thượng thấy sự ao ước của tôi muốn trở thành đứa con mạnh mẽ và trung tín trong gia đình của Đức Chúa Trời. Ngài đã đáp ứng nhu cầu và giải quyết nan đề của tôi một cách kỳ diệu.
Tôi nghĩ Ngài đã có thể sử dụng các thiên sứ mạnh mẽ hoặc ánh sáng lớn để đáp ứng nhu cầu năng quyền cho tôi. Nhưng Ngài đã không làm như vậy! Ngày hôm nay, tôi có quyền lực và uy quyền trên ma quỷ, nhưng nó không đến theo cách mà tôi đã nghĩ. Đức Chúa Trời có đường lối tốt đẹp hơn, một đường lối mà tôi muốn chia xẻ với bạn.
Đức Chúa Trời chọn cách ban quyền năng cho tôi thắng hơn ma quỷ qua sự mặc khải. Trong sự mặc khải, Đức Chúa Trời hay "khải thị" cho chúng ta một lẽ thật trong Kinh Thánh mà chúng ta chưa từng thấy hoặc biết trước đó.
Lẽ thật đó luôn luôn đặt trọng tâm vào Chúa Jesus và lẽ thật đó có quyền năng giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi."Các ngươi biết lẽ thật và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi... Nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do "(Giăng 8:32, 36).
Tôi đã khám phá ra rằng sự mặc khải đã buông tha tôi, cũng sẽ buông tha cho kẻ khác nữa. Lẽ thật sẽ vận hành trong đời sống của họ cũng như đã vận hành trong tôi. Vì vậy, hãy để cho Đức Thánh Linh mở lòng bạn để tiếp nhận Lời của Đức Chúa Trời, và Lời của Đức Chúa Trời đến với lòng bạn.
"Con cái trong cùng một gia đình có cùng cơ thể vật lý tự nhiên như nhau. Vì vậy Chúa Giêxu-như là Người Anh Cứu Chuộc của chúng ta, đã mang lấy thân xác con người.
"Ngài làm như vậy để Ngài có thể chết. Bởi sự chết, Ngài đến gần vùng của sự chết để hủy diệt kẻ có uy quyền của sự chết. Kẻ đó chính là ma quỷ. Chúng ta là nô lệ của sự sợ hãi đó; nhưng bây giờ chúng ta được tự do "(Hêb 2:14, 15).
Chúa Jesus chết để ma quỷ bị hủy diệt. Đây là một lời tuyên bố chắc chắn mạnh mẽ và hoàn toàn chân thật. Dựa vào uy quyền trọn vẹn của Kinh Thánh. Ma Quỷ Bị Hủy Diệt.
a. "Hủy diệt " ở đây không có nghĩa là ma quỷ không còn tồn tại nữa. Nó vẫn còn như chúng ta biết. "Hủy diệt" theo tiếng Hy lạp là Katargeo có nghĩa là
1) làm cho bất lực
2) trở nên vô tích sự
3) Hạ xuống con số không; làm cho không hoạt động được
4) làm mất hiệu quả
5) làm tê liệt
Qua Sự chết của Ngài, Chúa Jesus không chỉ trả án phạt vì tội lỗi của chúng ta, mà Ngài còn làm cho ma quỷ bất lực, hạ chúng xuống con số không và làm tê liệt chúng.
Vì vậy, chúng ta không còn sợ hãi ma quỷ hay sự phán xét theo sau sự chết (9:27).
Qua Sự chết của Ngài, Chúa Jesus cho chúng ta thấy không cần phải sợ những ảnh hưởng thể lý của sự chết. Sự chết không thể hủy diệt linh, hồn của con người. Chúng ta cũng sẽ có một thân thể vinh hiển giống như Chúa chúng ta khi Ngài trở lại bằng quyền năng phục sinh.
"Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết cái nọc của mầy ở đâu? ...Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng nhờ Chúa Jesus Christ Chúa chúng ta "(ICôr 15:55, 57).
Vâng, sự chết và sự sống lại của Chúa Jesus đã giải phóng chúng ta khỏi sự sợ hãi ma quỷ và sự chết.
Ma quỷ đã bị tước đoạt quyền lực của chúng trên đất này. Quyền cai trị của nó trên tạo vật đã bị cất đi bởi sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự. Cây phủ việt hay là biểu hiện uy quyền vua chúa đã bị lấy đi khỏi tay nó. Sau khi đánh bại ma quỷ, Chúa Jesus nắm lấy ngôi cai trị một cách hợp pháp.
Đây là một câu chuyện đầy kinh ngạc, tuy nhiên muốn hiểu được chúng ta phải quay về lúc Sáng thế. Cùng với tôi, chúng ta xem lại điều gì ở trong lòng và tâm trí của Đức Chúa Trời vào lúc bình minh của lịch sử.
"Đức Chúa Trời phán rằng: chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta. Cho chúng cai trị và có quyền quản trị trên cả đất... "(Sáng 1:26).
"Loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Và Con loài người là chi mà Chúa thăm viếng Nó? Chúa làm người kém hơn các thiên sứ một chút... Chúa ban cho con người quyền quản trị tất cả công việc của tay Chúa làm... "(Thi 8:4-6).
"Ngài... đặt mọi vật dưới chân người "(Hêb 2:8).
Những câu Kinh Thánh trên cho chúng ta thấy chương trình của Đức Chúa Trời dành cho Ađam và Eva. Ngài đã ban cho gia đình đầu tiên đó quyền cai trị và quản trị tạo vật.
Họ có uy quyền đối với mọi sinh vật sống trên quả đất. Họ đã cai trị một cách khôn ngoan và tốt lành trong một thời gian. Mọi việc đều yên ổn và ở trong một trật tự tuyệt diệu.
Sư tử và chiên con nằm bên nhau trong sự hòa thuận tuyệt vời. Chẳng có cây gai và cây tật tê. Hoa thơm và cây ăn quả mọc khắp nơi. Đó là một thế giới đáng yêu và tuyệt vời cho cuộc sống. Buồn thay, sự đẹp đẽ tuyệt vời của những ngày đó không kéo dài được bao lâu.
Kinh Thánh cho biết Satan vốn được tạo dựng như một Chê-ru-bin hay thiên sứ xinh đẹp và được xức dầu trước tiên. Có lẽ nó là nhạc trưởng trên thiên đàng. Satan có một tham vọng to lớn muốn cai trị thế giới. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban đặc ân nầy cho Adam và Eva.
Satan bị đuổi khỏi vị trí xinh đẹp, quyền và uy lực trên thiên đàng vì sự kiêu ngạo và chống ngịch. Chúa Jesus phán "Ta trông thấy Satan từ trời sa xuống như chớp "(Lu 10:18Ês 14:12-15; Êxê 28:11-17). cũng xem trong
Kế đến Satan đã xuất hiện trong vườn Êđen trong lốp rắn mỹ miều. Dĩ nhiên lần này nó đến với một mục đích gian ác. Bằng sự khôn ngoan và khéo léo nó tìm cách cướp đi quyền cai trị của Adam và Eva, quyền nhiếp chính mà Đức Chúa Trời ban cho họ đồng quản trị tạo vật.
Lúc bấy giờ Satan không có quyền lực gì đối với các thành viên đầu tiên của gia đình Đức Chúa Trời trên đất. Ađam và Eva có uy quyền hay là quyền lãnh đạo trên mọi tạo vật trong đó có loài rắn. Quyền lực duy nhất mà Satan có đó là quyền gây sự tác động. Tất cả những gì mà Satan có thể làm là tìm cách gây tác động trên hành vi của Adam và Eva bằng lời nói dối và sự lừa dối.
Vì vậy Satan đến với Eva đương khi ở một mình. Bằng phương thức ranh mãnh và tinh vi, nó đã gieo hạt giống nghi ngờ trong lòng bà về tình yêu, sự chân thật và uy quyền của Đức Chúa Trời. Và cuối cùng nó đã làm cho Eva tin rằng Satan là đúng và Lời của Đức Chúa Trời là sai.
Kết quả là bà đã chọn ăn trái của cây tri thức thay vì ăn trái của sự sống. Adam không bị lừa dối, nhưng đã chọn con đường theo vợ cùng sa ngã (ITi 2:14).
1) Mất Sự Che Chở Và Uy Quyền Của Đức Chúa Trời. Họ đã ra khỏi sự che chở và uy quyền của Đức Chúa Trời và làm hư hỏng hình ảnh của Chúa.
2) Mất Quyền Cai Trị. Vì vậy họ mất đi quyền cai trị trên tạo vật của Đức Chúa Trời.
3) Bị Đặt Dưới Một Uy Quyền Mới. Rồi họ phải chịu ở dưới uy quyền của chính Satan.
Satan nhanh chóng chụp lấy cây phủ việt đã bị lấy khỏi tay họ và chiếc mão miện đã rơi khỏi đầu họ. Những biểu tượng của uy quyền giờ đây đã thuộc về Satan một cách hợp pháp.
Ma quỷ đã tiếp quản lấy quyền cai trị thế gian như nó hằng ao ước. Chúng thắng không bằng sức lực, mà bằng sự lừa dối. Quyền cai trị tạo vật của Đức Chúa Trời được chuyển từ tay con người qua cho loài rắn, chính là Satan.
Satan chẳng những lừa dối kẻ khác mà còn lừa dối cả chính mình nữa. Satan nghĩ là nó đúng trong khi nó sai. Nó tin chắc rằng nó đã thắng cả Đức Chúa Trời và con người.
Tuy nhiên, có một phương diện về bản chất tự nhiên của Đức Chúa Trời mà Satan không hề biết đến. Đó là Ân điển.
Ân điển được dựa trên tình yêu không ích kỷ, là tìm cách cứu chuộc những kẻ lạc mất dù cho phải trả bất cứ giá nào. Người ta chỉ chuộc hay mua lại những gì có giá trị.
Đối với mạng sống con người, giá cứu chuộc sẽ phải là sự chết của một người khác, một người được gọi là Con của Đức Chúa Trời! Tôi chắc rằng Satan không bao giờ nghĩ đến việc Đức Chúa Trời đã đi xa đến chỗ ban Con một của Ngài là Chúa Jêsus cho loài người sa ngã. Tuy nhiên móm quà này đã được ban cho trước khi loài người được tạo dựng. Kinh Thánh nói rằng Jesus là "...Chiên con bị giết từ buổi sáng thế "(Khải 13:8). Có nghĩa là Đức Chúa Trời đã biết trước con người sẽ phạm tội và cần có một Đấng Cứu Chuộc. Vì vậy Chúa Jesus được chọn làm công việc nầy trước khi loài người được tạo dựng.
"Anh em phải biết rằng anh em được cứu chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi do tổ phụ truyền lại không phải bằng vật hay hư nát như bạc và vàng. Nhưng anh em được mua lại bằng huyết báu của Đấng Christ, là Đấng Mêsia, dường như huyết Chiên con không tì không vết.
"Đấng Christ đã được định trước từ buổi sáng thế. Ngài đã hiện ra và bày tỏ cho thế gian trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em "(IPhi 1:18-20).
Khi loài người sa ngã, Đức Chúa Trời không đổi ý về kế hoạch cho gia đình hoàng tộc yêu dấu nầy. Ngài vẫn có ý định làm đầy dẫy khắp đất những người con trai và con gái có đời sống phản ánh vẻ đẹp của Ngài.
Qua sự yêu thương và vâng lời của họ, sự vinh hiển của vương quốc Đức Chúa Trời sẽ bao trùm khắp đất như nước bao phủ biển. Và, cây phủ việt sẽ trở về tay con người.
Ngay khi loài người phạm tội và đánh mất địa vị vương quyền, chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời bắt đầu thể hiện. Điều thích thú là chương trình này trước hết được bày tỏ cho chính Satan. Dường như Adam và Eva cũng có mặt ở đó. Tuy nhiên, Lời của Đức Chúa Trời phán trực tiếp với con rắn:
"Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn phán cùng rắn rằng: vì mầy đã làm điều như vậy, mầy sẽ bị rủa sả trong vòng các loài súc vật... Từ giờ trở đi mầy cùng người nữ nầy, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân Người "(Sáng 3:14, 15)(Người: Đức Chúa Trời ám chỉ Chúa Jesus).
"Dòng dõi người nữ" chỉ về gia tộc mà Chúa Jesus sẽ đến trong thân vị con người. Con rắn được bảo là sẽ cắn gót chân Ngài (Jesus), nhưng đó không phải là vết cắn chí mạng. Đó là sự liên hệ đến sự chết và sự phục sinh của Chúa Jesus. Sự chết không giữ được Jesus trong phần mộ!
Dòng dõi (Jesus) nầy nhơn sự chết đã giày đạp đầu con rắn. Đây là vết thương tử vong trên đầu con rắn mà vô phương cứu chữa. Sự thất bại và sự chết của con rắn sẽ là cuối cùng.
Cụm từ "giày đạp đầu rắn" có thêm một ý nghĩa hết sức quan trọng trong chủ đề uy quyền của chúng ta. Chữ "đầu" có ý nghĩa là lãnh đạo, hay quyền cai trị. Phaolô dùng từ nầy để nói về uy quyền và trách nhiệm thuộc linh:
"Bây giờ tôi muốn anh em biết Đầu của người nữ là người nam. Đầu của người nam là Đấng Christ và Đầu của Đấng Christ là Đức Chúa Trời "(ICôr 11:3).
Câu chuyện trong vườn Eđen bây giờ trở nên đầy kịch tính. Đức Chúa Trời nói với ma quỷ rằng một ngày nào đó giòng dõi của người nữ (Jesus) sẽ giành lấy cây phủ việt trong tay chúng. Qua sự hy sinh của Chúa Jesus trên thập tự, con người được cứu chuộc, Satan sẽ bị bại trận, và quyền quản trị sẽ được phục hồi cho gia đình của Đức Chúa Trời.
Con của Đức Chúa Trời, với tư cách Con Người, sẽ giành lại cho những người được cứu chuộc uy quyền cai trị mà con người đã đánh mất vì tội lỗi.
Vương quốc thiên đàng sẽ cai trị thế gian qua những con trai và con gái trong gia đình của Đức Chúa Trời. Chúa Jesus, là người Anh Cứu Chuộc của chúng ta, là "anh cả" của gia đình vinh hiển nầy. Qua Ngài chúng ta có sự đắc thắng vĩnh cửu.
Chủ đề về sự cai trị công bình được phục hồi qua dòng dõi Hoàng gia của Đức Chúa Trời có thể được tìm thấy suốt trong Kinh Thánh. Hãy nghe Phaolô nói với Hội thánh Galati.
"Khi kỳ hạn đã đến, Đức Chúa Trời bèn sai con Ngài sanh ra bởi một người nữ và sống dưới luật pháp. Bằng cách nầy chúng ta được mang trở về gia đình của Đức Chúa Trời và làm con thực sự của Ngài.
"Vì anh em là con nên Ngài đã sai Đức Thánh Linh vào lòng chúng ta. Từ trong tấm lòng của chúng ta, Đức Thánh Linh kêu lên: Lạy Cha, Lạy Cha kính yêu. Chúng ta không còn là tôi mọi nữa nhưng là con yêu của Đức Chúa Trời. Là con của Ngài, mọi vật thuộc về Ngài bây giờ cũng thuộc về chúng ta nữa "(Ga 4:4-7).
Rõ ràng Phaolô đang liên kết sự giáng sinh của Chúa Jesus với lời hứa về một dòng dõi trong Sáng 3:15. Jesus Christ đến thế gian, sanh ra bởi một người nữ.
Ngài đến vì mục đích cứu chuộc nhân loại và phục hồi địa vị uy quyền trong gia đình của Đức Chúa Trời. Chúa Jesus đã làm trọn lời tiên tri đã được công bố cho con rắn trong vườn Eđen. Khi kỳ hạn đã đến, bởi thập tự giá của Đấng Christ, Satan bị đánh bại và bị truất phế.
Uy quyền mà Satan đã khôn khéo chiếm được từ gia đình đầu tiên nay trả lại cho những con trai và con gái được chuộc của Đức Chúa Trời.
Lẽ thật nầy giúp chúng ta hiểu được điều gì đã xảy ra trong sự cám dỗ Chúa Jesus khi Ngài bắt đầu chức vụ trên đất. Trước nhất ma quỷ tìm cách thách thức uy quyền thiêng thượng của Chúa Jesus bằng cách chất vấn quyền Con thiên thượng của Ngài "nếu Ngài là con của Đức Chúa Trời..." (Mat 4:3).
Tuy nhiên đây là sự cám dỗ sau cùng mà Ma quỷ đưa ra vấn đề uy quyền và quyền cai trị làm trọng tâm.
"Kế đó ma quỷ đem Ngài lên núi rất cao. Nó chỉ cho Ngài các vương quốc thế gian và sự vinh hiển của các nước đó. Đoạn nó nói với Ngài: Nếu ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy ".
"Nhưng Chúa Jesus phán cùng nó rằng: Hỡi quỷ Satan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và chỉ hầu việc một mình Ngài thôi. Ma quỷ liền bỏ đi, liền có thiên sứ đến và hầu việc Ngài "(4:8-11).
Thật thích thú khi lưu ý ở đây là chúng ta ở dưới quyền của người mà chúng ta thờ phượng. Thực ra, những gì chúng ta tôn thờ sẽ trở thành uy quyền của chúng ta. Điều mà ma quỷ thực sự muốn nói là "Nếu ngươi ở dưới quyền của ta, ta sẽ cho ngươi làm lãnh đạo các vương quốc thế gian". Chúa Jesus đã nhận ra sự lừa dối và đã từ chối.
Có một điểm quan trọng khác ở đây cho chúng ta hiểu biết thêm về đề tài nầy.
Lời đề nghị của Satan có thật không? Satan thực sự có uy quyền đó để ban cho không?
Nếu nó không có, thì lời đề nghị của nó với Chúa Giêxu là vô giá trị. Như vậy không có sự cám dỗ thực sự nào cả.
Nếu tôi nói với bạn "Nếu bạn sấp mình xuống và thờ lạy tôi, tôi sẽ cho bạn 10 triệu đôla ", hầu hết các bạn sẽ cười. Tại sao? Bởi vì bạn biết tôi không có số tiền như thế. Đó không phải là sự cám dỗ thật sự.
Nhưng đối với Chúa Jesus thì không. Sự cám dỗ của Ngài là thật. Ma quỷ đang đề nghị với Chúa Jesus một con đường để tránh khỏi thập tự giá, nhưng với cái giá phải trả là sự không vâng lời Cha Ngài trên thiên đàng. Phải có năng lực thực sự mới chống lại được sự cám dỗ này. Sự tranh chiến của Chúa Jesus với những sự cám dỗ này thật quá căng thẳng đến nỗi các thiên sứ phải đến để trợ giúp Ngài.
Vâng, ở thời điểm đó Satan thật sự có quyền cai trị các vương quốc thế gian. Đó là uy quyền mà nó đã lấy từ Ađam khi người không vâng lời Đức Chúa Trời trong vườn Êđen. Khi Ađam và Eva vâng theo sự nói dối của ma quỷ, đó là lúc họ ở dưới quyền của Satan và đánh mất uy quyền của chính họ.
Đó cũng chính là uy quyền và sự cai trị mà Chúa Jesus đã đến để giành lại cho những người thực sự tôn thờ Đức Chúa Trời. Chúa Jesus biết điều đó, và Satan cũng biết. Đức Chúa Trời đã phán với Satan về điều đó trong vườn Eđen. Từ lúc đó, Satan cố gắng hủy diệt dòng dõi mà dòng tộc hoàng gia sẽ sinh ra.
Nó cố hủy diệt Chúa Jesus khi Ngài giáng sinh. Nó đã khuấy động vua Hêrốt giết chết tất cả các em bé từ hai tuổi trở xuống. Chỉ có người bị quỷ ám mới làm chuyện gian ác như thế.
Sau đó Satan làm gì nữa? Nó tìm cách để tiêu diệt Chúa Jesus, dòng dõi của người nữ. Satan biết rằng khi Chúa Jesus thành người, sẽ có một trận chiến để giành lại thế lực và uy quyền là tài sản của nó kể từ khi loài người sa ngã.
Khi việc sử dụng quyền lực bị thất bại, ma quỷ cố gắng làm cho Chúa Jesus phạm tội, cũng y như cách mà nó đã cám dỗ Ađam và Êva. Nó cố làm cho Ngài xa cách khỏi ý muốn và lời của Cha Ngài và hy vọng Chúa Jesus sẽ hành động theo quyền lợi tư kỷ của Ngài.
Phải, Satan biết rằng Chúa Jesus Christ là "dòng dõi của người nữ" là Người sẽ lấy đi quyền cai trị, là quyền để thống trị của nó. Lời đề nghị của Satan về quyền cai trị thế gian là một cố gắng để tránh tổn thất bằng cách trước tiên đặt Chúa Giêxu dưới sự kiểm soát của nó.
Trong lúc Satan biết rằng vương quốc và quyền lực của nó bị Chúa Giêxu đe dọa, có lẽ nó cũng không biết cách thức và phương tiện mà Chúa Jesus sử dụng để đánh bại nó.
Sứ đồ Phaolô nói với chúng ta rằng các vua chúa hay kẻ cầm quyền thế gian này không thể hiểu được chương trình cứu chuộc loài người qua thập tự giá.
"Trong những người cai quản đời này chẳng ai từng biết sự đó, bởi chưng nếu đã biết thì họ chẳng đóng đinh Chúa vinh hiển trên thập tự đâu "(ICôr 2:8).
Vì Kinh Thánh gọi ma quỷ "...Chúa của thế gian nầy " (IICôr 4:4) Hầu hết các học giả Kinh Thánh tin rằng ICôr 2:8 chỉ về ma quỷ và các vua chúa cầm quyền của nó.
Các nhà cai trị trên đất là những kẻ đại diện hầu việc chúa quỷ. Các chúa quỷ và thế lực núp sau các nhà cầm quyền thế gian không biết gì về quyền năng và mục đích của thập tự giá.
Chúa Jesus hoàn toàn biết rằng Ngài phải chịu đau đớn trước khi được vinh hiển (Lu 24:26). Ngài là "Chiên con bị giết từ buổi sáng thế "(Khải 13:8). Đồi Gôgôtha và thập tự giá phải đi trước vương quốc và mão triều thiên. Lời đề nghị của Satan về quyền cai trị thế gian sẽ là một sự cám dỗ đối với Jesus để cai trị thế gian mà khỏi phải chịu đau đớn và chịu khổ trên thập tự giá.
Thập tự có quyền năng cứu chuộc con người, phục hồi địa vị uy quyền thiêng thượng đã được thiết lập cho họ. Đây là lẽ thật kỳ diệu xuyên suốt Kinh Thánh. Chúng ta cũng đã thấy kế hoạch của Đức Chúa Trời cho một chiên con bị giết (như là một của lễ chuộc tội) là mục đích của Ngài trước khi thế gian bắt đầu.
Lễ Vượt Qua đóng một phần quan trọng trong việc giải phóng dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ tại xứ Êdiptô. Họ đã chịu đựng cảnh nô lệ trong 400 năm. Đức Chúa Trời đã dùng Môise đem họ ra khỏi sự thống trị của người Ai cập.
Ma quỷ linh cảm được điều nầy, khiến cho Pharaon ra lệnh giết tất cả con trai sơ sinh của người Israel (Xuất 1:15, 16), việc nầy đã thực hiện trước sự giáng sinh của Chúa Jesus 14 thế kỷ.
Có một điểm chúng ta cần lưu ý, vua Pharaon đội vương miện bằng vàng, phía trước có mang hình rắn hổ mang, một loài rắn cực độc, sẵn sàng tấn công và gây chết chóc. Điều nầy cho chúng ta hiểu rằng Pharaon và dân chúng trong vương quốc của ông ở dưới sự thống trị của Satan.
Đây là một hình ảnh chính xác cho biết rằng thế gian đã sống như thể nào trước khi Chúa Jesus đến. Chúng ta là nô lệ của tội lỗi, ở trong sự kiềm chế và ở dưới sự cầm quyền của ma quỷ.
Kẻ Hủy Diệt. Qua Môise, Đức Chúa Trời bảo mỗi gia đình Do thái phải giết một con chiên, lấy máu của nó bôi lên khung cửa ra vào. Đoạn Môise nói:
"Khi Đức Chúa Trời đi qua trong xứ đặng hành hại dân Êdiptô, Ngài sẽ thấy huyết nơi mầy và hai cây cột cửa. Thì Đức Giê-hô-va vượt qua các cửa đó. Ngài sẽ không cho phép kẻ hủy diệt vào nhà các ngươi đặng hành hại con đầu lòng của các ngươi "(Xuất 12:23).
Satan là "kẻ hủy diệt". Từ lúc loài người sa ngã đến sự phục sinh của Chúa Jesus, quyền sự chết nằm trong tay ma quỷ. Trong sách Khải 9:11 nó được gọi là Abaddon (tiếng Hê-bơ-rơ) và Apolyon (tiếng Hy-lạp). Cả hai từ nầy có nghĩa là "kẻ hủy diệt". Chúa Jesus nói "Kẻ trộm (ma quỷ) chỉ đến để cướp, giết và hủy diệt" (Giăng 10:10).
Triều đình Pharaon từ chối lời cảnh báo của Đức Chúa Trời và vì vậy Ai cập phải đương đầu với sự trừng phạt khủng khiếp. Qua sự trừng phạt đó chúng phải để cho dân Israel được rời khỏi xứ.
Đêm "vượt qua" đó, Đức Chúa Trời đã sử dụng quyền sự chết của ma quỷ cho mục đích riêng của Ngài. Thực sự đó là một đêm kinh hoàng, một đêm chết chóc và hủy diệt.
Sự Bảo Vệ. Sự hiện diện của Chúa đã bảo vệ những ai ở "trong huyết" khỏi kẻ hủy diệt.
Khi Đức Chúa Trời trông thấy huyết trên khung cửa, chính Ngài sẽ "vượt qua" cửa đó. Sự hiện diện của Ngài che khuất gia đình và những người trong đó và gìn giữ họ khỏi bị tàn hại.
Người ta tự hỏi không biết mỗi thành viên trong gia đình cảm nhận như thế nào khi bóng của tử thần lan khắp đất vào chiều tối đêm đó. Có lẽ tác giả Thi thiên đã bày tỏ một cách tuyệt vời trong thơ ca của họ nhiều thế kỷ sau:
"Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng. Tôi nói về Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là nơi nương náu tôi và là đồn lũy tôi tôi, cũng là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy nơi Ngài. Ngài sẽ giải cứu ngươi khỏi bẫy chim và khỏi dịch lệ độc hại.
"Ngài sẽ lấy lông Ngài che chở ngươi, và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ được nương náu mình... ngươi sẽ chẳng sợ hoặc sự kinh khiếp ban đêm hoặc tên bay ban ngày...
"Sẽ có ngàn người sa ngã bên ngươi, và muôn người sa ngã bên hữu ngươi. Song tai họa sẽ chẳng đến gần ngươi. Ngươi chỉ lấy mắt mình nhìn xem, và sẽ thấy sự báo trả cho kẻ ác "(Thi 91:1-8).
Vâng, đối với dân Israel, sự bảo vệ khỏi kẻ hủy diệt trong đêm hãi hùng đó là huyết, huyết của chiên con hoàn hảo. Huyết đó được bôi trên mày cửa có hình thập tự. Đó là dấu hiệu của sự chết, nhưng cũng là cánh cửa của sự sống.
Một bức tranh về sự cứu rỗi mới sống động làm sao! Jesus là Chiên Con của Đức Chúa Trời làm lễ chuộc tội cho chúng ta, và thập tự của Ngài trở thành cánh cửa để vào sự sống vĩnh cửu.
Quả thật, huyết và thập tự giá cung cấp cho chúng ta tất cả sự bảo vệ cần thiết để chống lại các thế lực của ma quỷ. Quyền lực của ma quỷ trên đời sống của chúng ta đã bị bẻ gãy tại thập tự giá. Đấng Christ đã chiến thắng và chúng ta không còn sợ hãi nữa.
Sau khi phục sinh, Chúa Jesus đã đặt những lẽ thật nầy trong những lời sau đây: "Tất cả các quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy hãy đi dậy dỗ muôn dân... " Và nầy là lời chắc chắn: Ta sẽ ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế " (Mat 28:18-20).
Chữ "quyền phép" có nghĩa là quyền để cai trị, nhận lấy uy quyền và có quyền quản trị. Bây giờ, nếu Chúa Jesus có đầy đủ tất cả uy quyền và quyền cai trị, điều đó có nghĩa là ma quỷ chẳng còn gì cả.
Qua sự chết của Ngài tại thập tự giá, Chúa Jesus đã truất ngôi ma quỷ và cất khỏi nó quyền sự chết. Chúa Jesus mạnh mẽ bày tỏ lẽ thật nầy một lần nữa qua khải tượng thiên đàng cho Sứ đồ Giăng.
"Đừng sợ chi, Ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng. Ta đã chết, kìa nay, Ta sống đời đời. Ta cầm chìa khóa (uy quyền) của sự chết và âm phủ "(Khải 1:17, 18).
Không những Chúa Jesus có đủ quyền lực và uy quyền mà Ngài còn ban uy quyền đó cho các môn đồ của Ngài trong mọi thời đại!
"Bảy mươi môn đồ trở về cách vui vẻ, thưa rằng: Lạy Chúa vì danh Chúa, các quỷ cũng phục chúng tôi.
"Chúa Jesus phán rằng: Ta thấy quỷ Satan từ trời sa xuống như chớp. Và nầy ta ban uy quyền cho các ngươi trên mọi quyền của kẻ địch. Các ngươi có quyền giày đạp bò cạp và rắn (các quyền lực của ma quỷ) dưới chân; không gì làm hại các ngươi được "(Lu 10:17-19).
"Vậy kẻ tin sẽ được những dấu lạ nầy; lấy danh ta mà đuổi quỷ "(Mác 16:17).
"Hãy phục Đức Chúa Trời. Hãy chống trả ma quỷ và nó sẽ lánh xa anh em "(Gia 4:7).
Phải, chúng ta là con trai và con gái trong gia đình của Đức Chúa Trời. Chúng ta có đặc quyền và uy quyền trong danh Dấng christ. Vậy tại sao nhiều Cơ đốc nhân có đời sống thất bại? Sự đắc thắng của chúng ta trong Christ ở đâu? Lời thì nghe hay đấy, nhưng đâu là hành động của chúng ta?
Câu trả lời có thể tìm thấy trong một trong các thư tín của Sứ đồ Phierơ. Ông đang viết cho những ai sớm đương đầu với thất vọng ghê gớm và thử thách gay go. Những lời của ông hết sức riêng tư, đầy quyền năng và thực tế:
"Hãy tỉnh thức và cẩn thận. Kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống đi rình mò chung quanh anh em, tìm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó "(IPhi 5:8-9).
Chúng ta lưu ý câu Kinh Thánh trên. Phierơ không nói ma quỷ là sư tử rống nhưng nói rằng ma quỷ đi rình mò chung quanh như một con sư tử rống. Nói một cách khác, ma quỷ có hành vi giống như sư tử. Tóm lại nó chỉ là một con sư tử giả, hoặc theo ngôn ngữ Tàu gọi là "cọp giấy".
Ai là sư tử thật? Jesus Christ!
Trong Kinh Thánh có nói về Ngài như "sư tử của chi phái Giuđa " (Khải 5:5). Bởi vì chúng ta ở trong Ngài, và Ngài ở trong chúng ta, chúng ta cũng có thể chia xẻ "tính chất sư tử" của Ngài. Chúng ta là những người theo Chúa Jesus sẽ trở nên giống như "sư tử".
"Kẻ ác chạy trốn dù không ai đuổi theo. Nhưng người công bình mãnh dõng như một sư tử "(Châm 28:1).
"Khi chúng thấy sự dạn dĩ của Phierơ và Giăng, biết rõ rằng ấy là người dốt nát không học, thì lấy làm lạ; lại nhận biết hai người từng ở với Chúa Jesus "(Công 4:13).
Chúng ta muốn nói gì? Đơn giản như thế nầy: Ma quỷ chỉ có quyền trên đời sống của chúng ta khi chúng ta cho phép nó. Nó không còn có uy quyền để điều khiển thái độ và hành động của chúng ta theo mục đích riêng của nó.
Tuy nhiên, nó sẽ có quyền đó khi chúng ta cho phép chúng. Nó không thể khuất phục chúng ta như nó đã khuất phục Ađam và Eva. Nó tìm cách để lừa dối chúng ta như đã từng làm với Ađam và Eva.
Ma quỷ không phải là sư tử thật. Tuy nhiên tiếng rống của nó là rất lớn và rất lâu. Một tiếng rống thì không thể cắn, nhưng chỉ làm cho bạn sợ.
Nếu chúng ta tháo lui mỗi lần nghe tiếng ma quỷ rống, chúng ta sẽ không bao giờ học cách đứng vững trong đức tin và chống cự lại nó. Nếu chúng ta không bao giờ chống trả lại ma quỷ, chúng ta sẽ không bao giờ thấy được phần đuôi của ma quỷ.
Một nhà truyền đạo ở Phi Châu kể một câu chuyện về sư tử. Khi sư tử đi săn mồi, chúng rất ranh mãnh. Tất cả những con sư tử trẻ và mạnh tập hợp dưới gió của đàn thú vật mà chúng sẽ tấn công. Bằng cách nầy, súc vật sẽ không đánh được hơi sư tử.
Những con sư tử già, răng đã rụng, không thể chạy nhanh để bắt mồi sẽ nằm ở đầu gió để tiếng rống và hơi thở của chúng hù dọa súc vật. Những con thú nào sợ tiếng rống, sẽ chạy về hướng các con sư tử trẻ.
Những con thú nào "chạy tới chỗ có tiếng rống" sẽ được an toàn vì các sư tử già không thể làm hại chúng. Những con thú nào sợ tiếng rống mà chạy sẽ rơi vào bẫy và bị thương hoặc bị giết bởi các con sư tử trẻ.
Vấn đề quá rõ ràng rồi! Đừng chạy khỏi kẻ thù là ma quỷ và tiếng rống của nó. Hãy chạy thẳng đến tiếng rống. Hãy chống trả nó và nó sẽ trốn khỏi các bạn.
Ma quỷ rống vào đời sống hàng ngày của chúng ta bằng cách nào? Nó rống qua tư tưởng và cảm nghĩ của chúng ta. Nó gieo hạt giống nghi ngờ và sợ hãi vào trong mảnh đất lòng và tâm trí của chúng ta. Nếu nó có thể quyến dụ chúng ta chăm sóc và nuôi dưỡng những hạt giống nầy, nó sẽ tăng trưởng thành cây to. Khi điều đó là hiện thực, đời sống Cơ Đốc của chúng ta có thể bị yếu đuối hoặc thậm chí bị tiêu diệt.
Có đủ loại hạt giống mà ma quỷ dùng để gieo: hạt giống nghi ngờ, hạt giống sợ hãi, không vâng lời, tham lam, dục vọng, ghen tị, kiêu ngạo, nóng giận, phật ý, tự thương hại mình và nhiều loại nữa.
Nó cố gieo đi gieo lại cho tới khi một hạt nào đó đâm rễ và mọc lên. Một khi rễ đã bám sâu thì khó mà nhổ cây được.
Ma quỷ có thể lừa dối chúng ta với suy nghĩ xem đó chỉ là chuyện bình thường trong đời sống. Rồi chúng ta nhượng bộ và dung chịu nó, dầu có làm thương tổn chúng ta và những người khác. Khi chúng ta làm như vậy, kẻ thù đã kiểm soát một phần đời sống của chúng ta, mặc dù nó không có quyền.
Cơ Đốc Nhân tỉnh thức sẽ đứng vững trong đức tin và chống trả ma quỷ bằng cách nào? Bằng cùng một phương thức mà Chúa Jesus đã làm trong lúc Ngài còn trên đất:
1) Bằng uy quyền của Lời Đức Chúa Trời.
2) Bằng quyền năng của Đức Thánh Linh.
Chúng ta biết rằng ma quỷ không còn quyền cai trị hay có thẩm quyền trên đời sống chúng ta. Cây trượng đang ở trong tay của Chúa Jesus chứ không phải trong tay kẻ thù. Còn chúng ta, bởi Thánh Linh, công bố trong đức tin "CHÚA GIÊXU LÀ CHÚA", Satan phải quỳ gối và cúi đầu: chính các thế lực của ma quỷ phải đau đớn run sợ khi chúng ta đương đầu với chúng trong danh toàn năng của Chúa Jesus.
Khi chúng ta đầu phục và ở dưới uy quyền của Lời Đức Chúa Trời và Thánh Linh Chúa, uy quyền đó sẽ đến trên chúng ta. Đoạn chúng ta sẽ nói lời đó như sau:
1) Lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời;
2) Lời công bố bằng môi miệng
3) Lời Quở trách trên ma quỷ.
Chính Đức Thánh Linh sẽ vận hành để làm mạnh mẽ những lời đó và kẻ thù trốn chạy, cùng với các tư tưởng và cảm nghĩ dối trá của nó.
Chúng ta đầu phục Đức Chúa Trời bằng cách làm đầy dẫy trong tâm trí chúng ta Lời của Ngài và trong tấm lòng chúng ta bằng sự cầu nguyện. Những tư tưởng tiêu cực, gian ác và sai quấy mà kẻ thù gieo vào tâm trí của chúng ta phải được thay thế bằng tư tưởng tích cực, tốt lành và đúng đắn đến từ Lời của Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh phán chúng ta có thể "lấy điều thiện thắng điều ác" (Rô 12:21). Mỗi khi ma quỷ tìm cách thúc đẩy chúng ta vào trong đường hướng sai trật, chúng ta cần đẩy lùi nó trở lại bằng lẽ thật và quyền năng của Lời Đức Chúa Trời, gấp hai lần dù phải khó khăn.
Đúng vậy, chúng ta không thể xem thường hay coi nhẹ khả năng của ma quỷ. Nó rất tinh ranh và mạnh mẽ. Nếu không có Thánh Linh Chúa và Lời của Ngài chúng ta sẽ thất trận. Satan có thể làm tổn hại chúng ta bất cứ lúc nào. Kinh Thánh nói rằng chúng ta luôn cảnh thức với các mưu chước và bẫy lưới của ma quỷ (IICôr 2:11).
Tuy nhiên, trong khi chúng ta phải để ý tới ma quỷ, chúng ta không nên sợ nó. Thực tế, chúng ta có thể chống lại nó một cách mạnh dạn trong danh Chúa Jesus toàn năng và được bảo đảm đắc thắng.
Kẻ thù của chúng ta tuy có rống to, nhưng đó chỉ là sự lừa phỉnh. Nó giả vờ như kẻ không hề bị thương tích và thách thức nhạo báng danh Chúa Jesus mong làm cho chúng ta bỏ cuộc. Nếu chúng ta đáp lại bằng tiếng cười đắc thắng của đức tin và đẩy mạnh tiến công, nó sẽ sợ hãi trốn chạy.
Có thể nói rằng mọi thánh đồ đầy dẫy Thánh Linh nên có một ân tứ khinh miệt đối với ma quỉ. Nó rất kiêu ngạo và rất ghét bị xem thường. Khi chúng ta thật sự biết chúng ta là ai trong Chúa Jesus Christ, chúng ta đang ở trong địa vị cao trọng và kẻ thù thật sự dưới chân chúng ta.
Tôi tin Martin Luther đã đến một mức độ trong đức tin khiến ông có thể nhận định về ma quỷ theo cách này. Câu chuyện được kể rằng trong một đêm nọ ông bị đánh thức vào lúc giữa đêm. Không có ngọn nến nào trong phòng của ông. Khi ông trở mình trên chiếc giường nhỏ, ông trông thấy ma quỷ đang đứng ở góc phòng.
Bây giờ, bạn sẽ làm gì nếu bạn thức giấc nửa đêm và trông thấy Satan tới viếng bạn? Tôi đã hỏi một anh bạn câu hỏi tương tự như vậy, anh ấy trả lời: "Tôi sẽ gọi một người truyền đạo!"
Câu trả lời của anh bạn tôi vẫn không phải là câu trả lời hay nhất. Câu trả lời của Martin Luther hoàn toàn khác biệt. Ông đơn giản nói với ma quỷ: "Ồ, ngươi đó à!" đoạn lăn qua và bắt đầu ngủ lại.
Một người bạn thân của tôi kể lại một kinh nghiệm cá nhân để chỉ cho chúng ta cách thực hành các nguyên tắc nầy. Sau đây là câu chuyện:
"Khi tôi còn là một tân tín hữu, Đức Chúa Trời đã chữa lành cho tôi cách tuyệt vời và tôi luôn được khỏe mạnh.
"Vào một ngày nọ khoảng mười năm về trước, tôi chợt cảm thấy vô cùng đau đớn trong phần thân thể trên của tôi.
"Cơn đau trở nên khốc liệt, và tôi nghe tiếng của ma quỷ bảo tôi rằng "ung thư, ung thư, ung thư" trong suốt sáu giờ liền tôi chỉ nghe tiếng "ung thư, ngươi bị bệnh ung thư rồi". Tôi hết sức hãi hùng.
"Cuối cùng tôi đến với Chúa trong sự cầu nguyện: "Lạy Chúa, con có bị ung thư không?" Chúa không trả lời tôi. Một lần nữa tôi kêu cầu "Lạy Chúa con có bị ung thư không?" Đoạn tôi nghe Chúa cười. Ngài cười thật sự. Ngài chỉ cho tôi rằng tôi quá ngu dại và bị ma quỷ lừa gạt. Satan gieo hạt giống phỉnh dối trong lòng tôi.
"Một lần nữa tôi lại nghe tiếng "ung thư". Lần nầy tôi trở nên nóng giận, đứng dậy, bảo với ma quỷ rằng: "Nầy quỷ sứ, ta đánh ngươi bằng bệnh ung thư đó!". Sau đó, cơn đau chấm dứt và không bao giờ trở lại trong đời sống của tôi. Đây là Lời của Đức Chúa Trời các bạn ạ. Điều nầy là thật.
Phải, đức tin vùng dậy và chống trả, nhưng sự vô tín thì đầu hàng và chấp nhận lời nói dối của ma quỷ.
Tôi chợt nhớ đến một con két nhỏ ở Trường Kinh Thánh tại Áchentina. Tên của nó là Arturo. Nó được mang tới trường từ lúc nó còn là một chú chim bé bỏng. Người ta cột chân nó vào cây sào bằng một đai da nhỏ.
Khi Arturo lớn lên thành một chú chim tầm cỡ, nó có thể vươn đôi cánh và cố bay lên trời. Tuy nhiên nó không thể bay xa hơn sợi dây buộc, nó đành bay trở lại và đậu lên sào. Arturo tiếp tục bay tới bay lui trong nhiều tháng. Một ngày kia, cuối cùng nó đành bó tay, xếp đôi cánh lại lần chót và không bao giờ cố gắng bay nữa.
Lúc bấy giờ, chiếc đai da được cắt. Nó thực sự được tự do để bay về các tầng trời như bao loài chim khác, nhưng nó không biết điều đó. Nó bị lừa dối và không tin hay chấp nhận tự do. Vì thế, câu chuyện kết thúc hơi buồn.
Nếu chúng ta có thể đặt lẽ thật về sự tự do vào trong bộ óc nhỏ bé của nó, thì Arturo có thể còn sống cho đến ngày hôm nay. Một người giúp việc hung dữ cầm cây gậy đến sau chú chim và với một hành động điên rồ mà hắn đã gây ra. Chú chim vẫn tưởng rằng mình không bao giờ bay tránh được, nên không cố tránh thoát, và bị đập chết!
Thật bi thảm biết bao khi câu chuyện thật này lại liên quan đến một số người trong chúng ta là những Cơ đốc nhân! Tại nơi thập tự, Chúa Jesus Christ, Sư Tử của chi phái Giu-đa, đã đánh bại ma quỷ và tước đoạt mọi quyền lực của nó. Chúng ta được tự do khỏi sự cai trị của Satan và được ban cho một địa vị có uy quyền trong hoàng gia Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên nhiều người quá quen sống trong sự sợ hãi, nghi ngờ và thất bại, khiến họ không thể chấp nhận sự tự do là điều thuộc về họ cách hợp pháp. Họ đã cho phép kẻ đã bị Chúa Jêsus hủy diệt, nay hủy diệt họ.
Hãy chỗi dậy và bay đi, hỡi con người bị áp bức! Các từng trời đang nhìn xem và ngạc nhiên khi thấy bạn chịu thua kẻ mà lẽ ra bạn phải trống trả. Sợi dây cột trói đã bị cắt đứt rồi, hãy tự do bay đi!
Hỡi bạn đọc yêu dấu, có lẽ tấm lòng của các bạn bị đụng chạm bởi những lời của lẽ thật nầy. Vì đây là lần đầu các bạn tin rằng cuộc đời có thể sẽ đổi khác. Và đó là sự thật, số phận của bạn không phải cứ mãi như thế đâu. Nhiều chuyện có thể đổi thay, và các bạn có thể dự phần trong sự thay đổi đó.
Bạn không phải nhượng bộ hay chịu thua các lời nói dối của ma quỷ. Trong Chúa Jesus Christ bạn có uy quyền để đứng vững và chống trả lại các cuộc tấn công của nó trên tấm lòng và tâm trí bạn.
Bạn là con trai hoặc con gái trong gia đình yêu dấu của Đức Chúa Trời. Chúa thực sự yêu bạn và muốn bạn cầm chặt cây phủ việt trong tay và công bố sự tự do thuộc về bạn cách hợp pháp. Bạn không còn lùi bước vì sợ hãi và đầu hàng trong nhục nhã. Chúa Jesus đến để giải phóng bạn, và người nào được Chúa Giêxu giải phóng sẽ được tự do thực sự.
"...ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ "(Gia 2:19).Các thế lực của ma quỷ sẽ sợ hãi khi bạn đứng vững và công bố uy quyền của Chúa Jesus.
Chính ma quỷ sẽ quỳ gối và cúi đầu vì Đấng Christ đã đắc thắng. Quyền lực của kẻ thù bị bẻ gãy đời đời. MA QUỶ ĐÃ BỊ TIÊU DIỆT!
Trong chương 1, tôi muốn chỉ cho bạn biết Đấng Christ đã thắng Satan thể nào (làm cho nó bất lực) đồng thời ban cho chúng ta uy quyền trên ma quỷ và từ nay chúng ta được tự do, không còn sợ hãi chúng nữa.
Là Cơ Đốc Nhân hầu hết các nan đề của chúng ta không phải đến từ các tà ma hay ma quỷ. Mà chúng ta đang đối diện với nan đề bên trong chúng ta. Kẻ thù "bên trong" của chúng ta là xác thịt hay sự ham muốn ích kỷ. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề nầy trong một chương khác.
Kẻ thù "bên ngoài" của chúng ta là ma quỷ và các tà ma của nó. Chúng ta sẽ xử lý với các kẻ thù "bên ngoài" trong chương nầy.
Trong chương trước, chúng ta thấy sự đắc thắng của thập tự mang đến sự thất bại cho ma quỷ như thế nào. Quyền cai trị của nó trên những người "được tái sanh" bị cất đi. Ma quỷ không còn có uy quyền hay năng lực nào trên đời sống của chúng ta nữa.
Chúng ta là con trai và con gái trong gia đình toàn năng của Đức Chúa Trời. Đấng Christ và gia đình của Ngài được chọn để cai trị và cai quản CẢ thế gian. Đây là định mệnh và sự kêu gọi thiêng thượng của chúng ta. Chúng ta đang được huấn luyện và chuẩn bị để cai quản và trị vì với Đấng Christ.
Thế lực duy nhất mà Satan có hiện giờ là khả năng gây ẢNH HƯỞNG. Nó vẫn cố gắng lừa dối qua các lời nói dối, hành động và các điềm lạ Nó tìm cách thuyết phục các Cơ Đốc Nhân vẫn nghĩ là nó còn ở địa vị chỉ huy.
Điều nầy hết sức nguy hiểm cho chúng ta. Chúng ta phải đề phòng! Satan sẽ cố gắng xâm phạm và cướp đi các phước hạnh của chúng ta càng nhiều càng tốt khi chúng ta cho phép chúng thực hiện điều đó.
Lẽ thật trong chương nầy sẽ buông tha chúng ta và giữ cho chúng ta không bị ảnh hưởng của ma quỷ mà sinh ra sự sợ hãi.
Tà linh là các thực thể thuộc linh, chúng đại diện cho ma quỉ. Chúng hợp tác với ma quỷ và hầu việc cho nó. Chúng cùng hợp tác với ma quỷ và làm công việc của ma quỷ. Hành động gian ác của chúng chống nghịch lại Đức Chúa Trời và con người. Vài học giả Kinh Thánh cho rằng tà ma là các thiên sứ ác bị quăng xuống khỏi Thiên Đàng cùng với Satan sau khi phản nghịch cùng Đức Chúa Trời (Xem Ês 14:12-14). Trong mọi trường hợp, sự hiện diện và các hoạt động của chúng đã được phơi bày trong Kinh Thánh (Xem phần D9 để biết rõ hơn về những gì Kinh Thánh nói về ma quỉ).
Như tôi đã nói trong chương 1, khi tôi còn là một tân tín hữu, chỉ cần nghĩ tới ma quỷ là lòng tôi đầy dẫy sợ hãi. Nhiều Cơ Đốc Nhân sợ hãi thế lực và hoạt động của tà ma.
Giờ đây, điều quan trọng nhất là chúng ta đã được giải cứu khỏi một nỗi sợ như thế. Và lý do là ở đây: Sự sợ hãi là thuộc về ma quỷ nhưng điều gì của đức tin là thuộc về Đức Chúa Trời.
Tôi sẽ giải thích cho bạn điểm nầy. Đức tin đem Đức Chúa Trời vào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, và hành động như một nam châm kéo và hấp dẫn năng lực của Đức Chúa Trời vào trong cuộc sống của chúng ta. Đức tin mang sự sống của Ngài vào đời sống của chúng ta!
Bây giờ, sự sợ hãi cũng hành động y như vậy. Nó cũng là một lực "hấp dẫn" các quyền lực đen tối. Đó là các thế lực "chết chóc" và điều mà thế lực chết chóc sản sinh chính là sự chết! Những thế lực ấy có thể giết chết sự vui mừng và bình an của chúng ta trong Thánh Linh.
Nếu sự sống trong Đức Chúa Trời là yêu thương, vui mừng, bình an... thì sự chết là ghen ghét, buồn bã, bất an... ! Sự sợ hãi mở cửa tấm lòng của chúng ta. Nó cho phép mọi loại tư tưởng và cảm giác gian ác, đen tối bước vào. Khi tình cảm của chúng ta đầy dẫy sự sợ hãi, điều nầy có thể dẫn đến nô lệ và phu tù cho sự sợ hãi.
Chúng ta sẽ cứ mãi nô lệ cho điều mà chúng ta sợ hãi!
Đức Chúa Trời đã lặp lại nhiều lần cho các lãnh tụ Israel về đức tin và sự sợ hãi. Họ được phán dặn kỹ càng phải tin nơi Đức Chúa Trời và không sợ bất cứ thần nào khác hay kẻ thù nào: "Hãy vững lòng bền chí... chớ sợ các thần của dân Amô- rít "(Giô 1:9; Quan 6:10).
Giống như nước và dầu, sự sợ hãi và đức tin không pha trộn được. Nếu chúng ta bắt đầu bằng đức tin và thể hiện bằng cách chống trả ma quỷ, thì kẻ thù sẽ trốn chạy khỏi chúng ta (Gia 4:7). Nếu chúng ta co rúm lại vì sợ hãi, các thế lực đen tối (ma quỷ và tà linh) sẽ bắt chúng ta làm nô lệ và đức tin sẽ chạy khỏi chúng ta.
Chỉ đơn giản như vậy thôi.
Ma quỷ tìm cách lừa dối chúng ta bằng cách dấu kín lẽ thật hoặc lấy một phần của lẽ thật và diễn giải theo cách sai trật. Nó muốn chúng ta có suy nghĩ thế này về ma quỉ:
Trong những năm gần đây, có một số người nói quá nhiều về tà ma, và khiến nhiều người đi đến chỗ hết sức sợ chúng. Thay vì được giải phóng khỏi các nan đề, họ bị chồng chất thêm gánh nặng lo âu. Bất cứ tín lý hay sự dạy dỗ nào cũng có thể làm tổn hại và nguy hiểm, nếu nhấn mạnh quá nhiều hay dạy dỗ theo những cách trái với Kinh Thánh.
Vài năm trước đây tôi có biết một phụ nữ, dường như bà ta muốn mất trí vì sợ ma quỷ. Bà mất hết một tuần để ngồi nghe lời dạy dỗ của một nhà truyền giảng và bà trở nên hãi hùng.
Lời dạy dỗ mà bà nghe được làm cho bà tin rằng ngôi nhà của bà đầy dẫy tà ma. Bà sợ hãi căn phòng, từng chiếc tủ và hành lang đang có tà ma ẩn náu, rình rập để làm hại bà.
Phải mất mấy tuần lễ dạy Lời Chúa trong Kinh Thánh cho bà, bà mới hết sợ và bắt đầu có đức tin trở lại. Tất cả chúng ta cần biết lẽ thật và sống trong tự do mà lẽ thật mang đến.
Giống như người phụ nữ trên, nhiều người sợ tà ma bởi vì họ tin rằng tà ma có những khả năng và đặc điểm mà họ không có.
Ma quỷ và tà ma không biết hết mọi sự và cũng không đọc được tâm trí của chúng ta. Ma quỷ không biết chúng ta sẽ phản ứng trong tư tưởng và cảm giác như thế nào để chúng có thể chen vào tâm trí và tấm lòng của chúng ta. Chúng phải chờ đợi và xem chúng ta hành động. Chúng có thể quen với cách xử sự của chúng ta nhưng chúng không thể thấy trước hay xác định hành động của chúng ta.
Satan thật sự không thể thấy trước được kết quả cuộc tấn công của nó trên Gióp. Nó cũng không thể nghĩ đến sự đắc thắng của Chúa Jesus trên thập tự giá.
Chắc chắn là như vậy, chúng rất bối rối khi vây quanh Chúa Jesus. Chúng cũng nhanh chóng rời bỏ hiện trường khi chúng đối diện với các Sứ đồ trong Sách Công vụ.
Khi David hát cho vua Saulơ, tà linh đang quấy rầy nhà vua phải lui ra. Sự cầu nguyện và thờ phượng đầy quyền năng có thể xua đuổi các thế lực ma quỷ.
Chúng ta thấy, khi đã đầu phục Đức Chúa Trời, ngay cả một tân tín hữu cũng có thể làm cho kẻ thù trốn chạy. Thực vậy, những đặc điểm ở trên chỉ thuộc về Đức Chúa Trời.
Chỉ mình Ngài là:
Ma quỷ và tà ma có thể tấn công chúng ta. Tuy nhiên chúng không thể bước vào đời sống của chúng ta trừ phi chúng ta mở cửa cho chúng bằng:
Chúng không có các thuộc tính của Đức Chúa Trời quyền năng. Thực ra kẻ thù ấy không phải là một kẻ ngang sức với một Cơ Đốc Nhân trung tín đang bước đi bằng đức tin và sự vâng lời.
Chúng ta chấp nhận lẽ thật nầy càng sớm bao nhiêu, thì chúng ta nhanh chóng bước từ sợ hãi đến đức tin và từ thất bại đến chiến thắng sớm bấy nhiêu. Thực vậy, đó là các nguyên tắc cơ bản cho đời sống Cơ Đốc đắc thắng.
Sự đắc thắng các thế lực tà ma được mô tả rõ ràng trong Kinh Thánh. Một trong những câu Kinh Thánh chìa khóa được tìm thấy trong thư tín của Phaolô gửi cho Hội thánh ở tại Côlôse: "Đức Chúa Trời đã truất bỏ và đánh bại các kẻ cầm quyền cùng các thế lực, cai trị bởi các tà linh. Ngài trưng bày chúng giữa thiên hạ. Đức Chúa Trời đã giành được chiến thắng qua Đấng Christ và thập tự của Ngài" (Cô 2:15).
Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy chúng ta được dạy rằng Đức Chúa Trời đã truất phế và đánh bại các thế lực cầm quyền trong giới tà linh. Đây muốn ám chỉ đến các tà linh trong lực lượng của Satan. Chúng bị tước vũ khí và uy quyền. Giờ chúng đã thất thủ và bị loại trừ.
Ngôn ngữ dùng cho câu Kinh Thánh nầy mô tả truyền thống quân đội của đế quốc La mã. Sau khi chiến thắng, họ làm một cuộc diễn binh. Tướng thắng trận tra còng và xiềng vào những lãnh tụ bại trận. Đoạn họ cột kẻ bại trận và xe ngựa bằng dây xiềng. Theo sau là đoàn quân chiến bại uể oải trong gông xiềng và nhục nhã.
Đây là hình ảnh sống động trong cuộc diễn binh đắc thắng của Đấng Christ trong đó kẻ thù bại trận (là ma quỷ và các vua chúa của nó) bị ô nhục giữa thiên hạ. Đây là chiến thắng mà Chúa Jesus Christ đã giành được tại thập tự giá khi Ngài bị đóng đinh.
Vài năm trước đây tôi đứng trên boong của chiến hạm Missouri. Trước đây ba mươi năm, cũng ngay tại chỗ này, vị đại diện người Nhật đã đầu hàng tướng Mac Arthur của Hoa kỳ. Buổi lễ đầu hàng được diễn ra tại Vịnh Tokyo năm 1945. Người Nhật bị đánh bại bởi người Trung hoa và các lực lượng đồng minh.
Buổi lễ thật đầy kịch tính. Viên tướng chỉ huy người Nhật bước lên chiến hạm Missouri trong bộ quân phục của mình. Cùng với ông có nhiều nhân vật cao cấp của hai chính phủ và quân đội.
Vị tướng đó là đại diện Tổng Tư lệnh lực lượng Quân Sự Nhật. Phía Hoa kỳ, Tướng Mac Arthur cùng với những người đại diện cho chính phủ và quân đội Mỹ. Đây là cuộc gặp gỡ cá nhân "mặt đối mặt".
Tướng Mac Arthur bước tới trước viên tướng Nhật và gỡ quân hàm cấp tướng, huân chương, dây biểu dương và tất cả huy chương huy hiệu khác. Đoạn ông gỡ luôn biểu tượng uy quyền trên cầu vai của vị tướng bại trận. Tướng Nhật bị giáng xuống làm người bại trận nhục nhã không còn thế lực và uy quyền. Buổi lễ đầu hàng kết thúc khi viên tướng Nhật rút gươm ở hông ra trao gươm cho Tướng Mac Arthur.
Khi viên tướng đầu hàng, không chỉ một mình cá nhân ông bị đánh bại. Tất cả các lực lượng gồm hải lục không quân và các lực lượng quân đội của Nhật cũng kể là thất trận. Đây là giây phút chiến thắng và đại thắng của Hoa kỳ và các nước đồng minh. Các tướng và quân đội nhật bị đánh bại và đầu hàng hoàn toàn. Chiến tranh thắng lợi!
Điều này cũng xảy ra tại Thập Tự Giá ! Satan và các thế lực tà ma của nó hoàn toàn bại trận. Chúng nó bị nộp trước thiên hạ, bị hổ thẹn và nhục nhã ngay trong sáng Chủ nhật Phục Sinh đầu tiên.
Lời của bài thánh ca nổi danh của Robert Lowry kể lại câu chuyện trong cách tuyệt vời nhất như sau:
"Vượt từ phần mộ Ngài phục sinh,
phục sinh hiển vinh thắng bao quân thù mình.
Ngài phục sinh đem oai quyền ra đánh tan tử thần,
Và Ngài còn đời đời để thống trị cùng chư thánh.
Ngài lại sống! Chúa lại sống! Ha- lê- lu- gia! "
Christ phục sanh! "
Bây giờ Đấng Christ đang cầm giữ trong tay chìa khóa của địa ngục và sự chết mãi mãi. Ngài giữ chúng vì Ngài đã chiến thắng tội lỗi, Satan, tà ma và sự chết. Ngài hoàn toàn đại thắng trên ma quỷ, vua chúa và các thế lực. Ngài thắng hết thảy.
Sự đắc thắng không phải của riêng Ngài mà còn của chúng ta nữa. Sự chiến thắng của Tướng Mac Arthur không phải cho chính ông, nhưng đó là chiến thắng của toàn dân Mỹ, Trung hoa và đồng minh của họ được thừa hưởng. Chiến thắng của Chúa Jesus cũng giành cho tất cả những ai yêu mến và phục vụ Ngài.
Chúa Jesus đã chịu đựng sự sỉ nhục chịu chết giống như một tội đồ trên thập tự để chúng ta được sống trong sự đắc thắng. Chúng ta phải thấy điều đó. Chúng ta phải biết điều đó. Chúng ta phải bước đi trong ánh sáng của khải tượng đó. Đó là chìa khóa cho đời sống Cơ đốc đắc thắng.
Điều quan trọng cần biết là khi ma quỷ đã bị đánh bại, thì các lực lượng tà ma của nó cũng bị đánh bại luôn. Chúng không có thẩm quyền hay thế lực nào trên đời sống của chúng ta trừ khi chúng ta cho phép chúng.
Người ta kể về một trung sĩ lục quân Trung hoa bị cầm tù trong trại tù binh Nhật bản. Sau khi Nhật bản đầu hàng, viên chỉ huy người Nhật vẫn tiếp tục chỉ huy trại tù. Ông ta đang chờ đợi một sĩ quan cao cấp của quân đội Hoa kỳ đến để bàn giao. Ông ta biết rằng một viên tướng bại trận không có uy quyền bằng một anh trung sĩ, nếu người này thuộc về đoàn quân thắng trận.
Ngay khi nghe tin Nhật đầu hàng, anh trung sĩ nhanh chóng loan báo cho viên tướng Nhật rằng anh và đồng đội của anh sẽ nắm quyền chỉ huy. Không cần chờ đợi, với chữ ký trong bức hàng thư, chức vụ chỉ huy được thay đổi xuống tận hàng binh sĩ có cấp bậc thấp nhất. Ngay cả một anh trung sĩ quèn trong quân đội cũng có thể ra lệnh cho một sĩ quan cao cấp thuộc về đoàn quân thất trận.
Quả là một bức tranh hùng tráng! Đây là uy quyền của các tín đồ! Uy quyền đó là của chúng ta nếu chúng ta ở dưới sự lãnh đạo của Chúa Jesus Christ.
Sự đắc thắng của Đấng Christ trên Satan qua thập tự giá có nghĩa là chúng ta đang nắm quyền chỉ huy. Mỗi Cơ Đốc Nhân đang sống dưới uy quyền của Đức Chúa Trời có quyền nhận chức vụ và chỉ huy một phần thế giới. Người đó có uy quyền và pháp quyền để bảo ma quỷ (và tà ma của nó) phải đi đâu và làm việc gì.
Chúng ta đã được dạy chống trả lại kẻ thù và trông thấy nó trốn chạy. Sứ đồ Giacơ dùng từ quân sự để giải thích lẽ thật nầy trong thư tín của ông:
"Vậy hãy đầu phục Đức Chúa Trời. Chống trả với ma quỷ và nó sẽ tháo chạy khỏi anh em "(Gia 4:7).
Chữ "đầu phục" có nghĩa là vâng lời đối với người có đẳng cấp cao hơn hoặc là chịu dưới quyền (đó là, hãy hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Trời).
Khi chúng ta chịu dưới quyền của Đức Chúa Trời, thì thẩm quyền của Ngài ở trên chúng ta. Dưới uy quyền đó chúng ta có thể đứng lên và mạnh mẽ chống trả lại ma quỷ và tà linh của nó. Khi chúng ta làm như vậy, chúng sẽ quay lưng và trốn chạy trong sự sợ hãi.
Nguyên tắc để có được uy quyền là bằng cách chịu ở dưới uy quyền như đã được mô tả trong chức vụ của Chúa Jesus. Một thầy đội đến gặp Chúa Jesus để xin Ngài chữa lành đầy tớ của mình.
Chúa Jesus đồng ý đến gặp người đầy tớ để chữa lành bệnh cho y thì thầy đội đáp lại: "... Không cần thiết để Ngài phải đến. Nếu Ngài chỉ cần đứng đây và phán: ‘Hãy lành bệnh đi’ thì đầy tớ tôi sẽ hết bệnh!"
"Tôi biết, tôi ở dưới quyền vị sĩ quan chỉ huy của tôi, và tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi nữa, và tôi bảo nó ‘hãy đi’ thì nó đi và bảo đứa khác: ‘hãy đến’ thì nó đến và dạy đầy tớ tôi rằng: ‘hãy làm việc nầy hay việc kia; thì nó làm. Tôi biết Ngài có uy quyền để phán cùng bệnh tật phải lui, thì nó sẽ lui" (Mat 8:5-9).
Thầy đội này có uy quyền vì ông ở dưới quyền của người khác. Trong cùng một phương cách như vậy, khi chúng ta đầu phục Đức Chúa Trời, chúng ta ở dưới quyền của Ngài. Vậy, khi chúng ta chống trả ma quỷ, thì ma quỷ phải tháo lui.
Địa vị lãnh đạo của Đấng Christ và uy quyền của Cơ Đốc Nhân là một lẽ thật quan trọng cần phải hiểu rõ. Như chúng ta đã nói, đó là chìa khóa cho đời sống đắc thắng của Cơ Đốc Nhân.
Các Nhân Vật. Có một câu chuyện quen thuộc và thú vị trong Cựu ước giải thích rõ ràng ý kiến nầy. Đó là câu chuyện của một chiến binh trẻ tuổi người Giuđa tên là David và một người Philitine khổng lồ tên là Goliat (ISa 17:1-58).
Các nhân vật và quân đội trong câu chuyện được xếp thành bốn loại sau đây:
1) David đại diện cho một mẫu người của Đấng Christ.
2) Quân đội Israel là mẫu tín đồ trong Thân Thể của Đấng Christ.
3) Goliat đại diện cho mẫu người của Satan.
4) Quân đội của Philitine đại diện cho các thế lực tà ma.
Với sự xếp loại như vậy, chúng ta hãy ôn lại câu chuyện và xem câu chuyện đó có ý nghĩa gì trong trận chiến của chúng ta về lãnh vực thuộc linh.
Goliat ra khỏi trại quân Philitine và rống lên như sư tử. Dân sự của Chúa đã làm gì? Họ phản ứng giống như nhiều Cơ Đốc Nhân ngày hôm nay khi đối diện với ma quỷ và tà ma của nó. Họ bị mất tinh thần và hết sức sợ sệt. Vì thế, họ quay lưng và trốn chạy trong kinh hoàng. Họ không có đức tin để chống cự.
Một người chăn chiên trẻ tuổi (có lẽ khoảng 15, 16 tuổi) xuất hiện. Tên của người thanh niên nầy là David. Người biết Đức Chúa Trời là Đấng chăn chiên hiền lành và vĩ đại. Người đến để đem lương thực cho các người anh đang ở trong quân đội Israel.
Người vừa được Đức Chúa Trời lựa chọn để dùng vào mục đích đặc biệt. Vị tiên tri tin kính Samuel đã xức dầu cho David để làm vua kế vị Saulơ. Vì vậy, David đến, như là "Người được xức dầu", thăm trại quân Israel. Lúc bấy giờ, không ai biết rằng một ngày kia người sẽ làm vua của họ.
Lúc thấy Goliat, và nghe hắn la hét, nhục mạ ngoài trại quân Israel. David nóng giận hỏi: "Người Philitine ngoại đạo nầy là ai? Tại sao hắn dám coi thường và lăng nhục đạo quân của Đức Chúa Trời hằng sống? "(ISa 17:1-58; 26:1-25).
Sự xức dầu mà David mới tiếp nhận đang hành động mạnh mẽ trong lòng, chàng không hề thấy sợ hãi và nao núng. Trong khi mọi người mất tinh thần và thối lui thì David đứng dậy dạn dĩ và sẵn sàng gặp Goliath mặt đối mặt.
David không dùng giáp trụ và vũ khí của Saulơ; người thích sử dụng năm hòn đá và cái trành ném đá của mình hơn. David quyết định rằng sự phòng thủ tốt nhất là tấn công. Vì vậy David bước vào trận chiến để đáp trả lại sự thách thức của Goliat.
Trận chiến kết thúc nhanh chóng. Một hòn đá được Thánh Linh điều khiển bay tới mục tiêu một cách chính xác ngay giữa cái đầu khổng lồ quật ngã tên dũng tướng Goliat. Khi viên tướng Philitine ngã xuống, David nhanh chóng chạy tới lấy gươm của Goliat và cắt lấy thủ cấp của hắn.
Ngay lập tức, toàn quân Philitine kinh hoàng tháo chạy. Goliat là viên dõng tướng vô địch của họ, là đầu và lãnh đạo của họ. Hắn là biểu tượng là dấu hiệu của thế lực và uy quyền quân sự của quân đội Philitine. Khi hắn ngã xuống, người Philitine biết rằng họ bị bại trận và phải trốn chạy.
Bạn có nhớ trong chương 1, chữ "địa vị lãnh đạo" ở đây muốn ám chỉ đến sự cai trị, quyền lực và uy quyền trên kẻ khác.
Khi David tấn công và cắt thủ cấp của Goliat, chẳng những Đavít đánh bại Goliat mà còn đánh bại đội quân Philitine. "Địa vị lãnh đạo" của Goliat bị tiêu diệt. Tất cả thế lực và uy quyền của hắn cũng như quân Philitine của hắn trở nên vô dụng. Người Philitine trở nên bất lực trước chiến thắng của David. Chắc chắn chúng trốn chạy trong kinh hoàng!
Câu chuyện nầy làm sáng tỏ sự đắc thắng đầy quyền năng của Đấng Christ trên Satan và các thế lực tà ma của nó.
Đấng Cứu thế, Đấng Chăn Chiên Được Xức Dầu Của Chúng Ta. Sáng 3:15 nói trước rằng một ngày kia "dòng dõi của người nữ" sẽ giày đạp đầu rắn. Đến kỳ đã định một "Đấng lớn hơn David" sẽ xuất hiện. Danh của Ngài là "Jesus Christ" có nghĩa là ĐẤNG ĐƯỢC XỨC DẦU LÀ ĐẤNG CỨU RỖI. Ngài là Đấng được xức dầu, Đấng chăn chiên, Đấng Cứu thế của chúng ta. Tại thập tự, Ngài đã bước vào cuộc tranh chiến với con rắn xưa, tức Satan.
"Năm vết thương" trên thập tự giá (giống như năm hòn đá nhẵn của David) đã hạ bệ ma quỷ và tất cả các lực lượng tà ma của nó.
Địa vị lãnh đạo và uy quyền của Satan bị tiêu diệt bởi Chúa Jesus khi Ngài chết trên thập tự, xuống tận Âm phủ, chiến thắng các lực lượng Âm phủ và sống lại, chiến thắng sự chết.
Vì thế đội quân ma quỷ (tà ma) không còn thế lực hay uy quyền trên các tín đồ đang ở dưới quyền lãnh đạo của Chúa Jesus. Khi Danh Ngài được xưng ra trong uy quyền, chúng run sợ và phải quỳ gối đầu phục uy quyền của Ngài.
Không có nơi nào trong Kinh Thánh nói rằng Chúa Jesus bị hoảng sợ khi đối diện với các thế lực tà ma. Thực tế ngược lại, chính tà ma la lên vì sợ hãi.
"Trong nhà hội có một người bị tà ma ám. Và nó kêu lên rằng: Hỡi Jesus người Na- xa- rét, chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai, là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời "(Mác 1:23, 24).
"Khi Chúa Jesus lên bờ, Ngài gặp một người bị nhiều quỷ ám ở thành này... Người ấy thấy Chúa Jesus thì la lên inh ỏi và đến gieo mình dưới chân Ngài nói lớn tiếng rằng:
Lạy Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời rất cao, tôi với Ngài có sự gì chăng? Tôi cầu xin Ngài đừng làm khổ tôi...
Chúa Jesus hỏi người rằng: Mầy tên gì? Người thưa rằng: Quân đội, vì nhiều quỷ đã ám vào người. Chúng nó bèn cầu xin Chúa Jesus đừng khiến mình xuống vực sâu "(Lu 8:27-31).
"Ngươi tin chỉ có một Đức Chúa Trời? Đúng! Ma quỷ cũng tin như vậy và run rẩy "(Gia 2:19).
Chữ "run rẩy" trong tiếng Hy lạp là phrisso có nghĩa là rùng mình, run rẩy vì sợ hãi hay kinh hoàng. Đây là một loại sợ hãi làm cho "dựng tóc gáy".
Không phải Chúa Jesus sợ hãi ma quỷ mà ngược lại ma quỷ bị sụp đổ vì sợ hãi trước sự hiện diện của Chúa. Chúng biết Ngài đã đến để tước đoạt quyền hành của Satan.
Sau phục sinh, Chúa Jesus đặt lẽ thật nầy trong lời của Ngài cách rõ ràng:
"Hết thảy quyền lực ở trên trời và dưới đất đều giao cho ta. Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân... Và nhớ chắc điều nầy: Ta luôn luôn ở cùng các ngươi cho đến ngày tận thế "(Mat 28:18-20).
Chữ "quyền lực" trong câu Kinh Thánh trên có nghĩa là quyền cai trị, nhận lấy uy quyền và có quyền cai trị. Bây giờ Chúa Jesus có TẤT CẢ quyền lực và uy quyền, có nghĩa là Satan không có gì cả. Qua sự chết của Ngài trên thập tự, Chúa Jesus đã truất ngôi của ma quỷ và không cho ma quỉ có uy quyền trên sự chết.
Chúa Jesus lại công bố lẽ thật nầy một cách mạnh mẽ cho Sứ đồ Giăng trong khải tượng của ông: "Đừng sợ chi, Ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng. Ta chết, nhưng kìa, Ta sống đời đời. Ta có chìa khóa (uy quyền) của sự chết và âm phủ" (Khải 1:17, 18).
Chẳng những Chúa Jesus có tất cả mọi uy quyền mà Ngài còn ban uy quyền đó cho các môn đồ của Ngài trong mọi thời đại!
"Bảy mươi môn đồ trở về cách vui vẻ, thưa rằng: Lạy Chúa, vì Danh Chúa, các quỷ cũng phục chúng tôi.
"Chúa Jesus phán cùng họ rằng: Ta thấy quỷ Satan từ trời sa xuống như chớp. Và ta ban quyền cho các ngươi giày đạp rắn, bò cạp và mọi quyền của kẻ nghịch ở dưới chân. Không gì làm hại các ngươi được "(Lu 10:17-19).
"Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy. Lấy danh ta mà trừ quỷ, dùng tiếng mới mà nói "(Mác 16:17).
Trong ánh sáng của các câu Kinh Thánh trên, rõ ràng rằng chúng ta không còn lý do gì để sợ các lực lượng tà ma nữa. Quyền hành của chúng đã bị cất đi. Chính ma quỷ là kẻ run sợ trước sự hiện diện của chúng ta khi chúng ta đứng vững trong sự đắc thắng của thập tự giá và đầu phục Đấng Christ đã đắc thắng.
Bây giờ chúng ta phải xem xét bằng cách nào chúng ta có thể áp dụng lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Các nguyên tắc nầy phải được chứng minh bằng hành động.
"Giê-hô-va, Đức Chúa Trời người ở cùng người. Trong Israel có tiếng reo mừng của vua. Đức Chúa Trời đã mang dân đó ra khỏi xứ Êdiptô. Chúng có sức mạnh như bò rừng vậy...
"Không có rủa sả giáng xuống chúng, và không có phù chú chống lại Israel... Hãy xem việc Đức Chúa Trời làm lạ là dường nào.
"Kìa một thứ dân hưng lên như sư tử cái chỉ khi nào xé được mồi mới nằm xuống... "(Dân 23:21-24).
Qua những câu Kinh Thánh trên, chúng ta có những hình ảnh đầy vui mừng vì chúng ta là tín đồ của Đấng Christ. Đức Chúa Trời luôn ở cùng chúng ta, và sự bảo vệ của Ngài đặt trên chúng ta. Chúng ta luôn thắng kẻ thù nghịch.
Thật là tuyệt vời khi thấy rằng không có sự rủa sả nào giáng xuống chúng ta hoặc phù phép của ma quỷ làm ra để chống lại chúng ta. Bao lâu chúng ta đầu phục luật lệ của Đức Chúa Trời thì không có phù phép nào có thể làm hại chúng ta. Khi chúng ta bước đi trong đức tin và trong sự vâng lời Đức Chúa Trời, thì không có quyền lực nào của kẻ thù có thể hãm hại chúng ta. Đây là lẽ thật dành cho dân sự của Đức Chúa Trời trong mọi thời đại. Dựa vào nguyên tắc cai trị thiên thượng. Như đã nói trước đây, khi chúng ta ở dưới quyền của Đức Chúa Trời; thẩm quyền của Ngài đặt trên chúng ta. Kế đó, chúng ta có thể chống trả ma quỷ và tà ma của nó trong uy quyền của danh Ngài và bằng quyền năng của Lời Ngài. Chúng sẽ trốn chạy khỏi chúng ta.
Lẽ thật nầy hết sức quan trọng đối với nhiều vùng trên thế giới. Nhiều người sống trong sợ hãi vì bùa chú. Tôi đã từng thấy họ được giải cứu hoàn toàn trong Đấng Christ.
Khi những người nầy hiểu rằng ma quỷ hoàn toàn bị thảm bại tại thập tự, thì họ không còn sợ nữa. Họ nhanh chóng bắt đầu vận hành uy quyền của họ như là những con trai, con gái hoàng tộc trong gia đình của Đức Chúa Trời. Bất cứ lúc nào họ gặp ma quỷ, họ không còn sợ khi phải đối diện và đánh bại quyền lực của chúng. Thật là tuyệt vời khi trông thấy "những dấu kỳ phép lạ mà Đức Chúa Trời đã làm cho họ."
Vài năm về trước, tôi đang giảng dạy trong một hội thánh rộng lớn tại Guiana, Nam Mỹ. Một đêm nọ; sau buổi nhóm, vị giáo sĩ địa phương đưa tôi đến nhà của một gia đình thuộc Nhà Thờ Tân Giáo (Episcopal Chruch). Con trai của gia đình nầy bị quỷ ám và rất quậy phá.
Cậu bé vùng vẫy một cách man dại, cố đập đầu vào bất cứ vật gì bén nhọn. Em được các bác sĩ y khoa tại thủ đô Georgetown khám nghiệm. Nhưng họ không giúp gì được cho em.
Tình trạng bệnh hoạn của em trở nên trầm trọng. Em không ăn gì trong nhiều ngày, chỉ uống chút ít nước để sống. Người ta mong cho em chết bất cứ lúc nào.
Vị linh mục Nhà Thờ Tân Giáo đặt một cây thập tự trên tường và rải "nước thánh" chung quanh. Dĩ nhiên ông bị thất bại vì không đáp ứng được yêu cầu thuộc linh của gia đình nầy. Mặc dù gia đình nầy là thành viên của nhà thờ nhưng họ cũng chưa bao giờ tìm thấy mối liên hệ cá nhân với Chúa Jesus như là Cứu Chúa của họ.
Tôi mở Kinh Thánh cho họ xem và giải thích chữ "tin lành" mà Đức Chúa Trời dành cho gia đình họ:
"Vậy nếu miệng ngươi xưng Chúa Jesus và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu... ngươi và cả nhà của ngươi nữa "(Rô 10:9; Công 16:31).
Đó là niềm vui của tôi khi mang đến cho họ sự hiểu biết về cuộc sống, về tình yêu của Chúa Jesus. Tôi giải thích để họ biết Đấng Christ chính là Chiên Con thật dành cho gia đình họ. Ngài đã chết như Chiên Con của Đức Chúa Trời để cung cấp huyết của Ngài cho họ để chống lại kẻ hủy diệt. Tại thập tự giá, ma quỷ và tất cả tà ma của nó đã bị đánh bại; quyền lực của chúng đã bị hủy diệt (xem Phần C10.2 nói về Lễ Vượt qua).
Huyết của Ngài là sự bảo vệ và giải cứu của họ ngay bây giờ, như huyết chiên con trong gia đình dân Israel trong thời Cựu ước. Nếu họ đặt trọn lòng tin cậy vào huyết của Chúa Jesus đã đổ ra trên thập tự vì họ, và áp dụng bằng đức tin trên cánh cửa lòng của họ, thì sự hiện diện của Đức Chúa Trời ắt đến.
Sự hiện diện của Chúa là sự bảo vệ của họ. Ngài sẽ che chở họ như gà mái túc con mình vậy. Vỏ bọc này sẽ bảo vệ họ trước sự tấn công của ma quỷ mà đã hành hạ con trai của họ.
Họ quỳ gối xuống và cầu nguyện. Nước mắt vui mừng chảy dài xuống má. Họ vui vẻ tiếp nhận Chúa Jesus vào lòng và được cứu cách vinh hiển (Tái sanh).
Sau đó tôi nói với họ tại sao con trai họ bị quỷ ám. Vì lâu nay họ không có một sự bảo vệ nào từ nơi Cứu Chúa toàn năng. Huyết của Đấng Christ không được bôi trên cánh cửa lòng bằng đức tin của họ. Bây giờ, họ đã được che chở bằng sự hiện diện thiên thượng của Đức Chúa Trời, họ không cần phải lo sợ nữa.
Đoạn chúng tôi đến phòng đứa con trai bệnh hoạn để hoàn tất công việc ân điển của Đức Chúa Trời. Tôi giải thích cho họ rằng các thế lực ma quỷ không còn quyền hành gì để hành hạ con trai của họ. Các tà ma sẽ phải đầu phục trước uy quyền của Lời Đức Chúa Trời và Con của Đức Chúa Trời. Đoạn chúng tôi đặt tay lên cậu bé (lúc đó đang ngủ). Tôi trói buộc quyền lực của tà ma và trong danh Chúa Giêxu ở Naxarét tôi ra lệnh cho các tà linh phải ra khỏi đứa bé.
Lúc đó nó không có phản ứng nào, ngay cả cái chớp mắt cũng không. Tôi bảo với cha mẹ em rằng kể từ giây phút nầy em bé hoàn toàn được giải cứu. "Làm sao ông biết" họ hỏi tôi. "Căn cứ vào Lời của Đức Chúa Trời, việc nầy đã làm xong" tôi trả lời "Bây giờ quý vị có thể đi ngủ. Lời của đức tin đã được công bố. Nó sẽ được làm trọn. Kể từ giờ phút nầy, con của quý vị được lành".
Họ nằm bên cạnh đứa con và ngủ thiếp luôn. Khoảng 3 giờ sáng, cậu bé thức dậy và thét lên một tiếng làm rúng động căn phòng. Giây phút em thức giấc, thì tà ma la hét khi rời khỏi thân thể của cậu bé.
Sau đó, cậu bé ngồi dậy và nói rằng "Mẹ ơi, con đói quá". Bà mẹ nhanh chóng nhảy xuống giường và chuẩn bị thức ăn cho em. Sức lực của em bắt đầu trở lại và chỉ trong một thời gian ngắn em hoàn toàn bình phục.
Ngày hôm sau, tất cả chòm xóm chạy đến rất đông để xem chuyện gì đã xảy ra. Lòng của họ thực sự được đụng chạm cách sâu sắc bởi phép lạ và ân điển của Đức Chúa Trời. Kết quả là khoảng 40 người đến với Chúa Jesus nhận Ngài là Cứu Chúa của họ.
Đối với tất cả chúng tôi là những người có liên hệ đến câu chuyện kể trên, các câu Kinh Thánh sau đây dẫn đến một cảm giác tươi mới và có ý nghĩa.
"Bảy mươi môn đồ trở về cách vui vẻ, thưa rằng: Lạy Chúa, vì danh Chúa các quỷ cũng phục chúng tôi. Chúa Jesus phán rằng: Ta thấy quỷ Satan từ trời sa xuống như chớp. Nầy Ta đã ban quyền cho các ngươi giày đạp rắn và bò cạp. Thực vậy, Ta đã ban cho các ngươi uy quyền trên mọi thế lực của kẻ thù. Không có gì làm hại các ngươi được "(Lu 10:17-19).
Đức Chúa Trời muốn chúng ta bước đi trong vui mừng trước sự hiện diện, uy quyền và sự bảo vệ của Ngài. Ngài không ban cho chúng ta linh sợ hãi nhưng của tình yêu thương, quyền năng và tâm thần giè giữ (IITi 1:7).
Vì vậy chúng ta hãy sống bằng đức tin, vui mừng trong sự tự do không còn sợ hãi nữa. Quả thật như vậy, chúng ta là con trai, con gái trong gia đình hoàng tộc của Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus Christ đã ban cho chúng ta chiến thắng trọn vẹn trên ma quỷ và các thế lực tà ma. Đó là phần của Ngài. Phần của chúng ta là tăng cường và gìn giữ sự chiến thắng và sống một đời sống Cơ Đốc đắc thắng. Mục đích của bài giảng dạy nầy là để giúp chúng ta đạt được điều này.
Chúng ta đã thấy việc biết rõ chúng ta là ai trong Đấng Christ quan trọng là dường nào. Lúc chúng ta tiếp nhận Chúa Jesus vào lòng, chúng ta được sinh ra trong một gia đình yêu dấu của Đức Chúa Trời. Tên của chúng ta được ghi sổ trên thiên đàng.
Vì vậy, chúng ta có uy quyền thiên thượng để có thể kiểm soát kẻ thù nghịch (là ma quỷ và tà ma của nó) trên quả đất nầy. Đây là lẽ thật quan trọng và lý thú mà chúng ta sẽ nghiên cứu chi tiết hơn.
Bạn có nhớ câu chuyện trong Lu 10:1-42 không? Câu chuyện nói về 70 môn đồ được Chúa sai đi giảng tin lành của Nước Đức Chúa Trời? Họ rất phấn khởi khi trở về. Họ vui vẻ báo cáo lại ma quỷ đã phục tùng họ như thế nào khi họ nhơn Danh Chúa Jesus.
Chúa Jesus đã đáp lại lời báo cáo của họ bằng những lời bất thường nhưng hết sức quan trọng: "Dầu vậy, chớ mừng vì ma quỷ phục các ngươi, nhưng hãy mừng vì tên các ngươi đã ghi trên thiên đàng "(10:20).
Nguồn gốc uy quyền của họ không phải chỉ đơn thuần là nhơn danh Chúa Jesus, nhưng mà là mối quan hệ của họ với Ngài (như là Chúa của họ).
Chúng ta không dám đặt đức tin của chúng ta trong một "công thức phù chú " của các từ ngữ. Hơn thế nữa phải sử dụng những từ ngữ thật chính xác để đối diện và đánh trận với ma quỷ, và phải có mối quan hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời toàn năng.
Khi xưng nhận Chúa Jesus là Cứu Chúa của chúng ta, tên của chúng ta được ghi trên thiên đàng. Chúng ta được ban cho uy quyền vốn thuộc về con trai và con gái của Đức Chúa Trời. Sự quan hệ này với Đấng Christ là nguồn gốc của uy quyền của chúng ta trên kẻ thù.
Con trai đầu lòng của Nữ hoàng Elizabeth Anh quốc có ảnh hưởng lớn và uy quyền trên khắp nước Anh. Khi Nữ hoàng phái ông đi với tư cách đại diện cho bà, sự quan hệ của ông với nữ hoàng làm cho các lời của ông nói ra có đủ thẩm quyền.
Tại sao?
Không phải chỉ vì ông ta nói: "Tôi nhơn danh Nữ hoàng Elizabeth mà đến đây". Uy quyền của ông có được là kết quả của mối liên hệ của ông (hoàng thái tử sẽ nối ngôi) không phải chỉ bằng lời ông nói.
Nếu tôi đứng giữa triều đình Anh quốc mà nói rằng "Nhơn danh Nữ hoàng Elizabeth mà nói với quý vị" tôi sẽ bị khinh bỉ và nhạo báng. Tại sao? Bởi vì tôi không có quyền nói đến danh của bà. Tôi không có mối liên hệ nào với bà cả.
Cũng cùng lý do như vậy, những lời chúng ta nói với ma quỷ chỉ có sức mạnh khi nào chúng ta có mối quan hệ hợp pháp với Chúa Jesus, là Đấng đắc thắng tất cả các quyền lực của sự chết và âm phủ. Thậm chí ma quỷ cũng biết chúng ta có mối liên hệ với Chúa Jesus hay không nữa.
Có một câu chuyện đầy kịch tính trong Sách Công vụ làm vững chắc và hỗ trợ quan điểm nầy. Sứ đồ Phaolô rất thành công trong việc giải cứu những người bị quỷ ám.
Một người Do Thái tên là Sêva (Sceva) có bảy người con trai. Chúng quyết định thử "phương pháp" đuổi quỷ của Phaolô nên cũng nhơn Danh Chúa Jesus. Khi gặp một người bị quỷ ám, chúng nói rằng: "Nhơn Danh Chúa Jesus, Đấng mà Phaolô đã giảng, ta truyền lệnh cho ngươi ra khỏi người nầy".
Tà linh trả lời rằng: "Ta biết Chúa Jesus và ta cũng biết Phaolô, nhưng các ngươi là ai? "Ma quỷ nổi giận vì những lời công bố giả Danh Chúa Jesus của những đứa con trai không có mối quan hệ với Chúa Jesus này.
Đoạn ma quỷ tăng thêm sức lực cho người bị quỷ ám để tấn công bảy người con trai nầy, đánh chúng tàn bạo và đẩy ra khỏi nhà trần truồng, mình mẩy bê bết máu (Công 19:13-16).
Bảy người con trai nầy "dùng đúng chữ" nhưng chúng không có "mối quan hệ đúng đắn" với Chúa Jesus. Tên của chúng không được ghi trên thiên đàng.
Thật là lý thú khi nhận thấy rằng danh của Chúa Jesus và Phao Lô được ma quỷ biết đến. Dường như Đức Chúa Trời có bản thông báo trên thiên đàng. Trên tấm bảng đó có dán tên của tất cả những ai là con cái của Ngài. Ma quỷ cũng có quyền kiểm tra danh sách này. Chúng biết ai có tên trên đó và ai thì không.
Nếu tên của chúng ta có ở trên đó, và chúng ta đang bước đi trong đức tin và sự vâng lời, chúng ta sẽ có uy quyền và sức mạnh để chống trả ma quỷ và làm cho chúng phải lánh xa chúng ta.
Nếu tên của chúng ta được chép trên thiên đàng, thì trong địa ngục sẽ không thấy tên của chúng ta!
Phải, tên của những người công bình được ghi trên thiên đàng. Nhưng tên của người gian ác cũng được ghi lại ở một nơi nào đó:
"Hỡi Đức Giê-hô-va, là Đấng hy vọng của dân Israel, những kẻ nào bỏ Ngài đều bị xấu hổ. Những kẻ lìa bỏ Ngài sẽ được ghi trên đất. Vì họ đã bỏ Giê-hô-va là Suối nước hằng sống "(Giê 17:13).
Tên của chúng ta sẽ được ghi lại nơi nầy hay nơi khác. Có thể được ghi trên đất mà thiên đàng không hề biết. Giống như viết trên cát, cuộc đời của chúng ta sẽ như là một kỷ niệm ngắn ngủi và sớm tàn lụi với thời gian. Quyền lực và địa vị thế gian chỉ là khoảnh khắc nếu đem so với cõi đời đời.
Là Cơ Đốc Nhân chúng ta vui mừng vì tên chúng ta được ghi trong Sách Sự sống của Chiên Con. Chúng ta là một phần của mục đích đời đời của Đức Chúa Trời, và Ngài đã ban cho chúng ta năng quyền để rao giảng trên đất này.
Vì tên của chúng ta được viết trên thiên đàng nên chúng ta có uy quyền trên đất này. Ma quỷ biết, tin điều nầy và run rẩy. Chúng ta phải biết, tin và vui mừng!
"Cũng giờ đó, Chúa Jesus nức lòng bởi Đức Thánh Linh, bèn nói rằng: Lạy Cha, là Chúa của trời và đất, tôi ngợi khen Cha vì Cha đã giấu những sự nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ theo cái nhìn của thế gian này nhưng lại tỏ ra cho trẻ con biết, tức là những ai có đức tin đơn sơ như con trẻ. Vâng, thưa Cha, Cha thấy điều đó là tốt lành "(Lu 10:21).
Chúa Jesus còn phán trong một nơi khác: "Ai chẳng nhận lấy nước Đức Chúa Trời giống như con trẻ, thì chẳng được vào đó "(Mác 10:15).
Nói một cách khác, chìa khóa của sức mạnh thiên đàng và uy quyền là có đức tin đơn sơ như con trẻ. Là con cái của Vua, chúng ta có quyền cai trị ma quỷ và các tà ma của nó. Không phải vì chúng ta vĩ đại, nhưng chúng ta thuộc về Đấng vĩ đại. Chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời! Vì cớ đó chúng ta không thuộc về một dân sợ hãi, nhưng mà là dân của đức tin.
Đức Chúa Trời lấy làm vui thích dùng con cái của Ngài để đánh bại kẻ thù. Ngài chọn cậu bé chăn chiên nhỏ tuổi để giết tên khổng lồ Goliat. Phaolô nói với chúng ta là Đức Chúa Trời chọn những điều mà thế gian cho là nghèo, yếu đuối và dại khờ để làm hổ thẹn người giàu, kẻ mạnh sức và khôn ngoan (ICôr 1:25-30).
Điều nầy có nghĩa là Đức Chúa Trời có thể đánh bại ma quỷ bằng bất cứ con cái nào của Ngài, nếu chúng ta biết mình là ai trong Đấng Christ và hành động trong uy quyền của danh Ngài. Thật vậy, Cha thiên thượng của chúng ta rất vui thích khi thấy con trai và con gái của Ngài đẩy ma quỷ về đúng chỗ của nó.
Nếu ma quỷ và tà ma đã bị tước quyền bởi sự chiến thắng của Đấng Christ trên thập tự giá, tại sao ngày hôm nay có nhiều Cơ Đốc Nhân bị đánh bại? Câu trả chỉ nằm trong một chữ là: Sự lừa dối. Ma quỷ gài bẫy hoặc lừa dối chúng ta để tin lời nói dối là thật, điều gì thật là giả, sai là đúng, và đúng là sai.
Nếu chúng ta tin lời nói dối của nó, nó có một chỗ đứng trong đời sống của chúng ta. Và sau đó nó sẽ dần dần chiếm nhiều chỗ khi chúng ta cho phép nó. Nó không có quyền hợp pháp để làm điều nầy, nhưng nó sẽ làm nếu chúng ta cho phép nó làm.
Chúa Jesus nói rằng mục đích của kẻ trộm là cướp, giết và hủy diệt (Giăng 10:10). Satan là kẻ trộm. Nó tìm cách trộm cắp và hủy phá những gì không thuộc về quyền của nó.
Chúng ta có năng lực và uy quyền để chặn đứng nó bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, nó sẽ cố gắng để làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta bó tay. Nó sẽ cố gắng làm ra vẻ giống như nó đang chỉ huy.
Nó muốn chúng ta suy nghĩ và có cảm tưởng là chúng ta yếu đuối, tuyệt vọng ở dưới quyền kiểm soát của nó. Nếu nó có thể lừa dối được chúng ta, thì nó biết chúng ta sẽ tháo lui trong sợ hãi và không dám chống trả nó bằng đức tin.
Nếu ma quỷ không thể lừa dối chúng ta trong việc lớn, nó sẽ cố lừa chúng ta trong các việc nhỏ. Vài năm trước đây, một người bạn của tôi gặp một người bị quỷ ám. Khi anh nhơn Danh Chúa Jesus để đuổi quỷ, nó mạnh dạn quở trách anh". Mầy không đuổi được ta đâu, bởi vì mầy không kiêng ăn".
Bạn sẽ làm gì nếu tà ma buộc tội bạn chưa kiêng ăn? Bạn có cảm thấy bạn chưa sẵn sàng trong trường hợp như vậy chưa?
Dĩ nhiên ma quỷ muốn bạn tôi đặt đức tin của anh trong việc kiêng ăn hơn là Đức Chúa Trời.
Lúc đầu, anh bị mất tinh thần bởi vì thực sự anh không kiêng ăn trước đó. Ma quỷ đã bẫy anh để anh thối lui, và để người bị ám ở tình trạng như cũ.
Sau đó, anh nhận ra ma quỷ đang làm gì. Vì vậy, anh mạnh dạn đáp lời: "Mầy là ma quỷ dối trá, ta không kiêng ăn nhưng Chúa Jesus đã kiêng ăn. Bây giờ trong Danh Jesus, mầy ra khỏi người nầy!" và ma quỷ liền ra lập tức.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chúng ta phải nhận biết các chiến thuật và mưu mẹo lừa dối của ma quỷ (IICôr 2:11). Vì vậy ma quỷ đã sử dụng phương thức gì để làm suy yếu đức tin của chúng ta qua sự sợ hãi? Có hai phương thức quan trọng đó là: sự buộc tội và định tội.
Trước tiên Satan buộc tội, tức là qui trách nhiệm hoặc lên án một Cơ Đốc Nhân vì có vài lầm lỗi, thất bại và yếu đuối trong cuộc sống. Sự kết án có thể sai hoặc đúng. Dù đúng hay sai nếu chúng ta chấp nhận nó chúng ta sẽ cảm thấy có lỗi và không xứng đáng. Chúng ta sẽ bị ở dưới sự sợ đoán xét hay định tội.
Chúng ta cần nên phân biệt sự khác nhau giữa:
Đức Thánh Linh sẽ "cáo trách" chúng ta về tội lỗi bằng cách chỉ rõ tội ra cho chúng ta. Một khi chúng ta thấy được tội lỗi, chúng ta ăn năn (từ bỏ khỏi tội lỗi). Sự ăn năn thật khiến cho chúng ta hối tiếc vì đã phạm tội chống nghịch với luật pháp và tình yêu của Cha thiên thượng.
Đoạn Thánh Linh thúc đẩy chúng ta xưng tội và nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Làm được điều nầy chúng ta được phục hồi lại sự vui mừng về sự cứu rỗi của chúng ta.
"Nếu chúng ta xưng tội của mình, thì Ngài là thành tín và công bình để tha tội cho chúng ta sạch mọi điều gian ác, tức là những ý nghĩ, lời nói và hành động sai trái "(IGiăng 1:9).
"Tôi phạm tội cùng Chúa, chỉ một mình Chúa thôi... Cầu Chúa rửa tôi để tôi trắng hơn tuyết... Xin Chúa ngoảnh mặt khỏi các tội lỗi tôi, và xóa hết sự gian ác tôi... Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy dựng trong tôi một lòng trong sạch và làm mới lại trong tôi một thần linh mạnh mẽ và ngay thẳng... Xin hãy phục hồi lại sự vui mừng về sự cứu rỗi Chúa "(Thi 51:4, 7, 9, 10, 12).
Tuy nhiên, Satan sẽ "tố cáo và định tội" cả đối với tội lỗi lẫn sự yếu đuối của chúng ta. Đôi khi chúng ta không làm điều gì sai trái để bị kết tội.
Dĩ nhiên trong bất cứ trường hợp nào, mục tiêu của nó là làm cho chúng ta cảm thấy bị định tội và cảm thấy tuyệt vọng. Nó muốn chúng ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã dứt bỏ chúng ta và chúng ta sẽ không còn có hy vọng về tương lai. Nếu nó không thể làm hơn được nữa, nó sẽ tìm cách để giữ chúng ta trong trạng thái bất an. Ý muốn của nó là muốn làm yếu đức tin của chúng ta đến nỗi chúng có cảm giác rằng chúng ta không đủ mạnh mẽ thuộc linh để đối mặt với chúng trong trận chiến.
Đây là điều mà sứ đồ Giăng dạy chúng ta: "Nếu lòng các ngươi không cáo trách thì chúng ta có lòng dạn dĩ tới gần Đức Chúa Trời "(IGiăng 3:21). Nếu lòng chúng ta nặng nề với sự định tội, đức tin của chúng ta sẽ yếu đuối hay chúng ta sẽ không còn đức tin. Không có đức tin chúng ta sẽ không đánh trận! Đó là điều ma quỷ muốn, nó muốn một Cơ đốc nhân không biết đánh trận hay không chống trả.
Cái danh "ma quỷ" có nghĩa là kẻ buộc tội hay lên án người khác cách giả dối. Có nhiều Cơ Đốc Nhân bị thất bại bởi sự buộc tội và định tội hơn bất cứ điều gì khác.
Hầu hết chúng ta đều biết Satan thường dùng những chiến thuật gì để tấn công, mặc dầu chúng ta không tỉnh táo để nhận biết ai đang đứng đằng sau những chiến thuật ấy. Thực vậy, chúng ta sẽ là nạn nhân của sự lừa dối kép nếu chúng ta không nhận ra kẻ nói dối hay lời nói dối của nó!
Thí dụ, tất cả chúng ta đều có những lúc nói chuyện với ai đó bằng những lời cay nghiệt hoặc độc địa hơn lúc bình thường. Mặc dù chúng ta nhanh chóng ăn năn và xưng tội với Đức Chúa Trời, nhưng ma quỷ vẫn kiếm cách lôi kéo chúng ta đến chỗ định tội. Nó sẽ gợi nhớ và buộc tội chúng ta liên tục vì đã không có cách cư xử giống như Chúa Jesus Christ.
Chúng ta cứ ăn năn lập đi lập lại cho cùng một tội nhưng không thể thoát được mặc cảm phạm tội. Nó làm hư hỏng đời sống cầu nguyện và cản trở việc thờ phượng của chúng ta. Nó cướp mất sự bình an và sự vui mừng đồng thời làm yếu đức tin của chúng ta.
Chúng ta sợ hãi tham gia vào trận chiến thuộc linh cho chính chúng ta hay vì cớ người khác. Satan nhanh chóng nói rằng chúng ta được nó thương xót vì chúng ta thất bại trên bước đường Cơ Đốc. Bạn có thường gặp những trường hợp như vậy không?
Ma quỷ còn tấn công chúng ta bằng một chiến thuật khác nữa, đó là nó bắn những tư tưởng gian ác như "những phi tiêu lửa" vào tâm trí chúng ta. Thậm chí chúng có thể đến trong một dịp đặc biệt như trong lúc cầu nguyện, thờ phượng hoặc ngay cả lúc tiệc thánh.
Nếu kẻ thù có thể cám dỗ chúng ta triển khai tư tưởng vào hành động hay lời nói gian ác là nó sẽ làm ngay. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhanh chóng đánh trả lại cám dỗ đó, nó sẽ kiếm cách khác, đó là sự định tội. Nó sẽ buộc tội chúng ta là có tư tưởng gian ác và tấm lòng bất khiết. Nó sẽ bảo rằng các Cơ Đốc Nhân khác không bao giờ có những suy nghĩ như thế.
Thậm chí nó có thể đi xa hơn nữa bằng cách nói rằng chúng ta đang bị nguy hiểm vì không có Đức Chúa Trời ở cùng. Nó sẽ nhận chìm cuộc đời chúng ta càng sâu càng tốt theo điều nó có thể làm được.
Nếu chúng ta chấp nhận những lời nói dối nầy của ma quỷ, chúng ta sẽ bị bỏ lại một cách cô đơn, tuyệt vọng và vô tín. Các tên lửa của ma quỷ làm thiêu cháy đức tin bằng sự nghi ngờ và sợ hãi.
Vì thế khi đương đầu với các nan đề thuộc linh, chúng ta không còn đức tin để đến với Đức Chúa Trời hay chống trả lại ma quỷ. Thế là chúng ta nhượng bộ, chịu thua và đầu hàng. Không ngạc nhiên gì khi Phierơ khuyên chúng ta:
"Hãy tỉnh thức và cảnh giác, bởi vì kẻ nghịch anh em, là ma quỷ rình mò xung quanh như sư tử rống, tìm kiếm người nào nó có thể ăn và diệt "(IPhi 5:8).
Chúng ta giải quyết nan đề về sự định tội như thế nào? Làm cách nào chúng ta có thể đối phó với các lời nói dối và sự buộc tội của kẻ lừa đảo, tức là ma quỷ? Câu trả lời bao gồm ba lẽ thật căn bản hay là ba nguyên tắc
Chúng ta hãy nghiên cứu ba lẽ thật nầy một cách chi tiết. Tổng hợp cả ba nguyên tắc lại thành tuyến phòng thủ mạnh mẽ chống lại các cuộc tấn công của kẻ nghịch, là Satan.
Chính Chúa Jesus nói: "...nhanh chóng đồng ý với kẻ thù ngươi... "(Mat 5:25). Ngài muốn nói đến kẻ thù tìm cách buộc tội một người nào đó trước tòa án.
"Kẻ thù nghịch" của chúng ta là ma quỷ. Bao giờ nó cũng buộc tội chúng ta không chỉ trước mặt chúng ta nhưng cũng trước ngai của Đức Chúa Trời.
Lúc đầu nghe có vẻ sai trật khi đồng ý với kẻ thù như thế. Tuy nhiên nếu sự buộc tội của nó là đúng, chúng ta sẽ không thắng bằng cách cố gắng tự vệ. Nếu chúng ta thật sự sa ngã hay thất bại trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, thì việc phủ nhận đó chẳng ích lợi gì.
Uy quyền của chúng ta trên ma quỷ không dựa vào sự thánh khiết hay việc làm lương thiện của chúng ta. Đôi khi chúng ta có phạm tội và đánh mất đi mục đích thánh khiết của Đức Chúa Trời trên đời sống của chúng ta trong Đấng Christ.
Chúa Jesus không nói rằng phải tranh cãi với ma quỷ để bảo vệ cho chúng ta. Ngài nói rằng hãy đồng ý với nó một cách nhanh chóng. Ngài muốn nói gì, điều nầy vận hành ra sao? Chúng ta hãy xem một thí dụ có thể xẩy ra như sau:
Ma quỷ vừa mới buộc tội các bạn vì có tư tưởng gian ác và đen tối. Bạn trả lời bằng cách nói rằng: "VÂNG, yêu ma, ngươi đúng, và ta sai, NHƯNG...". Bây giờ đến câu trả lời sẽ làm cho ma quỷ hoàn toàn thất bại "VÂNG, ngươi nói đúng, NHƯNG huyết của Chúa Jesus đã rửa sạch mọi tội lỗi của ta".
Bạn không thể đứng vững trên sự công bình riêng của mình bằng cách chối bỏ sự thất bại của bạn. Bạn biết bạn đã thất bại và ma quỷ cũng biết vậy. Nếu bạn tranh cãi với nó về một điểm nào đó tức là bạn đã thất bại trước khi bắt đầu. Không! Nền tảng đức tin của chúng ta không phải là điều thiện mà là chúng ta mặc lấy sự công bình của Đấng Christ.
Rồi chúng ta làm gì nữa? Khi kẻ thù tìm cách đẩy lùi chúng ta bằng những phát đại bác buộc tội và định tội? Chúng ta nhanh chóng đồng ý với nó và lập tức đến với Chúa Jesus như là nơi trú ẩn, Ngài là đồn lũy an toàn cho chúng ta.
Khi chúng ta cố gắng đương đầu với kẻ thù bằng nguyên lý thánh khiết hay công bình của chúng ta, chúng ta đang bị đưa ra xa nơi ẩn nấp trong Đấng Christ. Giây phút chúng ta làm điều đó, chúng ta sẽ bị đại bại lập tức.
Ngoài Chúa Jesus chúng ta không có sự phòng thủ nào cả. Tuy nhiên trong Jesus Christ chúng ta chẳng những được an toàn và bảo đảm mà còn chắc chắn chiến thắng nữa.
Vâng, sự buộc tội là loại vũ khí lợi hại nhất trong tay Satan. Nó rất lanh lợi trong việc sử dụng loại vũ khí nầy. Nó có thể đến với chúng ta như là một "thiên sứ sáng láng" (IICôr 11:14) để lừa dối chúng ta bằng cách để cho chúng ta nghĩ rằng sự buộc tội đến từ Đức Chúa Trời.
Như chúng ta đã nói ở trên khi Đức Chúa Trời cáo trách tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên mục đích của Ngài là đưa chúng ta đến sự ăn năn và sự tha thứ. Sau khi chúng ta đã ăn năn và được phục hồi (nếu chúng ta phạm tội nghịch cùng người khác), thì bất cứ cảm tưởng định tội nào còn đọng lại trong tâm trí chúng ta đều không đến từ Đức Chúa Trời, mà là những sự định tội của ma quỷ.
Đức Chúa Trời sẽ không kết tội chúng ta khi chúng ta phạm tội hay thất bại, nếu chúng ta ăn năn và xưng tội với Chúa Jesus (IGiăng 1:9).
Ngài sẽ quở trách cách mạnh mẽ và sửa trị đời sống của chúng ta luôn luôn bằng tình yêu thương. Sự sửa dạy của Ngài sẽ không bao giờ có một chút gì là loại bỏ. Sửa dạy chúng ta, VÂNG. Loại bỏ chúng ta, KHÔNG! Chúng ta luôn luôn được chấp nhận trong sự công bình của Đấng Christ.
"Ai dám kiện cáo chúng ta là kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ư?Không! Ngài là Đấng đã tha thứ chúng ta và ban cho ta quyền đứng với Ngài.
"Ai lên án chúng ta? Đấng Christ ư?Không! Ngài là người chân thật, chết vì chúng ta, và sống lại ngồi bên tay hữu Đức Chúa Trời, Ngài đang cầu nguyện thế cho chúng ta.
"Cho nên hiện nay không có sự đoán phạt nào cho những ai trong Đức Chúa Jesus Christ "(Rô 8:33, 34; 8:1).
Satan là nguồn gốc của sự kết tội. Nó sẽ tìm kiếm điểm yếu trong đời sống chúng ta và đem điều đó ra trước mặt chúng ta hoài. Nó sẽ dùng khuyết điểm đó đánh vào lòng chúng ta, khiến chúng ta mang mặc cảm tội lỗi, sợ hãi, nghi ngờ và tuyệt vọng.
Qua lời nói dối ma quỷ tìm cách kéo chúng ta ra khỏi nơi ẩn nấp trong Đấng Christ, tức là sự công bình của chúng ta trong Ngài. Nếu ma quỷ thành công, nó biết chúng ta sẽ không chống trả lại nó bằng đức tin.
Đây là lý do chúng ta phải biết những gì đã được dạy dỗ ở trên. Nếu không chúng ta sẽ không phải là những Cơ Đốc Nhân hạnh phúc và đắc thắng.
Qua sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá chúng ta đã được cứu ra khỏi tội lỗi và án phạt của tội lỗi. Chúng ta đứng trước Đức Chúa Trời CÁCH CÔNG BÌNH (có nghĩa là công bình như chưa từng phạm tội).
Hơn thế nữa, chúng ta cũng được "thánh khiết", được làm nên thánh và công chính trong Đấng Christ. Khi Đức Chúa Trời nhìn xem chúng ta, Ngài sẽ không nhìn thấy tội lỗi, yếu đuối hay thất bại của chúng ta nhưng mà là sự công bình của Con Ngài. Chúng ta được thừa nhận trong Ngài và được ban cho sự tốt lành của đời sống Ngài!
trong Đấng Christ chúng ta không chỉ đứng trước mặt Đức Chúa Trời một cách dạn dĩ, mà còn đối diện với ma quỷ không hề sợ sệt. Vị trí công bình của chúng ta trong Đấng Christ là nền tảng cho sự chiến thắng ma quỷ.
Satan biết điều nầy, nhưng nó không muốn cho chúng ta biết hay sống trong sức mạnh đó. Vì như vậy, đối với nó có nghĩa là bị đánh bại.
Vì vậy, nó tìm cách hủy diệt đức tin và ý chí chống trả của chúng ta, bằng cách sử dụng chiếc búa tạ định tội. Không ngạc nhiên gì khi Phaolô nói với chúng ta rằng: "Chúng ta không phải là không biết các chiến thuật và mưu chước của nó "(IICôr 2:11).
Vì vậy chúng ta thấy rằng sự phòng thủ chống lại sự định tội của ma quỷ có ba mặt:
Chúa Jesus là kiểu mẫu cho đời sống đắc thắng. Sự chiến thắng của Ngài trên ma quỷ và các thế lực tà ma có được là nhờ sự sử dụng Lời của Đức Chúa Trời. Trong thời gian cám dỗ và thử thách trong đồng vắng, Chúa Jesus đã bác bỏ và đánh bại ma quỷ bằng Lời Kinh Thánh. Ngài trả lời mọi sự cám dỗ bằng "Có lời chép rằng".
Chữ "bác bỏ" có nghĩa là chứng minh lời nói của một người nào đó là sai trật bằng cách nói lẽ thật. Chúa Jesus đã bác bỏ lời của ma quỷ bằng cách nói Lời của Đức Chúa Trời. Ngài đã thắng ma quỷ bằng Lời, và chúng ta cũng thắng nữa.
Việc đuổi ma quỷ sau cùng được mô tả trong Sách Khải huyền. Vai trò của chúng ta là người thắng cuộc cũng được giải thích. Nguyên lý hai mặt cho sự đắc thắng ma quỉ quả là một điều thú vị:
"Tôi nghe trên trời có tiếng la lớn: Đây là lần sau cùng! Sự cứu rỗi và quyền phép của Đức Chúa Trời, sự cai trị và uy quyền của Đấng Christ đã đến. "Kẻ kiện cáo anh em chúng ta.
Kẻ kiện cáo anh em cả ngày lẫn đêm trước mặt Đức Chúa Trời chúng ta nay đã bị quăng xuống rồi.
"Và anh em chúng ta đã thắng nó bởi huyết Chiên Con và lời làm chứng, tức là lời sự thật... của mình "(Khải 2:10-11).
Có hai chìa khóa để làm người thắng trận là:
Tẩy sạch tội lỗi để chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận (là công bình như chưa bao giờ phạm tội)
là lời do anh em nói ra thống nhất với những gì Đức Chúa Trời đã phán trong Kinh Thánh.
àm thế nào để chúng ta thắng trận nhờ "Huyết chiên con?". Tôi tin chắc bạn hiểu chữ "Chiên Con" được dùng trong Kinh Thánh để chỉ Chúa Jesus.
Bạn có nhớ khi Giăng Baptít trông thấy Chúa Jesus đến chịu phép báp-têm, ông nói:
"Kìa, CHIÊN CON CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI là Đấng gánh hết tội lỗi của thế gian "(Giăng 1:29, 36).
Khi các môn đồ của Giăng nghe Chúa Jesus được xem như là "Chiên con của Đức Chúa Trời" họ lìa khỏi Giăng mà theo Ngài.
Là người Israel, họ hiểu rất rõ ý nghĩa của điều này. Người dân Israel có kinh nghiệm về sự tha thứ và chuộc tội qua các phương thức sau. (Chuộc tội, tiếng Anh là atonement. Chiết tự ra như sau, At-one-ment có nghĩa là được hiệp một: at one với Đức Chúa Trời).
Đức Chúa Trời đã truyền lệnh rằng một chiên con phải được đem đến như là của lễ chuộc tội đặt trên bàn thờ bằng đồng trong đền thờ. Sau đó kẻ phạm tội đặt hai tay lên đầu chiên con được đặt trên bàn thờ và xưng tội mình ra. Qua tiến trình này, tội lỗi của người xưng tội sẽ được chuyển sang cho chiên con.
Bởi vì án phạt của tội lỗi là sự chết, nên sau đó chiên con phải chết trên bàn thờ. Chiên con không chết vì nó phạm tội, chiên con bị giết thay cho người phạm tội (kẻ đáng bị chết). Chiên con trở thành của lễ thay thế cho người phạm tội, chết thế cho họ.
Điều nầy minh họa điều Chúa Jesus đã làm trên thập tự giá cho bạn và tôi. Chúng ta là kẻ đáng phải chết vì cớ tội lỗi của chúng ta. Nhưng Chúa Jesus (Chiên con) đã chết thế cho chúng ta. Đáng lẽ tôi phải bị treo trên cây gỗ, nhưng Chúa Jesus đã thế chỗ cho tôi (và cả bạn nữa). Vì thế tôi có thể được "hiệp một" với Đức Chúa Trời. Tôi được tha thứ và vui mừng đứng trước Đức Chúa Trời "công bình như chưa bao giờ phạm tội".
Tội của chúng ta được "tha thứ và quên đi" bởi Chúa Jesus đã đổ huyết của Ngài trên thập tự vì cớ chúng ta (như Chiên con). Vì thế, ma quỷ rất ghét huyết của Chúa Jesus.
Thập tự và huyết của Jesus đã đổ ra vì cớ chúng ta đã đánh bại ma quỷ và tà ma, vì thế chúng ghét huyết của Chúa Jesus.
Lần đầu tiên tôi đuổi quỷ vào năm 1948. Tôi là một Cơ Đốc Nhân trẻ có đầy nhiệt huyết hơn là tri thức và sự khôn ngoan. Khi đang cố gắng đuổi tà linh ra khỏi người bị quỷ ám, tôi đang làm điều gì đó vượt quá sự tăng trưởng và kinh nghiệm thuộc linh của mình.
Tuy nhiên, trong sự nỗ lực, tôi đã học được bài học nhớ đời. Khi tôi ra lệnh cho tà ma ra khỏi người bị ám, nó la lên "Huyết của Chúa Jesus là huyết heo!". Ma quỷ lập đi lập lại sự phạm thượng một cách kinh khủng. Điều đó làm tôi ớn lạnh cả xương sống.
Từ đây, tôi nhận ra sức mạnh của huyết Jesus chống lại ý đồ và công cụ của Satan và đồng bọn của nó như thế nào.
"Huyết của Chiên Con" đã giữ Satan (Kẻ hủy diệt) không được vào nhà dân Israel trong đêm Lễ Vượt qua trong xứ Êdiptô. (xem chương 1 của phần này).
Huyết của các chiên chuộc tội trong Cựu ước ngăn không cho Satan hãm hại những tín đồ công bình. Trong sự chết, những người được "cứu nhờ huyết" vào Barađi, tức là khỏi tầm tay và sự hãm hại của Satan (Xem Lu 16:19-26).
Huyết đã vô hiệu kế hoạch của Satan qua nhiều thế kỷ. Cũng không ngạc nhiên gì khi các tác giả Tân ước nói về huyết của Chúa Jesus cách mạnh mẽ.
"...anh em đã được chuộc... bằng huyết báu của Đấng Christ... Ngài (Jesus) yêu chúng ta, và tẩy sạch tội lỗi của chúng ta bằng chính huyết của Ngài... Ngài đã dùng huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc mọi chi phái, mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc, mọi nước "(IPhi 1:18, 19; Khải 1:5; 5:9).
Một người bạn thân của tôi tên là David, anh kể cho tôi nghe về câu chuyện của cha anh. Cha của anh là một người Anh giáo, ông là một người tin Chúa tốt đầy dẫy Thánh Linh và trở thành một nhà truyền đạo Ngũ tuần ở Anh quốc.
Ông có những cách rất buồn cười, một trong những cách đó là ông hay đi lòng vòng, miệng thì lẩm nhẩm câu "Ở dưới huyết, Lạy Chúa! Ở dưới huyết!"
Một ngày kia David hỏi cha anh "Tại sao Ba làm như vậy hả Ba?" Ông lớn tiếng trả lời, "À, con có biết điều gì khác tốt hơn cho một người già để thì thầm không"?
David không trả lời, nhưng trong trí anh nghĩ "Không! con nghĩ không ra! Ba à! con không nghĩ ra lời nào tốt hơn lời ấy để có thể bao phủ mọi sự việc chung quanh con." Thế rồi David quyết định thực hiện thói quen là thường xuyên đi lòng vòng thì thầm giống như vậy. Còn bạn thì sao? Bạn thì thầm gì?
"Và anh em chúng ta đã thắng nó bởi huyết Chiên con và lời làm chứng, tức là lời nói thật... của mình "(12:11).
Khi bạn chống kẻ thù bằng lời cầu nguyện, hãy nói những lời sau: "Hỡi các thế lực tối tăm, ta xưng nhận huyết của Chúa Jesus để chống lại ngươi. Nhơn Danh Chúa Jesus Christ, ta ra lệnh cho ngươi phải ra khỏi người nầy. Huyết của Chúa Jesus đã mua chuộc sự tự do của người này, và ta truyền lệnh cho ngươi bước ra, chấm dứt sự kềm kẹp của ngươi trên đời sống của người nầy ngay bây giờ".
Loại cầu nguyện và công bố đức tin nầy sẽ làm cho ma quỷ run sợ và trốn chạy. Hãy sử dụng huyết của Chúa Jesus trong sự cầu nguyện. Đó là một vũ khí thuộc linh mạnh mẽ.
Lời nói của chúng ta qua sự làm chứng hoặc công bố luôn luôn mang một sức mạnh nào đó. Chúng ta biết phần của con người trong sự cứu rỗi phải:
a. Tin trong lòng và
b. Miệng nói ra
"Nếu miệng ngươi xưng Jesus là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu "(Rô 10:9).
Khi chúng ta tin và xưng rằng Chúa Jesus đã chết, huyết của Ngài đổ ra vì cớ tội lỗi chúng ta, và xưng rằng Đức Chúa Trời khiến cho Ngài sống lại từ kẻ chết, chúng ta được cứu và bước vào đời sống Cơ đốc đắc thắng.
Có một cách để bước vào đời sống đắc thắng của Đấng Christ, nhưng bằng cách nào chúng ta tiếp tục bước đi trong sự đắc thắng Satan? Chỉ có một cách duy nhất để chúng ta đắc thắng và tiếp tục bước đi trong đắc thắng, đó là bằng cách xưng nhận bằng môi miệng.
Nhiều người trong chúng ta xem xét nan đề, các tư tưởng bằng sự nghi ngờ sợ sệt và thất vọng. Chúng ta phải chống cự lại kẻ thù bằng cách nói ra lời của đức tin, hy vọng và yêu thương. Chữ "xưng nhận" (confession) có nghĩa là "nói y như" hay là "nhất trí với".
Khi chúng ta xưng tội, tức là chúng ta nhất trí với Đức Chúa Trời rằng những công việc ấy là sai trật. Tội lỗi làm thương tổn chúng ta và làm buồn lòng Đức Chúa Trời. Chúng ta không phủ nhận hay bào chữa cho các tội lỗi của chúng ta, nhưng chúng ta nói về tội lỗi y theo cái nhìn của Đức Chúa Trời về những tội đó. Đó là phần tiêu cực và buồn rầu của chúng ta trong sự xưng tội.
Chúng ta không chỉ xưng tội mà chúng ta cũng xưng ra những Lời của Đức Chúa Trời nói trong Kinh Thánh về sự cứu rỗi, sự chu cấp tài chánh, sự chữa lành và phước hạnh.
Khi chúng ta đau yếu, chúng ta xưng:
"Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, Đấng chữa lành cho ngươi... "
"..Ngài chữa lành tất cả bệnh hoạn của tôi... "
"Bởi những lằn roi của Ngài, tôi được lành bệnh... "(Xuất 15:26; Thi 103:3; Ês 53:5).
Đây là phần tích cực hay vui mừng của sự xưng tội của chúng ta.
Kinh Thánh nói rằng Chúa Jesus là "Thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta tin theo (xưng ra)" (Hêb 3:1). Điều đó có nghĩa là Ngài hành động theo điều gì chúng ta nói để tăng cường sự chiến thắng cho chúng ta "...vì Ngài sống để cầu thay cho chúng ta " (Hêb 7:25).
Đây là phương diện hợp pháp trong sự cứu rỗi của chúng ta có liên quan đến sự xưng tội của chúng ta. Chúa Jesus là luật sư của chúng ta. Sự thành công của Ngài tùy thuộc phần lớn vào lời tuyên xưng của chúng ta (điều chúng ta nói).
Satan thường đến thiên đàng để kiện cáo anh em (xem Gióp 1:1-2:13; Khải 12:10). Khi Satan làm như vậy, Chúa Jesus sẽ trả lời như thế nào để bác bỏ lời buộc tội của nó? Bởi lời làm chứng của chúng ta, tức là những gì chúng ta nói.
Một nhà truyền giáo nổi tiếng người Mỹ giải thích theo cách nầy. Khi ma quỷ tố giác bạn trước Đức Chúa Trời, có ba điều để nói:
1) Ma quỷ nói điều gì?
2) Kinh Thánh nói gì?
3) Bạn nói gì?
Nếu bạn nhất trí với Lời của Đức Chúa Trời, và nói điều gì Lời Đức Chúa Trời nói, Chúa Jesus sẽ sử dụng lời làm chứng của bạn để bác bỏ lời sự kiện cáo của ma quỷ.
Hãy nhìn vào hình ảnh của tòa án thiên đàng. Đức Chúa Trời đang ngồi ghế chánh án. Có bốn vai trò khác nhau có thể được thấy trong cảnh nầy.
1) Có một "Quan Án" Đấng quyết định ai sai và hình phạt sẽ như thế nào?.
2) "kẻ kiện cáo" kẻ cố chứng minh bị cáo là có tội và phải bị kết tội.
3) "bị cáo" là người bị buộc tội và cần ai đó bào chữa cho mình khỏi bị kết án.
4) "người bào chữa" Là người sẽ tìm kiếm chứng cớ để chứng minh cho thân chủ của mình vô tội.
Ai thủ diễn các vai khác nhau trong tòa án thiên đàng.
1) Quan án là chính Đức Chúa Trời. Đấng vừa khôn ngoan vừa công bình.
2) Kẻ kiện cáo là ma quỷ, cũng chính là kẻ kiện cáo anh em.
3) Người bào chữa là Jesus Christ, luật sư của chúng ta và là Đấng cầu thay (IGiăng 2:1).
4) Bị cáo là Cơ Đốc Nhân (bạn và tôi) người đang chịu sự buộc tội của ma quỷ.
Kẻ kiện cáo nói trước, nhấn mạnh đến hình phạt chống lại chúng ta trước quan án. Lời buộc tội của nó có cái đúng và có cái sai. Vụ kiện của nó hết sức thuyết phục đến nỗi chúng ta có thể cảm thấy bối rối và sợ hãi. Nếu chúng ta phạm tội, chúng ta sẽ đứng yên lặng cúi đầu và không nói gì. Hay tệ hơn nữa, chúng ta có thể cố gắng bảo vệ mình và ngay cả chối bỏ lời buộc tội. Việc nầy có thể đưa đến thất bại cho chúng ta, vì Đấng Bảo vệ chúng ta phải trình bày vụ việc trên nền tảng lời xưng nhận của chúng ta.
Chúa Jesus nói thẳng thắn những lời đầy quyền năng "những lời ngươi nói sẽ được thành vậy "(Mác 11:23).
Đồng ý với kẻ thù, tức là kẻ kiện cáo rằng chúng ta sai thì điều đó sẽ khôn ngoan biết bao. Nhưng đồng thời công bố rằng án phạt cho hành động sai trái của chúng ta đã được Đấng biện hộ của chúng ta dùng chính huyết Ngài để trả rồi.
Đoạn chúng ta giao cho Chúa Jesus bảo vệ chúng ta. Bởi sự chết trên thập tự giá, Ngài sẽ lấy lời xưng tội, và sự cứu rỗi của chúng ta mà biện hộ trước Cha Ngài, là Quan án của chúng ta.
Trên nền tảng thập tự và sự đổ huyết của Ngài, sự công bình đã được thỏa mãn. Quan án công bố chúng ta được khoan hồng khỏi bị trừng phạt. Kẻ kiện cáo bị thất bại. Nó không có chứng cớ nào khác để buộc tội. Huyết Chiên Con và lời chứng của chúng ta thắng ma quỷ!
Hơn thế nữa, một khi chúng ta được trong sạch đối với các kiện cáo của ma quỷ, chúng ta sẽ buộc tội nó vì nó dùng lời nói dối suýt làm chúng ta thất bại.
Bằng cách xưng nhận sự thật, chúng ta không những được tự do, trái lại ma quỷ có thể bị giam cầm (trong địa ngục) theo như kế hoạch nó dành cho chúng ta.
Chúng ta đã nối năm nguyên tắc căn bản lại với nhau trong bài học nầy nói về đời sống Cơ Đốc đắc thắng. Vì thật là ích lợi cho việc ôn tập của chúng ta.
Nguyện xin các lẽ thật nầy được đặt trong lòng và tâm trí các anh em. Với những lẽ thật này chắc chắn chúng ta sẽ là những người chiến thắng. Và sẽ là sự che chở chắc chắn mạnh mẽ chống lại những sự tấn công của ma quỷ. Nó sẽ không còn sử dụng các vũ khí kiện cáo và buộc tội để làm suy yếu đức tin và sự cầu nguyện của chúng ta.
Chúng ta đứng thẳng, nói lớn, giải cứu chúng ta và anh em khác bằng Lời chắc chắn của Đức Chúa Trời.
Có một cuộc chiến sôi sục trong tôi và nó gây ra nhiều nan đề sâu xa hơn bất cứ một biến cố nào mà tôi đã đương đầu. Nan đề hàng đầu của tôi không phải là ma quỷ hay là tà ma của nó, nhưng chính tôi. Bản chất tội lỗi của tôi là kẻ thù lớn nhất của tôi.
Như chúng ta đã xem qua các chương đầu, chúng ta có cả kẻ thù bên trong lẫn bên ngoài. Các kẻ thù bên ngoài chúng ta là ma quỷ và tà ma của nó.
Chúng ta cũng đã học các nguyên tắc để chiến thắng các kẻ thù đó. Mục đích của chương nầy là giải quyết các kẻ thù bên trong của chúng ta.
Trong nhiều năm, tôi đã kết tội mọi việc đều do ma quỷ và các thế lực tà ma của nó. Nhưng rồi tôi khám phá ra rằng hầu hết các trận chiến thuộc linh của tôi là với chính tôi. Tôi không phải tìm đâu xa để thấy kẻ thù lớn nhất của tôi.
Tôi đã thấy tôi đối diện với nó trong gương mỗi buổi sáng.
Tôi khám phá ra rằng tôi không phải là người duy nhất đối diện với nan đề nầy. Tất cả Cơ Đốc Nhân ở khắp nơi đều cùng phải đối diện với một nan đề như tôi.
Chúng ta cần một giải pháp mạnh mẽ cho nan đề lớn lao và rộng khắp như vậy. Đức Chúa Trời có câu trả lời. Ngài biết chúng ta hơn chúng ta biết mình và đã cung cấp một giải pháp cho chúng ta trong Chúa Jesus Christ. Chấp nhận giải pháp nầy giúp chúng ta có được một chiến thắng bản đảm và chắc chắn.
Có một thứ bệnh tâm thần được gọi là "tâm thần phân liệt". Từ y học nầy có nghĩa là "tâm trí chia đôi". Nó ám chỉ đến một trở ngại tâm thần mà người nào mang bệnh nầy có thể bày tỏ các triệu chứng của một người "lưỡng tính" (Có hai cá tính).
Họ suy nghĩ và hành động giống như hai con người khác nhau. Có lúc họ có thể nói và đối đáp bình thường, lúc khác cử chỉ của họ hoàn toàn ngược lại.
Có một loại bệnh "thần kinh phân liệt thuộc linh" đối với Cơ Đốc Nhân. Chúng ta khốn khổ vì đôi khi dường như có "hai con người" ở trong chúng ta.
Có lúc chúng ta biểu hiện phẩm chất yêu thương của Đấng Christ. Chúng ta vui mừng, bình an, tử tế và lịch sự.
Lúc khác, chúng ta có thể nói lời cay độc, cáu kỉnh và khó chịu. Chúng ta không muốn như vậy nhưng chúng ta vẫn cứ làm.
Mặc dù chúng ta cố gắng dịu dàng, lịch sự và tốt đẹp nhưng chúng ta lại thể hiện sự chua ngoa, bần tiện và khốn nạn. Chúng ta biết điều đó, và người khác cũng biết nữa. Dường như chúng ta bị lôi kéo ra hai hướng khác nhau cùng một lúc. Chúng ta cảm thấy như có một cuộc chiến đang đánh nhau bên trong, và chúng ta thường bị thất trận.
Có thể chúng ta tự hỏi chính mình "Điều gì đang xảy ra trong tôi vậy?" Chúng ta lại hỏi "Tôi có bệnh lưỡng tính không?" Câu trả lời đơn giản là "Vâng, có đấy!".
Khi bạn tiếp nhận Chúa Jesus vào đời sống, bạn đã tiếp nhận một bản chất mới, là bản chất của Ngài.
Đức Thánh Linh bước vào đời sống của bạn như là Thánh Linh của Đấng Christ. Ngài lấy tấm lòng bạn làm nhà. Kinh Thánh nói về bản chất mới nầy giống như là "con người mới".
Bản chất cũ tách rời khỏi Đấng Christ, còn gọi là "con người cũ".
Đôi khi bản chất cũ của chúng ta được gọi là xác thịt, con người trần tục (trần tục = xác thịt), là bản chất Ađam cũ hay nói đơn giản hơn là "cái tôi". Nó cũng có cùng một bản chất với con người Ađam đầu tiên, sau khi ông phạm tội và bị ngăn cách với Cây Sự sống (xem Sáng 3:1-24).
Tất cả các từ ở trên ám chỉ một đời sống không trưởng thành và không thiêng liêng. Nếu chúng ta không có cuộc sống bằng quyền năng và sự năng động đến từ Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ để lộ "bản chất Ađam" bằng các từ được giải nghĩa dưới đây:
Chúng ta có thể lập đồ thị những từ sau:
Bản Chất Cũ Của Ađam | Bản Chất Mới Trong Đấng Christ |
Con người cũ | Con người mới |
Đời sống ích kỷ cũ | Đời sống mới trong Đấng Christ |
Xác thịt (trần tục) | Thánh Linh (thuộc linh) |
Bản chất tội lỗi | Bản chất công bình |
Con người xác thịt | Con người thuộc linh |
Tâm trí trần tục | Tâm trí thuộc linh |
Cảm Giác Và Lý Luận | Cảm Giác Và Lý Luận |
Ngăn cách với Thánh Linh của Đức Chúa Trời |
Ở dưới sự điều khiển của Đức Thánh Linh |
Con người cũ (xác thịt) và con người mới (Thánh Linh) đối nghịch nhau về bản chất. Chúng sống trong một nhà nhưng có những ước muốn khác nhau. Con người cũ cho mình là trung tâm, trong lúc đó con người mới lấy Đấng Christ làm trung tâm. Hai bản chất nầy xung đột và tranh chiến lẫn nhau. Điều nầy là nguyên nhân của nan đề.
Đức Chúa Trời đã biết trước sự xung đột nầy sẽ nổi lên trong đời sống chúng ta sau khi tiếp nhận Con của Ngài làm Chúa Cứu thế của chúng ta. Dầu vậy, Ngài có giải pháp đầy năng quyền cho nan đề của chúng ta. Câu trả lời của Ngài tập trung trong sự sống và sự chết của Con Ngài và chứa đựng một lẽ thật để khi chúng ta hiểu và làm theo sẽ giúp chúng ta thắng hơn kẻ thù bên trong.
Sứ đồ Phaolô tìm cách giải thích nguyên tắc để có cuộc sống đắc thắng. Ông so sánh nó như mối liên hệ hôn nhân.
Đây là ý kiến của ông:
"Hỡi anh em, tất cả anh em đều hiểu luật pháp Môise. Chắc chắn anh em biết luật pháp cai trị người ta chỉ khi họ còn sống. Thí dụ, người đàn bà có chồng phải giữ bổn phận trong lúc chồng còn sống. Nhưng nếu chồng chết thì vợ thoát khỏi sự ràng buộc của luật hôn nhân.
"Nhưng nếu có chồng khác trong lúc chồng mình còn sống, theo luật pháp là phạm tội ngoại tình. Nhưng nếu chồng chết thì vợ được buông tha khỏi luật hôn nhân ràng buộc. Vậy anh em không còn bị luật pháp cai trị nữa.
"Bấy giờ anh em có thể được lấy Người khác, đó là Đấng Christ được khiến từ kẻ chết sống lại. Trong Ngài anh em có đời sống mới và có thể kết quả cho Đức Chúa Trời "(Rô 7:1-4).
Qua lời giải thích của Phaolô ở trên, người chưa được chuộc giống như một người vợ lấy một người chồng thô bạo.
Người chồng thô bạo nầy là những luật lệ được ban cho Môise để định tội. Nếu bạn vi phạm luật pháp của Môise (dưới luật lệ thời Cựu ước) bạn sẽ bị ném đá đến chết. Luật pháp kết án chúng ta vì tội lỗi, nhưng không ban cho chúng ta quyền năng để sống một đời sống thánh khiết.
Khi luật pháp bảo "... ngươi không được tham lam". Sứ đồ Phaolô nói rằng luật pháp nầy làm cho ông càng "tham lam" hơn. Điều răn không giải cứu ông thoát khỏi tính tham lam, mà làm cho ông trở nên tham lam siêu đẳng.
Có bao giờ Bạn nhìn thấy một bản hiệu viết: "SƠN ƯỚT, XIN ĐỪNG SỜ TAY VÀO!". Hầu hết người ta sẽ làm gì khi nhìn thấy bản hiệu đó? Bạn nói đúng đó. Họ giơ tay ra và rờ vào để xem có phải là sơn ướt hay không. Mạng lệnh "Bạn không được sờ vào" sản sinh ra một hành động trái ngược lại với những gì được ra lệnh.
Đó là cách của bản chất cũ. Nó luôn luôn muốn làm điều gì chúng ta không được phép làm. Luật pháp chỉ tăng cường, khuếch đại xu hướng nầy.
Vì lý do này, hôn nhân của chúng theo luật pháp (các điều răn) là điều đã làm lớn thêm bản chất tội lỗi, cần phải bị xử lý để chúng ta có thể trở thành các Cơ Đốc Nhân đắc thắng. Ngược lại chúng ta sẽ vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời (là điều mà những Cơ đốc nhân chúng ta không muốn làm).
Phaolô giải thích đường lối để người vợ có thể thoát khỏi sự ràng buộc hôn nhân (luật pháp) với người chồng này. Người vợ được tự do nếu người chồng chết. Chỉ có lúc đó người vợ mới thoát khỏi luật hôn phối.
Người chồng trước của chúng ta, là một hình ảnh (kiểu mẫu hay phép ẩn dụ) của con người cũ hay bản chất tội lỗi của chúng ta, khuấy động và thúc giục phạm tội bởi luật pháp (các điều răn của ĐứcChúa Trời qua Môise). Làm cách nào để chúng ta thoát khỏi ông chồng nầy? (luật pháp và sự thúc giục của con người cũ)
Phaolô giải thích câu trả lời trong Roma 7. "Con người cũ" của chúng ta (chồng) đã bị đóng đinh với Đấng Christ, và chết với Ngài. Từ lúc đó chúng ta mới thoát khỏi người chồng nầy (bản chất tội lỗi và luật pháp) để cưới người khác (Đấng Christ).
Tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện để giúp cho các bạn hiểu rõ hơn chúng ta bị đóng đinh với Đấng Christ như thế nào.
Một người bạn của tôi hỏi Chúa Jesus (trong sự cầu nguyện) xin chỉ cho anh biết anh bị đóng đinh với Đấng Christ như thế nào. Để đáp lại lời cầu nguyện của anh, Đức Chúa Trời đã cho anh một khải tượng.
Trong khải tượng, bạn tôi thấy Chúa Jesus đang chết trên thập tự giá. Đoạn khải tượng thay đổi, anh thấy thân thể của Ngài trên thập tự giá trở nên trong ngần như pha lê và thủy tinh vậy.
Bên trong thân thể của Ngài, anh trông thấy anh. Chúa Jesus phán cùng anh rằng "Ngươi đang ở trong Ta khi Ta bị đóng đinh, như vậy ngươi bị đóng đinh với Ta". Bạn tôi hiểu. Vâng! Tôi đã bị đóng đinh với Ngài.
Các bạn thấy, Đức Chúa Trời đã chọn tôi "trong Đấng Christ" trước khi sáng thế (Êph 1:4). Đức Chúa Cha đã nhìn thấy trước đêm Chúa Nhật, ngày 12/10/1947, Ralph Mohaney sẽ ăn năn trong đêm đó và tiếp nhận Jesus là Cứu Chúa của mình.
Ngài thấy điều này bởi sự biết trước của Ngài, đoạn Đức Chúa Cha nói tiếp: "Ralph không thể sống đắc thắng trừ khi Ta đóng đinh cái bản chất tội lỗi cũ của nó".
Hướng về Chúa Jesus (thân vị thứ hai của Đức Chúa Trời), Đức Chúa Cha phán: "Jesus, khi con đi vào thế gian để chết trên thập tự giá, Ta đã đặt Ralph Mahoney TRONG con bởi vì nó sẽ tin con". Chúa Jesus buồn rầu đồng ý.
Ngài buồn rầu vì khi thực hiện công việc nầy, vì Ngài là Đấng không bao giờ biết tội lỗi, sự bất tuân và chống nghịch mà nay phải trở nên giống như Ralph và mang lấy bản chất tội lỗi của Ralph trong Ngài. Mặc dầu điều đó làm cho Chúa Jesus đau đớn và quằn quại không thể tả được, Ngài quá yêu tôi và Ngài muốn làm điều đó cho tôi.
Ngài không chỉ trả giá án phạt tội lỗi của chính tôi bằng cái chết của chính Ngài; mà Ngài còn giải cứu tôi khỏi thói quen, áp lực và sự kiểm soát của tội lỗi trong đời sống của tôi bằng cách để cho tôi chết TRONG Ngài.
Bản chất tội lỗi cũ và xu hướng bất phục luật pháp của Đức Chúa Trời đã chết trên thập tự giá.
Bởi vì "con người cũ" của tôi (chồng) đã chết, tôi được tự do cưới Đấng Christ, tức là phục dưới uy quyền và kiểm soát của Ngài.
Nhờ mối liên quan đó, Đấng Christ sẽ cho tôi quyền năng của Đức Thánh Linh, để tôi chẳng những MUỐN vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời mà còn SẼ vâng phục nó. Đức Thánh Linh ban cho tôi quyền để VÂNG LỜI.
Chúng ta là những kẻ tin Đấng Christ sẽ không còn cưới "con người cũ" hay bản chất Ađam (bản chất chúng ta nhận từ Tổ tiên hay phạm tội của chúng ta tức là Ađam) nhưng cưới Đấng Christ.
Ngài trở thành chồng mới của chúng ta, và chúng ta là cô dâu của Ngài. Bây giờ chúng ta sống trong đời sống và bản chất của Ngài. Ngài là chủ của chúng ta, chúng ta không còn ở dưới sự kiểm soát của con người cũ nữa.
Có một câu chuyện trong Cựu ước, đã minh họa cho sự giảng dạy của Phaolô trong Rô 7:1-25. Câu chuyện được tìm thấy trong ISa 25:1-44. Câu chuyện bao gồm ba nhân vật quan trọng.
một phụ nữ rất đáng yêu, đã có chồng.
Người giàu gian ác, chồng (người cũ) của Abigain.
người được xức dầu, được Đức Chúa Trời chọn để kế vị Saulơ, vua của dân Israel.
Kinh Thánh mô tả rằng Abigain là một phụ nữ khôn ngoan, đẹp, có tấm lòng quảng đại và khiêm nhường. Có một sự xức dầu trước đó trên đời sống của bà. Thật sự bà là một người nữ quý phái và lịch sự của Đức Chúa Trời.
Nhưng tiếc thay! bà có một người chồng làm hỏng vẻ đẹp và sự lịch thiệp của bà.
Chồng của Abigain. Nabanh là con người bần tiện, thô lỗ, khinh xuất, ngoan cố, ngu xuẩn, luôn luôn say sưa vì uống quá nhiều rượu.
Thật sự đó là một hình ảnh tồi tàn. Hơn thế nữa, Abigain bị ràng buộc với chồng bởi luật hôn phối mà chỉ có cái chết mới chia cách được. Bà chỉ được tự do tái hôn khi Nabanh chết!
Không giống như Nabanh, David là người theo lòng Đức Chúa Trời. Ông được Samuên xức dầu để làm vua Israel. Ông là con người dịu dàng, dễ mến; đời sống của ông được bày tỏ một cách thật đẹp đẽ trong Thi thiên.
Ông là con người có đức tin, can đảm và quyền năng. Một ngày kia ông sẽ trở thành hoàng đế có tài thao lược của Israel. Hôn nhân với David chắc chắn sẽ là hôn nhân hoàng gia.
Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu câu chuyện theo một cái nhìn và cách giải thích mới mẽ. Chúng ta có cảm giác rằng các nhân vật nầy nói đến hai bản chất của chúng ta và mối quan hệ với Đấng Christ.
mẫu người của chúng ta ở dưới luật pháp, kết hôn với con người cũ của chúng ta.
kiểu mẫu bản chất tội lỗi cũ của chúng ta, người mà chúng ta kết hôn do cha mẹ sắp đặt.
mẫu người của Đấng Christ. Đấng được xức dầu. Đấng mà chúng ta muốn kết hôn. Ngài sẽ cho chúng ta bản chất mới và sự thúc giục để bày tỏ sự công bình.
Bằng sự áp dụng thuộc linh nầy trong tâm trí, chúng ta sẽ ôn lại toàn bộ câu chuyện mà chúng ta sắp sửa học.
Mở đầu câu chuyện, chúng ta thấy Đavit đang chạy thoát thân khỏi vua Saulơ. Dầu được xức dầu để làm vua, nhưng David phải trãi nhiều năm trong thử thách và tôi luyện trước khi lên ngôi, Saulơ đã mất ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Ông ghen tị với David và tìm cách lấy mạng người.
David và binh sĩ của ông chạy vào đồng vắng để thoát khỏi mối đe dọa giết người của Saulơ. Nơi đây, họ gặp những người chăn cừu của Nabanh. David đã bảo vệ cho những người chăn và đàn chiên của Nabanh chống lại các bọn cướp dạo và những băng đảng du mục hay lui tới trong vùng. David và binh sĩ của ông đôi khi phải liều mạng bảo vệ tài sản của Nabanh.
Mùa xuân lại đến. Đây là mùa xén lông cừu. Đây là một dịp vui vẻ vì có nhiều yến tiệc và hội hè. David sai mười binh sĩ trẻ đến gặp Nabanh để yêu cầu ông mời họ đến dự lễ hội xén lông cừu.
Thay vì tỏ lòng biết ơn David và binh sĩ đã bảo vệ tài sản mình, Nabanh tỏ thái độ thô bỉ bằng cách từ chối lời mời. David và binh sĩ của ông bị sỉ nhục.
Trong lúc nóng giận, David đem 400 quân và gươm giáo tiến về phía Nabanh, định giết y và lấy đàn chiên mà họ đã giành lại được khỏi tay bọn cướp. Đây là một hành động trả thù.
Một trong những người trai trẻ của Nabanh thấy Abigain và kể cho bà nghe về việc chồng của bà đã có hành động thô bỉ và ngu xuẩn. Biết được ý định của David sẽ hủy diệt sản nghiệp giàu có của mình, bà lập tức (không nói với Nabanh) đến để chặn đứng David và đoàn quân của ông.
Bà mang theo nhiều tặng phẩm nào bánh, rượu, thịt, đậu, ... để làm lễ vật cầu an. Bà dự tính sẽ đưa cho David nhiều hơn David đòi hỏi.
Câu chuyện của chúng ta tiếp tục khi Abigain và người của bà gặp David và đoàn quân của ông dưới chân núi.
Bà nhanh chóng xuống lừa, sấp mình trước mặt David. Bà chấp nhận mọi sự sỉ nhục trên thực tế để nài xin David bỏ qua hành động ngu xuẩn và gian ác của chồng bà.
Bà tế nhị cho rằng Đức Chúa Trời thúc giục bà có hành động như vậy là để ngăn cản David khỏi việc trả thù riêng bằng cách giết người... là điều không đẹp lòng Đức Chúa Trời, làm hoen ố danh tiếng của David.
Đoạn bà nói lời tiên tri tuyệt vời: "Đức Giê-hô-va sẽ thưởng cho nhà chúa bền lâu, vì chúa đánh giặc cho Ngài, và trọn đời chúa không tìm thấy điều ác nơi chúa.
"Nếu có ai dấy lên bắt bớ và hại mạng sống chúa, thì chúa sẽ yên ổn trong sự canh giữ của Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của chúa. Còn mạng sống của kẻ thù nghịch cùng chúa sẽ bị ném xa như hòn đá từ trành ném vậy.
"Đức Giê-hô-va sẽ làm đầy dẫy cho chúa mọi sự lành Ngài đã hứa và lập người làm vua Israel... "Khi Đức Giê-hô-va đã làm ơn cho chúa, xin hãy nhớ đến con đòi của chúa "(ISa 25:28-31).
Quả thật, Abigain là một phụ nữ đáng yêu và lịch sự, bà có tầm nhìn tiên tri và khôn ngoan. Bà là người duy nhất trong gia quyến chồng bà trông thấy sự xức dầu đặc biệt trên David.
Trong thâm tâm, bà đang trông đợi một ngày nào đó David sẽ lên ngôi. Bà là một con người ngọt ngào và nhạy cảm; trong tấm lòng của bà có một niềm hy vọng thiêng liêng cho một ngày tốt đẹp hơn. Có một sự rung động dịu dàng và xúc cảm trong những lời lẽ đầy khao khát của bà "Xin hãy nhớ đến con đòi của chúa".
Khi Abigain trở về nhà, bà thấy chồng bà đã quên chuyện David, ngay cả sự vắng mặt của bà cũng không làm chồng bà quan tâm đến. Ông ta đã dự một bữa tiệc thịnh soạn và say mèm. Quả là một bức tranh tồi tệ của Nabanh, là con người cũ đầy tội lỗi của chúng ta. Không hề có sự hiểu biết mảy may về các công việc thuộc linh và mục đích thiêng liêng.
Kinh Thánh nói rằng Nabanh tổ chức bữa tiệc tại nhà giống như vua chúa. Ông ta đang thủ vai vua chúa và lấy làm vui vẻ. Vị vua thật (David) chỉ muốn dự bữa tiệc nhưng không được hoan nghênh. Nabanh cố ý gạt David ra khỏi cuộc sống của ông, và chỉ quan tâm đến ước muốn và vui thích riêng.
Abigain đã khôn ngoan chờ tới sáng hôm sau mới nói lại cho Nabanh biết. Lúc đó ông ta đã hết say rượu, và bà đã kể lại cho chồng biết sự gian ác của ông ta suýt bị David và đoàn quân của ông trừng trị và quét sạch.
Kinh Thánh nói rằng khi ông ta nghe những lời của vợ "lòng người bèn kinh hoảng, người trở nên giống như đá "(25:37).
Nabanh có một tấm lòng xấu xa và tâm trí trần tục. Đó là đặc tính của bản chất bề trong của ông. Tên "Nabanh" có nghĩa là ngu xuẩn và hèn hạ. Giống như tên của ông, Nabanh có sự ngu xuẩn trong lòng, và không có một ý niệm nào về các đường lối của Đức Chúa Trời.
Vừa tỉnh rượu lại bị kích động bởi lời báo cáo thật của Abigain, ông kinh hoàng đến đỗi tâm trí và con tim ông bất động giống như đá, bị bại liệt (có lẽ ông bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim)
Mười ngày sau"Đức Giê-hô-va đánh Nabanh và người chết "(Câu 38). Cả cuộc đời ông, ông chỉ quan tâm đến chính mình, không bao giờ thay đổi.
Lẽ ra điều này đã không bao giờ xảy ra. Ông đã sống không cần Đức Chúa Trời và Thánh Linh của Ngài. Ông phải chịu sự đoán phạt như đã hứa trong Rô 8:13 "Thật thế nếu anh em sống theo bản chất xác thịt, anh em sẽ chết. ."
Thật là sự mô tả rõ ràng nhưng bi thảm của đời sống cũ ích kỷ của chúng ta! Chỉ có một giải pháp duy nhất cho nan đề của "con người cũ" của Abigain, đó là CÁI CHẾT!
Và đó cũng là giải pháp duy nhất đối với bản chất cũ tội lỗi của chúng ta. Bản chất tội lỗi phải bị đóng đinh và phải chết.
Câu chuyện của chúng ta có chiều hướng sáng sủa và tích cực hơn. Abigain bị ràng buộc hôn nhân với chồng bởi luật hôn phối cho tới khi chồng của bà chết. Bây giờ thì ông ấy chết rồi, bà được tự do để cưới người khác. Chúng ta không phải đi sâu hơn nữa vào câu chuyện để biết "người khác" là ai:
"Khi David nghe Nabanh đã chết, thì nói rằng: Đáng ngợi khen thay Đức Giê-hô-va. Ngài đã đánh trả Nabanh vì sự sỉ nhục mà tôi bị bởi người... Đoạn David sai người đến hỏi Abigain làm vợ...
"Bà trả lời ngay với các sứ giả của David bằng lời nói khiêm tốn và duyên dáng: Nầy là con đòi của chúa, sẽ làm tôi mọi chúa và rửa chân các tôi tớ của chúa.
"Đoạn Abigain nhanh chóng đứng dậy, cỡi lừa có năm hầu gái cùng đi theo với các sứ giả của David, và trở thành vợ người "(ISa 25:39-42).
Bạn có hiểu câu chuyện của Abigain mô tả tình trạng khó xử của chúng ta như thế nào không?
Bà đã được Đức Chúa Trời sử dụng với sự ban phước và xức dầu quí báu; nhưng bà phải mang một gánh nặng. Bà đã kết hôn với một người bần thỉu, vụng về, hôi rượu, không tử tế với bà và với mọi người khác.
Giống như Abigain, chúng ta muốn có một người chồng như David. Nhưng chúng ta có một nan đề. Chúng ta đã kết hôn với Nabanh, con ngưỡi cũ, bản chất cũ tội lỗi của Ađam, tức là xác thịt. Hơn thế nữa, bởi luật hôn phối, chúng ta bị ràng buộc với chồng khi chồng còn sống. Tuy nhiên, có một hy vọng, vì có một nhân vật tên là David trong câu chuyện của chúng ta. Như chúng ta đã nói ở trên, David là mẫu người của Đấng Christ.
Niềm ao ước thật sự của chúng ta là kết hôn với Ngài, và trở thành"cô dâu của Đấng Christ "(Khải 19:7-9).
Chúng ta muốn phẩm chất Abigain của chúng ta tiến lên phía trước, đầy khả ái và được thúc đẩy hướng tới mục đích thiên thượng bằng cuộc hôn nhân với người khác là David (khuôn mẫu Đấng Christ).
Chúng ta muốn dịu dàng và duyên dáng, nhưng Nabanh là bản chất tội lỗi củ của chúng ta, luôn luôn xuất hiện và làm khó dễ. Dường như con người "xác thịt" ấy được nhìn thấy và được bày tỏ quá nhiều trong cuộc hôn nhân với bản chất cũ của chúng ta.
Đôi khi chúng ta đánh trả ma quỷ và kết tội nó vì sự phô bày xác thịt của chúng ta. Nhưng nan đề của chúng ta không phải là ma quỷ; mà là chính chúng ta. Đó là bản chất tội lỗi cũ của chúng ta mà chúng ta đã tiếp nhận từ tổ phụ là Ađam.
Dù cho chúng ta có cố gắng sống một đời sống làm hài lòng Đức Chúa Trời như thế nào đi chăng nữa, thì sớm muộn gì chúng ta cũng thất bại. Càng cố gắng càng thất bại. Chúng ta không thể thoát khỏi "bản chất Nabanh" cũ của chúng ta và chúng ta cũng không thể thay đổi được. Nabanh không thể và sẽ không biến cải.
Chỉ có một câu trả lời duy nhất cho nan đề của chúng ta đối với Nabanh. Đó là sự chết. Đức Chúa Trời phải giết Nabanh. Nabanh phải chết!
Vài Cơ Đốc Nhân cố gắng tự mình giết chết Nabanh. Họ cố gắng đóng đinh xác thịt của họ. Dĩ nhiên đó là việc không thể làm được. Không có "dư tay" để làm việc đó.
Khi bạn cố đóng đinh bạn, bạn sẽ thấy rằng bạn có chỉ có thể đóng đinh hai bàn chân và thậm chí một bàn tay của bạn trên thập tự giá mà thôi. Còn bàn tay kia thì sao?
Bạn không thể đóng đinh hai bàn chân và một bàn tay trên thập tự giá! Bạn không dư bàn tay nào khác để làm nốt chuyện đóng đinh bàn tay cuối cùng. Bạn không thể tự đóng đinh bạn được. Việc nầy phải được làm bởi Người Khác (Đức Chúa Trời).
Giải pháp tự đóng đinh là một cố gắng đau đớn nhưng kết thúc chỉ có phân nửa. Bản chất Nabanh tội lỗi của chúng ta sớm bình phục lại các vết thương tự mình gây ra và chúng ta sẽ xấu xa hơn trước kia. Tôi biết... tôi cố làm điều nầy nhiều lần khi tôi còn là một Cơ Đốc Nhân non trẻ.
Thậm chí tôi đã cố gắng bỏ đói Nabanh cũ cho tới chết bằng cách kiêng ăn. Tôi tin chắc, nếu tôi kiêng ăn lâu ngày và thường xuyên, tôi có thể thắng được các ước muốn của xác thịt.
Tôi sớm thấy rằng thay vì thoát khỏi bản chất Nabanh cũ của tôi, thì nó lại sử dụng ảnh hưởng của nó trên đời sống của tôi mãnh liệt hơn. Làm cho tôi bủn xỉn hơn và xấu xa hơn suốt cả ngày. Mỗi lần và mỗi ngày tôi kiêng ăn, tôi cảm thấy khó sống với nó hơn. Tôi tin rằng bạn hiểu tôi muốn nói gì.
Cách kế tiếp mà tôi muốn hủy diệt Nabanh cũ là bằng cách đập vào đầu nó bằng hai phiến đá luật pháp. Tôi nhớ lại Mười điều răn và cố gắng sống đời sống "sẽ không". Ngươi sẽ không làm việc nầy, ngươi sẽ không làm việc kia.
Tuy nhiên, tôi càng cố nói "Ngươi sẽ không" thì Nabanh cũ trả lời "Ta sẽ"; câu nói "Ta sẽ" của Nabanh mạnh hơn câu nói "Ngươi sẽ không" của tôi. Luật pháp không thể giúp đỡ tôi được.
Luật pháp không thể hủy diệt bản chất tội lỗi cũ. Tất cả những gì luật pháp có thể làm là phơi bày tội lỗi, khuếch đại các ước muốn xác thịt và luận tội chúng ta. Luật pháp không thể buông tha chúng ta khỏi tội lỗi. Nếu chúng ta muốn được tự do, thì chính Đức Chúa Trời sẽ phải làm điều đó. Và ngợi khen Chúa, Ngài đã làm điều đó!
Chỉ Đức Chúa Trời có thể giết Nabanh một cách công bằng. Và Ngài đã làm điều đó. Cũng giống như vậy khi điều đó xảy đến với bản chất tự nhiên của Ađam cũ trong đời sống của chúng ta. Và Ngài đã làm điều đó!
Cái chết của "bản chất Ađam cũ đầy tội lỗi "vừa quyết liệt vừa đột ngột. Có dính dáng đến chương trình cứu chuộc nhân từ của Đức Chúa Trời, qua Chúa Jesus Christ, cho bạn và cho tôi.
Chúng ta bị đóng đinh với Ngài trên thập tự giá của Ngài để con người cũ (còn gọi là thân thể tội lỗi trong Roma 6) có thể bị tiêu diệt. Điều này buông tha chúng ta để chúng ta tự do kết hôn với Người khác, là Đấng Christ!
Khi Ađam phạm tội trong vườn Eden, cả bản chất của ông trở nên tội lỗi. Bệnh hoạn về tội lỗi truyền qua cho nhiều thế hệ tương lai của loài người. Tất cả chúng ta đã tiếp nhận cùng một bản chất tội lỗi từ đời tổ phụ là Ađam.
Chúng ta là tội nhân không chỉ vì chúng ta phạm tội, chúng ta phạm tội vì chúng ta sanh ra như một tội nhân. Trước khi chúng ta tiếp nhận Chúa Jesus, chúng ta là một phần của gia đình ma quỷ. Chúng ta được sanh ra trong thế gian này không thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời.
Phương cách duy nhất để bước vào gia đình của Đức Chúa Trời là qua sự tái sanh. Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa cho đời sống chúng ta, chúng ta được sanh lại, vào trong gia đình của Đức Chúa Trời. Cũng như điều chúng ta nhận được trong chương này, đức tin đến để (nhận lấy sự ích lợi) chúng ta được tự do khỏi luật pháp, và động lực thúc đẩy thoát khỏi tội lỗi (mà kết quả của tội lỗi là sự chết).
Bằng cách thừa nhận những sự việc phán với chúng ta trong Kinh Thánh, rằng chúng ta đã bị đóng đinh với Đấng Christ, và người chồng cũ của chúng ta (bản chất tội lỗi) đã chết, chúng ta được tự do cưới Đấng Christ.
Bản chất công bình, vâng phục của Ngài bây giờ được bày tỏ trong chúng ta nếu chúng ta đầu phục tình cảm và tất cả chi thể của chúng ta cho Ngài.
Kinh Thánh giải thích lẽ thật này trong những lời sau:
"Cho nên, như bởi một người (Ađam) mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trãi qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì tất cả mọi người đều phạm tội "(Rô 5:12)
Tôi xin hỏi bạn một câu. Bạn ở đâu khi tổ tiên của bạn là Ađam phạm tội? Kinh Thánh dạy rằng bạn Ở TRONG AĐAM. Đó là, bạn ở trong bụng của Ađam (nơi mà tế bào tinh trùng của người nam được cất giữ để sản sinh ra con cháu). Vì tất cả chúng ta đều là con cháu (con cái) của Ađam, nên tất cả chúng ta đều Ở TRONG AĐAM.
Điều này có nghĩa là khi Ađam phạm tội, Tôi được dựng nên thành tội nhân trong Ađam rồi, bởi vì tôi Ở TRONG AĐAM. Tội lỗi của ông làm cho cả nhân loại trở thành tội nhân, bởi vì cả nhân loại Ở TRONG AĐAM khi ông phạm tội.
Số phận của tất cả chúng ta bị cột chặt trong sự vâng lời và không vâng lời của Ađam. Khi ông phạm tội, bạn và tôi trở thành những tội nhân. Khi án tử (án phạt cho tội lỗi) được giáng trên Ađam, bạn và tôi (ở trong ông) cũng bị kết án tử hình.
Vậy, tôi sinh ra trong tội lỗi, chịu án tử hình. Vì điều nầy, tôi cần một người nào đó cứu vớt và giải phóng tôi khỏi cuộc hôn nhân với bản chất Ađam tự nhiên là bản chất tội lỗi.
Bây giờ chúng ta cùng đọc vài câu trong Kinh Thánh và vui mừng với những gì mà Đức Chúa Trời đã làm để cứu vớt chúng ta ra khỏi hoàn cảnh khốn khổ và số phận của sự chết trong hỏa ngục.
"Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta khi chúng ta còn là kẻ có tội, bằng cách sai Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.
"Tội lỗi của Ađam mang sự đoán phạt đến khắp cả mọi người. Nhưng công việc công nghĩa của Đấng Christ (gánh lấy sự đoán phạt của chúng ta trên thập tự giá) làm cho loài người xưng công bình với Đức Chúa Trời, để họ có thể sống...
"Tất cả những ai đã nhận Ngài (Chúa Jesus) sẽ được ban cho quyền trở nên con trai và con gái của Đức Chúa Trời... Quả thật hễ ai tin Con thì có cuộc sống đời đời... Vậy nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới "(Rô 5:8, 18; Giăng 1:12; IIPhi 1:4; IICôr 5:17).
Vâng, khi chúng ta tiếp nhận Chúa Jesus, là Cứu Chúa, vào lòng chúng ta, chúng ta tiếp nhận sự sống của Ngài và bản chất của Ngài.
Chúng ta có một bản chất mới tốt lành, nhưng còn bản chất cũ thì sao? David và Nabanh có thể sống hòa thuận trong một nhà không? Chúng ta có thể kết hôn với Đấng Christ trong khi Nabanh vẫn còn sống được không?
Chỉ có thập tự giá của Đấng Christ mới làm được cho chúng ta mà không phải Cơ đốc nhân nào cũng hiểu rõ được. Đó là lẽ thật đầy quyền năng có thể làm cho Nabanh cũ yên nghỉ ngàn thu. Điều đó thật đáng cho chúng ta quan tâm đến cách cẩn thận nhất. Phaolô giải thích theo cách sau: "Anh em không biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp- têm trong Đức Chúa Jesus Christ tức là báp- têm trong sự chết của Ngài sao? ...Bản chất tội lỗi cũ của anh em đã chết với Ngài trên thập tự giá. Uy quyền của nó đã bị bẻ gãy...
"Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy... ..
"Bởi vì anh em với Ngài là một, khi Ngài chết, anh em chết, khi Ngài sống lại, anh em sống lại... Vậy, anh em biết rằng bản chất cũ tội lỗi của anh em bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài và đã chết. Hầu cho thân thể tội lỗi của anh em không phục dưới quyền và sự kiểm soát của bản chất tội lỗi anh em, anh em được tự do "(Rô 6:3-7).
Đó là một lẽ thật đáng ngạc nhiên! Đức Chúa Trời đã làm tất cả điều đó! Bằng sự toàn tri của Ngài, tức là có khả năng biết được tất cả mọi chuyện. Ngài đã nhìn xuyên suốt qua các thế kỷ trong quá khứ và trong tương lai, thấy tất cả những ai tin Ngài. Ngài tập hợp họ lại và đặt họ TRONG ĐẤNG CHRIST khi Ngài chết trên thập tự giá. Ở đây, TRONG ĐẤNG CHRIST, chúng ta bị đóng đinh với Ngài. Ngợi khen Chúa!
Chúng ta mệt mỏi cố gắng đóng đinh "con người cũ" của chúng ta, trong khi nó đã chết rồi. Giống y như chúng ta ở trong Ađam khi Ađam chết vì tội lỗi "của ông", thì chúng ta ở trong Đấng Christ khi Đấng Christ chết vì tội lỗi "của chúng ta".
Chúng ta sống lại từ cõi chết và từ âm phủ với Ngài, để sống một đời sống mới với bản chất mới, tức là đời sống của Ngài và bản chất của Ngài. Đó là ý nghĩa của sự hiệp một với Đấng Christ. Chúng ta ở trong lòng Ngài và Ngài ở trong ta. Ngài mang bản chất gì, chúng ta mang bản chất ấy!
Sự hiệp một của chúng ta với Đấng Christ là một việc làm tốt lành của Đức Thánh Linh. Vì Thánh Linh của Đấng Christ là một thành viên của Thượng đế. Ngài làm cho đời sống và bản chất của Đấng Christ được hình thành trong chúng ta. Đức Thánh Linh mang đến một tấm lòng mới và một mối quan hệ mới.
"Còn ai hiệp một với Chúa thì trở nên một linh tánh cùng Người "(I Cor 6:17;;)."Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi và đặt lòng mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi (cứng cỏi và nghịch thù) lòng bằng thịt (mềm mại và vâng phục) và Ta sẽ đặt Thần Ta trong các ngươi và khiến các ngươi giữ các điều răn của ta... Các ngươi sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Đức Chúa Trời của các ngươi "(Êxê 36:26-28).
Chúng ta đã chết về bản chất tội lỗi cũ của chúng ta và nó không còn quyền gì trên đời sống của chúng ta. Bản chất cũ sẽ sống lại từ "quan tài" khi chúng ta bước đi bằng sự không tin, vô tín hay không vâng lời. Khi chúng ta đang đầu phục theo Lời của Đức Chúa Trời và đang được Đức Thánh Linh thúc giục, tức là chúng ta đang bày tỏ bản chất mới của mình.
Ma quỷ không muốn chúng ta biết lẽ thật nầy, vì lẽ thật nầy có năng quyền buông tha chúng ta. Nếu chúng ta không biết về công việc mà Đức Chúa Trời đã hoàn tất cho chúng ta qua công việc của Đấng Christ trên thập tự giá, chúng ta sẽ bước đi trong sự vô tín.
Sự ưa thích của xác thịt dường như thật, và chúng ta cảm thấy bất lực để chống lại. "Bóng ma" của người cũ Nabanh sẽ nhanh chóng sử dụng ảnh hưởng và những khoái cảm của nó trong đời sống của chúng ta. Sự thật bao giờ cũng vậy, nếu chúng ta nghi ngờ Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh hay là không vâng lời những gì Ngài phán với chúng ta.
Làm như thế là làm buồn lòng Đức Thánh Linh, Đấng ở trong chúng ta. Điều nầy làm cho sự vận hành của Ngài trong đời sống chúng ta yếu đi; và sự làm chứng của Ngài qua đời sống của chúng ta cũng bị yếu kém theo. Đây là lúc bản chất tội lỗi cũ có thể trở nên mạnh mẽ.
Như các bạn đã thấy, câu trả lời không phải là cố gắng đóng đinh xác thịt bằng nỗ lực riêng của mình. Xác thịt đã chết khi chúng ta xem nó như đã chết (xem như có nghĩa là cho rằng công việc này đã hoàn tất, tức là nhìn xem và công bố công việc ấy đã được hoàn tất rồi.)
Vì thế chúng ta nên nhanh chóng xưng tội khi nào Đức Thánh Linh cáo trách chúng ta. Đoạn chúng ta chổi dậy bằng đức tin, tin cậy và vâng theo Lời của Đức Chúa Trời. Thánh Linh của Ngài sẽ ban cho chúng ta quyền năng để làm như thế.
Phaolô bảo chúng ta phải BIẾT con người cũ của chúng ta bị đóng đinh với Đấng Christ (Rô 6:6). Chúng ta đã bị đóng đinh và được sống lại với Đấng Christ. Nếu chúng ta không biết hay lờ mờ về lẽ thật nầy, chúng ta sẽ thấy xác thịt bắt đầu hành động như nó đang còn sống vậy. Chúng ta sẽ nộp mình cho bản chất cũ mặc dù nó không còn sống nữa.
Phaolô lại nói với chúng ta rằng chúng ta không cần phải nộp mình cho bản chất cũ tội lỗi nữa. Mỗi ngày chúng ta có thể chấp nhận và tin lẽ thật về những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta trên thập tự giá và sống một cách đắc thắng trong quyền năng của Đức Thánh Linh.
"Song nếu nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh, anh em làm cho chết các công việc ô uế của thân thể, tức là bản chất cũ tội lỗi, thì anh em sẽ sống "(8:13).
Chúng ta nhờ Đức Thánh Linh giúp để chết và để sống! (Làm chết ước muốn ích kỷ của chúng ta, và để sống vì Đấng Christ. Vì thế, chức vụ của Đức Thánh Linh gồm hai mặt:
1) Ngài sẽ tôn vinh công việc của thập tự giá có liên quan đến cái chết của bản chất cũ của chúng ta.
2) Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta vào đời sống đắc thắng qua bản chất mới của chúng ta.
Đức Thánh Linh áp dụng lẽ thật về sự đóng đinh của chúng ta trên thập tự giá với Đấng Christ, bằng cách làm cho nó thật đến nỗi chúng ta xưng ra bằng môi miệng. Chúng ta sẽ nói như vậy. Đây là điều mà Phaolô muốn nói:
"Xem như anh em bị chết thật vì tội lỗi, song nhờ Đức Chúa Trời qua Chúa Jesus Christ anh em sẽ sống. Vậy chớ để tội lỗi cai trị thân xác anh em nữa. Cũng đừng chiều theo sở thích tội lỗi của nó "(6:11, 12).
Chữ "xem như" (Reckon) có nghĩa là tin và xưng điều đó y như thế. Nói một cách khác, chúng ta phải thừa nhận và xưng nhận (nói lớn) lên rằng đối với chúng ta bản chất tội lỗi cũ đã chết. Đồng thời chúng ta cũng phải thừa nhận và nói rằng đối với bản chất tội lỗi cũ, chúng ta đã chết.
Quả thật như vậy, vì Lời của Đức Chúa Trời nói rằng chúng ta chết trong Đấng Christ trên cây thập tự. Vậy là xong và chúng ta được buông tha. "Tôi đã đóng đinh với Đấng Christ... "(Ga 2:20).
Chúng ta không chỉ chết đối với tội lỗi, nhưng cũng sẽ "sống cho Đức Chúa Trời". Chúng ta có nguồn năng lực tươi mới từ bên trong. Chúng ta có thể chọn để kết hôn với Đấng Christ, là Đấng ban cho chúng ta bản chất mới của Ngài. Làm như vậy, chúng ta có thể được dẫn dắt (thúc giục, hướng dẫn) bởi Đức Thánh Linh.
Khi chúng ta nhìn thấy chúng ta là ai và chúng ta ở đâu trong Đấng Christ, đó là chiến thắng thật sự. Có nghĩa là chúng ta đã đắc thắng trong trận chiến với xác thịt. Chiến tranh chấm dứt; chiến thắng thuộc về ta. Chúng ta có thể nói một cách dạn dĩ Lời của Đấng Christ: "...mọi việc đã được trọn "(Giăng 19:30).
Nabanh đã chết. Người không còn làm chủ của chúng ta. Sự ràng buộc hôn nhân đã bị phá vỡ. Chúng ta có người chồng mới David, là bản chất của người chồng Đấng Christ và được tự do! để làm gì vậy? Hãy nghe lời của Phaolô:
"Bản chất tội lỗi của anh em đã chết với thân thể của Đấng Christ, và anh em được luật pháp buông tha. Điều nầy đã xảy ra để anh em có thể kết hôn với Người khác. Tôi muốn nói đến Đấng Christ, Ngài từ kẻ chết sống lại, hầu cho chúng ta có kết quả cho Đức Chúa Trời "(Rô 7:4).
Cưới Người khác. Phaolô muốn nói ai vậy? Chúa Jesus! Đối với Nabanh bạn được tự do, bạn có thể kết hôn với Chúa. Các bạn là Abigain thuộc linh thật sự, Cô Dâu Của Đấng Christ!
Kinh Thánh nói rất nhiều về mối quan hệ hôn nhân nầy bởi vì đó là bức tranh của mối tương giao của chúng ta với Đấng Christ.
Chúng ta không được tự do để sống cho chúng ta như chúng ta mong ước. Chúng ta được tự do để sống với Người khác và đáp lại tình yêu vĩ đại của Ngài đối với chúng ta. Vì tình yêu đó, chúng ta có thể tin Ngài hoàn toàn và tìm mọi cách làm hài lòng Ngài. Chúa Jesus phán "Nếu các ngươi yêu Ta, các ngươi sẽ giữ các điều răn của Ta ".Sứ đồ Giăng bổ sung thêm: "vì điều răn của Ngài không nặng nề và khó khăn "(Giăng 14:15; IGiăng 5:3).
Tìm cách làm hài lòng Chúa trong mọi sự có nghĩa là chúng ta luôn luôn sung sướng vâng lời Ngài.
Bởi vì Ngài là Đầu, và Chồng của Hội thánh Ngài, và chúng ta là Cô dâu của Đấng Christ, chúng ta muốn vâng phục dưới uy quyền và sự che chở của Ngài.
Phaolô nói về mối quan hệ nầy trong Thư gửi cho người Ê-phê-sô:"Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa. Vì chồng là đầu vơ như Đấng Christ là đầu của Cô dâu, là Hội thánh của Ngài. Ngài đã ban chính đời sống của Ngài để làm Cứu Chúa của Hội thánh.
"Như vậy Hội thánh phục dưới Đấng Christ, thì người vợ phục tòng chồng mình. Dĩ nhiên, người chồng hết sức yêu thương vợ mình cũng như Đấng Christ yêu thương Hội thánh là Cô dâu của Ngài, và ban đời sống mình cho nàng "(Êph 5:22-25).
Chúng ta thấy rõ là chúng ta được tự do để có thể yêu thương, phục vụ Đấng Christ và phục vụ lẫn nhau. Đấng Christ là người chồng hoàn hảo, và đó là đặc quyền vinh quang để trở thành cô dâu của Ngài. Chúng ta nên tìm kiếm để hầu việc và làm đẹp lòng Ngài trong tất cả lời nói và việc làm của chúng ta.
Phaolô tiếp tục mô tả điều nầy hết sức có ý nghĩa đối với ông như thế nào. Trong Thư gửi cho Hội thánh Côrinhtô ông viết:
"Tôi hoàn toàn được tự do khỏi sự kiểm soát của bất cứ ai. Tuy nhiên, tôi tự ý làm đầy tớ cho mọi người để tôi được họ "(ICôr 9:19).
Phaolô được tự do hoàn toàn để làm đầy tớ cho Đấng Christ. Ông muốn rằng không có bất cứ một mối quan hệ trên đất nào có thể ngăn cấm ông làm Cơ Đốc Nhân phục vụ mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Ao ước lớn nhất của Phaolô không phải là làm vui lòng bản thân hay những người khác, bèn là Đức Chúa Trời mà thôi.
Đó cũng là mối quan tâm sâu xa và nhiệt tình của Phaolô giành cho chúng ta nữa. Ông bày tỏ điều đó cách mạnh mẽ khi viết cho Hội thánh Côrinhtô:
"Tôi hết sức quan tâm đến anh em với chút lòng ghen tương thiêng liêng. Tôi đã hứa gả anh em cho một mình Đấng Christ mà thôi. Ngài phải là chồng duy nhất của anh em. Tôi muốn anh em là một cô dâu tinh sạch và thánh khiết để gả cho Ngài "(IICôr 11:2).
Bạn đọc thân mến, đây cũng là mối quan tâm của tôi đối với anh em. Tôi đã tìm cách chỉ cho các bạn làm cách nào để thoát khỏi bản chất Nabanh để kết hôn với Người khác. Như Abigain trở thành cô dâu của David, thì bạn cũng là Cô dâu của Đấng Christ. Là Chồng thiêng liêng của bạn, Ngài vĩnh viễn là của bạn, và bạn vĩnh viễn là của Ngài. Như Abigain thuở xưa, các bạn có bao giờ tìm cách trở thành một người hầu việc yêu dấu và trung tín trong Vương quốc của Đức Chúa Trời chưa.
Tôi nghĩ, đây đúng là giây phút và thời điểm để chúng ta làm mới lại lời thề hôn ước của chúng ta với Chúa Jesus Christ.
Chúng ta có thể theo phương thức sau đây được tìm thấy trong Rô 6:11
"Vậy anh em hãy coi (công bố) mình như đã chết về tội lỗi, nhưng sống cho Đức Chúa Trời qua Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta ".
Chúng ta sẽ lập lại từng câu của lời thề ước, theo dàn bài ở dưới. Hãy tưởng tượng chúng ta đang nhìn thẳng vào mắt của Chúa Jesus và nói với Ngài từ tận trong đáy lòng của chúng ta:
Tôi (tên của bạn) công bố và coi như mình đã...
Chết về tội lỗi...
Nhưng sống cho Đức Chúa Trời...
Qua Jesus Christ Chúa của tôi...
Ngài là Chồng thiêng liêng...
Bây giờ và mãi mãi. Amen!
Hầu như người ấy có thể nghe tiếng từ Thiên Đàng nói rằng: "Bây giờ Ta công bố các ngươi là chồng và vợ"
Không ngạc nhiên gì khi Kinh Thánh nói rằng cả thiên sứ vui mừng trên thiên đàng vì có một tội nhân ăn năn (Lu 15:10). Có một thành viên mới được thêm vào Hội thánh của Đấng Christ. Đây là lúc tổ chức lễ hội tưng bừng như khi Abigain kết hôn với David.
Chúng ta cũng tìm thấy David của chúng ta trong Chúa Jesus Christ. Một ngày kia sự vui mừng của chúng ta được trọn vẹn khi chúng ta ngồi chung với nhau trong "Tiệc cưới Chiên Con".
Và Kinh Thánh đã hứa với chúng ta, với sự bảo đảm thiêng thượng rằng tất cả chúng ta sống chung với nhau hạnh phúc đời đời.
Luôn luôn nhớ, đừng bao giờ quên: