MỤC LỤC
Phần nầy chứa đựng những tư liệu mà tác giả xem là những đòi hỏi phổ thông và quan trọng nhất. Mang ý nghĩa như một "Bản tuyên ngôn cho người lãnh đạo Cơ-Đốc".
Chương đầu phát thảo những sự chuẩn bị và những nguyên tắc mà một người bình thường có thể thực hiện vai trò lãnh đạo cách phi thường. Đây là bản đồ chỉ đường do chính tác giả soạn khi hồi tưởng lại ba mươi lăm năm tích cực hoạt động trên khắp thế giới.
Tác giả cố gắng đánh dấu những con đường vòng, những khúc quanh quẹo nguy hiểm và những chiếc cầu gãy để ngăn chận những người lãnh đạo Hội Thánh mới bước vào cuộc đua sẽ không trở thành những người bị loại bỏ trong cuộc chinh phục của chính mình. Những ai đi theo bản chỉ đường này, sẽ giữ được đức tin, sẽ hoàn tất cuộc đua, nhận được mão triều thiên của sự sống để gieo xuống nơi bệ chân của Chúa Jesus.
Trong phần E4, tác giả cố gắng phát họa những bước thực tế mà một người lãnh đạo có đời sống thuộc linh trưởng thành phải thi hành để làm cho ý muốn Đức Chúa Trời được thực hiện trên đất này cũng như trên trời vậy.
Từ chương A2.1-A2.9, Cây gậy của người chăn bầy có thể được xem như đức tin của chúng ta. Chương E4.1- E4.5 so sánh các công việc chúng ta như "Đức tin không có việc làm thì chết". "Công việc"của chương E4.1- E4.5 sẽ bổ sung cho "Đức tin" của chương A2.1 - A2.9
Tài liệu này được dành cho những người lãnh đạo Hội Thánh, là người muốn"...Luôn luôn ở trong công việc Chúa" Những ai không được linh cảm như vậy chỉ phí thì giờ khi đọc mà thôi. Đối với những người lãnh đạo chân chính, là người muốn làm vinh hiển danh Đấng Christ bằng chính sự sống hoặc sự chết của mình thì bài học này sẽ đem đến sự khích lệ, sự soi sáng và sự hướng dẫn cần thiết để thành công.
Có phải bạn là người được kêu gọi để trở thành người lãnh đạo Hội Thánh nhưng e ngại rằng những nhược điểm của bạn sẽ ngăn trở bạn thành công chăng? Có phải bạn nghĩ rằng bạn quá yếu đuối không thể trở thành một người lãnh đạo vững vàng chăng? Có lẽ bạn đang bị đẩy vào vị trí lãnh đạo và bạn đang đối diện với sự chán chường, thậm chí cả sự thất bại. Nếu vậy bạn hãy vững lòng. Đức Chúa Trời có những tin vui cho bạn.
"Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức "(Ês 40:29).
Khi Đức Chúa Trời kêu gọi một người làm lãnh đạo, Ngài không căn cứ vào việc người ấy có thông minh, có tài năng hay có học vấn hay không. Thật ra, những điều này có thể được Đức Chúa Trời thay đổi (đôi khi Ngài hủy phá đi) trước khi Ngài có thể sử dụng chúng ta. Kinh Thánh chép: "Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết "(ICôr 1:19).
Sứ đồ PhaoLô nói rằng: "Sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta. Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng.
"Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có. "(1:25-28).
Đây là điều sứ đồ PhaoLô dạy dỗ chúng ta: Qua sự yếu đuối, thất bại của chúng ta, Đức Chúa Trời bày tỏ sự khôn ngoan của Ngài. Đức Chúa Trời thi hành quyền năng của Ngài qua sự bất lực của chúng ta. Sự yếu đuối của chúng ta làm cho sức mạnh của Ngài nên trọn vẹn.
Một người truyền đạo là bạn tôi (Jack) đã chia xẻ một kinh nghiệm gần đây khi ông thi hành chức vụ tại Nhật, Đức Chúa Trời đã cảm động ông qua câu Kinh Thánh này:
"Nhơn vì các cừu địch Chúa, Chúa do miệng trẻ thơ và những con đương bú mà lập nên năng lực Ngài, đặng làm cho người thù nghịch và kẻ báo thù phải nín lặng "(Thi 8:2).
Ông đã dạy cho những người lãnh đạo Hội Thánh tại Nhật rằng Chúa dùng lời ca ngợi của con trẻ và con đương bú mà đánh bại kẻ thù của Ngài (xem Mat 21:16)
Dường như Đức Chúa Trời vui thích khi làm nhục Satan bằng cách sử dụng những tạo vật yếu đuối nhất của Ngài (bạn và tôi, những con trẻ của Ngài) để đánh bại kẻ thù nghịch Ngài.
Khi ông Jack đáp chuyến bay từ Nhật về nhà, Chúa đã ban cho ông một khải tượng. Ông thấy một nhóm trẻ con đang dẫn một bầy cừu yếu đuối, kêu be be. Những đứa trẻ đang ca ngợi Đức Chúa Trời và vui sướng trong Ngài.
Khi ông còn đang ngẫm nghĩ điều này, Chúa đã phán với ông rằng, "Ta đã chọn hình ảnh những con chiên thơ làm đại diện cho dân ta bởi vì chúng là biểu tượng của sự yếu đuối, không thể tự cứu mình hoặc tự dẫn dắt mình được. Nhưng ta sẽ dùng những con trẻ hay ngợi khen là những người đang dẫn dắt bầy chiên kêu be be để đánh bại Satan trong mọi điều."
Tôi tin rằng ông Jack đã nói đúng. Đức Chúa Trời dùng những người yếu đuối để tiêu diệt kẻ thù Ngài. Điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời có thể dùng bạn và tôi.
Tôi thường sững sờ bởi những người Đức Chúa Trời chọn để làm những công tác đặc biệt.
Đức Chúa Trời đã sai PhaoLô đi truyền giáo cho dân ngoại. PhaoLô đã học luật pháp nơi Gamaliên (một giáo sư danh tiếng của người Pharisi). Trong cương vị là một ứng viên của Tòa công hội, (một nhóm người Giuđa có uy tín được quyền giảng giải luật tôn giáo tại Do Thái) PhaoLô phải nhớ thuộc lòng và có thể trích dẫn năm sách đầu của Cựu ước (Ngũ kinh) mà không được mắc lỗi nào. Ông là một người Giuđa có một gia cảnh và thành tựu nổi bậc.
Theo quan điểm của con người, không ai thích hợp cho nhiệm vụ giảng Tin lành cho người Giuđa hơn PhaoLô. Nhưng Đức Chúa Trời đã sai ông đi giảng đạo cho ai? Ngài không sai ông đi giảng đạo cho dân Giuđa là những người có văn hóa, nhưng sai ông đến với những người ngoại bang ngu dốt và bị khước từ. Những người ngoại bang này có rất ít sự kính trọng đối với nền học vấn và sự quán triệt về luật pháp Do thái của PhaoLô.
Tất cả mọi khả năng thiên phú, nền học vấn, tài năng cũng như sự khôn ngoan của PhaoLô đều bị bỏ qua một bên. Đức Chúa Trời đã phải tước bỏ tất cả các điều này bằng cách đem PhaoLô vào đồng vắng Arabi (giống như tổ phụ của ông là Môise) và ở đó Ngài đã lột bỏ khỏi ông những điều gì có thể khiến ông kiêu ngạo. (xem Ga 1:17; Phil 3:4-8)
Trong đồng vắng "...Trong đất sa mạc đầy hầm hố, trong đất khô khan và có bóng sự chết, là đất chẳng một người nào đi qua, và không ai ở "(Giê 2:6)PhaoLô đã học biết rằng, là một người hầu việc Đấng Christ, sự thành công của ông chỉ có thể đến bằng cách từ bỏ hết mọi sự "coi tất cả mọi sự lời cho tôi như là sự lỗ, để được Đấng Christ "(Phil 3:7-8).
PhaoLô đã học tập để rao giảng tin lành "...chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra của Thánh Linh và quyền phép" (ICôr 2:4).
Để thuyết phục mọi người rằng Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế của họ, PhaoLô đã trông cậy vào quyền năng của Thánh Linh làm việc qua ông hơn là trông cậy vào khả năng của chính ông như là một nhà hùng biện hoặc là một nhà truyền đạo (10:4; IICôr 10:10) chúng ta cũng phải làm như vậy.
Mặc dù Phierơ là người mở cánh cửa đức tin cho dân ngoại (Công 10:1-48), ông vẫn cứ ở tại Giêrusalem giữa vòng những người Do Thái được chọn trong đế quốc Lamã như là "sứ đồ cho dân Giuđa" (xem Ga 2:8). Phierơ có những phẩm chất nào khiến ông đủ tiêu chuẩn cho chức vụ này? Chắc chắn là ông không có bằng cấp của học viện hay nền học vấn cao. Kinh Thánh mô tả về ông rằng: "...dốt nát không học" (Công 4:13). Ông chỉ là một người đánh cá tầm thường, tuy nhiên Đức Chúa Trời đã trang bị quyền năng của Đức Thánh Linh cho ông để thi hành chức vụ mà Ngài kêu gọi.
"Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức "(Ês 40:29).
Một câu chuyện kể rằng có một người mù và một người què trở thành đôi bạn thân thiết, luôn luôn gắn bó với nhau. Điều gì đã góp phần tạo nên tình bạn đó?
Người què có thể thấy được mọi vật nhưng không thể bước đi. Người mù có đôi chân mạnh mẽ, nhưng không có khả năng nhìn thấy. Người què ngỏ ý đem khả năng nhìn thấy mọi vật của mình cho người mù đề đổi lấy khả năng di chuyển của anh ta.
Người mù sẽ cõng người què trên lưng. Người què chỉ đường cho người mù bước đi và báo động những nơi có thể làm cho người mù vấp ngã.
Sự yếu kém và nhu cầu hỗ tương của họ đã mang họ đến với nhau để tận dụng những điểm mạnh của nhau.
Cũng vậy, sự mù lòa và què quặt tâm linh của chúng ta khiến chúng ta có một mối liên hệ phụ thuộc, luôn luôn nhờ cậy vào Đức Chúa Trời và sức mạnh của Ngài có thể thay thế cho sự yếu đuối của chúng ta.
Có người đã viết một bài Thánh ca rất hay:
Sức mạnh Ngài nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.
Quyền năng Ngài không dành cho kẻ mạnh sức.
Ngài ban nhiều ân điển cho kẻ yếu đuối trong cuộc đua.
Sức mạnh Ngài nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.
Những sự yếu kém cá nhân mà qua đó chúng ta nhận thức được sự thiếu hụt khả năng và năng lực để làm một người lãnh đạo khiến chúng ta để lòng cầu nguyện với Đức Chúa Trời (đôi khi cùng với kiêng ăn). Nếu chúng ta làm như vậy chúng ta sẽ nhận ra rằng "Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức".
Thái độ nương dựa vào Đức Chúa Trời lôi cuốn sự chú ý của Ngài và kéo Ngài đến gần chúng ta, và bày tỏ quyền năng Ngài cách vinh hiển qua chúng ta.
Những sự kém thiếu của chúng ta được xem như phước hạnh ẩn dấu khi những điều ấy buộc chúng ta phải phụ thuộc vào Đấng Christ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nuốt lấy sự tự thương hại, tự ghét bỏ mình, chăm chú nhìn vào chính mình, dò tìm để hiểu ra những nan đề của mình, chúng ta sẽ chỉ đến chỗ đầy mặc cảm tự ti.
Những gì mà các nhà tâm lý gọi là "mặc cảm tự ti" thường là một sự bị chiếm hữu bởi con người xác thịt của chúng ta (tự thức). Nó sẽ đem lại một hậu quả, bạn nhìn thấy chính mình "tôi chẳng có gì hay cả, tôi chỉ là một đứa vô dụng, thất bại... Đức Chúa Trời không bao giờ có thể sử dụng tôi."Những quan niệm như vậy về chính mình chỉ dẫn đến sự nản lòng hoàn toàn mà thôi.
Tôi đã nghe ông Billy Graham (giáo sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử) nói rằng: "Đức Chúa Trời không bao giờ có thể sử dụng một người đầy tớ nản lòng".
Điều nầy là sự thật. Chúng ta phải chiến thắng những thái độ như vậy bằng chính lời công bố của chúng ta (Khải 12:11).
Chúng ta sẽ là người chiến thắng nếu chúng ta nói về mình như Kinh Thánh nói về chúng ta. Kinh Thánh chép: "Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức (ban quyền năng) cho tôi "(Phil 4:13).
"Nầy, ta đã ban quyền cho các ngươi giày đạp rắn, bò cạp và mọi quyền của kẻ nghịch dưới chơn, không gì làm hại các ngươi được "(Lu 10:19)
Bởi Đức Chúa Trời -chúng tôi chiến đấu can đảm.
Chính Ngài -Đấng đánh đuổi quân thù của chúng tôi.
Chúng tôi sẽ hát -và hô vang chiến thắng.
Christ là Vua! Christ là Vua!
Chúng ta đừng lầm lẫn giữa mặc cảm tự ti và sự nhu mì theo Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời đẹp lòng. Hai điều này hoàn toàn khác nhau.
Loại yếu đuối mà Đức Chúa Trời đáp ứng lại là sự yếu đuối sản sinh ra một nhận thức lệ thuộc vào Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện, "Lạy Đức Chúa Trời, con cần đến Ngài, không có Ngài con không thể sống được." Đức Chúa Trời sẽ hành động thay cho chúng ta. Chúng ta sẽ cầu nguyện như vua Đa-vít rằng: "...Linh hồn tôi khát khao Chúa " (Thi 63:1; 84:2).
Sự cảm biết nhu cầu này sẽ góp phần phát huy một đời sống cầu nguyện và tận hiến lành mạnh. Đó là con đường bạn phải có, phải không?
Ngược lại, một sự nhận thức về chính mình tràn ngập như thế sẽ làm tê liệt chúng ta. Nó là rào cản ngăn trở quyền năng của Đức Chúa Trời tuôn tràn qua chúng ta. Hãy tống khứ loại xác thịt này và quay lưng lại với nó. Hãy nhận thức rằng Đức Chúa Trời là sức mạnh của đời sống bạn và bạn không cần phải sợ hãi. (27:1). Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ sức mạnh của Ngài qua những ai kính sợ, tôn thờ và phụ thuộc vào Ngài.
"Những kẻ trai trẻ cũng phải mòn mỏi mệt nhọc, người trai tráng cũng phải vấp ngã. Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới "(Ês 40:30, 31).
Từ ngữ chìa khóa trong câu nầy là "Làm mới lại", có thể dịch đúng hơn là "hoán đổi". Đang khi chúng ta ngửa trông nơi Chúa, Ngài sẽ cất đi sức lực của chúng ta và thay thế vào đó bằng chính sức lực của Ngài.
Đó không phải là vấn đề kết hợp sức của chúng ta với sức của Ngài, nhưng là một sự cất bỏ hoàn toàn sức lực của chúng ta và mặc lấy sức mạnh của Ngài.
Đức Chúa Trời phán rằng: "Nếu ngươi tự xem mình là mạnh mẽ, Ta không thể dùng ngươi. Nếu ngươi có thể tự mình làm lấy, thì ngươi không cần đến Ta."
Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta điều gì trước khi Ngài "hoán đổi" sức lực với chúng ta?
Vua Đa- vít viết rằng: "Kẻ khốn cùng nầy có kêu cầu, Đức Giê-hô-va bèn nhậm lời người, giải cứu người khỏi các điều gian truân "(Thi 34:6).
A-sáp nhận thức sự yếu đuối của mình và nhu cầu cần có Đức Chúa Trời trong đời sống mình bằng những lời cảm động như thế nầy: "Thì bấy giờ tôi ở ngu muội, chẳng hiểu biết gì; Trước mặt Chúa tôi ở khác nào như thú vật vậy. (73:22)
Cả Đa-vít và A-sáp đều nhận được sức lực của Đức Chúa Trời bởi vì họ sẵn sàng khiêm nhường nhận biết nhu cầu và sự yếu đuối của họ. Đức Chúa Trời đã phán hứa cách mạnh mẽ cùng những ai làm như họ:
"Những kẻ nghèo nàn thiếu thốn tìm nước mà không được, lưỡi khô vì khát; nhưng Ta, Đức Giê-hô-va, sẽ nhậm lời họ; Ta, Đức Chúa Trời của Y-sơ- ra- ên, sẽ không lìa bỏ họ đâu. Ta sẽ khiến sông chảy ra trên đỉnh núi trọi, và suối trào lên giữa trũng. Ta sẽ biến sa mạc thành ao, và đất khô thành nguồn nước... Hầu cho mọi người xem thấy và biết, ngẫm nghĩ và cùng nhau hiểu rằng tay Đức Giê-hô-va đã làm nên sự đó... "(Ês 41:17-20)
Phao-lô đã học được rằng nếu ông càng thừa nhận những nhu cầu và sự yếu đuối của mình, thì quyền năng của Đức Chúa Trời đổ trên ông càng hơn. Ông viết:
"Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Satan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. "(IICôr 12:7, 8)
Và Đức Chúa Trời đã trả lời cầu nguyện của Phao-lô khi ông xin Chúa cất gánh nặng nầy khỏi ông như thế nào:
"Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn (đầy đủ) trong sự yếu đuối (của ngươi)".(Câu 9)
Bây giờ bạn có thể hiểu tại sao Phao-lô nói:
"Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó, vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ "(Câu 9,10).
Bởi nguyên tắc nầy, quyền năng của Tin lành hành động. Khi chúng ta yếu đuối, và chúng ta nhận thức được rằng chúng ta rất cần Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào Ngài. Điều nầy khiến chúng ta để nhiều thì giờ cầu nguyện. Kết quả như thế nào? Chúng ta sẽ mạnh mẽ!
"Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng, chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi. "(Ês 40:31).
Kinh Thánh có ý gì khi nói rằng: "...trông đợi Đức Giê-hô-va ". Có hai khái niệm liên quan đến sự "trông đợi Đức Giê-hô-va", đó là:
Bạn sẽ không làm gì cả cho đến khi Đức Chúa Trời chỉ cho bạn lúc phải hành động.
Bạn để nhiều thì giờ cầu nguyện, tìm kiếm sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đôi khi sự cầu nguyện đi đôi với sự kiêng ăn.
Tôi xin chia xẻ về trường hợp của tôi. Chúa kêu gọi tôi vào công việc Ngài năm 1948, năm tôi 16 tuổi. Tôi được sanh lại và được đổ đầy Đức Thánh Linh nhưng không biết mình cần phải dâng trọn ý chí và mọi chương trình của tôi cho Đức Chúa Trời.
"Đời sống phó thác" của người Cơ đốc không hấp dẫn lắm đối với tôi. Tôi đã quyết định tất cả những gì tôi sẽ làm cho cuộc sống của tôi và tôi không hề có ý định trở thành một người truyền đạo.
Vào mùa hè năm 1948, cánh tay của Chúa đã giáng mạnh trên đời sống tôi. Những sự kiện liên tiếp xảy ra dường như đã vật tôi xuống sàn nhà để cầu nguyện. Rất nhiều lần tôi nằm phủ phục trên nền nhà, nước mắt đầm đìa, cầu nguyện với Đức Chúa Trời.
Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ rằng những dòng nước mắt đó là những dòng nước mắt chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời. Tôi đã muốn đường lối của tôi, và Đức Chúa Trời muốn đường lối của Ngài. Sự xung đột giữa những ý tưởng nầy - ý muốn của tôi chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời đã gây ra một cuộc chiến đấu nội tâm dẫn đến sự chết. Sự chết của ý muốn của tôi.
Ba tháng sau cuộc tranh chiến thuộc linh mãnh liệt nầy, tôi thuận phục theo những gì Đức Chúa Trời muốn tôi làm. Ngài muốn tôi đi ra và giảng Tin lành cho mọi người trên khắp thế giới.
Khi tôi thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời, tôi thưa với Chúa rằng: "Lạy Chúa thương yêu, con sẽ đi nơi nào Chúa muốn con đi, con sẽ nói những gì Chúa muốn con nói, con sẽ trở thành người Chúa muốn con trở thành." Với sự đầu phục trọn vẹn ý muốn của tôi vào ý muốn của Đức Chúa Trời, tôi đã sẵn sàng để ĐI NGAY LẬP TỨC!
Không còn thì giờ để chần chừ (hoặc tôi đã tin như vậy) "Hỡi Đức Chúa Trời, xin hãy sai con đi ngay bây giờ. Con đã sẵn sàng. Thời gian còn rất ít! Bây giờ là thời đại nguyên tử! Ngày tận cùng của thế giới đang đến! Con đã sẵn sàng đi truyền giảng Tin Lành cho cả thế giới và nếu cần thiết, một mình con sẽ đi. Trong sự nhiệt tình và sự lạc quan của tuổi trẻ (và phải thêm rằng cả sự bồng bột), tôi mong muốn làm "người chinh phục thế giới vĩ đại" ngay lập tức.
Bạn thấy đó, suy nghĩ của tôi được uốn nắn bởi giáo lý của Hội Thánh chúng tôi. Những người lãnh đạo của Hội Thánh chúng tôi nhấn mạnh rằng Chúa Jesus sẽ mau chóng trở lại. Sự đến lần thứ hai của Chúa Jesus được giảng liên tục trên các tòa giảng. Những Mục sư giảng về đề tài này không phải là những người ở trong vùng thì cũng là những người từ nơi khác đến. Tôi đã mong đợi rằng Chúa Jesus sẽ mau chóng trở lại.
Tôi nhớ một buổi giải đáp thắc mắc trong lớp Trường Chúa nhật của thiếu niên vào mùa hè năm 1948. Có một câu hỏi như thế nầy: "Bao lâu nữa thì Chúa Jesus sẽ trở lại? "Không một ai trong lớp thiếu niên đó tin rằng Chúa Jesus sẽ hoãn ngày tái lâm của Ngài sau năm 1950.
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Sự xung đột tại Nam Triều tiên đang bùng nổ. Hiểm họa của sự hủy diệt hạt nhân dường như sắp xảy ra. Tôi đã nghĩ rằng đó là lúc mà Đức Chúa Trời sẽ thực hiện những gì Ngài muốn làm. Không còn thì giờ để chờ đợi nữa. Với nhiệm vụ phải giảng Tin Lành cho thế giới, và chỉ còn hai năm nữa để làm việc đó, tôi phải bắt đầu ngay lập tức!
Đức Chúa Trời đã trả lời cho sự nôn nóng của tôi như thế nào?
Tôi đã phải học biết rằng, cho dù những sự giải thích của tôi về các sự kiện trên thế giới như thế nào, hoặc lòng nóng nảy của tôi ra sao, thì Đức Chúa Trời hành động theo thời gian của Ngài, chứ không phải của tôi. Một khi bạn cảm thấy "ngứa ngáy" muốn hành động thì điều khó chịu nhất là phải chờ đợi.
Tôi không được chuẩn bị (huấn luyện) để đi truyền giảng Tin lành. Thật ra tôi đã được kêu gọi. Nhưng, Đức Chúa Trời kêu gọi và Đức Chúa Trời sai đi là hai điều hoàn toàn khác nhau. Vào lúc ấy tôi không biết rằng Đức Chúa Trời không bị ảnh hưởng bởi tình hình năm 1948. Tôi đã lo lắng nhưng Đức Chúa Trời thì không. Ngài đã vạch ra một chương trình để huấn luyện và chuẩn bị cho tôi. Sự lo lắng và mất kiên nhẫn của tôi đã không bao giờ làm tăng thời khoá biểu của Ngài lên một phút nào cả.
Lúc đó tôi đã không nhận ra rằng tôi đang được huấn luyện để bước vào trận chiến thuộc linh. Và Đức Chúa Trời biết rằng tôi sẽ bị thất bại nếu đi ra mà không được huấn luyện. Vì vậy Ngài để cho tôi phải chờ đợi cho đến khi tôi nhận được sự chuẩn bị và kinh nghiệm. Qua những năm tháng chờ đợi Chúa, tôi học được rằng tôi không được "...Vượt qua mạng lịnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.., đặng làm một việc nhỏ hoặc lớn" (Dân 22:18).
Kinh Thánh chép: "...Khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài... "(Ga 4:4). Đức Chúa Trời kiểm soát các thì và mùa. Ngài biết lúc phải ban Chúa Jesus xuống thế gian. Ngài định thì giờ cho tất cả mọi sự. Hãy chờ đợi thì giờ của Đức Chúa Trời. Đừng đi trước hoặc đi tụt lại sau. Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ bày tỏ thì giờ của Ngài cho bạn.
Kỳ hạn và ngày giờ ở trong tay Cha (Công 1:7). Chúng ta phải học biết kiên nhẫn chờ đợi Ngài. Ngài sẽ bày tỏ ngày giờ và kỳ hạn cho chúng ta khi chúng ta cần biết.
"Nguyện những kẻ trông đợi Chúa chớ bị hổ thẹn... Nguyện kẻ nào tìm cầu Chúa chớ bị sỉ nhục... "(Thi Thiên).
Nếu chúng ta "đổi" năng lực hạn hẹp của chúng ta lấy quyền năng vô biên của Ngài, chúng ta phải xây dựng một thói quen thuộc linh mỗi ngày. Ghép mình vào kỷ luật trong thời gian cầu nguyện (và kiêng ăn) đều đặn là một trong những việc khó làm nhất đối với người lãnh đạo Hội Thánh. Áp lực của những hoạt động hằng ngày có khuynh hướng cướp chúng ta khỏi những giờ phút tương giao rất cần thiết giữa chúng ta với Đức Chúa Trời.
Hãy thử thí nghiệm này. Đổ nước cho đến miệng của một cái bình. Đổ thật đầy cho đến khi thêm một vài giọt nước nữa thì sẽ tràn ra ngoài. Rồi bạn bắt đầu thả khoảng một nắm tay những viên đá vào đó. Điều gì sẽ xảy ra? Cứ mỗi viên đá bạn thả vào chiếc bình thì một lượng nước tương đương sẽ tràn ra ngoài.
Đây là cách mà chúng ta trao đổi năng lực của chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúng ta được đổ đầy nước sức mạnh. Khi chúng ta để thì giờ cầu nguyện, Đức Chúa Trời bắt đầu thả những viên đá sức mạnh và quyền năng của Ngài vào. Những viên đá ân phúc nầy thay thế cho loại nước mang tính vô tín và tiêu cực, những viên đá của sự đầu phục Chúa thay thế cho loại nước tù túng là những thái độ cho rằng "Tôi có thể làm được mà không cần đến Đức Chúa Trời". Quyền năng của Ngài được đổ vào đời sống chúng ta, sự bất lực của chúng ta được thay thế bởi sức mạnh của Ngài.
Bạn có thể hỏi nhưng làm thế nào tôi có thể được đổ đầy sức mạnh của Đức Chúa Trời trên đời sống tôi? Đây là một quá trình "siêu nhiên- tự nhiên". Nếu mỗi ngày bạn để thì giờ cầu nguyện, đó sẽ là một quá trình lớn lên. Một đứa trẻ không lớn lên và mạnh mẽ do nó nghĩ hoặc tự cố gắng ép buộc mình lớn lên. Đó là kết qủa tự nhiên của một chế độ ăn uống và luyện tập đầy đủ.
Cùng một cách ấy, nếu một người lãnh đạo Hội Thánh để thì giờ học Kinh Thánh và cầu nguyện thì những chất bổ thuộc linh này sẽ làm tăng trưởng năng lực của Đức Chúa Trời trong đời sống người đó. Sự trao đổi sức mạnh của bạn bằng sức lực của Chúa sẽ diễn ra mỗi ngày càng nhiều hơn.
Dàn ý sau đây được chọn lọc trong một dàn bài có chủ đề là "Đổi mới thói quen tĩnh nguyện". Tôi nghĩ rằng đây là dàn ý giúp đỡ tôi nhiều nhất trong những giờ tôi tương giao với Chúa.
1) Xưng Tội. Hãy cầu xin Chúa đem những tội lỗi dấu kín vào tâm trí của bạn. Thừa nhận những tội này với Đức Chúa Trời, cầu xin sự tha thứ và tẩy sạch của Ngài. (IGiăng 1:9,10).
2) Tôn Vinh Đức Chúa Trời. Kế đến hãy để thì giờ cảm tạ Đức Chúa Trời vì cớ danh Ngài và vì những việc Ngài đã làm. (Thi 100:1-5).
3) Dâng Ngày Đó Lên Cho Đức Chúa Trời. Hãy thưa với Đức Chúa Trời rằng bạn rất cần sự hướng dẫn của Ngài. Bạn hãy cầu xin sự hướng dẫn của Ngài và vâng theo tất cả những sự hướng dẫn nào mà bạn cảm biết rằng đó là điều Đức Chúa Trời ban cho khi bạn cầu nguyện.
4) Cầu Nguyện Cho Gia Đình cho Hội Thánh và cho tất cả các tín hữu khác. Cầu nguyện cho vợ hoặc chồng của bạn, cho con cái, cho các thành viên trong gia đình. Cầu nguyện cho các thành viên và người lãnh đạo của Hội Thánh bạn. Cầu nguyện cho những tín hữu ở những nơi khác nhau trên thế giới. Cầu nguyện cho những kẻ mồ côi và người góa bụa.
5) Cầu Nguyện Cho Những Người Lãnh Đạo Những giáo sĩ, Những công cuộc truyền giáo. Hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo trong quốc gia khác.
6) Cầu nguyện trong tiếng mới. Trong khi cầu nguyện, hãy để Thánh Linh hành động trên bạn và cầu nguyện bằng các thứ tiếng, cũng hãy cầu xin sự thông giải lời cầu nguyện của bạn trong các thứ tiếng khác (ICôr 14:13, 14).
7) Hãy viết lại những gì Đức Chúa Trời bày tỏ cho bạn và thực hiện theo những điều ấy. Viết lại những cảm xúc mà Đức Chúa Trời ban cho bạn trong khi cầu nguyện. Rồi vâng theo những gì Đức Chúa Trời dạy bạn.
Thánh Phierơ cho chúng ta biết rằng: "...Khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường " (IPhi 4:12).
Bạn của tôi là một Mục sư cao tuổi đã nói với tôi cách đây mấy năm rằng: "Nầy anh Ralph, khi anh cố gắng bước đi với Đức Chúa Trời, thế gian sẽ chống lại anh. Khi anh cố gắng thân mật hơn với Đức Chúa Trời, bản tánh xác thịt của anh sẽ chống lại anh. Khi anh muốn tiến bước lên chỗ cao hơn với Đức Chúa Trời, các thế lực ma quỉ và quyền lực tối tăm sẽ chiến đấu với anh."
Không khi nào chúng ta gặp sự chống đối như khi chúng ta biệt riêng thì giờ cầu nguyện và trông đợi Đức Chúa Trời. Khi bạn quyết tâm tìm kiếm mặt Chúa, đó là lúc bạn gặp sự chống đối và thử thách. Nhưng chúng ta được khích lệ khi biết rằng mặc dầu sự thử thách và khổ nạn, thì "Mọi sự hiệp lại làm ích cho những kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định" (Rô 8:28).
Khi chúng ta trông đợi Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ đối diện với lò lửa thử thách, những hoạn nạn, những cám dỗ và cuộc sống chúng ta bị nung lên. Nhưng khi chúng ta đã đạt đến "điểm sôi" có hai điều sẽ xảy ra:
1. Tội lỗi và bản ngã được tẩy sạch
2. Quyền năng của Đức Chúa Trời bắt đầu hành động trong chúng ta.
Quyền năng Đức Chúa Trời bắt đầu hành động trong chúng ta và qua chúng ta với những kết quả siêu nhiên.
Khi chúng ta đặt một chảo nước lên trên bếp lửa, cuối cùng nước sẽ sôi. Bạn không thể ngăn sự sôi bằng cách nhìn vào chảo nước, hoặc khuấy nó liên tục, hoặc bỏ mặc nó. Dầu bạn có làm gì thì nước vẫn cứ sôi khi nó đã đạt đến nhiệt độ sôi. Sự sôi là kết quả của sự truyền nhiệt vào nước, chứ không phải là kết quả do sự tự tác động của nước lên chính nó.
Cũng vậy, khi chúng ta đi ngang qua lửa thử thách hoặc khổ nạn, sẽ có những kết quả nẩy sinh trong chúng ta, nhưng không bởi sự cố gắng của chính chúng ta. Chúng là sản phẩm do sức nóng của Đức Chúa Trời truyền vào nước là bản chất của con người. Chúng ta kinh nghiệm được sự thay đổi người bề trong này. Những động cơ của chúng ta được thanh tẩy. Những ham muốn tội lỗi bị thiêu hủy.
"...Vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi "(IPhi 4:1).Vâng, đây là sự thật.
"...Nhưng ai trông đợi (thì giờ của Ngài với sự cầu nguyện và kiêng ăn) Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới..."
Đức Chúa Tròi còn đang phán với chúng ta ngày nay không? Chúng ta có thể nghe tiếng Ngài không? Nhiều nhà lãnh đạo Cơ Đốc vẫn bị lầm lẫn vấn đề này.
Một số người tin rằng Đức Chúa Trời có thể hướng dẫn và đưa ra phương hướng khi chúng ta có nhu cầu. Một số khác nói rằng Đức Chúa Trời chỉ có thể phán với chúng ta qua những gì chúng ta đọc trong Kinh Thánh. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời vẫn đang còn phán với chúng ta bởi Thánh Linh của Ngài như Ngài đã từng phán trong thời Kinh Thánh. Còn bạn tin gì?
Sách lịch sử Pseudepigrapha có kể về một phái của người Pharisi hiện diện khoảng năm 800 TC. Giáo phái này dạy rằng tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn phán cho con người thì Ngài đã phán qua các sách của Môise. Còn bất cứ lời phán hoặc những sách tiên tri tiếp theo đều không có giá trị. Họ chỉ chấp nhận năm sách đầu của Kinh Thánh, không hơn không kém.
Dường như nhiều nhà lãnh đạo Hội Thánh ngày nay cũng tin như vậy (với một vài sửa đổi). Ví dụ như những nhà "thần học Pharisi hiện đại" dạy rằng bây giờ Đức Chúa Trời chỉ phán với chúng ta qua những gì đã được chép trong Kinh Thánh. Ngoài ra Đức Chúa Trời không còn đang phán nữa.
Mặc dù Kinh Thánh là một quyển sách hoàn tất, và không một ai dám thêm vào đó điều gì, thì ý nghĩ cho rằng chúng ta đang hầu việc một ĐỨC CHÚA TRỜI CÂM (Đấng không thể nói được) là một trò đùa thần học đại ngớ ngẩn.
Trong thời Cựu Ước, nhiều người đã ngã chết bởi vì không vâng theo lời phán của Đức Chúa Trời, nhưng ngày nay nhiều người "...Cự Đấng truyền lời báo cáo từ trên trời "(Hêb 12:25).
Bảy lần chúng ta được cảnh cáo rằng: "Ai có tai mà nghe hãy nghe lời Đức thánh Linh phán (thì hiện tại) cùng các Hội Thánh "(Khải 2:7; 3:22)
Chúa Jesus phán: "Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời "(Mat 4:4).Từ ngữ nói ra được dùng trong thì hiện tại tiếp diễn. Điều này có nghĩa là một điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy ra trong hiện tại và sẽ còn xảy ra trong tương lai.
Câu Kinh Thánh này có thể được dịch là: "Người ta sống... nhờ mọi lời đã được nói ra và vẫn tiếp tục được nói ra từ miệng Đức Chúa Trời. "Đức Chúa Trời là Đấng đã phán trong quá khứ, đang phán trong hiện tại, và còn tiếp tục phán trong tương lai. ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG PHẢI LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI CÂM!
Nói như vậy không có nghĩa là Kinh Thánh còn đang được viết và chúng ta phải bổ sung vào. Tôi KHÔNG tin như vậy. Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời muốn "Ta sẽ ở và đi lại giữa họ, Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ sẽ làm dân Ta. " (ICôr 6:16),"anh em là thơ gởi gắm (thơ sống),để mọi người đều biết và đọc " (IICôr 3:2, 3).
Chúng ta cần phải nghe tiếng Chúa biết bao! Chúng ta chỉ có thể sống (có một đời sống được phước của Chúa trong Hội Thánh chúng ta ngày nay) bởi nghe mọi lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời ngay trong lòng của chúng ta.
Mỗi người lãnh đạo Hội Thánh đều đối diện với câu hỏi này: Đức Chúa Trời muốn tôi làm gì, và tôi phải để cho Đức Chúa Trời làm gì? Trách nhiệm của tôi chấm dứt ở đâu để cho Đức Chúa Trời bắt đầu hành động?
Mặt khác, Kinh Thánh chép: "Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải bởi năng lực, bèn là bởi thần ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy "(Xa 4:6).
Một số người gợi ý câu Kinh Thánh này dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ làm mọi việc bởi Thánh Linh của Ngài, còn chúng ta không cần phải làm gì cả.
Nhưng mặt khác, Chúa Jesus phán: "Đầy tớ nào đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều "(Lu 12:47). Điều này dạy chúng ta cách rõ ràng rằng Đức Chúa Trời trao trách nhiệm cho các tôi tớ Ngài phải biết ý muốn của Ngài và làm theo.
Chúng ta có thể giải quyết sự rắc rối này cách dễ dàng bằng cách nghiên cứu lại các lời của Chúa Jesus. "Đầy tớ này đã biết ý chủ mình mà không...theo ý ấy thì sẽ bị đòn nhiều". Chúa Jesus đã đối chiếu người đầy tớ này với người đầy tớ không biết ý của chủ. Người đầy tớ đó sẽ "bị đòn ít" (câu 48). Cả hai trường hợp: Nếu bạn biết mà không làm hoặc nếu bạn không biết mà không làm cũng đều bị đánh đòn.
Khi tôi còn đang được huấn luyện để trở thành giáo sĩ, hầu như tôi thường làm chứng cho bất cứ người nào tôi gặp, với mong ước rằng sẽ có những người tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình. Tôi đã nghiên cứu sách vở, và rút ra dàn ý sau. Bằng cách chia xẻ cho tội nhân bốn điểm này, tôi có thể hướng dẫn vài người tin Chúa.
Tôi xin xác quyết rằng tất cả những điều trên đều là chân lý. Đây là điều mà tất cả mọi người cần biết để được cứu. Nếu họ tin những điều này thật lòng, họ sẽ được sinh lại từ trên cao bởi quyền năng tái tạo của Đức Thánh Linh.
Nhưng suốt cả mùa hè năm đó, không có ai được sinh lại hoặc tiếp nhận Chúa mặc dù tôi đã cố gắng hết sức. Tôi đã làm điều gì sai?
Tôi đã tin cậy quá nhiều vào công thức, phương pháp thay vì tin cậy vào sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Tôi đã không nghe tiếng Chúa hướng dẫn nên những cố gắng của tôi đã ở đưng (không kết quả).
Vài năm sau, khi chứng kiến anh Heeley hướng dẫn hàng chục linh hồn trở lại với Đấng Christ tôi đã tìm ra lỗi lầm mình mắc phải trong khi chinh phục linh hồn. Mọi nơi anh Heeley đi đến, anh điều hướng dẫn nhiều người đến với Chúa.
Khi anh Heeley cần hớt tóc, anh cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin hướng dẫn con đến một người nào cần Chúa và sẵn sàng tiếp nhận Ngài". Anh lên xe và đi qua vài tiệm hớt tóc. Khi nào anh cảm thấy Đức Thánh Linh chỉ trong lòng anh tiệm nào, anh liền đi vào tiệm đó với lòng mong muốn đem người thợ hớt tóc đó trở về cho Đấng Christ. Rất ít khi anh thất bại.
Khi anh Heeley muốn bơm chiếc xe đạp hoặc đi chợ cho vợ anh, anh đều làm như vậy. Anh cầu nguyện để nhận được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh - rồi lắng nghe sự hướng dẫn dịu dàng của Đức Chúa Trời. Anh luôn tìm ra những tội nhân sẵn sàng tiếp nhận Đấng Cứu Thế vì anh vâng theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Một ngày kia tôi hỏi anh: "Nầy anh Heeley ơi, anh đã dùng phương pháp gì để làm chứng cho những người khác vậy?". "Tôi không có một phương pháp nào cả" anh trả lời, "Tôi nghe tiếng của Thánh Linh hướng dẫn tôi phải nói điều gì cho họ. Tôi không bao giờ nói điều gì đó hai lần. Chúa giúp đỡ tôi biết nhu cầu của họ, và nói với họ điều đó trong sự quan tâm yêu thương. Điều này làm cho họ biết rằng Đức Chúa Trời và tôi điều quan tâm đến họ".
Anh Heeley được sinh ra và lớn lên tại Shanxi nhưng mãi đến năm bốn mươi tuổi anh mới được nghe Tin Lành. Anh được một người chinh phục linh hồn lưu động là người tỏ ra yêu thương, quan tâm đến anh, hướng dẫn anh quay về với Đấng Christ. Bây giờ anh Heeley làm những gì người ấy đã làm. Anh đi khắp nước Trung Quốc bày tỏ lòng quan tâm, yêu thương mọi người và hướng dẫn họ quay trở lại với Đấng Christ. Bí quyết của anh là nghe và vâng theo tiếng của Đức Chúa Trời.
Tôi đã cố gắng bắt chước Heeley từ khi tôi gặp anh. Tôi đã nhận biết rằng Đức Chúa Trời sẽ hướng dẫn bạn nếu bạn mong muốn như vậy. Lắng nghe tiếng của Đức Chúa Trời và Ngài sẽ hướng dẫn bạn đến với những người đang cần sự cứu rỗi và sẵn sàng tiếp nhận Đấng Cứu Thế.
Chúng ta không chỉ nghe theo tiếng Chúa trong khi chinh phục linh hồn nhưng trong cả những lãnh vực khác của chức vụ chúng ta. Vậy thì điều gì ngăn trở chúng ta nghe tiếng Chúa.
"Vì con mắt Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài "(IISử 16:9).
Những người trong thời Kinh Thánh đã hiểu rõ rằng tấm lòng là ngai của: 1) cảm xúc hoặc tình cảm, 2) những động cơ, và 3) những chủ đích của con người.
Nếu tình cảm của chúng ta đặt nền tảng trên những gì thuộc về thế gian hơn là những gì thuộc về thiên đàng, thì điều này làm buồn lòng Đức Chúa Trời (IGiăng 2:15). Kinh Thánh dạy chúng ta phải yêu mến Đức Chúa Trời với cả tấm lòng, linh hồn, tâm trí và sức lực của chúng ta (Mat 22:37).
Nếu những động cơ của chúng ta không trong sạch như của tiên tri Balaam (Dân 23:1-30) thì Đức Chúa Trời sẽ phán xét chúng ta cách nghiêm khắc. Balaam đã đổi những ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho ông để lấy những của cải danh vọng và uy tín.
Anania và shaphiara (Công 5:1-42) đã không thật thà khi dâng tiền vào công việc của Chúa vì họ đã giữ lại một phần lớn cho họ. Bởi vì ý định của họ sai lầm nên Đức Chúa Trời đã giết họ.
Ô! Chúng ta cần phải canh giữ tình cảm, động cơ và ý định của chúng ta biết bao! để chắc chắn rằng nó trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời biết rõ mỗi tấm lòng chúng ta.
"Loài người xem bề ngoài nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng "(ISa 16:7).Chúng ta không thể dấu những điều này khỏi Chúa. Và nếu chúng ta không giữ lòng mình trong sạch, ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không nghe được tiếng Ngài.
"Ngày nay nếu chúng ta nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng "(Hêb 4:7).
Khi tôi và nhóm của tôi đi truyền giảng Phúc Âm. Chúng tôi thường kiêng ăn và cầu nguyện để Đức Chúa Trời ban quyền năng và chúng tôi có thể chữa lành bịnh tật, chúc phước cho mọi người. Chúng tôi thường biệt riêng một ngày để kiêng ăn và cầu nguyện cho những vấn đề này.
Chúng tôi thường chọn ba cặp (chồng và vợ) Cơ Đốc nhân đã trưởng thành để lập một nhóm cầu nguyện. Có lẽ chúng tôi có năm hoặc sáu nhóm như vậy trong những ngày kiêng ăn cầu nguyện.
Những nhóm cầu nguyện xếp ghế thành vòng tròn và những người đến để được cầu nguyện sẽ ngồi vào giữa vòng tròn này. Chúng tôi khuyến khích những nhóm này cầu nguyện trong Thánh Linh (bằng tiếng mới - ICôr 14:13,14) và xin Thánh Linh ban quyền năng thiên thượng cho những người được cầu nguyện.
Có một phụ nữ đến trong vòng tròn cầu nguyện của vợ chồng chúng tôi. Căn bịnh viêm khớp nặng đã làm bà đau đớn ở lưng và bàn tay. Các ngón tay của bà bị co lại, bà không thể xòe ra được.
Bà nói rằng Chúa đã ngừng phán với bà. Hơn tám tháng rồi bà không còn nghe tiếng Chúa nữa.
Khi cả nhóm bắt đầu cầu nguyện trong Thánh Linh, trong trí tôi hiện lên một bức tranh về một cánh đồng lúa đã được thu hoạch. Đất khô cứng với những gốc rạ. Tôi đang suy nghĩ bức tranh này có ý nghĩa gì đối với nhu cầu của người chị em này, Đức Thánh Linh phán với tôi rằng: "Đây là bức tranh về tấm lòng của người chị em con. Chai cứng và khô cằn".
Tôi cầu nguyện "Chúa ơi, tại sao vậy" Thánh Linh trả lời rằng "chồng bà ta đối xử tệ với bà, và bà đã không tha thứ cho chồng. Sự không tha thứ của bà đã làm cho lòng bà cứng cỏi. Và bởi vì bà không tha thứ cho chồng nên bà cũng không được tha thứ. Tất cả những điều này gây nên sự chán nản khốn khổ trong lòng bà và nó làm cho bà phải chịu đau đớn bởi bịnh viêm khớp này."
Lúc đó tôi không hoàn toàn chắc chắn rằng Thánh Linh đã phán với tôi như vậy. Vì vậy tôi đã thử để biết đó là lời của Thánh Linh hay là trí tưởng tượng của tôi. Tôi kể cho bà nghe về bức tranh (khải tượng) hiện lên tong đầu tôi. Tôi cũng thuật lại cho bà những gì tôi nghĩ là Chúa đã phán với tôi về tình trạng của bà. Rồi tôi hỏi "có điều nào đúng như vậy không?" Bà tan vỡ trong nước mắt và trả lời: "Vâng, anh Ralph ơi tất cả điều đúng"
Sự thương xót của Chúa tràn ngập lòng tôi đối với người chị em yêu dấu này. Tôi nói với bà trong khi nước mắt chảy dài: "Chị ơi, Chúa Jesus yêu thương chị vô cùng. Ngài muốn chữa lành cho chị và chuyện trò với chị. Chị hãy nói lên sự tha thứ của chị rằng" Tôi tha thứ cho chồng tôi về những điều độc ác nào mà anh ấy đã làm để hành hạ tôi". Khi chị làm như vậy Chúa sẽ chữa lành cho chị, chị sẽ có một tấm lòng mềm mại (thay vì tấm lòng cứng cỏi) và Chúa sẽ phán với chị.
Bà đã làm như tôi gợi ý và chỉ trong ba phút các sự đau đớn của bịnh viêm khớp điều tan biến. Các ngón tay của bà được tự do và bà có thể bẻ nó như một người bình thường.
Vài ngày sau bà nói với tôi qua dòng nước mắt của sự vui mừng rằng: "Anh Ralph ơi, Chúa đã nói chuyện trở lại với tôi. Ngài thật tốt biết bao." Sau này tôi biết rằng bà là một người lãnh đạo trong một Hội Thánh lớn.
Câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng có một tấm lòng ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời thật quan trọng biết bao. Tấm lòng cứng cỏi, chai đá, vô tín và hàng chục "trạng thái lòng" khác ngăn trở chúng ta nghe tiếng Chúa.
Tôi đã đi trên mười lăm xứ sở để giảng Tin Lành. Nan đề lớn nhất mà tôi gặp phải là những người lãnh đạo Hội Thánh chưa được tái sanh, những người giáo sĩ chưa từng được Thánh Linh của Đức Chúa Trời sanh lại. Có cần phải ngạc nhiên khi họ không nghe được tiếng Chúa?
Cách đây hơn 200 năm, John Wesley nhà sáng lập một trong những phong trào phục hưng vĩ đại nhất trên thế giới, đáp tàu từ thuộc địa Georgia về Anh sau một chuyến truyền giáo tại đó. Ông đã ở đó để cố gắng xoa dịu hình phạt nặng nề của những người tù.
Trên chuyến tàu, các giáo sĩ Moravian ở Bavaria đã hỏi ông rằng: "Nầy anh John Wesley, anh đã được sanh lại chưa?"
Ông trả lời: "Tôi là một giáo sĩ thụ phong Anh Quốc giáo"
"Đó không phải là điều chúng tôi hỏi anh, John ạ! Anh đã được Thánh Linh của Đức Chúa Trời sanh lại chưa?"
John Wesley đáp: "Tôi đã hầu việc Chúa giữa những người tù, giúp đỡ kẻ nghèo khó và làm tất cả mọi việc lành từ khi tôi tốt nghiệp thần học" (John Wesley cố gắng tránh né vấn đề "Thiên đàng hoặc địa ngục" này).
Những người Moravian vẫn cứ ép ông: "Hỡi anh John, Chúa Jesus phán: Ngươi phải được sanh lại"
Đương đầu với câu hỏi này nhiều lần, Wesley đã để nhiều thì giờ còn lại của cuộc hành trình đọc lại cuốn Tân ước của mình. Ông đã gặp những câu Kinh Thánh như thế này: "Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời" (Rô 8:16).
Ông suy nghĩ: "PhaoLô đang nói đến điều gì? ' Đức Thánh Linh làm chứng trong lòng chúng ta...' điều đó có nghĩa gì?"
Rồi ông đọc trong IGiăng 1:10"Ai tin đến Con Đức Chúa Trời thì có chứng ấy trong mình "
Ông trầm ngâm "Ta chưa từng kinh nghiệm được chứng nào trong lòng như Giăng nói. Ta được sanh lại chưa?"
Càng nói chuyện nhiều với những giáo sĩ Moravian và đọc Kinh Thánh Tân ước bao nhiêu, ông càng tin chắc rằng mình chưa có "đức tin để được cứu rỗi".
Một ngày kia ông đọc Gia 2:19 "ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ". Wesley bắt đầu nhận ra sự khác biệt giữa "đức tin để được cứu" và sự chấp nhận của trí tuệ về những sự kiện lịch sử được ghi lại trong Kinh Thánh về Chúa Jesus. Ma quỉ cũng tin những sự kiện đó nhưng không có đức tin để được cứu.
Tin rằng Hội Thánh, những giáo sư thần học và hội đồng giáo sĩ không thể giúp ông có được sự sanh lại của Đức Thánh Linh, nên Wesley bắt đầu tìm kiếm sự thật thuộc linh này.
Một thời gian ngắn sau khi trở về Anh, một đêm kia Wesley đi vào ngôi nhà thờ nhỏ tại Luân Đôn để nghe giảng. Đang khi ngồi nghe phúc âm được rao giảng cách rõ ràng và dễ hiểu, sau này ông làm chứng lại rằng: "Lòng tôi bỗng ấm áp khác thường". Ông rời nhà thờ đêm đó với sự bình an, vui mừng và đầy sự tạ ơn.
Cuối cùng ông đã kinh nghiệm được niềm vui của sự tái sanh. Bây giờ ông đã biết điều mà PhaoLô, Giăng và Giacơ nói đến. Cuối cùng thì ông đã biết sự khác nhau giữa lẽ thật thuộc linh về phúc âm và sự chấp nhận của trí tuệ về điều này. Ông dành những năm còn lại của chức vụ để chỉ cho mọi người biết rằng sanh lại là điều cần yếu biết bao.
Bạn đã được sanh lại chưa? Bạn có thể biết được điều này. Tại sao bạn không mời Chúa Jesus ngự vào lòng bạn?
Hãy cầu nguyện những lời đơn giản như vầy:
"Lạy Chúa Jesus, con tuyên bố Ngài là Chúa của con. Con tin rằng Ngài đã gánh tội lỗi của con trên cây thập tự để giải phóng con khỏi tội lỗi. Con tin rằng Ngài đã từ kẻ chết sống lại và hiện nay đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.
Con tin cậy Chúa Jesus và chỉ có huyết Ngài mới có thể trả giá cho tội lỗi của con. Con xin tiếp nhận Đức Thánh Linh để Ngài làm chứng trong lòng con rằng con là con cái của Đức Chúa Trời. Con xin dâng mọi điều trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men."
Nếu bạn thật lòng cầu nguyện như vậy, Chúa Jesus sẽ đến ngự vào lòng bạn. Bây giờ hãy đi và nói với mọi người rằng "Tôi đã tiếp nhận Chúa Jesus làm cứu Chúa của tôi và tôi biết chắc chắn rằng tôi đã được cứu và tôi đang trên đường về thiên đàng".
Kinh Thánh chép: "Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jesus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi tin trong lòng mà được sự công bình còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi "(Rô 10:9, 10)
Bây giờ bạn đã được tái sanh và biết mình là ai - bạn là một ứng cử viên để Chúa Jesus bắt đầu phán với bạn. Bạn có thể nghe tiếng của Ngài. Chúa Jesus phán:"Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó và nó theo ta "(Giăng 10:27)
Khi Chúa Jesus ngự vào lòng bạn, Ngài sẽ tẩy xóa lòng bạn và giải phóng nó khỏi tội lỗi và sự tối tăm, cất đi khỏi bạn tấm lòng cứng cỏi và ban cho bạn tấm lòng bằng thịt dịu dàng, mềm mại để có thể nghe tiếng Ngài.
"Các ngươi sẽ trở nên sạch... Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lịnh ta và làm theo "(Êxê 36:25-27).
Anh Judson CornWall kể lại rằng một lần kia khi anh đang cầu nguyện với Chúa cách nhiệt thành, cầu xin Ngài phán với anh. Cuối cùng Chúa phán hỡi Judson, làm sao ta có thể phán với con khi con không làm theo những điều ta phán cùng con lần trước". Anh CornWall lập tức đứng dậy làm những điều Chúa đã bảo anh trước kia. Sau đó anh bắt đầu nghe tiếng Chúa trở lại.
"Như vậy đức tin đến bởi sự người ta nghe lời của Đức Chúa Trời "(Rô 10:17).
Đức tin có thể được định nghĩa là "sự vâng theo những gì Đức Chúa Trời phán bảo". Nghe tiếng Chúa không có nghĩa là chỉ nghe bằng lỗ tai của bạn. Nhưng có nghĩa là vâng theo những gì Ngài đã phán.
Khi con trai tôi được chín tuổi tôi bảo nó rằng " Con đem giỏ rác đổ vào thùng lớn kia". Nó trả lời "vâng thưa bố". Ba muơi phút sau tôi trở về và thấy giỏ rác vẫn còn y chỗ cũ. Có phải con trai tôi đã nghe tôi? Theo nghĩa Kinh Thánh thì không. Nó đã không nghe tôi cho đến khi nó vâng lời tôi.
Tôi đã gọi con trai tôi vào và chỉ cho nó thấy cái "giỏ" mà tôi đã để sẵn trên bàn học của nó. Lần này thì nó đã nghe tôi và xách giỏ rác đi.
Đức tin đến bởi sự nghe lời Đức Chúa Trời, đó là nghe và làm theo những gì Đức Chúa Trời phán dạy.
Trở ngại lớn nhất cho sự vâng lời của chúng ta là sự KIÊU CĂNG. Tôi đã nghe Oral Roberts nói như thế nầy: "Mỗi khi tôi đặt tay cầu nguyện cho kẻ bịnh, tôi lại phải đóng đinh sự kiêu ngạo của tôi lên thập tự giá bởi vì tôi biết rằng chỉ một số ít người tôi cầu nguyện cho sẽ lành bịnh. "
Mặc cho những người nghi ngờ, những người chế giễu và những nhà báo hay phê bình, Oral Roberts vẫn kiên nhẫn làm những điều mà Chúa bảo ông làm với sự khiêm nhường. Hàng ngàn người đã được chữa lành bởi sự trung tín của ông đối với sự kêu gọi cách lạ thường của Chúa và chức vụ chữa bệnh ngày càng được mở rộng ra hơn.
Nhiều người trong chúng ta đã thối lui không làm điều mà Chúa phán bảo bởi vì chúng ta sợ những người khác sẽ nghĩ về chúng ta như thế nào nếu như chúng ta vâng lời Chúa. "Sự sợ loài người gài bẫy "(Châm 29:25)."Sự sợ loài người " là cách nói khác của sự kiêu ngạo. Về cơ bản, là chúng ta không làm những gì Chúa muốn chúng ta làm bởi vì LÒNG KIÊU NGẠO.
Tâm trí xác thịt của chúng ta nghĩ rằng "Nếu chúng ta thử làm điều Chúa bảo chúng ta và thất bại, thì những người khác sẽ nghĩ gì? Những bạn bè đồng công sẽ không hiểu tôi. Giáo phái của tôi cũng sẽ không chấp nhận những điều mà Đức Chúa Trời bảo tôi làm.
Tất cả những tư tưởng đó bắt nguồn từ sự sợ loài người- SỰ KIÊU NGẠO! Rất nhiều người ao ước làm theo ý Chúa nhưng đã thối lui vì sợ loài người.
Tôi thường bị hỏi rằng:"Nầy anh Ralph, làm sao anh có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời đang phán với anh?"
Tôi trả lời: " Không phải lúc nào tôi cũng chắc chắn hết. Đôi khi tôi không biết rõ ràng. Tôi phải thử. Tôi kiểm tra các sự kiện với những người có thể liên quan đến."
Kinh Thánh chép "Hãy xem xét mọi điều "(ITê 5:21). Cách duy nhất để bạn chứng minh một điều gì là phải thử điều đó. Tôi thường thất bại khi làm thử- nhưng một trong những yếu tố của đức tin là sự rủi ro. Bạn phải liều mình trở thành kẻ điên dại vì cớ Đấng Christ."
Đừng để sự kiêu căng làm tê liệt bạn. Hãy thử làm những gì bạn cảm thấy Đức Chúa Trời bảo bạn làm.Tuy nhiên đôi khi bạn sẽ thất bại- nhưng cũng sẽ có thành công. Hãy liều mình. Bước ra trong đức tin và thử làm những điều kỳ diệu cho Đức Chúa Trời.
Một trong những câu chuyện hay nhất được chép trong Kinh Thánh là II Các vua chương 5, đã minh họa cách sống động những định kiến của chúng ta đã ngăn trở chúng ta nghe và vâng theo tiếng Chúa như thế nào.
Na-a-man là quan tổng binh của Vua Si-ry có một đứa tớ gái Ysơraên bị bắt trong chiến tranh. Na-a-man bị bệnh phung nan y. Đứa đầy tớ gái nói với ông rằng trong Ysơraên có một nhà tiên tri tên là Êlisê là người có quyền năng của Đức Chúa Trời để chữa lành mọi bịnh tật.
Nhờ tài ngoại giao khéo léo, Na-a-man liên lạc với vua của Ysơraên và sắp xếp viếng thăm tiên tri Êlisê. Khi Na-a-man đến tại cửa nhà Êlisê, vị tiên tri sai đầy tớ ra nói lại những gì Đức Chúa Trời bảo Na-a-man phải làm. "Hãy đi tắm mình bảy lần dưới sông Giô- đanh thịt ngươi tất sẽ nên lành, và ngươi sẽ được sạch "(Câu 10).
Na-a-man giận dữ bước ra khỏi nhà, vừa đi vừa nói rằng: "Ta nghĩ rằng vị tiên tri theo phép lịch sự thông thường sẽ ra đón ta, ta nghĩ ông ta sẽ cầu khẩn danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình, lấy tay đưa qua đưa lại trên chỗ phung và ta sẽ được lành "(Hãy lưu ý định kiến ông sẽ được chữa lành như thế nào).
"Nếu ta cần phải tắm dưới sông- Ta sẽ trở về Siry tắm dưới sông A-ba-na và Bạt-ba có nước trong như pha lê- chứ không tắm dưới dòng sông Giô-đanh bùn lầy nầy". Suy nghĩ như vậy, ông giận dữ bước ra.
Một trong những người đầy tớ nài xin ông: "Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao, phương chi sao cha không vâng theo (từ mấu chốt) khi người bảo cha rằng hãy tắm thì được sạch? .
Cuối cùng thì Na-a-man cũng bị thuyết phục, đi xuống sông Giô-đanh và trầm mình bảy lần như nhà tiên tri đã bảo ông. Khi ông vâng lời thì da thịt ông lành lặn như da thịt của đứa trẻ. Na-a-man đã hoàn toàn được chữa lành.
Na-a-man suýt đánh mất cơ hội phước hạnh mà ông đang tìm kiếm. Tại sao? Bởi vì định kiến của ông về cách Đức Chúa Trời sẽ chữa bịnh cho mình. Định kiến và sự kiêu ngạo của ông đã ngăn cản ông vâng lời.
Bạn thấy chưa, định kiến đâm rễ trong sự kiêu căng. Có một câu nói rất tác hại là "Ta biết mọi sự. Ta có thể nhận biết mọi sự trước khi xảy ra -như sự đó sẽ xảy ra " (một phẩm chất đáng tôn thờ).
Khi mọi việc không xảy ra như chúng ta đã định trước- điều đó phá đổ hình ảnh đáng tôn thờ (đầy kiêu ngạo) của chúng ta, và chúng ta, giống như Na-a-man, bước ra một cách giận dữ và rất phật ý bởi vì Đức Chúa Trời đã không làm theo định kiến của chúng ta về cách mà Đức Chúa Trời sẽ thực hiện.
Giáo lý thần học của chúng ta (một định kiến về Đức Chúa Trời) thường dẫn đến mâu thuẫn với sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong đời sống chúng ta - và khi xảy ra như vậy, chúng ta phải đối diện với sự nguy hiểm nghiêm trọng là lạc mất ý muốn của Đức Chúa Trời.
Khi Đức Chúa Trời buộc tôi phải trở thành một nhà truyền giáo lưu động, tôi phản đối cách kịch liệt. Bởi vì trong mười một năm tôi đã mở nhiều Hội Thành và chăm sóc cho họ. Bây giờ Đức Chúa Trời bảo tôi phải làm công việc mà tôi sẽ không còn chăm sóc các Hội Thánh địa phương nữa.
Tôi cãi lại: " Chúa ơi điều đó không có căn cứ trên Kinh Thánh. Mọi việc Ngài làm hoặc sẽ làm, Ngài phải làm qua Hội Thánh địa phương ". Đó là giáo lý của tôi lúc đó. Tôi đã phản đối cùng Đức Chúa Trời rằng: " Ý kiến truyền giảng lưu động không phải là kiểu mẫu của sách công vụ các sứ đồ. Có lẽ con sẽ làm mọi việc theo khuôn mẫu " (Hêb 8:5 là câu Kinh Thánh đắc ý nhất của tôi).
Một buổi sáng chủ nhật kia, khi tôi đang đi đến giảng ở một nơi nọ, Chúa đã phán với tôi rằng:
"Tại sao con không đọc những câu Kinh Thánh còn lại? Tôi đã biết Chúa muốn phán gì. Đọc phần còn lại của 8:5.
"Chúa ơi, tại sao con phải đọc phần còn lại của câu Kinh Thánh này? Con đã đọc nó hàng trăm lần rồi. Con cũng chia sẽ câu Kinh Thánh đó mấy lần. Con cũng biết những câu Kinh Thánh trước đó và sau đó nữa. Vậy thì tại sao lại phải đọc phần còn lại của câu Kinh Thánh này?"
Tiếng Chúa vẫn cứ thúc giục trong lòng tôi: "Con hãy đọc phần còn lại của câu Kinh Thánh đó".Tôi đã mở Kinh Thánh ra và đọc: "Đức Chúa Trời phán bảo rằng hãy cẩn thận, làm mọi việc theo như kiểu mẫu đã chỉ cho ngươi tại trên núi" (Hêb 8:5). Bốn chữ đã chạm vào tôi như một dòng điện: "Đã chỉ cho ngươi"
"Hãy làm MỌI VIỆC theo như kiểu mẫu đã chỉ cho ngươi "
Giáo lý thần học của tôi được đặt trên kiểu mẫu đã chỉ cho Môise, cho Đavít, cho Hội Thánh đầu tiên, nhưng Đức Chúa Trời đã phán rằng:
"Con phải làm theo cách mà Ta chỉ cho con. Nôê đã đóng chiếc thuyền theo kiểu mẫu Ta đã chỉ cho Nôê. Môise đã làm hòm giao ước theo kiểu mẫu Ta đã chỉ cho Môise. Salômôn xây dựng đền thờ theo kiểu mẫu Ta đã chỉ cho ông. Phierơ, PhaoLô, GiaCơ và Giăng đã làm những gì Ta bảo họ làm. Đó là kiểu mẫu của Ta cho đời sống họ.
"Con phải làm những gì Ta bảo con làm. Đó sẽ là kiểu mẫu của Ta cho đời sống của con".
Cuối cùng tôi đã hiểu. Tôi đã nghe và vâng theo tiếng của Đức Chúa Trời. Tôi đã không thể tự mình làm gì chỉ bởi "điều đó phải luôn luôn được làm theo cách này". Tôi phải vâng theo Đức Chúa Trời.
Hỡi các bạn của tôi, đó vẫn còn là một nan đề phải không? Đức Chúa Trời có một chương trình cho mỗi chúng ta. Chức vụ mà Chúa ban cho Billy Graham giống như chức vụ của Giăng Báptít mà Kinh Thánh làm chứng rằng: "Giăng chưa làm phép lạ nào "(Giăng 10:41). Keneth Hagin và Oral Roberts cũng như Êtiên là những người: "...làm dấu kỳ phép lạ rất lớn trong dân "(Công 6:8).
Cả ba giáo sĩ vĩ đại này đang làm những gì Đức Chúa Trời đã bảo họ làm - tuy nhiên không ai giống ai hết. Mỗi người trong chúng ta phải nghe và vâng theo tiếng của Đức Chúa Trời. Đó là điều phân biệt bạn với hàng ngàn người khác. Phần đông trong số họ không nghe và vâng theo tiếng Chúa. Nhưng bạn phải nghe và vâng theo tiếng Ngài.
Đừng để những truyền thống của bạn ngăn trở bạn làm theo những gì Đức Chúa Trời bảo bạn làm. Hãy nghe và vâng theo tiếng Ngài. Một số người sẽ khinh bỉ chống đối và chỉ trích bạn. Số khác sẽ nghi ngờ và tấn công bạn. Niềm kiêu hãnh của bạn sẽ bị tổn thương. Nhưng mặc cho bất cứ điều gì xảy ra, Hãy làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
Vào năm 1962 tôi cùng một người bạn nữa đi truyền giáo cho một hòn đảo nhỏ nằm ngoài bờ biển phía đông của tỉnh Zhejiang. Có một tín đồ tin Chúa cách đây ba năm mời chúng tôi đến để thành lập Hội Thánh
Theo lệ thường của những người truyền giáo, tôi đã giảng cách nhiệt thành trong mấy đêm - nhưng không có một ai trở lại với Đấng Christ. Người bạn giáo sĩ và tôi hết sức nản lòng, và thất vọng. Chúng tôi thông báo một buổi cầu nguyện vào lúc 4 giờ mỗi buổi sáng. Bằng cách này, chúng tôi có thể cầu nguyện với một số thành viên trước khi họ đi đánh cá hoặc thâu gặt mùa màng.
Chúng tôi nghĩ rằng khoảng mười hay muời hai người đến tham dự. Nhưng thật ngạc nhiên, ngôi nhà thờ nhỏ chật ních với hơn 100 người (Bằng với số người đến dự mỗi buổi tối truyền giảng).
Bây giờ mọi người điều biết bạn không có những cuộc vận động truyền giáo vào lúc 4 giờ sáng - nhưng đây là điều mà buổi cầu nguyện đã đem lại. Đức Chúa Trời đã đập vỡ những định kiến của tôi về phương cách Ngài sẽ làm và dạy tôi bài học về việc nghe và vâng theo lời Ngài.
Chúng tôi thường bắt đầu thì giờ cầu nguyện bằng điệp khúc ngắn như thế này:
Xin ngự vào lòng con, xin ngự vào lòng con.
Hỡi Thánh Linh êm dịu, xin ngự vào lòng con.
Khi con ngồi nơi chơn Ngài, lòng con được thỏa nguyện.
Hỡi Thánh Linh êm dịu, xin ngự vào lòng con.
Sau khi đã hát một hoặc hai lần, một phụ nữ bắt đầu nói tiên tri. Giọng cô ngập ngừng. Cô ngập ngừng như rất khó khăn khi thốt ra những lời đó. Điều nầy làm tôi hơi bối rối nhưng tôi nghĩ " Hãy để cho linh hồn khốn khổ này cố gắng - cô ta sẽ không gây ra điều phiền toái nào đâu ".
Cô lập lại ba lần những lời này: "Hãy cởi giày ngươi ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh ". Tôi cảm thấy thương hại cho cô bởi vì những lời nói lắp bắp của cô không thích hợp với giờ phút như thế này.
Người bạn tôi, anh Heeley, lại nghe hoàn toàn khác. Anh nghe tiếng phán của Thánh Linh kêu gọi tội nhân ăn năn. (Tôi rất vui mừng vì anh có lỗ tai thuộc linh tốt hơn tôi).
Anh đứng dậy và bắt đầu nói cách nhỏ nhẹ, " Hỡi anh em, tôi tin Chúa đang phán với chúng ta và chúng ta phải vâng lời Ngài. Tôi không biết chắc có phải Chúa phán theo nghĩa đen là chúng ta cởi giày hay không. Nhưng trong trường hợp này sẽ không có gì nguy hại nếu chúng ta làm như vậy."
Chúng tôi bắt đầu cởi giày cách có ý thức xen lẫn cảm giác hơi không bình thường. Anh Heeley tiếp tục: "Có lẽ đây là điều mà Chúa muốn dạy dỗ chúng ta. Chúng ta sẽ phải cởi bỏ những chiếc giày cũ của đời sống tội lỗi mà bước đi trong đường lối của đời sống công bình. Chúng ta phải từ bỏ đời sống nô lệ và phản nghịch mà bước đi trong đời sống mới tự do và vâng phục Chúa Jesus ".
"Nếu các bạn muốn thực hiện ngay bây giờ, chỉ cần các bạn để những chiếc giày ra phía sau và bước xuống để chúng ta cùng cầu nguyện chung với nhau.
Tôi sửng sốt, những "bài truyền giảng năng nổ" của tôi đã không mang lại kết quả, nhưng sự nghe và vâng lời Đức Chúa Trời cách nhạy bén của anh Heeley đã có kết quả. Mọi người bắt đầu đến quỳ trong ngôi nhà thờ bé nhỏ từ mọi ngõ ngách. Và điều kỳ diệu nhất mà tôi từng chứng kiến đã xảy ra.
Khi họ bước lên phía trước, dường như có một sợi dây vô hình ở ngay đằng trước. Tất cả những người tiến lên tiếp nhận Chúa, đi qua sợi dây đó đều ngã sấp mặt xuống đất như bị một thiên sứ vô hình đánh ngã. Đây chính là những người nông dân và những người đánh cá có thể chịu đựng cay đắng trong cuộc sống lại bị xô ngã xuống nền nhà thờ khóc lóc thảm thiết trong sự đau đớn và ăn năn về tội lỗi của mình như thể lòng họ đang tan vỡ.
Tôi nghĩ rằng khi tốp người đầu tiên ngã xuống những người còn lại sẽ hoảng sợ và chạy ra khỏi buổi nhóm.
Nhưng không, họ cứ thẳng hàng tiến tới cho đến khi hết thảy tội nhân điều nhận được món quà của sự ăn năn và sự cứu rỗi. (Hơn 50 người trở lại với Đấng Christ).
Ô! Ai đã từng nghe một cuộc chinh phục linh hồn như vậy chưa? Có ai đã nghe "phương pháp" truyền giáo như vậy chưa? Nhưng bạn thấy đó, bí quyết chỉ là "có một lỗ tai để nghe những gì Đức Thánh Linh phán".
Tôi phải xấu hổ thừa nhận rằng tôi đã không nghe tiếng phán của Đức Thánh Linh khi những điều đó xảy ra. Nhưng cảm tạ Đức Chúa Trời, bạn tôi đã nghe và đã vâng lời Chúa. Và một cuộc phục hưng lớn đã nổ ra liên tiếp từ đảo này cho đến đảo khác
Lạy Chúa! Xin giải phóng con khỏi sự không vâng lời, những định kiến, những truyền thống và tấm lòng cứng cỏi là những điều ngăn trở con nghe tiếng Chúa và vâng theo Ngài. AMEN!
"Như vậy đức tin đến bởi sự người ta nghe... lời (Rhema) của Đức Chúa Trời "(Rô 10:17).
Có hai chữ Hylạp được dịch là "lời" trong Kinh Thánh tiếng việt đó là chữ "LOGOS " và "RHEMA ". Lời Logos thường là những"lời" được viết lại. Lời Rhema thường là những lời sự sống hoặc lời ban sự sống.
(Chú thích của tác giả: Những ví dụ dưới đây không có nghĩa chính xác như cách dùng của từ Hylạp. Chúng được đưa ra như những ví dụ để minh họa ý kiến của tác giả đã nghiên cứu và giải thích mối liên hệ giữa lời Logos và lời Rhema.)
Chúa Jesus phán: "Có lời (Logos) chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời (Rhema) nói ra từ miệng Đức Chúa Trời "(Mat 4:4)
Nói về người Bêrê: "Những người này có ý hẳn hoi hơn người Têsalônica, đều sẵn sàng chịu lấy đạo (Rhema),ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh (Logos) để xét xem lời giảng có thật chăng "(Công 17:11).
Những câu Kinh Thánh này minh họa mối liên kết giữa lời Logos và lời Rhema. Chúng luôn luôn đi cùng với nhau. Chúng ta phải biết Kinh Thánh (lời Logos) để xem xem lời (Rhema) mà chúng ta nghe có thật sự đến từ Đức Chúa Trời hay đến từ các thần khác. Đức Thánh Linh (Rhema) và Kinh Thánh (Logos) luôn luôn hòa hợp với nhau.
Chúa Jesus phán với những người Pharisi: "Các ngươi lầm vì không hiểu Kinh Thánh (Logos),và cũng không hiểu quyền phép Đức Chúa Trời (Rhema) là thế nào "(Mat 22:29).Những người Pharisi trong thời Chúa Jesus đã không biết lời Logos cũng như lời Rhema.
Nhiều người lãnh đạo Hội Thánh không biết Kinh Thánh cũng như quyền phép của Đức Chúa Trời. Những người lãnh đạo hay Hội Thánh như vậy sẽ khiến Đức Chúa Trời nhả họ ra (Khải 3:15).
Những nhà lãnh đạo Hội Thánh khác biết Kinh Thánh nhưng lại không biết quyền phép Đức Chúa Trời, thường bị khô khan.
Cũng có những người lãnh đạo Hội Thánh biết quyền phép của Đức Chúa Trời nhưng không biết Kinh Thánh, thường kiêu căng.
Nhưng nếu bạn biết cả Kinh Thánh và quyền phép của Đức Chúa Trời - sẽ khiến cho bạn và Hội Thánh của bạn lớn lên.
Một lời Rhema thường là một sự truyền đạt từ Đức Chúa Trời để phát họa một chương trình hay ban quyền năng trong một hoàn cảnh đặt biệt. Khi chúng ta đọc Kinh Thánh và một câu Kinh Thánh nào đó đụng chạm đến chúng ta với quyền năng, tức là chúng ta đang nhận được một lời Rhema (lời sống) cho nhu cầu cá nhân của chúng ta.
Khi chúng ta đang cầu nguyện cầu xin sự khôn ngoan hay sự trả lời của Đức Chúa Trời cho nan đề bế tắc của chúng ta, và bỗng nhiên Chúa phán trong lòng chúng ta cho biết cách giải quyết nan đề với những từ ngữ rất rõ ràng, đó là lời Rhema.
Khi chúng ta đang thi hành chức vụ và bỗng nhiên được thúc dục phải làm một hành động đặc biệt nào đó mà mang lại kết quả phước hạnh, đó là lời Rhema.
(Cẩn thận: Chúng ta không nên xem tất cả động cơ, sự thúc giục, cảm giác là lời Rhema. Không một lời Rhema nào lại trái với Kinh Thánh (Logos), là lời đời đời của Đức Chúa Trời).
Nếu tôi bịnh tôi có thể mở Kinh Thánh và đọc: "...Bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh "(IPhi 2:2)Tôi được lời hứa là ý muốn của Đức Chúa Trời là chữa lành cho tôi. Tuy nhiên có thể tôi không được chữa lành khi tôi đọc câu Kinh Thánh đó.
Người què, trong công vụ đoạn ba, đã nằm tại cổng đền thờ trong nhiều năm nhưng không được Chúa Jesus chữa lành khi Ngài đi ngang qua đó nhiều lần.
Phierơ, vừa mới kinh nghiệm Lễ Ngũ Tuần cách cá nhân, đi lên đền thờ cầu nguyện, và khi người què xin ông của bố thí thì ông nhận được một lời Rhema. "Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: nhơn danh Đức Chúa Jesus Christ ở Naxarét hãy bước đi (Công 3:6).
Lập tức người què đứng lên, theo Phierơ vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy ngợi khen Đức Chúa Trời. Có lẽ người què này biết câu Kinh Thánh: "Vì ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bịnh cho ngươi "(Xuất 15:26). Tuy nhiên ông đã không được chữa lành cho đến khi Phierơ nghe tiếng Đức Chúa Trời và truyền lại lời ban sự sống (lời Rhema) cho ông.
"Như vậy đức tin đến bởi sự người ta nghe... lời (Rhema) của Đức Chúa Trời "(Rô 10:17). Khi Đức Chúa Trời phán với bạn - đức tin đến. Nếu bạn vâng theo những gì Đức Chúa Trời đã phán bảo, các phép lạ sẽ xảy ra cho bạn như chúng đã xảy ra trong thời Kinh Thánh.
Khoảng 15 năm trước, khi tôi đang thi hành chức vụ tại Hebei với nhà truyền giáo D’Sousa, người Đài Loan. Ông mời tôi đi thăm một người bịnh phải nằm liệt giường. Khi chúng tôi đến nhà người bịnh và bắt đầu cầu nguyện cho anh ta, tôi cảm thấy Đức Thánh Linh đang ban cho tôi một sứ điệp cho anh ta.
Tôi nói với anh " nếu anh không ăn năn, anh sẽ chết ".
Bỗng nhiên anh tan vỡ và khóc nức nở. Anh cầu nguyện và khóc lóc thảm thiết, chiếc giường nhỏ của anh bắt đầu rung rinh.
Lời (Rhema) của Chúa lại đến với tôi "Hãy nắm tay anh ta và bảo anh ta đứng dậy bước đi trong danh Chúa Jesus."
Tôi nắm tay anh ta và bắt đầu kéo nhẹ anh ra khỏi giường. Anh ngồi dậy cách chậm chạp và đứng run rẩy trên đôi chân mình. Một chốc sau anh la lớn và nhảy khắp phòng. Anh đã được chữa lành cách kỳ diệu chỉ trong vài phút.
Sau này tôi được biết anh là một tín đồ sa ngã, và trước khi tin Chúa, anh là một kẻ cướp nổi danh, đã từng giết nhiều người.
Anh đã xa lánh Đức Chúa Trời, thối lui trong tội lỗi và mắc phải bịnh tim không sao chữa trị được và cả bịnh thận. Sức khỏe của anh rất xấu và bác sĩ căn dặn rằng không ai được di chuyển anh, bởi vì điều đó có thể giết chết anh. (Tôi rất vui vì đã không biết điều đó - có lẽ nếu biết tôi sẽ e ngại khi vâng lời Chúa).
Đêm đó, anh đã làm chứng tại buổi truyền giáo. Bởi vì anh quá nổi tiếng trong cộng đồng nên khi nghe bài làm chứng của anh nhiều người trở lại tin Chúa và được chữa lành.
Chúng ta phải biết rằng lời ban sự sống của Đức Chúa Trời rất ít khi được ban cho theo hình thức tôn giáo hoặc công thức. Chúa Jesus đã chữa lành cho một người mù bằng cách trộn bùn vào nước miếng rồi bôi lên mắt người đó. Sau đó Ngài biểu anh ta đi đến rửa ở ao Silôê và được chữa lành. (Giăng 9:1-41).
Nếu tôi cũng trộn bùn với nước miếng rồi bôi lên mắt người mù, thì điều mà họ sẽ nhận được chỉ là cặp mắt dính đầy bùn. Nhưng nếu Đức Chúa Trời bảo tôi làm như vậy (như Ngài đã bảo Chúa Jesus) thì người mù sẽ được chữa lành.
Đây không phải là công thức nhưng là nghe tiếng Chúa và làm theo những gì Chúa phán. Vào dịp khác Chúa Jesus đã chữa cho người mù bằng cách khác (Mat 9:29; Mác 10:52).
Mối tương giao mật thiết với Cha trên trời của Chúa Jesus là bí quyết trong chức vụ của Ngài. Chúa Giêxu phán: "...vì Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài "(Giăng 8:29) Bởi vì lòng Chúa Jesus luôn luôn ngay thẳng trước mặt Cha trên trời, nên Ngài có thể nghe và vâng theo tiếng Cha mình cách dễ dàng.
Chúa Jesus nói rõ hơn: "Con chẳng tự mình làm nỗi việc gì được; chỉ làm điều chi mà con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm con cũng làm y như vậy "(Giăng 5:19)
Chúa Jesus biết Kinh Thánh! Ngài đã làm các thầy thông giáo bối rối bởi kiến thức về Kinh Thánh của mình lúc mười hai tuổi tại đền thờ. Nhưng bí quyết trong chức vụ của Ngài là sự nhạy bén với tiếng của Cha- làm điều gì Ngài thấy Cha làm và cũng làm y theo cách Cha làm.
Khi Chúa Jesus cần phải nghe tiếng của Cha, Ngài đi biệt riêng thì giờ để cầu nguyện (đôi khi cùng với kiêng ăn). Bạn còn nhớ Chúa Jesus bắt đầu chức vụ bằng 40 ngày kiêng ăn cầu nguyện. Sau đó chúng ta thấy Ngài thường thức suốt đêm để cầu nguyện (cũng như trước khi Ngài chọn mười hai sứ đồ). Chúng ta cũng thấy Ngài rút khỏi đám đông đi vào đồng vắng cầu nguyện.
Ngoài ra, một đời sống tận hiến sẽ đem đến sự nhạy bén trong việc nghe tiếng Chúa. Bạn có đang phát triển mối liên hệ của bạn với Cha trên trời bằng những thì giờ cầu nguyện và kiêng ăn không? Nếu không, bạn hãy thử đi và xem điều gì sẽ xảy ra. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên.
Tôi mong ước những buổi nhóm nhân sự hoặc những tài liệu huấn luyện đều nhấn mạnh việc dạy cho các học viên biết làm thế nào để nhận lãnh các ân tứ của Đức Thánh Linh và làm thế nào để nghe tiếng của Đức Chúa Trời trong chương trình dạy của họ.
Cảm tạ Đức Chúa Trời vì những người như tiến sĩ John Wimber, tiến sĩ Peter Wagner và tiến sĩ Donald Mc Govern, là những tôi tớ dũng cảm của Đức Chúa Trời, là những người nổi bật trong lịch sử của đất nước chúng ta bởi vì họ đã thừa nhận tầm quan trọng của Đức Thánh Linh trong công tác truyền giáo và xây dựng Hội Thánh.
Họ không giống với những người đồng thời của họ là những người chỉ nhấn mạnh trên triết lý, văn chương, lịch sử, tâm lý và nhiều môn khác thay vì Kinh Thánh. Những người này dạy cho những học viên của mình cách chuẩn bị cho trận chiến thuộc linh với Satan và các quỷ sứ của nó.
Họ dạy cho các học viên cách chữa lành người bệnh như thế nào, đuổi quỷ và giảng Tin Lành kèm với phép lạ xác nhận cho lời của Đức Chúa Trời. Thay vì dạy cho học viên kiếm những bằng cấp thần học, họ gây dựng những con người nóng cháy với Đức Thánh Linh là những người có thể xua tan những ảnh hưởng của ma quỷ trên đất nước chúng ta.
Chúng ta cần những người như Philíp, người đã đi xuống thành phố Samari để giảng về Đấng Christ.
Kinh Thánh chép: "đoàn dân nghe người giảng và thấy các phép lạ người làm, thì đồng lòng lắng tai nghe người nói; vì có những tà ma kêu lớn tiếng lên mà ra khỏi nhiều kẻ bị ám, cùng kẻ bại và kẻ được chữa lành cũng nhiều "(Công 8:6, 7).
Sự huấn luyện của chúng ta phải sản sinh ra những người như Êtiên và Philip - là những người sẽ thách thức với quyền lực của sự tối tăm và đắc thắng. Và rồi chúng ta sẽ thấy "Tin lành này về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân "(Mat 24:14).
Nếu chúng ta cứ tiếp tục thay thế kiến thức suông cho lời Rhema của Đức Chúa Trời, chúng ta đang có khuynh huớng thất bại. Một trong những điều nguy hiểm nhất của nền giáo dục cao là sản sinh ra những con người kiêu căng thay vì những con người đầy dẫy đức tin. Nói cách khác theo PhaoLô "Sự hay biết sanh kiêu căng còn sự hy sinh làm gương tốt "(ICôr 8:1)
Đừng để chúng ta thờ phượng kiến thức của trần gian, đừng đặt đức tin của chúng ta vào sự khôn ngoan trong tri thức và những kỹ thuật mà chỉ đem lại sự kiêu ngạo và không kết quả, thay thế cho quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời sống và chức vụ của chúng ta. Hơn thế nữa chúng ta hãy khát khao trở thành những người nghe và làm theo lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy học cách nghe tiếng của Đức Chúa Trời.
Những người lãnh đạo Hội Thánh ở các nước phương tây che dấu sự thiếu kém quyền năng và khả năng nghe tiếng Chúa của họ bằng cách đầu tư hàng triệu đôla vào những ngôi nhà thờ tráng lệ và những thánh địa hào nhoáng. Họ nghĩ rằng điều này sẽ gây ấn tượng và hấp dẫn mọi người tin Chúa.
Khi bạn học lịch sử Hội Thánh, bạn sẽ thấy rằng Hội thánh càng sa ngã bao nhiêu thì những người lãnh đạo càng đầu tư vào những cấu trúc đồ sộ của nhà thờ bấy nhiêu và ít giúp đỡ mọi người cũng như rao giảng Tin Lành. Những kiến trúc này dường như chỉ phục vụ duy nhất một mục đích - đó là thỏa mãn sự kiêu căng của những người lãnh đạo và những thành viên giàu có trong Hội Thánh.
Quan sát cách Hội Thánh hoạt động, bạn sẽ nghĩ rằng mạng lịnh sau chót của Chúa Jesus là "Hãy đi khắp thế gian và xây dựng nhiều ngôi giáo đường cho mọi người". Ưu tiên hàng đầu của hầu hết các nhà lãnh đạo Hội Thánh là "xây dựng những ngôi nhà lớn hơn ".
Điều Chúa Jesus phán là: "Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người "(Mác 16:15). Đức Chúa Trời đặt sự ưu tiên trên sứ điệp - chứ không phải trên vữa hồ (giáo đường).
Người ta người không thể không đối chiếu hành động của những người lãnh đạo Hội Thánh với Chúa chúng ta. Ngài đã chọn chuồng chiên làm nơi sanh ra, sống như một thành viên trong một gia đình thợ mộc nghèo khổ ở Naxarét, và cho chúng ta biết rằng Ngài đã đến để giảng Tin Lành cho người nghèo. Ngài không có nơi gối đầu trong những năm thi hành chức vụ. Khi chết Ngài được liệm trong tấm vải liệm mượn của người khác. Thân thể Ngài được đặt trong ngôi mộ mượn của người khác trong suốt những giờ chinh phục sự chết địa ngục và mồ mả. Ngài đã trở nên nghèo vì cớ chúng ta.
Kể từ đó những người lãnh đạo Hội Thánh nhận được quyền phép để phung phí tài nguyên của Hội Thánh vào những ngôi giáo đường sặc sỡ và những vùng đất thánh lộng lẫy, trong khi hơn hai tỉ người đang chờ nghe Tin Lành?.
Không có sách vở nào ghi lại sự bành trướng của những ngôi giáo đường mãi cho đến thế kỷ thứ ba khi Hoàng Đế La mã Constantin, là "Cơ Đốc Nhân" đầu tiên nhập Hội Thánh vào chính trị.
Ảnh hưởng của Constatine là một tai họa và có hại về mặt thuộc linh cho Hội Thánh. Một khi nhà thờ trở nên được tôn trọng và giàu có, Hội Thánh sẽ mất quyền năng của Đức Chúa Trời. Một Hội Thánh sống - rao giảng sự sống và phước hạnh khắp mọi nơi - nay trở thành một Hội Thánh chết, thiếu hụt Lời và quyền năng của Đức Chúa Trời. Phaolô cảnh cáo chúng ta: "Những kẻ như thế con hãy tránh xa "(IITi 3:5).
Trung Quốc đưa ra một bài học thú vị cho điều gì có thể xảy ra khi Hội Thánh được giải thoát khỏi sự say mê những ngôi giáo đường và trang điểm cho nhà thờ.
Từ trước những thay đổi vào năm 1950 Đức Chúa Trời đã dấy lên những công tác tại bản xứ mà bởi đó có thể nhận ra cánh tay của Đức Chúa Trời trên Trung Quốc và văn hóa của họ.
Không dựa vào những phương pháp của các nước phương tây, họ bắt đầu nhận thấy nhiều phương diện của nền văn hóa Trung Quốc hòa hợp với Kinh Thánh như điểm mạnh và cơ cấu của những gia đình Trung Quốc cũng như sự quan trọng của nó được xem là một nơi để thờ phượng.
Nhờ vậy, bắt đầu các tín hữu gặp nhau ở nhà để thờ phượng và cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời như những thành viên trong gia đình.
Bây giờ chúng ta có thể hiểu tại sao sau những thay đổi vào năm 1950 (Khi tất cả những giáo sĩ phương tây bị buộc phải rời Trung Quốc) hàng triệu anh chị em trên khắp miền đất nước đã tìm thấy được đời sống thuộc linh phong phú không phải bởi ngôi giáo đường theo kiểu mẫu phương tây nhưng bởi mạng lưới Hội Thánh tư gia phát triển.
Sau những thay đổi vào năm 1950, những tín hữu Trung Quốc bắt đầu chia sẻ niềm tin của họ với những bà con và bạn bè. Qua "việc truyền giáo cho người thân" (đó là sự truyền giáo từ người thân này qua người thân khác) một phép lạ kỳ diệu của sự tăng trưởng Hội Thánh bắt đầu xảy ra tại Trung Quốc.
Sau 120 năm hoạt động của những giáo sĩ phương tây, có khoảng hai triệu tín hữu tại Trung Quốc vào năm 1952. Hai mươi năm sau (1972), khi Trung Quốc mở cửa trở lại đối với phương tây, có khoảng hai mươi triệu tín hữu. Ngày nay (1990) theo nguồn tin đáng tin cậy thì cộng đồng tín hữu ở Trung Quốc vào khoảng năm mươi đến sáu mươi triệu người.
Tại sao số tín hữu phát triển kỳ diệu như vậy? Thoát khỏi tiền bạc của các giáo sĩ phương tây (điều mà đôi khi là ảnh hưởng kiềm chế sự phát triển) và các cách thức của những giáo sĩ phương tây, thích ứng nhanh chóng với những phương thức hài hòa hơn đối với văn hóa của họ.
Bởi vì Hội Thánh ở Trung Quốc được vượt khỏi gánh nặng kinh tế của những ngôi giáo đường to lớn, họ có thể đem tiền bạc của họ giúp đỡ những người khác và truyền giảng Tin Lành. Sự ưu tiên đã trở thành "truyền giảng sứ điệp" - không "sản xuất những vữa hồ" (xây dựng nhiều giáo đường)
Không một chữ nào trong Tân ước bảo xây dựng những ngôi nhà thờ bằng vật chất cả (Cựu ước cũng không). Tuy nhiên đó lại là sự ưu tiên hàng đầu của các Hội Thánh và các tổ chức tây phương. Nhưng các Hội Thánh ở Trung Quốc có đường lối tốt hơn.
Sự nhấn mạnh trong Kinh Thánh trong Tân ước là "giảng đạo"."Về phần các môn đồ thì đi ra giảng đạo khắp mọi nơi, Chúa cùng làm với môn đồ, và lấy các phép lạ cặp theo lời giảng mà làm cho vững đạo "(Mác 16:20).
"Thật vậy tôi không hổ thẹn về Tin Lành (sứ điệp) đâu vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin "(Rô 1:16).
"Nhưng tôi lấy làm vinh mà rao truyền Tin Lành ở nơi nào danh Đấng Christ chưa được truyền ra... chúng tôi giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự... Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời "(15:20; ICôr 1:23, 24).
Những ngôi giáo đường tráng lệ không thể khiến tôi nhận được sự cứu rỗi. Chỉ có quyền năng của Đức Chúa Trời mới có thể cứu kẻ bị hư mất.
Những nghi thức tôn giáo không thể đem một người nào đến với Chúa sự sống, là đấng đã chiến thắng sự chết địa ngục và âm phủ. Nhưng rao giảng Tin Lành thì sẽ cứu rỗi được tội nhân. PhaoLô viết: "...Bởi quyền phép của dấu kỳ phép lạ, bởi quyền phép của Đức Thánh Linh Đức Chúa Trời... tôi đã đem đạo Tin Lành của Đấng Christ đi khắp chốn "(Rô 15:19). Tôi muốn thêm điều này: Tin Lành sẽ không được đem ra khắp chốn trừ khi được cặp theo những dấu kỳ phép lạ của Đức Chúa Trời.
Nhiều năm về trước, tôi có đi vào một ngôi thánh đường to lớn ở Úc. Ngôi Thánh đường có trên 2500 chỗ ngồi, những ban đồng ca nam hát những âm điệu nhịp nhàng, hệ thống âm thanh hoàn hảo, vị mục sư với học vị cao có thể đọc thuộc lòng những bài giảng và những bài cầu nguyện. Nhìn chung, mọi việc đều chu đáo. Chỉ có một sự rắc rối - họ có đủ mọi thứ nhưng không có người. Đây là thành phố của hơn năm triệu dân.
Tôi đã dự truyền giảng vào một đêm thứ tư tại ngôi Thánh Đường đó. Các ban hợp ca hát, người đánh đàn, vị Mục sư đọc những bài cầu nguyện và bài giảng. Tất cả mọi việc đều diễn ra như vậy trong một giờ rưỡi.
Bên cạnh tôi chỉ có hai người trong ngôi nhà thờ, đó là hai người phụ nữ đã lớn tuổi. Cả ba chúng tôi ngồi nghe những nghi thức của một tôn giáo chết đang làm đại diện cho Đấng Christ. Ngôi Thánh đường tọa lạc trên một vùng đất hàng triệu đô la.
Có lẽ tốt hơn nên bán khu đất này, đóng cửa ngôi nghĩa trang thuộc linh này và chôn sự lăng nhục này trong sự phục sinh của Đấng Christ hằng sống, là Đấng có ánh mắt như ngọn lửa hừng bàn chân Ngài chiếu ra những tia lửa sáng chói, Đấng nắm giữ mọi quyền phép trên trời và dưới đất, và là đấng đã phán rằng sẽ nhả những Hội Thánh nào truyền Tin Lành hâm hẩm.
Cũng ở Hội Thánh đó, một Mục sư đã được cứu và được đổ đầy Đức Thánh Linh. Ông bắt đầu hướng dẫn những buổi chữa bịnh và hàng trăm người tham gia buổi cầu nguyện chữa bịnh vào tối thứ ba của ông.Nguyên tắc của Hội Thánh này đã không chấp nhận những buổi cầu nguyện như vậy trong nhà thờ. Ông bị từ chối không cho tổ chức tại nhà thờ này, nên phải tổ chức nhóm trong một hội trường rất nhỏ, không đủ nơi ăn ở cho những người bịnh và những người tàn tật đến để tiếp nhận sự cứu rỗi và sự chữa lành.
Hỡi các vị lãnh đạo Hội Thánh - Hãy tin tôi. Sự say đắm những ngôi đền thờ to lớn ở các Hội Thánh phương tây là sự say đắm bất khiết trước mặt Đức Chúa Trời. Khi họ xây dựng những ngôi đền thờ tráng lệ bằng tiền để rao giảng Tin Lành, họ đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời là Đấng đã ủy thác cho chúng ta gần hai ngàn năm trước đây rằng: "Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người" (Mác 16:15). Nếu chúng ta không đặt công cuộc truyền giảng Tin Lành lên hàng đầu, thì mọi việc chúng ta làm chỉ là "gỗ, cỏ khô, rơm rạ" (ICôr 3:12).
Hai tỉ người vẫn đang chờ nghe Tin Lành! Đức Chúa Trời phán rằng: "Nhưng ta sẽ đòi huyết nó nơi tay ngươi" (Êxê 3:20).
Sau khi đem Tin Lành đến khắp mọi nơi trên Đế Quốc La Mã, PhaoLô đã có thể nói rằng: "Tôi tinh sạch về huyết của anh em hết thảy" (Công 20:26). Còn chúng ta tôi nghĩ rằng không. Chúng ta phải đặt lại thứ tự ưu tiên các nguồn tài nguyên của chúng ta để làm những gì Đức Chúa Trời phán bảo qua Kinh Thánh, và những gì Ngài phán bảo chúng ta bởi Thánh Linh Ngài.
Tôi không chống lại những ngôi giáo đường giản dị, dùng trong những nhu cầu cần thiết. Nhưng tôi chống lại những tài nguyên được đầu tư cho những ý đồ cá nhân để xây dựng những công trình tráng lệ mà lẽ ra nó phải được dùng để giúp đỡ kẻ nghèo và rao giảng Tin Lành.
Người Phi châu có kể chuyện một con chuột kết bạn với một con voi. Con chuột luôn luôn ngồi trên lưng con voi, ngay sau lỗ tai phải. Ở đây nó có thể nói chuyện thoải mái với anh bạn voi của mình.
Một ngày kia chúng đi qua một cây cầu. Cây cầu có vẻ chắc chắn, vì vậy chú voi mạnh dạn đi qua. Khi đã đến bên kia cầu, con chuột nói với con voi rằng: "Ồ! chúng ta đã làm rung cây cầu lên phải không?"
Bạn và tôi cũng giống như con chuột đó. Chúng ta được gắn chặt với một Đức Chúa Trời quyền năng. Tự mình - Giống như con chuột - Chúng ta không thể làm gì được. Nhưng cùng làm việc với Đức Chúa Trời, lắng nghe và vâng theo tiếng Ngài, chúng ta có thể giày đạp quỉ Satan, giải phóng những kẻ nô lệ cho tội lỗi, bệnh tật và nghèo khổ (Rô 16:20).
Hãy nhớ rằng:
Chỉ ích lợi trong một vài lãnh vực, nó không thể sản sinh ra quyền năng cứu rỗi, chữa bịnh của Đức Chúa Trời, nó cũng không cần cho những người lãnh đạo trong Hội Thánh ngày nay. Hãy nhớ rằng hầu hết những môn đồ của Chúa Jesus được mô tả là "người dốt nát không học, nhưng đã từng ở với Chúa Jesus "(Công 4:13).Vậy, hãy để nhiều thì giờ ở với Chúa Jesus bằng sự cầu nguyện và kiêng ăn. Rồi xem điều gì sẽ xảy ra.
Mọi cá nhân, tổ chức, kiểu mẫu, phương pháp, công thức và truyền thống - nếu không ở trong sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh - sẽ là những trở ngại lớn cho chúng ta trong việc nghe tiếng Chúa và vâng theo Ngài
Hãy trông cậy Đức Giê-hô-va trong sự cầu nguyện cho đến khi bạn thông hiểu rõ ràng về kế hoạch của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy cầu nguyện
Lạy chúa Jesus, con muốn nghe tiếng Ngài. Xin hãy ban đức tin cho con khi con nghe tiếng Ngài.Con xin dâng trọn đời sống con, Hội Thánh của con chức vụ của con cho Ngài. Xin hãy hướng dẫn con bởi lời (Rhema) và lẽ thật (Logos) của Ngài. AMEN.
Bây giờ hãy yên lặng lắng nghe! Ngài đang phán với bạn điều gì? Bạn hãy xin Ngài phán với bạn. Hãy ngừng lại và lắng nghe trong một hoặc hai phút.
Mari, mẹ của Chúa Jesus, đã nói với các người hầu bàn điều mà ngày nay chúng ta cũng phải vâng theo: "Người biểu chi, hãy vâng theo cả "(Giăng 2:5).
Một người truyền đạo trẻ đã hỏi người bạn tôi, anh Bob Mumford, rằng: "Điều gì là chứng cớ đầu tiên chứng tỏ ông được Đầy dẫy Đức Thánh Linh và được kêu gọi vào chức vụ?". Sau một chốc suy nghĩ ông trả lời: "NAN ĐỀ"
Ông đã dựa trên nền tảng Kinh Thánh. Giăng Báptít nói về Chúa Jesus rằng: "Chính Ngài sẽ làm phép báptem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh Và bằng lửa... và sẽ đốt trấu trong lửa chẳng hề tắt "(Lu 3:16, 17). "Phép báptem bằng lửa" chắc chắn sẽ đem đến những nan đề những sự khó khăn và những thử thách.
Chắc chắn ông đã nghiên cứu đường lối của PhaoLô trong trận chiến thuộc linh: "...Hầu cho anh em có thể cự địch lại và đứng vững... "(Êph 6:13, 14).
Đứng vững trong khi mọi người khác đều sa ngã, đòi hỏi sự kiên nhẫn chịu đựng. Có lẽ đây là đặc tính quan trọng hàng đầu của một người lãnh đạo. Khi chúng ta đọc "câu chuyện của những anh hùng đức tin" trong Hêbêrơ chương 11, chúng ta gặp phải những lẽ thật này:
Tất cả những người người được sự ngợi khen cao trọng nhất đều là những người chịu đựng những sự khó khăn, những sự bắt bớ bởi họ đã sử dụng đức tin để chịu đựng một cách kiên nhẫn.
Bản ký thuật về những anh hùng này thật đáng kinh sợ. "Có kẻ bị hình khổ dữ tợn mà không chịu giải cứu, để được sự sống lại tốt hơn. Có những kẻ khác bị nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích lao tù nữa. Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ, bị giết bằng lưỡi gươm, lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp ngược đãi. Thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi trong hang, trong những hầm dưới đất. "(Hêb 11:35-38).Thế gian không xứng đáng cho những thánh đồ như vậy.
Bạn có muốn trở nên những người giống như họ không? Chương này sẽ giúp bạn trở nên những "anh hùng đức tin " nếu bạn sẵn lòng trả giá.
Ai đem những thử thách đến cuộc sống của Cơ Đốc Nhân? Đức Chúa Trời hay ma quỉ?
Thông thường chúng ta thường đổ tội cho ma quỉ là kẻ đem đến những đau đớn mà chúng ta phải chịu. Đôi khi ma quỉ bị dính líu trong những sự thử thách của chúng ta.
Tuy nhiên, Vua Đavít lại có cái nhìn khác hơn, ông xem những sự thử thách mà những người lãnh đạo phải chịu đựng là sự chuẩn bị của Đức Chúa Trời cho chức vụ của họ. "Đức Giê-hô-va thử người công bình "(Thi 11:5).Chúng ta có thể cảm tạ Đức Chúa Trời rằng hầu như trong tất cả những sự thử thách và nan đề đến với chúng ta, chúng ta không nhìn nó trong mối tương quan với ma quỉ, nhưng nhìn nó trong mối tương quan với Đức Chúa Trời hoặc với những quá phạm của chúng ta.
Chúng ta có thể rút ra một bài học quan trọng trong sự khổ nạn của Gióp. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời cho phép Satan thử nghiệm Gióp (Gióp 1:1-22). Nhưng hãy lưu ý: Gióp không hề xem đó là công việc của ma quỉ. Ông nói: "Tay của Đức Chúa Trời đã đánh tôi "(Gióp 10:21)."Dẫu Chúa giết ta ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài "(13:15).
Mặc dù Satan tấn công Gióp, nhưng Đức Chúa Trời là đấng liên quan đến ông chứ không phải Satan. Ông không thừa nhận Satan trong những thử thách của mình.
Thật được khích lệ khi biết rằng Đức Chúa Trời ở về phía chúng ta. khi chúng ta đặt mình trong tay Ngài thì cho dù hoàn cảnh nào, Ngài luôn ở với chúng ta.
"Nhưng trong sự cám dỗ (thử thách),Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được "(ICôr 10:13). Đức Chúa Trời luôn luôn khiến"mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ngài, tức là kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định "(Rô 8:28).
Thánh Phierơ dạy rằng:"Hởi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường "(IPhi 4:12).
PhaoLô viết cho một nguời lãnh đạo Hội Thánh còn rất trẻ rằng:"Hết thảy mọi người muốn sống cách nhơn đức cho Đức Chúa Jesus Christ, thì sẽ bị bắt bớ "(IITi 3:12).
Chúa Jesus phán: "Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước Thiên đàng là của những kẻ ấy "(Mat 5:10).
Tôi nhớ tôi đã xúc động biết bao vào năm mười sáu tuổi khi tôi dâng cuộc đời mình vào công việc Chúa. Tôi đã nghĩ rằng Chúa và tôi sẽ bắt đầu chinh phục thế giới qua sự nóng cháy của tôi. Nhưng chỉ vài tháng sau tôi nhận ra rằng mình đang ở trong tình trạng "nắm đuôi cọp". Thật đáng sợ khi phải cố gắng kiềm giữ nó. Nhưng nếu thả nó ra thì tai họa thật khủng khiếp. Đức Chúa Trời đã giam tôi vào chương trình chuẩn bị cho chức vụ của tôi, nên đã dẫn tôi vào những NAN ĐỀ. Tôi đã cảm thấy như PhaoLô "...Kẻ tù của Đức Chúa Jesus Christ (Êph 3:1).
Khi tôi đang chịu những thử thách, bất an, Chúa đã ban sự khích lệ cho tôi qua những lời hứa này:
"...nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va... sẽ cất cánh bay cao như chim ưng (chim phượng hoàng)"(Ês 40:31).
"Như phượng hoàng phất phới giỡn ổ mình, bay chung quanh con nhỏ mình, sè cánh ra xớt nó, và cõng nó trên chéo cánh mình thể nào, thì một mình Đức Giê-hô-va đã dẫn dắt người thể ấy... "(Phục 32:11, 12).
Hai câu Kinh Thánh trên đã giúp đỡ, an ủi tôi trong những nan đề và sự thất vọng mà tôi đã chịu.
Để cảm nhận được tất cả sự an ủi kỳ diệu của những câu Kinh Thánh này, một người phải biết những đặc điểm của chim phụng hoàng và phương pháp tập luyện cho các con của nó bay.
Chim phụng hoàng xây dựng tổ của nó trên những mỏm đá cao chót vót. Nó đan những nhánh gai được rút từ những bụi tầm xuân và những bụi gai thành một chiếc tổ chắc chắn cho những quả trứng của mình. Nó lót trong tổ bằng những cọng cỏ mềm mại và những cọng lông được nhổ ra từ ngực của nó. đây là chỗ trú ẩn hấp dẫn đối với những con phượng hoàng con.
Những con chim non được ở trong một chiếc tổ hết sức dễ chịu, con chim mẹ đút mồi và bảo vệ cho chúng cũng như sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của chúng.
Đây là cách mà Đức Chúa Trời chăm sóc chúng ta như những "con đỏ trong Đấng Christ". Chúng ta đón nhận ân điển tình yêu và sự tha thứ của một người cha đầy lòng thưong xót. Chúng nếm biết được sự ngọt ngào nơi "sữa thiêng liêng của đạo" và được ẩn núp trong một nơi an toàn.
Tuy nhiên, sẽ đến lúc những con chim non phải có những kinh nghiệm trưởng thành, đó là khi chim mẹ "phất phới giởn ổ mình, bay chung quanh con nhỏ mình" (trong tiếng Anh: khuấy động ổ mình và quạt cánh trên những con nhỏ mình). Điều này có nghĩa là nó phá đi lớp lông lót tổ mềm mại, quạt mạnh cánh để thổi tất cả những vật dễ chịu này đi. những con chim non phải chịu gai nhọn của những nhánh gai tầm xuân.
Có lẽ chúng đã cố gắng những không thể tìm ra được một chỗ nào dễ chịu nữa. Chiếc tổ bây giờ trở nên chật chội và khó chịu. Chúng thi nhau kêu vang động cả một bầu không gian. Những thử thách bắt đầu xảy đến cho những con chim non mà từ trước đến nay nó chưa hề biết đến sự đau đớn.
Mặc dù những con chim non không hiểu được tất cả những gì xảy ra với chúng, nhưng con chim mẹ có một mục đích. Con chim mẹ làm cho chiếc tổ trở nên khó chịu đối với con chim non để chúng tự ý rời bỏ tổ mà bắt đầu tập bay.
Đời sống thuộc linh cũng như đời sống thuộc thể đều chịu chung một nguyên tắc: "Không có thử nghiệm -không có thành công ".
Chúng ta cũng giống như những con chim non đó. Mặc dầu Kinh Thánh bảo rằng chúng ta là những kẻ hành hương trên đất này, nhưng chúng ta vẫn cứ yêu thích những sự dễ dàng, những phù phiếm của nó. Chúng ta thích ghé vào những ốc đảo nhỏ nhoi để vui thích những ngày tháng còn lại. Chúng ta sung sướng ở trong nơi mình quen ở. Chúng ta không chịu đi tiếp vào đồng vắng để đến quê hương đã hứa cho mình.
Khi nghe Lời của Đức Chúa Trời, đôi khi chúng ta nhận ra rằng lời Ngài thật ngọt ngào, bởi vì chúng ta đầy đủ và tiện nghi. Nhưng khi Đức Chúa Trời phán với chúng ta, chúng ta lại quá lo lắng đến những tiện nghi đó và không thể nghe tiếng Ngài.
Nhưng khi Đức Chúa Trời quyết định giờ phút chúng ta phải lớn lên, mọi việc thay đổi nhanh chóng. Trong phút chốc những khó khăn đau đớn khốn nạn đến với chúng ta. Chúng ta bắt đầu "quở trách ma quỉ", than van, khóc lóc nhưng chẳng có ích lợi gì cả.
Và khi những đau đớn, khổ nạn hoàn thành công việc của nó - khiến chúng ta tự nguyện trông cậy Đức Chúa Trời và lắng nghe tiếng Ngài, Đức Chúa Trời sẽ dạy chúng ta "...cất cánh bay cao như chim ưng "
"Sè cánh ra xớt nó, và cõng nó trên chéo cánh mình "
Vào lúc bắt đầu cuộc tập luyện, những con chim non sung sướng rời khỏi chiếc tổ gai gốc, bám những chiếc vuốt non nớt của mình vào lưng chim mẹ. Chúng sắp sửa bắt đầu buổi tập bay đầu tiên.
Trong khi những con chim non bám chặt trên lưng, chim mẹ bay vút ra ngoài thung lũng. Đây là lần đầu tiên những con chim non được di chuyển trên không trung. Chim mẹ cứ bay cao, bay cao cho đến khi đạt đến độ cao vài ngàn feet (khoảng 1000 mét) "Thật là tuyệt" những chú chim non nghĩ.
"Đã đến lúc phải bay, những chú nhóc!" Không một lời cảnh giác, chim mẹ nghiêng cánh đột ngột và những chú chim non bị hất ra khỏi lưng chim mẹ. Hoảng hốt, chúng vùng vẫy những đôi cánh non nớt, cố gắng giữ thăng bằng cách tuyệt vọng. Chúng rơi thẳng xuống vực sâu bên dưới.
Ngay khi mọi hy vọng tiêu tan, những chú chim non cảm nhận được tấm lưng vững chắc của chim mẹ bên dưới vuốt mình như thể chim mẹ đã sà xuống ngăn cản chim non khỏi rơi xuống nữa. Chúng lại bám chặt vào cánh chim mẹ cách an toàn hơn.
Chim mẹ lại tiếp tục bay lên cao, lặp lại toàn bộ giai đoạn vừa xảy ra. Cứ mỗi lần rơi xuống, những chú chim non lại học thêm một chút cho đến khi chúng có thể bay lượng và "...cất cánh bay cao như chim ưng".Đối với nhũng chú chim non, thú vị làm sao khi bay được bằng chính đôi cánh của mình.
Giống như những chú chim non, chúng ta đáp ứng lại lời kêu gọi của Đức Chúa Trời và bước vào chức vụ "cất cánh bay cao như chim ưng". Chúng ta nghĩ rằng đây là một ý kiến tuyệt vời. Nhưng trước khi chúng ta có thể "bay cao", Đức Chúa Trời đã thương xót che khuất khỏi chúng ta những khó khăn khổ nạn mà chúng ta phải chịu trong sự chuẩn bị và huấn luyện của Ngài. Chúng ta không hiểu mình sẽ phải trả những gía nào.
Đức Chúa Trời cho phép những nghịch cảnh xảy ra trong nghề nghiệp và công việc của chúng ta trên đất này cho đến khi những đau đớn đẩy chúng ta đến chỗ đầu phục Chúa và bước vào trường Kinh Thánh.
Đến khi chúng ta tốt nghiệp, chúng ta vui mừng với nhũng thành công và những phước hạnh. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, "vực thẳm" bắt đầu mở ra. Nhưng nan đề liên tục xảy ra giữa các anh chị em. Mọi việc bắt đầu xấu đi. Những người bạn thân thiết bắt đầu xa lánh chúng ta vì họ "không muốn làm bạn với những người luôn luôn bị thua thiệt ".
Điều gì đang xảy ra? chúng ta đang tập bay. Những nghịch cảnh và nan đề này làm chúng ta tăng trưởng trong đức tin và nhờ cậy vào Đức Thánh Linh nhiều hơn. Chúng ta đang học bay vượt qua những nghịch cảnh. Chúng ta đang học điều mà theo PhaoLô:"...Có thể cự địch lại và đứng vững ". Khi mọi sự sụp đổ chung quanh chúng ta, chúng ta đang học đứng trên vầng đá của chúng ta, Đức chúa Jesus Christ.
"Khi tôi bị gian truân Ngài để tôi nơi rộng rãi "(Thi 4:1).Thi thiên này được Đavít sáng tác sau khi ông trải qua những thất bại đau đớn nhất trong cuộc đời: phạm tội giết người, phạm tội ngoại tình với Bátsêba (IISamuên 11).
Chúa đã giáng hình phạt nặng nề trên Đavít do tội lỗi của ông. Một trong những hình phạt này là ông phải chịu khổ dưới tay con trai mình là Ápsalôm, kẻ tiếm vị ngai vàng và đày ải ông. Chạy trốn để cứu mạng và và chịu đựng những nhục nhã chua cay đã đem sự rộng rãi đến cho Đavít.
Mặc dù những nan đề của Đavít là do chính ông gây ra, thì Đức Chúa Trời lại dùng thời gian sửa phạt Đavít để tôi luyện ông thành người xứng đáng hơn cho công việc sau này. Nếu chúng ta thừa nhận những thất bại của mình và ăn năn (xưng nhận và từ bỏ), Đức Chúa Trời sẽ dùng những hình phạt, những khó khăn của chúng ta để biến chúng ta thành những người lãnh đạo tốt hơn.
Đức Chúa Trời muốn biết chúng ta hầu việc Ngài vì chúng ta yêu Ngài hay bởi những phước hạnh mà Ngài ban cho chúng ta. Đức Chúa Jesus đã biết có một số người chỉ vì "bánh và cá" (đó là những gì họ có thể nhận từ nơi Ngài không phải vì họ yêu Ngài).
Môise đã mô tả hành động của Đức Chúa Trời khi Ngài đem dân Ysơraên ra khỏi Ai cập: "Ấy là Ngài đã dẫn ngươi đi qua đồng vắng gớm ghiếc này, đầy những rắn lửa, bò cạp, đất khô khan, chẳng có nước. Ngài khiến nước từ hòn đá rất cứng phun ra cho các ngươi. Lại trong đồng vắng, Ngài ban cho các ngươi ăn mana mà tổ phụ các ngươi chưa hề biết, để hạ các ngươi xuống và thử các ngươi, hầu về sau làm ơn cho các ngươi "(Phục 8:17).
Tại sao Đức Chúa Trời cho phép nhũng thử thách nặng nề như vậy xảy ra? "Hầu về sau làm ơn cho các ngươi ". Khi Đức Chúa Trời muốn chúc phước cho một Mục sư hoặc một Hội Thánh, trước nhất Ngài để họ nếm biết những hoàn cảnh chán nản, khó khăn và tuyệt vọng. Ngài làm điều đó để "...các ngươi chớ nói trong lòng rằng: Ấy nhờ quyền năng ta và sức lực của tay ta mà ta đoạt được những sản nghiệp này "(8:17).
Khi Đức Chúa Trời để chúng ta nơi rộng rãi, chúng ta thường kiêu ngạo nghĩ rằng đó là do sự khôn ngoan của chính chúng ta mà chúng ta được hưởng những phước hạnh này. Đức Chúa Trời cho phép thời kỳ khó khăn đến với chúng ta trước khi Ngài chúc phước và đặt chúng ta nơi rộng rãi chỉ bởi lòng thương xót của Ngài muốn cứu chúng ta khỏi sự kiêu ngạo.
Điều này xảy ra trong cuộc đời của Gióp. Ma quỉ nói với Đức Chúa Trời: "Gióp đã hầu việc Ngài chỉ bởi Ngài đã ban phước trên các công việc của tay người, bây giờ hãy cất những điều đó đi và Gióp sẽ phỉ báng Ngài". Đức Chúa Trời đã trả lời cho sự thách thức của Satan bằng cách cho phép nó lấy đi mọi vật Gióp có.
Khi Satan đã giết hết thảy bầy chiên, bầy bò, con cái và phá hủy mọi tài sản của Gióp, Ông đã làm gì? Ông "sấp mình xuống mà thờ lạy "(Gióp 1:20). Gióp chứng tỏ lời tố cáo của Satan là sai lầm và tình yêu của ông đối với Đức Chúa Trời là trong sạch. Ông vẫn tiếp tục thờ lạy Đức Chúa Trời khi tất cả mọi tài sản, con cái của ông bị cất đi. Gióp nói rằng: "dẫu Chúa giết ta ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài "(13:15).
Cuối cùng Đức Chúa Trời đã ban cho Gióp nhiều gấp đôi (42:10). Gióp đã nhận gấp đôi những gì ông có bởi vì ông đã chứng tỏ mình là người bạn trung thành với Đức Chúa Trời trong những giờ phút thử thách nặng nề.
"Hỡi anh em, hãy lấy các đấng tiên tri đã nhơn danh Chúa mà nói, làm mẫu mực về sự chịu khổ và nhịn nhục cho mình... anh em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp và thấy cái kết cuộc (tốt lành) mà Chúa đã ban cho người, vì Chúa đầy lòng thương xót và nhơn từ "(Gia 5:10, 11).
Nếu bạn cầu xin quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời sống bạn, bạn phải hiễu rõ điều kiện để có điều đó. Đavít nói: "Ngài đã làm sức lực tôi ra yếu đuối giữa đường "(Thi 102:23). Khi chúng ta cầu nguyện xin quyền năng của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ trả lời rằng: "con có thật lòng muốn không? Nếu con sẵn sàng trở thành yếu đuối, chịu những thử thách, khổ nạn, thì ta sẽ ban cho con quyền năng của ta".
"...nhưng về chính mình, tôi... chỉ khoe về sự yếu đuối của tôi mà thôi. Vậy nên e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể (được cất lên các từng trời) của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho như một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Satan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo.
"Đã ba lần tôi cầu nguyện cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh (quyền năng) của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.
"...Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối là lúc tôi mạnh mẽ "(IICôr 12:5, 7-10).
PhaoLô đã dạy chúng ta những bài học quan trọng trong sự thử thách của đời sống người lãnh đạo. Đó là:
(1) Canh chừng sự kiêu ngạo. Những kinh nghiệm thuộc linh quí giá trong những giờ phút cầu nguyện có thể khiến chúng ta lên mình kiêu ngạo.
(2) Nương cậy nơi Đức Chúa Trời. Đối với Đức Chúa Trời, thái độ củachúng ta quan trọng hơn hoàn cảnh của chúng ta. Nếu sự kiêu ngạo của chúng ta cần phải được trừ đi, Đức Chúa Trời sẽ sai Satan làm "cái giằm" xóc vào chúng ta để chúng ta phụ thuộc vào Ngài.
(3) Vui mừng trong hoạn nạn. Quyền năng của Đức Chúa Trời chỉ có thể được bày tỏ qua sự khiêm nhường và yếu đuối của chúng ta. Vì vậy, chúng ta có thể vui mừng trong sự hoạn nạn, khó khăn, bắt bớ, bởi vì chúng ta biết rằng điều đó sẽ đem lại quyền năng của Đức Chúa Trời và sự vinh hiển của Ngài được bày tỏ qua chúng ta.
Khi chúng ta bắt đầu tìm kiếm quyền năng, sự vinh hiển và cuộc sống đầy dẫy Đức Thánh Linh, Đức Chúa Trời không trả lời theo cách mà chúng ta mong đợi. Chúng ta cầu xin sự nhịn nhục, Ngài sai hoạn nạn đến. Tại sao vậy? Bởi vì "Sự hoạn nạn sinh sự nhịn nhục "(Rô 5:3).
Ngài đang trả lời chúng ta nhưng không theo cách chúng ta nghĩ. Chúng ta phải nhận ra rằng những sự khó khăn có thể là "...Đức Chúa Trời cảm động lòng chúng ta vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài "(Phil 2:13).
"Ta đã thử ngươi trong lò hoạn nạn "(Ês 43:10).Trong câu Kinh Thánh này, từ ngữ "thử" được dùng theo nghĩa "cho điểm" như trong bài kiểm tra trong trường học.
Khi chúng ta làm bài ở trường, chúng ta được thầy giáo "cho điểm" tùy theo bài làm cuả chúng ta. Nếu chúng ta nhận được điểm đậu, chúng ta sẽ được vào lớp kế tiếp, là lớp khó hơn và đầy thách thức hơn.
Vậy thì Đức Chúa Trời quyết định theo cách nào để chấm điểm đậu cho tôi? Ngài thử công việc tôi trong lò hoạn nạn. Sự đáp ứng của tôi với những thử thách và mất mát được chấm điểm. Đức Chúa Trời quan sát tôi phản ứng trước những hoàn cảnh khó khăn như thế nào. Nếu tôi đáp ứng cách thích hợp, Ngài nói rằng: "Được lắm, hỡi đầy tớ ngay lành trung tín của ta. Bây giờ con đã đậu vào lớp kế tiếp, và mức độ khó hơn".
Tôi không có ý nói rằng khi chúng ta hầu việc chúa, chúng ta sẽ gặp khó khăn liên tục và làm việc không nghỉ ngơi, cũng như không có phần thưởng. Nhưng qua ân điển của Đức Chúa Trời, phước hạnh sẽ tuôn đổ vào đời sống của những ai hầu việc Ngài. Nhưng khi chúng ta học tập và lớn lên, Chúa sẽ gởi đến những công tác khó hơn và tiếp tục thử nghiệm, chấm điểm và chọn lựa.
"Nhiều kẻ được gọi mà ít người được chọn "(Mat 22:14). Tại sao lại ít người được chọn? Bởi vì chúng ta được chấm điểm trong lò hoạn nạn, và có một số ít trong chúng ta đậu kỳ thi vào chức vụ lãnh đạo.
Có một câu Kinh Thánh đầy quyền năng trong sách Khải huyền liên quan đến những người Chúa Jesus cho phép đi chiến đấu với Ngài. "Chúng chiến tranh cùng Chúa của các Chúa, vua của các vua, và những kẻ được kêu gọi, những kẻ được chọn và những kẻ trung tín đều ở với chiên con... "(Khải 17:14).
Đây là sự đòi hỏi quan trọng. Trước hết bạn phải được kêu gọi, rồi được chọn và phải chứng tỏ rằng bạn trung tín. Những sự đau đớn thử thách và khổ nạn đánh dấu con đường của những người này. Họ đã chứng tỏ mình xứng đáng được lựa chọn và đã trung tín trước mặt Chúa, ngay cả trung tín đồng nghĩa với việc chịu chết vì Chúa.
"Dầu Ngài là con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu" (Hêb 5:8).
"Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con thì Ngài cho roi cho vọt... nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình chứ không phải là con thật" (12:6, 8)
"Vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi, và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời
"Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác như kẻ thày lay việc người khác.
"Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng tạo hóa thành tín" (IPhi 4:1, 2, 15, 19)
Tôi thường mong ước có một con đường đạt đến sự trọn lành mà không có sự đau đớn, một phương cách học tập nhưng không chịu khổ và sửa phạt - nhưng không bao giờ có.
Chúng ta thích hưởng thụ một chức vụ có kết quả mà không có sự chịu khổ. Nếu Đức Chúa Trời đã dùng những sự khổ nạn để làm cho Chúa Jesus nên trọn vẹn, thì Ngài sẽ càng dùng nhiều hơn để huấn luyện chúng ta nên trọn vẹn trong Ngài.
Chúng ta hãy vui mừng tiếp nhận kỷ luật của Chúa, vì bởi điều này mà chúng ta biết mình là con thật của Ngài, không phải là con ngoại tình.
(Lưu ý: PhaoLô áp dụng điều này theo nghĩa thuộc linh. Dưới luật pháp, con ngoại tình không được làm thầy tế lễ và vua (Phục 23:2). Trong Tân ước, luật ân điển cho phép những đứa con ngoại tình được đối xử như những đứa con trong hôn nhân).
"Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục, nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào "(Gia 1:2-4).
Nhiều người lãnh đạo dường như trở thành "chuyên gia đào tẩu" khi sự vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời đòi hỏi sự chịu khổ và thử thách. GiaCơ dạy chúng ta rằng thay vì trốn tránh những sự thử thách chúng ta nên vui mừng đón nhận chúng.
Lưu ý: "...sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn không thiếu thốn chút nào. " Có nghĩa là chúng ta không thể hối thúc tiến trình này xảy ra mau chóng. Những sự thử thách trăm bề không đem đến những kết quả tức thì. Khi một thử thách nặng nề xảy ra, chúng ta không chỉ phải đón nhận nó, nhưng còn phải chịu đựng và nhịn nhục nó nữa.
Có một người kia phát hiện một chiếc kén từ trên rơi xuống. Con bướm bắt đầu ló ra, vì vậy ông ngừng làm việc để quan sát. Nó vùng vẫy khoảng 45 phút. Trong suốt thời gian đó, chỉ có chiếc đầu và một phần cánh thoát ra khỏi cái kén.
Nghĩ rằng mình có thể giúp đỡ con bướm trong khi nó cố gắng chui ra nhanh hơn, ông lấy con dao nhỏ cắt chiếc kén và giải phóng cho con ấu trùng. Nhưng thật ngạc nhiên ông nhận thấy rằng chỉ phần đã tự ra khỏi chiếc kén mới phát triển. Còn phần do ông giúp tách ra không thể phát triển tiếp tục được
Thay vì giúp đỡ con ấu trùng nhanh chóng trở thành con bướm, ông đã phá hỏng tiến trình đó. Con bướm với một nửa thân thể phát triển sẽ chết.
Chúng ta những người lãnh đạo Hội Thánh cũng phạm sai lầm tương tự. Chúng ta cảm thấy thông cảm và cố gắng giúp đỡ anh em mình đương chiến đấu với khó khăn, và nhận thấy rằng, cứ một thời gian ngắn họ lại rơi vào tình trạng đó. Chúng ta hãy để họ chịu khổ một thời gian, để họ học được bài học mà Chúa muốn dạy họ, điều đó sẽ có ích cho họ và cho Hội Thánh hơn.
Bất cứ một cố gắng không đúng lúc hoặc không đúng cách nào cũng sẽ mang lại sự thất bại cho công việc của Đức Chúa Trời. Khi người khác đến cùng chúng ta trong khi họ đang chịu thử thách, chung ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban sự khôn ngoan để chúng ta phân biệt thử thách này là:
1) Sự xử lý của Đức Chúa Trời
2) Nan đề do chính người đó gây ra, hoặc
3) Sự tấn công của Satan (không nằm trong ý muốn của Đức Chúa Trời)
1) Nếu là sự xử lý của Đức Chúa Trời: Hãy thuận phục. Nếu sự thuận phục này là sự xử lý của Đức Chúa Trời, hãy giúp họ "thuận phục Đức Chúa Trời "(Gia 4:7) và nhờ vào ân điển của Ngài để chịu đựng sự thử thách đó cách đắc thắng.
2) Nếu là nan đề tự gây ra: Hãy học tập. Nếu đây là nan đề do chính họ gây ra, hãy giúp đỡ họ học tập từ các nan đề đó.
3) Nếu là sự tấn công của Satan hãy chống trả. Nếu đây là sự tấn công của Satan nằm ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy chống trả nó. "Nó sẽ lánh xa anh em "(4:7).
"Các lời của Đức Chúa Trời đã thét luyện... "(Châm 30:5)."Các lời Đức Giê-hô-va là lời trong sạch, như bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm, luyện đến bảy lần "(Thi 12:6).
Hãy so sánh những câu Kinh Thánh này với Thi 105:19 "Cho đến ngày điều người (Giôsép) đã nói được ứng nghiệm: Lời của Đức Giê-hô-va rèn thử người ".
Giôsép đã ở tù tại Ai cập từ mười đến mười hai năm bởi vì ông từ chối phạm tội tà dâm với vợ của Phôtipha. Bà đã cáo gian ông muốn cưỡng hiếp bà. Vì cớ đó, Giôsép đã phải chịu khổ nhiều năm vì sự công bình.
Đức Chúa Trời đã hứa sẽ lập ông làm một vị quan. Bạn nghĩ mười năm hoặc mười hai năm trong tù sẽ có tác động như thế nào đối với một người lãnh đạo đã được một lời hứa như vậy? Có lẽ điều này sẽ làm tôi mất đức tin. Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã để Giôsep chịu hoàn cảnh đó. Tại sao? Để lời của Chúa đối với ông sẽ là "như bạc đã thét trong nồi dót...luyện đến bảy lần" (12:6).
Mỗi con người vĩ đại của Đức Chúa Trời đều đã chịu những thử thách nặng nề như họ đã vâng theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời. Sự vâng theo những gì Đức Chúa Trời phán bảo đòi hỏi phải hy sinh rất nhiều.
Nôê được Chúa phán bảo ông xây dựng một chiếc tàu. Vì vậy ông bị mọi người chế diểu. Chỉ có gia đình ông và một số súc vật được cứu.
Ông được hứa rằng: "...ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc. Thiên hạ sẽ chẳng còn gọi ngươi là Ápram nữa, nhưng tên ngươi sẽ là Ápraham (có nghĩa là: CHA CỦA NHIỀU DÂN TỘC)" (Sáng 17:4, 5). Bạn có thể tưởng tượng những người hàng xóm sẽ cười Ápraham như thế nào không? " Cha của nhiều dân tộc ơi, ông có mấy đứa con?". Họ chế nhạo ông. Có lẽ Ápraham cúi đầu xuống và im lặng, ông không có con. Tôi nghe rằng ông sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc, bây giờ ông đã chín mươi chín tuổi, lúc nào thì chuyện đó xảy ra?" Họ mắng nhiếc ông. Ông không trả lời. Ông đang chịu sự mắng nhiếc sẽ xảy ra cho tất cả những ai có " Lời của Đức Chúa Trời ". Nhưng hãy tin tôi! Mọi lời của Đức Chúa Trời đều đã được (Thét luyện).
Môise biết ông sẽ giải phóng dân tộc mình ra khỏi cảnh nô lệ Aicập. Nhưng khi ông thực hiện, ngay cả những người anh em Ysơraên của ông cũng quay lại chống nghịch ông và ông phải trốn vào đồng vắng bốn mươi năm.
Theo bạn Môi se đã suy nghĩ gì trong những năm đó? Tôi nghĩ rằng những ý tưởng như thế này sẽ không khỏi hành hạ ông. " Đức Chúa Trời ôi, trong khi cố gắng vâng lời Ngài, tôi đã phải từ bỏ ngai vàng Aicập. Ít nhất tôi cũng sẽ là thủ tướng của Aicập. Tôi đã nghe theo tiếng gọi của Ngài - và bây giờ tôi là kẻ lang thang ngoài vòng pháp luật trong đồng vắng, trông coi những con chiên của ông gia tôi. Đức Chúa Trời ôi, Ngài đang làm gì tôi vậy? "
Bạn có thể tưởng tượng được điều gì sẽ tác động lên một người đang giữ một khải tượng trong bốn mươi năm mà khải tượng đó không được ứng nghiệm? Chúng ta biết rằng lòng tự tin của ông bị gãy đổ, ông nói cà lăm và ngọng ngịu. Vì Vậy Arôn anh ông phải nói thế cho ông. Điều này có thể do sự xung đột nội tâm gay gắt trong ông và sự sợ hãi.
Nếu chúng ta có thời gian, chúng ta có thể quan sát Đavid, Nêhêmi, Giêrêmi, Giăng Báptít, Phaolô và nhiều người khác nữa. Họ đều được ban cho "lời của Đức Giê-hô-va". Và rồi đức tin của họ được thử nghiệm bằng những sự thiệt hại, những sự hiểu lầm và những thử thách gay gắt.
Bạn thân mến, không có con đường nào khác cho những người lãnh đạo. "Lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, chúng ta cũng sẽ đồng trị với Ngài "(IITi 2:12).
Phaolô nói: "Vì Tin lành đó mà ta chịu khổ, rất đỗi bị trói như người phạm tội; nhưng đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu. Vậy nên ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ, với sự vinh hiển đời đời.
"Lời nầy chắc chắn lắm, ví bằng chúng ta chết với Ngài, thì sẽ cùng sống với Ngài; lại nếu chúng ta chịu thử thách nỗi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị; nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta; vì nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được "(2:9-13).
Duy trì một thái độ tích cực giữa hoạn nạn là chìa khóa của một đời sống Cơ Đốc đắc thắng. "Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn "(IICôr 2:14).
Phaolô không viết những lời này như một mớ giáo thuyết suông. Ông đã kinh nghiệm và từng trải những điều ông viết.
Bạn nhớ rằng PhaoLô đã đuổi quỉ cho một đứa đầy tớ gái tại PhiLip. Điều này dẫn đến kết quả là: "đoàn dân cũng nỗi lên nghịch cùng hai người, và khi các thượng quan khiến xé áo hai người ra rồi, bèn truyền đánh đòn. Sau khi người ta đánh nhiều đòn rồi, thì bỏ vào ngục, dặn người đề lao phải canh giờ cho nghiêm nhặt. Được lịnh đó, đề lao bỏ hai người vào ngục tối và tra chơn vào cùm.
"Lối nửa đêm, PhaoLô và SiLa đang cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và các tù phạm đều nghe "(Công 16:22-25).
Đức Chúa Trời, bởi sự thành tín của Ngài, đã bao phủ PhaoLô và Sila bằng "...bài hát giải cứu mà vây phủ họ "(Thi 32:7).
Điều gì đã xảy ra khi họ ca hát những "bài hát giải cứu"? Đức Chúa Trời đã khiến một cơn động đất nổi lên và giải thoát không chỉ cho PhaoLô, SiLa mà còn cho các tù phạm khác nữa. Người đề lao đã tin Chúa và mời PhaoLô và SiLa về nhà ông như những khách quý. Kết quả là tại PhiLip đã thành lập một Hội Thánh vững mạnh.
Ân điển được ban cho PhaoLô và SiLa để họ cầu nguyện và ca ngợi trong một hoàn cảnh như vậy là một phép lạ. Đức Chúa Trời cũng sẽ ban cho bạn và tôi ân điển đó nếu chúng ta bước đi trong Thánh Linh và không oán trách Đức Chúa Trời hay những người khác khi sự thử thách xảy ra. Hãy nhận biết cánh tay của Đức Chúa Trời trong sự thử thách mà bạn phải chịu.
Sự đáp ứng của bạn với những hoàn cảnh xảy ra cho bạn sẽ quyết định bạn trở thành người tốt hơn hay xấu hơn. Đức Chúa Trời muốn bạn nhận ra rằng: "không phải là tôi sống nữa nhưng Đấng Christ sống trong tôi "(Ga 2:20).
Nếu bạn duy trì một sự "đáp ứng của Đấng Christ" trong hoạn nạn và thưa với Chúa rằng: "Lạy Chúa con biết đây là việc của tay Chúa, con cảm tạ Ngài vì sự hướng dẫn dạy dỗ của Ngài" và Đức Chúa Trời sẽ ban cho Bạn ân điển đặc biệt để bạn chiến thắng.
PhaoLô đã kể lại năm tội của dân Ysơraên đã làm họ thất bại trong đồng vắng. Đây là tội thứ năm: "Lại cũng chớ lằm bằm như mấy người trong họ đã lằm bằm mà bị chết bởi kẻ hủy diệt "(ICôr 10:10).
Khi đề cập đến những khổ nạn mà mình chịu cho Đấng Christ, PhaoLô viết: "Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên "(IICôr 10:10).
PhaoLô đã xem những sự đau đớn là "công cụ của ông", đó là những đầy tớ của ông, làm theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, đem lại "những phước hạnh phong phú nhất của Đức Chúa Trời cho chúng ta đời đời vô cùng" (diễn ý)
Hỡi bạn là những người mệt mỏi, đang chịu thử thách và đau đớn, bạn có nhận thấy rằng:
"Những sự đau đớn chỉ là tạm thời, nhưng những sự vui mừng là đời đời không cùng vậy "(4:18; Bản Diễn ý). Đức Chúa Trời rất yêu bạn Ngài sẽ dành cho bạn những phần thưởng quý giá trên thiên đàng nếu bạn chịu đựng cho đến cuối cùng.
Một giáo sĩ, khi ở một mình trên đảo Maui, đã viết:
Ngài là Chúa biển xanh,
Là Chúa của đất, gió là mệnh lệnh của Ngài.
Ngài làm nên những cơn mưa, cũng giáng xuống những cơn mưa đá,
Ngài kiểm soát những trận bão.
Một số người khóc lóc, than van, vì sự gầm gừ của bão tố,
Làm họ khôn cùng trên hành trình gian nan giữa biển.
Đừng chống lại những cơn gió hung hăng,
Nhưng hãy xem nó như những người bạn,
Và bạn sẽ nếm biết nhiều phước hạnh.
Hãy giữ vững những cánh buồm,
Đừng sợ những cơn bão tố,
Bạn sẽ đến bến bình an.
Sự tốt đẹp chúng ta nhận lãnh, sẽ phải đổ một ít mồ hôi,
Khi những công cụ của ta, những cơn bão nổi lên.
Hỡi những thủy thủ mệt mỏi, hãy giương buồm lên,
Chủ của các bạn đang chờ,
Đón bạn vào Thiên đàng vinh hiển.
Hãy giữ mắt bạn nhìn về phía trước,
Đừng nên lo âu, sợ hãi,
Đó là sự chuẩn bị của Đức Chúa Trời.
Vâng đó là những cơn bão táp của cuộc đời có thể bị chế ngự bởi một thái độ đúng đắn. Như những cơn gió đối với cánh buồm, những cơn bão thử thách giúp đỡ chúng ta trưởng thành trong chức vụ lãnh đạo trên đất này và cho nơi ở đời đời của chúng ta, là Thiên đàng.
D. TÓM TẮT
Chúng ta đã học những nguyên tắc quan trọng này:
1.Sự trưởng thành và sự huấn luyện
Những sự thử thách và sự khổ nạn có thể là cánh tay thương xót của Đức Chúa Trời uốn nắn, huấn luyện và làm cho chúng ta trưởng thành.
2.Đức Chúa Trời hành động qua chúng ta.
Đức Chúa Trời làm việc cách có quyền năng nhất qua chúng ta khi chúng ta được chứng bằng những lần thử nghiệm và khổ nạn.
3.Đậu rớt qua sự thử nghiệm
Trong ngọn lửa của sự đau đớn, một số người sẽ rớt và một số người sẽ đậu cuộc thử nghiệm và được khen thưởng. Tất cả những người này sẽ là những người được chọn để nghe những lời này:
"Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều ".
Vài năm trước đây, anh David Edwards đã thuyết trình về cuộc đời Giôsép trong một buổi hội nghị.
Ông nói: "Cuộc đời của Giôsép có thể được tóm tắt trong ba lời này: Bị bỏ xuống hố, bị bỏ tù và được đặt lên ngai" (Pitted, Potted and Putted). Đây là ba từ dàn ý của chương này.
Khi còn trẻ tôi thường khóc mỗi khi đọc về cuộc đời của Giôsép (Xem Sáng 37:1-49:33). Trong nhiều năm tôi không hiểu điều gì đã xảy ra và tại sao? Tại sao câu chuyện về Giôsép lại cảm động tôi đến như vậy?
Chức vụ của tôi phát triển từ năm tôi mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi. Trong những năm này, tôi bắt đầu nhận thấy cuộc đời tôi rất giống cuộc đời của Giôsép. Sự trùng hợp kỳ lạ đến mức tôi không giải thích được. Dường như Đức Chúa Trời đã hoạch định một khuôn mẫu cho đời sống tôi giống như của Giôsép. Bây giờ vào tuổi sáu mươi tôi càng bị thuyết phục hơn rằng điều này là thật.
Hơn bốn mươi năm thi hành chức vụ, tôi đã nói chuyện với hàng chục nhà lãnh đạo Hội Thánh, là những người có cùng kinh nghiệm như Giôsép và của chính tôi. Trong khi không phải lúc nào "sự đồng cảm thuộc linh" sâu sắc đó cũng hiện diện trong tôi, những người lãnh đạo này luôn nhận biết chắc chắn rằng những sức mạnh không thể giải thích được đang uốn nắn cuộc sống và chức vụ của họ.
Vì lý do này, tôi nghĩ rằng khảo sát cẩn thận về cuộc đời Giôsép đã được chuẩn bị thế nào cho chức vụ lãnh đạo là một việc làm hết sức cần thiết. Nó sẽ giúp bạn hiểu rõ điều gì đã, đang xảy ra và điều gì sẽ xảy ra khi Đức Chúa Trời chuẩn bị bạn cho chức vụ lãnh đạo và những trách nhiệm to lớn. Khi bạn đọc được những điều tiếp theo đây, tôi hy vọng bạn sẽ nhận được sự khích lệ nhiều như tôi đã nhận được qua cuộc đời Giôsép.
Cũng như tôi, Giôsép đã nhận được sự khải thị liên quan đến sự kêu gọi khi ông còn là một thiếu niên. Vào tuổi mười bảy, ông đã được Đức Chúa Trời ban cho những giấc mơ, gồm những điều tỏ ra rằng ông sẽ giữ một vai trò lãnh đạo nổi bậc để ông có thể giúp đỡ những người khác.
Cũng giống như tôi, Giôsép đã không có sự khôn ngoan để giữ miệng mình và điều này đã gây cho ông một nan đề lớn với anh em mình. Những giấc mơ của ông không được các anh quan tâm lắm. Có lẽ Giôsép đã có một chút tự hào thuộc linh mặc dầu Kinh Thánh không nói điều này.
Bởi vì Giôsép là người con trong tuổi già của cha, nên Ysơraên thương yêu ông hơn những người con khác. Ông đã làm cho Giôsép một chiếc áo nhiều màu sắc rất đẹp. Đây là một chiếc áo giống như trang phục của các hoàng tử mặc trong cung điện.
Ngược lại các anh của Giôsép phải mặc những chiếc áo chẻn và những chiếc quần của người chăn cừu, là trang phục của những người làm ruộng. Tất cả những điều này làm cho mười một người anh lớn của ông tức giận và ghen tị với những đặc quyền của ông.
Một ngày kia, Ysơraên sai Giôsép đi kiểm tra các anh của ông và về báo lại tình trạng của bầy chiên. Khi những người anh thấy Giôsép đang đến, họ bàn với nhau cách để giết ông sao cho trông có vẻ là một tai nạn. Nhưng Rubên, người anh cả, đã ngăn cản và đề nghị họ ném Giôsép xuống một cái hố gần đó. Vì vậy, Giôsép bị bỏ xuống hố.
Cũng như trong thời đại của Giôsép, ngày nay nhiều được kêu gọi để trở thành Mục sư khi tuổi còn rất trẻ. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học, tôi tham gia vào "nhóm anh em" của tôi trong trường huấn luyện các giáo sĩ, nơi họ được chuẩn bị để đi ra giảng Tin Lành.
Trong suốt thời gian ở đó, tôi luôn gặp những rắc rối vì nhiều sinh viên đang được báptem bằng Đức Thánh Linh. Bởi vì tôi xuất thân từ một "gia đình đầy dẫy Thánh Linh" nên họ thường xem tôi là người đáng tin cậy, và thường được "gọi đến bên tấm thảm" để giải thích tôi đã từng có kinh nghiệm như thế nào trong những điều đã xảy ra.
Thật ra tôi chỉ nói chuyện với những sinh viên đến với tôi để hỏi về Đức Thánh Linh. Chỉ có ba hoặc bốn người đã đến với tôi trong số hàng chục người được đầy dẫy Đức Thánh Linh trong năm đó. Những người khác được đổ đầy Đức Thánh Linh khi họ ở một mình trên núi để cầu nguyện và tìm kiếm Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy tấm lòng đói khát của họ và Đức Thánh Linh đã đầy dẫy trên họ.
Thời gian cứ trôi qua và tôi làm các bổn phận của mình cách chăm chỉ. Vì tôi có kinh nghiệm chạy máy in, nên tôi đã làm việc nhiều tuần lễ trong một cửa hiệu in cách vui vẻ nhưng không cần tiền thù lao. Sau đó do có khả năng về máy móc, tôi đã làm việc thêm nhiều tuần lễ để chế tạo lại chiếc máy bay chở hàng hóa thành máy bay chở hành khách để chở các giáo sĩ đi các nơi trên thế giới.
Khi các sinh viên tốt nghiệp được xem xét lại để cử đi làm giáo sĩ, người ta đưa tôi một tờ giấy và bảo tôi ký vào. Và tôi bị buộc phải hứa không bao giờ giờ dạy dỗ hoặc giảng về phép báp tem trong Thánh Linh.
Dĩ nhiên tôi không thể ký vào một tờ đơn như vậy. Tôi phải thành thật với Kinh Thánh và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời trên đời sống tôi. Tôi đã bị buộc phải rời khỏi trường vì từ chối. Tôi rời trường với tấm lòng tan nát vì bị "bỏ xuống hố" nầy. Không một người nói "cám ơn" vì những gì tôi đã làm.
Mặc dù vậy tôi vẫn thương yêu họ. Vì vài năm sau tôi đã đóng góp tiền bạc vào ngân quỹ chung của hội truyền giáo này và góp phần hỗ trợ các giáo sĩ.
Trong khi các anh của Giôsép đang bàn luận phải làm gì với ông, có một đoàn dân Íchmaên đi ngang qua. Giuđa bèn nói cùng các anh em rằng: "Tại sao chúng ta không bán nó cho những người Íchmaên kia?"
"Ý kiến hay lắm" các người còn lại đồng thanh. Và mọi việc xảy ra y như vậy. Vì ba mươi miếng bạc mà Giôsép đã bị bán làm nô lệ (bằng với giá mà Giuđa đã bán Chúa Jesus).
Tại Aicập, trong một cuộc bán đấu giá nô lệ, Phôtipha, quan thượng thư của Pharaôn đã mua Giôsép làm nô lệ. Không lâu sau đó Phôtipha nhận biết Đức Chúa Trời phù hộ Giôsép và làm cho mọi vật nơi tay ông được thạnh vượng. Vì vậy, ông đặt Giôsép cai quản nhà cửa, và phó của cải mình cho Giôsép hết.
Giôsép là một thanh niên, đẹp trai, và vợ Phôtipha bắt đầu để ý đến chàng và ép chàng ngủ với mình. Giôsép phản dối, nên bà ta bèn nắm áo và cố nài ép chàng. Vì vậy Giôsép phải bỏ áo chạy trốn.
Đêm đó bà nói với Phôtipha rằng Giôsép đã định hãm hiếp bà. Phôtipha giận dữ kinh khiếp và ra lệnh bỏ Giôsép vào tù.
"Người ta cột chơn người vào cùm làm người bị còng xiềng "(Thi 105:18). Bởi mưu kế của vợ Phôtipha mà Giôsép bị bỏ tù. (potted)
Bạn có thể nhận ra những nan đề như thế này khi hồi tưởng lại những năm đầu tiên trong chức vụ của bạn không? Có thể ngay bây giờ bạn phải chịu "bỏ xuống hố" hoặc "bỏ vào tù".
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi đọc câu Kinh Thánh này:"Ngài sai một người đi trước Ysơraên, là Giôsép bị bán làm tôi mọi "(105:17). Đức Chúa Trời sai Giôsép? Tôi đã tưởng rằng các anh của Giôsép đã đã tính toán chuyện giết ông và đã bán ông làm nô lệ. Vâng đó là câu chuyện theo cái nhìn của con người. Nhưng theo quan điểm của Đức Chúa Trời, Ngài hiện diện khắp mọi nơi và dùng mọi sự hiệp lại làm ích cho gia đình ông.
Ước gì chúng ta có thể hiểu được những điều này khi thử thách, khổ nạn, sự chối bỏ, sự hiểu lầm và sự bất công xảy đến trên đời sống của chúng ta. Đức Chúa Trời đang chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta không phạm tội với Ngài vì đã có những hành động sai trái, và đang chịu khổ không phải vì những sự cố ý bất tuân của mình, thì chúng ta có thể biết chắc rằng Đức Chúa Trời khiến tất cả mọi sự dường như chống lại chúng ta trở nên có ích cho chúng ta và cho những người khác nữa.
Đức Chúa Trời đã phải dạy tôi những bài học quí giá về sự "bị bỏ tù". Khi tôi bắt đầu là một nhà truyền đạo trẻ tuổi, bắt đầu mở nhiều Hội thánh mới, những lãnh đạo trong các Hội thánh khác đã đưa ra những lời buộc tội sai trật để chống lại tôi. Tôi đã không làm điều gì sai trái, nhưng bởi vì những sự hy sinh tôi đã làm trong khi hầu việc Đức Chúa Trời, những người khác đã nghi ngờ và ganh ghét.
Tôi đã nhận biết rằng mình phải chịu xét đoán bởi những anh em mà tôi chưa hề làm hại họ. Tôi đã bị những anh em tôi tin cậy phản bội. Nhưng khi tôi kiêng ăn và cầu nguyện, Chúa đã ban cho tôi những lời hứa quí báu này:
"Nầy là kẻ mà ta đoái đến: tức là kẻ nghèo khó, có lòng ăn năn đau đớn, nghe lời nói ta mà run...
"Hỡi các ngươi là kẻ nghe lời phán của Đức Giê-hô-va mà run, hãy nghe lời Ngài: anh em các ngươi ghét các ngươi, vì cớ danh ta bỏ các ngươi.
"Họ nói rằng xin Đức Giê-hô-va được vinh hiển, đặng chúng ta thấy sự vui mừng của các ngươi! Nhưng chính họ sẽ bị hổ thẹn "(Ês 66:2, 5).
Tôi được thuyết phục hai điều qua những câu Kinh Thánh này. Một: Cho dù bất cứ điều gì xảy ra, tôi phải giữ thái độ khiêm nhường và không được đáp trả trong sự tức giận và hung dữ. Hai: Tôi phải chịu anh em mình "dẫm lên chơn" (Bị các lãnh đạo Hội Thánh khác xoi mói phản bội).
Một ngày kia Chúa ban cho tôi một sự chỉ dẫn thuộc linh rất đặc biệt và điều này đã khiến tôi bị tràn lấn. Đó là một câu Kinh Thánh chính xác và rõ ràng cho hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ. Tôi biết chính xác điều gì sẽ xảy ra và tôi phải làm gì. Trong trường hợp này lời của Đức Chúa Trời đã đến với tôi qua thơ Giăng III.
Thơ tín này kể về câu chuyện của một người tên là Điôtrép. Ông được mô tả qua những lời như thế này: "Người lại không tiếp rước anh em, mà ai muốn tiếp rước, thì người ngăn trở và đuổi ra khỏi Hội Thánh "(Câu 10)
Với tấm lòng buồn bã tôi ngồi xuống và viết tên những kẻ thù của tôi. Rồi tôi giải thích rằng: Chúa Jêsus phán "Hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi".Tôi khẳng định với họ về tình yêu thương mà tôi dành cho họ, và tại sao tôi lại không còn cách lựa chọn nào khác mà phải nhường bước. Vì đó là cách duy nhất để trường hợp của tôi được giải quyết một cách hòa bình. Sự nhường bước của tôi đã đem lại sự hòa bình. Mặt biển dậy sóng đã trở nên yên lặng.
Nhưng đối với tôi điều đó cũng đem lại cảm giác chán nản và tuyệt vọng rằng tôi sẽ không bao giờ có thể làm trọn sự kêu gọi trên đời sống tôi.
Hơn mười năm tôi bám lấy hy vọng rằng một ngày nào đó các anh em sẽ giúp đỡ tôi. Nếu được sự ủng hộ của họ, tôi có thể ra đi truyền giáo ở một nơi nào đó trên đất nước, hướng dẫn những người hư mất trở về với Chúa Jesus. Bây giờ - MỌI HY VỌNG ĐIỀU TIÊU TAN! Có thể điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Tôi nói với vợ tôi: "Không còn cách nào để anh có thể hoàn thành sự kêu gọi truyền bá Phúc âm cho cả thế giới! Cách đây mười một năm, anh đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi bắt đầu vâng theo những gì anh nghĩ là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Bây giờ nó không thể nào xảy ra nữa ". Theo viễn cảnh tự nhiên điều này là sự thật.
Đó là một ngày đen tối nhất trong đời tôi. Có lẽ điều này xảy ra vài năm trước khi tôi hiểu rằng, cũng như Giôsép và các anh người,"Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi... để cứu sự sống cho nhiều người "(Sáng 50:20).
Khi tôi tiếp tục tìm kiếm Chúa, Ngài đã chỉ cho tôi biết rằng tôi phải hết sức cẩn thận, không bao giờ được "...dùng quyền tôi có như người giảng Tin Lành. Tôi đối với ai cũng vẫn là được tự do, mà tôi đành chịu phục mọi người "(ICôr 9:18, 18).
Vào lúc đó, tôi không bao giờ mơ tưởng rằng Đức Chúa Trời có một chương trình to lớn cho đời sống và chức vụ của tôi. Tôi không hề nghĩ rằng Chúa sẽ mở cánh cửa để tôi huấn luyện hàng ngàn người lãnh đạo Hội Thánh.
1) Một "Chức vụ Giôsép"
Tôi đã luôn luôn cố gắng yêu thương, kính trọng những người anh em đã đối xử sai với tôi bất chấp sự việc gì đã xảy ra. Tôi cũng không gợi ý rằng những gì tôi đã làm là khóa học để lôi kéo những người khác phải học theo.
Giôsép được nói tiên tri rằng: "Các phước lành này sẽ giáng trên Giôsép. Trên đỉnh đầu của người lãnh đạo anh em" (Sáng 49:26 Diễn ý). Giô sép không phải là "người lãnh đạo các anh em" bởi sự lựa chọn của ông, nhưng bởi ơn thần hựu của Đức Chúa Trời. Giống như tôi, Giôsép cũng có sự lựa chọn, ông đã có thể ở trong một gia đình êm ấm dưới sự bảo bọc của chế độ tộc trưởng, nhưng Đức Chúa Trời có một chương trình khác cho ông.
Lời của Chúa nói về Giôsép rằng: "Giôsép là một cây sai trái, mọc lên bên bờ suối trong xanh, cành lá vượt vách thành "(49:22 Diễn ý). Các bức tường không bao giờ có thể ngăn cản một "chức vụ Giôsép" được. Các nhánh của ông vươn ra, đến nỗi những người đang cần bóng mát, đang mệt mỏi và đói khát đều có thể đến núp dưới bóng đó và ăn những trái chín mọng.
Trái chín và bóng mát của một "cành lá vượt vách thành" lúc nào cũng có sẵn và không cần phải mua, như bạn đã biết, những trái của nhánh vươn ra bên ngoài tường thì không cần phải mua.
Dưới phong tục của Cựu ước và luật pháp của người Lêvi, những nhánh và quả "vươn ra ngoài bức tường" là của chung - bất cứ ai cũng có thể hái nó. Nền nông nghiệp tại Pháp cũng vẫn giữ theo luật này, và họ đã được chúc phước rất nhiều.
Những lời rao báo thường vang lên trong thời xa xưa "Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước! Và người nào không có tiền bạc, hãy đến, mua mà ăn! Hãy đến mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá! "(Ês 55:1).
Đức Chúa Trời đã chuẩn bị tôi cho "Chức vụ Giôsép" này. Nhưng lúc đó tôi đã không nhận ra.
Ý tưởng bị loại bỏ, bị đơn độc đã làm tôi buồn rầu rất nhiều (Có lẽ đối với Giôsép cũng vậy). Nhưng Đức Chúa Trời đã đặt tôi vào các hoàn cảnh đó. Tôi không có thể làm cách nào để thoát khỏi được (trừ khi tôi chống lại ý muốn Đức Chúa Trời).
"Cho đến ngày điều người đã nói được ứng nghiệm: Lời của Đức Giê-hô-va rèn thử người "(Thi 105:19). Mười hoặc mười hai năm sau những chắn song sắt với những sợi xích trên chân và chiếc vòng sắt mang trên cổ sẽ chà nát bất cứ cuộc đời của người vô tội nào.
Giôsép đã ở trong một hoàn cảnh do một kiến trúc sư thần thượng phát họa, nhưng không có điều gì bảo đảm cho những hoàn cảnh mà ông đang chịu. Nếu như ông có một sự bảo đảm nào thì có lẽ nó sẽ khiến những khó khăn chờ đợi trở nên có thể chịu hơn.
Tất cả những gì ông có chỉ là những giấc mơ, và chưa có điều gì chứng tỏ những giấc mơ này là thật. Thật ra, những sự việc xảy ra ngược lại với những khải tượng mà Chúa đã tỏ ra cho ông.
Những giấc mơ của Giôsép không có điều nào ám chỉ rằng ông phải chịu khổ bởi anh em mình và bị quăng xuống hố. Những điều được bày tỏ trong sự khải thị cũng không bảo ông phải bị bán qua Aicập làm nô lệ, bị cáo gian và bị ở tù không biết ngày ra. Có lẽ ông đã thắc mắc: "Điều gì đang xảy ra vậy? Tại sao những điều này lại xảy ra cho ta?
Êtiên người tử đạo đầu tiên, đã đề cập đến sự đau đớn của Giôsép trong bài giảng trước lúc chết của ông.
"Ngài giải cứu người (Giôsép) khỏi cảnh khó khăn " (Trong tiếng Anh, anguish: nỗi thống khổ) (Công 7:10). Vâng, ông đã bị thống khổ, một nỗi thống khổ không thể nào giải thích được.
Giôsép đã không làm điều gì sai trái ở nhà Phôtipha. Nhưng cuối cùng ông trở thành một tên tù nô lệ mà không có hy vọng được tự do. Ông đã giữ sự trong sạch của mình trong luân lý và đạo đức. Nhưng phần thưởng của ông là án tù chung thân trong ngục tối hôi hám nóng nực, đầy ruồi muỗi, sâu bọ và không có ngày phóng thích.
Hầu hết chúng ta sẽ không thể nào hiểu hết nỗi thống khổ Giôsép đã cảm nhận trong những năm tháng cô độc đó. Ông đã phải sống trong ngục tù với những bữa ăn bẩn thỉu, có lẽ ông phải làm dịu cơn khát bằng dòng nước sông Nile dơ bẩn. Ông là nạn nhân của những sự xử lý và chuẩn bị của Đức Chúa Trời.
Giôsép cũng giống như nhiều người trong các bạn, được Đức Chúa Trời chọn lựa cho chức vụ lãnh đạo, và đây là trường huấn luyện của ông. Trước khi Đức Chúa Trời hoàn tất với Giôsép, ông phải được tốt nghiệp trong trường huấn luyện đầy lửa của Đức Chúa Trời.
Tôi nghĩ rằng điều khó tin nhất đối với tôi là nghị lực của Giôsép, tức là khả năng kỳ diệu của ông trong việc giữ mối thông công với Đức Chúa Trời trong những hoàn cảnh như vậy. Việc ông thoát khỏi sự cay đắng ganh ghét và giận dữ là một chứng cứ mạnh mẽ rằng ông được trợ sức bởi những phép lạ kỳ diệu của ân điển từ Đức Chúa Trời.
Khoảng mười năm sau khi Giôsép bị bỏ tù, hai trong số các tù nhân đã mơ thấy những giấc mơ khó hiểu. Giôsép đã có câu trả lời cho họ ngay lập tức. Sau nhiều năm ở trong một nơi tối tăm như vậy mà ân tứ của Đức Chúa Trời vẫn còn hành động qua ông, thật kỳ diệu.
Chính sự quản lý các ân tứ Đức Chúa Trời cách trung tín của ông đã đem ông đến sự thăng tiến và được ca ngợi.
Giôsép thuật lại lời giải nghĩa điềm chiêm bao cho quan tửu chánh rằng ông ta sẽ được phục hồi chức vị trong cung điện của Pharaôn. Sự phục hồi chức vị của quan tửu chánh đã chứng minh ơn tứ tiên tri của Giôsép.
Giôsép đã xin quan tửu chánh tâu lại cùng Pharaôn về án tù của mình. Nhưng vị quan vô ơn này đã lập tức quên ông. Cũng trong khi đó quan thượng thiện đã bị chém đầu y như lời Giôsép đã nói khi ông giải thích giấc mơ cho ông ta.
Hai năm trôi qua. Một ngày kia tin tức vang khắp cung điện rằng Pharaôn thấy những giấc mơ gây cho ông bối rối vô cùng.
Bởi vì không ai có thể đem lại sự thỏa lòng cho vua qua việc giải thích những điềm chiêm bao đó nên ông ra lệnh giết hết thảy các thuật sĩ cũng như các nhà hiền triết tại Aicập.
Quan tửu chánh sực nhớ đến Giôsép. Biết đâu Giôsép có thể giải mộng cho Pharaôn. Vì vậy, theo lịnh truyền của Pharaôn, Giôsép được tắm rửa, cạo râu mặc quần áo đẹp và vào chầu Pharaôn.
Ngay sau khi nghe những giấc mộng, Giôsép liền đưa ra lời giải thích. Có nghĩa là bảy năm được mùa dư dật và tiếp theo là bảy năm mất mùa và đói kém.
Pharaôn vô cùng cảm động, ông liền lập Giôsép lên đứng thứ hai trong toàn xứ Aicập. Chỉ một mình Pharaôn mới có quyền lực cao hơn Giôsép.
"Pharaôn lại phán cùng Giôsép rằng: Hãy xem, Trẫm lập ngươi lên cầm quyền trên cả xứ Êdiptô. Vua liền cởi nhẫn trong tay mình, đeo vào tay Giôsép, truyền mặc áo vải gai mịn và đeo vòng vàng vào cổ người "(Sáng 41:41, 42).
Cuối cùng thì điều đó đã xảy ra. Giô sép được đặt lên ngai vàng của xứ Aicập. Sự đau đớn, cô độc, tù tội, xiềng xích của ông đã qua. Cuối cùng ngày mà lời hứa của Chúa dành cho ông bắt đầu được ứng nghiệm.
Tôi biết rằng tất cả những ai từ bỏ mọi sự ở đời này để theo Đấng Christ điều sẽ nhận được chiếc mão miện vinh hiển trong ngày đăng quang khi chúng ta đồng cai trị với Chúa. Tất cả chúng ta sẽ nhận được phần thưởng của mình trong ngày đó.
Nhưng tôi cũng tin rằng Chúa Jesus cũng hứa rằng ngay trong đời này Ngài sẽ ban cha mẹ, anh em, chị em và ngay cả nhà cửa, đất ruộng cho những người đã từ bỏ tất cả những điều này mà đi theo Ngài (Mat 19:29). Sẽ có những ngày được gọi là Thiên đàng trên đất cho tất cả những người được gọi, được chọn và trung tín như Giôsép.
"Chớ hề dối mình... vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời. "
"Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trể nãi, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt. Vậy đương lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin ".(Ga 6:7-10).
"Vậy hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu "(ICôr 15:58)
Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những con người để lập thành những nhà lãnh đạo. Mỗi giai đoạn vận hành mới mẽ của Đức Thánh Linh thường được đánh dấu bởi việc Đức Chúa Trời lựa chọn và chuẩn bị những người lãnh đạo mới cho công việc của ngài. Đây là thời kỳ của những sự tuôn đổ mới mẽ của Đức Thánh Linh. Một sự thay đổi quan trọng trong lịch sử loài người đang xảy ra.
Đức Chúa Trời đang cần những con người "đứng chỗ sức mẻ " cho Ngài để "xây lại tường thành " (Êxê 22:30), những người biết đường lối và lời của Đức Giê-hô-va nói rằng "nầy là đường đây, hãy noi theo "(Ês 30:21)
Chương này đề cập đến những khó khăn cạm bẫy và cái giá phải trả để sản sinh ra những con người như vậy. Nếu bạn muốn trở thành những người được lựa chọn để đem lại những cơn phục hưng, bạn cần phải biết những nguyên tắc trong chương này.
Tóm tắt những chương trước
Những điều tôi chia xẻ trong chương này được dựa trên những gì bạn đã đọc, đã hiểu và đã thực hành trong những chương trước.
Chương THỨ NHẤT liên quan đến sự cần thiết của những người lãnh đạo thuộc linh phải trông cậy nơi Đức Chúa Trời (40:31). Đây là điều ưu tiên hàng đầu của một người lãnh đạo thuộc linh. Khi bạn trông cậy Đức Chúa Trời, Ngài sẽ cất đi năng lực của bạn và thay thế bằng chính năng lực của Ngài. Một sự trao đổi sẽ diễn ra.
Chương HAI giải thích sự cần thiết của việc nghe tiếng Chúa. Một nguyên tắc vô cùng quan trọng để có một chức vụ thành công là người phải "sống bởi mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời"
Tấm lòng chúng ta phải được thanh tẩy và đầu phục Chúa trước khi chúng ta có thể nghe tiếng Ngài. Và rồi, khi chúng ta nghe và vâng theo Ngài, đức tin của chúng ta sẽ tăng trưởng. Khi đức tin tăng trưởng, chúng ta sẽ nghe Ngài phán với chúng ta những điều kỳ diệu mà Ngài muốn làm qua chúng ta.
Chương THỨ BA và THỨ TƯ trình bày tiến trình Đức Chúa Trời dùng những thử thách để hướng dẫn chúng ta. Qua lò lửa thử nghiệm, chúng ta từ địa vị "được gọi" trở thành "được chọn". Sự thử nghiệm như thế rất cần thiết, bởi vì qua đó Ngài chuẩn bị chúng ta cho cuộc chiến thuộc linh khốc liệt mà chúng ta phải đương đầu khi trở thành người lãnh đạo.
Trong chương THỨ NĂM Giôsép đã để lại một gương quan trọng: Đức Chúa Trời đã cho những hoàn cảnh xảy ra khiến Giôsép bị đưa vào ngục tối của Pharaôn để xây dựng những tâm tính của ông. Và rồi ông được giải thoát khỏi ngục tù, được diện kiến với Pharaôn và được cất nhắc lên chức tể tướng của xứ Aicập.
Từ một thân phận thấp hèn trong tù trở thành một người nắm giữ quyền hành quan trọng có thể khiến Giôsép kiêu ngạo nên Đức Chúa Trời đã dùng ngục tối của Pharaôn để làm cho Giôsép khiêm nhu và cứu ông khỏi cạm bẫy của sự kiêu ngạo.
Có thể bạn sẽ hỏi: "Nhưng quá trình này sẽ diễn ra bao lâu? Đức Chúa Trời sẽ chuẩn bị tôi thành một người lãnh đạo trong bao lâu?"
Sẽ không có một khoảng thời gian được ấn định nào cả. Môise được chuẩn bị bốn mươi năm trong đồng vắng qua việc chăn giữ bầy chiên cho ông gia mình là GiêTrô.
Phải mười bốn năm sau khi đầu phục Chúa Jesus PhaoLô mới được sai đi như một người lãnh đạo (Công 13:1-3). Tuy nhiên PhaoLô đã được huấn luyện nhiều năm về Kinh Thánh trước khi ông đầu phục Đấng Christ.
Từ những giấc mơ đến khi trở thành quan tể tướng của Aicập là mười ba năm trong cuộc đời của Giôsép.
Hai điều cần phải lưu ý về thời gian mà Đức Chúa Trời sẽ dùng để lập bạn thành một người lãnh đạo:
• Tầm quan trọng và bản chất của chức vụ mà Đức Chúa Trời dự bị cho bạn
• Cách mà bạn đáp ứng đối với sự chuẩn bị của Ngài
Đức Chúa Trời muốn hoàn tất ở nơi bạn với mức độ nào và bạn muốn vì Đức Chúa Trời mà đạt được ở mức độ nào thì điều đó sẽ quyết định cường độ huấn luyện của Đức Chúa Trời.
Cũng vậy, một người có thể trở thành một thợ máy giỏi với chỉ một vài năm tập luyện, nhưng bạn không thể trở thành một nhà phẩu thuật nếu không có nhiều năm học hành căng thẳng và một sự chuẩn bị chu đáo.
Nếu bạn muốn được Đức Chúa Trời dùng trong một chức vụ đầy quyền năng và kết quả với nhiều phép lạ cặp theo thì thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài và có nhiều đau đớn. Trách nhiệm của bạn càng lớn lao bao nhiêu, thì sự thử nghiệm của bạn càng nặng nề bấy nhiêu. Phải cần một nhiệt độ cao hơn rất nhiều để làm một chiếc bình bằng vàng đựng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời so với một chiếc bình bằng đất đựng những thứ tầm thường.
Yếu tố thứ hai là cách bạn đáp ứng những sự thử luyện của Đức Chúa Trời khi Ngài chuẩn bị bạn. Nếu bạn không sốt sắng làm theo những gì Đức Chúa Trời muốn dạy dỗ bạn, thì thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài ra và sự thử nghiệm sẽ nặng nề hơn. Người thợ rèn phải nện những nhát búa mạnh hơn và cần nhiệt độ cao hơn để rèn những kim loại cứng rắn. Nhưng người thợ kim hoàn chỉ cần một áp lực rất nhỏ để uốn cong thanh vàng mềm mại.
Bí quyết là vâng lời và đáp ứng cách mềm mại. Khi Chúa đưa một bài học nào vào đời sống bạn, hãy học tập ngay đừng chống đối hoặc do dự. Đức Chúa Trời sẽ phải dùng "những nhát búa mạnh hơn và nhiệt độ nóng hơn" nếu bạn chống đối hoặc do dự, để Ngài có thể tạo bạn thành một người lãnh đạo.
Thật là điên rồ khi nghĩ rằng một khi đã trở thành một người lãnh đạo bạn sẽ không bao giờ có thêm những nhu cầu cho sự tăng trưởng tâm linh. Suy nghĩ như vậy đã làm cho nhiều người sa ngã.
Năm 1948 có một sự chuyển động rất lớn của Đức Thánh Linh càn quét khắp nước Mỹ. Những năm tiếp theo dưới bánh xe của thế chiến thứ hai là thời gian mà Đức Chúa Trời hành động cách mạnh mẽ trên Hội Thánh của Ngài.
Đến năm 1950, chỉ còn lại hơn năm mươi nhóm truyền giáo tiền phong chính yếu hoạt động. Phần đông là những giáo sĩ trong các cuộc phục hưng chữa bịnh lớn lao mà sau này lan tràn trên khắp thế giới.
Chỉ có một số rất ít còn lại. Còn những người khác thì sao? Tại sao chỉ một số ít đứng vững? Danh sách những người bỏ cuộc thì rất dài. Nhiều người đang trong chương trình trang bị của Đức Chúa Trời đã không duy trì được sự kêu gọi của họ.
Những người bước vào chức vụ lãnh đạo quan trọng bỏ cuộc nhiều hơn những người đang được trang bị cho chức vụ lãnh đạo.
Sứ đồ PhaoLô đã biết trước điều này:"...e rằng khi tôi đã giảng dạy cho kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng "(ICôr 9:27).
Nhiều người mong mỏi chức vụ lãnh đạo nghĩ rằng "Khi tôi đã có một chỗ đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, là tôi đã đến bến và được nghỉ ngơi!" Không đúng như vậy! Khi trở thành một người lãnh đạo, người ấy dễ bị công kích hơn nhiều trước những trận chiến chiến thuộc linh và thất bại bởi sự thăng tiếng của ông tiếng tăm của ông ta.
Sự chuẩn bị cho chức vụ lãnh đạo bao gồm những thử thách đau đớn và nước mắt (xem Hêb 5:7, 8). Sở dĩ như vậy bởi vì bạn đang được huấn luyện để đứng vững dưới những áp lực khốc liệt xảy đến cho một người lãnh đạo.
Chức vụ lãnh đạo Cơ Đốc không phải là một cái gì lãng mạn; nhưng đó là một cuộc chiến. Bạn đang chiến đấu với Satan và thế gian. Bạn sẽ bị những người thân trong gia đình, bạn bè và những anh em trong Hội Thánh hiểu lầm. Hơn nữa, bạn sẽ bị nhiều người chỉ trích do sự thúc đẩy của lòng ghen ghét hoặc sợ hãi.
Hình ảnh MôiSe trong sách Dân Số Ký là một bức tranh chính xác cho những gì liên quan đến người lãnh đạo. Môise phải chịu trách nhiệm cho hai triệu năm trăm ngàn người (2.500.000). Họ là những người lằm bằm, oán trách, phản loạn và muốn thối lui. Họ đã xem thấy những phép lạ nhưng lại càu nhàu, than vãn ngay sau đó. Họ kích động hết những cuộc nổi loạn này đến những cuộc nổi loạn khác.
Ngay cả những anh em của Môise cũng chỉ trích và nghi ngờ chức vụ lãnh đạo của ông (và họ đã bị xét đoán).
Điều kỳ diệu là Đức Chúa Trời đã chuẩn bị Môise hơn bốn mươi năm trước khi Ngài lập ông làm người lãnh đạo. Nếu Môise không có thời gian bốn mươi năm thử luyện bên sườn đồi trong đồng vắng với những con chiên ngang bướng của ông gia mình, thì có lẽ ông sẽ không bao giờ trở nên người lãnh đạo lừng danh như ông đã từng có.
Môise và Êli là hai người đã hiện ra trên núi hóa hình với Chúa Jesus. Điều này (và những khúc Kinh Thánh khác) khiến chúng ta có thể kết luận rằng Môise và Êli là hai vị lãnh đạo vĩ đại và quan trọng nhất trong thời Cựu Ước.
Mức độ của sự căng thẳng mà một người của Đức Chúa Trời phải chịu đựng trong sự lãnh đạo được minh họa qua cuộc đời của cả Môise và ÊLi.
Mặc dầu Môise đã có tất cả những năm tháng chuẩn bị như vậy, nhưng những áp lực đến với ông thật quá nặng nề dến nỗi ông đã cầu xin Đức Chúa Trời giết ông. Một người sẽ không bao giờ cầu nguyện như vậy trừ khi cuộc đời của ông ta hết sức khốn khổ.
"Môise bèn thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Sao Ngài làm cho tôi tớ Ngài buồn? Sao tôi chẳng được ơn trước mặt Ngài, và sao Ngài lại chất gánh nặng của hết thảy dân sự này trên mình tôi? Tôi há có thọ sanh dân này sao, há có sanh đẻ nó sao? mà Ngài lại phán biểu tôi rằng: Hãy ẵm dân này trong lòng ngươi như người cha nuôi bồng ẵm đứa trẻ bú, cho đến xứ Ngài đã thề hứa sẽ ban cho tổ phụ chúng nó.
"Tôi sẽ có thịt ở đâu đặng phát cho dân sự này? Bởi vì họ khóc lóc về tôi mà rằng: Hãy cho chúng tôi thịt ăn. Tôi không thể một mình gánh hết dân sự này vì thật là rất nặng nề cho tôi quá!
"Nếu Chúa đãi tôi như vậy và nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin giết tôi đi, để tôi không thấy sự khốn nạn tôi! "(Dân 11:11-15).
Chỉ những người ở trong chức vụ lãnh đạo mới biết rằng người lãnh đạo phải đương đầu với nhiều gánh nặng hết sức khó chịu. Môise đã thất vọng và ngã lòng trong hoàn cảnh ấy và ông muốn chết.
Êli cũng đã có lúc hết sức ngã lòng trong chức vụ. Điều này xảy ra ngay sau chiến thắng vĩ đại nhất của ông: Khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ và tiêu diệt bốn trăm tiên tri Ba-anh. Mỉa mai thay, những thung lũng tuyệt vọng thường theo sau đỉnh núi của những kinh nghiệm chiến thắng.
"Aháp thuật lại cho Giêsabên mọi điều ÊLi đã làm và người dùng gươm giết hết thảy tiên tri Ba- anh làm sao. Giêsabên sai một sứ giả đến cùng ÊLi mà nói rằng: Ôi Đức Giê-hô-va, đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi vì tôi không hơn gì các tổ phụ tôi "(ICác 19:1-4).
Chúa đã trả lời cầu nguyện của ÊLi và cất ông lên trời sau lời cầu nguyện này vài tuần.
Theo tôi, đó là sự bày tỏ vĩ đại về tình yêu và sự cảm thông của Đức Chúa Trời đối với những người lãnh đạo của Ngài đến nỗi Ngài tôn trọng Môise và ÊLi bằng cách cho phép họ hiện ra với Chúa Jêsus trên núi hóa hình. (xem Mat 17:1-27).
Vâng, bạn cần phải trả giá để trở thành một người lãnh đạo. Nếu sự chuẩn bị dường như nặng nề, hãy nhớ rằng: những áp lực đi kèm với chức vụ lãnh đạo sẽ nặng nề hơn sự huấn luyện mà bạn đã được chuẩn bị.
Kẻ thù nguy hiểm nhất của một người lãnh đạo Hội Thánh là chính ông ta. Chính xác thịt và bản chất tội lỗi cư ngụ trong ông là một kẻ thù tàn ác và giả dối. So với kẻ thù này, những kẻ thù bên ngoài của ông dễ dàng chiến thắng hơn rất nhiều.
Những chương sau này sẽ đặc biệt đề cập đến những điểm này, nhưng bây giờ hãy xem chúng cách tổng quát.
Ba lĩnh vực tội lỗi luôn luôn là nguyên nhân của sự sa ngã của bất cứ người lãnh đạo nào, đó là: Tình (những quan hệ tình dục bất chánh),Tiền (sự ham muốn giàu có),và Địa vị, danh vọng (Kiêu ngạo).
"Chớ yêu thế gian cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy.
"Vì mọi sự trong thế gian như sự mê tham của mắt, sự mê tham của xác thịt, và sự kiêu ngạo của đời đều chẳng từ Cha mà đến nhưng từ thế gian mà ra "(IGiăng 2:15, 16).
Không một ai được miễn trừ khỏi phạm tội này. Tôi không nghĩ là chính tôi được miễn trừ khỏi chúng hoặc tôi đã từng gặp một người nào được miễn trừ. Rất nhiều người lãnh đạo Cơ Đốc đã thất bại bởi những tội này.
Một người lãnh đạo khôn ngoan biết rằng nếu ông không luôn luôn tập luyện sự kiềm chế, ông có thể rơi vào một, hai hoặc cả ba cạm bẫy này. Chắc chắn có những tội lỗi dễ vấn vương đã được đề cập trong Hêb 12:1.
Theo IGiăng 2:15, thiếu sự kính mến Đức Chúa Cha sẽ làm cho lòng yêu mến thế gian tăng lên. Nếu bạn đang ở trong chức vụ lãnh đạo, sự thiếu kém này làm cho bạn dễ bị tấn công vô cùng vào những lãnh vực này.
Một sự huấn luyện và chuẩn bị thích đáng cho chức vụ lãnh đạo phải bao gồm sự phát triển lòng tin cậy tuyệt đối vào Đức Chúa Trời và lời của Ngài. Nếu bạn bước đi trong đức tin, bạn sẽ được an toàn. Bạn sẽ có khả năng tránh được cạm bẫy của tội lỗi về tình dục, lòng tham lam và sự kiêu ngạo. Ba lãnh vực tội lỗi này xuất phát từ tấm lòng bất an (thiếu đức tin và sự tin cậy nơi Chúa).
Sự gian dâm thường bắt nguồn từ một cuộc hôn nhân bấp bênh có thể bị đổ vỡ do lòng yêu mình cách ích kỷ. Nó khiến bạn luôn nghĩ về mình, quan tâm đến mình, và ích kỷ. Khi nghĩ rằng mình không hạnh phúc, người chồng cảm thấy mất đi sự yêu thương của vợ và dễ dàng rơi vào vòng tay của người mà ông nghĩ cô ta biết thông cảm và thương yêu ông hơn.
Ưu Tiên Hàng Đầu Người lãnh đạo phải tranh đấu để dành nhiều thì giờ ở bên vợ và các con. Ông phải có một thái độ quan tâm tích cực đến người nhà mình. Những áp lực căng thẳng và thời khóa biểu bận rộn do những trách nhiệm và nan đề trong Hội Thánh sẽ xâm phạm đến sự ưu tiên này.
Người vợ phải quan tâm, nhạy cảm, và hỗ trợ cho chồng mình. Ông luôn luôn bị dồn ép liên tục bởi các áp lực bên ngoài trong công tác ngày càng lớn rộng của mình. Ông có thể cảm thấy không đủ khả năng để giải quyết các nan đề và dễ dàng rơi vào tâm trạng chán nản, sợ hãi và cô độc. Vào những lúc như vậy, những cử chỉ dịu dàng, âu yếm sẽ là liều thuốc dịu kỳ cho người lãnh đạo Hội Thánh đang bị bối rối. Thái độ thông cảm và sự khích lệ từ người vợ có thể cứu chồng mình và chức vụ của ông.
Sự thất bại về luân lý vô cùng nguy hiểm. Salamôn đã cảnh cáo những người rơi vào sự tà dâm rằng: "Người ấy sẽ bị thương tích và khinh bỉ. Sự sỉ nhục người chẳng bôi mất đi " (Châm 6:33). Nó sẽ ngăn trở chức vụ của bạn trong những năm còn lại của đời sống bạn.
Đức Chúa Trời vẫn sẵn sàng tha thứ và phục hồi địa vị cho bạn, nhưng "vết thương và sự sỉ nhục "của bạn sẽ không bao giờ phai mờ. Do sự thất bại về luân lý bạn sẽ mất tất cả những gì bạn đã đạt được trong những năm chịu thử nghiệm để trở thành người lãnh đạo.
Sự tham lam (ham mê tiền bạc) bắt nguồn từ việc nghi ngờ sự cung cấp của Đức Chúa Trời. Là một người lãnh đạo thuộc linh, bạn phải:"...trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài ".Nếu bạn làm như vậy, Chúa Jêsus phán:"thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa ".
Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn thức ăn, quần áo, sức khỏe, nhà cửa và các phương tiện khác nếu bạn giữ theo nguyên tắc về sự thịnh vượng trong Kinh Thánh. Nguyên tắc này là:"Hãy ban cho, các ngươi sẽ được ban lại "(Lu 6:38).
Bạn sẽ không kinh nghiệm được sự ban cho của Đức Chúa Trời cho đến khi bạn biết dâng cho Ngài 1/10 lợi tức của bạn. Bạn sẽ bẻ gẫy sự nghèo khổ bằng cách dâng 1/10 tất cả những gì Đức Chúa Trời ban cho bạn.
Hãy giúp đỡ những người góa bụa, những trẻ mồ côi và những người nghèo ở quanh bạn, vì Đức Chúa Trời hứa rằng: "Ta sẽ...mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng" (Mal 3:7-11).
Khi bạn đã bắt đầu thực hiện điều này, cũng hãy bắt đầu dạy dỗ anh chị em mình làm như vậy. Lúc họ biết dâng 1/10 cho Chúa thì cũng là lúc sự nghèo khổ lìa xa họ.
Sự dâng hiến cho Đức Chúa Trời sẽ xóa đi lòng ham mê tiền bạc. Thực hiện điều này thường xuyên sẽ giúp bạn tránh được nhiều nỗi hối tiếc, đem bạn ra khỏi sự nghèo đói và làm cho các tín hữu khác có đời sống sung mãn bằng cách dạy họ dâng hiến.
Chúng ta sẽ học nhiều về tội gian dâm và tội tham lam trong hai chương kế tiếp.
Kiêu ngạo là kết quả của sự nghi ngờ về sự kêu gọi của bạn và giá trị của chính bạn. Kiêu ngạo là một thất bại dễ thấy nhất.
Nhưng kiêu ngạo cũng là điều khó nhìn thấy nhất khi chúng ta tự nhìn chính mình. Nó được biểu lộ bằng một thái độ kiêu hãnh, khoe khoang. Khoe khoang chứng tỏ cho sự thiếu tự tin của mình. Một người với một chức vụ kết quả không bao giờ khoe khoang về nó. "Hãy để cho kẻ khác khen ngợi con, miệng con chẳng nên làm "(Châm 27:2).
Ví dụ, nếu một người cảm thấy mình cần phải thông báo rằng mình là một sứ đồ, điều đó có nghĩa là ông ta nghi ngờ về chính mình rằng có lẽ những người khác sẽ không nghĩ chính ông là một sứ đồ trừ phi chính ông nói ra điều đó. Khoe khoang là bằng chứng dễ thấy của một người đầy sự kiêu ngạo và nghi ngờ.
"Tôi gởi lời khuyên nhủ này cho các bậc trưởng lão trong anh em... đừng áp chế ai, nhưng hãy làm gương tốt cho họ noi theo "(IPhi 5:1-3).
Những người lãnh đạo chân chính không phải là những ông chủ. Họ là những tôi tớ của dân sự Đức Chúa Trời. Chức vụ lãnh đạo Hội Thánh không phải là chức vụ của những ông chủ, nhưng là chức vụ của những kẻ tôi tớ thấp hèn. Sự chuẩn bị của Đức Chúa Trời là dạy dỗ chúng ta có một thái độ của một đầy tớ.
Chúa Jesus là một người khiêm nhu, hạ mình nhất trong tất cả mọi người. Giống Chúa Jesus, một người lãnh đạo chân chính sẽ không tránh né những công việc nhất định vì ông cảm thấy đó là những công việc làm hạ phẩm giá lãnh đạo cao sang của ông. Một người lãnh đạo vững vàng sẽ không bị đe dọa khi phải làm những công việc tầm thường hay những trách nhiệm khiêm tốn.
PhaoLô đã viết về Chúa Jesus rằng: "Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời nhưng chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ, trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự "(Phil 2:6-8). Chúa Jêsus đã không rúng động trong thân phận con người của Ngài, Ngài đã không cần phải tự tôn vinh mình.
Giăng đoạn 13 làm cho điều nầy rõ hơn: "Đức Chúa Jêsus biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình, và mình đã từ Đức Chúa Trời đến, cũng sẽ về với Đức Chúa Trời, nên đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chơn cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chơn cho "(câu 3-5).
Hãy lưu ý chữ "biết ". Chúa Jêsus đã biết Ngài là ai nhưng Ngài đã làm công việc thấp hèn nhất mà không mất đi"hình ảnh của một người lãnh đạo vĩ đại ". Ngược lại, ngày nay nhiều giám mục thường hành động một cách khoe khoang trong những bộ đồ của vua chúa.
Rửa chơn cho người khác là công việc hèn hạ nhất theo phong tục trong thời Chúa Jêsus. Đó là công việc của người nô lệ. Trong thời Chúa Jêsus, người nô lệ rửa chơn cho khách để tỏ lòng hiếu khách.
Rửa chơn là một trách nhiệm không mấy được ưa thích. Đường xá rất dơ bẩn nhưng những rác rưởi trên đường thì muôn lần dơ bẩn hơn. Phương tiện đi lại của thời ấy là lạc đà, lừa, ngựa và con la.
Chỉ cần một chút tưởng tượng cũng biết được những con đường thời đó dơ bẩn như thế nào. Bàn chân của những người lữ hành bám đầy phân súc vật cũng như bụi bặm.
Tục lệ rửa chơn được dành cho những tên nô lệ thấp hèn nhất. Công việc này được nghĩ rằng sẽ làm tăng phẩm giá của "những vị khách quí "
Tuy nhiên, đây chính là công việc mà Chúa của chúng ta đã hạ mình xuống và thực hiện. Những phản ứng quyết liệt của môn đồ là hoàn toàn dễ hiểu. Làm sao Chúa Jêsus có thể làm những việc như vậy? Làm sao Ngài, Chúa và vua của họ, lại có thể đi rửa chơn cho các môn đồ của Ngài?
Ngài có thể làm như vậy bởi vì Ngài biết rõ mình là ai. Ngài biết Cha đã giao phó hết thảy mọi việc trong tay mình. Ngài biết rõ Ngài đến từ Cha và Ngài là con Đức Chúa Trời cũng như là Đấng Mêsia đã được phán hứa.
Ngài biết mình sẽ trở về cùng Cha sau khi Ngài chiến thắng tội lỗi, sự chết âm phủ và mồ mả. Ngài không cần phải chứng minh cho những người khác mình là ai. Cuộc đời của Ngài đã chứng minh Ngài là ai cho tất cả những ai có sự nhận thức thuộc linh.
Đó là một đêm tối thứ sáu. Buổi họp với những đồng nghiệp của chúng tôi sẽ tổ chức vào sáng thứ hai. Nhưng rồi nhà xí lại bị nghẹt và nước không thể thoát ra được. Lúc đó đã đến giờ đi ngủ và chúng tôi cần phải có sức để làm công việc của ngày thứ bảy, nhưng nhà xí cũng cần phải được giải quyết ngay. Bạn hãy đoán xem ai sẽ làm công việc đó?
Bởi vì không ai nên tôi phải làm. Những người khác đã đi chuẩn bị nơi dựng trại. Tôi mặc vào một bộ đồ bẩn thỉu và bắt đầu đào để thông nơi ống bị nghẹt. Trong lúc tôi đang hì hục với công việc, từ đầu gối trở xuống ngập trong nước cống sình lầy, thì một người lãnh đạo từ một nơi khác đến.
Ông ấy chưa bao giờ đến làng này. Ông chưa hề gặp tôi nên hỏi tôi rằng: ông có thể tìm anh Mahoney, Giám đốc tổ chức truyền giáo toàn cầu ở đâu không. Tôi trả lời"anh ta đang ở trước mặt ông đây "."ông chính là Mahoney? " anh há hốc miệng ngạc nhiên pha lẫn chút nghi ngờ. Phải nói là ông ta bị "sốc" khi trông thấy tôi làm công việc đó.
Trách nhiệm đòi hỏi như vậy. Buổi Hội nghị không thể bắt đầu nếu như công việc không được hoàn tất trước ngày thứ bảy. Họ không thể đến làm việc nếu như phòng tắm không thoát nước, vì vậy tôi phải làm công việc đó, và không cảm thấy phiền lòng chút nào.
Một người không được chuẩn bị để chùi rửa nhà vệ sinh (nếu hoàn cảnh đòi hỏi như vậy), người đó cũng không được chuẩn bị cho chức vụ lãnh đạo. Suy nghĩ rằng những công việc như thế làm mất phẩm giá của bạn, thì bạn đã không hiểu hết mục đích của chức vụ lãnh đạo. Nếu bạn không tin cậy Đức Chúa Trời cách vững vàng, ma quỉ sẽ dễ dàng hất bạn ra khỏi chức vụ lãnh đạo.
Một người lãnh đạo phải sẵn sàng cúi xuống trước các "môn đệ" của mình, rửa chơn cho họ nếu như ông muốn trở nên giống như Chúa Jêsus. Biết chắc mình là Con của Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus đã phục vụ mọi người mà không hề sợ hãi. Điều này trái ngược với thái độ yêu mến địa vị của những người lãnh đạo xác thịt chưa trưởng thành.
Có người đã nói rằng: "Nếu bạn nhìn thấy một người đang tìm kiếm quyền lực, hãy coi chừng ông ta, ông ta sẽ gây nên những rắc rối. Nếu bạn nhìn thấy một người đang tìm kiếm trách nhiệm hãy cất nhắc ông ta, ông ta sẽ đem đến nhiều phước hạnh "
Chúng ta phải tìm kiếm trách nhiệm, không phải quyền lực. Trong chức vụ lãnh đạo Hội Thánh, lòng yêu mến địa vị đã phá đổ nhiều người lãnh đạo. PhaoLô viết: "ví bằng có kẻ ưa muốn được làm Giám mục ấy là ưa muốn một việc tốt lành "
Tuy nhiên nếu mong ước của bạn là địa vị và quyền lực chứ không phải trách nhiệm, chắc chắn bạn sẽ sa ngã như Satan đã từng sa ngã.
Người lãnh đạo Hội Thánh phải chiến thắng sự kiêu ngạo còn cư ngụ trong ông (Rô 7:14-24), bước đi trong sự khiêm nhu, tìm kiếm sự phục vụ, tránh những điều gì có thể làm mình có tư tưởng cao quá lẽ (suy nghĩ về mình cao hơn sự thật).
Những biểu hiện tinh vi của sự kiêu ngạo dễ dàng nhận thấy một khi bạn đã biết chúng. Sau đây là hai hoặc ba biểu hiện đó:
Đó là suy nghĩ rằng những người khác hoặc những công việc nào đó là "thấp kém hơn so với phẩm giá của bạn "hoặc suy nghĩ bạn quan trọng hơn những người khác bởi vì bạn đang giữ một vai trò lãnh đạo.
Đó là chấp nhận sự tôn kính đặc biệt dành cho người lãnh đạo và được những người khác phục vụ thay vì phải phục vụ người khác.
PhaoLô cảnh cáo chúng ta phải từ bỏ "những tư tưởng cao quá lẽ "(Rô 12:3). Chúng ta bắt đầu kiêu ngạo khi chúng ta đánh giá mình cao hơn sự thật.
Những biểu hiện này và những điểm tương tự cho thấy chúng ta đang phạm một tội vô cùng tinh vi: kiêu ngạo. "Lòng ngươi đã kiêu ngạo vì sự đẹp đẽ ngươi... vì vậy, ta đã xô ngươi xuống... "(Êxê 28:17).
Êva đã sa ngã bởi vì Satan đã khơi dậy sự kiêu ngạo trong lòng bà: "...Ngươi sẽ như Đức Chúa Trời... " (Sáng 3:5). Kiêu ngạo chắc chắn sẽ làm cho chúng ta sa ngã."Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã "(Châm 16:18)
Sự kiêu ngạo vô cùng nguy hiểm bởi vì nó rất tinh vi. Sự kiêu ngạo giống như một hột cỏ lùng ở giữa ruộng lúa; nó sẽ mọc lên và lan ra nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời.
Có thể bạn bắt đầu chức vụ như một người lãnh đạo khiêm nhường, nhưng khi bạn "tự hào" về sự khiêm nhường của mình, bạn không còn khiêm nhường nữa.
Kiêu ngạo là một kẻ hủy diệt. Đấy là lý do tại sao Đức Chúa Trời muốn cho những người mới tin đạo chỉ gánh một phần nhỏ trách nhiệm để người ấy tăng trưởng mà không bị hủy diệt bởi sự kiêu ngạo. "Người mới tin đạo không được làm giám mục, e người tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỷ chăng "(ITi 3:6).
Nếu kiêu ngạo là một kẻ thù vô cùng quỉ quyệt và rất khó phát hiện, thì làm sao chúng ta có thể đề phòng nó? Làm sao chúng ta có thể ngăn ngừa tội lỗi của loài rắn này? Sau đây là một vài bước chúng ta phải noi theo để tránh rơi vào cạm bẫy này:
Duy trì một mối liên hệ mật thiết với Chúa Jêsus qua kỷ luật của sự cầu nguyện, siêng năng đọc Kinh Thánh mỗi ngày và khẳng định rằng mình phải suy gẫm về những Lời mà Ngài dành cho bạn. Điều này sẽ giữ bạn tập trung vào sự vinh hiển của Ngài và như thế sẽ giúp bạn duy trì một cái nhìn khiêm tốn về tầm quan trọng thật của chính mình.
Nếu có sự kiêu ngạo trong đời sống bạn, hãy giải quyết nó. Đavít nói: "Tôi kiêng ăn ép linh hồn tôi "(Thi 35:13)
Chức vụ lãnh đạo dễ làm bạn xa cách với những người khác. Kinh Thánh bảo chúng ta phải "...tiếp tục thông công với anh em " (Công 2:42). Luôn luôn duy trì những mối liên hệ thân thiết với những người mà bạn cho phép họ nói thật về đời sống bạn, mà nếu cần có thể là những lời sửa sai.
Người lãnh đạo nào không tiếp nhận những lời góp ý chân thật từ những người bạn đáng tin cậy sẽ dễ dàng đánh mất viễn cảnh tương lai của mình và rơi vào sự kiêu ngạo. Vì Giêrêmi đã khẳng định rằng: "lòng người ta là dối trá hơn mọi vật và rất xấu xa " (Giê 17:9), vì sự kiêu ngạo, chắc chắn chúng ta sẽ đi lạc lối nếu không có những sự bảo vệ này.
Thi 75:6 chép: "Sự tôn cao đến từ Đức Giê-hô-va ". Đức Chúa Trời sẽ lập bạn làm người lãnh đạo cho dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào. Ngài biết bạn đang ở đâu và sẽ cất nhắc bạn lên theo thời điểm của Ngài (IPhi 5:1-6).
Một người đầy tớ tốt luôn luôn cố gắng làm cho người mình phục vụ thành công. Nếu họ thành công bạn đã thành công. Nếu bạn chỉ tập trung vào sự thành công của chính bạn, sự kiêu ngạo sẽ dễ dàng nhiễm vào bạn (xem Phil 2:4).
Bất cứ lúc nào một người có bằng cấp hoặc được phong chức vào chức vụ, thì một trong những trách nhiệm hàng đầu người ấy phải thực hiện là rửa chân cho những người mà mình sẽ phục vụ. Nếu đó là một buổi nhóm đông đảo thì người phụ trách buổi nhóm ấy nên chọn ra những đại diện nam và nữ rồi người được đặt vào chức vị lãnh đạo sẽ rửa chân cho những người ấy.
Tôi khám phá ra rằng bất cứ lúc nào có sự xung đột xảy ra trong một hội thánh thì chức vụ rửa chân cho nhau là phương thuốc chữa trị tốt nhất, vì chức vụ ấy bẻ gãy sự kiêu ngạo đằng sau các mối bất hòa. Hãy để nữ rửa chân cho nữ và nam rửa chân cho nam.
Để được cứu khỏi thất bại vì đã kiêu ngạo, bạn hãy đọc lớn bài cầu nguyện này với Chúa ngay bây giờ
Lạy Chúa Jêsus yêu dấu, Ngài đã hứa rằng Ngài sẽ hướng dẫn con bước đi trong đường lối ngay thẳng và bảo vệ con khỏi mọi điều ác. Xin biến đổi con trở nên người đầy tớ Chúa muốn. Xin cứu con khỏi tội vô luân, tham lam và kiêu ngạo. Xin hãy tra xét lòng con và bày tỏ những tội lỗi kín dấu mà con không nhận biết. Xin cho con biết hạ mình sẵn sàng sửa chữa những lỗi lầm mà những người khác chỉ cho con thấy.
Xin hãy ban thêm sức để con có thể chịu nỗi sự sửa trị của Ngài. Con cám ơn Ngài đã biến con trở nên một người đầy tớ khiêm nhường như Ngài
Amen.
Chưa bao giờ những cơ hội hầu việc Đức Chúa Trời trong cương vị một người lãnh đạo cấp thiết như ngày nay. Chúng ta đang đứng trên ngưỡng cửa của "giờ thứ mười một trong mùa thu hoạch", khi mà nhiều linh hồn cần được gặt hái vào vương quốc của Đức Chúa Trời hơn kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần đến nay.
Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những người sẵn sàng từ bỏ "những điều thuộc về con trẻ" của đời này. Chúa Jêsus trao ách của Ngài cho những người có một đời sống kỷ luật muốn tham gia vào đoàn quân của những người hầu việc Ngài.
Số người đang làm lãnh đạo mà thất bại đông hơn là số người thất bại khi họ đang được trang bị để làm lãnh đạo. Satan đang cố gắng tiêu diệt những người lãnh đạo Cơ Đốc và nó đã tìm được những đồng minh, đó là bản chất xác thịt của chúng ta.
Khi Đức Chúa Trời huấn luyện những người nam và những người nữ để họ đứng vững trong vị trí lãnh đạo, Ngài cũng trang bị cho họ để họ tham gia trận chiến với Satan và chiến thắng nó.
Mặc dầu vậy, nhiều người đã thất bại trước những cám dỗ về đạo đức, làm cho danh sách những người bỏ cuộc dài hơn. Mục đích của tôi trong chương này là chỉ ra phương cách để tránh tấn bi kịch không cần thiết này, và giải thích nguyên tắc cốt yếu cho sự đứng vững của những người lãnh đạo.
Sự không trong sạch về luân lý luôn luôn là nguyên nhân gây ra thất bại của những người lãnh đạo Cơ Đốc, nhưng chưa bao giờ nan đề lại nghiêm trọng như thời nay. Chưa bao giờ những tấn công vào gia đình và hôn nhân trở nên căng thẳng như lúc này.
Người ta đang dạy một luân lý bào chữa cho tội ngoại tình, tà dâm và đồng tính luyến ái. Đó là những tội mà trước đây đã phá đổ biết bao quốc gia, các nền văn minh, nhưng giờ đây như là những lối sống tự do mới lạ.
Ở một số nước, những tác phẩm, hình ảnh đồi trụy được bày bán đầy dẫy khắp nơi đến nỗi một đứa trẻ ngây thơ cũng có thể mua được.
Làn sóng luân lý đồi bại đang tràn ngập trái đất này. Đúng như lời tiên tri của PhaoLô, trong những ngày cuối cùng này, con người đã đánh mất bản chất tình cảm tự nhiên của mình.
Nhiều người cười nhạo hôn nhân và họ truyền bá cho sự chung chạ tình dục bừa bãi. Những kẻ không có đạo đức diễn những màn vô luân về tình dục được chiếu trên truyền hình như những chuyện thường tình. Lịch sử và Kinh Thánh cho thấy rằng cách sống bình thường duy nhất là một vợ một chồng trong sự chung thủy.
Tất cả những điều này tăng thêm áp lực trên những người lãnh đạo Cơ Đốc. Vì là người lãnh đạo nên họ ở trong vị trí phải nghe biết về nhiều trường hợp bị cám dỗ và thất bại về tình dục. Những tiêu chuẩn đạo đức đồi trụy có thể làm cho họ trở nên yếu đuối hơn.
Khi một người nam phạm tội ngoại tình, thường là do người ấy thiếu lòng tự trọng bản thân. Sự nghi ngờ bản thân (thiếu lòng tin và đức tin vào Đức Chúa Trời) là gốc rễ của những sự lăng nhăng tình dục.
Một số người khác cảm thấy họ cần phải chứng tỏ sự thu hút của mình đối với những người khác phái bằng cách đùa cợt với vấn đề tình cảm. Kết quả là họ rơi vào tội tà dâm.
Nếu chúng ta nghi ngờ về chính mình, hoặc nghi ngờ về sự kêu gọi của mình, chúng ta sẽ rơi vào sự kiêu ngạo hay lòng khao khát sự chú ý của người khác. Chúng ta cố gắng bù đắp những chỗ thiếu hụt bằng cách khoe khoang về mình và nói những điều mà chúng ta nghĩ rằng nó sẽ đem đến cho chúng ta tầm quan trọng trong mắt của người khác. Một loại nghi ngờ khác nữa gây nên sự thất bại trong tình dục.
Sự dễ bị thất bại trong luân lý cũng bắt nguồn từ sự nghi ngờ bản thân như sự kiêu ngạo, chỉ khác là nó là sự nghi ngờ trong mối liên hệ hôn nhân của chúng ta.
Tại sao một người nam hoặc một người nữ của Đức Chúa Trời lại có thể phạm các tội về tình dục thì không phải là một điều quá khó hiểu nữa. Nó xảy ra từng hồi từng lúc và hầu như có những lý do như nhau. Ít có tội lỗi nào được đề cập đến trong suốt Kinh Thánh như là tội này.
Salômôn đã cảnh cáo những người "trai trẻ" phải cẩn thận trong các mối liên hệ với những người khác phái. PhaoLô nói đến nhu cầu cần có một mối quan hệ yêu thương, đầm ấm với vợ là cách để tránh tội ngoại tình. (ICôr 7:1-7).
Nhiều Mục sư vẫn không lưu ý đến lời khuyên thực tế này và đã rơi thẳng vào trong cạm bẫy của Satan. Buồn thay, điều này lại xảy ra ngay trong thời điểm những cánh đồng thế gian đang cần rất nhiều người vững vàng để gặt hái những linh hồn đang hư mất.
Ý muốn của Đức Chúa Trời là mọi người nam phải sống chung thủy với vợ. Bất cứ điều gì vi phạm ý muốn này điều là tội lỗi. Kinh Thánh dạy chúng ta phải vui mừng, thỏa lòng trong mối liên hệ hôn nhân đúng đắn. Đức Chúa Trời đã tạo nên người nam và người nữ để họ tìm thấy chiếc xương sườn tình cảm, tình yêu và lòng chung thủy trong hôn nhân.
Ngược lại sẽ không bao giờ có sự chung thủy hoặc sự thỏa lòng trong sự ngoại tình hay sự tà dâm. Nó chỉ đầy sợ hãi, tội lỗi, trống vắng và thất vọng. Một cuộc hôn nhân kính sợ Chúa sẽ ngăn chận tội tà dâm và tội ngoại tình.
Tôi cần phải nhấn mạnh rằng chỉ có mối liên hệ hôn nhân đúng đắn mới đem lại sự thỏa lòng. Một mối liên hệ hôn nhân chỉ đầy sự xô xát cay đắng sẽ không bao giờ đem đến sự thỏa lòng được. Satan dễ dàng giăng chiếc bẫy của nó cho những người lãnh đạo nào đang thất bại trong cuộc sống gia đình.
Đức Chúa Trời phán: "Loài người ở một mình thì không tốt; Ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó "(Sáng 2:18).
Đức Chúa Trời thiết lập mối hôn nhân bởi vì Ngài biết rằng một người nam hay một người nữ sẽ không trọn vẹn nếu họ sống một mình. Họ cần phải có một người giúp đỡ để có thể tồn tại sau những tấn công do cuộc sống mang đến.
"Hai người hơn một... Nếu người này sa ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa ngã, không có ai đỡ mình lên! ...Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thể chống cự nó... "(Truyền 4:9-12).
Những câu Kinh Thánh này bày tỏ mục đích của Đức Chúa Trời trong hôn nhân, người này nâng đỡ người kia. Khi Đức Chúa Trời dựng nên người nữ, mục đích của Ngài là để họ trở thành người giúp đỡ cho những người nam. Nhưng tiếc thay, thay vì bà Êva giúp đỡ cho ông Ađam hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời, bà đã giúp đỡ ông thất bại.
Ma quỉ đã tìm thấy một kẻ giúp đỡ trong Êva. Nó không thể trực tiếp khiến Ađam phạm tội, vì vậy nó đã hành động qua người nữ để "giúp đỡ". Êva là một người giúp đỡ, nhưng bà đã giúp đỡ cho mục đích của ma quỉ hơn là cho Đức Chúa Trời hoặc cho Ađam.
Vài năm trước đây tôi biết một người Truyền đạo được sự kêu gọi và được Đức Chúa Trời xức dầu cách mạnh mẽ. Chúa đã mở những cánh cửa chức vụ cho ông cách vô cùng kỳ diệu.
Ông được các miền chung quanh mời để ban phát sứ điệp và họ tin rằng qua sứ điệp của ông, hàng ngàn linh hồn đang hư mất ở đó được cứu rỗi.
Thế nhưng, có một khuôn mẫu cứ lập đi lập lại mãi đó là cứ một tuần trước khi ông khởi hành, vợ ông bắt đầu "nổi trận lôi đình" vì chuyến đi của ông. Thái độ của bà cũng làm con cái được kích động và chúng đã hùa theo bà tấn công ông không ngớt cho đến khi ông đầu hàng và hủy bỏ buổi truyền giáo.
Điều này xảy ra quá thường xuyên đến nỗi cuối cùng hầu hết mọi người bắt đầu mất lòng trông cậy nơi anh em yêu dấu này. Họ nghĩ rằng ông không đáng được tin cậy. Ông không làm đúng như lời ông nói. Ông không làm như điều ông hứa.
Họ không biết rằng ông đã bị vô hiệu hóa bởi một bà vợ, giống như Êva, đã cho phép Satan sử dụng bà để ngăn cản chức vụ đầy quyền năng của ông. Tôi chắc rằng nhiều nơi vẫn còn là lãnh thổ của Satan trong khi đáng lý ra nó đã được chinh phục cho Đấng Christ nếu ông đã đi đến đó.
Tôi tự hỏi bao nhiêu lần những người chồng đã vô hiệu hóa chức vụ của vợ mình, và bao nhiêu lần những người vợ đã vô hiệu hóa chức vụ của chồng mình, khi họ biến thành những "người giúp đỡ" của Satan một cách vô ý thức, vì những lý do ích kỷ của họ.
Trong thư thứ nhất của mình, Phierơ viết rất nhiều về hôn nhân của Cơ Đốc nhân (IPhierơ 3). Thật thú vị là mỗi khi Kinh Thánh đề cập đến hôn nhân, vai trò và trách nhiệm của người vợ luôn luôn được đề cập trước, rồi sau đó mới đến người chồng.
Chắc chắn điều này là do:"người đàn bà (Êva) bị dỗ dành mà sa vào tội lỗi "(ITi 2:14).
Từ đó có những ý kiến cho rằng người vợ có một trách nhiệm ưu tiên để hành động cách thích hợp trong đời sống vợ chồng. Nếu người vợ hành động như vậy, gia đình sẽ hòa thuận và vững chắc hơn, và các mục đích trong ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện. Nhưng nếu bà không làm như vậy, thì ý muốn của ma quỉ có thể chiến thắng như nó đã chiến thắng Êva. Qua Êva, ma quỉ đã vô hiệu hóa sự kêu gọi và chức vụ của Ađam, và Ađam đã thất bại.
Nhưng không một người nam nào có thể dựa vào những điều trên để bào chữa cho những hành vi sai trái hay thất bại của mình trong đời sống vợ chồng. Người đàn ông có trách nhiệm bằng hoặc lớn hơn trách nhiệm của người nữ.
"Hỡi người làm chồng hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là giống yếu đuối hơn, vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em.
"Rốt lại, hết thảy anh em phải đầy lòng thương xót và tình yêu thương lẫn nhau, có lòng nhân từ và đức khiêm nhượng. Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành "(IPhi 3:7-9).
Cả người chồng lẫn người vợ đều có trách nhiệm duy trì bầu không khí yêu thương, ấm cúng trong gia đình. Người vợ phải vâng phục dịu dàng và tinh thần điềm tĩnh cùng với trách nhiệm trông nom những nhu cầu tình cảm, tài chánh cũng như những nhu cầu thực tiễn khác của các thành viên trong gia đình để cùng đóng góp bổn phận trong gia đình.
Một khi sự hòa thuận giữa hai vợ chồng bị đổ vỡ, người chồng lập tức mất đi sự giúp đỡ và khích lệ từ người vợ. Những cảm giác bị từ bỏ, nghi ngờ và thất bại gia tăng. Vào lúc đó, những người trong cuộc sẽ biến thành trò chơi cho Satan.
Hình ảnh sau sẽ cho thấy những điều này như thế nào:
Bạn là một người truyền đạo bắt đầu được Đức Chúa Trời chúc phước. Chức vụ của bạn đang phát triển. Bạn thật sự cần có nhiều thì giờ hơn để giải quyết các công tác đang gia tăng. Vấn đề này xảy đến rất nhanh cho những ai không biết quản lý thì giờ cách khéo léo và không biết làm cách nào để ủy thác trách nhiệm cho những người khác.
Dần dần bạn có rất nhiều việc phải làm và cảm thấy mình không có nhiều thời gian ở nhà. Thời gian ở nhà không còn là thời gian nghỉ ngơi như trước nữa. Bạn bị những công việc khác trong chức vụ cuốn hút hay bạn suy nghĩ quá nhiều về những kế hoạch truyền giáo kết quả hơn hoặc những bài giảng thành công hơn.
Bạn cảm thấy hài lòng về những gì đang xảy ra trong chức vụ của bạn. Điều này không có gì lạ bởi vì Đức Chúa Trời đang hành động qua bạn là người Ngài đã kêu gọi. Nhưng khi bạn thấy mình được Đức Chúa Trời dùng nhiều hơn, thì sự thỏa mãn bản thân bởi công việc của bạn càng tăng hơn trước.
Nhưng điều này không hoàn toàn đúng đối với những người nữ. Mặc dù họ cũng hài lòng vì những công việc của họ, nhưng sự thỏa mãn lớn hơn hết vẫn là được người chồng thương yêu và quan tâm.
Trong khi bạn đang đổ hết tâm trí vào chức vụ, có thể những nguy hiểm thực sự bắt đầu nảy sinh. Có nhiều khi thời gian ở nhà rất ít là việc không thể tránh khỏi, đó là trách nhiệm của bạn trong cương vị một người lãnh đạo hoặc một người giảng dạy.
Nhưng sự kiêu ngạo có thể bắt đầu đóng một vai trò nhỏ trong chương trình của bạn. có thể bạn sẽ bắt đầu cảm thấy rằng bạn là nhân vật không thể thiếu được trong chức vụ bạn đang chịu trách nhiệm, rằng Hội Thánh không thể phát triển nếu không có bạn. Nếu bạn thất bại trong việc huấn luyện và trang bị cho những người khác bước vào chức vụ (Êph 4:11), bạn sẽ bắt đầu thâu tóm nhiều công việc hơn sức bạn có thể làm. Tại đây bạn đang vượt qua một giới hạn rất nhỏ, nhưng rất khó phân biệt, đó là sự mãn nguyện của một ý thức đúng đắn về việc Đức Chúa Trời đang dùng bạn bắt đầu trở thành một cảm giác kiêu ngạo. Bạn bị lừa dối, tin rằng bạn là nguyên nhân của sự thành công. Bạn trở nên tự hào vì sự bận rộn của bạn, vì sự quan trọng và sự vĩ đại mà chính bạn nghĩ như vậy.
Bây giờ tình hình trong gia đình bạn bắt đầu thay đổi. Không chỉ vì bạn có ít thời gian ở nhà, nhưng bây giờ, những lúc bạn ở nhà không còn ý nghĩa như trước kia nữa.
Có lẽ bạn không nhận ra vợ bạn không được vui vẻ, hạnh phúc như trước. Quan hệ của bạn với vợ bây giờ trở thành hời hợt. Khi mới cưới, bạn yêu thương vợ mình vô cùng và cũng tỏ ra như vậy nữa, nhưng bây giờ, vợ bạn cảm thấy vị trí của cô đứng sau những công việc khác của bạn.
Một ngày kia khi bạn về đến nhà, vợ bạn giận dữ, phàn nàn và buộc bạn phải ở nhà. Hoặc nếu cô im lặng, cô ta đang giận dỗi bạn. Cô ta cần bạn quan tâm và có nhiều thì giờ với cô hơn.
Bạn không nhận ra rằng chức vụ và địa vị mà trước kia là niềm vui chung của cả hai, bây giờ nó lại trở thành đối thủ và kẻ thù của vợ bạn. Cô ta cảm thấy mình cần phải tranh chiến với chức vụ của bạn để giành lấy tình yêu của bạn.
"Cô ấy đang chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời ", có thể bạn nghĩ như vậy. Mặc dù bạn đã cố gắng tỏ ra dịu dàng, thương yêu nhưng quan hệ của bạn với vợ vẫn ngày một xấu đi. Bạn cảm thấy vợ bạn là đối thủ của bạn, và cô ta đã đưa ra những đòi hỏi vô lý. Dường như cô ấy nói rằng:"Anh hãy chọn đi, một là em, hai là chức vụ của anh ".
Một người vợ khôn ngoan, thông cảm sẽ nhận ra ngay điều gì đang xảy ra. Cô ta sẽ cố gắng an ủi chồng rằng mình vẫn thương yêu và quan tâm đến chồng. Rồi sau đó cô giải thích mình đã đau khổ như thế nào và kêu gọi chồng cô cố gắng hiểu cô hơn.
Nhưng những người vợ đang quá đau khổ thường không đủ bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Họ thường giận dữ xua đuổi chồng, và làm cho mọi việc càng tồi tệ hơn. Ngay khi bạn vừa về đến nhà, nơi mà đã có lần cả hai vợ chồng từng mơ ước, vợ bạn dường như muốn xa lánh bạn.
Quan hệ tình dục của bạn với vợ trở nên xấu đi. Bạn cảm thấy mình không còn cần thiết trong gia đình nữa. Gia đình không còn là nơi đáng mơ ước và vui vẻ như trước kia. Mặc dù điều này làm bạn đau khổ, nhưng bạn thường lẫn tránh thời gian ở trong gia đình bằng cách lo lắng cho chức vụ nhiều hơn.
Nhưng không bao lâu sau, bạn nhận ra rằng sự hài lòng về công việc cũng không giúp bạn quên được việc bạn bị từ khước trong gia đình. Sự nghi ngờ, bất an của bạn tăng lên, nói chung bạn cảm thấy khó chịu cho hoàn cảnh của bạn, và Satan bắt đầu giương chiếc bẫy cuối cùng của nó.
Khi tình hình trong gia đình của bạn đang xấu đi, tiềm thức của bạn bắt đầu hoạt động. Sự thờ ơ của vợ đã làm tổn thương lòng kiêu ngạo của bạn, nhưng bạn không thể thừa nhận chính bạn phải chịu trách nhiệm một phần lớn trong nan đề này. Bạn chỉ đổ lỗi rằng vợ bạn không muốn hiểu bạn.
Có thể bạn nghĩ rằng vợ bạn không còn yêu bạn nữa. Bạn bị tổn thương. Bạn cần phải vững tâm. Vô tình bạn cảm thấy cần phải xác nhận lại bản chất đàn ông của bạn và chứng tỏ rằng sự lãnh đạm của vợ bạn, như bạn nghĩ, không hề phá đi tính đàn ông của bạn.
Là một người lãnh đạo Hội Thánh, bạn phải đưa ra những lời khuyên cho những người đến hỏi ý kiến bạn. Phần nhiều trong số họ là phụ nữ.
Điều này đã xảy ra vào một buổi tối tai họa. Bạn đã nhiều lần nhìn thấy người phụ nữ trẻ này trong các buổi giảng. Mặc dù cô là một người vững vàng tâm linh hơn những người khác trong Hội Thánh, nhưng cô đang chịu đau khổ vì chồng cô là một người ngoại đạo và rượu chè say sưa.
Cô tìm đến những ý kiến của bạn bởi vì cô muốn có sự giúp đỡ để xây dựng đức tin và có một đời sống trưởng thành, mặc dù hoàn cảnh gia đình của cô hết sức tệ hại. Những ý kiến của bạn đã đem đến cho cô sự bình an.
Và bạn phát triển mối liên hệ tin cậy như vậy, có thể bạn cũng chia xẻ những nỗi đau và những nan đề trong gia đình bạn. Trong cuộc nói chuyện bạn cảm thấy cô là một người biết thông cảm, thậm chí hơn cả vợ bạn.
Có thể tình hình trong gia đình bạn đang hết sức gay cấn, hoặc bạn đang cảm thấy sự lãnh đạm của vợ bạn ngày càng gia tăng. Và vì vậy mà bạn cảm thấy buổi nói chuyện này làm bạn dễ chịu hơn thường lệ. Và điều không ngờ đã xảy ra. Một sự đụng chạm vô tình, một cái liếc mắt làm bạn xao xuyến và tình cảm nẩy sinh.
Bạn trở nên yếu đuối do hoàn cảnh gia đình của bạn. Bạn đang cô đơn và không được bảo vệ. Satan giương chiếc bẫy của nó ra và bạn thấy mình đang ở trong vòng tay của người khác. Buổi nói chuyện nầy trở thành buổi hẹn hò ngoại tình đầu tiên của bạn. Bạn đã rơi vào tội ngoại tình.
Đây là câu chuyện tưởng tượng. Nó được rút ra từ những điểm giống nhau trong những câu chuyện của những người lãnh đạo Hội Thánh đã từng có những mối quan hệ tình cảm bất chánh. Mặc dù chi tiết có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng đại ý là có thật. Nó có thể xảy ra cho bất cứ người nào không cẩn thận.
Nạn nhân trong chiếc bẫy độc hại của ma quỉ này có lẽ sẽ cố gắng bào chữa cho chính mình, đỗ tội cho vợ, cho người đến xin ý kiến hoặc cho những người khác nữa.
Nếu ông ta là một người khôn ngoan, ông sẽ ăn năn và đặt tội lỗi vào đúng chỗ của nó: Lòng ham muốn của chính ông. Trong trường hợp này, tội ngoại tình xuất phát do sự nghi ngờ mối liên hệ hôn nhân của chính bạn. Và sự nghi ngờ đó bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm của bạn đối với vợ và gia đình của bạn.
Sau sự tương giao với Chúa, mối liên hệ quan trọng nhất của một người lãnh đạo Hội Thánh là với vợ của mình. Đức Chúa Trời phán:"Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt "(Sáng 2:24).Nếu Đức Chúa Trời đã định cho một người nam phải sống với một người vợ, thì trách nhiệm trước nhất của anh ta là trách nhiệm đối với người vợ. Đức Chúa Trời không muốn bất cứ điều gì can thiệp vào mối liên hệ đó.
Cũng vậy, Đức Chúa Trời đã kêu gọi bạn vào chức vụ, và ban cho bạn một người vợ và đòi hỏi bạn phải thương yêu vợ mình (Êph 5:25). Ngài đòi hỏi rằng tình yêu của bạn đối với vợ phải mạnh hơn bất cứ điều gì khác trừ ra chính mình Ngài.
Hãy lưu ý điều này: Đối với vợ bạn, không có gì khác nhau nếu công việc của bạn cướp đi tình yêu của bạn với cô ấy hoặc một người đàn bà khác làm điều đó. Nỗi đau khi cô mất tình yêu của bạn trong hai trường hợp điều giống nhau.
Đức Chúa Trời không chỉ đòi hỏi chúng ta phải thương yêu vợ mình mà còn đòi hỏi chúng ta phải yêu vợ như thế nào. "Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh... Đặng tỏ ra Hội Thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài.
"Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng chăm sóc nó như Đấng Christ đối với Hội Thánh...
"Vậy nên người đàn ông phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người cùng nên một thịt "(5:25-31).
Mệnh lệnh từ thuở ban đầu của Đức Chúa Trời là người nam phải lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình. Khi một người nam và một người nữ cùng học biết gắn bó với nhau, họ sẽ nhận được sự thỏa mãn trong tình yêu hôn nhân mà không nơi nào có được.
Có nghĩa là những người lãnh đạo Hội Thánh như bạn và tôi trước hết phải dành đời sống chúng ta cho vợ mình. Đeo đuổi chức vụ, hay quan tâm đến bầy hay cho bất cứ điều gì khác để đánh đổi mối quan hệ với vợ là làm tổn hại đến gia đình và phá đổ thứ tự của Đức Chúa Trời. Điều này sẽ mở một cánh cửa mà Satan sẽ bởi đó bước vào và hủy diệt chúng ta.
Khi thành hôn, bạn tuyên hứa sẽ yêu thương, săn sóc, chung thủy với vợ mình suốt đời. Nếu bạn không giữ lời hứa nguyện nầy và đặt đúng sự ưu tiên trong quan hệ với vợ, bạn sẽ làm tổn thương tinh thần của nàng cũng như làm cho nàng cay đắng với bạn. Điều này dẫn đến sự lãnh đạm của vợ và bạn sẽ dễ dàng sa vào sự cám dỗ do lòng kiêu hãnh bị tổn thương.
Tuy nhiên nếu bạn cứ duy trì lời giao ước của bạn với vợ, bạn có thể thấy rằng bạn có thể xây dựng một gia đình bền vững và có được sự bảo vệ chắc chắn khỏi các bẫy rập của Satan.
Đức Chúa Trời không muốn chúng ta chìu theo những ham muốn xác thịt của những người vợ. Chồng và vợ cả hai điều được kêu gọi để giúp đỡ nhau cùng trưởng thành trong ân điển và đời sống Cơ Đốc. Tuy nhiên chúng ta cần hết sức cẩn thận không làm cho vợ chúng ta trở nên cay đắng, khó chịu bởi vì chúng ta không yêu thương chăm sóc họ như đáng phải làm.
Không phải chỉ có vợ bạn là người có lợi khi bạn yêu thương nàng theo cách Đấng Christ đã yêu Hội Thánh. Chính bạn cũng sẽ được lợi.
Người vợ nào cũng yêu thương và kính trọng người chồng yêu thương nàng. Vâng phục là điều không mấy khó khăn đối với phụ nữ khi họ được chồng thương yêu. Những người đàn ông nào thương yêu vợ mình, quan tâm đến vợ, chia sẻ những chuyện riêng tư với vợ là những người đang xây dựng cho hôn nhân một nền tảng vững chắc, là nơi bảo vệ họ khỏi những tấn công của Satan.
"Song, cho được tránh khỏi mọi sự dâm dục, thì mỗi người đàn ông phải có vợ, mỗi người đàn bà phải có chồng "(ICôr 7:2).Một người chồng yêu thương vợ sẽ tránh khỏi sự phiền toái của những sự cám dỗ tình dục, bởi sự thỏa mãn trong quan hệ xác thịt của người ấy với vợ mình đã quá đầy đủ.
PhaoLô biết điều này nên đã khuyến khích những người nam và những người nữ hãy lập gia đình và sống trong tình yêu của giao ước. Sự cám dỗ tình dục sẽ mất đi sức hấp dẫn của nó đối với những người lãnh đạo Hội Thánh có mối liên hệ gia đình hòa thuận êm ấm.
Trái lại, nếu một người nam hoặc một người nữ nào từ chối những quyền làm chồng, làm vợ của chồng hay vợ mình là họ đang mời những nan đề vào cuộc hôn nhân của họ. Không nên để tình dục được dùng như hình phạt, kiểm soát hoặc lạm dụng một cách ích kỷ đối với người phối ngẫu của bạn.
Khi những Mục sư kinh nghiệm được sự thành công trong chức vụ, lòng kiêu ngạo của họ bị khơi dậy bởi những sự ca ngợi và cảm giác cho mình là quan trọng bắt đầu phá hoại hôn nhân của họ.
Cho đến bây giờ, bạn cần phải nhớ rằng người mà bạn đã thành hôn vẫn là ưu tiên hàng đầu, cho dù bạn có nghĩ rằng chức vụ của bạn thành công hay quan trọng bao nhiêu chăng nữa, cuối cùng bạn cũng sẽ thất bại nếu bỏ qua trách nhiệm mà Đức Chúa Trời đã giao cho bạn đối với vợ bạn.
Châm ngôn chép về tội ngoại tình như thế này:"Kẻ nào phạm tội ngoại tình với đàn bà, tất vô tâm vô trí. Ai làm như vậy, khiến cho linh hồn mình bị hư mất. Người ấy sẽ bị thương tích và khinh bỉ. Sự sỉ nhục sẽ chẳng bôi mất đi. "
Vì sự ghen ghét là điều giận dữ của người nam, trong ngày báo thù người không dong thứ. Người sẽ chẳng nhận giá đền tội nào hết, mặc dầu con gia tăng của lễ người cũng không đặng phỉ ý đâu "(Châm 6:32-35).
Đức Chúa Trời sẽ tha thứ và quên hết những tội lỗi nào một người lãnh đạo đã vấp phạm và thật sự ăn năn. Nhưng, con người thì không. Họ sẽ nhớ suốt đời. Và nhiều người sẽ không bao giờ tha thứ cho người nào đã làm họ thất vọng bởi sự thất bại về luân lý của người ấy. Những người lãnh đạo đó sẽ ngày đêm bị ám ảnh bởi những suy nghĩ "Tôi đã thật sự được tha tội hay không?"
Trong suốt cả Cựu ước và Tân ước, chúng ta được cảnh cáo phải tránh xa những tình dục bất khiết bằng mệnh lệnh và cả những tấm gương đã để lại. Châm ngôn đã lặp lại nhiều lần rằng:
"Kẻ nào phạm tội ngoại tình với đàn bà tất vô tâm vô trí "
a. Hai con trai của HêLi... đã bị Đức Chúa Trời hình phạt bởi vì họ đã phạm tội tà dâm cùng các người nữ hầu việc tại cửa hội mạc.
b. Samsôn... đã thất bại và bị mất cả sự sống bởi vì ông đã phạm tội tình dục bất khiết với Đalila.
c. Đavít... là một người được Đức Chúa Trời thương yêu, nhưng ông phải chịu đau khổ suốt cuộc đời bởi vì ông đã phạm tội ngoại tình với Bátsêba.
d. Salômôn... chính là người đã viết sách Châm ngôn và đã cảnh cáo chúng ta về những hậu quả đau đớn của tội tà dâm và tội ngoại tình, nhưng ông đã đánh mất sự thương yêu của Đức Chúa Trời do tội tình dục bất khiết.
Dầu vậy, nhiều người lãnh đạo Hội Thánh vẫn đang thất bại bởi vì họ chìu theo những ham muốn xác thịt. Nhưng bạn không được làm như vậy. Có nhiều điều bạn cần phải làm để bảo vệ bạn tránh khỏi tội lỗi gớm ghiếc này, là tội lỗi có thể hủy diệt những đầy tớ không cẩn thận của Đức Chúa Trời.
Chúng ta đã nói về sự cần thiết phải yêu thương vợ mình. Điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng những nền tảng vững chắc cho đồn lũy của chúng ta, để chúng ta có thể chống lại tội lỗi đau thương này; ngoài ra cũng còn có những vật liệu khác dùng để xây dựng những bức tường.
Bạn hãy quyết định lần cuối cùng rằng bạn sẽ không phạm tội tà dâm hoặc ngoại tình...rằng bạn sẽ sống thánh khiết trong sự phục vụ Đức Chúa Trời. Những nhà tâm lý học nói rằng những ai đã chắc chắn quyết định một điều gì đó, họ sẽ không bao giờ thay đổi nó.
Kinh Thánh đã nói về một "sự hối cải theo ý Đức Chúa Trời mà về sự đó người ta chẳng hề ăn năn "hay là một "sự hối cải không hề hối tiếc "(IICôr 7:10).
Một khi chúng ta đã quyết định chắc chắn, cương quyết quay khỏi tội này, chúng ta đã làm một"sự hối cải không hề nuối tiếc ".
Nhiều người trong chúng ta vẫn tin rằng ngoại tình và gian dâm là những tội không thể đùa giỡn được, nhưng chúng ta thường để dành một chỗ nhỏ trong đầu chúng ta để chơi giỡn với ý nghĩ đó. Chúng ta không hoàn toàn đuổi những ý nghĩ đó ra khỏi đầu chúng ta hoặc thậm chí thường thách thức Satan khi nó mang những sự cám dỗ ấy đến.
Hỡi anh em yêu dấu, khi anh em làm những việc đó. Anh em đang gieo mầm của sự hủy diệt cho chính mình. Mặc dù anh em nghĩ rằng những ý nghĩ đó không đáng kể, nó cũng đủ lớn để dành cho Satan một chỗ bước vào tấn công anh em.
Hãy quyết định cách tích cực rằng bạn sẽ không bao giờ suy nghĩ về những điều bất khiết. Kinh Thánh chép:"Khá cẩn thận giữ tấm lòng con hơn hết vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra "(Châm 4:23).
Không phải chúng ta chỉ có một tư tưởng trong sạch mà còn phải "đặt một vọng canh" nơi cổng tâm trí của chính mình để ngăn chận những tư tưởng bất khiết. Bạn không thể cấm con chim bay ngang đầu bạn, nhưng bạn có thể ngăn chận không cho nó làm tổ trên đầu bạn.
Nếu kẻ thù gieo một ý nghĩ bất khiết vào trong tâm trí bạn, hãy bát bỏ cách thẳng thừng. "Anh em hãy cảnh giác, giữ tâm trí minh mẫn "(IPhi 1:13). Nghĩa là bạn phải trói cột những tư tưởng gian dâm và kiểm soát nó. Đừng để tâm trí bạn trở thành nơi đựng rác rưởi của ma quỉ. Những con người của Đức Chúa Trời thường phải chịu sự tấn công của những tư tưởng ô uế, nhưng nếu họ chịu đối phó với nó ngay lập tức, họ sẽ tiếp tục duy trì nếp sống thánh khiết.
Là một người đang dấn thân phục vụ Đức Chúa Trời, bạn không thể đùa giỡn với những tư tưởng bất khiết.
Những tư tưởng bất khiết có thể không mời mà đến, nhưng bạn phải ném nó ra ngoài như một tên trộm hay một tên giết người. Nếu chúng ta đùa giỡn với những tư tưởng bất khiết, ô uế, chúng ta đang cho Satan một chỗ đứng và một ngày kia nó sẽ đánh bại chúng ta.
"Vì nơi lòng (tâm trí) mà ra những tội... tà dâm, dâm dục... là những điều làm dơ dáy người "(Mat 15:19-20).
Nếu bạn không thể tự ý "tránh xa tội dâm dục ", bạn đừng bước vào công việc của Chúa. Hãy làm tất cả những gì bạn ao ước nhưng đừng bao giờ bước vào chức vụ.
Bất cứ người hầu việc Đức Chúa Trời nào muốn tự bảo vệ mình đều phải"tránh xa mọi điều tựa như điều ác "(ITê 5:22).Chúng ta không thể liều lĩnh bước vào những nơi hay tham gia vào các hoạt động thường có ma quỉ.
Khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên bạn, Ngài đặt trong bạn một khả năng để duy trì nòi giống. Bạn không thể thoát khỏi điều này. Nhưng thật điên rồ khi bạn tham gia vào những hoạt động và môi trường có thể kích thích khả năng đó của bạn.
Nhưng một số Cơ Đốc Nhân đã làm như vậy vì họ nghĩ rằng trong Chúa Jêsus họ đã được miễn trừ khỏi sự dâm dục. Đây là một điều hết sức dại dột. Chúng ta được Kinh Thánh dạy rằng "Hãy đứng vững và chống trả ma quỉ, nhưng phải tránh sự dâm dục. "(Gia 4:7; ICôr 6:8).
Chúng ta có quyền năng để đắc thắng tất cả những tinh thần xấu xa, gian ác và ma quỉ thường chủ yếu nhắm vào những ai đang chuyển động trong sự năng động của Đức Thánh Linh. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự chỉ dẫn rõ ràng rằng khi sự cám dỗ tình dục đến, chúng ta phải tránh xa nó.
Giôsép là một tấm gương về cách mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta xử lý trước vấn đề tình dục vô luân. Khi vợ của Phôtipha cám dỗ ông phạm tội gian dâm với bà, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng ông đã quay lưng, bỏ chạy và để rơi lại chiếc áo trong tay bà. (Sáng 39:12). Đó là cách chúng ta phải làm.
Tránh xa sự dâm dục không phải chỉ chạy trốn khỏi nhũng sự cám dỗ rõ ràng đến với chúng ta, nhưng còn có nghĩa rằng chúng ta phải cẩn thận trong những tình huống có thể dẫn đến những cám dỗ tình dục, đó là khi chúng ta cố vấn khải đạo riêng cho những người khác phái.
Tôi có biết một nhà truyền giáo không bao giờ ở một mình với người khác phái. Bất cứ lúc nào khải đạo, hoặc là cùng với vợ, hoặc là với một người nữ khác trong đoàn truyền giáo cùng làm việc này. Những người truyền đạo khôn ngoan và thánh khiết không bao giờ cho phép những tình huống mà ma quỉ có thể nhơn dịp đó tấn công họ.
Khi một người khác phái đến hỏi ý kiến, hãy để cửa phòng mở rộng và cho một vài người khác ở gần đó. Đừng cho ma quỉ nhơn dịp thì tội lỗi sẽ không bao giờ xảy ra.
PhaoLô dạy: "Chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó "(Rô 13:14). Điều này có nghĩa là đừng bao giờ làm điều gì hoặc ở nơi nào mà bản chất xác thịt của bạn bị cám dỗ và bạn mất tự chủ trong các hành động của mình.
Như tôi đã nói, Đức Chúa Trời đặt trong chúng ta một khả năng để duy trì nòi giống. Ngài cũng tạo nên một mối liên hệ mà trong mối liên hệ đó, chúng ta có thể kiểm soát khả năng này cách đúng đắn. Thật điên rồ khi chúng ta đặt mình vào nơi ngọn lửa có thể cháy lên và chúng ta không thoát ra được. Nếu chúng ta chơi với lửa, chắc chắn chúng ta sẽ bị bỏng và bỏng nặng.
Chúng ta phải biết rằng mọi người nam và mọi người nữ đều phải chịu chung những cám dỗ như chúng ta. Nhưng không phải ai cũng thất bại trong sự cám dỗ này.
Là một Mục sư, bạn sẽ gặp nhiều buồn phiền đến từ chức vụ. Nhưng nếu không cẩn thận, bạn sẽ nghĩ rằng không ai chịu cùng một trận chiến như bạn.
Đây là một sự lừa dối của ma quỉ. Hãy khôn ngoan và cẩn thận. Hãy để Đức Chúa Trời dẫn dắt bạn đến với một người anh em (hoặc một chị em nếu bạn là nữ) mà bạn có thể tâm sự với người đó, cùng thông cảm và giúp đỡ với nhau trong trận chiến này.
Kinh Thánh dạy rằng hai người hơn một. Chúa Jêsus đã xác nhận điều này bằng cách sai các môn đồ đi từng đôi một. Có người nào đó có thể giúp bạn trong những giờ phút chịu cám dỗ là một sự bảo vệ tuyệt vời, đặt biệt là trong những cám dỗ về tình dục.
Thất bại trong tội dâm dục sẽ hủy phá chức vụ của bạn và để lại một vết sẹo mãi mãi trong linh hồn bạn. Bạn không được rơi vào tội này mặc dù nhiều người vẫn đang rơi vào. Hãy ôn lại các bước mà bạn có thể dùng để thoát khỏi tội này:
Gốc rễ của tội này là sự rạn nứt trong gia đình. Hãy vun đắp cuộc sống gia đình và yêu thương vợ bạn như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh. Đừng quên rằng Bạn đã hứa sẵn sàng yêu nàng đến suốt đời.
Hãy quyết định rằng bạn sẽ không bao giờ suy nghĩ đến những sự ô uế bất khiết. Đừng để cho những tư tưởng dâm dục đi vào tâm trí bạn. Nhưng nếu chúng xâm nhập, đừng để chúng cư trú.
Trong những tình huống dễ bị cám dỗ, Satan luôn có mặt ở đó. Vì vậy, hãy canh chừng những mưu kế của nó.
Đừng để nó có cơ hội cám dỗ bạn trong những khi bạn cho ý kiến hoặc những lúc bạn phải giải quyết những nan đề cho những người khác phái. Vào những lúc này đừng e ngại nhưng hãy tiến hành cách khôn ngoan.
Hãy để một người bạn thân, là một người mà bạn tin cậy và kính trọng, trở thành người bạn có thể tâm sự khi bạn gặp những khó khăn trong sự cám dỗ này. Nếu ngay giờ phút này bạn đang gặp cám dỗ, hãy đến với Ngài trong sự cầu nguyện và nhận sự hỗ trợ. Nếu bạn không bị buộc phải đương đầu với nó một mình thì thật dại dột nếu bạn chịu đương đầu với nó một mình.
Chúa Jêsus không cám dỗ chúng ta. Ngài luôn luôn giúp đỡ chúng ta trong những sự cám dỗ khi chúng ta kêu cầu Ngài. Ngài muốn chúng ta sống thánh khiết và chiến thắng những sự yếu đuối.
Hãy cầu nguyện như vầy khi bạn hứa nguyện sẽ hầu việc vua của bạn với bàn tay và tấm lòng trong sạch:
Lạy Chúa Jêsus yêu dấu, con biết rằng Ngài đã kêu gọi con vào chức vụ và Ngài muốn con sống thánh khiết. Con ca ngợi và cảm tạ Ngài vì Ngài đã không phạm tội, mặc dù Ngài đã phải chịu cám dỗ đủ mọi cách.
Khi Ngài dạy con phải từ bỏ những ham muốn xác thịt và tình dục xấu xa, không phải Ngài không muốn chúng con hưởng sự vui sướng và thỏa mãn trong cuộc sống, nhưng là Ngài muốn chúng con nếm biết cuộc sống sung mãn thật.
Vì vậy, Xin Ngài ban cho con năng lực và sự công nghĩa của Ngài để con bước đi trong sự thánh khiết và tránh xa tội dâm dục. Con sẽ không suy nghĩ về những điều ô uế bất khiết. Con sẽ tránh xa tất cả mọi hình thức của tội này. Bởi năng lực và quyền năng của Ngài, con sẽ xua đuổi bất cứ tư tưởng hoặc sự gợi ý nào liên quan đến sự gian dâm. Con bước đi trong quyền năng của Ngài và không bị những vết sẹo của tội gian dâm để lại. AMEN! "
Tiền bạc là nguyên nhân gây ra sự sa ngã cho một người lãnh đạo thuộc linh hơn bất cứ điều gì khác. Tiền bạc cần thiết cho cuộc sống. Nó là một phước hạnh cho công việc Chúa. Tuy nhiên nó lại chịu trách nhiệm cho những điều ác hơn bất cứ một điều gì khác. Làm sao một vật vừa hết sức tốt nhưng cũng vừa hết sức xấu xa như vậy?
Trong chương này tôi muốn chia xẻ với bạn những nguyên tắc của Kinh Thánh về việc quản lý tiền bạc. Đức Chúa Trời quan tâm về cách bạn sử dụng số tiền của Ngài trao vào tay bạn, cho dù tiền ấy nhiều hay ít. Là một người lãnh đạo, cách bạn sử dụng tiền bạc sẽ quyết định sự thành công hay thất bại với tư cách là một lãnh đạo.
Chúng ta phải học để cẩn thận trong việc sử dụng tiền bạc, bởi vì Satan đã làm cho nhiều người lãnh đạo thất bại qua điều này.
Tiền bạc có một ý nghĩa thuộc linh quan trọng. Chúa Jêsus đã dạy một bài học quí giá về mặt tiền bạc ảnh hưởng đến mối tương giao của một người với Đức Chúa Trời.
"Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào nghạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải các ngươi ở đâu, thì lòng các ngươi cũng ở đó.
"Chẳng có ai được làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc trọng người này mà khinh người kia. Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi ma môn nữa" (Mat 6:19-24).
Có ba điều sẽ dễ dàng nhận thấy khi chúng ta đọc khúc Kinh Thánh này:
Nạn lạm phát kinh tế có thể làm mất đi giá trị của tiền bạc và kẻ trộm có thể đánh cắp của cải. Chỉ có của cải trên trời mới được bảo đảm về giá trị đời đời.
Cách chúng ta sử dụng tiền bạc bày tỏ lòng yêu mến của chúng ta ở đâu. Nếu chúng ta sử dụng tất cả tiền bạc chúng ta có chỉ cho riêng mình, chúng ta yêu bản thân chúng ta hơn tất cả. Nhưng nếu chúng ta đầu tư mười phần trăm (tiền phần mười) hoặc nhiều hơn để làm lan truyền phúc âm, chúng ta tỏ ra rằng mình yêu mến Đức Chúa Trời và Tin lành của Ngài.
Bạn không thể cùng lúc hầu việc Đức Chúa Trời và tiền bạc."Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi mamôn (tiền bạc) nữa ".(Nhưng bạn có thể dùng mamôn để hầu việc Đức Chúa Trời).
Hoặc Jêsus là Chúa của bạn, hoặc tiền bạc. Đây là điều dễ hiểu. Sự hướng dẫn cho bạn và chức vụ của bạn sẽ được quyết định bởi Chúa Jêsus hoặc là mối liên hệ của bạn với tiền bạc, chỉ một trong hai.
"Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta và sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn. Nhưng hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi ".(ITi 6:9-11).
Có thể có những chiếc lưỡi câu trong tiền bạc! Nếu bạn liên hệ với nó một cách không công chính, bạn sẽ bị mắc bẫy bởi lòng yêu mến tiền bạc của bạn. Satan, vua cầm quyền chốn không trung, đang sử dùng tiền bạc làm chiếc bẫy hữu hiệu nhất của nó.
Trong Mat 6:24, Chúa Jêsus đã dạy về hai ông chủ (hai chúa) mà chúng ta phải chọn một: Đức Chúa Trời và Mamôn. Ma-Môn là tên của một vị thần tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. Khi Chúa Jêsus dùng lời nói này, Ngài ám chỉ rằng có một thế lực tối tăm cũng đang kiểm soát của cải trên đất này.
Một lần kia khi tôi đang ở Nicaragua, một người tín đồ ở đó kể cho tôi nghe câu chuyện thú vị rằng có một số người ở dọc theo miền bờ biển phía đông "đã bán linh hồn của họ cho ma quỉ".
Khi tôi hỏi điều đó có nghĩa gì, ông ta giải thích:
Một số người vì muốn giàu có nên đã cầu nguyện cùng ma quỉ và "Bán linh hồn của họ cho nó" để đổi lấy của cải và sự thịnh vượng, người tín đồ kể rằng khi những người đó cầu nguyện với quỉ thì ma quỉ cũng hiện ra.
Và thật họ đã được giàu có. Nhưng thông thường vào những năm giữa cuộc đời, ở độ tuổi bốn lăm, ma quỉ đã hiện ra và đòi cái họ đã bán: Linh hồn của họ.
Nhiều người chứng kiến cái chết của những người đó nói rằng họ khóc lóc kêu gào nhiều năm để xin được tha khỏi sự trừng phạt của địa ngục. Thân thể họ bị sình to ra do những con sâu bọ (con trùng) ở bên trong và họ chết rất đau đớn, giống như Hêrốt đã chết:"Bị trùng đục mà chết "(Công 12:23).
Đó là phần thưởng cho những kẻ hầu việc Mamôn.
Tiền bạc rất cần thiết. Chúng ta dùng nó để mua những vật dụng có cần cho cuộc sống. Nhiều người đã phải chịu đói khát, bệnh tật bởi vì không có tiền bạc. Sự nghèo đói không phải là một phước hạnh mà là một sự rủa sả. Nhưng mặt khác, những người có tiền bạc vượt quá nhu cầu của họ thường tham lam và đôi khi là nguyên nhân gây nên sự đau khổ của những người nghèo.
Tiền bạc tự bản thân nó không gây nên điều ác, nhưng chính vì cách sử dụng tiền bạc mà gây nên điều ác. Chính lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Sự nguy hiểm không nằm trong tiền bạc, nhưng nó nằm trong lòng tham tiền bạc.
Chúa Jêsus dạy rằng chúng ta sẽ vâng theo bất cứ điều gì mà chúng ta yêu (Giăng 14:15). Nếu chúng ta yêu Ngài, chúng ta sẽ vâng giữ các mạng lịnh của Ngài; nếu chúng ta yêu bản thân chúng ta, chúng ta sẽ vâng theo những ham muốn xác thịt và sử dụng tiền bạc cho bản thân chúng ta thôi. Tình yêu của chúng ta sẽ chi phối các quyết định của chúng ta.
Rô 6:16 chép: "Anh em... là tôi mọi của kẻ mình vâng phục, hoặc của tội lỗi đến sự chết, hoặc sự vâng phục để được nên công bình ". Chúng ta có thể hiểu rõ hơn về điều này như sau: chúng ta không chỉ vâng phục đối tượng chúng ta yêu, nhưng còn là tôi mọi cho bất cứ ai, bất cứ điều gì mà chúng ta yêu mến nữa.
Chúng ta hãy xem tất cả điều này có nghĩa gì. Tiền bạc trong thời đại gian ác này nằm dưới sự kiểm soát của một thế lực tối tăm mà Chúa Jêsus gọi là Mamôn. Nếu chúng ta yêu mến tiền bạc, chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì mà tiền bạc ra lệnh cho chúng ta làm. Nếu chúng ta cứ tiếp tục vâng theo, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của một thế lực gian ác và ở dưới sự kiểm soát của nó.
Không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi một người yêu mến tiền bạc là người có thể làm mọi điều ác, khi một người yêu mến tiền bạc, anh ta bắt đầu vâng theo mệnh lệnh của thế lực gian ác qua xác thịt của anh ta. Đây là lý do tại sao lòng yêu mến tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác.
Vài năm trước đây một người Truyền đạo bỏ vợ mình để lấy một phụ nữ khác đã có chồng trong Hội Thánh của ông. Một người bạn của tôi, ông có ân tứ tiên tri, đã khóc lóc cầu thay cho người lãnh đạo Hội Thánh sa ngã này. Ông cầu nguyện: "Chúa ơi tại sao Andrew (không phải tên thật) đã sa vào tội ngoại tình? "
Chúa trả lời: "Andrew yêu mến tiền bạc. Lòng yêu mến tiền bạc giống như một chiếc rễ đâm sâu xuống cống rãnh tội lỗi và hút lên mọi thứ gian ác xấu xa vào đời sống. Đó là điều đã xảy ra cho Andrew ".
Sứ Đồ Phao lô cảnh cáo: "Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất.
"Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn "(ITi 6:9, 10).
Không có gì đáng ngạc nhiên khi quyền năng thuộc linh chân thật dường như thường xung khắc với sự giàu có. Chúa Jêsus phán: "Kẻ giàu vào nước Đức Chúa Trời khó là dường nào "(Mác 10:23).
"Bấy giờ có một quan hỏi Đức Chúa Jêsus rằng: ‘Thưa thầy nhơn lành, tôi phải làm gì cho được hưởng sự sống đời đời? ’.Đức Chúa Jêsus phán rằng: ‘Sao người gọi ta là nhơn lành? Chỉ có một Đâng nhơn lành là Đức Chúa Trời.
"Ngươi đã biết điều răn này: ngươi chớ phạm tội tà dâm, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ nói chứng dối, hãy hiếu kính cha mẹ. ‘người ấy thưa rằng: ‘Tôi đã giữ các điều ấy từ thuở nhỏ’.
"Đức Chúa Jêsus nghe vậy bèn phán rằng: ‘còn thiếu cho ngươi một điều; hãy bán hết gia tài mình, phân phát cho kẻ nghèo, thì ngươi sẽ có của cải ở trên trời, bấy giờ hãy đến mà theo ta "(Lu 18:18-22).
Nhưng khi vị quan nghe đến đây, thì hết sức buồn rầu, bởi vì anh ta rất giàu có. Có lẽ anh đã phải bươn chải cả cuộc đời để được giàu có. Được trở nên giàu có là điều ám ảnh anh nhiều nhất.
Bây giờ Chúa Jêsus lại bảo anh rằng muốn vào nước Đức Chúa Trời và hưởng sự sống đời đời thì anh phải: "Bán hết gia tài và chia cho kẻ nghèo " rồi theo Ngài. Người trai trẻ này buồn bã vì anh ta yêu tiền bạc của mình hơn là yêu Chúa Jêsus. Anh ta đã nghĩ rằng anh có thể vừa yêu Chúa Jêsus vừa yêu tiền bạc của mình. Bây giờ anh ta biết rằng anh ta không thể có cả hai cùng một lúc được.
"Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam, tham lam tức là thờ hình tượng. Bởi những sự ấy cơn giận của Đức Chúa Trời giáng xuống... "(Cô 3:5).
Chúng ta thường nghĩ rằng thờ hình tượng là cúi xuống trước một bức tượng hoặc một bức ảnh nào đó. Nhưng nó còn hơn thế nữa. Môise đã nói về sự thờ hình tượng của dân Ysơraên rằng: "Tế lễ những ma quỉ chẳng phải là Đức Chúa Trời, quỳ lạy các thần mà mình chưa hề biết, tức là các thần mới vừa đến ít lâu. "(Phục 32:17).
Khi một người sấp mình xuống trước một pho tượng và thờ lạy, đó là thờ lạy ma quỉ ẩn nấp trong tượng chạm đó. Đây là lý do tại sao tội thờ hình tượng là một tội gớm ghiếc và cơn giận của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống cách kinh khiếp.
PhaoLô nói rằng sự tham lam, lòng yêu mến tiền bạc và sự thờ hình tượng đều giống nhau. Khi chúng ta yêu mến tiền bạc, chúng ta sẽ thờ phượng nó và ma quỉ ẩn nấp đằng sau nó.
Danh hiệu Mamôn thường dùng để chỉ về tiền bạc hoặc sự giàu có. Một người cứ yêu mến tiền bạc sẽ vâng theo tất cả mọi mệnh lệnh của một quyền lực siêu nhiên, gian ác đang cai trị trên tiền bạc.
Liên quan đến tiền bạc cách bất chánh là điều gây nên sự nguy hiểm cho một người lãnh đạo Cơ Đốc, nhưng không phải có tiền là tội. Nói cách khác, làm mọi cách để có tiền là một tội.
Đức Chúa Trời chúc phước cho dân sự của Ngài bằng tiền bạc, Ngài thường ban cho họ của cải dư dật để họ làm trọn mục đích của Ngài trên đất này.
Khi con cái Ysơraên ra khỏi Aicập, họ đã đem theo hầu hết vàng bạc của xứ. Sau mười tai vạ, người Aicập đã vô cùng nóng lòng muốn được nhìn thấy dân Ysơraên ra đi và họ đã cho "những đồ bằng bạc và bằng vàng cùng áo xống. "(Xuất 12:35)"Ngài dẫn Ysơraên ra có cầm bạc và vàng "(Thi 105:37).
Môise đã xây dựng một đền tạm trong đồng vắng đáng giá hàng triệu Đôla. Những người Ysơraên đã tình nguyện dâng hiến một cách tự ý cho việc xây dựng này.
Đây là một ví dụ hoàn hảo về cách thế nào Đức Chúa Trời dùng tiền bạc trong chương trình của Ngài. Ngài ban tiền bạc cho dân sự Ngài để họ có thể dùng nó trong các mục đích của Ngài.
Đức Chúa Trời cũng dấy lên những con người và làm cho họ trở nên giàu có. Gióp là một người rất giàu. Ông có:"bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và tôi tớ rất nhiều; người ấy lớn hơn hết (giàu có hơn hết) trong cả dân Đông phương. "(Gióp 1:3).
Áp ra ham được mọi người biết đến sự thạnh vượng của ông trong thời đó. Thậm chí ông còn có cả quân đội riêng.
Không ai có nhiều của cải hơn Đavít và con trai của ông là Salômôn. Của cải của Salômôn được tính đến hàng triệu Đôla. Ngài ban cho họ sự giàu có như vậy để họ dùng nó xây dựng đất nước. Của cải phục vụ họ chứ họ không phục vụ của cải. Họ dùng nó trong các mục đích của Đức Chúa Trời, không dùng nó trong những mục đích riêng của họ. Tuy nhiên Salômôn đã ngã trong những ngày cuối đời ông do những người vợ của ông.
Mối liên hệ của bạn với tiền bạc như thế nào? Bạn có tiền hay là tiền có bạn? Bạn hay là Chúa quyết định cách bạn sử dụng tiền bạc? Số lượng tiền bạn có trong nhà có ảnh hưởng đến hạnh phúc... cách sống của bạn không? Bạn sử dụng tiền bạc của mình như thế nào?
Có phải bạn chỉ rộng rãi với Chúa khi bạn dư thừa? Nếu bạn không có tiền bạn có luôn luôn suy nghĩ và mơ ước có nhiều hơn không? Có phải lòng ham muốn tiền bạc đang kiểm soát bạn? Mặc dù những câu hỏi này làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu, nhưng nó giúp chúng ta nhận thấy được mối liên hệ của chúng ta đối với tiền bạc.
Điều này đặc biệt chính xác đối với những người đang chăn bầy của Đức Chúa Trời. Bạn có nhận thấy rằng sự tham lam, lòng yêu mến tiền bạc là nguyên nhân gây nên sự sa ngã của nhiều người lãnh đạo không? Lòng yêu mến tiền bạc là một trong ba tội thường gây nên sự sa ngã của những người lãnh đạo nhất. (1: những người nữ, 2: danh3: Tiền bạc). vọng,
Tiền bạc có thể sanh ra tội lỗi khi chúng ta thất bại trong việc quản trị mối liên hệ của chúng ta với nó.
PhaoLô nói về luật công bình của Đức Chúa Trời rằng: "Vì nếu luật pháp không nói: Ngươi chớ tham lam, thì tôi đã không biết sự tham lam. "
"Ấy là tội lỗi đã nhơn dịp, bởi điều răn mà sanh ra mọi thứ ham muốn trong lòng tôi. "(Rô 7:7, 8).
Đối với tiền bạc cũng vậy. PhaoLô đã nhận thấy rằng những điều răn tốt lành và công bình của luật pháp đã sanh ra (đánh thức) tội lỗi trong ông. Tiền bạc tự bản thân nó không xấu, nhưng khi chúng ta có tiền bạc, thì khả năng đánh thức lòng tham lam, sự ích kỷ và những ham muốn khác trở nên mạnh mẽ.
Khi Chúa bắt đầu chúc phước cho một người lãnh đạo Hội Thánh, người đó sẽ phục vụ trong quyền năng và ân điển của Đức Chúa Trời. Phước hạnh nầy luôn luôn mang lại kết quả là nguồn tài chánh cứ tiếp tục đổ vào Hội Thánh.
Trong khi phước hạnh cứ tiếp tục tuôn đổ vào Hội Thánh, bản chất tội lỗi của người lãnh đạo Hội Thánh này có thể được đánh thức, người đó có thể bắt đầu tham lam và sử dụng tiền bạc của Chúa cách sai trật. Tiền bạc được ban bây giờ trở thành một sự cám dỗ của ma quỉ và phá đi chức vụ cũng như chính ông.
Bạn có thể hỏi: "Nhưng làm sao tôi biết tôi có gặp rắc rối với số tiền lớn hay không, khi tôi chưa cầm tiền ấy trong tay ". Tôi có thể trả lời rằng: cách một người dùng một đôla như thế nào thì cũng sẽ dùng một ngàn đôla theo cách ấy.
"Ai trung tín trong việc rất nhỏ cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn "(Lu 16:10).Cách bạn sử dụng một số tiền nhỏ sẽ tỏ ra cách bạn sử dụng một số tiền lớn.
Vào năm 1950, khi tôi đang được huấn luyện để trở thành một người truyền đạo. Tôi dọn vào ở trong một ký túc xá ở "Trại huấn luyện những người truyền đạo mới tuyển " (nơi đó được gọi như vậy). Chúng tôi có cả thảy mười bảy người.
Để tiện cho việc ăn uống trong tuần, mỗi người chúng tôi được đề nghị đóng góp ba đôla mỗi tuần làm "tiền ăn ". Như vậy mỗi tuần được năm mươi đôla để mua thức ăn cho mười bảy học sinh.
Sau một tuần đầu, chỉ còn ba chúng tôi trung tín đóng tiền để mua thức ăn trong số mười bảy người. Những người khác viện cớ rằng họ không thể tiếp tục đóng được nữa. Tôi thực sự bối rối bởi vì tuần đó là phiên tôi phải lo cho mười bảy người ăn.
Trong năm đó, Chúa đã cung cấp cho chúng tôi một cách kỳ diệu. Chúng tôi có một số tiền lớn để chia nhau.
Hầu hết các học sinh đã đi xuống phố và mua về nào máy chụp ảnh, nào Radio và cả súng nữa. Họ bào chữa rằng những thứ đó cần thiết cho họ khi trở thành người truyền đạo.
Nhưng bạn biết không, khi trở lại với việc học hành và ký túc xá, cũng không ai chịu nộp tiền vào "quỹ thức ăn ".
Chỉ có ba trong số mười bảy người đó tiếp tục và sau này trở thành truyền đạo. Tôi chắc rằng bạn đã biết đó là ai. Mặc dù họ có thể tự thuyết phục chính mình rằng lý do họ mua những máy chụp ảnh, súng là tốt, nhưng điều đó lại chứng tỏ lòng ích kỷ của họ, và một con người ích kỷ sẽ không bao giờ là một người truyền đạo tốt được.
Sau đây là ba nhược điểm thường cho chúng ta biết nếu chúng ta đang ở trong tình trạng yêu mến tiền bạc:
• Ích kỷ
• Một người quản lý tồi
• Không dâng hiến cho Đức Chúa Trời.
Có những Mục sư đã dùng tiền bạc của Chúa để mua nhà cửa, xe cộ không cần thiết. Họ thường biện minh: "Chúng tôi sẽ sử dụng cho công việc Chúa ".
Họ có cùng một ý nghĩ ích kỷ, trẻ con như những người trong ký túc xá trên. Dùng một trăm đôla để mua một chiếc máy ảnh hoặc mười ngàn đôla để mua một ngôi nhà đều như nhau, chỉ khác số lượng tiền mà thôi. Họ thích mua chiếc máy chụp ảnh hơn là đóng"tiền ăn ".
Những ai trung tín trong việc nhỏ, cũng sẽ trung tín trong việc lớn, và ai không trung tín trong việc nhỏ cũng sẽ không trung tín trong việc lớn.
Bạn có muốn xem cách bạn sử dụng một số tiền lớn mà Chúa sẽ cho bạn không? Hãy nhìn vào cách bạn đang sử dụng tiền bạc. Nếu bạn đang ích kỷ với số tiền đó, bạn cũng sẽ ích kỷ khi có một triệu Đôla. Trừ phi bạn ăn năn, bằng không tiền bạc sẽ luôn luôn là nan đề cho bạn, cho dù nó nhiều hoặc ít.
Cách thứ hai giúp chúng ta biết được mình đang ở trong tình trạng yêu mến tiền bạc là việc chúng ta thất bại không nhận ra rằng mình đang sở hữu những điều không thuộc về mình. Một đặc điểm của Hội Thánh đầu tiên là"chẳng ai kể của mình là của riêng. "(Công 4:32)
Những gì chúng ta có đều là của Chúa và chúng ta chỉ là người quản lý."Cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành "(ICôr 4:2). Một ngày kia chúng ta sẽ khai trình cách mà chúng ta đã sử dụng tất cả những gì Ngài đã giao cho chúng ta: Không chỉ tiền bạc, nhưng còn là những talâng, thì giờ và những mối liên hệ của chúng ta, tất cả đều phải đến dưới sự kiểm tra của Lời Chúa.
Khi đó sự biện minh của chúng ta sẽ không có sức thuyết phục đối với chúng ta cũng như đối với Chúa. Không cần phải cố gắng lắm khi chúng ta tự thuyết phục chính mình rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta sử dụng tiền bạc chúng ta theo cách mà bản tính ích kỷ, xác thịt chúng ta muốn sử dụng.
Nhưng khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta sẽ phải nhìn vào đôi mắt nghiêm khắc của Ngài và phải khai trình cùng Ngài, những lời biện hộ của chúng ta dường như yếu đi. Chúng ta dễ suy nghĩ rằng những điều chúng ta muốn là những điều chúng ta cần và mất đi khả năng nhìn thấy chỗ khác nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta trong vấn đề này.
Cuối cùng, đây là bằng chứng về lòng tham tiền bạc nếu chúng ta thất bại trong việc học biết về sự siêng năng và kỷ luật của việc dâng hiến.
Trung tín dâng phần mười và các của dâng không phải là một sự tùy chọn trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Nếu bạn chưa dâng phần mười, hãy bắt đầu ngay bây giờ. Một phần mười của tất cả những gì bạn nhận được đều thuộc về Đức Chúa Trời. Hãy siêng năng vì thất bại trong vấn đề này là bạn đang ăn trộm của Đức Chúa Trời (Mal 3:8-10). Ngài không bao giờ ban phước cho"những tên trộm "trong chức vụ.
Chúng ta thường nghĩ: "Tôi có rất ít tiền, nhưng lại có quá nhiều nhu cầu: Tôi không thể dâng phần mười ". Sự thật là chúng ta không thể không dâng một phần mười. Theo 3:9 câu hỏi sẽ là: "Ta có muốn bị rủa sả trên một trăm phần trăm lợi tức của ta hoặc được chúc phước với chín mươi phần trăm? "
Một khi chúng ta đã bắt đầu dâng một phần mười chúng ta sẽ bắt đầu nhận lãnh.
Chúa Jêsus phán: "Hãy cho, người sẽ cho mình; Họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy. "(Lu 6:38).
Chúa Jêsus đã đưa ra một nguyên tắc hết sức quan trọng trong việc dâng hiến.
Nếu bạn dùng chiếc muỗng cà phê để dâng hiến vào công việc Chúa, Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho bạn bằng chiếc muỗng cà phê. Nếu bạn dùng chiếc tách dâng hiến vào công việc Chúa, Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho bạn bằng chiếc tách. Nếu bạn dùng cái xô để dâng hiến cho công việc Chúa, Đức Chúa Trời cũng sẽ dùng cái xô để ban phước cho bạn. "Vì các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy "
Vài năm trước đây khi tôi ở Papua New Guinea, tôi thách thức những lãnh đạo ở đó dạy dỗ cho các tín hữu biết dâng phần mười và các của dâng. Họ nói rằng, "Ô! Tín hữu ở đây nghèo lắm không dâng nổi đâu. "
Papua New Guinea không phải là một trong những nơi giàu có nhất thế giới nhưng cũng là nơi giàu có hơn nhiều nơi khác. Tôi không thấy ai đói như những quốc gia khác. Mọi người đều ăn mặc đẹp đẽ và trông rất khỏe mạnh.
Tôi nói với những người lãnh đạo ở đó: "Vấn đề không phải là nghèo vật chất. Đó là sự nghèo nàn tâm linh. Tín hữu ở đây cũng giống như những người lãnh đạo của họ. Các anh không có đức tin để dâng hiến, vì vậy họ cũng không có đức tin để dâng hiến. "
Dâng hiến phụ thuộc vào đức tin, không phụ thuộc vào những gì chúng ta có. Sau đây là một nguyên tắc thuộc linh được dùng như một ví dụ mà bạn sẽ không đồng ý trừ khi bạn có đức tin.
Sau khi bạn đã dâng một đôla phần mười trong số mười đôla lợi tức của bạn, với sự chúc phước của Đức Chúa Trời trên chín đôla còn lại, sẽ thỏa mãn cho các nhu cầu của bạn hơn là mười đôla không có sự chúc phước của Đức Chúa Trời. (Bạn hãy đọc lại một lần nữa).
Không có một giáo viên dạy toán nào trên thế giới (Trừ phi ông ta là một Cơ đốc nhân biết dâng phần mười) sẽ đồng ý với nguyên tắc này. Sự hiểu biết tự nhiên của con người sẽ là:"Mười đôla sẽ cung cấp cho bạn nhiều hơn chín đôla ". Điều đó đúng trừ phi phép lạ của Chúa ở trên chín đôla còn lại. (Nếu bạn dâng phần mười thường xuyên điều này sẽ là sự thật).
Khi đứa bé trai trong Kinh Thánh dâng cho Chúa một của lễ đức tin là năm cái bánh và hai con cá, đó là tất cả những gì nó có (Giăng 6:9). Điều gì đã xảy ra cho đứa trẻ đó? Nó có đói không? Không.
Chúa Jêsus dã dùng của dâng hiến đó cho năm ngàn người ăn, kể cả đứa trẻ, và còn dư đến mười hai giỏ đầy.
Đứa trẻ nhỏ đã dâng năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá rồi nhận lại mười hai giỏ đầy cá và bánh. Đây là cách mà Đức Chúa Trời gia tăng phước hạnh và của cải cho người dâng hiến.
Tôi đã giải thích những nguyên tắc quan trọng này cho những người lãnh đạo Hội Thánh ở Papue New Guinea. Rồi tôi hỏi tôi có thể giảng về sự dâng hiến trong một buổi nhóm, sau giờ dâng hiến được không. Họ đồng ý.
Họ lãnh tiền dâng hiến và và được khoảng hai trăm đôla do khoảng hơn hai trăm tín đồ đang hiện diện.
Tôi bắt đầu giải thích cho họ rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng hiến bởi vì Ngài muốn ban phước cho chúng ta. Ngài không nghèo, Ngài không cần tiền của chúng ta. Nhưng, chúng ta cần những phước hạnh của Ngài."Không có đức tin thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài, vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin... "(Hêb 11:6).
Chúng ta sẽ không bao giờ có được phước hạnh của Đức Chúa Trời nếu không có đức tin. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta dâng hiến để dạy chúng ta về đức tin. Dâng hiến đòi hỏi đức tin. Vì vậy khi chúng ta dâng hiến, chúng ta đang luyện tập đức tin. Điều này làm đẹp lòng Đức Chúa Trời vì vậy Ngài ban phước cho chúng ta.
Nếu bạn không cần những phước hạnh của Ngài, nếu bạn không muốn những phước hạnh của Ngài, đừng dâng hiến. Hãy giữ lại tiền của các bạn, và sự rủa sả cho sự vô tín sẽ giáng trên bạn.
Nhưng bạn có thể dâng hiến tiền bạc của mình cho Ngài rồi xem Ngài: "...mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng" (Mal 3:10).
Sau khi giảng xong sứ điệp, tôi hỏi: "Nếu như sáng nay tôi giảng về sứ điệp cứu rỗi các bạn mong đợi tôi sẽ làm gì tiếp theo? ".
Họ đáp: "ông sẽ cầu nguyện cho những người muốn được cứu rỗi ".
Tôi hỏi tiếp:"Nếu sáng nay tôi đã giảng về sự chữa bịnh, các bạn mong đợi tôi sẽ làm gì tiếp theo? ".
Họ đáp:"ông sẽ cầu nguyện cho họ được chữa lành ".
Tôi hỏi một lần nữa: "sáng hôm nay tôi đã giảng về sự dâng hiến, bây giờ tôi phải làm gì? ".
Họ trả lời:"Hãy lấy tiền dâng ". Và tôi đã làm như vậy.
Khi đếm, có cả thảy một ngàn hai trăm đôla được dâng, sáu lần nhiều hơn số tiền đã dâng lúc đầu. Và được dâng từ những người nghèo ở Papua New Guinea.
Tôi nói với những người lãnh đạo: "Bạn thấy chưa! Lý do họ chưa dâng hiến là họ đang chờ đợi bạn dạy họ lời của Đức Chúa Trời. "Đức tin đến bởi sự người ta nghe... Lời của Đức Chúa Trời "(Rô 10:17).Khi có đức tin, họ sẽ dâng. "
Tôi cũng lặp lại điều này trong một Hội Thánh khác ở một vùng nông thôn và những người lãnh đạo ở đó sẽ hết sức ngạc nhiên vì số tiền dâng rất nhiều do những tín đồ dâng trong đức tin.
Đức Chúa Trời đã thách thức tôi dâng gấp đôi tiền phần mười (Hai mươi phần trăm tiền lợi tức cá nhân của tôi) khi tôi chỉ nhận lương của người truyền đạo là mười đôla mỗi tuần.
Qua kinh nghiệm này tôi đã học được nguyên tắc mà tôi đã chia xẻ cho các bạn. Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa của Ngài với tôi. Ngài đã ban phước cho tôi, gia đình tôi và chức vụ của tôi với rất nhiều phép lạ trong sự quan phòng của Ngài, tôi không thể đếm hết được.
Người dâng hiến vĩ đại nhất trong Kinh Thánh là người đàn bà góa đã dâng hai đồng tiền (khoảng một đồng xu Anh), là tất cả số tiền bà có. Chúa Jêsus phán:"...Bà góa nghèo này đã dâng nhiều hơn tất cả các người kia "(Lu 21:3). Đức Chúa Trời đánh giá sự dâng hiến của chúng ta bởi những gì chúng ta còn giữ lại, chứ không theo những gì chúng ta đặt vào của dâng.
Tôi đã từng thấy nhiều người lãnh đạo Hội Thánh muốn tín đồ dâng hiến để cung cấp cho họ và Hội Thánh. Nhưng họ không bao giờ dâng phần mười và các của dâng gì cả.
Họ phàn nàn rằng số tiền quá ít ỏi. Không có gì đáng ngạc nhiên cả! Họ sẽ không bao giờ nhận được những phước hạnh đã được hứa cho người dâng hiến cho đến khi họ thực hành những điều họ giảng.
Sự tham lam sẽ dễ dàng đuổi kịp chúng ta nếu chúng ta không học nguyên tắc quan trọng này:"Hãy cho thì các ngươi sẽ được ban cho "
Nếu chúng ta kiếm cách giữ sự sống mình thì sẽ mất (17:33), và nếu chúng ta cũng cố gắng giữ tiền bạc của chúng ta lại thì nó cũng sẽ hết. Khi ban cho, dâng hiến những gì mình có chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự ban cho của Đức Chúa Trời hơn điều chúng ta có thể tưởng tượng.
Nhiều người trong chúng ta có rất ít bởi vì chúng ta không rộng rãi với những gì chúng ta có, Chúa Jêsus phán: "Hãy cho, thì các ngươi sẽ được ban cho ". Không có cách nào tốt hơn để chúng ta thoát khỏi sự tham lam bằng cách học tập rộng rãi với những gì chúng ta đang có.
Thái độ của chúng ta đối với tiền bạc rất quan trọng. Nếu chúng ta trung tín học hỏi và nghiên cứu các nguyên tắc kinh tế trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ thấy những nan đề của chúng ta trong vấn đề tiền bạc tan biến dần.
"Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va "(Thi 24:1; 20:12).
"Bạc là của ta, vàng là của ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy "(Aghê 2:8;).
Ngay cả tiền bạc mà những tội nhân có cũng thuộc về Đức Chúa Trời, và một ngày kia nó sẽ được ban cho dân sự của Ngài (Aghê 2:8; Châm 13:22; 28:8).
Trong thế giới tội lỗi hư hoại này, những kẻ gian ác đang kiểm soát hết thảy mọi của cải bởi vì nó đang nằm dưới những thế lực siêu nhiên xấu xa. Nhưng một ngày kia Đức Chúa Trời chỉ phán một lời và mọi của cải đều được đổ vào vương quốc của Ngài.
Chúa hứa rằng Ngài sẽ chăm sóc cho các con cái Ngài, ban cho họ thức ăn, quần áo, nhà cửa và mọi nhu cầu khác trong cuộc sống. Chúng ta làm việc như là phục sự Chúa. Đức Chúa Trời trả lương cho chúng ta qua nghề nghiệp mà chúng ta đang có.
Đức Chúa Trời ban tiền bạc cho chúng ta để chúng ta hoàn thành mục đích của Ngài trên đất này. Chúng ta phải dùng sự khôn ngoan của một người quản gia giỏi mà sử dụng nó. Chúng ta thường làm trái lại: Ngài muốn chúng ta sử dụng tiền bạc và yêu mọi người, nhưng chúng ta thường yêu tiền bạc và sử dụng mọi người.
Bạn có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bắt đầu vâng phục sự hướng dẫn của Chúa, sử dụng tiền bạc Ngài trao vào tay chúng ta?
Nếu tất cả các Cơ Đốc nhân điều siêng năng làm việc, rồi kiếm được tiền để thực hành sự rộng rãi với nhau, thì sẽ không bao giờ có sự thiếu thốn trong vòng các con cái Chúa ở bất cứ nơi nào!
Một số nhà truyền đạo giảng chỉ để nhận lương. Chúa Jêsus gọi họ là "kẻ chăn thuê "(Giăng 10:1-41). Một "kẻ làm thuê " chỉ làm những gì anh ta được trả tiền. Anh ta không thật sự lo lắng cho bầy chiên, anh ta chỉ lo về tiền bạc.
Không có gì trái đạo đức hơn. Không có gì bại hoại hơn những "chiến thuật "như thế. Nhưng nó lại rất phổ biến.
Những "kẻ chăn thuê "và "kẻ thuê " như thế sớm bị phát hiện bởi vì họ đều có dấu của con thú: "Người nào không có dấu... con thú... thì không thể mua (thuê) và bán (chăn thuê) được. (Khải 13:17).
Tôi lại thấy những ngai, và những người ngồi trên ngai được quyền xét đoán... linh hồn những kẻ chẳng thờ lạy con thú... chẳng nhận dấu hiệu nó... Các người ấy được sống và trị vì với Đấng Christ một ngàn năm "(20:4).
Sẽ không có kẻ thuê hoặc kẻ chăn thuê trong nhóm người thánh đang cai trị. Những "thương gia " tôn giáo này sẽ ở trong sự chết cho đến khi thời kỳ một ngàn năm chấm dứt. Lúc đó họ sẽ sống lại để tính sổ với Ngài "Đấng xét đoán kẻ sống và kẻ chết ".
PhaoLô hỏi: "ai có đủ khả năng để rao giảng phúc âm? "rồi ông trả lời: "chỉ những người được Đức Chúa Trời sai đến, giảng lời chân thật của Ngài trong Chúa Jêsus Christ ".
"Được Thượng Đế uỷ thác, chúng tôi chân thành truyền giảng đạo Chúa trước mặt Ngài, không như nhiều người "thương mãi hóa "đạo Chúa để trục lợi "(IICôr 2:17 bản nhuận chánh).
Rất nhiều người "buôn bán " Lời của Đức Chúa Trời.
Tiên tri Xachari đã nói tiên tri về một ngày vinh quang khi: "Mọi nồi ở trong Giêrusalem và trong Giuđa sẽ là thánh cho Đức Giê-hô-va vạn quân; phàm những kẻ dâng tế lễ sẽ đến, lấy nồi mà nấu, và trong ngày đó, sẽ không còn có người Canaan (những người buôn bán) trong nhà Đức Giê-hô-va vạn quân. "(Xa 14:21)
Những thầy tế lễ bại hoại trong thời của Xachari đã "hợp tác "với những thương gia để bán những súc vật dùng làm của lễ và những cái chậu để dâng của lễ trong đền thờ. Những thầy tế lễ bại hoại này sẽ được nhận "phần trăm " trong những vụ mua bán đó.
Xachari đã mắng nhiếc những kẻ buôn bán như vậy (năm thế kỷ sau, Chúa Jêsus cũng đã mắng nhiếc những kẻ buôn bán trong đền thờ như vậy.)
Đức Chúa Jêsus đã nổi giận với những kẻ "buôn bán trong đền thờ ", Ngài đã dùng roi đuổi họ ra khỏi đó. "Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện... nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm cướp "(Mác 11:17).
Vào lúc bắt đầu cũng như khi chấm dứt chức vụ, Chúa Jêsus đã dọn sạch đền thờ bằng cách đánh đuổi những kẻ"buôn bán " ra khỏi đó. Trong thời các sứ đồ, Chúa cũng đã xử phạt cách nghiêm khắc những kẻ này (Anania và Shaphiara - Công vụ 5). Tôi chờ xem sự phán xét của Ngài đổ xuống trên những kẻ "buôn bán " trong những ngày cuối rốt này.
Vì vậy, hỡi những người lãnh đạo - HÃY CẨN THẬN - "Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó mà nay biểu hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn "(Công 17:30).
Hỡi các lãnh đạo Hội Thánh địa phương và các giáo sĩ, đừng bán ân tứ của các anh em cho ai, cho dù họ có tự ý trả tiền bạc cho anh em. Một đầy tớ chân chính của Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn nói cùng những kẻ "thuê mướn" rằng: "tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền bạc mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời "(8:20).
Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc bạn nếu bạn: "Trước hết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa (những điều bạn cần)"(Mat 6:33).
Người làm công thì đáng được hưởng tiền công mình, nhưng đừng bao giờ trở thành kẻ chăn thuê. Một người chăn thật sẽ phó sự sống mình cho bầy. Nhưng kẻ chăn thuê khi nhìn thấy muôn sói đến thì bỏ chiên chạy trốn (Xem Giăng 10:12-13).
Điều này không chỉ riêng cho những người lãnh đạo Hội Thánh. Nhiều Cơ Đốc Nhân, không phải là người lãnh đạo Hội Thánh, đã chọn nơi họ sống và việc họ làm chỉ bởi số tiền đã đem đến cho họ. Họ không "Trước hết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời" cũng như ý muốn của Ngài trong những vấn đề này.
Chúa Jêsus bảo đó là lối sống của người ngoại đạo. Đó là tội lỗi. Nếu bạn đang sống như vậy, bạn sẽ lạc mất ý muốn của Đức Chúa Trời.
Chúa Jêsus phán rằng nếu trước hết chúng ta tìm kiếm nước của Ngài, Ngài sẽ cho thêm mọi điều ấy nữa. Có thể Ngài sẽ thử nghiệm chúng ta, nhưng Ngài sẽ ban phước cho những ai đặt Ngài và nước của Ngài trước hết trong đời sống của họ.
Đức Chúa Trời muốn rằng chúng ta được thịnh vượng trong mọi mặt của cuộc sống (IIIGiăng 2). Tuy nhiên chúng ta thường ngăn cản sự thịnh vượng này bằng cách vi phạm sự quản lý tiền bạc.
Một trong những nguyên nhân mà một số người vẫn còn túng thiếu và nghèo khổ là họ không biết dâng hiến cho công việc Chúa, sợ rằng họ sẽ còn nghèo hơn nếu họ dâng hiến cho sự truyền giảng phúc âm. Chỉ có sự xử dụng tiền bạc theo ý muốn Đức Chúa Trời mới đem lại sự rộng rãi tài chánh.
Mặt khác, những người lãnh đạo Hội Thánh trong một số nước nghèo nhất thế giới vẫn đang hưởng được phước hạnh về mặt tài chánh mà Đức Chúa Trời ban cho họ và các tín hữu trong Hội Thánh của họ. Tại sao? Bởi vì họ thực hành những nguyên tắc trên, dâng hiến cho công việc Chúa cách vui lòng.
Muốn đạt được điều này, trước hết hãy bắt đầu dâng phần mười cho những Hội Thánh địa phương và cho quỹ truyền giáo. Nếu Hội Thánh bạn chưa có dịp cho tín hữu dâng hiến, hãy bắt đầu.
Hãy thay đổi cách cầu nguyện ích kỷ của chỉ riêng cho bản thân bạn nhưng hãy bắt đầu cầu nguyện để Đức Chúa Trời ban phước cho những người khác. Phải chăng đây là điều thánh Giacơ đã nói: "Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình "(Gia 4:3). Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ nhận lời cầu nguyện ban thêm tiền bạc cho chúng ta nếu chúng ta chỉ muốn dùng riêng cho bản thân mình. Ngài chỉ ban cho chúng ta sự dư dật khi biết rằng chúng ta ăn năn từ bỏ sự ích kỷ và trở thành những con người dâng hiến.
Tham lam là thờ hình tượng, bởi vì chúng ta bị lòng tham cai trị, chúng ta chỉ phục vụ cho những đòi hỏi cá nhân của mình trước tiên, vâng theo những mệnh lệnh của xác thịt chúng ta hơn là sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.
Tham lam là một đường lối tinh vi của việc đặt điều gì đó lên trên Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Chúng ta đặt những lợi riêng của mình trước những ích lợi của Đức Chúa Trời và của những người khác, và vô tình đã trở thành nô lệ cho mamôn: Chúng ta tham lam theo mức độ chúng ta để lòng yêu mến tiền bạc cai trị chúng ta.
Lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Khi để tiền bạc hướng dẫn, chúng ta sẽ từ chối lắng nghe tiếng Chúa trước tiên. Nếu Đức Chúa Trời không phải là Đấng dạy dỗ chúng ta cách quản lý tiền bạc, thì Satan sẽ làm công việc đó.
Nền kinh tế trên thế giới này được đặt nền tảng trên lòng tham lam. Nếu không nói là tất cả, thì hầu hết các cuộc chiến đều dựa trên lòng tham lam của các dân tộc. Hầu hết những hậu quả của tội ác đều đến từ việc người này muốn làm thỏa mãn lòng tham của mình bằng của cải của người khác.
Những nhóm người chính trong dân số thế giới đều được chia ra theo mức độ thành đạt của họ trong nền kinh tế. Nhưng Cơ Đốc Nhân được tự do khỏi sự kiểm soát về kinh tế của thế giới này khi họ trung tín bước đi theo những nguyên tắc về tài chánh của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy lược sơ lại những nét chính trong chương này:
Chúa Jêsus nói cách rõ ràng rằng: "Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Mamôn nữa ". Bạn chỉ có thể chọn một trong hai.
Hãy dứt khoát một lần rằng bạn sẽ không bao giờ để tiền bạc kiểm soát các quyết định của bạn. Hãy cầu nguyện cho phần tài chánh của bạn nhiều như bạn cầu nguyện cho đời sống và chức vụ của bạn.
"Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác" (ITi 6:10). Cùng với việc bạn cho phép lòng tham tiền bạc nội trú trong bạn, ma quỉ cũng hiện diện trong đời sống bạn. Khi bạn yêu mến tiền bạc, bạn đang mở cửa lòng mình cho những hoạt động của một thế lực gian ác ẩn nấp sau nó. PhaoLô khuyên nhủ chàng thanh niên Timôthê rằng: "Nhưng hỡi con là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi" (ITi 6:11).
Chỉ những người vâng theo Đức Chúa Con, Đấng đã giải phóng chúng ta được tự do, mới nếm biết được sự rộng rãi về tài chánh. Hãy bắt đầu thực hành nguyên tắc này của Đức Chúa Trời.
Hãy dâng hiến! "Hãy cho, các ngươi sẽ được ban cho". Hãy quyết định một lần đủ cả về việc bẻ gãy sự rủa sả nghèo khó bằng cách dâng phần mười, dầu bạn có cảm thấy muốn dâng hay không, hãy cứ dâng.
Phần mười là của Đức Chúa Trời và nếu bạn thất bại trong việc trung tín dâng hiến phần mười, kẻ "cắn nuốt" sẽ đến và lấy phần ấy khỏi bạn, với sự thu gom từ đầu đến cuối!
Những của dâng lạc ý là những phần quan trọng khác mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta thực hành. Hãy rộng rãi với anh em mình và Đức Chúa Trời sẽ rộng rãi với bạn.
Hãy vâng phục Chúa và các sự hướng dẫn của Ngài chứ không vâng theo những "kẻ thuê mướn" là kẻ sẽ phá hủy anh em cũng như chức vụ của anh em. Đừng mất đức tin, Chúa là thành tín, Ngài sẽ cung cấp mọi sự cần dùng của anh em.
Đừng để những kẻ cung ứng tiền bạc quyết định cách sống và chức vụ của anh em. Đừng trở thành một kẻ chăn thuê. Hãy quyết tâm trở thành đầy tớ của Đức Chúa Trời, chứ không phải là đầy tớ của tiền bạc.
Chúng ta chỉ có thể hầu việc một chúa. Đó sẽ là Chúa Jêsus hoặc Mamôn. Bạn phải chọn lựa bởi vì bạn không thể hầu việc Đức Chúa Trời lại vừa hầu việc Mamôn.
Hãy cầu nguyện như vầy:
Lạy Chúa Jêsus! Con cảm tạ Ngài vì Ngài là Đấng thành tín và Ngài đã hứa ban mọi nhu cầu cho đời sống con. Con cảm tạ Ngài đã cho con biết rằng khi con hầu việc tiền bạc, ấy là con đang thực sự hầu việc Satan.
Con xin xác quyết ngay giờ này rằng chỉ một mình Ngài là Đức Chúa Trời của con. Con chọn để tin cậy nơi Ngài trong mọi nhu cầu của con. Con biết rằng Ngài sẽ lo liệu mọi điều cho con nếu con dùng tiền bạc của mình mà hầu việc Ngài.
Lạy Chúa, con tin rằng Ngài sẽ ban thêm năng lực và ân điển mà con cần có để gìn giữ giao ước theo ý muốn của Ngài. Con cảm tạ Ngài vì những bước này sẽ dẫn con đến sự giải phóng thật sự về vấn đề tài chánh. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus.
Amen!
Đức Chúa Trời muốn bạn trở thành một người lãnh đạo mang lại nhiều kết quả và có ảnh hưởng trên thế giới nầy. Nhưng làm thế nào bạn có thể trở thành một người lãnh đạo như vậy?
Những chương trước tập trung vào nhiều lãnh vực thực tế mà những người lãnh đạo phải dùng những tiêu chuẩn trong Kinh Thánh để làm khuôn mẫu cho đời sống của họ. Đó là những bước khởi đầu. Chúng ta phải biết quản lý tiền bạc như thế nào, phải bước đi trong sự khiêm nhường, phải tránh xa tội dâm dục. Nhưng có thể chúng ta vẫn không trở thành một người lãnh đạo có kết quả trong chức vụ.
Học vấn, những kỷ năng đặc biệt hoặc những khả năng của bạn cũng không thể đem lại cho chức vụ của bạn sức mạnh để thay đổi đời sống của con người. Vậy thì điều gì, chỉ có sự xức dầu đầy dẫy của Đức Thánh Linh mới mang lại sự hiệu quả thiêng thượng mà bạn cần có để hoàn thành chức vụ mà thôi.
Đức Chúa Trời lập chúng ta "nên nước Ngài (vua),nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời" (Khải 1:6). Ngài muốn chúng ta có quyền lực của một vị vua và sự thánh khiết của một thầy tế lễ. Chúng ta phải kinh nghiệm được sự xức dầu của Ngài để đạt được những điều này.
Trong chương này, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy thế nào "sự xức dầu " mang đến sự giải phóng, năng lực và sự cứu rỗi cho người của Đức Chúa Trời.
Chữ Christ trong tiếng Hylạp (cũng như chữ Mêsia trong tiếng Hêbêrơ) có nghĩa là "Đấng được xức dầu ". Chúa Jêsus giới thiệu chức vụ của Ngài bằng cách tuyên bố:"thần của Chúa ngự trên ta vì Ngài đã xức dầu cho ta, đặng truyền Tin Lành... rao cho những kẻ cầm được tha... kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do... " (Lu 4:18). Chúa Jêsus phán thật rõ ràng rằng chính Thánh Linh của Chúa đã xức dầu cho Ngài để thi hành một chức vụ đầy kết quả. Bạn và tôi cũng phải chịu cùng một nguyên tắc như vậy.
Sự xức dầu là gì? Kinh Thánh nói gì về sự xức dầu? Những ngưởi lãnh đạo trong các thế hệ trước đã nhận lãnh sự xức dầu như thế nào?
Chúng ta sẽ học về ba sự xức dầu khác nhau trong Cựu ước:
• Sự xức dầu của KẺ PHUNG
• Sự xức dầu của THẦY TẾ LỄ
• Sự xức dầu của VUA
Bịnh phung là một bịnh đáng sợ nhất ở vùng Palestin cổ. Căn bịnh kinh khiếp này tiêu hủy từ từ xương thịt của nạn nhân tuyệt vọng. Thậm chí những ngón tay, ngón chân và những phần khác của cơ thể cũng chết đi, thối rửa và rụng ra.
Những kẻ phung xấu số bị xua đuổi khỏi cộng đồng của họ. Để phòng những người khác khỏi đến quá gần, những kẻ phung buộc phải la lớn lên bất cứ nơi nào họ đi đến rằng: "Ô UẾ, Ô UẾ". Những nạn nhân của căn bịnh đáng sợ này chỉ có thể chờ đợi một cái chết đau đớn và chậm chạp.
Bịnh phung là một bức tranh về tội lỗi, một bài học sống mà qua đó Thánh Linh vẽ lại cách chính xác về hậu quả khủng khiếp bởi sự hủy diệt của tội lỗi trên đời sống của một người. Bịnh phung cho thấy tội lỗi và bản chất thật của Satan."Kẻ trộm (Satan) chỉ đến để cướp giết và huỷ diệt... "(Giăng 10:10).
Satan và tội lỗi giống như bịnh phung, sẽ cướp cuộc đời chúng ta, thật ra là giết chúng ta, và hủy phá chức vụ của chúng ta.
Có người thắc mắc rằng tại sao Môise lại đưa ra những luật hết sức tỉ mỉ về sự tinh sạch của một người phung và sự lành bịnh của anh ta. Sau khi luật này được đặt ra, không có trường hợp một người Ysơraên nào được chữa lành khỏi bịnh phung trong cả Cựu ước. Vậy thì tại sao Đức Chúa Trời lại dùng Môise lập nên những luật này?
Có thể lý do là Đức Chúa Trời muốn chúng ta học bài học "ẩn dấu" hay "thuộc linh" qua những luật này. Chúng ta hãy xem chi tiết trong Lê 14:1-57.
Những luật được ban hành qua Môise tuyên bố một người phung được sạch và được chữa lành là một bức tranh Cựu ước về sự tẩy sạch khỏi tội lỗi qua Chúa Jêsus trong Tân ước. Đó cũng là những nhân tố trong kinh nghiệm cứu chuộc của chúng ta:
Một con chim sẽ mang xa những gian ác xấu xa, sự đổ huyết và sự rảy huyết (làm hình bóng cho sự đổ huyết để gánh thay tội lỗi và hình phạt của chúng ta).
làm hình bóng cho những gì chúng ta phải làm để được xưng công bình - hoặc được xưng công bình khi chúng ta được sinh lại).
(hình ảnh của báp tem bằng nước).
Sự xức dầu cho người phung tượng trưng cho công việc của Đức Thánh Linh trong kinh nghiệm cứu chuộc của chúng ta.
Vì vậy, khi tin nhận Chúa Jêsus, chúng ta phải:
Ăn năn là từ bỏ tội lỗi và sự phản nghịch của chúng ta và quay trở lại cùng Đức Chúa Trời và vâng phục lời của Ngài.
Hãy xưng nhận tội lỗi của chúng ta với Đức Chúa Trời và tiếp nhận sự tha thứ của Ngài. Nếu chúng ta lấy lòng thật thà mà xưng tội, chúng ta sẽ được cứu (chữa lành) khỏi tội lỗi.
Rồi thì chúng ta vâng lời Chúa Jêsus mà chịu báp tem bằng nước.
Kinh nghiệm sự xức dầu của Đức Thánh Linh chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời (Rô 8:16).
Xức dầu có nghĩa là đổ dầu lên hoặc sự cung hiến bằng dầu. Sau khi người bị bịnh phung đã được chữa lành và vâng theo các luật lệ về sự tinh sạch, người ấy sẽ trình diện cho các thầy tế lễ Lêvi và chịu sự xức dầu.
Dầu là một biểu tượng của Đức Thánh Linh trong thời Cựu ước. Xức dầu cho một người làm hình bóng về việc Đức Thánh Linh sẽ ngự trên người đó với một mục đích đặc biệt.
Người bị phung một khi đã mắc phải căn bịnh đáng sợ này và đã được chữa lành cũng như đã được tinh sạch khỏi những hậu quả gớm ghiếc của nó, sẽ chịu xức dầu để tỏ ra rằng người ấy đã được hoàn toàn phục hồi và được tham gia vào trong cộng đồng như một thành viên của dân Ysơraên.
Tất cả mọi tội nhân đều kinh nghiệm được sự xức dầu của người phung khi họ được tái sanh bởi Thánh Linh. "Đức Chúa Jêsus đáp rằng: quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời... "(Giăng 3:5, 6).
Tất cả những ai tin Chúa Jêsus và đầu phục Ngài đều kinh nghiệm được sự xức dầu của Đức Thánh Linh. Rô 8:9 chép rằng:"Nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy không thuộc về Ngài. "ICôr 12:3 thêm: "...Nếu không bởi Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng nhận Đức Chúa Jêsus là Chúa. "
Những câu Kinh Thánh trên xác định không ai có thể thật sự được tái sanh nếu không kinh nghiệm được công việc của Đức Thánh Linh.
Có một sự xức dầu đầy đủ hơn khi chúng ta được Báp tem trong Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ học chi tiết hơn trong phần "Sự xức dầu của vua "Sự xức dầu này khác biệt với công tác cứu rỗi ban đầu. Tuy nhiên cả hai đều liên quan đến công việc và chức vụ của Thánh Linh.
"Thầy tế lễ sẽ lấy huyết của con sinh chuộc sự mắc lỗi bôi trên trái tai hữu của người được sạch, trên ngón cái tay mặt và trên ngón cái chơn mặt...
"Dầu còn lại... thầy tế lễ sẽ lấy bôi trên trái tai hữu của người được sạch, trên ngón cái tay mặt và trên ngón cái chơn mặt -tức trên lớp huyết của lễ chuộc sự mắc lỗi. Dầu còn dư lại... thầy tế lễ sẽ đổ trên đầu người được sạch "(Lê 14:14-18).
Hãy lưu ý rằng huyết và dầu được xức trên tai, tay và chơn. Điều này cho thấy rằng sự cứu rỗi của chúng ta và kinh nghiệm của sự xức dầu (Sự chữa lành khỏi căn bịnh phung tội lỗi) ảnh hưởng đến ba vùng quan trọng trong đời sống chúng ta:
a) Nghe - Sự nghe của chúng ta đối với tiếng Chúa (Tai).
b) Phục vụ - Sự phục vụ Chúa của chúng ta (tay).
c) Bước đi - Chúng ta cùng bước đi với Ngài (chân).
Nếu chúng ta không nghe tiếng Chúa thì sự hầu việc Chúa của chúng ta không kết quả (xem chương 2). Nếu chúng ta không theo gương Chúa Jêsus trong sự phục vụ, chúng ta không thể bước đi với Ngài.
Chúng ta cần có huyết để tẩy sạch việc lắng nghe, hầu việc Chúa và bước đi với Chúa của chúng ta. Chúng ta cần sự xức dầu của Thánh Linh để nghe, để phục vụ và bước đi như chúng ta đáng phải làm. Huyết của Chúa Jêsus và sự xức dầu của Thánh Linh đều cần thiết cho "sự cứu rỗi lớn" của chúng ta. (Hêb 3:2).
Trong sách Xuất ê-díp-tô ký chương 29 và 30, và trong Lêviký chương 8 chúng ta học về sự phong chức thầy tế lễ cho Arôn và các con trai ông.
Cũng như trong sự xức dầu cho kẻ phung, chúng ta học được phương cách và hình bóng của chương trình cứu rỗi trong việc biệt riêng (phong chức) chức vụ thầy tế lễ.
Arôn và các con trai người bước vào nơi cửa hội mạc, đứng cạnh bàn thờ bằng đồng. Ở đây họ dùng huyết của một con chiên không tì vít dâng lên như một của lễ chuộc tội. Bởi điều này họ kinh nghiệm được sự tha thứ khỏi hình phạt của tội lỗi, là sự chết (Rô 6:23). Điều này làm hình bóng cho sự sanh lại hoặc sự xưng công bình.
Kế đó họ bước đến chiếc chậu bằng đồng và được tắm ở đó. Tại đây họ kinh nghiệm được sự giải phóng khỏi sự ô uế, thói quen và quyền lực của tội lỗi. Điều này làm hình bóng cho những gì xảy ra khi một người được báp tem bằng nước.
Kế tiếp tại cửa hội mạc họ nhận lãnh trang phục thầy tế lễ của họ. Trong nghi lễ này cũng có cả "Sự xức dầu ". Xuất 30:30 chép: "Ngươi cũng hãy xức dầu cho Arôn và các con trai người, biệt riêng họ ra thánh, để làm chức tế lễ trước mặt ta ".
Câu 29 giải thích:"Ấy vậy, ngươi sẽ biệt các vật nầy riêng ra thánh, hễ món chi đụng đến, đều sẽ được nên thánh".
Những câu Kinh Thánh này nói rõ ràng rằng phàm vật gì mà dầu này đụng phải, đều được nên thánh. Khi Môise đổ dầu nầy lên đầu của Arôn và các con trai người thì họ được nên thánh cho Đức Giê-hô-va.
Đây là sự xức dầu cho sự nên thánh. Có nghĩa là biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời một đời sống ngay thẳng và hành động phải lẽ. Vì vậy, sự xức dầu cho thầy tế lễ dạy dỗ chúng ta về sự hứa nguyện sống đời sống công bình và thánh khiết sau khi đã được sanh lại.
Từ lúc đó, tất cả các thầy tế lễ đều được xức dầu cho sự nên thánh theo cùng một cách ấy. Rất nhiều việc mà thầy tế lễ không được làm bởi vì sự thánh khiết của chức vụ. Do sự xức dầu này, nhiều vật có thể sẽ làm ô uế một thầy tế lễ nhưng không làm ô uế một người khác.
Nghi lễ này biệt riêng Arôn và các con trai ông là thầy tế lễ cho Chúa. Nếu sự xức dầu của người phung tượng trưng cho sự xưng công bình cho chúng ta, thì sự xức dầu của thầy tế lễ làm hình bóng về sự biệt riêng chúng ta ra cho công việc Chúa và nếp sống thánh khiết.
Khải 1:6 chép: Chúa "làm cho chúng ta nên nước Ngài (vua),nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời... ".IPhi 2:9 chép: "anh em... là chức thầy tế lễ nhà vua... "Những người tin Chúa Jêsus đều được kêu gọi bước đi trước mặt Đức Chúa Trời như những thầy tế lễ thánh.
Bishop Synan nói rằng: "Khi chúng ta bắt đầu nói với Đức Chúa Trời về QUYỀN NĂNG, Ngài cũng bắt đầu nói với chúng ta về SỰ THÁNH KHIẾT " Thật đúng như vậy.
Chúng ta không chỉ được cứu khỏi hình phạt của tội lỗi, nhưng còn được cứu khỏi những sự ô uế, quyền lực và thói quen tội lỗi."Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus (Đấng giải phóng),vì chính Con Trai Ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội "(Mat 1:21).
Một số người nói rằng: "Chúng ta được cứu trong tội lỗi ". Nhưng Kinh Thánh bảo rằng chúng ta được cứu khỏi tội lỗi. Chúng ta được cứu để KHÔNG PHẠM TỘI.
Chúng ta được cứu không phải để tiếp tục phạm tội. "Kẻ nào phạm tội là thộc về ma quỉ "(IGiăng 3:8).
Ô! Chúng ta cần được sự xức dầu của Thầy tế lễ để được thánh khiết biết bao! "Lạy Đức Chúa Trời chúng con cầu xin Ngài tuôn đổ dầu đó trên chúng con cách không chừng mực. " Nếu chúng ta muốn có quyền năng của Chúa làm việc qua chúng ta, chúng ta phải có sự thánh khiết của Ngài bộc lộ qua đời sống chúng ta.
Sự xức dầu thứ ba trong Cựu Ước là sự xức dầu cho vua. Sự xức dầu cho SauLơ, vua đầu tiên của dân Ysơraên được mô tả như sau:"Samuên lấy một ve nhỏ đựng dầu, đổ trên đầu SauLơ, hôn người, mà nói rằng: Nầy, Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ngươi đặng làm vua của cơ nghiệp Ngài "(ISa 10:1).
Chúng ta cũng đọc thấy sự xức dầu thứ hai cho Đavít để ông làm vua thế cho SauLơ: "Vậy, Ysai gọi người, mặt người hồng hồng, con mắt xinh lịch và hình dung tốt đẹp. Đức Giê-hô-va phán cùng Samuên rằng: Ấy là nó, hãy đứng dậy xức dầu cho nó. "
"Samuên lấy sừng dầu xức cho người ở giữa các anh em người. Từ đó về sau, thần của Đức Giê-hô-va cảm động Đavít "(16:12, 13).
Sự xức dầu của vua là ban quyền năng và uy quyền cho chức vụ vua. Với sự xức dầu này, Thần của Đức Chúa Trời ngự trên vua để ông có thể cai trị dân của Đức Chúa Trời, dân Ysơraên.
Sự xức dầu của vua trong Tân ước được chép trong Công 1:8 "Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép... ". Phép Báp Tem trong Thánh Linh là sự xức dầu của vua trong Tân ước.
"Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói... .Các sứ đồ lại lấy quyền phép rất lớn mà làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ... Bấy giờ, có nhiều phép lạ dấu kỳ được làm ra trong dân bởi tay các sứ đồ "(2:4; 4:33; 5:12).
Ba sự xức dầu chúng ta thấy trong Cựu ước chỉ về:
a. Sự xưng nghĩa: Chúng ta được tha thứ.
b. Sự nên thánh: Tấm lòng trong sạch
c. Uy quyền và quyền năng.
Đức Chúa Trời muốn chúng ta hưởng được kết quả của cả ba sự xức dầu trong đời sống cũng như trong chức vụ của chúng ta. Chúng ta hãy xem qua "Sự xức dầu tam diện" hay "sự xức dầu toàn diện" này.
"Ngươi là thầy tế lễ đời đời,... theo ban Mênchixêđéc "(Thi 110:4;).
Dưới Luật pháp Môise, thầy tế lễ phải là người trong chi phái LêVi. Nhưng khi Chúa Jêsus giáng sanh, Ngài được sanh ra từ giòng dõi của chi phái Giuđa, chi phái của những vị vua (Xem Sáng 49:8-10).
Vậy thì Chúa Jêsus dùng quyền hạn gì (cũng như bạn và tôi) lại mang chức vụ thầy tế lễ? Ngài không phải là người của chi phái Lêvi.
Sứ đồ PhaoLô đã giải thích vấn đề nan giải này trong thơ tín Hêbêrơ. Ông giải thích rằng chức vụ thầy tế lễ của Chúa Jêsus được căn cứ trên chức vụ thầy tế lễ của Mênchixêđéc (Xem Hêbêrơ 7).
Mênchixêđéc là một trong những nhân vật bí ẩn nhất trong Kinh Thánh. Tên ông trong tiếng Hêbêrơ có nghĩa là "vua của sự công bình ". Ông cũng là Vua của một thành phố gọi là SaLem (Sau này được đặt tên là thành phố của sự hòa bình). Vì vậy ông là vua của sự bình an và vua của sự công bình.
Mênchixêđéc cũng là thầy tế lễ tối cao của Đức Chúa Trời, là người đã chúc phước cho Ápraham sau khi Ápraham đánh bại các vua. Ápraham đã dâng một phần mười những chiến lợi phẩm cho ông (Sáng 14:18-20). Mênchixêđéc giữ cả ba chức vụ tiên tri, thầy tế lễ và vua. Như vậy, ông là ví dụ điển hình của một vua sẽ đến, vua Jêsus.
Điều gì đã làm cho Mênchixêđéc trở thành một thầy tế lễ tiên tri và vua? Đó là sự xức dầu mà ông đã nhận. Chính Đức Chúa Trời đã xức dầu cho ông.
Đó cũng là phương cách mà Chúa Jêsus cũng như hết thảy những người được đầy dẫy Đức Thánh Linh hành động. Sự xức dầu của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta quyền của tiên tri, thầy tế lễ và vua.
Môise là một người khác được "sự xức dầu tam diện " này. Đức Chúa Trời đã dùng Môise để giải phóng dân sự Ngài ra khỏi Aicập. Qua Môise, Đức Chúa Trời ban luật pháp cho dân Ysơraên. Môise đã cai trị họ trong bốn mươi năm. Môise đã làm được những việc như vậy chỉ bởi vì ông đã nhận lãnh được sự xức dầu đặc biệt từ nơi Chúa. Ông đã được xức dầu cho chức vụ thầy tế lễ tiên tri và vua.
Là một thầy tế lễ, Môise đã cầu thay cho dân Ysơraên và hướng dẫn họ đi trong sự công bình. Ông cũng cai trị họ như một vua. Ông đã nhận được sự xức dầu toàn diện. Ông là người đã giữ vai trò của một thầy tế lễ để ra mắt Chúa cũng như vai trò của một vị vua để cai trị dân Ysơraên.
Thật thú vị là Môise không được ban danh hiệu là "thầy tế lễ " hoặc"vua ", nhưng ông đã thi hành chức vụ của cả hai.
Các quan xét là những người nam hay những người nữ được "sự xức dầu tam diện "này.
Tôi cần phải làm sáng tỏ quan niệm sai lầm về các quan xét. Họ là những "Người giải cứu " - Họ đã cứu đất nước ra khỏi những kẻ thù của họ. Họ là "những người giải phóng "- Họ đã giải phóng dân Ysơraên ra khỏi kẻ thù nghịch. Họ là"những quan xét " chỉ theo nghĩa là họ đem sự xét xử và những lời khuyên khôn ngoan đến cho đất nước.
Họ không phải là những ông"quan tòa " ở trong những phòng xử án áp dụng những luật hiện hành.
Sau khi Môise qua đời, Giôsuê và các quan xét (những người giải phóng) thay thế cho ông. Họ nhận được "sự xức dầu tam diện " để giải phóng dân Ysơraên và phục hồi mối tương giao của dân sự với Đức Chúa Trời. Họ cũng thi hành chức vụ của những thầy tế lễ, đem dân sự trở lại cùng Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời cùng dân sự. Họ cũng thi hành vai trò của các vị vua đứng lên lãnh đạo quân đội bẻ ách thống trị của quân thù. Họ lãnh đạo bằng sự công bình và luật pháp của Chúa. Họ cũng không được ban cho danh hiệu "Thầy tế lễ " hoặc "vua ", nhưng vẫn thi hành chức vụ của cả hai.
Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời giáng trên họ, lập tức họ thi hành những gì Đức Chúa Trời muốn họ làm để cứu dân sự.
Samuên xuất hiện vào cuối danh sách những người nhận lãnh "sự xức dầu tam diện ". Trong khoảng một ngàn năm (từ Mênchixêđéc đến Samuên) Đức Chúa Trời đã ban sự xức dầu tam diện" cho những người sẽ mang chức vụ lãnh đạo trước tuyển dân của Ngài.
Giống như Môise và các quan xét trước ông, Samuên được Đức Chúa Trời lập lên khi dân Ysơraên ở trong một nhu cầu đặc biệt. Cũng như các người trước Samuên không mang danh hiệu của thầy tế lễ, tiên tri hoặc vua. Tuy nhiên, chức vụ của một thầy tế lễ, tiên tri, và nhà vua hiển hiện trong đời sống ông.
Trong khi dân Ysơraên cần được nghe tiếng Chúa, Samuên được xức dầu để nói tiên tri. Ông thi hành chức tế lễ và cầu thay cho dân sự bởi vì các thầy tế lễ trong chi phái Lêvi đã trở nên sa bại. Samuên cũng giữ vai trò lãnh đạo dân Ysơraên trong thời kỳ hết sức rối ren này.
Cũng như Mênchixêđéc, Môise và các quan xét khác, Samuen đã thi hành chức vụ dưới sự xức dầu đầy trọn cho chức vụ nhà vua, thầy tế lễ và tiên tri.
Đời sống của những người được xức dầu này là thánh khiết trước mặt Chúa, và chức vụ của họ đầy dẫy quyền năng. Thế nhưng, thời kỳ một ngàn năm cũng bắt đầu kết thúc. Ngọn gió của sự thay đổi đã thổi mạnh vào Ysơraen.
Sự không thỏa lòng với đường lối của Đức Chúa Trời đang xói mòn tư tưởng của họ. Chẳng bao lâu người ta sẽ đòi hỏi một sự thay đổi mà sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sự xức dầu trên con người.
Hiệu quả là sự xức dầu phải được phân chia giữa những tước hiệu của con người là "vua " và những tước hiệu khác như "thầy tế lễ ". Những vị vua sẽ bị hủy diệt bởi sự xức dầu cho nhà vua bởi vì họ thiếu sự thánh khiết. Những thầy tế lễ người Lêvi nhận lấy sự xức dầu cho chức tế lễ của họ và lăng nhục chức vụ ấy, vì đã thiếu uy quyền và sức mạnh trong đời sống họ.
Một trong những chương đáng buồn nhất trong lịch sử Ysơraên đã bắt đầu khi dân Ysơraên đòi hỏi một người lãnh đạo mang tước vị: vua.
Đức Chúa Trời đã dùng Samuên cảnh cáo dân Ysơraên rằng: "Nầy là cách của vua sẽ cai trị các ngươi. Người sẽ bắt con trai các ngươi đặng đánh xe mình, hoặc đặt vào quân kỵ đặng chạy trước xe của người... bắt chúng nó cày ruộng người, gặt mùa màng người...
"người sẽ đánh thuế một phần mười về các bầy chiên các ngươi, và các ngươi sẽ làm tôi mọi người. Bấy giờ các ngươi sẽ kêu la vì cớ vua mà các ngươi đã chọn... "(ISa 8:10-18).
Dân Ysơraên đã không nghe theo lời khuyên của tiên tri Samuên. Samuên đã già, nên lập các con trai ông là Giôên và Abigia làm quan xét cho dân Ysơraên."Nhưng hai con trai người chẳng noi theo gương người, xiêu lòng tham nhận lấy của hối lộ và trái lệch sự công bình "(8:3).
Kết quả là các trưởng lão trong Ysơraên than phiền về hành động của các con trai Samuên. Họ không thể tin rằng Đức Chúa Trời sẽ cung cấp một lãnh đạo khác mặc lấy sự"xức dầu tam diện ", vì thế họ đến cùng Samuên và nói rằng:"Kìa ông đã già yếu các con trai ông lại chẳng noi theo gương của ông. Bây giờ, xin hãy lập trên chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi, y như các dân tộc khác. "(8:5).
Lời yêu cầu này đã làm cho Samuên buồn rầu. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng buồn rầu hơn cả về đề nghị đó. Ngài phán cùng Samuên rằng:
"Hãy nghe theo mọi lời dân sự nói cùng ngươi, ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là tứ chối ta đó, hầu cho ta chẳng cai trị chúng nó nữa.
Chúng nó đã lìa bỏ ta đặng hầu việc các thần khác. Hãy nghe theo tiếng chúng nó và ban cho chúng nó một vua. "(8:7, 22)
Dân sự đã vui mừng vì họ đã thắng thế Đức Chúa Trời. Họ không biết rằng họ đang chọn cho mình một thảm họa.
Mặc cho Samuên cảnh cáo họ, họ đã không thèm nghe và Đức Chúa Trời đã phó cho điều mà lòng họ ao ước. Đức Chúa Trời đã quyết định để cho họ chán chê theo đường lối của họ. Ngài phán với Samuên rằng "Hãy nghe theo tiếng chúng nó và ban cho chúng nó một vua ".
Tôi thường nói rằng:"Đôi khi sự phán xét của Đức Chúa Trời là ban cho chúng ta điều mà chúng ta ao ước ". Hãy coi chừng, đó là sự thật!
"Samuên lấy một ve nhỏ đựng dầu, đổ trên đầu SauLơ, hôn người, mà nói rằng: Nầy Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ngươi đặng làm vua của cơ nghiệp Ngài (10:1).
Tại sao về sau SauLơ bị phế bỏ ngôi vua? Đó là vì ông đã mất kiên nhẫn không chờ đợi Samuên, phạm vào chức vụ thầy tế lễ và đã tự dâng của lễ là việc không dành cho ông. (13:8-14).
Khi Saulơ cố gắng thi hành chức vụ mà ông không được xức dầu, ông liền bị đoán xét và bị phế bỏ. Điều này chứng minh cho phần trên. Khi dân Ysơraên cầu xin một vua, sự xức dầu bị chia ra. Vua chỉ nhận được một sự xức dầu. Những người lãnh đạo của dân Ysơraên không còn nhận được cả hai sự xức dầu của thầy tế lễ-tiên tri và vua nữa. Họ chỉ được xức dầu để làm vua, vì vậy, họ không có sự vâng phục cũng như sự thánh khiết của thầy tế lễ.
Ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là dân Ysơraên phải có một vua "như những dân tộc khác ". Kiểu mẫu của Đức Chúa Trời cho người lãnh đạo là những người như Mênchixêđéc, Môise, Giôsuê, các quan xét và Samuên.
Đức Chúa Trời thành tín lập nên những người lãnh đạo mà họ nhận được sự xức dầu toàn diện của Ngài để đoán xét dân sự trong cương vị của thầy tế lễ và vua. Nhưng dân Ysơraên đã chọn cho họ một vua"như những dân tộc khác ". Họ đã từ chối quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Họ quay lưng lại với Đức Chúa Trời là Vua của họ. Và Đức Chúa Trời đã phó họ cho điều lòng họ ao ước.
Một người cai trị thần quyền thật là một người nhận được sự xức dầu toàn diện của Đức Chúa Trời. Người ấy sẽ cai trị trong cương vị của cả một thầy tế lễ tiên tri và một vua. Nhưng sự lựa chọn của dân Ysơraên là một vua"như những dân tộc khác ", một người sẽ cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời chỉ với một sự xức dầu để nhận được quyền năng và uy quyền. Người đó sẽ thiếu sự thánh khiết và một bản chất nhân từ. Sự xức dầu bị chia ra nầy không phải là ý muốn cao cả nhất của Đức Chúa Trời cho dân sự của Ngài.
Đức Chúa Trời biết rằng không ai có thể cai trị bởi sự xức dầu của vua mà không được sự cân bằng bởi sự xức dầu của thầy tế lễ để đạt được sự thánh khiết. Hầu hết các vua Ysơraên và GiuĐa đều thất bại trong chức vụ lãnh đạo của họ do đời sống thiếu sự thánh khiết.
Chúa đã từ bỏ Saulơ bởi vì ông không vâng lời và phạm vào chức vụ mà ông không được xức dầu. Sự trị vì của Đavít đã suy yếu bởi ông đã phạm tội ngoại tình với BátsêBa. Salômôn rơi vào một kết cuộc bi thảm bởi vì sự bất khiết và sự thờ hình tượng.
Ysơraên đã ly khai khỏi Giuđa và khoảng hai trăm năm sau khi họ đã bị bắt làm phu tù bởi vì những vị vua bất khiết của họ. Những vị vua đó nhận lãnh uy quyền của Đức Chúa Trời nhưng họ không đi trong đường lối thánh khiết của Ngài. Điều này mang lại sự phán xét kinh khiếp cho dân Ysơraên và họ bị tản lạc khắp đất.
Như vậy, lịch sử của dân Ysơraên chấm dứt trong sự nhục nhã và chiến bại.
Sau khi dân sự đòi một vua, họ bắt đầu kinh nghiệm một sự áp bức khác. Sự cai trị nhấn mạnh đến thánh khiết theo chủ nghĩa luật pháp mà không có quyền năng và uy quyền của Đức Chúa Trời đã thay thế cho sự lãnh đạo không chút ích kỷ, nhưng đầy tình thương và nhân từ như Samuên. Những người Pharisi trong thời Chúa Jêsus là sự nhân rộng cuối cùng của lỗi lầm này.
"Những thầy tế lễ không có quyền năng " do nhận sự xức dầu phiến diện này đã không đứng trước Đức Chúa Trời để cầu xin cho dân sự như Môise đã làm. Khi Đức Chúa Trời nổi giận đòi tiêu diệt dân Ysơraên bởi vì tội lỗi và sự cứng lòng của họ, thì sự cầu thay của Môise đã cứu họ khỏi sự trừng phạt (Xuất 32:30-35).
Thay vào đó giáo phái Pharisi với sự kiêu ngạo và chủ nghĩa luật pháp nghiêm nhặt của nó, đã bắt đầu đưa ra những đòi hỏi mà nó ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo của dân tộc.
Những người Pharisi chỉ chú trọng đến văn tự của luật pháp. Họ đánh mất mục đích của luật pháp.
Những đòi hỏi khắt khe của những luật lệ tôn giáo không theo Kinh Thánh này đã biến họ trở thành những con người không thương xót, thù hận và kiêu ngạo. Họ đã lạc mất sự thật rằng mọi người đều là tội nhân và cần sự thương xót của Đức Chúa Trời.
Họ trừng phạt hay giết chết bất cứ người nào phạm những điều luật này. Họ biến thành những kẻ đạo đức giả không ai bằng trong lịch sử tôn giáo.
Chúa Jêsus đã nghiêm khắc quở mắng"những thầy dạy luật này ". Họ tạo nên những điều luật mà họ không thể vâng giữ, nhưng lại trừng phạt những ai không vâng giữ nó.
"các thầy thông giáo và người Pharisi đều ngồi trên ngôi của Môise. Vậy hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi, nhưng đừng bắt chước việc làm của họ vì họ nói mà không làm...
"Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy... ưa ngồi đầu đám tiệc, thích ngôi cao nhất trong nhà hội, muốn người ta chào mình giữa chợ, và ưng người ta gọi mình bằng thầy "(Mat 23:2-7).
Có người đã nói rất hay rằng: "khoảng cách giữa những gì chúng ta nói với những gì chúng ta làm chính là mức độ bội đạo của chúng ta. " Xin Chúa giúp đỡ chúng ta! Nhưng đó là sự thật.
"Sự thánh khiết bề ngoài" của những người Pharisi chính là sự kiêu ngạo thuộc linh của họ. Nhấn mạnh sự thánh khiết và kiến thức Kinh Thánh mà không có quyền năng Thánh Linh của Đức Chúa Trời trên đời sống bạn là một lỗi lầm trầm trọng.
PhaoLô đã cảnh cáo chúng ta coi chừng những người lãnh đạo tôn giáo hoặc những giáo phái đang ở trong sự thất bại này: "Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang xấc xược... không tin kính, vô tình... bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó. Những kẻ thể ấy con hãy lánh xa đi "(IITi 3:2-5).
Sự thất bại của những vị vua có quyền phép của Đức Chúa Trời nhưng không có sự xức dầu của thầy tế lễ để có một đời sống thánh khiết đã đem sự phán xét đầu tiên của Đức Chúa Trời đến trên dân Ysơraên.
Những thầy tế lễ Pharisi mang sự xức dầu của thầy tế lễ nhưng thiếu quyền phép của Đức Chúa Trời. Do đó sản sinh ra một tôn giáo chỉ căn cứ vào sự thánh khiết bề ngoài mà không có sự thay đổi trong lòng. Họ đem sự phán xét cuối cùng đến trên dân Ysơraên. Cả hai đều không hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời trên đất này.
Dân sự của Đức Chúa Trời đã phải gánh chịu những sự đau khổ do những vị vua không công bình gây ra. Họ đã chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời bởi những lầm lỗi từ những người lãnh đạo của họ.
Lời hứa của Đức Chúa Trời đã đem lại cho họ một nguồn hy vọng lớn:
"Ta sẽ lập lại các quan xét của ngươi như ngày trước, các mưu sĩ của ngươi như lúc đầu. Rồi sau người ta sẽ xưng ngươi là thành công bình, là ấp trung nghĩa "(Ês 1:26).
Đối với dân sự là những người trãi qua hàng thế kỷ chỉ biết những người lãnh đạo không được sự xức dầu toàn diện, thì đây là một lời hứa đầy phước hạnh. Đức Chúa Trời hứa ban cho họ những người lãnh đạo có sự xức dầu giống như những quan xét ban đầu, những người như Môise, Giôsuê và Samuên.
Điều này cũng được lặp lại trong sứ điệp của Êsai: "nầy sẽ có một vua lấy nghĩa trị vì, các quan trưởng lấy lẽ công bình mà cai trị. Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bảo táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn mỏi "(32:1-2).
Đặc tính của vị vua công bình này được tìm thấy khi chúng ta đọc những câu Kinh Thánh này: "Vì sẽ có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng lạ lùng, Đấng mưu luận, là Đức Chúa Trời quyền năng là Cha đời đời là Chúa bình an "(9:5).
Chúa Bình an này sẽ nhận được sự xức dầu của thầy tế lễ tiên tri và của vua."Đức Giê-hô-va từ Siôn sẽ sai đến cây phủ việt về sự năng lực ngươi: Hãy cai trị giữa các thù nghịch ngươi... Đức Giê-hô-va đã thề, không hề đổi ý mà rằng: Ngươi là thầy tế lễ đời đời, theo ban Mênchixêđéc "(Thi 110:2, 4).
Đấng sẽ đến sẽ nhận được sự xức dầu đầy trọn của Đức Chúa Trời để làm vua và thầy tế lễ tiên tri. Ngài sẽ cầm "cây phủ việt về sự năng lực "và cai trị.
Ngài sẽ là"thầy tế lễ đời đời theo ban Mênchixêđéc ", cai trị như một vị vua công bình. Bởi sự xức dầu vĩ đại đó mà Ngài được xưng là "Đấng được xức dầu" (tiếng Hêbêrơ là Mêsia; tiếng Hylạp là Christ).
Lời hứa lập lại sự xức dầu đầy trọn đã được ứng nghiệm trong Đức Chúa Jêsus Christ."Ngài được lấy dầu vui mừng xức cho, khiến Chúa trổi hơn kẻ đồng loại mình "(Hêb 1:9b).
Chúa Jêsus là "thầy tế lễ thượng phẩm "của chúng ta (3:1),và là "Chúa của các chúa, Vua của các vua "(Khải 17:14).
Chỉ một mình Ngài được trao cho "Hết thảy quyền phép ở trên trời và dưới đất "(Mat 28:18).Chính Ngài là Đấng "làm nên sự khôn ngoan, sự công bình sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta ".(ICôr 1:30)
"Ấy khác nào dầu quý giá đổ ra trên đầu chảy xuống râu, tức râu của Arôn chảy đến trôn áo người "(Thi 133:2).
Bằng một sự minh họa tuyệt vời, sự thật được mô tả qua những câu Kinh Thánh trên. Thầy tế lễ được xức dầu từ đầu cho đến chơn.
Chúng ta biết rằng chúng ta là chi thể trong thân thể của Đấng Christ (ICôr 12:27). Chúng ta cũng biết rằng Chúa Jêsus là đầu và là thầy tế lễ thượng phẩm (Êph 1:22; Hêb 3:1). Do đó, "Sự xức dầu tam diện " được đổ xuống trên Ngài sẽ chảy xuống chúng ta, là chi thể trong thân Ngài. Chúng ta có thể cùng tham dự với Ngài trong sự xức dầu.
Đức Chúa Trời muốn mỗi chúng ta được xức dầu giống như Chúa Jêsus đã được xức dầu.
Là những người lãnh đạo Hội Thánh chúng ta phải nhận được sự xức dầu của Ngài để sống công bình thánh khiết, để chữa lành kẻ đau, đuổi quỉ, giảng phúc âm của nước Đức Chúa Trời cho đến đầu cùng đất. Nói tóm lại là nhận được sự xức dầu quyền phép.
IPhi 2:9 chép, chúng ta là "dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua""làm cho chúng ta nên nước Ngài (vua),nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời "(Khải 1:6; 5:10).
Nếu bạn chưa được sanh lại hãy theo những bước trong phần đầu của chương này.
Sau đó đọc phần "tình trạng chưa được tái sanh " của Chương Hai. Hãy làm theo những sự hướng dẫn và bạn sẽ nhận được "sự xức dầu của kẻ phung ", sự xức dầu đầu tiên trong ba sự xức dầu.
Nếu bạn chưa chịu báp tem bằng nước, hãy thực hiện bước này. Khi chúng ta nhận phép báp tem, hãy nhận thức rằng Đức Chúa Trời muốn làm một việc siêu nhiên trong lòng chúng ta. Hãy xem như những tội lỗi và những tội vấn vương đã tan biến khi bạn bị chôn với Ngài bởi phép Báp- tem... "(Rô 6:4).
"Vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa ".(Rô 6:6, 7).
Bởi sự Báp-tem bằng nước theo Kinh Thánh, bạn có thể nhận được"sự xức dầu của thầy tế lễ "để sống đời tự do thoát khỏi sự cai trị của tội lỗi. Hãy xem như điều đó đã xảy ra khi bạn được dìm xuống nước trong việc Báptem.
"Sự xức dầu của Vua "cho bạn để nhận lãnh quyền phép sẽ đến từ Chúa Jêsus. Thánh Giăng nói rằng: "Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình... "(IGiăng 2:27). Dầu đó đã chảy từ trên đầu là Chúa Jêsus xuống thân thể là chúng ta.
Giăng Báptít đã nói về Chúa Jêsus rằng: "Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép Báp- tem cho các ngươi... Nhưng Đấng đến sau ta... sẽ làm phép báp- tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa "(Mat 3:11). Giăng ngụ ý rằng Chúa Jêsus sẽ làm phép Báp-tem như cách ông đã làm, nhưng thay vì bằng nước, Ngài sẽ làm phép Báp-tem bằng Đức Thánh Linh.
Giăng đã làm phép báp-tem như thế nào? Những người muốn làm phép báp-tem đến cùng Giăng, khao khát ông làm phép báp-tem cho họ bằng nước. Bạn cũng phải đến cùng Chúa Jêsus, khao khát phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh.
Dân chúng đã để cho Giăng làm báp-tem cho họ, họ không thử tự mình làm lấy. Cũng vậy, bạn phải để Chúa làm phép báp tem trong Đức Thánh Linh cho bạn.
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần:"Thình lình có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi "(Công 2:2). Chúa Jêsus đã làm phép báp tem cho họ khi họ đang ngồi, Họ không đang ở trong những trạng thái xúc động tôn giáo điên cuồng, cố gắng làm báp tem cho chính họ.
Chúa Jêsus sẽ làm phép báp-tem cho bạn trong Đức Thánh Linh. Ngài sẽ dìm bạn trong dòng nước thuộc linh là Đức Thánh Linh.
Như trong ngày lễ Ngũ tuần, bạn hãy lớn tiếng cầu nguyện, ca ngợi Chúa Jêsus và tiếp nhận Đức Thánh Linh trong danh của Ngài. Khi bạn cảm thấy Đức Thánh Linh đang đầy dẫy bạn, hãy để Ngài hành động qua môi miệng bạn bằng ngôn ngữ thiên đàng, cầu nguyện và tôn vinh Cha thiên thượng của bạn.
Khi Đức Thánh Linh ban cho bạn những lời nào đó, hãy dùng đức tin nói với Đức Chúa Trời. Bạn sẽ không hiểu được những lời đó nhưng Cha thiên thượng của bạn sẽ hiểu.
"Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói "(Công 2:4).Bạn cũng hãy làm như vậy.
Trong phép báp-tem này, bạn đã bắt đầu nhận được "sự xức dầu của vua ". Và rồi khi bạn cứ tiếp tục bước đi với Chúa Jêsus, bạn sẽ nhận được những sự xức dầu khác của Đức Thánh linh, HALÊLUGIA.
Qua phần này chúng ta học được rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta trông cậy và lắng nghe tiếng Ngài. Chúng ta học được rằng sự khổ nạn là sự huấn luyện của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Chúng ta cũng học cách tránh xa những cạm bẫy của sự kiêu ngạo, tội tà dâm và lòng ham mê tiền bạc.
Chúng ta cũng nhận thức được rằng tất cả những người được Chúa kêu gọi đều phải chịu những thử thách và huấn luyện của Đức Thánh Linh. Khi trách nhiệm của bạn càng lớn thì trách nhiệm của bạn càng nặng nề hơn.
Nếu chúng ta học được hết thảy những điều trên, nhưng không có sự xức dầu đầy trọn của Đức Chúa Trời, tất cả chỉ là con số không mà thôi. Nếu không có sự xức dầu của Đức Thánh Linh trên chức vụ của chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ gặt hái được kết quả trong việc truyền giáo, giảng đạo, dạy dỗ, đuổi quỉ, chữa bịnh hay làm "những việc cao trọng " như Chúa đã hứa cho những người lãnh đạo. Tất cả những gì chúng ta làm chỉ là kết quả của những cố gắng xác thịt và không còn lại trong ngày phán xét.
Điều quan trọng nhất đối với người lãnh đạo Hội Thánh là phải bước đi trong sự thánh khiết và phụ thuộc vào quyền phép của Đức Thánh Linh. Quyền phép của Đức Thánh Linh chỉ có thể tìm thấy trong những đời sống thánh khiết và tất cả những ai bước đi trong sự thánh khiết mới nhận được quyền năng của Đức Chúa Trời trên đời sống họ.
Chúng ta phải kinh nghiệm cả hai điều. Chỉ nhấn mạnh trên sự thánh khiết mà bỏ qua quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ biến chúng ta thành những con người khô khan và cứng ngắc. Mặt khác, nếu chúng ta chỉ cầu xin quyền phép của Đức Chúa Trời mà bỏ qua sự thánh khiết thì điều này sẽ đưa chúng ta đến chỗ bị hủy diệt bởi sự xức dầu mà chúng ta đang nhận (Xem Mat 7:21-23)
Thánh Giăng viết rằng: "Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn ở trong mình (trong các con)...Sự xức dầu của Ngài dạy các con đủ mọi việc, mà sự ấy là thật,... thì hãy ở trong Ngài, theo như sự dạy dỗ mà các con đã nhận.
"Vậy bây giờ hỡi con cái bé mọn ta, hãy ở trong Ngài, hầu cho nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy dẫy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến "(IGiăng 2:27, 28).
Từ ngữ "ở " dường như là chữ chìa khóa trong chương này, "Hãy cứ ở trong ta thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được. "
"Ta là gốc nho các ngươi là nhánh, ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong ta, thì phải ném ra ngoài cũng như nhánh nho; nhánh khô đi người ta lượm lấy quăng vào lửa thì nó cháy.
"Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn thì sẽ được điều đó "(Giăng 15:4-7).
Làm thế nào để chúng ta lãnh đạo cách tốt nhất trong sự xức dầu đầy trọn? Ở có nghĩa là:"duy trì, tiếp tục, cư ngụ, sống."
Phao lô đã viết về điều này rằng:"anh em đã nhận Đức Chúa Jêsus Christ thể nào, thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy... Hãy châm rễ và lập nền trong Ngài... lấy đức tin làm cho bền vững... và hãy dư dật trong sự cảm tạ "(Cô 2:6-7).
Tự lập và tự túc là những đức tính của người trưởng thành. Nhưng chúng có thể có hại cho mối tương giao thuộc linh của chúng ta với Chúa Jêsus. Ngài phán rằng "Hãy cứ ở trong ta! phụ thuộc vào ta! "
Nhánh nho dính vào gốc nho để hút lấy nhựa sống mà gốc nho cung cấp cho nó. Nó đậu trái hay không là phụ thuộc vào sự liên lạc này. Cũng vậy, chúng ta phải ở trong và duy trì mối liên hệ mật thiết của chúng ta với Chúa Jêsus. Nếu chúng ta làm như vậy, thì sự sống của Ngài, sự xức dầu của Ngài cũng sẽ tuôn chảy vào đời sống của chúng ta.
Chúng ta hãy bắt chước Mari, người đã ngồi nơi chơn Chúa Jêsus và nghe lời Ngài (Lu 10:38-42).
Và rồi chúng ta sẽ phục vụ Đức Chúa Trời bằng sự xức dầu của Vua và thầy tế lễ của Chúa Jêsus. Sự thờ phượng và ca ngợi sẽ thành chính hơi thở của chúng ta. Chúng ta sẽ được trang bị bằng quyền phép và các ân tứ của Ngài để đem những người khác đến sự tự do thật.
Thật khốn nạn cho những người nào được sự xức dầu của Đức Chúa Trời rồi dùng nó cho các mục đích riêng của mình.
Đừng bao giờ làm như vậy, hãy luôn là "người làm đẹp lòng Chúa Jêsus ".