MỤC LỤC
Người tin Chúa thường nghĩ rằng đối tượng của niềm tin vô cùng quan trọng và giáo lý căn bản về đạo Chúa là điều thiết yếu, vì vậy đem hết tâm lực học Kinh Thánh cũng như trau giồi tri thức thần học, dĩ nhiên như thế là đúng. Tuy nhiên chúng ta tin Chúa không phải cho riêng mình, mà còn là cho người khác nữa. Chúng ta là gạch nối giữa Chúa và thế giới còn chìm đắm trong tội ác. Chính vì vậy, không những chúng ta cần biết thấu đáo về đối tượng của niềm tin, nhưng còn phải biết tại sao chúng ta tin nữa.
Khoa học và Niềm tin được soạn ra nhằm mục đích trang bị cho người tin Chúa biết rõ tại sao chúng ta tin và giải thích cho người khác tại sao niềm tin nơi Chúa là chính đáng để cho mọi người chấp nhận.
Khoa học và Niềm tin là một tập luận thuyết nhằm biện giải Cơ-đốc-giáo để những mối nghi ngờ không còn, và mọi người vững tin về những gì mình được dạy qua Kinh Thánh và qua giáo hội.
Khoa Học và Niềm Tin là môn học dùng phương pháp khoa học để biện giải cho niềm tin Cơ-đốc-giáo liên quan đến các lĩnh vực như: Đức tin, Chúa Giê-xu, Kinh Thánh, Khoa học và Kinh Thánh, Tiến hóa, Sáng Tạo, Nguyên nhân của sự sống, Phép lạ, Hoài nghi & Đức Tin, Cầu Nguyện v.v. Cuối mỗi chương có phần câu hỏi để bạn tự trắc nghiệm hay thảo luận trong một nhóm nhỏ.
Sách này chỉ cô đọng một số các vấn đề văn bản. Quý vị muốn hiểu thêm, xin vui lòng tìm đọc những tài liệu tham khảo liệt kê ở cuối sách.
Cầu mong ánh sáng của Lời Chúa soi dẫn mỗi chúng ta trong mọi khúc mắc của tư tưởng, để chúng ta càng biết rõ lý do tại sao chúng ta tin bao nhiêu thì lòng yêu mến Chúa càng sâu sắc bấy nhiêu.
Nguyễn Sinh
Tin là một từ quen thuộc trong mọi câu chuyện hằng ngày. Chữ tin ghép chung với nhiều chữ khác cũng rất thông dụng: tin cậy, tin nhau, tin tưởng v.v. Nhưng khi nói đến đức tin thì mọi người dừng lại, vì dường như đức tin khác hẳn với ý nghĩa tin thông thường. Chúng ta hiện sống trong một thế giới càng ngày càng tiến bộ về tri thức và học vấn, vì vậy biết rõ những điều chúng ta tin nhận chưa đủ, mà cần phải thấu rõ tại sao chúng ta tin nhận nữa.
Nói về đức tin, ta cần xác định như sau: Khi ta tin hay không tin một điều gì, không nhất thiết khiến cho điều ấy trở nên có thật hay ngược lại. Một sự thật hiển nhiên hay không, hoàn toàn không phụ thuộc vào quan niệm hay niềm tin của người ta. Nghĩa là nếu một sự việc có thật thì dù không tin thì việc ấy vẫn có thật. Còn nếu một sự việc không có thật, mà người ta cứ hết lòng tin cũng không thể khiến cho sự việc ấy trở thành hiện thực được.
Người ta có hai quan điểm sai lầm về Cơ-đốc-giáo:
Quan điểm thứ nhất cho rằng Cơ-đốc-giáo hoàn toàn chống lại tri thức của con người. Những người chủ trương như thế là dựa vào câu: “Anh em hãy thận trọng kẻo mắc bẫy những người dùng triết lý và mưu mẹo cạn cợt theo thói tục của người đời, theo hệ ý thức của trần gian, chứ không theo lời dạy của Chúa Cứu Thế Giê-xu.” (Co 2:8), mà bảo rằng Cơ-đốc-giáo đi ngược với luận lý. Những người này không biết rằng việc trình bầy Tin Mừng hay đạo Chúa rõ ràng hợp lý rất là quan trọng. Lý luận trong đạo Chúa không phải là để biện hộ cho đức tin, nhưng còn là nền móng cho đức tin nữa; cũng không phải là để thay thế cho việc làm của Thánh Linh, nhưng còn là một phương cách để làm cho chân lý khách quan của Lời Đức Chúa Trời được minh bạch, hầu cho người ta có thể quan tâm đến như là một dụng cụ của Thánh Linh để cáo trách, lên án thế gian qua nội dung của Lời Chúa.
Ngoài ra lúc nào trên đời cũng có những người thách thức đức tin Cơ-đốc-giáo. Sách báo và các phương tiện truyền thông bao giờ cũng coi thế giới trần tục là môi trường chính. Trong khi đó thì những tôn giáo như Hồi giáo, Ấn giáo và Phật giáo vẫn tuyên bố là họ có những kinh nghiệm rất là xác thực. Ngay trong vòng Cơ-đốc-giới cũng từng có những triết gia phản bội, đứng lên tuyên bố rằng ‘Thượng Đế đã chết’, và trong thời đại gọi là khoa học tiến bộ này thì chủ thuyết nhân bản thu hút người ta rất mạnh. Chủ thuyết nhân bản đã được gọi là một loại tôn giáo không có mặc khải.
Có người bài bác Cơ-đốc-giáo đã đưa ra một chuyện ngụ ngôn như sau:
Ngày xưa có hai người đi thám hiểm trong một khu rừng. Họ thấy một khoảng rừng có trồng hoa thật đẹp. Một người nói:
“Chắc chắn là phải có người nào đã đến đây chăm sóc mảnh đất này.”
Nhưng người kia phản đối:
“Đây là rừng hoang, làm gì có ai vào đây mà trồng hoa!”
Rồi hai người dựng lều ngay gần đó để rình xem có ai vào chăm sóc mảnh vườn hoa ấy không. Chờ mãi họ chẳng thấy ai ra vào gì cả, mà hoa vẫn mọc lên như thường. Họ lại lý luận, không chừng lúc họ ngủ có ai vào mà họ không biết chăng. Họ bèn đặt hàng rào kẽm gai quanh khu ấy, muốn cho chắc, họ còn gắn điện vào hàng rào, và đặt chó canh gác nữa. Chẳng thấy bóng dáng ai cả, mà khu vườn vẫn tươi đẹp. Người chủ trương rằng có người vào chăm sóc vườn hoa vẫn chưa chịu, nói rằng: “Dám lắm có người nào vào vườn này mà không bị hàng rào gai hay là chó làm hại, vì người ấy vô hình.”
Cuối cùng, người thứ hai nói:
“Cái người mà anh gọi là người vô hình hay tàng hình được đó có khác gì con người tưởng tượng mà anh nghĩ ra đâu? Mà cũng không khác gì chủ trương của tôi, là không có người nào chăm sóc khu vườn này cả, vì cả hai ta đều không thấy bóng dáng một người nào.”
Nghe câu chuyện này, nhiều người vội đắc chí cho rằng như thế đức tin không có gì để bào chữa. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, trong niềm tin của chúng ta, chúng ta không cho là, nghĩ là thế giới này như một khu vườn mà có thể một người làm vườn nào đó vào chăm sóc, mà chúng ta không rõ là ai. Thật ra chúng ta có bằng chứng hiển nhiên là một Đấng quyền năng đã sáng tạo nên thế giới này, đã vào đời trong xác phàm của Chúa Giê-xu, từng bị nhân loại vu cáo và lên án tử hình, đã chết, nhưng sau ba ngày đã phục sinh. Chúng ta không đặt niềm tin vào một lý luận võ đoán, chúng ta có những sự kiện hiển nhiên được chứng minh bằng những dòng lịch sử.
Mặt khác, có những người nghĩ rằng trở thành người tin Chúa là cả một tiến trình hoàn toàn theo đúng luận lý. Thật ra trong niềm tin của người Cơ-đốc có yếu tố tri thức, nhưng cũng có những xét nghiệm về mặt đạo đức nữa. Phúc âm Giăng đã ghi lời Chúa Giê-xu rằng: “Người nào sẵn lòng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời hẳn biết rõ lời tôi nói đây là của Đức Chúa Trời hay là của chính tôi.” (Gi 7:17). Trong khi đó thì sứ đồ Phao-lô nói: “Người không có Thánh Linh, không nhận lãnh được những ân tứ từ Đức Chúa Trời, chỉ coi như chuyện khờ dại, vì phải nhờ Thánh Linh mới hiểu giá trị của các ân tứ đó.”(ICo 2:14), nghĩa là, nếu không được Thánh Linh soi dẫn, không ai có thể có lòng tin. Nhưng một trong những dụng cụ mà Thánh Linh dùng để soi dẫn cho con người là sự giải thích Phúc âm hay Tin mừng cứu chuộc nhân loại của Chúa Giê-xu một cách minh bạch và hợp lý. Cũng như giải thích cho rõ việc Đức Chúa Trời giao tiếp với loài người.
Trong thư La-mã, thuộc Kinh Thánh Tân Ước, sứ đồ Phao-lô đã trình bầy rõ rằng, con người có thể qua cuộc sáng tạo, qua thiên nhiên mà biết có Đức Chúa Trời. Người ta không biết Đức Chúa Trời không phải vì không thể biết, hay là Chúa quá xa xôi khó hiểu, nhưng chính là vì con người đã nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời, là Đấng sáng tạo ra con người. Sứ đồ Phao-lô viết: “Dù biết Đức Chúa Trời nhưng họ chẳng tôn vinh hay tri ân Ngài. Thay vì tôn thờ Đức Chúa Trời vinh quang, bất diệt, họ thờ phượng hình tượng của con người hư hoại, kể cả hình điểu, thú, hay loài rắn rết. Họ đổi chân lý của Đức Chúa Trời để lấy dối trá. Họ từ chối không công nhận Đức Chúa Trời.”(Ro 1:21).
Vấn đề ở đây không phải là con người không thể tin, nhưng là con người quyết định không tin. Chúa Giê-xu ngày xưa đã nói với hàng lãnh đạo Do-thái giáo rằng: “Các ông từ chối không muốn đến với tôi để được sự sống.” Nghĩa là cam kết về mặt đạo đức đưa đến một giải quyết cho vấn đề tri thức.
Một bạn trẻ sau khi trao đổi với chúng tôi và tỏ ra rất nhiệt thành. Nhưng khi hỏi anh ta có muốn tin nhận Chúa không, thì anh ta trả lời không. Anh ta giải thích:
“Tôi xin thú thật là nếu tôi tin Chúa thì cuộc sống của tôi sẽ xáo trộn ngay lên, và tôi không muốn như thế.”
Như vậy nan đề của anh này là thuộc lĩnh vực đạo đức luân lý chứ không phải vì tri thức. Vì về mặt tri thức anh ta đã tỏ ra thỏa mãn, nghĩa là mọi thắc mắc đã được trả lời.
Một câu hỏi người ta thường hay đặt ra là: Nếu Cơ-đốc giáo đúng và hợp lý, thì tại sao đa số những người có học thức không tin Chúa?
Câu trả lời rất đơn giản:
Lý do mà người trí thức không chịu tin Chúa cũng y hệt như lý do mà người không có học thức không chịu tin: họ không muốn tin. Ngoài ra cũng có rất đông đảo người không có học thức không tin Chúa. Đây không phải là vấn đề khôn ngoan hay kém hiểu biết, vì hiển nhiên là người tin Chúa đang có mặt trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và mọi ngành học trong đời. Không phải chỉ có người tầm thường mới tin nhận Chúa đâu. Vấn đề của những người không tin vẫn là vấn đề quyết định của ý chí, nghĩa là lựa chọn tự do của mỗi người.
Nghi ngờ là một thái độ làm cho tâm hồn dao động, và thường người ta đè nén nghi ngờ bằng những phương cách không hữu ích. Vấn đề này trở nên sâu sắc đối với những người được trưởng dưỡng trong gia đình tin Chúa và sống trong giáo hội Tin Lành từ bé đến lớn. Khi còn nhỏ những người ấy đã chấp nhận đạo, vì tin cậy cha mẹ, mục sư trong nhà thờ và bè bạn. Khi lớn lên, có học thức, những người này hay xét lại lập trường của mình. Đây là một kinh nghiệm cần thiết và bổ ích cho đức tin được trưởng thành chắc chắn.
Có khi những người ấy đặt câu hỏi như: Biết đâu toàn bộ những gì mình tin nhận lại chỉ là một chương trình tuyên truyền khổng lồ, có hệ thống mà thôi? Vì có bao giờ anh nhìn thấy, tiếp xúc, đụng chạm đến Đức Chúa Trời đâu? Làm sao anh biết được Tin mừng, Phúc âm là đúng?
Chúng ta nên trở về với hai yếu tố căn bản sau đây:
Yếu tố khách quan: Những dữ kiện lịch sử về việc Chúa phục sinh.
Yếu tố chủ quan: Kinh nghiệm về Chúa mà chính chúng ta đã biết.
Nghi ngờ và thắc mắc đối với người có tư duy là chuyện thường. Tuy nhiên điều quan trọng là, đừng bao giờ coi một vấn đề mà ta chưa tìm được câu trả lời như là không bao giờ có câu trả lời cả. Chúng ta chưa có những câu trả lời thỏa đáng cho các vấn đề là vì Chúa chưa mặc khải cho chúng ta về tất cả sự việc. Như trong Phu 29:29 có ghi: “Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta; song sự bày tỏ (mặc khải) thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời …” Tuy vậy chúng ta đã có đủ các yếu tố để xây dựng một nền móng vững chắc cho đức tin của chúng ta. Chúng ta nên nhớ rằng đức tin trong Cơ-đốc giáo xây dựng trên căn bản bằng chứng, và đó là một đức tin hợp với lý trí. Đức tin có thể đi vượt khỏi lý trí, nhưng không bao giờ đi ngược với lý trí..
Những người tiến bộ mặc dù nghi ngờ, nhưng sau khi đã được giải đáp thắc mắc của mình, phải đi đến nhận định và quyết định. Vì nếu đã hiểu vấn đề mà không đi đến chỗ nhận định và quyết định nào cả tức là đương nhiên chống lại lập trường của người đặt niềm tin nơi Chúa. Tiếp tục nghi ngờ dù có đầy đủ các thông tin, chính là đã có sẵn lập trường vô tín và phủ nhận Chúa.
Nội dung của sách này nhằm đưa ra ánh sáng những vấn đề thường đặt ra và đề nghị những câu trả lời ngắn gọn nhất, vì Cơ-đốc-giáo rất là hữu lý.
Câu hỏi:
1. Tin và không tin một sự việc, có ảnh hưởng gì đến sự việc ấy không? Tại sao?
2. Đức tin Cơ-đốc-giáo xây dựng trên căn bản nào?
3. Tại sao dường như đa số người trí thức không tin Chúa?
Thượng Đế là một từ dùng để nói về một Đấng Tối cao mà con người có thể quan niệm được. Tuy nhiên trong dân gian, nôm na người ta vẫn dùng từ Trời để gọi Đấng ấy. Nhưng từ Trời mang tính chất khái quát, chỉ về thiên nhiên hay tự nhiên nhiều hơn là một Đấng có cá tính và con người có thể tìm đến được, vì thế thường không viết chữ hoa, cũng như các từ về thiên nhiên khác (mưa, gió, biển v.v).
Triết học Trung Hoa trong cổ đại dùng từ Đạo để nói về cái mà người ta gọi là “một cái gì mờ mờ ảo ảo, không thành hình rõ rệt để người ta cảm giác thấy được. Không biết được, nhưng sự tồn tại của nó là xác thực.” (Trương Lập Văn, Đạo, Triết học Phương Đông).
Trang Tử còn chủ trương rằng: “Đạo tuy lặng lẽ, âm thầm, không thấy hình bóng nên không thể nhận biết được, nhưng lại có tình và có lòng tin, là sự tồn tại chân thực. Từ cổ chí kim vẫn tồn tại vĩnh hằng, là cội nguồn, gốc rễ của vạn vật và là căn cứ cho sự tồn tại. Tất cả trên thế giới này, không những chỉ có vạn vật trong trời đất, mà cả quỷ thần thượng đế, đều được sản sinh ra từ đạo.” (Sách đã dẫn).
Lão Tử và Trang Tử đều cho rằng đạo là bản thể và bản nguyên của con người trong trời đất. Nhưng hai ông coi cái đạo đó là tự nhiên, huyền bí xa vời, nhưng cuối cùng đã bén rễ vào cuộc sống hiện thực.(Sđd).
Như thế, cội nguồn của tất cả, theo triết Trung Hoa là một cái gì huyền bí chưa xác định được, mặc dù cảm thấy và không thể phủ nhận.
Từ thượng đế trong triết học Trung Hoa không phải là Thượng Đế mà chúng ta đang bàn đến. Chính vì vậy mà một số học giả không đồng ý việc dùng từ này cho Chúa hay Đức Chúa Trời của Cơ-đốc-giáo. Trong bài này chúng tôi chỉ dùng như một tên gọi dùng trong dân gian và đã phổ thông trong văn chương Việt Nam.
Có thể nói, trong đời người không có câu hỏi nào sâu xa hơn là câu: Có Thượng Đế hay không? Câu hỏi này mỗi người phải tự nhận định và trả lời. Thái độ sống sẽ tùy theo cách trả lời này mà xác định. Vì tất cả đời người đều được hướng dẫn do quan niệm tự coi mình là sinh vật siêu đẳng trong vũ trụ hay nhận thức rằng, có một Đấng siêu việt mà người ta coi là đối tượng của sợ hãi hay thương yêu, một sức mạnh phải đối phó hay một Đấng Chủ Tể phải tuân mệnh lệnh.
Trong số những người cho rằng có một Đấng thần linh, Đấng thiêng liêng, lại còn phân biệt rõ quan niệm cho rằng Đấng ấy chỉ được biểu hiện bằng ý niệm về Thượng Đế – tức là đối tượng của những nghiên cứu triết học, như Đạo của phương Đông. Hoặc là quan niệm cho rằng Đấng thiêng liêng đó là Thượng Đế vĩnh hằng mà con người tôn thờ bằng đủ hình thức sùng mộ trong lễ nghi tôn giáo.
Chúng ta phải nói ngay rằng không thể “chứng minh” Thượng Đế theo nghĩa chứng minh của khoa học được. Tương tự như thế, không ai chứng minh Khổng Tử bằng phương pháp khoa học. Lý do không làm như vậy được là vì tính chất của lịch sử và các giới hạn của phương pháp khoa học. Theo đúng phương pháp khoa học thì muốn chứng minh một điều gì là có thật, thì điều ấy hay việc ấy phải có thể tái diễn được. Người ta không thể nào chỉ làm một cuộc thí nghiệm rồi tuyên bố ngay là tìm ra được một điều gì mới, vì như thế là phản khoa học. Nhưng lịch sử, trong bản chất của nó, không thể nào tái diễn được. Không ai có thể tái diễn lúc khởi đầu của vũ trụ, hay là đưa Khổng Tử trở lại, hoặc vua Quang Trung tái thế, hoặc tái diễn cuộc hành hình Chúa Giê-xu trên ngọn đồi Gô-gô-tha. Những nhân vật này, những sự kiện này mặc dù không thể chứng minh bằng phương pháp khoa học, nghĩa là không thể cho xuất hiện lại hay tái diễn, không ai dám phủ nhận là các nhân vật ấy hay sự kiện ấy là không có thật.
Ngoài ra, người ta còn có thể chứng minh nhiều sự việc mà không cần áp dụng phương pháp khoa học. Phương pháp khoa học chỉ hữu dụng đối với những gì có thể đo lường được mà thôi. Những gì trừu tượng như tình thương, lẽ công bằng chẳng hạn, làm sao đo lường được, nhưng không ai phủ nhận được những điều ấy, vì thật sự hiện hữu.
Nếu đòi hỏi phải chứng minh Thượng Đế hiện hữu bằng phương pháp khoa học thì có khác nào lấy chiếc máy điện thoại để đo độ phóng xạ. Chiếc máy điện thoại không được chế tạo vì mục đích đó.
Nhưng có gì chứng minh được là có Thượng Đế hay không?
Trong thần học người ta đưa ra bốn lý luận để chứng minh là có Thượng-đế. Các lý luận này là: Lý luận về sáng tạo hay vũ trụ tức là cosmological; Lý luận về mục đích hay kiểu mẫu, tức là teleogical; Lý luận về phán đoán hay đạo đức tức là axiological; và Lý luận về sự hiện hữu hay ontological.
1. Vũ trụ đã có một khởi đầu.
2. Bất cứ điều gì có khởi đầu thì phải do một nguyên nhân mới hiện hữu được.
3. Vì thế vũ trụ phải do một nguyên nhân, và nguyên nhân đó là Thượng-đế.
1. Tất cả các kiểu mẫu hàm ý là phải có người vẽ kiểu.
2. Vũ trụ là một đại kiểu mẫu.
3. Như vậy phải có một Đấng Vẽ Kiểu vĩ đại cho vũ trụ. Đấng ấy là Thượng-đế.
1. Tất cả mọi người đều ý thức rằng có một định luật về luân lý đạo đức.
2. Định luật luân lý đạo đức hàm ý phải có Đấng ban phát định luật luân lý đạo đức.
3. Như thế phải có một Đấng tối cao ban phát định luật luân lý đạo đức cho nhân loại.
1. Bất cứ điều gì hoàn hảo đều phải do từ một cái gì hoàn hảo nhất mà xuất phát.
2. Sự hiện hữu (tồn tại) cần thiết là một điều hoàn hảo, như vậy nó phải xuất phát từ một Đấng Hoàn Hảo.
3. Như thế, sự hiện hữu (tồn tại) cần thiết phải phụ thuộc vào một Đấng Hoàn hảo nhất, Đấng ấy là Thượng-đế.
(sự hiện hữu cần thiết tức là một cái gì đã hiện hữu thì không thể nào không hiện hữu được).
1. Nếu Thượng-đế hiện hữu (tồn tại), thì ta phải hiểu rằng Ngài là một Đấng hiện hữu cần thiết.
2. Theo định nghĩa thì một Đấng hiện hữu cần thiết phải hiện hữu (tồn tại) và không thể không hiện hữu (tồn tại).
3. Như thế, nếu Thượng-đế hiện hữu, thì Ngài phải hiện hữu và không thể không hiện hữu được.
Nhưng Thượng-đế mà thần học nói đến hay tồn tại là Thượng-đế nào?
Nếu muốn chứng tỏ rằng Thượng-đế tồn tại (hay hiện hữu) và Ngài chính là Thượng-đế hay Thiên Chúa, Đức Chúa Trời của Kinh Thánh thì ta cần chứng minh rằng toàn bộ những điểm ly luận đã đề cập ở trên là chân xác. Mỗi một yếu tố đều đóng góp vào một phần cho tri thức của chúng ta về Thượng-đế, và tất cả bốn lý luận hình thành một bức tranh của một Đấng Thượng-đế duy nhất. Thượng-đế có bảy đặc tính như sau:
Lý luận về sáng tạo hay vũ trụ không những minh chứng rằng Thượng-đế hiện hữu nhưng còn cho thấy Ngài có quyền năng. Vì chỉ một Thượng-đế mới có quyền năng sáng tạo và bảo tồn vũ trụ. Năng lực của Chúa phải lớn hơn tất cả năng lượng hiện có trong toàn thể vũ trụ, vì Chúa không những khiến cho tất cả hiện hữu mà còn bảo tồn tất cả. Chúa quyền năng vô cùng và vượ mọi tri thức của con người chúng ta.
Ngay các khoa học gia vô thần cũng phải nhận rằng kiểu mẫu trong vũ trụ vượt quá mọi điều mà con người có thể nghĩ được. Lý luận về kiểu mẫu cho thấy rằng Đấng tạo thành vũ trụ không những có năng quyền siêu việt mà còn thông minh khôn ngoan siêu việt nữa. Chúa biết những điều mà con người chúng ta không thể nào hiểu thấu. Vì chính Chúa đã sáng tạo ra bộ óc của mỗi chúng ta.
Sự hiện hữu của một định luật luân lý đạo đức trong trí óc một Đấng ban phát luân lý đạo đức chứng tỏ rằng Thượng-đế là một Đấng đạo đức. Thượng-đế tự nhiên là luân lý đạo đức. Nhưng Thượng-đế còn là thiện lành nữa. Thượng-đế tạo ra con người, và trong con người có đức thiện lành. Sự kiện con người bao giờ cũng trông mong được đối xử tốt hơn mọi vật chứng minh điều ấy. Ngay cả người phủ nhận giá trị của con người cũng vẫn muốn ta ít nhất cũng đánh giá ý kiến của người ấy là có giá trị. Đấng sáng tạo ra những đối tượng thiện lành thì chính Đấng ấy cũng phải thiện lành (vì một nguyên nhân không thể phát sinh ra cái mà nguyên nhân ấy không có). Thượng-đế không những đạo đức mà còn thiện lành nữa.
Thượng-đế cần thiết hiện hữu nghĩa là Ngài không thể nào không hiện hưũ – như thế Thượng-đế không có khởi đầu và cũng không chấm dứt. Thượng-đế là Đấng không thay đổi, vĩnh hằng, và vô cùng. Thượng-đế không lệ thuộc vào thời gian và không gian, nên Ngài có mặt ở khắp mọi nơi trong cùng một lúc.
Thượng-đế là Đấng toàn năng, toàn tri, toàn thiện, vô cùng, tự hữu, không thay đổi, vĩnh hằng và có mặt ở mọi nơi cùng một lúc. Nhưng có bao nhiêu Thượng-đế như thế được? Thượng-đế chỉ có một, đó là định nghĩa về Thượng-đế. Vì nếu có hai Đấng vô hạn thì làm sao phân biệt được? Vì hai Đấng đó không có giới hạn nào để định tới đâu là giới hạn của họ. Vì vậy chỉ có một Thượng-đế mà thôi.
Lý luận về vũ trụ ngoài việc chứng tỏ rằng Thượng-đế hiện hữu, còn cho biết Thượng-đế là Đấng Sáng tạo nữa. Không ai có thể phân biệt được hai cái vô hạn, nhưng Thượng-đế phân biệt hẳn khỏi vũ trụ mà Ngài sáng tạo. Tôi hiện hữu, nhưng tôi có thể ngừng hiện hữu bất cứ lúc nào, vì tôi không cần thiết hiện hữu. Không có tôi thì vũ trụ cũng vẫn hoạt động. Chỉ khi nào tôi công nhận rằng có một Đấng vô hạn, tức là nguyên nhân cần thiết phát sinh ra tôi, thì tôi mới có ý thức về sự hiện hữu của tôi. Đấng Tạo-hóa toàn năng, toàn tri quản trị vũ trụ. Thượng-đế không những hiện hữu, tạo vật của Ngài cũng hiện hữu phân cách hẳn với Ngài.
Khi nhà lĩnh tụ Môi-se gặp Chúa lần đầu, Chúa cho Môi-se biết tên Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Hay Ta Là Đấng Ta Là. Nói như thế nghĩa là đức tính trung tâm của Thượng-đế trình bầy trong Kinh Thánh là đức tính hiện hữu. Bản chất của Ngài là hiện hữu. Tên Thượng-đế trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ là Yahweh nghĩa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
Người ta thường nêu câu hỏi này. Tuy nhiên ta cần để ý phát biểu: Bất cứ điều gì có một khởi đầu thì phải có nguyên nhân. Tức là một vật hữu hạn, cần một nguyên nhân sinh ra nó. Thượng-đế không có khởi đầu, Ngài là Đấng vô hạn, và Ngài là Đấng cần thiết, Ngài tạo nên tất cả những gì hữu hạn. Thượng-đế là nguyên nhân đầu tiên và tự hữu. Nếu Thượng-đế còn cần một nguyên nhân thì ta sẽ phải có vô hạn nguyên nhân và không bao giờ trả lời được câu hỏi. Không ai tạo ra Thượng-đế được vì Thượng-đế là nguyên nhân đầu tiên. Ta không thể nào đi ngược trở lại xa hơn nguyên nhân đầu tiên.
Chỉ có những gì giới hạn mới cần đến nguyên nhân. Ta không nói Thượng-đế là vật tự tạo ra. Có ba loại sự vật: Sự vật tự tạo, sự vật có nguyên nhân và sự vật không có nguyên nhân. Loài người chúng ta thuộc loại nào? Tự tạo chăng? Không thể được vì chúng ta không tự mình sinh ra mình. Còn không nguyên nhân có nghĩa là chúng ta vĩnh hằng, vô hạn, nhưng chúng ta không có các bản chất này; như thế thì chúng ta phải có nguyên nhân. Nếu chúng ta có nguyên nhân, thì nguyên nhân ấy phải như thế nào? Tự tạo chăng? Không thể được. Còn nếu nguyên nhân ấy lại do nguyên nhân khác mà sinh ra, thì ta sẽ đi đến chỗ vô hạn nguyên nhân; như thế Thượng-đế tất nhiên phải là không có nguyên nhân.
Những nhà nhân chủng học nhận thấy rằng trong các dân tộc sơ khai nhất mà hiện tại còn sót lại trên thế giới, người ta có tôn thờ một Đấng Thượng Đế.
Trong các truyện tích dân gian và lịch sử của các dân tộc cổ xưa nhất trên khắp thế giới đều thấy có ý niệm về một Đấng sáng tạo ra muôn loài vạn vật.
Các triết gia cổ xưa nhất của Trung hoa có ý niệm về một Đấng mà người ta tạm gọi là Đạo. Đạo của bản thể là đạo vô hình, vô thanh, vô thể là đạo của hình nhi thượng. Đạo này là căn cứ tồn tại của vạn vật trong trời đất, cũng là bản nguyên sinh ra vạn vật. (Sđd)
Ngay tại các nước tôn thờ nhiều thần linh, người ta cũng vẫn ý thức được rằng có một vị thần vĩ đại cao siêu hơn cả.
Mặt khác, trong mọi thời đại và ở bất cứ nơi nào trên mặt đất nhân loại đều có lòng tin vào một hay nhiều thần linh. Đây không phải là bằng chứng về Thượng Đế, nhưng đáng lưu ý về khuynh hướng tôn thờ thần linh của loài người.
Con người ở đâu cũng nhận định là có luật nhân quả. Nghĩa là không có kết quả nào phát sinh nếu không có nguyên nhân. Nhân loại và vũ trụ hiện hữu là kết quả vì vậy dĩ nhiên là phải có nguyên nhân phát sinh. Nguyên nhân cuối cùng chính là Thượng Đế.
Nhà bác học lỗi lạc nhất của thế kỷ 20, tiến sĩ Albert Einstein từng nói: “Đạo của tôi là sự sùng kính một Đấng thần linh siêu việt, vô hạn, đã tự mặc khải qua những điều rất mong manh để cho tâm trí yếu ớt đơn sơ của chúng ta có thể nhận ra được. Chính sự nhận thức sâu xa đầy xúc động về sự hiện hữu của một quyền năng siêu việt hữu lý đã mặc khải qua vũ trụ khó hiểu này, hình thành ý niệm về Thượng Đế của tôi1.”
Một nhà khoa học đã nói:
“Nước có một nhiệt độ cao đặc biệt. Nhiệt độ ấy làm cho những phản ứng hóa trong thân thể con người được diễn tiến chính xác. Nếu nước có một nhiệt độ đặc biệt thấp, thì thân thể chúng ta có thể sôi lên được dù chỉ là hoạt động rất nhẹ. Vì nếu tăng nhiệt của một dung dịch lên mười độ thì sẽ làm cho phản ứng hóa tăng lên gấp đôi. Nếu nước không mang tính chất này thì sự sống con người khó có thể thực hiện.
Nước biển là ống đo nhiệt độ của trái đất. Cần phải giảm đi nhiệt lượng rất nhiều mới có thể chuyển nước thành nước đá; muốn biến nước thành hơi lại cần đưa vào một nhiệt lượng rất lớn. Đại dương là một tấm nệm khổng lồ để chống lại hơi nóng thiêu cháy của mặt trời và cái đông lạnh của mùa đông. Nếu không nhờ đại dương điều hòa nhiệt độ, thì trái đất hoặc bị thiêu cháy hay bị đông cứng vì lạnh.
Nước là một chất hòa tan tất cả. Nước hòa tan acid, base và muối. Về phương diện khoa học thì nước là một chất trơ, làm môi trường xúc tác cho các phản ứng hóa, nhưng không tham dự vào các phản ứng ấy. Chẳng hạn như trong mạch máu, nước làm hòa tan ít nhất là 64 chất. Chính vì đặc tính của nước như thế mà sự sống mới thực hiện được.”2
Nhà nghiên cứu A. Rendle Short có nhận xét về nước như sau:
“Nước đã chiếm hơn một nửa thành phần cấu tạo của hầu hết động vật và thực vật. Nước rất khó phân tích, trong khi đó nước hòa tan rất nhiều chất. Cho muối vào nước nó trở thành một chất dẫn điện. Nước là thành phần hóa chất quan trọng nhất trong thân xác động vật. Tỉ trọng của nước nặng nhất ở 4 độ C, vì vậy vào mùa đông chỉ có mặt trên của sông, hồ và ao là đông cứng, bên dưới nước vẫn lỏng, như thế loài cá mới tồn tại được. Nước còn bốc hơi nhiều hơn bất cứ chất nào khác, vì vậy mới giúp cho khí hậu được điều hòa.”
Những điều hiện có trong thiên nhiên chứng minh rằng có Đấng Sáng Tạo ra chúng. Đó là một niềm tin. Nếu người nào cho rằng không có Đấng Sáng Tạo, không có Thượng Đế, thì đó cũng là một niềm tin, không chừng còn khó chấp nhận hơn nữa. Vì đã thấy bao nhiêu kết quả mà vẫn phủ nhận nguyên nhân.
Một điều quan trọng ta cần nhớ là: Dù rằng trong thiên nhiên có vô số điều chứng tỏ rằng có Thượng Đế, con người không thể nào từ thiên nhiên mà biết Thượng Đế như thế nào được cả. Nếu Thượng Đế không tự mặc khải thì con người muôn đời sẽ không bao giờ biết Thượng Đế là ai.
Herbert Spencer ngày xưa nhận thấy rằng một con chim không thể nào vượt khỏi bầu khí quyển mà bay ra không gian, vì vậy ông ta kết luận rằng sinh vật hữu hạn không thể nào bước vào cõi vô hạn được.
Tuy nhiên Spencer quên rằng Đấng ở cõi vô hạn có thể bước vào cõi hữu hạn được, và đó chính là điều Thượng Đế đã làm để khải thị Ngài cho con người hữu hạn. Ngài đã vào đời trong thân xác của Chúa Giê-xu, người làng Na-xa-rét.
Thượng Đế không còn xa lạ với con người nữa vì Chúa Giê-xu là hiện thân của Thượng Đế, đã vào đời sống với con người và làm gạch nối đưa con người đến cõi vĩnh hằng vô hạn. Muốn được như vậy, con người chỉ cần đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu.
Câu hỏi:
1. Phân biệt các từ: Thượng-đế, trời, và Đức Chúa Trời.
2. Có thể dùng phương pháp khoa học mà chứng minh Đức Chúa Trời được không?
3. Làm sao con người biết được Đức Chúa Trời?
Trong các lĩnh tụ tôn giáo, chỉ một mình Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài chính là Thượng Đế trong thân xác con người. Phật Thích Ca không xưng là Thượng Đế; lĩnh tụ Do-thái Môi-se hay Mai-sen không bao giờ xưng là Giê-hô-va; Ma-hô-mét không tự nhận là Allah; Zoroastre cũng không tự nhận là Ahura Mazda. Nhưng chính Chúa Giê-xu từng tuyên bố: Ai thấy Ta tức là đã thấy Cha, nghĩa là thấy Thượng Đế. Lời nói này xuất phát từ một người thợ mộc ở làng Na-xa-rét, lại càng làm cho người ta khó chấp nhận. Nhưng Chúa Giê-xu còn tuyên bố nhiều câu khác để xác nhận điểm này.
Trong Phúc-âm Gi 8:58, Chúa Giê-xu nói: Trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có Ta. (Áp-ra-ham là ông tổ của dân tộc Do-thái)
Phúc-âm Gi 5:17,18 Chúa Giê-xu tuyên bố: Cha Ta làm việc cho đến bây giờ, Ta đây cũng làm việc như vậy. Bởi cớ đó người Do-thái giáo càng kiếm cách nữa để sát hại Ngài, vì chẳng những vì Ngài phạm ngày Sa-bát thôi, mà lại vì Ngài gọi Đức Chúa Trời là Thân Phụ mình, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời.
Phúc-âm Gi 10:30, Chúa Giê-xu nói rõ: Ta với Cha là một. (Cha đây là Thượng Đế, Đức Chúa Trời.)
Phúc-âm Mac 2:5-7, ghi: Chúa Giê-xu thấy họ có đức tin thì nói với kẻ bại: Hỡi con Ta, tội lỗi con đã được tha. Có mấy giáo sư Do-thái giáo ngồi đó nghĩ thầm rằng: Sao người này nói như vậy? Nói thế là rất phạm thượng, vì ngoài một mình Đức Chúa Trời ra còn ai tha tội được chăng?
Các tác giả Kinh Thánh Tân-ước gọi Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, Thượng Đế và là Đấng Sáng Tạo vũ trụ vạn vật:
Phúc-âm Gi 1:1-3: Ban đầu có Ngôi Lời (Chúa Giê-xu), Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, vì chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.
Thư Co 1:16-17 ghi: Vì muôn vật đã được tạo dựng trong Ngài (Chúa Giê-xu), bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật vô hình, hoặc ngôi vua, quyền hành quản trị, chấp chánh, mọi quyền uy, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được tạo nên cả. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật tồn tại trong Ngài.
Qua các câu Kinh Thánh trích dẫn kể trên ta thấy rằng chính Chúa Giê-xu tuyên bố và các tác giả Tân-ước triển khai: Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời, là Thượng Đế.
Điều khác biệt giữa Chúa Giê-xu và các giáo chủ trong đời là:
Trong các tôn giáo, người ta nhấn mạnh đến giáo lý, nghĩa là chú trọng vào kinh sách hơn là người dạy.
Trong đạo Chúa thì Chúa Giê-xu mới là tâm điểm, giáo lý chỉ là để hiểu biết. Vì Chúa Giê-xu hi sinh làm sinh tế chuộc tội cho mỗi người nên người tin Chúa được tha tội và trở thành người mới của Ngài.
Chúa Giê-xu không những dạy Chân-lý, Ngài còn tự xưng là Chân-lý.
Nhưng điều quan trọng không phải là những lời tuyên bố nhưng là những bằng chứng chứng minh những lời tuyên bố đó.
Ta phải nói ngay rằng người đương thời cũng không tin Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, là Thượng Đế, và đã đem Chúa xử tử trên thập giá vì cho Chúa là phạm tội lộng ngôn. Tuy nhiên vì các bằng chứng sau đây mà cho đến hơn hai nghìn năm sau đạo Chúa vẫn có đông đảo người tin:
Chúa Giê-xu đã thực hiện nhiều phép lạ mà không một người nào trên đời có thể làm được trừ ra Đấng chủ tể vũ trụ vạn vật, Đấng Tạo hóa, Thượng Đế. Chúa Giê-xu đã sai khiến được thiên nhiên, truyền lệnh cho bệnh tật, đuổi ma quỷ ám ảnh con người và gọi người chết sống lại.
Chúa Giê-xu đã thực hiện nhiều việc để cho ứng nghiệm các lời tiên tri trong kinh Cựu-ước hằng mấy trăm năm trước. Việc ra đời của Chúa Giê-xu là một chứng tích.
Quan trọng hơn cả là sau khi chết ba ngày trong mồ mả, Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết. Chính sự kiện Chúa Giê-xu sống lại đã phân biệt Ngài với bất cứ giáo chủ hay lĩnh tụ bất cứ tôn giáo nào. Vì tất cả đều là phàm nhân, đã chết, vẫn nằm trong nấm mồ, không một ai sống lại cả. Một mình Chúa Giê-xu đã phục sinh và thăng thiên.
Tới đây, nếu bạn là người không tin Chúa sẽ cho là lý luận vòng vo. Nhưng sự kiện Chúa Giê-xu từ cõi chết sống lại là bằng chứng hùng hồn nhất minh định rằng Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời, chính là Thượng Đế mà loài người phải tôn thờ. Sự kiện này người đời có thể không chịu công nhận, nhưng không ai chối cãi và chứng minh được rằng Chúa Giê-xu không sống lại. Người đương thời (nghĩa là sống sau khi Chúa chết ba ngày), và người hiện đại (nghĩa là sau việc Chúa sống lại trên 2000 năm qua) vẫn chưa một ai có bằng cớ phủ nhận được sự kiện Chúa sống lại.
Chính vì Chúa Giê-xu thật sự sống lại từ cõi chết mà đạo Chúa còn duy trì cho đến ngày nay và càng ngày càng phát triển.
Tin Chúa Giê-xu là Thượng Đế là vấn đề căn bản, vì không tin như vậy sẽ không được tha thứ tội, không được tái tạo và không thể nào gọi là môn đệ của Chúa được. Người ta có thể tin Chúa Giê-xu chính là Đức Thượng Đế, Đức Chúa Trời, hay là không tin gì cả, nhưng không thể nào có thái độ lưng chừng.
Một câu hỏi khác:
Có người nói rằng Chúa Giê-xu chỉ là một huyền thoại, không bao giờ có thật.
Đây là luận điệu của rất nhiều người trong suốt hơn hai nghìn năm qua. Tuy nhiên những người chủ trương như thế là võ đoán và không đọc lịch sử thế giới và nghiên cứu lịch sử tư tưởng của nhân loại. Các bằng chứng về Chúa Giê-xu là nhân vật có thật trong lịch sử loài người là:
Kinh Thánh Tân-ước có tất cả 27 tài liệu riêng rẽ, đã được viết vào thế kỷ thứ nhất. Các tài liệu này viết về tiểu sử của Chúa Giê-xu và cuộc hình thành Cơ-đốc-giáo, nghĩa là từ năm thứ tư trước công nguyên đến các năm 90 sau công nguyên. Các tài liệu trong Kinh Thánh Tân-ước hoàn toàn do các nhân chứng ghi lại. Các nhân chứng này từng sống với Chúa Giê-xu từ ban đầu, từng di chuyển với Chúa trên khắp nước Do-thái, đã chứng kiến cảnh Chúa bị hành quyết và chết trên thập giá và đã trực tiếp gặp Chúa khi Chúa sống lại. Chúa đã sinh hoạt với họ và dạy họ những bài học cuối cùng trước khi Ngài thăng thiên trước mắt họ.
A. Sử gia Do-thái Flavius Josephus, người sinh ra và sống trong thế kỷ thứ nhất, là một trong những tướng Do-thái trong cuộc chiến với La-mã, đã viết Cổ Sử Do-thái (AD 93) và Cuộc Chiến Tranh của Người Do-thái (75-79). Sau đây là một đoạn trích trong Cổ Sử Do-thái:
Vào thời gian ấy, Giê-xu là một người khôn ngoan, nếu được phép gọi Người là người, vì Người đã làm nhiều việc huyền diệu, đã làm giáo sư dạy Chân Lý cho một số người ưa tiếp nhận. Người thu phục được nhiều người Do-thái và người Hi-lạp. Giê-xu là Christ. Theo các sự xui giục của các bậc lãnh đạo người Do-thái chúng ta, quan tổng trấn Phi-lát đã hành hình Người trên thập giá. Nhưng những người theo Giê-xu từ đầu đã không bỏ Người, vì sau ba ngày chết trong mồ mả, Người đã sống lại, và hiện ra với họ đúng như lời các tiên tri thánh thời xưa đã tiên tri, và đề cập đến hằng nghìn sự việc liên quan đến con người này. Giòng giống những người theo Christ, được gọi là người của Christ, theo tên người, đã không mai một mà còn tồn tại cho đến nay.( Josephus, Antiquities 18.3.3).
Sử liệu này mặc dù bị người ta phản đối, vì công nhận Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế, và đã từ cõi chết sống lại, tuy nhiên sự kiện Chúa Giê-xu là điều có thật trong lịch sử nhân loại chứ không phải huyền thoại.
B. Tổng trấn Pliny (AD 61-114), người La-mã cai quản vùng Bithynia thuộc về miền Bắc nước Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 112. Ông này viết một bản phúc trình lên Hoàng Đế Trajan về việc Cơ-đốc-giáo lan rộng nhanh chóng trong vùng ông ta quản nhiệm. Việc này trở thành một nan đề xã hội. Vì các đền thờ tà thần phải đóng cửa vì không người đi lễ. Các lễ hội thiêng liêng cổ truyền bị bãi bỏ và nhu cầu súc vật làm sinh tế cho thần thánh cũng giảm thiểu. Như thế Cơ-đốc-giáo vào cuối thế kỷ thứ nhất đã phát triển mạnh đến nỗi vùng xa xôi như Bithynia mà cũng đông người theo đạo. Báo cáo của Pliny nói rằng ông đã đích thân xử lý vụ việc này bằng cách giết hại những người nào cứ ngoan cố theo Cơ-đốc-giáo. Nhưng vị tổng trấn Pliny thú nhận rằng ông cũng không rõ lắm là những người ấy phạm tội gì nữa. Tội phạm của họ, kể ra như sau: Khước từ thờ cúng tượng hoàng đế La-mã và các tượng tà linh khác, họp lại thờ phượng vào một ngày nhất định trong tuần trước khi trời sáng. Họ hay hát ca ngợi Giê-xu là Chúa. Họ hứa nguyện không phạm tội. Đời sống họ rất là mẫu mực không gian tham, tà dâm và trộm cắp. Các việc này làm tổng trấn Pliny rất khó xử, vì thế ông ta phải viết báo cáo cho Hoàng đế. Các bản báo cáo này được gọi là công hàm của tổng trấn Pliny gởi cho hoàng đế La-mã.
C. Sử gia Cornelius Tacitus (AD 55-118?), người La-mã, sống vào đầu thế kỷ thứ hai, đồng thời với ông Pliny, là một sử gia lớn của đế quốc La-mã viết về triều đại của bạo vương Neron, và đề cập nhiều đến Chúa Giê-xu cũng như các môn đệ của Ngài tại La-mã. Trong tập Biên Niên Sử, ông có kể lại rằng lúc ấy người Cơ-đốc-gíáo, bị công chúng ghét, vì những “tội” họ phạm, và trong khi Hoàng Đế Nero đốt cháy kinh thành La-mã năm 64, người Cơ đốc bị vu oan là đã đốt thành. Ông viết: Cái tên Cơ-đốc-giáo hay Christian là do từ tên một người, Christ. Người này đã bị xử tử trong thời Tiberias trị vì và do tổng trấn Pilate thực hiện. Nhóm đạo này bị đàn áp một thời gian ngắn rồi lại bộc phát mới hơn và mạnh hơn, không những trong vùng Giu-đê không thôi mà còn lan đến chính Roma nữa. Tacitus là một người không có cảm tình gì với Cơ-đốc-giáo, vì coi những người theo đạo ấy là thuộc giai cấp hèn hạ nhất. Chính vì vậy mà tài liệu của ông ta rất quý giá. Tacitus còn có dịp biết rõ hơn về cội nguồn của đạo này, vì năm 112 ông được cử làm tổng trấn vùng Tiểu Á, là nơi quy tụ nhiều người theo đạo Chúa Giê-xu nhất. Trong tác phẩm Lịch Sử, ông viết rằng Cơ-đốc-giáo là một nhánh xuất phát từ Do-thái-giáo, nhưng vào thời ông thì hai đạo này phân biệt rất rõ
D. Sử gia Seutonius (AD 69-140?), là người La-mã đã viết bộ: Cuộc đời của hoàng đế Claudius và cuộc đời của các Caesars. Seutonius là một viên quan trong triều hoàng đế La-mã Hadrian và là một nhà phân tích hay cố vấn trong hoàng gia, đã ghi rằng hoàng đế La-mã Claudius trục xuất người Do-thái khỏi Rome “vì những người này thường gây xáo trộn do sự xúi giục của một ngừơi tên là Chrestus (Christ)” Vào năm 49, có hai người Do-thái là Aquila và Priscilla bị trục xuất như thế. Ta có thể đọc trong Cong 18:2 về hai người này. Vào thế kỷ thứ nhất, tại Rome có vào khoảng 10 000 người Do-thái, nhưng họ đã bị chia ra thành hai nhóm vì việc truyền giảng về Chúa Giê-xu và có nhiều người tin theo.
Các sử gia nổi danh kể trên đã viết về các sự kiện xẩy ra khoảng 30 năm trước khi họ sinh ra, và trong nhiệm vụ quản trị các vùng trong đế quốc La-mã lúc đó, họ có thêm nhiều dữ kiện lịch sử chính xác và còn mới, ngay trong thời họ. Vì thế các bằng chứng của họ đã quá đủ để viết về một nhân vật lịch sử tên là Giê-xu, người đã bị tổng trấn La-mã là Pilate hành quyết. Pilate làm tổng trấn Giu-đê từ AD 26-36.
Như thế ta thấy rằng qua các tài liệu trong Kinh Thánh với các nhân chứng tên tuổi rõ ràng, cũng như các sử liệu ở đời, người ta có thể quả quyết rằng, Chúa Giê-xu là nhân vật có thật hiển nhiên chứ không phải huyền thoại.
Các sự kiện ghi lại về Chúa Giê-xu còn phong phú và đầy đủ hơn tiểu sử nhiều nhân vật có thật khác trong lịch sử. Vì nhiều nhân vật người ta chỉ biết rất sơ sài mà vẫn công nhận là có thật. Trong khi đó Chúa Giê-xu quan trọng hơn bất cứ nhân vật nào trong lịch sử, vì ảnh hưởng của Ngài đối với nhân loại hơn 2000 năm nay đã chứng minh điểm này.
Nhưng vấn đề công nhận Chúa Giê-xu chỉ là bước đầu, vì rất nhiều người công nhận Chúa là nhân vật có thật, nhưng không bao giờ tin Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, là Thượng Đế, không chịu hạ mình đến với Chúa để được tha thứ tội ác, và được tái tạo để thành môn đệ của Chúa Giê-xu. Công nhận như thế cũng như không công nhận. Là người tin Chúa, ta phải biết rõ Chúa Giê-xu đang sống, và Ngài đang nhìn thấy từng dòng tư tưởng của mỗi chúng ta. Nghi ngờ hay không tin chỉ gây ra nguy hại thôi.
Câu Hỏi:
1. Chúa Giê-xu mang những đặc tính nào của Đức Chúa Trời?
2. Tâm điểm của Đạo Chúa là gì? Tại sao?
3. Kể ra vài tài liệu của sử gia chứng minh Chúa Giê-xu là nhân vật có thật.
Kẻ thù cũng như thân hữu của người tin Chúa Giê-xu đều công nhận rằng sự phục sinh của Chúa Giê-xu chính là nền móng của đức tin. Sứ đồ Phao lô ngày xưa viết cho cộng đoàn dân Chúa ở thành phố Cô-rinh, là những người không công nhận sự sống lại của người đã chết, rằng: “Nếu Chúa Cứu Thế không sống lại, thì việc truyền giảng của chúng tôi thật vô ích, và đức tin của anh chị em cũng vô ích.” Như thế ta thấy rằng Sứ đồ Phao lô đặt nặng vấn đề sống lại trong thân xác của Chúa Giê-xu và đặt câu hỏi: Chúa Giê-xu có thực sự sống lại từ cõi chết hay không?
Vì nếu Chúa Giê-xu thực sự sống lại, thì đây là một biến cố gây nhiều xúc động nhất trong lịch sử nhân loại và chúng ta có thể trả lời dứt khoát những câu hỏi rất sâu xa về cuộc đời chúng ta như: Con người chúng ta từ đâu phát sinh ra? Tại sao chúng ta có mặt ở đây? Sau cuộc đời này chúng ta sẽ đi về đâu? Nếu Chúa Giê-xu thực sự sống lại thì chúng ta biết chắc chắn Thượng Đế hiện hữu, Thượng Đế là ai? Con người có thể tiếp cận với Thượng Đế không? Còn nhiều điều được xác định nếu Chúa Giê-xu thực sự sống lại từ cõi chết.
Mặt khác, nếu Chúa Giê-xu không sống lại từ cõi chết, thì Cơ-đốc-giáo chỉ là một món đồ cổ chưng bày trong bảo tàng viện mà thôi, không hơn không kém. Cơ-đốc-giáo trở thành một hệ thống tư tưởng cao xa hay là một triết lý mới, dần dần cũng mai một theo thời gian, không đáng bàn đến nữa. Những người vì giữ đức tin mà bị thú dữ xé xác tại đấu trường La-mã khi xưa, hay những người hi sinh mạng sống rao truyền tin mừng về Chúa Giê-xu đến các dân tộc sơ khai, dã man, trở thành những kẻ điên rồ ngu dại.
Đối với kẻ thù của Cơ-đốc-giáo, thì xưa nay sự phục sinh của Chúa Giê-xu vẫn là tâm điểm để tấn công bài bác, vì được coi là then chốt của mọi vấn đề. Cuộc tấn công quan trọng nhất xẩy ra cách đây hơn nửa thế kỷ, do một luật gia người Anh lên kế hoạch và đích thân triển khai. Luật gia này cho rằng Phục sinh chỉ là một chuyện ngụ ngôn hoang tưởng, nhưng rồi trở thành nền móng cho niềm tin Cơ-đốc. Vì vậy người ấy quyết tâm mở cuộc nghiên cứu, điều tra thật tường tận để rồi chứng minh cho toàn thế giới biết rằng chuyện Chúa phục sinh là lừa bịp và mê tín dị đoan. Theo đúng phưong cách điều tra của ngành luật, người này đã cân nhắc tất cả các dữ kiện và chỉ chấp nhận những gì có thể đưa ra như bằng chứng trước toà án hiện đại.
Tuy nhiên trong thời gian nghiên cứu như vậy, người này nhận thấy việc làm này không dễ. Sau cùng, người ấy đã viết một cuốn sách, không phải để phản bác sự phục sinh, nhưng để chứng minh rằng Chúa Giê-xu thực sự đã sống tại. Cuốn sách của luật gia này mang tựa đề là: “Ai đã lăn tảng đá ra?” (Who Moved the Stone?) và tác giả là luật sư Frank Morison.
Đâu là những dữ kiện minh chứng rằng Chúa Giê-xu thực sự sống lại từ cõi chết? Xin đơn cử các dữ kiện đó:
Đây là một giáo hội có lịch sử bắt nguồn từ xứ Palestine, vào khoảng năm 32 sau Công nguyên. Giáo hội này tự nhiên phát xuất hay có biến cố nào khai sinh ra? Những người tin Chúa Giê-xu trong thời đó thực sự đã làm đảo lộn xã hội loài người. Những người này đã lấy sự phục sinh làm chủ đề chính để truyền giảng tin mừng, truyền bá chân lý, làm lẽ sống và cả lý do để chết nữa. Nếu Chúa Giê-xu không thực sự sống lại, thì chắc chắn Cơ-đốc-giáo không thể tồn tại cho đến ngày nay được.
Chủ nhật là ngày dành để thờ phượng Chúa trong giáo hội Cơ-đốc. Lịch sử ngày này bắt đầu vào năm 32 sau Công nguyên. Đây là một thay đổi trong niên lịch của thế giới, và chắc chắn phải có một biến cố đặc biệt mới đưa đến việc thay đổi này. Vì khi ấy người Do-thái đang giữ ngày thứ bảy trong tuần lễ làm ngày an nghỉ và thờ phượng. Người tin Chúa Giê-xu đổi sang ngày thứ nhất trong tuần lễ. Và để kỉ niệm ngày Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết, họ gọi đó là ngày của Chúa, tức là Chủ nhật hay Chúa nhật. Người Trung hoa vẫn gọi ngày Chủ nhật là Lễ Bái Nhất. Việc thay đổi này rất đáng chú ý, vì tín đồ của Chúa Giê-xu lúc ban đầu toàn là người Do-thái cả. Nếu không do biến cố Chúa Giê-xu phục sinh đã khiến cho ngày Chủ nhật khai sinh, thì có lý do nào khác hay không? Người ta không bao giờ tìm được lý do nào khác cả.
Kinh Thánh Tân Ước cũng là một bằng chứng. Vì trong sách này có ghi lại sáu lời chứng về cuộc phục sinh của Chúa Giê-xu. Ba lời chứng là của những nhân chứng mục kích gặp gỡ Chúa phục sinh. Đó là các sứ đồ Giăng, Phi-e-rơ (hay Phê-rô) và Ma-thi-ơ. Khi sứ đồ Phao-lô viết thư cho các cộng đoàn giáo hội ở các nước, ông đã đề cập đến sự phục sinh của Chúa Giê-xu một cách quả quyết như một sự kiện mà mọi người đều đã biết cả, đã chấp nhận mà không nghi ngờ gì cả. Những nhân chứng này đã có công trong việc biến cải cơ cấu luân lý đạo đức của xã hội, có thể nào họ là những kẻ dối gạt hay những người điên cuồng mất trí được chăng?
Về ngôi mộ của Chúa Giê-xu, người ta có bốn giải trình như sau:
a. Theo phúc âm Ma-thi-ơ chương 28:11-15 có ghi lại phản ứng của các vị trưởng tế và các lãnh đạo Do-thái khi những người lính canh hang mộ của Chúa Giê-xu báo cáo với họ rằng xác của Chúa Giê-xu đã biến mất khỏi mộ. Các nhà lãnh đạo này đã cho lính gác nhiều tiền, để họ tung tin rằng, trong lúc họ gác mộ, đã ngủ mê, các môn đệ của Chúa Giê-xu đã đột nhập vào lấy cắp xác Chúa mang đi. Đây là mưu mẹo của các lãnh đạo Do-thái lúc ấy, vì bọn lính gác đã báo cáo rằng: trong lúc họ ngủ, có một cơn động đất, đá chặn cửa mộ bật tung ra và Chúa Giê-xu đã sống lại. Luận cứ của các lãnh đạo Do-thái nhằm đánh lạc hướng, đã không thuyết phục được ai cả. Ngoài ra, những người lính gác cũng không thể nào làm chứng trước một tòa án nào được, vì không có bằng cớ về vụ trộm xác, và lại đã nhận tiền hối lộ của quan trên để phao tin này.
Người ta còn phải nhận rằng việc lấy cắp xác Chúa Giê-xu là chuyện không thể nào có được, vì các môn đệ không lấy cắp xác Chúa để làm gì cả.
Người ta chỉ hi sinh khi nào biết chắc việc mình tin là xác đáng, là chân thực, không ai bao giờ chịu bỏ sinh mạng về một sự việc nào mà đã biết là giả dối, không có thật. Ta nên nhớ rằng, dù dối trá đến đâu, một môn đệ nhân chứng khi gần chết cũng tiết lộ sự thật, bởi vì còn gì nữa đâu mà dối trá. Tất cả các môn đệ Chúa Giê-xu cho đến khi tử vì đạo, không một ai phủ nhận sự kiện Chúa sống lại, vì chính lý do này đã khiến họ tử đạo. Việc Chúa Giê-xu hiện ra tại nhiều nơi sau khi Chúa Giê-xu sống lại cũng là một điều khó giải thích, nếu nói rằng môn đệ đã lấy cắp xác.
b. Người ta có thể đưa ra một giả thuyết là nhà cầm quyền La-mã và Do-thái lúc ấy đã lấy xác Chúa Giê-xu đem giấu đi. Nhưng họ làm thế vì mục đích nào? Vì đã cắt lính canh mộ và niêm phong mộ cẩn thận mà! Hơn nữa, nếu họ giấu xác Chúa, thì tại sao họ đành im lặng trong lúc các môn đệ Chúa đi khắp nơi rao truyền là Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết? Muốn bịt miệng các sứ đồ, họ chỉ cần cho công chúng thấy xác chết của Chúa Giê-xu là từ đó không còn ai dám nói đến việc Chúa phục sinh nữa. Và chắc chắn cũng sẽ không làm gì có Cơ-đốc-giáo!
c. Về ngôi mộ trống của Chúa Giê-xu lại có thể có giả thuyết cho rằng các bà đi thăm mộ Chúa lúc trời còn tối nên đã nhầm một ngôi mộ khác, trong đó không có xác chết. Sau đó họ phao tin Chúa sống lại. Giả thuyết này rất non kém. Vì nếu các bà này đi nhầm vào ngôi mộ khác, thì tại sao kẻ thù của Chúa không đến ngôi mộ chính mà lấy xác Chúa ra chứng minh? Hơn nữa, khi ông Giăng và Phi-e-rơ đến mộ trễ hơn, đã thấy rõ mộ trống và không thể nhầm lẫn được.
d. Cũng có thể đặt giả thuyết là sau khi bị hành hình trên thập giá, Chúa Giê-xu không chết hẳn, mà chỉ bị ngất đi vì các vết thương và mất nhiều máu. Khi đặt vào trong hang mộ, hơi lạnh đã làm Chúa dần tỉnh lại, rồi ra khỏi mộ và đi gặp các môn đệ. Nhưng ta thử nghĩ xem có người nào bị thương tích đầy mình, kiệt sức mà có thể sống trong hang mộ lạnh lẽo suốt ba ngày không có nước uống, không thức ăn hay không? Hơn nữa làm sao sống nổi với vải liệm cuốn kín từ đầu đến chân và hương liệu đầy mình? Người ấy liệu đủ sức tháo gỡ vải liệm ra, đẩy tảng đá lớn sang một bên, đánh bọn lính gác rồi chạy thoát được không? Hơn nữa, nếu Chúa chỉ ngất đi và trốn ra khỏi mộ, đi gặp các môn đệ thì có làm cho những người này tin rằng Chúa sống lại và đi loan báo hay không? Ngoài ra, nếu Chúa thoát chết như vậy thì có bao giờ Chúa chết thật lần nữa hay không?
Chúa Giê-xu đã xuất hiện nhiều lần sau khi sống lại từ cõi chết. Người ta ghi được mười lần chính. Những lần này xảy ra vào thời gian, địa điểm và với những người khác nhau. Có khi Chúa gặp một người, hai ba người hay nguyên một nhóm người và đông nhất là một đám đông 500 người. Địa điểm gặp gỡ khác nhau. Thoạt tiên là ngay trong khu vườn gần hang mộ trống, rồi trong căn phòng nơi mà các môn đệ đang ẩn trốn vì sợ bị truy lùng. Một lần trên đướng về làng Em-ma-út, một lần khác thật xa Giê-ru-sa-lem, mãi tận Ga-li-lê. Mỗi lần xuất hiện Chúa đều có những hành động và lời dạy khác nhau.
Nếu ngôi mộ trống không đủ để phản bác lý luận cho rằng việc Chúa phục sinh là huyền thoại hay bịp bợm giả trá, thì việc Chúa xuất hiện trước nhiều nhân chứng đã làm cho các lý luận này trở thành gán ép. Vì không ai có thể bảo việc Chúa xuất hiện trước mọi người sau khi sống lại là huyền thoại được. Nhân chứng đông đảo đã xác nhận Chúa thật sự sống lại.
Xưa nay cũng có những người bài bác ngay cả lời các nhân chứng gặp Chúa phục sinh nữa. Một số người lý luận rằng các nhân chứng ấy thật ra không gặp Chúa, mà chỉ thấy ảo ảnh. Nghĩa là họ có ảo tưởng gặp Chúa đó thôi.
Dĩ nhiên con người hay có ảo giác, nhất là đối với các hiện tượng siêu nhiên. Nhưng qua các nghiên cứu của y khoa ngày nay, người ta biết được một số định luật liên quan đến hiện tượng gọi là ảo giác đó. Khi đem các định luật này áp dụng vào trường hợp các nhân chứng đã từng gặp Chúa sống lại, thì thấy rằng họ không phải là những người có ảo giác.
Ảo giác thường xẩy đến cho những người giàu tưởng tượng và tâm trí không được bình tĩnh cho lắm. Nhưng Chúa Giê-xu đã xuất hiện trước đủ hạng người. Trước các phụ nữ già nua giàu cảm xúc, nhưng cũng ngay trước mắt các tay đánh cá mặt dày mày dạn như Phi-e-rơ và các môn đệ khác của Chúa là những người thuộc đủ mọi cá tính.
Ảo giác cũng rất chủ quan và cá nhân. Nghĩa là không thể nào hai người cùng thấy một ảo giác được. Trong trường hợp Chúa Giê-xu sống lại thì Ngài không xuất hiện cho cá nhân nào nhưng cho nhiều nhóm người, nhóm đông nhất lên đến 500 người. Không có lý nào cả mấy trăm người cùng thấy một ảo giác, là một điều phản khoa học?
Một điểm khác, y khoa cho hay rằng, ảo giác thường chỉ xẩy ra vào những thời điểm và nơi chốn đặc biệt, lại cũng thường liên quan tới những sự kiện ngộ nghĩnh. Nhưng những lần Chúa Giê-xu xuất hiện trước mắt các nhân chứng thì vừa ở ngoài trời lại vừa ở trong nhà. Buổi sáng có, buổi chiều và buổi tối đều có. Như thế không phải ảo tưởng hay ảo giác.
Y khoa còn cho hay rằng ảo tưởng hay ảo giác xảy ra liên tiếp trong một thời gian dài và đều đặn. Nhưng việc Chúa Giê-xu sau khi Ngài sống lại chỉ xảy ra một thời gian có 40 ngày và sau đó đột nhiên chấm dứt. Không có ai nói là thấy Chúa nữa.
Câu Hỏi:
1. Sự kiện Chúa Giê-xu sống lại giúp chúng ta như thế nào trong việc trả lời các câu hỏi về chính chúng ta và về Đức Chúa Trời?
2. Thử liệt kê ra các bằng chứng Chúa Giê-xu thực sự sống lại.
3. Nếu Chúa Giê-xu không sống lại thì có gì xẩy ra?
Chúa Giê-xu là Con Đường Duy Nhất?
Khoa Học và Niềm Tin là môn học biện giải Cơ-đốc-giáo qua các phương pháp phân tích và lý luận khoa học, mục đích là cho người học nắm thật vững niềm tin của mình để có thể ứng phó trong một xã hội vô tín vô thần của loài người trên mặt đất này. Cuốn sách giáo khoa của môn học này chính là Kinh Thánh. Nhân vật chính của Kinh Thánh là Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Câu hỏi đặt ra là: Chúa Giê-xu có phải là Con Đường duy nhất đưa ta đến với Đức Thượng Đế hay không? Câu hỏi này nhiều người Việt đặt ra, nhất là khi nghĩ đến văn hóa và dân tộc. Khi nói về Đạo, hay về chân lý, nhiều người cho rằng đạo nào cũng thế, con đường nào cũng đưa đến chân lý cả. Á đông dường như còn có nhiều thần linh thiêng liêng hơn nơi nào khác.
Mặt khác, người ta cho rằng Cơ-đốc-giáo quá tự cao và chủ quan, nên mới tự xưng là con đường duy nhất. Các tôn giáo khác đâu phải tầm thường, mỗi thứ có giá trị riêng của nó.
Thật ra những ý niệm về Chúa Giê-xu là con đường duy nhất đưa ta đến với Thượng Đế hay là Chân lý không phát xuất từ loài người, cũng không do giáo hội đặt ra, mà chính là lời của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Chúa Giê-xu nói: “Ta là Đường Đi, là Chân Lý và Nguồn Sống, chẳng do Ta không ai đến được với Đức Chúa Cha.” Phúc âm Gi 14:6
Một câu khác: “Nếu các ngươi chẳng tin Ta là Đấng đó, thì chắc sẽ chết trong tội của các ngươi.” Gi 8:24.
Sứ đồ Phi-e-rơ trong một buổi giảng truyền Phúc-âm đã nói: “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu.” Cong 4:12.
Sứ đồ Phao-lô trong thư gửi cho ông Ti-mô-thê, viết:“Chỉ có một Đức Chúa Trời và một Đấng trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người là Chúa Cứu Thế Giê-xu, là con người.”
Qua các câu Kinh Thánh vừa trích dẫn ta phải hiểu rằng Không ai có thể biết Thượng Đế được, nếu không nhờ Chúa Giê-xu. Câu này ta cần đào sâu hơn để hiểu rõ.
Nhân loại được tạo dựng nên trong một môi trường hoàn hảo nhất, với tất cả những nhu cầu cần thiết. Đức Chúa Trời cho nhân loại có quyền tự do lựa chọn, và phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm.
Lúc ấy Đức Chúa Trời chỉ có một điều luật, đó là cấm không được ăn trái của cây phân biệt thiện ác, nếu bất tuân sẽ phải chết. Như vậy điều luật này đặt ra cốt để cho con người được sống mãi trong cảnh thiên đàng, vô tội và không đau khổ. Luật cấm này cũng bắt con người phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.
Nhưng rồi con người đã sử dụng quyền tự do lựa chọn sai lầm, theo lời xui khiến của ma quỷ, giơ tay hái trái cấm và biết rõ đâu là thiện ác. Đó là cuộc phản chống Đấng Thượng Đế của con người đầu tiên. Cũng vì vậy mà người sợ, đi trốn, và cuối cùng bị loại ra khỏi khu vườn đẹp nhất trên trần gian. Tình trạng loài người khi ấy gọi là sa ngã. Đây là việc rơi từ địa vị làm con của Chúa xuống địa vị kẻ tội phạm chờ đợi án tử hình.
Từ khi sa ngã con người mới biết thế nào là đau khổ. Đau khổ về muôn mặt trong đời người khởi nguồn từ cuộc đời xa cách Đức Chúa Trời, và ảnh hưởng đến đồng loại trong những ghen ghét và hận thù.
Không những vì chống luật Chúa mà con người làm khổ nhau, ngay thiên nhiên cũng vì cuộc sa ngã của con người mà thành chướng ngại cho đời người. Những khó khăn, tai họa, thú dữ, gai chông từ thiên nhiên đều là do sự phản nghịch chống lại Đức Chúa Trời sinh ra, và con người phải gặt lấy hậu quả.
Dần dần cuộc đời nhân loại trở thành hoàn toàn vô tín, vô thần và đau khổ tiếp tục gia tăng mãi không ngừng.
Tuy nhiên Đức Chúa Trời không tạo nên nhân loại rồi bỏ mặc. Ngài không im lặng cho nhân loại sống với số phận của mình. Đức Chúa Trời đã thường xuyên mặc khải Ngài cho nhân loại. Việc mặc khải diễn ra dưới nhiều hình thức:
Thiên nhiên huyền diệu là một mặc khải. Lý trí con người không thể hiểu các hiện tượng thiên nhiên, nhất là không biết nguyên nhân, vì vậy nếu công nhận Tạo Hoá, Đức Chúa Trời là Đấng đã hình thành ra thiên nhiên, thì cũng là một cách đón nhận mặc khải của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời cũng tự mặc khải qua các sứ giả mà Ngài lựa chọn trong nhân loại. Ngày xưa gọi là các Tiên tri, ngày nay là những người được Chúa kêu gọi để chuyên biệt làm người ra truyền sứ điệp của Ngài cho đồng bào đồng loại.
Lời Chúa đã được truyền miệng, ghi lại bằng chữ viết, qua nhiều sứ giả, sao cho loài người biết đến Đấng tạo dựng nên mình mà tôn thờ, và tránh xa những hành vi bạo ngược làm hại đồng loại.
Nhưng Đức Chúa Trời còn đi xa hơn nữa. Ngài đã đích thân vào đời làm một người như mọi người khác trong hình hài của Chúa Giê-xu, người làng Na-xa-rét. Cuộc ra đời của Chúa Giê-xu đã được tiên đoán hằng trăm năm trước và đã ứng nghiệm từng chi tiết một. Đây chính là mặc khải quan trọng nhất cho nhân loại. Vì Chúa Giê-xu vào đời không những để cho nhân loại biết về Đức Chúa Trời nhưng Ngài còn hi sinh mạng sống để làm sinh tế chuộc tội ác cho toàn nhân loại. Chúa Giê-xu là Ngôi Hai của Đức Chúa Trời xuống đời để đưa nhân loại trở về với nguồn cội. Vì giữa loài người và Đức Chúa Trời có một khoảng cách càng ngày càng rộng hơn, không thể nào nối kết được nữa.
Chúa Giê-xu tuyên bố: Ta là Đường Đi, là Chân Lý và Sự Sống, chẳng do Ta không ai đến được với Đức Chúa Cha, là đúng, vì đây là phương pháp hoàn hảo nhất mà Thượng Đế đã ban cho loài người vì lòng thương và ân sủng cứu độ.
Như đã nói, Thượng Đế không bỏ mặc con người trong tội ác, phản nghịch và giết hại lẫn nhau. Thượng Đế đã mặc khải. Đây là một huyền nhiệm về Thượng Đế. Nói rõ hơn, loài người vì sa ngã, không có phương cách nào với lên được tới Đấng Tạo Hóa Toàn Năng, Chí Cao, Chí Thánh, Huyền Nhiệm. Nhưng chính Thượng Đế đã đưa tay về phía con người để cứu vớt. Chúa Giê-xu vào đời cốt làm nhiệm vụ này. Chúa Giê-xu chỉ vào đời một lần, hi sinh chết thay một lần, và đã sống lại từ cõi chết để chuộc tội và ban sự sống đổi mới, tái tạo cho con người. Chính vì thế mà Chúa Giê-xu là Con Đường duy nhất đưa ta đến Thượng Đế.
Chúa Giê-xu làm được việc này là vì :
Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất từ trời đến trần gian để gặp gỡ con người và mặc khải Thượng Đế cho con người.
Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất đã hi sinh chết thay để chuộc tội cho cả nhân loại.
Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất đã sống lại từ cõi chết và thăng thiên trở về trời.
Vì thế khi nói: Chúa Giê-xu là Con Đường duy nhất không phải nói quá, nhưng đó là sự thật, vì không có một người nào có thể so sánh với Chúa Giê-xu về bất cứ phương diện nào.
Câu hỏi: Chúa Giê-xu có phải Con Đường duy nhất không? Phải trả lời dứt khoát là: chắc chắn, Chúa Giê-xu là Con Đường duy nhất. Đây không phải là lối trả lời của các môn đệ cuồng say hay ngạo mạn, nhưng đây chính là chân lý cứu chuộc nhân loại.
Sứ đồ Phao-lô đã trả lời câu hỏi này trong thư La-mã chương 2:12-16 như sau:
Người ngoài Do-thái phạm tội khi chưa biết giáo luật Môi-se, sẽ bị trừng phạt, nhưng không chiếu theo giáo luật ấy. Còn người Do-thái đã biết giáo luật mà còn phạm tội, thì sẽ theo giáo luật ấy mà xét xử. Vì không phải người nào biết giáo luật được kể là công chính, nhưng là người tuân giữ giáo luật đó. Khi người ngoài Do-thái không có giáo luật, theo bản tính làm những điều đúng theo giáo luật đòi hỏi, thì hành động theo bản tính tốt là giáo luật của họ. Việc này chứng tỏ các nguyên tắc của giáo luật đã được ghi vào lòng họ. Lương tâm cũng làm chứng khi lên tiếng buộc tội hay biện hộ. Theo Phúc-âm tôi truyền giảng, đến ngày Thượng Đế đã định, Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ xét xử mọi tư tưởng, hành động kín đáo của loài người.
Theo lời dạy trên đây của Sứ đồ Phao-lô, trước thời Chúa Cứu Thế, người ta theo lương tâm mình mà sống, thì cũng được Chúa bằng lòng. Chúa xét xử theo những gì người ấy biết, chứ không theo những gi người ấy không biết. Qua mặc khải mà người ấy nhận được từ Chúa, nếu biết xây sửa đường lối, ăn năn sám hối, và kính thờ Chúa một cách chân thành và khôn ngoan, chắc chắn cũng được Chúa xót thương. Chúa không bao giờ xử bất công và vô lý, ta có thể tin chắc như vậy. (Trường hợp người đội trưởng Cọt-nây trong Công vụ Các Sứ đồ chương 10 là một thí dụ điển hình.)
Trong thời đại chúng ta thì mặc khải là lời Kinh Thánh. Ta phải hết lòng tin Kinh Thánh và quyết định mở tâm hồn mình đón Chúa vào làm chủ, không thể trì hoãn được. Vì Chúa sẽ căn cứ vào những gì ta biết mà phán định.
Câu Hỏi:
1. Giải thích câu nói của Chúa Giê-xu: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống”.
2. Có gì chứng minh Chúa Giê-xu là con đường duy nhất?
3. Những người chết trước khi Chúa Giê-xu sinh ra thì Đức Chúa Trời phán định ra sao?
Người theo Chúa tin và dạy rằng Kinh Thánh là cuốn sách duy nhất giải bày Lời của Đức Chúa Trời, Thượng Đế cho loài người. Dù Kinh Thánh do người viết ra, nhưng tác giả toàn thể Kinh Thánh là Đức Chúa Trời quyền năng. Đây không phải là điều Hội Thánh đặt ra, nhưng chính Thánh Linh xác nhận như vậy. Chúng ta có thể xét qua lời ghi lại trong Kinh Thánh mà nhận ra đìểm này:
IPhi 1:25: Mọi xác thịt ví như cỏ, mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ, cỏ khô, hoa rụng, nhưng Lời Chúa còn lại đời đời.
IITi 3:16: Cả Kinh Thánh đều do Đức Chúa Trời hà hơi mà thành.
IIPhi 1:21: Thời xưa lời tiên tri không phải do ý người mà có, nhưng những người thánh của Đức Chúa Trời đã được Thánh Linh vận dụng mà nói ra.
Trong Kinh Thánh Cựu-ước thì những câu như: Đức Chúa Trời phán cùng Môi-se; Lời Chúa phán bảo Giô-na; Đức Chúa Trời phán đã được ghi đến hơn 2000 lần.
Kinh Thánh cũng tự xác nhận là sách ghi lại những lời nói và việc làm của Đức Chúa Trời, vì thế Kinh Thánh chính là Lời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh có những bằng cớ không thể chối cãi được là Lời Chúa.
Mặc dù Kinh Thánh do nhiều người soạn ra, tính cách hợp nhất của Kinh Thánh cho thấy rằng có bàn tay của Thượng Đế, của Đức Chúa Trời điều khiển.
Kinh Thánh được viết trong một thời gian khoảng 1500 năm và do hơn 40 tác giả khác nhau trước tác. Những người này là xuất thân từ những môi trường sống hoàn toàn khác biệt nữa. Như Giô-suê là một võ tướng, Đa-ni-ên là một tể tướng, Phi-e-rơ hay Phê-rô là một ngư phủ, và Nê-hê-mi là quan hầu của một hoàng đế nước ngoài.
Các người viết Kinh Thánh cũng ở các vùng khác nhau nữa. Như Môi-se ở trong sa mạc, Phao-lô ngồi trong tù, Giăng thì bị lưu đầy trên một hải đảo. Kinh Thánh được soạn thảo trên ba lục địa khác nhau: châu Phi, châu Á và châu Âu và được viết bằng ba thứ ngôn ngữ khác nhau: Hê-bơ-rơ, A-ram và Hi-lạp.
Xét về nội dung thì Kinh Thánh có nhiều đề tài khác nhau, đôi khi trái nghịch nhau. Tuy nhiên Kinh Thánh vẫn chỉ là một cuốn sách duy nhất. Từ đầu đến cuối chỉ có một câu chuyện chính, đó là Chương Trình Cứu Chuộc Nhân Loại của Thượng Đế. Chương trình này do Chúa Giê-xu thực hiện. Chính Chúa Giê-xu đã xác nhận là tòan thể Kinh Thánh đều viết về Ngài.
Chúa Giê-xu từng nói: Các ông khảo cứu Kinh Thánh, tưởng rằng nhờ đó mà được sự sống vĩnh hằng, Kinh Thánh làm chứng về Ta. Nếu các ông đã tin Môi-se, các ông cũng phải tin Ta, vì Môi-se đã viết về Ta. Nhưng nếu các ông không tin những điều Môi-se ghi lại, làm sao các ông có thể tin lời Ta được? (Gi 5:39,46,47).
Tác giả Lu-ca thuật lại câu chuyện giữa Chúa Giê-xu và hai môn đệ trên đường về làng Em-ma-út, nói rằng: Thế rồi bắt đầu từ Môi-se và tất cả các vị tiên tri, Chúa Giê-xu giải thích cho hai người tất cả những lời Kinh Thánh nói về chính Ngài. (Lu 24:27).
Xét tổng quát, ta có thể nói rằng:
Kinh Thánh Cựu-ước là phần chuẩn bị cho Chúa Giê-xu (Es 40:3)
Các sách Phúc-âm mô tả cuộc vào đời của Chúa Giê-xu (Gi 1:29)
Công vụ các sứ-đồ là công cuộc phổ truyền Phúc-âm (Cong 1:8).
Các thư trong Kinh Thánh Tân-ước là biện giải Phúc-âm của Chúa (Co 1:27)
Khải thị là chung cuộc công việc cứu chuộc nhân loại của Chúa Giê-xu.
Toàn bộ Kinh Thánh trình bày về Chúa Giê-xu.
Kinh Thánh có chung một đề tài và mỗi phần bổ túc cho nhau. Những người viết Kinh Thánh Tân-ước coi Kinh Thánh Cựu-ước như là toàn bộ Kinh Thánh và họ chính là những người thừa hưởng công nghiệp của các vị tiên tri, sứ giả của Chúa ngày xưa. Theo đó, ta không thể nào hiểu được Kinh Tân-ước nếu không công nhận Kinh Tân-ước bổ cứu và giải thích Kinh Cựu-ước.
Người nào có ý định đi tìm nguồn cội của Cơ-đốc-giáo mà không công nhận toàn bộ Kinh Thánh là kim chỉ nam thì sẽ thất bại.
Ta có thể làm một trắc nghiệm để chứng nghiệm huyền nhiệm của Kinh Thánh, và công nhận do Chúa thực hiện:
Ta thử lựa 10 người khác nhau, nhưng có cùng một trình độ văn hóa và ở trong một vùng với nhau, nói chung một ngôn ngữ và cùng một bối cảnh văn hóa. Ta mời những người này phát biểu ý kiến về cùng một đề tài, thí dụ như: Ý nghĩa của cuộc đời. Mỗi người viết ý kiến ra trên giấy, và ta thu tất cả lại để so sánh. Ta sẽ thấy mười người ấy viết hoàn toàn khác nhau và không ai đồng ý với nhau cả.
Kinh Thánh đã do 40 người viết qua suốt thời gian 1500 năm, do những ngòi bút không cùng trình độ, học thức,văn hóa, ngôn ngữ, giai cấp trong xã hội. Họ hoàn toàn cách biệt về trình độ hiểu biết, thuộc về nhiều nền văn hóa khác nhau, từ ba lục địa xa cách nhau, qua ba ngôn ngữ khác hẳn nhau. Họ viết không cùng đề tài, nhưng hằng trăm đề tài khác nhau. Thế mà Kinh Thánh hoàn toàn hợp nhất. Hòa hợp đến nỗi không thể nào cho là do ngẫu nhiên mà tác hợp được.
Tính hợp nhất của Kinh Thánh chính là một đặc điểm chứng tỏ rằng Kinh Thánh được Thần Khải, nghĩa là do Đức Chúa Trời hướng dẫn mà hình thành. Chính điểm hợp nhất của Kinh Thánh là một trong nhiều lý do người ta công nhận Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời.
Các lý do khác có thể là lời chứng của Hội thánh đầu tiên, chứng cớ trong lịch sử và khoa khảo cổ học, nhất là lời chứng của những người từng nhờ Kinh Thánh mà cuộc đời được thay đổi hoàn toàn.
Văn hào Victor Hugo của Pháp khi bàn về nước Anh đã nói rằng: Nước Anh có hai quyển sách: Kinh Thánh và tác phẩm của Shakespear. Nước Anh sản xuất ra Skakespear, nhưng Kinh Thánh làm ra nước Anh.
Biết Kinh Thánh là lời Chúa, nhưng chỉ khi nào ta đọc Kinh Thánh mới thấy Lời Chúa linh nghiệm trong việc hướng dẫn ta đến với Chúa, và được giải thoát khỏi cuộc đời đầy dối trá này!
Người nào đặt câu hỏi này cần phải tìm hiểu về dân tộc Do-thái, tức là dân tộc Israel. Theo lịch sử thì vào khoảng hơn 4000 năm trước đây Đức Chúa Trời đã gọi một người tên là Áp-ram ra khỏi vùng đất mà ông ta sinh sống, bảo đi đến một nơi mà Chúa sẽ chỉ cho. Chúa còn ban cho ông Áp-ram lời hứa như sau: Ta sẽ khiến con trở thành một nước lớn, ta sẽ ban phước lành cho con và làm cho con được nổi danh, con sẽ trở thành nguồn phước cho kẻ khác. Ta sẽ ban phước cho kẻ nào chúc phước cho con và nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa con. Nhờ con mà tất cả các gia tộc trên đất đều sẽ được phước. (Sa 13:14,15.)
Trong lời hứa này Áp-ram sẽ được các điều sau đây:
1. Dòng dõi thành một nước lớn.
2. Có danh tiếng ở đời.
3. Làm nguồn phước cho tất cả.
4. Được một vùng đất lập nghiệp đời đời.
Mấy trăm năm sau khi Chúa hứa những lời này với Áp-ram thì một nước lớn thật sự đã thành hình, dân số lên đến hàng triệu. Khi họ sắp tiến vào vùng đất mà Chúa đã hứa cho ông tổ Áp-ram của họ, thì Chúa truyền cho Môi-se, lãnh tụ của họ những lời răn dạy được ghi lại trong sách Phục Truyền từ chương 28 đến chương 33. Chúa cũng cảnh cáo họ rằng nếu họ bất trung và không tuân thủ mạng lệnh Chúa dạy, thì Ngài sẽ khiến cho các nước xua đuổi họ ra khỏi vùng đất hứa. Nếu họ tiếp tục phản chống Chúa, họ sẽ bị tung rải ra khắp các nước, như kẻ lạ trên đất ngoại và không tìm được đất dung thân. Tuy nhiên Chúa lại hứa rằng Ngài sẽ cho họ hồi hương, vì lòng thành tín giữ lời Chúa đã hứa với Áp-ram.
Những điều này đã được lịch sử chứng minh. Dòng dõi Áp-ram tức là Áp-ra-ham về sau đã từ bỏ Chúa, thờ thần tượng giả dối, bị lưu đầy ra khỏi đất hứa. Năm 606 trước Công Nguyên, hoàng đế Nê-bu-cát-nết-sa đã đánh chiếm Israel và lưu đầy dân tộc này sang đất Ba-by-lôn sau khi thiêu hủy thành Giê-ru-sa-lem.
Sau 70 năm lưu đầy, Chúa đoái thương cho họ hồi hương, đó là năm 537-536 trước Công nguyên. Lần thứ hai người Do thái bị đầy ra khỏi xứ sở là năm 70 sau Công nguyên, dưới thời hoàng đế La-mã Titus. Thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá lần nữa. Trong suốt thời gian ngót 1900 năm sau đó, người Do thái lang thang khắp nơi như kẻ lạ, đi dâu cũng bị bách hại. Cuộc bách hại ghê gớm nhất và quy mô nhất là vào Thế Giới Chiến Tranh Thứ Hai, khi Đức Quốc Xã thảm sát 6 triệu người Do thái trong các trại tập trung và lò ga. Nhưng đến ngày 14 Tháng Năm, năm 1948, người Do thái từ khắp các nơi trên thế giới đã trở về nước. Đây là lần hồi hương thứ hai của dân tộc này.
Lịch sử cho thấy rằng dân tộc nào đã rời khỏi quê hương sau năm thế hệ thì sẽ mất hết cá tính và hội nhập với các nền văn hóa nơi họ cư ngụ. Nhưng dân tộc Do thái vẫn mang cá tính riêng. Trái lại hầu hết các dân tộc từng đàn áp họ đã bị tiêu diệt nhiều.
Làm thế nào một dân tộc có thể tồn tại được sau 1900 năm, nhất là 1/3 dân số đã bị tiêu diệt trong các trại tập trung, và phải chống chọi với hơn 100 triệu người Ả-rập trong các năm 1967 và 1973? Người Do thái và mọi người trên thế giới đều phải công nhận rằng có bàn tay của Thượng Đế hướng dẫn dòng lịch sử của dân tộc này.
Một trong các đặc điểm của Kinh Thánh là có rất nhiều lời tiên tri, hay những lời báo trước về việc tương lai. Khi các việc này xảy ra, người tin Chúa nói đó là ứng nghiệm và tin rằng Kinh Thánh là lời Chúa. Sứ đồ Phi-e-rơ ngày xưa đã viết: Những điều chúng tôi thấy càng chứng tỏ các lời tiên tri trong Kinh Thánh là xác thực. Vì thế anh em phải lưu ý tới những lời tiên tri đó, xem như ngọn hải đăng giữa biển đời mù mịt tăm tối, giúp ta hiểu được nhiều huyền nhiệm chân lý của lời tiên tri, ánh rạng đông sẽ bừng lên giữa cảnh tối tăm, và Chúa Cứu Thế, Ngôi Sao Mai sẽ soi sáng tâm hồn anh em.
Thư La-mã của sứ đồ Phao-lô xác nhận: Phúc âm đã được Chúa hứa từ ngàn xưa trong các sách tiên tri của Kinh Thánh: về thể xác, Chúa giáng thế làm người theo dòng vua Đa-vít, về thần linh, Chúa sống lại từ cõi chết chứng tỏ Ngài là Con Thượng Đế đầy quyền năng, là Đấng Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta.
Những dẫn chứng vừa kể cho thấy mục đích của lời tiên tri là giúp chúng ta biết Thượng Đế thực hữu và Ngài có kế hoạch cho toàn thế giới này. Khi Kinh Thánh nói trước về những nhân vật, nơi chốn và sự kiện hằng trăm năm trước khi sự việc xảy ra, Kinh Thánh thực sự chứng tỏ biết rõ tương lai chứ không võ đoán. Khi các lời tiên tri được ứng nghiệm thì Kinh Thánh phải được công nhận là sách do Chúa biên soạn.
Một thí dụ là lời tiên tri về Vua Si-ru được ghi trong Ê-sai chương 44 câu 28 và chương 45 câu 1. Nhà tiên tri Ê-sai viết các lời này vào khoảng 700 trước Công nguyên, nhưng nói rõ tên ông vua Si-ru là người sẽ ban sắc chỉ cho thành Giê-ru-sa-lem được tái thiết, và đền thờ được tu sửa lại. Khi Ê-sai ghi những lời tiên tri thì thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ còn nguyên vẹn, nhưng 160 năm sau đó thì vua Si-ru ban chiếu chỉ xây lại Giê-ru-sa-lem và đền thờ thật sự. Đây là một trong hàng trăm lời tiên tri khác đã được ứng nghiệm thật là chi tiết, không ngẫu nhiên mà cũng không võ đoán. Điểm này chứng minh Kinh Thánh là Lời Chúa truyền dạy chứ không phải con người tự ghi lại như các kinh sách thông thường của nhân loại.
Giá trị của Kinh Thánh không phải ở chỗ người ta tôn xưng, nhưng ở chỗ linh ứng mà nhiều thế hệ đã nghiệm được. Các lời tiên tri trong Kinh Thánh chưa ứng nghiệm hết, nhiều lời đang ứng nghiệm và sẽ ứng nghiệm. Người tin Chúa phải hết lòng tin lời Kinh Thánh, như thế mới sáng suốt nhìn vào tương lai và không lầm lạc.
Có người vội cho rằng Kinh Thánh có nhiều điểm mâu thuẫn, như thế không thể tin là Kinh Thánh là do Thượng Đế mặc khải. Hay nói khác đi, người ta bảo rằng vì Kinh Thánh có những điểm đối nghịch nhau nên không đáng dùng làm khuôn thước. Câu hỏi cần đặt ra là: Kinh Thánh thật sự có những điểm sai lầm hay không? Thật ra võ đoán cho Kinh Thánh sai lầm thì dễ, nhưng chứng minh Kinh Thánh sai lầm vô cùng khó khăn.
Có một số câu hay đoạn trong Kinh Thánh mới đọc qua tưởng chừng như mâu thuẫn hay sai lầm, nhưng nghiên cứu cho kỹ mới hiểu rằng không phải như vậy.
Một thái độ mà người đọc Kinh Thánh cần có là phải vô tư, công bằng, đừng chủ trương chỉ trích, đả phá, bới lông tìm vết. Thái độ nghiên cứu Kinh Thánh cần giống như nghiên cứu bất cứ tác phẩm văn chương nào khác.
Căn cứ vào suy nghĩ logic, thì một sự việc không thể nào vừa là A, mà lại vừa không phải là A được. Nghĩa là không thể nào một vật vừa là trắng lại vừa là đen được. Khi nào đọc Kinh Thánh mà thấy có vi phạm nguyên tắc này, thì mới bảo Kinh Thánh là mâu thuẫn được.
Thí dụ như Kinh Thánh nói rằng ông Phao-lô vừa sinh ra tại Tạt-xơ, mà lại cũng sinh ra tại Giê-ru-sa-lem, thì như vậy là mâu thuẫn. Nhưng Kinh Thánh chỉ nói rằng ông Phao-lô sinh tại Tạt-xơ.
Thí dụ như trong trường hợp người mù ở Giê-ri-cô. Mat 20:30 ghi rằng hai người mù gặp Chúa Giê-xu, trong khi đó Mac 10:46 và Lu 18:35,38 ghi là một người mù gặp Chúa. Đây không phải trường hợp mâu thuẫn mà chỉ bổ túc cho nhau. Có thể là mấy người mù được chữa lành tại Giê-ri-cô, nhưng chỉ một người họ biết tên mà thôi nên kể tên người đó, Ma-thi-ơ thì kể tổng số có hai người được chữa lành cả thảy.
Thí dụ như tôi gặp ông Mục sư và ông Giáo sĩ trong cùng một buổi sáng. Khi kể lại chuyện gặp gỡ này với anh A, tôi nói tôi gặp ông Mục sư; một giờ sau đó tôi gặp anh B tôi nói gặp cả ông Mục sư lẫn ông Giáo sĩ. Sau đó hai anh A và B kể lại hai lời tôi nói và bảo là tôi mâu thuẫn, thì tôi phải cãi là không có gì mâu thuẫn cả, chỉ là hai câu nói khác nhau mà thôi.
Đôi khi hai đoạn văn có vẻ như mâu thuẫn là vì cách dịch không sát. Thông thạo nguyên ngữ Hi-lạp và Hê-bơ-rơ sẽ giải quyết được vấn đề này. Vì hai ngôn ngữ ấy có những lối viết rất khó dịch ra ngôn ngữ khác cho chính xác.
Hai đoạn văn sau đây thường bị chỉ trích là mâu thuẫn:
Cong 9:7 Những kẻ đi cùng với người đều đứng lại sững sờ, nghe tiếng nói mà chẳng thấy ai hết.
Cong 22:9 Những kẻ đi với tôi thấy ánh sáng rõ ràng nhưng chẳng nghe tiếng Đấng phán cùng tôi.
Mới đọc tưởng chừng như hai câu này mâu thuẫn, nhưng ta cần biết chữ nghe trong nguyên văn là akouo. Chữ này khi dùng về thể sở hữu (genitive) akouontes thì chỉ diễn tả một âm thanh đến với tai, người nghe không nhất thiết có hiểu hay không. Đó là trường hợp 9:7. Nghĩa là những người này nghe nhưng không hiểu.
Trong trường hợp chữ akouo dùng ở thể đối cách (accusative) ekousan thì lại có nghĩa là nghe mà hiểu ý nghĩa những gì mình nghe. Đó là trường hợp 22:9, nghĩa là có nghe nhưng không hiểu thì cũng như không nghe.
Những gì có thể coi là mâu thuẫn ta đừng vội cho là Kinh Thánh sai, vì nhiều khi ta không hiểu hay chưa biết rõ hoàn cảnh, môi trường và phong tục của các dân tộc mà Kinh Thánh nói đến. Nghĩa là không biết rõ bối cảnh sống của các dân tộc này thành ra hiểu lầm.
Các cuộc nghiên cứu về lịch sử và khảo cổ đã giúp rọi ánh sáng vào nhiều phần khó giải trong Kinh Thánh. Nhiều chỗ bị coi là sai hay mâu thuẫn đã dần dần được giải thích, vì thế ta cũng nên chờ đợi, đừng vội lên án Kinh Thánh.
Ta cũng nên nhớ là, nếu có những chỗ gọi là sai hay mâu thuẫn, thì chỉ là vì các lý do ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, và chỉ liên quan đến các phần mô tả sự việc hay trình bày vấn đề. Các nguyên tắc của Kinh Thánh và mặc khải của Chúa luôn luôn minh bạch và chính xác, không mâu thuẫn hay mập mờ. Bằng cớ là sau hơn hai nghìn năm, Kinh Thánh vẫn còn được quý trọng và vẫn là ánh sáng soi đường cho hằng tỉ người trên trái đất.
Bạn có Kinh Thánh hãy chăm chỉ đọc, đừng nghi ngờ nhưng cứ hết lòng tin. Bạn sẽ được Chúa soi dẫn, mở mắt tâm linh, hiểu được nhiều điều huyền nhiệm và tìm được bài học quý giá.
Trong đời này những người phủ nhận Kinh Thánh thường lầm lạc và thất vọng. Ai bằng lòng tin Chúa và quý mến lời Ngài dạy trong Kinh Thánh là những người sung sướng thỏa mãn nhất.
Bản Kinh Thánh mà chúng ta có trong tay ngày nay, qua bao nhiêu chuyển biến của lịch sử có còn chính xác như nguyên bản không?
Người xưa sao chép Kinh Thánh đã cẩn thận vô cùng, sao cho một chấm, một nét cũng không bị thay đổi. Hơn nữa ngày nay ta có thể căn cứ vào ba tài liệu sau đây để đánh giá một bản Kinh Thánh, nhất là Kinh Tân Ước. Sở dĩ phải chú trọng đến tầm quan trọng và chính xác của Kinh Thánh Tân Ước là vì Kinh này trực tiếp nói về cuộc ra đời của Chúa Giê-xu, công nghiệp cứu chuộc nhân loại của Ngài, và những giáo huấn căn bản của Ngài dành cho nhân loai. Ba tài liệu quan trọng đó là:
1. Bản nguyên văn tiếng Hi-lạp.
2. Những bản Kinh Thánh Tân Ước đã được phiên dịch ra.
3. Những tài liệu bàn về Kinh Thánh Tân Ước của các vị sáng lập ra giáo hội ban đầu.
Kinh Thánh Tân Ước viết bằng tiếng Hi-lạp. Người ta đã tìm được khoảng 5000 bản sao chép Kinh Thánh Tân Ước nguyên văn tiếng Hi-lạp ( hoặc trọn bộ, hoặc là một phần ). Ngày nay mặc dù không còn bản nguyên văn đầu tiên nào, nhưng những bản sao chép này được thực hiện ngay những năm đầu của thế kỷ thứ hai, vì thế có giá trị tương đương như nguyên bản.
Tân Ước được viết ra vào khoảng từ năm 50 đến năm 90 trong thế kỷ thứ nhất và các bản văn tài liệu tìm được là những bản sao chép vào khoảng năm 120 cho đến năm 200.
Hai bản quan trọng nhất là Codex Vaticanus và Codex Sinaiticus chép vào khoảng 250 năm sau khi nguyên bản được hình thành. 250 năm là một khoảng thời gian khá lâu, nhưng nếu ta so sánh với hầu hết các tài liệu cổ khác của nhân loại thì 250 năm vẫn con là một thời gian gần sát.
Chẳng hạn như Cuộc Chiến Tranh Trên Đất Gaul của Caesar La-mã là một tài liệu lịch sử quan trọng, mà chỉ còn lại bản sao chép 1000 năm sau khi tài liệu được viết ra. Còn thiên hùng ca Odyssey của Homer, mãi đến 2200 năm sau người ta mới có được đầy đủ các bản sao. Vì thế khi so với các tài liệu cổ sử hay cổ văn, các bản sao Kinh Thánh Tân Ước còn sớm hơn từ vài trăm năm đến hàng nghìn năm. Tài liệu sao chép Kinh Thánh Tân Ước ngày nay có đến hơn 5000 bản, nghĩa là nhiều hơn bất cứ tài liệu cổ nào khác trên đời. Vì tài liệu quý nhất của nhân loại cũng chỉ còn lưu truyền lại đến thời đại chúng ta qua một vài bản thảo. Thí dụ như Catullus chỉ có ba bản, và là các bản chép lại 1600 năm sau khi Catullus viết ra. Herodotus chỉ có tám bản, và là bản chép lại sau 1300 năm.
Không những Kinh Thánh Tân Ước có nhiều bản sao chép từ bản nguyên văn và các bản văn này gần sát với nguyên văn được chép ra, Tân Ước còn được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ ngay từ thuở ban đầu. Việc phiên dịch một tài liệu ra tiếng nước khác trong thời cổ rất hiếm, thế mà Kinh Thánh đã được dịch ra đến 20 nghìn bản. Các bản dịch này cũng có thể đem so sánh với tài liệu để kiểm chứng.
Cho rằng chúng ta không có 5000 bản sao chép Kinh Thánh Tân Ước và 20 nghìn bản dịch đi nữa, Kinh Thánh Tân Ước cũng vẫn có thể truyền lại trung thực, vì có thể căn cứ vào các tài liệu viết của các Giáo Phụ ban đầu nữa. Các tác phẩm này là các lời bình giải hay các thư từ, trong đó các Giáo Phụ hay học giả thời xưa thường trích dẫn lời trong Kinh Thánh. Các phần trích này thường rất dài, có thể làm tài liệu để so sánh với các bản sao chép hay với bản văn Kinh Thánh hiện có.
Một học giả khi nghiên cứu về các tài liệu này đã liệt kê ra được 86 nghìn lần các Giáo Phụ trích dẫn những phần trong Kinh Thánh TƯ. Chưa có tác phẩm lịch sử hay cổ văn nào được trích dẫn nhiều như thế. Độ chính xác của Kinh Thánh Tân Ước vì thế so với các sách trong đời là một trời một vực, và không ai có thể nghi ngờ gì được.
Một học giả người Anh là Sir Frederic Kenyon, cựu giám đốc và quản thủ thư viện chính của Bảo Tàng Viện Anh Quốc, cũng là một trong những chuyên gia về tài liệu cổ xưa, trước khi lâm chung đã nói rằng: Khoảng cách giữa năm tháng mà Kinh Thánh được soạn thảo và bản sao xưa nhất thật là nhỏ, đến nỗi có thể bỏ qua được. Kinh Thánh Tân Ước hoàn toàn chính xác và trung thực y như nguyên bản.
Chúng ta vừa bàn về tính cách trung thực và chính xác của Kinh Thánh Tân Ước so với thời gian. Có người thắc mắc không hiểu bản Kinh Thánh tiếng Việt có trung thực với nguyên văn hay không? Phiên dịch Kinh Thánh không phải như phiên dịch một loại sách nào ở đời, vì các học giả phải được huấn luyện phương pháp và phải thông lãm ngôn ngữ nguyên văn là Hê-bơ-rơ (cho Cựu Ước) và Hi-lạp (cho Tân Ước). Bản Kinh Thánh Tin Lành Việt Nam đầu tiên được in ra năm 1926 là công trình của các học giả như Bà Cadman, Mục Sư John Olsen, nhà văn và học giả Phan Khôi, Hoàng Thúc Trâm, Trần văn Dõng. Các dịch giả phiên dịch từ nguyên văn, sau đó mời các học giả Việt Nam duyệt lại tiếng Việt. Ngoài tiếng Việt cổ xưa, các ý nghĩa chính của câu văn Kinh Thánh được thời gian kiểm nghiệm là chính xác. Vì Thánh Linh đã hướng dẫn công việc phiên dịch này và sau hơn 70 năm, bản Kinh Thánh 1926 vẫn còn sử dụng rất hiệu quả.
Năm 1996 bản Kinh Thánh Diễn Ý được ấn hành. Đây là một công trình phiên dịch Kinh Thánh theo lối diễn ý để người đọc dễ hiểu hơn.
Năm 2004 bản Kinh Thánh thứ ba do cơ quan Arms of Love phát hành.
Người đọc Kinh Thánh nên cảm tạ Chúa, vì mặc khải về Chúa đã có sẵn trên tay ta. Muốn biết Chúa chỉ cần dành nhiều thì giờ nghiên cứu, đọc và cầu xin Thánh Linh hướng dẫn. Kinh Thánh không phải là cuốn sách thường, có thể đọc nhanh chóng được.
Kinh Thánh là mặc khải về Chúa là Đấng vô hình, đầy quyền năng, tạo dựng cả vũ trụ và loài người, vì thế dành nhiều thời gian đọc Kinh Thánh là khôn ngoan, nếu thật sự muốn biết Chúa. Khi biết Chúa, đôi mắt tâm linh sẽ mở ra, thấy được những giá trị mà ta không thể tìm thấy trong đời.
Nhiều người sống trong thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ, khi được mời đọc Kinh Thánh vội từ chối với thái độ cho rằng Kinh Thánh không còn thích hợp nữa. Những người khác vì niềm tin nơi Chúa, không thể phủ nhận Kinh Thánh, cố gắng tìm cách biện minh cho Kinh Thánh để những dữ liệu của Kinh Thánh không phản khoa học hay quá lỗi thời.
Nhưng chúng ta nên nhớ các điểm sau đây:
Nhà khoa học Galilee từng nói rằng: Kinh Thánh không cho chúng ta những dữ kiện để chúng ta hiểu được trời đất vận chuyển ra sao, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta những phương cách để chúng ta lên được đến trời. Chính vì vậy mà không thể nào so sánh Kinh Thánh với một cuốn sách khoa học. Kinh Thánh khi nói đến vũ trụ vạn vật và các hiện tượng thiên nhiên, đã sử dụng ngôn ngữ dân gian mà thời nào cũng hiểu được. Ngôn ngữ dân gian là loại ngôn ngữ như: mặt trời mọc, mặt trời lặn v.v Ngôn ngữ dân gian không phản khoa học mà chỉ diễn tả những gì người ta nhìn thấy, cũng như ngôn ngữ của thi ca vậy. Chính ngôn ngữ dân gian đã làm cho Kinh Thánh vẫn thích hợp với mọi thời đại. Trong khi đó ngôn ngữ khoa học hơn mấy nghìn năm đã thay đổi rất nhiều.
Thái độ của người đọc Kinh Thánh không bỏ sang một bên những sự kiện khoa học hiện đại mà cũng không bóp méo những điều ghi lại trong Kinh Thánh và tìm đủ cách cho hai lĩnh vực được phù hợp. Cũng không phải là làm sao cho Kinh Thánh phải được lý trí chấp nhận, nghĩa là muốn giải thích tường tận mọi điều trong Kinh Thánh kể cả những phần không giải thích được và không thể nào tìm hiểu được. Chúng ta nên nhớ rằng: Ngày nay chúng ta nhìn qua một tấm gương rất mập mờ. Ngày nay tôi biết chưa hết và tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của chúng ta, và đường lối của Ngài cũng khác hẳn. Kết quả là: Công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu cho đến cuối cùng, người không thể hiểu được. Tr 3:11.
Một điều ta phải nhận rõ là Kinh Thánh không phản khoa học và khoa học càng tiến bộ bao nhiêu thì những gì trong Kinh Thánh lại càng xác thực. Vì các bộ môn khoa học như khoa khảo cổ, khoa lịch sử chẳng hạn, đã rọi nhiều ánh sáng vào việc tìm hiểu Kinh Thánh.
Khoa học vật lý hiện đại chủ yếu là phân tích, mổ xẻ, tách rời vật chất cho đến tận các yếu tố tạo nên vật chất, là những thành phần nhỏ bé nhất, nghĩa là đến tận nguyên tử là điều người xưa cho là không thể nào phân tích được nữa. Nhưng khoa học đã đi xa hơn nữa và chứng mình rằng chính nguyên tử cũng đã là một thế giới riêng, có thể so sánh như một hệ mặt trời thu nhỏ. Tại đó những hạt điện tử, những electron đều xoay quanh một cái nhân, trong đó có những phân tử điện khác gọi là hạt năng lượng, đó là proton và neutron. Chưa kể đến những sức mạnh không thấy được trong các hạt này, nhưng không ai dám chối cãi là không có. Khôngnhững thế người ta còn khám phá ra những hạt năng lượng khác như hạt meson, neutrino, những hạt ánh sáng v.v. tất cả những hạt này mắt không thấy được nhưng biết được hoạt động của chúng. Cho đến nay người ta phải suy nghĩ khi đọc những câu như: Bởi đức tin, chúng ta biết rằng vũ trụ được sáng tạo bởi Lời Thượng đế, và nguồn gốc của vạn vật không phải là những vật hữu hình.(He 11:3 BDY)
Sự có mặt của các hạt nhân năng lượng này đã giúp cho con người giải thích được một số những hiện tượng như phóng xạ, sự phân hạch, sự biến dịch, các phản ứng nhiệt hạch tâm v.v. và chứng tỏ rằng chung quanh chúng ta toàn năng lượng. Năng lượng có trước vật chất, vì năng lượng là bản chất của vật chất. Điều này phù hợp với chương đầu của Sáng Thế ký. Vì đọc chương này người ta thấy rằng ánh sáng được tạo nên trước mặt trời và mặt trăng cũng như các vì sao. Ánh sáng chỉ là những hạt proton mà thôi.
Một nhà vật lý lỗi lạc đã nói rằng: Chúng ta cần biết rằng hướng đi của khoa học là tiến về chỗ giản dị, chỗ đồng nhất. Khoa học đi tìm sự thật, vì vậy tính cách cao quý của khoa học là tính trung trực. Trong chỗ xa lạ, bất ngờ, trong cảnh hỗn độn của các hiện tượng, tìm ra sự thật, tìm ra cái đồng nhất. Bước tiến quan trọng nhất của khoa học là đến được chỗ tìm ra sự đồng nhất của vạn vật.
Một nhà sinh học nhân đó nói rằng: Vì Đấng Tạo Hóa là một, khi khoa học đi tìm cái đồng nhất trong vũ trụ tức là tìm về nguồn cội, nguồn cội đó chính là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa.
Khoa học và Kinh Thánh không mâu thuẫn. Chỉ có những ai chưa hiểu khoa học tường tận, và chưa thông lãm Kinh Thánh mới thấy có tương phản hay chống đối. Khoa học ở mức độ cao, và sự uyên bác về Kinh Thánh phù hợp nhau ở nhiều điểm.
Mục đích của khoa học và Kinh Thánh khác nhau. Khoa học đi tìm cách giải thích các hiện tượng trong vũ trụ. Kinh Thánh đưa ta đến Tạo Hóa, Đấng sáng tạo các hiện tượng đó. Nếu nhà khoa học ý thức rằng, nguyên nhân của vũ trụ quy về một mối, và người học Kinh Thánh hiểu rằng khoa học là phương tiện để chứng minh Tạo hóa hiện hữu, thì hai bên còn giúp nhau nữa là khác.
Là người tin Chúa, chúng ta cần nhớ rằng Chúa chúng ta là Đấng sáng tạo nên vũ trụ này. Chúng ta được sinh thành trong vũ trụ, là sinh vật duy nhất biết được Đấng sáng tạo, đó cũng là một đặc ân. Mỗi ngày sống của chúng ta là một đặc ân. Khoa học không làm hại cho lòng tin của chúng ta, mà trái lại khoa học lại giúp cho mỗi ngày ta sống được dễ dàng hơn, thêm phương tiện để ta biết quyền năng siêu việt của Chúa một cách có hệ thống chứ không mê tín dị đoan.
Ta cần đọc Kinh Thánh theo phương pháp khoa học, nghĩa là: quan sát, nhận xét, giải thích, tìm ra quy luật và áp dụng. Đây là cách nhanh nhất để thu nhận tri thức về Chúa. Đây chính là một cách áp dụng khoa học vào niềm tin.
Trong khi đó làm công việc nghiên cứu khoa học nhưng luôn luôn tin rằng tất cả đều do từ một nguồn gốc phát nguyên, thì việc nghiên cứu sẽ lý thú hơn, vì đó là mức độ hiểu biết cao nhất trong khoa học.
Phần phụ lục
Trong phần này chúng tôi sẽ giải thích một số sự việc trong Kinh Thánh mà người đọc có thể vội cho là phản khoa học.
Gios 10:12,13 (xin mở Kinh Thánh ra đọc)
Chúng ta có bốn phương cách giải thích vấn đề này. Các cách giải thích này phụ thuộc vào hai nhận định. Một là, ngôn ngữ dùng để tả vẽ sự việc mặt trời ngừng lại là loại thi văn hay là mô tả sự thực? Hai là, Giô-suê lúc ấy xin cho được thêm ánh sáng mặt trời hay là bớt ánh sáng mặt trời đi?
1. Cách giải thích thứ nhất cho rằng câu mô tả lệnh của tướng Giô-suê truyền cho mặt trời và mặt trăng là ngôn ngữ của thi ca. Người thời xưa thường có lối gọi mây, gọi gió, gọi trăng sao. Như trường hợp nữ tiên tri Đê-bô-ra cùng với tướng Ba-rắc hát bài ca cầu cho các ngôi sao đánh bại tướng Si-sê-ra. Nhà tiên tri Giô-ên cũng dùng ngôn ngữ thi ca. Tiếng kêu cứu của tướng Giô-suê trong cuộc chiến với người A-mo là tiếng kêu cứu giúp và tăng cường sức mạnh. Tiếng kêu này được đáp lời bằng sức mạnh mới trong quân lính, họ hăng say chiến đấu đến nỗi chỉ nửa ngày mà coi bằng nguyên một ngày khi trước. Đối với họ ngày hôm ấy như dài thêm.
Nhưng cách giải thích này không ổn cho lắm là vì không phù hợp với mạch văn. Vì lúc ấy Giô-suê thực sự cần thêm thời gian để chiến đấu, nếu ngày dài được thêm thì chiến thắng mới toàn vẹn.
2. Nếu ta chấp nhận phép lạ về việc ngày được kéo dài thêm và như vậy là công nhận Chúa đã thực sự ngưng mặt trời, mặt trăng và trái đất lại. Người ta chống đối lập luận này rất mạnh, nhất là kể từ khi kiến thức về khoa vật lý và thiên văn phát triển. Vì một sự xáo trộn liên quan đến mặt trời, mặt trăng và trái đất sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng trầm trọng. Đối với người công nhận quyền năng siêu việt của Chúa thì việc ấy Chúa cũng làm được. Nhưng có người cho rằng câu chuyện ghi lại có vẻ như không đề cập đến như một phép lạ vĩ đại.
3. Một lý luận thứ ba cho rằng Giô-suê thật sự cần thêm ánh sáng ban ngày để thanh toán quân địch, mặt trời và mặt trăng vẫn vận chuyển đều, nhưng qua một phép lạ về ánh sáng khúc xạ, hay một ảo giác siêu nhiên, mặt trời và mặt trăng được coi như không ở đúng chỗ của nó. Như vậy là câu chuyện mang tính chất siêu nhiên. Vì thật ra các nhà khoa học cho biết rằng, mặt trời khi hoàn toàn lặn, vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng trong bốn giây nhờ ánh sáng khúc xạ. Hiện tượng ảo ảnh cũng vẫn xẩy ra trong tự nhiên, và có thể trường hợp Giô-suê là một.
Ngoài ra, trong các truyền thuyết của các dân tộc Ai-cập, Hindu và Trung-hoa người ta có đề cập đến một ngày dài trong lịch sử. Trong thiên văn học, người ta nhận thấy rằng từ trước tới nay có một ngày hoàn toàn bị mất hẳn, và đó có thể là ngày dài trong thời Giô-suê.
4. Giải thích thứ tư cho rằng tướng Giô-suê trong lúc chiến tranh đã không xin thêm thời gian, mà chỉ xin cho bớt cơn nóng nực trong ngày. Giô-suê không xin mặt trời dừng lại mà chỉ xin mặt trời đừng rọi ánh nắng chói chan nữa. Đáp lại lời xin của Giô-suê, có lẽ Chúa đã đưa một cơn mưa đá xuống để vừa làm cho quân bên Giô-suê bớt nóng nực lại khiến quân thù hoảng sợ. Nhờ vậy mà quân đội của Giô-suê đi có nửa ngày và vượt qua một đoạn đường thường phải đi trọn một ngày mới hết. Như thế có nghĩa là ban ngày không kéo dài, nhưng ánh nắng ngưng chiếu để cho quân sĩ được mát mẻ, tấn công mạnh hơn. Cũng có thể hiểu là suốt ngày hôm ấy mây bao phủ và ánh nắng gay gắt không chiếu xuống. Dân Chúa vẫn kinh nghiệm trụ mây che nắng trong hành trình sa mạc.
Như thế vấn đề Ngày dài của Giô-suê có thể hiểu là:
Hoặc là ngôn ngữ mô tả mang tính cách thi ca, và phép lạ là sức mạnh thể chất của quân đội Giô-suê được tăng cường.
Hoặc có một hiện tượng khúc xạ ánh sáng siêu nhiên thành ra những tia mặt trời còn lưu lại lâu hơn thường nhật, làm cho quân lính có thêm thời gian đánh giặc.
Hoặc là có một cơn bão siêu nhiên làm cho quân lính thoát khỏi ánh nắng gay gắt.
Các điều giải thích trên đây có thể đúng hay sai, nhưng thực sự là Giô-suê đã chiến thắng vì được một sự cứu giúp siêu nhiên, đây là điều không ai chối cãi được vì là tài liệu lịch sử.
Sự việc này được ghi trong các phân đọan Kinh Thánh sau đây: Es 38:1-7 và IIVua 20:1-11 (Xin mở ra đọc).
Giải thích việc này cũng tương tự như giải thích ngày dài của Giô-suê.
Trước tiên ta phải hình dung ra ‘bàn trắc ảnh’ ấy như thế nào.
Bàn trắc ảnh có thể là một nửa hình cầu lõm vào, trên mặt có chăng những đường giây để khi ánh nắng chiếu qua thì bóng các giây này chiếu xuống trên mặt lõm để chỉ giờ trong ngày.
Hoặc là một cái cột chung quanh có những bực thềm. Bóng của cột này sẽ dọi trên các bực thềm ấy và như vậy cho người ta biết giờ trong ngày.
Thứ ba là một dãy những bực thềm xây theo hướng đông-tây. Khi mặt trời mọc và chuyển từ đông sang tây thì bóng dọi trên các bực thềm này và tuỳ theo độ dài ngắn của bóng mà biết được giờ trong ngày.
Người ta giải thích sự việc theo nhiều cách, tuy nhiên các học giả cho rằng việc này không có liên hệ gì đến thiên văn tức là vị trí của mặt trời, nhưng Chúa đã làm một phép lạ cho ánh nắng chiếu trên các bực thêm 10 độ để bảo cho Ê-xê-chia biết là ông ta được sống thêm 15 năm nữa.
Một lần nữa chúng ta thấy Chúa có thể làm bất cứ phép lạ nào Ngài muốn, nhưng điều khó là giải thích sao cho hợp lý. Người đọc Kinh Thánh phải tin rằng những sự việc ghi lại trong Kinh Thánh là chính xác. Khó khăn là chúng ta có chịu nhận đó là những việc siêu nhiên Chúa thực hiện hay là chúng ta cố giải thích theo khoa học. Giải thích một hiện tượng trong Kinh Thánh không dễ, nếu người giải thích không có lòng tin nơi Chúa.
Chúng ta biết chắc một điều, Chúa luôn luôn dùng mọi trường hợp để bày tỏ quyền năng của Ngài. Nhiều khi chúng ta không giải thích được, nhưng nếu chúng ta tin thì có thể chấp nhận mà không nghi ngờ.
Mở đầu Ma-thi-ơ chương 2 có ghi câu chuyện về các nhà chiêm tinh (bác học) đi tìm Hài Nhi Giê-xu.
Chúng ta sẽ không bàn đến các chi tiết liên quan tới các nhà chiêm tinh, cũng như ý nghĩa của ngôi sao mà họ nhìn thấy. Chúng ta chỉ xét về mặt thiên văn của ngôi sao này.
Trước tiên ta hãy ghi lại những điều Ma-thi-ơ mô tả về ngôi sao:
1. Các nhà thông thái trông thấy ngôi sao này bên đông phương. Các vị này gọi ngôi sao ấy là ngôi sao của vua.
2. Vua Hê-rốt mời các nhà thông thái đến để hỏi về ngày giờ mà ngôi sao ấy xuất hiện, như vậy không phải là một hiện tượng thông thường mà có lẽ chỉ xẩy ra một lần.
3. Ngôi sao này biến đi rồi lại hiện ra. Ngôi sao cũng đi trước đến chỗ Chúa trọ thì dừng lại.
4. Các nhà thông thái gặp lại được ngôi sao thì rất mừng.
5. Nhờ ngôi sao dẫn đường mà các vị này đến đúng nơi Chúa đang trọ.
Những người không tin vào thần ứng của Kinh Thánh có thể cho rằng đây là câu chuyện mở đầu cho một huyền thoại, vì việc các nhà thông thái đi tìm Chúa cũng là chuyện thường tình, còn ngôi sao chắc là người ta thêu dệt thêm cho câu chuyện thêm ly kì.
Một nhà nghiên cứu về trung đông cho biết rằng cách mô tả ngôi sao trong câu chuyện này không phải cách mô tả sao thông thường của người Do-thái, mà là của người Akkadi thuộc về nước Ba-by-lôn ngày xưa. Khi nói rằng ‘sao hiện ra’ tức là chỉ về cách sao mọc. Ngôi sao đi trước các nhà thông thái là cách người ta ngắm sao ban đêm, và khi sao ngừng lại là lúc sao đến một điểm trong mùa mà sao ngừng, có khi đến bốn ngày không đổi vị trí. Thật ra đó là cách vận chuyển của trái đất đối với ngôi sao.
Chúng ta cần xác định là sẽ coi ngôi sao Bết-lê-hem là một hiện tượng thiên văn hoàn toàn, hay là một thiên thể đặc biệt được sáng tạo trong lúc ấy.
Những người chủ trương sao Bết-lê-hem là một hiện tượng thiên văn cho rằng đó có thể là một sao chổi, một siêu sao mới, hay một cuộc gặp gỡ của các hành tinh gây ra. Tuy nhiên đây không phải là một sao chổi, vì nếu là sao chổi thì phải có nhiều người quan sát và lưu tâm. Còn siêu sao mới hay Nova thì vào thời điểm ấy có thể là sao Cassipeiae, nhưng đây là một ngôi sao thuộc về vùng phía bắc của bầu trời, và như thế là xuất hiện phía sau lưng các nhà thông thái.
Nổi danh hơn cả là thuyết của nhà thiên văn Kepler. Ông cho rằng đây là sự gặp gỡ giữa sao Mộc và sao Thổ trong vùng Pisces năm thứ bẩy trước Công nguyên. Theo Kepler thì sao Mộc và sao Thổ đi ngang qua nhau ba lần, đến thật gần nhau và có thể nhìn thấy rõ trên bầu trời hằng mấy tháng. Hai hành tinh này gần nhau đến nỗi trông như một hành tinh vậy. Tuy nhiên khoa thiên văn cho hay rằng 59 năm trước đó hai hành tinh này cũng đã quyện vào nhau như thế mà không thấy có hiện tượng nhà thiên văn làm gì cả.
Một nhà nghiên cứu nổi danh tên là William Notz cho rằng các nhà thông thái thời ấy là các chiêm tinh gia. Mỗi khi có sao xuất hiện thì họ tin có đế vương ra đời. Đối các thiên văn gia Do-thái thì vùng trời sao Pisces của nước Do-thái với sự gặp gỡ của hai hành tinh Thổ và Mộc có nghĩa là Đấng Mê-si-a ra đời. Các chiêm tinh gia cũng vì điểm này mà tìm đến Do-thái để bái kiến tân vương.
Một nhà nghiên cứu khác là Maunder cho rằng ngôi sao Bết-lê-hem là một Nova vào buổi chiều tối thường xuất hiện ở phía tây và có lẽ đã đưa các nhà chiêm tinh đến Do-thái. Nova di chuyển về phía tây, nên lúc mặt trời mọc thì biến mất, vì ánh sáng mặt trời. Các nhà chiêm tinh phải chờ đợi cho đến khi sao tái xuất hiện. Muốn thấy lại ngôi sao này người ta phải nhìn vào mặt nước yên lặng trong giếng sâu. Có lẽ các vị này đã tìm thấy lại ngôi sao đó khi đến một giếng múc nước uống, và họ mừng rỡ tìm đến nơi Chúa trọ.
Tuy nhiên nếu căn cứ vào lời mô tả của Ma-thi-ơ thì chúng ta thấy khó giải thích làm sao có hiện tượng thiên văn gần đến nỗi dừng lại được ngay trên ngôi nhà mà Chúa trọ. Thứ nhất, nếu có hiện tượng này, chắc chắn người ta phải ghi lại. Thứ hai, một ngôi sao đến gần mặt đất như vậy chắc chắn sẽ gây cháy lớn chứ không thể không có gì xẩy ra.
Cách giải thích hợp lý nhất có thể là:
Ngôi sao Bết-lê-hem là một hiện tượng sáng đặc biệt, chỉ có một nhiệm vụ là hướng dẫn các nhà chiêm tin đến gặp ấu Chúa. Hơn nữa hiện tượng sáng này chỉ các nhà chiêm tinh này nhìn thấy chứ không ai khác thấy.
Ma-thi-ơ thuật lại câu chuyện mà không phê bình. Có lẽ ông đã được bà Ma-ri là mẹ phần xác của Chúa kể lại theo lời các chiêm tinh gia. Các vị này không thuộc về dân Chúa nên đã có thói tục chiêm tinh và giải đóan, dân Chúa hoàn toàn bị cấm làm việc này.
Mặc khải Chúa dành cho các nhà chiêm tinh ngoài Do-thái là một sự kiện đặc thù vì thế khó giải thích. Mặc khải đó Ma-thi-ơ chỉ ghi lại theo lời kể của Ma-ri và câu chuyện của các chiêm tinh gia ngoại giáo. Bằng cớ là vua Hê-rốt cũng như cả thành Giê-ru-sa-lem thời đó không ai trông thấy hiện tượng sao này. Đây là một trong những trường hợp mặc khải riêng biệt mà chỉ có những người nhận mặc khải mới biết mà thôi.
Người tin Chúa gặp một trở ngại khi đọc Kinh Thánh là có cảm tưởng như Kinh Thánh quá lỗi thời, nhất là khi đề cập đến các hiện tượng trong thiên nhiên. Phần này chúng ta bàn về một điểm quan trọng là ngôn ngữ của Kinh Thánh.
Trước tiên, ta phải nhận rằng, khoa học trải qua mấy thế kỷ đã được hướng dẫn bởi tính chất thực dụng, hợp luận lý, phân tích tỉ mỉ, chính xác, đã có một loại ngôn ngữ đặc biệt. Trong khi đó thì ngôn ngữ của Kinh Thánh là của vùng Palestine và Hi-lạp cổ xưa. Muốn tìm tương quan giữa hai ngôn ngữ này cần phải hiểu thấu đáo từng ngôn ngữ.
Khi nhà khoa học dùng những từ như: nguyên tử, định luật, quy ước, hay không gian mặt cong chẳng hạn, chúng ta phải biết rõ nguyên cả một hệ thống lý luận về khoa học thì mới có thể hiểu chính xác những từ này có nghĩa gì.
Thí dụ như nguyên tử đã có một lịch sử khá dài, và quan niệm về nguyên từ đã thay đổi nhiều từ thời Newton cho đến de Broglie. Đối với triết gia, khi thấy chữ nguyên tử, muốn tìm xem người viết đã dùng theo nghĩa nào. Triết gia khoa học cũng biết rằng không có cách gì nhìn thấy được một nguyên tử, vì nguyên tử quá nhỏ, mắt ta không thể nào thấy nổi. Hơn nữa hiểu biết phổ thông về từ nguyên tử cũng khác với cách hiểu trong vật lý.
Nếu muốn hiểu những từ khoa học, người ta phải đào sâu, và phải đọc rất nhiều sách khoa học thì mới mong nắm được những gì người viết muốn nói. Đối với ngôn ngữ của Kinh Thánh cũng vậy, người đọc phải đào sâu và tìm tòi nghiêm túc.
Về ngôn ngữ Kinh Thánh ta có thể lưu ý đến các điểm sau đây:
1. Ngôn ngữ dân gian. Khi đề cập đến các vấn đề tự nhiên, Kinh Thánh dùng ngôn ngữ của dân gian chứ không phải của khoa học. Ngôn ngữ dân gian là ngôn ngữ người ta trao trổi hằng ngày. Ngôn ngữ này thường dùng nơi phố chợ hay những nơi tụ họp công cộng. Trong khi đó ngôn ngữ khoa học là một loại đặc ngữ phát triển qua lịch sử của khoa học, để những người trong ngành có thể trao đổi với nhau, để hiểu nhau chính xác, tiện lợi và ngắn gọn. Hai ngôn ngữ có các mục đích khá nhau.
Nhà khoa học khi viết những bài khảo luận, đã dùng một loại ngôn ngữ riêng để truyền đạt ý nghĩ của mình. Nhưng khi nói chuyện với người hàng xóm, hay đi đến nơi công cộng, ông ta lại dùng ngôn ngữ dân gian chứ không dùng ngôn ngữ khoa học.
Kinh Thánh là cuốn sách của mọi người trong mọi thời đại, chính vì thế mà ngôn ngữ dân gian được sử dụng. Cũng có đôi lần Kinh Thánh dùng các từ chuyên môn như khi mô tả về thuốc men, về thuyền bè hay về xây dựng, nhưng hầu hết từ ngữ của Kinh Thánh khi mô tả tự nhiên đều là tiếng nói dân gian. Vì vậy nếu ai đi tìm chữ nghĩa khoa học trong Kinh Thánh sẽ không bao giờ gặp. Cũng không nên lấy những câu khó hiểu trong Kinh Thánh mà gán cho các câu ấy mang ý nghĩa khoa học nào đó. Vì làm như thế là không đúng. Một bài viết cho dân gian không thể nào có ngôn ngữ khoa học được. Hơn nữa làm như thế là cố gán ép cho Kinh Thánh những lời mà Kinh Thánh không chủ ý bàn đến.
2. Ngôn ngữ của Kinh Thánh mang tính cách hiện tượng. Nghĩa là ngôn ngữ mô tả sự vật mà ta thấy trước mắt. Ngôn ngữ Kinh Thánh ngoài tính chất dân gian, còn diễn tả đúng những gì mắt thấy tai nghe. Thí dụ như: bốn góc đất. Đây là loại ngôn ngữ dân gian cũng như nói: Từ bốn phương trời, chân trời góc bể v.v đều là tiếng nói dân gian mô tả hiện tượng mắt thấy tai nghe, không phản khoa học gì cả. Như Sáng Thế Ký nói đến trời, đất, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Không nói đến các thiên thể, tinh vân, sao chổi hay các hành tinh, vì lối nói trong Sáng Thế Ký là mô tả hiện tượng thấy trước mắt. Nghĩa là nhìn lên trời thì thấy ngay những thiên thể này. Về sinh học và thực vật học cũng vậy. Sáng Thế Ký chỉ nói đến cá, chim, gia súc, cây cỏ và cây trái. Không phân biệt loài có vú hay loài bò sát.
3. Ngôn ngữ của Kinh Thánh không lý thuyết hóa tự nhiên. Nghĩa là loại ngôn ngữ không mang tính giải thích một điều nào trong tự nhiên. Người viết Kinh Thánh không đi xa hơn những gì người ấy thấy và tả vẽ ra được.
4. Ngôn ngữ của Kinh Thánh dùng văn hóa của thời đại mà Kinh Thánh được viết ra như một phương tiện để mặc khải. Đây là một trong những điểm quan trọng nhất về ngôn ngữ của Kinh Thánh. Các câu hỏi người đọc Kinh Thánh hay đặt ra là: Kinh Thánh có dùng ngôn ngữ khoa học hay ngôn ngữ của những nền văn hóa cổ xưa? Kinh Thánh có trình bày chân lý bằng những từ ngữ đích thực khi mô ta các hiện tượng khoa học hay là Kinh Thánh nói về chân lý thần học qua kiểu cách của các nền văn hóa cổ xưa?
Tới đây phải nói ngay là có hai lập trường sai lạc về Kinh Thánh:
a. Lập trường sai lạc thứ nhất cho rằng Kinh Thánh đầy dẫy những sai lạc và lỗi lầm của các nền văn hóa xưa, như vậy, xét về khoa học, Kinh Thánh có nhiều điểm phản khoa học.
b. Lập trường sai lạc thứ hai cho rằng Kinh Thánh có đề cập đến các vấn đề liên quan đến khoa học hiện đại.
Lập trường thứ nhất sai lầm hẳn là vì Kinh Thánh đã được thần ứng mà viết ra, Thánh Linh không khi nào để cho người viết ghi lại điều gì sai lạc, dù là thời đại của người viết có những quan điểm sai lạc chăng nữa.
Lập trường thứ hai sai lầm là vì gán cho Kinh Thánh những điều mà Kinh Thánh không bàn đến.
Đặc điểm của Kinh Thánh là đến với người đọc trong ngôn ngữ của dân gian, dùng những ý niệm và biểu tượng mà mọi người đều quen thuộc.
Ngôn ngữ và văn hóa không thể nào tách rời. Nếu Đức Chúa Trời khải thị qua các ngôn ngữ Hê-bơ-rơ và Hi-lạp, thì Ngài cũng sử dụng văn hóa của các ngôn ngữ đó.
A. Ngôn ngữ về thời gian. Kinh Thánh dùng ngôn ngữ chỉ thời gian thông thường trong văn hóa thời đại người viết, chứ không dùng ngôn ngữ khoa học. Mỗi ngày được đánh dấu bằng sáng và tối; những kỳ trăng dùng để ghi tháng, những chu kỳ mùa và chuyển động của sao chi dấu năm. Ngày được chia làm nhiều canh hay giờ. Đối với đời sống thường, các đơn vị tính thời gian như thế là đầy đủ. Những đơn vị tinh vi hơn như chúng ta sử dụng ngày nay, họ không cần đến. Người thời ấy phải sửa lại lịch luôn luôn, vì vận chuyển của trái đất quanh mặt trời không đều, họ không có phương cách nào đo khoảng cách biệt ấy. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là cách tính thời gian trong Kinh Thánh là sai. Cách tính đó chỉ là cách tính của dân gian.
B. Các từ về tâm lý trong Kinh Thánh là các từ mà văn hóa cổ truyền vẫn dùng chứ không phải các từ thuần khoa học tâm lý. Kinh Thánh dùng những từ như tim, gan, xương, lòng, thận để nói đến chức năng tâm lý của các cơ phận này. Thật ra cách nói như vậy trong thời đại chúng ta vẫn còn dùng. Chúng ta vẫn nói: tim gan héo hắt, con tim khô cứng, tấm lòng nóng cháy v.v. Các từ về tâm lý trong Kinh Thánh không phản khoa học mà lại rất hợp với lối suy tư và diễn tả của mọi người.
C. Các từ về y học trong Kinh Thánh nhất là trong Lu-ca và Công vụ các Sứ đồ là do bác sĩ Lu-ca ghi chép, nên rất gần với ngôn ngữ y khoa hiện đại. Các từ ấy là ngôn ngữ của những y sĩ đương thời khi Lu-ca viết các sách này chứ không phải ngôn ngữ khoa học. Vì vậy không thể nào nói rằng Kinh Thánh có dùng các từ y học thời đại mới, như vậy là Kinh Thánh được thần ứng về khoa học.
D. Ngôn ngữ toán học và đo lường của Kinh Thánh là loại ngôn ngữ trước thời đại khoa học,và không phải là cách đếm và đo lường theo khoa học hiện đại.
Thí dụ như: ba có nghĩa là vài.
Số 7, số 10 và 100 tiêu biểu cho đầy đủ, toàn vẹn.
10 có nghĩa là một số
40 tượng trưng cho nhiều.
7 và 70 có nghĩa là lớn, nhưng không xác định số.
Những số tròn thường để chỉ con số chính xác.
Ta cũng nên lưu ý là nền văn hóa chuyển từ dân tộc Do-thái trong Cựu ước sang dân tộc Hi-lạp và La-mã trong thời Tân Ước nên các hệ thống đo lường cũng đổi theo. Chắc chẳng có ai lại thắc mắc là hệ thống đo lường nào là thần ứng và chính xác. Nếu chúng ta tin rằng chân lý của Thượng Đế được mặc khải qua các phương tiện văn hóa, thì chúng ta thấy rằng thắc mắc như vừa kể trở thành vô nghĩa. Các đơn vị đo lường trong Kinh Thánh là phản ánh cuộc sống thật của các nền văn hóa liên hệ.
Nói tóm lại, ngôn ngữ của Kinh Thánh khi đề cập đến tự nhiên là loại ngôn ngữ của dân gian, tiền khoa học và không hoàn toàn chính xác theo khoa học. Từ đó chúng ta rút ra các hệ luận sau đây:
1. Vì ngôn ngữ của Kinh Thánh là ngôn ngữ của dân gian, không hoàn toàn chính xác theo khoa học, nên Kinh Thánh đã truyền đạt mặc khải của Chúa. Vì nếu viết bằng ngôn ngữ khoa học hiện đại thì thử hỏi có mấy ai đọc và hiểu được? Người nào khước từ Kinh Thánh vì cho rằng Kinh Thánh không phù hợp với khoa học hiện đại, thì người ấy chưa biết mình đòi hỏi cái gì. Đặc điểm của Kinh Thánh là hiểu được và có ý nghĩa. Đó cũng là điểm giúp cho người ở mọi thời đại biết được mặc khải của Chúa và tin nhận Ngài.
2. Mặc dù Kinh Thánh không dùng ngôn ngữ khoa học, nhưng không hề dùng ngôn ngữ phản khoa học. Ngôn ngữ của Kinh Thánh là ngôn ngữ trước khi có khoa học. Như người xưa nói: mặt trời mọc, mặt trời lặn. Ngày nay ta vẫn nói như thế, mặc dù không đúng khoa học, nhưng đó là lối nhìn của dân gian. Đã hẳn rằng trái đất xoay quanh mặt trời, nhưng khi nói mặt trời mọc và lặn, chúng ta không phản khoa học, vì chỉ nói theo cách của dân gian mà thôi.
3. Vì Kinh Thánh sử dụng các từ trước thời đại khoa học nên Kinh Thánh là của mọi người ở mọi giai đoạn tiến bộ của nhân loại. Bằng chứng là qua bao nhiêu nền văn minh, Kinh Thánh vẫn không bị coi là lỗi thời, là sách cổ, mà vẫn có đông người đọc.
Người ta bảo có ba cách trình bầy chân lý: Cách thứ nhất là dùng triết học, cách thứ hai là dùng thi văn và cách thứ ba là dùng khoa học. Trong ba cách này, chỉ có thi văn là đụng ngay vào tâm hồn người. Kinh Thánh đã dùng thi văn là cách thứ hai. Chúa đã dùng nhiều nhà thơ để truyền đạt tư tưởng và ý định của Ngài. Chúa thường dạy các sứ giả của Ngài, tức là các nhà tiên tri, phải dùng cách nói êm dịu, cách nói đó là cách làm thơ, và viết văn.
Người ta bảo người Trung Hoa cổ đại không bao giờ cười và người Nhật bản không bao giờ khóc, nghĩa là nói chung, tâm hồn Á đông khép rất kín. Chỉ có thi ca mới len lỏi vào tâm hồn Á đông được mà thôi. Chúa Giê-xu vào đời không phải một triết gia, cũng không phải là một nhà khoa học, nhưng có thể nói Chúa là một nhà thơ, nghĩa là Ngài sử dụng loại ngôn ngữ của thi ca và nói thẳng vào tâm hồn người. Chính vì vậy mà lời Chúa tác động trong mọi thời đại và thay đổi lòng người.
Lập trường đúng nhất là tin rằng mặc khải của Đức Chúa Trời được trình bày qua ngôn ngữ của Kinh Thánh và trong nền văn hóa của các ngôn ngữ đó.
Điểm huyền diệu của Kinh Thánh là mặc dù dùng ngôn ngữ của các nền văn hóa cổ xưa, nhưng Kinh Thánh không hề sử dụng tính các kỳ quặc, huyền bí và nông cạn của thời xưa.
Câu hỏi đầu tiên đặt ra với khoa học kỹ thuật là:
Đối tượng của khoa học là gì? Giới hạn và tương quan của nó?
Trước tiên, khoa học là sự giải thích thế giới này. Khoa học phân tích những hiện tượng, tìm ra nguyên nhân của các hiện tượng, kết quả là đưa ra ánh sáng lý do trực tiếp, gần nhất của các hiện tượng trong thiên nhiên. Khoa học còn thiết lập và đo lường sự tương quan giữa nguyên nhân và kết quả, như vậy là tìm ra định luật tác động trên hiện tượng, là vén lên bức màn bí mật về cơ chế, về diễn tiến, và nói tóm lại là cách hiện tượng hoạt động hay gây ảnh hưởng. Khoa học cung cấp cho ta một ý niệm rất chính yếu, đó là trật tự và sự hài hòa hiện diện trong vũ trụ này.
Tuy nhiên trong tiến triển của khoa học cũng như trong tri thức mà khoa học đem lại, khoa học vẫn có những giới hạn:
a. Nhà sinh học Claude Bernard khi nói về các hiện tượng sinh học, đã phát biểu rằng, có hai loại nguyên nhân:
Nguyên nhân đầu tiên, sáng tạo, ấn định các định luật điều khiển tất cả mà hiểu biết của con người chúng ta không sao thấu hiểu được.
Thứ hai là một loại nguyên nhân trực tiếp hay nguyên nhân thực hiện, thuộc tính chất vật lý hóa học, tức là nguyên nhân duy nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của người làm thí nghiệm. Nhưng bên kia của tất cả các nguyên nhân đầu tiên và thứ hai, và nguyên gốc của các nguyên nhân này, hiển nhiên là phải có một nguyên nhân khởi đầu, cao cả tuyệt vời.
b. Các giới hạn của khoa học còn ở chỗ là định luật mà khoa học đưa ra ánh sáng, thật ra mang tính chất tương đối và phỏng đoán. Điều này quá hiển nhiên trong các khoa học chính xác như vật lý, mà lại còn hiển nhiên hơn trong khoa sinh học nữa. Jean Rostand đã nói rằng: sinh học chắc chắn là một khoa học kém tính chất toán học nhất và chắc chắn là ít tính toán gì được.
Khoa học với các giới hạn và lệ thuộc của nó hoàn toàn phù hợp với Kinh Thánh. Vì Kinh Thánh lúc nào cũng đề cập đến vài trò của con người là quan sát công việc của tay Đấng Tạo Hóa và tìm ra các định luật.
Trong lời tựa của cuốn Systema Naturae, nhà tự nhiên học nổi danh người Thuỵ điển, Charles Linne đã nhận xét rằng công việc đặt tên cho sinh vật của nhà tự nhiên học là một công việc tiếp nối đã được chính A-đam là ông tổ của nhân loại, khởi đầu trong vườn Ê-đen, theo chỉ thị của Chúa. Nhà vật lý Edouard Branly, cha đẻ của ngành vô tuyến điện báo đã nói một câu chí lý, đó là:
Khoa học là một nỗ lực tìm hiểu tạo vật,
Tôn giáo là một nỗ lực tìm hiểu Tạo Hóa.
Nhà địa chất Pierre Termier nói rằng:
Các khoa học là những nấc thang của cái thang huyền nhiệm để chúng ta trèo lên mà gặp thiên Chúa.
Khoa học không những chỉ giải thích thế giới, nhưng còn chinh phục thế giới nữa. Do các hiểu biết càng ngày càng nhiều về các hiện tượng, chúng ta có thể đi đến chỗ hành động trên hiện tượng đó, tái diễn hiện tượng đó dưới một hình thức lớn hơn hay nhỏ hơn, thay đổi hiện tượng đó, trục lợi hiện tượng đó. Khoa học lúc ấy trở thành kỹ thuật. Kỹ thuật trong tiếng Hi-lạp có nghĩa là nghệ thuật. Con người lúc ấy đang là người phát minh, trở thành người sáng tạo. Thế kỷ 21 là thế kỷ của những điều kỳ lạ và người ta dám bảo rằng có những phép lạ do khoa học đưa đến. Việc thám hiểm và chinh phục các hành tinh như mặt trăng và sao hỏa đang làm cho con người kiêu hãnh.
Khoa học vẫn tiếp tục tiến, tiến rất xa và nhanh chóng. Thời đại nguyên tử sang không gian, điện tử và tin học. Những tiến bộ đó vẫn để lại tận đằng sau xa xôi tình trạng đạo đức thấp kém. Internet ngày nay làm cho mọi người trên thế giới trao đổi dễ dàng và nhanh chóng, nhưng khoa học vẫn không làm sao cho những khoảng cách của tâm hồn những con người ngồi cạnh nhau thu ngắn lại được. Khoa học hiện đại còn giúp cho con người có những sức mạnh tiêu diệt nhau nhanh hơn và tàn nhẫn hơn. Nếu cần, người ta có thể làm nổ tung cả trái đất và hủy hoại toàn thể công trình trên đất nữa. Nhưng lời của Chúa quyền năng ghi trong Kinh Thánh từ nghìn xưa như sau:
Hỡi ngươi là kẻ ở trong vầng đá, trong nơi cao, ngươi nói trong lòng rằng: Ai có thể xô ta xuống đất? Sự kiêu ngạo của lòng ngươi đã lừa dối ngươi. Dẫu ngươi bay cao như chim ưng, dẫu ngươi lót ổ giữa các ngôi sao, ta cũng sẽ xô ngươi xuống khỏi đó. Đức Giê-hô-va phán vậy.(Gie 49:16).
Câu này đem áp dụng cho thời đại chúng ta thật đúng. Con người đã lên vũ trụ, vẫn còn thám hiểm và đặt nhiều kế hoạch chinh phục các hành tinh gần như sao hỏa. Dường như không biên cương nào mà con người không thể đến. Nhưng so với vũ trụ, con người vẫn nhỏ bé vô cùng, và bất cứ lúc nào Chúa ra lệnh, vẫn phải ứng hầu. Giới hạn của khoa học, kỹ thuật và khả năng của con người là như thế. Không khoa học nào thắng vượt được các giới hạn này.
Ta cần nhớ rằng, khoa học không phải sức vạn năng, và kỹ thuật không phải chiếc thang để con người trèo lên phản chống lại Đấng Tạo Hóa. Khoa học là lợi khí mà Chúa đặt trong tay con người với một nhiệm vụ là quan sát và làm chủ trái đất, vũ trụ. Kỹ thuật là những nấc thang để ta lên cao hơn, xuống sâu hơn trong vũ trụ để hiểu biết những công trình siêu việt của Tạo Hóa.
Chúng ta không khâm phục khoa học, hay tôn thờ khoa học. Vì khoa học chỉ là dụng cụ. Không ai lại tôn thờ dụng cụ bao giờ, cũng không ai thờ những con người cầm dụng cụ. Đấng đáng cho mọi người tôn thờ chính là Tạo Hóa,Thiên Chúa, Đức Chúa Trời, nguyên nhân đầu tiên của các nguyên nhân, khởi nguyên của tất cả.
Tôn thờ Chúa chính là điều khôn ngoan nhất của con người, vì như vậy là sử dụng ý chí chính xác. Sống trong quyền năng của Tạo Hóa không những con người có thể sử dụng được những dụng cụ, tức là khoa học, một cách thích đáng, mà còn được tái tạo để xứng đáng là một sinh vật khôn ngoan nhất, làm chủ vũ trụ này.
Nhiều người nhận xét vội vã cho rằng quan điểm của Kinh Thánh về tự nhiên giống hệt của các dân tộc sống trong thời đại của Kinh Thánh. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ, sẽ thấy rằng quan điểm của Kinh Thánh về tự nhiên là quan điểm mặc nhiên công nhận Thiên Chúa, Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo. Những nhà tư tưởng như Pascal, Kierkegaard khi viết về quan điểm của Kinh Thánh đối với tự nhiên, đã nhận thức rằng, đó là quan điểm hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, về Đức Chúa Trời chứ không phải là quan điểm của ngoại giáo. Người ta nêu lên bốn lý do tại sao Kinh Thánh mặc dù ra đời trong bối cảnh xã hội có những sai lầm về khoa học, nhưng không hề sai lạc:
1. Các tác giả người Do-thái không phải là các danh họa hay các nhà văn lỗi lạc, vì vậy họ đã nhìn thẳng vào thiên nhiên mà miêu tả. Họ cũng không trích dẫn các tác phẩm nghệ thuật hay văn chương, nhưng cứ thấy sao nói như vậy.
2. Các tác giả Do-thái cũng không lý thuyết hóa tự nhiên và đưa ra những giả thuyết về các hiện tượng thiên nhiên, vì họ tin rằng tất cả đều do Đấng Tạo Hóa thực hiện. Chính vì vậy mà họ không vấp phải các lầm lỗi như các nhà văn khác, hay một số lớn những lý thuyết về khoa học mà về sau bị coi là lỗi thời.
3. Các nhà văn Do-thái vì hoàn toàn tin tưởng ở một Đấng Chân Thần nên đã không vướng mắc vào các huyền thoại và mê tín thường hòa lẫn với các tôn giáo của các dân tộc hay thờ cúng các vật trong thiên nhiên. Đây là đặc điểm của Kinh Thánh. Vì huyền thoại về sinh vật và cây cỏ phối hợp với những chuyện mê tín dị đoan đã là đặc trưng của các dân tộc sống chung quanh người Do-thái, và cũng là đặc tính của người Hi-lạp và La-mã. Ngay nền văn hóa phương tây hiện đại vẫn còn phảng phất các đặc tính này. Kinh Thánh hoàn toàn không có các ảnh hưởng đa thần cũng như việc cúng thờ tà linh.
4. Người Do-thái coi tự nhiên là tạo vật của Thiên Chúa sáng tạo, nên không tôn thờ tạo vật, mà coi đó là công việc của bàn tay Tạo Hóa. Thiên nhiên như vậy là sự biểu hiện quyền năng của Thiên Chúa, và vì thế đáng chiêm nghiệm.
Những đặc điểm của Kinh Thánh khi mô tả tự nhiên:
1. Quan điểm của Kinh Thánh đối với thiên nhiên là quan điểm công nhận Thiên Chúa, Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo ra thiên nhiên. Đức Chúa Trời là Đấng đã sáng tạo nên trời và đất. Điều này được ghi lại thật rõ rệt trong toàn bộ Kinh Thánh. Đối với các tác giả Kinh Thánh thì vũ trụ bao la chung quanh chúng ta, từ vật vĩ đại cho đến những vi thể, từ những ngôi sao xa xôi cho đến những bông hoa nhỏ bé đều là công trình của Tạo Hóa trình bày trước mắt và trước tâm trí con người quyền năng, khôn ngoan và thánh thiện của Chúa. Thiên nhiên vì thế đã được tạo nên với các mục đích mà Thiên Chúa muốn đặt vào chúng.
2. Quan điểm của Kinh Thánh về thiên nhiên minh định rằng vũ trụ được Thiên Hựu duy trì. Thượng-đế không những chỉ duy trì trật tự của cõi vật chất nhưng còn chế ngự cõi tinh thần và tâm linh nữa. Thiên Hựu là việc làm của Chúa để đưa mọi sự việc đạt được mục đích mà Ngài đã ấn định cho chúng. Chúa luôn luôn duy trì, kiểm soát và chế ngự thiên nhiên để cho tất cả thực hiện đúng ý chỉ của Ngài.
3. Quan điểm của Kinh Thánh về thiên nhiên tuyệt đối cấm việc thờ phượng bất cứ một điều gì trong tạo vật. Điều này minh định trong mười điều luật mà lĩnh tụ Môi-se nhận từ nơi Chúa. Quan điểm này xác định rằng Chúa hoàn toàn khác biệt với tạo vật và không phải là một phần của tạo vật. Tạo vật không mang một tính chất thần linh nào cả vì vậy không được phép thờ tạo vật.
4. Kinh Thánh dạy rõ rằng tính chất đồng nhất của thiên nhiên là do Chúa ấn định và các định luật tự nhiên là do Ngài đặt ra. Quan niệm về trật tự, về sự đồng nhất trong tự nhiên là quan niệm của Kinh Thánh, nghĩa là có trước cả thời đại khoa học tiến bộ nữa. Ngay từ ban đầu, Kinh Thánh dạy rằng tất cả sinh vật, cây cỏ, súc vật, chim trời, cá biển và côn trùng đều sinh sản tuỳ theo loại. Đó là trật tự và định luật của Chúa. Mùa màng đã được điều hòa nhờ vận chuyển của trái đất và mặt trăng, điều này cũng được Kinh Thánh xác nhận.
5. Kinh Thánh coi tự nhiên chỉ là tạm thời. Kinh Thánh nói rõ rằng chính Đức Chúa Trời đã sáng tạo nên vũ trụ và đến một thời điểm Ngài sẽ chấm dứt vũ trụ. Kinh Thánh Tân Ước nói nhiều về ngày cuối cùng là khi trái đất bị hủy diệt để cho một trật tự mới xuất hiện.
6. Kinh Thánh coi tự nhiên là không hoàn hảo. Trái đất này đã bị nguyền rủa từ khi A-đam phạm tội và đất đai trở nên cằn cỗi. Thú dữ cũng làm hại con người kể từ khi ấy. Về một phương diện thì trái đất đã bị trừng phạt vì tội của con người. Ý niệm về một trời mới và đất mới được Kinh Thánh nói đến nhiều lần để minh chứng rằng trái đất đã bị hư hỏng, cần phải thay đổi, cũng như con người sống trên mặt đất phải trở thành một nhân loại mới.
Để kết luận ta có thể nói:
Nguồn gốc của thiên nhiên là Thiên Chúa. Tự nhiên phụ thuộc vào Chúa, từ khởi nguyên cho đến tính chất, hoạt động và mục đích. Thần linh của Chúa vận hành để tự nhiên được xuất hiện theo ý chỉ cao cả của Chúa.
Thiên nhiên không tự nhiên xuất hiện được nhưng đã được Chúa dự thảo kế hoạch, hình thể, chương trình và mục đích hẳn hoi. Thiên nhiên có thể là một ngọn cỏ, một ngôi sao hay một con người, đều được sáng tạo theo khuôn mẫu, kế hoạch của một Đấng khôn ngoan quyền uy. Khoa học càng nghiên cứu, càng đào sâu thì càng nhận thấy điều này là đúng.
Người tin Chúa nhìn vào thiên nhiên với lòng cảm phục Đấng đã sáng tạo nên thiên nhiên. Nhưng quan trọng hơn cả là nhìn vào chính bản thân. Từng sợi tóc, từng tế bào của con người đã được Chúa xếp đặt, và từng ý nghĩ, tư tưởng đã được nẩy sinh do từ kiến trúc huyền nhiệm của bộ óc. Nếu phủ nhận Chúa, con người sẽ mò mẫm trong bóng tối và muôn đời sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi này: Con người từ đâu mà ra? Sự sống từ đâu mà có?
Đặc điểm của thiên văn trong Kinh Thánh hoàn toàn khác với khoa thiên văn và chiêm tinh của các nước trong thời đại mà các tác giả Kinh Thánh viết Kinh Thánh. Lý do là vì các tác giả này tôn thờ Đức Chúa Trời là Thượng-đế còn các dân tộc chung quanh họ không tôn thờ.
Dân Chúa từ nghìn xưa đã để ý đến các tính chất vĩ đại, trật tự, không thay đổi và đẹp đẽ của các thiên thể.
Sự xuất hiện của mặt trời đều đặn mỗi ngày, sự diễn tiến của thời gian một ngày, tháng, năm và mùa đối với họ đều chứng tỏ rằng Thượng-đế thống trị các thiên thể theo những định luật của Ngài. Các định luật này có ảnh hưởng rất nhiều đến trái đất, chẳng hạn như sinh ra mùa màng.
Chúa từng hỏi ông Gióp: “Ngươi biết luật của các từng trời sao? Ngươi áp dụng chúng trên đất được chăng?” (Giop 38:33).
Người Hê-bơ-rơ đã sử dụng những từ rất đơn giản để mô tả các thiên thể. Ngôn ngữ thiên văn của Kinh Thánh không mang tính chất kỳ quái như các chuyện thần kỳ của các dân tộc cùng thời, như Babylon chẳng hạn. Vì các trong chuyện cổ tích của các dân tộc kể cả Trung-hoa và Việt-nam đều nói đến thiên thể theo tính chất huyền thoại và thần kỳ. Ngôn ngữ thiên văn của Kinh Thánh là cách mô tả của người quan sát thiên thể, thấy sao nói lên như vậy, và đó cũng là cách thức mô tả thiên văn đầu tiên.
Theo Kinh Thánh thì mục đích của các thiên thể là để phân biệt ngày đêm, dùng để định ngày, tháng, năm, mùa, thời tiết và cung cấp ánh sáng cho mặt đất. Trong khi đó đa số các dân tộc xưa đều cho các hiện tượng thiên văn là kỳ quái sẵn sàng mang tai họa đến cho con người. (Trong cổ sử Việt-nam ta mỗi khi có nhật thực hay nguyệt thực là vua phải lập đàn cúng để cứu mặt trăng.). Tác giả Kinh Thánh dạy rằng con dân Chúa không kinh hoàng trước những biến chuyển hay các dấu hiệu thiên văn. Các vụ nhật thực hay nguyệt thực có đề cập đến trong Gio 2:10,31 cũng như trong Khải-thị 6:12. Cả hai khúc này đều mô tả mặt trăng đỏ như máu.
Mặt trời và mặt trăng theo Kinh Thánh là để định ra mùa. Chữ Mùa trong Kinh Thánh còn ngụ ý về mùa thờ phượng nữa. Người Hê-bơ-rơ tin rằng vị trí của mặt trời ở mỗi lúc trong ngày ấn định giờ giấc dâng tế lễ và vị trí của mặt trăng ấn định tế lễ hằng tháng (ngày rằm hay ngày trăng mới).
Số bảy là số rất quan trọng của người Hê-bơ-rơ và cũng được dùng các bội số của số bảy trong thiên văn và các mùa tôn giáo. Thí dụ như đến năm thứ 49 là mùa bồi thường. Năm 49 cũng là một chu kỳ của mặt trăng, chỉ thiếu có 32 giờ. Nhưng như vậy cũng đã đủ giúp cho dân Chúa giữ đúng lệ luật của Chúa ban.
Riêng về các ngôi sao thì Kinh Thánh nhấn mạnh đặc biệt về con số và khoảng cách của các ngôi sao ấy đối với trái đất. Có những câu nói đến sao đông đảo để chỉ về quyền năng vô hạn của Chúa cũng như hiểu biết của Ngài.
Thi 147:4 ghi: “Ngài đếm số các vì sao, gọi từng tên hết thảy các vì ấy.”
Giop 22:12: “Đức Chúa Trời há chẳng cao như các từng trời kia sao? Hãy xem các ngôi sao cao biết bao nhiêu.”
Sứ đồ Phao-lô còn nói đến khác biệt của từng ngôi sao trong ICo 15:41 như sau: “Vinh quang của mặt trời khác, vinh quang của mặt trăng khác, vinh quang của ngôi sao này khác với vinh quang của ngôi sao kia.”
Trong sách Gióp ta thấy có nói đến: sao mai, sao hôm, là những sao xuất hiện mở đầu mùa xuân hoặc mùa đông, vào mùa cầy cấy, mùa gieo hạt và mùa mưa. Ngôi sao băng cũng được nhiều câu trong Kinh Thánh nói đến hay ví sánh.
Thiên văn lúc ấy đã biết các chòm sao nổi tiếng và cũng đã gọi tên theo hình dạng của các chòm sao này.
Giop 26:13 ghi: “Hơi thở ngươi làm trời trong sáng, tay ngươi đâm lủng Lê-vi-a-than.” Lê-vi-a-than đây là một con rắn cong queo, tức là một chòm sao hình uốn cong mà tây phương gọi là chòm sao Serpent, còn ta gọi là chòm sao Bắc hay chòm sao thiên hà.
Có người còn giải thích hiện tượng về con rắn và người đàn bà trong Khải-thị 12 có thể liên quan đến các chòm sao Andromeda, Celtus và Eridanus và sứ đồ Giăng có thể nhìn lên những hình các chòm sao này mà tả vẽ cảnh tượng mà ông được nhìn thấy.
Ngay những chương đầu của Khải-thị, khi sứ đồ Giăng nói về bảy ngôi sao của bảy hội thánh, có lẽ ông đã nhìn lên trời và thấy chòm sao Thất tinh hay là Pleiades hoặc là chòm Sao Rua và Sao Cày đã từng được Cựu Ước nói đến trong Am 5:8 Giop 9:9 và 38:31. Chòm sao này có bảy ngôi nhưng họp lại thành một nhóm rõ ràng.
Trong Es 13:10 có nói đến một chòm sao khác, đó là Sao Thiên Lang hay Orion. Có bản Kinh Thánh chỉ ghi là “đám sao” hay Sao Sam, thật ra đây là Sao Thiên Lang hay Orion mà người học thiên văn đều biết.
Trong Kinh Thánh Gióp là sách nói về thiên văn nhiều hơn cả. Riêng chương 38 đề cập đến nhiều hiện tượng thiên nhiên và các chòm sao. Điều này cũng chứng minh rằng Gióp và các bạn của ông vào thời xa xưa ấy đã có kiến thức thiên văn rất cao, và đã tách rời hiện tượng trên trời và các thiên thể với Chân Thần là Đấng Tạo dựng nên tất cả.
Ta có thể kết luận rằng:
Ngôn ngữ của Kinh Thánh khi đề cập đến thiên văn, hay là các ngôi sao đã dùng các dữ kiện mà các nền văn hóa thời ấy đã dùng và đã hiểu. Cho đến nay những điều người ta biết về bầu trời ngày xưa vẫn còn được kể là xác đáng. Kinh Thánh không ghi lại những gì sai lạc, mà ghi lại những điều cho đến ngày nay vẫn nghiệm chứng là đúng.
Kinh Thánh cũng không có mục đích bàn về thiên văn học mà chỉ dùng trong ý nghĩa biểu tượng, hoặc là để dẫn chứng về quyền năng của Chúa là Đấng Tạo Hóa. Điều quan trọng là trong khi các dân tộc vẫn thờ sao, coi sao là quan hệ đến vận mệnh con người trên đất, thì Kinh Thánh chủ trương rằng sao là vật do Chúa tạo dựng ra và để giúp ích cho con người trên đất.
Một câu đáng cho ta ghi nhớ khi nói về thiên văn là Phu 4:19, như sau: “Lại e khi ngươi ngước mắt lên trời, thấy mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến rũ quỳ xuống trước các vì sao đó và thờ lạy các tinh tú này mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chia cho muôn dân dưới trời chăng?” Đây là câu Chúa khẳng định cấm tôn thờ sao và coi sao là huyền bí. Thật ra sao được tạo ra để cho muôn dân dưới trời được lợi ích. Loài người mở nhiều cuộc thám hiểm vũ trụ, không gian và các ngôi sao là để ứng nghiệm lời tiên tri nghìn xưa này.
Là người tin Chúa, chúng ta phải cẩn thận khi bàn về thiên văn, vì những thiên thể đều vô tri, không có một quyền năng nào, vì đều do Chúa sáng tạo và vì phúc lợi của con người.
Kinh Thánh rất chính xác mỗi khi nói về thiên văn, điều này chứng tỏ rằng Kinh Thánh đã được thần ứng và không sai lầm. Mặc dù các sách cùng thời với Kinh Thánh mang nặng tính chất huyền bí thần thoại và hoang đường khi bàn về thiên văn.
Chính vì thế mà chúng ta đọc và nghiên cứu Kinh Thánh.
Câu Hỏi:
1. Kinh Thánh do con người viết ra sao lại gọi là Lời Chúa?
2. Làm sao biết bản Kinh Thánh ta cầm trên tay có chính xác hay không?
3. Kinh Thánh có phản khoa học không? Tại sao?
Trong bài này chúng ta sẽ bàn đến bằng chứng của sự sáng tạo. Nói như vậy có nghĩa là chứng minh vạn vật không phải tự nhiên mà có, nhưng tất cả đều do Chúa hoạch định và sáng tạo ra.
Trước tiên phải minh định rằng câu chuyện sáng tạo được ghi trong sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên không thể giải thích là chỉ giới hạn trong một phần của vũ trụ hay chỉ có trái đất mà thôi. Cũng không thể hiểu rằng sáng tạo là làm cho mọi vật xuất hiện từ những vật chất đã có từ trước.
Câu hỏi nêu lên trong bài này là: Khoa học có bằng chứng gì chứng minh lời tuyên bố ở sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên chương 1 câu 1 hay không? Câu đó là: “Ban đầu Đức Chúa Trời tạo dựng nên trời và đất.”
Sau đây là các lý luận chứng minh:
Lý luận này căn cứ vào: loại suy từ kinh nghiệm và tính cách vô lý của sự ngẫu nhiên mà có.
Từ kinh nghiệm, chúng ta biết rằng một trật tự nào đó chỉ có thể tồn tại được nếu được kế hoạch từ trước và có sự bài trí khôn ngoan của người nào đó. Nếu cứ để mặc, thì trật tự hay công trình ấy sẽ tiến dần đến chỗ bị hư hỏng. Ngay một bức tranh đẹp, một khu vườn hay một dinh thự nguy nga, một nhà máy phúc tạp hay một cuốn phim vĩ đại đều phải do một số kế hoạch và nhiều cố gắng mới tạo nên được. Máy móc nếu để mặc nó trong một thời gian, sẽ rỉ sét, những dinh thự bỏ hoang sẽ đổ nát, và những khu vườn không ai trông coi sẽ thành rừng cỏ hoang. Như vậy, qua kinh nhgiệm, chúng ta thấy rằng sự hiện diện của vật thể, của kiểu mẫu sự vật chung quanh chúng ta hàm ý rằng trước khi những vật thể, những kiểu mẫu ấy có mặt, phải có một trí khôn, một quyết định và một mục đích.
Hơn nữa, người ta không thể nào chấp nhận một điều gì ngẫu nhiên xẩy ra hay có mặt.
Đã đành rằng có những người chống sáng tạo như Huxley, đã đưa ra dẫn chứng là tảng núi lớn vỡ ra thành những hòn đá nhỏ, và những hòn đá nhỏ bị thời tiết nghiền nát thành ra cát. Nhưng ngay đến hòn núi cũng phải có ai kế hoạch và hình thành thì mới hiện diện được. Không ai có thể chấp nhận một người in ra giấy bạc giả và rồi nói rằng hắn ta không in, chỉ vì ngẫu nhiên mà hắn có bạc giả trong tay. Hay một người bị đạn bắn vào đầu nhưng người ta lý luận rằng không có ai bắn cả, ngẫu nhiên viên đạn bay vào đầu người ấy thôi. Dĩ nhiên chỉ có kẻ mất kiến thức và ý thức mới đi tin những chuyện như thế mà thôi. Ngay luật pháp cũng không bao giờ chấp nhận một việc gì là ngẫu nhiên cả.
Tuy nhiên người ta vẫn chống lại Sáng Tạo bằng lý luận rằng: cách thức tự nhiên sáng tạo và con người sáng tạo rất là khác biệt. Nên nếu áp dụng nguyên tắc sáng tạo của người cho sáng tạo tự nhiên là không thích hợp. Con người sáng tạo bên ngoài còn tự nhiên sáng tạo từ bên trong. Người ta còn bảo rằng, muốn chứng minh có ngẫu nhiên cần phải chờ đợi cho đủ thời gian và đủ các quá trình ngẫu nhiên thì sẽ hiểu được.
Người tin Sáng Tạo nhận thấy rằng thiên nhiên có mục đích rõ rệt, và như vậy chứng minh có một trí khôn đã hình thành ra thiên nhiên.
Giả như ta thấy một tờ giấy ghi một bài toán thật là phức tạp và đã được giải ra thật ra chính xác, thì ta phải nói đây là bài giải của một người giỏi toán. Không có lý do nào nói rằng bài toán ngẫu nhiên được giải ra và ngẫu nhiên xuất hiện trên giấy được. Tuy nhiên trong thiên nhiên chúng ta có những trường hợp rõ ràng như vậy không?
James Jeans là một nhà toán học tài danh đã nói rằng: “Tính chất toán học của lý thuyết khoa học hiện đại minh chứng rằng Thiên nhiên đã được một nhà toán học đại tài kế hoạch ra.” Khoa học cho hay rằng thiên nhiên không do một họa sĩ hay nhà sinh học hoặc là một kỹ sư tạo ra, nhưng do một nhà toán học đại tài. Vũ trụ này mô tả theo toán học là được sáng tạo theo toán học, và trong sáng như một tư tưởng. Vũ trụ như thế không phải chỉ là một nhà máy khổng lồ, nhưng là một tư tưởng vĩ đại.
Một khoa học gia khác là Henderson, trước cũng chủ trương thuyết thiên nhiên ngẫu nhiên mà thành, nhưng sau khi nghiên cứu về nước, đã phải công nhận thiên nhiên phải có mục đích và không thể do ngẫu nhiên mù quáng nào đó mà hình thành được.
Theo nhà nghiên cứu này thì nước mang nhiều tính chất rất lạ kỳ (các tính chất này đã nói đến trong mấy chương trước). Chẳng hạn như nước có một nhiệt độ cao đặc biệt, nhờ thế mà các phản ứng hóa trong thân thể ta lúc nào cũng ở tình trạng bình thường. Nếu nước có nhiệt độ thấp đặc biệt thì thân thể sẽ sôi lên, dù rằng ta chỉ cử động một chút. Nếu ta tăng nhiệt độ của một dung dịch lên 10 độ C thì các phản ứng hóa trong thân thể sẽ gia tăng gấp đôi. Nếu nước không có tính chất đặc biệt này thì có thể nói, sự sống không sao thực hiện được.
Đại dương cũng là ống đo nhiệt của trái đất. Đại dương khi biến nước thành nước đá, đã lấy đi một số nhiệt lớn. Đến khi nước bốc thành hơi lại cần một số nhiệt lượng khác nữa. Như thế đại dương là một vùng hút nhiệt từ mặt trời và tỏa nhiệt ra để trái đất không bị đông lạnh vào mùa đông. Nếu không có đại dương làm sao đời sống mặt đất duy trì được?
Nước còn là một chất dễ hòa tan. Nước hòa tan acid, base và muối. Về phương diện hóa học, nước là một chất trơ, vì nó đóng vai trò trung gian, nhưng không tham dự vào đó. Trong mạch máu, nước hòa tan ít nhất là 64 chất khác nhau.
Vì các nghiên cứu trên đây mà nhà khoa học Henderson đành phải tuyên bố là thiên nhiên không thể nào do ngẫu nhiên mà hình thành được.
Một giáo sư thiên văn thuộc Đại học Glasgow, Anh-quốc, đã nói rằng:
“Khi chúng ta nghiên cứu về vũ trụ và khâm phục cái vĩ đại cũng như trật tự trong vũ trụ, tất nhiên chúng ta phải đi đến chỗ nhận thức rằng có một quyền năng sáng tạo và một mục đích cho vũ trụ mà không trí óc loài người hữu hạn nào có thể hiểu được.”
Triết gia Bacon ngày xưa từng nói:
“Tôi thà là tin tất cả những chuyện ngụ ngôn trong các cổ tích hoang đường huyền hoặc còn hơn cho rằng vũ trụ vĩ đại này mà lại không có một trí óc sáng tạo ra.”
Ngày nay chúng ta biết về vũ trụ nhiều hơn thời đại Bacon, vì thế, là nhà khoa học hay người thường chúng ta vẫn cần phải tin rằng có một Đấng Sáng Tạo quyền năng, vì nếu không, không thể nào lý luận được.
Địa chất học là môn học nghiên cứu về lịch sử của vỏ trái đất. Đây là công trình của khoa học để tìm lại hình thành những lớp đá của trái đất trong quá khứ. Đa số các nhà địa chất cho rằng vào khoảng ba tỉ năm trước đây mặt trái đất ở trong tình trạng nóng chảy. Trái đất dần dần đông cứng lại và nguội đi, những khối đất, đại dương và lớp khí quyển xuất hiện. Các điều kiện vật lý và hóa qua thời gian đã sinh ra những lớp đá. Thời gian mà các nhà địa chất đưa ra chia ra Đại, Kỷ và Kỳ. Thí dụ như chúng ta đang ở vào Đại Cenozon hay là thời đại của loài có vú; trong Kỷ Cenozon hay là thời đại của những hình thể mới và trong Kỳ mới.
Người ta cho rằng tuổi trái đất là vào khoảng từ 4 đến 5 tỉ năm trước đây. Giai đoạn mà những lớp sinh vật hóa thạch bỗng nhiên xuất hiện thì được gọi là Kỷ Cambri, vào khoảng 500 triệu năm trước đây. Hai phần ba hay ¾ của các thời kỳ địa chất đều xảy ra trước Kỷ này. Người ta cho rằng cái cây đầu tiên xuất hiện cách đây khoảng một tỉ năm. Gần đây còn có người cho rằng dấu vết về giống khuê tảo và nấm có trên trái đất cách đây khoảng 2 tỉ năm.
Qua những sinh vật hóa thạch, người ta cho rằng đời sống đã diễn tiến dần dần từ những hình thức đơn giản, qua tất cả những hình thể khác nhau, rồi đến cao điểm là loài có xương sống và sau cùng là loài người.
Đó là nguyên thủy trái đất theo môn địa chất.
Bây giờ ta nhìn vào sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên. Sáng Thế chương 1 câu 2 nói rằng trái đất thuở ban sơ không có hình thể gì nhất định. Chương 1 cũng nói rằng việc sáng tạo xảy ra trong sáu ngày. Trong sáu ngày này đất thành hình, cây cỏ, loài cá, loài chim và loài có vú được tạo dựng nên, sau cùng là con người xuất hiện.
Sáng Thế không nói thời gian khởi đầu sáng tạo là bao giờ mà chỉ nói “Ban đầu..” Cách ghi của Kinh Thánh giản dị, ngắn gọn, đẹp đẽ và ngụ ý rằng Đức Chúa Trời hình thành tất cả.
Vấn đề đặt ra là: Nếu chúng ta công nhận thần ứng của Kinh Thánh thì câu chuyện của các nhà địa chất và câu chuyện Sáng Tạo có quan hệ nào không? Chúng ta sẽ điểm qua một số những quan điểm nổi danh về mối quan hệ này và phải xác định thái độ.
Trước khi vào phần phân tích, chúng ta cần nhớ rằng: Chúng ta phải nhận xét thật chính xác những gì Kinh Thánh nói đến và những gì Kinh Thánh không nói đến; cũng như những gì khoa học có thể nói và những gì không thể bàn cãi gì được.
Theo ngôn ngữ của Kinh Thánh, rất khó tách rời sự kiện sáng tạo tức khắc và sáng tạo tiệm tiến. Như vậy, có nghĩa là một ngành khoa học chân chính sẽ phải công nhận quyền năng sáng tạo của Chúa, mục đích và hoạt động của Chúa trong thiên nhiên cũng như mục đích của thiên nhiên. Điều này cũng có nghĩa là một đức tin sáng suốt phải dành chỗ rộng rãi cho những đòi hỏi hợp lý của khoa học và sẽ không dùng thần học mà đóng khung những gì không thuộc phạm vi đức tin. Chi tiết về cuộc sáng tạo phải được cả những nhà thần học cũng như những nhà khoa học nỗ lực hợp tác thì mới xác đáng.
Trước khi vào vấn đề, ta hãy để ý đến lời phê bình của một trong những nhà khảo cổ vĩ đại nhất của thế giới, đó là tiến sĩ W. F. Albright, ông bảo:
“Câu chuyện sáng tạo trong Kinh Thánh là một tác phẩm văn chương cổ điển độc đáo. Câu chuyện này đã phản ánh quan niệm tôn thờ một đấng thần linh của người xưa,với những giai đoạn sáng tạo hợp lý đến nỗi khoa học ngày nay cũng không thể nào cải biến gì được, bởi vì cũng là một loại ngôn ngữ, cũng là một loạt những ý tưởng và cùng đưa đến những kết luận như nhau.”
Thật ra phải nói rằng, câu chuyện sáng tạo vững chắc đến nỗi các khoa vũ trụ học của nhân loại không theo kịp, là vì các môn này sau một thời gian, lại phải thêm bớt hay thay đổi các lý thuyết, câu chuyện sáng tạo thì muôn đời vẫn thế.
Trước tiên là quan điểm của những người tin từng chữ và từng câu của Kinh Thánh một cách đơn giản và ngây thơ.
Nhiều người đọc Kinh Thánh vội vàng tin rằng thế giới này được tạo nên vào khoảng 4000 năm, và công cuộc sáng tạo đúng là kéo dài chỉ có sáu ngày. Người ta quan niệm như thế là vì câu chuyện ghi lại rất đơn giản, mặt khác, người ta không biết gì về các dữ kiện khoa học. Ta cần nhớ rằng khoa địa chất cho mãi đến thế kỷ 19 mới gọi là vững vàng.
Ngày nay người tin Chúa không ai tin rằng trái đất được hình thành vào 4000 năm trước nữa, nhưng những người vô thần vẫn cứ trích dẫn con số 4000 năm này để chế riễu người tin Chúa là mù quáng.
Thật ra con số không phải 4000 năm, mà là 4004 năm. Con số này là do tổng giám mục James Ussher, cai quản địa phận Armagh bên Anh đưa ra. Vị giám mục này căn cứ vào các bản gia phả trong Kinh Thánh và tính ngược lên cho đến A-đam là ông tổ của loài người và cho rằng cuộc sáng tạo bắt đầu vào tháng 10 năm 4004 trước Công Nguyên trong tuần lễ từ ngày 18 đến ngày 24. Ông A-đam được hình thành vào ngày 23 tháng 10 năm ấy. Trong thế kỷ 17 nhiều người đã tin như vậy. Tuy nhiên đây là luận điểm được coi là ngây thơ nhất từ trước đến nay, nhất là đã dựa vào những dữ kiện thiếu sót mà tính.
Ngày nay khoa học với các phương pháp đo phóng xạ đã biết được nhiều điều liên quan đến đất đá và cây cối. Phương pháp đo phóng xạ có thể giải thích đơn giản như sau:
Một vật chất mang tính phóng xạ khi nào nó phát ra những phần tử nguyên tử với một vận tốc thật nhanh. Radi và Urani là hai chất quen thuộc nhất mang tính phóng xạ này. Urani khi phóng ra những phân tử ở vận tốc cao, nó mất dần tính chất của nó và trở thành chì. Người ta có thể đo được vận tốc của việc phóng xạ này. Muốn đo một mẫu Urani, người ta tìm ra nguyên tử lượng của nó. Nói đơn giản hơn là nếu ta biết vận tốc của mộ chiếc xe, ta đổ đầy xăng chạy, khi đến nơi xem số xăng còn lại trong bình xăng có thể biết chiếc xe đã chạy được bao xa.
Nhờ phương pháp này mà người ta tính ra tuổi của sinh vật hóa thạch. Như vậy không thể nào coi thương các tìm tòi mới của khoa học, mà phải phối hợp phương pháp khoa học trong việc tìm hiểu.
Quan điểm thứ hai cho rằng sách Sáng Thế khi nói về căn nguyên của trời đất đã dùng các từ thuộc về tôn giáo và thần học, trong khi đó thì khoa học dùng các từ chuyên môn, và cố trình bày việc hình thành ấy như thế nào. Những người chủ trương như vậy có ý muốn chấm dứt cuộc xung khắc giữa sách Sáng Thế và khoa học. Nhưng người ta đã khẳng định rằng không ai có thể làm cho sách Sáng Thế phù hợp với khoa học được, vì làm như vậy là gượng ép, và không đưa đến kết quả nào cả. Vì trên căn bản, sách Sáng Thế nói về công việc hình thành vũ trụ của Đấng Tạo Hóa, còn khoa học luôn luôn chủ trương rằng vũ trụ ngẫu nhiên mà có, như thế làm sao phù hợp được?
Một lý luận cho rằng trái đất này đã được hình thành hằng triệu năm về trước, nhưng việc sáng tạo trong sáu ngày mới được thực hiện thời gian gần đây. Người ta cho rằng trước thời kỳ sáng tạo sáu ngày, đã có nhiều cơn nước lụt phủ khắp thế giới, cuốn đi tất cả và khi nước hạ thì chôn vùi tất cả sinh vật thành từng lớp. Dưới áp lực của nước và nhiều lớp bùn đất bên trên, những lớp đất ở dưới cũng bị ép thành đá. Con người đã chạy được lên những ngọn núi cao nhất rồi mới bị làm hại nên đã nằm ở các lớp đất bên trên. Người ta cho rằng trận lụt này chỉ kéo dài vào khoảng một năm trời. Đây là quan điểm của những người không am hiểu địa chất và nhầm lẫn tiến hóa với địa chất. Địa chất học ngày nay hoàn toàn bác bỏ luận cứ này.
Một quan điểm khác nói rằng việc sáng tạo ghi trong sách Sáng Thế thật ra chỉ là của một vùng nhỏ trên trái đất, và cho rằng vườn Ê-đen chính là cảnh được mô tả trong sách Sáng Thế chương thứ nhất. Quan điểm này rất là sơ thiển, vì ngôn ngữ dùng trong sách Sáng Thế chương thứ nhất là loại ngôn ngữ vĩ đại chứ không phải loại ngôn ngữ tả vẽ một khu vườn nhỏ bé. Quan điểm này làm cho khó giải thích các hiện tượng địa chất.
Một quan điểm nữa cho rằng sách Sáng Thế chương 1 câu 1 mô tả cuộc sáng tạo, nhưng câu 2 mô tả cuộc tàn phá, và câu 3 mô tả cuộc tái sáng tạo. Quan điểm này thường được gọi là Lý thuyết Tái Lập hay Lý thuyết Khoảng Trống. Có thể tóm tắt lý luận này như sau:
Chúa đã sáng tạo nên một thế giới hoàn hảo như trong chương 1 câu 1. Nhưng sau đó giao cho thiên sứ Lucifer quản nhiệm. Thiên sứ này dần dần tự kiêu, tôn mình lên hàng thần linh nên đã bị trừng phạt chung với những kẻ theo hắn và toàn thể trái đất. Trong không biết bao nhiêu triệu năm, trái đất bị bỏ như vậy và các lớp địa chất thành hình. Người ta còn bảo rằng sở dĩ ngày xưa có những loại khủng long hình thù quái dị và những đống xương chồng chất là vì có sự trừng phạt tội ác trên đất. Thế rồi vào khoảng 4000 năm trước đây Chúa đã tái thiết lại trái đất trong sáu ngày.
Người ta đã cố giải thích những chữ ‘vô hình’ và ‘trống không’ trong Sáng Thế 1:2 là lý do để có cuộc tái thiết mô tả trong toàn chương 1. Ngay chữ ‘là’ trong câu: ‘Vả đất là vô hình và trống không’ người ta bảo là phải hiểu là ‘trở nên’ chứ không phải là ‘là’. Mục đích của những người giải thích Sáng Thế theo thuyết Khoảng Trống này là muốn cho Kinh Thánh và môn địa chất không mâu thuẫn nhau, để người đọc Kinh Thánh khỏi sợ rằng mình tin những chuyện hoang đường. Thuyết Khoảng Trống, nghĩa là cho rằng có: sáng tạo – tiêu diệt – tái sáng tạo, vấp phải các sai lầm sau đây:
Lý thuyết Khoảng Trống đã giải sai lạc chữ ‘là’ trong Sa 1:2. Trong nguyên văn chữ này đúng là ‘là’ chứ không phải trở thành. Vì như vậy không có chuyện tái sáng tạo. Ta không thể nào căn cứ vào một chữ mà giải thích sai một chân lý. Hơn nữa, nếu thật sự có cuộc tái sáng tạo như thế thì Chúa đã nói rõ chứ không để mập mờ và gây hiểu lầm. Các chữ ‘vô hình và trống không’ không diễn tả tình trạng bị tàn phá nhưng chỉ nói lên trạng thái sơ khai của vật chất khi mà chưa có sinh vật nào xuất hiện, tất cả các sức mạnh và các thành phần đều trong tình trạng hỗn loạn không thể phân biệt được. Nói đơn giản, khi ấy trái đất chưa thành hình thể gì cả.
Mặc dù có nhiều lý thuyết cho rằng chữ ‘Ngày’ trong Sáng Thế chương 1 tương đương với từng nguyên đại theo địa chất học, cũng có lý thuyết cho rằng đây là ‘ngày’ tượng trưng chứ không thực sự là ngày 24 giờ.
Theo cuộc tham khảo kỹ lưỡng của chúng tôi (Nguồn Sống) thì cuộc sáng tạo đã được mặc khải trong sáu ngày. Nghĩa là cho người ta biết trong sáu ngày chứ không phải đã thực hiện trong sáu ngày. Như thế sáu ngày trong Sáng Thế là sáu ngày mặc khải sáng tạo chứ không phải nguyên đại theo địa chất mà cũng không phải ngày 24 tiếng đồng hồ.
Như thế những ‘ngày’ được ghi lại trong chương 1 của sách Sáng Thế là phương cách để cho con người biết Chúa là Đấng Sáng Tạo và Ngài sáng tạo nên tất cả.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào Chúa có thể cho con người biết một quá khứ mà con người không thể nào biết được? Chúa đã mặc khải bằng hình ảnh, lời nói hoặc bằng những biểu tượng. Tương tự như thế Chúa cũng cho con người biết về tương lai là những điều mà con người không sao mường tượng ra được. (Như trong các sách tiên tri và Khải Thị)
Công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời được ghi lại ngắn gọn trong sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên là cho con người biết hai điểm quan trọng:
1. Nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Sách cho thấy một phần về thứ tự của cuộc sáng tạo với chủ đích là khải thị cho con người về Đấng Sáng Tạo và về việc Đấng Sáng Tạo tạo ra con người.
2. Chương 1 của Sáng Thế là cái nền để ta thấy vị trí của con người trong vũ trụ vạn vật. Chúa đã tạo nên vũ trụ vạn vật và con người, đó là câu tóm tắt chương 1 và 2 của sách Sáng Thế.
Ta nên nhớ rằng Kinh Thánh là mặc khải về Chúa, Đức Chúa Trời,Thượng Đế, Đấng Sáng Tạo, khác hẳn với môn địa chất học, chỉ nghiên cứu về thành phần cấu tạo của vỏ trái đất. Ta không thể tìm các kiến thức về địa chất trong Kinh Thánh; mà cũng không thể tìm trong môn địa chất về Đấng Sáng Tạo, có chăng môn học này cho thấy công trình sáng tạo huyền diệu mà thôi.
Câu Hỏi:
1. Vũ trụ vạn vật có thể ngẫu nhiên mà thành được không? Làm sao chứng minh?
2. Câu chuyện sáng tạo trong Kinh Thánh có phản khoa học không?
3. Mục đích của Sáng Thế Ký là gì?
Học sinh ngày nay trên khắp thế giới đang học loại khoa học đặt cơ sở trên Lý Thuyết Tiến Hóa. Ngay từ khi mới ở cấp một, học sinh đã được dạy là trên mặt đất đã từng có những loại khủng long xuất hiện hằng triệu năm về trước, và sau đó, qua nhiều lần đột biến, những con vật như khỉ vượn xuất hiện, những con vật này qua nhiều thời gian đột biến đã trở thành con người đầu tiên sống không khác gì khỉ vượn, vô tình tìm ra lúa, cũng như các yếu tố sơ đẳng khác của nền văn minh lâu đời, trước khi có lịch sử.
Trong môn sử học người ta cũng dạy về Tiến Hóa Xã Hội, Tiến Hóa Văn Hóa. Trong khi đó thì môn khoa học tổng quát và môn vật lý thường đặt căn bản trên những ước tính mới nhất về một cuộc tiến hóa của vũ trụ vật chất.
Sống trong một thế giới mà nền giáo dục thiên nặng về Tiến Hóa như vậy, niềm tin đặt nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu và Cơ Đốc giáo căn bản trên Kinh Thánh dường như hằng ngày bị người ta bài bác chê cười và không ai đưa vào hệ thống giáo dục, vì cho rằng phản tiến bộ.
Bài học Khoa Học và Niềm Tin được soạn thảo nhằm mục đích giúp cho học sinh và sinh viên đang học ở trường hiểu rõ niềm tin của mình, và mặc dù phải học Lý Thuyết Tiến Hóa, vẫn ý thức rằng cuộc sáng tạo vũ trụ không thể do ngẫu nhiên, và Đấng Tạo Hóa thiêng liêng thực sự đã là khởi nguyên của tất cả.
Ý Nghĩa của Tiến Hóa
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao người tin Chúa phải bận tâm với Thuyết Tiến Hóa? Vì đã hiểu Thượng Đế thực sự là Đấng khởi nguyên tất cả, thì sao còn thắc mắc là Ngài đã hình thành thế giới ngay tức khắc hay làm cho mọi yếu tố phát triển dần dần qua những thời gian dài? Có người bảo rằng tại sao ta không chú trọng vào những vấn đề hiện đại và tập trung vào cuộc sống theo Chúa tốt đẹp, kết quả, mà lại quan tâm và lý luận về những quá khứ xa vời?
Mới nghe thì nhiều người cũng đồng ý như vậy, ngay cả các học sinh đang học cấp hai hay cấp ba cũng thế. Tuy nhiên vấn đề đi tìm nguyên nhân thực quan trọng, vì niềm tin trong thời đại này hoàn toàn bị chi phối bởi các lý thuyết về nguyên nhân. Người ta đang bàn cãi về hai lý thuyết, đó là Sáng Tạo và Tiến Hóa. Thật ra Sáng Tạo là một thực sự không chối cãi được, còn Tiến Hóa cho đến nay vẫn chỉ là một lý thuyết.
Năm 1966 nhà di truyền học Hermann Joseph Muller, người Mỹ, đưa ra một bản tuyên ngôn có chữ ký của 177 nhà sinh học, xác nhận rằng: Cuộc tiến hóa của mọi sinh vật, kể cả con người, từ hình thức đời sống sơ khởi, và ngay cả những vật chất vô sinh, là một sự kiện khoa học, không khác gì việc trái đất hình tròn vậy.
Các sách giáo khoa sinh học trong vòng 200 năm qua cũng được viết căn cứ trên những giả định Tiến Hóa cả. Khi thấy đông đảo các nhà sinh học đồng ý, đóng góp ý kiến, dạy về Lý Thuyết Tiến Hóa, dĩ nhiên nhiều học sinh, sinh viên và ngay cả những nhà khoa học, thấy ngần ngại trong việc đứng ra bênh vực cho công cuộc Sáng Tạo.
Thực ra không phải chỉ những nhà sinh học mới tin Thuyết Tiến Hóa, đa số những nhà thiên văn cho rằng vũ trụ vẫn đang tiếp tục xoay vần. Nhà địa chất thì dùng Thuyết Tiến Hóa như là dụng cụ chính trong việc giải thích lịch sử hình thành trái đất. Ngay cả những nhà vật lý và hóa cũng thường đặt căn bản suy nghĩ trên cuộc Tiến Hóa nguyên thủy của các nguyên tố và các phân tử do từ hạt căn bản.
Các môn khoa học xã hội và nhân loại thường bảo rằng những gì ghi lại trong Kinh Thánh là thuộc về thời kỳ chưa có khoa học, và đó là những chuyện ngụ ngôn chứ không thể nào hiểu theo đúng nghĩa đen, những câu chuyện này không mang tính chất lịch sử nào cả. Những lời dạy trong Kinh Thánh về bổn phận của con người đối với Đấng Tạo Hóa, vấn đề tội lỗi và cuộc sa ngã của loài người, việc cứu chuộc và tái tạo con người bị gạt sang một bên chỉ vì quan điểm Tiến Hóa. Cuộc xung đột trong vũ trụ và tuyển chọn tự nhiên, liên hệ di truyền của loài người với loài vật, và các vấn đề của cuộc sống mà người ta gọi là chỉ có một lần này mà thôi.
Không những chỉ trong các địa hạt khoa học và khoa học nhân văn, mà ngay trong tôn giáo, người ta cũng phỏng theo Thuyết Tiến Hóa mà hướng dẫn lòng tin. Một lý thuyết mang danh hiệu Thần Học Tiến Hóa, hay Sáng Tạo Tiệm Tiến cũng đã được một số người chấp nhận.
Theo Thần Học Tiến Hóa thì tiến hóa là một phương cách sáng tạo của Thượng Đế. Câu chuyện Sáng Tạo ghi ở Sáng Thế ký được coi là huyền thoại về vũ trụ hoặc là chuyện ngụ ngôn hay thi ca sáng tạo mà thôi. Thế rồi cả cuốn Kinh Thánh bị coi ngang hàng với bất cứ cuốn kinh nào khác, nghĩa là chỉ ghi lại cuộc tiến hóa của văn hóa Hê-bơ-rơ và Cơ-đốc-gíao nguyên thủy. Họ nói rằng Kinh Thánh chứa đựng nhiều lời dạy có giá trị về đạo đức và tôn giáo, nhưng không thể nào chấp nhận trong thế giới văn minh của thế kỷ 20, 21 này. Một số người tín đồ Cơ-đốc-giáo theo Thần Học Tiến Hóa đã chú trọng nhiều đến tiến hóa của trật tự xã hội như là: phong trào lao động, nhân quyền v.v. hơn là bảo vệ và phổ truyền Phúc-âm trong thế giới ngày nay.
Con virus tiến hóa đã gây nhiễm độc đến tận hàng ngũ Cơ-đốc giới thuần túy nữa. Đặc biệt rong những người tự xưng là Tin Lành Mới. Những người này đã dầy công nghiên cứu trong nhiều năm để cốt sao cho Cơ-đốc-giáo căn bản trên Kinh Thánh có hương vị mới cho người ta dễ chấp nhận. Thậm chí nhiều nhà thần học đã hoạt động nhiều trong các phạm vi thần học viện, chủng viện, qua sách báo, và ngay cả trong ngành truyền giáo, thế mà trong những năm gần đây đã chấp nhận Thuyết Tiến Hóa hoặc ít hoặc nhiều, và đã cố làm sao cho dữ kiện trong Kinh Thánh được thích nghi với giả Thuyết Tiến Hóa.
Tuy nhiên ảnh hưởng quan trọng và đặc biệt hơn cả của Thuyết Tiến Hóa đối với nhân loại là nhiều phong trào và triết thuyết hiện đại mang hình thức chống đối Cơ-đốc-giáo căn bản trên Kinh Thánh, đã đặt những chủ trương của họ trên giả thuyết lịch sử về đấu tranh và tiến bộ theo tiến hóa. Bằng chứng cụ thể nhất là các triết thuyết của Sigmund Freud, Friedrich Nietzsche, Luwig Feuebach cũng như chủ thuyết Cộng Sản và chủ thuyết Đức Quốc Xã, những triết gia hiện sinh và những người bảo rằng Thượng Đế đã chết!
Chính vì các lý do kể trên mà không người tín đồ nào thực sự tin Chúa lại có thể bỏ qua vấn đề Thuyết Tiến Hóa, vì đây là loại vấn đề có tầm ảnh hưởng sâu xa mặc dù người ấy có nhận ra hay không. Thuyết Tiến Hóa khi được chấp nhận và áp dụng vào tư tưởng hành động, thì mặc nhiên đối kháng với Cơ-đốc-giáo. Vì Cơ-đốc-giáo đặt căn bản trên Kinh Thánh về mọi phương diện. Người tin Chúa, nhất là các bạn trẻ phải được cung cấp thông tin đầy đủ về những bằng chứng cổ võ hay chống lại Thuyết Tiến Hóa, cũng như ý nghĩa của lý thuyết này dưới ánh sáng mặc khải của Kinh Thánh.
Câu Hỏi:
1. Khi phải giải thích từ “Tiến Hóa” cho một em nhỏ, bạn sẽ nói như thế nào?
2. Tại sao Tiến Hóa đả phá Kinh Thánh?
3. Theo bạn thì tại sao nhiều người công nhận hay tin Thuyết Tiến Hóa?
Người ta tưởng rằng Thuyết Tiến Hóa được nhiều người chấp nhận như vậy, ảnh hưởng to lớn như vậy, chắc hẳn nó phải có “vô số” bằng chứng và những sự kiện không thể chối cãi được. Tuy nhiên đó chỉ là luận điệu của những người chủ trương Thuyết Tiến Hóa hay những người chưa am tường lý thuyết này mà thôi.
Khi nghiên cứu về các “bằng cớ” của Thuyết Tiến Hóa thật kỹ lưỡng, người ta nhận thấy Thuyết Tiến Hóa thực sự không có gì vững chắc cả, tất cả chỉ là những giả thuyết không thể chứng minh rõ ràng được.
Nhà di truyền học Hermann Joseph Muller trong bản tuyên ngôn có 177 chữ ký của các nhà sinh học, đã viết về các “bằng chứng” về cuộc tiến hóa như sau:
Không thể nào chỉ trong vài giờ đồng hồ mà người ta có thể sáng tỏ được ý nghĩa và tầm quan trọng của những điều mà người ta tìm tòi được. Vì dữ kiện vừa nhiều lại vừa phức tạp, nhất là đối với những người chưa có một căn bản nào về sinh học. Mà dù có khả năng chăng nữa thì cũng phải nhiều năm mới biết nổi.
Nếu đúng như vậy thì dĩ nhiên là những người không chuyên, không có nhiều năm nghiên cứu thâm sâu, không hi vọng gì đánh giá nổi ý nghĩa về các “bằng chứng” của Thuyết Tiến Hóa. Cuối cùng rồi cũng phải nhường chỗ cho những nhà chuyên môn.
Người tin Chúa nên nhận định rằng, khi nói Thuyết Tiến Hóa đúng, xác thực, có nghĩa là Kinh Thánh sai, ý niệm về Thượng Đế rất mơ hồ, loài người chỉ là những sinh vật có học để hiểu và chế ngự được cuộc tiến hóa trong tương lai của mình.
Sau đây là một số “bằng cớ” về Thuyết Tiến Hóa mà các sách giáo khoa hiện đại đã kể ra:
Bằng chứng về chủng loại.
Người ta có thể sắp xếp những loại cây và sinh vật khác loại vào chung những chủng loại, thế hệ, tộc họ, thứ tự v.v. Như vậy chứng minh những cây đó, con vật đó có quan hệ di truyền với nhau.
Bằng chứng khi so sánh những bộ xương.
Khi đem so sánh những bộ xương sống của loài khỉ, loài ngựa, loài voi và loài người, thấy rằng các bộ xương này chứng minh chúng có quan hệ về tiến hóa.
Bằng chứng từ khoa bào thai học.
Sự tương tự trong cách cấu tạo trứng của các loài khác nhau và khi các trứng này tiến hóa thành con vật, chứng minh rằng các con vật ấy có quan hệ với nhau và chúng trải qua cùng một giai đoạn tiến hóa cho đến hình dạng hiện nay.
Bằng chứng trong môn Sinh Hóa Học.
Sự kiện tất cả những tế bào sống đều cấu tạo do một số những hóa chất căn bản như: acid amino, protéin, DNA v.v. chứng minh rằng tất cả những tế bào sống đều có chung một nguồn gốc.
Bằng chứng trong môn Sinh Lý Học.
Một số những yếu tố sinh lý, nhất là hiện tượng máu lắng đọng và những đặc tính hành động cũng chứng minh rằng có sự quan hệ di truyền trong các loài vật.
Bằng chứng về sự phân bố địa dư.
Khuynh hướng của một số loại cây và sinh vật thay đổi đặc tính theo một vùng địa dư, khi qua vùng khác lại mang những đặc tính khác, như vậy chứng tỏ có tiến hoá.
Bằng chứng từ những cơ phận mang tính chất dấu vết.
Người ta bảo rằng trong sinh vật có những cơ quan như là dư thừa không sử dụng đến, ví dụ như khúc ruột dư của người chẳng hạn, đó chính là dấu vết của những cơ phận mà trong thời kỳ tiến hóa trước có được sử dụng.
Bằng chứng từ những thí nghiệm phát sinh.
Có nhiều loại cây mới hoặc là sinh vật mới người ta đã phát sinh được nhờ phương pháp làm lai giống và các phương pháp phát sinh khác, đã được coi là trong chất sống có tiềm tàng sức tiến hóa. Chứng minh rằng có việc tuyển chọn tự nhiên cũng như tuyển chọn giả tạo do người làm ra
Bằng chứng về những cuộc đột biến.
Người ta quan sát và thấy rằng có những chủng loại mới đột nhiên xuất hiện trong một cơ thể, mang những tính chất hoàn toàn mới, chứng tỏ có sự đột biến về chủng loại, là một trong những giai đoạn tiến hóa.
Bằng chứng từ môn Cổ Sinh Vật Học.
Khi tìm thấy vết tích vật sống trong những lớp fossil trong vỏ trái đất, người ta bảo rằng đó là tài liệu lịch sử chứng minh cuộc tiến hóa. Với mức độ phức tạp của những lớp fossil, người ta cho là nó tiến theo với dòng thời gian địa chất, đi dần tới hình thái hiện đại, trải qua khoảng một tỉ năm.
Với những bằng chứng rút ra từ 10 địa hạt quan trọng nhất của khoa học người ta thấy rằng Thuyết Tiến Hóa gần như chính xác lắm. Tuy nhiên khi nghiên cứu kỹ hơn, người ta thấy rằng các bằng chứng trên mang tính chất chứng cớ gián tiếp hơn là thực sự chứng minh. Như vậy có nghĩa là cũng có cách giải thích khác được, có khi còn hơn cả lý Thuyết Tiến Hóa nữa.
Phân tích kỹ, người ta thấy rằng năm bằng chứng đầu tiên kể ra trên đây chỉ là những bằng chứng về sự tương tự của giống loại này với giống loại khác. Những nét tương tự, giống nhau đó chắc chắn có thể hiểu được là vì cùng do một Đấng Sáng Tạo mà ra, và như thế nghe dễ hiểu hơn là nói rằng chúng có quan hệ di truyền tiến hóa.
Bốn bằng chứng sau đó gây cho ta chú ý đến sự kiện là có một số những biến đổi về sinh học đã xẩy ra. Cả bốn bằng chứng này cũng vẫn có thể giải thích được là do một sự cấu tạo đặc biệt đối với tất cả các loại cơ thể căn bản. Mỗi cơ thể ấy đã được cung cấp cấu trúc di truyền khác biệt để trong tương lai nó có thể thích ứng với hoàn cảnh mới.
Chỉ có bằng chứng sau cùng liên quan đến môn Cổ Sinh Vật Học là làm cho Thuyết Tiến Hóa dường như có bằng cớ hùng hồn mà thôi. Nhưng ngay cả bằng chứng này, mặc dù quan trọng hơn các bằng chứng giả định khác về Thuyết Tiến Hóa, bản chất của nó cũng chỉ là bằng chứng gián tiếp. Nghĩa là hai loại cơ thể tương tự như nhau, có thể sống trong hai giai đoạn địa chất khác nhau mà vẫn không có nghĩa là nhóm cơ thể này tiến hóa thành nhóm cơ thể kia.
Như vậy cả 10 bằng chứng kể trên đây không có bằng chứng nào chứng minh được Thuyết Tiến Hóa là thật cả. Chúng ta sẽ có dịp nói qua từng điểm một thật kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rằng có những khó khăn không thể nào vượt qua được nếu giải thích bằng Thuyết Tiến Hóa. Tuy nhiên những khó khăn đó lại rất dễ hiểu nếu nói rằng: đó chỉ là sáng tạo đặc biệt.
Chúng ta nên nhớ rằng khi không thể dùng lý luận tiến hóa giải thích một sự kiện khoa học, thì có thể dùng lý luận sáng tạo mà giải thích.
Ta cũng cần nhận định rằng, vấn đề nguyên nhân hoặc là do tiến hóa hay do sáng tạo, cũng đều ở ngoài phạm vi khoa học. Không thể nào đem ra thí nghiệm hay phân tích bằng khoa học được.
Tri thức khởi nguyên phải từ bên ngoài khoa học, vì vậy vấn đề khởi nguyên của mọi sự vật không phải là vấn đề khoa học. Chúng ta sẽ có dịp nghiên cứu sâu xa hơn, tuy nhiên có thể nói ngay rằng, chỉ có Đấng Sáng Tạo, Thượng Đế có thể cho chúng ta biết sự thực về khởi nguyên của muôn loài vạn vật. Chúa đã làm việc ấy rồi. Ngài đã khải thị qua Kinh Thánh. Điều quan trọng là người đọc Kinh Thánh có lòng tin hay không mà thôi.
Câu Hỏi:
1. Thử định nghĩa: giả thuyết, di truyền và khởi nguyên.
2. Các bằng cớ của Thuyết Tiến Hóa là gì?
3. Bằng cớ nào có thể đánh ngã người không tin Tiến Hóa?
Khoa học theo nghĩa căn bản là hiểu biết, chính vì vậy mà hễ nói đến khoa học là phải đề cập đến những cuộc đo lường, phân tích thực nghiệm. Hiểu khoa học theo nghĩa này chúng ta mới thấy vấn đề khởi nguyên của vạn vật thực ra không nằm trong phạm vi nghiên cứu khoa học.
Tại sao vậy? Vì khoa học hay hiểu biết căn cứ vào những cuộc đo lường và phân tích thực nghiệm, nhưng khi nghiên cứu về cuộc khởi nguyên của vũ trụ hay của đời sống, hoặc là các loại đời sống, người ta không thể nào thực hiện được những cuộc đo lường hay phân tích thực nghiệm, vì vậy khoa học không thể nào cho chúng ta biết gì về nguồn gốc của vũ trụ hay sự sống.
Tuy nhiên chúng ta có thể quan sát, nhận xét về những sự vật đang hiện hữu và lập những cuộc thí nghiệm để giúp chúng ta hiểu rõ được tiến trình tự nhiên của các sự vật ấy ngay bây giờ. Đây mới chính là phạm vi nghiên cứu của các ngành khoa học miêu tả và khoa học thực nghiệm. Căn cứ vào những cuộc quan sát và thí nghiệm này chúng ta mới có thể đi đến những giả thuyết để giải thích những hiện tượng mà mình quan sát được. Khi nghiên cứu về khởi nguyên của vạn vật thì người ta không thể nào theo đúng phương pháp khoa học mà đưa ra các giả thuyết được.
Thuyết Tiến Hóa hay Thuyết Sáng Tạo đều không thể nào lấy khoa học mà minh chứng được.
Chúng ta sẽ xét đến những bằng chứng của Thuyết Tiến Hóa khi so với Thuyết Sáng Tạo.
Trong phần thứ nhất chúng ta đã nói đến cái gọi là 10 bằng chứng của Thuyết Tiến Hóa. Năm bằng chứng đầu tiên đặt cơ sở trên sự tương cận của những loại thực vật và sinh vật khác nhau. Những đặc điểm tương cận này được người ta cho là bằng cớ của Thuyết Tiến Hóa,về tộc họ của cây cũng như của sinh vật.
Trong Thuyết Sáng Tạo, căn cứ vào Kinh Thánh, người ta giải thích rằng những cây cỏ và sinh vật sở dĩ có những điểm tương cận là vì chúng đều do một Đấng Sáng Tạo mà ra, và như vậy chúng chứng minh rằng có cuộc sáng tạo đặc biệt đối với mỗi giống loại.
Thực ra khi khảo sát những bằng cớ, người ta thấy rõ rằng giải thích theo Thuyết Tiến Hóa gặp phải nhiều mâu thuẫn. Có những giả thuyết trong giả thuyết, và người ta phải áp dụng cái gọi là những bước nhẩy vọt tin tưởng để giải thích những dữ kiện.
Trong khi đó thì Thuyết Sáng Tạo rất giản dị và đi ngay vào vấn đề, người ta chỉ cần có lòng tin vào một Đấng quyền năng và mặc khải của Ngài là có thể giải thích một cách rất dễ dàng các sự kiện thu nhặt được.
Thí dụ như xét về các bằng chứng xếp loại các hình thức sinh vật thành ra các họ, nhóm, thế hệ, chủng loại và thứ tự. Theo các nhà tiến hóa thì dữ kiện về chủng loại này chứng minh rằng có sự tiến hóa. Nghĩa là tất cả các sinh vật đều do một tổ tiên chung mà ra.
Nhưng nếu như vậy tại sao còn có chủng loại khác nhau? Các sinh vật đều phải có những phần tổng quát giống nhau chứ? Như tất cả các sinh vật đều phải có thể phân tách thành ra những động vật nguyên sinh một tế bào protozoa, và động vật nguyên sinh đa tế bào mới phải chứ? Tại sao không thấy có sinh vật nào chỉ cấu tạo bởi hai hoặc ba tế bào mà thôi? Tại sao có nhiều loại chó và nhiều loại mèo, nhưng không thấy có con vật nào đứng giữa chó và mèo cả? Nếu khỉ tiến hóa ra người thì tại sao không thấy sinh vật nào giữa loài khỉ và loài người? Nếu khỉ tiến hóa thành người thì tại sao vẫn còn loài khỉ, còn loài người sẽ tiến hóa ra loài gì? Hiển nhiên là giữa các tộc họ sinh vật có những khoảng cách khác biệt thật là rõ rệt.
Các bằng chứng do từ Sinh Lý và Giải Phẫu học thì sao? Theo Thuyết Sáng Tạo thì sinh vật có các điểm tương tự là chuyện hợp lý, những điểm tương tự này gia tăng khi các sinh vật sống trong những hoàn cảnh giống nhau.
Một điều ta cần phải nhận ra ngay là: Nếu Thuyết Tiến Hóa đúng, thì tại sao lại có nhiều dị biệt giữa các sinh vật như vậy? Vì nếu cho rằng tất cả sinh vật đều do từ một tế bào nguyên thủy mà ra, và nếu tất cả các hình thức sống đều cùng ở trên mặt đất với cùng những điều kiện như nhau, thì làm sao giải thích được khác biệt rõ rệt giữa những loại thực vật và sinh vật trong thế giới ngày nay? Chúng phải có những điểm chung về sinh lý và cấu trúc chứ?
Khi xét về các bằng chứng trong khoa Phôi Thai Học, người ta thấy rằng có nhiều khác biệt giữa các sinh vật, vì mặc dù tế bào sống nào cũng có DNA là yếu tố di truyền căn bản, tín hiệu di truyền của mỗi chủng loại đã được mã hóa thật là đặc biệt trong cấu trúc của các phân tử DNA riêng của nó, đến nỗi chỉ có loại cấu trúc đã có mặt trong sinh vật cha mẹ mới có thể truyền sang con cái được mà thôi. Nói khác đi, cấu trúc di truyền của tế bào mầm của mỗi sinh vật, chỉ có sinh vật ấy mới có, và không có yếu tố nào có thể truyền qua cho thế hệ sau nếu yếu tố đó không có trong sinh vật cha mẹ của nó. Trong mỗi tế bào mầm có rất nhiều gien hay là phân tử DNA, các gien này có thể được sắp xếp theo nhiều cách để có thể phát sinh ra những cá thể khác nhau thuộc về một loại cây hay sinh vật đó mà thôi. Nghĩa là không có một yếu tố nào mới được thêm vào quá trình sinh sản cả. Đúng như Sáng Thế Ký chương thứ nhất đã ghi nhiều lần: Cây cỏ, sinh vật sinh sản tùy theo loại của nó. Nghĩa là nó không thể sinh ra loại khác được.
Bốn bằng chứng về Thuyết Tiến Hóa trong các môn phân bố địa dư, bằng chứng trong các cơ phận mang tính chất dấu vết, bằng chứng về sự đột biến đều nhằm vào những thay đổi trong các chủng loại đặc biệt. Những thay đổi này liên quan đến sự biệt lập về địa dư, cơ phận không sử dụng đến, kỹ thuật sinh sản nhân tạo và sự khác biệt tự nhiên trong cấu trúc di truyền. Dĩ nhiên là những thay đổi đó có xẩy ra trong giới sinh vật, tuy nhiên người ta phải nhận rằng thay đổi có giới hạn, và đến một mức nào đó thì thay đổi không phát hiện nữa.
Khi nghiên cứu thật sát về những thay đổi trong cơ phận sinh vật, người ta thấy có hai loại căn bản: Dị biệt và Đột biến.
Thay đổi dị biệt là những thay đổi thông thường xẩy ra trong những chủng loại căn bản.
Thí dụ như không có hai người nào hoàn toàn giống nhau, mặc dù sinh ra từ cùng một cha, một mẹ. Hệ thống di truyền cho phép những khác biệt như: màu mắt, chiều cao, hình thái xương sọ v.v. Nhưng dù có các điểm khác nhau như vậy, hai người ấy vẫn là người, không thể nào một người là người còn người kia là khỉ được. Những đặc tính này là theo đúng định luật Mandel về di truyền. Trong đời này có nhiều giống người, có thể có những giống người mới phát sinh nữa, nhưng những khác biệt vẫn là trong căn bản con người, chứ không đổi sang một giống vật nào khác.
Cũng có khi những đặc tính hoàn toàn khác đối với một loại sinh vật, nghĩa là ngoài tầm thay đổi thông thường của loại sinh vật đó. Hiện tượng này gọi là đột biến.
Đột biến là sự biến đổi đột nhiên xảy ra trong dòng dõi một cá thể và có thể di truyền được.
Người ta cho hiện tượng này rất quan trọng trong sinh học. Thực ra các nhà theo Thuyết Tiến Hóa tin rằng đột biến đã được bảo vệ bằng sự tuyển chọn tự nhiên, tranh đấu để sinh tồn, cung cấp cơ cấu căn bản cho công cuộc tiến hóa. Đây chính là lý thuyết Darwin mới, nhấn mạnh vào tập thể chất sống chứ không phải lẻ tẻ cá nhân.
Sự đột biến thực sự có xẩy ra và cũng di truyền nữa, với các đặc tính khác lạ. Cũng có thể lắm là một đặc tính đột biến nào đó thích hợp với sinh vật hơn, vì cũng có thể ứng phó với hoàn cảnh sống trong cuộc tranh đấu để sinh tồn, và sau nhiều thế hệ các cuộc đột biến này do tuyển chọn tự nhiên phát sinh ra một cơ phận mới.
Tuy nhiên vẫn có hai điểm khó giải liên quan đến lý thuyết đột biến:
Những cuộc đột biến quan sát được tương đối nhỏ và không có ý nghĩa gì lắm. Khi tập họp hằng triệu đột biến nhỏ lại thì một cây hay một con vật có thể biến thành cây hay con vật khác. Điểm không giải quyết được là mặc dù quá trình đột biến có thời gian không hạn định, mỗi một cơ phận hoạt động riêng với bao nhiêu yếu tố khác nhau trong cấu trúc của nó, làm sao có thể có cuộc đột biến chậm chạp và phức tạp trong từng yếu tố nhỏ bé của toàn thể cấu trúc đó?
Thí dụ như con mắt, trái tim, lá gan chẳng hạn. Trước khi chúng trở thành con mắt, trái tim và lá gan thì chúng là những cơ phận nào và có giá trị sinh tồn nào không? Những cơ phận ấy sẽ hoàn toàn vô dụng nếu chúng không được phát triển ngay và hoạt động đúng chức năng ngay từ khi hình thành. Không ai có thể nói rằng trước khi đôi mắt nhìn thấy sự vật, nó là một cơ phận nào đó trong cơ thể và cơ thể không cần đến.
Điểm khó thứ hai là: Tất cả những cuộc đột biến quan sát được đều rất có hại cho sinh vật kinh nghiệm chúng. Thật ra những cuộc đột biến có lợi cho sinh vật khó mà quan sát được.
Đột biến là một sự thay đổi ngẫu nhiên trong một hệ thống tổ chức rất tinh vi. Sự thay đổi ấy do một yếu tố đột nhập vào hệ thống. Yếu tố ấy có thể là phóng xạ, các hóa chất mạnh, hay là những cuộc xáo trộn về vật chất nào đó. Khi hệ thống di truyền bị xáo trộn như vậy, nó tự nhiên gây ảnh hưởng đối với sinh vật, và ảnh hưởng này gần như lúc nào cũng tác hại. Cuộc đột biến ngẫu nhiên nào trong một hệ thống cấu trúc tinh vi không hi vọng thay đổi được gì trong hoạt động của hệ thống đó.
Nói khác đi, mặc dù có đột biến đi chăng nữa, nghĩa là sinh vật chịu đột biến có thể thích ứng với hoàn cảnh sống hơn là cha mẹ nó, thì có thể chỉ một trong hằng triệu sinh vật loại ấy cần thiết phải biến sang một loại khác mà thôi.
Các nhà tiến hóa cũng thấy khó khăn này nên đưa ra lý thuyết là có một loại đột biến lớn. Nghĩa là con mắt được đột biến một lần là trở thành con mắt ngay, chứ không qua nhiều giai đoạn chuyển biến. Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết, trên thực tế chưa bao giờ người ta quan sát được một cuộc đột biến nào cả.
Sa 1:21,22 ghi rằng: Đức Chúa Trời tạo nên các loài cá lớn, các vật sống hay động nhờ nước mà sinh ra nhiều tùy theo loại, và các loại chim bay tùy theo loại. Câu 24,25 thêm: Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sinh các vật sống tùy theo loại, tức súc vật, côn trùng và thú rừng, đều tùy theo loại, thì có như vậy. Đức Chúa Trời làm nên các loài thú rừng tuỳ theo loại, súc vật tùy theo loại, các côn trùng trên đất tùy theo loại.
Nếu để ý ta sẽ thấy những chữ Tùy Theo Loại được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bốn câu Kinh-thánh kể trên. Cụm từ này không thể bỏ qua được, vì Chúa đã tạo dựng nên vạn vật Tuỳ Theo Loại. Nghĩa là không có loại nào biến sang loại kia, và mỗi loại hoàn toàn riêng biệt. Dù có đột biến đi chăng nữa cũng không thể nào thay đổi chủng loại được. Tất cả đều được tạo dựng ngay từ ban đầu tùy theo từng loại, loại này khác hẳn loại kia và đặc thù đối với loại khác.
Câu Hỏi:
1. Vấn đề khởi nguyên có nằm trong nghiên cứu Khoa Học không? Tại sao?
2. Tiến Hóa có phải là một khoa học không?
3. Đột Biến là gì? Tại sao lý thuyết đột biến không chứng minh được?
4. Cụm từ “Tùy theo loại” trong Sa 1:21,24,25 có nghĩa gì?
Trong các chương trước chúng ta có dịp nói đến mười bằng cớ chứng minh Thuyết Tiến Hóa, trong đó có năm bằng cớ liên quan đến những điểm tương cận trong sinh lý và cấu trúc của sinh vật. Năm bằng cớ này nếu giải thích theo Thuyết Sáng Tạo thì rất dễ hiểu, vì vạn vật đều do một Đấng Sáng Tạo chứ không tự biến hóa. Bốn bằng chứng khác liên quan đến những biến đổi về sinh học. Bằng chứng cuối cùng rút ra từ môn cổ Sinh Vật Học.
Cổ Sinh Vật Học là môn nghiên cứu về những hình thức sống đã hóa thành đá, bị chôn vùi dưới những lớp đất sâu. Bằng chứng từ những sinh vật hóa thạch khác hẳn các bằng chứng đã kể, vì có mục đích chứng minh lịch sử tiến hóa hơn là chỉ trình bày về kết quả hay là cơ cấu tiến hóa. Thực ra các nhà chủ trương tiến hóa vẫn thường tuyên bố rằng, mặc dù chúng ta không thể hiểu chức năng của cuộc tiến hóa, nhưng bằng cớ lịch sử của tiến hóa nằm trong sinh vật hóa thạch.
Muốn nói đến môn Cổ Sinh Vật Học hay là sinh vật hóa thạch, người ta phải bàn đến các nguyên đại địa chất.
Khoa địa chất chủ yếu nghiên cứu cấu trúc của hình thái và hóa chất của vỏ trái đất. Nghiên cứu về những sức mạnh cũng như những quá trình đã tác động trên vỏ trái đất, cũng như lịch sử phát triển của trái đất từ ban đầu cho đến hiện đại. Hầu hết các nhà địa chất đều quyết đóan rằng trái đất đã có từ lâu đời, có thể là lâu đến hằng tỉ năm. 80% thời gian này được coi là chưa có đời sống hữu cơ nào cả, bằng chứng là hiện nay còn có những loại đá kết tinh mà nhà tiến hóa gọi là nền phức hợp.
Chất sống sơ khai được coi là đã tiến hóa từ những chất hóa phức hợp trong đại dương sơ khai, khoảng một tỉ năm trở lại đây hay lâu hơn. Những lớp đá trầm tích xếp trên mặt những nền phức hợp đó có chứa những hình thức cây cỏ và sinh vật hóa thạch, các sinh vật này đã tiến hóa từ chất sống sơ khai. Nơi tích lũy những đá trầm tích trong đó chứa đựng những sinh vật hóa thạch thì gọi là cột địa chất.
Cột địa chất được chia thành nhiều phần tùy theo nguyên đại địa chất. Các phần chính là: Đại Cổ Sinh, Đại Trung Sinh và Cận Đại Sinh.
Mỗi nguyên đại này còn được chia ra nhiều thời kỳ nhỏ khác, nhưng tổng quát thì:
Đại Cổ Sinh là nguyên đại của sinh vật ở biển và động vật lưỡng cư.
Đại Trung Sinh là nguyên đại của loài bò sát.
Còn Cận Đại Sinh là nguyên đại của loài chim và loài có vú.
Khi chia ra như vậy, người ta cho rằng nguyên đại xa xưa nhất xuất hiện những sinh vật tương đối đơn giản, rồi dần dần đến những sinh vật tiến bộ hơn, và cuối cùng là các hình thức phát triển cao nhất. Các diễn tiến này chứng tỏ rằng cuộc tiến hóa thực dự có xẩy ra, mặc dù con người không hiểu nó xẩy ra như thế nào.
Đó là nói theo Thuyết Tiến Hóa. Bây giờ chúng ta xem thử lý luận như vậy đúng hay sai.
Phải nói ngay rằng bằng chứng tiến hóa dựa vào khoa Cổ Sinh Vật Học có hai điều mâu thuẫn chính:
Mặc dù cho rằng các nguyên đại địa chất thực sự xẩy ra như người ta trình bầy, chúng ta vẫn thấy có những khoảng cách căn bản giữa các loài sinh vật. Nghĩa là người ta vẫn không thấy một loại sinh vật nào trung gian giữa những sinh vật thuộc Đại Cổ Sinh và Đại Trung Sinh. Hay nói rõ hơn là giữa những con chó và những con mèo không thấy có con vật nào trung gian cả. Giữa con ngựa và con voi cũng không thấy con vật nào trung gian chuyển tiếp tiến hóa. Dĩ nhiên là người ta có tìm được những con vật đã tuyệt chủng như loài khủng long chẳng hạn.
Tất cả những trật tự, những lớp, những loại sinh vật thấy xuât hiện đột ngột trong các lớp hóa thạch không có gì chứng tỏ rằng chúng tiến hóa từ hình thức nào cả. Có vô số những móc xích gọi là của cuộc tiến hóa sinh vật đã không bao giờ tìm thấy trong lớp hóa thạch.
Như vậy, tóm lại, các lớp hóa thạch chứng minh rằng có nhiều loại sinh vật thấy xuất hiện trong những thời đại khác nhau của trái đất, nhưng các loại ấy không có bằng chứng nào là đã tiến hóa từ loại này sang loại khác.
Nếu thật sự có cuộc tiến hóa thì sẽ phải có vô số các bằng chứng sinh vật được tiến hóa trong các quá trình ngay cả trên mặt đất ngày nay lẫn trong những lớp sinh vật hóa thạch cũng như trong sinh vật hiện đang còn sống.
Điều mâu thuẫn thứ hai liên quan đến bằng cớ tiến hóa căn cứ vào sinh vật hóa thạch là: ngay cơ cấu của các nguyên đại địa chất cũng đặt căn bản trên giả thuyết là có cuộc tiến hóa.
Các lớp đá trên mặt đất không có gì để định niên đại địa chất của nó. Các nhà địa chất không căn cứ vào đâu mà bảo rằng tảng đá này lâu đời hơn tảng đá kia được.
Các nhà địa chất định tuổi của đá bằng cách so với sinh vật hóa thạch nằm trong tảng đá đó. Nếu sinh vật hóa thạch là loại biển đơn giản thì người ta bảo rằng tảng đá đó thuộc về nguyên đại Đại Cổ Sinh; nếu trong tảng đá có vết tích loại sinh vật có vú thì tảng đá ấy thuộc về Cận Đại Sinh.
Tất nhiên cũng có những yếu tố khác để định tuổi đá như là đặc tính của đá, các lớp đá v.v., nhưng người ta vẫn cho rằng sinh vật hóa thạch định tuổi đá xác đáng hơn.
Nếu chứng minh tiến hóa bằng sinh vật hóa thạch rồi lại định tuổi đá bằng sinh vật hóa thạch thì đúng là một cuộc lý luận vòng vo. Vì cuộc tiến hóa được coi như là đặt căn bản trêncột địa chất, nghĩa là hệ thống các lớp đá chồng chất lên nhau trên mỗi miền địa cầu. Khi đã thiết lập được cột địa chất xong, với các nguyên đại địa chất rõ rệt, người ta cho rằng đã hoàn thành một bằng chứng cụ thể với những sự kiện lịch sử của một cuộc tiến hóa.
Thực ra nếu được như vậy thì tốt, nghĩa là nếu một phần nhỏ của cột địa chất tìm thấy ở mỗi địa điểm luôn luôn phù hợp với cột địa chất tổng quát. Chúng ta phải nói ngay rằng toàn thể cột địa chất dày vào khoảng vài trăm cây số, trong khi đó lớp vỏ trầm tích ở bất cứ địa điểm nào trên mặt đất cũng chỉ là một phần thật mỏng so với cột địa chất này. Hằng trăm địa điểm được gọi là Đại Cổ Sinh, nghĩa là lâu đời nhất vì có chứa các sinh vật hóa thạch sơ đẳng, được tìm thấy ngay bên cạnh những thành phần đá gọi là trẻ hơn, nghĩa là chứa các sinh vật hóa thạch gần với hiện đại hơn.
Hơn thế nữa, các thành phần đá bất thường như vậy thường quan hệ với nhau theo chiều ngang và không thấy có dấu vết bị xáo trộn. Quan sát khắp nơi người ta thấy dường như các lớp đá này đã được thành lập như vậy. Nếu phải giải thích tại sao các lớp đá thuộc nguyên đại cổ xưa lại nằm trên lớp đá mới, thì người ta nói rằng đất đã trải qua một cuộc xáo trộn làm lật ngược những tầng đá bên dưới lên trên. Nhưng giả thuyết này không ai lấy gì chứng minh được.
Chúng ta vừa vạch rõ rằng bằng chứng tiến hóa căn cứ vào Cổ Sinh Vật Học rất đáng nghi ngờ. Vì không những sự tương hợp của các sinh vật hóa thạch trình bầy theo tiêu chuẩn các nguyên đại địa chất đã không chứng minh được cuộc tiến hóa, vì còn vô số những khoảng cách giữa các sinh vật hóa thạch này, ngoài ra ngay sự hiện hữu của các nguyên đại địa chất cũng khiến người ta nghi ngờ, vì chính giả thuyết rằng có cuộc tiến hóa đã tạo ra chúng.
Câu hỏi ta có thể đặt ra là: Nếu sinh vật hóa thạch không nói lên lịch sử tiến hóa trên mặt đất, thì nó chứng minh điều gì?
Nếu trái đất quả thực đã có từ năm tỉ năm trước đây như nhà tiến hóa chủ trương và những tảng đá có chứa sinh vật hóa thạch có lẽ đã có từ một tỉ năm thì chắc chắn cũng có đủ thời gian cho cuộc tiến hóa chứ? Nhưng nếu mỗi sinh vật không do tiến hóa mà được tạo nên riêng rẽ tùy theo loại, thì tại sao Đấng Sáng Tạo để cho quá trình sáng tạo kéo dài như vậy, trong khi loài người dường như chỉ là được sáng tạo phụ thêm vào cái khung cảnh vũ trụ đã có sẵn mà thôi?
Chúng ta được nhà khoa học xác định rằng tuổi của đá mà họ ấn định chỉ là tuổi tương đối, và định bằng những lớp sinh vật hóa thạch chứa trong cách tảng đá đó. Lớp sinh vật hóa thạch cũng không có gì xác đáng để định tuổi cả, mà chỉ theo giả thuyết là có cuộc tiến hóa mà ướctính như thế. Nếu vậy thì ngay tuổi của trái đất cũng chỉ được người ta ước đoán và rất mơ hồ.
Nếu trái đất thật sự đã có lâu đời, nghĩa là mấy tỉ năm, thì vỏ trái đất phải đồng nhất. Nghĩa là chiều dày của vỏ trái đất phải đồng nhất. Chiều dày của các lớp đá trầm tích trên vỏ trái đất phải được hình thành dưới những quá trình địa chất như nhau (nghĩa là trong các điều kiện về thời tiết, sự xâm thực, bị nước làm mòn, độ nghiêng lệch v.v). Tuy nhiên Lý Thuyết Đồng Nhất này không chứng minh được, và cũng không có cách nào biết được những quá trình đã trải qua, và không biết có những biến đổi nào. Đây cũng là một Lý Thuyết hoàn toàn giả tưởng mà nhà Tiến Hóa luận ra.
Những thành phần của vỏ trái đất trên thực tế lại có thể giải thích dễ dàng hơn bằng Thuyết Tai Biến. Nghĩa là những trận lụt, núi lửa, những vụ đất sụt và nhiều thiên tai khác đã thực hiện những công trình địa chất nhanh chóng. Không cần phải bao nhiêu nguyên đại lâu dài mới cấu tạo nên hình thể địa chất trên vỏ trái đất. Hơn nữa, cũng có thể lắm là các tai biến địa chất xẩy là thườnghơn và rộng lớn hơn trong quá khứ là khi trái đất còn trẻ.
Một phương diện khác thì chính những tảng đá chứng minh rằng Thuyết Đồng Nhất không đúng. Những vết tích sinh vật hóa thạch trong đá chứng tỏ rằng chúng đã do các tai biến mà nằm trong đá. Những tai biến đã nhanh chóng chôn vùi chúng đến nỗi không kịp chạy trốn. Vì nếu không chúng đã bị thối rữa hay là bị các sinh vật khác ăn mất rồi. Hằng triệu sinh vật hóa thạch nằm trong đá chứng minh hùng hồn rằng đó là do tai biến gây ra chứ không thể giải thích bằng Thuyết Đồng Nhất được.
Một vấn đề khác cần đặt ra là bản chất và con số của những tai biến địa chất. Gần như hầu hết các dân tộc cổ xưa đều có các truyền thuyết về một tai biến địa chất quan trọng từng hủy phá toàn thế giới, chỉ còn sót lại một số người ít oi và sinh vật để duy trì cuộc sống trên mặt đất. Các câu chuyện truyền tụng này thấy ở mọi miền đất và có những chi tiết tương tự, như thế không ngẫu nhiên mà trùng hợp được. Các câu chuyện đó chắc chắn phản ánh một tai biến quan trọng đã làm biến đổi trái đất cho đến tận nền móng.
Các truyền thuyết trong các dân tộc về tai biến quan trọng này đều có một điểm chung là tai biến ấy chính là nước lụt. Một cơn đại hồng thủy đã tàn phá toàn thế giới và đã tạo nên những lớp trầm tích, những cột địa chất trong đó chứa những sinh vật hóa thạch. Nếu không có trận lụt như thế, không thể nào các lớp đá xếp thành từng lớp như ngày nay được.
Trận lụt này Kinh Thánh đã ghi lại đầy đủ chi tiết.
Các lớp đá có chứa những sinh vật hóa thạch phức tạp, nghĩa là thuộc cái gọi là Đại Cổ Sinh được nằm bên trên và các lớp đá có chứa sinh vật hóa thạch đơn giản, nghĩa là thuộc Cận Đại Sinh lại nằm ở dưới , chính là do tai biến đại hồng thủy gây ra.
Trong trận đại hồng thủy này núi lửa đã nổ tung và mặt đất đã đổi thay. Tuy nhiên đa số loài chim và loài có vú cũngnhư loài người không bị chôn vùi nhưng có lẽ đã nổi trên mặt nước rồi bị thối rữa đi.
Sinh vật hóa thạch thực ra không minh chứng lịch sử cuộc tiến hóa qua hằng tỉ năm như các nhà tiến hóa chủ trương. Nhưng sinh vật hóa thạch là bằng chứng về một cuộc phán xét tội ác của một đấng Tạo Hóa Toàn Năng, đã từng trừng phạt toàn thể nhân loại bằng đại hồng thủy. Hơn thế nữa sinh vật hóa thạch cũng âm thầm mời gọi mọi người trên mặt đất ngày nay, nhất là những người đang nghiên cứu địa chất, hãy nhìn vào những tảng đá có chứa sinh vật hóa thạch để nhớ rằng tội ác rồi ra sẽ bị trừng phạt.
Mọi người nên tin nhận Chúa là Tạo Hóa và mời Ngài vào làm chủ đời mình để được lánh xa tội ác và nhất là tránh thoát cuộc diệt vong vô cùng kinh khiếp sẽ xảy ra. Lần này không phải là nước lụt nữa, nhưng là lửa hừng thiêu cháy.
Trên đời này có nhiều lý thuyết chống lại Tạo Hóa, phủ nhận Tạo Hóa, nhưng bạn chỉ cần nhìn vào bàn tay mình, thân xác, tim, óc của mình, bạn phải công nhận rằng nếu không có Đấng Tạo Hóa thì không thể nào giải thích được sự hiện hữu của chính bạn. Đây là lý do ta phải công nhận và tin Chúa.
Câu Hỏi:
1. Định nghĩa Cổ Sinh Vật Học.
2. Điều thiếu sót quan trọng nhất làm cho môn Cổ Sinh Vật Học không chứng minh Thuyết Tiến Hóa được là gì?
3. Bạn có tin Đại Hồng Thủy không? Tại sao?
Trong các phần trước chúng ta đã nói về những nhược điểm cũng như những điều sai lạc khi người ta đưa ra các bằng chứng để chứng minh Thuyết Tiến Hóa, trong phần này chúng ta sẽ nói đến những điều mà nhà khoa học chân chính chứng minh rành rẽ và quả quyết về sự sáng tạo đặc biệt, trái hẳn với Thuyết Tiến Hóa.
Nhiều khoa học gia tin Thuyết Tiến Hóa, nhưng như vậy không có nghĩa là khoa học dạy Thuyết Tiến Hóa. Khoa học gia cũng chỉ là người, nghĩa là cũng sai lầm, mang nhiều tội ác, nhiều thành kiến, ích kỷ và kiêu ngạo, không khác gì ai trong đời. Trong khi ấy khoa học là tri thức, là hiểu biết. Hiểu biết đây không phải là những lý thuyết, những quan niệm, niềm tin hay triết thuyết, nhưng là cái hiểu biết thực tiễn, có thể minh chứng chắc chắn. Đường lối của khoa học là quan sát các dữ kiện, thí nghiệm kiểm chứng các quá trình và chứng minh các quan hệ của các dữ kiện.
Một số các nhà khoa học không nhận niềm tin đặt trên Kinh-thánh, điều đó cũng không lạ gì, vì đa số nhân loại gồm đủ thành phần: nông dân, trí thức v.v., cũng không công nhận Kinh-thánh. Các nhà khoa học không tin không phải vì họ là khoa học gia, nhưng vì bản tính tội ác của con người nói chung là chống lại uy quyền của Chúa.
Tuy nhiên trên thế giới ngày nay cũng vẫn có những nhà khoa học hết lòng tin Chúa và Lời Chúa trong Kinh-thánh. Điều này chứng tỏ rằng không có điều gì trong khoa học bắt buộc người ta phải tin vào Thuyết Tiến Hóa. Trên thế giới có một tổ chức gọi là Hội Nghiên Cứu Công cuộc Sáng Tạo, thành lập vào năm 1963 và ngày nay có hằng nghìn khoa học gia hàng đầu của thế giới tham gia. Trong những thập niên gần đây một số đông các khoa học gia thuộc khối Liên-xô cũ cũng tham gia vào tổ chức này. Những người trong tổ chức này tin rằng Chúa là Đấng Sáng Tạo và tin nhận Chúa Giê-xu là Chúa và Đấng giải cứu họ ra khỏi tội ác. Các khoa học gia trong tổ chức thuộc về đủ các ngành học khác nhau, và qua cuộc nghiên cứu của họ, họ quả quyết rằng cuộc sáng tạo theo Kinh-thánh là hòan toàn chính xác.
Khoa học theo đúng nghĩa là môn học giải thích rõ những quá trình thiên nhiên hiện đang có mặt. Hóa học nghiên cứu về các quá trình của hóa chất.
Sinh học nghiên cứu về các quá trình sinh.
Địa chất học nghiên cứu các quá trình địa.
Trong khi nghiên cứu như vậy, ngươì ta phải theo một kỷ luật, trong lúc quan sát và đo lường các dữ kiện, nhất là việc các dữ kiện ảnh hưởng đến nhau.
Đặc điểm của phương pháp khoa học là sao chép thực nghiệm. Nghĩa là một cuộc thí nghiệm hay đo lường về một quá trình đặc biệt nào đó, nếu được nhắc lại trong cùng một điều kiện, thì sẽ đưa đến cùng một kết quả tương tự. Như vậy thiên nhiên trên căn bản có thể tiên đoán được, có thể mô tả được trong điều kiện là người ta biết và có thể kiểm soát được các yếu tố khác nhau liên quan đến cuộc thí nghiệm.
Có thể nói rằng những quá trình như vậy đã có trong quá khứ và sẽ tiếp tục xảy ra như thế trong tương lai theo đúng các diễn tiến. Tuy nhiên chúng ta không biết chắc như vậy được. Giả thiết về sự đồng nhất nếu thật sự là một nguyên tắc chắc chắn và phổ quát, thì nó sẽ loại bỏ lý thuyết về khởi đầu hay cuối cùng, cũng như các quá trình của trái đất. Nói cách khác là vũ trụ phải ở trong tình trạng gọi là không biến chuyển. Người ta có thể tin vào các giả thuyết này, tuy nhiên các giả thuyết ấy ở ngoài phạm vi của khoa học chân chính. Vì khoa học chân chính chỉ có thể nghiên cứu các quá trình hiện hữu chứ không thể nào nghiên cứu những quá trình thuộc về quá khứ tiền sử hay là một tương lai chưa biết. Sự loại suy vô giới hạn của những quá trình này trong hiện tại, dựa trên căn bản thuyết đồng nhất không có gì hơn giả thuyết về sự sáng tạo đặc biệt trong quá khứ và tận chung trong tương lai. Cả hai vấn đề này đều không thuộc phạm vi khoa học, nhưng lại nằm trong phạm trù đức tin.
Tất cả những quá trình thực tiễn trên trái đất, mặc dù thuộc vật lý, sinh lý, địa lý hay gì đi nữa, cũng có những điểm chung. Tất cả các quá trình đó đều liên quan đến những hiện tượng xẩy ra trong không gian và thời gian, và những hiện tượng này lại liên quan đến hai thực thế rất quan trọng, đó là năng lượng và nội chuyển lực hay entropy.(Tự điển Anh Việt của Viện Ngôn Ngữ Học gọi entropy là tính chất của một hệ thống nhiệt động không có trao đổi năng lượng với môi trường chung quanh.) Nôm na có thể gọi entropy là tình trạng hỗn độn vô trật tự.
Có nhiều loại năng lượng khác nhau, như điện năng, quang năng, âm năng, nhiệt năng v.v. Ngay cả vật chất, căn bản cũng là một hình thức năng lượng. Như vậy tất cả mọi vật trong thế giới hữu hình đều thuộc về một hình thức năng lượng này hay hình thức năng lượng khác, và tất cả đều diễn tiến trên mặt đất trên căn bản chỉ là những cuộc biến đổi năng lượng từ hình thức này sang hình thức khác mà thôi.
Ý niệm tình trạng hỗn độn vô trật tự được dùng để ước lượng sự thiếu hiệu lực của năng lượng trong một hệ thống. Nếu một hệ thống năng lượng có hiệu lực và có thể đổi ra công hữu ích, thì entropy thấp. Nếu năng lượng không có hiệu lực thì entropy cao. Nói cách khác, entropy là sự đo lường một tình trạng rối loạn của một hệ thống. Một hệ thống tổ chức cao, phức tạp, thì entropy kém. Hệ thống nào mà thành phần không tổ chức, vung vãi không theo thể thức nào cả là hệ thống tình trạng rối loạn cao. Một viên gạch trong một tòa nhà có entropy thấp, nhưng sau khi ngôi nhà đổ, những viên gạch vãi tung ra khắp nơi trên đất, thì lúc ấy viên gạch có entropy cao.
Như thế năng lượng bao gồm tất cả các hiện tượng kể cả vật chất. Trong khi đó thì entropy mô tả tình trạng của tất cả mọi sự vật.
Có hai định luật quan trọng trong Nhiệt Động Lực Học, gọi là Định luật thứ nhất và Định luật thứ hai. Định luật thứ nhất là Định luật Bảo Tồn Năng Lượng, phát biểu như sau:
Trong bất cứ hệ thống đóng kín nào, năng lượng không hề được phát sinh hay phá hủy, mặc dù nó có thể trải qua nhiều loại biến đổi.
Định luật thứ hai phát biểu:
Trong bất cứ quá trình nào của một hệ thống đóng kín, entropy tức tình trạng rối loạn phải gia tăng, và vì thế vật chất có khuynh hướng tiến đến chỗ hư hỏng và suy thoái.
Nói khác đi, Định luật thứ nhất xác định rằng: Vì năng lượng không thể được cấu tạo và cũng không bị phá hủy, nên nhiệt lượng được chuyển vào một hệ thống cộng với công được thực hiện trong hệ thống phải đưa đến kết quả là một cuộc gia tăng năng lượng tương xứng bên trong hệ thống ấy.
Định luật thứ hai nói rằng: Tình trạng rối loạn – của một hệ thống không thể nào giảm đi được. Như thế khi một hệ thống riêng lẻ đạt đến tình trạng rối loạn tối đa, thì nó không thể nào biến đổi được nữa: nó đã đạt đến chỗ quân bình. Thiên nhiên có khuynh hướng đến chỗ rối loạn hỗn độn tuyệt điểm. Mọi vật trở thành càng ngày càng vô tổ chức, và năng lượng sẵn có để duy trì các quá trình vật lý của vũ trụ đang suy giảm. Mọi sự việc có khuynh hướng trở thành đơn giản hơn, ngẫu nhiên hơn, rối loạn hơn. Mọi vật cũ mòn đi và vũ trụ đang suy tàn. Nếu định luật thứ nhất là luật bảo tồn năng lượng, thì luật hứ hai là luật tan rã của năng lượng.
Lý Thuyết Tiến Hóa rõ ràng là bị hai định luật kể trên đánh đổ. Vì Thuyết Tiến Hóa dạy rằng: Tất cả mọi vật đều phát nguyên từ những khởi đầu sơ khai, nhờ những quá trình hiện tại, và như thế cuộc sáng tạo đang tiếp nối và vẫn còn tiếp nối. Trong khi đó thì định luật thứ nhất của Nhiệt Động Lực Học nói rằng: Không có gì đang được sáng tạo.
Thuyết Tiến Hóa còn dạy rằng vũ trụ có khuynh hướng cho sự vật càng ngày càng có tổ chức hơn, phức tạp hơn và đặc biệt hơn. Định luật thứ hai của động nhiệt học nói rằng: Vũ trụ đang có khuynh hướng hư hỏng, vô dụng, đổ nát và chết.
Xem như thế Thuyết Tiến Hóa và hai định luật nhiệt động lực học mâu thuẫn nhau.Vì Thuyết Tiến Hóa cho rằng những quá trình hiện tại mà khoa học nghiên cứu là những quá trình đổi mới và hợp nhất. Trong khi đó thì hai định luật nhiệt động lực học nói rằng, những quá trình ấy dựa trên căn bản bảo tồn năng lượng và tan rã năng lượng.
Tóm lại, khoa học trên ý nghĩa chân xác nhất, chỉ có thể nghiên cứu những quá trình hiện tại. tất cả những quá trình này đều xẩy ra trong khuôn khổ hai định luật căn bản về bảo tồn và tan rã hư hỏng. Vì những quá trình này không được cấu tạo và không đồng nhất nên không thể nào cho chúng ta biết được trái đất này đã hình thành như thế nào.
Qua các định luật khoa học này, chúng ta được biết rằng trái đất với tất cả những quá trình và những thành phần, đã được hình thành ở một thời điểm trong quá khứ bằng phép lạ Sáng Tạo, qua những quá trình mà ngày nay không tái diễn được, vì thế nên khoa học không thể nào nghiên cứu được.
Thời gian Sáng Tạo
Vì tất cả các quá trình trên căn bản là đi đến chỗ hư hỏng, tất cả đều quan hệ tới một số những biến đổi từ hình thức này sáng hình thức khác. Khi người ta biết được mức độ hư hỏng của quá trình, và những hậu quả của nó đo lường được, thì trên nguyên tắc có thể tính ra quá trình đã diễn tiến trong bao lâu. Đây là phương thức người ta đã dùng để tính ra ngày tháng của một số sự kiện gọi là lịch sử địa chất của trái đất, và ngay cả tuổi của nó nữa.
Tuy nhiên các định tuổi này có đúng hay không là còn tùy thuộc vào giả thuyết về Tính cách đồng nhất nghĩa là không có một biến đổi nào xảy ra trong mức độ hư hỏng, và không có một sản phẩm hư hỏng. Tuy vậy người ta chắc chắn rằng những mức độ hư hỏng biến đổi rất thường theo hoàn cảnh chung quanh.
Tuy vậy giả thuyết về sự Đồng Nhất vẫn được người ta sử dụng, đưa đến phương pháp đo gọi là carbon phóng xạ. Carbon phóng xạ được thành lập trên thượng từng khí quyển do sự gặp gỡ các tia vũ trụ với các nguyên tử nitrogen. Chất đồng vị phóng xạ carbon này gọi là carbon 14, cùng dạng hóa với carbon 12 là carbon thường, vì vậy mới vào trong mọi phản ứng hóa liên quan đến carbon dioxide trong đời sống sinh thực vật.
Người ta cho rằng trái đất nói chung có một tỉ số quân bình giữa các nguyên tử carbon phóng xạ và carbon thường. Trong chu kỳ đời sống thông thường của một tế bào sống, carbon được nhận vào và thải ra liên tục. Khi tế bào ấy chết đi thì không tiếp nhận phóng xạ carbon nữa. Carbon phóng xạ hiện có cũng dần dần bị hư hỏng đi theo một mức độ và trở thành carbon thường. Như vậy nếu tỉ số carbon phóng xạ và carbon thường được đo lường vào một thời điểm nào đó sau khi chết, sẽ ít hơn số lượng quân bình trong tế bào sống, và căn cứ vào mức độ hư hỏng mà người ta tính được tế bào sống ấy đã chết từ khi nào. (Xin đọc thêm trong phần phụ lục: Phương pháp carbon 14 của Tiến sĩ Phan Như Ngọc.)
Kỹ thuật tính tuổi này được dùng trong nửa thế kỷ nay để ước tính những sự kiện xảy ra trong khoảng 50 nghìn năm trở lại.
Ta để ý đến một số quá trình liên quan đến phương pháp tính tuổi bằng carbon 14. Nguồn gốc của carbon phóng xạ phụ thuộc vào làn phóng xạ vũ trụ trên thượng từng khí quyển và các nguyên tử nitrogen mà làn phóng xạ ấy tác động. Nói như vậy nghĩa là cho rằng điều kiện của khí quyển trái đất lúc nào cũng như hiện nay. Tuy nhiên trong những năm gần đây người ta thu thập được nhiều bằng cớ chứng minh rằng từ trường của trái đất trong quá khứ có thể là khác, và đã xô đẩy hay làm lệch những tia phóng xạ vũ trụ.
Quan trọng hơn cả là bầu khí quyển trong quá khứ có lẽ chứa nhiều hơi nước cũng như khí carbonic hơn hiện tại. Những thứ này đã lọc các tia vũ trụ trước khi chúng hình thành các nguyên tử carbon 14. Nói như thế có nghĩa là có thể lắm tỉ số phóng xạ đối với carbon thường trong quá khứ ít hơn trong hiện tại. Vì thế hoạt động phóng xạ của một tế bào sống có thể chấm dứt sau khi chết nhanh hơn hiện tại. Như vậy tuổi thật và tuổi carbon phóng xạ khác nhau rất nhiều, và có thể không bao giờ biết đích xác được.
Người ta còn nhiều phương pháp định tuổi khác, như phương pháp chì Urani chẳng hạn. Nhưng có thể nói rằng phương pháp định tuổi địa chất nào cũng không vững chắc và có nhiều sai lệch. Vì tất cả các phương pháp đều cố tình quên rằng có thể có những biến đổi trong các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hư hỏng của quá trình.
Nói cho cùng, những cái gọi là niên đại địa chất mà thỉnh thoảng người ta vẫn tuyên bố hay đang trên báo chí là hoàn toàn không tin tưởng được.Vì niên đại địa chất hoàn toàn phụ thuộc vào tính đồng nhất và cuộc tiến hóa, trong khi đó thì các giả thuyết này không đứng vững, vì vậy, niên đại địa chất không có giá trị.
Người tin Chúa nên nhận định rằng, nếu thật sự Chúa muốn cho chúng ta biết điều gì về cuộc sáng tạo, như ngày tháng, quá trình, trật tự, thời gian v.v. thì chính Ngài là Đấng Sáng Tạo đã cho chúng ta biết rồi.
Khoa học không thể cho chúng ta biết những điều này, vì khoa học chỉ có thể nghiên cứu những gì hiện hữu, các quá trình diễn biến hiện hữu, và những gì hiện hữu không phải là quá trình sáng tạo. Con người chúng ta có lẽ không đủ khả năng để hiểu nguồn gốc vũ trụ, và Chúa không mặc khải điều gì mà con người không hiểu. Huyền nhiệm về nguồn gốc của vũ trụ chỉ một mình Chúa biết, và những người tin nhận Chúa một ngày kia cũng tường tận tất cả, đó là khi ta vượt khỏi cuộc đời giới hạn này mà bước vào cõi vĩnh hằng với Chúa.
Câu Hỏi:
1. Tại sao khoa học gia tin Thuyết Tiến Hóa?
2. Phạm vi nghiên cứu chính của Khoa Học là gì?
3. Căn cứ vào hai Định Luật Bảo Tồn Năng Lượng, bạn có thể đi đến kết luận nào?
4. Xin giải thích phương pháp đo tuổi bằng Carbon 14 (C14)?
Con người tiến hóa hay được sáng tạo?
Con người có phải do tiến hóa mà hình thành hay không?
Con người có phải do từ con vật khác sinh ra hay không?
Đây là những câu hỏi rất khó trả lời vì chúng ta không thể nào đi ngược dòng thời gian để mà quan sát cuộc tiến hóa hay sáng tạo con người. Khoa học chỉ cho chúng ta câu trả lời rất sơ sài. Tuy nhiên chúng ta có thể xét những bằng cớ mà khoa học tìm được để rút ra câu trả lời thích hợp.
Hình thể của xương người hóa thạch.
Khi nhìn vào những hình thể xương người hóa thạch, người ta không thể nào xây dựng được một lý thuyết nói rằng con người hiện đại có liên quan với con người sơ khai hay không?
Điều này rất khó vì hình thể không nói lên hết câu chuyện tương quan. Hơn nữa những người xương sọ méo mó bất bình thường lại là những người rất thông minh. Y khoa cho biết rằng có một chứng bệnh trong tuyến yên, gọi là bệnh cực đại, khiến cho người cứ lớn lên mãi. Tay cứ to ra, xương đầu cứ lớn lên, tuy nhiên tính thông minh không bị ảnh hưởng. Người mắc bệnh đó vẫn chỉ là người thường. Nhưng nếu nhìn vào xương của một người như vậy, người ta dám nghĩ rằng đó là người sơ khai, nhưng không phải như vậy. Vì thế chúng ta không thể nào căn cứ vào hình thể của xương sọ mà đoán ra các mối tương quan được.
Trong các sách báo khoa học và ngay cả các sách giáo khoa nữa, người ta in lại những hình ảnh chứng minh rằng con người phát xuất từ loài vật, như vậy có đúng không? Thật ra không thể nào tin vào các hình vẽ trong sách như thế, vì cho đến nay chỉ có bộ xương là tài liệu duy nhất mà khoa học tìm được, rồi người ta cố tưởng tượng ra một cuộc tiến hóa và vẽ nên hình ảnh đó.
Tuy nhiên nếu cứ lấy một cái xương, gọi là của người xưa, hằng triệu năm theo cách nói của nhà khoa học tiến hóa, đem nghiên cứu thật kỹ, người ta sẽ thấy rằng nó chẳng khác gì xương của người trong thời đại chúng ta.
Thí dụ như xương của người Neanderthal chẳng hạn. Người ta cho rằng xương Neanderthal là của người sống trong hang cổ xưa, thủy tổ của loài người. nhưng khi nhìn nghiêng, xương sọ của người Neanderthal giống y hệt xương của một nhân vật nổi danh ở Mỹ là Bá tước La Fayette. Thành ra chỉ căn cứ vào bộ xương để đoán ra rằng con người do tiến hóa mà thành cũng chỉ là phỏng đoán.
Dụng cụ của người tiền sử.
Khoa học tiến hóa cũng nói rằng có thể căn cứ vào một thứ dụng cụ mà đoán ra rằng người sử dụng là người sơ khai hay người thời đại này. Dụng cụ thường là bằng cớ rất tốt, nhưng người ta vẫn không thể nào định rõ được là người thời đại nào đã làm nên thứ dụng cụ tìm được. Thí dụ như trong rừng sâu châu Phi, bác sĩ Louis Leaky tìm được những dụng cụ chôn sâu ở Olduvai Gorge. Ông ta cho rằng giống người Zinjanthropus đã làm ra. Nhưng đến các năm 1960 nhà khoa học này tìm ra được một người khác mà ông đặt tên là Homo Habilis, ông cho rằng người Homo Habilis mới chính là người làm ra dụng cụ tìm được, và người Zinjanthropus không phải là thủy tổ loài người. Như vậy chứng tỏ rằng dụng cụ không thể nói cho biết ai là người chế tạo ra nó.
Tiếng nói của con người
Người ta có thể xét đến tiếng nói của con người và nhận thấy rằng loài người hoàn toàn khác hẳn với bất cứ loài vật nào. Nhà nghiên cứu về tế bào não người Anh tên là McDonald Critchly nói rằng: “Người ta đặt giả thuyết là những khác biệt giữa người và con vật về cấu trúc và nhiệm vụ chỉ là vấn đề mức độ tiến hóa mà thôi. Nếu giả thuyết này đứng vững thì người ta phải nhận rằng lối truyền thông của loài vật đã tiến dần đến khả năng nói năng của người.”
Các nhà ngôn ngữ học đã cực lực phản đối giả thuyết này, vì không phải chỉ liên quan đến ngôn ngữ mà thôi. Nếu người ta tin rằng có việc tiến hóa trong khả năng nói, thì phải nhận rằng có một cuộc đột biến rất lớn giữa người hình vượn và con người đầu tiên là Homo Sapien. Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm được móc xích truyền thông đã mất giữa loài vật và loài người.
Theo nhà khoa học người Anh này, thì nếu tin vào Thuyết Tiến Hóa tức là tin rằng có một cuộc nhẩy vọt rất lớn giữa con vật và con người biết nói. Tiếng nói là dấu hiệu đặc biệt của loài người. Hơn nữa khi nhìn vào một bộ xương, nhà khoa học không thể nào nói rằng bộ xương ấy có khả năng nói như thế nào.
Những lớp sinh vật hóa thạch gọi là fossil.
Theo nguyên tắc nghiên cứu fossil thì lớp ở dưới phải xưa hơn lớp ở trên. Tuy nhiên người ta thấy rằng có những bộ xương được coi như xưa nhất, lại tìm thấy ở bên trên, còn xương gần với người hiện đại lại ở dưới sâu. Một nhà khoa học đã nói rằng các lớp thạch hóa có xương người chỉ tiêu biểu cho một loại người mà thôi. Như thế những bộ xương trông hơi giống người thì sao? Người ta có thể giải thích bằng hai cách:
Những xương đó có thể là của loài vật, không phải người. Nếu chúng còn sống chắc chắn là phải cho vào chuồng nhốt lại. Chúng có thể giống người nhưng không phải là người và đã tuyệt chủng.
Cũng có thể lắm một số những xương này là của những người thuộc trong dòng giống A-đam và Ê-va. Những người ấy cũng có thể có các hình thể xương khác nhau, nhưng rồi tuyệt chủng sau cơn đại hồng thủy thời ông Nô-ê. Kinh Thánh giải quyết rất dễ dàng vấn đề các móc xích này, đó là chủ trương rằng không làm gì có các móc xích đó.
Sáng tạo tiến hóa.
Có nhiều người muốn tin lời Kinh Thánh về việc Chúa tạo dựng nên con người, nhưng lại muốn phối hợp với ý niệm tiến hóa, vì thế nên mới có chủ thuyết gọi là Sáng Tạo Tiến Hóa. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng Sáng Tạo Tiến Hóa cũng gặp phải những nan đề chung như Thuyết Tiến Hóa thường. Vì người ta vẫn thấy khó định ra bộ xương thạch hóa nào là của người sơ khai, bộ xương nào là của người về sau. Hơn nữa khi xét về thạch hóa, người ta thấy rằng con người hoàn toàn khác với con vật.
Người nào tin Kinh Thánh là tin vào sự sáng tạo đặc biệt của Đức Chúa Trời, và như thế không thể nào chấp nhận Thuyết Tiến Hóa, mặc dù thuyết ấy ngụy trang dưới hình thức Sáng Tạo Tiến Hóa chăng nữa. Thật ra không làm gì có loại tiến hóa như thế.
Ví dụ như Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên 2:7 cho biết rằng A-đam được tạo nên bằng bụi đất. Nghĩa là Chúa lấy bụi đất nắn nên hình người. Không có chuyện bụi đất tiến hóa thành thứ gì đó rồi sau mối thành ra người. Chữ bụi đất đây phải hiểu theo nghĩa đen, là vì Kinh Thánh ghi rằng khi chết đi, loài người lại trở về bụi đất, là nơi người phát sinh ra. Loài ngươi không thể thoái hóa thành bụi đất, nhưng khi chết thì tàn tạ trong bụi đất.
Nhà Bác Học Louis Pasteur và Thuyết Phát Sinh Tự Nhiên.
Louis Pasteur (1822 – 1895) là người đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời nên quyết tâm đả phá Thuyết Phát Sinh Tự Nhiên (hay Thuyết Tiến Hóa) Louis Pasteur từng phát biểu:
“Tại sao vấn đề Phát Sinh Tự Nhiên trở thành quan trọng? Là vì nó liên quan đến nguyên nhân của sự sống. Nói rằng mọi sinh vật đều do phát sinh tự nhiên tức là tạo ra một con vi trùng, tạo ra sựi sống, là giải quyết vấn đề nguyên nhân của sự sống. Nghĩa là khởi đầu từ vật chất, qua những điều kiện và hoàn cảnh, mà sang đến sự sống. Như vậy là coi Thượng Đế, Đấng tạo ra sự sống không cần thiết nữa. Vật chất có thể thay thế Thượng Đế, và Thượng Đế trở thành Đấng chỉ tạo nên những chuyển động trong thế giới và vũ trụ mà thôi.”
Louis Pasteur quả quyết rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên đủ loại sinh vật và chính sự sống. Khi được mời ra trước công chúng để trình bầy về các thí nghiệmcủa ông, Pasteur đã nói:
“Thưa quý vị, tôi có thể chỉ vào chất nước kia và nói với quý vị rằng, tôi đã lấy hạt nước từ trong vũ trụ bao la này, giọt nước ấy chứa đựng tất cả những yếu tố thích hợp cho sự phát triển của những loại vi trùng. Tôi vừa quan sát vừa chờ đợi, tôi nài nỉ nó tái diễn cho tôi cảnh sáng tạo đầu tiên, nhưng giọt nước vẫn câm nín, câm nín từ mấy năm nay, câm nín là vì tôi đã ngăn nó với một thứ mà con người không chế tạo ra được, đó là con vi trùng bay trong không khí, tức là sự sống. Vì sự sống là một con vi trùng, và vi trùng chính là sự sống. Lý Thuyết Tự Phát Sinh không thể nào sống lại được nữa sau cuộc thí nghiệm này.”
Đúng như lời Louis Pasteur đã nói, ngày nay các nhà sinh học đã bỏ Thuyết Phát Sinh Tự Nhiên.
Tuy nhiên các nhà chủ trương tiến hóa muốn mọi người trở về với Lý Thuyết Phát SinhTự Nhiên. Những người này bảo rằng phải tin vào một sự phát sinh tự nhiên ở vùng biển nào đó trong một thời gian hàng triệu năm xa xưa. Nhà tiến hóa người Nga Alexander Oparin bảo rằng sự sống là hiện tượng có ngay trong vật chất. Chất nước xúp đầu tiên là nguồn gốc của sự sống. Nói như thế tức là hoàn toàn công nhận Thuyết Tự Phát Sinh mà nhà bác học Pasteur đã chứng minh là không bao giờ có. Những ống nghiệm của Pasteur còn để tại Pháp chứng minh phát sinh tự nhiên là chuyện không tưởng. Pasteur giản dị tin rằng Thượng Đế đã tạo nên sự sống và khiến mọi giống loại sinh con, đẻ trứng tùy theo loại, và đó là một niềm tin dựa trên thí nghiệm khoa học hẳn hoi.
Tưởng cũng nên đi sâu vào công trình nghiên cứu của Pasteur để thấy rằng không phải ai cũng tin Thuyết Tiến Hóa hay Tự Phát Sinh cả đâu.
Cái tên Louis Pasteur nối liền với phương pháp tẩy trùng mà người ta đang sử dụng khắp thế giới ngày nay. Chính Pasteur đã khám phá ra rằng: Nước canh khi đem đun nóng lên ở nhiệt độ chỉ trung bình thôi cũng đủ làm cho vi trùng chết đi, nếu không nước canh sẽ bị chúng làm cho thiu đi. Phương pháp khử trùng này gọi là pasteuriser hay theo tiếng Anh là pasteurize .
Trước khi Pasteur nổi danh, nhiều người cho rằng bệnh tật phát sinh là do sự bất cân xứng giữa những chất dịch trong thân thể như máu, đờm và mật. Vì vậy các bác sĩ ngày xưa hay có lối chích máu ra cho lành bệnh.
Louis Pasteur chứng minh rằng bệnh tật thường phát sinh từ những vi trùng xâm nhập vào thân xác con người và tạo ra tình trạng bệnh. Chính Pasteur là người sáng chế ra thuốc chủng ngừa bệnh chó dại và các thứ bệnh dại khác do súc vật gây ra.
Tuy nhiên đóng góp quý giá nhất của Pasteur vào khoa học là cho loài người ý niệm mới về khoa sinh học. Trước thời Pasteur nhiều người tin rằng sự sống ngẫu nhiên xuất phát từ vật chất. Chẳng hạn như tin rằng nước ao có thể tự nhiên sinh ra ếch nhái, hay giẻ rách và thóc lúa trong góc nhà làm phát sinh ra chuột, hoặc thịt để ngoài trời sinh ra ruồi.
Các khoa học gia đã cố giải thích rằng nếu một giống vật không có con bố và con mẹ, thì không thể nào phát sinh ra con con được. Có người còn tin rằng vi khuẩn tự phát sinh.
Pasteur đã làm thí nghiệm sau đây để minh chứng rằng không làm gì có hiện tượng tự phát sinh:
Ông đun sôi nước canh thịt trong một cái chai và sau đó hàn thật kín nút chai lại, vi khuẩn không phát sinh ra trong nước canh thịt đã đun sôi đó và nước vẫn trong. Những người chủ trương phát sinh tự nhiên nói rằng vì Pasteur không cho không khí vào trong chai nên vi khuẩn mới chết, nếu cho không khí vào, vi khuẩn sẽ sống. Pasteur lại phải chứng minh lần thứ hai bằng cách đun nước canh sôi để khử trùng rồi đưa nước canh đó ra chỗ không khí trong sạch. Ông dùng một ống nghiệm hình chữ S. Không khí có thể vào trong ống nhưng bụi ô nhiễm không vào được vì chỗ cong của ống. Chất nước canh vẫn trong. Những ống nghiệm mà Pasteur sử dụng hiện vẫn còn để tại viện Pasteur ở Paris ngày nay và chất nước canh đã đun sôi vẫn không bị vi khuẩn làm đục lên. Pasteur chỉ muốn chứng minh rằng, sự sống phải phát nguyên từ sự sống. Nước canh đun sôi tức là không còn vi khuẩn trong đó, nếu để ra ngoài khôngkhí có vi khuẩn thì nó mới thiu đi được, còn đậy kín, thì mãi mãi nước canh đó vẫn không hư.
Câu Hỏi:
1. Móc xích di truyền đã mất chứng minh điều gì?
2. Sáng Tạo và Tiến Hóa có dung hợp được không? Tại sao?
3. Thí nghiệm của Pasteur chứng minh điều gì?
Từ xưa đến nay câu hỏi rất quan trọng vẫn được người ta đặt ra, đó là: Sự sống là gì? Sự sống bắt đầu như thế nào? Các nước giàu trên thế giới đã tốn không biết bao nhiêu tiền của để nghiên cứu trả lời hai câu hỏi này. Mỗi khi mở các chuyến bay lên vũ trụ là người ta cũng cố tìm xem ở đâu đó ngoài trái đất có sự sống hay không? Những chuyến bay lên mặt trăng hay thăm dò trên sao hỏa cũng chỉ với mục đích tìm cho ra dấu vết của một loại hình thức sống nào đó, nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa thấy nơi nào khác ngoài trái đất mà có một loại hình thức sống nào.
Sự sống là gì? Câu hỏi tưởng dễ, nhưng thực sự khó trả lời vô cùng. Người ta có thể liệt kê ra những đặc tính của sự sống. Khoa học đã tìm ra nhiều định luật về sự sống, nhưng chính sự sống vẫn là một điều bí mật, không thể nào giải thích được. Nhà khoa học tiến hóa cho rằng tất cả mọi sự sống trên mặt đất đều do một loại tiến hóa về hóa chất mà được tồn tại. Đó là một giả thuyết chưa ai dám chứng minh, nhưng khoa học vẫn chỉ đứng trên giả thuyết đó và không có bằng chứng nào là cụ thể nhất.
Các nhà khoa học phải thú nhận rằng họ không biết gì về nguồn gốc của sự sống, và chưa thể đưa ra một lý thuyết nào xác định theo thể cách nào mà những hình thức sống lúc ban đầu được hình thành.
Trong các trường người ta vẫn dạy rằng sinh vật xuất hiện là do phát sinh tự nhiên qua tiến hóa về hóa chất của vũ trụ. Nói khác đi, khoa học dạy rằng đời sống phát sinh từ một loại hóa chất hay là vật chất. Điều này phản lại với nguyên tắc sinh học, vì khoa học biết rõ rằng: Sự sống chỉ có thể phát sinh từ sự sống mà thôi.
Người ta bảo rằng, trái đất vào thuở ban đầu có vào khoảng 90 nguyên tố, thế rồi do một sự phối hợp nào đó, các nguyên tố này được trộn lẫn để phát sinh ra sự sống. Nói như thế có nghĩa là sự sống phát nguyên từ những nguyên tố chết, tức là vô sinh trên mặt đất.
Giả thuyết về một loại nước xúp đầu tiên của nhà sinh hóa học người Nga Alexander Ivanovich Oparin (tác giả cuốn Nguyên Nhân của Đời sống (1936)), Giám Đốc Viện Sinh Hóa Học Bakh tại Moscow (1946), cũng chỉ là một lý thuyết mơ hồ phản khoa học.
Theo Alxander Oparin thì trái đất cũng như các hành tinh khác của hệ mặt trời trong quá trình hình thành đã nhận được một khối lượng khổng lồ các chất hữu cơ. Dưới tác động của các điện tích, giông tố, các hoạt động của núi lửa, các chùm tia tử ngoại, các chất hữu cơ phức tạp hơn được hình thành để rồi kết tủa vào đại dương, tạo nên một dung dịch mà Oparin gọi là Nước Xúp Đầu Tiên. Trong số đó có những hợp chất polimer rất phức tạp giống như các acid nucleic và các chất protide, chúng cùng nhau tạo nên nền tảng các dạng sống.
Như vậy, theo Oparin thì sự sống có nguồn gốc hóa chất. Thật ra Oparin cố đi tìm những chiếc cầu hóa chất nối từ cõi vô cơ của vật chất sang cõi hữu cơ của sự sống.
Lý thuyết của Oparin hoàn toàn là ước đoán, vì thật ra chưa ai nhìn thấy một thứ gọi là ‘nước xúp đầu tiên’ nào cả, và người ta cố tạo nên một loại nước xúp như vậy, nhưng cũng chưa bao giờ thực hiện nổi.
Một nhà khoa học khác tên là Miller đã cùng với Urey làm một thí nghiệm như sau:
Trong một hệ thống đóng kín gồm có nước, hơi mêtan, hơi amonia và hydrogen được trộn lẫn và đun nóng lên để cho bay hơi và vượt qua một vòng nhỏ mang điện tích để phỏng theo phóng xạ mặt trời và hiện tượng điện của thuở ban đầu. Sau một tuần lễ, người ta được một chất lỏng màu đỏ có ba thứ acid amino, là những chất cơ bản của protein cùng với một số hợp chất phức tạp khác. Hai người này không dám cho rằng họ đã tìm ra nguyên nhân của sự sống, nhưng phát biểu rằng, họ đã tìm ra đầu mối của sự sống trong phòng thí nghiệm.
Một khoa học gia khác là Harris cũng đã nghiên cứu tất cả các lý thuyết về nguyên nhân của sự sống mà người ta từng đưa ra căn cứ trên vật chất, sau đó đã kết luận rằng: Tất cả các lý thuyết đó đều khuyết điểm và không thể nào tin được.
Các lý thuyết thông thường nhất cho rằng nguồn gốc của sự sống là do:
1. Phát xuất tự nhiên.
2. Phát xuất từ vi trùng trong vũ trụ.
3. Phát xuất từ những mẫu tế bào.
4. Phát xuất từ những chất keo dính.
5. Phát xuất từ những phân hóa tố hay enzymes.
6. Phát xuất từ virus.
Tất cả các lý thuyết trên đây đều không vững.
Thí dụ như: Sự sống do ngẫu nhiên mà có hay phát xuất tự nhiên chẳng hạn. Một nhà toán học hoàn toàn phản đối lý thuyết này vì ông nhận thấy rằng ngay đến những phân tử protein đơn giản nhất cũng phức tạp đến nỗi các nguyên tử của nó không bao giờ xếp theo hàng hay số nào cả. Không thể nào các nguyên tử của một phân tử protein ngẫu nhiên hợp lại với nhau theo một thứ tự nào đó và trở thành một protein được.
Cho đến nay chúng ta có thể nói:
1. Con người vẫn chưa thể tạo được sự sống căn bản trên hóa chất. Có lẽ con người có khả năng tạo được những mảnh nguyên sinh chất, nhưng muốn tạo nên một tế bào, dù là nhỏ đến đâu vẫn còn là một vấn đề nan giải. Con người ngày nay đã có một hiểu biết rất rộng về hoá chất và có khả năng chế tạo bất cứ thứ gì nhờ sức ép, nhiệt độ hay chuyển động, nhưng vẫn phải công nhận rằng: Nguyên nhân của sự sống là điều huyền nhiệm, chỉ có thể tin chứ không bao giờ kiểm nghiệm được.
2. Ngoại trừ những người cố tình chống lại đức tin nơi Chúa, câu giải đáp ngắn gọn nhất và hợp lý về nguyên nhân của sự sống vẫn là: Sự sống là công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa.
Sinh học dạy rằng: Sự sống không thể nào phát sinh ra từ vật chất vô sinh. Điều này nhà bác học Pasteur đã chứng minh rõ như thế.
Vấn đề đơn giản là sự sống phải phát sinh từ một sự sống khác. Người tin Chúa biết rõ rằng sự sống không bắt nguồn từ trái đất này, nhưng từ một nguồn sống ngoài trái đất.
Câu hỏi: sự sống đầu tiên từ đâu đến và qua những quá trình nào? Hiện chỉ có hai câu trả lời:
1. Sự sống do phép lạ sáng tạo mà hình thành.
2. Sự sống do tiến hóa của luật tự phát sinh mà hình thành.
Toàn thể cơ cấu của Thuyết Tiến Hóa xây dựng trên ý niệm là luật tự phát sinh có thể đánh thức vật chất vô sinh thành sự sống. Nếu ta công nhận rằng tất cả là do một phép lạ sáng tạo của Chúa thì không thể nào chấp nhận Thuyết Tiến Hóa được.
Căn bản của niềm tin sáng tạo là: Đức Chúa Trời bằng một phép lạ đã hà sinh khí vào những hình thức sống và truyền đời sống cho hậu thế.
Nói một cách công bằng thì cả hai lý thuyết: Tiến Hóa cũng như Sáng Tạo đều không thể chứng minh cụ thể được, nhưng được tin nhận trên lý luận xác đáng và sự kiện hiển nhiên. Chỉ có một trong hai lý thuyết này đúng mà thôi, và điều này tùy thuộc vào nhận định của mỗi người.
Những người chấp nhận quan điểm: Chính Đức Chúa Trời là khởi nguyên của sự sống, đã do lòng tin mà quyết định như thế. Nhưng niềm tin ấy dựa trên căn bản hợp lý hơn Thuyết Tiến Hóa về nguyên nhân của sự sống. Những người phủ nhận điều mà Kinh Thánh ghi lại về khởi nguyên của sự sống, vì không ưa tính chất huyền nhiệm hay phép lạ.
Tuy nhiên nếu không công nhận Thuyết Sáng Tạo là phép lạ thì chỉ còn một con đường, đó là cho rằng đời sống tự sinh. Mà công nhận như thế chẳng khác nào công nhận một loại phép lạ khác vô cùng khó tin nữa. Sự phát sinh tự nhiên không bao giờ được chứng nghiệm trong phòng thí nghiệm, mà còn bị phủ nhận bằng các định luật sinh học nữa. Các diểm này cho thấy rằng sự tự phát sinh chưa bao giờ xẩy ra và cũng sẽ không bao giờ có thể xẩy ra được.
Khi nhìn vào sự sống, chúng ta phải công nhận rằng sự sống phải có nguồn gốc siêu việt hơn hẳn vật chất. Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên đã ký thuật câu chuyện thật về nguyên nhân của đời sống.
Ngày nay có nhà khoa học cho rằng có thể làm cho sự sống phát sinh từ trong ống nghiệm. Nhưng thực sự nhà khoa học chưa bao giờ sáng chế ra được sự sống.
Những hài nhi được sinh trong ống nghiệm vẫn phải lấy tinh trùng của một người nam rồi đem phối hợp với trứng của một người nữ, sau đó đem đặt trở lại trong dạ con của người nữ cho tăng trưởng thành thai nhi và người nữ sinh ra hài nhi bình thường.
Các hình thức sống khác mà khoa học nói rằng đã tạo ra được cũng không bao giờ lấy từ những hóa chất vô sinh mà vẫn phải lấy những enzyme của các vi thể sống rồi đưa vào ống nghiệm và cho điều kiện để nẩy nở. Như vậy nhà khoa học không bao giờ sinh ra được sự sống mà chỉ bắt chước nhiệm vụ của các tế bào, dùng các phần của tế bào lấy từ một trong những nguồn sống đã có sẵn.
Nói tóm lại, sự sống là một huyền nhiệm. Muốn hiểu sự sống mọi người không thể nhìn vào vật chất vô sinh được, mà phải nhìn lên Đấng Tạo Hóa là Đấng sáng tạo ra tất cả, vì Ngài là nguồn sống.
Một câu hỏi khác: Con người có mặt trên trái đất từ bao giờ? Trái đất được hình thành từ bốn tỉ năm rưỡi trước đây hay lúc nào? Các nguyên đại địa chất thì sao?
Đa số những sách về sinh học công khai nói rằng bằng chứng về cuộc tiến hóa của con người rất là ít, thực ra là không có bằng chứng nào cả. Mặc dù thế người ta vẫn nói rằng có bằng chứng là tất cả mọi sinh vật đều bắt nguồn từ một tổ tiên chung, như vậy phải công nhận rằng con người đã tiến hóa qua thời gian hằng triệu năm.
Thuyết Tiến Hóa dạy rằng con người đầu tiên tiến hóa từ một con vật giống người, sống cách đây hằng triệu năm. Còn con người hiện đại mới xuất hiện trên mặt đất từ thời băng giá tới nay. Theo một vài cuốn sách thì con người ấy mới xuất hiện khoảng 20 nghìn năm nay. Thuyết Tiến Hóa dạy rằng tổ tiên loài người tiến hóa qua các nguyên đại địa chất sau:
Cambri – Ordovic – Silur và Devon
Trong các nguyên đại này và sau đó, than đá và dầu được hình thành, nghĩa là khoảng 250 triệu năm trước đây, gọi là Hệ Carbon.
Tiếp theo đó là hệ Pecmi tức là thời dầu hỏa hình thành, nghĩa là khoảng 230 triệu năm trước đây.
Kỷ Triat và Jura tiếp theo là thời kỳ mà loài bò sát và loài khủng long xuất hiện. Cuối kỷ Jura thì loài khủng long biến mất.
Tất cả những con số và niên đại này mỗi nhà khoa học nói một cách khác. Có sách nói rằng loài khủng long biến mất khỏi mặt đất này khoảng 70 triệu năm trước đây. Cuối cùng người ta nói rằng trong kỷ Creta có hệ Pleiticene là khi mà những lục địa đóng băng bắt đầu di chuyển xuống và che phủ phần lớn Bắc bán cầu. Theo các nhà tiến hoá thì trong hệ Pleistocene này, nghĩa là khoảng một triệu năm trước đây, người khỉ bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên con người hiện đại chỉ mới có bắt đầu từ cuối thời kỳ băng giá, nghĩa là vào khoảng 20 nghìn năm trước đây.
Đó là tóm tắt tất cả các thời kỳ, và nguyên đại địa chất như Thuyết Tiến Hóa chủ trương. Sau khi đọc những con số hằng trăm hằng triệu năm đó, người ta có thể đặt câu hỏi là căn cứ vào đâu mà người ta tính được các con số này? Câu trả lời là : không căn cứ vào đâu cả. Các nguyên đại địa chất đã được người ta đặt ra căn cứ vào những dữ kiện lấy từ chất phóng xạ của các lớp sinh vật hóa thạch.
Ta hãy xét đến việc nghiên cứu các dữ kiện này. Cho đến tận bây giờ, các lớp fossil hay sinh vật hóa thạch là nguồn dữ kiện duy nhất để nhà tiến hóa có thể xây dựng một cái thang thời gian địa chất. Nhà cổ sinh vật học thường đánh giá thời gian của một lớp fossil theo tuổi ước định của tảng đá mà lớp xương hoá thạch ấy được chứa đựng. Trong khi đó thì nhà địa chất căn cứ vào những gì nhà cổ sinh vật học tính được để định thang thời gian cho các thế hệ địa chất. Cuối cùng cả hai đều dựa và nhau. Tuổi con vật thì định bằng cách nghiên cứu những lớp đá mà nó đã nằm vào, còn tuổi của đá thì lại căn cứ vào lớp sinh vật hoá thạch mà tính.
Trong thời gian gần đây người ta dùng phương pháp định tuổi đá bằng phóng xạ đồng vị. Đây là phương pháp định tuổi được coi là hiện đại nhất. Tuy nhiên cách định tuổi bằng phóng xạ đồng vị lại dựa trên nhiều giả thuyết. Hơn nũa một phương pháp định tuổi bằng phóng xạ đồng vị không nhất thiết phải phù hợp với một phương pháp khác. Theo một phương pháp định tuổi thì trái đất đã bốn tỉ rưỡi năm, trong khi các phương pháp khác nói rằng tuổi trái đất là chín tỉ rưỡi năm. Nhưng khi hỏi bằng chứng đâu mà các nhà khoa học đưa ra được các con số ấy thì không ai trả lời được, vì đó chỉ là giả thuyết, không có gì để chứng minh cả.
Những sự kiện gọi là khoa học mà người ta đang có trong tay là người thời sử dụng đồ đá đẽo đã sống trên mặt đất này khoảng từ bảy đến tám nghìn năm, cũng có những bằng chứng rằng người thời sử dụng đồ đá có thể sống lâu hơn về trước, nhưng không thể nào vượt qua 20 nghìn năm được. Vượt giới hạn này các nhà tiến hóa chỉ còn có cách là ước đoán mà thôi. Gần đây người còn trở lại với thuyết Tai Biến. Thuyết Tai Biến rất nổi danh trong thế kỷ 17 và 18, thuyết này cho rằng trái đất đã từng bị một uộc hủy diệt đột ngột làm cho người và súc vật đều chết hết.
Trong thế kỷ 19 Thuyết Tai Biến bị Lamarck và Darwin loại bỏ, đề xướng ra Thuyết Đồng Nhất. Thuyết Đồng Nhất chủ trương rằng mọi hiện tượng xảy ra trên vỏ trái đất đã được thực hiện rất chậm qua những giai đoạn thời gian lâu dài. Tuy nhiên bằng chứng khoa học ngày nay thực ra lại phù hợp với Thuyết Tai Biến hơn là Thuyết Đồng Nhất. Càng ngày người ta càng tìm được nhiều bằng chứng cho thấy rằng những biến chuyển địa chất như núi trồi lên hay là những dãy núi xuất hiện đã từng xảy ra trong một thời gian mới đây. Có một số bằng chứng cho thấy rằng loại khủng long sống trên mặt đất cách đây vài nghìn năm và đồng thời với loài người. Mỏ dầu hỏa và than cũng chỉ mới được tạo nên mấy nghìn năm. Những dữ kiện khoa học chưa bao giờ hỗ trợ giả thuyết là các sự việc ấy xảy ra trên mặt đất hằng triệu năm về trước. Cũng nhờ khoa học mà chúng ta có thể nói rằng loài người có trên mặt đất khoảng từ 10 nghìn năm trở lại đây mà thôi.
Khi đọc Kinh Thánh ta thấy rõ có nhiều sự kiện tai biến đáng cho ta quan tâm, nghiên cứu và quan sát bằng phương pháp khoa học liên quan đến trái đất, và lịch sử của trái đất. Tai biến như cơn đại hồng thủy đã phát sinh ra nhiều biến đổi trên mặt đất mà người ta vãn bảo là đã có từ những thế đại lâu về trước.
Kinh Thánh cũng không nói rằng Chúa sáng tạo trời đất từ khi nào và trong bao lâu. Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên chỉ mở đầu ngắn gọn rằng: Ban đầu Đức Chúa Trời tạo nên trời đất. Căn cứ vào những lớp đá và những sự kiện trên mặt đất, người ta thấy rằng cuộc sáng tạo trái đất không xảy ra hằng triêu năm về trước mà chỉ khoảng 20 nghìn năm trở lại đây mà thôi. Ngoài ra cũng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh trái đất đã có từ hàng triệu năm.
Ta có thể tóm tắt rằng: Căn cứ vào khoa học và vào Kinh Thánh, người ta công nhận Thuyết Sáng Tạo là chính đáng vì Thuyết Tiến Hóa với ý niệm về nguyên đại địa chất hoàn toàn là phỏng đoán, không có gì vững chắc. Nguyên đại địa chất thì xây dựng trên giả thuyết Thuyết Tiến Hóa là định luật khoa học. Nhưng khi người ta nhận ra rằng Thuyết Tiến Hóa chẳng qua là một lý thuyết mơ hồ, không thể chứng minh hay hỗ trợ bằng các sự kiện khoa học, thành ra các nguyên đại địa chất cũng chỉ là tưởng tượng mà thôi.
Người tin Chúa đọc Kinh Thánh và biết rõ Chúa là Đấng sáng tạo nên vũ trụ vạn vật, và cuộc sáng tạo ấy theo bằng chứng khoa học xẩy ra không quá 20 nghìn năm trước đây. Đây là những lý luận được các nhà khoa học công bố và xác nhận.
Câu Hỏi:
1. Theo Thuyết Tiến Hóa, nguyên nhân sự sống là từ đâu?
2. “Ban đầu Đức Chúa Trời tạo nên trời đất” câu này chống Thuyết Tiến Hóa như thế nào?
3. Sự sống có thể ngẫu nhiên mà có được không? Tại sao?
Căn cứ vào các cuộc nhiên cứu Kinh Thánh và Khoa học, chúng ta quả quyết tin rằng câu chuyện khởi nguyên ghi lại trong Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên là hợp lý nhất hiện nay. Câu chuyện ấy nói đến Thượng Đế và cuộc sáng tạo trời đất, sự sống và những hình thức sống kể cả con người. Câu chuyện này hợp lý hơn cả vì có nhiều bằng cớ và hữu lý cho người ta chấp nhận hơn bất cứ câu chuyện khởi nguyên nào khác.
Một điều ta cần ghi nhớ là bất cứ lập trường nào về khởi nguyên cũng phải liên quan đến lòng tin. Nhưng lòng tin phải đặt trên căn bản vững chắc. Thư He 11:3 ghi: “Do lòng tin chúng ta biết vũ trụ được sáng tạo do lời Đức Chúa Trời và nguồn gốc của vạn vật không phải là những vật hữu hình.” Đó chính là lòng tin mà người đọc Kinh Thánh chấp nhận, một đức tin hợp lý. Vì người ta không thể nào đạt đến một kết luận thỏa đáng về khởi nguyên của vạn vật bằng phương pháp thực nghiệm của khoa học tự nhiên.
Nói khác đi, trong bản chất, phương pháp khoa học thực nghiệm không thể nào có liên quan gì đến vấn đề căn nguyên. Vì làm sao thí nghiệm khoa học có thể cho chúng ta thấy nổi vũ trụ này hình thành ra sao, hay là trái đất và hệ mặt trời đã hình thành như thế nào, hoạc là điều kiện cho sự sống thành hình trên trái đất diễn tiến ra sao?
Dù cho con người khôn ngoan đến nỗi có thể dùng những dụng cụ sáng tạo ra sự sống đi chăng nữa, thì cũng chỉ chứng minh được rằng sự sống phải đến từ một thực thể có thông minh và hiểu biết. Điều đó không chứng minh được rằng vật chất vô tri, không có chút thông minh nào lại có thể tạo ra sự sống ngay từ ban đầu.
Tháng Tám năm 1964, tạp chí Đời Sống Liên-xô Ngày Nay, khi bàn đến các lý thuyết về nguyên nhân, đã viết rằng: “Một vài lý thuyết chủ trương rằng các hạt căn bản mà do đó hệ thống của chúng ta hình thành lúc đầu tiên thật là lạnh. Các lý thuyết khác nói rằng các hạt ấy nóng. Ngày nay chúng ta có đến 15 cách giải thích về nguyên nhân của vũ trụ do khoa học gia của nhiều nước đưa ra. Tuy nhiên không có lý thuyết nào giải thích thỏa đáng cả.”
Những lý thuyết về nguyên nhân của vũ trụ cũng lại thay đổi luôn luôn, nay thế này mai thế khác. Trong khi đó thì Thuyết Sáng Tạo, hay là câu chuyện sáng tạo của Kinh Thánh vẫn cố hữu, không hề thay đổi. Câu chuyện ấy vừa ngắn gọn mà không đi vào chi tiết. Chẳng hạn như không nói về nguyên sinh chất hay loại cây sống dưới biển. Tuy vậy chưa có nhà khoa học nào dám đưa ra một câu chuyện súc tích, dễ hiểu và thích thú như vậy. Câu chuyện sáng tạo rất là đời thường vì không có một chi tiết nào phản ánh trình độ khoa học thấp kém của thời đại mà sách viết ra. Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên không dùng ngôn ngữ khoa học, và câu chuyện cũng không cần phải dùng loại ngôn ngữ đó mới có thể coi là chính xác. Thí dụ ta có thể nói theo khoa học về tóc như sau: Tóc là một loại cách nhiệt, cấu tạo bằng lớp biểu bì đã được coratin hóa. Tuy nhiên tôi có thể nói một câu như: Tóc mai sợi ngắn sợi dài, thì người nghe có thể hiểu ngay là tóc trên đầu mình mà không cần phải biết coratin là gì.
Câu chuyện sáng tạo trong Kinh Thánh hợp lý là vì cho chúng ta biết một thực thể cuối cùng, đó là Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế hay Thần Linh, Ngài không phải là vật chất.
Người ta chỉ có thể quan niệm được hai điều liên quan đến khởi nguyên của sự vật, đó là: Hoặc là Đấng Thượng Đế vĩnh hằng đã tạo dựng nên trời đất, kể cả mọi nình thức sống; hoặc là vật chất vĩnh hằng đã tạo nên sự sống với bao nhiêu hình thái khác nhau. Nói khác đi là: Ban đầu Thượng Đế Vĩnh Hằng hay là ban đầu vật chất vĩnh hằng đã tạo dựng nên trật tự của vũ trụ vạn vật mà ta thấy ngày nay. Con người không thể nào quan niệm khác hơn hai điều vừa kể.
Khác biệt giữa những người tin vào Đấng Tạo Hóa và những người vô thần là: Một đằng tin rằng Thượng Đế thông minh tuyệt đối, vĩnh hằng đã tạo dựng nên tất cả; đằng khác tin rằng vật chất là khởi nguyên của sự sống và vật chất tự nhiên mà có.
Chỉ cần xét hai điểm khác biệt vừa kể ta cũng thấy rằng tin Đấng Thượng Đế toàn năng vẫn hợp lý hơn, vì làm sao bạn có thể tin được viên sỏi kia có thể một ngày nào đó đột biến ra con sâu hay con bướm được? Nói như thế đến một em bé cũng thấy rằng hoàn toàn vô lý.
Chính vì thế mà Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên có giá trị và câu chuyện sáng tạo trong Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên là hợp lý nhất.
Bây giờ ta thử làm trắc nghiệm xem lời giải thích của Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên có đúng hay không. Nhà khoa học nói rằng: một giả thuyết nào đúng thì kết quả sẽ được mô tả tiếp theo sau. Nói khác đi, nếu một giả thuyết đúng thì giả thuyết ấy phải có giá trị tiên đoán. Nếu nó tiên đoán rằng những sự việc nào đó sẽ xảy ra, và quả nhiên các lời tiên đoán ấy cứ tiếp tục được chứng nghiệm, thì người ta sẽ tin giả thuyết ấy nhiều hơn. Rồi dần dần người ta đi từ lĩnh vực giả thuyết sang lĩnh vực lý thuyết, và cuối cùng là đi đến tìm ra định luật.
Nếu Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên ghi lại đúng câu chuyện sáng tạo thì điều chúng ta mong đợi là gì?
Trước tiên, thực thể nguồn cội là một Đấng duy nhất. Đây là một Đấng gọi là Thượng Đế, thần linh vĩnh hằng, hoàn toàn khác hẳn với mọi thần linh mà con người suy tưởng ra.
Người theo duy vật phủ nhận điểm này, nhưng họ vẫn phải rằng thực thể đầu tiên phải là một Đấng, ngay dù trong vật chất tự nhiên cũng vậy. Vũ trụ này phát nguyên từ một Đấng khôn ngoan mà không người nào có thể chối cãi được.
Câu chuyện Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên chính xác là vì vũ trụ và chính trái đất này không phải là một hệ thống tự giải thích, tự hiện hữu được. Những định luật đang hoạt động chung quanh ta cũng không giải thích được vũ trụ.
Các nhà khoa học vẫn đồng ý rằng có một khởi đầu cho hệ thống vũ trụ của chúng ta, mặc dù người ta không đồng ý, không chấp nhận Kinh Thánh.
Cả Kinh Thánh và khoa học đều đồng ý ở một điểm là đã có một thời trái đất này không ra hình thể gì cả và trống hoang. Nói khác đi là đã có một thời gian trong quá khứ trái đất không có một sinh vật nào.
Kinh Thánh và khoa học đều nói rằng ánh sáng phải có trước sự sống. Cây cỏ phải có trước loài người.
Kinh Thánh và khoa học cũng đồng ý rằng có sự khác biệt thường xuyên giữa các sinh vật, mặc dù chúng thuộc về một chủng loại chung đi nữa. Thí dụ như có nhiều loại người nhưng vẫn chung là giống người chứ không phải sinh vật khác. Sinh vật lại sinh sản theo đúng chủng loại của chúng.
Điều quan trọng nhất mà Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên và khoa học đều đồng ý là sự sống phải phát sinh từ một nguồn sống.
Nếu Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên đúng thì chúng ta có thể tiên đoán một vài điều: thí dụ như vật chất tạo thành thể xác con người được tìm thấy trong bụi đất. Điều này khoa học gia đã xác nhận.
Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên cho biết rằng loài người chính là sinh vật thượng đẳng và được sáng tạo sau cùng. Cho đến nay người ta vẫn chưa dám nói được rằng con người sẽ tiến hóa nữa để thành ra loài gì hay là siêu nhân!
Nếu Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên đúng thì người ta phải thấy rằng nhân loại có chung một nguồn gốc. Khoa học gia đã xác nhận điểm này.
Nếu Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên đúng thì con người phải hoàn toàn khác hẳn với thú vật, vì được tạo nên theo hình ảnh của Thượng Đế, nghĩa là một sinh vật có lý trí, luận lý, tự do, có thần linh chứ không phải là vật chất. Mặc dù tội ác làm hư hỏng đời người, nhưng con người vẫn hoàn toàn khác hẳn thú vật.
Nếu Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên đúng thì con người phải là một sinh vật biết thờ phượng. Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên cho hay rằng con người có các mối tương giao với Thượng Đế. Thực vậy, con người là sinh vật duy nhất biết tôn thờ, mặc dù người ta có thay Thượng Đế bằng các đối tượng khác như những con người, con vật hay vật chất, cây cỏ, núi sông v.v..
Nếu Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên đúng thì con người phải quản trị mọi sinh vật khác, điều này quả nhiên là như vậy.
Nếu Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên đúng thì con người phải là sinh vật chế ngự trái đất này, việc này ngày nay không ai chối cãi được. Nếu Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên đúng thì chúng ta phải thấy con người là một sinh vật cần đến một sự giúp đỡ. Người nam cần một người nữ. Người nữ đã làm cho cuộc sống của người nam được đầy đủ.
Nếu Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên đúng, thì khi loài người đi ngược lại luật hôn nhân Chúa đã ấn định thì sẽ gặt lấy buồn khổ và tai họa. Điều nay cho đến nay vẫn đúng.
Nếu ai lên tiếng bài bác chỉ trích Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên, người ấy đang tự phủ nhận nguồn cội của mình. Vì không ai trên đời này muốn nhận rằng mình chỉ là một sinh vật như bao nhiêu sinh vật khác mà thôi. Phủ nhận Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên là phủ nhận giá trị cao cả của con người.
Kết luận, Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên không phải là một truyện thần thoại phản khoa học, mặc dù cuộc sáng tạo không được miêu tả bằng ngôn ngữ của khoa học.
Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên là câu chuyện duy nhất ghi lại chính xác nhất về khởi nguyên của vũ trụ vạn vật và nhất là con người.
Câu Hỏi:
1. Nếu Sáng Thế Ký đúng thì có những gì phải xảy ra?
Khi nói đến Thuyết Tiến Hóa chúng ta thường nghĩ ngay đến Charles Darwin, vì cái tên này có quan hệ rất nhiều với chủ đề. Nhưng ý niệm về tiến hóa đã có từ trước khi Chales Darwin ra đời, mãi từ thời các triết gia cổ thời Hi-lạp. Darwin chỉ là người đầu tiên đưa ra một lý thuyết giải thích Thuyết Tiến Hóa khả dĩ có thể được những người nghiên cứu khoa học thời đại ông chấp nhận. Darwin gọi là: Lý thuyết về chọn lọc tự nhiên. Herbert Spencer thì gọi là: Sự sống sót của các cá thể thích nghi.
Darwin cũng cho tên gọi của Spencer có ý nghĩa hơn.
Chọn lọc tự nhiên tương tự như là công việc của các nhà nông từ bao nhiêu thế hệ vẫn thường làm, đó là lựa những gia súc và những loại cây mà người ta muốn làm giống cho thế hệ sau. Lựa như thế để đàn gia súc được béo tốt hơn và mùa màng thu hoạch được nhiều hơn, tốt hơn. Darwin nói rằng trong thiên cũng có sự chọn lọc như vậy mà không cần có ai chủ trương cả. Nghĩa là trong mỗi môi trường sống, những loại súc vật nào, những loại cây nào tốt nhất, đáng sống nhất thì sẽ tồn tại và sinh sản mạnh hơn những giống loại không thích hợp. Như vậy khi có những giống loại khác biệt sinh ra, thiên nhiên sẽ lựa chọn những con vật, những giống cây nào thích hợp nhất để sống trong môi trường mà chúng có thể phát triển.
Ý niệm này nghe cũng có lý, nhưng Darwin đi xa hơn nữa và nói rằng điều này giải thích được khởi nguyên của mọi sinh vật và cây cỏ trên mặt đất là những hình thức rất đơn giản. Dĩ nhiên ông ta cũng phải công nhận rằng có nhiều nan đề trong lý thuyết này. Ông ta nhận rằng ý nghĩ về con mắt đã làm ông ta lạnh cả người, vì ông ta phải giải thích rõ cho các nhà khoa học rằng con mắt cũng đã trở thành con mắt sự sống sót của các cá thể thích nghi, nghĩa là thoạt tiên sinh vật không có mắt!! Darwin cũng nói rằng cái đuôi của con công cũng đã là nan đề đối với ông. Ông đã phải giải thích rằng con công đã phát triển đuôi của nó từ một thể không có lông. Ông còn thổ lộ rằng hình thể chính xác về mặt toán học của tổ ong đã khiến ông lúng túng nhiều.
Trong trường hợp côn trùng thì lý thuyết chọn lọc tự nhiên và sự sống sót của các cá thể thích nghi phải giải thích ra sao? Đó là những nan đề của Darwin.
Hơn thế nữa, thế giới côn trùng còn làm nhiều hành động mà thời đại Darwin chưa biết nữa.
Thí dụ như con ong tìm được một nguồn mật hoa mới, nó sẽ bay về tổ ong và báo tin cho các con khác với chi tiết thật rõ hướng bay đến chỗ có mật hoa cách bao xa, vì có khi nó bay vòng vo mãi mới đến nơi được. Chúng đã tính được những góc độ để bay chính xác đến mục tiêu. Đây là điều mà nhiêu khi đối với loài người còn khó khăn. Lý thuyết chọn lọc tự nhiên làm sao giải thích được tại sao những con ong làm việc xây tổ lại không sinh sản cho có nhiều ong thợ hơn, trong khi đó những con ong sinh sản lại không bao giờ đi tìm mật hoa?
Một trường hợp khác mà chọn lọc tự nhiên không sao giải thích được là một loại nhậy nhỏ xíu sống trong tai con bướm sâu. Một số loại bướm sâu có những con nhậy nhỏ xíu chuyên môn sống trong lỗ tai. Loại bướm sâu này lại là mồi ngon cho loài dơi. Một điều lạ là loài nhậy này chỉ sống trong một lỗ tai của con bướm sâu. Con dơi thường di tìm bướm sâu bằng hệ thống radar trong miệng nó. Nghĩa là nó phát sóng âm trong miệng, sóng ấy hễ gặp vật cản là dội lại. Con dơi chỉ cần bay thẳng đến chỗ vật cản mà bắt mồi ăn. Giả như con nhậy sống trong cả hai lỗ tai của con bướm sâu, thì con bướm sâu không thể nào nghe tiếng động của con dơi phát ra mà tránh được. Trong hằng nghìn con bướm sâu chỉ thấy có hai con là loại nhậy sống cả hai bên lỗ tai, còn bao nhiêu chỉ sống trong một lỗ tai. Lý do là tai bên kia của con bướm sâu có một loại mốc meo mà con nhậy không thể nào vào đó sống được. Chọn lọc tự nhiên làm sao giải thích được chuyện này?
Một thí dụ điẻn hình nữa là con cá bắn tia nước. Con cá này từ dưới nước phun một tia nước lên trúng một con sâu bám trên một cành cây sà trên mặt nước làm cho con sâu rơi xuống nước và nó đớp lấy ăn. Con cá này mắt rất tinh, có thể phun tia nước xa hằng thước tây để bắt sâu ăn. Tuy nhiên muốn phun tia nước được như vậy, mọi động thái phải thật chính xác. Miệng con cá phải có đúng hình dáng, cái mang nó phải có khả năng phun nước và mắt nó phải biết ngắm cho đúng. Vả lại loài cá này không sống bằng việc bắt sâu ăn. Phun tia nước chỉ là một thú tiêu khiển của nó, nó vẫn ăn các thứ khác như cá thường. Theo chọn lọc tự nhiên thì con cá nào phun tia nước giỏi hơn con cá khác, thì sẽ sống lâu hơn và sinh sản nhiều hơn, và nghề phun tia nước phải tinh vi hơn. Nhưng như đã nói, con cá này không sống bằng nghề phun tia nước để có con sâu mà ăn, như vậy tại sao nó không bị tuyệt diệt mà vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay?
Một trường hợp khác là những con chim di thê bằng sự hướng dẫn của các ngôi sao. Người ta làm thì nghiệm này tại Đức. Các nhà khoa học cho trứng chim chích nở ra trong một phòng không có cửa sổ, để con chim không bao giờ được thấy bầu trời. Khi chim đã khôn lớn và sẵn sàng di thê, chúng lần lượt được đưa vào một chiếc lồng cũng để trong phòng. Căn phòng này trên trần được kiến trúc hình vòm trời, và người ta dùng đèn chiếu lên một bầu trời giả. Thoạt tiên khi để đèn như thường, thì con chim sẽ chỉ đậu và quay đi quay lại. Nhưng khi tắt đèn đi và bầu trời trên trần nhà hiện ra, thì chim bỗng cất cánh bay về hướng đông nam y hệt như những con chim sống ở ngoài trời tự nhiên. Thế rồi bầu trời di chuyển y hệt như khi chim bay ngoài bầu trời, thì con chim bay mãi về hướng đông nam cho đến sông Nil ở Ai-cập thì nó bỗng đổi hướng bay theo sông Nil, y hệt như con chim bay ngoài bầu trời thật. Làm sao chọn lọc tự nhiên có thể đưa đến một sự nhắm hướng bẩm sinh như thế?
Chọn lọc tự nhiên là lý thuyết của Darwin để giải thích cách thức trong thiên nhiên, khi những giống loại tốt nhất đã được lựa bằng sự sống sót của các cá thể thích nghi. Một trong những nan đề mà thời đại Darwin chưa giải thích là có bao nhiêu giống loại sinh vật được chọn lựa? Vào đầu thế kỷ 20 Hugo DeVries đưa ra lý thuyết đột biến để giải thích sự hiện hữu của những khác biệt về di truyền, cho nên chọn lọc tự nhiên mới có thể lựa ra những chủng loại sinh vật tốt nhất.
Hiện tượng đột biến có mặt trong mỗi loại cây cỏ, sinh vật và loài người. Đột biến là những thay đổi bất ngờ về di truyền xẩy ra trong các cá thể, và được lưu lại qua thế hệ sau. Trên thực tế thì hầu hết các cuộc đột biến đều có hại cho sinh vật về một vài phương diện. Theodosius Bobzansky, một nhà nghiên cứu về gien nổi tiếng, đã nói rằng, chỉ có một phần trăm cuộc đột biến được coi là tốt trong bất cứ trường hợp nào. Julian Huxley, một nhà sinh học người Anh nói rằng: chỉ vào khoảng một phần nghìn là hữu ích cho sinh vật ấy. Vì một số lớn những cuộc đột biến này gây tử vong, một số khác sinh ra phản ứng phụ trong hình thái. Tất cả những cuộc đột biến đều xẩy ra ngẫu nhiên và không có cách nào biết được khi nào hay tác dụng như thế nào cả.
Nếu tất cả những cuộc đột biến đều tai hại cho sinh vật về phương diện chủng loại thì làm sao chúng có thể hữu ích trong cuộc tiến hóa như DeVries đề nghị, và được các nhà tiến hóa công nhận? Họ nói rằng, dù chỉ một số ít những cuộc đột biến được coi là hữu ích, nhưng hằng triệu năm cũng đủ thời gian cho cuộc Tiến Hóa.
Thật ra lý thuyết đột biến đòi hỏi phải có lòng tin thật cao mới chấp nhận được. Gần đây các nhà toán học nói rằng, ngay số thời gian hằng triệu năm mà các nhà tiến hóa đưa ra cũng không đủ để thực hiện cuộc tiến hóa.
Ta thử nói đến những cuộc đột biến hữu ích xem sao. Những cuộc đột biến ấy có thật sự làm cho hiện tượng tiến hóa xuất hiện hay không?
Thật ra khó có thể tìm ra được một danh sách những cuộc đột biến hữu ích. Những cuộc đột biến gọi là thích hợp cho tiến hóa thì lại không hữu ích về phương diện giống loại. Thí dụ như trên một danh sách người ta chỉ ghi một cuộc đột biến về thảo mộc duy nhất, đó là tính bạch tạng trong cây xanh, nghĩa là cuộc đột biến này khiến cho cây không còn điều chế diệp lục tố nữa, nhưng cây nào không điều chế diệp lục tố thì cây ấy chết. Vì sau khi những chất dinh dưỡng trong hạt đã hết là cây chết. Cuộc đột biến này được coi là quan trọng, nhưng nó làm cho cây chết.
Một điều khó giải nữa là đột biến không sinh ra cái gì mới. Chúng chỉ là một hình thể khác về một vài khía cạnh của cây cỏ hay sinh vật đã có từ trước. Nếu thuyết tiến hóa đúng và đã có một thời mà trên đất chỉ có giun chứ không có con gì cao hơn, thì làm sao cá xuất hiện được? Con cá lại có nhiều tính chất mà con giun không có được. Thế thì những tính chất mới trong con cá từ đâu ra? Vì đột biến không sinh ra cái gì mới cả mà chỉ biến đổi những tính chất đã có từ trước. Tương tự như vậy, nếu đã có một thời nào đó mà trên mặt địa cầu chỉ có cá, thì làm sao cuộc tiến hóa có thể đưa đến những con vật như ngựa và chim được? Vì ta biết ngựa và chim có những đặc tính mà cá không có. Như vậy cuộc đột biến không thể nào là phương tiện cho cuộc tiến hóa được.
Nếu tiến hóa nhờ đột biến hay những cách nào khác mà thực hiện được thì phải có bằng chứng hiển nhiên chứ. Đàng này lúc nào người ta cũng bảo rằng chúng ta không thể nào nhìn thấy được vì diễn tiến quá lâu và đời người quá ngắn không thể nào quan sát được.
Những từ như “Chọn Lọc Tự Nhiên”, “Sống sót của những cá thể thích nghi”, hay là “Đột biến” chỉ là những từ dùng để giải thích một lý thuyết mơ hồ, đó là Thuyết Tiến Hóa. Những cuộc chọn lọc tự nhiên hay đột biến thật sự không tạo ra cuộc tiến hóa. Nghĩa là không biến sinh vật này thành ra sinh vật khác, hay cây cỏ này thành cây cỏ nọ. Sinh vật có nhiều chủng loại và mỗi chủng loại có những sắc thái dị biệt. Chẳng hạn như cũng là loài người cả, nhưng có người da đen, người da trắng, lại có người da ngăm ngăm như chúng ta. Chúng ta không bao giờ thấy có sinh vật nào giữ được một phần nào đặc tính của người cả, và cũng không ai chứng minh được rằng có một giống loại sinh vật nào đó bỗng nhiên đột biến thành người. Thật ra ngay loài khỉ vượn và loài vượn người cũng vẫn là loài thú rừng, và cho đến nay vẫn còn có mặt.
Tại sao người ta lại đi tìm khởi nguyên của mình trong loài vật, trong vật chất? Mà không tin rằng mình do từ một nguồn gốc vĩnh hằng sinh ra. Nguồn gốc vĩnh hằng đó là Thượng Đế, là Đấng Tạo Hóa, là Đức Chúa Trời. Điều này không ai chối cãi được, vì đó là một thực sự.
Người nào phủ nhận Thượng Đế là tự phủ nhận sự hiện hữu của mình. Vì chính mỗi chúng ta là bằng cớ có một Đấng Tạo Hóa khôn ngoan, cao siêu. Sở dĩ người ta bày ra Thuyết Tiến Hóa là vì muốn chống lại Đấng Tạo Hóa và muốn phủ nhận Ngài. Nguồn gốc của sự phủ nhận này chính là tội ác trong con người đối với Đấng Tạo Hóa. Nhưng loài người quên một điều là không ai có thể phủ nhận một sự thật mà làm cho sự thật ấy trở thành không hiện hữu. Điều thứ hai mà loài người cố tình quên là sẽ có một ngày mỗi người đều phải ứng hầu trước mặt Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời.
Câu Hỏi:
1. Chọn Lọc Tự Nhiên là gì? Giá trị của nó?
Lịch sử Thuyết Tiến Hóa cũng rất hấp dẫn. Theo các nhà nghiên cứu thì Thuyết Tiến Hóa khởi đầu với nhà triết học Hi-lạp tên là Empedocles. Empedocles có nhiều tư tưởng rất khác thường mà không ai nghĩ có thể trở thành khởi nguyên cho một lý thuyết khoa học. Triết gia này nói rằng, những cơ phận trong thân xác loài vật và loài người đã xuất hiện riêng rẽ. Ông ta không nói các cơ phận ấy được thành hình ra sao, nhưng các cơ phận ấy đã theo ngẫu nhiên mà hợp lại và do một thứ sức mạnh thu hút mà ông ví sánh như tình yêu. Một con mắt và một cánh tay có thể kết hợp với nhau hay với cơ phận nào khác. Tuy nhiên hầu hết các cuộc phối hợp này không thích nghi để tồn tại, nên một thời gian sau là chết. Trong khi đó thì các cuộc phối hợp khác khá hơn, mặc dù có con vật đầu quay ra đằng sau, hay là đầu thú mình người, hoặc đầu người mình thú. Tất cả những loài phối hợp bất thường này dần dần sẽ tự tiêu diệt vì không thích hợp, chỉ những gì thích hợp mới sống còn mà thôi. Đó là những loài mà chúng ta thấy có mặt trên đời.
Khoa học gia ngày nay nói rằng Empedocles khởi đầu Thuyết Tiến Hóa và đưa ra những lý luận tương tự như thuyết “Chọn Lọc Tự Nhiên” của Darwin, nghĩa là cũng hoàn toàn dựa trên căn bản máy móc.
Mặc dù Aristote chịu ảnh hưởng của Empedocles, nhưng vẫn giữ quan niệm về một Đấng hoạch định tất cả trong hệ thống tiến hóa, nghĩa là đưa ra một loại tiến hóa thần học.
Nhiều thế kỷ sau, Augustine là người mà tư tưởng đã ảnh hưởng nhiều đến thần học Cơ-đốc, đã cố đưa lý thuyết của Aristote cho gần lại với Kinh Thánh. Ông cố dung hòa quan điểm của Aristote với Sách Sáng Thế hay Khởi Nguyên. Nếu tư tưởng của Augustine hồi ấy được Giáo Hội công nhận thì ngày nay không ai còn thấy vấn đề tiến hóa nghịch lý nữa, mà chỉ chấp nhận thôi. Augustine nói rằng mọi vật được tạo dựng nên trong tính cách tạm và có tiềm năng để phát triển thành các hình thể như người ta thấy hiện tại.
Quan điểm của Augustine bị một tu sĩ dòng Tên chống đối, đó là Francisco Suarez. Ông này là một học giả thường để ra mỗi ngày 17 tiếng đồng hồ để học. Francisco nói rằng: Mọi vật được tạo nên trong hình thành thông thường chứ không qua quá trình tiến hóa. Như vậy là tư tưởng tiến hóa thần học đã bị đả phá rất mạnh.
Một người nổi danh khác trong lịch sử Thuyết Tiến Hóa là Maupertuis, nhà vật lý người Pháp, đã chứng minh trái đất dẹt ở hai đầu cực. Có một lúc Maupertuis lại nghiên cưú sang lĩnh vực sinh học để tìm hiểu tiến hóa, nghĩa là đi trước Darwin một thế kỷ. Ông ta đã đưa ra công thức chọn lọc tự nhiên, và cũng đề cập đến thuyết đột biến của DeVries sau này. Ông nói rằng: Đột biến là phương cách mà những khác biệt về tiến hóa xảy ra. Ông lại còn công nhận rằng: Hầu hết các cuộc đột biến là tai hại cho chủng loại. Ông ta cũng tiên đoán cả định luật Mendel trong việc hiểu tính cách di truyền. Thời ấy Maupertuis thật nổi danh, nhưng nay không ai nói đến nữa, có lẽ vì người bạn cũ là Voltaire đã ghét Maupertuis và viết nhiều bài nói xấu ông ta. Mục đích chính của Maupertuis trong việc đưa ra thuyết tiến hóa là muốn bài bác tư tưởng cho rằng Chúa sáng tạo ra thiên nhiên.
Sau Maupertuis là Eramus Darwin, ông nội của Charles Darwin, ông tổ của Thuyết Tiến Hóa. Eramus Darwin cũng là người chủ trương Thuyết Tiến Hóa. Thật ra khi người ta nói đến thuyết Darwin là nói về ông Eramus chứ không phải ông Charles. Eramus Darwin đưa ra thuyết chọn lọc tự nhiên và tất cả những gì mà Charles Darwin sau này khai triển ra. Ngoài ra Eramus cũng chưa có những bằng cớ mà Charles Darwin giới thiệu trong cuốn Nguồn Gốc của Chủng Loại.
Eramus là một bác sĩ y khoa nên được vua nước Anh mời vào làm ngự y trong triều, nhưng ông ta từ chối, nói rằng còn bận nghiên cứu và viết về Thuyết Tiến Hóa. Về sau Eramus có liên quan đến một vài chuyện xấu và làm quan điểm tiến hóa của ông ta cũng không được công nhận nữa. Eramus chết trước khi Charles Darwin ra đời.
Có người nói rằng Thuyết Tiến Hóa của Eramus Darwin bị người ta bỏ đi là vì ảnh hưởng của việc truyền giảng Phúc-âm của mục sư John Wesley trong thời gian đó. Đây là điều thường xẩy ra: Phúc-âm làm mất ảnh hưởng của Thuyết Tiến Hóa hoặc là Thuyết Tiến Hóa làm hại Phúc-âm.
Trước Charles Darwin là Lamarck. Lamarck là một đại khoa học gia và đóng góp nhiều cho khoa học. Quan điểm của ông hoàn toàn vượt thời đại, nhưng Thuyết Tiến Hóa của ông đã bị phủ nhận vì ông chống đối thuyết Sáng Tạo và câu chuyện đại hồng thủy đến độ gây hiềm thù.
Những điểm vừa kể cho thấy rằng khi nào công nhận Thuyết Tiến Hóa thì phải bỏ đạo Chúa và còn trở thành chống đối đạo mạnh nữa. Tiến hóa và đức tin trong Chúa không thể nào dung hợp được, và có dung hợp chăng nữa cũng làm cho người ta nghiêng về Thuyết Tiến Hóa và phủ nhận Phúc-âm.
Charles Darwin thoạt tiên học y khoa để làm bác sĩ như ông thân sinh và ông nội, nhưng không thành nên quay sang học thần đạo để ra làm mục sư. Ông ta có bằng cử nhân thần học và tính về làng làm mục sư. Nhưng lúc ấy ông được mời làm một nhà nghiên cứu thiên nhiên trên một chiếc tàu thủy tên là Beagle, khi ấy khởi hành đi vòng quanh trái đất. Charles Darwin nhận làm việc này và trên chuyến du hành đó ông đã viết ra quan điểm của ông về Thuyết Tiến Hóa.
Sau khi du hành về, ông thấy việc viết về Thuyết Tiến Hóa thích thú hơn là làm mục sư. Về sau ông nói: trong khi học để ra làm mục sư ông hoàn toàn tin vào Kinh Thánh . Nhưng rõ ràng là ông chưa có ý niệm đúng về Kinh Thánh nên mới đi sai lạc sang Thuyết Tiến Hóa như vậy.
Khi đã già, trong cuốn tự thuật, nói là viết cho con cháu đọc chứ không xuất bản, ghi lại rằng: Không hiểu làm sao người ta có thể mong là Cơ-đốc giáo đúng cho được. Bà vợ Darwin là một tín đồ ngoan đạo, bà đã bỏ đi một phần lời tự thuật của Charles, nhưng người cháu gái đã tìm được các phần này và đem để lại trong tập tự thuật đó. Người cháu gái đó là Nora Barlow.
Năm 50 tuổi Darwin xuất bản cuốn sách đầu tiên về Thuyết Tiến Hóa, đó là cuốn Nguyên Nhân của Chủng Loại (On The Origine of Species,1859). Mười hai năm sau đó ông viết cuốn Tổ Tiên của Loài Người (The Descent of Man,1871), trong đó ông nói rõ rằng người là do khỉ phát sinh ra. Trong chương thứ sáu của cuốn này ông còn nói rõ là giống khỉ nào là ông tổ trực tiếp của loài người nữa.
Charles Darwin có ba môn đệ lỗi lạc. Người thứ nhất là Ernst Haeckel ở Đức, cũng xuất thân là người đạo Tin Lành, vì trong các thư từ của ông lúc còn trẻ, thấy có đề cập đến các vấn đề Kinh Thánh. Nhưng khi lớn lên ông này chống đối Đạo Chúa rất mạnh. Ernst đưa ra lý thuyết về bào thai phát triển qua một loạt những biến đổi tương hợp với lịch sử Tiến Hóa. Tuy nhiên bằng chứng về tiến hóa qua khoa bào thai học ngày nay người ta đã phủ nhận.
Môn đệ thứ hai là Asa Gray, một nhà thực vật học người Mỹ. Đặc điểm của ông này là vừa chủ trương Thuyết Tiến Hóa, lại vừa tự xưng là tín đồ Tin lành chính thống. Thật ra từ thời Darwin người ta cũng đã nói đến việc vừa tin Chúa vừa theo Thuyết Tiến Hóa rồi. Nhưng Asa Gray không phải là tín đồ thật, vì khi nào có sự va chạm quan điểm về tiến hóa và Kinh Thánh thì ông không ngần ngại đứng về phe khoa học để chống Kinh Thánh.
Môn đệ thứ ba là Charles Kingsley. Ông này cũng là mục sư Anh Giáo, nhưng lại bỏ theo Thuyết Tiến Hóa. Nhưng Kingsley theo một giáo phái Cơ-đốc tự do nên không phải là môn đệ chân chính của Chúa. Cuốn sách nổi danh của Kingsley là Thủy Nhi (The Water-Babies, 1863), nói là viết cho đứa con 4 tuổi. Cũng là cuốn sách tiến hóa đầu tiên viết cho con trẻ. Đây là một cuốn sách tiến hóa mang tính chất thần thoại, đầu độc trẻ con.
Tóm lại, ta có thể nói:
Người khởi đầu Thuyết Tiến Hóa là triết gia Hi lạp Empedocles.
Augustine cố dung hòa tư tưởng tiến hóa của Aristote và Sáng thế Ký của Kinh Thánh.
Người khởi xướng ra thuyết đột biến là Maupertuis, người Pháp.
Ông nội của Charles Darwin là Eramus Darwin mới thật là ông tổ của Thuyết Tiến Hóa.
Không ai có thể vừa theo Chúa lại vừa tin Thuyết Tiến Hóa.
Người nào theo Thuyết Tiến Hóa thì chắc chắn phải bỏ đạo Chúa.
Câu Hỏi:
1. Xin cho biết sơ lược về lịch sử Thuyết Tiến Hóa.
Nhiều người ngày nay cho rằng Sáng Thế Ký là một quan niệm tiền khoa học về trái đất và khởi nguyên của đời sống. Những gì ghi lại trong Kinh Thánh không ai chấp nhận được nữa vì tiến bộ không gì lay chuyển nổi của Thuyết Tiến Hóa.
Thực ra thì ngược lại. Hơn một trăm năm đã trôi qua kể từ ngày Darwin sống cho đến nay và biết bao cuộc phát minh kỳ thú, mới lạ liên quan đến sự phức tạp của sinh vật, đã khiến người ta phải đặt câu hỏi về tính cách bền vững của Thuyết Tiến Hóa. Nhiều khoa học gia hiện đại, mặc dù không tin Chúa, đã công nhận rằng Thuyết Tiến Hóa đã đặt cơ sở trên một triền cát. Có năm lý do tại sao người ta dám nói như thế:
1. Cơ chế duy nhất có thể đưa đến việc xuất hiện chủng loại sinh vật mới trong thảo mộc và động vật là cơ chế đột biến. Nghĩa là sự thay đổi đột ngột trong cấu trúc di truyền của một sinh vật và phát sinh ra những hậu tự hoàn toàn khác hẳn với cha mẹ chúng. Nhưng nếu nghiên cứu thật kỹ, người ta thấy rằng những cuộc đột biến ấy gây hại hoặc tiêu diệt 100% sinh vật nào trải qua kinh nghiệm ấy. Thí dụ như trong nhiều năm Viện Đại Học Columbia đem giống ruồi Drosophila ra thí nghiệm, vì giống ruồi này sinh sản rất mau, cứ hai tuần lễ là có thêm một lứa, hay thế hệ mới. Cấu trúc di truyền của giống ruồi này đã được chiếu tia X, dùng những hóa chất làm cho biến đổi khiến cho nhiều hình thức đột biến xuất hiện. Kết quả là một số những con ruồi này sinh ra chỉ có nửa cánh, con khác không có cánh, con khác nữa thì lại không có mắt, hay chỉ có một mắt mà thôi. Đại khái là như vậy, nhưng người ta không thấy có một sự biến đổi nào về chủng loại ruồi. Chỉ thấy rằng các thế hệ sau vì đột biến mà thiếu những khả năng để sinh tồn và không bằng những con bố mẹ của chúng.
Thí nghiệm này như vậy cũng không khác gì muốn thay đổi về cấu trúc và chức năng của một cái máy đánh chữ bằng cách đứng xa chừng 10 thước rồi lấy đá ném vào cái máy ấy, với hi vọng rằng một trong hằng tỉ cục đá ném ra sẽ rơi đúng vào cơ phận của chiếc máy đánh chữ ấy và biến nó thành ra một chiếc máy may. Cách duy nhất có thể biến cái máy đánh chữ thành ra máy may là đem chiếc máy chữ ấy nấu chảy ra thành kim loại và nhựa và rồi chế tạo thành một vật dụng khác. Điều này cho thấy rằng không có một thay đổi đột ngột, ngẫu nhiên, tình cờ nào đó mà chiếc máy đánh chữ kia bỗng một hôm biến ra chiếc máy may được!
Định luật thứ hai của nhiệt động lực học bảo đảm rằng những cuộc đột biến tình cờ đó luôn luôn làm què cụt hay là làm cho chết đi hay ít ra cũng khiến cho hệ thống bị hư hỏng.
2. Sự chọn lọc tự nhiên mà Darwin chủ trương thật ra chỉ loại bớt được những tính cách quái vật làm thay đổi sinh vật ở một giới hạn rất thấp. Các nhà Tiến Hóa nhận như vậy và nói rằng loài người chỉ là quái vật của loài khỉ mà thôi. Một nhà tiến hóa đã nói rằng: Loài người chỉ là những con khỉ không có lông đủ để che thân mà thôi. Con khỉ còn hơn con người vì có sẵn lớp lông che thân. Nói như thế nghĩa là chúng ta là những con khỉ quái vật đã phát sinh ra từ những con rắn quái vật, và lên nữa là những con cá quái vật, rồi những loại không xương sống quái vật, và cuối cùng là những nguyên sinh quái vật. Lý luận như thế đã thấy chuyện chọn lọc tự nhiên đưa đến một sinh vật như loài người là chuyện viển vông.
3. Chúng ta biết rằng sinh sản chọn lọc dù cho là nhân tạo hay thiên nhiên cũng đưa đến bước cuối cùng là tiêu diệt sinh vật ấy, chứ không đem lại một cải tiến căn bản nào cho sinh vật ấy. Nói khác đi, một cây quay ngọn xuống đất chứ không mọc thẳng lên cao vì mọi cành của nó đều làm cho nó yếu đi, và qua thời gian với bao nhiêu cuộc đột biến, giống cây sẽ bị què cụt và đi đến chỗ tuyệt chủng.
4. Những sự thay đổi đột nhiên về cấu trúc để làm cho đời sống sinh vật có mức cao hơn và sống được, sinh tồn được với hoàn cảnh là điều mà người ta không thể nào quả quyết được, dù rằng chủ trương Thuyết Tiến Hóa là đúng. Darwin dám cho rằng những con chim đầu tên ra đời là nhờ những biến đổi dần dần trong thân xác của loài bò sát. Nói như vậy nghĩa là chúng ta phải tin có một quái vật bò sát nào đó từ mẹ sinh ra bỗng thấy có hai cánh ở vai. Rồi một ngày nọ cất mình bay lên trời thành chim. Nói như vậy ai cũng cho là thần thoại, nhưng thực tế nhà Tiến Hóa bảo chúng ta phải tin như vậy, vì họ cũng tin như thế. Tuy nhiên trong đời này không ai tin rằng cứ ráp hai cánh vào một con rắn là nó sẽ thành chim bay lên trời. Vì ai cũng biết rằng con chim được tạo ra để bay, vì thế nên toàn bộ thân thể của nó đều thích ứng cho việc bay, ngay cả xương của nó cũng vậy. Trong khi đó thì con rắn được tạo ra để bò, không thể nào cất mình lên mà bay được.
Chính Darwin cũng nhận rằng lý thuyết của ông không thể nào giải thích được làm sao một cơ quan phức tạp như con mắt có thể từ từ tiến hóa xuất hiện trên thân thể sinh vật, và sinh vật ấy vốn không có mắt, bỗng một hôm thấy được mọi vật chung quanh. Chấp nhận Thuyết Tiến Hóa tức là phải tin, tin tưởng mù quáng. Nhà Tiến Hóa vẫn chủ trương là họ đúng, mặc dù Thuyết Tiến Hóa hoàn toàn mâu thuẫn với thực tại đang hiện diện, không phải chỉ về vấn đề quan sát nhưng còn về logic nữa.
5. Sau hết, Thuyết Tiến Hóa không có căn bản vững chắc là vì những móc xích bí mật trong các dữ kiện thạch hóa, fossil, vẫn không sao tìm được. Darwin tin rằng một ngày nào đó người ta sẽ tìm được. Để chứng minh loài bò sát tiến hóa thành loài chim, Darwin nêu lên trường hợp con chim thủy tổ Archaeopterix. Con chim này chỉ có một điểm quái dị là mỏ nó có răng, ngoài ra nó hoàn toàn là một con chim có lông vũ. Sự kiện răng trong mỏ con chim cũng không khác gì sự kiện lông mao trên mình con thú mỏ vịt, con thú này được coi là từ loài chim biến ra nhưng biến chưa hết, vì nó vẫn đẻ trứng. Dù thế vẫn không đủ bằng cớ chứng minh có cuộc tiến hóa từ con vật này sang con vật khác. Móc xích quan trọng nhất trong cuộc tiến hóa từ loài bò sát sang loài chim là phải có một con rắn chỉ mang hai bộ phận trong cùng của đôi cánh. Nhưng móc xích đó chỉ là tưởng tượng. Đó là nói về đôi cánh, giữa con rắn và con chim còn bao nhiêu khác biệt nữa, có thể nói hằng triệu thứ, mỗi thứ đều có những móc xích chuyển tiếp, cho đến nay chưa ai chứng minh được các móc xích đó là gì, và không bao giờ tìm được.
Bạn có tin Thuyết Tiến Hóa không? Câu hỏi này không đòi hỏi bạn trả lời có hay không. Vì không ai có thể tin vào một điều không có căn bản vững chắc, nhất là điều ấy lại muốn dùng khoa học mà chứng minh nữa.
Chúng ta không lý luận như thế vì Thuyết Tiến Hóa phức tạp khó hiểu, hay vì ta không phải là nhà khoa học nên cứ tin Chúa là đủ! Không phải như thế! Đạo Chúa không phải là lối thoát cho những người bị dồn vào chỗ bí của lý luận, của logic. Nếu như thế Đạo Chúa cũng là một loại mê tín. Thực ra lòng tin nơi Chúa dẫn bạn đến chỗ hiểu một cách trực tiếp về nguồn gốc của sinh vật, của sự sống và của chính mình. Lòng tin ấy rất logic, vì không tin một lý thuyết mơ hồ, nhưng tin một Đấng có thật, Đấng quyền năng vô biên mà không một lý thuyết nào phủ nhận nổi. Thuyết Tiến Hóa cố công chứng minh rằng không có Thượng Đế và nói rằng tất cả đều là do tình cờ, ngẫu nhiên mà thành, kể cả mỗi chúng ta đây. Nói như thế hoàn toàn phản khoa học, vì không có gì gọi là ngẫu nhiên hay tình cờ xảy ra trong đời sống này. Người ta bảo người tin Chúa là mê tín dị đoan, thật ra tin vào Thuyết Tiến Hóa còn tệ hơn bất cứ loại mê tín dị đoan nào, vì đó là một mớ lý thuyết không có căn bản vững chắc nào cả.
Theo Thuyết Tiến Hóa
(Theistic Evolution)
Trong những thập niên vừa qua, người ta hoặc nghiên cứu phân tích Thuyết Tiến Hóa, hoặc là nghiên cứu Kinh Thánh mà có lập trường khác nhau. Nghĩa là trở thành người chủ trương tiến hoá hay chống lại. Nhưng không phải lúc nào cũng có hai phe như thế, còn có những phe đứng giữa nữa.
Phe đầu tiên là Thần Học Tiến Hóa. Lý thuyết của phe này có thể tóm tắt như sau:
Tôi tin Thuyết Tiến Hóa và tôi tin Kinh Thánh. Tôi tin rằng có tiến hóa thật, nhưng Thượng Đế đã điều khiển hướng dẫn cuộc tiến hóa ấy, vì cuộc tiến hóa không thể nào thực hiện được bằng những phương cách máy móc như Darwin và các nhà tiến hóa chủ trương.
Quan điểm của nhóm này hoàn toàn không phù hợp với Kinh Thánh. Những người theo thuyết trung dung này thường đồng ý với Kinh Thánh là A-đam được tạo nên từ bụi đất, nhưng không trực tiếp từ bụi đất mà nên người ngay, mà phải trải qua một cuộc tiến hóa của sinh vật, loài vật, và sau cùng mới thành ra người. Phái này cố đem Thuyết Tiến Hóa mà dung hòa với các câu các chữ trong Kinh Thánh. Tuy nhiên có một yếu tố làm tiêu tan quan điểm sáng tạo tiến hóa, đó là câu hỏi này:
Bà Ê-va được tạo thành như thế nào? Nếu A-đam được hình thành từ bụi đất qua những tổ tiên là loài vật với thời gian dài đằng đẵng, thì tại sao trong loài vật không có con nào có thể làm bạn với A-đam như vợ chồng?
Chúa đã tạo nên một người vợ cho A-đam, dĩ nhiên là như thế. Hơn nữa, nếu A-đam cũng theo tiến hóa mà được hình thành, thì mẹ A-đam là ai? Bà nội A-đam là “sinh vật” nào?
Người theo thần học tiến hóa sẽ phải thú nhận rằng mình tin hết các điều ghi lại trong Kinh Thánh về sáng tạo. Điều này chứng minh rằng sáng tạo và tiến hóa không thể nào dung hợp được.
Một số nhà khoa học viết sách giáo khoa hay viết chung cho đại chúng đã nói rằng: Thuyết Tiến Hóa không đụng chạm gì đến tôn giáo cả. Những người ấy có ý nói rằng, nguyên nhân đầu tiên của tất cả hoàn toàn vượt ra ngoài phạm vi nghiên cứu của khoa học. Vì thế nếu các tôn giáo nói rằng nguyên nhân đầu tiên là Chúa, là Thượng Đế thì cũng được, không hại gì cho Thuyết Tiến Hóa cả.
Tuy nhiên các nhà chủ trương như thế không biết rằng một lời xác nhận như vậy vẫn không giải quyết được vấn đề xung khắc giữa Thuyết Tiến Hóa và đức tin của người tin Chúa. Vì nếu công nhận Thuyết Tiến Hóa là đúng, tức là suy luận rằng con người tiến hóa từ những hình thức sống hạ đẳng, hoặc là qua những quá trình máy móc như Darwin đã đề nghị, hoặc là qua sáng tạo của Chúa như Thuyết Sáng Tạo Tiến Hóa, thì sẽ không có một người nào đầu tiên đứng tách biệt ra khỏi thế giới loài vật, nhưng chỉ là dòng giống của loài vật dần dần biến thái mà xuất hiện. Khi đã không có A-đam và Ê-va là thủy tổ của loài người thì làm gì có cuộc sa ngã phạm tội của người đầu tiên, như Sáng Thế Ký đã ghi.
Cứ như thế lý luận tiếp, sẽ thấy rằng không cần đến sự chuộc tội, và không cần đến Chúa Giê-xu giáng thế nữa. Rốt cuộc có thể chỉ tin rằng Chúa Giê-xu là một người lành bị bách hại mà thôi.
Tóm lại Thuyết Thần Học Tiến Hóa đưa người ta đến chỗ không công nhận Chúa nữa, và Chúa chỉ là một sức mạnh đầu tiên xa vời trong cuộc tiến hóa của sinh vật.
(Progressive Creationism or The Threshold Evolution)
Một lý thuyết dung hòa nữa là Thuyết Sáng Tạo Tiệm tiến hay là Thuyết Ngưỡng Cửa Tiến Hóa. Chủ trương của thuyết này có thể tóm tắt như sau:
Thượng Đế thực hiện cuộc sáng tạo cùng với cuộc tiến hóa hay song song với cuộc tiến hóa. Nghĩa là một số hình thái sinh vật được sáng tạo rồi biến đổi hay tiến hóa, nhưng chúng không thể nào tiến hóa đến cuối cùng . Vì vậy Chúa đã phải sáng tạo lại, và tái diễn các hành động sáng tạo. Chúa phải nhấc bổng sinh vật qua một thứ ngưỡng cửa nào đó, để cho nó tiếp tục tiến hóa và đa dạng hơn.
Câu hỏi đặt ra là: Như thế có bao nhiêu hành động sáng tạo? Tiến hóa có hiệu lực đến mức nào trong các hành động sáng tạo ấy? Những người theo thuyết này nói rằng: Chúa sáng tạo ra từng họ sinh vật, rồi từ các họ đó các sinh vật sinh sản ra. Thí dụ như Chúa sáng tạo một cặp sinh vật ăn thịt, và từ đó các chủng loại thuộc loại ăn thịt phát sinh ra.
Thật ra lý luận như thế là cố ép Sáng Tạo vào Tiến Hoá, cuối cùng Tiến hóa vẫn thắng, và Chúa bị gạt ra ngoài.
Ai dung hòa Tiến Hóa với Kinh Thánh là chưa thật lòng tin Chúa và cũng chưa được học Kinh Thánh đầy đủ. Vì Tiến Hoá và Kinh Thánh không có chỗ nào dung hòa được.
Vật chất không thể nào hòa lẫn với sự sống, Tiến Hóa cũng không thể nào hòa nhập với Sáng Tạo được. Các Thuyết Tiến Hóa Duy Vật, Thần Học Tiến Hóa hay Tiệm Tiến chỉ là những chiếc bẫy của ma quỷ giương ra nhằm đưa người ta vào các lý luận mơ hồ, hoang mang rồi dần dần bỏ Chúa.
Trong xã hội ngày nay nhiều người tin Chúa không dám đứng ra bài bác những người vô thần hay chống lại những kẻ chủ trương Tiến Hóa, chỉ vì chưa nắm vững lời Kinh Thánh và chưa am tường tiến hóa là gì. Nhưng dù thông hiểu tất cả những điều kể trên đây, cũng không nên bài bác hay tranh luận, vì không cuộc tranh luận nào có thể đưa ai đến với Chúa được.
Các bài học về Tiến Hóa chỉ nhằm mục đích cho bạn biết rõ những gì mình tin, và hiểu những gì đang phản chống niềm tin của mình. Muốn được như vậy, mỗi người cần dành nhiều thời gian học Kinh Thánh cho kỹ và biết phương pháp sử dụng Kinh Thánh vào các trường hợp cần phải biện giải cho niềm tin. Chúa Giê-xu ngày xưa cũng không ưa tranh luận. Vì khi tranh luận là ta ở thế đề kháng, rất dễ thua lý nhất là khi không thấu hiểu khoa học, hay là không biết dùng từ ngữ khoa học. Khi ta rao truyền danh Chúa, ta hãy dùng lời Chúa làm vũ khí tiến công chứ không dùng trí hay sức hiểu biết hạn hẹp của mình.
Thuyết Tiến Hóa làm hạ phẩm giá con người còn Đạo Chúa là Phúc-âm, là Tin Mừng giải thoát con người khỏi tội ác và gông cùm của Sa-tan, đưa ta vào sự sống vĩnh hằng.
Câu Hỏi:
1. Bằng chứng về Thuyết Tiến Hóa có khả tín không?
2. Đột biến là gì?
3. Chọn lọc tự nhiên là gì?
4. Louis Pasteur làm thí nghiệm gì và chứng minh điều gì?
Có ba lý do cho việc nghiên cứu đề tài phép lạ.
Thứ nhất là vì nhiều người cho rằng quyền năng thời các Sứ-đồ vẫn tiếp tục thi thố và hiện thời vẫn có những người cầu nguyện chữa bệnh đặc biệt. Gần đây phong trào ân tứ phát triển mạnh, nên cũng cần tìm hiểu và đánh giá cho đúng.
Thứ hai, quan điểm của cái gọi là khoa học trong trần gian vẫn chủ trương rằng không khi nào có phép lạ xẩy ra cả. Để chống lại quan điểm này, người tin Chúa phải nắm vững một lý thuyết về luật tự nhiên, phải thông hiểu khoa học.
Thứ ba, người tin Chúa bắt buộc phải hiểu biết Kinh Thánh. Mà phép lạ là một phần của Kinh Thánh, ta cũng phải nghiên cứu về phép lạ.
Người ta bảo rằng, đã có một thời tại Trung-hoa nhà nước chỉ thị cho các người truyền giảng Tin lành là có thể giảng Kinh Thánh trong nhà thờ, nhưng tuyệt đối cấm không được nói đến ba đề tài sau đây: Phép lạ, Chúa Giê-xu Sống lại và Chúa Giê-xu Tái lâm. Khi ra lệnh cấm như thế nhà cầm quyền Trung-hoa thực sự muốn tiêu diệt Cơ-đốc-giáo, vì đó là những điều căn bản trong niềm tin của người tin Chúa.
Ngày nay vẫn có nhiều người thắc mắc không hiểu ông Giô-na có thật sự bị một con cá nuốt ba ngày rồi nhả ra trên bãi biển không? Hoặc là Chúa Giê-xu có thật sự hoá một ít bánh và cá cho hơn 5000 người ăn hay không? Có người còn bảo các câu chuyện trong Kinh Thánh chỉ là chuyện ngụ ngôn, chứ không có thật đâu.
Thật ra khi người ta thắc mắc như vậy là nghi ngờ về nguồn gốc của phép lạ. Người nghi ngờ như thế có ý niệm rất lờ mờ về Chúa, về Thượng Đế, về Thiên Chúa. Nghĩa là không nghi ngờ về chính phép lạ, nhưng nghi ngờ về Thượng Đế. Vì một khi đã thực sự tin Chúa hiện hữu thì các vấn đề về phép lạ cũng sẽ không còn nữa. Khi không tin Chúa thì toàn bộ quan niệm về phép lạ sẽ sụp đổ.
Như vậy khi người ta thắc mắc về phép lạ là thắc mắc không hiểu có một Đấng Thượng Đế tạo dựng nên muôn loài vạn vật hay không?
Một số triết gia định nghĩa phép lạ là một vi phạm luật thiên nhiên. Thiên nhiên hay khoa học nhiều khi được người ta nhân cách hóa. Thật ra thiên nhiên hay khoa học là do con người nhận ra, nghĩa là thiên nhiên hay khoa học không tạo ra cái gì cả. Những gì có trong vũ trụ, kể cả thiên nhiên đều không tự nhiên mà có, nhưng đã có một Đấng sáng tạo ra. Khi nói đến định luật thiên nhiên là nói đến những gì người ta quan sát được, tìm tòi được trong thiên nhiên.
Một số những chữ Hê-bơ-rơ, Aram và Hi-lạp dùng trong Kinh-thánh để chỉ về các việc làm của Thượng Đế hằng sống trong thiên nhiên và trong lịch sử nhân loại. Những chữ này được phiên dịch ra là: Phép lạ, Sự lạ, Dấu lạ hay Việc quyền năng. Thí dụ như chữ Hê-bơ-rơ môpèt trong Xu 7:3 dịch là dấu lạ phép kỳ; trong câu 9 dịch là phép lạ; Phu 4:34 dịch là dấu kỳ, điềm lạ; trong IVua 13:3 và 5 dịch là dấu lạ.
Các chữ được dịch ra từ nguyên văn Kinh-thánh đều ngụ ý nói rằng việc làm của Chúa là:
1. Huyền diệu, phân biệt rõ ràng. (Xu 15:11 Gio 3:5).
2. Quyền năng, mãnh liệt. (Mat 11:20 ICo 12:10 Ga3:5).
3. Có ý nghĩa, mang ý nghĩa. (Dan 14:11 Ne 9:10 Cong 8:60).
Các chữ phép lạ trong Kinh Thánh phải hiểu là hành động của Chúa can thiệp vào, thay đổi, phá vỡ dòng bình thường của sự vật.
Câu Hỏi:
Phân biệt Phép Lạ và Ảo Thuật.
Đề tài phép lạ nhiều khi gây bối rối là vì không nhận ra rằng Kinh-thánh không phân biệt rõ quyền năng chủ tể thường xuyên của Chúa và những việc đặc biệt Ngài thực hiện. Tin phép lạ tức là đặt mình vào cái nhìn của người đời, coi toàn thể tạo vật trong vũ trụ là tiếp tục phụ thuộc vào hoạt động bảo trì nâng đỡ của Chúa, và thuận theo ý chỉ chủ tể của Ngài (Co 1:16,17). Cả ba phương diện về hành động của Chúa, tức là điều lạ, quyền năng và ý nghĩa, đều có mặt không phải trong các việc đặc biệt nhưng còn trong toàn thể trật tự tạo vật nữa (Ro 1:20). Khi tác giả Thi-thiên ca ngợi những việc làm quyền năng của Chúa, tác giả ấy nêu lên từ việc sáng tạo vũ trụ vạn vật cho đến việc giải cứu dân Chúa khỏi Ai-cập. (Thi 135:6-12).
Như thế khi các tác giả Kinh-thánh nói đến các việc quyền năng của Chúa, họ không coi đó là việc tự nhiên, vì họ xem tất cả đều là do quyền năng chủ tể của Chúa. Những việc làm đặc biệt của Chúa làm sáng tỏ cá tính của Ngài trong hành động, khác hẳn và cao hơn hẳn việc làm của con người hay đặc biệt là của giả thần, vì toàn năng và hiển lộ Chúa trong tự nhiên và lịch sử.
Việc khám phá ra những quan hệ về nguyên nhân các tai vạ tại Ai-cập, việc chận nước sông Giô-đanh nhiều lần không thể mâu thuẫn với sự khẳng định của Kinh-thánh về việc giải cứu dân Chúa khỏi Ai-cập, việc tiến chiếm Ca-na-an, và những hoạt động chữa lành bệnh của Chúa Giê-xu, vì đều là những việc quyền năng của Chúa cả. Khi người ta nói “luật tự nhiên” thì phải hiểu đó là vũ trụ mà Chúa làm chủ tể và hành động. Chỉ có những triết thuyết sai lạc mới dạy người ta rằng vũ trụ ngẫu nhiên hình thành và tự bảo vệ và tồn tại trong một hệ thống đóng kín hay là bảo rằng có một Đấng Thần linh đã sáng tạo vũ trụ và cho vận hành như một hệ thống máy móc tự động.
Một số triết gia từng cho rằng phép lạ rất mâu thuẫn với bản chất và mục đích của Chúa. Vì Ngài là Đầu Tiên và Cuối Cùng, Ngài biết tận cùng ngay từ ban đầu, Ngài là Tạo Hóa đã hình thành mọi sự vật, Ngài không biến đổi. Thế thì tại sao Chúa cần phải “can thiệp” vào trật tự thiên nhiên?
Lý luận như thế là không nắm vững được Thượng Đế của Kinh-thánh là ai. Ngài là một Đấng sống và có cá tính. Sự không biến đổi của Ngài không phải như của một sức mạnh vô nhân, nhưng là sự thành tín của một cá thể. Việc sáng tạo nên người của Ngài không phải là sáng tạo một loại hình nộm, nhưng là những tạo vật có trách nhiệm, có thể chống lại cả Ngài. Các phép lạ là những sự kiện chứng tỏ rằng Thượng Đế, Tạo Hóa hằng sống, có bản chất cá thể, vận hành trong lịch sử không phải chỉ là một Số Mệnh nhưng là một Đấng Cứu Chuộc có quyền năng giải cứu và dìu dắt dân của Ngài.
Tri thức đầy đủ hơn về phương cách hoạt động của Chúa cho người ta thấy rằng một số những việc quyền năng duy nhất lại là thành phần của một mẫu mực rất thông thường.
Các nhà thần học chân chính đều coi phép lạ chính là những dấu chỉ xác chứng những sứ giả, hay các vị sứ đồ là người của Chúa thật. Có khi những kẻ không tin Kinh-thánh là lời Chúa còn bảo các phép lạ ghi trong Kinh-thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước là tương tự như những chuyện huyền thoại của các dân tộc ngoài dân Chúa trong khung cảnh thần linh và các tế sư của họ. Nhưng nói như thế là không biết rõ mối quan hệ cơ bản giữa những câu chuyện phép lạ và việc tự mặc khải của Thượng Đế. Phép lạ chính là để mặc khải Chúa cho con người và mục đích là nuôi dưỡng lòng tin vào việc can thiệp giải cứu của Chúa đối với những người tin nhận Ngài.
Công cuộc sáng tạo vũ trụ vạn vật là phép lạ vĩ đại của Đấng Tạo Hóa. Sự sống theo nghĩa sinh học, trong khởi nguyên, cách biểu lộ ra, mục đích của nó, cách phát xuất, duy trì giữa bao yếu tố có thể làm cho nó bị bóp nghẹt. Tất cả đều là phép lạ, không ngừng và cứ liên tục mãi mãi.
Công cuộc cứu chuộc nhân loại khỏi ma quỷ, tội ác và cuộc trừng phạt tội, là một phép lạ hoạch định từ cõi vĩnh hằng, đã hoàn tất là một phép lạ.
Việc hình thành cuốn Kinh Thánh là một phép lạ. Phép lạ này được thực hiện trong uy quyền của Đức Chúa Trời là Đấng tạo thần cảm trong con người riêng biệt để làm sứ giả của Ngài với tính tình bẩm sinh, với tài năng và văn phong cũng như cách dùng chữ của chính họ.
Tin phép lạ là tin vào một Đấng Thượng Đế, Đức Chúa Trời hằng tồn tại, có cá tính, luôn luôn thực hiện phép lạ. Vì có những phép lạvẫn xẩy ra ngay trong các giới hạn của thời gian và không gian mà con người có thể không nhận ra hay không chịu công nhận.
Trong Xuất Ai-cập 3:2 nói đến phép lạ bụi gai cháy không tàn. Hiện tượng này làm cho lĩnh tụ Mô-sê chú ý, tò mò bước lại xem và đã gặp Chúa. Phép lạ này có thể xếp vào loại biểu tượng, huyền thoại, hay một bụi gai có hoa đỏ như lửa cháy chăng? Các nhà thực vật đã tìm ra một loại cây gai thuộc họ cam, có thể mọc cao một thước, có hoa trổ thành chùm màu trắng hay là trắng viền xanh, tên là fraxinelle, tên khoa học là dictamnus albus. Thường mọc ở vùng trung châu Âu và vùng tây châu Á. Cây gai này có những tuyến bài tiết ở khắp phần phía trên cây, tiết ra một chất hơi bay lên. Khi trời không gió, hơi này có thể bốc cháy khi chạm với không khí nóng. Thành ra cây gai có thể cháy mà không tàn, vì lửa cháy bên trên nó. Nhưng dù vậy, bụi gai cháy không hề tàn trong Xuất Ai-cập cũng là một phép lạ, vì Chúa đã phán bảo Mô-sê qua cảnh tượng đó.
Ma-na là một loại lương thực Chúa cung cấp cho dân tộc Do-thái trong suốt thời gian họ đi trong sa mạc. Người ta bảo rằng có một loại địa y, tên khoa học là lecanora esculenta, có tán, thường bị gió thổi đi vung vãi đến nơi khác, người ta gọi là mưa địa y. Có người bảo ma-na có thể do từ một thứ cây gọi là tmarix manifera sản sinh ra một thứ nhựa ngọt, sau khi bị một loại sâu đặc biệt chích. Các nhà thực vật cho rằng, nhựa cây này đúng là ma-na ghi trong Kinh Thánh. Loại nhựa cây này ban ngày nắng nóng chảy ra, rơi xuống thành hạt trên đất, đến đêm trời lạnh, đông cứng lại. Xuất Ai cập 16:14 ghi rằng ma-na giống như hạt sương đọng trên đất. Câu 21 ghi thêm: khi trời nắng nóng thì vật ấy tan đi. Câu 31 cho biết mùi vị của ma-na giống như bánh ngọt pha mật ong. Đây là một thứ hạt do thiên nhiên sản xuất ra. Nhưng phép lạ là Chúa làm cho ma-na phát sinh ra nhiều và trong một thời gian 40 năm cho dân Chúa có lương thực mà ăn. Như vậy là Chúa đã sử dụng thiên nhiên làm phép lạ chứ không đi ngược lại thiên nhiên.
Việc nước biển Đỏ rẽ ra cho dân Chúa đi ngang qua cũng là một hiện tượng tự nhiên.Vì vùng biển này đôi khi có những trận gió gây ra hiện tượng nước dồn lên làm lộ đáy biển ra như thế.
Kinh Thánh ghi lại việc các thành phố tội ác Sô-đôm và Gô-mô-rơ và ba thành phố khác trong vùng Biển Chết đã bị thiêu hủy bằng mưa lửa và diêm sinh. Đó chính là hiện tượng núi lửa phun. Chúa đã dùng núi lửa trừng phạt các thành phố tội ác này.
Các phép lạ vừa kể trên đây chứng minh rằng Chúa thực hiện các phép lạ của Ngài một cách trực tiếp, vào những thời điểm do Ngài ấn định, bằng những định luật tự nhiên, và những hiện tượng trong thế giới hữu hình, hoặc là để thi hành cuộc phán xét trừng phạt, hoặc thực hiện những lời Ngài đã hứa, theo những chương trình Ngài đã hoạch định. Những phép lạ này ghi lại trong Kinh Thánh bằng ngôn ngữ giản dị và chính xác, để mọi người ở mọi thời đại, mọi nền văn minh đều đọc được. Đến nỗi khoa học từ ngày chập chững cho đến tiến bộ như ngày nay, cũng không thể nào sửa chữa gì hay có lý do gì xác đáng để xóa bỏ những phép lạ ấy đi.
Chúa Giê-xu nhiều lần từ chối không cho những người đương thời thấy một dấu lạ từ trời, vì chỉ để minh chứng lời dạy của Ngài là từ thiên thượng. Vì phép lạ không phải chỉ có mục đích bảo đảm tính chất trung thực của lời dạy (Phu 13:2,3). Phép lạ phải có ý nghĩa kèm theo, nếu không, sẽ vô nghĩa. Ngoài ra phép lạ thật sự bao giờ cũng phù hợp với các phép lạ trung thực khác. Các phép lạ thật phải phù hợp với tri thức của người tin đã có về Chúa. Nghĩa là không ai chấp nhận một phép lạ nào lại phủ nhận Chúa, vì như thế là nghịch lý. Các tiêu chuẩn này giúp ta phân biệt giữa câu chuyện về phép lạ và các câu chuyện huyền hoặc hay thần tiên khác do người đời bày đặt ra.
Phép lạ trong Kinh Thánh hoàn toàn khác với những chuyện thần thoại trong truyền thuyết của các dân tộc, nghĩa là không mang tính chất kỳ quái và đồng bóng, nhưng luôn luôn có thứ tự, mạch lạc và mục đích kèm theo. Các phép lạ trong Kinh Thánh thường xoay quanh các giai đoạn của lịch sử Kinh Thánh, đó là: Giai đoạn ra khỏi Ai-cập, giai đoạn các tiên tri, sứ giả của Chúa hướng dẫn dân tộc, giai đoạn Chúa Giê-xu ở trần gian và sau cùng là giai đoạn của Hội Thánh đầu tiên. Mục đích của các phép lạ trong mỗi giai đoạn đều là để mặc khải về Đấng Thượng Đế Toàn Năng, Chân Thần, chứng tỏ lòng thương hay đức công chính của Ngài và xác nhận lòng tin nơi Chúa.
Phép lạ trong Kinh Thánh không bao giờ thực hiện vì danh dự cá nhân hay để trục lợi hoặc chiếm quyền hành. Tất cả những phép lạ đều để vinh danh Chúa và đem lại phúc lợi cho con người.
Hiệu quả của phép lạ là hướng dẫn cho sự hiểu biết về Chúa được thâm sâu hơn. Đó là phương cách của Chúa cho những ai có lòng tin. Các câu chuyện về phép lạ đều có tương quan với đức tin của những người chứng kiến hay tham gia vào và với đức tin của những người nghe hay đọc về các phép lạ đó về sau. (Gi 20:31,31). Chúa Giê-xu trông tìm đức tin khi Ngài đáp ứng bằng cách hiện diện hay hành động. Chính là do đức tin mà bệnh được lành. Đó là điểm khác biệt giữa tạo ra ấn tượng và truyền thông giải cứu qua việc mặc khải về Chúa cho con người.
Nhưng ta cũng cần để ý là đức tin của người tham gia không phải là điều kiện cần thiết cho phép lạ xẩy ra, vì như thế có nghĩa là Chúa không thể hành động khi con người không có đức tin. Mac 6:5 thường được trích dẫn để nói về vai trò của đức tin, Chúa Giê-xu không thể làm phép lạ tại Na-xa-rét không phải vì sự vô tín của người vùng ấy giới hạn quyền năng của Ngài, nhưng vì phép lạ có làm tại đó cũng không mấy kẻ tin. Tuy vậy Mác cũng bảo rằng tại đó Chúa có làm vài phép lạ chứ không phải là không.
Nhiều khi phép lạ trong giống hệt như các hiện tượng tự nhiên (như một vài tai vạ tại Ai-cập), đa số phép lạ xẩy ra theo lời Chúa đã phán bảo trước hay là do sứ giả của Ngài truyền (Gio 3:7-13 IVua 13:1-5) hoặc là xẩy ra theo một lệnh truyền hay một lời cầu nguyện (Xu 4:17 Dan 20:8 IVua 18:37,38); đôi khi cả lời tiên tri và lệnh truyền cùng được ghi lại (Xu 14). Đặc tính này cho thấy mối tương quan giữa phép lạ và mặc khải và giữa phép lạ và Lời sáng tạo của Chúa.
Một tương quan khác nữa giữa phép lạ và mặc khải là phép lạ tụ tập chung quanh những cơn khủng hoảng của lịch sử dân Chúa. Hai phép lạ vĩ đại nhất là việc giải cứu dân Chúa khỏi Biển Đỏ và việc Chúa Giê-xu phục sinh.
Phép lạ đầu tiên là cao điểm của việc tranh đấu với vua Ai-cập và các tà thần xứ này (Xu 12:12 Dan 33:4).
Phép lạ thứ hai là cao điểm của công cuộc cứu chuộc nhân loại của Chúa Giê-xu và việc tranh đấu với toàn thể quyền hành của ma quỷ. Phép lạ cũng xẩy ra nhiều lần trong thời tiên tri Ê-li và Ê-li-sê là khi người Israel gần như sa vào chỗ vô đạo bỏ Chúa (IVua 19:14); cũng như trong cuộc vây thành Giê-ru-sa-lem dưới triều vua Ê-xê-chia (IIVua 20:11); trong thời lưu đày (Đa-ni-ên); và trong những ngày đầu của Cơ-đốc-giáo.
Tân Ước ghi lại 35 lần Chúa Giê-xu làm phép lạ. Các phép lạ này có thể chia làm bốn loại:
1. Phép lạ đối với thiên nhiên.
Loại này gồm 9 phép lạ, như: hóa nước thành rượu, dẹp yên bão tố, hóa bánh cho hằng nghìn người ăn, đi bộ trên mặt nước v.v.
2. Phép lạ đuổi quỷ, tất cả sáu lần.
3. Phép lạ cứu kẻ chết sống lại, ba lần.
4. Phép lạ chữa lành bệnh, 17 lần.
Quyền năng của Chúa đã “chữa” thiên nhiên khi thiên nhiên trở nên độc hại. Phép lạ Chúa truyền lệnh cho gió và sóng là một thí dụ. Khi Chúa truyền lệnh cho bão tố thì các phân tử hydrogen, oxygen, carbon dioxide và nitrogen chuyển động rồi cơn bão lặng đi. Nhưng làm sao Chúa có thể truyền lệnh cho các phân tử ấy được, vì chúng làm gì có cảm giác? Ta phải công nhận đó là một phép lạ. Một số phép lạ được ghi lại trong Cựu Ước có thể giải thích bằng hiện tượng tự nhiên. Thí dụ như phép lạ rẽ nước Biển Đỏ cho đoàn dân Israel đi ngang qua như trên đất khô là do gió chặn nước lại, việc này thực sự có xẩy ra cho Biển Đỏ trong bình thường. Nhưng thời điểm nước biển rẽ ra là do Chúa ấn định và phép lạ xẩy ra đúng lúc người Israel đặt chân xuống biển, và nhất là nước biển dồn lại đúng vào lúc người Ai-cập đuổi theo vào đến lòng biển.
Phép lạ đuổi quỷ chỉ thấy ghi ở Tân Ước là khi Chúa Giê-xu xuất hiện. Trong Cựu Ước ngoài trường hợp vua Sau-lơ bị ác thần nhập vào và Đa-vít chơi đàn thì quỷ xuất, không thấy trường hợp quỷ ám nào. Nhưng trong Tân Ước thì nhiều, có lẽ vì chúng muốn tranh giành ảnh hưỏng với Chúa. Nhiều trường hợp quỷ biết rõ Chúa là ai và kêu xin Ngài nữa. Các môn đệ Chúa thoạt đầu thất bại trong việc đuổi quỷ, nhưng về sau thành công.
Chúa khiến ba người sống lại và Ngài rất cảm thương cho hoàn cảnh của họ. Các phép lạ này không thể nào giải thích là hiện tượng tự nhiên được. Như phép lạ La-xa-rơ từ trong mồ mả bước ra, và phép lạ sống lại từ cõi chết của chính Chúa Giê-xu.
Sau đây xin nói về hai phép lạ quan trọng là phép lạ chữa bệnh và đuổi quỷ:
Phép lạ chữa bệnh nhiều nhất và cũng nhiều hình thức khác nhau.
Tật bệnh là một trại tù. Nó là kẻ thù của tất cả mọi mối liên lạc, làm ta xa cách với đời sống. Bên trong thân xác của ta là cả một thế giới huyền bí. Ngoài hệ thống chỉ huy là lý trí, ý chí và tình cảm, còn cả một vũ trụ gồm các đại hệ thống như thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, bài tiết. Trong mỗi hệ thống này lại còn những tiểu hệ thống vô cùng phức tạp. Đến thế kỷ 21 mà y học vẫn chưa biết hết các hoạt động về vật lý, hóa học của cơ thể con người. Phép lạ xẩy ra khi quyền năng của Chúa đụng chạm đến cõi bên trong huyền bí ấy.
Ta thử để ý đến trường hợp người phụ nữ mắc chứng xuất huyết. (Mac 5:25-34) Bệnh này đã làm cho bà ấy đau khổ 12 năm, với bao nhiêu tốn kém mà bệnh càng nặng. Cuối cùng bà ấy đã chen vào một đám đông, với lòng tin vào quyền năng của Chúa, đụng vào áo của Ngài và được hoàn toàn lành bệnh. Có thể đây là một chứng ung thư máu. Quyền năng của Chúa làm cho các rối loạn trong các tế bào máu chấm dứt, hạt trắng và đỏ không chống nhau nữa, và hệ thống tuần hoàn trở lại bình thường. Đó là một phép lạ mà y khoa không hiểu được.
Có mấy câu hỏi sau đây:
Đôi khi Chúa dùng nước bọt, lúc khác đụng tay vào thân xác người bệnh, nghiêng mình trên người bệnh, có lúc chỉ truyền lệnh cho bệnh. Một vài lần Chúa tuyên bố tha tội cho người bệnh trước khi chữa cho lành. Khi xét đến các phép lạ ta để ý đến hai chữ “tức thì” hay là ngay tức khắc. Trong số 35 phép lạ Chúa làm được ghi lại, thì 23 lần hai chữ “tức thì” được dùng để mô tả tính cách của phép lạ. Trong số 17 phép lạ chữa bệnh thì những người quan sát thấy người bệnh được lành ngay tức khắc.
Nhiều lần Chúa chữa bệnh mà không thể bảo rằng đó là theo định luật tự nhiên được. Trong thời đại chúng ta, người ta có thể bảo phép lạ của Chúa khi chữa lành bệnh là loại sử dụng sự đáp ứng của tâm thần cơ thể hay Psychosomatique. Theo giải thích này thì nhiều chứng bệnh không bắt nguồn từ cơ thể, mà lại bắt nguồn từ tâm trí. Khi nào điều kiện tinh thần được cải đổi, thì thân thế cũng khỏe mạnh trở lại. Trong những nước xã hội công nghiệp tiến bộ, người ta cho rằng có đến 80% bệnh là thuộc về tâm thần cơ thể, nghĩa là có nguồn gốc là tâm thần. Cũng có thể một số phép lạ chữa bệnh của Chúa Giê-xu là thuộc loại chữa trị tâm thần này. Nhưng nhiều thứ bệnh khác không thuộc tâm thần cơ thể được, như bệnh phong cùi hay tật mù bẩm sinh chẳng hạn. Chắc chắn những bệnh này không do tâm thần phát sinh.
Cũng có một số người cho rằng ngày xưa con người chưa am hiểu khoa học nên vội gán cho những gì mình không hiểu là do phép lạ. Ngày nay ai cũng biết là hiện tượng khoa học. Thực ra phép lạ không phải chỉ do con người chưa tiến bộ giải thích như thế. Vì các phép lạ như cho người mù bẩm sinh được sáng mắt hay cho La-xa-rơ đã chết bốn ngày sống lại thì đến tận thế kỷ 21 khoa học cũng không thể giải thích gì được mà phải công nhận là phép lạ.
Có hai quan điểm liên quan đến phép lạ và định luật tự nhiên. Có người cho rằng các phép lạ sử dụng một loại định luật tự nhiên cao hơn mà cho đến nay người ta chưa hiểu được, vì mặc dù khoa học tiến bộ, chúng ta vẫn còn đứng trên bờ đại dương bao la của tri thức. Khi nào ta biết được các định luật này thì sẽ vỡ lẽ rằng phép lạ chỉ là áp dụng các định luật tự nhiên cao mà thôi. Chữ định luật trong khoa học mang nghĩa: việc gì xẩy ra thường xuyên và hành động có tính chất đồng nhất. Nếu nói phép lạ là kết quả của việc áp dụng một thứ định luật cao hơn tức là hiểu chữ định luật khác với cách dùng của khoa học.
Quan điểm thứ hai, thường là của chính người hưởng phép lạ hay nhân chứng, công nhận đó là một việc làm sáng tạo do quyền năng siêu nhiên của Chúa. Đây là quan điểm thần học và rất chính xác.
Chúa chữa bệnh khi người ta xin Chúa, nhưng cũng có trường hợp không xin mà Chúa cũng thi hành phép lạ, như đuổi quỷ chẳng hạn.
Có khi Chúa hỏi người bệnh xem họ muốn gì, có muốn lành bệnh không. Chúa biết rõ nhu cầu và mong mỏi của người bệnh, sao còn phải hỏi? Đây là lúc Chúa muốn chính người bệnh phải quyết định, và cũng là phần đóng góp của người ấy vào tình trạng lành bệnh của mình. Ngoài ra, đây là câu hỏi mà chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có quyền hỏi, vì Ngài có thể chữa lành thân xác mà Ngài đã tạo ra.
Biết bao lần bác sĩ đời này xin lỗi người bệnh vì họ không thể làm gì được, nhưng chưa có ai đến với Chúa mà bị khước từ. Sứ đồ Giăng viết trong Phúc Âm Giăng rằng: Nếu ghi lại từng việc Chúa làm thì nhiều vô kể, nghĩa là Chúa chữa vô số tật bệnh và làm nhiều phép lạ khác mà không ai ghi hết lại được.
Nhiệm vụ chính của Chúa Giê-xu là cứu chuộc nhân loại khỏi tội ác bằng việc hi sinh trên thập tự giá và hoàn tất công việc ấy. Chúa chữa lành bệnh tật vì lòng thương xót. Kinh Thánh ghi rõ năm lần trước khi chữa bệnh Chúa động lòng thương xót, và tám lần khác, Chúa thương người bệnh.
Tuy nhiên không phải Chúa đến trần gian chỉ để chữa bệnh. Chúa vào đời để hi sinh chết thay cho nhân loại vì tình thương, nhưng Ngài cũng nhìn thấy nỗi khổ đau của từng người và sẵn sàng cứu giúp.
Vì các môn đệ thấy bão táp lo sợ mà Chúa đã đi trên mặt nước đến cứu giúp họ. Khi thấy hằng nghìn người theo Ngài cả ngày, đói khát và mệt mỏi, Chúa đã làm phép lạ hóa bánh để nuôi họ.
Nhưng mục đích chính của Chúa vẫn không phải chỉ làm thỏa mãn tạm thời hay xoa dịu các nỗi thống khổ của một số người, Chúa muốn cho con người thấy được quyền năng của Đức Chúa Trời mà Ngài hiện thân và cho người ta biết các giá trị vĩnh hằng cao quý không đượm mùi tục luỵ khổ đau mà chính Chúa là con đường đưa đến các giá trị đó. Nói khác đi, Chúa chữa bệnh cho một người là để cho người ấy và mọi người chứng kiến có dịp biết đến các giá trị vĩnh hằng qua niềm tin đặt nơi Ngài.
Trừ quỷ hay đuổi quỷ là phép lạ thuộc loại siêu nhiên. Đây là lúc quyền năng của Chúa xâm nhập vào lãnh địa vô hình của Sa-tan. Đây cũng là loại phép lạ làm cho người ta khó tin nhất, vì các phép lạ trừ quỷ hay đuổi quỷ chứng tỏ rằng Sa-tan và các quỷ sứ có thật. Trong thời đại khoa học thông tin mà nói đến ma quỷ nghe như quá lỗi thời. Tuy nhiên khi Chúa Giê-xu ở thế gian thì mọi người đều biết tác dụng của ma quỷ. Chúa Giê-xu thấy rõ hoạt động của ma quỷ trong những con người bị nó ám vào và dùng quyền năng đuổi nó ra.
Công việc của Sa-tan trong nhân loại là có thật. Nó từng làm cho A-đam, ông tổ của cả loài người bị đẩy lùi vào bóng tối bằng trái cây mà Ê-va đã ăn dở dang. Trước đó A-đam chỉ thấy một con rắn bò bên cạnh những hàng cây nhưng sau khi ăn trái cấm, A-đam mới thấy nó là cả một sức mạnh ghê gớm. A-đam chắc đã khóc khi bị đuổi khỏi khu vườn Ê-đen vì biết rằng con rắn kia đã gây ra việc ngăn cách A-đam với Chúa là Chân Thần, và dẫn đến chỗ hủy hoại đời sống. Mục tiêu của Sa-tan không phải chỉ làm hại A-đam và loại ông ta ra khỏi Ê-đen, nhưng còn muốn thống trị cả nhân loại nữa.
Sa-tan và A-đam đều bất tuân lệnh Chúa. Sa-tan là thiên sứ phản bội và A-đam vi phạm luật Chúa vì lòng tham. Cả hai đều làm buồn Đấng Tạo Hóa vinh quang. Cả hai cũng đã bị lưu đầy: Sa-tan ra khỏi thiên đàng và A-đam ra khỏi địa đàng. Nhưng Sa-tan có năng quyền hơn A-đam và muốn chiếm đoạt A-đam. Trong dòng dõi A-đam, nhân loại trở thành bãi chiến trường cho thiện và ác tranh giành. Điều ác do Sa-tan làm chủ cứ mở rộng cuộc chinh phục tâm hồn và đời sống cá nhân mỗi người. Cho đến khi Chúa Giê-xu ra đời thì cuộc chiến ấy mới đổi chiều. Chúa Giê-xu, theo phần xác, cũng thuộc dòng A-đam, nhưng Ngài từ trời vào đời chứ không từ đất.
Ngay từ lúc bắt đầu sứ mệnh cứu chuộc nhân loại, Chúa Giê-xu đã quả quyết rằng lỗi lầm của A-đam sẽ không bao giờ được tái diễn, vì trong đồng hoang, Sa-tan đã áp dụng đúng sách lược từng cám dỗ A-đam ra thử thách Chúa. Nó không đưa ra trái cấm nhưng nói đến quyền năng thống trị thế giới, danh vọng tức khắc và tri thức tuyệt vời. Chúa Giê-xu đã không sa vào cạm bẫy của nó như A-đam khi xưa. Chúa Giê-xu hoàn toàn vâng phục Chúa Cha và sử dụng Lời Cha mà thắng ma quỷ Sa-tan. Cuối cùng, Chúa Giê-xu đã toàn thắng Sa-tan và tử thần trong cuộc phục sinh khải hoàn của Ngài.
Nhưng ngoài Chúa Giê-xu ra, toàn thể nhân loại từ thời A-đam ra khỏi vườn Ê-đen cho đến nay đều thua ma quỷ. Đa số nhân loại bị nó nắm lấy nguyên cả cuộc đời, nhưng mỗi người bị nó chinh phục một cách khác nhau. Có người bị nó sai khiến đến nỗi chẳng còn lương tri nữa và hành động như điên dại.
Ma quỷ là từ gọi chung Sa-tan và toàn bộ các thiên sứ sa ngã theo nó. Ma quỷ rất đông đảo và luôn tìm nơi trú ngụ. Chỗ ưng ý nhất là trên mặt đất. Sách Gióp ghi lại rằng Sa-tan đi đây đó trên mặt đất. Còn Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng: Ma quỷ như sư tử gầm thét đi quanh kiếm những người nó có thể vồ xé.
Hơn thế nữa, nó thường nhập vào những con người mà nó có thể dùng làm tay sai tiêu diệt nhân loại. Tần Thủy Hoàng, Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông và nhiều tên đồ tể thế giới đều là tay sai của nó. Nó cũng nhập vào những người thường để sai khiến những người ấy phạm các tội ác hủy hoại bản thân, gia đình, giáo hội và cả xã hội nữa.
Những người sống trong các vùng dân tộc ít người đều có nghe nói những chuyện ma quỷ tác hại, thường thì những chuyện này đều có thật, vì ma quỷ có thể nhập vào và sai khiến những người u mê làm các điều khờ dại.
Trong Kinh Thánh Tân Ước có ghi lại sáu lần Chúa Giê-xu đuổi quỷ. Căn cứ vào đó có thể phân biệt ra bốn loại quỷ trong số nhiều loại mà chúng ta chưa biết hết:
Ấn-độ-giáo gọi loại này là Asura. Giống quỷ này dám đối đầu với quyền năng của Chân Thần, như trong trường hợp Sa-tan xuất hiện trước ngôi Chúa trên trời để nói về việc Gióp. Như trong sách Gióp đã ghi. Trong Phúc âm Mac 1:21-28 thì loại quỷ này gây gián đoạn một buổi lễ trong hội đường Do-thái Giáo bằng cách la khóc khủng khiếp. Nhưng cách thông thường của loại quỷ này là chống chọi và thách thức Chúa trực tiếp.
Ấn-độ-giáo gọi là Rakshasa. Loại này chuyên phá công trình của Tạo Hóa. Trong Khải Huyền 9:11 sứ đồ Giăng gọi nó là Apolion, nghĩa là kẻ phá hoại. Công trình của Tạo Hóa mà nó hay phá nhất chính là những con người. Phúc âm Mat 9:32-34 có nói đến việc nó ám vào một người và làm cho câm. Chương 12:22 lại kể rằng nó ám vào một người khác làm cho mù.
Đây là loại quỷ gây điên loạn. Trong Lu 8:29 có nói đến người bị nó hành hạ, có sức mạnh phá được mọi thứ xiềng xích, chuyên sống trong vùng mồ mả như người điên. Người như thế bị xã hội ruồng bỏ và sống cô đơn.
Câu chuyện đứa bé trai ghi trong Ma-thi-ơ 17 mô tả hành động của loại quỷ này. Đứa bé này mắc bệnh phong điên, nghĩa là quỷ làm cho nội tâm rối loạn. Có lần quỷ cho người bệnh ngã vào nước và lửa cốt để giết chết nạn nhân. Nhìn vào con bệnh người ta tưởng chừng như tai nạn, nhưng thật ra là quỷ gây ra. Chính Chúa Giê-xu đã đuổi quỷ này ra khỏi đứa bé và sau đó nó hoàn toàn bình phục.
Thật ra chia loại như thế là theo các hình thức chúng xuất hiện mà người ta ghi nhận được, quỷ có nhiều hình trạng và rất khó phân biệt cũng như xếp loại. Có khi bẩy thứ quỷ cùng nhập vào một người như trường hợp bà Ma-ri ở Ma-đơ-len.
Bài này chỉ sơ lược cho bạn đọc biết rằng ma quỷ có thật, đừng khinh thường nó, và luôn luôn trang bị Lời Chúa để có thể đắc thắng nó. Người đuổi quỷ phải nhân danh Chúa Giê-xu mà làm, nếu không, quỷ sẽ không khuất phục.
1. Nhiều phép lạ được thực hiện giữa công cộng chứ không phải chỉ riêng tư và những người được lành bệnh tung tin ra. Người đương thời có thể điều tra hư thực ngay tại chỗ. Đặc biệt là ngay lúc Chúa Giê-xu làm phép lạ, Chúa có rất nhiều kẻ thù, chỉ mong tìm bằng cớ để lên án, buộc tội và xử tử Ngài. Nhưng kẻ thù của Chúa không thể phủ nhận là Chúa thục hiện nhiều phép lạ. Kẻ thù của Chúa lúc ấy có hai thái độ đối với phép lạ. Hoặc họ cho rằng Chúa sử dụng quyền năng của ma quỷ mà làm phép lạ. Hai là họ cố tình dẹp bỏ bằng chứng của phép lạ đi. Như trường hợp La-xa-rơ sống lại, họ muốn giết chết cả La-xa-rơ. Khi người mù được chữa lành họ cũng làm khó dễ để anh này đừng nói đến việc Chúa chữa cho sáng mắt nữa.
2. Nhiều phép lạ được Chúa thực hiện giữa đám đông vô tín. Điều này khác với những thầy pháp hay thầy phù thủy trong các dân tộc. Vì những thầy này chỉ làm bùa phép trước mắt những người tin họ mà thôi. Chúa Giê-xu công khai làm phép lạ trước mắt mọi người.
3. Các phép lạ của Chúa làm liên quan đến nhiều quyền năng và không phụ thuộc vào không gian. Quyền năng trên cõi thiên nhiên khi hóa nước thành rượu. Quyền năng trên bệnh tật khi chữa bệnh cho người phung và người mù bẩm sinh. Quyền năng đối với quỷ dữ khi Chúa trục xuất chúng ra khỏi những người bị chúng chế ngự. Quyền năng hiểu biết siêu nhiên khi Ngài ở xa mà biết rõ được Na-tha-ni-ên đang ở dưới cây vả. Quyền năng sáng tạo khi Ngài hóa bánh và cá ra cho hơn 5000 người ăn. Quyền năng trên sự chết khi Ngài gọi La-xa-rơ sống lại từ trong nấm mồ và những người chết khác được hồi sinh.
4. Các phép lạ đều có lời chứng của người được chữa lành, như La-xa-rơ và người mù bẩm sinh.
Các chuyện lạ ghi trong các sách của đời hoàn toàn khác hẳn với phép lạ ghi lại trong Kinh Thánh. Vì không trình bày cùng một thứ tự, giá trị và động lực như các phép lạ Chúa làm. Quan trọng hơn cả là những chuyện lạ bên ngoài Kinh Thánh không có tính cách xác thực như các phép lạ của Kinh Thánh. Thật ra hai sự việc đó không có điểm nào tương quan để so sánh cả.
Câu hỏi này khi nêu lên giữa một đám đông, chắc chắn sẽ có nhiều người đứng lên minh chứng rằng Chúa vẫn làm phép lạ qua những tôi tớ của Ngài trên khắp đất. Người bệnh cần bằng lòng hạ mình xưng tội, hết lòng tin Chúa và cam kết sống đời thánh sạch. Chúa không thay đổi và quyền năng của Ngài vẫn đời đời hiệu năng. Chúa vẫn gọi chúng ta đến với Ngài cho được yên nghỉ về tâm hồn cũng như thể xác. Tuy nhiên ta cần nhớ một điều là Chúa còn có những mục đích và ý nghĩa trong việc thi hành hay không thi hành phép lạ mà con người không thể nào hiểu được.
Có người bảo rằng: ngày xưa Chúa làm nhiều phép lạ sao ngày nay Ngài không làm nữa? Chúa cứ xuất hiện hay làm nhiều phép lạ là nhân loại sẽ tin hết.
Mời độc giả đọc câu chuyện ghi trong Phúc Âm Lu 16:19-31 sẽ rõ.
Câu chuyện này do chính Chúa Giê-xu kể để giải thích cho câu hỏi kể trên. Người giàu muốn cứu năm người anh em của ông ta còn sống trên trần gian cho khỏi bị vào hỏa ngục như ông ta, nên xin với tổ Áp-ra-ham sai một người nào đến cảnh cáo họ về những nguy cơ mà họ sẽ gặp phải. Áp-ra-ham không chấp thuận, bảo rằng họ đã có Kinh Thánh răn dạy về chuyện đó. Người giàu nói rằng, nếu có ai từ cõi chết trở về thì chắc nói gì họ cũng tin. Áp-ra-ham bảo rằng: Nếu họ đã không tin các sứ giả của Chúa sai đến xưa nay, thì dù có người chết sống lại thuyết phục họ cũng sẽ không tin.
Không tin là tình trạng cố hữu của nhân loại. Chúa Giê-xu đã xuất hiện trong nhân loại, đã làm nhiều phép lạ, nhưng cuối cùng người ta cũng đòi hành hình Chúa trên thập giá. Người ta không tin Chúa và không công nhận phép lạ. Nhân loại ngày nay tệ hại hơn vì đã không tin mà còn quy chụp cho người tin Chúa và tin phép lạ là mê tín.
Ngày nay phép lạ không thấy xuất hiện nhiều vì bao nhiêu phép lạ đã ghi lại trong Kinh Thánh. Nếu phép lạ giúp cho người ta có nhận thức cảm quan thì qua các chứng cớ về phép lạ người ta cũng có thể có nhận thức đó
Các phép lạ hay những chuyện lạ xưa nay đều phải được chứng nghiệm qua những cuộc điều tra của người ta.
Nhiều người vì thấy các phép lạ ngày nay khó chứng minh, chủ trương rằng không có phép lạ và phủ nhận cả những phép lạ trong Kinh Thánh. Như vậy là không đúng. Cũng như thể khi người ta khám phá ra tiền giả, rồi kết luận rằng tiền nào cũng giả cả, như thế là sai. Có người cố giải thích phép lạ là một lối báo cáo quá đáng về một sự việc có thật. Vì con người có thói quen thêu dệt chuyện khi kể lại, với các ý định khác nhau, vì thế nên sự việc mới trở thành phép lạ mang tính chất thần kỳ.
Nói như thế là cho rằng phép lạ đã ghi lại có thể là do những cuộc quan sát không kỹ lưỡng hoặc là báo cáo không chính xác.
Tuy nhiên ngay tòa án hiện đại, người ta vẫn tôn trọng nhân chứng, mặc dù cách diễn tả của nhân chứng không sát thực. Như trong một tai nạn gây chết người chẳng hạn, dù nhân chứng có nói như thế nào chăng nữa, thì cũng không ai dám phủ nhận là tai nạn ấy không thực sự xảy ra.
Các phép lạ ghi lại trong Kinh Thánh cũng mang các giá trị y như phép lạ thực sự được chứng kiến. Vì trong các tòa án ngày nay, những lời nhân chứng hay tài liệu đều có thể coi là bằng chứng.
Người ta cũng có thể nói rằng những người ghi lại các phép lạ không khách quan, vì họ là môn đệ của Chúa Giê-xu. Có thể lắm, nhưng họ là nhân chứng khi sự việc xảy ra, và quan trọng hơn cả là họ mô tả đúng những gì mắt thấy tai nghe. Họ cũng đã trả giá bằng chính sinh mạng của họ cho những lời chứng này. Không ai dại gì hi sinh tính mạng để làm chứng về một chuyện không bao giờ xẩy ra.
Khi nói về phép lạ, người ta không thể nào dùng khoa học để chứng minh hay bài bác, vì phép lạ thuộc phạm trù siêu nhiên. Hơn nữa khoa học không thể nào ngăn không cho phép lạ xẩy ra. Khoa học là môn học chỉ mô tả những gì xẩy ra mà thôi.
Phép lạ nào cũng có mục đích cả, vì đó là một trong số phương cách truyền đạt tư tưởng, khải thị ý chỉ của Thượng Đế cho loài người.
Khi nào con người bằng lòng tin nhận Thượng Đế, Thiên Chúa, Đức Chúa Trời hiện hữu, thì lúc ấy phép lạ không cần phải đặt thành vấn đề nữa.
Biết phép lạ, tin phép lạ chưa quan trọng bằng kinh nghiệm phép lạ. Một trong những phép lạ mà mỗi người phải kinh nghiệm là phép lạ đổi mới con người của ta nhờ lòng tin đặt nơi Chúa. Không có phép lạ này, không ai có hi vọng gì hiểu các phép lạ khác, nói chung.
Câu Hỏi:
1. Bạn có tin phép lạ không? Tại sao ngày nay dường như không thấy phép lạ nữa?
2. Tại sao Chúa không làm nhiều phép lạ cho người ta dễ tin Chúa?
3. Mục đích của phép lạ nói chung là gì?
4. Theo bạn, phép lạ nào quan trọng nhất?
Nhiều người trong đời mang một thái độ hoài nghi đối với tôn giáo và không chịu đào sâu tìm hiểu. Những người có thái độ như thế có lẽ cũng quan tâm ít nhiều về mặt tâm linh của đời sống. Họ thường ngạc nhiên về thế giới, về vũ trụ, về chính mình, và hỏi rằng: Tất cả có ý nghĩa nào hay không? Đây không phải là những người có thể tin, nhưng chưa tin mà là những người muốn tin nhưng không thể tin được. Vấn đề không tin thuộc lĩnh vực của ý chí. Chúa Giê-xu từng nói về những người như vậy rằng: “Dù có người từ cõi chết sống lại làm chứng cho họ, họ cũng không tin.” Vấn đề ở đây là có hiểu biết nhưng nghi ngờ. Ý chí đã sẵn sàng quyết định, nhưng không làm được cho đến khi nào tâm trí được thuyết phục. Trước tiên xin nói về một vài điều cơ bản.
Thứ nhất: Một người thành thực muốn biết về Chúa phải là người có tâm trí cởi mở. Đừng vội vàng cho rằng những chuyện hoàn toàn khác thường không thể nào xảy ra được, hay không làm gì có phép lạ! Đừng vì thành kiến hay nghi ngờ làm cho ta nghĩ rằng chuyện xảy ra không chấp nhận được. Nói khác đi, đừng để những giới hạn trong kinh nghiệm của mình ức chế sự thực.
Thứ hai: Theo dõi những sự kiện xảy ra một cách chân thành để xem kết quả. Hễ thấy được tia sáng nào thì hãy bám cho thật sát, vì sẽ thấy được nhiều tia sáng hơn nữa. Có người nói rằng: Nhận ánh sáng sẽ được thêm ánh sáng, phủ nhận ánh sáng chỉ thấy đêm tối.
Thứ ba: Hãy đặt những câu hỏi quan trọng. Đời sống đầy huyền nhiệm vì vậy không thể kinh nghiệm đời sống mà không đặt các câu hỏi. Ta không thể nhìn lên vũ trụ bao la rồi nhún vai nói rằng: Làm sao biết nổi? Cũng không thể nhìn vào những con người có tư duy, biết thương yêu, biết thờ phượng, biết tội lỗi và biết thưởng thức cái đẹp mà không dừng lại hỏi rằng: những con người này từ đâu mà ra? Cũng không thể nào không thắc mắc về những con người đặc biệt trong lịch sử, đã từng tuyên bố những lời độc đáo, và được gọi là anh hùng của lịch sử.
Thứ tư: Hãy phối kiểm các dữ kiện như những nhà khoa học. Quan sát kỹ các dữ kiện và các lý thuyết rồi cố tìm ra giả thuyết nào cho phù hợp với những điều đã quan sát. Người tìm hiểu các vấn đề tâm linh cũng vậy, phải đem các dữ kiện đã nghe, đã thấy ra nghiên cứu và tìm một lập trường cho phù hợp với các dữ kiện đó.
Cuối cùng: Phải chuẩn bị chấp nhận. Lòng tin của người theo Chúa không phải chỉ liên quan đến trí thức mà trực tiếp thẳng tới linh hồn. Khi trí thức được thỏa mãn, thì tâm linh phải thuận phục theo. Như thế nếu bạn là người hay nghi ngờ, thì nên theo lời một thánh nhân thời Trung Cổ rằng: Nghi ngờ đưa ta đến chỗ tìm hiểu và tìm hiểu mới thấy được chân lý.
Có người định nghĩa đức tin như sau: “Đức tin là tin vào một điều mà ta biết không có thật.”
Nếu đức tin chỉ có vậy chắc chắn sẽ không đi đến đâu. Vì trông mong một điều viển vông cũng như không trông mong gì cả.
Đức tin của người tin Chúa hoàn toàn khác hẳn, vì đó là loại đức tin đặt trên căn bản chân lý. Vì nếu không, càng bỏ đi sớm chừng nào càng tốt. Không ai nên tin vào một điều giả tưởng bao giờ.
Câu hỏi cần đặt ra là: Chân lý trong đạo Chúa có thể chứng minh hay kiểm nghiệm được không? Để trả lời câu hỏi này, ta thử xem công việc kiểm nghiệm ở các lĩnh vực khác ra sao, rồi đặt song song với việc kiểm nghiệm trong lĩnh vực tâm linh.
Trước tiên, phương pháp khoa học. Nhà khoa học phải xem xét tất cả những bằng cớ thu nhặt được. Chúng ta cũng vậy, phải xét đến toàn bộ những bằng cớ hiển nhiên nhất trong lĩnh vực đức tin. Các bằng cớ này gồm cả khởi nguyên vũ trụ và nhân loại, cộng với những kinh nghiệm của chúng ta. Rồi nhà khoa học khảo sát mọi giả thuyết liên quan đến những gì họ quan sát. Người nghiên cứu vấn đề tâm linh cũng vậy, phải tìm ra các giả thuyết phù hợp với các dữ kiện, thí dụ như lý thuyết về các nguồn gốc chẳng hạn: Vũ trụ này có phải là một hệ thống đóng kín đối với nguyên nhân và hậu quả - nghĩa là những gì hiện hữu chỉ là do một loại năng lượng nào đó hợp với thời gian, với ngẫu nhiên, mà thành? Hay vũ trụ do một tư tưởng vĩ đại, nghĩa là được sáng tạo có chương trình, mục đích của một Đấng Thượng Đế vô hạn và vĩnh hằng?
Ta lại thử xem phương pháp sử học. Sử gia thường đặt những câu hỏi về sự các sự kiện xảy ra. Thí dụ như: Julius Caesar có thực sự xâm lăng nước Anh hay không? Chúng ta cũng có thể khảo sát bằng chứng về cuộc phục sinh của Chúa Giê-xu và những sự kiện khác liên quan đến nền móng của đức tin Cơ-đốc. Nhà sử có thể nghiên cứu các lời tuyên bố hay các giả thuyết để biết thật hư. Chúng ta cũng có thể nghiên cứu theo lối sử học để chứng minh các sự kiện trong Phúc Âm xem có thực hay không?
Còn phương pháp triết học thì sao? Triết gia thường đặt câu hỏi là: Lập trường tư tưởng này có nghĩa gì hay không? Có mâu thuẫn nào nội tại hay không? Lập trường ấy có tự mâu thuẫn hay không? Có phù hợp với những gì mà tôi đã biết hay không? Trong đức tin Cơ-đốc chúng ta cũng có thể theo phương pháp đó mà hỏi rằng: Niềm tin của người Cơ-đốc có nghĩa gì không? Đức tin ấy có phù hợp với những gì tôi đã biết về đời sống và có thực tế dựa trên kinh nghiệm của chính tôi và người khác về đức tin ấy hay không?
Ta cũng có thể theo phương pháp quan hệ trực tiếp. Nghĩa là đặt câu hỏi: Tôi có thể tin người này hay người nọ không? Người ấy có chân thực hay không? Ông hay bà ấy có sống đúng như cách họ tuyên xưng hay không? Ta có thể đặt những câu hỏi như thế đối với Chúa Giê-xu. Thường thì chúng ta có những cảm nghĩ về người khác bằng cách để ý đến thái độ và lời nói của họ, và những gì người khác nói về họ. Chúng ta cũng có thể có cảm nghĩ rất rõ và chân xác về Chúa Giê-xu khi đọc Kinh Tân Ước theo một lối khách quan và vô tư được.
Sau cùng, cũng như chúng ta không thể nào thực sự biết một người nếu không giao dịch hay ký thác gì với người ấy, chúng ta cũng không thể có các nghiệm chứng đúng về Chúa Giê-xu cho đến khi nào chúng ta bằng lòng ký thác mình trong Chúa bằng một hành động của đức tin, không mù quáng, nhưng dựa trên bằng cớ hẳn hoi.
Người nghi ngờ hay vô tín có thể bảo: Cứ chứng minh đi xem! Tôi không thực sự chứng minh được, nhưng tôi có thể mời bạn đặt những câu hỏi khôn ngoan và mở cuộc thực nghiệm, cùng các phương pháp nghiên cứu khảo sát của các lĩnh vực vừa kể trên đây. Lúc ấy có lẽ chính Chúa Giê-xu sẽ tự chứng minh Ngài cho bạn.
Hai điều thường xuyên đối diện với chúng ta là: Sự kiện về vũ trụ và sự kiện về đời sống hay sự có mặt của chúng ta. Cả hai sự kiện này đều không thể biện luận hay dùng lý thuyết triết học mà giải nghĩa dứt khoát được. Vì thế nên ta phải tiếp tục đặt các câu hỏi:
Câu hỏi như: Vũ trụ có phải là sản phẩm của một loại năng lượng nào đó, rồi với thời gian và ngẫu nhiên mà hình thành chăng? Hay vũ trụ là công trình sáng tạo của một Đấng Thượng Đế có cá tính, vô hạn và vĩnh hằng?
Chúng ta không thể nào tránh khỏi sự kiện là chúng ta đang ở đây và thực sự đang sống trên một chấm nhỏ trong không gian và xoay vần chung quanh một ngôi sao nóng bỏng, trong một giải ngân hà có hằng chục tỉ thiên thể. Đó và thực thể ngay chung quanh chúng ta bây giờ.
Câu hỏi đặt ra là: Có thể tất cả do ngẫu nhiên mà hiện hữu hay đã được kế hoạch sẵn?
Ta thấy dường như có ba giải đáp cho câu hỏi này:
1. Quan điểm của những người cho rằng không thể biết được, nói ngay rằng: Chúng ta không biết và cũng không thể biết câu trả lời là gì.
2. Giải đáp thứ hai là gán cho nguyên nhân của vũ trụ một cái tên, như Tiến Hóa hay Tự Nhiên chẳng hạn. Thật ra các tên gọi này cũng chỉ để nói rằng vũ trụ ngẫu nhiên mà có. Người ta đặt tên cho một tiến trình đã được phân tích và nghiên cứu rồi để yên đó. Những tên đặt cho một tiến trình vẫn chưa phải là giải thích hay là tìm được nguyên nhân làm cho tiến trình xảy ra.
3. Giải đáp thứ ba; của những người tôn thờ Chúa, nói rằng: Giải thích thỏa đáng nhất là có một Đấng Sáng Tạo ở đằng sau tất cả những gì có mặt hiện nay cũng như trong quá khứ và tương lai.
Muốn lựa chọn câu giải đáp nào thì người tìm hiểu cũng phải để ý đến các yếu tố sau đây:
1. Vũ trụ dường như có một cái gì hợp nhất và những hiện tượng đều đặn xảy ra. Những hiện tượng này không bừa bãi hay rối loạn nhưng theo những qui luật có thể tiên đoán được. Điều này chắc chắn phải được giải thích rõ.
2. Trong vũ trụ có rất nhiều bằng cớ hiển nhiên về những khuôn mẫu hay kiểu mẫu. Các cách vận chuyển của đôi mắt hay đôi tay chúng ta chẳng hạn, vẫn làm cho chúng ta ngạc nhiên không ngừng. Những điều nhìn thấy qua kính hiển vi hay viễn vọng thường khiến ta rất ngỡ ngàng. Phải chăng tất cả những gì ta thấy là do một ngẫu nhiên nghịch lý nào đó?
3. Ngay giữa một vũ trụ dường như không thuộc về ai này, đã có trí óc, cá tính và sự tự nhận thức về chính mình. Có thể nào có một nguyên nhân vô cá tính, không suy nghĩ, giải thích được một kết quả có cá tính và có suy nghĩ hay không?
4. Trong vũ trụ có một huyền nhiệm đó là cái đẹp và chúng ta là tạo vật, biết được cái đẹp đó. Cái đẹp đó có phải là cái gì vô nghĩa chủ quan được hay không? Hay là chúng ta nhận rằng có một phẩm chất trong tạo vật và một khả năng trong chính chúng ta, tức là điều không thể dùng một từ khoa học nào thuần túy để giải thích cho được.
Điểm chính mà chúng tôi muốn đưa đến là: Chúng ta đối diện với một thực tế đòi hỏi giải thích sao cho tâm trí hiểu được chứ không phải giải thích theo kiểu nói rằng: Vật chất đã được đưa vào hành động do từ những vụ nổ của chất hơi nào đó trong dòng thời gian vô định. Con người có thể được giải thích về thể chất là những thành phần hóa chất, nhưng đó mới chỉ là một phần của con người chứ không phải tất cả.Vũ trụ cũng vậy. Có thể dùng vật lý hay hóa học giải thích đến một mức độ nào đó, nhưng phải chăng còn có những đặc tính mà phải dùng các điều khác để giải thích? Nếu tâm trí chúng ta có thể hiểu được đến một mức độ nào đó về vũ trụ thì không phải bằng chứng là tâm trí phải gặp tâm trí hay sao? Nói cho cùng, nhà khoa học không đặt chân lý vào vũ trụ. Người ta chỉ tìm ra hay khám phá chân lý trong vũ trụ mà thôi. Người tin Chúa nói rằng: đó là chân lý về Thượng Đế, Đấng Sáng Tạo, không phải chân lý về một cái ngẫu nhiên, không có cá tính và bừa bãi lẫn lộn. Bạn nghĩ sao?
Chúng ta vừa nói đến một trong hai sự kiện mà mỗi chúng ta đều phải đối diện mỗi ngày đó là vũ trụ. Sự kiện thứ hai mà chúng ta cũng phải luôn luôn đối diện chính là sự sống của mỗi chúng ta. Nếu vũ trụ dễ giải thích khi quan niệm vũ trụ là sản phẩm của một trí óc siêu việc hơn là chỉ do một thứ năng lượng nào đó với thời gian và ngẫu nhiên mà kết thành, thì cái gọi là con người bí mật khó hiểu ấy cũng không có cách nào giải thích hay hơn.
Julian Huxley, một nhà tư tưởng người Anh từng viết: Khoa học đã vén bức màn đen của nhiều hiện tượng, đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại. Nhưng khoa học đưa chúng ta đối diện một điều bí mật, căn bản và tổng quát nhất, đó là cái bí mật về sự sống nói chung và trí óc nói riêng.
Thomas Mann, một nhà văn khác cũng nói tương tự: Toàn bộ vấn đề con người và những gì chúng ta nghĩ về con người đưa chúng ta đến một vấn đề nghiêm trọng là sống và chết. Đây là những điều cho đến thời đại chúng ta vẫn chưa biết rõ được.
Léon Tolstoy thì nói: Mục đích của đời sống là gì? Để chết chăng? Thế thì tôi tự tử ngay đi cho rồi? Nhưng không, tôi sợ lắm.Chờ đợi cho đến khi cái chết đến à? Vậy còn hãi hùng hơn nữa.Như thế thì tôi phải sống nhưng mà sống để làm gì? Để mà chết thôi sao? Tôi không thể nào ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó.
Chúng ta cũng vậy. Mỗi một chúng ta là một sinh vật tự ý thức về mình. Chúng ta biết nhận định, phân tích, phản ứng, ngạc nhiên, hoạch định chương trình, sợ hãi, thương yêu v.v… Chúng ta biết căm phẫn trước cảnh bạo tàn, giận cảnh bất công, khen điều tốt lành, ghê tởm điều gian ác. Chúng ta còn có cả mặc cảm tội lỗi, muốn được người tha thứ, muốn sửa chữa lỗi lầm, cố gắng làm điều gì cho tốt hơn và còn nhiều điều khác nữa. Chúng ta còn đi tìm ý nghĩa nữa. Có những người bảo rằng đời vô nghĩa, nhưng vẫn yêu gia đình, vẫn biết phán đoán các giá trị và thường tư duy và hành động như thể đời sống có một giá trị tối hậu nào đó ở bên ngoài nó.
Nói khác đi, chúng ta là sinh vật dường như lúc nào cũng gắn bó với một loại hình thức ý nghĩa nào đó và một hình thức về điều thiện hay điều ác tối hậu nào đó.
Những người duy vật cứng cỏi nhất cũng vẫn ca ngợi hay trách cứ chính mình và người khác về các hành động hay thái độ. Có người còn hoài bão những lý tưởng về chính trị và muốn thay đổi xã hội. Jean Paul Sartre chẳng hạn, thường nói rằng đời sống vô nghĩa, tối tăm, nhưng lại hứng thú về việc độc tài tại Algérie làm cho những học trò của ông ta ngỡ ngàng. Nói khác đi, Sartre cũng như bất cứ người nào đều không thể tránh thoát bản năng của con người đó là công nhận đời sống thật sự phải có một ý nghĩa nào đó.
Thử nhìn vào chính mình ta cũng thấy một kinh nghiệm không thể chối cãi được. Đó là cái kinh nghiệm về bắt buộc. Chúng ta thường cảm thấy có một đạo đức tối hậu cao cả hơn chúng ta, hay là điều kiện xã hội mà mình đang sống. Người tin Chúa giải thích rằng, các kinh nghiệm đó xuất phát từ Thượng Đế đạo đức toàn hảo và giải thích đó có ý nghĩa rất sâu xa khi đặt bên cạnh những kinh nghiệm khác và những dữ kiện thu nhặt được qua kinh nghiệm (như mặc cảm tội lỗi, thương yêu, khiếu thẩm mỹ, tư tưởng hợp lý v.v…)
Chúng ta trở về với câu hỏi ban đầu. Nguyên nhân nào đã đưa đến kết quả như vậy? Câu trả lời mạnh mẽ nhất là từ Kinh Thánh: Ban đầu Thượng Đế tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài. Nếu câu trả lời này đúng thì tất cả mọi cảm nghĩ của chúng ta về giá trị đạo đức và thẩm mỹ mới có ý nghĩa. Ngay chính cuộc đời mỗi chúng ta đây cũng mới có ý nghĩa. Nhưng nếu không có Thượng Đế thì chúng ta đang sống chập chờn trong bóng tối, không biết mình là ai, không biết tại sao mình có mặt và sẽ đi về đâu, như một cuộc chạy đua vô tình, lạc lõng ngay giữa một vũ trụ huyền hoặc. Không biết mình sống để làm gì và cũng không có gì để mà theo đuổi nữa.
Đây là những vấn đề trực tiếp đụng chạm đến mỗi người, mong bạn quan tâm để sớm tìm về với Chúa, vì Chúa là giải đáp cho mọi nan đề về cuộc sống này trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.
Các phần trên đây chúng ta đã nói rằng, cái tính cách hợp nhất, thường xuyên, cái đẹp khuôn mẫu, cá tính, tình yêu và đạo đức trong vũ trụ giải thích rằng do Thượng Đế tạo ra vẫn hơn là cho rằng chỉ là do sự phối hợp ngẫu nghiên của một loại năng lượng vô cá tính, trộn với thời gian mà thành. Nhưng còn vấn đề tội ác, những thiên tai và bệnh tật thì sao? Sự hiện diện của những thứ này cho thấy rằng, nếu có một Thượng Đế thì hoặc là Ngài đầy quyền năng, nhưng không thiện lành, vì đã cho phép tội ác lộng hành; hoặc là Thượng Đế thiện lành, nhưng không đầy quyền năng, vì dường như Ngài không thể nào ngăn được tội ác. Chúng ta sẽ trả lời ra sao?
Trước tiên phải ghi nhận rằng đây là một vấn đề của người có đạo. Vì người vô thần hay không tin Chúa khi gặp các đau đớn, chịu đựng các khó khăn và bị tội ác đàn áp không bao giờ đặt câu hỏi vì các việc này về mặt đạo đức hay siêu hình, hoàn toàn vô nghĩa đối với một người vô tín và coi vũ trụ là tự phát. Nhưng vấn đề tội ác dai dẳng, đeo đuổi mọi người, đến nỗi người vô thần khi con cái gặp tai nạn bỏ mình cũng biểu lộ rằng vẫn có một cái gì toàn thiện trong sự việc. Nói khác đi, vì tính cách kéo dài của vấn đề điều ác, tội ác, đưa đến sự cần thiết hiện hữu của một câu trả lời.
Việc tìm ra câu trả lời ấy đòi hỏi một ước muốn bước vào thế giới quan của người tin Chúa dựa trên những căn bản bằng chứng khác với những gì chúng ta đã bàn.Vì nhìn vào vũ trụ và nhân loại là nhìn vào một cái gì không phải chỉ có trật tự, khuôn mẫu, cái đẹp và sự thiện lành. Nhưng còn là nhìn thấy một sự xáo trộn, xấu xa và tội ác nữa. Chúng ta đã nói đến các nguồn cung cấp dữ kiện khác như sự tự mặc khải của Thượng Đế qua lịch sử, và kinh nghiệm qua Chúa Giê-xu. Trong Chúa Giê-xu và trong huyết của Ngài trên thập tự giá, chúng ta thấy một Thượng Đế thánh thiện cao cả, không giải thích tội ác cho chúng ta theo ngôn ngữ tương đối, nhưng đã đồng hóa với chúng ta để chịu khổ và kinh nghiệm điều ác ấy, rồi bảo đảm cho chúng ta sự đắc thắng tối hậu. Đức tin trong Chúa Giê-xu như thế trở thành sự đắc thắng vấn đề tội ác, vì cá nhân người tin Chúa đã gặp Chúa Giê-xu để nhận ra các giới hạn của mình trong trí óc hạn hẹp và phải chờ đợi để thấy cõi vĩnh hằng, là khi mọi việc đều sáng tỏ.
Hiện nay chúng ta thấy lờ mờ như nhìn ngang qua kính, nhưng đến lúc ấy mặt sẽ đối mặt. Bây giờ tôi chỉ biết phần nào, lúc ấy tôi sẽ hiểu tường tận. Đó là lời của thánh Phao-lô. Như vậy không phải là không có câu trả lời đầy đủ nhưng là bây giờ chưa có câu trả lời có thể hiểu được.
Còn một điều khác nữa. Tình thương là điều quý nhất trong vũ trụ, vì để sinh tồn bên cạnh tình thương là ý chí tự do. Đây là yếu tố cần thiết trong việc tạo dựng ra người. Ý chí tự do cũng ngụ ý là có thể chọn lựa điều trái ngược, khả năng chọn lựa việc đối nghịch. Chọn điều tốt lành cũng ngụ ý là có thể chọn điều ngược lại sự tốt lành nữa. Ngược lại với tốt lành chính là điều ác. Có khả năng thương yêu nghĩa là cũng có thể chọn điều nghịch với thương yêu là ghét bỏ. Con người đã lạm dụng ý chí tự do, đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên theo Kinh Thánh thì việc lựa chọn trong lĩnh vực tâm linh rất là quan trọng. Vì hậu quả của những lựa chọn sai và nổi loạn trong lĩnh vực tâm linh đã sản sinh ra những điều sai lạc trong chính vũ trụ vật chất này. Nghĩa là vũ trụ không còn lý tưởng và bình thường như trước nữa. Điều này giúp ta hiểu được vì sao có bệnh tật, thiên tai và cái chết. Những điều ác hại trong vật chất đã do những điều ác hại trong đạo đức luân lý gây ra. Thế giới của chúng ta như thế giống hệt như bản nhạc mà ban nhạc gồm những kẻ nổi loạn đã làm hư hỏng, nhưng phẩm tính hay đẹp của nó vẫn chứng minh rằng có một nhà soạn nhạc tài ba. Người ấy vẫn có thật, mặc dù bản nhạc có bị làm hư hỏng như thế nào chăng nữa.
Chúng ta sang một trong những vấn đề quan trọng nhất, đó là lịch sử. Ý nghĩ của chúng ta về Thượng Đế còn mập mờ và bằng chứng của chúng ta về sự hiện hữu của Ngài vẫn còn võ đoán và không đầy đủ cho đến khi nào ta nhìn thẳng vào lịch sử và việc Thượng Đế tự Mặc khải trong lịch sử qua Chúa Giê-xu. Đối với người tin Chúa thì lịch sử rất là quan trọng.Vì nếu có việc gì thực sự xảy ra trong thời gian và không gian trong buổi sáng phục sinh và nếu Chúa Giê-xu thực sự sống lại từ cõi người chết như là một sự kiện lịch sử, thì tất cả những gì Chúa nói về Thượng Đế, về tình trạng hư hoại của nhân loại, về lòng tin, sự sống hằng cửu v.v… đều được chứng minh và được coi là sự thực. Nếu sự sống lại thực sự xảy ra thì đó là căn bản cụ thể nhất cho lòng tin của người tin Chúa. Không những chỉ tin là Thượng Đế hiện hữu, nhưng còn tin Đấng Thượng Đế mà chính Chúa Giê-xu đã Mặc khải - một Chân Thần thương yêu, chăm sóc và giao tiếp với con người. Nhưng nếu không có gì xảy ra trong buổi sáng phục sinh cả, thì như Phao-lô đã viết: (thì)Đức tin của anh em là vô ích.
Như vậy trong Cơ-đốc giáo thần học là lịch sử và lịch sử là thần học. Như lời của Đức tổng Giám Mục William Temple đã nói: Đối với Cơ-đốc giáo, người ta không thể nào chấp nhận cái quan điểm cho rằng lịch sử không có gì quan trọng tối hậu cả. Vì Cơ-đốc giáo xác nhận một việc làm của Thượng Đế trong chính Cơ-đốc giáo và Cơ-đốc giáo hoàn toàn đặt căn bản trên xác nhận này. Vì vậy Cơ-đốc giáo không sợ người ta tiến công về mặt lịch sử như các tôn giáo khác.
Nhưng tiến công như thế cũng đã xảy ra. Thường thì người ta nhắm vào vấn đề suy loại hay tiền lệ. Thí dụ như có người báo cho sử gia Toynbee rằng thành phố Johannesburg ở Nam Phi mưa dầm không dứt, thì sử gia ấy sẽ bỏ báo cáo ấy đi vì cho là một điều không đúng với lịch sử. Chưa bao giờ thành phố này có mưa dầm. Các sử gia cũng từng nói: Người chết không sống lại, vì từ trước đến nay chưa hề có chuyện như thế xảy ra, thành ra Chúa Giê-xu sống lại là chuyện không thực. Chúng ta trả lời như sau:
Từ trước đến nay người ta cũng chưa so sánh hay có tiền lệ nào về sự sống trên hành tinh, thế mà hành tinh trái đất vẫn có sự sống đó! Sự sống vẫn xuất hiện ở đây mặc dù người ta không thể so sánh hay tìm các tiền lệ về sự sống ở nơi nào khác. Không những thế, sử gia cũng không thể nào có quyền nói rằng chuyện này hay chuyện khác không thể xảy ra. Nhưng giả như báo cáo của tôi cho sử gia Toynbee được nhiều người minh chứng, thì chắc chính nhà sử phải đến tận nơi xét nghiệm. Ông ta cũng có thể phải kết luận rằng vũ trụ này còn nhiều điều lạ hơn là ông ta suy tưởng.
Như thế phải loại ra những điều ước đoán giả định mà phải nhìn thẳng vào sự thực đã xảy ra thì mới có cái nhìn chính xác được. Chúng ta phải mời những người chống đối hay nghi ngờ nghiên cứu những sự kiện thực sự liên quan đến cuộc đời, sự chết và phục sinh của Chúa Giê-xu để những người ấy nhìn rõ sự thực và tin nhận.
Tất cả niềm tin Cơ-đốc giáo đều căn cứ vào Kinh Thánh nhất là Kinh Thánh Tân Ước. Người tìm hiểu muốn biết rõ các tài liệu trong Kinh Thánh có chân xác hay không.
Điều đầu tiên cần phải để ý là tài liệu Kinh Thánh Tân Ước như các bản thảo rất là phong phú. Tính ra có đến gần 13 nghìn bản thảo toàn bộ hay một phần Kinh Thánh Tân Ước. Bản quan trọng nhất và quý nhất được chép vào năm 350. Đây là những bản sao của tài liệu nguyên văn viết vào khoảng từ năm 48 đến năm 90 (nghĩa là trong thời gian nhân chứng vẫn còn sống). Tài liệu này còn chính xác hơn các tài liệu lịch sử khác như sử liệu về trận chiến với người Gaul của hoàn đế La-mã, soạn giữa năm 58 và năm 50 trước công nguyên. Các sử liệu này ngày nay chỉ có khoảng chín hay mười bản thảo, mà đa số được chép 900 năm sau thời đại Caesar. Ngay đến các cuốn sử về Thucydides và Herodotus viết vào thế kỷ thứ năm trước công nguyên mà các bản thảo cũng chỉ có sau năm 900 sau công nguyên, nghĩa là cách xa bản chính 1300 năm. Nhưng có ai nghi ngờ về lịch sử của Caesar, của Thucydides hay của Herodotus đâu? So với các sử liệu này, tài liệu Kinh Thánh vô cùng chính xác.
Quan trọng hơn cả là những bản chính của Kinh Tân Ước được chép rất sớm. Bản sớm nhất được chép lại 18 năm sau khi Chúa Giê-xu bị tử hình. Bản sau cùng được chép 60 năm sau khi Chúa chết và sống lại. Không những các bản này được ghi chép rất sớm, nhưng còn do chính các nhân chứng lúc ấy còn đang hiện diện nữa. Sứ đồ Phi-e-rơ (Phê-rô) xác nhận rằng: Chúng tôi đều là nhân chứng. Sứ đồ Giăng (Giô-an) thì ghi: Những gì chúng tôi đã thấy. Lu-ca, sử gia của Kinh Tân Ước viết rằng đã thu thập tài liệu từ những người từ lúc ban đầu đã là các nhân chứng (Lu 1:2). Như thế toàn bộ Kinh Tân Ước đều là sử liệu có nhân chứng. Tài liệu do nhân chứng vô cùng chính xác, không thể coi thường được.
Lu-ca còn là nhà sử mà bất cứ tài liệu nào của ông khi điểm chứng đều đúng từng chi tiết một. Các nhà nghiên cứu đều xếp Lu-ca vào hạng đại sử gia.Vì vậy khi nhà sử Lu-ca ghi lại câu chuyện về Chúa Giê-xu, không ai dám nghi ngờ gì nữa.
Một nhà nghiên cứu và phiên dịch Kinh Thánh nổi tiếng là J.B Philips nói rằng: “Trong toàn bộ công việc dịch Kinh Thánh, tôi không bao giờ có một phút giây nào cảm thấy rằng mình bị đưa vào một thế giới giả mạo, tà thuật hay là ma thuật…Cuộc tiếp xúc trực tiếp của tôi với bản văn đã cho tôi một hứng cảm mà tôi chưa bao giờ kinh nghiệm trong bất cứ công việc viết lách nào khác.”
Như thế tại sao người đời không chịu gạt sang một bên tất cả kiêu căng và thành kiến để đến với từng trang sách của Kinh Tân Ước, như người ta vẫn thường bỏ thì giờ nghiên cứu bất cứ một tài liệu lịch sử cổ điển nào?
Giả sử như ta bị bỏ một mình trên một hải đảo với một người khác. Cả hải đảo chỉ có hai người thì tất nhiên không thể nào giữ yên lặng mà không trao đổi. Sở dĩ như vậy là vì theo bản tính tự nhiên của con người là ưa thông tin, muốn cho người khác biết về mình. Ta và người bạn sẽ nói chuyện với nhau ngay và cho nhau biết tất cả những gì mình suy nghĩ nữa. Như thế từ trong bản chất chúng ta biết cá tính con người không những là tự biết có mình nhưng còn ưa tỏ mình cho kẻ khác biết nữa. Nếu Thượng Đế có một cá tính thì chúng ta cũng mong Ngài tự khải thị cho chúng ta. Tuy nhiên như một người muốn biết một người khác thì phải do chính người ấy trao đổi mới biết được. Mặc khải về Thượng Đế cũng cần phải được một người hoàn toàn như Thượng Đế mới đủ tư cách khải thị cho chúng ta về Ngài. Con người phàm trần không ai xứng đáng làm việc đó. Chỉ một mình Chúa Giê-xu, từ Thượng Đế sai đến, làm nổi công việc khải thị này.
Bạn và thù đều công nhận rằng không có người nào so được với Chúa Giê-xu. Hoàng Đế Napoléon Bonaparte người Pháp nói rằng: “Ta biết nhiều người lắm, nhưng ta cho các ngươi hay, Chúa Cứu Thế Giê-xu không phải chỉ là một người. Giữa Ngài và bất cứ người nào khác trên đời không có gì để mà so sánh cả.” Như thế không thể so sánh Chúa Giê-xu với bất cứ vĩ nhân nào trong nhân loại, nhưng mỗi vĩ nhân đó phải dùng Chúa làm mẫu mực mà so sánh. Thành ra khi nào nói rằng một người nào đó giống hệt như Chúa Giê-xu, là cách nói cường điệu.
Lời tuyên bố của Chúa Giê-xu đáng cho mọi người suy nghĩ. Chúa từng nói rằng: Ta là con đường; Ta là sự sống lại; Ta là nước sống; Ta là bánh sống v.v… Tuy nhiên sự phục sinh của Chúa Giê-xu mới là vấn đề quan trọng hơn cả. Vì nếu ta nói rằng không làm gì có chuyện sống lại từ cõi người chết, thì chúng ta theo lập trường của những người nói rằng không có một lối thoát nào cho nan đề của loài người. Nhưng nếu chúng ta công nhận có sự sống lại, thì đã công nhận đời sống này và và dòng lịch sử có một ý nghĩa. Cuộc sống của chúng ta không phải là ngẫu nhiên và sự chết không phải là tận cùng. Tất cả những điều này phải đặt cơ sở trên sự thực là có sự sống lại từ cõi người chết.
Một bằng cớ cụ thể nhất là ngôi mộ của Chúa Giê-xu. Mọi người, kể cả những kẻ thù của Chúa Giê-xu xác nhận rằng ngôi mộ của Chúa trống rỗng, không có một xác chết nào trong đó cả. Đối với thực sự này, người hoài nghi có thể giải thích bằng mấy cách:
1. Thứ nhất là ảo giác.Thuyết này cho rằng các môn đệ của Chúa vì ước ao, trông mong Chúa quá nên đã thấy ảo giác về Chúa.
Nhưng thực ra các môn đệ không trông mong gì cả và khi Chúa hiện ra họ rất là bỡ ngỡ và ngạc nhiên. Họ còn cho những người đưa tin đầu tiên là nói chuyện nhảm nữa.
Bất cứ một ảo giác nào cũng phải sụp đổ khi chính Chúa Giê-xu nói rằng:“Hãy thử đụng vào ta, vì hồn ma không có thịt xương nhưng các anh thấy ta có.”
Các thế lực chống đối Chúa lúc ấy chỉ cần đi tìm cái xác của Chúa và đưa ra trước công chúng là sẽ làm tan mọi dư luận. Nhưng từ xưa đến nay không ai làm được việc ấy, vì Chúa Giê-xu thực sự sống lại.
2. Ngôi mộ trống còn bị giải thích là Chúa Giê-xu lúc ấy bị ngất đi chứ không chết hẳn. Khi gặp hơi lạnh của mồ mả, Chúa tỉnh lại, bước ra làm cho mọi người tưởng Chúa sống lại. Câu giải thích đơn giản nhất là, nếu lúc ấy Chúa chỉ ngất đi, thì sẽ có lúc khác Chúa chết thật, nhưng sao chưa bao giờ nghe nói rằng Chúa chết “lại” trong trường hợp nào, ở đâu và khi nào?
3. Ngôi mộ trống cũng bị giải thích là môn đệ của Chúa lấy trộm xác rồi phao tin rằng Chúa sống lại. Giải thích này quên rằng còn có một đội lính gác ngay bên ngoài mộ, làm sao các môn đệ đến lấy cắp xác được? Cứ cho là họ có thể lấy được xác Chúa đi nữa thì ta có thể tin được rằng họ chịu bao bách hại, tù đầy, tử đạo để lừa bịp người khác là Chúa sống lại được chăng? Hơn nữa, làm sao một cuộc lừa dối như vậy lại đem đến thành công trong việc phổ truyền một đạo đức cao nhất, quý nhất chưa bao giờ có trong nhân loại được?
Chỉ có một cách giải thích hữu lý, đó là có phép lạ đã xảy ra. Điểm khác nữa là bằng chứng về cuộc sống cách mạng của môn đệ Chúa; rồi việc đổi ngày thờ phượng Chúa từ thứ Bẩy sang Chủ Nhật; việc tăng trưởng và bành trướng của Hội Thánh dù trong các hoàn cảnh không thể nào tồn tại được, tất cả những bằng chứng này đều giải thích được là do sự sống lại của Chúa Giê-xu từ cõi người chết.
Nếu giải thích sự có mặt của Hội Thánh mà không nói đến cuộc sống lại lịch sử của Chúa Giê-xu thì chẳng khác nào nói đến trường phái âm nhạc J. S. Bach mà không nói đến âm nhạc của Bach vậy.
Người tin Chúa có một bài hát nói rằng: “Nếu hỏi làm thế nào tôi biết Chúa đang sống xin trả lời rằng Chúa sống trong tâm hồn tôi.” Vâng, một tỉ người tin nhận Chúa Giê-xu trên mặt đất này tin Chúa Giê-xu thật sự sống lại và Ngài đang sống trong mỗi tâm hồn. Ở điểm này ta thấy kinh nghiệm chủ quan đã vô tình gặp thực sự lịch sử khách quan, và con người phải tin nhận.
Tại Rio de Janeiro có một tượng đài Chúa Giê-xu cao 34 thước, dựng trên một đỉnh núi, hai tay giơ ra như mời gọi nhân loại, nhưng hai bàn tay như bị đóng đinh vào thập tự giá vô hình ở phía sau. Trong khi đó ở dưới thành phố Rio de Janeiro dường như không ai nhìn thấy đôi cánh tay đó, vì mọi người đang sinh hoạt vui vẻ, các hộp đêm đều mở cửa, khách ra vào nhộn nhịp. Trong ánh đèn và tiếng nhạc man rợ người ta nghe những tiếng cười của những kẻ đi tìm thú vui nhục dục. Thay vì đi tìm Đấng Tạo Hóa để tôn thờ, người ta đã chạy theo tham dục, theo những con người như thần tượng. Thật ra tội ác đã làm cho con người mù mắt, tê dại và không còn biết tìm đến chỗ giải tội hay được chữa lành nữa. Chúng ta bị đui mù trước cuộc vật lộn tâm linh mà chúng ta không thấy và đối với bóng tối quyền lực giam hãm chúng ta. Chúa Giê-xu không phải chỉ là bức tượng nhìn xuống thành phố Rio de Janeiro sa đọa, nhưng Ngài đang nhìn thấy mỗi thành phố trên trần gian này và lòng Ngài buồn rầu vì chẳng ai chịu ngước nhìn lên cả. Nhân loại còn tìm đủ cách để bài bác và triệt hạ Ngài nữa.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao nhân loại sa đọa như vậy? Do đâu mà loài người đi đến tình trạng như hiện nay?
Có người dám nói rằng: Chúa đã sinh ra người như thế, đó là lỗi ở Chúa. Quan niệm này cho rằng con người không chịu trách nhiệm về tội ác của mình. Nhưng nếu nghĩ như thế thì phải cho rằng Thượng Đế tội ác xấu xa nên mới tạo ra chúng ta với bản tính tội ác như vậy. Hoặc là đã có một khoảng cách không giải thích được giữa tình trạng con người lúc ban đầu được tạo dựng nên và bây giờ. Như thế thay đổi tâm linh con người là đều trái tự nhiên. Quan niệm như vậy sẽ dần đi đến chỗ bi quan thất vọng, hoặc là buông thả, tự do và vô trách nhiệm.
Nhưng còn quan niệm thứ hai nữa. Đó là quan niệm của Kinh Thánh. Quan niệm này cho rằng chúng ta ngày nay khác hẳn với khi được tạo dựng. Ngày nay con người đang sống bất bình thường chứ không bình thường và tự nhiên.
Tình trạng của con người ngày nay không phải do Thượng Đế tạo ra, nhưng do chính con người. Một việc nào đó đã xảy ra trong thời gian và không gian sống của con người rồi con người vì hoàn toàn tự do, đã tự ý lựa chọn lìa bỏ Thượng Đế để phóng túng. Tình trạng toàn thiện bị phá vỡ, bản chất con người thay đổi hẳn, phẩm giá con người sụp đổ theo tham dục. Vì vậy, đối với Thượng Đế, mỗi chúng ta đều mang tội và cần được tha thứ.
Nhưng nan đề của Thượng Đế là: Vì Ngài là Đấng tuyệt đối công chính, phải xét phạt kẻ có tội là con người sa ngã, mặt khác, vì Ngài là Đấng tuyệt đối thương yêu nên phải giải cứu con người. Làm sao Thượng Đế giải quyết vấn đề? Chỉ có một giải pháp là lấy tình thương đền trả cho án phạt của công lý. Chính vì vậy mà thập tự giá trở thành một giá trả cho Thượng Đế để nhân loại chúng ta được tha thứ tội ác.
Có người đã nói rằng:“Thật ra trong con người của tôi không có điều gì tôi đã làm mà muốn từ bỏ, nhưng đó là khoảng trống, là thất bại của tôi đối với một người nào hay điều gì bên ngoài tôi, và tôi nghĩ rằng tôi phải đền trả.” Một nhà phân tâm học nói: “Mặc cảm có tội chính là trọng tâm của vấn đề - không phải chỉ là cảm xúc đâu, nhưng là điều cụ thể lắm.”
Vua Đa-vít sau khi phạm tội với Bát-sê-ba đã viết rằng: “Tôi đã phạm tội với Chúa, chỉ với một mình Chúa thôi.” Đa-vít tự cảm thấy mình không thể làm gì để đền trả tội đã phạm, và chỉ một mình Thượng Đế có thể làm việc ấy. Tội phạm về luân lý đạo đức là việc tạo vật xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa. Vì vậy Đa-vít cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa xin giải cứu tôi khỏi tội làm đổ máu.”
Suốt Kinh Thánh Cựu Ước, dân Chúa được dạy là trong cõi đạo đức không làm điều công chính thánh thiện thì sẽ gặt lấy các hậu quả trừng phạt. Chân lý này đã được dạy bằng biểu tượng trong việc truyền bảo người dân phải dâng sinh tế chuộc tội. Tội lỗi của con người sẽ được thanh tẩy nhờ chiên con dâng lên làm sinh tế, máu chiên đã đổ để đền trả tội cho con người trước mắt Thượng Đế.
Như thế ta thấy Thượng Đế tuyệt đối thánh thiện và công chính không thể nào làm ngơ trước cuộc dấy loạn đạo đức của con người, nhưng vì Ngài cũng là Thượng Đế tuyệt đối thương yêu, không muốn nhân loại chúng ta phải gặt lấy các hậu quả trừng phạt. Sinh tế chuộc tội ngày xưa thể hiện trong hệ thống dân Chúa, ngày nay thực hiện trong Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là con đường giải quyết nan đề của Thượng Đế. Chính Thượng Đế đã truyền trừng phạt tội theo công lý, nhưng chính Ngài cũng đã tự đền trả án phạt ấy theo tình thương.
Đó chính là ý nghĩa cuộc thương khó, hi sinh và phục sinh của Chúa Giê-xu.Thượng Đế đã tự can thiệp, làm thay cho nhân loại chúng ta công việc hy sinh ở thập tự giá, việc mà nhân loại chúng ta không thể nào làm nổi, đó là đền trả tất cả cuộc lầm lạc và sa đọa của nhân loại chúng ta.
Thập tự giá là nơi công lý và tình thương hội tụ. Đó là nơi Chúa Giê-xu đổ sinh mạng làm giá chuộc nhiều người.
Nhiều năm trước đây, trong một trại tù ở Hi-lạp, có một nhà truyền giáo bị bắt giam vì giảng đạo trái phép. Người gác khu trại tù này sau nhiều ngày nói chuyện với nhà truyền giáo, nhận thấy có nhiều điều lạ về đạo mà nhà truyền giáo nói đến, nhất là cách nói năng cư xử của ông ta, cuối cùng đã hỏi rằng: “Muốn tin nhận Chúa thì ông bảo tôi phải làm gì?” Đó là câu hỏi then chốt mà người truyền bá đạo Chúa muốn nghe.
Trước khi trả lời câu hỏi này, ta cần xét hai điều căn bản:
1. Người đặt câu hỏi: Tôi phải làm gì? là một người đã hạ mình, nhận rằng mình cần làm một việc gì. Chúa Giê-xu nói rằng, chỉ có một loại người không thể giúp hay thay đổi được, đó là kẻ kiêu ngạo, tự mãn và chống đối. Trong Phúc Âm Lu 16:31 Chúa đã nói về những hạng người này là: “Dù có người từ cõi chết sống lại đến nói với họ, họ cũng không tin.” Muốn biết Chúa cần phải tự hạ mình về phương diện đạo đức, tâm linh và nhất là tri thức, đó là điều kiện tiên quyết.
2. Yếu tố thứ hai là hoạt động của Thánh Linh trong tâm hồn và trí óc của mỗi người. Phao-lô trong ICo 12:3 nói: “Nếu không do Thánh Linh thì không ai có thể xưng nhận: Chúa Giê-xu là Chúa.” Nói khác đi tâm trí chúng ta phải được soi sáng bằng quyền năng của Chúa khi chúng ta hạ mình đến với Chúa nói rằng: “Trước tôi mù lòa, nay mới thấy rõ.” Nghĩa là không phải chỉ chúng ta tìm Chúa, nhưng chính là Chúa vẫn đi tìm từng người trong chúng ta. Đứa con hoang đàng biết tìm về nhà cha, nhưng không hay rằng người cha cũng vẫn mong chờ nó và chạy ra rước nó vào nhà.
Người gác tù ở Hi-lạp này xưa thực sự muốn nói: “Muốn được Chúa cứu thì tôi phải làm gì?” Nhà truyền giáo ấy chính là sứ đồ Phao-lô đã trả lời: “Hãy tin Chúa Giê-xu thì anh sẽ được cứu.”
Nghe như thế ta thấy thật giản dị nhưng để ý thì ta sẽ thấy rằng, niềm tin theo Kinh Thánh Tân Ước có nghĩa là chấp nhận về phương diện tri thức và cam kết trọn đời. Như trong hôn nhân vậy. Ta tin rằng người nào đó là người ta đáng kết hôn. Sau đó ta cam kết và giao thác. Tức là lý trí và ý chí đều phải vận dụng cả. Trong việc đáp ứng lời kêu gọi của Chúa cũng như vậy. Tâm trí ta phải được thuyết phục, tâm hồn ta phải được thu hút, ý chí ta phải bằng lòng. Sau đó là một cuộc tương giao trọn đời và thuận phục.
Khi nhà truyền đạo Chúa Charles Wesley đáp ứng lời kêu gọi của Chúa, ông đã nói: “Xiềng xích đã tan ra, tâm hồn tôi được giải thoát. Tôi đứng lên, tiến bước theo Chúa.”
Giám mục Festo Kivengere người Uganda trong một chuyến xe lửa ngầm ở Luân-đôn lần đầu tiên, đã rất bỡ ngỡ, nhưng cũng cứ đánh bạo bước lên tàu. Tàu một hồi lâu thì dừng lại, khách đều đi xuống, Giám mục cũng bước xuống, nhưng bối rối không biết phải về hướng nào, thì thấy một bảng hiệu đề “Lối ra”. Đến đó ông không sợ nữa cứ theo lối ra mà ra ngoài. Nhưng rồi ông lại gặp một cầu thang cuốn tự động, dù chưa bao giờ thấy, nhưng cũng cứ theo nhưng người khác mà bước lên, bước thứ nhất rồi bước thứ hai, để cả va-li lên thang. Về sau Giám mục kể lại chuyện này và nói rằng: “Việc theo Chúa cũng vậy, trước tiên là ta tìm thấy bảng chỉ “Lối ra” khỏi cuộc đời tội ác, đầy gian dối này. Ta phải quyết định có bằng lòng ra hay không đã. Mà phải bằng lòng tin và đi thật chứ không phải lý thuyết. Đi dứt khoát, không dè dặt hay hời hợt. Vì nếu chính Chúa Giê-xu là lối thoát cho chúng ta ra khỏi chỗ lầm lạc thì chúng ta không thể nào đến với Ngài trong thái độ lưng chừng. Chúa phải làm chủ tâm hồn chúng ta hay là ở ngoài tâm hồn chúng ta, không có trường hợp nửa vời.”
Đức tin là món hàng ai cũng muốn, và những người không có đức tin thường tự cho là mình không may mắn. Có khi họ cũng cho rằng không tin được vì thiếu cơ sở hay căn bản. Ta cần nhớ các điểm sau đây:
1. Đức tin phải đặt mục tiêu cho đúng. Có đức tin chưa đủ, đức tin phải đặt đúng hướng nữa. Nếu tôi muốn đi từ Hồng-Kông sang Pháp thì tôi không thể nào đi bằng Honda, mà phải đi bằng máy bay. Đối với người tin Chúa thì đức tin chỉ có một trọng điểm là Chúa Giê-xu. Ngài là đối tượng chính của lòng tin. Nhưng tại sao phải là Chúa Giê-xu chứ không phải một lĩnh tụ tôn giáo nào khác? Điều này đưa ta đến điểm thứ hai.
2. Đức tin là một đáp ứng đối với sự kiện có nhiều bằng cớ đầy đủ. Đức tin theo Kinh Thánh dạy không phải là loại tin mù quáng. Nhưng là cảm xúc được, hợp lý và chính xác. Tại phi trường, tôi sử dụng lý luận trước khi sử dụng đức tin vì nếu tôi lên máy bay mà không nắm vững bằng cớ là đúng chuyến bay, đúng mục tiêu của tôi thì tôi thật dại dột. Đối với Chúa cũng vậy. Người theo Chúa tin rằng có bằng cớ đầy đủ về thần tính của Chúa Giê-xu. Tin Chúa không phải là ngu dại hay nghịch lý vì niềm tin đặt nơi Chúa đã có cơ sở trên các bằng chứng vững chắc. Đó là các bằng chứng về những lời tiên tri được ứng nghiệm; bằng chứng về những lời tuyên bố trước khi sự việc xảy ra của Chúa; bằng chứng về bản chất vô tội của Chúa; bằng chứng về quyền năng vả những lời dạy chưa từng có trong nhân loại. Còn một bằng chứng nữa là sự có mặt của Chúa trong cuộc đời những người tin nhận Ngài. Nếu bạn còn nghi ngờ bằng chứng, bạn có thể đào sâu hơn nữa, bạn sẽ thấy rõ có một cơ sở rất đầy đủ cho việc đáp ứng bằng đức tin.
3. Đức tin phải có cam kết. Tôi có thể đứng ở Phi trường và nói đi nói lại hàng nghìn lần rằng: “Tôi tin chiếc máy bay này.” Nhưng tôi không bao giờ có thể đi đến nơi tôi muốn đi cho đến khi nào tôi bằng lòng bước lên máy bay. Nghĩa là cam kết hay giao thác chính tôi cho chiếc máy bay đó. Mỗi ngày Chủ Nhật tôi có đọc Bài Tín Điều bao nhiêu lần đi nữa thì cũng chưa phải là đức tin. Đọc lời Chúa hay lời răn dạy trong Kinh Thánh là một việc, nhưng phải ký thác trọn vẹn đời mình và tương lai của mình cho Chúa, đó là việc làm căn bản. Kinh Thánh nói rằng chính ma quỷ cũng có lòng tin và run sợ. Nhưng tin không chưa đủ, phải ký thác, cam kết và thuận phục thì mới gọi là đức tin thật.
Khi bằng lòng giao thác cuộc đời cho Chúa, bạn đã chấp nhận sống dưới một trung tâm điều khiển mới. Trung tâm điều khiển này là then chốt cho cuộc đời mới. Ta thấy phi cơ, tàu hỏa, tàu thủy, đài radio, truyền hình, các nhà máy v.v… nơi nào cũng có trung tâm điều khiển riêng. Theo hiệu lệnh của các trung tâm này mà tất cả các hoạt động được thực hiện theo đúng chương trình. Nhưng trung tâm điều khiển của đời sống con người là gì? Ta thường nghe những câu như: “Chúng tôi không cố ý làm như thế!”; “Tôi không hiểu tại sao lúc ấy tôi lại hành động như vậy?” hay là “Anh ta đời nào lại làm như thế!”, “Ai xui anh ta làm như vậy?” Nhiều câu hỏi tương tự thường đặt ra và ta tự hỏi: “Cái gì điều khiển chúng ta vậy?” đây là một huyền nhiệm. Đôi khi chúng ta thấy hễ thiếu kiềm chế là đưa đến những hậu quả tai hại không khác gì trung tâm điều khiển xe lửa hay máy bay bị hỏng. Những khi ấy tàu hay xe sẽ gặp nạn hoặc nổ tung trên không gian. Đời sống nhiều người có khi cũng rơi thẳng xuống vực sâu chỉ vì trung tâm điều khiển không hoạt động.
Trong bức thư thứ nhất của sứ đồ Phi-e-rơ, tác giả khuyên mọi người đừng sống theo tư dục nhưng hãy sống theo ý chỉ của Thượng Đế. Theo Phi-e-rơ thì có hai trung tâm điều khiển mỗi đời sống. Phi-e-rơ tiếp tục nói: “Thời gian trong quá khứ sống theo như người không biết Chúa đã quá đủ rồi, nghĩa là ăn ở trụy lạc, tham dục, chè chén, say sưa, trác táng, thờ lạy thần tượng ” Nói khác đi, những người trước khi tin Chúa đã bị những tham dục điều khiển chế ngự. Nhưng Phi-e-rơ nói thêm rằng, trung tâm điều khiển mới thuộc về ý chỉ của Thượng Đế đã phát sinh trong con người tin Chúa một lối sống mới, ông viết: “Các bạn cũ vô cùng ngạc nhiên khi thấy anh em không còn nhập bọn với họ trong các cuộc ăn chơi, trụy lạc nên chê cười, nhạo báng anh em.” Nhận xét của Phi-e-rơ ở đây rất là tinh tế, vì cho thấy rõ liên hệ giữa nếp sống đạo đức và trung tâm điều khiển mới của mỗi chúng ta.
Như thế ta thấy việc chúng ta bằng lòng để cho Chúa điều khiển cuộc đời chúng ta như ý Chúa muốn là hạ mình xuống dưới bàn tay quyền năng của Chúa, tin nhận Chúa và trở nên môn đệ của Chúa Giê-xu và vâng theo lời Kinh Thánh. Dù đã làm việc này rồi, tính tham dục cũng vẫn còn tranh đấu để phá hỏng trung tâm điều khiển mới và làm chúng ta rơi thẳng xuống vực thẳm. Chỉ có lòng tin mới thắng được trở ngại này. Như thế, nếu không có việc hạ mình giao thác bằng lòng tin và bằng lòng làm môn đệ Chúa, thì chúng ta sẵn sàng làm mồi cho các thế lực phá hủy đạo đức có ngay bên trong chúng ta.
Thách thức đối với lòng tin thật là to lớn. Nhưng khi chúng ta hạ mình đầu hàng Chúa thì Thánh Linh sẽ vào tâm hồn chúng ta chiếm ngự, hướng dẫn và thêm năng lực cho. Ai dại gì tiếp tục duy trì một hệ thống điều khiển sai lạc trong khi Thượng Đế sẵn sàng sửa chữa lại hoàn toàn hệ thống và điều khiển đời sống ta theo ý chỉ cao cả của Ngài?
Bạn đã đến với Chúa và đã tìm ra trung tâm điều khiển mới, nhưng còn một điều nữa bạn cần biết. Đó là bằng lòng đặt toàn bộ cuộc đời với tất cả khả năng của mình hoàn toàn cho Chúa sử dụng trong Hội Thánh và trong thế giới này.
Nói thì đơn giản, nhưng trên thực tế chúng ta có bằng lòng dâng hết khả năng của mình để Chúa dùng vào công việc của Ngài không? Nói như thế không phải là tất cả đều phải trở thành nhà truyền giáo hay mục sư đâu, dù rằng có người được Chúa sử dụng như vậy. Đối với đa số chúng ta thì dâng tài năng và ân tứ cho Chúa có nghĩa là sử dụng những điều đó theo ý Chúa trong nơi, địa vị hay nghề nghiệp mà Chúa đặt ta vào. Mặc dù đó là ngành thương mại, y khoa, luật khoa, giáo dục hay những nghề nghiệp nào khác. Phao-lô dạy:“Bất cứ làm việc gì, nói hay làm, cũng hãy vì danh Chúa Giê-xu mà làm.” Khi nào ta làm như thế tức là đã đặt tất cả khả năng của mình dưới chân Chúa.Tất cả khả năng nghĩa là đủ mọi hoạt động. Chúa không phải chỉ cần đến người đi giảng truyền đạo Chúa nhưng Chúa cần đến mọi ngành nghề trong đời. Có người thường viện hết lý này lẽ kia để nói rằng mình không làm được gì cho Chúa. Ta nên nhớ đến câu chuyện em bé trai trong lúc hóa bánh ra cho năm nghìn người ăn. Em bé này chỉ bằng lòng dâng cho Chúa có mấy miếng bánh và vài con cá khô, nhưng trong tay Chúa các vật nhỏ bé này đã trở thành số lượng lớn, nuôi sống cả mấy nghìn người. Đôi khi không phải chỉ rụt rè, dù giả hay thật, ngăn cản chúng ta dâng khả năng cho Chúa, nhưng chính là lo sợ. Ta nên nhớ, hãy làm mọi việc vì Chúa chứ không phải vì mình hay người nào khác, như thế ta sẽ can đảm mà hành động.
Bạn thân mến, nếu những trang sách này đưa bạn đến chỗ tìm Chúa và được thay đổi đời sống, nghĩa là mời Chúa làm chủ tâm hồn mình, xin bạn tiếp tục giữ vững niềm tin và tìm đến những nhà thờ Tin Lành để được chỉ dẫn thêm trong bước đầu theo Chúa. Nếu bạn còn thắc mắc nghi ngờ, xin cũng đừng ngần ngại đến gặp những người có thể giải thích cho bạn.
Cầu xin Chúa hướng dẫn bạn trong cuộc sống hiện tại và trong cõi vĩnh hằng.
Câu Hỏi:
1. Nghi ngờ có phải là một tội phạm không? Tại sao?
2. Lòng tin phải chứng minh bằng hành động. Bạn nghĩ gì về câu này?
3. Giá trị của Kinh Thánh Tân Ước là gì?
Một định nghĩa ngắn gọn về cầu nguyện là: Cuộc trao đổi trong tâm linh với Chúa. Vì Đức Chúa Trời có cá tính nên tất cả mọi người đều có thể dâng lên lời cầu nguyện. Nhưng các tội nhân là những người không tôn thờ Chúa Giê-xu cho được cưú vớt thì vẫn còn xa lạ đối với Chúa. Ta vẫn nghe người không tin Chúa nói về cầu nguyện. Họ thành tâm thật đấy, nhưng không đủ điều kiện để Chúa đoái hoài.
Người tin Chúa hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa, vì vậy có nhiều lý do để cảm tạ về ân phúc của Ngài. Nhưng quan trọng hơn cả là cảm kích về tình thương của Chúa đối với mỗi người. Tình thương ấy thể hiện qua việc Chúa Giê-xu nhập thể làm người. Cuộc đời của Chúa và nhất là cái chết hi sinh và sau cùng là cuộc phục sinh khải hoàn. Nhưng Chúa Thánh Linh là Đấng thay mặt cho Chúa Giê-xu ở với loài người.
Cầu nguyện không thể thay thế bằng việc thiện lành, mặc dù nghĩa cử bao giờ Chúa cũng nhắc nhở. Cầu nguyện cũng không phải là việc làm thần bí hay giây phút siêu thoát, cầu nguyện chính là đáp ứng lại ân sủng của Đức Chúa Trời đối với một con người nhỏ bé và đầy tội lỗi. Cầu nguyện vì vậy liên quan đến các việc sau đây:
Lời cầu nguyện ý nghĩa nhất xuất phát từ tâm hồn đặt hết niềm tin cậy nơi Chúa là Đấng đã từng hành động và phán bảo qua Chúa Giê-xu, một nhân vật lịch sử và qua lời dạy trong Kinh Thánh. Chúa phán bảo với chúng ta qua lời ghi lại trong Kinh Thánh và chúng ta thưa chuyện với Ngài bằng lời cầu nguyện với lòng tin. Chúng ta được Kinh Thánh cho biết rõ Chúa là Đấng sống, hoạt động, toàn tri, toàn năng, nên chúng ta tin rằng Chúa nghe lời chúng ta cầu nguyện và có thể cứu giúp chúng ta. Một đời sống cầu nguyện vững vàng căn bản trên công nghiệp của Chúa Giê-xu do các tiên tri, các sứ đồ do Thánh Linh hướng dẫn viết ra trong Kinh Thánh.
Trong việc tôn thờ Chúa, chúng ta nhận định rằng giá trị cao nhất là Chúa chứ không phải chúng ta, người nào khác hay công đức của mình. Đấng thần linh cao cả nhất đáng cho chúng ta tôn thờ nhất chính là Chúa. Do lời Kinh Thánh dạy mà chúng ta tìm đến những giá trị theo ý chỉ của Chúa và tiêu chuẩn hoàn toàn. Trước mặt Chúa, ngay đến thiên sứ cũng phải che mặt lại và kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa Hằng Hữu quyền năng.
Khi ý thức về đức thánh khiết của Chúa thì ta lập tức nhận thức về tình trạng tội lỗi xấu xa của chính mình. Chúng ta phải kêu lên như nhà tiên tri Ê-sai ngày xưa khi nhìn thấy vinh quang thánh khiết của Chúa đã kêu lên: “Khốn nạn cho tôi, xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi miệng nhơ bẩn sống ở giữa những con người nhơ bẩn, vì mắt tôi đã thấy Vua, là Chúa Hằng Hữu đầy quyền năng.” (Es 6:5). Khi phạm tội ta tự làm tổn thương mình và những người nào sống gần mình nhất. Nhưng quan trọng hơn cả và tệ hại hơn cả là tội phạm đối với Chúa. (Thi 51:4). Chúng ta phải xưng tội sòng phẳng đối với Chúa. Cho được Chúa tha tội và giữa ta với Chúa không còn gì ngăn cách. Ta không cần phải xưng tội với người, vì ai cũng phạm tội và không có quyền tha tội cho ai. Ta phải xưng tội trực tiếp cùng Chúa vì Chúa hứa tha tội cho ta và tái tạo đời ta. (IGi 1:9).
Chúa là tình thương và tình thương ấy được thể hiện trong việc đưa chính Con Ngài là Giê-xu xuống trần gian này. Điều Chúa mong muốn là chúng ta hết lòng kính yêu Ngài. (Mat 22:37). Lòng yêu kính Chúa phải biểu lộ qua lời nói và hành động. Nhiều khi ta thấy khó nói lên tình yêu đối với người cũng như đối với Chúa. Nhưng khi tình yêu Chúa tràn đầy trong lòng ta thì ta sẽ tỏ lòng yêu kính qua lời cầu nguyện với Đấng ban cho ta chính cuộc sống này.
Khi đã có lòng tin, sự thờ phượng, xưng tội và yêu kính thì ca ngợi tự nhiên phải có. Ta thường nói những điều hay, điều tốt về người nào ta kính trọng và yêu mến. Chúa là Đấng ta kính mến và tôn trọng hơn bất cứ ai trong nhân loại vì thế Ngài đáng được ta sùng mộ và tôn vinh. Chúng ta ca ngợi Chúa vì Ngài đã làm những việc lạ thường (Thi 150:2) và cuộc phán xét của Ngài vô cùng công minh (Thi 119:164). Mọi người ca ngợi Chúa vì lời phán dạy của Ngài, công việc Ngài làm và vì chính Ngài là Đức Chúa Trời.
Thường thì người ta không cảm tạ vì nghĩ rằng mình đáng phải được điều mà mình ao ước hay trông đợi. Nhưng điều mà ta đáng nhận được chính là cuộc trừng phạt về những gì ta đã vi phạm, như thế mới là công bằng. Chúng ta tất cả đều là tội nhân, và không đáng được Chúa thương xót và ban ân huệ tha thứ. Nhưng Chúa đã tha thứ tội ác của chúng ta nhận chúng ta làm con của Ngài, tái tạo và cho trở thành con người mới. Vì vậy chúng ta không thể sống vô ơn bạc nghĩa đối với Chúa. Sứ đồ Phao-lô nói rằng không cảm tạ là vô đạo (Ro 1:21). Vì vậy người tin Chúa là người biết cảm tạ Chúa. Cảm tạ Chúa về việc vĩ đại Ngài đã làm cho đời ta và tất cả những gì đang xẩy ra khi ta hết lòng tin cậy Ngài. (Co 3:17 ITe 5:18).
Cầu nguyện không những chỉ là sự đáp ứng đối với ân huệ Chúa ban cho, nhưng còn là phương cách để chúng ta xin cứu giúp cho nhu cầu của mình và của người khác nữa. Dĩ nhiên là do đức thánh khiết và khôn ngoan của Chúa, Ngài không ban cho chúng ta bất cứ điều gì chúng ta xin. Có những điều ngăn cản Chúa trả lời cầu xin được ghi trong Kinh Thánh như:
Tội lỗi trong tâm hồn: Thi 66:18
Từ khước nhận lời Chúa dạy: Ch 28:9
Lòng xa cách Chúa: Es 59:2
Lạc đường: Gie 14:10-12
Dâng không xứng đáng: Ma 1:7-9
Cầu nguyện cho người thấy: Mat 6:5-6
Kiêu hãnh khi kiêng ăn và dâng hiến: Lu 8:11-14
Thiếu lòng tin: He 11:6
Nghi ngờ: Gia 4:3
Trong khi đó Kinh Thánh cũng cho biết Chúa nhậm lời cầu xin trong các trường hợp sau đây:
Khi ta cứu giúp người đói khát và bị khốn khó: Es 58:9-10
Khi ta tin rằng mình nhận được điều cầu xin: Mac 11:22-24
Khi ta tha thứ cho kẻ khác: Mac 11:25-26
Khi ta nhân danh Chúa mà cầu nguyện: Gi 14:13-14
Khi ta ở trong Chúa và lời dạy của Ngài: Gi 15:7
Khi ta cầu nguyện với Thánh Linh: Eph 6:8
Khi ta vâng giữ điều Chúa răn dạy: IGi 3:22
Khi ta cầu xin theo ý Chúa; IGi 5:14-15
Nói tóm lại, Cầu nguyện là phương cách Chúa dùng để ban cho chúng ta những gì Chúa muốn. Chúng ta đừng quên rằng Chúa biết những gì chúng ta cần trước khi chúng ta cầu xin, và Ngài khôn ngoan vô cùng trong việc đáp ứng của Ngài, sao cho ích lợi nhất cho ta và chương trình của Ngài.
Có người cho rằng cầu nguyện không cần thiết, nhưng Kinh Thánh dạy rằng người tin Chúa cầu nguyện rất linh nghiệm (Gia 5:16).
Cầu nguyện đáp ứng nhu cầu tâm linh của chúng ta:
Cầu nguyện cho ta khỏi lo sợ: Thi 118:5-6
Cầu nguyện cho ta sức lực: Thi 138:3
Cầu nguyện cho ta hướng đi và thỏa lòng: Es 58:9-11
Cầu nguyện cho khôn ngoan và hiểu biết: Da 9:20-27
Cầu nguyện được giải cứu khỏi bị hại: Gio 2:32
Cầu nguyện được niềm vui: Gi 16:23-24
Cầu nguyện được bình an: Phi 4:6-8
Cầu nguyện được khỏi lo lắng: IPhi 5:7
Cầu nguyện không những rất hiệu quả trong đời sống người cầu nguyện, nhưng còn hiệu quả trên cuộc đời người khác nữa. Sứ đồ Phao-lô tin rằng ta có thể cầu nguyện cho người khác được:
Khôn ngoan và có năng lực (Eph 1:18-19)
Sức mạnh nội tâm, hiểu biết về tình yêu Chúa, được tràn đầy chính Chúa (Eph 3:16-19)
Biết phân biệt, ưa thích những gì tốt lành, đầy dẫy bông trái của thánh thiện công chính (Phi 1:9-11)
Biết ý chỉ của Chúa, có kiến thức về tâm linh, một đời sống vừa lòng Chúa, kết quả, chịu đựng, kiên nhẫn, vui vẻ (Co 1:9-12)
Một đời sống yên lặng và hoà hoãn (IITi 2:1-2)
Yêu mến nhau và mọi người, thánh khiết trước mắt Chúa (ITe 3:10-13)
Được an ủi và thành công trong mọi việc làm nhân đạo (IITe 2:16-17)
Yêu Chúa, vững vàng trong Chúa Giê-xu (IITe 3:5)
Chia sẻ niềm tin, cổ võ cho những việc làm tốt lành (Phi-lê-môn câu 6)
Được trang bị để làm mọi việc tốt lành vừa lòng Chúa (He 13:20-21)
1. Chúa có trả lời cầu nguyện không? Những người tự nhận là tiến bộ, có cần cầu nguyện nữa không? Chúa trả lời cầu nguyện cho ai?
Những câu hỏi trên đây đối với một số người thì câu trả lời khẳng định là không? Không ai được Chúa trả lời cả. Những người này cho rằng cầu nguyện là phản tiến bộ và mê tín. Dĩ nhiên những người như thế không công nhận có Chúa, là Đấng mà con người có thể chạy đến cầu cứu. Họ tin rằng tất cả đều có thể khắc phục được bằng cố gắng của con người, chỉ cần biết lý luận cho đúng và hành động thích hợp là được.
Lý thuyết có thể là như thế, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp mà con người không thể hiểu nổi, mặc dù lý luận rất đúng và hành động bằng cả lòng thành. Con người vẫn có những giới hạn không thể nào vượt qua được. Các giới hạn ấy do Đấng Tạo Hóa đặt ra. Vì vậy, nếu không tin có Chúa, có Đấng Tạo Hóa thì không thể nào hiểu và giải quyết vấn đề được.
Mặt khác, những người có đạo lâu năm, nhiều khi cũng thấy dương như mình cầu nguyện chẳng có tác dụng gì, rồi dần dần không thích cầu nguyện nữa, hoặc chỉ cầu nguyện chiếu lệ cho người khác khỏi hiểu lầm mà thôi.
Nhiều khi người ta không hiểu ý nghĩa thật của việc cầu nguyện, nên mới có những câu trả lời võ đoán vội vàng, hoặc là đi đến kết luận không đúng.
Cầu nguyện không phải là phương cách chúng ta nhận được điều mà chúng ta mong ước Chúa ban cho. Theo lời Kinh Thánh thì cầu nguyện là phương cách Chúa dùng để cho chúng ta những gì Ngài muốn.
Chữ quan trọng trong định nghĩa trên đây là CHÚA. Muốn cầu nguyện hay hiểu cầu nguyện, cần phải:
1. Có quan niệm đúng về Chúa.
2. Hiểu rõ chính mình.
3. Cần học cầu nguyện. Không phải là cách sử dụng từ ngữ, nhưng là cách cầu nguyện sao cho đúng.
Theo lời dạy của Kinh Thánh thì cầu nguyện có quan hệ với tất cả những gì thuộc về Chúa, và tất cả những gì liên quan đến con người của chúng ta. Không phải khi ta cầu nguyện Chúa mới trả lời. Chúa đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta.
Cầu nguyện không thể nào tách rời khỏi những gì chúng ta suy nghĩ, cảm xúc, ước muốn và hành động. Cầu nguyện là một cuộc giao tiếp của tất cả con người của chúng ta với Đấng toàn năng là Chúa Vĩnh Hằng. Cho đến khi nào người ta hiểu được ý nghĩa này, thì lúc ấy cầu nguyện mới không bị hiểu lầm.
2. Làm thế nào tôi có thể tiếp xúc với Chúa được?
Câu hỏi này đặt ra vì sự cách biệt giữa Chúa và con người. Chúa là Đấng thánh khiết, còn con người tội lỗi phàm tục.
Kinh Thánh cho hay Chúa là Anh sáng, trong Ngài không có bóng của sự tối tăm nào. Chỉ một mình Chúa không bao giờ chết và ở nơi vinh quang mà không người nào đến gần được. Chưa hề có ai thấy Chúa, và cũng không thể thấy Ngài được.
(IITi 6:16).
Kinh Thánh ghi: Chúa là ngọn lửa thiêu cháy.
Gi 1:5 ghi: Tối tăm không tiếp nhận ánh sáng. Câu này có thể hiểu là tối tăm không hiểu được ánh sáng. Con người chúng ta thật ra không thể nào hiểu được sự thánh khiết của Chúa, vì các lý do sau:
1.Thông thường người ta hiểu thánh khiết là không làm điều tội ác và sai trái. Thánh khiết không phải là tách biệt mình ra khỏi thế gian trần tục này, nhưng là tách biệt ra để làm điều thánh thiện, và như thế là phân biệt hoàn toàn với tội ác.
2. Người ta khó hiểu thánh khiết là vì sinh ra trong một thế giới trần tục. Như cá sinh ra trong vũng bùn nhơ bẩn quen thuộc đến nỗi không còn nhận biết bùn là nhơ bẩn nữa. Nếu có dòng nước sạch chảy qua hay ánh sáng rọi đến, cũng chỉ là cho cá ngỡ ngàng mà thôi. Thánh khiết đối với con người cũng vậy.
3. Nhiều người tin Chúa lâu năm, tự nhiên chỉ nghĩ đến Chúa là Cha hiền, thương yêu; bạn thiết v.v. mà quên hẳn rằng Chúa là Đấng hoàn toàn thánh khiết, và Ngài không bao giờ chấp nhận thái độ cũng như đời sống bất khiết. Chính vì hay quên như vậy mà người đó dần dần xa lạ với thánh tính của Chúa.
Chúa thánh khiết không thể nào chấp nhận điều gì không thánh khiết. Tội có thể định nghĩa là điều gì không phù hợp với tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa. Kinh Thánh đưa ra những hành vi không phù hợp với tiêu chuẩn thánh khiết là: phản bội, sai trái, không đạt mức, tàn ác, vô luân, sai tiêu chuẩn, vi phạm luật, bất nghĩa v.v. Nhưng không làm điều thánh thiện và tốt lành cũng là phạm tội. Sứ đồ Phao-lô dạy rằng; lý do của tội dù là không làm điều thiện lành hay chỉ làm điều bất khiết đều do không kính sợ Chúa cả.
Khi đọc Kinh Thánh chúng ta nhiều khi cho là nói về những kẻ có tội trong đời trần tục này, tuy nhiên sứ đồ Giăng dạy rằng: Nếu chúng ta tuyên bố rằng mình không có tội là chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta đâu. Bản Kinh Thánh hiện đại dịch câu này là: Nếu chúng ta chối tội là chúng ta tự lừa dối mình và không chịu nhìn nhận sự thật. (IGi 1:8). Việc xưng nhận tội với Chúa và hoàn toàn từ bỏ là điều phải làm, hết lòng tin và quyết tâm mà làm. Có như thế ta mới đủ điều kiện ra mắt Chúa mà cầu nguyện.
Những gì đang bàn không có gì xa lạ, tuy nhiên rất căn bản cho ai muốn đến với Chúa để cầu nguyện. Vì một sinh vật nhỏ bé như chúng ta, muốn tiếp xúc với Đấng Vĩ Đại, tạo dựng nên cả vũ trụ này, cần phải biết rõ các điều kiện thiết yếu. Hơn nữa việc cầu nguyện lại đơn giản, nhưng lại cũng rất khó khăn, nếu không biết rõ Chúa và không nhận ra thân phận của mình. Mỗi ngày có hằng triệu người được Chúa trả lời qua những lời cầu xin đơn thành và đầy lòng tin của họ. Chúa nhân từ và thương xót luôn luôn nghe lời của kẻ đặt hết lòng tin nơi Chúa. Nhưng cầu nguyện cũng khó khăn là vì tội ngăn cách chúng ta với Chúa, đến nỗi không một lời cầu nguyện nào đến được nơi thánh khiết của Chúa.
Câu hỏi: Làm thế nào tôi có thể tiếp xúc với Chúa được? Có thể trả lời là: Phải hiểu rõ Chúa là Đấng Vĩ Đại, toàn thánh toàn thiện, và thấy rõ thân phận mình là kẻ phạm tội và nhờ Đấng trung gian là Chúa Giê-xu. Chính Chúa đã biết khó khăn của con người nên Ngài đã làm tất cả những gì cần thiết cho cuộc tiếp xúc ấy có thể thực hiện. Về phía chúng ta, chỉ cần tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng đã hi sinh chuộc tội lỗi cho mình, nhận định thân phận của mình, quyết tâm ttừ bỏ tội, tin vào quyền năng tái tạo của Chúa và bằng lòng hạ mình trước mặt Chúa, Chúa sẽ rủ nghe và ban phươc lành cho.
3. Chúa là Đấng Toàn Tri, nghĩa là biết tất cả mọi sự việc rồi, vậy thì tại sao tôi phải cầu nguyện?
Nhiều người nghĩ rằng Chúa cũng như một máy vi tính, computer thật là siêu việt, nghĩa là biết nhiều điều mà con người không thể nào biết được. Thật ra computer hoạt động phụ thuộc vào bộ nhớ của nó. Bộ nhớ càng giàu thì máy càng hoạt động mạnh. Như thế máy có giới hạn cũng như người chế tạo ra nó. Chúa thì khác, Chúa không cần bộ nhớ, vì lúc nào Chúa cũng biết trực tiếp về tất cả mọi sự việc trong vũ trụ, cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Vấn đề không phải là Chúa chỉ biết tất cả về chúng ta, nhưng Chúa biết nhiều điều về chúng ta mà chúng ta không biết. Chúa không phải chỉ là một bộ óc. Chúa khôn ngoan tuyệt đối, hiểu biết, đầy tri thức, lý luận và là nguồn của Chân Lý. Chúa cũng là Đấng Mưu Luận Lạ Lùng, Đức Chúa Trời Quyền Năng, Cha Đời Đời và Chúa Hoà Bình. Đó chính là khác biệt giữa con người giới hạn và Chúa vô hạn.
Chúa Giê-xu từng nói: Cha các con ở trên trời biết rõ các con cần gì trước khi các con xin Ngài. Tuy nhiên ngay sau đó Chúa bảo: Vậy các con hãy cầu nguyện như sau
Ta có thể diễn ý lời dạy của Chúa như sau: Vì Cha các con ở trên trời biết rõ các con cần gì trước khi xin Ngài, vì vậy nên khi các con cầu nguyện, Cha không ngạc nhiên mà sẵn sàng ban cho các con đúng theo nhu cầu.
Chúa Giê-xu cũng dạy rằng; Là con của Chúa ta đừng cầu nguyện với Chúa với mục đích khoe khoang về đạo hạnh của mình, hay lặp đi lặp lại những lời nhàm chán như đọc kinh để tỏ ra mình ngoan đạo!
Ta cũng cần nhớ rằng cầu nguyện đem lợi ích cho ta chứ không phải cho Chúa. Chúa cho ta đặc ân cầu nguyện tức là giao tiếp với Ngài. Điều này giúp ta ý thức rằng mình có một Cha thương yêu, luôn luôn chăm sóc; cũng cho chúng ta vững tin rằng những gì chúng ta ao ước trông mong hợp với ý định của Chúa, sẽ được thực hiện.
Chúng ta cũng cầu nguyện để giãi bầy nỗi niềm của mình, làm vơi đi những căng thẳng trong cuộc sống, tái lập an bình giữa sóng gió trong cuộc đời. Cầu nguyện còn giúp ta được chuẩn bị khôn ngoan để ứng phó với hoàn cảnh và giải quyết các vấn đề một cách hợp lý và đúng cách.
Khi ta xưng tội với Chúa, cảm tạ Chúa, hứa nguyện làm điều này điều kia cho Chúa, là lúc con người ta được biến đổi. Vì Thánh Linh sẽ thanh tẩy đời sống ta, dẫn ta vào tương giao thật với Ngài và ta được thỏa lòng.
Một người tin Chúa nhưng ít khi cầu nguyện và một người tin Chúa ưa thích cầu nguyện, hai người ấy có hai cuộc đời hoàn toàn khác nhau.
Con người sống vì hi vọng. Đến với Chúa là nhen lên hi vọng thực tiễn, tin nơi Chúa hoàn toàn và bước đi từng ngày với Chúa trong niềm tin. Chúng ta không biết tương lai của mình sẽ ra sao, nhưng Chúa biết rõ. Chúng ta cầu nguyện để được vững tin, không dao động trước các biến cố, và luôn luôn an tâm trong hi vọng và ý thức.
Chúng ta có nhiều lý do để cầu nguyện với Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta tìm hiểu tại sao mình ít cầu nguyện, không cầu nguyện hay không ưa cầu nguyện chăng?
Tại sao tôi không cầu nguyện?
Có người buồn quá không cầu nguyện. Có người vui quá quên cầu nguyện. Nhưng nhiều người không cầu nguyện được là vì đang làm điều ngược lại với nguyên tắc của Chúa. Vì thế câu hỏi : Tại sao ta cần cầu nguyện? Không quan trọng bằng câu hỏi: Tại sao ta không thể cầu nguyện? Trả lời được câu hỏi này là giải quyết một vấn đề to lớn trong cuộc đời tin Chúa của ta.
Cầu nguyện cũng như thở hít không khí, nếu không cầu nguyện đời ta sẽ nghẹt ngòi không thể sống mạnh được. Ai cho ta một đặc ân ít khi ta chối từ, đặc ân quý nhất mà Chúa ban cho ta là cầu nguyện. Ta nên cảm ơn mà nhận lấy và thực hành. Hãy chuyên tâm cầu nguyện, đừng thắc mắc, đừng sao nhãng cầu nguyện để ta không bao giờ thiếu một ân phúc nào Chúa dành cho ta.
4. Cầu nguyện có thay đổi được ý Chúa không?
Chúa là Đấng nhân từ thương xót, như Thi-thiên 103 đã dạy. Căn cứ vào đó ta thấy một số trường hợp người của Chúa cầu nguyện và Chúa thay đổi ý định của Ngài: Môi-se cầu nguyện xin Chúa tha thứ không tiêu diệt dân Chúa; Ê-xê-chia cầu nguyện, Chúa cho sống thêm 15 năm v.v. Những lời hứa và những lời cảnh cáo của Ngài luôn luôn phụ thuộc vào cách đáp ứng của con người. Chúa đã bảo Giô-na truyền rao cho dân thành Ni-ni-ve là họ sẽ bị tiêu diệt. Nhưng khi cả thành hạ mình ăn năn xưng tội thì Chúa tha. Trong Exe 33:13-16 ta thấy rõ lòng nhân từ của Chúa:
“Dầu mà ta có nói với người công bình rằng nó chắc sẽ sống, nếu nó cậy sự công bình mình mà phạm tội, thì sẽ không nhớ đến một việc công bình nào của nó nữa; nhưng nó sẽ chết trong sự gian ác mình đã phạm. Khi ta nói cùng kẻ dữ rằng: Mầy chắc chết! nếu kẻ dữ ấy xây bỏ tội lỗi mình, theo luật pháp và hiệp với lẽ thật; nếu nó trả lại của cầm, đền bồi vật nó đã cướp lấy, bước theo lệ luật của sự sống, và không phạm sự gian ác nữa, thì chắc nó sẽ sống và không chết đâu. Chẳng có một tội nào nó đã phạm sẽ được nhớ lại nghịch cùng nó; nó đã làm theo luật pháp và hiệp với lẽ thật, chắc nó sẽ sống.”
Cầu nguyện là phương cách để hoàn tất ý chỉ của Chúa. Chúa cho phép loài người được hợp tác bằng cầu nguyện để ý chỉ của Ngài được thành tựu. Chúng ta được phép tham dự vào chương trình của Ngài qua lời cầu nguyện.
Dù vậy, ta nên nhớ rằng Chúa có ý định hoàn hảo và khôn ngoan của Ngài, và rất nhiều việc chúng ta phải xin cho ý Chúa được hoàn thành không theo ý chúng ta mà hoàn toàn theo ý chỉ của Chúa.
5. Nếu tôi là con của Chúa và Ngài đáp lời cầu nguyện của tôi, thì tại sao tôi không thường xuyên nhận được điều tôi xin?
Vấn đề nầy quan hệ đến sự khôn ngoan vô cùng của Chúa. Sự khôn ngoan vô cùng ấy phải thường xuyên khước từ những lời cầu nguyện không khôn ngoan của tôi. IGi 5:14-15 giải thích: “Nếu chúng ta cầu xin điều gì theo ý Chúa, thì Ngài nghe chúng ta; và nếu chúng ta biết rằng Ngài nghe chúng ta bất cứ điều gì chúng ta cầu xin, chúng ta cũng vững tin rằng Ngài sẽ nhậm lời cầu nguyện.”
Chúng ta cần phân biệt rõ giữa những điều ta muốn và những gì ta cần với những gì Chúa cho chúng ta được hưởng. Chúng ta thường cầu xin rất thiển cận và ích kỷ. Chúng ta lại muốn hễ xin thì được ngay. Trong khi đó chúng ta quên rằng chương trình của Chúa quan hệ đến nhiều vấn đề và đến nhiều người khác nữa.
Nhiều người nghĩ rằng, như thế ta nên cầu nguyện: Xin ý Chúa được nên là đủ. Thật ra “Xin ý Chúa được nên” là một thái độ chứ không phải một lời cầu nguyện. Thái độ đó là bằng lòng chấp nhận những gì Chúa đưa đến chứ không nhất thiết phải đòi hỏi theo ý mình. “Xin ý Cha được nên” là tôn trọng ý Chúa và biết rõ Chúa khôn ngoan và hiểu biết vô cùng.
Muốn cầu nguyện theo ý Chúa, ta cần thực hiện những điều sau đây:
1. Đọc Kinh Thánh và đào sâu thêm trong Lời Chúa.
Chúa Giê-xu từng dạy: “Nếu lời Ta ở trong các con, hãy xin mọi điều mình muốn thì sẽ được điều ấy.” Muốn cầu nguyện hiệu quả, đừng bao giờ quên lời Chúa trong Kinh Thánh, vì đó là mặc khải về ý Chúa. Kinh Thánh là cuốn sách hướng dẫn cho cuộc đời của mỗi người, vì vậy không thể bỏ qua Kinh Thánh. Bạn không cần phải uyên thâm về Kinh Thánh mới có thể biết ý Chúa mà cầu nguyện. Bạn chỉ cần đọc Kinh Thánh đều đặn mỗi ngày và dành thời gian suy nghĩ tìm hiểu là đủ. Bạn sẽ quen thuộc với các nguyên tắc của Kinh Thánh, sẽ sống với các nguyên tắc này và cầu nguyện trong các nguyên tắc đó.
2. Muốn cầu nguyện theo ý Chúa ta phải cam kết làm theo ý Ngài.
Vâng lời Chúa dạy là căn bản để có thể cầu nguyện theo ý Chúa.
Sứ đồ Phao-lô dạy: “Do lòng thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài khuyên anh em dâng thân thể mình cho Đức Chúa Trời như một sinh tế sống và thánh, đẹp lòng Ngài. Đó là cách thờ phượng đích thực của người tin Chúa. Đừng đồng hóa với người đời, nhưng hãy để Chúa đổi mới tâm trí mình; nhờ đó anh em có thể tìm biết ý muốn của Đức Chúa Trời và hiểu rõ điều gì tốt đẹp trọn vẹn vừa lòng Ngài.” (Ro 12:1,2).
3. Nên nhớ rằng bạn là con người duy nhất.
Ý chỉ của Chúa đối với bạn hoàn toàn khác với người trong xóm, với anh em, chị em, cha mẹ hay người thân của bạn. Nghĩa là đừng nghĩ rằng hễ ý chỉ của Chúa đối với người khác thể nào, thì với tôi cũng thể ấy. Cũng không nên so sánh với ai cả, vì mỗi người đều khác hẳn nhau.
4. Có thể học cầu nguyện từ những người tin Chúa sâu nhiệm.
Nhất là những người trưởng thành trong Chúa. Kinh nghiệm cầu nguyện của người khác là bài học thực tiễn cho ta học theo.
5. Tập cầu thay cho người khác và nhờ người khác cầu nguyện cho mình.
Tuy nhiên, nên nêu rõ vấn đề cầu nguyện chứ không phải chỉ tổng quát mà thôi.
6. Nên nhớ rằng dù bạn có thành công trong việc cầu nguyện đến đâu chăng nữa, thì có nhiều lúc câu trả lời của Chúa cho bạn là: Không được! Lúc ấy không có gì khác hơn là vâng phục ý Chúa và chờ đợi, đó cũng là làm theo ý Chúa và bạn sẽ không bị thiệt thòi gì đâu.
7. Nếu Chúa toàn năng, thì tại sao Chúa để cho người lành bị làm hại? Làm sao có thể cầu nguyện khi Chúa bất công như vậy?
Đây là nan đề mà người cầu nguyện hay đặt ra và người vô thần hay chế diễu. Trường hợp điển hình là ông Gióp. Ông Gióp là một thánh nhân nhưng gặp đủ mọi cảnh khó khăn: thiên tai, giặc cướp, con cái chết hết, bầy súc vật bị cứơp hết, khuynh gia bại sản. Ông ngước mắt lên trời than rằng:
“Tại sao kẻ ác vẫn sống tuổi cao tác lớn và uy quyền càng thêm mãi? Họ nhìn thấy con cái thành gia thất chung quanh họ, và cháu chắt đầy đàn ngay trước mặt. Họ sống những năm thịnh vượng, và đi đến nơi ở cuối cùng an lành. Mặc dù họ đã nói thẳng với Chúa rằng: Hãy để mặc chúng tôi, chúng tôi không muốn biết đến đường hướng của Chúa. Đấng Toàn Năng là ai mà ta phải tôn thờ.” (Giop 21).
Những câu hỏi này Chúa không trả lời.
Khi người lành bị hại thì Chúa ở đâu? Câu hỏi này đến với chúng ta mỗi khi tai nạn, điều bất hạnh xẩy ra cho những người chúng ta thương mến hay quý trọng. Trong những lúc đau thương nhất, chúng ta thường không thể cầu nguyện. Có lúc chúng ta chỉ oán trách Chúa mà không muốn cầu nguyện.
Để đào sâu vấn đề, chúng ta cần phân tích như sau:
Đời sống thuở ban đầu của con người thật là hoàn hảo và tốt đẹp. Tạo vật, con người và cả thiên sứ được tạo nên với khả năng và tự do để vui sống và tôn vinh Chúa, hoặc là nổi loạn và phạm tội phản nghịch chống Chúa. Sa-tan và các quỷ sứ của nó đã chọn con đường phản nghịch, mặc dù chúng là các thiên sứ của Chúa. Loài người đầu tiên cũng theo lời Sa-tan vi phạm luật Chúa. Kết quả của cuộc phản loạn này là đau thương và lầm than.
Chúa tạo ra loài người theo hình ảnh của chính Ngài, nghĩa là có lý trí, ý chí và tình cảm, tức là một sinh vật có khả năng lựa chọn và quyết định, chứ không sống theo bản năng như tất cả các sinh vật khác. Khả năng thương yêu cũng có mà khả năng làm hại cũng có. Khả năng tôn vinh Chúa ở ngay cạnh khả năng phản chống và phạm tội. Chúng ta thuộc dòng dõi A-đam và Ê-va nên phải sống trong một thế giới đã bị tội ác làm cho hư hỏng. Như vậy, chính vì tự do trong ý chí của con người mà có đau khổ, tàn bạo và áp bức.
Một điều chúng ta cần ý thức là Chúa không biến những tội ác ra điều tốt lành. Chẳng hạn như ông Giăng, người làm báp-tem cho Chúa, bị vua Hê-rốt chém đầu. Nghe tin ấy Chúa không nói rằng việc ấy mang lại hữu ích gì về phương diện nào, hay bảo các môn đệ cảm tạ Chúa về vệc đó. Chắc hẳn Chúa đã lên núi than khóc ông Giăng.
Chúng ta đừng nghĩ rằng Chúa để cho những việc tai hại xẩy ra để chúng ta có thể kinh nghiệm được những điều tốt lành. Nghĩ như vậy là quên rằng tội ác là tội ác, và chính Chúa đã hi sinh để cứu chúng ta ra khỏi tội ác. Khi Giăng bị chém đầu, hay một đứa bé vô tội bị giết chết, thì đó là tội ác, chúng ta không thể nói rằng thảm cảnh xảy ra là để đưa đến những kết quả tốt nào về sau.
Ngay chính Chúa Giê-xu cũng vui lòng vâng lời Đức Chúa Trời là Cha để đi con đường thập tự giá, nhưng Ngài không vui gì khi bị đóng đinh trên thập giá, nghĩa là Ngài phải cam chịu. Trước giờ đau thương, Chúa Giê-xu không vui vẻ chút nào, nhưng Ngài rất buồn, đau thương vô cùng. Thiên sứ đã đến để thêm sức cho Ngài. Chúa đã nói: Tâm hồn Ta buồn bực chết đi được!” Như thế chúng ta thấy rằng đau thương là một hiện thực, và không ai muốn đau thương cả. Trong cảnh đau thương của mình hay của người khác, chúng ta cũng cần nhận định như vậy., và đừng nghĩ rằng Chúa ưa thích các cảnh đau thương đó vì mục đích này hay mục đích khác. Tất nhiên đối với Chúa, Ngài biết rõ mục đích cuộc thương khó của Ngài, còn chúng ta không biết, chúng ta chỉ chấp nhận. Đau khổ của con người là để chúng ta thấy được tội ác và sức mạnh của tội ác, và tìm đến Chúa là Đấng giải cứu cho được an nghỉ.
Trong những nỗi đau thương chúng ta phải nghĩ đến sự bất lực của con người và luôn cần đến sức bên ngoài chúng ta. Chúng ta không cần sống giả tạo, nghĩa là trong đau thương mà vẫn làm ra vẻ bình thản như không có gì cả, hoặc có khi còn gượng ép ca ngợi Chúa nữa. Chúa có thể cho ta cái bình tĩnh đó, nhưng chúng ta không thể nhìn vào cảnh đau thương mà vui mừng được, vì như vậy là giả tạo và trái tự nhiên. Ta phải chấp nhận thực tế, phải khóc, phải biết đau khổ để rồi tìm thấy an ủi thật trong Chúa, chứ không sống giả tạo rồi tuyệt vọng. Chính vì thái độ chấp nhận này mà ta biết cầu nguyện như thế nào cho thích hợp.
Trở lại câu hỏi: Khi đau thương xảy ra, Chúa ở đâu?
Trả lời: Chúa ở trên thập giá.
Chúa đã mang lấy đau thương, khốn khó và kinh khủng của cả nhân loại. Có thể nói rằng, mỗi khi một người bị hành hạ vô cớ, một đứa trẻ bị giết chết, một lời thóa mạ vô cớ, thì Chúa đều chịu tất cả. Đối với Chúa không có thời gian, vì vậy đau khổ của Chúa vẫn còn là hiện tại. Nói khác đi, bất cứ nỗi đau thương nào của loài người cũng đều nằm trong đau thương của Chúa cả. Bằng chứng là khi Sau-lơ cậy quyền thế tiến công các cộng đoàn dân Chúa và đánh đập họ tàn nhẫn, Chúa đã gặp Sau-lơ (về sau là Phao-lô), hỏi rằng: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, tại sao ngươi bách hại TA? Sau-lơ không hiểu nổi, hỏi lại: Lạy Chúa, Chúa là ai mà con bách hại?”
Nghĩa là Chúa chia sẻ nỗi đau thương của dân Chúa khi họ bị đàn áp. Chúa cũng đã từng nói rằng, những gì người đời làm hại cho kẻ hèn kém nhất trong cộng đoàn dân Chúa, tức là xúc phạm đến Chúa.
Các câu hỏi: Khi đau thương xảy ra Chúa ở đâu? Hay là làm sao có thể cầu nguyện với một Đấng để cho đau thương xẩy ra có thể trả lời bằng câu hỏi này:
Ta có thể cầu nguyện với Đấng đã và đang chịu đau thương chung với chúng ta hay không? Ta có thể cầu nguyện với Đấng đã chết thay cho ta hay không?
Ta nên bám chặt vào các lời hứa của Chúa mà cầu nguyện. Chúa đã hứa: “Ta chẳng lìa ngươi, chẳng bao giờ bỏ ngươi đâu!”
Nhiều khi chúng ta cầu nguyện mà đau thương không giảm bớt, ta nên nhớ rằng Chúa vẫn quan tâm. Chúa sẽ hàn gắn những vết thương trong tâm linh ta và băng bó những thương tích bên ngoài cho dịu bớt. Chúa ban cho ta can đảm và sức chịu đựng để không tuyệt vọng.
Đối với những việc bạo hành, chúng ta không phải thắc mắc, vì Chúa rất công minh, không bao giờ chấp nhận tội ác, và không để cho kẻ phạm tội được hanh thông mãi đâu.
Câu thắc mắc: “Tại sao việc xấu cứ xảy ra cho người thiện lành?” Nên thêm một câu thắc mắc khác là: “Tại sao việc tốt cứ đến với kẻ gian ác?” Hai câu hỏi này đều khó trả lời như nhau, nhưng Chúa rất công minh. Mặt trời mọc lên soi sáng cả kẻ ác lẫn người lành, vì Chúa muốn như thế!
Chúng ta đừng bận tâm về những chuyện khó hiểu, nhưng nên thực tế hơn, chú trọng vào việc thiện lành, cứu giúp những người đau khổ, nhất là những ai chưa biết đến Chúa. Làm như thế, chúng ta sẽ không còn thời gian mà lý luận nữa. Việc phán xét không thuộc quyền của ta, nhưng việc thiện lành là bổn phận.
Câu hỏi:
1. Tại sao ta phải cầu nguyện?
2. Thái độ của ta khi cầu nguyện nên như thế nào?
3. Nếu cầu nguyện mà không hiệu quả thì ta phải giải thích như thế nào?
Carbon là một nguyên tố hóa học rất phổ biến trên trái đất, là thành phần chủ yếu trong các loại than gỗ và than đá. Đó là carbon 12 (C12), không phóng xạ. Ngoài carbon C12 còn có C14, với trọng lượng nguyên tử lớn hơn 2 đơn vị, là chất phóng xạ.
Trái đất được bao bọc bởi một lớp không khí với hai thành phần chính là Oxy (O) và Nitơ (N). Không khí không những cần cho sinh vật để thở mà còn là chiếc áo giáp kỳ diệu bảo vệ sự sống trên mặt đất. Các tia vũ trụ đang liên tục phóng như mưa vào trái đất, nhưng đều bị các tầng khí quyển bắt gọn. Chỉ một số ít tia lọc được lưới trời, nên không đủ sức làm hại chúng ta.
Chính sự tương tác của các tia vũ trụ với N trong khí quyển đã tạo thành C14 (ở đây ta không đi sâu vào cơ cấu này). C14 kết hợp với O2 của khí quyển tạo thành CO2 phóng xạ. Thực vật hấp thụ CO2 này và mang trong nó C14. Động vật lại ăn thực vật và kết quả là mỗi cơ thể động vật đều chứa C14 phóng xạ. Lượng C14 trong mỗi động vật sẽ đạt tới giá trị không đổi, khi quá trình hấp thụ cân bằng với quá trình thải ra.
Khi sinh vật chết, lượng C14 giảm dần đi vì không được hấp thụ thêm. Chu kỳ bán rã của C14 là 5566 năm. Nghĩa là do hiện tượng phóng xạ sau 5566 năm, lượng C14 giảm còn mọt nửa. Như vậy nếu biết lượng C14 chứa trong sinh vật lúc mới chết và phần còn lại hóa thạch của nó, thì có thể tính được tuổi hóa thạch đó. Khoa học ngày nay có thể xác định khá chính xác lượng C14 có trong bất kỳ sinh vật nào. Vì vậy, phương pháp C14 đã được dùng để xác định tuổi của các hóa thạch. Người ta đã xác định được tuổi của một số xương người và kết luận rằng các bộ xương ấy đã có cách đây hằng vạn năm.
Tuy nhiên phương pháp carbon C14 chỉ cho kết quả chính xác với những điều kiện sau đây:
Thông thường phải giả thiết rằng giá trị này bằng giá trị đã cân bằng ở một sinh vật đang sống. Nói khác đi, lượng C14 của bạn hiện nay bằng lượng C14 của bất cứ người nào sống cách đây hằng vạn năm. Điều này chỉ đúng nếu tỉ phần C14 trong khí quyển không thay đổi suốt hằng vạn năm nay. Muốn vậy, lại phải giả thiết rằng cường độ tia vũ trụ đến trái đất là hằng số. Nhưng điều này không thể có được. Nhiều nhà khoa học đã nêu bằng chứng tỏ ra rằng cường độ tia vũ trụ đã từng bị thay đổi.
John Lynde Anderson đã làm thí nghiệm sau: đặt C14 trên một điện cực hình đĩa. Khi thay đổi điện thế của đĩa thì tốc độ phân rã của C14 cũng thay đổi. Như vậy, các cơn bão điện từ đi qua một vật trên mặt đất có thể làm thay đổi tốc độ phân rã của C14 trong vật đó.
Không lý luận nào có sức thuyết phục bằng thực tiễn. Dưới đây chúng tôi xin dẫn ra vài kết quả đo được bằng phương pháp C14:
Truờng Đại Học Yale ở Hoa-kỳ xác định tuổi của cùng một chiếc gạc hươu ba lần khác nhau, thu được các kết quả: 9310 năm, 10.320 năm và 5340 năm.
Trường Đại Học Michigan xác định tuổi của hai mẫu vật nằm ở cùng một vị trí địa tầng (nghĩa là phải cùng tuổi, thì được hai kết quả 1430 và 2040 năm.
Một mẫu vật do hai trường Đại Học Chicago và Michigan định tuổi cho hai kết quả gần gấp đôi nhau: 1168 và 2200!
Một chiếc ngà voi được định tuổi bằng phương pháp C14 đã cho kết quả là: Phần bên ngoài chết cách đây 7820 năm còn phần bên trong là 7070, tức là chết sau 750 năm. Như vậy chiếc ngà voi đó đã chết từ ngoài vào trong.
Tiến sĩ H. C. Morton đã kể một trường hợp trong đó các nhà khoa học Mỹ phải rút tuổi của một bộ xương người tìm được ở vùng Mississippi từ 50.000 năm, xuống còn 5000 năm, sau khi họ tìm thấy một chiếc thuyền khá hiện đại, có đáy phẳng nằm ở phía dưới bộ xương này.
Xin lấy câu chuyện này để kết luận về độ chính xác của phương pháp C14.
Trích Chân lý số11, tháng Sáu, năm 1992,
Tiến sĩ Phan như Ngọc.
1.Clark, Robert T., and Bales, James
Why Scientist Accept Evolution?
(Master Books, P.O. Box 1606 El Chon, CA 92021)
2. Norman Geisler & Ron Brooks
When Skeptics Ask: A handbook on Christian Evidences
(Baker Books)
3. Trương Văn Lập. Đạo, Triết Học Phương Đông
(Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội)
4. Davidheiser, Bolton J., Evolution and Christian Faith
(Nutley, NJ: Presbyterian and Reformed, 1969)
5. Gish, Duane T. Evolution: The Challenge of The Fossil Record
(Master Books, P.O. Box 1606 El Cajon, CA 92021)
6. Ham, Ken & Knelling, Andrew & Wieland, Carl
The Answer Book
(Master Books, P.O. Box 1606 El Cajon, CA 92021)
7. Morris, Henry M., Biblical Cosmology and Modern Science
(Nutley, NJ Craig Press,1970)
8. Morris, Henry M.,
Scientific Creationism; What is Creation Science?; The Trouble Waters of Evolution; Evolution and The Modern Christian; The Twilight of Evolution.
(Creation –Life Publishers, Master Books )
9. Shut, Evan. Flaw in The Theory of Evolution
(Philadelphia: Presbyterian and Reformed, 1966)
1 Barnett, Lincoln. The Universe and Dr. Einstein. New York: William Sloane Associates, 157, p. 95.
2 Ramm, Bernard. The Christian View of Science and Scripture. Grand Rapids: Wm. B. Êrdmans, 1954. P. 148