Kinh Thánh: ICo 2:9-15
Câu gốc: "Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra,
nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời"
IIPhi 1:21
Mục đích: Dạy rằng chương trình của Đức Chúa Trời qua các thời đại chỉ được bày tỏ ra trong Kinh thánh mà thôi.
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chủ Nhật: Chương trình vĩ đại của Đức Chúa Trời Thi 95:1-5
Thứ Hai: Chương trình của Chúa cho dân sự Ngài Gios 1:7-9
Thứ Ba: Chương trình của Chúa cho cơ đốc nhân Co 3:14-17
Thứ Tư: ĐCT bày tỏ chương trình của Ngài qua ĐTL ICo 2:9-15
Thứ Năm: ĐCT bày tỏ chương trình của Ngài qua Chúa Giê-xu Gi 1:1-4,14
Thứ Sáu: Lời của Đức Chúa Trời được soi dẫn Gi 7:14-17; IITi 3:16
Thứ Bảy: Luật pháp của Đức Chúa Trời là toàn hảo Thi 19:7-11
Như chúng ta đã học, Kinh thánh là một trong 3 nguồn khải thị của Đức Chúa Trời. Qua cõi thiên nhiên, chúng ta chỉ có thể biết Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng vô cùng, khôn khéo lạ lùng, thông minh tuyệt đối. Song nhờ Kinh thánh chúng ta mới biết Ngài cũng là Đấng nhân ái, thánh khiết, thành tín, không hề thay đổi, hằng sống đời đời và nhất là không muốn một ai hư mất mà muốn mọi người được cứu rỗi. Vì Đức Chúa Trời đã bài tỏ chương trình của Ngài trong Kinh thánh, nên chúng ta phải biết Kinh thánh như thế nào?
"Sự tổng cộng lời của Chúa là chân thật, các mạng lệnh công bình của Chúa còn đời đời" (Thi 119:160). Kinh thánh không bao giờ sai lầm, chẳng hề thay đổi, đáng làm khuôn vàng thước ngọc cho đời sống đức tin của chúng ta.
Toàn bộ Kinh thánh là một bộ thư viện có 66 quyển, được viết lại bởi 45 trước giả trong khoảng thời gian 1500 năm. Quyển cuối cùng được viết khoảng năm 80 sau Chúa giáng sinh. Các trước giả sống trong những thời đại khác nhau, làm những chức vụ khác nhau, thuộc những giai tầng xã hội khác nhau, nói những thứ tiếng khác nhau. Họ gồm có vua, quan, thầy tế lễ, thầy thông giáo, kẻ chăn chiên, văn sĩ, sử gia, y sĩ, người thâu thuế, ngư phủ v v... Dầu vậy, tư tưởng của Kinh thánh từ trang thứ nhất đến trang cuối cùng đều hòa hợp nhau trọn vẹn, vì thật ra chỉ có một tác giả soi dẫn và điều khiển là Đức Thánh Linh.
Cả Kinh thánh từ Sáng thế ký đến Khải huyền có một sứ điệp duy nhất là sự giáng sinh, sự chết, sống lại và về trời của Cứu Chúa Giê-xu Christ để cứu vớt tội nhân. Tất cả sự việc xảy ra đều xoay quanh cái trục vĩ đại đó. Chúa Giê-xu đã phán với người Do-Thái " Các ngươi xem dò Kinh thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời ấy là Kinh thánh làm chứng về Ta vậy" (Gi 5:39). Với hai môn đồ tại Em-ma-út "Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mỗi tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh" (Lu 24:27). Với các sứ đồ Ngài phán "Ấy đó là điều mà khi Ta còn ở với các ngươi, Ta bảo ngươi rằng mọi sự đã chép về Ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri cùng các thi thiên phải được ứng nghiệm (Lu 24:44).
Tất cả mọi người đều có tội, nên cũng chỉ được cứu rỗi bằng một phương pháp duy nhất là tin nhận Chúa Giê xu làm Cứu Chúa của riêng mình. Về sự cứu rỗi, không hề có thời đại này khác thời đại kia, phương trời này khác phương trời nọ. "Vì chỉ có một Đức Chúa Trời và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, là người. Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người" (ITi 2:5-6).
Câu gốc của bài học này dạy rằng "Ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời" Phao-lô quả quyết; "Cả Kinh thánh đều bởi Đức Chúa Trời soi dẫn..." (IITi 3:16). Vậy Đức Thánh Linh soi sáng, dẫn dắt để các trước giả viết một cách chính xác, vô ngộ Đức Chúa Trời ban cho họ, hầu truyền lại cho loài người.
Trong cựu ước, những chữ "Đức Giê-hô-va phán", hoặc "Đức Chúa Trời phán" có đến hơn 3800 lần. Chỉ trong sách Lê vi ký có đến hơn 50 lần lập lại những chữ "Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se". Đa-vít nói "Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi ta" (ISa 23:2). Các tiên tri từ Ê-sai đến Ma-la-chi, các sứ đồ là Phao-lô, Phi-e-rơ, Giăng đều quả quyết rằng Đức Chúa Trời đã phán cho họ và qua họ.
Một trong những bằng cớ chính xác chứng minh Kinh thánh được soi dẫn là các lời tiên tri. Các lời tiên tri trong Cựu-ước về Chúa Giê-xu đã được ứng nghiệm trọn vẹn trong Tân-ước. Nhất là 4 sách Tin lành và sách Công vụ các sứ đồ luôn luôn lập lại những chữ "Để được ứng nghiệm lời tiên tri". Như Chúa giáng sinh bởi một nữ đồng trinh (Mat 1:22-23), tại thành phố Bết-lê-hem nước Do Thái (Mat 2:1-6) lánh nạn qua Ê-díp-tô (Mat 2:13-15), con trẻ tại Bết-lê-hem bị giết (16-18). Chúa về Na-xa-rét (Mat 2:23). Giăng Báp-tít dọn đường cho Ngài (Mat 3:1-3). Chúa bắt đầu chức vụ (Mat 4:12-16). Chữa lành mọi bệnh tật (Mat 8:17), giảng dạy một cách có quyền (Mat 12:17-21; 13:14-15,35; 15:7-8), vào thành Giê-ru-sa-lem (Mat 21:4-5). Chúa bị phản bội (Gi 13:18), bị bán với giá 30 miếng bạc (Mat 27:9-10), chịu chết (Gi 19:24,36-37), sống lại (Cong 2:24-28), thăng thiên (Cong 2:32-35).
Những bằng chứng thiết thực và hiển nhiên hơn hết là kinh nghiêm của tín đồ trải qua mọi thời đại cho đến ngày nay. Hễ ai vâng theo lời Kinh thánh mà ăn năn tội tin nhận Chúa Giê-xu thì được tái tạo, được sự sống mới, có một đời mới. Suốt cuộc đời theo Chúa, họ sống bằng lời Kinh thánh như: đọc suy gẫm và cẩn thận làm theo. Mọi lời hứa của Chúa trong Kinh thánh đều ứng nghiệm trọn vẹn cho họ, khiến ai nấy giống "Như cây trồng gần dòng nước, sanh bông trái theo thì tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo" (Thi 1:3) hay giống "Như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy, ngộ khi trời nắng chẳng cần sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì mà cứ ra trái không dứt". (Gie 17:7-8).
Từ khi sa vào tội lỗi, con người đã trở nên dốt nát, không biết được bản chất và số phận của mình. Con người từ đâu mà đến? Mình hiện hữu với mục đích gì? Tại sao con người phải đau khổ, phải chết. Cuối cùng con người phải đi đâu? Con người không thể trả lời các câu hỏi đó. Các triết thuyết trái ngược nhau, không ai tìm được một câu giải đáp thỏa đáng.
Chỉ có Kinh thánh là lời của Đấng Tạo hóa, nên Kinh thánh đã giải đáp tất cả các câu hỏi trên. Kinh thánh là một bức ảnh chụp chung, nên ai nấy có thể tìm thấy chính hình ảnh của mình trong đó. Kinh thánh là một tấm gương soi kỳ diệu, nên mọi người có thể thấy lòng mình phản chiếu vào đó. Đấng đã viết Kinh thánh cũng là Đấng đã dựng nên con người, nên Ngài biết hết những gì trong con người. Vì vậy, Kinh thánh đã chỉ cho chúng ta con đường cứu rỗi duy nhất. Chúa phán "Ấy chính ta là Đấng đã rao truyền, đã giải cứu và đã chỉ bảo..." (Es 43:12).
Nếu Đức Chúa Trời không khải thị, loài người chẳng biết chi về chương trình của Ngài. Nếu không nhờ Kinh thánh thì ai có thể hiểu biết được nguồn gốc của trời, đất, muôn vật và loài người? Ai có thể biết tại sao loài người phải đau khổ và chết? Ai có thể biết được loài người sanh ra để làm gì và chết rồi sẽ đi đâu? Nếu không nhờ Kinh thánh thì ai có thể biết được Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà sẽ được sống đời đời? Nếu không nhờ Kinh thánh thì ai có thể biết cách nào để sống một đời thánh khiết, một nếp sống hạnh phúc mỗi ngày? Qua Kinh thánh chúng ta còn có thể biết nhiều điều khác tương quan đến quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta. Vì tất cả chương trình của Đức Chúa Trời nằm trong Kinh thánh.
Thế thì, "Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, là ánh sáng cho đường lối tôi". "Lời chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!". "Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy"
(Thi 119:105,103,97).
Câu hỏi
1. Cõi thiên nhiên cho chúng ta biết gì về Chúa? Kinh thánh cho ta biết gì về Chúa nữa?
2. Kinh thánh toàn bộ có bao nhiêu quyển? Các quyển đó do bao nhiêu người trước thuật?
3. Những người trước thuật Kinh thánh có điều gì khác nhau?
4. Tại sao Kinh thánh do nhiều người, ở nhiều nơi, thuộc nhiều thời đại đã trước thuật mà không hề có sự trái nhau?
5. Điều gì đã tỏ ra Kinh thánh đã được Đức Thánh Linh soi dẫn?
6. Nhờ đâu mà chúng ta biết được nguồn gốc của vũ trụ?
7. Nhờ đâu mà chúng ta biết được nguyên do con người phải khổ, phải chết?
8. Nhờ đâu mà chúng ta biết được Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta?
9. Để biết chương trình của Đức Chúa Trời đối với chúng ta thì phải căn cứ vào đâu?