Kinh Thánh: Thi 139:1-12
Câu gốc: "Hầu cho các ngươi được biết và tin Ta, và hiểu rằng Ta là Chúa!
Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo thành trước Ta và cũng chẳng có sau Ta nữa". Es 43:10
Mục đích: Dạy về đặc tính của Ba ngôi Đức Chúa Trời và sự thờ phượng Ngài.
Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chủ Nhật: Đức Chúa Trời có một không hai. Phu 6:4; Es 44:6-8; ICo 8:4-6; ITi 2:5
Thứ Hai: Đức Chúa Trời Ba ngôi. Mat 3:16-17; 28:19; ICo 12:3-6; Eph 4:4-6; IICo 13:13
Thứ Ba: Đức Chúa Trời biết mọi điều. Thi 139:1-6; Es 48:5-8
Thứ Tư: Đức Chúa Trời làm được mọi sự. Thi 107:25-29; 139:14-18
Thứ Năm: Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi. Thi 139:7-12; Gie 23:23,24; Cong 17:23-28
Thứ Sáu: Đức Chúa Trời thương yêu lạ lùng. IGi 4:8-16
Thứ Bảy: Chỉ thờ phượng một mình ĐCT. Es 6:1-8
(Xin học viên đọc các khúc Kinh thánh trên đây để hiểu được bài học)
Này anh nói sao? Không có Đức Chúa Trời à? Chắc anh cho là một chiếc đồng hồ tự nhiên mà có, không cần ai chế tạo? Hay một tòa nhà không cần kiến trúc sư mà tự nhiên được xây lên? Hoặc một khu vườn trù phú mà chẳng cần bàn tay siêng năng của người chủ? - Thưa anh, không hề có như vậy được. Trái lại, muốn có một chiếc đồng hồ phải có người thợ chế tạo, muốn có một tòa nhà phải có một kiến trúc sư xây lên, muốn có một khu vườn trù phú, phải có bàn tay siêng năng của người chủ. Đó là những việc nhỏ, việc thường, phương chi trời đất bao la lại không có Đấng Tạo Hóa làm nên? Chắc chắn phải có Đấng Tạo Hóa, Ngài là kiến trúc sư thiên thượng, là Đức Chúa Trời "Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng có vật chi làm nên mà không bởi Ngài". (Gi 1:3)
Có người hỏi vị tù trưởng của một bộ lạc du mục ở sa mạc rằng làm sao ông có thể tin Đức Chúa Trời thực hữu trong khi ông chưa bao giờ thấy Ngài? Ông đáp "Sáng nay, khi ra khỏi lều, tôi thấy dấu chân của một con lạc đà in trên cát. Tôi không thấy con lạc đà, nhưng chắc chắn đã có một con lac đà đi qua. Cũng vậy, khi xem muôn vật đã được dựng nên, tôi tin rằng phải có Đấng Tạo Hóa".
Kinh thánh cho chúng ta biết rằng vị kiến trúc sư thiên thượng đã dựng nên trời đất là Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Khi làm nên loài người Đức Chúa Trời phán "Chúng ta hãy làm nên loài người như hình chúng ta và theo tượng chúng ta" (Sa 1:26). Sau khi loài người phạm tội, Đức Chúa Trời phán: "Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta" (Sa 3:22). Khi loài người quyết định xây tháp Ba-bên, Đức Chúa Trời phán "Thôi, chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó" (Sa 11:7). Chữ "chúng ta" có nghĩa là từ 2 người trở lên. Nêu chúng ta tham khảo với các chỗ khác trong Kinh thánh thì biết rằng Đức Chúa Trời có Ba Ngôi là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.
Ba Ngôi Đức Chúa Trời hiện diện khi Chúa Giê-xu chịu Báp-têm (Mat 3:16,17). Ba Ngôi Đức Chúa Trời hiện diện mỗi khi có tín đồ chịu Báp-têm (Mat 28:19). Ba Ngôi Đức Chúa Trời đồng gầy dựng Hội Thánh (ICo 12:3-6; Eph 4:4-6; IICo 13:13). Ba Ngôi Đức Chúa Trời đồng công cứu rỗi tội nhân (IPhi 1:2; Giu 1:20,21).
Đức Chúa Cha là Đức Chúa Trời (Gi 6:27; IPhi 1:2). Đức Chúa Giê xu là Đức Chúa Trời (Gi 1:1; Tit 2:13; He 1:8). Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời (Cong 5:3,4; ICo 6:19). Ba Ngôi hiệp một song không hề lẫn lộn. Đức Chúa Cha không phải là Đức Chúa Con, Đức Chúa Con không phải là Đức Thánh Linh, Đức Thánh Linh không phải là Đức Chúa Cha. Không phải có ba Đức Chúa Trời, song cả ba ngôi là Đức Chúa Trời có một không hai, bình đẳng về thời gian, quyền năng, địa vị v.v...
Lẽ Đạo Ba Ngôi Đức Chúa Trời rất mầu nhiệm, chúng ta không hiểu thấu được. Kinh thánh không hề giải thích là vì ngôn ngữ của loài người không đủ và trí óc của loài người không tiếp thu nổi. Ví dụ trẻ con cũng hưởng được lợi ích của điện như ánh sáng đèn, phòng lạnh, tủ lạnh, máy thu thanh, máy truyền hình, nhưng chúng không hiểu được làm thế nào có như vậy. Nếu một kỹ sư điện muốn giải thích cho chúng hiểu cũng không được, cho đến chừng nào chúng lớn và học về điện. Bây giờ chúng ta cứ tin để được phước rồi ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp Chúa, mặt đối mặt, chừng đó chúng ta sẽ hiểu về Đức Chúa Trời Ba Ngôi và nhiều lẽ mầu nhiệm khác nữa.
Kinh thánh tỏ cho chúng ta biết vị kiến trúc sư thiên thượng có những đặc tính kỳ diệu đáng cho chúng ta kính mến, tôn thờ trọn đời mình.
Gi 4:24
Chúa Giê xu đã giải thích "Thần thì không có thịt xương" (Lu 24:39). Vì vậy chúng ta không thể thấy được Đức Chúa Trời bằng mắt xác thịt, song có thể thấy Ngài bằng mắt tâm linh, mắt đức tin. Phi-e-rơ viết "Ngài là Đấng anh em không thấy mà yêu mến, dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, tin Ngài và vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển"(IPhi 1:8)
Thi 145:3
Con người thì hữu hạn vì tùy thuộc thời gian và không gian, bị công lệ thiên nhiên chi phối. Song Đức Chúa Trời vô hạn lượng, vì Ngài đã dựng nên vũ trụ và điều khiển vũ trụ. Ngài thực hữu trước vũ trụ, ngoài vũ trụ và hằng hữu sau khi vũ trụ qua đi. Vì vậy, vũ trụ không thể chứa được Ngài: "trời là ngôi của Ngài, đất là bệ chân của Ngài" (IVua 8:27; Es 66:1).
He 13:8
Con người luôn luôn thay đổi hoặc xấu hơn hay tốt hơn, hoặc thoái hóa hay tiến bộ song Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi, vì Ngài toàn thiện toàn mỹ. Chúng ta có thể tin cậy Ngài, vâng lời Ngài trọn vẹn mà không cần phải lo thất vọng. Chúa phán "Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay đổi" (Ma 3:6).
Thi 139:1-6
Trước khi sáng thế, Chúa đã biết ngày tận thế, vì Ngài là căn nguyên của vũ trụ. Không có việc gì xảy ra là ngẫu nhiên cho Chúa cả. Đối với Chúa không có việc gì là kín đáo, song mọi việc đều tỏ tường. Ngài biết tất cả tư tưởng trong lòng chúng ta ngay khi chúng ta chưa nói ra một lời nào. Có hàng tỉ tỉ sao không ai đếm được, song "Ngài đếm số các vì sao, gọi từng tên, hết thảy các vì sao ấy... Sự thông sáng của Ngài vô cùng, vô tận" (Thi 147:4-5).
Thi 139:7-12
Cùng một lúc Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi. Dầu trên trời hay dưới đất, Nam cực hay Bắc cực, chẳng có nơi nào mà không có Chúa. Song con cái Chúa thật là sung sướng, vì vô luận họ ở đâu, nếu là trong thánh ý của Chúa thì tại đó Ngài dẫn dắt, gìn giữ họ luôn.
Mat 19:26
Chúa phán "Ta là Đức Chúa Trời toàn năng" (Sa 17:1). "Ôi hỡi Đức Giê-hô-va! Chính Ngài đã dùng quyền phép lớn lao và cánh tay giơ ra làm nên trời và đất, chẳng có sự gì khó quá cho Ngài cả" (Gie 32:17). Vì vậy Ngài có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin và suy tưởng.
Gi 3:16
Chúa giàu lòng thương xót cho đến nỗi không tiếc chính con độc sanh của Ngài, nên nhờ đó chúng ta được cứu rỗi. Sau khi được cứu rỗi, Chúa còn thương yêu chúng ta nhiều hơn. Dầu Ngài yêu thương cả thế gian, song yêu thương con cái Ngài cách đặc biệt hơn mẹ thương con (Es 49:15).
Vậy chúng ta có lấy làm hãnh diện về Cha của Chúng ta là vị kiến trúc sư thiên thượng không? Bây giờ chúng ta phải làm gì? Chúa Giê xu phán "Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi. Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi" (Mat 4:10; 22:37). Chúng ta hãy đem đời sống mình để chứng minh cho thế gian biết về Cha của chúng ta, cũng như vũ trụ đã làm, Kinh thánh đã làm và Chúa Giê-xu đã làm vậy (Mat 5:16).
Câu hỏi
1. Tại sao chúng ta tin rằng đã có Đấng Tạo Hóa dựng nên vũ trụ?
2. Đức Chúa Trời có mấy ngôi? Những ngôi đó là ai?
3. Những câu Kinh thánh nào chép về Đức Chúa Trời ba ngôi?
4. Tại sao lẽ đạo Đức Chúa Trời ba ngôi chúng ta không hiểu thấu?
5. Chúa chúng ta có những đặc tánh nào?
6. Xin giải thích mỗi đặc tánh của Chúa?
7. Chúng ta phải làm gì đối với Chúa chúng ta ?
8. Chúng ta phải làm gì để làm chứng cho thế gian về Chúa chúng ta?
9. Bài học hôm nay khích lệ chúng ta thế nào?