Back to Top
Bìa Bài 03 - GIĂNG BÁP-TÍT, NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG
Danh mục: Đấng Christ và Đời Sống
Biên tập: Sưu tầm
Thư viện: Định dạng văn bản
Năm: 2017

Viết bởi Nguyễn Thiên Ý

KINH THÁNH: Giăng 1:6-8,19-34

CÂU GỐC: “Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng” (Giăng 1:8).

MỤC ĐÍCH: Giúp học viên biết rằng được làm chứng nhân cho Chúa Giê-xu là một vinh dự lớn lao.

 

HỌC KINH THÁNH HÀNG NGÀY

CN Giăng Báp-tít tự đánh giá mình Giăng 1:6-8,19-34
T2 Vua Hê-rốt đánh giá ông Giăng Báp-tít Mác 14:20
T3 Vấn đề trọng đại của ông Giăng Báp-tít Ma-thi-ơ 11:1-6
T4 Chúa Giê-xu đánh giá ông Giăng Báp-tít Ma-thi-ơ 11:7-14
T5 Lời chứng trung tín của ông Giăng Báp-tít Giăng 10:40-42
T6 Ông Giăng Báp-tít là người giới thiệu Mác 1:1-8
T7 Sự khiêm hạ chân chính của ông Giăng Báp-tít Giăng 3:25-30

 

 TÔI LÀ AI? TÔI CÓ MẶT Ở ĐÂY ĐỂ LÀM GÌ? ĐIỀU GÌ LÀ QUAN TRỌNG NHẤT CHO ĐỜI TÔI? Đó là những câu hỏi quan trọng mà chúng ta cố gắng tìm tòi để giải đáp.

 Chúng ta tìm thấy lời giải đáp trong chức vụ của ông Giăng Báp-tít. Ông là nhân vật nổi bật sau Chúa Giê-xu. Ông là một sứ giả được Đức Chúa Trời sai đi trước để dọn đường cho Chúa Giê-xu.

 

I. GIĂNG BÁP-TÍT TỰ ĐÁNH GIÁ (Giăng 1:19-34).

 Sự giảng dạy của ông Giăng đã lôi cuốn rất nhiều người từ thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê và vùng phụ cận đến xưng tội và chịu ông làm báp têm. Các lãnh tụ tôn giáo như thầy tế lễ, người Lê-vi đến hỏi Giăng: “Ông là ai? Có phải Đấng Christ? Có phải Ê-li? Có phải tiên tri không?” Ông trả lời: Không! Ông chỉ là tiếng kêu trong đồng vắng như tiên tri Ê-sai đã dự ngôn.

 Đang khi có cơ hội để khoe khoang, ông Giăng rất nhún nhường. Ông không tự cao tự đại, tự đánh giá mình. Đó là tinh thần của một người dọn đường cho Chúa.

 Vậy chúng ta hãy theo gương của ông Giăng Báp-tít để giới thiệu Chúa cho bà con, bạn hữu.

 

II. VUA HÊ-RỐT ĐÁNH GIÁ ÔNG GIĂNG BÁP-TÍT (Mác 6:17-20).

 Vua Hê-rốt có lòng tàn ác, có uy lực trong tay, là con người rất đáng sợ trong thời đại phong kiến, song vua lại sợ ông Giăng. Không phải ông Giăng có uy lực hơn Hê-rốt, mà ông là người công bình và thánh. Dầu tàn ác, vua Hê-rốt còn có chút lương tri để nhận biết chân giá trị của con người. Vua Hê-rốt sợ ông Giăng là kính sợ một người đạo đức.

 Về phần ông Giăng, ông bị giết trong địa vị của một người công bình và thánh. Ông chết trong chức vụ một sứ giả của Đức Chúa Trời. Song về phần vua Hê-rốt mới thật đáng thương hại! Vua có cơ hội để ăn năn, đã không ăn năn mà còn giết một người công bình và thánh, một sứ giả của Đức Chúa Trời, để cứ miệt mài trong tội lỗi và bị hư mất đời đời.

 

III. QUẦN CHÚNG ĐÁNH GIÁ ÔNG GIĂNG BÁP-TÍT (Giăng 10:40-42).

 

IV. CHÚA GIÊXU ĐÁNH GIÁ ÔNG GIĂNG BÁP-TÍT (Ma-thi-ơ 11:2-11).

 Khi ông Giăng còn bị tù, đã có lần ông sai môn đồ đến hỏi Chúa Giê-xu: “Thầy là Đấng phải đến hay chúng tôi phải đợi Đấng khác?” Không phải ông nghi ngờ Chúa, song trong lúc đau buồn, ông Giăng thắc mắc tại sao Chúa không thi hành quyền bính của Ngài để giải cứu ông, tiêu diệt kẻ ác, chinh phục tội nhân? Chúa bảo họ về thuật lại cho ông Giăng những điều họ nghe và thấy, rồi Ngài kết thúc: “Phước cho kẻ không vấp phạm vì cớ Ta”. Chúa muốn nói rằng Ngài đã thi hành chức vụ Cứu Chúa, mà chưa thi hành chức vụ quan án của thế gian.

 Khi các môn đồ của ông Giăng đã về, Chúa nói cho đoàn dân biết về giá trị của ông:

  1. Ông là một tiên tri.
  2. Những người do đàn bà sanh ra, không có ai cao trọng hơn ông Giăng.

 Bạn có giới thiệu Chúa Giê-xu cho ai chưa? Bạn không thể giới thiệu Chúa Giê-xu nếu bạn chưa thật biết Ngài. Tội nhân thường ghét Chúa Giê-xu và ghét luôn cả người giới thiệu Ngài cho họ như vua Hê-rốt ghét ông Giăng Báp-tít, song chúng ta cần phải can đảm thi hành chức vụ, trung tín làm chứng về Chúa cho mọi người, chắc chẳng sớm thì muộn sẽ có kết quả. Nguyện đời sống và chức vụ của chúng ta được Ngài đánh giá cao.

 

CÂU HỎI

  1. Vinh dự lớn mà Chúa dành cho chúng ta là gì?
  2. Trong khi được mọi người hoan nghinh thì ông Giăng có thái độ gì?
  3. Bạo quân Hê-rốt đánh giá ông Giăng là người như thế nào?
  4. Vua có lòng thế nào khi nghe ông Giăng làm chứng?
  5. Ông Giăng và vua Hê-rốt, ai là người đáng thương hại? Tại sao?
  6. Tại sao chúng ta biết quần chúng đánh giá cao về ông Giăng?
  7. Xin kể ra hai lý do mà Chúa Giêxu đánh giá cao về ông Giăng?
  8. Ông Giăng như một cây đuốc thế nào? Hình ảnh ấy có nghĩa gì?
  9. Bạn có quyết định gì sau khi học bài này?