Back to Top
Bìa Bài 02 - ĐỨC CHÚA TRỜI NHẬP THỂ
Danh mục: Đấng Christ và Đời Sống
Biên tập: Sưu tầm
Thư viện: Định dạng văn bản
Năm: 2017

Viết bởi Nguyễn Thiên Ý

ĐỨC CHÚA TRỜI NHẬP THỂ

KINH THÁNH: Giăng 1:1-14

CÂU GỐC: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật, chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14).

MỤC ĐÍCH: Vạch rõ Đức Chúa Trời đã đi xa như thế nào để tìm và cứu chúng ta.

 

HỌC KINH THÁNH HÀNG NGÀY

 

CN Đức Chúa Trời nhập thể Giăng 1:1-14
T2 Sự khiêm hạ của Đấng Christ Phi-líp 2:6-8
T3 Đấng Christ tồn tại đời đời Giăng 17:1-8
T4 Tình thương của Đấng Christ Giăng 17:9-19
T5 Đức Chúa Trời nhập thế I Giăng 4:2-3; I Ti-mô-thê 3:16
T6 Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta Cô-lô-se 1:19-22
T7 Được phục hòa với Đức Chúa Trời Ê-phê-sô 2:13-22

 Đức Chúa Trời nhập thể làm người là một lẽ mầu nhiệm không tiền khoáng hậu (I Ti-mô-thê 3:16), song là một thực sự hiển nhiên. Nữ đồng trinh Ma-ri đã chịu thai một cách mầu nhiệm bởi quyền năng siêu việt của Đức Thánh Linh mà sanh ra Chúa Giê-xu trước đây trên hai ngàn năm. Chúa Giê-xu đã sống tại xứ Palestine 33 năm, chịu chết trên thập tự giá, sống lại rồi về trời là một sự kiện lịch sử không thể chối cãi được.

 Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiệp một là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con xuống trần gian làm người. Danh Ngài là Giê-xu có nghĩa là Chúa Cứu Thế (Ma-thi-ơ 1:21), tước vị của Ngài là Christ theo tiếng Hy-lạp, là Mê-si-a theo tiếng Hy-bá-lai, đều có nghĩa là Đấng được xức dầu để tôn làm Vua, Thầy Tế lễ, Tiên tri và Chúa Cứu Thế. Ngài vừa là Đức Chúa Trời vừa là người, vì khi nhập thể làm người, Ngài vẫn là Đức Chúa Trời.

 Kinh Thánh tôn Chúa Giê-xu bằng một danh khác là Ngôi Lời, hay là Đạo.

 

I. MỤC ĐÍCH ĐỨC CHÚA TRỜI NHẬP THỂ.

 Chúng ta phải nhận thức rằng tội lỗi của chúng ta quá nhiều, sự hình phạt của chúng ta quá nặng, linh hồn của chúng ta quá đắt, nên không ai có thể thay thế, không có gì mua chuộc ngoài ra sự chết và huyết báu của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời đã bị giết từ buổi sáng thế (Khải 13:8).

 

II. ĐỘNG CƠ THÚC ĐẨY ĐỨC CHÚA TRỜI NHẬP THỂ.

 Đức Chúa Trời nhập thể là lẽ mầu nhiệm không tiền khoáng hậu, với mục đích cao quí vô cùng, với động cơ là tình yêu thương. Kinh Thánh chép: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài...” (Giăng 3:16). “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).

 Không ai có thể đem Chúa từ trời xuống đất, song Ngài tự nguyện làm việc đó chỉ vì yêu thương chúng ta. Không phải chúng ta xứng đáng được Chúa yêu, song Ngài cứ yêu chúng ta, vì Ngài là tình yêu (I Giăng 4:8).

 

III. KẾT QUẢ ĐỨC CHÚA TRỜI NHẬP THỂ.

 Đức Chúa Trời đã chấp nhận của lễ đền tội mà Chúa Giê-xu đã dâng trên bàn thờ thập tự giá vì chúng ta. Nhơn đó Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Giê-xu sống lại và tôn Ngài làm Chúa Cứu thế của trần gian (Công vụ 2:36). Vì thế, ai tin Ngài sẽ:

 1. Được tha thứ tội lỗi, không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Công vụ 3:19; Giăng 3:16).

 2. Được đến gần Đức Chúa Trời và hòa thuận lại cùng Ngài (Ê-phê-sô 2:16-18; Cô-lô-se 1:21-22).

 3. Được làm con cái Đức Chúa Trời (Giăng 1:12).

 Học viên có nhận biết Chúa yêu thương mình không? Có nhận biết sự chết của Chúa là đền tội cho mình không? Có hết lòng tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình chưa? Có thật được tha tội và trở nên con cái Chúa hay chưa? Hãy tin nhận Ngài ngay bây giờ đi!

 

CÂU HỎI

  1. Đức Chúa Trời nhập thể có nghĩa gì?
  2. Đức Chúa Trời nhập thể bằng cách nào và bao lâu rồi?
  3. Ngài đã sống cuộc đời làm người tại đâu và trong bao lâu?
  4. Danh hiệu của Ngài là Giê-xu và tước hiệu của Ngài là Christ, có nghĩa gì?
  5. Tại sao Chúa phải nhập thể và để làm gì?
  6. Động cơ nào thúc đẩy Chúa nhập thể?
  7. Bạn quan niệm thế nào về sự chết của Chúa?
  8. Sự chết của Ngài đem lại kết quả gì cho nhân loại?
  9. Bạn đã nhận được phước gì do sự nhập thể của Chúa?
  10. Chúng ta có thái độ nào trước tình thương của Chúa?