Back to Top
Bìa Bài 23 - ĐỨNG VỮNG VÌ CHÂN LÝ
Danh mục: Đấng Christ và Đời Sống
Biên tập: Sưu tầm
Thư viện: Định dạng văn bản
Năm: 2017

Viết bởi Nguyễn Thiên Ý

KINH THÁNH: Đa-ni-ên 1,3

CÂU GỐC: “Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi... Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua và không thờ phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng” (Đa-ni-ên 3:17-18).

MỤC ĐÍCH: Vạch rõ sự cần thiết phải sống vì đức tin của chúng ta, dầu phải trả bất cứ giá nào.

 

HỌC KINH THÁNH HÀNG NGÀY

 

CN Niềm tin của tiên tri Đa-ni-ên Đa-ni-ên 1
T2 Các thanh niên Hê-bơ-rơ bị thử thách Đa-ni-ên 3:1-12
T3 Lập trường của các thanh niên Hê-bơ-rơ Đa-ni-ên 3:13-30
T4 Sự khôn ngoan từ trên cao Lu-ca 21:10-19
T5 Lòng can đảm của sứ đồ Phi-e-rơ và sứ đồ Giăng Công vụ 4:16-31
T6 Làm đẹp lòng Đức Chúa Trời I Tê-sa-lô-ni-ca 2
T7 Một ông quan không có lập trường Giăng 18:28-40

 

 Niềm tin Cơ Đốc giáo là niềm tin vào chân lý muôn đời, vì Chúa Giê-xu là Chân Lý (Giăng 14:5). Ngài thực hữu từ trước vô cùng, đã giáng sinh làm người, đã chịu chết đền tội, đã sống lại, đã về trời và sẽ tái lâm. Giá trị đích thực của một con người là có niềm tin và đứng vững trong niềm tin của mình.

 

I. TIN QUYẾT ĐỂ ĐỨNG VỮNG VÌ CHÂN LÝ (Đa-ni-ên 1).

 Thanh niên Đa-ni-ên và ba bạn của ông bị lưu đày từ Y-sơ-ra-ên qua Ba-by-lôn. Thế là họ mất hết mọi sự. Song họ không mất Đức Chúa Trời và không mất niềm tin nơi Ngài. Họ phải thay đổi mọi sự, từ cách ăn mặc, nói năng, học hành cho đến tên họ. Song niềm tin của họ đối với Đức Chúa Trời không hề thay đổi. Nê-bu-cát-nết-sa muốn biến những thanh niên này trở thành những người thờ hình tượng như ông. Song ông đã thất bại.

 Trong hoàn cảnh đổi thay, mất mát, thất thế, cô đơn, phải đương đầu với luật lệ khắt khe, phong tục tập quán trái nghịch, nếu họ đã hèn nhát và sa ngã, họ có đủ lý do để biện minh và không ai dám chê trách họ. Song họ đã không làm như vậy.

 

II. CAN ĐẢM ĐỂ ĐỨNG VỮNG VÌ CHÂN LÝ (Đa-ni-ên 3:1-18).

 Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã chinh phục các lân bang, thống nhất các dân tộc dưới quyền vua. Bây giờ vua muốn thống nhất các tôn giáo. Đó là lý do vua cho đúc một pho tượng bằng vàng, là tượng của chính mình vua để “các dân, các nước, các thứ tiếng” thờ lạy.

 Ba thanh niên Hê-bơ-rơ bị tố cáo phạm tội khi quân, “không kiêng nể vua một chút nào”, dám chống đối mạng lịnh của vua mà không thờ các thần của vua, và chẳng thờ lạy tượng của vua đã dựng.

 Vua Nê-bu-cát-nết-sa nổi thịnh nộ truyền dẫn họ đến ngay. Chắc trong đời vua chưa hề có ai dám hành động như thế. Song vua rất khoan hồng với ba thanh niên này và mở cho họ một lối thoát, bảo rằng họ không có ý làm vậy. Vua vừa dụ dỗ là sẽ tha thứ, vừa cảnh cáo là đừng có mong thần nào cứu được khỏi tay vua.

 Bây giờ họ không biết việc gì sẽ xảy ra, chỉ cầm chắc sự chết trong tay. Họ là những con người nhỏ tuổi, yếu đuối, song to gan lớn mật, là những anh hùng đức tin đã “tắt ngọn lửa hừng” (Hê-bơ-rơ 11:34).

 

III. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐỨNG VỮNG VÌ CHÂN LÝ (Đa-ni-ên 3:19-30).

 Ba bạn Hê-bơ-rơ không ngờ Đức Chúa Trời giải cứu mình như vậy. Điều gì đẹp ý Ngài thì Ngài đã làm, không ai ngăn trở được.

 Kết quả của việc đó đã khiến Nê-bu-cát-nết-sa tôn vinh Chúa, khâm phục lòng can đảm, chí hi sinh của ba bạn Hê-bơ-rơ. Vua ban chiếu chỉ cấm không ai nói phạm đến Đức Chúa Trời và thăng chức cho họ. Toàn dân trong nước ngưỡng mộ Chúa và có cảm tình với ba bạn Hê-bơ-rơ. Từ đó đến nay đã hơn 2500 năm, gương sống của họ đã ban phước và gây niềm phấn khích cho vô số người.

 Tuy nhiên, chúng ta phải giật mình khi nghĩ rằng nếu họ hèn nhát sa ngã mà chối Chúa, cúi đầu và sấp mình thờ lạy tà thần thì sao? Nếu Martin Luther đã rút lui thì sao? Kết quả đã trái hẳn và chúng ta không thể lường hết tai hại của nó. Nếu ngày nay quí vị và các bạn sa ngã thì sao? Chỉ phải hối tiếc đời đời. Chúng ta phải tha thiết cầu xin Chúa cho chúng ta biết Chúa, tin Chúa, yêu Chúa và phục vụ Ngài như Đa-ni-ên và ba bạn của ông.

 Khi nhà văn Disraeli được hỏi về bằng cớ nào ông tin có Đức Chúa Trời, ông đáp: “Người Do Thái”. Lịch sử của toàn dân Do Thái là lời làm chứng về quyền năng và sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Ngày nay lịch sử của Cơ Đốc giáo cũng như đời sống của cá nhân tín đồ phải là lời làm chứng hiệu lực nhất về Đức Chúa Trời.

 

CÂU HỎI

  1. Tại sao ông Đa-ni-ên và ba bạn của ông phải bị lưu đày qua Ba-by-lôn?
  2. Vua Ba-by-lôn muốn biến họ trở nên người như thế nào?
  3. Ông Đa-ni-ên tin Đức Chúa Trời là Đấng thế nào?
  4. Tại sao vua Nê-bu-cát-nết-sa lập pho tượng vàng?
  5. Ba thanh niên Hê-bơ-rơ bị tố cáo phạm tội gì?
  6. Họ thừa biết làm vậy là bị quăng vào lò lửa, nhưng tại sao họ vẫn làm?
  7. Đức Chúa Trời giải cứu họ thế nào?
  8. Kết quả ra sao?