Back to Top
Bìa Bài 19 - CHÚA GIÊ-XU LÀ GƯƠNG TỐT CHO TÔI
Danh mục: Đấng Christ và Đời Sống
Biên tập: Sưu tầm
Thư viện: Định dạng văn bản
Năm: 2017

Viết bởi Nguyễn Thiên Ý

KINH THÁNH: I Phi-e-rơ 2:11-24

CÂU GỐC: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (I Phi-e-rơ 2:21).

MỤC ĐÍCH: Giúp cho học viên biết Chúa Giê-xu nêu cho chúng ta một mẫu mực và Ngài mong mỏi chúng ta noi theo để sống.

 

HỌC KINH THÁNH HÀNG NGÀY

 

CN Chúa Giêxu là gương tốt của chúng ta I Phi-e-rơ 2:11-24
T2 Ánh sáng của thế gian Ma-thi-ơ 5:14-16
T3 Chủ đích của Đức Chúa Trời trong việc cứu rỗi chúng ta Rô-ma 8:26-29
T4 Gương phục vụ của Chúa Giê-xu Giăng 13:1-17
T5 Đồng nhất hóa với Chúa để phục vụ Ma-thi-ơ 10:24-33
T6 Lòng trung tín được kết quả Ma-thi-ơ 17:14-21
T7 Lúc nào cũng tha thứ Ma-thi-ơ 18:21-35

 

 Nhân loại không những cần có một gương sống tốt mà còn cần một Chúa Cứu Thế để cứu mình khỏi tội và giúp mình ăn ở theo gương tốt đó. Chúa Giê-xu có cả hai. Ngài vừa là Chúa Cứu Thế, vừa là gương tốt vô song. Ngài đã sống cuộc đời trên đất suốt 33 năm để làm gương cho chúng ta và chết trên thập tự giá để đền tội cho chúng ta.

 

I. GƯƠNG TỐT ĐỐI VỚI NGƯỜI LÂN CẬN (I Phi-e-rơ 2:11-12).

 Sứ đồ Phi-e-rơ nài khuyên tín đồ một cách tha thiết rằng, họ phải cư xử như “người ở trọ, kẻ đi đường”. Cuộc sống của chúng ta ở trần gian là tạm thời và chóng qua. Trải các đời, những người hết lòng theo Chúa đều có thái độ đó (I Sử-ký 29:15; Hê-bơ-rơ 11:9,13). Vì thế, về phương diện tiêu cực: Chúng ta “phải kiêng những điều xác thịt ưa thích là điều chống trả với linh hồn”. Bản tính của xác thịt (cũng gọi là người cũ) luôn ưa thích những điều xấu xa mà sứ đồ Phao-lô đã kể trong Ga-la-ti 5:19-21. Những điều đó làm hại và giết chết linh hồn con người.

 Về phương diện tích cực, chúng ta “phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại”, tức là giữa đồng bào địa phương, “hầu cho họ vẫn là kẻ gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành của anh em thì... họ ngợi khen Đức Chúa Trời”.

 Để biện minh cho các việc ấy, sứ đồ Phi-e-rơ bảo rằng chỉ có một cách là “ĂN Ở NGAY LÀNH”. Chúa Giê-xu cũng dạy: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy để họ thấy những việc lành của các ngươi mà ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16). Sứ đồ Phao-lô cũng lấy ý đó mà dạy cả Hội Thánh (II Cô-rinh-tô 8:21; Phi-líp 2:15; Tít 2:8).

 Sứ đồ Phao-lô cũng nêu lên chính gương của Chúa Giê-xu để khích lệ tín đồ (I Phi-e-rơ 2:22-23a).

 

II. GƯƠNG TỐT ĐỐI VỚI NHÀ CẦM QUYỀN (I Phi-e-rơ 2:13-17).

 Sứ đồ Phi-e-rơ cũng như sứ đồ Phao-lô đều khuyên tín đồ “vì cớ Chúa” hãy thuận phục nhà cầm quyền để làm những công dân tốt. Chúa là “Đấng Chí Cao cai trị trong nước của loài người và Ngài muốn ban nó cho ai tùy ý” (Đa-ni-ên 4:17,25). Chính Ngài “thay đổi thì giờ và mùa, bỏ và lập các vua...” (Đa-ni-ên 2:21). “Ngài hạ kẻ này xuống, nhắc kẻ kia lên” (Thi thiên 75:7). Nhà cầm quyền có bổn phận “phạt kẻ làm dữ, khen người làm lành”, và tín đồ phải là những người làm lành.

 Nhà cầm quyền là vua và các quan. Mặc dầu dưới thời đại quân chủ chuyên chế, các hoàng đế La-mã đã vu khống hoặc hiểu lầm mà bắt bớ, hà hiếp tín đồ đến độ tàn sát, song sứ đồ Phi-e-rơ khuyên: “Anh em làm điều lành để ngăn miệng kẻ ngu muội dại dột, ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời”. Đó là cách tốt nhất để biện minh tinh thần thuận phục của tín đồ đối với nhà cầm quyền.

 Tuy nhiên thuận phục đây không có nghĩa là trái mạng lịnh của Đức Chúa Trời.

1. Ba thanh niên Do Thái bị bắt làm tù binh tại Ba-by-lôn.

 Họ hoàn toàn thuận phục pháp luật của nước ấy, nên đã được vua Nê-bu-cát-nết-sa lập lên cai trị tỉnh Ba-by-lôn. Nhưng khi vua Nê-bu-cát-nết-sa buộc họ phải sấp mình thờ lạy pho tượng vàng của vua, thì họ dứt khoát khước từ. Khi vua bắt tội và quăng họ vào lò lửa hực thì họ hoàn toàn thuận phục, không hề có một hành động hoặc một lời lẽ chống đối.

2. Đaniên vâng phục nhà cầm quyền:

 Từ địa vị một tù binh, ông Đa-ni-ên được cất nhắc làm một trong ba vị thượng thư của đế quốc Mê-đô Ba-tư, vì ông là người trung thành, trong ông chẳng có lỗi lầm, chẳng có sự xấu xa nào. Nhưng ngày nọ, vua Đa-ri-út ban bố một cấm lịnh nghiêm nhặt trong ba mươi ngày, hễ ai cầu nguyện với vị thần nào hoặc người nào ngoài vua, kẻ ấy sẽ bị quăng vào hang sư tử. Ong Đa-ni-ên cứ thản nhiên, một ngày ba lần, quì gối cầu nguyện và cảm tạ Đức Chúa Trời như vẫn làm khi trước. Vua Đa-ri-út bắt tội ông Đa-ni-ên và quăng ông vào hang sư tử, ông hoàn toàn thuận phục, chẳng hề có một hành động hay lời lẽ chống đối.

3. Các sứ đồ vâng phục nhà cầm quyền:

 Khi tòa Công luận Do Thái bắt các sứ đồ hạ ngục vì tội giảng về Chúa Giê-xu thì các sứ đồ thuận phục mà vào tù. Sáng hôm sau, các sứ đồ bị điệu đến trước tòa Công luận để chịu thẩm vấn: “Chúng ta đã cấm ngặt các ngươi không được lấy Danh đó mà dạy dỗ song các ngươi lại làm cho thành Giê-ru-sa-lem đầy dẫy đạo giáo mình”. Chính sứ đồ Phi-e-rơ đã đáp: “Thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta”. Các sứ đồ liền bị đánh đòn rồi đuổi ra, song lại cứ giảng về Chúa Giê-xu.

 Sứ đồ Phi-e-rơ đã nêu gương của Chúa Giê-xu để khích lệ chúng ta (I Phi-e-rơ 2:22-23a). Mặc dầu Chúa nộp thuế cho chính phủ Lamã và đã phán: “Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời”, nhưng Ngài vẫn bị vu khống là xúi dân làm loạn, cấm nộp thuế cho Sê-sa (Lu-ca 23:2).

 

III. GƯƠNG TỐT ĐỐI VỚI CHỦ (I Phi-e-rơ 2:18-23).

 Trong thời của sứ đồ Phi-e-rơ, đế quốc La-mã có ít nữa là 60 triệu nô lệ, hầu hết là các tù binh bắt được trong các cuộc chinh chiến. Vì thế, trong vòng họ có cả bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, nhạc sĩ, ca sĩ và nhiều tín đồ.

 Sứ đồ Phi-e-rơ không gọi những người ấy là nô lệ mà là tôi tớ trong nhà. Ông khuyên họ hãy lấy lòng kính sợ mà thuận phục cả chủ hiền lành lẫn chủ khó tính. Vì cớ Chúa mà chịu khốn khổ trong khi bị oan ức là ân điển của Chúa.

 Sứ đồ Phi-e-rơ tiếp: “Anh em đã được gọi đến sự đó”, tức là gọi đến để chịu khổ như Chúa mình. Vì Ngài đã chịu khổ không những cho chúng ta mà cũng để làm gương cho chúng ta. Gương của Chúa là Ngài chịu đau đớn một cách bất công nhưng Ngài không cay đắng, không báo thù, không phản đối, mà còn yêu thương và chết thay cho kẻ làm hại Ngài. Đó là sức mạnh vô địch đã chiến thắng và chinh phục hàng triệu triệu người trải qua hơn hai mươi thế kỷ và còn chinh phục nữa.

 

CÂU HỎI

  1. Chúa Giê-xu đã hội đủ hai điều kiện nào?
  2. Chúng ta phải ăn ở thế nào để bịt miệng kẻ gièm chê?
  3. “Vì cớ Chúa”, hãy thuận phục kẻ cầm quyền, có nghĩa gì?
  4. Tôi tớ thuận phục chủ tốt còn chủ xấu thì sao?
  5. Ân điển của Chúa làm gì cho chúng ta?
  6. Hãy nêu gương Chúa Giê-xu là một người tốt với kẻ lân cận, một công dân tốt với nhà cầm quyền, và tôi tớ tốt với chủ?