Back to Top
Bìa Bài 01 - TẦM QUAN TRỌNG CỦA CON NGƯỜI THEO NHÃN QUAN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Danh mục: Đấng Christ và Đời Sống
Biên tập: Sưu tầm
Thư viện: Định dạng văn bản
Năm: 2017

Viết bởi Nguyễn Thiên Ý

KINH THÁNH: Thi 8:1-9

CÂU GỐC: “Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa viếng thăm nó? Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút, đội cho người sự vinh hiển và sang trọng” (Thi thiên 8:4-5).

MỤC ĐÍCH: Minh chứng Đức Chúa Trời xem trọng mọi người.

 

HỌC KINH THÁNH HÀNG NGÀY

 

CN ĐCT tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài Sáng 1:26-31
T2 Chúa của công cuộc sáng tạo trời đất Thi thiên 8
T3 Mối liên hệ cá nhân với Đức Chúa Trời Thi thiên 23
T4 Được Đức Chúa Trời chăm sóc Thi thiên 103
T5 Tình thương của Đức Chúa Trời đối với con người Lu-ca 15:11-24
T6 Đức Chúa Trời bênh vực chúng ta Rô-ma 8:31-39
T7 Đức Chúa Trời quan tâm đến chúng ta Giăng 10:7-18

 Đứng trước vũ trụ bao la hùng vĩ, chúng ta thấy mình nhỏ bé quá. Song con người vốn quan trọng hơn cõi thiên nhiên, vì thiên nhiên là những vật vô tri vô giác, không thể sánh với con người có thể xác, có tâm hồn tức là có trí khôn, có tình cảm, có ý chí và có linh hồn.

 

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SANH MẠNG CON NGƯỜI.

 Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Ngài là một vị Thẩm phán có suy tư, có cảm giác, có ý chí. Đức Chúa Trời đã dựng nên con người giống như Ngài để tương giao với Ngài. Đức Chúa Trời dựng nên con người cho Ngài, nên con người không bao giờ thỏa mãn nếu chưa có Ngài và thuộc về Ngài. Đức Chúa Trời yêu thương con người mà Ngài đã dựng nên, và Ngài mong họ cũng thương yêu Ngài. Chúa không bao giờ xem con người như bộ máy, như bù nhìn, song xem họ chỉ kém hơn Ngài một chút (Thi thiên 8:5). Trong nhãn quan Đức Chúa Trời, con người rất quan trọng, nên Ngài rất thương yêu họ (Giăng 3:16; Rô-ma 5:8).

 

II. TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC CÁ NHÂN.

 Trong Thi thiên 8:1-2, vua Đa-vít tôn xưng Đức Chúa Trời là Chúa của mình. Ông tung hô danh vinh hiển của Ngài, Ngài cai trị trên khắp trời và đất. Không những vua Đa-vít mà trẻ thơ và con đương bú cũng tung hô Ngài như vậy. Tất cả hiệp lại thành một sức mạnh, có tầm quan trọng lắm cho nên ma quỉ cũng phải nín lặng.

 Câu 3-4: Đứng trước vũ trụ bao la hùng vĩ, vua Đa-vít thấy mình không có gì đáng kể vì cả nhân loại còn nhỏ bé quá, phương chi là cá nhân ông. Song ông phải ngạc nhiên mà kêu lên, vì Đức Chúa Trời không những nhớ đến loài người một cách chung, nhưng cũng nhớ đến từng cá nhân. Ngài nhớ đến chúng ta vì muốn tương giao với chúng ta. Hơn nữa, Chúa nhớ đến chúng ta để chăm sóc chúng ta.

 Câu 5-8: Không những nhớ đến để chăm sóc, Chúa còn đội cho người sự vinh hiển làm mão miện và đặt con người lên địa vị quan trọng là cai trị công việc tay Chúa làm, khiến muôn vật phục dưới chân người. Song rất tiếc, con người không nhận biết giá trị của mình, nên thay vì tôn thờ Đấng Tạo hóa, cai trị muôn vật, thì con người đã tôn thờ loài thọ tạo, kể cả điểu, thú, côn trùng (Rô-ma 1:22-23). Chúng ta hãy nhận biết rằng, con người của chúng ta dầu rất bé nhỏ song rất quan trọng. Dầu chúng ta nhận biết như vậy hay không, Đức Chúa Trời vẫn xem chúng ta là quan trọng hơn cả vũ trụ. Chính Chúa Giê-xu đã lấy làm hãnh diện mặc lấy thân hình con người của chúng ta.

 

III. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ CHÚ Ý ĐẾN TỪNG CÁ NHÂN.

 Chỉ căn cứ vào Tin Lành Giăng, chúng ta cũng thấy rõ thế nào Chúa Giê-xu đã hết sức quan tâm đến từng cá nhân. Chúa dành thì giờ chuyện trò thân mật với Ni-cô-đem, khi ông đến với Ngài vào lúc ban đêm (Giăng 3). Chúa đã tẻ đường để đến gặp một phụ nữ tội lỗi tại bên giếng nước ở Si-kha (Giăng 4). Chúa đã đến chữa lành một người bại đang quằn quại bên ao Bê-tết-đa (Giăng 5). Chúa đã chữa lành cho một người mù từ thuở sinh ra (Giăng 9). Chúa đã hiện ra với ông Thô-ma để cứu ông khỏi nghi ngờ về sự sống lại của Ngài (Giăng 20). Chúa đã hiện ra với ông Phi-e-rơ để yên ủi và xác nhận chức vụ của ông (Giăng 21).

 Vậy ai nấy hãy tạo cho Chúa cơ hội gặp chúng ta một cách riêng tư. Hãy khao khát Ngài bằng cách suy gẫm Kinh Thánh, cầu nguyện thiết tha. Gặp được Chúa, mỗi nan đề của chúng ta sẽ được giải quyết như các bác sĩ đã tìm gặp Ngài (Ma-thi-ơ 2:10-11).

 Nếu chúng ta biết tầm quan trọng của con người theo nhãn quan của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không ăn ở bê tha, trụy lạc, trái lại chúng ta sẽ thay đổi thái độ, chí hướng và nếp sống. Chúng ta phải có thái độ đoan chính, trang nghiêm, phải có ý chí cao thượng, thánh khiết, phải có nếp sống đạo đức, lễ nghĩa. Chúng ta sẽ tự giác mà hết lòng kính mến Chúa, biết ơn Ngài, ca ngợi Ngài như tác giả Thi thiên 8:9: “Hỡi Đức Giê-hô-va là Chúa chúng tôi, danh Chúa được sang cả trên khắp trái đất biết bao!” Đồng thời chúng ta cũng thay đổi thái độ đối với mọi người, nhất là người tàn tật, dốt nát, nghèo nàn, hoặc gian trá, trụy lạc. Vì họ vẫn mang hình ảnh của Chúa, Ngài vẫn xem họ là quan trọng, Ngài vẫn yêu thương họ và đã chết vì họ. Chúa không muốn một ai hư mất, song muốn mọi người đều ăn năn, trong đó có cả người giàu lẫn người nghèo, người tri thức lẫn người dốt nát, người đạo đức lẫn người gian ác. Chúng ta phải yêu thương mỗi người và truyền giảng cứu ân cho mọi người.

CÂU HỎI

  1. Tại sao chúng ta biết con người là quan trọng hơn cõi thiên nhiên?
  2. Con người được dựng nên theo hình tượng của Đức Chúa Trời có nghĩa gì?
  3. Tại sao con người có trách nhiệm mà muôn vật không có?
  4. Dầu con người bé nhỏ, song Chúa đối với con người như thế nào?
  5. Chúa tôn trọng con người thế nào?
  6. Làm sao chúng ta biết Chúa chăm sóc từng cá nhân?
  7. Biết tầm quan trọng của con người, chúng ta nên có thái độ, chí hướng và nếp sống như thế nào?
  8. Chúng ta phải có lòng thế nào đối với Chúa?
  9. Chúng ta phải có lòng thế nào đối với tha nhân?