Back to Top
Bìa Bài 18 - CHÚA GIÊ-XU LÀ GIÁO SƯ CỦA TÔI
Danh mục: Đấng Christ và Đời Sống
Biên tập: Sưu tầm
Thư viện: Định dạng văn bản
Năm: 2017

Viết bởi Nguyễn Thiên Ý

KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 11:28-30

CÂU GỐC: “Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi, mắt Ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi” (Thi thiên 32:8).

MỤC ĐÍCH: Vạch rõ rằng sự dạy dỗ có một không hai của Chúa Giê-xu chuẩn bị cho chúng ta cuộc sống mà Ngài muốn chúng ta sống.

 

HỌC KINH THÁNH HÀNG NGÀY

 

CN Vị giáo sư tối cao Giăng 6:59-68; Ma-thi-ơ 11:28-30
T2 Những lời giáo huấn cũ và mới Ma-thi-ơ 5:17-26
T3 Dạy bằng lời kể chuyện Lu-ca 15:11-32
T4 Dạy bằng nêu gương tốt Giăng 13:1-17
T5 Dạy bằng phép lạ Mác 6:1-10;14-21
T6 Dạy bằng cách so sánh Giăng 10:1-18
T7 Nền tảng để ban thưởng Ma-thi-ơ 25:14-30

 

 Sinh hoạt Cơ Đốc nhân bao hàm sự học tập, tăng trưởng và phát triển không ngừng. Học tập cũng như ăn uống, nếu không ăn uống thì không thể nào tăng trưởng và phát triển để đạt đến bậc thành nhân. Mỗi Cơ Đốc nhân tiến bộ phải học tập bài này sang bài khác và học tập suốt đời.

 

I. NHỮNG ĐIỀU CHÚA GIÊ-XU DẠY.

 Câu gốc hôm nay vô cùng quí báu: “Ta sẽ dạy dỗ ngươi”. Phước biết bao cho chúng ta có được Chúa Giê-xu là giáo sư. Ngài dạy chúng ta những gì?

1. Chúa Giê-xu giải đáp thắc mắc.

 Trước mọi câu hỏi của con người, không bao giờ Chúa quay đi và bảo: “Ta không trả lời được”. Chúa đã dựng nên con người và Ngài biết tất cả những gì của con người. Chúa không bao giờ bàn đến những vấn đề không quan trọng, những vấn đề chỉ làm thỏa mãn tính hiếu kỳ của con người. Nhưng Chúa đề cập đến những vấn đề quan trọng và hướng dẫn con người vào tâm điểm của vấn đề để giúp họ hiểu một cách chính xác và được ích lợi.Kinh Thánh có đầy đủ những câu giải đáp cho mọi vấn đề tương quan đến sự cứu rỗi con người.

2. Chúa Giê-xu dạy về những vấn đề trọng đại.

 Các thầy thông giáo hiểu Lời Chúa một cách nông nổi, đơn sơ, nên khi họ giải thích Lời Chúa thì không có gì mới mẻ và gây hứng thú cho người nghe. Song khi Chúa giải thích thì Ngài vạch rõ ý nghĩa sâu xa và tươi mới của những Lời Chúa. Ví dụ: Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa đã trích dẫn nhiều sự dạy dỗ trong Cựu ước như các thầy thông giáo thường làm, như câu: “Ngươi chớ phạm tội tà dâm”. Nhưng Chúa giải thích cách cao sâu: “Ai ngó đàn bà mà động tình ham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi”. Đồng thời Chúa nêu ra phương pháp đắc thắng sự cám dỗ đó bằng cách triệt tiêu những gì có thể xui cho mình phạm tội. Sự giải thích như vậy làm cho ai nấy có một quan điểm chính xác thế nào là tội, và ý thức rõ rệt cái hậu quả khủng khiếp của tội mà thiết tưởng người có lòng kính sợ Chúa phải rúng động (Ma-thi-ơ 5:27-30).

 

II. PHƯƠNG PHÁP DẠY CỦA CHÚA GIÊ-XU.

 Câu gốc hôm nay là lời hứa của Chúa cho chúng ta: “Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi”. Chúa dạy rõ ràng, đầy đủ, bằng nhiều phương pháp khác nhau.

1. Chúa dạy bằng kể chuyện (Lu-ca 15:11-32).

 Chuyện con trai hoang đàng trở về nhà cha là một bức tranh tuyệt diệu miêu tả tội lỗi của con người và tình thương của Đức Chúa Trời. Câu chuyện đó thích hợp với mọi lứa tuổi, nói lên sự đau buồn về tội lỗi, mối cảm kích về tình thương của cha, và niềm vui khôn tả của con khi vào nhà cha. Câu chuyện đó ai nấy gần thuộc lòng, song chưa ai hiểu hết ý nghĩa sâu xa của nó, về đại cương cũng như tiểu tiết. Trải qua 20 thế kỷ, câu chuyện này đã cảm động hàng triệu người bỏ tội lỗi mà trở về cùng Đức Chúa Trời.

2. Chúa dạy bằng phép lạ (Mác 8:1-10; 14-21).

 Trong ba năm chức vụ, Chúa chỉ hóa bánh hai lần vào hai trường hợp đặc biệt và rất cần thiết. Ngài không muốn dân chúng theo Ngài chỉ vì được bánh. Hai lần đó, Chúa muốn dạy hai điều: Tình thương và Quyền năng của Ngài. Chúa thương xót đoàn dân, không muốn họ nhịn đói mà về nhà, e bị xỉu vì đường xa. Đồng thời Chúa muốn chứng minh Ngài là Chúa Cứu Thế, có quyền năng và ân sủng dư dật, có thể cung cấp mọi nhu cầu cho kẻ thuộc về Ngài, mặc dầu nhu cầu của họ lớn lao đến đâu, trong trường hợp khó khăn mức nào cũng vậy. Học được bài này, các môn đồ đã thêm lòng yêu mến Chúa và tin cậy Ngài.

3. Chúa dạy bằng cách so sánh (Giăng 10:1-18).

 Người Do Thái rất quen với bầy chiên và người chăn. Vì thế, Chúa mượn hình ảnh ấy để so sánh kẻ theo Ngài như chiên và người chăn để miêu tả sự chăm sóc, dẫn dắt, nuôi nấng, giữ gìn của Ngài đối với kẻ theo Ngài. Đồng thời nói lên mối thông công mật thiết giữa đôi bên như chiên quen tiếng người chăn, người chăn biết tên từng con chiên, người chăn thương yêu bầy chiên, hy sinh vì bầy chiên và lo đem nhiều chiên lạc về ràn.

 Sự so sánh trên đây khiến chúng ta rất dễ hiểu và chịu cảm động về tấm lòng và thái độ của Chúa đối với chúng ta. Ai nấy lấy làm vui sướng được thuộc về bầy chiên của Chúa mà chính Ngài là Đấng Chăn Chiên Hiền Lành.

4. Chúa dạy bằng gương sống (Giăng 13:1-17).

 Để dạy về sự khiêm nhường, sẵn sàng làm đầy tớ lẫn nhau, Chúa đã rửa chân cho các môn đồ của Ngài. Các môn đồ của Chúa chưa bao giờ nghĩ đến một hành động như thế, nên ông Phi-e-rơ đã ngạc nhiên kêu lên: “Chúa ơi, chính Chúa lại rửa chân cho tôi sao?” Ông rút chân lại, không dám để Chúa rửa chân cho ông. Song Chúa bảo ông phải đưa chân cho Ngài rửa để Ngài dạy ông một bài học.

 Rửa chân cho môn đồ xong, Chúa phán: “Vậy nếu Ta là Chúa, là Thầy mà rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như Ta đã làm cho các ngươi”.

 Chắc chắn các môn đồ chẳng bao giờ quên được bài học này. Lời nói và việc làm của Chúa đã ấn tượng mạnh vào trí, vào lòng họ. Ngài không giống như các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là những người nói mà không làm (Ma-thi-ơ 21:1-3).

 Chúng ta rất sung sướng được học với Chúa Giê-xu. Chúng ta phải sống cuộc đời Cơ Đốc nhân như Ngài dạy cho chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta cũng dạy như Ngài để những người học với chúng ta cảm thấy sung sướng.

 

CÂU HỎI

  1. Cơ Đốc nhân phải luôn luôn làm gì?
  2. Tại sao chúng ta cần phải học tập?
  3. Trước hết chúng ta phải học với ai?
  4. Chúa Giê-xu đã dạy những gì?
  5. Chúa thường dùng những phương pháp nào để dạy?
  6. Bạn thích nhất phương pháp nào? Tại sao?
  7. Sự dạy dỗ của các thầy thông giáo với sự dạy dỗ của Chúa khác nhau chỗ nào?