KINH THÁNH: Giăng 15:1-17.
CÂU GỐC: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái, vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5).
MỤC ĐÍCH: Nhấn mạnh sự cần thiết phải hiệp một với Chúa Giê-xu để được quyền năng sống cuộc đời Cơ Đốc nhân kết quả.
CN | Kết quả cho Chúa | Giăng 15:1-17 |
T2 | Trái của Thánh Linh | Ga-la-ti 5:22-26 |
T3 | Lời làm chứng được Đức Chúa Trời hướng dẫn | I Phi-e-rơ 4:10-11 |
T4 | Sự hiện diện và ngự trị của Chúa | Ma-thi-ơ 28:16-20 |
T5 | Quyền năng vận hành trong chúng ta | Ê-phê-sô 3:14-21 |
T6 | Chủ đích sự sửa trị của Đức Chúa Trời | Hê-bơ-rơ 12:3-11 |
T7 | Phần thưởng cho việc chứng đạo | I Tê-sa-lô-ni-ca 2:17-20 |
Chúa có một chủ đích đối với các môn đồ ngày xưa và chúng ta ngày nay. Chủ đích đó là chúng ta phải sống cuộc đời Cơ Đốc nhân kết quả. Muốn kết quả chúng ta phải giữ hai mặt của đời sống. Mặt này là mối tương giao mật thiết liên tục với Chúa, mặt kia là làm chứng nhân cho Chúa giữa mọi người.
Chủ đích của người trồng nho là được kết quả. Nhánh nho bị đòi hỏi phải cung cho người trồng nho không phải là lá mà là trái. Cũng vậy đời sống Cơ Đốc nhân phải sinh trái cho Đức Chúa Trời. Trái đó là gì? - Có hai thứ: Bên trong và bên ngoài. Trái bên trong là Yêu thương, Vui mừng, Bình an, Nhịn nhục, Nhơn từ, Hiền lành, Trung tín, Mềm mại, Tiết độ (Ga-la-ti 5:22). Trái bên ngoài là làm chứng cho Chúa để dắt đem người khác về với Ngài như ông Anh-rê đã dắt đưa anh là ông Phi-e-rơ, ông Phi-líp đã dắt đưa bạn là ông Na-tha-na-ên (Giăng 1:40-49).
Một nhánh nho muốn được kết quả phải hội đủ ba điều kiện: Chịu tỉa sửa, ở trong gốc và vâng lời luôn.
Đời sống Cơ Đốc nhân muốn được kết quả cũng phải như vậy.
Phải cắt đi những cành lá rườm rà chỉ gây trở ngại cho sự kết quả. Cũng vậy, cuộc sống xa hoa, ích kỷ, kiêu căng, háo danh, ham lợi giống như hột giống rơi vào bụi gai, bị nghẹt ngòi không thể nào kết quả được (Ma-thi-ơ 13:22), nên Đức Chúa Trời phải tỉa sửa bằng những sự ốm đau, bắt bớ, đói khát, nghèo nàn, nói chung là hoạn nạn, để làm cho đời sống chúng ta được kết quả (Hê-bơ-rơ 12:11).
Chúa chỉ ra sự bất lực hoàn toàn của chúng ta, là ngoài Ngài chúng ta không làm chi được, giống như nhánh nho không ở trong gốc thì chỉ có ném ra ngoài để héo khô rồi bị đốt. Nhưng như nhánh nho ở trong gốc thì có trái, nhiều trái và nhiều trái lắm, chúng ta ở trong Chúa thì cũng như vậy. Chúng ta phải thành kính thưa rằng: “Các suối tôi đều ở trong Ngài” (Thi thiên 87:7). “Ngài là Chúa tôi, trừ Ngài ra, tôi không có phước gì khác” (Thi thiên 16:2).
Nhánh nho giữ một thái độ yên lặng và vâng lời trọn vẹn để được kết quả, thì đời sống của chúng ta cũng phải như vậy. Vâng lời là dấu hiệu của sự thương yêu. Con cái yêu thương cha mẹ thì muốn vâng lời cha me. Con cái càng vâng lời cha mẹ thì càng được thương yêu. Con cái Chúa vâng lời Ngài vì thương yêu Ngài thì đời sống đó chắc chắn được kết quả.
Bức tranh gốc nho và nhánh là hình ảnh đẹp nhất về sự hiệp một giữa chúng ta với Chúa và giữa chúng ta với nhau.
“Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh”. Chúa muốn nói: “Như gốc nho với nhánh nho là một, thì Ta với các ngươi cũng vậy”. Nhánh nho thuộc về gốc, thì gốc nho cũng thuộc về nhánh. Ai đụng đến nhánh nho là đụng đến gốc nho, ai đụng đến gốc nho là đụng đến nhánh nho. “Ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt Ngài” (Xa-cha-ri 2:8). Ai đụng đến Chúa là đụng đến chúng ta.
Trên đây là ý nghĩa một đời sống giao thông mật thiết liên tục với Chúa và với nhau, đồng thời là một đời sống làm chứng cho Chúa giữa mọi người. Hãy để Sự Sống Dư Dật, Sự Sống Thánh Khiết, Yêu thương, Vui mừng, Bình an của Ngài tràn ngập tâm linh chúng ta. Hãy để Ngài tự do sống lại cuộc đời quyền năng của Ngài trong chúng ta hầu Ngài hoàn tất chủ đích của Đức Chúa Trời trong chúng ta.
Bởi sự hiệp một với Chúa, Ngài không gọi chúng ta là đầy tớ Ngài mà là bạn hữu Ngài (c. 15-17). Chúng ta không đi một mình, không làm việc một mình; song đi với Chúa và với nhau, làm việc với Chúa và với nhau. Chúa cùng hiệp một với chúng ta trong sự cầu xin để lời cầu xin của chúng ta được nhậm, đời sống chúng ta được kết quả. “Ta truyền cho các ngươi những điều răn đó đặng các ngươi yêu mến lẫn nhau”.