Back to Top
Bìa Bài 10 - GIÚP ĐỠ NGƯỜI HOẠN NẠN
Danh mục: Đấng Christ và Đời Sống
Biên tập: Sưu tầm
Thư viện: Định dạng văn bản
Năm: 2017

Viết bởi Nguyễn Thiên Ý

KINH THÁNH: Giăng 11:1-44.

CÂU GỐC: “Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Ta là Sự Sống lại và Sự Sống, kẻ nào tin Ta thì sẽ sống mặc dầu đã chết rồi” (Giăng 11:25).

MỤC ĐÍCH: Nhấn mạnh tầm quan trọng về sự giúp đỡ người lâm cơn hoạn nạn.

 

HỌC KINH THÁNH HÀNG NGÀY

 

CN Một cơn khủng hoảng nặng nề Giăng 11:1-16
T2 Lòng ưu ái của Chúa Giê-xu Giăng 11:17-37
T3 Chiến thắng sự chết Giăng 11:38-44
T4 Sự yên ủi trong cơn hoạn nạn I Phi-e-rơ 4:12-14
T5 Nên yên ủi nhau II Cô-rinh-tô 1:3-7
T6 Sự yên ủi trong cơn thử thách Gia-cơ 1:1-8,12
T7 Được giải thoát khỏi sự sợ hãi Hê-bơ-rơ 2:14-15

 

 Trong cuộc sống của con người trên trần gian không thể nào không gặp hoạn nạn. Hoạn nạn lớn nhất là sự chết. Mỗi người trong chúng ta đều từng trải nỗi đau buồn sâu xa khi có người thân yêu qua đời. Chúng ta học tập để biết cách đứng vững trước sự hoạn nạn hầu giúp người khác cũng đứng vững như vậy.

 

I. MỘT GIA ĐÌNH LÂM CƠN HOẠN NẠN (Giăng 11:1-16).

 Một gia đình nọ yêu thương Chúa Giê-xu và được Chúa yêu, gồm có một anh trai và hai người em gái. Ngày kia, ông La-xa-rơ, người anh trai lâm bệnh nặng. Hai chị em Ma-thê và Ma-ri đã vội vàng sai người đến báo tin cho Chúa Giê-xu: “Lạy Chúa, kẻ yêu Chúa mắc bệnh”. Hai bà nghĩ rằng, khi được tin đó thể nào Chúa Giê-xu cũng đến ngay và chữa lành cho ông La-xa-rơ. Song vì yêu họ nên Chúa ở nán lại hai ngày. Câu 5-6 (bản nhuận chánh) “Vả, Chúa thương yêu Ma-thê cùng em gái nàng và La-xa-rơ, nên khi nghe người đau yếu, bèn ở lại hai ngày nữa trong nơi Ngài đang ở”.

 Thử hỏi: Nếu yêu thương họ, tại sao Chúa không đến ngay, chữa lành cho ông La-xa-rơ, mà Ngài ở nán thêm hai ngày để chờ ông ấy chết rồi mới đến? - Vì quá yêu thương họ nên Chúa không muốn chữa cho người đau được lành, mà muốn kêu kẻ chết sống lại, để thêm đức tin cho họ.

 

II. LỜI HỨA BAN SỰ SỐNG TRONG CƠN HOẠN NẠN (Giăng 11:17-27).

 Khi Chúa Giê-xu đến thăm thì ông La-xa-rơ đã được chôn bốn ngày rồi. Có phải Chúa đến chỉ để chia buồn với tang gia như bao nhiêu người khác đã làm không? - Không! Chúa đến để ban lời hứa về sự sống. Chúa phán với bà Ma-thê: “Anh ngươi sẽ sống lại”. Vì bà tưởng Chúa phán về sự sống lại cuối cùng của con người, nên Chúa đã phán tiếp: “Ta là Sự Sống Lại và Sự Sống, kẻ nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin Ta thì không hề chết” (c. 25-26).

 Câu 25 ứng dụng cho trường hợp của ông La-xa-rơ và những tín đồ đã chết. Họ chắc sẽ sống lại và sống mãi mà ông La-xa-rơ là đại diện. Câu 26 ứng dụng cho trường hợp của bà Ma-thê, bà Ma-ri và những tín đồ đang sống, họ sẽ chẳng hề chết. Đối với tín đồ là những người có Chúa tức là có sự sống lại và sự sống đời đời thì sự chết đã mất hết ý nghĩa, mất hết nọc độc. “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng” (I Cô-rinh-tô 15:54). “Sự chết chỉ là một giấc ngủ” (I Cô-rinh-tô 15:20; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13). Chúa phán: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu kẻ nào giữ lời Ta, sẽ chẳng thấy sự chết bao giờ” (Giăng 8:51).

 Chúng ta luôn luôn nghĩ về sự sống và sự chết thuộc thể, song Chúa thì nghĩ về sự sống và sự chết thuộc linh. Khi vào một nghĩa trang, chúng ta nói đây là những người chết, song nếu họ là những tín đồ thì Chúa phán: Đây là những người đang sống. Khi vào một khu chợ, chúng ta nói đây là những người đang sống, song nếu họ không phải là tín đồ thì Chúa phán: Đây là những người đã chết. Vì vậy, sứ đồ Phao-lô đã viết: “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình” (Ê-phê-sô 2:1). Khi con trai hoang đàng trở về thì người cha nói: “Vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống” (Lu-ca 15:24).

 

II.LỜI AN ỦI TRONG CƠN HOẠN NẠN (Giăng 11:28-37).

 Khi Chúa Giê-xu đến thăm thì bà Ma-thê và bà Ma-ri đều khóc. Họ thưa với Chúa: “Lạy Chúa, nếu có Chúa ở đây thì anh tôi không chết”. Họ ngụ ý than phiền Chúa chậm trễ, đồng thời tỏ ra đức tin yếu đuối của họ. Vì nếu Chúa cứu La-xa-rơ thì cần gì Ngài phải đến tận nơi, Ngài chỉ phán một lời cũng đủ rồi.

 Tuy nhiên, Chúa không quở trách họ mà còn thương cảm họ, vì biết rằng hằng giờ hằng phút họ chờ Ngài đến trong khi nhìn anh yêu dấu của họ lần lần mỏi mòn tắt hơi. Đó là nỗi đau đớn tan lòng nát dạ. Nếu có Chúa trong giờ phút đó, họ được yên ủi vô cùng. Ngài khóc không phải Ngài bó tay trước tử thần, song Ngài “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc”, Ngài cảm thương sự đau buồn của con cái Ngài. Bà Ma-thê, bà Ma-ri được an ủi là dường nào! Kinh Thánh chép: “Hễ khi dân Ngài bị khốn khổ, chính Ngài cũng khốn khổ” (Ê-sai 63:9). “Chẳng phải bổn tâm Ngài làm cho con cái loài người cực khổ và buồn rầu” (Ca thương 3:33).

 

IV. GIÚP ĐỠ ĐỂ ĐẮC THẮNG HOẠN NẠN (Giăng 11:38-44).

 Chúa đến không những ban lời hứa quí báu, sự yên ủi lớn lao, mà còn đổi đau buồn ra vui vẻ, đổi hoạn nạn ra phước hạnh, đổi thất bại ra chiến thắng... Chữa lành một kẻ đau, sao bằng kêu một kẻ chết sống lại. “Vì sự giận của Ngài chỉ trong một lúc, còn ơn của Ngài có trọn một đời, sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng” (Thi thiên 30:5).

 Sự sống lại của ông La-xa-rơ cho chúng ta biết rằng: “Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Giê-xu cùng đến với Ngài”. Đó là niềm tin và hy vọng vững vàng của chúng ta. Trong mọi cơn hoạn nạn kể cả sự chết cũng chỉ là một cơn khủng hoảng tạm thời, chúng ta được yên ủi và khích lệ qua lời của Ngài. Vì thế, chúng ta hãy đến yên ủi bao nhiêu người khác quanh mình.

 

CÂU HỎI

  1. Sự hoạn nạn lớn nhất mà con người từng gặp là gì?
  2. Tại sao Chúa nghe ông La-xa-rơ đau mà Ngài đợi ông chết mới đến thăm?
  3. Khi nào Chúa mới có thể làm việc lớn cho chúng ta?
  4. Tại sao sự chết không còn đáng sợ đối với tín đồ?
  5. Về sự sống và sự chết, ý nghĩ của loài người khác hơn ý nghĩ của Đức Chúa Trời là thế nào?
  6. Khi Chúa đến, Ngài làm gì để yên ủi bà Ma-thê và bà Ma-ri?
  7. Chúa chiến thắng sự chết đã đem lại gì cho gia đình của ông La-xa-rơ?
  8. Chúng ta phải làm gì cho bao người lâm nạn chung quanh mình?