KINH THÁNH: Giăng 9:1-41.
CÂU GỐC: “Tôi chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng” (Giăng 9:25b).
MỤC ĐÍCH: Chứng minh rằng đời sống được biến cải là chứng cớ hiển nhiên nhất để thuyết phục người ta về quyền năng của Chúa.
CN | Chữa lành một người mù | Giăng 9:1-12 |
T2 | Phép lạ bị chống đối | Giăng 9:13-34 |
T3 | Chúa Giê-xu ra mắt | Giăng 9:35-41 |
T4 | Lời chứng của đời sống bạn | Ma-thi-ơ 5:14-16 |
T5 | Năng lực của sự làm chứng bằng đời sống | I Phi-e-rơ 3:1-2 |
T6 | Năng lực của lời chứng cá nhân | I Giăng 1:1-4 |
T7 | Phần thưởng cho việc làm chứng đạo | Ma-thi-ơ 10:26-33 |
Tin Lành là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin. Chinh phục tội nhân bằng lý luận không kết quả bằng quyền năng của Chúa trong đời sống mình. Hãy chứng minh quyền năng cứu rỗi của Chúa qua kinh nghiệm bản thân của chúng ta. Chúng ta hãy học hỏi anh mù trong câu chuyện này. Lý luận mạnh mẽ nhất của anh ta là: “Tôi đã mù mà bây giờ lại sáng”.
Các môn đồ có quen biết một người mù từ thuở mới sinh ra vẫn thường ngày đi ăn xin đây đó. Họ quan niệm rằng tất cả các tật bệnh đều do tội lỗi mà ra. Vì thế khi gặp lại người mù ấy, họ hỏi Chúa: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy?”
Chúa không trả lời thẳng câu hỏi của họ về nguyên do gây cho người ấy bị mù, Ngài chỉ nói: “Chẳng phải tại người hay cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người”. Ngài muốn nói rằng đây không phải là thì giờ để biết nguyên nhân do bệnh tật của người này, song là cơ hội để giúp đỡ người. Chung quanh chúng ta có bao nhiêu người đang đau khổ cần được chúng ta giúp đỡ. Hãy làm ngay đang khi có dịp tiện, “tối lại thì không ai làm việc”.
Nói xong, Ngài nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn và đem xức trên mắt người mù, rồi bảo đến ao Si-lô-ê mà rửa. Người mù đi rửa và được thấy rõ. Nước miếng trộn thành bùn không phải là thuốc chữa bệnh mù. Chúa không muốn người mù tin cậy vào thuốc, mà tin cậy vào chính mình Ngài. Người mù được chữa lành không phải nhờ nước miếng trộn thành bùn, cũng không phải nhờ nước ao Si-lô-ê, mà nhờ vâng lời Chúa. Tổng binh Na-a-man được lệnh xuống sông Giô-đanh tắm bảy lần thì lành bệnh phung, không phải nhờ nước sông Giô-đanh trong hơn nước các sông khác, song chỉ nhờ vâng lời (II Vua 5:10).
Được chữa lành một cách mau lẹ và hoàn toàn, người mù vui mừng khôn xiết, tung tăng đi lại tự do chớ không còn mò mẫm từng bước như trước, đó là cơ hội tốt nhất cho anh làm chứng về Chúa.
Những người đã thấy anh hằng ngày đi xin ăn, thì ngạc nhiên hỏi nhau: “Có phải anh mù đó chăng?” Người thì nói: “Ấy là hắn”, kẻ lại nói: “Không, đó là người nào giống hắn”. Phép lạ xảy ra đột ngột làm cho họ bối rối, khó tin quá. Anh lên tiếng ngay: “Chính tôi đây”.
Họ hỏi: “Tại sao anh được sáng?” Anh giải thích: “Chúa Giê-xu đã chữa lành cho tôi”. Họ hỏi: “Chúa Giê-xu bây giờ ở đâu?” Anh đáp: “Tôi không biết”. Vì khi anh đi rửa tại ao Si-lô-ê thì Chúa Giê-xu đã đi nơi khác.
Người ta dẫn anh mù được chữa lành đến người Pha-ri-si, là hàng giáo phẩm Do-thái. Trước mặt người Pha-ri-si, anh ta thuật lại thể nào mình được chữa lành. Một số người nói: “Người này (Giê-xu) không phải từ Đức Chúa Trời đến, vì không giữ ngày Sa bát”. Người khác cãi lại: “Một kẻ có tội thì làm phép lạ như vậy thế nào được”. Họ chia ra hai phe chống đối nhau. Anh mù được chữa lành quả quyết người đã cứu anh là một tiên tri.
Một phép lạ sờ sờ như vậy, nhưng những người ngoan cố vẫn không tin, họ cho mời cha mẹ anh mù tới. Cha mẹ anh mù xác nhận thật con họ đã mù từ thuở mới sinh ra, bây giờ lại được sáng, việc xảy ra thế nào xin hỏi nó. Lại một dịp tiện cho anh làm chứng trước mặt cha mẹ về phép lạ Chúa đã cứu anh.
Đây là một cuộc đấu trí rất hào hứng giữa anh mù từ thuở sanh ra vừa được chữa lành với các nhà thần học Do thái.
Lần này người Pha-ri-si buộc anh phải chối Chúa Giê-xu là Đấng đã chữa lành cho anh, vì Ngài có tội. Bực tức về sự ngoan cố và ngụy biện của người Pha-ri-si, anh đáp lại với giọng châm biếm: “Tôi chẳng biết người có phải là kẻ có tội chăng, chỉ biết một điều là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng”.
Họ lại hỏi anh một lần nữa: “Người đã làm gì cho ngươi? Mở mắt ngươi thế nào?” Họ muốn anh nói đi nói lại nhiều lần để xem có chỗ nào sơ hở, hầu bắt bẻ anh. Anh đáp lại bằng một giọng mỉa mai: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông chẳng nghe tôi. Cớ sao các ông muốn nghe lại lần nữa? Há cũng muốn làm môn đồ nguời chăng?”
Họ mắng nhiếc anh, cho anh là môn đồ của Chúa Giê-xu, còn họ là môn đồ của Môi-se. Họ không biết Chúa Giê-xu bởi đâu đến. Một lần nữa anh châm biếm họ: “Người đã mở mắt tôi mà các ông chẳng biết người bởi đâu đến, ấy là sự lạ lắm”.
Trong thời đó, một người mù từ thuở sanh ra không được học hành. Song khi được Chúa chữa lành, người ấy có bằng chứng mạnh mẽ, có lý lẽ cứng rắn mà các nhà thần học Do thái phải chịu thua. Sự chống đối của người Pha-ri-si làm cho đức tin anh ngày càng vững mạnh, làm chứng càng hăng say. Không ai chinh phục nổi một tội nhân đã được Chúa cứu. Sự bắt bớ không đáng sợ, sự công kích không đáng lo, miễn là mình có thực chứng sự cứu rỗi.
Nhà hội là nơi sinh hoạt của cộng đồng người Do Thái với ba mục đích: Thờ phượng, giáo dục và chính trị. Một người bị đuổi khỏi nhà hội là bị dứt phép thông công, bị mất nhiều quyền lợi, bị rủa sả. Vì vậy, cha mẹ anh mù sợ liên hệ với anh mà bị đuổi khỏi nhà hội, và nhiều người khác cũng sợ như vậy (Giăng 12:42; 16:2). Song anh mù đã được chữa lành sẵn sàng chấp nhận điều ấy.
Khi nghe anh bị đuổi ra, Chúa Giê-xu liền đến gặp anh. Ngài muốn khích lệ và thêm đức tin cho anh. Ngài rất hài lòng có những người như anh. Được gặp Đấng chữa lành cho mình, chắc anh sung sướng vô cùng. Anh sấp mình trước mặt Ngài, thưa rằng: “Lạy Chúa, tôi tin”. Anh tin Ngài là Con Đức Chúa Trời, Chúa Cứu Thế.
Chúng ta có sẵn sàng trả một giá đắt để làm chứng cho Chúa không? Có sẵn sàng chấp nhận hy sinh để tôn vinh Ngài không? Có sẵn sàng kể rằng nhận biết Chúa và được Chúa là quí tột bực mà xem mọi sự khác như rơm rác không? Chúng ta không thể thua anh mù từ thuở sanh ra này.