Back to Top
Bìa Bài 08 - SỰ PHÁN XÉT CÔNG BÌNH
Danh mục: Đấng Christ và Đời Sống
Biên tập: Sưu tầm
Thư viện: Định dạng văn bản
Năm: 2017

Viết bởi Nguyễn Thiên Ý

KINH THÁNH: Giăng 8:1-11.

CÂU GỐC: “Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Ta cũng không định tội ngươi; hãy, đi đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:11).

MỤC ĐÍCH: Chứng minh Chúa Giê-xu đã hòa hợp sự thánh khiết và thương yêu trong cách đối xử với tội nhân, và chỉ một mình Ngài có quyền phán xét.

 

HỌC KINH THÁNH HÀNG NGÀY

 

CN Chúa Giê-xu với đảng Hê-rốt Ma-thi-ơ 22:15-22
T2 Chúa Giê-xu với người Sa-đu-sê Ma-thi-ơ 22:23-33
T3 Chúa Giê-xu với người Pha-ri-si Ma-thi-ơ 22:34-46
T4 Sự thánh khiết của Chúa Giê-xu Giăng 8:34-37
T5 Chúa chứng minh sự thánh khiết của Ngài Giăng 2:13-22
T6 Chúa chứng minh tình thương của Ngài Giăng 13:1-15
T7 Sự khôn ngoan, thánh khiết, thương yêu của Chúa Giăng 8:1-11

 

 Chúng ta không đủ phương tiện và khả năng để phán xét ai. Về phương tiện thì chúng ta không đủ hồ sơ, chứng cứ để biết rõ sự thật. Về khả năng thì chúng ta không hội đủ các đức tính cần thiết như khôn ngoan, thánh khiết, thương yêu để xét đoán cách công bình. Ngay các tòa án, dầu có nhiều phương tiện, vẫn còn sai lầm.

 Chúng ta nhận sự dạy dỗ đó qua câu chuyện một thiếu phụ ngoại tình bị bắt quả tang, được đem đến Chúa Giê-xu để chịu xét đoán.

 

I.SỰ PHÁN XÉT CỦA CON NGƯỜI (Giăng 8:1-5).

 Vừa sáng sớm, Chúa Giê-xu đã đến đền thờ, ngồi xuống dạy dỗ dân chúng. Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si dẫn lại Ngài một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ đặt thiếu phụ ấy giữa đám đông như một phạm nhân trước vành móng ngựa. Họ là nguyên cáo, Chúa là Quan An. Họ thưa với Chúa rằng luật pháp Môi-se truyền ném đá những người như thiếu phụ này, còn Ngài thì nghĩ sao?

 

II. CÁC ĐỨC TÍNH CỦA ĐẤNG PHÁN XÉT CÔNG BÌNH (Giăng 8:6-11).

 Chúa Giê-xu tỏ ra không hài lòng về hành động của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, nên Ngài không nói gì mà chỉ cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Họ cứ hỏi mãi thì Ngài đứng dậy mà bảo rằng: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người”. Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất. Chúng nghe vậy thì lần lượt rút lui, người có tuổi đi trước.

 Sau khi ai nấy ra về, Chúa phán với người thiếu phụ ấy: “Không ai định tội ngươi sao?” Nàng thưa: “Lạy Chúa, không ai hết”. Chúa phán: “Ta cũng không định tội ngươi, hãy đi, đừng phạm tội nữa”. Chúa đến thế gian không phải để xét đoán, song để cứu vớt (Giăng 3:17). Song Chúa đã nghiêm trọng cảnh cáo bà, chắc từ đó bà trở nên người tốt.

 Trong câu chuyện này chúng ta thấy ba đức tinh của Chúa.

 - Ngài là Đấng rất khôn ngoan.

 - Chúa là Đấng rất thánh khiết.

 - Chúa là Đấng rất thương yêu.

 

III. KẾT QUẢ CỦA SỰ PHÁN XÉT CÔNG BÌNH.

 Thiếu phụ bị tố cáo là đã phạm tội đáng chết lại được tha thứ và không còn phạm tội nữa, còn thầy thông giáo và người Pha-ri-si là kẻ tố cáo lại cứ miệt mài trong tội và cuối cùng họ đã giết Chúa Giê-xu.

 Trái lại, Đức Chúa Trời đã không tố cáo, cũng chẳng chống nghịch chúng ta. Ngài đã sai Con Độc sanh chịu chết, sống lại để đền tội chúng ta và đang cầu thay cho chúng ta nữa. Vậy xin đừng có ai làm cái việc nguy hiểm là chống lại với Đức Chúa Trời, đừng chiếm vị Ngài mà xét đoán ai, nhưng hãy nhường quyền ấy cho Ngài.

 

CÂU HỎI

 

  1. Tại sao con người không thể nào xét đoán công bình?
  2. Chúa Giê-xu và sứ đồ Phao-lô đã khuyên thế nào?
  3. Người Pha-ri-si và thầy thông giáo đã tố cáo ai?
  4. Họ tố cáo với mục đích gì?
  5. Chúa bịt miệng họ bằng cách nào?
  6. Chúa đã đến thế gian để làm gì?
  7. Chúa đối xử thế nào với một thiếu phụ đã phạm tội?
  8. Tố cáo anh em mình là công việc của ai?
  9. Kết quả khác nhau của người tố cáo và người bị tố cáo là thế nào?