Luật pháp Môi-se\ Moses' laws. Loi de Moise.

Luật pháp trong Kinh Thánh thật bắt dầu khi Chúa phán dạy trong vườn Ê-đen cho A-đam: "Chớ hề ăn đến cây biết điều thiện và điều ác, vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết" (Sáng 2:17). Song luật pháp Môi-se, Chúa ban cho Môi-se tại núi Si-na-i như có chép trong Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân số ký và Phục truyền luật lệ ký. Phần luật pháp đạo đức là mười điều răn, từ miệng Chúa phán dạy: cả dân Y-sơ-ra-ên dưới núi; bấy giờ có "sấm vang chớp nhoáng, một áng mây mịt mịt, tiếng kèn thổi vang đồng... khắp núi Si-na-i đều ra khói vì Đức Chúa Trời ở trong lửa giáng lâm nơi đó, đòi Môi-se lên", v.v... (Xuất 19:1-). Vậy, ban đầu luật pháp của Môi-se là miệng phán, sau lần lần dùng bút ghi chép mà thành ra văn. Vì năm sách đầu trong Kinh Thánh chép nhiều về luật pháp nên gọi là năm sách luật pháp.

I. Luật pháp Môi-se liên quan đến quá khứ.--

a) Để hiểu biết chính đáng luật pháp Môi-se, phải nhớ luật pháp hoàn toàn nhờ giao ước Chúa đã lập 430 năm trước với Áp-ra-ham, nên rập theo giao ước đó (Ga 3:17-24). Giao ước đó gồm "lời hứa" thuộc linh về Đấng Mê-si, là lời hứa cho người Do-thái như là đại biểu cả loài người. Cũng gồm lời hứa vật chất đặc biệt ban riêng cho dân Do-thái như là một dân tộc. Vậy, luật pháp cũng thế, có hai tính cách đi đôi với nhau: điều răn và lễ nghi.

b) Luật pháp liên quan với lời hứa thì rõ lắm. Sự tin Đức Chúa Trời là Đấng cứu chuộc nhân loại, và hy vọng Đức Chúa Trời sẽ tỏ ra trong ngôi vị của Đấng Mê-si, thì buộc phải tin Quyền phép Thiêng liêng là trổi hơn hết cả mọi sự phản đối của xác thịt và trong người có một phần tử thuộc linh có thể nhờ sự thông công với Thánh Linh từ trên cao mà cai trị đời sống. Điều này cũng gồm cả ý con người phải được cứu chuộc khỏi áp lực tội lỗi đang ở trong mỗi người và trong cả thế gian.

c) Nên chú ý về thời kỳ trong sử ký mà luật pháp Môi-se được ban cho. Ấy vì lúc đó tỏ ra và chỉ định Y-sơ-ra-ên từ địa vị chi phái qua địa vị dân tộc, và bắt đầu giữ phần nhứt định về ảnh hưởng và công việc trong sử ký thế gian.

d) Nhưng, dầu về ý kiến chung luật pháp Môi-se là mới, song có lẽ không phải hết cả tài liệu là mới. Chắc trước khi lập luật pháp, trong khi Y-sơ-ra-ên còn đang mở mang cần phải có những mạng lịnh và khải thị từng hồi, từng lúc để cho Y-sơ-ra-ên biết vâng phục. Vậy, khi nào hiệp với những mục đích của luật Giu-đa, chắc có thể tìm dấu tích của thói tục Pha-lê-tin và luật Ai-cập trong luật pháp Môi-se.

đ) Liên lạc chặt chẽ với ý trên, có khi luật pháp được sửa đổi để hiệp với tình hình và cảnh ngộ người Y-sơ-ra-ên, như Chúa Jêsus nói đến trong việc để vợ ngăn trở điều răn được trọn (Mat 19:7-8). Nên nói, có khi luật pháp thà sửa đổi theo những thói quen đang làm hơn là thật Chúa bảo làm; vả lại, vì cớ có khi không rõ luật pháp vốn có thể nào, thì sanh ra ý sai lầm trái với luật đó nữa. Cũng nên chú ý: mỗi phần luật pháp Môi-se được bày tỏ quan trọng bao nhiêu, thì hiệp với cuộc mở mang của Y-sơ-ra-ên bấy nhiêu. Vậy, phần lễ nghi của luật pháp được chép rất rõ và từng việc; phần đạo đức và phần định tội quyết định rất rõ và nghiêm nhặt; và phần công dân (civil) khi can thiệp với cá nhân thì sắp đặt giữ trật tự. Vì ba phần đó được lập bởi sự mở mang qua rồi của dân, nên có cần để nhứt định và mở mang phương kế của Y-sơ-ra-ên. Song so sánh với các phần khác, phần luật pháp về chính trị và lập hiến không hoàn toàn: Vì chỉ lập ít nguyên lý quan trọng để sau được mở mang. Song ý phần đó cho phép những quyền trong chính phủ hơn là chỉ định và giữ lối hành động của phần luật đó.

e) Cũng nên nhận xét lối luật pháp dần dần tỏ ra cho Y-sơ-ra-ên. Trong Xuất 20:1--23:1- liên lạc trực tiếp với sự khải thị tại núi Si-na-i, Chúa cho Môi-se chép cách long trọng những điều cốt yếu trong luật pháp, và được dân sự công nhận. Trong Xuất 25:1--31:1- cũng có một đại cương như thế về các luật lệ chi tiết của luật pháp Môi-se. Nhờ hai đại cương đó thì luật pháp Môi-se dần dần thêm lên tùy theo những sự cần dùng trong các đời. Vậy, lần thứ nhứt, luật pháp được chép hơi đầy đủ là trong sách Phục truyền luật lệ ký. Song lúc đó chưa hết. Các tiên tri về sau có bổn phận sửa đổi và giải nghĩa những điều đặc biệt trong luật pháp (Êxê 18:1-) để tỏ càng rõ hơn những nguyên tắc của luật pháp.

II. Phân tích.

Để phân tích tài liệu của luật pháp thì chia ra như sau:

1. LUẬT CÔNG DÂN

A. Về người.

a) Cha và con.-- Quyền người cha được coi là thánh: có quyền rủa sả hay đánh (Xuất 21:15, 17; Lê 20:9), hoặc cứng đầu, cố ý không vâng lời, ấy là những tội xử tử. Song người cha không có quyền trên sự sống hay chết của con, chỉ hội chúng có thôi (Phục 21:18-21). Quyền con trưởng nam được hưởng một phần cơ nghiệp gấp đôi không có thể bị cất đi vì cớ tây vị (Phục 21:15-17). Con gái có thể hưởng cơ nghiệp miễn là không có con trai (Dân 27:6-8 so 36:1-), và con gái đó gả cho một người đồng chi phái. Con gái chưa cưới gả phải hoàn toàn phục cha mình (Dân 30:3-5).

b) Chồng và vợ.-- Quyền của chồng là lớn đến nỗi trước luật pháp, người vợ không có quyền riêng, hay là tự tiện hứa nguyện dầu ở trước mặt Chúa cũng vậy (Dân 30:6-15). Một bà góa hay là bị để thì được độc lập, không phải phục quyền cha lần nữa (Dân 30:9). Có phép ly dị (vì không tinh sạch), song phải làm cách trọng thể và không hề đổi (Phục 24:1-4). Phép hôn phối với người bà con kia bị cấm (Lê 18:1-). Vợ là tôi mọi, hoặc mua hoặc bị bắt, không phải coi là của bị bán được; nếu bị bạc đãi thì bởi đó được tự do (Xuất 21:7-9; Phục 21:10-14). Phạm đến danh giá một người vợ trinh tiết, phải phạt nộp tiền và không được phép ly dị; trái lại nếu người vợ đã phạm sự ô uế trước khi cưới, phải phạt xử tử (Phục 22:13-21). Để sanh dòng, nối danh (loi lévirat) một người vợ góa có quyền đòi nếu người em chồng không chịu, thì bị xấu hổ ấy cốt để bảo tồn một họ (Phục 25:5-10).

c) Chủ và tôi mọi.-- Quyền chủ bị hạn chế, đánh chết tôi mọi liền theo tay, chủ bị phạt (Xuất 21:20); và làm tổn thương thì tôi mọi được tự do ra không (Xuất 21:26-27). Vào năm Sa-bát các tôi mọi Hê-bơ-rơ được thả và được chu cấp mọi điều cần (vợ con cũng được thả, nếu đã cùng đến với tôi mọi đó hầu việc chủ) trừ ra tôi mọi tình nguyện làm trọn đời vậy (Xuất 21:1-6; Phục 15:12-18). Bất cứ thể nào, vào năm hân hỉ tôi mọi với vợ con được thả (Lê 25:10). Nếu bán cho một khách ngoại bang kiều ngụ, thì lúc nào cũng có thể chuộc được bằng một giá thuận hiệp với thời gian kể đến năm hân hỉ (Lê 25:47-54). Có phép giữ các tôi mọi ngoại bang và hưởng như một cơ nghiệp mãi (Lê 25:45-46); và các tôi mọi từ ngoại quốc trốn đến thì không được nộp lại cho chủ (Phục 23:15).

d) Khách lạ.-- Dường như người khách không thể tự binh vực mình trước luật pháp, vì thế phải che chở và đối đãi tử tế với họ như là bổn phận thánh (Xuất 22:21; Lê 19:33-34).

B. Về vật.

a) Luật về Đất và Tài sản.-- Cả đất thuộc quyền sở hữu một mình Đức Chúa Trời, và người có đất chỉ là người thuê của Ngài (Lê 25:23). Đến năm hân hỉ đất đã bán lại trở về nguyên chủ, và giá bán là tính theo đó; có thể chuộc lại bất cứ lúc nào (Lê 25:23-27). Một nhà đã bán có thể chuộc lại hạn trong một năm, nếu hết hạn không chuộc thì hoàn toàn về tay người mua (Lê 25:29-30). Song những nhà của người Lê-vi hoặc nhà nào trong các làng không có vách tường bọc lấy, bất cứ lúc nào đều có thể chuộc được như cách chuộc đất vậy. Những ruộng đất thuộc về thành người Lê-vi không được bán (25:31-34). Đất hoặc các nhà đã biệt ra thánh, phần mười hoặc súc vật đầu lòng không sạch đều có thể được chuộc thêm một phần năm giá, tính bởi thầy tế lễ theo thời hạn đến năm hân hỉ. Nếu nguyên chủ bởi lời hứa nguyện dâng cho Chúa, đến năm hân hỉ không chuộc thì được kể là thánh mãi mãi và dâng cho các thầy tế lễ. Nếu chỉ bởi một người có đất thì đến năm hân hỉ sẽ trở về nguyên chủ (Lê 27:14-34). Thứ tự được hưởng cơ nghiệp để lại như sau: con trai, con gái, anh em, chú bác bên nội, đến các người thân thích khác.

b) Luật Về Tiền Nợ.-- Đối với người Y-sơ-ra-ên, hết cả mọi món nợ đến năm thứ VII (Sa-bát) thì được giải trừ. Kẻ nào vâng lời thì có hứa ban phước cho; và có lời rủa sả trên người nào từ chối không cho mượn (Phục 15:1-11). Cho vay nặng lãi (về phần người Y-sơ-ra-ên) thì không được (Xuất 22:25-27; Phục 23:19-20). Phải có lương tâm, của cầm không được đòi lãi nặng (Phục 24:6, 10-13, 17, 18).

c) Luật Về Thuế.

1) Tiền nộp khi điểm số (một nửa siếc-lơ) dùng vào việc hội mạc (Xuất 30:12-16). Hết cả của cướp tại trận phải chia đôi, về nửa phần thuộc chiến sĩ phải trích ra một phần năm trăm về nửa phần thuộc dân sự, phải trích ra một phần năm mươi làm "của lễ giơ lên" cho Đức Giê-hô-va.

2) Phần mười.-- Phải nộp một phần mười thổ sản để trợ cấp người Lê-vi (Dân 18:20-24). Phải trích một phần mười về thuế đó làm của lễ giơ lên để trợ cấp các thầy tế lễ (Dân 18:24-32). Phải dâng phần mười thứ hai cho những ngày lễ và bố thí, hoặc ở nơi thánh, hoặc cứ ba năm ở nhà (Phục 14:22-28). Bông trái ngũ cốc đầu mùa, rượu và dầu (ít nhất một phần sáu mươi, thường lệ là một phần bốn mươi cho các thầy tế lễ) dâng tại thành Giê-ru-sa-lem, với một lời tuyên bố nghiêm trang mình phục thuận Đức Chúa Trời là Vua dân Y-sơ-ra-ên (Phục 26:1-15; Dân 18:12-13). Súc vật tinh sạch đầu lòng; tiền chuộc (năm siếc-lơ) người; và loài vật không sạch dâng cho thầy tế lễ sau khi đã dâng làm của lễ (Dân 18:15-18).

3) Luật cho người nghèo.-- Mót ở trong ruộng hoặc vườn, là ơn luật ban cho người nghèo (Lê 19:9-10; Phục 24:19-22). Coi như lỗi nhẹ, khi ăn tại chỗ ngay luật cho phép (Phục 23:24-25). Phần mười thứ hai để bố thí như nói trên. Công giá trả từng ngày (Phục 24:15).

4) Trợ cấp các thầy tế lễ (Dân 18:8-32).-- Phần mười của thuế dâng cho người Lê-vi. Của lễ giơ lên và đưa qua đưa lại cũng vậy. Của lễ chay và chuộc tội phải ăn cách nghiêm trang trong nơi thánh mà thôi. Trái đầu mùa và tiền chuộc. Giá mọi đồ vật biệt riêng ra thánh, trừ ra dùng đặc biệt cho việc thánh. Việc một người làm hoặc gia đình người đó, được chuộc năm mươi siếc-lơ cho đàn ông, ba mươi cho đàn bà, hai mươi cho con trai và mười cho con gái.

2. LUẬT ĐỊNH TỘI.

A. Xúc phạm đến Đức Chúa Trời (bởi cách phản bội).

Điều răn thứ nhứt: Biết có tà thần (Xuất 22:20), như Mô-lóc (Lê 20:1-5), và cách chung mọi đời thờ hình tượng (Phục 13:1-; Phục 17:2-5).

Điều răn thứ hai: Bùa ếm và tiên tri giả (Xuất 22:18; Phục 18:9-22; Lê 19:31).

Điều răn thứ ba: Phạm thượng (Lê 24:15-16).

Điều răn thứ tư: Phạm ngày Sa-bát (Dân 15:32-36).

Hình phạt các tội đó là ném đá cho chết, và các thành thờ hình tượng bị tận diệt.

B. Xúc phạm đến người.

Điều răn thứ năm: Không vâng phục hoặc rủa sả hay đánh cha mẹ (Xuất 21:15, 17; Lê 20:9; Phục 21:18-21) phải bị phạt ném đá chết, cả hội chúng xử và khép án; không vâng phục các thầy tế lễ như quan án hoặc Đấng Đoán xét Chí Cao. So ICác 21:10-14 (Na-bốt); IISử 24:21 (Xa-cha-ri).

Điều răn thứ sáu:

1) Giết người, phải phạt xử tử, không thể nhờ thành ẩn náu hay bồi thường mà tránh khỏi (Xuất 21:12, 14; Phục 19:11-13). Giết tôi mọi, ngay dưới ngọn roi, phải phạt (Xuất 21:20-21).

2) Không cẩn thận, gây chết người cũng phải phạt xử (Xuất 21:28-30).

3) Vô ý giết người, phải chạy trốn vào một nơi ẩn náu cho đến thầy tế lễ thượng phẩm qua đời, để khỏi kẻ báo thù huyết (Dân 35:9-28; Phục 4:41-43; Phục 19:4-10).

4) Một vụ án mạng không biết thủ phạm, những trưởng lão thành rất cần phải xét xử cách rõ ràng và dâng của lễ (Phục 21:1-9).

5) Tội đánh trọng thương, phải chịu báo trả và phải đền bù thiệt hại (Xuất 21:18, 19, 22-25; Lê 24:19-20).

Điều răn thứ bảy:

1) Tà dâm, cả hai người can phạm đều phải phạt xử tử; kẻ lăng nhục một người đàn bà mới cưới hay cưới gả, phải phạt xử tử (Phục 22:13-27).

2) Hòa dụ và nằm với gái đồng trinh chưa hứa gả, phải bồi thường tức là phải cưới người đó, nộp tiền sánh lễ (50 siếc-lơ) và không có phép ly dị; nếu cha nàng từ chối không gả thì phải nộp hoàn toàn sính lễ (Xuất 22:16-17; Phục 22:28-29).

3) Hôn phối trái luật (loạn dâm, v.v...) phải phạt hoặc chết hoặc phải tuyệt tự (Lê 20:1-).

Điều răn thứ tám:

1) Trộm cắp, phải phạt bồi thường gấp bốn hoặc gấp đôi; người ăn trộm ban đêm có thể bị giết (Xuất 22:1-4).

2) Làm hư hại vật gì mình mượn thì phải bồi thường (Xuất 22:5-15).

3) Làm bại hoại sự công bình bởi của hối lộ hoặc ngăm đe, v.v..., nhứt là hà hiếp khách ngoại bang, đều bị cấm tuyệt (Xuất 23:1-9, v.v...).

4) Bắt cóc phải phạt xử tử (Phục 24:7).

Điều răn thứ chín:

Làm chứng dối, phải phạt báo phục hình (Xuất 23:1-3; Phục 19:16-21). Nói vu cho một người vợ trinh tiết, phải phạt tiền và mất quyền ly dị (Phục 22:13-19).

Điều răn thứ mười:

Dầu trước luật pháp không thấy phạt gì, song trong lịch sử Y-sơ-ra-ên chép tội tham lam bị phạt như trong Giô 7:25 bị phạt ném đá chết. Cũng xem IICác 5:22-27, phạt phung.

Cũng xem bài Mười Điều răn.

3. LUẬT TƯ PHÁP VÀ LẬP HIẾN.

A. Quyền xử án.

a) Quan án địa phương, thường là người Lê-vi thì rất thạo luật pháp, được cử ra xét xử các việc thông thường hằng ngày, có lẽ họ được dân sự bổ nhiệm với sự ưng chuẩn quyền cao cả (như Môi-se trong đồng vắng) Xuất 18:25; Phục 1:15-18; được cử thế suốt cả xứ (Phục 16:18).

b) Chống án đến các thầy tế lễ, tại nơi thánh, hoặc đến quan xét, những lời tuyên án đó là cuối cùng và phải chịu, nếu không phạt chết. Xem Phục 17:8-13 so chống án đốn Môi-se (Xuất 18:26).

c) Ít nhứt phải có hai người chứng trong các tội đáng xử tử (Dân 35:30; Phục 17:6-7).

d) Sự hình phạt (ngoại trừ mạng lịnh đặc biệt), chỉ thuộc cá nhân, chớ không lây đến cả gia đình (Phục 24:16). Có quyền đánh đòn nhưng rất hạn chế (Phục 25:1-3), để khỏi xâm phạm đến cơ thể.

Hết thảy những điều kể trong khúc trên có thể bãi bỏ:

1. Bởi quyền xử án của vua (xem ISa 22:11-19, Sau-lơ; IISa 12:1-5; 14:4-11; ICác 3:16-28), rộng đến nỗi có thể cất chức thầy tế lễ thượng phẩm (ISa 22:17-18; ICác 2:26-27). Trong IISa 15:2-6 thấy có khi khó làm vậy nên vua phải cử đại biểu thay quyền mình.

2. Bởi sự cắt cử bảy mươi người có quyền phán xét của tôn giáo (Dân 11:24-30). Đời sau có Hội Công luận ở địa phương số hội viên là 23, lập trong mỗi thành, và có hai hội đó ở Giê-ru-sa-lem với Hội Công luận Lớn cùng 70 hội viên, ngoài ra còn có chủ tọa cần phải là thầy tế lễ thượng phẩm có quyền kiểm soát cả vua và thầy tế lễ thượng phẩm. Những hội viên là các thầy tế lễ, thầy thông giáo (người Lê-vi), và trưởng lão của các chi phái khác. Giô-sa-phát cắt cử một hội Công luận như thế (IISử 19:8-11).

B. Quyền của vua.

Quyền của vua hạn chế bởi luật pháp như đã chép và được vua công nhận cách tỏ tường; và cấm trực tiếp chế độ độc đoán (Phục 17:14-20; so ISa 10:25). Dầu vậy vua có quyền đánh thuế (một phần mười); bắt người hầu việc mình (ISa 8:10-18); khai chiến (ISa 11:1-) v.v.... Có chứng cớ vua có khi lập giao ước với dân mình (IISa 5:3; so IICác 11:17); dân sự oán trách Rô-bô-am không phải là lạ (ICác 12:1-6).

Các quan trưởng của hội chúng. Các trưởng lão của mười hai chi phái (Giô 9:15) dường như có quyền hành động cho dân sự (so ISử 27:16-22), và đời sau "các quan trưởng Do-thái" dường như có quyền kiểm soát cả vua và thầy tế lễ (Xem Giê 26:10-24; 38:4-5, v.v...).

C. Hoa lợi của vua.

1) Thu một phần mười sản vật.

2) Đất thuộc vua (ISử 27:26-29). Tịch thâu đất kẻ có tội (ICác 21:15).

3) Quyền sai khiến dân làm việc (ICác 5:16-18), nhứt là các kẻ ngoại bang kiều ngụ (ICác 9:20-22; IISử 2:16-17).

4) Có quyền quản lý bầy chiên và đàn bò (ISử 27:29-31).

5) Của cống hiến từ các vua nước ngoài.

6) Nắm quyền thương mãi, nhứt là trong đời Sa-lô-môn (ICác 10:22, 29, v.v...).

4. LUẬT VỀ TÔN GIÁO VÀ LỄ NGHI.

A. Luật dâng của lễ.

Coi như là dấu và cách chỉ định để dân sự hiệp một với Đức Chúa Trời, mà nhờ đó dân sự được thánh khiết.

1. Các Của Lễ Thường.--

a) Cả Của lễ Thiêu (Lê 1:1-) thuộc bầy chiên hoặc bò; phải dâng luôn (Xuất 29:38-42); và lửa trên bàn thờ chẳng hề tắt (Lê 6:8-13).

b) Của lễ chay (Lê 2:1-; 6:14-23) bằng bột lọc, dầu, và nhũ hương, không pha men nhưng phải nêm muối.

c) Của lễ thù ân (Lê 3:1-; 7:11-21), thuộc bầy chiên hoặc bò; hoặc của lễ tạ ơn, hoặc hứa nguyện, hoặc lạc hiến.

d) Của lễ chuộc tội, hoặc của lễ mắc lỗi (Lê 4:1-; 5:1-; 6:1-) cho những tội phạm mà không biết (Lê 4:1-), cho hứa nguyện sơ ý và thất hẹn, hoặc sự ô uế đã mắc lấy song trước không ngờ (Lê 5:1-).

đ) Cho tội biết phạm (Lê 6:1-7).

2) Các của lễ Bất thường.

a) Khi phong chức các thầy tế lễ (Lê 8:1-; 9:1-).

b) Khi làm lễ tinh sạch cho đàn bà (Lê 12:1-; 14:1-).

c) Khi làm lễ tinh sạch cho người phung (Lê 13:1-).

d) Khi ngày Đại lễ chuộc tội (Lê 16:1-).

đ) Khi làm lễ trong các ngày lễ trọng (Lê 23:1-).

B. Luật về sự Thanh sạch.

Là sự thanh sạch nhờ của lễ để hiệp một với Đức Chúa Trời mà được.

1) Sự Thanh sạch của Người.--

a) Sự thánh khiết của cả dân, như "con cái Đức Chúa Trời" (Xuất 19:5-6; Lê 11:1--15:1-; 17:1-; 18:1-; Phục 14:1-21). Ấy được tỏ ra trong 5 điều: Dâng con đầu lòng (Xuất 13:2, 12, 13; 22:29-30) v.v... và dâng các súc vật đầu lòng và trái đầu mùa (Phục 26:1-, v.v...); Phân biệt đồ ăn bởi thú vật sạch và không sạch (Lê 11:1-; Phục 14:1-); lo liệu và sự được thanh sạch (Lê 12:1-; 13:1-; 14:1-; 15:1-; Phục 23:1-14); Luật cấm làm hình đạng xấu đi (Lê 19:27; Phục 14:1; so với Phục 25:3 nghịch với sự đánh đòn thái quá); Luật cấm các hôn phối trái phép và tà dâm (Lê 18:1-; 20:1-).

b) Sự thánh khiết của các thầy tế lễ và người Lê-vi.-- Ấy tỏ ra trong ba điều: Sự biệt riêng và phong chức (Lê 8:1-; 9:1-; Xuất 29:1-); tư cách đặc biệt xứng đáng và những sự hạn chế (Lê 21:1-; 22:1-9); những quyền lợi (Phục 18:1-6; Dân 18:1-), và quyền phép (Phục 17:8-13).

2) Sự thánh sạch các nơi và vật.

a) Đền tạm với hòm giao ước, cái màn, các bàn thờ, thùng bằng đồng, các áo thầy tế lễ, v.v... (Xuất 25:1--28:1-; 30:1-).

b) Nơi thánh, nơi được chọn để dựng Đền tạm (Phục 12:1-; 14:22-29), chỉ tại nơi đó có thể dâng các của lễ, phần mười, trái đầu mùa, v.v. để dâng hoặc ăn.

3) Sự Thánh sạch của các kỳ lễ.

a) Ngày Sa-bát (Xuất 20:9-11; 23:12, v.v.).

b) Năm Sa-bát (Xuất 23:10-11; Lê 25:1-7, v.v.).

c) Năm Hân hỉ (Lê 25:8-16, v.v.).

d) Lễ Vượt qua (Xuất 12:3-27; Lê 13:4-14).

đ) Lễ các tuần lễ (Lễ Ngũ Tuần, Lê 23:15, v.v.).

e) Lễ Lều tạm (Lê 23:33-43).

g) Lễ Thổi kèn (Lê 23:23-25).

h) Ngày Đại lễ Chuộc tội (Lê 23:26-32).

III. Về tính cách riêng của luật pháp.

Nguyên tắc chủ động cho toàn thể luật pháp Môi-se là Thần Quyền. Vì đây là điều khiển mọi công việc và tư tưởng của loài người hiệp với ý muốn của Đức Chúa Trời một cách trực tiếp và kịp thời. Bởi thế, không thể chỉ coi là một bộ luật, tức khuôn phép xử thế, được lập trên lẽ thật đã từng biết và quyền đã công nhận, song cũng phải coi là một sự khải thị về bổn tánh Đức Chúa Trời và cách Ngài giao thiệp với loài người. Song tính cách Thần Quyền của luật pháp cần phải nhờ lòng tin của Đức Chúa Trời, không phải chỉ là Đấng Tạo Hóa và Đấng Nâng đỡ thế gian, song nhờ giao ước riêng cũng là Đấng đứng đầu quốc dân Do-thái. Chúa thật là Vua được tỏ rõ là nền tảng của cả chính thể dân đó. Vì luật pháp Môi-se có Thần Quyền như thế, nên có thể giải đoán bốn điều sau nầy:

a) Ý luật pháp đối với chính trị dân Ngài.-- Luật pháp Môi-se lập nền tảng của chính sách mình, trước tiên là nhờ quyền độc nhứt của Đức Chúa Trời, kế đến là nhờ sự can thiệp của từng người với Đức Chúa Trời và bởi Đức Chúa Trời với đồng bào. Ấy là lẽ đạo thật rõ, vì dầu không trái với thuyết lý nào thường có, nhưng làm nền tảng cho hết cả.

b) Quyền bao gồm của Luật pháp.-- Vì luật pháp đến từ Đức Chúa Trời và dẫn con người trực tiếp đến Ngài nên tự nhiên có quyền cao cả độc nhứt vô hạn. Luật đó có quyền cao hơn những người cai trị vì họ chỉ là đại biểu Đức Chúa Trời nên luật pháp không chịu để họ thi hành quyền độc đoán nào. Cũng thế, luật pháp có quyền cao cả trên người bị cai trị, không nhận bản quyền nào tự cá nhân nghịch cùng hoặc hạn chế luật pháp. Luật đó điều khiển cả đời sống của một người Y-sơ-ra-ên. Công việc người được thưởng hay bị phạt theo một cách rất cẩn thận và nghiêm nhặt; lại hiệp với mẫu mực không phải của công hiệu song của giá trị đạo đức thật. Sự thờ phượng Chúa của người cũng chỉ định và dạy bảo bởi một lễ nghi sắp đặt cẩn thận và hằng có.

c) Những sự phạt tỏ ra quyền luật pháp.-- những sự thưởng phạt của luật pháp đều trực tiếp đến từ Thần quyền. Đối với việc cá nhân, thì thấy rằng những sự phạt thường từ người bề dưới, ít khi thấy ở người có chức tước; cũng vậy, giữa Y-sơ-ra-ên những sự phạt thường từ tay người, và có khi từ sự sắp đặt của Chúa. Điều này dễ hiểu, vì điều cốt yếu trên có liên quan với vấn đề: Ngũ kinh tỏ ra sự sống đời sau không? Phạm vi của luật pháp bởi người lập không thể sánh với phạm vi luật pháp Chúa lập bởi Môi-se, vì cớ sự giới hạn đó, sự phạt của luật pháp có khi trong đời nầy không đủ, nên còn phải nhờ đến sự báo ứng của sự công bình không dò được của Chúa sẽ hành động cách đặc biệt trong đời sau. Vậy dầu luật pháp Môi-se không chép trực tiếp về sự sống đời sau, nhưng xét kỹ thì thật có như vậy.

d) Tánh hạnh mà luật pháp dạy cho dân sự.-- Công hiệu của luật pháp rất quan trọng về tính cách Thần quyền của luật pháp là đặc tánh của sự tốt lành mà luật pháp dạy cho dân sự. Luật pháp Môi-se bắt đầu dạy sự tin kính là mục đích thứ nhứt, để dạy rất rõ sự thánh sạch là cần yếu cho những người, mà bởi sự hiệp một với Chúa, đã tìm lại được hi vọng của sự tốt lành thật; và coi sự công bình và tình yêu thương là công hiệu từ sự tin kính và sự thánh sạch kể trên không phải lập riêng. Sự khuyên bảo không phải nhờ đến thể diện của người, song nhờ đến sự thông công bắt buộc phải có với Đức Chúa Trời Thánh. Vậy, ý thứ nhứt phải phục tòng ý thứ nhì đó, và chừng nào giữ sự thông công với Chúa thì các bổn phận khác tự nhiên cứ giữ chỗ mình trong sự hòa hiệp đúng phép. Song trong sự thi hành luật pháp, ý riêng cá nhân và quốc dân về sự thánh khiết dần dần chiếm phần thắng hơn sự giao thông với Chúa, bởi thế sanh đặc tánh dân Do-thái vậy. Dầu vậy, chắc luật pháp Môi-se cốt ý gìn giữ sự sống biệt riêng của dân đó theo ý định của Chúa.

IV. Quan hệ với tương lai.-- Khi xem xét mối liên quan giữa luật pháp với tương lai, nên nhờ nguyên tắc chung ở trong Hêb 7:19; "Luật pháp không làm trọn chi hết". Nguyên tắc nầy sẽ được ứng dụng trong ba thứ bậc khác nhau, như sau nầy:

a) Lịch sử sau của dân Do-thái trước Đấng Christ giáng thế.

b) Lúc Chúa giáng thế.

c) Thời đại truyền Tin lành.

a) Trong thời kỳ sau lập luật pháp là chìa khóa để hiểu lịch sử của dân Do-thái. Dầu có khi dân sự bất tuân và quên luật, nhưng luật còn là mẫu mực dù dân sự cố ý bỏ nhưng cũng luôn luôn quay về. Bởi vậy, nhờ luật pháp mới có mọi sự gì đặc biệt trong tính cách cá nhân và quốc dân Do-thái. Ảnh hưởng trực tiếp của luật pháp có lẽ lớn nhứt là trong các đời trước khi lập quốc và sau khi làm phu tù tại Ba-by-lôn. Công việc cuối cùng của Giô-suê là lấy luật pháp làm hiến pháp sau khi dân Y-sơ-ra-ên đã chiếm lấy xứ Ca-na-an mà ở (Giô 24:24-27); và trong thời kỳ vô chính phủ của các Quan-xét, chỉ có luật pháp và Hội mạc mới là nơi trung tâm về sự hợp nhứt của quốc gia. Vì dân sự khó chịu như thế, thì đòi một vua lập nền quân chủ; cũng như có khi vì không nhịn nhục đủ thì chìm trong tội thờ hình tượng. Sau khi nước chia hai vua Giê-rô-bô-am và các người kế vị nước Y-sơ-ra-ên nhứt định từ bỏ nguyên tắc chủ động của luật pháp; ấy là khởi đầu cho sự suy đồi lần lần vào tội thờ hình tượng như người ngoại đạo. Trái lại, vì cớ bị phân chia, trong nước Do-thái thì giảm bớt sự sang trọng của vua, và tỏ ra rất cần một nguyên tắc để cho quyền lực cao hơn về phần vật chất của Y-sơ-ra-ên được dấy lên. Bởi đó, một lần nữa, luật pháp được thêm sự tôn trọng và ảnh hưởng. Sau khi Y-sơ-ra-ên từ phu tù về, luật pháp càng được thêm lên nữa.

Vì mất quyền độc lập và không có tiên tri, cả hai dẫn người Do-thái phải quay về nhờ một mình luật pháp vì ấy bảo toàn quốc gia và cũng dẫn đến lẽ thật cách chắc chắn. Sức lực phấn đấu với dân Sy-ri trong đời họ Macchabée là bởi lòng ưa thích luật pháp chớ không phải chỉ lòng ái quốc mà thôi. Vì thắng hơn dân Sy-ri và vì người Lê-vi cầm quyền, thì dân Do-thái ưa luật pháp càng hơn. Vậy luật pháp trở nên một ảnh hưởng lớn nắn nên tánh nết người Do-thái. Phe Pha-ri-si lợi dụng lòng ưa thích đó để mở rộng ảnh hưởng luật pháp hơn, đến nỗi trở nên như sự thờ hình tượng. Từ ảnh hưởng đó có hai phe đối kháng nhau:

1. Phe Pha-ri-si được lập để dạy sự yêu kính và hầu việc Đức Chúa Trời là cao trọng hơn và biệt lập khỏi luật pháp và sự hình phạt đó.

2. Phe Essenes thử dứt dây bó buộc của luật pháp chiếu lệ, và tỏ ra luật pháp dạy cách đầy đủ về sự tự do và tinh sạch.

b) Về luật pháp can thiệp với Chúa giáng thế, Phao-lô chép luật pháp là đầy tớ dẫn con đến Giáo sư thật là Đấng Christ (Ga 3:24); và "Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp" (Rô 10:4). Vì bổ trợ cho lời hứa Chúa, nên khi lời hứa được ứng nghiệm lúc Chúa giáng thế, luật pháp đã đạt tới mục đích rồi.

Có cần luật pháp để gìn giữ đức tin về Thần quyền của dân Do-thái. Sự ngăn trở lớn nhất của đức tin đó là dân sự khó thông hiểu sự hiện diện không thấy được của Đức Chúa Trời và nhận biết sự thông công với Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn, nhưng không chà nát và nuốt những vật thọ tạo hữu hạn. Song khi Đức Chúa Trời giáng thế thật trở nên một người thấy được thì sự khó đó không còn nữa.

Về mặt đạo đức, luật pháp tự mình tỏ ra là tạm thời và thiếu thốn. Luật pháp đã xưng rằng lẽ thật với sự tốt lành cầm quyền trên ý muốn người, và tự nhiên coi như trong người có thần để nhận biết quyền đó; song không làm gì thêm nữa. Vậy, luật pháp đã khám phá rằng có tội là trái với ý muốn của Đức Chúa Trời và bổn tánh loài người buổi ban đầu; song cũng tỏ ra sự phản đối cực điểm về quyền của tội trong lòng người từ khi sa ngã (Rô 7:7-25). Luật pháp can thiệp với Đấng Christ về phương diện hi sinh và tế lễ, xem bài Của hi sinh và bài Lễ chuộc tội.

c) Vấn đề thường tranh luận là: Luật pháp Môi-se bó buộc hoặc còn tồn tại trong thời đại truyền đạo Tin lành bao nhiêu? Trước Đấng Christ, luật pháp cũng không nên bao giờ được nhìn nhận là một cách để được xưng công bình và cứu chuộc; từ khi Chúa giáng thế càng không nên coi như vậy. Vấn đề còn lại là: dầu không nhờ để được cứu, nhưng tín đồ Đấng Christ còn bị bó buộc bởi luật pháp không? Ta đủ biết rõ, quyền bó buộc trước của luật pháp đã tận cùng khi thời đại Giu-đa mãn. Suốt cả luật pháp vẫn can thiệp với giao ước Chúa lập cùng dân Do-thái, và với hiến pháp, thói tục và cảnh ngộ riêng của dân đó. Giao ước đó đã dự bị cho giao ước mới của tín đồ Đấng Christ; những thói quen và cảnh ngộ đã qua rồi. Cho nên, bởi thế, sự bó buộc của luật pháp tự nhiên cũng đã qua rồi.

Vậy, lời Chúa phán: "Ta đến, không phải để phá luật pháp, song để làm cho trọn", và "một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được" (Mat 5:17-18), là nghĩa làm sao? Vả lại, vì lời đó Hội Thánh Đấng Christ tôn trọng luật pháp, và luật pháp đó vẫn có ảnh hưởng lớn trên những vấn đề của tôn giáo Đấng Christ, cắt nghĩa thế nào? Sự dường như mâu thuẫn đó được giải nghĩa bởi sự khác nhau giữa quyền ép buộc và quyền đạo đức của luật pháp. Vậy, cần phải chú ý khảo cứu mới phân biệt phần địa phương và tạm thời của luật pháp với phần phổ thông, và phần hình thức với phần cốt yếu của từng mạng lịnh.

Tiến sĩ Scofield chú thích về luật pháp như sau nầy:

Xuất 18:19.-- Vì thấy Môi-se xét đoán dân sự thật khó nhọc quá nên đây Giê-trô khuyên Môi-se nên tổ chức việc xét đoán trong dân. Giê-hô-va không nhận biết sự tổ chức theo sự khôn ngoan thế gian nầy, song lập sự trật tự riêng Ngài thay thế cho. Xem Dân 11:14-17.

Xuất 19:1.-- Tại núi Si-na-i, Y-sơ-ra-ên học những bài:

1. Về sự thánh khiết của Đức Giê-hô-va bởi các điều răn.

2. Về tội lỗi và sự yếu đuối mình bởi khuyết điểm.

3. Và về sự tốt lành Ngài bởi sắm sẵn chức tế lễ và của hi sinh.

Tín đồ học bởi sự từng trải Rô 7:7-24 điều Y-sơ-ra-ên đã học tại núi Si-na-i. Khi đọc phần Xuất 19:1--50:1- phải nhờ sự sáng của Rô 3:19-26; 7:7-24; Ga 4:1-3; Ga 3:6-25 giải nghĩa sự can thiệp của luật pháp với giao ước Chúa lập cùng Áp-ra-ham:

1. Luật pháp không thể hủy trọn giao ước đó.

2. Luật pháp "đã đặt thêm" để làm cho người biết tội.

3. Luật pháp là người dẫn con trẻ đến Đấng Christ.

4. Luật pháp chỉ là một qui củ "cho tới chừng nào người dòng dõi đến".

Xuất 19:3. Cần được nhận xét như sau:

1. Đức Giê-hô-va nhắc cho dân sự nhớ từ trước đến nay đã được hưởng ân điển tự do của Ngài.

2. Luật pháp không phải ban bố để cho được sự sống, song là một phương pháp để Y-sơ-ra-ên có thể trở nên "cơ nghiệp riêng của Ngài" (Thi 135:4), và "một nước thầy tế lễ" (Xuất 19:6).

3. Luật pháp không bắt buộc cho đến khi ban bố và dân sự đã tình nguyện tiếp nhận. Ga 5:1-4 cắt nghĩa rõ nguyên lý đó.

Xuất 19:5.-- So với IIPhi 2:9; Khải 1:6; 5:10. Điều gì theo luật là một điều kiện, theo ân điển là điều ban cho mỗi tín đồ cách nhưng không. Chữ "nếu" (câu 5) là thể yếu của luật pháp theo phương cách Chúa giao thiệp với người, và là lý cớ cốt yếu "luật pháp không làm trọn chi hết" (Rô 8:3; Hêb 7:18-19). Giao ước với Áp-ra-ham (Sáng 15:18), và Giao Ước Mới (Hêb 8:8-12) đều bảo lãnh sự cứu rỗi vì chỉ có một điều kiện tức là đức tin.

Xuất 19:8.-- Thời đại thứ năm là Luật pháp. Thời đại nầy hạn dài từ núi Si-na-i đến chỗ Sọ, tức từ Ê-díp-tô cho đến thập tự. Sử ký Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng và trong xứ Ca-na-an là một bài dài thuật những sự phạm luật pháp. Chúa dùng luật pháp thử dân sự cho đến khi họ bị đoán phạt làm phu tù, song chính thời đại luật pháp mới tận cùng nơi thập tự.

1. Địa vị của Y-sơ-ra-ên lúc mới lập luật pháp (Xuất 19:1-4).

2. Trách nhiệm (Xuất 19:5-6; Rô 10:5).

3. Khuyết điểm (IICác 17:7-17, 19; Công 2:22-23).

4. Sự đoán phạt (IICác 17:1-6, 20; 25:1-11; Lu 21:20-24).

Xuất 20:4.-- Có ba lần luật pháp được ban cho. Thứ nhứt, bằng lời phán trong Xuất 20:1-17. Đây là luật pháp thuần túy, không có sắm sẵn chức tế lễ và của hy sinh để tha sự phạm phép, và theo sau có những sự "đoán phạt" (Xuất 21:1-23:13) chép về các sự giao thiệp giữa người Hê-bơ-rơ với nhau; thêm vào đó (Xuất 23:14-19) có chỉ dẫn phải giữ ba lễ trọng hằng năm, và những sự phải làm để chiếm lấy xứ Ca-na-an (Xuất 23:20-33). Những lời nầy Môi-se thông cáo cho dân sự (Xuất 24:3-8). Ngay lúc đó, nhờ các trưởng lão, dân sự được phép thông công với Đức Chúa Trời (Xuất 24:9-11). Thứ hai, Môi-se được gọi lên để nhận lãnh hai bảng luật bằng đá (Xuất 24:12-18). Sự tích kế đó chia ra. Môi-se trên núi nhận các sự dạy dỗ đầy ơn về Đền tạm, chức tế lễ, và của hy sinh (Xuất 25:1--31:1-). Trong lúc đó (Xuất 32:1-) dân sự theo A-rôn dẫn dắt, phạm điều răn thứ nhứt. Môi-se trở về thấy vậy, đập hai bảng "bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra" (Xuất 31:18; 32:16-19). Thứ ba, hai bảng thứ hai được làm lại, và Môi-se ghi chép luật pháp trong sự hiện diện của Đức Giê-hô-va (