Loài thú\ Beast. Bête.

1. Loài có vú, không phải người, khác hẳn với chim trời hay vật bò sát (Sáng 1:29, 30). Phải phân biệt ác thú với gia súc (Lê 26:22; Ês 13:21, 22; 34:14; Giê 50:39; Mác 1:13).

2. Loài vật nào kém người, gồm cả loài bò sát và chim như phân biệt với người (Thi 147:9; Truyền 3:19; Công 28:5). Theo nghĩa nầy, có sự phân biệt bởi luật pháp Môi-se giữa loài vật sạch và không sạch theo lễ nghi.

3. Nghĩa bóng chỉ về quyền phép hung dữ phá hại. Có bốn đế quốc kế tiếp nhau khởi đầu với Ba-by-lôn, được tả bóng như vậy trong Đa 7:1-. Bốn con thú lẫn lộn lại thành một loài yêu quái, chỉ về quyền lực của thế gian trong Khải 13:1-10, và chỗ ở của nó từ Ba-by-lôn sang La-mã, 17:3-18. Con thú có những sừng chiên chỉ về lời tiên tri giả (13:11-18), ấy là con thú hay cắn xé đội lốt chiên. Những thú trong Khải 4:6-9 được dịch là những "sanh vật."

Tiến sĩ Scofield chú thích về Con Thú như sau nầy:

Đa 11:25.-- Đây phương diện tiên tri đã vạch rõ lịch sử của hai phần đế quốc Alecxandre có liên quan với xứ Pha-lê-tin và người Do-thái tức là Sy-ri và Ai-cập, cho đến thời của Antiochus Épiphanes và đã mô tả công trạng người, thì vượt qua các thế kỷ đến "thời kỳ cuối cùng, " khi người mà Antiochus Épiphanes làm hình bóng, là "sừng nhỏ" của Đa 7:8, là "Con thú từ biển lên" của Khải 13:4-10, sẽ hiện ra (so Đa 7:8, lời chua). Lời tiên tri không lo về lịch sử, song chỉ lo về lịch sử liên quan với Y-sơ-ra-ên và Xứ Thánh. Antiochus Épiphanes so sánh với các vĩ nhân trong lịch sử mà Kinh Thánh nói đến thì không giá trị gì, song người này đã áp chế dân sự của giao ước và làm ô uế Đền thờ Đức Chúa Trời, bởi thế lời tiên tri lấy làm quan trọng. Từ câu 36 "sừng nhỏ" của Đa 7:8, 24-26 là rất quan trọng. Sự thịnh vượng của sừng đó còn lại "cho đến khi cơn thạnh nộ Chúa được trọn" (câu 36), tức "tai nạn" của Đa 12:1 và Mat 24:21. Những việc đó đi đôi với Khải 17:10-14; 19:19-21. Câu 37-45 chép những chi tiết không nói đến trong Tân Ước. Có người cho rằng danh từ "thần của tổ phụ mình" (câu 37) tỏ rằng "vua" là người Do-thái bội đạo, song điều ấy không hiệp với Đa 9:26 đã được ứng nghiệm bởi các cơ binh dân ngoại của La-mã. "Sừng nhỏ" là một người bội đạo song từ đạo Đấng Christ không phải từ đạo Do-thái (So IGiăng 2:18, 19). Câu 38-45 mô tả công trạng người. Vì lấy "thần của các đồn lũy" (tức năng lực cõi thiên nhiên) thế cho Đức Chúa Trời thật (câu 38, 39), thì người chẳng bao lâu tự tôn mình lên như thần đó (so IITê 2:3, 4). Trong thời gian còn lại, người cứ chinh chiến không ai ngăn được (câu 40-44). Người lập cung điện mình tại Giê-ru-sa-lem, có lẽ vào thời mà người hành động sự vô đạo, phạm thượng đã đến tột bậc (Đa 9:27; 12:11; Mat 24:15; IITê 2:4). Từ thời ky đó khởi đầu cơn đại nạn (Đa 12:1; Mat 24:21). Cứ tiếp tục trong nửa phần cuối tuần lễ thứ 70 của Đa-ni-ên; tức 3 năm rưỡi (Đa 7:25; 12:7, 11; Khải 13:5). Xem Khải 19:20, lời chua.

Khải 13:1.-- Đế quốc thứ tư của Đa-ni-ên. Xem bài Khải Huyền.

Xa 11:15.-- Đây lời trưng dẫn về Con Thú là rất rõ; không có nhân vật của tiên tri khác có thể hiệp với sự mô tả nầy. Đấng nhân danh Cha mình mà đến bị chối bỏ; nên chỉ có thể là một người nhân danh chính mình mà đến (Giăng 5:43; Khải 13:4-8).

Đa 7:8.-- Hình bóng của Con Thú. Xem bài La-mã.

Khải 19:20.-- Con Thú. Tóm tắt: "Con Thú" nầy là "sừng nhỏ" của Đa 7:24-26, và "kẻ hủy phá" Đa 9:27, "Sự gớm ghiếc tàn nát" của Mat 24:15; "Người tội ác" của IITê 2:4-8; người tàn ác rất gớm ghê cuối cùng trên đất, đồ dùng hung dữ của sự giận dữ, sự ghen ghét của Sa-tan nghịch cùng Đức Chúa Trời và các thánh đồ. Người đó có lẽ là một với người cỡi ngựa bạch của Khải 6:2, bắt đầu chiến thắng cách bình an ba trong số mười nước mà Đế quốc La-mã bấy giờ sẽ bị chia ra song chẳng bao lâu lập nên sự tàn bạo và chính phủ mô tả trong Đa 7:1-; 9:1-; 11:1-; Khải 13:1-. Sa-tan cho người đó quyền phép mà nó đã đề nghị hiến cho Đấng Christ (Mat 4:8, 9; Khải 13:4). Xem bài "Cơn Đại Nạn, " Thi 2:5; Khải 7:14, lời chua.