Lịch sử\ Biblical history. Histoire Biblique (theo Kinh Thánh).

Lịch sử theo Kinh Thánh là những biến động chép ở đó để làm nền tảng cho phần đạo lý của Kinh Thánh (so Mác 10:2-9; Rô 15:4; ICôr 10:11). Lịch sử Kinh Thánh có thể chia làm bốn phần:

I. Chép về cuộc tạo thành vũ trụ.-- Bày tỏ sự can thiệp Đức Chúa Trời với thế gian, và dẫn lịch sử loài người vào (Sáng 1:1-2:3). Cũng xem bài "Dựng nên trời đất" và bài "Sa-bát". Lẽ đạo lớn là Đức Chúa Trời tức Đấng Tạo Hóa và Chúa muôn vật. Ấy trái với phái vô thần (athéisme) và phái duy vật (matérialisme). Vì tỏ ra Đức Chúa Trời có ngôi vị và toàn năng, nên Ngài tỏ mình ra cách siêu phàm trong lịch sử loài người như vậy là phải lẽ.

II. Tóm tắt lịch sử loài người, tỏ ra sự can thiệp Đức Chúa Trời với người, và dẫn lịch sử tuyển dân vào (Sáng 2:4-11:26). Những biến động trong cuộc nầy hầu hết được người ta chứng kiến nên có thể truyền lại. Từ nước lụt chia giai đoạn nầy làm hai phần, tức mười đời trước nước lụt kể từ đời A-đam đến hết đời Nô-ê; và mười đời từ Sem đến hết đời Áp-ra-ham (5:1-; 11:10-26). Trước nước lụt chép Chúa lập giao ước với A-đam, song loài người bội ước không vâng phục, cứ sa vào tội nên bị hình phạt bằng cơn nước lụt, chỉ gia đình Nô-ê được cứu. Sau nước lụt Chúa lập giao ước mới không điều kiện với Nô-ê, cũng ban mạng lịnh mới; loài người thêm nhiều, tự lập không chịu nhờ Chúa nên tháp Ba-bên bị Chúa phạt làm lộn xộn tiếng nói và tan lạc. Có chép gia phổ dòng Sết và Sem đến Áp-ra-ham, tỏ rõ nguyên gốc chung với các chi họ trên thế gian.

Những sự kể trên xảy ra trong khu vực hai sông Hi-đê-ke (Tigre) và Ơ-phơ-rát, nay là Mê-sô-bô-ta-mi (Sáng 2:14; 8:4; 10:10; 11:2, 28). Từ nơi trung tâm đó, loài người tản lạc khắp bốn phương, nhứt là về hướng Đông và Tây Nam vì không bị phong tỏa bởi các núi lớn. Gần hết giai đoạn nầy, dân ở trên thế gian lan rộng từ Lý-hải (Mer Caspienne), núi Ê-lam và vịnh Ba-tư về phía Đông, đến các cù lao Hy-lạp và bờ đối ngang Địa-trung-hải về phía Tây, và từ miền lân cận Hắc hải (mer Noire) về phía Bắc đến biển A-ra-bi phía Nam.

Thời gian từ A-đam cho đến Áp-ra-ham tính rất ít là 1.946 năm, song có thể lâu hơn nhiều. Xem bài Niên hiệu. Thời kỳ nầy tuyệt nhiên không có phép lạ; Chúa có hiện ra dầu hiếm lắm (Sáng 3:8, v.v...), song rất là quan trọng trong lịch sử khải thị.

Trong giai đoạn nầy, loài người tiến bộ trên đường văn minh. Chúa dựng nên người có tài năng, và truyền cho quản trị muôn vật. Loài người tiến từ địa vị không y phục, qua kỳ mặc áo lá và da (2:25; 3:7, 21), đến mặc vải dệt ra; từ thực phẩm là hoa quả tự mọc lên đến ăn thổ sản được bởi sự cày cấy và chăn nuôi (1:29; 4:2); từ những cơ sở không chắc đến các lều trại dời đây đó, các nhà lâu bền (4:17, 20), và các thành thị xây bằng gạch (11:3-4); từ gia đình đến các chi phái và lập nước (10:10); từ không dụng cụ đến chế ra các đồ dùng bằng kim khi và các nhạc khí (4:21-22). Trong giai đoạn nầy, về ngôn ngữ chỉ một tiếng đơn sơ trở nên các thổ ngữ và tiếng khác nhau (10:5; 11:1, 6, 9). Người nhận biết bổn phận mình phải đồng đi với Đức Chúa Trời, sống một đời thánh khiết (3:2, 3, 10; 4:7; 5:22; 6:9); phân biệt thú vật tinh sạch với không tinh sạch (7:2; 8:20); lập bàn thờ thờ phượng Chúa bởi của lễ có huyết và không huyết (4:3-4; 8:20); và cầu nguyện xưng Đức Chúa Trời là Đức Giê-hô-va (4:26). Song sự thờ lạy Chúa có suy đồi (6:2, 5), và sự thờ hình tượng càng lan rộng (Giô 24:2). Xem các bài: Sáng thế ký, Ê-đen, A-đam, Sa-tan, Con rắn, A-bên, Ca-in, Hê-nóc, Nước lụt, Nô-ê, Ba-bên.

III. Lịch sử tuyển dân, tỏ ra cách Đức Chúa Trời đối xử với dân đó, và sửa soạn cho Đấng Christ giáng thế. Từ Sáng 11:27 đến hết Cựu Ước. Giai đoạn nầy khác hẳn với giai đoạn trước vì nơi trung tâm trước kia là từ trũng sông Tigre và Ơ-phơ-rát đã dời đến xứ Ca-na-an sau là Pha-lê-tin. Giai đoạn nầy nằm trong khoảng thời gian bắt đầu từ Áp-ra-ham sanh ra đến Chúa giáng thế, theo Ussher tính là 1.996 năm, song chưa chắc đã đúng.

Khởi đầu giai đoạn nầy và mấy lần sau, trừ lối Chúa thường tỏ mình ra cho người tiên tri, Ngài cũng hiển hiện (théophanie). Giai đoạn nầy gồm ba trong bốn kỳ phép lạ lớn: khi Chúa giải phóng tuyển dân khỏi xứ Ai-cập và cho kiều ngụ ở xứ Ca-na-an nhờ Môi-se và Giô-suê dẫn dắt; khi dân sự trung tín giữ đức tin đến chết giữa sự thờ Đức Giê-hô-va và Ba-anh trong thời Ê-li và Ê-li-sê; và khi tuyển dân làm phu tù tại xứ Ba-by-lôn: Ba kỳ phép lạ nầy cách quãng nhau hằng mấy thế kỷ, và trong các khoảng đó, rất hiếm phép lạ.

Giai đoạn lịch sử nầy có thể chia làm nhiều phần căn cứ vào các bước phát triển của tuyển dân Ngài.

1. Một họ hàng trong xứ Ca-na-an biệt lập với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Các tổ phụ vừa làm thầy tế lễ vừa có trách nhiệm cai trị. Cứ xem bài Áp-ra-ham, Chiêm Bao, Hiện Thấy, Théophanie, Mên-chi-xê-đéc, Y-sác, Gia-cốp.

2. Một dân gồm 12 chi phái làm tôi mọi ở xứ Ai-cập lâu năm. Cứ xem bài Ê-díp-tô, Phép lạ, Xuất Ê-díp-tô ký, Ma-ra, Ma-na, Chim cút, Rê-phi-đim.

3. Một dân tộc được độc lập tại núi Si-na-i. Khi nhận giao ước Chúa và lấy luật pháp làm điều lệ, Y-sơ-ra-ên trở nên một dân tộc. Đức Giê-hô-va là Vua, từ đó Ngài ở trong Đền Tạm giữa dân sự, tỏ ý chỉ Ngài cho tiên tri và thầy tế lễ; và bởi những điều luật Ngài tỏ ra, những án Ngài tuyên bố, và những người Ngài cắt cử, thì Ngài thi hành quyền lập pháp, tư pháp và hành chính. Nay dân tộc là:

a) Mười hai chi phái có tình anh em liên lạc với nhau, nhờ luật lệ Chúa đã lập và có một nơi thánh chung (Xuất 19:1--ISa 7:1-). Thầy tế lễ thượng phẩm là tộc trưởng, có tiên tri và thỉnh thoảng những kẻ dắt dẫn giúp đỡ như Môi-se, v.v.... Xem bài Si-na-i, Théocratie, Hội mạc, Trại quân, Lê-vi ký.

Bỏ núi Si-na-i, dân Y-sơ-ra-ên đến ngụ tại Ca-đe; vì thiếu đức tin quanh quẩn trong đồng vắng 38 năm nữa. Xem bài Dân số ký, Đồng vắng, Cô-rê. Họ đi vòng quanh xứ Ê-đôm và qua sông Giô-đanh ở đầu trũng Ạt-nôn. Sau họ xâm chiếm miền Đông sông Giô-đanh. Xem bài Si-hôn. Óc. Trại quân họ đóng ở trũng sông Giô-đanh. Xem bài Si-tim, Ba-la-am, Ba-anh Phê-ô, Ma-đi-an, Phục truyền luật lệ ký. Khi Môi-se chết, Y-sơ-ra-ên qua sông Giô-đanh, chiếm lấy xứ Ca-na-an. Giô-suê qua đời tại xứ đó, và từng hồi có 15 người kế tiếp, dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên chống với kẻ thù và cai trị dân mình. Xem bài Giô-suê, Ca-na-an, Si-lô, Các quan xét, ISa-mu-ên, IISa-mu-ên. Trong kỳ các quan xét có lực lượng hiệp một hành động giữa dân sự, dường như quốc gia thành lập và đôi khi tỏ sức mạnh song có khi dân sự bị chia rẽ bởi lòng ghen tương và ích kỷ. Dầu vậy, cũng có mấy gương sáng về tin kính, song đi đôi có cảnh tượng một dân sự dễ bị cám dỗ thờ hình tượng. Ngay lúc bắt đầu cuộc nầy, tại Ca-đe dân sự tỏ ra thiếu đức tin; sau Cô-rê cùng phe mình phản loạn nghịch cùng chức tế lễ của A-rôn và quyền chính trị tối cao của Môi-se, vì thế các chi phái ghen ghét nhau; và dân sự sa vào chước cám dỗ của Ba-an Phê-ô tỏ ra sẵn sàng sa vào tội thờ hình tượng. Hai nhược điểm về chính trị trong cuộc nầy là Giô-suê kết ước cùng Ga-ba-ôn, và Y-sơ-ra-ên không chiếm cứ thành Giê-ru-sa-lem. Những sự sai lầm và khuyết điểm đó có kết quả lâu dài trong lịch sử Y-sơ-ra-ên.

b) Một nước quân chủ gồm 12 chi phái. Dầu yếu đuối như kể trên, nhưng vì các dân tộc xung quanh ngăm đe, nên Y-sơ-ra-ên thấy rất cần tổ chức, lập một chính phủ mạnh, và một người chỉ huy quân đội. Sa-mu-ên đã già yếu, dân không nhờ Chúa liệu sẵn, song đòi một vua riêng cho mình thay cho các quan xét mà trước Chúa thường dấy lên. Sau-lơ làm vua thứ nhứt, song từ khi sanh lòng kiêu ngạo và cướp quyền thầy tế lễ và tiên tri, thì Chúa cất nước khỏi nhà người. Vì Sau-lơ cố ý trái với mạng lịnh Chúa, Ngài chối bỏ người và chọn Đa-vít làm vua. Xem I, IISa-mu-ên, Sau-lơ, Đa-vít. Sau bảy năm dấy loạn, mười chi phái mới hiệp lại dưới quyền Đa-vít, chiếm lấy Giê-ru-sa-lem khỏi tay người Giê-bu-sít và lập làm kinh đô tôn giáo và chính phủ, bởi sự chiếm lấy địa giới lan rộng ra cho đến phía Đông bắc Đa-mách, và cũng cử người cai trị xứ Ê-đôm. Xem bài Giê-ru-sa-lem. Sa-lô-môn kế vị Đa-vít, xây cất Đền thờ và trang hoàng Giê-ru-sa-lem đẹp hơn và thêm đồn lũy, và làm nổi danh Y-sơ-ra-ên. Sa-lô-môn đánh thuế nặng, dân sự phẩn uất. Khi Rô-bô-am lên kế vị, đánh thuế càng nặng hơn nên mười hai chi phái dấy loạn cùng nhà Đa-vít. Xem bài Sa-lô-môn, Rô-bô-am và Y-sơ-ra-ên.

c) Một nước quân chủ gồm phần lớn là chi phái Giu-đa, ấy vì mười chi phái dấy loạn lập một nước bội đạo ở phía Bắc. Xem bài Y-sơ-ra-ên để biết duyên cớ. Nước Giu-đa mạnh hơn: vì có vật chất giàu, có Kinh đô, có chính phủ tổ chức, và có sự thờ phượng mà dân sự đã quen. Về đạo đức cũng mạnh hơn: vì họ biết giữ dòng vua chính, sự thờ phượng thật có ảnh hưởng lớn trên họ, có ý trung thành với Đức Giê-hô-va, và có dòng vua tin kính hơn. Cũng có Đức Giê-hô-va coi sóc, là đã bảo tồn sự hiểu biết và sự thờ phượng Ngài giữa loài người, và bởi thế đang dọn đường cho Đấng Mê-si.

Trong giai đoạn nầy, lịch sử tôn giáo nước Giu-đa tỏ ra có sự suy đồi trong đời Rô-bô-am (ICác 14:22); trong đời A-bi-giam, con trai người (15:3); trong đời Giô-ram và A-cha-xia nữa (IICác 8:27). Duyên cớ là vì Sa-lô-môn đem sự bội đạo vào xứ lúc cưới những vợ ngoại bang là người thờ lạy hình tượng. Như mẹ của Rô-bô-am là một người Am-môn mà Sa-lô-môn xây một nơi cao thờ thần Minh-côm. Giô-ram là rể A-háp và Giê-sa-bên. Mỗi cuộc suy tàn đó lại có một cuộc cải cách theo sau: thứ nhứt nhằm đời vua Giô-ách. Giô-ách sau cũng lìa bỏ Chúa, nên cần một cuộc phục hưng nữa; song thay vào đó, vì cớ ảnh hưởng xấu của vua A-cha lại có cuộc thờ hình tượng.

Bấy giờ, người A-sy-ri bắt đầu xâm lấn trên người Hê-bơ-rơ. Vì nước chia rẽ, đã bại hoại về đạo, nên không thể phòng giữ được; và trong đời A-háp, người A-sy-ri, bắt đầu tiến quân vào xứ đến nỗi lật đổ nước phía Bắc. Xem bài Y-sơ-ra-ên, Sa-ma-ri, Sa-gôn.

d) Chỉ nước quân chủ Giu-đa còn đứng. Nay đến nước phía Nam cũng bị người A-sy-ri tiến đánh, và sau đó có người Ba-by-lôn tiếp đánh. Xem bài Ê-xê-chia, San-chê-ríp, Ma-na-se, Nê-bu-cát-nết-sa. Dầu có tiên tri lớn như Ê-sai, Giê-rê-mi và Mi-chê hành chức để dẫn dân sự biết lẽ thật, nhưng dân sự cứ suy đồi về đạo. Trừ Ê-xê-chia và Giô-si-a, các vua không bền đỗ trung tín với Đức Giê-hô-va, và dân sự cũng vậy. Có một phe trước trong đời A-cha đắc thắng cứ thờ hình tượng. Vì đã ăn sâu vào tâm trí dân sự, nên sự cải cách của mấy vua về sự thờ hình tượng chỉ bề ngoài, tạm thời thôi. Người thờ tượng ngoại bang cũng nhập vào xứ nữa. Vậy, quốc dân trôi đến sự bại vong. Trong khoảng 20 năm, đạo binh Nê-bu-cát-nết-sa mấy lần xông vào Giê-ru-sa-lem và bắt người Do-thái qua Ba-by-lôn làm phu tù, và Giê-ru-sa-lem bị chiếm rồi bị thiêu vào khoảng năm 587 T.C.. Chính vì không biết giữ những thành phần tinh nhuệ nhất của quốc gia và cứ ở dưới bóng Đấng Chí Cao, nên dân Hê-bơ-rơ đã sa ngã vậy. Xem bài Giu-đa.

4. Một dân chịu bắt phục. a) Do-thái trong kỳ làm phu tù tại Ba-by-lôn. Xem bài Phu Tù.

b) Do-thái trong xứ Pha-lê-tin. Năm thứ nhứt trong đời trị vì của Si-ru tại Ba-by-lôn, 538 T.C., vua ra chiếu chỉ cho phép người Do-thái trở về xứ Pha-lê-tin lập lại Đền thờ. Có 43.000 người cùng về với Xô-rô-ba-bên.

(a) Bấy giờ xứ Giu-đa là một tỉnh thuộc đế quốc Ba-tư một nhược tỉnh "Bên kia sông", và trải qua 200 năm như vậy. Hai lần Ba-tư chiều lòng dân Do-thái mà cắt cử tổng đốc đồng xứ. Xem bài Xô-rô-ba-bên và Nê-hê-mi. Phần lớn thời kỳ nầy, quan chức Ba-tư "Bên kia sông" sắp đặt các việc công dân, cử người cai trị dân Do-thái, song để thầy tế lễ thượng phẩm cai trị trong địa phương đến nỗi lần lần được coi như là lãnh tụ của tôn giáo và chính trị.

Khi từ phu tù về, tức thì người Do-thái đặt móng Đền thờ. Hai tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri được giục lòng mạnh mẽ, mặc dầu có sự ngăn trở và phản kháng. Đền thờ cất xong năm 515 T.C. Nê-hê-mi được phép vua Ạt-ta-xét-xe năm 445 T.C. trông nom việc xây vách thành Giê-ru-sa-lem. Xem bài Giê-ru-sa-lem. Đồng thời, E-xơ-ra, thầy tế lễ, cũng ở trong thành, sốt sắng khuyên dạy luật Ngài, để cho tôn giáo được dấy lên và trong sạch. Xem bài E-xơ-ra và Kinh Thánh Công nhận. Năm 365 T.C. có hai anh em tranh cạnh nhau về chức vị thầy tế lễ thượng phẩm, đến nỗi người nọ giết người kia trong địa giới Đền thờ. Bởi đó, Bagoses thống lãnh đạo binh Ạt-ta-xét-xe Mnemon vào Đền thờ. Năm 334 T.C. Alexandre ở Ma-xê-đoan, vượt qua Hellespont (Dardanelels) đánh đuổi các quan chức Ba-tư, cứ tiến quân và năm sau thắng trận, hoàng đế Ba-tư là Đa-ri-út Codomannus ở Issus, một đường hẹp gần góc Đông Bắc Địa-trung-hải, đặt xứ Sy-ri dưới chân, mà vào thành Giê-ru-sa-lem. Sau một cuộc xâm lấn hầu tiếp tục, mở rộng bờ cõi phía Đông đến Punjab (Ấn Độ), Alexandre qua đời tại thành Ba-by-lôn 323 T.C.. Xem bài Alexandre.

(b) Xứ Giu-đê phục Ai-cập. Khi Alexandre băng hà, xứ Pha-lê-tin sa vào tay người Sy-ri, song Ptolémée Soter chiếm lấy năm 320 T.C., và dòng Ptolémée cứ giữ đến năm 198 T.C.. Năm đó, vì cớ sự ức hiếp người Giu-đa trốn đến cầu cứu Antiochus Lớn: Xem bài Ptolémée. Trong 122 năm đó, đầu phục xứ Ai-cập, nhưng có thầy tế lễ thượng phẩm cai trị. Vào thời nầy Kinh Thánh Cựu Ước Hê-bơ-rơ được dịch ra tiếng Hy-lạp tại thành Alexandre, xứ Ai-cập. Xem bài Kinh Thánh, Các bản cổ.

(c) Xứ Giu-đê phục Sy-ri. Antiochus Lớn chiếm Pha-lê-tin khỏi tay người Ai-cập, năm 198 T.C.. Người Sy-ri chẳng những giúp dân Hy-lạp bằng cách đồng hóa dân Do-thái với người Hy-lạp mà còn bắt họ thờ hình tượng nữa. Một số dân Do-thái tin kính, không chịu sự ức hiếp của người Sy-ri, nên theo họ Macchabées nổi loạn năm 166 T.C.. Xem bài Antiochus.

Nhờ họ Macchabées, dòng thầy tế lễ kiêm chức vua, có một thời dân Do-thái độc lập. Xem bài Macchabées. Thời đó từ 166 T.C., cho đến khi hoàng đế La-mã, Pompée, chiếm lấy Giê-ru-sa-lem năm 63 T.C.; song họ Macchabées được phép giữ ngôi cho đến 40 T.C. là năm Hê-rốt Lớn được Nghị viện La-mã cử làm vua xứ Giu-đê. Hê-rốt thật bắt đầu trị vì khi thành Giê-ru-sa-lem bị chiếm 37 T.C.. Trong thời nầy, người Pha-ri-si và Sa-đu-sê trở nên hai phái có tiếng, có ảnh hưởng lớn về chính trị và tôn giáo. Xem bài Pha-ri-si, Sa-đu-sê, Tòa Công luận.

(d) Xứ Giu-đê phục La-mã. Trong cuộc nầy, đế quốc La-mã cử những người cai trị xứ Giu-đê; trước là Hê-rốt Lớn, kế đến A-chê-la-u, và sau các quan tổng đốc, trừ 41-44 S.C. khi Hê-rốt Ạc-ríp-ba I làm vua chư hầu. Xem bài Giu-đê, Hê-rốt, Tổng đốc. Chính thể nhu nhược của những quan chức đó xui giục dân phẩn khích và nổi loạn. Vậy, từ 66 đến 70 S.C. vẫn có chiến tranh gay go cho đến Giê-ru-sa-lem bị phá. Dân Do-thái còn sót lại ở xứ Pha-lê-tin không có phép đến kinh thành nữa, và quốc gia không còn. Trong khi người Do-thái còn đang là một nước dưới quyền đế quốc La-mã trong đời Hê-rốt làm vua, Jêsus ở Na-xa-rét sanh ra tại Bết-lê-hem và một cuộc mới trong lịch sử Kinh Thánh bắt đầu.

IV. Lịch sử lập Hội Thánh Đấng Christ.

1. Đấng Christ bởi gương sáng, sự dạy dỗ về việc cứu chuộc lập Hội Thánh để hết thảy mọi dân tộc thế gian được cứu. Xem bài Jêsus, Tin lành, Sứ đồ.

2. Hội Thánh giữa dân Do-thái. Đấng Christ phục sanh, trước khi lên trời lập Hội Thánh. Mười ngày sau, đến ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Linh đã hứa được ban xuống, và công việc Hội Thánh khai trương bởi bài giảng của Phi-e-rơ, thêm số tín đồ, và lễ Báp-têm. Xem bài Lễ Ngũ Tuần, Thánh Linh, Lưỡi, Báp-têm, Hội Thánh. Trong vài năm sau, có lẽ 6 năm, Hội Thánh gặp sự khó vì tín đồ yếu đuối và sự bắt bớ, nhưng đạo đã trở nên trong sạch và số tín đồ thêm lên. Xem bài A-na-nia, Chấp sự, Ê-tiên. Khi Ê-tiên tử vì đạo, sự bắt bớ làm tín đồ tan lạc, và khởi sự truyền Tin lành cho người Do-thái trong xứ Pha-lê-tin và Sy-ri. Vậy, Tin lành tràn đến xứ Sa-ma-ri và các thành trên bờ Địa-trung-hải từ Ga-xa đến Sê-sa-rê. Xem bài Phi-líp. Sau-lơ đi lên đường về thành Đa-mách để bắt bớ tín đồ Do-thái tại đó, song ông đã trở lại đạo và được Chúa dùng để làm Sứ đồ cho dân ngoại. Sự hiện thấy của Phi-e-rơ tại Giốp-bê, Cọt-nây trở lại đạo và chịu báp-têm bằng Đức Thánh Linh, hai điều đó mở mắt Hội Thánh về lẽ thật: Đức Thánh Linh ban cho hết thảy các tín đồ bất cứ người Do-thái hay người Hy-lạp. Xem bài Cọt-nây. Tại An-ti-ốt, những tín đồ Do-thái bị đuổi từ Giê-ru-sa-lem bởi sự bắt bớ lúc Ê-tiên chết, bắt đầu giảng về Jêsus cho người Hy-lạp nữa (Công 11:20), vàbây giờ tín đồ Đấng Christ được gọi là Cơ-rê-tiên, không phải tín giáo Do-thái nữa. Khi ấy Hội Thánh nhận trách nhiệm giảng đạo cho dân ngoại, biết lẽ thật: trước mặt Chúa ai nấy như nhau, thì một người được lập lên để giảng cho người ngoại; vậy việc đầu tiên của Hội Thánh đã bắt đầu rồi.

3. Hội Thánh giữa người Do-thái và người ngoại. Phao-lô và Ba-na-ba được Đức Thánh Linh sai đi khởi sự truyền đạo cho người Do-thái và người ngoại ở xứ Tiểu A-si. Hội nghị thành Giê-ru-sa-lem quyết định lập sự tự do cho tín đồ ngoại bang không cần phải chịu cắt bì và theo luật lệ Môi-se, chỉ bắt buộc thực hiện các bổn phận về đạo đức, cần nói rõ vì cớ quan niệm công chứng. Các quyền lợi tín đồ ngoại bang vì thế được chắc chắn. Trong cuộc lưu hành truyền đạo thứ hai, Phao-lô ở Trô ách được Đức Thánh Linh gọi đến Âu Châu, từ thành Phi-líp đến thành La-mã. Xem bài Phao-lô, Giăng, Phi-e-rơ.

Mục đích Kinh Thánh trước nhứt không chú trọng việc chép cả lịch sử loài người, song chỉ chép đủ để làm nền tảng cho đạo lý Chúa. Công việc các nhà khảo cổ trong thế kỷ vừa qua và nay đã tìm nhiều di tích trong xứ thánh, Ba-by-lôn, Ai-cập, v.v..., đều làm chứng lịch sử chép trong Kinh Thánh là đúng. Xem bài Niên hiệu.