Jêsus Christ\ Jesus Christ

I. Danh.-- Danh Jêsus nghĩa là Cứu Chúa, còn Christ nghĩa là được xức dầu. Khi thi hành chức vụ, giữa vòng người Giu-đa các thầy tế lễ được xức dầu (ISử 16:22; Thi 105:15), và các vua cũng vậy (ISa 10:1). Trong Tân Ước, danh Christ dùng như danh Mê-si trong Cựu Ước (Giăng 1:41), ấy là danh đặt cho một Đấng tiên tri kiêm chức Vua đã từ lâu, mà các tiên tri đã dạy dân Giu-đa nên trông đợi (Công 19:4; Mat 11:3). Danh Jêsus chính thức là danh Chúa, và danh Christ thêm vào để chỉ Ngài là một với Đấng Mê-si đã hứa.

II. Sự giáng sinh và tuổi thơ ấu.-- Theo niên hiệu được công nhận, ấy là vào năm của Dionysius Éxiguus trong thế kỷ thứ VI, Đấng Christ giáng sanh nhằm năm 754 theo niên lịch La-mã (1 S.C); nhưng theo một vài nhà khảo cứu khác, chắc sự giáng sanh xảy ra trước tháng Avril 750 (4 S.C.), và nếu chỉ mấy tháng trước khi Hê-rốt qua đời, thì thật sớm hơn niên hiệu của Dionysius 4 năm vậy.

Thiên sứ đến chào Ma-ri, mẹ Ngài: "Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi" là báo hiệu về một công việc tạo thành mới của Chúa. Dầu chắc không hiểu hết nghĩa, nhưng Ma-ri lấy lòng thuận phục nhận sự báo trước về phép lạ đó, vì biết sứ mạng đó đến từ Đức Chúa Trời. Tiên tri Mi-chê đã dự ngôn (5:2) về Vua tương lai sẽ sanh tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, nơi căn nguyên của nhà Đa-vít; song Ma-ri lúc đó lại ở Na-xa-rét. Khi Hoàng đế La-mã Âu-gút-tơ đã ra chiếu chỉ lập sổ dân trong khắp đế quốc La-mã, xem Lu 2:2 thì biết việc lập sổ dân nầy đến đời Qui-ri-ni-u làm tổng trấn xứ Sy-ri và Do-thái, tức mấy năm sau mới xong; việc lập sổ dân nầy không biết có được hoàn toàn không, song chỉ biết đã khiến Giô-sép, thuộc dòng họ Đa-vít, đã phải từ thành Na-xa-rét xứ Ga-li-lê đến Bết-lê-hem thuộc xứ Giu-đê là quê hương vua Đa-vít để khai vào sổ tên mình và tên Ma-ri, là hôn thê đương có thai. Việc nầy làm ứng nghiệm lời tiên tri của Mi-chê: Bết-lê-hem xứ Giu-đê là nơi Chúa giáng sanh. Lúc bấy giờ trong nhà quán, không còn chỗ nữa, nên máng cỏ được dùng làm nôi cho Chúa nằm. Dầu vậy, không thiếu những dấu hiệu tỏ ra việc dường như bình thường mà thật ra rất long trọng. Những kẻ chăn chiên hèn hạ đã chứng kiến những sự kiện lạ lùng kèm theo việc hạ sanh tầm thường của Cứu Chúa. Có một thiên sứ báo cho họ ngoài đồng "một tin lành sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân"; rồi có sự vui mừng quá bội giữa các thiên sứ trên trời về sự mầu nhiệm nầy của tình yêu thương, đến nỗi phá tan sự yên lặng ban đêm bằng những lời nầy: "Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!" (Lu 2:8-20).

Tám ngày sau, con trẻ Jêsus đến đúng kỳ chịu phép cắt bì, được đem lên đền thờ, và mẹ Ngài cũng dâng của lễ để được tinh sạch. Si-mê-ôn và An-ne được cảm bởi Đức Thánh Linh biết Đấng mình đã ước ao từ lâu đang ở trước mặt mình, nên nói tiên tri về công việc lạ lùng của Ngài; họ vui vì chính mắt mình đã thấy Đấng cứu tinh mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho nhân loại (Lu 2:25-38). Chúa được nhìn nhận giữa dân sự Ngài như vậy, cũng được lời làm chứng giữa người ngoại bang nữa. "Mấy thầy Bác sĩ ở Đông phương", tức là các bác sĩ ở nước Ba-tư của tôn giáo Zend là tôn giáo dạy rõ có một Zoziosh nghĩa là Cứu Chúa, được dẫn dắt cách lạ lùng bởi 1 ngôi sao hoặc một hiện trạng được tạo nên để làm việc đó, họ đã đến Bết-lê-hem tìm Ngài để tôn vinh. Một em bé làm cho vua Hê-rốt lớn run sợ trên ngai mình. Khi Hê-rốt biết các bác sĩ đã đến chào mừng Vua và Chúa của họ mà không dừng bước tại lâu đài mình, và thấy họ không trở lại chỉ cho ông chỗ con trẻ ở, tức là phản mình, thì đã ra lịnh giết những con trẻ tại thành Bết-lê-hem từ hai tuổi trở xuống. Giô-sép được Chúa mách bảo trong chiêm bao, đem Ma-ri và con trẻ chạy trốn sang Ai-cập, quá tầm của tay vua Hê-rốt. Sau khi Hê-rốt qua đời, không đầy một năm, Chúa Jêsus cùng với cha mẹ trở về xứ mình đến thành Na-xa-rét và ở đó. Bốn sách Tin lành yên lặng về những năm tiếp theo trong đời sống Chúa Jêsus cho đến khi bắt đầu thi hành chức vụ, trừ ra một việc, đó là khi Chúa lên 12 tuổi, Ngài lên Đền thờ, nghe và đối đáp với các thầy thông giáo (Lu 2:40-52). Chỉ việc nầy cũng đủ cho biết trong khoảng thời gian mà người Giu-đa coi là từ tuổi ấu trĩ đến thời niên thiếu Chúa Jêsus đã biết nhiệm vụ của Ngài và đang sửa soạn làm trọn, dầu phải chờ đợi lâu trước khi khởi sự.

Từ khi Chúa giáng sanh cho đến khi bắt đầu thi hành chức vụ trải qua 30 năm. Trong khoảng thời gian đó, có nhiều sự thay đổi lớn xảy ra cho dân lựa chọn của Ngài. Hê-rốt lớn đã thâu hiệp hầu hết các miền nguyên trước đây thuộc nhà Đa-vít, và sau khi vua ấy qua đời, nước lại bị phân rẽ luôn. Trong năm thứ XV đời hoàng đế Tibère kể từ khi cùng với Au-gút-tơ trị vì (12 S.C.), chớ không phải kể từ lúc hoàng đế trị vì một mình (14 S.C.), thì Giăng Báp Tít bắt đầu giảng dạy. Người là đại biểu cuối cùng của các tiên tri về giao ước cũ, và công việc của Giăng có hai phần: khuyên người ta phải ăn năn để tránh khỏi sự kinh khiếp của luật pháp cũ, và làm cho phấn hưng lòng trông đợi Đấng Mê-si mà dân sự hầu quên (Mat 3:1-10; Mác 1:1-8; Lu 3:1-18). Thời gian mà Giăng thi hành chức vụ dường như ngắn ngủi lắm. Chúa Jêsus đến sông Giô-đanh cùng với mọi người khác chịu lễ báp-têm bởi tay Giăng: thứ nhứt, là để chu toàn mọi việc cần thiết, hầu cho kể từ đó mọi người nhận vào nước Chúa phải chịu lễ đó, nên Chúa đã làm gương kể lễ đó là phải lẽ (Mat 3:15); thứ nhì, để cho Giăng biết bởi sự Chúa đến thì người biết chắc rằng chức vụ mình là sứ giả Đấng Christ bấy giờ đã trọn rồi (Giăng 1:33); và thứ ba, hầu cho bởi dấu hiệu trước công chúng thì tỏ ra Ngài thật là Đấng chịu xức dầu của Đức Chúa Trời (Hêb 5:5). Ngay sau khi khởi đầu chức vụ như thế, Chúa Jêsus được Đức Thánh Linh dẫn vào đồng vắng để chịu ma quỉ cám dỗ (Mat 4:1-11; Mác 1:12-13; Lu 4:1-13). Ba sự cám dỗ phù hợp với ba cách mà tội lỗi được phát hiện trong linh hồn: "sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời (IGiăng 2:16).

III. Chức vụ của Chúa Jêsus.-- Trước khi bắt đầu kể lịch sử Chúa, có hai điểm đáng chú ý: Hoàn cảnh của chức vụ, thời gian của chức vụ.

1. Hoàn cảnh của chức vụ:
Về hoàn cảnh và thời gian của chức vụ Ngài, mới thoạt xét thì dường như ba sách Tin lành thứ nhứt khác nhau với sách Tin lành thứ tư. Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca chỉ thuật lại công việc Chúa trong xứ Ga-li-lê; nếu bỏ qua vài ngày trước những ngày thương khó của Chúa, thì thấy ba sách Tin lành đó không bao giờ nói đến việc Chúa thăm viếng thành Giê-ru-sa-lem. Trái lại, Giăng chỉ thuật lại vài công việc Chúa tại xứ Ga-li-lê, và dành một phần lớn cho công việc Chúa tại xứ Giu-đê. Nhưng khi chúng ta biết sách Giăng là phần phụ thuộc của ba sách trước thì việc giải thích không khó nữa. Ba sách Tin lành thứ nhứt không có ý sắp một bảng niên hiệu của chức vụ Ngài, chỉ vẽ một bức tranh mà thôi; nên ít khi chú thích về thời gian. Vì chú trọng về xứ Ga-li-lê, là nơi Cứu Chúa làm nhiều việc hơn cả, nên ba sách đó tự nhiên không nói đến những ngày lễ mà Chúa dự tại Giê-ru-sa-lem.

2. Thời gian Chúa thi hành chức vụ.-- Không thể dựa vào các sách Tin lành trước mà quyết định đúng thời gian Chúa thi hành chức vụ trước khi Ngài chịu thương khó, song nhờ sách Giăng ta có thể biết chắc là trong khoảng ba năm. Giăng nói đến 6 ngày lễ, trong số đó Chúa dự năm ngày: lễ Vượt qua sau khi Chúa chịu báp têm (2:13); "một ngày lễ của dân Giu-đa" (5:1); Lễ Vượt Qua mà Chúa ở lại xứ Ga-li-lê (6:4); lễ Lều tạm mà Chúa đi lén lên thành Giê-ru-sa-lem (7:2); lễ Khánh thành đền thờ (10:22); và Lễ Vượt Qua mà Chúa chịu đau thương (12:1-; 13:1-). Bởi đó biết chắc có ba ngày lễ Vượt qua, và có lẽ cũng có thể kể "một ngày lễ" (5:1) là ngày Lễ Vượt Qua thứ tư nữa, ngày lễ nầy có phải là Lễ Vượt Qua hay không là vấn đề rất quan trọng để quyết định thời gian chức vụ của Chúa. Song nếu thật ra không phải là Lễ Vượt Qua, thì không có chép về ngày Lễ Vượt Qua khác giữa 2:13 và 6:4 nên khoảng nầy chỉ là một năm. Dầu Giăng chỉ chép ít việc trong khoảng nầy, song khi so sánh các sách Tin lành với nhau, thì số công việc nếu gồm lại chỉ trong một năm nầy là nhiều quá chừng. Cách dễ hơn cả là nhận rằng "ngày lễ" (5:1) là Lễ Vượt Qua, chia khoảng thời gian nầy làm hai năm, và gồm lại hai cuộc tuần hành của Chúa quanh xứ là trong năm thứ hai của chức vụ Ngài. Vậy, dầu không có chứng cớ rất rõ, chắc có 4 ngày Lễ Vượt Qua, nên thời gian chức vụ của Chúa có lẽ hơn ba năm, vì phép lạ thứ nhứt (Giăng 2:1-) được làm ra trước ngày Lễ Vượt Qua thứ nhứt.

A. Năm thứ nhứt của chức vụ Chúa.-- Năm có ngày Lễ Vượt Qua thứ nhứt trong bốn ngày lễ đó (theo lịch La-mã xưa là 780, và cũng là 27 S.C.), Chúa chịu báp-têm đầu năm đó hoặc cuối năm trước. Chúa đã trải qua sự cám dỗ, và khởi thi hành chức vụ. Ngài trở về thành Bê-tha-ni bên kia sông Giô-đanh là nơi Giăng làm phép báp-tem (không phải Bê-tha-ni ở gần thành Giê-ru-sa-lem) và tại đó, nhiều môn đồ bắt đầu đến cùng Ngài; Anh-rê và một người nữa, có lẽ là Giăng vì chỉ có Giăng nói đến truyện đó, xem Chúa Jêsus và nghe Giăng Báp Tít làm chứng về Ngài. Anh-rê dẫn Si-môn Phi-e-rơ đến cùng Ngài nữa và Si-môn được Chúa đổi tên là Sê-pha. Kế đến, Phi-líp và Na-tha-na-ên được dẫn đến với Ngài, và gặp Ngài lúc sắp dời qua xứ Ga-li-lê, là ngày thứ ba mà Ngài ngụ tại Bê-tha-ni. Khỏi ba ngày Chúa đến thành Ca-na tại xứ Ga-li-lê làm phép lạ thứ nhứt, hóa nước ra rượu (Giăng 1:29, 35, 43; 2:1).

Ngài xuống thành Ca-bê-na-um, chỉ ở tại đó ít ngày thôi, sau đến thành Giê-ru-sa-lem dự Lễ Vượt Qua, ấy là thời gian bắt đầu chức vụ Ngài trong xứ Giu-đê (Giăng 2:12-13). Giăng cho sự dẹp sạch Đền thờ vào ngày Lễ Vượt Qua thứ nhứt nầy (2:12-22), và một sự dẹp sạch Đền thờ giống thế thì các sách Tin lành khác cho vào ngày Lễ Vượt Qua cuối cùng. Không thể lẫn lộn hai lần dẹp sạch Đền thờ đó vì lời chú thích về thời giờ rõ lắm. Chúa đuổi những kẻ buôn bán nơi đền thờ, song không công hiệu mãi; nên chắc cuối năm thứ III Ngài lại thấy sự ồn ào và sự buôn bán làm ô uế hành lang đền thờ như lúc trước. Ni-cô-đem đến thăm Chúa chừng vào thời điểm của Lễ Vượt Qua thứ nhứt. Như vậy, tỏ ra Chúa còn làm nhiều việc khác tại Giê-ru-sa-lem nữa mà chính Giăng không chép. Vì Ni-cô-đem là giáo sư của Y-sơ-ra-ên (Giăng 3:10), một nhân viên ở trong Tòa Công luận (Giăng 7:50) tỏ lòng tin Chúa dầu lúc đó ông nhát sợ quá, đến nỗi không dám xưng ra cách tỏ tường. Dầu không tỏ ra cách trực tiếp, song mục đích ông rất rõ: ông là người tốt trong vòng người Pha-ri-si, đang trông đợi nước của Đấng Mê-si, nên khi thấy các phép lạ Chúa làm, ông đến hỏi Chúa cho rõ hơn về các dấu lạ chỉ về nước Đức Chúa Trời. Có người cho rằng truyện nầy tóm tắt cả sách Tin lành.

Sau khi Chúa ở thành Giê-ru-sa-lem một thời gian không biết chắc là bao lâu, Chúa đến sông Giô-đanh với các môn đồ mà làm báp-tem cho dân chúng (Giăng 3:22; 4:1-2). Bấy giờ Giăng Báp Tít cũng đang làm phép báp-tem ở Ê-nôn gần Sa-lim; và vì sự ghen tương của môn đồ mình đối với Chúa, nên Giăng phải xưng rõ về địa vị của mình cho môn đồ biết; qua đó, Giăng đã bày tỏ lòng khiêm nhường trước Chúa (Giăng 3:27-30). Không biết chắc Chúa còn ở Giu-đê bao lâu. Chúa đã đi đường gần nhứt mà về xứ Ga-li-lê, là ngang qua xứ Sa-ma-ri. Trong thời đó người Do-thái rất ghét người Sa-ma-ri: ghét nhiều hơn là ghét người ngoại bang. Dầu vậy, cũng có người ở Sa-ma-ri đáng được cứu; nên Chúa không phủi bụi đất đó khỏi chân Ngài được. Ngài đến Si-chem là nơi người Giu-đa, vì nhạo báng, đổi tên là Si-kha. Mỏi mệt và khát, Ngài ngồi bên giếng Gia-cốp. Một người đàn bà ở thành lân cận đến xách nước, và vì Ngài xin nàng cho uống nước, thì nàng lấy làm lạ, vì một người Do-thái lại xin một người Sa-ma-ri cho nước uống. Cuộc hội đàm nầy là một gương mẫu mà Đấng Christ dùng để dắt đem những linh hồn đến cùng Ngài. Trong cuộc đối thoại nầy có nhiều điều đáng chú ý: --Nước hằng sống mà Đấng Christ ban cho, sự thay đổi về cách thờ phượng của người Giu-đa và người Sa-ma-ri, và sau cùng điều đáng chú ý là chính Chúa tỏ ra Ngài thật là Đấng Mê-si.

Chúa Jêsus bây giờ trở về xứ Ga-li-lê, đến thành của Ngài là Na-xa-rét. Trong nhà hội, Ngài giải nghĩa cho dân sự một khúc Kinh Thánh trong sách Ê-sai (61:1), phán rằng lời đó đã được ứng nghiệm trong chính Ngài. Với lẽ thật nầy đã làm cho người Sa-ma-ri đầy lòng biết ơn, nhưng nay làm cho dân thành Na-xa-rét nổi giận đến nỗi toan giết Ngài, song Ngài lách ra khỏi tay họ và đi nơi khác (Lu 4:16-30). Ngài tới thành Ca-bê-na-um. Trong khi đi đường, tới Ca-na, Ngài chữa lành con một quan thị vệ của vua Hê-rốt An-ti-ba (Giăng 4:46-54), thì "người và cả nhà đều tin". Ấy là phép lạ thứ hai tại Ga-li-lê. Tại thành Ca-bê-na-um, Chúa làm nhiều phép lạ cho những người đến với Ngài. Nơi đây có hai môn đồ đã biết Ngài từ trước, là Si-môn Phi-e-rơ và Anh-rê, khi được Chúa gọi thì bỏ nghề đánh cá và trở nên "tay đánh lưới người" (Mat 4:19). Hai con trai Xê-bê-đê là Gia-cơ và Giăng cũng nhận mạng lịnh đó. Sau khi Chúa chữa một người bị quỉ ám tại nhà hội, cũng trong ngày đó, Ngài trở về nhà Si-môn Phi-e-rơ, và chữa cho bà gia người đang lên cơn sốt. Khi mặt trời lặn đoàn dân chịu cảm động bởi điều họ đã nghe, đem nhiều kẻ đau đến trước cửa nhà Si-môn để được chữa lành. Ngài không từ chối sự cứu giúp, đã chữa lành hết cho họ (Mác 1:29-34). Sau khi đã chữa lành nhiều người tại Ca-bê-na-um như thế, Ngài còn nghĩ đến nhiều thành khác trong xứ Ga-li-lê, vì tại đó cũng có "nhiều chiên mất" đang đi lạc (Mác 1:38). Vậy, hành trình Chúa đi là một cuộc tuần hành vòng quanh xứ Ga-li-lê.
B. Năm thứ hai của chức vụ Chúa.-- Chúa Jêsus lên thành Giê-ru-sa-lem dự "Ngày lễ của dân Giu-đa", chắc là Lễ Vượt Qua. Tại ao Bê-tết-đa (tức nhà của sự thương xót), gần cửa Chiên (Nê 3:1), ở phía Đông bắc đền thờ. Chúa Jêsus thấy có nhiều người tàn tật chờ đợi đến khi nước ao động để xuống trước hầu được chữa lành (Giăng 5:1-18). Trong vòng họ, có một người bị bịnh đã 38 năm; Chúa phán, thì người được lành và vác giường đi. Vì phép lạ nầy làm trong ngày Sa-bát, nên người Giu-đa nghịch cùng Ngài, quở trách người vừa được chữa lành vì người nầy vác giường là một việc cấm làm trong ngày Sa bát (Giê 17:21). Chúa Jêsus đã phán với những ngưới Giu-đa rằng: "Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy" (Giăng 5:17). Bởi đó, ta thấy Đức Chúa Jêsus xưng Ngài có bản tánh Đức Chúa Trời. Có một sự tranh luận khác về ngày Sa-bát xảy ra, vì các môn đồ Chúa trong ngày đó đi qua đồng ruộng bứt bông lúa mì để ăn (Mat 12:1-8). Thời gian xảy ra việc nầy không chắc chắn: có người nói là năm sau, đúng sau ngày Lễ Vượt Qua thứ ba, tuy nhiên thời điểm xảy ra việc nầy chắc hiệp đúng vào đây. Chúa minh chứng các trường hợp mà luật pháp phải bỏ hoặc xếp lại. Ấy vì Ngài là một với Đấng có quyền làm như vậy. Bởi thế khi Chúa phán "vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người" (Mác 2:27), thì lập nên một luật mới. Vì yêu thương người, Đức Chúa Trời lập luật về ngày Sa-bát đó, để bảo toàn sự yên nghỉ cần cho người có đủ thì giờ thờ phượng Ngài. Con người tự mình có quyền làm lại luật nầy, miễn là việc luật pháp làm xong hoặc người ta xứng đáng nhận một luật pháp khác cao hơn. Việc nầy có lẽ xảy ra trên đường đi về thành Giê-ru-sa-lem sau ngày Lễ Vượt Qua.

Trong một ngày Sa-bát khác, có lẽ tại Ca-bê-na-um, là nơi Chúa đã trở lại, những người Pha-ri-si bày tỏ rất rõ cách mình dùng giải nghĩa luật pháp là nghiêm khắc, hẹp hòi và không có lòng thương xót, đã đổi ơn lành của luật pháp thành một sự áp chế dữ dội. Khi Chúa vào trong nhà hội, Ngài thấy một người teo tay, có lẽ một người thợ nghèo khổ. Chúa định chữa lành cho người: để người được sức khỏe và ai đứng đó có chút lòng thương xót cũng được vui. Song người Pha-ri-si ngăn trở Ngài: "Trong ngày Sa-bát có phép chữa bệnh hay không?". Các nhà thông thái của họ bằng lòng cho phép được kéo chiên bị té lên khỏi hầm; song họ không bằng lòng cho một người ở dưới vực đau khổ được giải thoát. Rất ít khi như lúc nầy, cơn giận của Giáo sư yêu thương tỏ ra lẫn với sự buồn phiền. Ngài nhìn quanh họ, "vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cõi", và trả lời sự cãi lẽ của họ bằng việc chữa lành người đó (Mat 12:9-14; Mác 3:1-6; Lu 6:6-11).

Lu-ca (6:13, 17), thì sắp đặt cho việc kêu gọi 12 Sứ đồ ngay trước bài giảng trên núi. Song sự biệt riêng ra cách long trọng như thế không chỉ rõ ngày giờ họ mới gặp Chúa lần thứ nhứt. Ở đây Chúa chỉ định ra 12 môn đồ làm một đoàn thể đặc biệt gọi là các Sứ đồ. Cuối năm đó, họ mới được Chúa sai đi rao giảng. Số 12 đó chắc chỉ về 12 chi phái Y-sơ-ra-ên. Ấy là một con số lựa chọn vì cớ có nghĩa bóng, chớ thật ra công việc có thể làm trọn bởi hoặc nhiều hoặc ít người hơn. Trong bốn danh sách kể tên các Sứ đồ (Mat 10:1-; Mác 3:1-; Lu 6:1-; Công 1:1-), luôn có giữ một trật tự. Hai đôi anh em, Si-môn và Anh-rê cùng hai anh em con Xê-bê-đê, bao giờ cũng đặt đàng trước và có Si-môn Phi-e-rơ đứng đầu luôn. Phi-líp và Ba-tê-lê-my với Thô-ma và Ma-thi-ơ bao giờ cũng đặt ở khoảng thứ nhì mà có Phi-líp đứng đầu luôn. Hàng thứ ba có Gia-cơ và con A-phê đứng trước, với Si-môn Xê-lốt và Tha-đê ở giữa, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đứng cuối cùng. Một vài Sứ đồ chắc nghèo và thiếu học; trong vòng 12 Sứ đồ có bốn người đánh cá, song không phải nghèo khổ nhất trong nghề; Ma-thi-ơ là người thâu thuế tức thâu thuế thay cho người La-mã, thuộc hạng thượng lưu. Từ đó, Chúa lo dạy dỗ các Sứ đồ cách đặc biệt, và đem họ theo làm bạn đồng hành. Sau Ngài sai họ đi dạy dỗ và chữa bệnh thay Ngài. Bài giảng trên núi dầu dành cho hết thảy mọi tín đồ, song dường như cốt để giảng cho 12 Sứ đồ được chọn (Mat 5:11).

Lúc nầy, Giăng Báp Tít đang bị cầm tù, đã lâu không có chút hy vọng được thả ra, sai môn đồ mình đến cùng Chúa và hỏi: "Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác chăng?" (Mat 11:3). Trong các sách Tin lành không có truyện nào cảm động phải thương xót nhiều hơn. Đặc ân lớn của Giăng là được Chúa dùng để làm chứng cho Đấng Mê-si (Giăng 1:31). Sau một năm chán nản trong ngục, khi nghe Chúa Jêsus chưa tiến bước đến sự lập nước Ngài cho dân Giu-đa, và nghe những người theo Ngài chỉ là 12 người Ga-li-lê nghèo khổ, thì sự nghi ngờ bắt đầu che phủ trên tâm trí Giăng. Có phải nước của Đấng Mê-si gần rồi như mình tưởng không? Chúa Jêsus có phải là Đấng Mê-si không, hoặc Ngài là người dọn đường cho Đấng Giải cứu như mình? Không có sự vô tín đâu; Giăng không nghĩ rằng Chúa Jêsus đã lừa dối; khi có sự nghi ngờ nổi dậy, thì Giăng trình lại cho Chúa. Dầu vậy, không phải là Giăng không có lòng nặng nề và khó giải quyết mà đặt câu hỏi: "Ngài có phải là Đấng phải đến không?" Mục đích của lời Chúa đáp lại là muốn cho Giăng giữ được tín nhiệm nơi Chúa như trước.

Bây giờ bắt đầu hành trình thứ hai quanh xứ Ga-li-lê (Lu 8:1-3), trong thời gian nầy Chúa phán ví dụ trong Mat 13:1-; sự việc mẹ Chúa và các anh em thăm viếng Ngài (Lu 8:19-21), và cách tiếp nhận Chúa tại thành Na-xa-rét (Mác 6:1-6). Trong lúc nầy, 12 Sứ đồ cùng đi với Ngài. Song có chép một cuộc tuần hành thứ ba quanh xứ Ga-li-lê, có lẽ nhằm ba tháng cuối năm nầy (Mat 9:35-38); và trong cuộc tuần hành nầy, sau khi đã nhắc cho Sứ đồ biết mùa gặt là lớn và sự cần những con gặt gấp là dường nào, Ngài dẫn đến một bước nữa, tức là sai 12 Sứ đồ đi dạy dỗ (Mat 10:1-; 11:1-). Sứ đồ đi từng đôi, và Chúa cứ tiếp tục cuộc tuần hành của Ngài (Mat 11:1), đi với ai không rõ. Hai tháng sau, 12 Sứ đồ trở về với Chúa, và thuật lại cuộc lưu hành mình.

Ngày Lễ Vượt Qua thứ ba gần rồi; song Chúa không đến dự, Ngài muốn có thì giờ ở riêng với các Sứ đồ và chỉ bảo thêm cho họ (Mác 6:30-31). Bởi đó, Ngài cùng các Sứ đồ từ vùng lân cận thành Ca-bê-na-um đi lên trên núi ở bờ phía Đông biển Ti-bê-ri-át, gần thành Bết-sai-đa, không xa phía Bắc của hồ. Nhưng có một đoàn dân rất đông theo Ngài. Nơi đây, Chúa động lòng thương xót dân chúng đói và mệt, nên làm một phép lạ đáng chú ý nhứt. Do năm ổ bánh và hai con cá, Chúa ban thức ăn cho 5.000 người, không kể đàn bà, con trẻ. Sau đó, các Sứ đồ lên thuyền qua bờ bên kia, hướng về thành Bết-sai-đa còn Chúa đi tẻ một mình lên núi để cầu nguyện với Chúa Cha. Đêm ấy, khi các Sứ đồ đang chèo thuyền, gió ngược, gần lúc hừng sáng, thấy Chúa Jêsus đi bộ trên biển đến cùng mình, sau khi đã thức thâu đêm cầu nguyện trên núi. Sứ đồ lấy làm lạ và sợ hãi. Chúa cho Phi-e-rơ thử đức tin đi bộ trên mặt biển. Khi Ngài vào thuyền thì gió bão yên. Đến bờ hồ Ghê-nê-xa-rết, toàn thể dân sự tỏ lòng tin Ngài là một Đấng chữa bịnh (Mác 6:53-56; Mat 14:36), và Ngài làm nhiều phép lạ. Ngày hôm sau, Chúa giảng một bài dài ngụ ý đến bánh hằng sống, song "từ lúc ấy, có nhiều môn đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa" (Giăng 6:22-66).

Năm thứ ba của chức vụ Chúa.-- Có lẽ nghe nói Chúa Jêsus không đến dự lễ, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si từ thành Giê-ru-sa-lem đến thăm Ngài tại thành Ca-bê-na-um (Mat 15:1). Rời khỏi các miền lân cận thành Ca-bê-na-um, Chúa cùng các môn đồ đi đến phía Đông bắc xứ Ga-li-lê, đến miền Ty-rơ và Sy-đôn. Không thể biết chắc thời gian, song có lẽ vào mùa hạ năm đó. Dường như không phải Ngài đến xứ dân ngoại đó để thi hành chức vụ, chắc chỉ để tránh khỏi cuộc âm mưu của người Giu-đa (Mat 15:21-28; Mác 7:24-40). Từ đó, Ngài trở về đi vòng quanh phía Bắc biển Ga-li-lê đến miền Đê-ca-bô-lơ ở phía Đông. Trong địa phận nầy, Chúa làm nhiều phép lạ, nhứt là Chúa chữa lành người điếc và câm. Việc ấy đáng chú ý vì người ta lấy làm lạ quá đỗi, khi thấy Ngài khiến kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói (Mác 7:31-37). Tiếp theo, Ngài phát bánh cho 4.000 người ăn no bằng 7 ổ bánh và vài con cá (Mat 15:32). Chúa qua hồ đến bờ cõi Ma-ga-đan, tại đó Chúa từ chối lời người Pha-ri-si và Sa-đu-sê xin một dấu lạ. Khi họ đi, Chúa cùng các môn đồ qua hồ. Tại Bết-sai-đa, Chúa làm cho kẻ mù được sáng, nên suy xét phương cách Chúa dùng để chữa bịnh (Mác 8:22-26). Chức vụ tại xứ Ga-li-lê gần hết. Trải qua ngang dọc xứ đó, Chúa đã tuyên bố về nước của Đấng Christ, và bởi các việc lớn đã làm, Ngài tỏ ra mình là Đấng Christ phải đến. Có mấy vạn người được hưởng ơn Chúa bởi các phép lạ đó; nhưng mà trong số đó chỉ có 12 người thật quyến luyến với Ngài, kể cả Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, người sẽ phản Ngài. Sự chối bỏ nầy là khởi điểm của một đoạn mới trong lịch sử Ngài.

Bây giờ Chúa Jêsus bắt đầu giải tỏ lẽ đạo về sự thương khó của Ngài càng rõ hơn. Lẽ đạo về Đấng Mê-si phải chịu đau đớn dầu đã được bày tỏ qua lời các tiên tri nhưng đã nhường bước trước tôn giáo trong thời bấy giờ. Vậy, bây giờ Ngài báo trước cho các môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ. Đây là một sự mới và trái ngược với sự suy nghĩ của các môn đồ Ngài. Chúa truyền cho họ lẽ đạo phải từ bỏ lòng vị kỷ. Theo lẽ tự nhiên, các Sứ đồ tỏ ra sự đau khổ là một tai họa nên tránh. Như những con người bình thường, các Sứ đồ muốn tránh khỏi mọi sự đau khổ và sự chết. Song, Chúa Jêsus dạy, so với sự sống cao hơn tức sự sống của linh hồn, thì sự sống về phần xác không có giá trị gì (Mat 16:21-28; Mác 8:31-38; Lu 9:22-27).

Một tuần sau, có sự Chúa hóa hình trên núi, tương quan với cuộc hội đàm đó. Tâm trí các Sứ đồ bối rối về điều mình đã nghe, nên Chúa vẫn sẵn lòng giúp đỡ họ. Ngài chọn ba Sứ đồ, Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ; ba người ấy trở thành như một vòng tròn nhỏ gần cạnh Chúa hơn những người khác. Ngài đem họ lên một núi cao riêng với Ngài. Không thể chỉ rõ núi đó ở đâu. Bởi thế, ba người về sau làm chứng về sự đau thương của Chúa tại vườn Ghết-sê-ma-nê, cũng là những người đã thấy Chúa được vinh hiển trên núi. Khi thấy Chúa hạ mình tỏ lòng rất khiêm nhường, ba người đó nhớ lại sự hóa hình vinh hiển của Ngài thì được yên ủi và có sức mới. Khi Chúa cùng ba sứ đồ từ trên núi xuống trở lại cùng đoàn dân dưới núi, một đứa con trai khốn khổ bị mắc chứng phong điên vì quỉ ám, được đem đến cùng các Sứ đồ không ở với Chúa trên núi, mong được chữa lành. Nhưng các sứ đồ không chữa được. Chúa đã đến giữa họ, người cha đau đớn và thất vọng kêu cầu đến Ngài, vì phàn nàn các Sứ đồ không có quyền năng. Điều mà các Sứ đồ không làm được, Chúa chỉ phán một lời thì xong. Ngài giải nghĩa cho họ biết là vì cớ thiếu đức tin đến với lời hứa Ngài, nên họ thiếu năng quyền chữa lành (Mat 17:14-21; Mác 9:14-29; Lu 9:37-43). Một lần nữa. Chính Chúa Jêsus dự ngôn về sự đau thương của Ngài trong khi đi đường trở về thành Ca-bê-na-um (Mác 9:30-32).

Năm thứ ba, kể từ ngày lễ Lều tạm.-- Lễ Lều tạm đã gần rồi, các anh em Ngài đi dự lễ song không có Ngài cùng đi, Ngài ở lại xứ Ga-li-lê thêm vài ngày nữa (Giăng 7:2, 10). Sau đó Ngài cũng đi song do đường qua Sa-ma-ri là đường ít đi. Chỉ có Lu-ca thuật lại về cuộc hành trình nầy, Chúa sai 70 môn đồ đi. Việc nầy khác với sự Chúa sai 12 Sứ đồ đi. 70 môn đồ đó không có sự dạy dỗ riêng từ Chúa, và sự cắt cử họ đi đó chỉ là tạm thời. Số nầy chỉ về dân ngoại như số 12 chỉ về dân Giu-đa, và nơi làm việc của họ là Sa-ma-ri, nhắc lại ấy là một cuộc vận động giữa vòng dân ngoại. Sau khi chữa lành 10 người phung, Chúa đến Giê-ru-sa-lem vào giữa ngày lễ. Người Pha-ri-si và các quan tìm cách bắt Ngài; dầu vậy có người trong dân sự tin Ngài, giấu không cho nhà cầm quyền hay. Vì sự chia rẽ dư luận, nên tòa Công luận nhiều lần cho người tìm bắt Chúa, Đấng dạy dỗ cách công nhiên trong Đền thờ, mà không thành công (Giăng 7:11-53). Các người lính một phần thì sợ bắt Chúa trước mặt dân sự, là người mà họ đang chăm chú lắng nghe, phần khác thì chính những người lính nầy cũng được bắt phục qua lời giảng dạy của Ngài. Chuyện người đàn bà tà dâm bị bắt cũng thuộc trong thời điểm nầy. Phép lạ người mù từ thuở sanh ra được chữa lành cũng thế (Giăng 9:1-41; 10:1-21). Ví dụ người chăn hiền lành là lời Chúa đáp lại sự vu cáo của người Pha-ri-si rằng: "Người nầy không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát" (Giăng 9:16).

Nay tới phần khó trong lịch sử thánh. Về thời kỳ nầy, Giăng cho biết có ngày lễ Khánh thành đền thờ tiếp theo ngay sau đó, là ngày 25 tháng Kisleu, gần hiệp với tháng Mười hai. Theo Giăng, dường như Chúa không trở về Ga-li-lê giữa lễ Lều tạm và lễ Khánh thành đền thờ, song cứ ở Giê-ru-sa-lem. Ma-thi-ơ và Mác không nói đến lễ Lều tạm nầy. Lu-ca có ngụ ý đến, trong 9:51, song lời dùng ở đó dường có ý là lần cuối cùng Chúa lên thành Giê-ru-sa-lem. Trong sách Lu-ca, từ đoạn 9:51-18:14 dường như thuộc trước kỳ Chúa rời khỏi xứ Ga-li-lê; vậy, có câu hỏi: "Phải sắp đặt thế nào hầu cho có thể hòa hiệp với thời gian chép ở sách Giăng?" Câu đáp hợp lý nhứt là: Chúa chắc có trở về xứ Ga-li-lê. Như thế mới có chỗ cho phần Lu-ca kể trên. Vậy, Lu 10:17-18:14 có lẽ xen vào giữa Giăng 10:21-22. Có những ví dụ đáng chú ý thuộc về thời gian nầy chỉ có Lu-ca ghi chép thôi. Ví dụ về người Sa-ma-ri nhơn lành, con hoang đàng, người quản gia bất công, người giàu và La-xa-rơ, người Pha-ri-si và kẻ thâu thuế, đều chỉ chép trong Lu-ca, cũng thuộc về phần lịch sử nầy. Truyện Ma-ri và Ma-thê với phép lạ chữa mười người phung cũng thuộc trong phần nầy. Ngoài ra, có những lời dạy dỗ rải rác của Chúa phán trong sách Ma-thi-ơ được chép lần nữa với một sự liên hệ mới. Cả ba sách Tin lành đều cùng chép chuyện đem những con trẻ đến cùng Chúa (Mat 19:13-15; Mác 10:13-16; Lu 18:15-17).

Trên con đường qua Bê-rê để đến thành Giê-ru-sa-lem, Chúa lại đặt trước tâm trí mười hai Sứ đồ điều chẳng bao giờ quên được: ấy là những sự đau thương đang chờ đợi Ngài tại Giê-ru-sa-lem. Sứ đồ không hiểu được những sự nầy, vì sự báo trước cơn đau thương đó không thể hiệp với những dấu lạ và lời Chúa báo trước về nước Chúa đến (Mat 20:17-19; Mác 10:32-34; Lu 18:31-34). Kết cuộc của đức tin, dầu mờ tối, nước Chúa sẽ đến, Sa-lô-mê cùng với hai con là Gia-cơ và Giăng đến xin hai chỗ tôn trọng nhứt trong nước Ngài. Chúa nói họ không biết điều mình xin, nơi tôn trọng trong nước sẽ được ban cho những người mà Chúa Cha đã sửa soạn cho. Tội lỗi bao giờ cũng khêu gợi tội lỗi, nên câu hỏi đó khiến cho 10 Sứ đồ kia bất bình với Giăng và Gia-cơ. Một lần nữa, Chúa nhắc lại nguyên lý là phải giống như con trẻ mới được Chúa ưng thuận (Mat 20:20-28; Mác 10:35-45).

Sự chữa lành hai người mù tại thành Giê-ri-cô rất đáng chú ý vì các sách chép có những chi tiết khác nhau. Ma-thi-ơ chép có 2 người mù được chữa lành lúc Chúa rời thành Giê-ri-cô; Mác chép có một người mù và ghi tên người đó là Ba-ti-mê, được chữa lành lúc Chúa tới thành. Sách Lu-ca ghi giống với Mác về truyện nầy. Đa số các nhà giải nghĩa trứ danh đã hiệp ý rằng có hai người mù thật được chữa lành cùng một cảnh ngộ giống nhau; Ba-ti-mê ở một bên thành được chữa lành khi Chúa vào, còn người kia ở bên kia thành được chữa lành khi Chúa đi ra (Mat 20:29-34; Mác 10:46-52; Lu 18:35-43).

Sự kêu gọi Xa-chê có ích lợi cho nhiều người khác nữa. Xa-chê là một kẻ thâu thuế, thuộc vào hạng mà người Do-thái rất ghét và khinh bỉ. Song là một người muốn thờ phượng Đức Chúa Trời. Bởi đó, Chúa kêu gọi ông làm môn đồ, mặc dầu là người thâu thuế hay không (Lu 19:1-10).

Bây giờ chúng ta đến ngày lễ Khánh thành đền thờ; tuy nhiên, như đã nói ở trên, các việc chép trong Lu-ca không rõ có đúng nhằm vào phần nầy của chức vụ Ngài không. Sau khi có mặt tại ngày lễ nầy, Chúa trở về bên kia sông Giô-đanh, là nơi Giăng trước làm lễ báp-têm, và ở đó. Không rõ Ngài ở đó bao lâu, có lẽ vài tuần. Sự tối cần của một gia đình tại Bê-tha-ni (làng này gần thành Giê-ri-cô) họ là những người bạn thân thiết của Chúa, kêu gọi Ngài tới đó. La-xa-rơ đau, các em gái báo tin cho Chúa, vì biết rõ quyền phép Ngài. Song khi La-xa-rơ chết và chôn trong mộ đã bốn ngày thì Chúa mới tới. Nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời, mà Ngài bẻ gãy xiềng xích của sự chết, và khi nghe tiếng Ngài, thì La-xa-rơ dầu xác đã bắt đầu có mùi, được sống và bước ra khỏi mộ (Giăng 11:1-45). Mục đích phép lạ nầy là "để cho các ngươi tin" (11:15). Vì Bê-tha-ni ở gần Giê-ru-sa-lem và nhiều người ở thành đó biết La-xa-rơ, nên một phép lạ công khai như thế không thể nào qua mắt tòa Công luận được. Tức thì tòa đó họp lại bàn luận về phép lạ mới xảy ra.

Nay đã gần đến chặng chót của lịch sử chức vụ Ngài, và mọi lời cùng mọi việc đều hướng đến tấn thảm kịch của sự thương khó Ngài. Mỗi ngày đều có ghi lại những việc xảy ra và có sự dạy dỗ riêng. Chúa vào làng Bê-tha-ni ngày thứ sáu, mồng tám tháng Nisan, trước ngày Sa-bát và ở lại hết ngày đó.

Ngày thứ bảy, mồng 9 tháng Nisan (1 Avril). Khi Ngài dùng bữa tối tại nhà Si-môn, có biệt danh "người phung", một người bà con với La-xa-rơ, đang ngồi cùng bàn với Ngài, thì Ma-ri đầy lòng biết ơn vì Ngài đã khiến cho anh nàng từ kẻ chết sống lại, lấy một bình đựng dầu cam tòng nguyên chất, xức chân Chúa và lấy tóc mình lau chân Ngài, cũng xức trên đầu Ngài nữa.