Tìm kiếm

Thánh Kinh Nhập Môn

Chương 7 - SỰ BẢO TỒN CỰU ƯỚC

"....Chẳng có một lời nào không ứng nghiệm"
(1Các vua 8:56).

Cựu Ước có trước Tân Ước khá lâu. Sách Ma-la-chi, sách cuối cùng của Cựu Ước có lẽ được viết khoảng 400 T.C. Mãi đến gần đây, người ta cũng chưa biết nhiều về tài liệu để nghiên cứu bản văn của Cựu Ước. Tuy nhiên, nhờ sự khám phá các Cuộn Biển Chết (Dead Sea Scrolls) năm 1947 đã đem đến một số tài liệu mới rất phong phú cho việc nghiên cứu bản văn Cựu Ước.

Sự Bảo Tồn Thời Xưa

Môi-se và các tiên tri khác đã viết Cựu Ước khoảng gần 1,000 năm - (1,400 T.C. -- 400 T.C.). Trong khoảng thời gian đó các bản sao của Thánh Kinh Cựu Ước một phần được các thầy tế lễ ở đền thờ cất giữ, một phần khác do nhà vua trông coi, và một phần khác nữa được chăm sóc bởi các tiên tri mà Đức Chúa Trời đã bởi Đức Thánh Linh khải thị ý muốn Ngài. Lời tiên tri đôi khi rất hiếm hoi ở Y-sơ-ra-ên như trong thời Hê-li, "Lời của Đức Giê-hô-va lấy làm hiếm hoi, và những sự hiện thấy thấy chẳng năng có" (1Sa-mu-ên 3:1). Các quốc gia chìm đắm trong sự thờ phượng hình tượng, chẳng hạn như trong thời vua A-háp. Trong các thời đó, Đức Chúa Trời dấy lên các vị tiên tri trung thành được linh cảm bởi Đức Thánh Linh. Các vị tiên tri này yêu mến và tàng trữ lời Đức Chúa Trời rồi cẩn thận phổ biến.

Các nguồn tài liệu ngoài Kinh Thánh thì thiếu chứng cớ nói về các giai đoạn nói trên ở xứ Palestine. Sự hình thành (composition) và bảo tồn Kinh Thánh chỉ dựa trên các bằng chứng nội tại. Các tác phẩm và sách vở thế tục chắc chắn là đã có lúc đó, nhưng đã mất hết. Có rất nhiều truyện tích, câu chuyện lịch sử, các bài thi ca đã được bảo tồn trên những bản đất sét nung không bị hư mục ở vùng Mesopotamia. Ở Ai Cập các bản văn được ghi trên giấy chỉ thảo, mặc dù mỏng manh nhưng đã được bảo tồn nhờ khí hậu khô ráo ở đó. Các nhà buôn từ Palestine đã đổi gỗ và dầu Ô-liu để lấy giấy chỉ thảo. Giấy chỉ thảo rất tiện dụng cho họ, nhưng hầu hết các giấy chỉ thảo này đã bị hư nát hết trên các đồi núi ở Palestine vì khí hậu ẩm ướt ở đây. Chỉ ở vùng nóng khô trong khu vực Biển Chết và cuộn giấy chỉ thảo cổ đã được bảo tồn. Vì thế các tác phẩm văn chương thế tục ở Palestine đã bị tiêu mất, chỉ các cuộn Kinh Thánh bằng giấy da còn tồn tại nhưng rất cũ mòn.

Vì các cuộn giấy da bị cũ mòn hoặc rã nát nên phải được sao chép lại. Điều gì sẽ xảy đến cho các bản sao này của Kinh Thánh sau khi các vị tiên tri cuối cùng hoàn tất công việc khoảng 400 T.C.? Khởi đầu từ mốc thời gian này chúng ta hãy đi ngược dòng lịch sử vào thời cổ khoảng 2,400 năm trước.

Thời Trung Cổ

Trong thời Trung Cổ, bản Cựu Ước tiếng Hy-bá-lai được người Do Thái bảo tồn. Trong thời kỳ này, ở Châu Âu người ta không mấy quan tâm dến việc học hỏi. Hội Thánh Công Giáo dùng bản dịch Vulgate của Jerome vì dường như không có một học giả nào của họ biết tiếng Hy-bá-lai. Hội Thánh Chính Thống Hy Lạp ở phía đông Địa Trung Hải dùng bản Bảy Mươi bằng tiếng Hy Lạp và dường như không một nhà thần học nào của họ để ý gì đến bản tiếng Hy-bá-lai nguyên thủy. Người Do Thái mặc dù bị bắt bớ dữ tợn đã di tản khắp nơi, bảo tồn Kinh Thánh cũng như phong tục và truyền thống của họ.

Truyền thống Do Thái dạy rằng các đạo sĩ Do Thái giáo (Ra-bi) thời Trung Cổ sao chép Kinh Thánh một cách rất cẩn thận vì họ tin rằng các mẫu tự đều có một ý nghĩa huyền bí. Thậm chí có những ra-bi đánh giá mỗi chữ bằng một con số, chẳng hạn a= 1; b= 2. Khi giải thích, họ dùng những chữ bằng con số tương đương. Họ đếm cả số câu trong sách và làm dấu câu chính giữa. Các học giả ngày nay có thể mỉm cười vì cách làm việc ngộ nghĩnh thế này, nhưng nhờ đó các bản sao đã được chép lại một cách hết sức cẩn thận và kỹ lưỡng.

Hơn nữa, khi đem cuốn Kinh Thánh tiếng Hy-bá-lai so sánh với bản dịch của Jerome (khoảng 400 S.C.) người ta sẽ thấy một cách rõ ràng rằng Jerome đã dùng một bản văn Hy-bá-lai không khác bản văn chúng ta dùng ngày nay mấy. Thật ra cũng có một số bản dịch ra Hy Lạp khoảng 200 S.C. bởi một số học giả Do Thái (xin đừng lầm lẫn với Bản Bảy Mươi cũng được dịch trước đó). Những bản dịch này chứng tỏ bản Kinh Thánh Hy-bá-lai thời đó rất gần với bản Hy-bá-lai ngày nay. Các bản dịch ra Hy lạp nhỏ này đã bị thất lạc phần lớn, nhưng dầu vậy, chúng đã giúp ích cho công việc truy tầm lịch sử của bản văn Hy-ba-lai.

Tuy nhiên, khoảng năm 200 S.C. trở về trước không có bản sao trong tiếng Hy-bá-lai nào cho đến gần đây. Cũng không có bản dịch nào cho đến khi Bản Bảy Mươi được thực hiện năm 200 T.C. Cũng có các bản dịch Syriac, Samaritan và Aramaic nhưng niên hiệu không lấy gì làm chắc chắn và tương đối không mấy quan trọng. Cho nên có thể nói rằng chúng ta không có bằng cớ rõ ràng về việc bảo tồn cẩn thận bản văn Hy-bá-lai, ít ra là trước 200 S.C.

Các Cuộn Biển Chết (Deal Sea Scrolls)

Năm 1947, một cậu bé chăn chiên Á-rập ném một cục đá vào một hang gần Biển Chết và nghe âm thanh của một bình gốm bị bể. Ngày nay cả thế giới đều biết về chuyện một người Bedouin lấy bảy thủ bản ra từ hang đó và để lại hàng trăm mảnh vụn. Kể từ đó, các hang khác đã cho thêm một số thủ bản nữa của Cựu Ước và các tài liệu lịch sử Do Thái. Hàng ngàn mảnh vụn đã được cẩn thận ráp lại và đem ra nghiên cứu. Các Cuộn Biển Chết được các kí lục của cộng đồng tu sĩ Qumran chôn giấu lâu đời về trước đã cung cấp những bằng chứng mới và giá trị về việc bảo tồn bản văn Hy-bá-lai trong thời cổ.

Các Cuộn Sách Ngoài Kinh Thánh (Non-biblical scrolls)

Kho tàng trên bao gồm hai loại văn phẩm, loại thứ nhất là các cuộn sách không phải Kinh Thánh. Các văn phẩm này cho thấy thể nào các giáo đồ tại Qumran xem các sách của Cựu Ước là sản phẩm của Đức Chúa Trời do Đức Thánh Linh hành động qua các tiên tri. Họ lập lại rằng đó là "Luật pháp của Môi-se và các vị tiên tri" hay "những gì Đức Chúa Trời phán bảo qua Môi-se và các vị tiên tri". Thái độ của họ đối với Cựu Ước và các từ ngữ họ dùng cũng giống như thái độ và từ ngữ của Chúa và các Sứ Đồ Ngài dùng đối với Cựu Ước vậy.

Các Cuộn Sách Kinh Thánh (Biblical Scrolls)

Loại văn phẩm thứ hai của các tài liệu Biển Chết là các cuộn sách Thánh Kinh. Các bản sao cổ chép tay này đã được đối chiếu trực tiếp với bản Kinh Thánh Hy-bá-lai của chúng ta. Chúng cho thấy việc sao chép Kinh Thánh của các ký lục thật chính xác.

Tất cả các sách Cựu Ước, ngoại trừ một sách, đều được tìm thấy trong các hang động. Sách Ê-xơ-tê vẫn chưa được tìm ra. Các sách như Thi Thiên, Phục Truyền Luật Lệ Ký và Ê-sai được thấy khá nhiều. Các sách khác như Sử Ký thì chỉ thấy từng mảnh vụn. Cuộn giấy da lớn nhất là sách Ê-sai, đã được bảo toàn trọn vẹn còn rất hoàn hảo và được định niên hiệu vào khoảng 125 T.C. Một số mảnh vụn thì có niên hiệu xưa hơn. Vài phần của sách Gióp, Giê-rê-mi, Sa-mu-ên, và Thi Thiên có thể là khoảng 200 T.C. hay sớm hơn. Có một phần của Thi Thiên được xen vào khoảng 150 T.C. Đây là điều thích thú vì một số nhà phê bình cực đoan đã nằng nặc cho rằng sách này đã được sáng tác rất trễ về sau này. Các bản sao của sách Đa-ni-ên vào thế kỷ thứ 2 T.C. cũng rất có ý nghĩa vì chúng rất gần vào năm 165 T.C., năm mà các nhà phê bình cho rằng đó là năm sách được viết ra.

Tóm Lược

Các Cuộn Biển Chết thật giống hệt bản Kinh Thánh Hy-bá-lai của chúng ta. Điều này chứng tỏ rằng những người sao chép Kinh Thánh Hy-bá-lai trải qua bao nhiêu năm kể từ thế kỷ thứ 2 T.C. đã làm việc hết sức cẩn thận. Như vậy đã xác định rằng bản văn Hy-bá-lai của Kinh Thánh mà chúng ta có hiện nay cũng đã được dùng bởi người Do Thái 200 năm trước khi Chúa chào đời. Chúng ta có thể tin cách quả quyết rằng không có sự thay đổi nào trong lịch sử của người Do Thái trong khoảng từ thời Ê-xơ-ra đến năm 200 T.C. đã khiến cho họ thay đỗi cách sao chép Kinh Thánh cho nên chúng ta có thể kết luận rằng Cựu Ước, trong các phần chính hoặc trong các tiểu tiết đều giống y như Kinh Thánh mà Ê-xơ-ra đã đọc cho dân Do Thái ngay tại Giê-ru-sa-lem sau khi từ chốn lưu đày Ba-by-lôn trở về.

Chứng minh như thế cũng có thể tạm đủ cho tất cả các mục đích bình thường. Tuy nhiên, các học giả ngày nay đã truy tầm lịch sử của Cựu Ước đến một niện hiệu sớm hơn nữa. Bản Bảy Mươi bằng tiếng Hy Lạp (khoảng 200 T.C.) đã được bảo tồn bởi những ký lục Cơ Đốc giáo, rồi một bản dịch ra tiếng Anh cũng được thực hiện. Nhờ vậy mà học viên dù không biết Hy Văn hay tiếng Hy-bá-lai cũng có thể so sánh bản King James với Bản Bảy Mươi. Đây cũng là điều hữu ích, nhưng lại đưa đến những nghi vấn mới. Tân Ước có một số chỗ trích dẫn từ Bản Bảy Mươi, nhưng những chỗ này của Bản Bảy Mươi lại không phù hợp với Bản Hy-bá-lai. Phải chăng Bản Bảy Mươi đôi khi tốt hơn bản Hy-bá-lai? Phải chăng bản dịch qua Hy Văn này đã được thực hiện cách cẩn thận?

Ngày nay, có nhiều bằng cớ đáng tin để giải quyết các nghi vấn này. Vài thủ bản ở Biển chết có niên hiệu khoảng 200 T.C. Các bản này có bản văn giống y như bản văn của bản Bảy Mươi. Những bản văn ấy có lẽ được dịch giả của Bản Bảy Mươi đã sử dụng. Chỗ nào mà Bản Bảy Mươi khác biệt với Bản Hy-bá-lai thì có lẽ đã có hai hay nhiều bản văn Hy-bá-lai khác nhau đã được lưu hành song song trước khoảng 200 T.C. Những bằng chứng mới đã giải quyết được nhiều nan đề trong việc trích dẫn của Tân Ước. Nó đã chứng tỏ rằng trong các trường hợp này cả Bản Bảy Mươi và Tân Ước đều đúng, không có gì đáng nghi ngờ cả. Điều lạ lùng là trải bao thế kỷ tiếp theo, cả hai văn bản đều được bảo tồn - một trong tiếng Hy-bá-lai và một trong Bản Bảy Mươi.

Đối với một học giả, sự hiểu biết về các nhóm bản văn khác nhau của Cựu Ước có giá trị gì? Thứ nhất, nhờ vào việc so sánh kỹ lưỡng, vị học giả có thể quyết đoán được cái nào là nguyên bản Thứ hai, vị học giả cũng có thể thấy những người sao chép các văn bản cổ đã cẩn thận đến mức nào. Thứ ba, nhờ so sánh hai văn bản khác nhau, học giả ấy có thể kết luận rằng không có văn nào là xa quá đối với văn bản chính đã phát sinh ra hai văn bản đó. Thứ tư, vị học giả ấy có thể kết luận rằng những nhóm văn bản có niên hiệu khoảng 200 T.C. là thật sự được truyền xuống từ các văn bản chính đã được chuẩn bị bởi Ê-xơ-ra, một người "thạo luật pháp của Môi-se" (Exora 7:6).

So sánh cẩn thận tất cả tài liệu hiện có có thể giúp học giả khẳng định rằng bản văn Cựu Ước hiện nay là bản sao đáng tin cậy của các bản văn nguyên thủy, ít nữa là trong hình thức của các bản văn có sau thời kỳ lưu đày.

So Sánh Văn Bản

Hai luận chứng bổ túc dưới đây sẽ làm vững mạnh thêm niềm tin rằng Cựu Ước đã được sao chép hết sức chính xác từ những ngày đầu tiên. Thứ nhất, các đoạn Kinh Thánh trích dẫn nhau gần như giống hệt nhau. Thứ hai, các danh xưng xuất hiện trong Cựu Ước và trong các văn kiện cổ đều gần giống hệt nhau. Sau dây là vài thí dụ.

Sự Đồng Nhất Của Các Đoạn Văn Song Song Nhau

Có nhiều đoạn văn trong Kinh Thánh Cựu Ước giống nhau mà độc giả ít khi để ý. Thi Thiên 108:1-13 giống y như 2Sa-mu-ên 22:1-31; Thi Thiên 14:1-7 cũng giống 53:1-6; 108:1-13 gồm một phần của 57:1-11; 60:1-12; Esai 37:1-38 giống với 2Các vua 19:1-36. Phần lớn của IISa-mu-ên và Các Vua được trích trong sách Sử Ký, dầu rằng các phần này xen lẫn nhau hơn là dặt song song nhau. Có nhiều trường hợp điển hình khác nữa có thể đem ra dẫn chứng như trên.

Sự Đồng Nhất Trong Danh Xưng

Các tên của nhân vật trong Kinh Thánh thường là những điều khảo cứu rất thích thú. Kinh Thánh có nhiều tên rất phức tạp chẳng hạn như Si-săc, Két-sô-lao-me, Pha-ra-ôn, Xa-cha-ri, Tiếc-lác, Phi-lê-se, Giê-hô-gia-kim. Học giả Robert Dick Wilson cho rằng trong số 148 mẫu tự của 40 tên được ghi chép trong các bản sao Cựu Ước thì hiếm thấy có tên nào là không được ghi chép lại chính xác. Các bản đất sét nung khám phá thời Wilson đã xác định điều này.

Một thí dụ độc đáo trong Giê-rê-mi 39:3. Trải qua nhiều thế kỷ không ai biết những người này là ai. Mới đây, một bản liệt kê các quan tướng của Nê-bu-cát-nết-sa đã được khám phá và đem đối chiếu với câu này. Các tên có vẻ lộn xộn với danh hiệu, nhưng mỗi mẫu tự đều đã được sao chép rất chính xác. Câu đó phải được đọc như thế này "Ay là Nẹc-gan Sa-rết-sê ở Sam-ga, Nê-bô Sa-đê-kim làm đầu hoạn quan, Nẹc-gan Sa-rết-sê làm đầu các bác sĩ." Sự chính xác như thế trong việc sao chép chứng tỏ rằng bản văn Cựu Ước đã được sao truyền một cách rất trung thành. Chúng ta có thể xác quyết rằng các văn phẩm của các vị tiên tri đã được bảo tồn không mảy may lầm lỗi đến độ làm lệch lạc đi sứ điệp của lời Đức Chúa Trời. Bản văn Kinh Thánh rất đáng tin cậy, có thể được sử dùng với tất cả lòng tin tưởng như Chúa Giê-xu và các sứ đồ đã bày tỏ.

Ngữ Vựng

  • Các Cuộn Biển Chết (Dead Sea Scrolls),
  • ngoại chứng (external evidence),
  • nội chứng (internal evidence),
  • lưu truyền (transmission),
  • so sánh bản văn (textual comparision)

Sách Tham Khảo

  • Bruce, F. F. Second Thoughts on the Dead Sea Scrolls . 2nd ed. Grand Rapids: Wm B. Eerdmans Pub. Co., 1961.
  • Free, Joseph P. Archaeology and Bible History . Wheaton, IL: Scripture Press, 1969.
  • Pfeiffer, Charles F. Dead Sea Scrolls and the Bible . Grand Rapids: Baker Book House, 1969.