Tìm kiếm

PHƯƠNG PHÁP CHỨNG ĐẠO CỦA C.S. LOVETT

 

1.—  Rô-ma 3:23

2.—  6:23

3.—  Giăng 1:12

4.—  Khải Huyền 3:20

5.—Nhận định về phương pháp chứng đạo của Lovett

Phương pháp chứng đạo này còn gọi là “phương pháp tấn công” do C.S. Lovett khởi xướng.

Phương pháp tấn công dựa trên sự thành tín của Thánh Linh. Ngài là Đấng làm cho việc chinh phục linh hồn trở nên dễ dàng.

Phương pháp này đặt Chúa Cứu Thế Giê-xu làm trọng tâm và nhanh chóng hướng dẫn thân hữu đến với Chúa Cứu Thế. Để thực hành nó, ta sẽ bắt dầu với ba câu hỏi.

Thứ nhất, “Bạn có thích thú với những sự việc thuộc linh không?” Tác dụng tâm lý của câu hỏi này cho thấy rất ít người trả lời là không thích thú.

Thứ hai, “Có bao giờ bạn nghĩ sẽ trở thành một Cơ Đốc nhân không?” Câu hỏi này sẽ gợi ý cho thân hữu suy nghĩ đến điều, mà có thể từ trước tới giờ, họ chưa bao giờ nghĩ qua. Đồng thời cũng nhắc rằng họ là người chưa được cứu.

Thứ ba, “Giả sử có ai hỏi bạn ‘Cơ Đốc nhân là thế nào’ bạn sẽ trả lời ra sao?” Câu hỏi này bao gồm sức mạnh tâm lý tuyệt hay, song không gây khó chịu cho thân hữu.

Sau khi hỏi các câu trên, chứng đạo viên sẽ lấy Tân Ước ra, xin phép đọc bốn câu Thánh Kinh, và giải thích cho thân hữu biết Cơ Đốc nhân là người thế nào.

 Rô-ma 2:23 “Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế.”

Chứng đạo viên lúc ấy nên để cuốn Thánh Kinh trước mặt thân hữu, và nói rằng đây là cuộc thảo luận giữa họ với Thượng Đế.Khi chứng đạo viên nêu ra câu hỏi: Một người phải phạm bao nhiêu tội mới trở thành là tội nhân, thì chứng đạo viên đưa một ngón tay lên. Ngón tay đó gợi ý cho thân hữu trả lời, “Tôi nghĩ, chỉ cần phạm một tội thôi.”

Rô-ma 6:23 “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết;nhưng tặng phẩm của Thượng Đế là đời sống vĩnh viễn trong Chúa Cứu Thế Giê-xu,Chúa chúng ta.”

Câu này cho thân hữu biết rằng vì tội lỗi con người đã phạm nên phải chịu lấy hậu quả là sự chết. Chứng đạo viên giải thích về giá phải trả cho tội lỗi, đồng thời giới thiệu Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng trả nợ tội và ban cho ta quà tặng sự sống vĩnh viễn.

 Giăng 1:12 “Tuy nhiên, tất cả những người tiếp nhận Chúa, đều được quyền làm con cái Thượng Đế tiếp nhận Chúa là đặt niềm tin nơi Chúa.”

Tại đây, Thượng Đế phán rằng chúng ta cần tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu để được trở nên con cái Ngài.

 Khải Huyền 3:20 “Này, Ta đứng bên ngoài gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa ra, Ta sẽ vào...”

Điều nhấn mạnh ở đây là mở cửa lòng. Chứng đạo viên nhắc cho thân hữu rằng Chúa đang hiện diện trong phòng này và chuẩn bị cầu nguyện nếu thân hữu đồng ý mời Chúa Cứu Thế Giê-xu bước vào đời sống.

Trong trường hợp thân hữu chưa sẵn sàng tiếp nhận Chúa, Lovett nói là phải cố thúc bách họ quyết định. Bạn mời thân hữu cúi đầu xuống và đặt tay bạn trên vai thân hữu sẽ “tạo nên sự thúc bách tâm lý cực kỳ quan trọng.”

Sau khi cầu nguyện, bạn bảo đảm với thân hữu về sự cứu rỗi vừa mới tiếp nhận, và mời thân hữu cầu nguyện tạ ơn. Chứng đạo viên biếu cho thân hữu các sách nhỏ và ghi tên người vào danh sách chăm sóc.

NHẬN ĐỊNH VỀ PHƯƠNG PHÁP CHỨNG ĐẠO CỦA LOVETT

Phương pháp chứng đạo của C.S.Lovett có một số lợi điểm. Trước hết là nó dễ ghi nhớ: chỉ có ba câu hỏi và bốn câu Thánh Kinh. Tài liệu này giản dị đi kèm với những ví dụ rất hữu ích. Ta chỉ dành một đêm nghiên cứu là có thể đi ra trình bày Phúc Âm. Lovett cũng cung cấp sách huấn luyện gồm sáu bài học trong lớp. Sách này đã được phác thảo cách trình bày để các Mục sư hoặc huấn luyện viên có thể dạy học cho học viên trong sáu tuần.

Tuy nhiên, phương pháp trên cũng có nhiều điểm yếu: Lovett quá thiên về các thủ đoạn tâm lý. Phương pháp này chưa hướng dẫn đủ để thân hữu cầu nguyện tin Chúa. Thân hữu cần hiểu thêm những gì đã xảy ra. Các câu Thánh Kinh được dùng cũng quá đơn giản: chỉ có bốn câu cho cả bài làm chứng. Phương pháp này chú trọng nhiều vào lời của chứng đạo viên nói, hơn là Thánh Kinh nói.

Một thiếu sót khác cũng quan hệ không kém là lẽ đạo ăn năn. Thân hữu không được giải thích về tầm quan trọng của việc xây bỏ đường lối cũ. Lovett có đề cập đến lẽ cần của sự ăn năn, nhưng ông cho rằng khi thân hữu trở lại cùng Chúa, tự nhiên sẽ ăn năn. Phương pháp này có mục đích tốt song cách thực hành cần được cải tiến thêm. Chứng đạo viên không nhất thiết phải dùng sự thúc bách tâm lý trong việc truyền bá Phúc Âm."