Tìm kiếm

VĂN HÓA CỦA DÂN VIỆT TRONG SỰ CHỨNG ĐẠO -- CÁC ĐẶC TÍNH VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA DÂN VIỆT

1.—Sự gắn bó đối với tôn giáo

2.—Tính cần cù

Để có thể làm chứng hữu hiệu cho dân Việt,ta phải biết rõ các yếu tố văn hóa, tuy rất độc đáo song có thể làm ngăn trở họ tiếp nhận Chúa.

SỰ GẮN BÓ ĐỐI VỚI TÔN GIÁO

Phần lớn người Việt hải ngoại là người theo Phật giáo hoặc Khổng giáo. Trong lúc vượt biên bằng đường biển, đường bộ hoặc được đi chính thức từ Việt Nam tới Hoa Kỳ, nhiều người tin rằng Đức Phật hoặc một vị thần nào đó đã che chở và giữ gìn họ khỏi mọi hiểm nguy. Vì vậy cho nên họ đã hứa nguyện trung thành với Đức Phật hay một vị thần nào đó. Bằng chứng là ta thấy có nhiều bàn thờ, miếu thờ được dựng tại nhà hoặc ở các tiệm ăn do người Việt làm chủ.

Bởi thế, ta nên kiên nhẫn và không nên mong đợi kết quả tức thì trong việc truyền bá Phúc Âm. Người Việt vì gắn bó với tôn giáo mình, nên lúc nghe Phúc Âm họ ít khi tiếp nhận ngay lần đầu. Họ viện dẫn nhiều lý do:

Đạo Nào Cũng Tốt

Khi gặp trường hợp trên ta nên hỏi thân hữu xem họ hiểu đạo hoặc tôn giáo là gì. Sau khi họ trả lời, ta sẽ làm sáng tỏ bằng cách nói rằng: Nếu một người hiếu đạo là sự cố gắng của con người để được thánh thiện và đạo đức; hoặc đạo là sự ráng sức của con người để có thể liên lạc với Thượng Đế, thì Cơ Đốc Giáo không phải là một tôn giáo. Cơ Đốc giáo là Đấng Christ, và Đấng Christ là Thượng Đế Ngôi Hai mang lấy hình hài thể xác con người. Ngài là “con đường, Chân lý và Nguồn sống”. Nếu không nhờ Ngài, chẳng ai được đến với Đức Chúa Cha.

Cơ Đốc Giáo Là Đạo Của Tây Phương

Đây là sự ngộ nhận trải qua rất nhiều năm.Chúa Cứu Thế Giê-xu là một người Do Thái. Các tín hữu đầu tiên cũng là người Do Thái, và người Do Thái không phải là người Tây phương. Họ thuộc về Trung Đông.

Tin Chúa Sẽ Không Còn Được Thờ Cúng Tổ Tiên

Hiếu kính là việc làm đáng khen ngợi. Thánh Kinh cũng dạy ta phải tôn kính ông bà, cha mẹ lúc còn sống (Xuất Ê-díp-tô 20:12). Bất cứ sự thảo hiếu nào ta có thể làm được, thì nên thực thi lúc ông bà, cha mẹ còn tại thế.

Theo truyền thống, dân Việt thờ cúng tổ tiên. Nó được bắt đầu như hành động tưởng nhớ, để con cháu không quên cội nguồn. Về sau, người ta thêm vào sự thờ phượng và cúng bái. Tuy nhiên, truyền thống trên không phải là dấu hiệu duy nhất của lòng hiếu thảo. Để trở nên người con thảo hiếu, ta phải lo lắng, chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc còn tại thế. Khi họ từ giả cõi đời, ta nhớ lời ông bà, cha mẹ dạy để sống không làm ô danh họ.

Tổ tiên không có quyền ban phước hay giáng họa. Họ không phải là thần bèn là người cũng giống như mọi người nam người nữ khác, và vì vậy ta chỉ kính chớ không nên thờ. Duy có Thượng Đế của Thánh Kinh mới đáng cho mọi người ngợi khen và thờ phượng, bởi lẽ chỉ mình Ngài mới có quyền ban phước cho con người.

TÍNH CẦN CÙ

Người Việt có tiếng là siêng năng, chịu khó.Bản tính của dân Việt là cần cù. Tại Việt Nam, đồng bào ta cũng đã làm việc chăm chỉ. Họ kiên trì chịu đựng biết bao gian khổ giữa biển cả, trong rừng sâu,tại trại tỵ nạn... cho đếân khi được định cư ở Hoa kỳ và nhiều quốc gia khác.Nơi đất khách quê người họ cũng kiên cường khắc phục mọi khó khăn để nói ngôn ngữ mới, hội nhập vào môi trường xa lạ, và học một nghề thích hợp để đi làm nuôi sống gia đình.

Ta nên hiểu rằng với những bận rộn đó thật khó cho họ có thể đi đến nhà thờ hoặc tham dự các sinh họat của Hội Thánh.Nhiều người Việt đã mở cơ xưởng, tiệm ăn hoặc nhiều hình thức buôn bán nhỏ khác. Họ làm việc rất nhiều giờ, kể cả những ngày cuối tuần. Ở hải ngoại lâu năm chừng nào, họ càng bận rộn nhiều chừng nấy.

Do đó ta nên biết để cảm thông, đồng thời tìm kiếm và bắt lấy cứ dịp tiện có thể được để đến với họ. Khi biết người đồng hương có tin vui, ta đến chia sẽ niềm vui với họ. Lúc nghe biết họ có chuyện buồn, bệnh tật, hoặc tang chế, ta có thể nhân cơ hội đó bày tỏ mối cảm thông chân thành với họ. Người Cơ Đốc giao tiếp với tình yêu thương thành thật đó sẽ mở được nhiều cánh cửa để chia sẽ Phúc Âm cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Đối với người mới định cư, ta có nhiều cơ hội hơn khi họ cần ta giúp đi thông dịch, tìm việc làm, kiếm chỗ thích hợp.Những người này biết rằng họ có thể tới nhà thờ để được giúp đỡ và họ thường đến với Hội Thánh. Ta phải gieo hạt giống Phúc Âm cho họ trong thời gian này,tuy nhiên chớ mong mõi kết quả mau chóng. Ta nên kiên nhẫn chờ đợi nhiều tháng,nhiều năm để hạt giống Phúc Âm có đủ thời gian sinh bông kết trái. Kinh nghiệm cho thấy có những người đã trở lại với Hội Thánh sau nhiều năm vắng bóng. Một số khác đã quay về, khi Hội Thánh giúp gia đình họ qua các lễ cưới hoặc lễ an táng."