Tìm kiếm

LÃO GIÁO

1.—Nguồn gốc

2.—Ý niệm về “Đạo” trong Lão giáo

3.—Ý niệm về sự cứu rỗi

Lão giáo cũng là một trong tam giáo đã du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc và được nhiều người tin tưởng. Lão giáo bành trướng mạnh vào các đời vua Đinh Tiên Hoàng, Lý Anh Tôn. Đến đời nhà Lê trở về sau, vẫn còn nhiều người tin theo đạo Lão dù chẳng thịnh đạt như Nho giáo và Phật giáo. Không kể đến phương diện tín ngưỡng, Lão giáo ảnh hưởng hầu hết vào thi ca Việt Nam. Trong tập thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và trong tập hát nói của Nguyễn Công Trứ, những bài vịnh cảnh nhàn đều chịu ảnh hưởng của đạo Lão. Ngày nay Lão giáo tại Việt Nam đã biến thể thành lối thuật số, đạo phù thủy, với đủ thứ dị đoan và mê tín.

NGUỒN GỐC

Lão-Tử là người sáng lập ra Lão giáo. Lão-Tử chỉ là một tiếng để tả ông, chứ không phải là tên, và có nghĩa là “ông thầy già”. Khác với hai vị giáo chủ của Nho giáo và Phật giáo, lai lịch Lão-Tử thiếu hẳn sử liệu chính xác. Các học giả Trung Hoa, Nhật Bản và cả Âu-Mỹ từ trước đến nay khi nói đến thân thế và sách vở của Lão-Tử, cũng chỉ bàn theo giả thuyết chớ không ai biết đích xác lai lịch của Lão-Tử.

Theo truyền thuyết được đa số học giả Trung Hoa chấp nhận (trong số đó có Tư-Mã-Thiên, một sử gia đầu tiên của Trung Quốc vào thế kỷ I trước Công Nguyên về đời nhà Hán), thì Lão-Tử họ là Lý, tên là Nhĩ, tự là Bá Dương, thụy là Đam. Ông gốc người nước Sở, huyện Khổ, làng Lệ,thôn Khúc Nhẫn, thuộc tỉnh Hồ Nam ngày nay. Lão-Tử ra đời trước Khổng-Tử chừng 20 năm, sống từ năm 510-490 trước Công nguyên, đồng thời với Heraclitus (540-480 TC) và Pythagoras (580-500 TC) của Hy-lạp.

Lão-Tử nổi tiếng về đạo cao đức trọng nên được nhà Châu mời giữ chức Thủ-Tàng-Thất, chuyên lo giữ công văn. Làm quan nhiều năm, ông chán ngán về tư cách đê tiện của các chính khách, quyết tâm rời Trung Quốc, đi tìm một nơi hẻo lánh, xa xôi để ẩn dật. Khi ông tới cửa ải Hàm cốc, Doãn Hỉ, viên quan giữ ải, ra đón chào và nói: “Ông sắp đi ẩn, vậy xin ông vì tôi mà để lại một sách. Lão-Tử cảm lời, viết một cuốn trên năm ngàn chữ, gồm hai phàn về Đạo và Đức gọi là Đạo Đức Kinh. Đây là một cuốn sách thuộc về Tâm-linh Đạo-học, hướng đạo cho những người theo con đường Huyền-học và siêu thoát. Viết xong, ông bỏ đi về phía Tây (Cam Túc) rồi biệt tích luôn.

Ý NIỆM VỀ “ĐẠO” TRONG LÃO GIÁO

Lão-Tử cho rằng vũ trụ bắt nguồn từ Đạo mà ra. Đạo là nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ đã có từ trước khi khai thiên lập địa, không sinh, không diệt, không tăng, không giảm. Đạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh ra vạn vật (Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh Vạn vật).

Đạo là một nguyên lý rất huyền diệu do đấy mà sinh ra trời đất và vạn vật. Đạo vốn là đơn nhất sinh ra âm dương; âm dương sinh ra trời, đất và khí; trời, đất và khí sinh ra muôn vật, muôn vật sinh ra khắp cả thế gian, rồi lại quay trở về Đạo. Trở về Đạo, rồi lại hóa ra vạn vật,cứ đi đi về về mãi thế, tức là cái cuộc biến cải sống chết ở đời, mà là cái cuộc tuần hoàn theo lẽ tự nhiên.

Đạo là một nguyên lý hoàn toàn siêu hình và bất khả tư nghị. Người ta không thể định danh nó, không thể phân chia nó, nghĩa là không thể dùng lý trí mà hiểu, muốn hiểu ta phải dùng tâm mà thôi. Lão-tử quan niệm rằng khi ta định cho Sự-Vật một cái tên là ta tự làm cho ta xa lìa với cái “chân diện mục” của chúng: “Đạo mà nói ra được, không còn phải là Đạo thường nữa; Danh mà gọi tên ra được, không còn phải là Danh thường nữa” (“Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh”).

Về sau các triết gia Hy-lạp cũng đã phát huy quan niệm về Đạo. Zeno (335-263 TC) đã dung hòa chủ trương của Socrates gọi Đạo là nguyên lý của con người trong khi Heralitus chủ trương Đạo là trật tự của vũ trụ. Plato (427-347 TC) và Aristotle (384-322 TC) quan niệm Đạo là một kiến thức tuyệt đối.

Thánh Kinh cũng viết về Đạo: “Ban đầu có Đạo, Đạo ở cùng Đức Chúa Trời, và Đạo là Đức Chúa Trời” (Giăng 1:1 Bản Nhận Chánh). Nhưng Đạo của Thánh Kinh khác với Đạo của Đông phương và của triết học Hy-lạp. Đạo của Thánh Kinh không phải là nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ, hoặc nguyên lý của con người, hoặc trật tự của vũ trụ, hoặc kiến thức tuyệt đối. Đạo ấy là Thượng Đế Ngôi Hai sáng tạo vạn vật và vũ trụ: “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (1:3). Đạo đã xuống đời,mang hình hài thể xác con người để hy sinh mạng sống cứu chuộc nhân loại: “Đạo đã trở nên xác thịt, đóng trại giữa chúng ta...” (1:14 Bản Nhuận Chánh).Con người chỉ có thể biết Thượng Đế và được cứu rỗi là nhờ Đạo, tức là Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Ý NIỆM VỀ SỰ CỨU RỖI

Lão Giáo dựa vào khả năng con người để thực hiện sự cứu rỗi. Có ba giai đoạn con người phải trải qua: (1) phải tập đời sống giản dị, tự nhiên, ít tư riêng và ít tham dục (“Kiến tố, bão phác” và “thiểu tư, quả dục”). Đây mới chỉ là bước đầu để dứt bỏ cái “ta” nhân tạo nhiều giả dối để trở về cái “ta” đồng nhất với đạo, nghĩa là cố gắng đạt đến chỗ “thanh tỉnh” và “vô vi” (2) giai đoạn “Ngộ đạo”, (3) cuối cùng đạt tới trạng thái “huyền động”, nghĩa là đến lúc mọi vật đều hòa đồng với nhau thành một, không còn thấy riêng tư, phân biệt nữa. Khi đã đạt tới chỗ Huyền Động là lúc tâm hồn được yên tĩnh và khoan khoái vô cực. Đó là sự nhẹ nhàng lâng lâng khác thường,chỉ có thể diễn tả bằng hai chữ “thoát tục”.

Sau này người ta cho rằng theo Lão giáo tức là đi tu tiên để học luyện những “quyền phép lạ lùng thần tiên” hầu được trường sanh bất tử, bay bổng lên tiên."