Tìm kiếm

NHO GIÁO

1.—Nguồn gốc

2.—Ý niệm về cõi đời đời

3.—Ý niệm về con người

4.—Ý niệm về sự cứu rỗi

5.—Ý niệm về đạo hiếu

“Nho giáo” (còn gọi là Khổng giáo) là một trong tam giáo đã được dân Việt sùng tín từ thời Bắc thuộc, nghĩa là gần hai ngàn năm nay, đã du nhập vào Việt Nam cùng với sự đô hộ của người Trung Hoa và cũng đã có những thời kỳ toàn thịnh”.

NGUỒN GỐC

Nho giáo được lưu truyền đã lâu. Bắt đầu vua Phục-Hy chế ra bát quái gồm tám quẻ Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tôn, Ly, Khôn và Đoài: vua Hạ-Vũ dựng ra cửu trùng tức là chín phép trị dân, đã là gốc triết học của Nho giáo. “Điền, mô, huấn, cáo là những lời khuyên răn của Đại-Vũ, Cao-Dao,Y-Doãn, Phó-Duyệt, đã là gốc luân lý học của nho giáo. Nghiêu, Thuấn đặt ra điển hình, Châu-công chế ra lễ nhạc, đã là gốc chính trị học của nho giáo” Đến đời Xuân Thu Khổng-Tử góp nhặt các lời lẽ, văn chương, tư tưởng của tiền nhân để thuật lại cách mạch lạc, hệ thống. Từ đó Nho giáo ra đời.

Khổng-Tử—cũng gọi tôn kính là Khổng-Phu-Tử,là Vạn-thế Sư-biểu—người làng Xương Bình, nước Lỗ, nay thuộc Sơn Đông, bắc Trung Hoa. Tên huý của Khổng-Tử là Khâu, và tự là Trọng-Ni. Thân mẫu là Nhan-thị; thân phụ là Khổng-Thúc-Lương làm quan nước Lỗ. Lúc nhỏ Khổng-Tử thích chơi những đồ dùng trong nghi lễ cúng tế như đèn, nến... Năm 19 tuổi, lập gia đình và được bổ dụng làm Ủy-lại, chuyên coi việc lúa thóc của chính phủ. Sau đó lãnh chức Tư-chức-lại, chuyên coi việc nuôi bò, dê để dùng cho việc cúng tế.

Năm 22 tuổi, Khổng tử nổi tiếng là người tài giỏi. Năm 51 tuổi, vua nước Lỗ nghe tiếng Khổng-tử nên bổ nhiệm người làm quan Trung-đô-tử (tương đương Thị-trưởng ngày nay). Theo truyền thuyết, ông cầm quyền thì cả kinh thành đua nhau lương thiện: của rơi ngoài đường không mất mà được trả lại cho chủ. Kế sau người được thăng lên chức Đại-tư-khấu (Bộ-trưởng Tư-pháp). Năm 56 tuổi, được vua nước Lỗ thăng lên chức Nhiếp-tướng-sự (Thủ-tướng), nhưng chỉ ít lâu sau, Khổng-tử thấy nhà vua đam mê sắc dục, trễ nải việc triều chính, ông can ngăn không được liền bỏ ra đi chu du các nước.Khổng-Tử tới Vệ, sang Tần, qua Tống rồi đến Sở trong vòng 14 năm không được trọng dụng. Sau đó, Khổng-Tử trở về quê dạy học, viết sách cho đến ngày từ trần, thọ 73 tuổi.

Tất cả căn bản của Nho giáo có thể tra cứu trong Tứ-thư và Ngũ-kinh. Tứ Thư gồm bốn cuốn sách: (1) Đại-Học: là sách dạy về đạo đức của người quân tử; (2) Trung-Dung: là những lời của Khổng-Tử do học trò truyền lại, rồi sau cháu người là Tử-Tư chép thành sách, gồm 33 chương; (3)Luận-Ngữ: là sách chép các lời Khổng-Tử khuyên dạy học trò, hoặc những câu chuyện Khổng-Tử nói với người đương thời về nhiều vấn đề như: luân lý, triết lý, chính trị, học thuật; (4) Mạnh-Tử: là sách do Mạnh-Tử viết ra gồm 7 thiên,bàn về các vấn đề luân lý, chính trị và kinh tế.

Ngũ-Kinh gồm năm cuốn sách(1) Kinh Thi: vốn là những bài ca dao ở thôn quê và nhạc chương ở nơi triều miếu của Trung Hoa về đời thượng cổ: (2) Kinh Thư: do Khổng-Tử sưu tập, trong đó chép về phép tắc,mưu bàn, kế sách, lời dạy dỗ, lời truyền bảo, lời răn tướng sĩ, và mệnh lệnh của các vua tôi Trung Hoa từ đời Nghiêu, Thuấn đến đời Đông Chu (2357-771 TC);(3) Kinh Dịch: là sách giải thích về lẽ biến hóa của trời đất và muôn vật; (4)Lễ-ký: là sách chép các lễ nghi trong gia tộc, hương đảng và triều đình; (5)Xuân-Thu: nguyên là sử ký nước Lỗ, do Khổng-Tử làm lại, chép các công việc từ năm đầu đời Lỗ Ân Công đến năm 15 đời Lỗ Ai Công (772-481 TC).

Tứ-thư và Ngũ-Kinh vừa là Thánh Kinh của các môn đồ đạo Nho vừa là những tác phẩm triết học tối cổ của Trung Hoa. Và triết học Nho là nền tảng triết học chính yếu ở Đông phương.

Ý NIỆM VỀ CÕI ĐỜI ĐỜI

Khổng-Tử nhắm mục đích tái lập kỷ cương,thuần hóa phong tục, xây dựng lại con người, nên xem nhẹ “Hình Nhi Thượng” là phần chuyên chú về cõi siêu nhiên, mà chú trọng vào “Hình Nhi Hạ” là phần đi vào nhân sinh xã hội. Ông là người theo thuyết bất khả tri (thuyết chủ trương con người không thể hiểu nổi những cái tuyệt đối như có Thượng Đế không, có linh hồn bất tử không, ai sinh ra loài người...) vì Khổng-Tử đề cập rất ít về thần linh và cõi đời sau.

Trong Cổ-học Tinh-Hoa có kể lại: Ngày kia thầy Tử-Cống hỏi đức Khổng-Tử:

Người chết còn có biết gì nữa hay không?

Đức Khổng-Tử đáp:

“Nếu ta nói quả quyết người chết rồi còn có thể biết được, thì ta sợ những con cháu hiếu thảo liều thân để chết theo cha mẹ, ông bà. Còn nếu ta nói quả quyết người chết rồi không thể biết được, thì ta lại e những con cháu bất hiếu bỏ xác cha mẹ, ông bà mà không chôn. Ngươi muốn hiểu người chết có biết hay không biết, thì hãy thong thả đợi đến lúc chết rồi sẽ biết”.

Theo sự giải thích của Nguyễn-văn-Ngọc và Trần-Lê-Nhân, thì câu kết luận của Khổng-Tử: “Ngươi muốn hiểu người chết có biết hay không biết, thì hãy thong thả đợi đến lúc chết rồi sẽ biết”, chính là một câu từ chối trả lời khéo của Khổng-Tử. Bởi lẽ học thuyết của Khổng-Tử chỉ hướng về sự tai nghe mắt thấy, hằng ngày thường làm chớ không bao giờ dạy đến cõi đời sau. Cho nên, lần kia để trả lời cho một câu hỏi tương tự, Khổng-Tử đã nói: “Cái sống còn chưa biết, làm sao biết được cái chết”

Nhiều thế kỷ sau khi Khổng-Tử qua đời, các môn đệ ông mới bàn đến cõi đời sau. Khi dạy về cõi đời đời, Nho giáo có đề cập đến Trời (Heaven) hoặc Thượng Đế (Shang Ti). Trời là “Đấng Tối Cao chỉ huy mọi vật trong vũ trụ” Trời có thể hiểu rõ người và có thể gây ra sự mất mát cho người qua việc cho phép thần chết cướp mất những người thân. Người có thể phạm tội với Trời. Vì vậy người quân tử cần tìm biết về “Thiên Đạo” (“Way of Heaven”) và thông hiểu “Thiên Mệnh” (“The Will of Heaven” hoặc “Heavenly Fate”). Chữ Thiên Mệnh trong Luận ngữ có ba ý nghĩa:

Nghĩa thứ nhất trỏ một thái độ thuần triết của những người tin rằng trong vũ trụ có một luật biến hóa nào đó có thể tìm hiểu được và nên rán tìm hiểu, để xử sự theo nó, đừng trái nó. Nghĩa thứ nhì và nghĩa thứ ba đều cho rằng trong đời có những điều không thể hiểu được, có khi vô lý nữa: chỉ khác là nghĩa thứ nhì trỏ một thái độ tích cực, làm hết sức mình rồi kết quả ra sao cũng mặc; còn nghĩa thứ ba trỏ một thái độ tiêu cực, hoàn toàn để cho hoàn cảnh chi phối, chẳng cần làm gì cả.

Ý niệm về Thiên Mệnh được dân Việt khắp nơi đón nhận, và đã đưa vào các tác phẩm văn chương như: Đoạn Trường Tân Thanh,Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Lục Vân Tiên v.v...

Ý NIỆM VỀ CON NGƯỜI

Nho giáo xây dựng học thuyết trên chữ nhân.Có thể nói nhân là xuất phát điểm của hệ thống tư tưởng Khổng học. Nhân, theo gốc chữ Hán gồm có chữ nhân là người và chữ nhị là hai. Vậy nhân là sự tương quan giữa người với người trong xã hội. Tương quan giữa vua tôi gọi là Quân Thần, giữa vợ chồng gọi là Phu Phụ, giữa cha con gọi là Phụ Tử. Ba tương quan đó là Tam Cương. Muốn tạo không khí thanh bình, tín cẩn, hòa ái trong cuộc sống hằng ngày, Nho giáo nêu cao năm đức tính trong Ngũ Thường. Với căn bản luân lý này con người phải gắng tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Còn đàn bà thì phải biết Tam Tòng và Tứ Đức.

Nho giáo quan niệm rằng con người sinh ra với bản tính toàn thiện (nhân chi sơ, tính bản thiện). Con người phải sống theo bản tính toàn thiện ấy để tập lấy nhân đức. Sở dĩ con người không đi tới chỗ toàn thiện chỉ vì không chịu tập nhân đức. Các Thánh nhân, các nhà đạo đức chỉ hơn người ở chỗ biết giữ lấy bản năng toàn thiện của con người.

Ý NIỆM VỀ CỨU RỖI

Nho giáo chú trọng đến việc con người sống trong thế giới này, vì vậy sự cứu rỗi đặt trọng tâm trên các nguyên tắc đạo đức của Khổng-Tử cùng một số lễ nghi mà con người phải vâng giữ. Nho giáo cho rằng con người sinh ra với một bản thể toàn thiện nên có thể tự làm nên sự cứu rỗi cho mình. Về sau, Nho giáo dạy rằng tâm trí con người có thể được đổi mới qua sự học hỏi, giáo dục và sửa mình. Khó khăn nhất là bước đầu tiên phải tu sửa bản thân cho tâm lành, trí cao. Muốn vậy, đối với chính mình phải “giữ lòng cho ngay thẳng, ý cho thành khẩn” (“chánh tâm, thành ý”). Đối với tha nhân “không có thành kiến với bất cứ ai, chẳng nên quan niệm rằng việc đời sẽ diễn tiến đúng như mình dự liệu, gặp ý kiến bất đồng đừng khăng khăng tự cho là đúng, và trong khi tiếp xử với người, phải quên cá nhân mình đi” (“vô ý, vô tất, vô cố,vô ngã”). Sống trong bất cứ môi trường nào, người quân tử cũng phải “hòa nhã khiêm cung với tất cả mọi người, nhưng tuyệt nhiên không a dua theo ai” (“quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”).

Khổng-Tử cũng lấy Ngũ Thường gồm Nhân,Nghĩa, Lễ, Trí, Tín giáo hóa con người:

  1. Nhân: nhân hậu, độ lượng bác ái. Nhân là yêu thương tha nhân như bản thân mình. “Thương người như thể thương thân” (“ái nhân như kỷ”).
  2. Nghĩa: là lòng biết ơn cảm tạ, báo đáp đền bù cho các ân nhân của mình. Nghĩa còn là thi ân cho các người cần đến mình.
  3. Lễ: là lễ phép kính trên nhường dưới.“Tiên học lễ hậu học văn”. Lễ với cha mẹ, với người lớn tuổi, với cấp trên, với chủ nhà. Lễ ở mọi nơi, Lễ cả khi bị làm phiền “dĩ hòa vi quí”.
  4. Trí: Những gì cần biết thì phải biết.Biết sống sao cho hợp Đạo Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân). Biết coi nhẹ Danh Lợi Thú.
  5. Tín: tin tưởng cậy nhờ được, đã nói thì làm, đã hứa thì giữ, đã nhận công tác thì chu toàn, không lật lọng tráo trở.

Do việc giữ các nguyên tắc trên, Nho giáo tìm kiếm một xã hội nhân loại toàn hảo và một bản thể con người trọn lành. Các nguyên tắc sống trên có thể tóm lại trong câu này: Hễ điều gì mình không muốn kẻ khác làm cho mình, thì cũng đừng làm điều đó cho kẻ khác.

Cho dù học thuyết Nho giáo rất tốt song nó cũng là một sự ngăn trở lớn cho việc truyền bá Phúc Âm. Các nhà nho học và những người trí thức cho rằng đạo của Khổng-Tử là trọn lành và họ lấy đó làm tiêu chuẩn đạo đức cho mình. Họ khước từ Phúc Âm vì cho rằng đạo học của Khổng-Tử đã quá đủ và không cần thiết phải nghĩ đến đạo mới hay giáo lý mới.

Dĩ nhiên ta biết họ lầm lẫn vì không ai có thể làm lành lánh dữ đủ để có thể tự cứu mình khỏi tội. Thánh Kinh quả quyết:

“Chẳng một người nào công chính, dù chỉ một người thôi… chẳng một ai làm lành, dù một người cũng không” (Rô-ma 3:10,Rô-ma 3:12 BDY)

Và:

“Ấy là nhờ ân điển bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8-9).

Họ có thể sẽ chỉ ra vài Cơ Đốc nhân không có đời sống tốt đẹp để so sánh với những người chưa tin khác hoặc với chính họ.Lúc ấy ta nên mời gọi họ hãy nhìn xem Chúa Cứu Thế, tuy nhiên thường là rất khó khi có nhiều người Cơ Đốc không sống giống như Chúa.

Ý NIỆM VỀ ĐẠO HIẾU

Khổng-Tử dạy chỉ người con trai mới được thừa kế việc hương hỏa, vì thế dân Việt tin rằng không sinh được con trai là bất hiếu. Không có con trai thừa kế để thực hiện việc thờ cúng tổ tiên là một điều bất hạnh. Hoặc nếu có con trai, các bậc cha mẹ cũng không muốn con mình trở thành Cơ Đốc nhân, vì sợ con cái không cúng bái.

Để khắc phục ngăn trở này, người Cơ Đốc phải bày tỏ sự hiếu kính trong nếp sống hằng ngày hầu tránh sự hiểu lầm trên. Tiến sĩ Chow Lien-Hwa, giáo sư Chủng viện Thần học tại Đài Loan, trong một bài viết về “Sự Đáp Ứng của Cơ Đốc Nhân Đối Với Việc Hiếu Kính Trong Văn Học Cổ Điển Trung Quốc” đã nói rằng, ngoại trừ các nghi lễ cúng bái, thì không gì sai cho người Cơ Đốc khi thực hành truyền thống hiếu kính tổ tiên. Chow đề nghị nên gọi là “hiếu kính tổ tiên” thay cho “thờ kính tổ tiên” vì người Cơ Đốc không thể thờ phượng một người nào hoặc thần nào khác ngoài Thiên Chúa.

Ông gợi ý thêm rằng để được kết quả trong việc truyền bá Phúc Âm, người Cơ Đốc nên tránh phê bình hoặc chỉ trích truyền thống cũ, thay vào đó là giải thích cho người chưa tin hiểu về cách thức bày tỏ lòng hiếu thảo theo Thánh Kinh. Chow dựa vào hai tác phẩm cổ điển Trung Quốc:Lòng Thảo Hiếu Của Con Cái và Luận Ngữ (của Nho giáo), mà viết rằng:

“Đạo hiếu là trọng tâm của Nho giáo. Đạo hiếu thúc đẩy dân chúng kính trọng cha mẹ và đó cũng là nền tảng đạo đức của người Trung Hoa… Việc khẩn yếu của người Cơ Đốc ở Đông phương là chớ nên phê phán các truyền thống cũ, nhưng hãy để cho dân chúng thực hành việc tưởng nhớ tổ tiên, song tránh các hình thức thờ phượng và cúng bái.”

Liang cũng đồng quan điểm trên khi nói rằng:“Chúng ta đã chỉ trích, chê bai quá nhiều đối với việc thờ cúng tổ tiên, cho nên người Cơ Đốc bị hiểu lầm là không hiếu kính ông bà, cha mẹ và điều đó đã ngăn trở người khác tiếp nhận Phúc Âm.” Liang kêu gọi các tín hữu nên có thái độ tích cực để cho cả người Cơ Đốc lẫn người chưa tin đều nhận thấy răng đức tin Cơ Đốc không phải là bỏ ông bỏ bà. Ông nhấn mạnh rằng ta nên chinh phục người hư mất bằng nếp sống đạo hơn là đoán xét, thay thế hơn là phá đỗ. Liang giải thích:

Hai yếu tố căn bản cần thiết để thực hiện việc này là: Dạy lời Chúa cho họ và khéo léo hướng dẫn họ thay đổi cách thức bày tỏ lòng hiếu kính. Dạy lời Chúa sẽ khiến cho mọi người có thể đến với Đức Chúa Trời, nhận được sự sống sung mãn nơi Ngài để có thể thực hiện việc thay đổi. Tiếp đến ta sẽ chứng minh lòng hiếu kính qua lối sống đạo... thảo hiếu với cha mẹ lúc còn sống bằng cách phụng dưỡng chu đáo, và tổ chức lễ an táng trọng thể cho cha mẹ khi qua đời... thường là do vị Mục Sư cử hành lễ. Ta có thể đặt trước quan tài những vòng hoa và bức hình rọi lớn của người đã quá cố. Sau đây là các thể thức tưởng nhớ cha mẹ, ông bà đã khuất. (1) Treo lên tường ở giữa nhà những câu Thánh Kinh hoặc Mười Điều Luật hay bức hình Chúa Giê-xu để thay cho bàn thờ tổ tiên và các thần khác. (2) Treo bức ảnh người đã quá cố ở một nơi dễ nhìn thấy. (3) Hằng năm tổ chức tại nhà lễ kỷ niệm ngày ông bà, cha mẹ qua đời và mời vị Mục sư làm chủ tọa buỗi lễ. (4) Đi thăm và dọn sạch cỏ ở ngôi mộ vào ngày Thanh Minh nhưng không cúng bái và đốt giấy vàng bạc. (5) Giữ tình thông công với bà con chưa tin Chúa và bày tỏ cho họ thấy ta không bao giờ quên ông bà, cha mẹ đã khuất... Ngoài ra, người Cơ Đốc còn có thể dành riêng một quyển Thánh Kinh đặc biệt, gọi là Quyển Thánh Kinh của Gia Tộc, và ghi tên của ông bà, cha mẹ vào các trang đầu bỏ trống. Hoặc hằng năm nên tổ chức một ngày gọi là Ngày của Tổ Tiên tại nhà thờ hay nghĩa trang."