TÍN NGƯỠNG CỦA DÂN VIỆT TRONG SỰ CHỨNG ĐẠO -- THỜ CÚNG TỔ TIÊN
1.—Ý niệm về sự chết
2.—Ý niệm về cuộc sống hiện tại
3.—Ý niệm về đời sau
4.—Ý niệm về năng quyền
5.—Ý niệm về sự cứu rỗi
6.—Ý niệm về sự hiếu kính cha mẹ, ông bà
7.—Ý niệm về việc liên lạc với người chết
Người tín hữu Việt Nam đều đồng ý rằng mối cản trở lớn nhất cho dân Việt trong sự tiếp nhận Phúc Âm là vấn đề thờ cúng tổ tiên. Vì thế điều quan trọng hàng đầu cho các Hội Thánh Cơ Đốc Việt Nam là tìm cách giải thích việc thờ cúng này. Nhiều người Việt không muốn trở thành Cơ Đốc nhân vì sợ rằng họ không còn được phép thờ cúng cha mẹ, ông bà.
Theo phong tục Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên rất là quan trọng. Người Việt tin rằng:
Chết chưa phải là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và hằng lui tới gia đình. Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt.
Tục ta lại tin rằng dương sao âm vậy, người sống cần gì, sống làm sao thì người chết cũng như vậy và cũng có một cuộc “sống” ở cõi âm như cuộc sống của người trên dương thế, nói khác đi, người chết cũng cần ăn uống tiêu pha, nhà ở như người sống. Tin như vậy, việc cúng lễ là cần thiết, và việc thờ phụng tổ tiên không thể không có được.
Tục cũng lại tin rằng vong hồn các người khuất thường luôn ngự trên bàn thờ để gần gủi con cháu trong công việc hằng ngày và giúp đỡ con cháu trong những trường hợp cần thiết.
Dân Việt thường cúng bái tổ tiên vào các ngày lễ lớn như tết Nguyên Đán (ngày đầu năm Âm Lịch), tết Thanh Minh (Ngày thượng tuần tháng ba), tết Đoan Ngọ (mùng năm tháng năm), tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy), tết Trung Thu (rằm tháng tám)... Ngoài ra, con cháu tin ở sự phù hộ và sự hiện diện của tổ tiên quanh mình nên bất cứ một việc lớn nhỏ gì xảy ra,liên quan tới gia đình, gia trưởng đều có lễ cáo gia tiên như: vợ sinh con; con đầy cử; đầy tháng; đầy năm; con cái bắt đầu đi học; con cái sửa soạn đi thi;con cái thi đỗ; gả chồng cho con gái, dựng vợ cho con trai; xây dựng nhà mới.
Ý NIỆM VỀ SỰ CHẾT
Sự chết thể xác, theo quan niệm của dân Việt và của các trước giả Kinh Thánh, là việc không thể tránh được. Tuy nhiên, ý niệm về sự chết của dân Việt khác với ý niệm về sự chết trong Thánh Kinh. Sự chết theo Thánh Kinh là sự mở đầu cho việc đánh mất tất cả mối liên hệ trên đất và cắt đứt mọi sự giao tiếp với người sống. Đó không phải là sự chuyển tiếp vào vũ trụ thần linh, cũng không phải là phương tiện để người chết có thể biến nên thánh thần. Thánh Kinh quả quyết rằng sự chết là sự phân rẽ quan trọng cuối cùng giữa con người và Đấng Tạo Hóa do tội lỗi gây ra. Theo quan điểm Thánh Kinh, sự chết là điều đi ngược lại ý chỉ của Đức Chúa Trời, Đấng ban cho sự sống. Nó là hiện thân của kẻ thù cuối cùng bị Chúa Phục Sinh hủy diệt. Sự chết thống trị nhân loại vì “mọi người đều đã phạm tội” (Rô-ma 3:23). Thánh Kinh không chỉ vén màn bí mật về căn nguyên của sự chết, mà còn báo trước về sự chấm dứt của sự chết. Sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chiến thắng sự chết và trong thời đại hầu đến sẽ “không có sự chết, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi” (Khải Huyền 21:4).
Ý NIỆM VỀ CUỘC SỐNG HIỆN TẠI
Không giống như quan niệm của triết gia Hy-lạp, dân Việt không cho rằng thân xác là một gánh nặng phải tống khứ. Mặc dù dân Việt tin rằng sự chết là lối vào vũ trụ thần linh, thì cũng không có nghĩa là sự chếât có thể giải phóng con người khỏi các xiềng xích của thân xác. Thật ra thân xác là môi trường mà qua đó con người có thể vui hưởng cuộc sống hiện tại. Con người là một sinh vật lịch sử và thực sự này làm cho cuộc sống hiện tại càng trở nên quý giá. Vì thế ta không ngạc nhiên khi thấy dân Việt cầu xin tổ tiên đã khuất, ban cho con cháu có được một thể xác khỏe mạnh.
Tuy nhiên, Thánh Kinh lại quan niệm khác hơn. Con người chỉ có thể vui hưởng cuộc sống hiện tại trong Chúa Cứu Thế Giê-xu mà thôi. Đối với Cơ Đốc nhân cuộc sống hiện tại không những là quý báu vì những điều họ có thể vui hưởng trong thế giới này, mà còn vì họ có thể thông công với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sự kiện quan trọng hơn nữa là con người chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa thật của cuộc đời qua mối liên hệ với Đức Chúa Trời hằng sống.
Ý NIỆM VỀ ĐỜI SAU
Dân Việt tin rằng chết không phải là hết.Chết chẳng phải là kết thúc sự hiện hữu của con người. Có sự sống bên kia cõi chết. Tuy nhiên quan niệm về đời sau của Thánh Kinh không giống với quan niệm của dân Việt. Thánh Kinh dạy rằng trong ngày cuối cùng những người chết trong Chúa Cứu Thế sẽ được sống lại để vào sự sống bất diệt. Còn những người không tin sẽ sống lại để đi vào sự hư mất đời đời.
Ý NIỆM VỀ NĂNG QUYỀN
Dân Việt tin rằng tổ tiên đã khuất có quyền năng trên người sống. Họ có thể bảo vệ con cháu khỏi mọi tật bệnh và có thể ban cho con cháu được sống lâu và sống phước hạnh. Tuy nhiên có vấn đề khó khăn tại đây. Tổ tiên đã quá cố có thể chận đứng sự chết không? Tổ tiên có thể làm cho con cháu từ kẻ chết sống lại chăng? Tổ tiên đã khuất không thể thực hiện được những việc đó vì chính họ cũng đã bị sự chết thống trị. Ta nên nhớ rằng tổ tiên đã quá cố chỉ là người, và trải qua sinh, lão, bệnh, tử như mọi người khác. Tổ tiên không thể tự giải cứu chính mình, cũng không thể tránh được sự chết thì làm sao họ có thể che chở, bảo vệ con cháu? Thực ra niềm tin về một người sau khi chết sẽ có được năng quyền mới, là niềm tin không đặt nền tảng trên Thánh Kinh. Đức Chúa Trời không bao giờ ban cho tổ tiên đã khuất quyền năng để ban phước hoặc giáng họa trên người sống.
Ngoài ra niềm tin nơi người chết có thể cứu giúp người sống là hành động phủ nhận quyền tể trị, xử đoán cả kẻ chết lẫn người sống của Chúa Cứu Thế. “Đấng Christ đã chết và sống lại, ấy là để làm Chúa kẻ chết và người sống” (Rô-ma 14:9). Chúa Cứu Thế cầm quyền tể trị trên hai vương quốc của kẻ chết và người sống vì Ngài đã trải qua sự chết, đắc thắng thần chết và đã sống lại khải hoàn như là Chúa của sự sống.
“Vả, những chữ “Ngài đã lên” có nghĩa gì,há chẳng phải là Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ở dưới đất sao? Đấng đã xuống tức là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự”(Ê-phê-sô 4:9-10).
“Thượng Đế là Nguồn Sống, nên Con Ngài cũng là Nguồn Sống. Thượng Đế đã giao quyền xét xử loài người cho Con, vì Con Thượng Đế chịu làm Con người. Các ông đừng ngạc nhiên. Sắp đến giờ mọi người chết nằm dưới mộ sẽ nghe tiếng gọi của Con Thượng Đế, và bước ra khỏi mộ. Người làm điều thiện sống lại để được sống mãi còn người làm ác sống lại để chịu hình phạt” (Giăng 5:26-29 BDY).
Vì Chúa Cứu Thế là Đấng sống, Ngài đã chết,nhưng nay Ngài sống đời đời, giữ chìa khóa cõi chết và Âm phủ, nên ta không thể tin rằng người đã khuất có quyền ban phước hoặc giáng họa trên người sống. “Tôi nói thế có nghĩa gì? Thần tượng và của cúng thần tượng (qua nghi thức thờ cúng tổ tiên) chẳng có giá trị gì, nhưng những lễ vật đó cũng cho ác quỉ chứ không phải dành cho Thượng Đế” (1Cô-rinh-tô 10:19-20 BDY).
Ý NIỆM VỀ SỰ CỨU RỖI
Niềm tin về sự cứu rỗi trong Thánh Kinh khác với niềm tin của dân Việt qua sự thờ cúng tổ tiên. Dân Việt tin rằng nhờ việc thờ cúng tổ tiên mà người đã khuất sẽ sớm được vào miền cực lạc. Khi con cháu thiết lập những nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thì người quá cố sẽ hưởng được nhiều công trạng. Đáp lại tổ tiên đã khuất sẽ che chở cho con cháu.
Tuy nhiên, Thánh Kinh không chấp nhận việc làm này. Sự cứu rỗi không phải do công trạng, nhờ việc làm của con người: nhưng là do ân phúc, bởi đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. “Anh em được cứu nhờ ân phúc của Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Sự cứu rỗi là tặng phẩm của Thượng Đế chứ không do anh em tự tạo” (Ê-phê-sô 2:8 BDY). Sau sự chết là sự phán xét đang chờ đợi người đã quá cố, vì “theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Và số phận đời đời của linh hồn người đã khuất, đã được định xong, căn cứ vào sự đáp ứng của người trước Phúc Âm cứu rỗi lúc còn tại thế.
“Chúa sẽ thưởng phạt tùy theo công việc của mỗi người. Người nào bền lòng vâng phục Chúa, tìm kiếm vinh quang, danh dự và những giá trị vĩnh cửu, sẽ được sự sống đời đời. Còn người nào vị kỷ, chối bỏ chân lý, đi theo đường gian tà, sẽ bị hình phạt; Thượng Đế sẽ trút cơn giận của Ngài trên họ. Tai ương, thống khổ sẽ giáng trên mọi kẻ làm ác, dù người Do Thái hay nước ngoài. Nhưng vinh quang, danh dự, bình an dành sẵn cho người vâng phục Thượng Đế, không phân biệt chủng tộc vì Thượng Đế không thiên vị ai”(Rô-ma 2:6-11 BDY).
Do đó, thờ phụng tổ tiên đã khuất không đem lại lợi ích cho họ và cho con cháu còn sống. Con cháu không làm gì được cho người đã quá cố, và người đã khuất cũng không thể che chở, bảo vệ cho con cháu còn sống. Thánh Kinh chép: “Sự yêu, sự ghét, sự ganh gỗ của họ thảy đều tiêu mất từ lâu; họ chẳng hề có phần nào về mọi điều làm ra dưới mặt trời” (Truyền Đạo 9:6).
Ý NIỆM VỀ SỰ HIẾU KÍNH CHA MẸ, ÔNG BÀ
Dân Việt rất trọng lễ và trọng lễ thì ân nghĩa giữ phần quan trọng. Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ và thảo hiếu với ông bà tổ tiên. Dân Việt cho rằng một người con thảo hiếu là người phải thờ cúng tổ tiên đã quá cố qua nhang đèn, bàn thờ, giỗ kỵ. Thánh Kinh cũng dạy Cơ Đốc nhân phải hiếu thảo cha mẹ:
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Ê-díp-tô 20:12).
“Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhất có lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6:1-3).
Tuy nhiên, cách thức người Cơ Đốc bày tỏ lòng hiếu kính không giống như những hình thức thông thường của nhiều người,nghĩa là không bàn thờ, không nhang đèn. Vì Thánh Kinh dạy sự chân thật từ tấm lòng quan trọng hơn những hình thức của lễ bên ngoài (Thi Thiên 51:16-17 Giăng 4:23-24). Hơn nữa, Thánh Kinh dạy rõ rằng tổ tiên đã khuất không còn có những nhu cầu thể xác như người sống.
Người sống ít ra cũng còn biết mình sẽ chết,nhưng người chết còn biết gì nữa đâu, cả trí nhớ cũng chẳng còn. Tất cả những việc họ làm khi còn sống, dù là do yêu, ghét, đố kỵ... đều đi vào hư vô từ lâu,chẳng gì còn lại cho họ trên đời (Truyền Đạo 9:5-6).
“Chúa Giê-xu đáp: Các ông lầm lẫn vì không hiểu Thánh Kinh, cũng chẳng hiểu quyền năng Thượng Đế. Khi sống lại,không ai còn cưới vợ lấy chồng nữa, mọi người đều giống như thiên sứ” (Ma-thi-ơ 22:29-31 BDY).
Người chết không có nhu cầu, và vì vậy ta không cần chu cấp thực phẩm hay các phương tiện sinh sống khác. Người con thảo hiếu, theo lời Chúa dạy, là người thật lòng yêu thương cha mẹ, tôn kính tổ tiên bằng cách lúc cha mẹ còn sống thì lo phụng dưỡng và làm vui lòng đấng sinh thành. Lúc cha mẹ, ông bà không còn tại thế thì phải ăn ở sao cho đúng lời người dạy bảo và giữ danh thơm tiếng tốt cho người đã khuất.
Ý NIỆM VỀ VIỆC LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI CHẾT
Theo Thánh Kinh, tổ tiên đã quá cố không thể trở lại cùng người sống qua bất cứ hình thức nào. Trong Cựu Ước, người chết được giữ nơi phần mộ và nơi âm phủ (sheol) là nơi không thể trở lại trần gian.Từ liệu sheol (âm phủ) chỉ nơi kẻ chết ở để chờ đợi sự sống lại. Từ liệu này cũng đồng nghĩa với chữ “hades” trong Tân Ước. Tuy nhiên, chữ “hades” có ý rõ ràng hơn vì nó chỉ hai nơi riêng biệt: phía trên gọi là “Ba-ra-đi” dành cho người công bình; phía dưới dành cho kẻ ác phải ở trong tình trạng khổ sở để chờ đợi sự phán xét cuối cùng. Có một vực sâu ngăn cách giữa hai nơi này, như được bày tỏ trong Lu-ca 16:19-31. Đó là tình trạng trước khi Chúa thăng thiên; nhưng sau khi Ngài thăng thiên thì Ba-ra-đi được dời đến tầng trời thứ ba (Ê-phê-sô 4:8-10 2Cô-rinh-tô 12:1-4 Lu-ca 23:43). Như thế người chết bị cắt đứt mọi liên lạc với cộng đồng nhân loại cũng như chấm dứt tất cả sự phục vụ Chúa. Họ không thể kêu cầu Đức Chúa Trời và chẳng thể ngợi khen Ngài. Họ không còn có thể chia sẻ bất cứ điều gì dưới ánh mặt trời. Gióp nói: “...bây giờ tôi sẽ nằm trong bụi đất,Chúa sẽ kiếm tìm tôi, song tôi không còn nữa” (Gióp 7:21) (Gióp không phải định nghĩa sự chết, bèn là nói lên sự xung đột giữa bản thân với vấn đề sự chết).
Tân Ước dạy rõ là người chết vẫn tiếp tục tồn tại sau khi chết. Tuy nhiên, Tân Ước không cho biết hết về tính chất xác thực sự tồn tại của người chết. Thánh Kinh không nói là có những nhịp cầu liên lạc giữa người đã quá cố và người sống. Bởi vì tổ tiên đã khuất không có phần trong cuộc đời người sống, nên họ không thể ban phước hoặc làm hại người sống.Điều ta cần nhớ là câu chuyện về người giàu có và La-xa-rơ nên giải nghĩa cho đúng mục đích của nó và không thể dùng câu chuyện đó để chứng minh cho tình trạng có thể liên lạc giữa kẻ đã quá cố và người sống. Mục đích của câu chuyện này dạy ta nên vâng theo lòng ước muốn của tổ tiên. Lu-ca 16:19-31 bày tỏ rằng tổ tiên mong muốn con cháu tiếp nhận Chúa Cứu Thế để khi chết khỏi phải xuống nơi khổ hình.
Người giàu thưa: “Vậy xin tổ làm ơn sai Lã-xa đến nhà cha con, cảnh cáo hăm anh em con, để khi chết họ khỏi phải xuống nơi khổ hình này’. Áp-ra-ham giải thích: “Đã có Thánh Kinh luôn luôn cảnh cáo họ” Người giàu nài nỉ: “Thưa tổ, không được đâu! Nếu có người chết sống lại cảnh cáo, họ mới ăn năn”. Nhưng Áp-ra-ham nghiêm nghị: “Nếu họ không tin lời Thánh Kinh, dù có người chết sống lại họ cũng chẳng tin” (Lu-ca 19:27-31 BDY).
Tuy nhiên, có hai phân đoạn Thánh Kinh—một trong Cựu Ước và một trong Tân Ước—nói đến sự liên lạc với người chết. Phân đoạn quen thuộc trong 1Sa-mu-ên 28:1-25, ghi chép về việc Sau-lơ liên lạc với Sa-mu-ên.Ba sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca cũng tường thuật việc Chúa Giê-xu chuyện trò với Môi-se và Ê-li (Ma-thi-ơ 17:1-13 Mác 9:2-8 Lu-ca 9:28-36). Đây không phải là những ngụ ngôn, nhưng là các bài tường thuật về cuộc nói chuyện của Chúa Giê-xu với các nhân vật nổi tiếng thời Cựu Ước. Ta có thể giải thích đây là những trường hợp ngoại lệ, dù vậy ta vẫn không thể phủ nhận tính chất lịch sử của chúng. Tuy thế, ta cũng không thể dùng chúng để minh chứng cho việc liên lạc với người chết. Thánh Kinh nghiêm cấm về việc này và cho đó là hành động gớm ghiếc.
“Ở giữa ngươi chớ nên có ai đem con trai hay con gái mình ngang qua lửa, chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù thủy, thầy pháp, kẻ hay dùng ếm chú, người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số hay là kẻ đi cầu vong; vì Đức Giê-hô-va lấy làm gớm ghiếc kẻ làm các việc ấy và vì các sự gớm ghiếc ấy nên Giê-hô-va và Đức Chúa Trời ngươi đuổi các dân tộc đó khỏi trước mặt ngươi” (Phục truyền 18:10-12).
“Nếu có ai bảo các ngươi: Hãy cầu hỏi đồng bóng và thầy bói, là kẻ nói ríu rít líu lo, thì hãy đáp rằng: Một dân tộc há chẳng nên cầu hỏi Đức Chúa Trời mình sao? Há lại vì người sống mà hỏi kẻ chết sao?” (Ê-sai 8:19).
Trong cuộc sống hằng ngày, người Việt có thể kể lại nhiều trường hợp họ đã gặp gỡ hoặc nói chuyện với tổ tiên đã quá cố. Vì thế, câu hỏi được đặt ra: Những người đã khuất này là ai? Theo truyền thống,người ta tin rằng đây là những ác thần mạo nhận danh nghĩa người đã quá cố để lường gạt người sống. Moreau đã nói:
Cho những ai muốn “nói chuyện” với những người thân hoặc bà con đã khuất, thì không có gì đảm bảo rằng các linh hồn đó sẽ hiện ra. Duy có điều ta biết chắc là những hành động đó sẽ tạo cơ hội cho sự lừa gạt của Sa-tan hơn là sự mặc khải thuộc linh thực sự.
Đức Chúa Trời nghiêm cấm người sống liên lạc với kẻ đã quá cố, cho dù trong thực tế họ không làm được điều đó.
Trong lúc nhiều người tìm đến những người đã khuất để nhờ sự phù hộ, thì Cơ Đốc nhân nhất quyết không làm điều ấy. Thay vào đó, ta tìm đến Đấng đã từ cõi chết sống lại và hiện nay đang ngồi bên hữu Đức Chúa Cha cầu thay cho chúng ta. Ngài cũng là vị quan án trong ngày phán xét, là ngày mà hết thảy mọi người, gồm cả ông bà, cha mẹ ứng hầu trước mặt Chúa.
Ngoài việc giải thích cho thân hữu về vấn đề thờ cúng tổ tiên, chứng đạo viên cũng phải có chương trình dạy đạo cho tân tín hữu. Ta nên nhớ rằng cho dù người Việt đã tiếp nhận Phúc Âm và được cứu, họ vẫn còn bị ảnh hưởng bởi truyền thống thờ kính tổ tiên. Vì thế:
Thứ nhất, chứng đạo viên nên dạy cho tân tín hữu về Đức Chúa Trời. Có một Đức Chúa Trời thật. “Đức Chúa Trời chẳng phải trời, chẳng phải đất, chẳng phải lý, chẳng phải khí, chẳng phải tánh, chẳng phải người, chẳng phải vật, chẳng phải quỉ thần, bèn là Đấng chủ tể dựng nên trời đất, muôn vật và loài người. Ngài làm Chúa của muôn dân, vua của muôn vua,không đầu tiên, không cuối cùng, trọn tài, trọn trí, trọn lành, chí tôn, không ái sánh kịp” Ngài yêu thương, che chở con cái Ngài bằng quyền năng siêu nhiên.Con người không phải sợ hãi vì Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị. Ta dạy họ cách thờ phượng Chúa. “Thờ lạy Đức Chúa Trời không cần phải xây đền đài, trổ tượng,vì Ngài ở khắp mọi nơi; không cần phải dùng hi sinh, lễ vật và hương đèn, vì Ngài rất giàu có... Ngài chỉ thích người ta lấy tâm thần mà thờ lạy Chúa, bất luận chỗ nào, lúc nào cũng được cả... Đến Chúa Nhật đi vào nhà thờ, nhóm họp với anh chị em tín hữu, trước thờ phượng Chúa, sau nghe Mục sư giảng dạy, tỉnh thức, yên ủi, lại hát ngợi khen và cầu nguyện.” Ta cũng dạy họ là có sự khác biệt rõ rệt giữa Đức Chúa Trời và loài người. Đức Chúa Trời là Đấng Sáng tạo,còn loài người là tạo vật Ngài. Con người không bao giờ trở thành thần linh, và cũng không được phép thờ phượng Đức Chúa Trời qua các hình tượng như A-rôn và dân Do Thái đã làm:
“A-rôn đáp rằng: Hãy lột những vòng vàng đeo nơi tai vợ, con trai và con gái các ngươi, rồi đem lại cho ta. Hết thảy đều lột vòng vàng nơi tai mình mà đem lại cho A-rôn; người nhận lấy nơi tay họ, và dùng đục làm thành một con bò đúc. Dân chúng nói rằng: Hỡi Y-sơ-ra-ên! Nầy là các thần của ngươi đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (Xuất Ê-díp-tô 32:2-5).
Cơn giận của Đức Chúa Trời cháy phừng chống nghịch người thờ hình tượng:
“Sa-ma-ri hỡi, thần tượng bò con vàng của ngươi bị Ta dứt bỏ. Cơn phẫn nộ Ta cháy phừng chống nghịch các ngươi. Cho đến bao giờ các ngươi mới được tinh luyện trong Y-sơ-ra-ên” (Ô-sê 8:5 BDY).
Thứ hai, chứng đạo viên nên dạy cho tân tín hữu về sự chết, người chết, và sự sống đời đời. Ta phải biết quan điểm của cả người Việt lẫn người Cơ Đốc về ý niệm của sự chết để hướng dẫn tân tín hữu. Đặc tính và ý nghĩa của sự chết là gì? Sự chết là kẻ thù, là kết quả của tội lỗi;song đối với người Cơ Đốc, ý nghĩa đó đã thay đổi—người Cơ Đốc không còn sợ nọc độc của sự chết, Cơ Đốc nhân cũng trải qua sự chết, vì vốn mang huyết khí của A-đam; tuy nhiên có sự khác biệt giữa người tin Chúa và không tin Chúa khi bước qua cánh cửa của sự chết.
Người tin Chúa: theo Thánh Kinh, người tin Chúa không bị sự đoán xét trong đời này và đời sau (Giăng 5:24), khi chết người sẽ được bước vào cõi sống đời đời, và thân thể sẽ sống lại trong ngày Chúa tái lâm. Vì thế sự chết đối với Cơ Đốc nhân chỉ là giấc ngủ, là phương tiện để bước vào sự sống vĩnh viễn (1Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18).
Người không tin Chúa: ngày từ trong cõi đời này người đã bị đoán xét rồi, và sẽ chịu Chúa phán xét sau khi qua đời để vào sự chết đời đời (Giăng 3:18 Khải Huyền 21:8).
Thứ ba, chứng đạo viên nên dạy cho tân tín hữu về sự sống lại của kẻ chết. Theo sự bày tỏ của Thánh, có hai sự sống lại.
Sự sống lại của kẻ tin: kẻ tin, hay người công chính sẽ được sống lại để vào sự sống bất diệt. Đây là sự sống vô cùng vinh hiển, so với thân thể trước khi sống lại. Phao-lô diễn tả:
“Chết là thân thể hư nát, nhưng sống lại là thân thể không hư nát. Chết lúc bệnh tật già nua, nhưng sống lại đầy vinh quang rực rỡ. Khi chết rất yếu ớt, nhưng sống lại thật mạnh mẽ. Chết là thân thể xương thịt, nhưng sống lại là thân thể thần linh. Vì đã có thân thể xương thịt, tất nhiên cũng có thân thể thần linh. Thánh Kinh chép: Người thứ nhất là A-đam có sự sống. Còn Chúa Cứu Thế là thần linh ban sự sống. Chúng ta có thân thể bằng xương thịt trước, sau đó Thượng Đế ban cho chúng ta thân thể thần linh, A-đam ra từ cát bụi và thuộc về đất, còn Chúa Cứu Thế đến từ trời. Mọi người trần gian đều có thân thể bằng cát bụi như A-đam, nhưng người thuộc về Chúa Cứu Thế sẽ có thân thể thần linh giống như Ngài” (1Cô-rinh-tô 15:42-49 BDY).
Sự sống lại của kẻ chẳng tin: Kẻ chẳng tin,hay kẻ ác sẽ sống lại để chịu xét đoán trước tòa án chung thẩm và đi vào sự chết đời đời, còn gọi là sự chết thứ hai. Sứ-đồ Giăng được Chúa cho biết trước về việc xét xử đó:
“Tôi thấy những người đã chết, cả lớn và nhỏ đều đứng trước ngai. Các cuốn sách đều mở ra, kể cả Sách sự Sống. Người chết được xét xử tùy theo công việc thiện ác họ làm mà các sách đó đã ghi. Biển trao trả các thi hài nằm trong biển. Tử vong và Âm phủ cũng trao nộp người chết chúng giam cầm. Mỗi người bị xét xử tùy theo công việc mình đã làm. Tử vong và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Vào hồ lửa là lần chết thứ hai. Người nào không có tên trong Sách sự Sống phải bị quăng xuống hồ lửa” (Khải Huyền 20:12-15 BDY).
Tiên tri Đa-niên bày tỏ sự khác biệt giữa sự sống lại của người công chính và kẻ ác như sau:
“Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy,kẻ thì được sống đời đời, kẻ thì chịu tủi hổ, miệt thị đời đời. Những người khôn sáng- tức là những người biết Chúa sẽ chiếu sáng như bầu trời giữa trưa và những ai dìu dắt những người về cùng Chúa sẽ rực rỡ như các ngôi sao cho đến đời đời mãi mãi” (Đa-ni-ên 12:2-3 BDY)."