TÔN GIÁO CỔ TRUYỀN - DUY LINH THUYẾT
TÔN GIÁO CỔ TRUYỀN - DUY LINH THUYẾT (Animism)
Ông ta không biết đọc, ông không biết viết nhưng ông cụ già ấy là một cuốn sách lịch sử biết đi. Đối với thắc mắc của vị giáo sĩ : Tại sao các phương pháp trồng trọt sơ khai vẫn còn được sử dụng, ông cụ đã trả lời : “Ông cha chúng tôi đã làm như thế”. Ở nhiều nơi điều đã xảy ra trong nông nghiệp cũng đã xảy ra như vậy đối với tôn giáo : “Ông cha chúng tôi đã làm như thế”.
Cụ già nói tiếp : “Ông có muốn thấy chỗ mà Thượng Đế đã tạo ra những con thú vật đầu tiên không ?”. Ông dắt vị giáo sĩ đến một đỉnh đồi đá hoa cương vững chắc. Nơi đây, gió sương và bão tố đã xoáy mòn những hốc đá và những lối đi trong núi đá trông giống như những dấu móng chân thú. Có hằng tá móng dấu chân như vậy. Ông cụ già tuyên bố với vẻ đắc thắng : “Đây là chỗ Thượng Đế đã tạo ra thú vật, ông cha chúng tôi đã bảo như thế”.
Ông chỉ đến một chỗ xa hơn : “Ông thấy vườn cây trên đỉnh đồi đó chứ ? Đó là chỗ chúng tôi cúng tế cho các linh của tổ tiên chúng tôi. Khi thiếu mưa và hạn hán hủy hoại hoa màu của chúng tôi, cũng như dịch lệ làm chết con cái chúng tôi, thì chúng tôi đem lễ vật đến đó cầu hỏi Thượng Đế rằng chúng tôi đã làm điều gì sai trật. Cha ông chúng tôi đã làm việc đó, ngày nay chúng tôi vẫn làm như vậy. Vị giáo sĩ thật được phấn khởi. Đã có tất cả các phần cho một bài giảng quan trọng về sinh tế toàn vẹn là Chúa Jesus Christ.
Trong bài học nầy, chúng ta sẽ ôn lại một số niềm tin của duy linh thuyết. Từ một số niềm tin của họ, chúng ta có thể tìm ra những nhịp cầu để có thể dùng mà dắt đưa những người theo duy linh thuyết đến với Đấng Christ. Từ những niềm tin của họ nơi các linh giận dữ xa xôi, họ có thể được đem về với chân lý và tìm được thực tại của một đời sống dư dật qua đức tin đặt nơi Đức Chúa Trời yêu dấu của chúng ta.
Dàn Bài:
Làm quen với duy linh thuyết (Animism)
Những niềm tin của duy linh thuyết.
Sự truyền thông cho thế giới.
Sự phát triển trong những thời gian gần đây.
Sự đánh giá theo cách của người Cơ Đốc.
LÀM QUEN VỚI DUY LINH THUYẾT
Vườn Ê-đen phải từng là một quan cảnh huy hoàng.Cây cối, lùm bụi đều khoác sự vinh quang của chúng, và một khóm hoa hồng ở giữa, có nước tưới vườn. Đức Chúa Trời dạo bước trong đó, ngắm nhìn nó và tự nhủ: “Thật tốt lành”. Nhưng Đức Chúa Trời không thể có sự thông công với cây cối, với các dòng nước và muông thú. Chúng nó không được dựng nên “theo ảnh tượng Ngài”. Mãi cho đến khi Ngài tạo dựng con người thì mới có sự hỗ tương giữa Đức Chúa Trời và tạo vật của Ngài. Do đó, Đức Chúa Trời tạo dựng con người theo ảnh tượng Ngài (Sáng Thế Ký 1:27). Chúng ta không thể biết tất cả những gì có liên quan đến việc đó, nhưng chúng ta biết rằng con người đã trở thành một sanh linh. “Giê hô va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài sanh linh” (2:7).
Hữu thể nhân loại là những tao vật duy nhất được Đức Chúa Trời tạo dựng có linh hồn và tâm linh. Chỉ khi người ta lìa bỏ khỏi sự thông công một cách cá nhân với Đức Chúa Trời, thì họ mới bắt đầu tin rằng có những vật khác là sự sống hay hồn. Đây là sự trở nên yếu ớt đầu tiên của niềm tin tôn giáo. Chúng ta gọi nó là Duy linh thuyết (hay vạn vật hữu linh thuyết).
Định Nghĩa Duy Linh Thuyết (Animism)
Từ ngữ duy linh thuyết (Animism ) được rút ra từ chữ la tinh anima nghĩa là “linh hồn”. Nó có thể được định nghĩa như là một niềm tin mà nó gán sự sống thuộc linh, hay linh hồn cho những vật không có hồn sống, bao gồm cả niềm tin cho rằng người chết đang sống. Người theo duy linh thuyết bảo rằng sau khi chết, linh hồn con người tiếp tục sống trong tình trạng thuộc về thần linh. Linh hồn đó lẩn quẩn gần khu vực mà người chết đã sống khi họ còn sống trên đất. Theo quan điểm của họ, có một quyền lực siêu nhiên tồn tại, nhưng quyền lực đó không phải là một Thượng Đế một cách cá nhân. Gần gũi hơn với người ta là các linh (spirits), chúng cư trú ngoài đồi núi, ở nơi đá, nơi cây cối, nơi sông ngòi, và nơi bầu không khí xung quanh họ cũng như ở trên trời cao. Họ tin rằng tất cả thiên nhiên đều bị các hữu thể thuộc linh chiếm đóng và chúng rất đông đúc.
Sir Edward B. Tylor lần đầu tiên đã phân loại tôn giáo theo duy linh thuyết. Đây là một số các niềm tin mà ông đã tìm thấy :
Những hữu thể thuộc linh (Spiritual beings) sống trong linh hồn và tâm linh của con người.
Sau khi chết cuộc sống vẫn tiếp tục nơi tổ tiên.
Linh hồn có thể lìa khỏi thể xác trong những lúc xuất thần hay trong giấc mơ.
Thú vật, cây cối. chim chóc và các vật khác đều có linh hồn.
Những linh khác hiện hữu cách biệt với Thượng Đế.
Vị Trí Địa Dư
Duy linh thuyết gần như trải rộng hầu hết trong các tôn giáo thời xưa.
Các chủng tộc Negroid và Bantu ở Phi Châu là những người theo duy linh thuyết.
Duy linh thuyết được tìm thấy ở Đông Nam Á Châu là những người theo duy linh thuyết.
Những người theo duy linh thuyết có trong số các dân tộc bán khai ở Bắc Ấn Độ, Trung Hoa và các bộ lạc sắc tộc ở Siberia.
Đa số các thổ dân Úc Châu là người theo duy linh thuyết.
Người theo duy linh thuyết được tìm thấy trong những vùng rộng lớn ở Nam Mỹ và giữa vòng dân da đỏ ở Bắc Mỹ.
Chúng ta có thể kết luận rằng, ở đâu tôn giáo không phải là độc thần giáo hay chưa phát triển thành đa thần giáo, thì ở đó vẫn còn những người theo Duy linh thuyết.
Những Nguồn Gốc Của Duy Linh Thuyết
Duy linh thuyết đã phát nguyên như thế nào là một vấn nạn mà nhiều người đã nêu lên. Chúng ta xem xét ba thuyết căn bản về buổi ban đầu của niềm tin nầy.
Sự Tiến Hóa : Duy linh thuyết được mô tả lần đầu tiên bởi Sir Eward B.Tylor trong một tác phẩm nổi tiếng nhan đề là Nền văn hóa sơ khai (Primitive Culture - 1871). Ông đề ra một lý thuyết cho rằng duy linh thuyết là nền tảng của mọi tôn giáo. Điều nầy được dựa trên cơ sở là bản phúc trình về các bộ lạc ở xa xôi không có tôn giáo, ông nghĩ rằng tôn giáo đã tiến hóa từ tình trạng tiền tôn giáo đó đến hình thái tiến bộ hơn. Tuy nhiên, cơ sở của ông đã sai lầm. Người ta tìm thấy không có bộ lạc nào là không có một đóm sáng tôn giáo và ông đã không xem xét đến các lời tường thuật của Thánh Kinh về Sự Sáng Tạo.
Mana . Một thuyết khác chủ trương rằng nguồn gốc của duy linh thuyết là niềm tin nơi một sức mạnh được gọi mana. Từ ngữ mana đến từ quần đảo Melanesia ở Nam Thái Bình Dương. Giám mục Codrington tại Melanesia (1871 - 1877) đã học biết rằng mana là một sức mạnh huyền bí đáng sợ, cư trú trong mọi tạo vật và đã khiến cho con người và thiên nhiên hoạt động theo cách thức mà họ hoạt động. Sức mạnh đó không thiện cũng không ác và không có thân vị. Một người có thể nói chuyện với các linh, nhưng không thể nói chuyện với mana. Tuy nhiên, hồn hay linh có thể là mana đang hành động.
Người ta nhận biết mana nhờ những tác động của nó. Cuồng lưu chảy xiết hơn, sấm nổ lớn hơn, người cha có con cái nhiều hơn đều được bảo là có mana nhiều hơn. Những cây mọc cao hơn, những thú vật hung dữ hơn, những loài chim bay cao hơn đều có mana lớn hơn. Rồi khi một người ăn thịt những vật cao siêu hơn nầy thì người đó cũng nhận thêm nhiều mana hơn. Người ta tin mana luôn luôn ở với bạn. Chỉ khi nào bạn ngừng thở, mana sẽ lìa khỏi bạn và bạn sẽ chết.
Năng lực hủy diệt cũng là một phần của mana. Để tránh sự rủi ro hoặc đau ốm khỏi mana hủy diệt, người dân Melanesia phải sử dụng những điều cấm kỵ. Những điều nầy là những điều ngăn cấm hay là những điều không được thực hiện. Ví dụ như cuộc hôn nhân giữa anh trai và em gái là một điều cấm kỵ vì một cuộc hôn nhân như vậy có thể có những tác dụng tổn hại.
Thánh Kinh : Thánh Kinh nói gì về nguồn gốc của duy linh thuyết? Như chúng ta đã nhắc đến trong Bài học 1, lời tường thuật về sự sáng tạo trong Sáng thế ký chương 1 và 2 cho chúng ta biết tôn giáo đầu tiên là độc thần giáo. Nhưng từ khi có sự sa ngã, những niềm tin và tập tục tôn giáo đã bị băng hoại. Như ba con trai của Nôê (Sem, Cham, Gia-Phết) và con cháu họ tản lạc khắp đất, thì họ đã đem theo họ những niềm tin và tập tục của họ. Tuy nhiên, nhiều thế kỷ trôi qua, đạo đức bị suy đồi và duy linh thuyết với độc thần giáo phân ra thành hai đường riêng rẽ. Phao lô đã nói về điều nầy trong Rô-ma 1:18-32. Sự vinh quang của sự thờ phượng Đấng Tạo Hóa bị đổi thành ra sự thờ phượng tạo vật của Ngài. Đó là duy linh thuyết.
NHỮNG NIỀM TIN CỦA DUY LINH THUYẾT
Khi chúng ta nghĩ đến con người trước thời có chữ viết, có lẽ chúng ta dễ để tin rằng đời sống của họ là một cuộc sống đơn sơ. Nhưng trái lại, cuộc sống đó rất phức tạp. Điều nầy đặc biệt đúng với tôn giáo của họ. Dầu cho là người sơ khai nhất như các thổ dân Châu Úc chẳng hạn, tôn giáo của họ có những nghi thức rất phức tạp. Một thầy thuốc ở Phi Châu đã dành nhiều năm nghiên cứu đời sống cây cối và học cách nghe ngóng từ các linh. Trong việc kê đơn thuốc, nghi thức của ông thật dài dòng. Ông ném các khúc xương, lắc các quả bầu và lặp đi lặp lại các thể thức đó. Nghi thức nầy cũng liên quan tới trong việc kê đơn thuốc của một bác sĩ thân tiến đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
Sự Nhận Biết Đấng Siêu Nhiên
Một niềm tin phổ quát nơi một hữu thế tối cao đã tạo dựng trái đất và mọi vật ở trong đó luôn luôn có. Ngay cả những dân tộc ở xa xôi như những người lùn ở Phi Châu và dân rừng rú ở Úc Châu cũng giữ niềm tin nầy. Dầu người ta nghĩ về Đức Chúa Trời như là một thân vị, nhưng theo như chúng tôi biết, người theo Duy linh thuyết không làm ra các hình tượng của Ngài. Niềm tin của họ nơi Đức Chúa Trời tương tự như của tự nhiên thần giáo (deism). Nghĩa là Đức Chúa Trời ở rất xa nhưng bày tỏ ra sự hiện hữu của Ngài qua những gì Ngài làm ra. Họ tin Đức Chúa Trời có thể bị xúc phạm, có thể được làm cho khuây khỏa, hoặc thậm chí có thể bị mắng nhiếc !
Theo một số truyền thuyết của duy linh thuyết, lúc đầu Đức Chúa Trời đã sống trên đất trong sự hòa hợp trọn vẹn với con người. Tuy nhiên, vì hành vi ngu dại của con người, Đức Chúa Trời đã rút lui về trời. Từ nơi đó Ngài trông chừng những việc làm của con người và thỉnh thoảng hình phạt những việc làm sai trái của họ. Chớp nhoáng là vũ khí của Ngài, sấm sét là tiếng gầm của Ngài nhưng người ta không bao giờ thấy được chính mình Ngài. Trong một câu chuyện hoang đường của người duy linh thuyết thì bầu trời, tức là nơi ở của Đức Chúa Trời, đã thật gần trái đất, hầu như có thể đụng đất. Khi giã hạt thóc một phụ nữ đã giơ chày quá cao đến nỗi gõ đụng vào Đức Chúa Trời và Ngài đã nổi giận và bỏ đi. Trong một chuyện kể khác cho rằng người ta đã chùi tay bẩn của họ vào bầu trời vì vậy Đức Chúa Trời ghê tởm phải bỏ đi.
Một số người theo duy linh thuyết quan niệm Đức Chúa Trời như một vị quan tòa. Điều nầy có nghĩa là có luật pháp về điều đúng và điều sai, và là nguồn của đạo đức. Đức Chúa Trời có thể hành động thông qua các linh để hình phạt kẻ làm quấy, nhưng sự xét xử thực sự đến từ nơi Ngài. Khi một người vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời thì người đó chịu sự hình phạt của Đức Chúa Trời. Do đó, công tác của các tư tế (các pháp sư) hay các người trung gian (đồng bóng) là thông giải ý muốn của Đức Chúa Trời. Người đó sẽ chỉ giáo những cách thức làm nguôi cơn giận của Đức Chúa Trời.
Người theo duy linh thuyết chủ trương rằng các linh có bản chất của loài người. Điều đó có nghĩa là các linh là linh nhân đồng hình (anthropomorphic ). Chúng có trí óc, cảm xúc và ý chí hay dự định . Con người có thể lý luận với chúng khi chúng ở trong trạng thái hiền hòa. Chúng thích được cầu xin và sự tâng bốc, nhưng chúng cũng có thể thành nghịch chướng khi nổi giận hay cáu kỉnh. Con người cần phải luôn luôn cảnh giác để giữ chúng làm điều tốt cho mình. Chúng không đáng tin cậy.
Sự Thờ Kính Các Linh
Có lần tôi đã hỏi một người trong làng quê: “Tại sao dân tộc của ông thờ lạy các linh của tổ tiên?” Người đó trả lời: “Ồ, chúng tôi không thờ lạy họ... chúng tôi chỉ có tôn kính họ chứ không có thờ lạy. Nếu tôi tôn kính họ thì khi tôi chết, các con cháu tôi sẽ tôn kính tôi”. Người duy linh thuyết ưa nói họ: “thờ kính” (venerate) tổ tiên. Tuy nhiên, những dân tộc theo duy linh thuyết khác nhau trên thế giới không chỉ thờ kính tổ tiên, mà họ còn thờ kính đá, cây cối và thú vật nữa.
Sự thờ kính các tảng đá trở về với thời tiền sử. Trên hòn đảo Easter, những tượng đá khổng lồ là một phần của các lễ nghi tôn giáo. Chúng được đục khắc thành hình người từ phần ngực trở lên và cao hơn 20 bộ (khoảng 5 mét), dùng để tưởng nhớ những người quan trọng. Bàn thờ đá ở Anh Quốc (vào khoảng 1.400 T.C.) có những trụ cột và có những vòm cung khổng lồ bằng đá hoa cương nặng đến 50 tấn (45.360 kg) được đặt theo dạng vòng tròn. Chúng được dựng ở một vị trí đặc biệt có liên quan với mặt trời mùa hè. Từ đây, các sử gia tin rằng dân chúng của những thời kỳ đó đã thờ lạy mặt trời.
Dân chúng ở một số nơi thì thờ kính cây cối. Những cây Sequoias (một loại thông) khổng lồ ở Hoa Kỳ thuộc trong số các cây cối lớn nhất và cổ nhất thế giới và rất được dân da đỏ ngày xưa tôn kính. Dầu ngày nay nó không mang ý nghĩa thờ kính, nhưng việc trang hoàng các cây giáng sinh ở một số nền văn hóa có thể là một tập tục được lưu truyền từ thời cổ. Trong tâm khảm của những người theo duy linh thuyết, cây cối là biểu hiện của sự kết quả và sự sở hữu sức mạnh tăng trưởng của thiên nhiên. Những sức mạnh ấy giúp cho hoa màu mọc lên, các đàn gia súc nẩy nở thêm nhiều và chúng làm cho người phụ nữ sinh nhiều con cái.
Sự thờ kính thú vật cũng là một phần của tôn giáo cổ truyền. Người theo duy linh thuyết ở một số vùng tin rằng con người có liên quan tới súc vật, và có thể chia xẻ sức mạnh, khả năng nhìn thấy và sự khôn lanh của chúng. Những chuyện cổ tích và các chuyện thần thoại đều kể về những nhân vật như người chim và các hữu thể nữa người nữa thú. Có thể bạn đã biết những con vật vẫn được tôn kính ở các quốc gia khác nhau, ví dụ như : sư tử ở Phi Châu, cọp ở Malaisia, chim ưng và gấu ở Bắc Mỹ, bò đực ở Hy Lạp, bò cái và trâu ở Ấn Độ và con đại thử (căng-cu-ru) ở Uc.
Nếu bạn sống trong một quốc gia theo duy linh thuyết, bạn có thể đã nghe nói đến niềm tin cho rằng linh của con người có thể nhập vào thú vật và thú vật có thể trở thành người. Mục đích của biến cố nầy có thể nhằm để làm ích hay làm hại, và nó được thực thi bởi phù phép (phù thủy), Một đêm kia, sau khi đi săn về, tôi vào một ngôi làng. Dưới ánh trăng lờ mờ, tôi thấy hình dạng của một con sói đang ở gần lều của một người Phi Châu. Biết rằng loài thú có hại cho người và súc vật, tôi đưa súng lên và bắn nó. Thình lình người giúp việc tôi nắm lấy tay tôi và thì thầm: “Bwana, bắn, nó có thể là một người đấy !”. Rồi anh mô tả một tai nạn mà trong đó, một người đã bắn một con sói (hyena) trong đêm tối. Khi người đó đến gần thì chẳng thấy gì ngoài những giọt máu. Người ấy lần theo dấu máu và đến một túp lều. Bước vào trong lều, ông ta phát hiện một người nằm chết do vết thương bị đạn bắn. Đối với tâm trí của người Phi Châu nầy, chính đó là một bằng chứng khác chứng tỏ rằng con người có thể tự đổi dạng để trở thành một con thú vật.
Sự Pha Trộn các quan niệm
Một số người phân biệt rõ ràng giữa điều phải và điều quấy, giữa đúng và sai, giữa Đức Chúa Trời và con người. Nhưng các dân tộc chưa chữ viết thường có khuynh hướng pha trộn một số các quan niệm. Có một sự pha trộn giữa điều thiêng liêng và điều trần tục hoặc giữa lãnh vực thuộc linh với lãnh vực vật chất của cuộc sống. Người theo duy linh thuyết không thể bị phân ly khỏi tôn giáo của họ. Họ thuộc về tôn giáo của họ. Nó là một phần của họ từ trước khi họ sinh ra và mãi cho đến khi họ qua đời. Sự ra đời, thời kỳ dậy thì, lúc khởi đầu công việc, hôn nhân, việc xây cất nhà cửa, tất cả phải được tôn trọng theo một nghi thức riêng. Người nông phu đem tôn giáo của họ ra đồng, người học sinh đem tôn giáo của họ theo vào phòng thi. Người làm chính trị đem theo tôn giáo vào ty sở, thầy tư tế đem theo nó vào đền chùa của mình. Cuộc sống là một sự pha tạp giữa điều thiêng liêng với điều trần tục.
Cá nhân- Cộng đồng. Một ví dụ thông thường về sự pha tạp là sự đồng nhất của cá nhân với cộng đồng của họ. Làm người là một phần của cộng đồng và của các niềm tin, của các nghi lễ và những lễ hội của cộng đồng đó. Tôn giáo của đoàn thể là sự an ninh của cá nhân và là cơ sở của tình bà con của cá nhân đó. Không có tôn giáo tức là tự cắt đứt mình ra khỏi xã hội. Làm như vậy, người theo duy linh thuyết cảm thấy mình sẽ chấm dứt sự sinh tồn. Người đó không biết làm sao để sinh tồn nếu không có cộng đồng.
Do đó, bạn có thể thấy rằng đời sống thành thị là một sự căng thẳng nghiêm trọng đối với người theo duy linh thuyết đến từ miền đồng quê. Sự giáo dục thường có kết quả trong việc đô thị hóa, nhưng khi một người dời nhà đến một thành phố, người đó thường cảm thấy mình bị trống vắng. Nền tảng, sự an ninh và những truyền thống của người đó bị bỏ lại phía sau. Nền kỹ nghệ và sự làm ăn tân tiến không có nghĩa gì đối với người đó. Nếu xã hội đô thị, nhà thờ, hay câu lạc bộ không lắp đầy khoảng trống vắng nầy thì người ấy sẽ tìm sự lấp đầy đó nơi sự uống rượu, nơi các buổi tiệc tùng, nơi thú vui xác thịt hay nơi việc gây ra tội phạm. Trong một số trường hợp người đó chịu thương tổn tâm thần thật sự. Vì lý do nầy, một nhà thờ chỉ có hình thức đã khóa kín cửa sáu ngày và chỉ mở cửa một lần hay hai lần trong một tuần lễ thì không đủ. Đây là lý do tại sao một số Cơ Đốc Nhân đã rời bỏ nhà thờ và quay về với niềm tin và những tập tục của quá khứ. Những Cơ Đốc Nhân mà trước kia là những người theo duy linh thuyết cần được lấp đầy ý nghĩa của tôn giáo và kinh nghiệm sống trong Đấng Christ cho toàn bộ thì giờ và suy tư của họ. Chỉ khi đó họ mới cảm thấy an toàn.
Hiện tại và quá khứ. Người theo duy linh thuyết cũng pha trộn thời gian quá khứ với hiện tại. Tiến sĩ John S.Mbiti ở Kenya là một trước giả về tôn giáo cổ truyền của Phi Châu rất được kính nể, ông đã mô tả quan niệm của người Phi Châu về thời gian. Ông nói rằng người Phi Châu có một quá khứ và một hiện tại lâu dài nhưng có một tương lai giới hạn.
Thời gian đối với người Châu Phi được định hướng bởi những biến cố, nghĩa là nó liên quan tới những gì xảy ra. Quá khứ không thể chỉ được nhận biết khi nó so sánh với những gì xảy ra ở hiện tại. Điều nầy đối với tương lai cũng vậy. Nhưng vì tương lai chưa xảy ra, nên nó không tồn tại trong tâm trí của người Châu Phi. Hầu hết các ngôn ngữ của người Châu Phi không có từ ngữ dành cho tương lai quá xa vượt khỏi hai năm. Họ nói “ở phía trước” hay “ngay trước”. Vì lý do nầy, trong tôn giáo cổ truyền, không có sự trông đợi về Đấng Mê-si hoặc sự hiện thấy về thiên đàng. Chữ “ở đây và bây giờ” trở thành một chữ. Chữ “bây giờ” trong một số ngôn ngữ được rút ra từ chữ “ở đây”. Trong tiếng Malawi , chữ tsopano có nghĩa là “bây giờ”, nguyên văn chỉ ý rằng “ở tại điểm nầy”.
Vật biểu tượng. Một điều pha trộn khác đã xảy ra là sự pha trộn của sự vật và biểu tượng của nó. Bạn có thể nghe nó được diễn tả như “Pháp thuật đồng cảm, liên kết và mô phỏng”. Có điều nầy vì nó được đặt trên cơ sở ý tưởng “vật giống nhau sinh ra giống nhau”. Điều gì bạn muốn xảy ra, có thể làm cho xảy ra, bằng cách dùng một vật tương tự với nó. Một vật đã biết có thể tạo ra một vật chưa biết. Ví dụ như một thuật sĩ tạo ra một đám khói để đem lại một đám mây gây ra mưa. Rồi người đó đỗ đầy nước vào miệng mình rồi phung nó xuống đất như là một biểu tượng của mưa rơi. Như vậy, người đó được gọi là người làm ra mưa.
Một người theo duy linh thuyết ở Phi Châu đang bước đi dọc theo một con đường có lùm bụi. Thình lình ông ta nhảy qua một bên đường và kêu lên : “Ai ai ! Có người muốn trù ẻo tôi !” Khi được hỏi tại sao có việc như vậy, ông ta trả lời “Hãy xem cành lá kia nằm ở trên đường. Nó có nghĩa là một phần của thân thể một người. Nếu ai đó dẫm lên trên nó thì người đó sẽ phải đau bụng kinh khủng và sẽ chết”. Người đó thấy biểu tượng như là có tác dụng trên vật.
Niềm tin của người đó nơi biểu tượng là một điều quan trọng. Nó thể mạnh đến nỗi người đó có thể đau thật sự - một sự phản ứng yếu đau tâm lý (psychosomatic). Một người làm vườn treo một bó gậy trên bìa vườn của mình. Nếu một kẻ trộm cố ăn cắp rau quả thì “xương của hắn sẽ bị gãy”. Hoặc một trái bầu có bông vải dán trên nó sẽ gây cho kẻ trộm bị bệnh đậu mùa. Một niềm tin nơi nguyên nhân và hậu quả như vậy được xây dựng trên sự giống nhau chứ không phải dựa trên suy luận. Người có đầu óc Tây Phương không thể hiểu nổi nó và nó không tạo ra sự khác biệt nào đối với người theo duy linh thuyết. Người đó thể hiện lòng tin nơi nó một cách thầm lặng và thực hành lòng tin đó.
Sir James Frazer, người đã viết cuốn sách nổi tiếng The Golden Baugh (Cành Vàng ), đã tin rằng pháp thuật là một hiện tượng mà qua đó con người vượt qua chặng đường để đến cùng tôn giáo. Sự khảo cứu khoa học cũng đã xảy ra như vậy. Rõ ràng pháp thuật đã trở thành một tôn giáo đối với nhiều người theo duy linh thuyết. Các sắc dân Negroid (da đen) ở Haiti dùng một hình thức pháp thuật đồng cảm được gọi là voodooism. Vị pháp sư nặn một vật, như một hình nhân chẳng hạn, kha khá giống hình của kẻ thù. Ông ta đặt vào hình nhân đó một cây kim thì người ta cho rằng kẻ thù đó sẽ cảm thấy đau nhức ở chính khu vực bị đâm đó hoặc thậm chí phải chết.
Sự sợ hãi và sự may rủi là những áp hãm thông thường của con người, Nhưng một người phản ứng với chúng như thế nào mới là điều quan trọng. Một người theo duy linh thuyết có thể sợ hãi bệnh tật hay kẻ thù vô danh nào đó, hoặc là sự chết. Hay là người đó muốn chiếm ân huệ của một thiếu nữ hoặc cưỡng bách nhân viên của mình. Người đó sẽ đến với một pháp sư hay một thầy chữa bệnh bằng bùa phép để mua một linh vật (fetish ) hay một lá bùa (charm ). Một linh vật là bất cứ vật gì được dùng để sai khiến con người hay thiên nhiên bằng phương tiện pháp thuật. Vị pháp sư sản xuất ra hầu như mọi vật dụng cần thiết: que gậy, đá, xương, các mảnh da thú, hay trồng các loại lá. Pháp sư sẽ bảo người đó chỗ nào phải đặt linh vật hay bùa chú - ở cổ tay , cánh tay, đầu gối, trong túi hay trong nhà. Nếu người đó có đủ đức tin nơi linh vật và trả cho vị pháp sư đủ tiền, người đó có thể trở về nhà một cách sung sướng. Đức tin của người đó đặt nơi một vật mà người đó có thể đụng đến đã trở thành thuốc chữa sự sợ hãi và được may mắn. Đối với người Cơ Đốc, sự ban thưởng cho người đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời toàn năng còn nhiều hơn biết dường bao ! Ngài có quyền năng chữa lành bệnh tật. Ngài có thể đuổi xua sự sợ hãi. Ngoài ra, quyền năng của Ngài là miễn phí cho những ai tin nơi Ngài.
Sự vãn hồi đối với tội lỗi
Tội lỗi và luật pháp. Theo bạn nghĩ thì tội lỗi là gì? Chúng ta thường nói nó là sự vi phạm luật pháp đã được biết. Luật pháp của người theo duy linh thuyết là gì? Thật khó để nói, vì những người theo duy linh thuyết ban đầu đã không có ghi lại sách vở gì ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó, luật pháp duy nhất là luật pháp khẩu truyền, do các tù trưởng của các bộ tộc lưu truyền lại. Luật pháp của họ có thể đã phát triển từ sự lý luận về nhân quả. Giả sử có sự rủi ro nào đó xảy ra cho buôn làng, như hạn hán, hỏa hoạn hay tật bịnh chẳng hạn. Người ta sẽ bảo rằng : “Nó là cơn giận của các linh”. Đối với họ, tai họa có nghĩa là thiên nhiên bị mất thăng bằng. Và như vậy, có nghĩa là các phong tục hay các truyền thống của bộ tộc bị vi phạm. Vì vậy, có người nào đó đã phạm tội. Phải tìm cho ra người đó và phải làm một sự chuộc tội.
Từ điều nầy, chúng ta có thể gom lại một số luật lệ bất thành văn của người theo duy linh thuyết:
Truyền thống và phong tục của cộng đồng phải được vâng giữ.
Có phần nào tính luân lý trong luật lệ khẩu truyền. Ví dụ như luật khẩu truyền không có nói rằng: “Ngươi không được ghen tị”. Sự đố kỵ, ganh tị, ghen ghét và kiêu ngạo chỉ bị xét xử khi chúng ta gây ra sự mất thăng bằng tình trạng của thiên nhiên.
Huyết thống của bộ lạc phải được duy trì. Để nắm chắc định luật nầy, các gia đình đã mong mỏi có nhiều con cháu. Nếu có một số người chết đi thì có đủ số người còn lại để tên tuổi gia tộc vẫn cứ còn tồn tại.
Linh của tổ tiên phải được gìn giữ cho hạnh phúc. Một linh tốt có thể là của một tổ tiên tốt . Một linh ác có thể hoặc là của một tổ tiên xấu hoặc là của một kẻ thù. Cần phải làm cho linh đó nguôi ngoai.
Sự an ninh của con người phải đứng hàng đầu. Ý muốn của con người được xem là quan trọng hơn ý muốn của Trời. Người theo duy linh thuyết thường tìm cách điều khiển quyền lực tối cao. Để đạt được đường hướng riêng của mình, người đó có khi sẽ nhiếc móc Thượng Đế và đe dọa các linh.
Tội lỗi và sinh tế. Có lần người ta đã hỏi một người theo duy linh thuyết: “Việc dâng sinh tế khởi đầu từ lúc nào”. Câu trả lời là chúng đã có ngay từ lúc ban đầu. Điều đáng ghi nhận là sự tương tự giữa sinh tế của người theo duy linh thuyết với khuôn mẫu có trong Cựu Ước. Mỗi sinh tế dâng lên phải là có giá trị. Người theo duy linh thuyết có thể dâng thú vật, các loại hạt hay hoa màu của đất. Một số các dân tộc sơ khai thậm chí đã dâng sinh tế bằng con người cho thần linh của họ. Một vật được dâng lên phải không có tì vít, không có khiếm khuyết. Sinh tế được dâng tại một nơi đặc biệt và theo một khuôn mẫu. Đây là một tập tục khác mà người Cơ Đốc có thể dùng làm nhịp cầu để trình bày cho người theo duy linh thuyết về sinh tế trọn vẹn của Chúa Jesus trên thập tự giá!
Bây giờ, điều gì xảy ra khi người ta tẻ tách khỏi sự thờ phượng Chân Thần? Họ đã thờ phượng sinh tế. Cái điều được dâng cho Đức Chúa Trời lại trở thành thay thế cho Đức Chúa Trời. Như Phao lô đã nói với người ở Rôma, họ “đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư mất lấy hình tượng của loài người hay hư mất, hoặc của điểu thú, côn trùng” (Rô-ma 1:23). Nổi bật trong số các vị thần của người Ai cập thời cổ là bò cái. Khi con cái Ysơraên quay lưng trở lại với Đức Chúa Trời ở tại núi Sinai, họ đã làm một tượng bò con bằng vàng. A rôn đã nói: “Hỡi Ysơraên, nầy là thần của các ngươi đã đem ngươi khỏi xứ Ê díp tô” (Xuất Ê-díp-tô 32:4).
Người theo duy linh thuyết vẫn còn tôn kính chính vật thay thế đó, dẫu rằng có thể người đó không hiểu rõ ý nghĩa của nó. Đã có lần tôi được người ta chỉ cho xem một miếu thờ nhỏ làm bằng rơm được dùng để tế các linh của tổ tiên. Bên trong có một mảnh đất sét hình nón với một đầu bò cái và cặp sừng ở trên đỉnh. Của lễ bằng hạt ngũ cốc được đặt phía trước tượng hình đó. Khi được hỏi hình tượng đó có ý nghĩa gì, người ta trả lời: Nhưng Thượng Đế ở quá xa, vì vậy chúng tôi phải dâng của cúng tế và nhờ cậy tổ tiên giúp đỡ chúng tôi”.
Sự Trung Gian Của Những Người Thánh Thiêng.
Mọi tôn giáo đều có những con người thánh thiêng để làm trung gian giữa thần linh của họ, hay quyền lực tối cao, với các tín đồ. Những người nầy dâng lời cầu nguyện và thông giải lại ý muốn hay tư tưởng của thần linh. Trong các tôn giáo theo duy linh thuyết, những người nầy có thể là các tư tế, các thầy thuốc trị bệnh bằng phù phép, các người đồng bóng, các pháp sư, các thầy bói, các thầy cúng, những người trừ tà các thầy lang và những người tương tự. Một số người nghĩ về thầy trị bệnh bằng phù phép như là người giáng lời nguyền trên dân chúng. Thực ra, nhiệm vụ đầu tiên của ông ta là người trồng cây thuốc (herbalist ) và nhiệm vụ thứ nhì là thầy bói toán (diviner ). Với tư cách người trồng cây thuốc, ông ta cung cấp thuốc men bằng các loại rễ, lá hay nhánh của các loại cây khác nhau. Nhưng nếu bệnh tật cứ dai dẳng lâu ngày, thì ông ta đi làm công việc của người bói toán hay người săn đuổi bằng phù phép. Do đó, ông ta có thể dùng pháp thuật để tìm ra nguyên do của vấn đề và tiêu trừ các quyền lực pháp thuật ác, còn ông ta không phải là người làm việc ác. Người làm việc ác chính là thầy phù thủy . Rất ít người theo duy linh thuyết nghĩ rằng sự đau ốm là do vi khuẩn, nước bẩn, do côn trùng cắn hay là do sự trục trặc của các cơ phận trong thân thể gây ra sự đau ốm đó bằng phù phép hay bằng một linh dữ. Sau đây là những định nghĩa khác:
Thầy phù thủy (sorcerer) thường dùng pháp thuật để hãm hại hay hủy diệt. Công việc dùng pháp thuật nghịch lại cùng hệ thống xã hội và luật pháp của cộng đồng. Pháp thuật đen thường dùng để hãm hại, pháp thuật trắng thường dùng để giúp đỡ.
Pháp sư (hay thuật sĩ maghian ) là người dùng thần chú, bùa phép và linh phù để thực hiện pháp thuật. Ông ta không phải thầy tư tế hay thầy cúng.
Thầy cúng (shaman) là một người vừa là tư tế vừa là thầy thuốc, ông ta dùng pháp thuật hay bói toán điều ẩn khuất. Ông ta còn được ghi nhận là người đồng bóng vì có thể sử dụng sự xuất thần. Đạo thầy cúng là một tôn giáo của người theo duy linh thuyết được tìm thấy ở vùng Bắc Á Châu, Âu Châu và giữa vòng các bộ lạc da đỏ ở Mỹ Châu.
Người đồng bóng (medium) là một người mà qua họ người khác tìm cách giao thông với các linh của người chết . Tại Trung Phi, người ta tin rằng người đồng bóng được đầu thai bởi linh của một tổ tiên.
Thầy tư tế (priest) là người được giao phó thẩm quyền để thực hành các nhiệm vụ thiêng liêng của tôn giáo. Người đó được người ta nhận biết như là một người trung gian giữa hội chúng và Thượng Đế.
Ý niệm về tương lai của người theo Duy Linh Thuyết
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng điều gì xảy ra sau khi chết không? Hầu hết người ta bắt đầu tự hỏi về sự chết khi mà họ chịu một sự đau ốm trầm trọng. Người theo duy linh thuyết cũng chẳng khác hơn. Họ tin rằng đời sống trong thế giới kế tiếp là một sự nối tiếp của cuộc đời họ trên đất nầy. Tuy nhiên, phẩm tính của đời sống đó tùy thuộc vào việc người đó sống cuộc đời nầy tốt hay xấu. Ước ao của họ là thành một linh tốt để người đó có thể phù hộ cho con cháu mình. Việc đem đến cho người đó niềm hy vọng được ở cùng Đấng Christ là quan trọng biết dường bao !
SỰ TRUYỀN THÔNG CHO THẾ GIỚI
Nói được điều mà người theo duy linh thuyết đã truyền thông cho hậu thế và họ đã truyền thông tin nầy như thế nào.
Bằng chứng của các dữ kiện nhân tạo
Bạn có thể tưởng tượng đời sống sẽ ra sao nếu không có hệ thống chữ viết không? Bạn không thể đọc được bài học nầy nếu người ta đã không lập ra một hệ thống chữ viết thông dụng. Không giống như các tín đồ của những tôn giáo khác, những người theo duy linh thuyết không có các sách thánh. Những sự truyền thông trực tiếp duy nhất mà người xưa để lại cho chúng ta là qua các hình vẽ trên vách đá, các dụng cụ nông nghiệp và các loại kim giới để săn bắn; nhiều dữ kiện nhân tạo như vậy đã được các nhà khảo cổ đào xới được. Người tìm được một dữ kiện nhân tạo thường đặt ra cách giải thích riêng của mình về niên đại và ý nghĩa của nó. Do đó, các sứ điệp của người theo Duy Linh Thuyết tùy thuộc rất nhiều vào trí tưởng tượng và những ước đoán của các nhà trí thức.
Sự Truyền Thông Khẩu Truyền
Rất nhiều điều biểu biết của chúng ta về các dân tộc mù chữ đến từ truyền thống của họ. Những truyền thống nầy lưu từ đời nọ đến đời kia qua các bô lão của cộng đồng. Việc nầy có thể là lý do tại sao sức mạnh ký ức của các dân theo Duy Linh Thuyết thật đáng kinh ngạc. Trên đảo Malaita ở Nam Thái Bình Dương, các thầy tư tế vẫn dành nhiều thì giờ mỗi ngày để sinh hoạt trong đền chùa của họ, họ thuật lại tên tuổi của các vị tiên tổ. Bằng cách đó ho hy vọng giữ cho quyền lực và ảnh hưởng của họ tiếp tục tồn tại.
Bằng Chứng Của Các Trước Giả Cận Đại
Trong những năm gần đây, các sử gia và các giáo sĩ đã tìm thấy những hồ sơ cổ về các chủng tộc xa xưa và đã viết ra thành sách vở về sự khảo cứu của họ. Tuy nhiên, thật không may “lịch sử là theo con mắt của người ngắm nhìn sự kiện”. Những người viết sử thường viết theo quan điểm chính trị riêng của họ và họ thường bất đồng ý kiến với người khác. Chúng ta cần phải phân tích chúng, lượm lặt cái tốt và loại bỏ những điều có thể nghi vấn. Danh sách các sách được giới thiệu đã được ghi ở phần sách Tham Khảo.
SỰ PHÁT TRIỂN TRONG NHỮNG THỜI KỲ GẦN ĐÂY
Những Thay Đổi Chậm Và Nhanh
Qua việc nghiên cứu của bạn, bạn có thể học biết rằng dân chúng phương tây đã qua nhiều thay đổi lớn trải nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, giữa vòng các dân tộc mù chữ, những sự thay đổi xảy ra chậm chạp. Người Maasai ở Đông Phi thuộc một trong các dân tộc chống lại sự thay đổi. Họ vẫn mặc quần áo và đeo các xâu chuỗi hạt truyền thống. Phụ nữ thì cạo tóc còn thanh niên được phép để tóc dài và tạo dạng bằng đất sét thành các bím tóc thả dọc sau lưng. Họ tin rằng bất cứ sự thay đổi nào sẽ làm giảm đi giá trị của truyền thống mà họ đã thừa hưởng.
Trái lại, cũng có một số việc thay đổi giữa vòng các dân tộc theo Duy Linh Thuyết ở các nước Phương Tây. Đôi lúc chúng ta thường xem các dân tộc phương tây là các nước “đã phát triển” và thế giới thứ ba là các quốc gia “đang phát triển”. Những lối sống tân tiến thì được gọi là “văn minh” và các lối sống cổ truyền thì gọi là “bán khai”. Nhưng, về những giá trị đạo đức, thì một số các nước đã phát triển lại trở thành kém văn minh trong khi đó các dân tộc bán khai đã có nhiều thay đổi tốt hơn. Cũng vậy, sự tiến bộ về giáo dục đã đem nhiều thay đổi trong danh từ học (terminology). Chúng ta không còn dùng nữa các từ ngữ như bán khai, kém văn hóa, ngoại giáo hay bộ lạc để đề cập đến các người theo Duy Linh Thuyết. Một số từ ngữ được ưa dùng hơn là: đang phát triển, mù chữ và truyền thống .
Sự Hỗn Hợp Giữa Cơ Đốc Nhân Và Duy Linh Thuyết
Trong thời kỳ truyền giáo cận đại của giáo hội, có một loại phát triển khác được gọi là hỗn thành thuyết (Syncretism ) đã xảy ra. Hỗn thành thuyết là sự kết hợp của những niềm tin khác nhau. Với người theo Duy Linh Thuyết nó là một sự hỗn hợp giữa giáo lý Kinh Thánh với những niềm tin và nghi lễ của Duy Linh Thuyết. Ngay cả sau khi người theo Duy Linh Thuyết đã tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình, người đó thường bị cám dỗ pha tạp niềm tin mới, hoặc là với cách hành xử cũ theo Duy Linh Thuyết, hoặc là với một hình thức mới nhưng không theo Kinh Thánh của Cơ Đốc giáo. Bề ngoài những thành viên của giáo hội nầy có ngoại dạng như là Cơ Đốc giáo, nhưng bề trong họ theo các sự dạy dỗ của Duy Linh Thuyết cũ hoặc sự dạy dỗ sai lạc. Trong một số trường hợp, sự phân biệt giữa sự du nhập của Duy Linh Thuyết vào Cơ Đốc giáo và sự biểu lộ của Duy Linh Thuyết trong Cơ Đốc giáo thật khó phân biệt. Điều đó có nghĩa là Duy Linh Thuyết đã nằm ngủ dưới sự tiếp nhận Cơ Đốc giáo một phần. Bây giờ nó đang lộ chân tướng. Như có người đã nói “Hãy cào vào một người Cơ Đốc rồi bạn sẽ thấy họ là một người theo Duy Linh Thuyết”.
Trên lục địa Phi Châu, những niềm tin và phong tục truyền thống thường trở lại giữa vòng các bộ tộc đã tin Chúa gần đây, và các tín đồ trong giáo hội nổi lên chống lại đức tin. Kết quả là có một sự rời bỏ, ly khai khỏi hàng ngũ tín đồ và hình thành một môi trường thờ phượng độc lập. Hỗn thành thuyết còn đi xa hơn chứ không chỉ là sự lui đi của một số ít người không hạnh phúc. Đôi khi nó còn liên can đến toàn thể hội chúng. Cơ Đốc Nhân trong những vùng mà có Hỗn Thành Thuyết xảy ra cần phải nhận định tình hình một cách nghiêm túc.
Sự liệt kê dưới đây bao gồm một số lý lẽ của Hỗn Thành Thuyết và kết quả là sự rời bỏ hàng ngũ của các thành viên trong giáo hội khỏi những giáo lý cao đẹp của Hội Thánh.
Chủ Nghĩa Tiên Tri (prophetism ). Nhiều tiên tri tự phong mà họ tìm kiếm quyền lực và địa vị, đã rút ra khỏi thành viên của giáo hội.
Những Tuyên Bố Về Đấng Mê Si. Một số người khác tuyên bố họ nhận được sự mặc khải từ nơi Đức Chúa Trời mà trong đó mỗi người đều cho mình là một Đấng Mê-si (người chịu xức dầu). Điều nầy nhắc chúng ta nhớ đến cách nào Ê va đã giải thích sự cám dỗ của Sa-tan: “Ngươi sẽ trở nên giống như Đức Chúa Trời”. (Sáng Thế Ký 3:4).
Những Ân Tứ Chữa Bệnh Đặc Biệt. Vẫn có những người lãnh đạo khác tuyên bố mình có các ân tứ chữa bệnh. Trong một số khu vực, hàng ngàn người đã rời bỏ những niềm tin Cơ Đốc theo Kinh Thánh để chạy theo những con người như vậy. Họ thường lập ra những cộng đồng mới ở các miền thôn quê và xây dựng các túp lều và các vườn cây để nhóm họp ở trong đó.
Sự Công Kích Các Tập Tục Cổ Truyền. Một số các giáo sĩ trước kia cảm thấy rằng nhiệm vụ mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho họ đang bị hủy phá bởi các thần và những vật được sùng bái của các dân ngoại giáo. Tuy nhiên, bằng việc lên án các vật được sùng bái và các thần tượng nầy, họ thường làm xáo trộn hệ thống an ninh hay sự thăng bằng xã hội của dân tộc đó. Hãy xem xét một trường hợp ví dụ: tập tục đa thê được luật lệ cổ truyền của một số các cộng đoàn cho phép. Thực tế thì việc có nhiều vợ thường là dấu hiệu của sự giàu có và của uy danh. Tuy nhiên, các giáo sĩ trước kia thường lên án chế độ đa thê một cách gắt gao và đã phá vỡ nhiều gia đình. Chế độ đa thê đã được nền văn hóa dân tộc đó chấp nhận, vì thế những người dân nầy không bao giờ cố biện minh những tập tục của họ dựa trên Kinh Thánh như là “chưa có luật pháp thì cũng không kể là tội lỗi”. (Rô-ma 5:13). Vì nó đã được mọc rễ sâu trong nền văn hóa đó và không vi phạm những phép tắc xã hội, cho nên dân các bộ lạc không tin là cần thiết phải phá đổ gia đình và làm chia rẽ xã hội để cho phù hợp với những đòi hỏi của các giáo sĩ. Kết quả là có nhiều người đã chống lại hội truyền giáo và ly khai để lập một hệ thống tôn giáo thích hợp với niềm tin phù hợp với nền văn hóa của họ.
Hệ Thống Giáo Dục. Một số ít người nghĩ rằng sự giáo dục các bộ lạc bán khai không gì khác hơn là một điều phước. Trước khi có các trường học, một số ít người đã rời bỏ nhà thờ, tuy nhiên, trong khi sự giáo dục dã trở thành có hiệu lực và việc biết đọc biết viết đã được cải thiện thì các phong trào dành độc lập đã nổi lên. Vì khả năng biết đọc biết viết đã gia tăng, một số người có cao vọng đã đọc Thánh Kinh bằng ngôn ngữ của họ và đã thông giải nó sai lạc để kết hợp những niềm tin sai lạc theo Duy Linh Thuyết của họ.
Năm yếu tố trên đây chỉ tiêu biểu cho một số ít các lý lẽ mà người ta có thể sa ngã khỏi Cơ Đốc giáo hoặc kết hợp những niềm tin cũ theo Duy Linh Thuyết của họ vào quyết định mới theo Cơ Đốc giáo của họ. Trong khi làm như vậy, họ đã vô hiệu hóa những hiệu quả của việc họ trở lại tin Chúa và làm suy yếu việc làm chứng của những người trung thành với Chúa Jesus Christ. Giáo sĩ và người lãnh đạo trong những khu vực nơi có Hỗn Thành Thuyết xảy ra nên thường xuyên cảnh giác để chống lại nó.
SỰ ĐÁNH GIÁ THEO CÁCH CỦA CƠ ĐỐC GIÁO
Sự đánh giá của chúng ta về Duy Linh Thuyết phải được nhìn từ quan điểm của Cơ Đốc giáo. Như vậy, chúng ta cần xem xét cả những yếu tố tích cực lẫn những yếu tố tiêu cực của Duy Linh Thuyết. Những gánh nặng nào mà người theo Duy Linh Thuyết đang mang cần được cất bỏ? Sau đó, chúng ta cần xét đến một số niềm tin có thể làm nhịp cầu dẫn đến sự cứu rỗi và đời sống phong phú trong Đấng Christ.
Những Điểm Mạnh Của Duy Linh Thuyết
Một số điểm mạnh của các tín đồ theo Duy Linh Thuyết là:
- Họ tin nơi Đấng Tối Cao, dù là mơ hồ.
- Họ tuân giữ tập tục dâng sinh tế chuộc tội.
- Họ tôn kính bậc trưởng thượng.
- Họ nhạy cảm với những điều thuộc linh.
- Họ gìn giữ sự đoàn kết của cộng đồng.
Những Điểm yếu của Duy Linh Thuyết:
Một số điểm yếu của người theo Duy Linh Thuyết là:
- Họ tin rằng Thượng Đế bị dời xa khỏi nhu cầu cá nhân.
- Họ tin rằng người chết vẫn lãn vãn xung quanh.
- Họ sợ các linh gây tổn hại.
- Họ lệ thuộc vào các vật được sùng bái và phù phép.
- Họ có rất ít hy vọng về cõi đời đời được ở với Đức Chúa Trời.
- Họ lệ thuộc vào công đức để được cứu rỗi.
- Họ thiếu ý thức về tội lỗi, do thiếu luật pháp.
- Họ không có người giúp đỡ trong hiện tại trước những thử thách của cuộc sống.
Sự Đánh Giá Các Niềm Tin
Có nhiều đểm tốt trong Duy Linh Thuyết mà có thể dùng làm nhịp cầu dẫn đến sự sống sung mãn trong Đấng Christ. Chúng ta sẽ điểm qua một số các đề tài và nêu ra những nhịp cầu nầy cùng những câu Kinh Thánh để giúp đỡ cho người theo Duy Linh Thuyết.
CÂU CHÌA KHÓA của chúng ta là (Giăng 3:16)
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.
Đề tài: Đấng Siêu Nhiên
Niềm tin của Duy Linh Thuyết. Người theo Duy Linh Thuyết có một niềm tin tích cực nơi một Đấng thần linh nhưng Thượng Đế ở quá xa vì vậy họ phải thờ kính tổ tiên của họ.
Nhịp cầu dẫn đến đức tin. Thượng Đế gần gũi với mọi con người và Ngài muốn làm Cha của họ thông qua Chúa Jesus Christ.
Câu gốc: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian...”.
Lẽ thật trong Kinh Thánh.
Rô-ma 10:8, “Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi”.
Ma-thi-ơ 6:6-8, “Song khi ngươi cầu nguyện.... rồi cầu nguyện Cha ngươi.... Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài”.
1Ti-mô-thê 2:5, “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jesus Christ, là người”.
Đề Tài: Sợ Hãi Các Linh.
Niềm tin của Duy Linh Thuyết. Người theo Duy Linh Thuyết sợ tà ma kẻ vô danh, phù thủy và sự chết.
Nhịp cầu dẫn đến đức tin. Sự sợ hãi đem lại đau khổ cho mọi người chưa được cứu. Chúa Jesus Christ ban cho tình yêu thương để xua đuổi sự sợ hãi của chúng ta.
Câu gốc: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian...”
Lẽ thật trong Kinh Thánh.
1Giăng 4:18, “Sự yêu thương trọn vẹn cất bỏ sự sợ hãi....”.
2Ti-mô-thê 1:7, “Thượng Đế không cho chúng ta tinh thần nhút nhát, nhưng tinh thần anh dũng, yêu thương và tự chủ” (Bản Diễn Ý).
Đề Tài: Hệ Thống Các Giá Trị.
Niềm tin của Duy Linh Thuyết. Quan niệm về thế giới của người theo Duy Linh Thuyết là một sự trộn lẫn giữa thiêng liêng và trần tục, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa vật và biểu tượng.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Đây là điểm mà Cơ Đốc Nhân có thể xây dựng trên đó. Đối với Cơ Đốc Nhân, không có sự phân cách giữa trần tục và sự thiêng liêng. Các giá trị được Đấng Christ dạy bảo những nguyên tắc về nước Đức Chúa Trời phải được xuyên suốt trong suy nghĩ, trong hành động và là bản tính của con người chúng ta. Chúng là một với Đấng Christ và là một với thân thể của Ngài, tức là Hội Thánh.
Câu gốc: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian ..”
Lẽ thật Kinh Thánh.
Giăng 17:11, “... để họ cũng hiệp làm một như chúng ta vậy”.
1Cô-rinh-tô 12:27, “Anh em là thân thể của Chúa Cứu Thế, mỗi người là một bộ phận” (Bản Diễn Ý)
Đề tài: Sinh Tế Chuộc Tội
Niềm tin của Duy Linh Thuyết. Người theo Duy Linh Thuyết có niềm tin mãnh liệt về sự cần thiết phải dân sinh tế để làm nguôi ngoai các linh.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Đây là điểm vừa mạnh vừa yếu. Người theo Duy Linh Thuyết hiểu sự cần thiết phải có sinh tế để chuộc tội nhưng người đó cần phải được hiểu biết về một sinh tế và sinh tế toàn vẹn duy nhất: Chúa Jesus Christ. Chúa Jesus đã hiến chính mình Ngài để làm sinh tế “một lần đủ cả”.
Câu gốc: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài... ”
Lẽ thật Kinh Thánh.
Heb 10:11-18, “Thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc và năng dâng của lễ đồng một thức, là của lễ không bao giờ cất tội được. Còn như Đấng nầy (Chúa Jesus Christ) đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ một lần đủ cả, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời.... thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa”.
Đề Tài: Sự Thay Thế Của Việc Làm (Công Đức )
Niềm tin của của Duy Linh Thuyết. Người theo Duy Linh Thuyết tùy thuộc vào nghi lễ và lễ hội để được giải thoát khỏi tội lỗi và dành được ân sủng của các linh.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Điều con người làm đi ngược lại với đường lối của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời loại bỏ những việc làm công đức và gọi chúng là “áo nhớp” (Ê-sai 64:6). Tất cả điều cần làm đã được Con Đức Chúa Trời làm trên thập tự giá rồi. Tất cả những gì mà người theo Duy Linh Thuyết cần làm là tin.
Câu gốc: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài hầu cho hễ ai tin Con ấy... ”
Lẽ thật Kinh Thánh.
Ê-phê-sô 2:8-9, “Ấy là nhờ ân điển , bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình”.
Tit 3:5, “Ngài cứu chúng ta, không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm nhưng cứu theo lòng thương xót Ngài”.
Giăng 1:12, “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài (Chúa Jesus) thì Ngài ban cho người ấy trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin Danh Ngài”.
Người theo Duy Linh Thuyết không có sự sống đời đời thì giống như một hòn sỏi ngoài đường bị mọi khách bộ hành qua lại đá lăn lóc. Là nạn nhân của bệnh tật, phiền muộn, say sưa, của sự khô hạn và sự rời bỏ, người đó là hình ảnh của sự khốn khổ. Nhưng trong Đấng Christ, có sự chữa lành và có hy vọng cho một “tương lai lâu dài” với niềm vui và sự bình an được ở với Đức Chúa Trời. Hê-bơ-rơ 6:19, “Niềm hy vọng của chúng ta vừa vững chắc, vừa an toàn như chiếc neo của linh hồn”. (Bản Diễn Ý).
Câu gốc: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”
Chỉ có Cơ Đốc giáo mới có thể minh chứng tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Người theo Duy Linh Thuyết cần nghe biết về Đức Chúa Trời là Đấng quan phòng. Ngài không là Đấng ở xa xôi và đầy giận dữ, Ngài bước vào cuộc sống thường nhật, ở đó Ngài tìm kiếm những con người để cho họ được giải hòa với Ngài và được trở thành con cái và bạn hữu của Ngài. Muốn biết Đức Chúa Trời chúng ta cần phải biết Con (Giăng 14:6, 7). Qua Chúa Jesus, mọi người có thể trở nên con cái của Đức Chúa Trời và được tiến vào sự sống vĩnh hằng nơi thiên đàng.