Tìm kiếm

E2.1 CHỨC TẾ LỄ MỚI

LỜI GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ

Chủ đề về sự ngợi khen và thờ phượng là một trong những chủ đề quan trọng nhất của Kinh Thánh và cũng là một chủ đề hay bị xao lãng nhất. Không thực hành sự ngợi khen và thờ phượng thuộc linh thánh khiết là bỏ qua một khía cạnh quan trọng về sự kêu gọi của chúng ta trong Đấng Christ.

Trong những năm gần đây, Đức Chúa Trời đang khôi phục chức vụ này cho dân sự của Ngài. Một đặc điểm không thể thiếu được của cuộc phục hưng thuộc linh lớn đang xảy ra trên khắp thế giới này là khôi phục lại sự ngợi khen và thờ phượng trong Hội Thánh như Giôên đã nói tiên tri (Giô-ên 2:21, 23, 26).

Bài nghiên cứu này xin được tặng cho những người lãnh đạo Hội Thánh ở các nước thuộc Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh. Lời cầu nguyện của lòng tôi là những lẽ thật này sẽ góp phần cảm động và thúc giục nhiều độc giả trở thành những người ngợi khen và thờ phượng Đức Chúa Trời. Đây là điều Cha đang tìm kiếm: "Những người thờ phượng thật là người thờ phượng bằng tâm thần và lẽ thật " (Giăng 4:23).

 

Chương 1: CHỨC TẾ LỄ MỚI

Phần Dẫn Nhập

Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã lập chức thầy tế lễ để đại diện cho dân sự (như người trung gian) trước mặt Ngài.

Chức vụ của họ liên quan đến một hệ thống các nghi thức phức tạp. Những nghi thức này là biểu tượng về những thực tế thuộc linh sẽ đến. Những điều đó là hình bóng của những điều sau, chứ không phải hình thật (Hê-bơ-rơ 8:5; 10:1).

Chức tế lễ của Đấng Christ đã làm trọn mọi khuôn mẫu hàm ý trong chức tế lễ thời Cựu Ước. Ngài đã làm trọn tất cả những hình bóng của chức vụ đó. Ngài là sự trọn vẹn của tất cả các khuôn mẫu của chức vụ này. Chức vụ thầy tế lễ của người Lêvi bây giờ đã được thay thế bằng một chức tế lễ mới (Hê-bơ-rơ 7:11-14). Dưới giao ước mới, mỗi tín đồ đều là thầy tế lễ đến với Đức Chúa Trời.

Chúng ta không dâng tế lễ bằng con sinh vật như các thầy tế lễ trong giao ước cũ đã làm. Chúng ta được kêu gọi để trở nên "chức tế lễ thánh, dâng lên những của lễ thuộc linh, nhờ Đức Chúa Jesus Christ mà được đẹp lòng Đức Chúa Trời " (1Phi-e-rơ 2:5).

Một trong những của lễ thuộc linh mà chúng ta dâng lên là sự ngợi khen: "vậy hãy cậy Đức Chúa Jesus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra " (Hê-bơ-rơ 13:15).

Từ "dâng" theo tiếng HyLạp là anaphero, có nghĩa là đưa lên, dâng lên. Đó là từ được dùng trong Xuất Ê-díp-tô 24:5 (theo bản septuagint tiếng HyLạp), ở đó họ đã "dâng lên" "... của lễ thiêu và của lễ thù ân cho Đức Giêhôva bằng một con bò thiêu".

A. NHỮNG PHƯƠNG DIỆN VỀ CHỨC THẦY TẾ LỄ CỰU ƯỚC

Tư thầy tế lễ gắn liền với những người "đến gần" Đức Chúa Trời. Bạn sẽ tìm thấy đặc ân của chức vụ này được đề cập trong 14:22; Phục truyền 21:5Ê-xê-chiên 44:15. Từ thầy tế lễ thường nói đến các con trai của Arôn nhưng từ đó cũng có nhiều ứng dụng rộng rãi hơn.

Từ đó được dùng cho Mênchixêđéc (Sáng Thế Ký 14:18), Giêtrô (Xuất Ê-díp-tô 3:1) và các thầy tế lễ được đề cập trong 19:22-24, là những người đã thi hành chức vụ tế lễ trước khi chi phái Lêvi được chọn làm chi phái thầy tế lễ.

1. Ba Thuộc Tính Của Thầy Tế Lễ Cựu Ước

Trong Dân Số Ký 16:5 chúng ta thấy có ba điều liên quan đến chức vụ tế lễ của Cựu Ước "... Đức Giêhôva sẽ tỏ cho biết ai sẽ thuộc về Ngài và ai là thánh. Ngài sẽ khiến kẻ đó lại gần Ngài tức khiến người nào mà Ngài đã chọn lấy đến gần Ngài ".

a. Biệt riêng ra cho Đức Giêhôva

"... những kẻ thuộc về Ngài ".

b. Thánh

"... và ai là thánh. .."

c. Được đến gần Đức Chúa Trời

"... sẽ khiến kẻ đó đến gần Ngài ".

2. Ba Thuộc Tánh Đã Mô Tả

a. Ví Trí.

Điều đầu tiên trong ba điều này là nói đến vị trí của thầy tế lễ. Họ đã được biệt ra thánh, khỏi thế gian để phục vụ Đức Chúa Trời.

b. Điều Kiện.

Điểm thứ hai nói đến điều kiện. Thầy tế lễ là thánh, biệt riêng cho Chúa. Hễ vật gì được dâng cho Đức Chúa Trời đều trở nên thánh cho Ngài (Lê-vi Ký 27:28).

c. Chức Vụ Và Phận Sự Của Thầy Tế Lễ Và Dân Sự.

Điểm thứ ba mô tả chức vụ và phận sự của thầy tế lễ: được đến gần Đức Chúa Trời. Điều này nói đến phận sự mà thầy tế lễ sẽ làm. Vì chức tế lễ là đứng thay mặt cho dân sự trước mặt Đức Chúa Trời nên phận sự của họ cũng thể hiện những yếu tố quan trọng mà toàn thể cộng đồng giao ước đều đặt nền tảng trên đó. Họ phải là người:

1) Được gọi ra khỏi, được biệt riêng;

2) Một dân thánh, một dân tộc đặc biệt (được quí trọng);

3) Một nước thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô 19:4-6).

3. Vai Trò Của Dân Tộc Thuộc Giao Ước Mới

Tân ước cũng mô tả vai trò mà Đức Chúa Trời mong ước cho dân tộc thuộc Giao Ước Mới của Ngài.

a. Chúng Ta Là "Ecclesia ".

Tức là những người được gọi ra khỏi: được gọi ra khỏi "AiCập tội lỗi", khỏi vương quốc của Satan và được biệt riêng ra cho vương quốc của Đức Chúa Trời và Con yêu dấu của Ngài (Cô-lô-se 1:13).

b. Chúng Ta Sẽ Trở Thành Một Dân Thánh.

Sự thánh khiết là một yếu tố quan trọng để tương giao và thông công với Đức Chúa Trời, "không nên thánh thì không ai được thấy Đức Chúa Trời " (Hê-bơ-rơ 12:14).

c. Được Đến Gần Đức Chúa Trời và dâng của lễ thuộc linh:

"... làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của lễ thuộc linh, nhờ Đức Chúa Jesus Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời " (1Phi-e-rơ 2:5) "... Hãy cậy Đức Chúa Jesus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời nghĩa là bông trái của môi miếng. .." (Hê-bơ-rơ 13:15)

B. NHỮNG KHÍA CẠNH KHÁC CỦA CHỨC TẾ LỄ CỰU ƯỚC

1. Quyền Làm Con

Đức Chúa Trời đã chọn các con trai của Arôn để làm các thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô 6:16-20; Dân Số Ký 3:6-10). Arôn là thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên.

2. Sự Phong Chức

Các con trai của Arôn được Môise phong chức làm thầy tế lễ. Chúng ta cũng được Đức Chúa Jesus Christ phong chức làm thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời (Khải Huyền 5:10).

3. Phải Nguyên Vẹn

"Không ai có tì vít. .. lại được đến gần để dâng của lễ cho Đức Giêhôva. .." (Lê-vi Ký 21:17-21).

4. Được Rửa Sạch

Các thầy tế lễ phải rửa tay và chân trước khi bước vào nơi thánh (Xuất Ê-díp-tô 30:17-21; 40:30-32).

5. Lễ Phục

Xem Xuất Ê-díp-tô 28:40-43. Khi các thầy tế lễ phục vụ trong nơi thánh, họ buộc phải mặc quần áo thầy tế lễ.

"Người sẽ mặc áo khoác thánh bằng vải gai, thắt một đai bằng vải gai và đội trên đầu một cái mão bằng vải gai. Ấy là bộ áo thánh. .." (Lê-vi Ký 16:4). Bộ lễ phục này gồm bốn phần:

a. Áo khoác:

Được dệt thành một tấm nguyên không có đường nối.

b. Quần:

Quần bằng vải gai.

c. Thắt lưng:

Thắt lưng nhiều màu sặc sỡ như cái màn bốn màu được treo trước nơi thánh.

d. Mũ:

Một vật trùm đầu (cái mũ vải) bằng vải gai.

Chúng ta cũng có những áo quần thuộc linh cho chức tế lễ của chúng ta. "Ta cũng sẽ mặc sự cứu rỗi cho thầy tế lễ thành ấy. .." (Thi Thiên 132:16). Chúa Jesus phán với chúng ta: "Ta khuyên ngươi nên mua. .. những áo trắng hầu cho người được mặc vào và điều xấu hổ về sự trần truồng ngươi không phải lộ ra. .." (Khải Huyền 3:8).

6. Sự Xức Dầu

Người được làm thầy tế lễ phải được dẫn đến trước Đền Tạm.

a. Được Rửa:

Thân thể của thầy tế lễ phải được rửa bằng nước. "Chúng ta hãy lấy thân thể được rửa bằng nước trong mà đến gần Chúa " (Hê-bơ-rơ 10:22).

b. Mặc Lễ Phục:

Thầy tế lễ được mặc lễ phục tế lễ. "... Nhưng các ngươi hãy chờ đợi. .. cho đến khi được mặc lấy (tiếng HyLạp là edus) quyền năng từ trên cao " (Lu-ca 24:49).

c. Được Xức Dầu:

Thầy tế lễ được xức dầu thánh (biểu tượng về Đức Thánh Linh) (Xuất Ê-díp-tô 30:30).

"... Đấng đã xức dầu cho chúng tôi. .. cũng lấy ấn mình mà đóng cho chúng tôi và ban của tin Đức Thánh Linh trong lòng chúng tôi " (2Cô-rinh-tô 1:21-22).

7. Chức Vụ Thầy Tế Lễ (1Phi-e-rơ 2:9)

(Trong đềm tạm - với Đức Giêhôva)

a. Trong Sân Ngoài:

Giữ cho lửa luôn cháy trên bàn thờ dâng của lễ (Lê-vi Ký 6:9, 19).

Dọn sạch tro của bàn thờ (6:10, 11).

Dâng của lễ sáng và chiều (Xuất Ê-díp-tô 24:38-44).

Chúc phước cho dân sự sau khi dâng của tế lễ hàng ngày (Lê-vi Ký 9:22; Dân Số Ký 6:23-27).

Dâng của lễ trên bàn thờ.

Thổi kèn bạc hoặc thổi sừng vào năm hân hỉ.

b. Trong Nơi Thánh:

Đốt hương trên bàn thờ bằng vàng vào buổi sáng và buổi chiều.

Lau chùi và thắp đèn mỗi buổi chiều.

Đặt bánh trần thiết trên bàn bày bánh trần thiết mỗi ngày Sabát.

Đây là những nét khái quát cho chức thầy tế lễ, những điều đó hướng dẫn chúng ta làm chức "thầy tế lễ" cho Đức Chúa Trời của chúng ta.

C. DÂN SỰ CỦA GIAO ƯỚC MỚI CŨNG LÀ...

1. Con Của Đức Chúa Trời

Chúng ta là gia đình của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 3:15) và là hậu tự của thầy tế lễ thượng phẩm là Đức Chúa Jesus Christ (Hê-bơ-rơ 2:11, 13). Chỉ có những người con được tái sanh thật sự của Đức Chúa Trời mới có quyền làm chức tế lễ nhà vua. Chỉ bởi sự tái sanh mà tâm linh của con người mới được "làm cho sống lại" với Đức Chúa Trời. Nếu không có điều này, tất cả chúng ta đều không thể dâng lên sự thờ phượng thuộc linh mà "Cha đang tìm kiếm" (Giăng 4:23-24). Sự thờ phượng thuộc linh là Thánh Linh của Đức Chúa Trời thờ phượng qua tâm linh được chuộc và được đổi mới của chúng ta.

2. Được Đức Chúa Trời Phong Chức Thầy Tế Lễ.

"... Ta đã chọn và lập các ngươi. .." (Giăng 15:16). Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta là "... thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời " (1Phi-e-rơ 2:9). Đấng Christ đã làm cho chúng ta trở nên "một nước thầy tế lễ để phục vụ Đức Chúa Trời " (Khải Huyền 5:10 NIV).

3. Trọn Vẹn

Chúng ta đã được trọn vẹn (tiếng HyLạp là Pleeroo nghĩa là hoàn hảo, trọn vẹn) trong Đấng Christ (Cô-lô-se 2:10). Do đó chúng ta đủ phẩm chất để thờ phượng.

Những nét khiếm khuyết và không hoàn hảo ở cơ thể như đã khái quát trong Lê-vi Ký 21:17-21 là hình bóng cho chúng ta. Theo ý nghĩa hình bóng, có áp dụng cho những người thờ phượng ngày hôm nay.

Những khuyết tật về cơ thể là hình bóng về sự khuyết tật thuộc linh làm cản trở sự thờ phượng của chúng ta. Đức Chúa Trời mong muốn có sự ngợi khen của một dân tộc TRỌN VẸN (LÀNH MẠNH)

Đời sống Cơ đốc của chúng ta phải nhất quán với những gì mà chúng ta sẽ biểu lộ trong sự thờ phượng. Cũng cùng một môi miệng chúng ta không thể ngợi khen Đức Chúa Trời và rủa sả người khác. Những điều này không nên có (Gia-cơ 3:9-11).

4. Được Tẩy Sạch

a. Ví Dụ Trong Cựu Ước:

Trước khi lên Bêtên để dựng một bàn thờ cho Chúa và thờ phượng Ngài, Giacốp đã ra lệnh cho cả nhà ông phải "... dẹp các tượng thần ngoại bang khỏi giữa các ngươi, làm cho mình được thanh sạch (rửa sạch) và thay áo xống đi " (Sáng Thế Ký 35:2).

Môise cũng buộc dân Ysơraên tự làm thánh sạch và giặt áo xống mình (Xuất Ê-díp-tô 19:10) để chuẩn bị ra mắt Đức Giêhôva vào ngày thứ ba.

Đức Chúa Trời cũng buộc các thầy tế lễ phải rửa chân, tay trong thùng trước khi vào đền tạm để phục vụ (Xuất Ê-díp-tô 30:18-21; 40:12-16).

Chúng ta cũng "được rửa bằng nước của lời " (1Cô-rinh-tô 6:11; Ê-phê-sô 5:26), "... bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh " (Tít 3:5).

Nađáp và Abihu đã chết trước mặt Chúa vì đã không tuân theo những đòi hỏi mà Đức Chúa Trời đã đặt ra cho các thầy tế lễ là người đến phục sự Ngài (Lê-vi Ký 20:1-3). Đức Chúa Trời phán "Ta sẽ được tôn thánh trong họ để họ đến gần ta, và trước mặt dân sự, ta sẽ được vinh hiển ".

Chúng ta cần phải cẩn thận về điều này. Đến trước mặt Đức Giêhôva không phải là điều qua loa. Thực hiện được chức vụ thầy tế lễ của giao ước cũ quả là một đặc ân rất lớn.

Ngày hôm nay chức vụ ấy cũng không kém hơn. Thật vật, bây giờ chức vụ đó còn có đặc ân hơn. Những đòi hỏi trong giao ước của chúng ta còn cao hơn trong Cựu Ước. Điều quan trọng là chúng ta không được lơ là trong sự chuẩn bị để thờ phượng.

Chức vụ thầy tế lễ của nhiều hội chúng đã bị dừng lại vì giống như Nađáp và Abihu, họ đã không cẩn thận làm trọn những đòi hỏi mà Đức Chúa Trời đã đặt ra cho những người thờ phượng.

b. Kết Quả:

Bạn hãy chú ý đến năm kết quả của việc được rửa sạch bởi Huyết, Lời và Đức Thánh Linh.

1) Một Lương Tâm Trong Sạch (Hê-bơ-rơ 10:22). Việc chúng ta đến gần Đức Chúa Trời không còn liên quan gì đến việc rãi huyết của con sinh. Tế lễ của Đấng Christ đã làm trọn những điều có ý nghĩa hình bóng. Bây giờ chính nhờ huyết của Đấng Christ mà chúng ta được bôi xóa. Khi chúng ta tiếp nhận quyền năng của huyết bởi đức tin thì lòng chúng ta: "... được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể được rửa bằng nước trong " (10:22). Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể đến gần Đức Chúa Trời trong sự tin chắc đầy đủ.

2) Đôi Tay Trong Sạch (Thi Thiên 23:3, 4). "Ai sẽ đứng nổi trong nơi thánh của Ngài? Ấy là người có tay trong sạch ". "Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hãy lau tay mình. .." (Gia-cơ 4:8).

Ở đây chúng ta thấy những đòi hỏi của giao ước mới cũng tương đương như giao ước cũ. Việc rửa sạch đôi tay là điều xảy ra trước việc phục sự Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta phải được tẩy sạch để phục vụ người khác. Chúng ta phải hiến dâng đôi tay mình để làm việc và đừng dùng nó để trộm cướp và làm những điều ác.

3) Tấm Lòng Thánh Khiết (Thi Thiên 24:3, 4). "Ai sẽ đứng nổi trong nơi thánh Ngài? Ấy là người. .. có lòng thánh khiết ". Lòng thánh khiết nói đến những động cơ đúng đắn. Tại sao chúng ta đang ngợi khen Đức Chúa Trời? Chúng ta đang có những động cơ đúng đắn hay những động cơ mờ ám nào đó?

"Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em. .. có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi " (Gia-cơ 4:8). Trong câu này sự hai lòng là để nói đến một tấm lòng không thánh khiết.

Người hai lòng thì tâm trí của họ (tấm lòng, tình cảm) cùng một lúc đặt trên hai điều, nên họ không thể là người thờ phượng thật.

Chúng ta sẽ chẳng bao giờ dâng lên sự thờ phượng được trừ khi tâm trí chúng ta chỉ đặt trên Chúa mà thôi. Dâng lên sự ngợi khen trong khi tư tưởng chúng ta đang nghĩ đến những điều khác là điều xúc phạm đến thân vị và bản tánh của Đức Chúa Trời.

4) Một Tấm Lòng và Tâm Thần Khiêm Nhường. "Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời ấy là tâm thần tan vỡ. Đức Chúa Trời ôi, lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu ". (Thi Thiên 51:17)

"Tâm thần tan vỡ" mà Đavít nói đến không phải là tấm lòng buồn thảm nặng nề. Tâm thần tan vỡ nói đến tâm linh đã bị "vỡ ra" bởi sự xử lý của Đức Chúa Trời.

Bạn không thể cỡi được con ngựa cho đến khi nó bị "chế ngự". Khi đã bị chế ngự, con ngựa sẽ thuận theo ý của người cỡi. Sau đó, con ngựa sẽ được người cỡi và dẫn dắt. Người cỡi sẽ không bị con ngựa được thuần phục đó hất ngã.

Tâm thần tan vỡ nói đến một tâm linh đã học sự kỷ luật và thuận phục quyền làm chủ của Đấng Christ.

Lòng đau thương thống hối là tấm lòng ăn năn và khiêm nhường. Điều này mô tả tình trạng tấm lòng của Đavít sau khi Chúa đoán phạt nặng nề vì tội tà dâm của ông với Bátsêba.

5) Sự Kính Sợ Đức Chúa Trời.

"Đức Chúa Trời thật đáng sợ trong hội các thánh. Đáng hãi hùng hơn kẻ đứng chầu chung quanh Ngài " (89:7)

5. Được Mặc Lấy.

Chúng ta được kêu gọi không phải để mặc lấy những bộ đồ đặc biệt như các thầy tế lễ thời Cựu ước, nhưng về phương diên thuộc linh có một ý nghĩa thực tiễn mà chúng ta phải được mặc lấy.

a. Mặc Lấy Sự Cứu Rỗi.

Trong 132:16, Đức Chúa Trời phán rằng Ngài se "... mặc lấy sự cứu rỗi cho thầy tế lễ. ..". Áo vải gai của thầy tế lễ tượng trưng cho hai điều

1) Che Dấu Xác Thịt. "Để không một xác thịt nào được vinh hiển trong sự hiện diện của Ngài ".

2) Thoát Khỏi Sự Rủa Sả và Nỗ Lực Riêng. Đức Chúa Trời đã yêu cầu vải gai chứ không phải len, vì vải gai không làm cho đổ mồ hôi như len. Mồ hôi là hình bóng về sự rủa sả và nỗ lực riêng (Sáng Thế Ký 3:19). Vải gai có thể được tẩy sạch hoàn toàn còn len thì không.

b. Mặc Lấy Sự Khiêm Nhường.

Trong 1Phi-e-rơ 5:5, Phierơ khuyên chúng ta hãy "... mặc lấy sự khiêm nhường vì Đức Chúa Trời chống trả kẻ kiêu ngạo. ..". Không có chỗ cho sự kiêu ngạo của xác thịt trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

c. Mặc Lấy Sự Công Bình.

"... Vô số người. .. đứng trước Ngài và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là " (Khải Huyền 7:9).

Trong 19:8, chúng ta thấy rằng vải gai mịn (áo dài trắng) là sự công bình của các thánh đồ.

d. Mặc Lấy Quyền Năng.

Trong Lu-ca 24:49, Chúa Jesus ra lệnh cho môn đồ phải chờ đợi trong thành Giêrusalem cho đến khi được mặc lấy quyền năng từ trên cao. Khi các thầy tế lễ trong Cựu Ước được xức dầu trước khi bắt đầu thi hành chức vụ, vậy chúng ta cũng phải được mặc lấy quyền năng của Đức Thánh Linh để phục vụ trong vai trò thầy tế lễ của chúng ta.

Chính Chúa Jesus cũng không khởi sự chức vụ của Ngài cho đến khi được mặc lấy Thánh Linh ở sông Giôđanh (Ma-thi-ơ 3:16).

6. Những Người Phục Sự Như Là Những Thầy Tế Lễ Của Giao Ước Mới Dâng Lên Cho Đức Chúa Trời

a. Dâng Chính Mình.

"Vậy hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời mà khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em ". (Rô-ma 12:1)

Dâng con người toàn diện của chúng ta cho Đức Chúa Trời nghĩa là chúng ta đã hoàn toàn và vĩnh viễn thuộc về Ngài. Sau đó chúng ta sẽ chúc tụng Đức Chúa Trời với mọi điều ở trong chúng ta (Thi Thiên 103:1).

Chúng ta là một thực thể gồm ba phần - Linh, hồn và thân thể. "Nguyền xin Linh (1), hồn (2) và thân thể (3) anh em được giữ trọn vẹn, không chỗ trách được. .." (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

Đavít hướng dẫn chúng ta rằng: "Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài " (Thi Thiên 103:1).

1) Tâm linh. "Tâm linh tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời là Cứu Chúa tôi " (Lu-ca 1:47).

2) Tâm hồn. "Hỡi tâm hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giêhôva " (Thi Thiên 103:1).

3) Thân thể. "... Nguyện cả loài xác thịt (thân thể) chúc tụng danh thánh của Ngài " (145:21).

b. Của Lễ Bằng Sự Ngợi Khen (Hê-bơ-rơ 3:15-16).

Cụm từ "tế lễ bằng sự ngợi khen " cho thấy rằng để làm được điều này thật chẳng dễ dàng, thuận tiện chút nào. Chúng ta phải ngợi khen Chúa mọi lúc không phải chỉ trong lúc thuận tiện. Của lễ bằng sự ngợi khen của chúng ta là "bông trái của môi miệng" Hãy ngợi khen bằng lời nói có thể nghe được.

c. Những Biểu Lộ Của Sự Ngợi Khen.

"... hầu cho anh em bày tỏ những lời ngợi khen về Đấng đã gọi anh em ra khỏi sự tối tăm mà vào nơi sáng láng lạ lùng của Ngài " (1Phi-e-rơ 2:9).

d. Hát Thi Thiên, Thánh Ca, Bài Hát Thuộc Linh.

Một cách để chúng ta duy trì đời sống đầy dẫy Thánh Linh là hát. Có ba loại bài hát để phục sự Chúa: Thi-thiên, thánh ca và bài hát thuộc linh. Bài hát thuộc linh là những bài hát tự phát được Thánh Linh ban cho để nói lên nhu cầu của chúng ta, để đáp ứng nhu cầu muốn được kính mến, thờ phượng và chiêm ngưỡng Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 5:19; Cô-lô-se 3:16).

e. Của Cải Của Chúng Ta.

"Hãy lấy tài vật và huê lợi đầu mùa của con mà tôn vinh Đức Giêhôva. Vậy các vựa lẫm của con sẽ đầy dư dật và những thùng của con sẽ tràn rượu mới " (Châm Ngôn 3:9-10).

Dưới giao ước cũ, Đức Chúa Trời đòi buộc các thầy tế lễ không được đi "tay không" đến trước mặt Ngài. Họ phải luôn mang theo một của lễ (1Sử Ký 16:29; Xuất Ê-díp-tô 23:16; 34:20; Phục truyền 16:16-17).

Chúng ta đừng bao giờ đến trước mặt Ngài bằng tay không. Chúng ta nên đến với Ngài bằng sự ngợi khen, thờ phượng, chiêm ngưỡng và cảm tạ. Hãy bày tỏ sự ngợi khen của chúng ta bằng những bài hát, sự vui mừng và của cải của chúng ta.