Tìm kiếm

E1.11 CHỨC VỤ ĐỐI VỚI THẾ GIAN: LÀM CHỨNG

Chương 11: CHỨC VỤ ĐỐI VỚI THẾ GIAN: LÀM CHỨNG

Phần Dẫn Nhập

Mọi người cần phải hiểu:

• Kế hoạch... ĐIỀU gì sẽ được thực hiện.

• Mục đích... TẠI SAO điều đó sẽ được thực hiện.

• Phương Pháp... Điều đó sẽ được thực hiện NHƯ THẾ NÀO.

• Con người... AI sẽ thực hiện điều đó

• Nơi chốn.... Điều đó sẽ thực hiện Ở ĐÂU

• Chương trình... KHI NÀO thì điều đó sẽ được thực hiện.

Chúa Jesus nói với các môn đồ Ngài rằng vào thời kỳ cuối cùng thế giới này phải đối diện với thời kỳ tai họa và khó khăn lớn. Sự sợ hãi, căm thù và tham lam sẽ khiến cho các nước trên thế giới này tranh chiến lẫn nhau. Thật vậy "những ngày sau rốt" sẽ là những ngày tối tăm (xem Ma-thi-ơ 24:1-41Lu-ca 21:1-38).

"Sự tối tăm như ban đêm sẽ bao phủ tất cả các dân tộc trên đất này nhưng từ nơi ngươi, vinh quang của Chúa sẽ chiếu sáng ra " (Ê-sai 60:2 smf).

Tuy nhiên có một hy vọng tươi sáng cho Hội Thánh của Chúa. Khi sự tối tăm gia tăng thì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trên dân Ngài cũng gia tăng. Kinh Thánh chép rằng trong những ngày sau rốt, Đức Chúa Trời sẽ "đổ Thánh Linh của Ngài trên mọi người ở mọi nơi. .. Và hễ ai cầu khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu " (Công vụ 2:17, 18, 21 smf).

Điều này dạy chúng ta rằng trong những giờ phút đen tối cuối cùng (nhưng đầy sự vinh hiển) sẽ có nhiều người nghe Phúc Âm và được cứu hơn bất kỳ một thời kỳ nào khác trong lịch sử. Sẽ có một cuộc phục hưng lớn ở thời kỳ cuối cùng. Ánh sáng của phúc âm sẽ chiếu vào sự tối tăm của thế giới chết chóc này.

Đức Chúa Trời luôn đưa đến "lời cảnh báo" và "chứng nhân" trước thời kỳ đoán phạt lớn. Ân điển bị từ chối sẽ đem đến sự đoán phạt. "Hãy ăn năn không ta sẽ đến nhanh chóng, và sẽ dùng lưỡi gươm của miệng ta mà đánh trận. .." (Khải Huyền 2:16).

Vì lý do này, Đức Chúa Trời muốn hiệp nhất Hội Thánh trong sự thờ phượng, công việc, chiến trận và làm chứng. Cuộc phục hưng chỉ xảy đến khi quyền năng và vinh hiển của Đấng Christ được bày tỏ qua Hội Thánh Ngài trên khắp thế giới này.

"Lạy Cha, Con cầu nguyện cho họ được làm một. .. để thế gian này tin rằng Cha đã sai con. .. vì phúc âm về vương quốc phải được rao giảng khắp thế gian để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến " (Giăng 17:20-21; Ma-thi-ơ 24:14 smf).

A. SỰ GIẢNG HÒA: KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI/ SỰ TRUYỀN GIÁO CỦA CHÚNG TA.

"Sự giảng hòa" là một từ đẹp tuyệt vời có nghĩa là làm cho những người đã phá vỡ mối quan hệ với nhau được hòa thuận trở lại.

Khi con người phạm tội, họ đã đối kháng với Đức Chúa Trời và ở dưới sự kiểm soát của kẻ thù là Satan. Bất tuân Đức Chúa Trời là tội lỗi, và tội lỗi đã phân cách chúng ta với Đức Chúa Trời, làm cho chúng ta trở nên kẻ thù của Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Trời, Ngài muốn tha thứ tội lỗi chúng ta và đem chúng ta trở lại gia đình của Ngài. Nói tóm lại, Ngài muốn chúng ta được "giải hòa" với chính Ngài và được hòa thuận với Ngài. Đó là lý do tại sao Ngài sai Con Ngài xuống thế gian để chết thay cho tội lỗi của chúng ta. Đức Chúa Trời muốn trở thành Cha của chúng ta và Ngài cũng muốn trở nên bạn hữu của chúng ta nữa!

Vâng, sự giảng hòa là một từ đầy sự kỳ diệu thánh khiết. Từ đó nói lên chính tấm lòng của Đức Chúa Trời và cho chúng ta biết về tình yêu và ân điển của Ngài cho cả nhân loại; và ước muốn của Ngài là đem toàn thể các dân tộc trên thế giới đến với Ngài.

Các quốc gia được hình thành bởi các dân tộc. Đức Chúa Trời yêu thương các dân tộc ngay cả những dân tộc đã phạm tội, làm theo ý riêng và đi theo con đường riêng. Bởi tội lỗi, con người đã lạc mất con đường đến với Đức Chúa Trời và trở thành kẻ thù của Ngài. Bởi Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã tìm cách đem cả thế giới này trở lại mối quan hệ đúng đắn với chính Ngài.

"Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời " (Giăng 3:16).

Đức Chúa Trời đã mặc khải cho Phaolô tình yêu vĩ đại của Ngài dành cho các quốc gia trên thế giới. Hơn nữa Ngài còn đặt chính tình yêu đó vào trong lòng của Phaolô. Chúng ta hãy nghe kỹ lời ông viết cho Hội Thánh tại Côrinhtô:

"Bởi Đức Chúa Jesus Christ, Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta được hòa thuận với Ngài. Và Ngài đã ban cho chúng ta chức vụ đem mọi người trở lại hòa thuận với Ngài. Phải, Đức Chúa Trời đã ở trong Đấng Christ để làm cho thế gian hòa lại với Ngài. ..

"Vì vậy, chúng ta là những "sứ giả " hòa bình. Chúng ta là những khâm sai của Đấng Christ được sai đi với sứ điệp này: Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời " (2Cô-rinh-tô 5:18-20 smf).

Thật vậy, đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho các dân tộc để họ được hòa thuận với chính Ngài. Mục đích của Đức Chúa Trời là phải có một gia đình rộng khắp thế giới. Ngài muốn có một dân tộc hết lòng yêu mến, thờ phượng và hầu việc Ngài. Ngài chẳng bao giờ đổi ý. Điều đó vẫn còn là một khát vọng sâu xa của lòng Ngài.

1. Con Người Với Sứ Mạng.

Sách Công-vụ là câu chuyện về con người với sứ mạng truyền giáo để đem thế gian đến với Đấng Christ. Trong những đoạn đầu của sách này, chúng ta thấy những con người được chọn, được kêu gọi và được chuẩn bị cho chức vụ của họ.

Chúa đã cho họ thời gian và sự huấn luyện cần thiết để "lớn lên" trong trái của Thánh Linh, và được "xuất sắc" trong những ân tứ thuộc linh. Thời gian để trưởng thành này có quan hệ đến chức vụ đối với Chúa và chức vụ đối với nhau. Cuối cùng đã đến lúc họ phải có chức vụ đối với thế gian này.

Câu chuyện của họ là một trong những câu chuyện về những con người bình thường (người chân đất chứ không phải là giới tăng lữ) đã được sử dụng theo cách phi thường nhất. Những con người nhỏ bé với một Đức Chúa Trời vĩ đại, đang tiến hành một công việc vinh hiển là chinh phục thế gian này cho Đấng Christ.

Công-vụ đoạn 7 và 8 thuật lại phong trào truyền giáo đầu tiên trong Hội Thánh Cơ đốc đã bắt đầu như thế nào.

a. Êtiên - Người Tử Vì Đạo.

Đoạn 7 là một câu chuyện nói về một con người bình thường tên là Êtiên. Bạn còn nhớ ông là một trong bảy người được chọn để phục vụ bàn tiệc. Ông đã trở thành một người có đức tin vĩ đại và đã thể hiện nhiều dấu kỳ, phép lạ giữa dân chúng. Ông cũng là người bảo vệ đức tin mạnh mẽ và đã trở thành Cơ đốc nhân đầu tiên hy sinh cuộc đời mình cho Chúa Jesus. Đức Chúa Trời đã tràn đầy trong cuộc đời ngắn ngủi của Êtiên dành cho Ngài.

Đoạn 7 đánh dấu một khúc quanh trong sách Công-vụ. Không còn tình trạng vây quanh các vị sứ đồ ở Giêrusalem nữa.

Kế hoạch Đức Chúa Trời là "mỗi chi thể là một người hầu việc Chúa" trong Hội Thánh của Đấng Christ bắt đầu tiến hành. Điều đó sẽ tạo nên sự "bùng nổ truyền giáo" tin lành làm xôn xao dư luận, mà mọi người xa gần đều biết đến. Điều đó đã xảy ra như thế nào và ai đã tạo nên sự rao giảng tuyệt vời đó.

b. Saulơ - Một Người Bắt Bớ.

Sau sự tử đạo của Êtiên, một con người có tên là Saulơ đã xuất hiện và Hội Thánh tại Giêrusalem chẳng bao giờ còn như trước nữa. Chúng ta hãy xem một đoạn Kinh Thánh thuật lại điều đó:

"Saulơ vui mừng về sự chết của Êtiên vì ông tin rằng Êtiên đáng phải chết. .. Sau đó Saulơ bắt đầu tàn hại Hội Thánh một cách thô bạo và kinh khủng. Ông đi từ nhà này sang nhà kia, lôi các người đàn ông đàn bà mà bỏ tù. ..

"Kết quả là tất cả các Cơ đốc nhân, ngoại trừ các sứ đồ, buộc lòng phải trốn chạy khỏi Giêrusalem. Họ đến các vùng phụ cận của Giuđê và Samari. Đến nơi nào, họ cũng rao giảng Lời tin mừng về phúc âm " (Công vụ 8:1, 3, 4 smf).

Hội Thánh ở Giêrusalem đã bị tản lạc vì bị bắt bớ. Rõ ràng bây giờ mỗi người mỗi ngã. Họ không còn trông chờ sự hướng dẫn và giúp đỡ của các sứ đồ được nữa.

Trước đây họ có được huấn luyện và chuẩn bị đúng đắn cho những ngày khó khăn trước mắt không? Họ có thể hoạt động được mà không cần sự lãnh đạo ở Giêrusalem không? Có phải Saulơ đã hủy diệt Hội Thánh Tân Ước duy nhất đã tồn tại lúc bấy giờ không?

Cách đối xử tàn bạo để hủy diệt một nhóm người đặc biệt nào đó được gọi là "sự bắt bớ".

Có phải Saulơ đã thành công trong những sự nỗ lực nhằm chống lại các nạn nhân tuyệt vọng của ông ta không? Có phải ngọn lửa bắt bớ làm cho các tín đồ đầy sự sợ hãi trong lòng không? Họ có dám nói về Chúa của họ nữa không?

Kinh Thánh cho chúng ta câu trả lời chắc chắn: "Họ đi đến nơi nào, họ truyền giảng lời Chúa ở nơi đó ". Saulơ đã phạm phải một sai lầm lớn nhất trong đời ông. Không những ông đã chống lại Hội Thánh của Đấng Christ hằng sống mà ông còn chống lại Đấng Christ của Hội Thánh sống.

Trong nỗ lực dập tắt ngọn lửa Thánh Linh ở Giêrusalem, ông đã bắt đầu làm cho ngọn lửa ấy lan tràn ra khắp cả vùng.

Phải, các sứ đồ đã làm một việc rất tốt. Họ đã "trang bị cho các thánh đồ để họ phục vụ ". Họ đã dạy cho các thánh đồ biết tự cầu nguyện và rao giảng, biết lắng nghe và vâng theo tiếng của Đức Chúa Trời. Do đó đến lúc này, Hội Thánh tại Giêrusalem đã sẵn sàng đem chứng cớ của mình đi đến "Giuđê, Samari và tận cùng thế giới " (1:8).

Thật vậy Đức Chúa Trời đã dùng vũ khí "bắt bớ" của Satan như là một phương tiện để đưa Hội Thánh Ngài vào hành động.

2. Sứ Mạng Với Thế Giới.

Đức Chúa Trời biết rằng khi dân sự của Ngài sẵn sàng ra đi, mọi người đều có phần trong kế hoạch thiên thượng của Ngài thì họ thật sự là một "giống dân đặc biệt, là thầy tế lễ và một dân thánh " (1Phi-e-rơ 2:9).

Công việc và sự làm chứng của họ không dễ dàng gì. Nhưng họ sẽ được "... khích lệ mạnh mẽ vì họ biết rằng Đức Chúa Trời ở với họ và họ sẽ thành công mỹ mãn ở bất cứ nơi nào họ đến " (Giô-suê 1:6-9).

Họ đã ra đi và họ đã thành công! Một sự ra đi đầy đau đớn từ Giêrusalem đã trở thành một chiến dịch truyền giáo đầy vinh hiển cho cả thế giới. Bất cứ nơi nào họ đến trong sự yếu đuối thì tin lành cũng đã đến trong quyền năng!

a. Tất Cả Mọi Người Phải Được Nghe.

Sự truyền giáo của Hội Thánh đầu tiên là sự truyền giáo của Hội Thánh ngày hôm nay. Đức Chúa Trời vẫn còn muốn "các nước" được hòa thuận với Ngài. Ngài muốn tin mừng về Chúa Jesus Christ phải được lan ra khắp đất.

Từ "nước" trong Kinh Thánh nói đến một dân tộc có cùng ngôn ngữ, văn hóa và vị trí địa lý. Đó là một cộng đồng xã hội mà trong đó người ta thấy được sự đồng nhất. "Các nước" này được gọi là "những giống dân".

Không một chi tộc, ngôn ngữ hay "giống dân" nào bị bỏ sót cả. Tất cả mọi người đều có quyền, có đặc ân để nghe về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho họ. Nhiệm vụ thật lớn lao. Có nhiều người trên khắp thế giới này chưa bao giờ nghe đến danh Chúa Jesus dù chỉ một lần.

Ngày hôm nay trên thế giới có trên năm tỷ người (5.000.000.000) (theo trung tâm truyền giáo thế giới của Hoa Kỳ). Con số này có thể được chia thành khoảng 24.000 "giống dân" khác nhau.

Có khoảng 7.000 giống dân đã được nghe rao giảng về phúc âm của Đấng Christ. Con số này bao gồm khoảng 3 tỷ người. Nhưng còn khoảng 17.000 giống dân với khoảng 2,4 tỷ người chưa hề được nghe về Chúa Jesus. con số này chiếm khoảng 40% dân số thế giới!

b. Mục Tiêu Truyền Giáo.

Phải nhiệm vụ thật lớn lao nhưng không phải là không thể làm được. Thật vậy, nhiều nhà lãnh đạo truyền giáo tin rằng Đại Mạng Lệnh Truyền Giáo của Đấng Christ trong việc đem phúc âm đến cho tất cả các nước có thể đạt được trong vòng mười năm.

Trong năm 1983 có khoảng 1,4 tỷ Cơ đốc nhân trên thế giới. Điều đó có nghĩa là cứ ba người thì có một người tự xưng là Cơ đốc nhân. Hơn nữa số lượng Cơ-đốc nhân hiện giờ đang gia tăng với mức độ trên 28 triệu người một năm.

Riêng ở Châu Á và Châu Phi, hàng năm có trên 50.000 Hội Thánh mới được thành lập. Cách đây 100 năm không có một Hội Thánh nào ở Triều Tiên cả. Vào năm 1970 chỉ có 10% dân số ở Nam Triều Tiên là Cơ đốc nhân. Vào năm 1980, họ đã gia tăng đến con số 20%. Vào năm 1984 con số lên đến gần 30%.

Vào năm 1949-1950 có khoảng một triệu Cơ đốc nhân ở Trung Hoa. Tất cả các nhà truyền giáo phương Tây bị buộc phải rời khỏi đất nước này. Một số người cho rằng điều này đã tàn hại Hội Thánh một cách nặng nề. Trong những năm gần đây, khi cánh cửa đến Trung Hoa lại được mở ra, sự lớn mạnh của Hội Thánh làm người ta phải ngạc nhiên. Thay vì bị hủy diệt, Hội Thánh đã gia tăng từ khoảng 40 đến 60 triệu!

Ở nhiều nơi, Hội Thánh đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên ở nhiều nơi khác, công tác truyền giáo lại khó khăn hơn hoặc hầu như không thể tiến hành được.

Người ta biết rất ít đến Cơ đốc nhân ở Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, Albani, Lybi hoặc Ápganistan. Pháp, Israel và Bangladesh cũng là những nơi khó rao giảng phúc âm.

Tuy nhiên 90% trên thế giới vẫn còn mở cửa cho tin lành. Ở một số nơi, những cách cửa đã đóng lại được mở ra. Điều đáng buồn là chúng ta đã không làm hết việc với những cánh cửa mở này.

Ngày hôm nay trên thế giới có trên 2,8 tỷ người ngoại. Và như đã nói ở trên có khoảng 2,4 tỷ người chưa một lần được nghe tin mừng về tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

Để đến được với họ phải vượt qua những hàng rào về văn hóa. Chỉ có các chứng nhân từ bên ngoài đến vì bên trong không có một Hội Thánh nào cả. Cần phải có một tình yêu thương đối với người hư mất và một nỗ lực được hướng dẫn chu đáo mới có thể đem "những dân tộc bị chôn giấu" này đến với Đấng Christ, là Đấng đã chết thay cho họ. Đây là lý do tại sao chúng ta cần được biết đến. Thông tin là một phương tiện cần thiết để phát thanh về quyền năng của tình yêu Đức Chúa Trời đến với những vùng trên thế giới đang cần tin lành nhiều nhất.

Chỉ bằng cách này Đại Mạng Lệnh Truyền Giáo của Chúa Jesus Christ mới được thực hiện và nhiệm vụ mới được hoàn tất trong thế kỷ này. Nếu chúng ta quan tâm, lắng nghe, cầu nguyện và vâng lời thì điều này sẽ được thực hiện.

c. Đầu Tư Vào Truyền Giáo.

Theo quan điểm này, dân Chúa sẽ chẳng bao giờ được thỏa lòng cho đến khi mọi "nước" đều được nghe đến phúc âm. Đây là mục tiêu cao cả nhất và là mục đích lớn nhất của chúng ta.

Điều đáng buồn là nhiều người quan tâm đến sự "nhận lãnh" hơn là "ban cho". Chúng ta cầu nguyện cho đến lúc mà hầu hết con cái Đức Chúa Trời đều sẵn sàng đầu tư vào những cuộc truyền giáo như họ đã sẵn sàng đầu tư vào vật chất đời này.

Nhà cửa và các đồ dùng vật chất là quan trọng trong thế giới hiện đại của chúng ta nhưng chúng không phải là quan trọng hơn cả. Một ngày nào đó gạch, ván, kim loại óng ánh đều sẽ qua đi nhưng linh hồn con người thì còn mãi.

Chúa Jesus phán rằng tấm lòng và của cải của chúng ta gắn kết với nhau. Bạn tìm thấy điều này ở đâu thì điều kia cũng sẽ ở nơi đó (Ma-thi-ơ 6:21).

Ước muốn và quan tâm của (lòng) chúng ta làm theo sự hướng dẫn của những giá trị (của cải) của chúng ta. Chúng ta sẽ đầu tư cuộc đời, thì giờ, tài năng, năng lực vào những gì mà chúng ta cảm thấy quí báu và có giá trị lớn đối với chúng ta.

Những lời của Jim Elliot, một nhà truyền giáo tử vì đạo ở Auca Indians, Nam Mỹ, đã nói thẳng vào lòng chúng ta rằng "Người khôn ngoan là người ban cho những gì mình không thể giữ và chiếm lấy những gì mình không thể mất".

d. Hãy Đi Đến Mọi Nước Trên Thế Giới.

Người ta nói rằng những lời nói cuối cùng của một người là những lời nói quan trọng nhất của cuộc đời họ. Những lời nói của những con người vĩ đại trên giường hấp hối là dành cho những người còn sống và cho những kẻ chưa được sinh ra.

Chúng ta biết điều này: Những lời nói cuối cùng của Chúa Jesus được ghi lại và những lời đó rất quan trọng. Những lời nói lúc chia tay của Ngài với các môn đồ là rất rõ ràng và thẳng thắn:

"Hãy đi khắp thế gian giảng tin lành cho mọi người " (Mác 16:15).

Chúa Jesus phán "Hãy đi ". Bằng sự vâng lời đơn sơ, Kinh Thánh cho chúng ta biết họ đã "đi ". "Chúa đã đi với họ bởi Thánh Linh của Ngài và Ngài đã dùng dấu kỳ và phép lạ cặp theo lời nói của họ " (16:20 smf).

Những gì Ngài đã nói và làm cho họ thì Ngài cũng đang nói và làm cho chúng ta ngày hôm nay. Nếu chúng ta đi và vâng lời thì Đấng Christ cũng sẽ tôn trọng Lời Ngài trong đời sống của chúng ta và trong thế giới của chúng ta như Ngài đã làm trong đời sống và thế giới của họ.

e. Chúng Ta Nên Làm Gì.

Mọi tín đồ đều phải được huấn luyện và trang bị để hoàn thành mạng lịnh này. Sau đó họ nên đi ra và rao giảng phúc âm, cầu nguyện cho người ra đi, dâng hiến tiền bạc, hoặc ít hoặc nhiều, để giúp đỡ những người được chọn đang dâng trọn thì giờ của họ để đi ra rao giảng phúc âm. Bạn nên nhớ rằng công việc này chỉ được thực hiện trong mùa gặt mà thôi. Khi mùa gặt đã qua và mùa đông đến thì đã quá muộn màng. Mùa gặt linh hồn cũng vậy. Chúng ta phải rao giảng phúc âm ngay hôm nay.

Trong cõi đời đời, những tội nhân đáng thương mà chúng ta không nói về Đấng Christ cho họ sẽ than vãn mà nói rằng: "Mùa gặt đã qua, mùa hè đã đến mà chúng ta không được cứu " (Giê-rê-mi 8:20). Khi chúng ta lên thiên đàng, điều này cũng sẽ khiến chúng ta khóc lóc và than vãn một thời gian. "Chúa sẽ lau ráo mọi giọt lệ của mắt họ " (Khải Huyền 21:4).

Không có gì lạ khi Phaolô khuyên chúng ta rằng "Hãy tỉnh thức. .. Đừng phạm tội vì có một số người không hiểu biết về Đức Chúa Trời " (1Cô-rinh-tô 15:34). Phaolô đang cảnh báo chúng ta rằng chúng ta có thể phạm tội vì đã không vâng theo đại mạng lệnh truyền giáo của Chúa.

Bạn hãy ghi nhớ lời Chúa trong lòng: "Các ngươi há chẳng nói rằng còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt sao? Song ta nói với các ngươi: Hãy nhướng mắt lên mà xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt " (Giăng 4:35).

Hãy chờ đợi trong sự cầu nguyện thờ phượng cho đến khi được báptêm Thánh Linh. Hãy nói với những người bà con và bạn bè của bạn những gì Chúa Jesus đã làm cho bạn.

Nếu họ cần chữa lành, hãy đặt tay trên người bệnh và cầu nguyện cho họ được chữa lành. Hãy đuổi bất kỳ loại quỉ nào mà bạn phải đối diện. Hãy là người chinh phục linh hồn. Hãy nói ra những phước hạnh và sự đắc thắng của Đấng Christ. Hãy đắc thắng Satan bất kỳ nơi nào bạn đến.

Vì vậy chúng ta hãy lắng nghe, học tập, tin cậy và vâng lời để chúng ta thật sự trở thành "một dân được chọn, một thầy tế lễ nhà vua, một dân thánh và một chứng nhân có quyền năng " về lẽ thật và tình yêu của Đức Chúa Trời... cho đến tận cùng trái đất.

"Phúc âm này về nước Đức Chúa Trời sẽ được rao giảng trên khắp thế gian để làm chúng cho tất cả các nước. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. .. Lạy Chúa Jesus, xin hãy đến! " (Ma-thi-ơ 24:14; Khải Huyền 22:20 smf).