E1.10 CHỨC VỤ ĐỐI VỚI NHAU: PHỤC VỤ
Chương 10: CHỨC VỤ ĐỐI VỚI NHAU: PHỤC VỤ
Phần Dẫn Nhập
Chức vụ đối với nhau có nghĩa là "phục vụ và hỗ trợ" cho nhau. Chúng ta phải giúp đỡ, thương yêu và chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta phải gây dựng nhau về tình cảm cũng như thuộc linh.
Điều này có nghĩa là chúng ta phải cung cấp những điều thực tế cho những anh em trong Chúa là những người đang có nhu cầu.
Làm được điều này có nghĩa là chúng ta đã hình thành được "cách thức hỗ trợ theo Kinh Thánh". Ba cách thức căn bản sau đây bao hàm tất cả những nhu cầu cá nhân quan trọng nhất của chúng ta. Là những người lãnh đạo, chúng ta phải huấn luyện các chi thể trong Hội Thánh biết làm thế nào để phục vụ lẫn nhau qua:
* Cách thức giúp đỡ về tình cảm.
* Cách thúc giúp đỡ bằng tài chánh.
* Cách thức giúp đỡ về thuộc linh.
Đây là cách giảng dạy của Chúa đối với dân chúng trong tình yêu thương. Như Chúa Jesus đã thờ phượng Đức Chúa Cha trên trời qua chúng ta thể nào thì Ngài cũng phục vụ các chi thể trong Thân Thể Ngài qua chúng ta thể ấy.
Chúa Jesus an ủi những người bị tổn thương bằng cách dùng đôi tay của chúng ta ôm ấp họ. Ngài đã đụng chạm họ bằng đôi tay của chúng ta. Ngài muốn nói với họ qua môi miệng của những chi thể trong Thân Thể Ngài là Hội Thánh!
Chúng ta hãy quay lại với sách Công vụ các sứ đồ để xem các nguyên tắc này đã được thực hiện như thế nào, tiến hành ra sao.
Chúng ta thấy trong những câu dưới đây đã tái xác nhận điều khái quát mà chúng ta đã chọn để giải thích những điều mà bạn (là người lãnh đạo Hội Thánh) phải huấn luyện dân sự làm. Đây là điều mà các tín hữu ở Hội Thánh tại Giêrusalem đã làm.
Các tín hữu đều phục vụ Chúa.
"Ai tin. .. đều đã chịu báptêm, có khoảng 3.000 người. Mỗi ngày họ hiệp nhau thờ phượng ở đền thờ cách đều đặn, gặp nhau trong những nhóm nhỏ ở các gia đình để thông công. .. Họ đầy sự vui mừng và cảm tạ, ngợi khen Đức Chúa Trời " (Công vụ 2:41, 46, 47 smf).
Đây là ưu tiên hàng đầu của họ: thờ phượng, cảm tạ và ngợi khen Đức Chúa Trời.
Các tín hữu phục vụ lẫn nhau.
"Tất cả các tín đồ thường xuyên gặp gỡ nhau và chia sẻ mọi điều họ có cho nhau, bán của cải mà chia cho những người có nhu cầu. Họ. .. gặp nhau trong từng nhóm nhỏ ở gia đình để thông công và dùng bữa với nhau đầy vui mừng và cảm tạ " (Công vụ 2:44-46 smf).
Họ dùng bữa với nhau trong nhà của họ và không ai bị đói hoặc bị để bơ vơ. Mỗi người đều chia những gì mình có cho những người có nhu cầu. Tất cả những điều này được làm trong "sự vui mừng lớn".
Sau đó từ hai điều này đã hình thành nên sự phục vụ thế gian của họ.
"Mọi người đều kính sợ và các sứ đồ đã làm nhiều phép lạ. Cả thành phố đều hài lòng về họ và hằng ngày đã thêm lên cho họ những người được cứu " (2:43, 47).
Từ chức vụ của họ đối với Chúa và chức vụ đối với nhau đã nảy sinh chức vụ của họ đối với thế gian. Mỗi ngày nhiều tín đồ mới đã được thêm vào trong số người của họ. Đây là một bức tranh trọn vẹn về kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời. Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu những cách thức giúp đỡ khác nhau. Đó là một phần trong sự phục vụ của chúng ta đối với nhau.
A. CÁCH THỨC GIÚP ĐỠ VỀ TÌNH CẢM.
Cách thức giúp đỡ đầu tiên trong chức vụ phục vụ lẫn nhau của chúng ta liên quan đến những nhu cầu tình cảm. Nhu cầu tình cảm của chúng ta được thỏa mãn qua "những mối quan hệ". Chúng ta được dựng nên không phải để "sống một mình". "Và Đức Chúa Trời phán: Chúng ta hãy dựng nên loài người theo ảnh tượng của chúng ta. .. vì loài người sống một mình là không tốt " (Sáng Thế Ký 1:26; 2:18).
Tất cả chúng ta đều giống như ảnh tượng của Đức Chúa Trời nên chúng ta cần có các mối quan hệ (Rô-ma 3:29; 2Cô-rinh-tô 3:18). Chúng ta được dựng nên để tương giao với Đức Chúa Trời và tương giao với nhau, để yêu thương nhau.
Không có mối quan hệ đó, chúng ta không trọn vẹn. Và điều đó không tốt. Chúng ta rất cần nhau. Đức Chúa Trời đã dự định như vậy.
1. Koinonia
Koinonia là tiếng HyLạp nói đến "sự tương giao" có nghĩa là:
a. Chia sẻ sự sống cho nhau.
b. Cùng chung một quyền lợi.
Sự sống mà chúng ta chia sẻ với nhau là sự sống của Ngài. Quyền lợi chung là Chúa Jesus.
2. Koinonia Đáp Ứng Những Nhu Cầu Về Tình Cảm.
Đây là một kết quả thực tế. Mối tương giao Cơ đốc (Koinonia) đáp ứng những nhu cầu và ước muốn sâu xa nhất trong lòng của chúng ta. Thật là thú vị khi chúng ta biết rằng "Koinonia" là một từ được dùng trong giấy kết hôn (giấy tờ hợp pháp) của những dân tộc nói tiếng HyLạp trong thời Tân Ước. Hôn nhân được gọi là "Koinonia".
Từ "Koinonia" cũng có nghĩa là "cộng đồng". "Cộng đồng" là một nhóm người liên kết với nhau quanh một quyền lợi chung.
Tình yêu của Chúa Jesus dành cho chúng ta là vô điều kiện. Một tình yêu như thế có quyền năng để tha thứ, chữa lành và khôi phục. Chúa Jesus muốn chúng ta có cùng tình yêu đó đối với nhau.
Nếu chúng ta có loại tình yêu này, các tín đồ có thể xưng ra những lỗi lầm của mình, chân thành và cởi mở trình bày những nan đề của mình. Trong một "Koinonia" (cộng đồng) Cơ đốc thật, chúng ta sẽ thấy người ta sẽ tìm đến và tìm được nơi nương náu, được chấp nhận và thông cảm trong tình yêu thương. Chúng ta cần "Koinonia" cho những lý do sau:
Đây là một số nhu cầu tình cảm cần được tìm thấy trong cộng đồng Cơ đốc. Chỉ cần có một cách thức giúp đỡ năng động trong Hội Thánh thì những nhu cầu riêng tư này sẽ được đáp ứng.
Trong những xã hội hay chống đối phúc âm thì những cách thức giúp đỡ như vậy là rất quan trọng.
Đây là điều có thật tại Hội Thánh đầu tiên ở Giêrusalem khi mới được hình thành trong một khoảng thời gian ngắn. Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo thời đó không nhiệt tình ủng hộ hình thức tương giao mới mẻ này của các Cơ đốc nhân. Như chúng ta đã thấy trong các bài học trước, chẳng bao lâu Hội Thánh đầu tiên đã rơi vào ngọn lửa bắt bớ và căm thù của tôn giáo. Họ đã bị đối xử thô bạo và bất công.
Do đó các tín đồ mới đã đến với nhau không những để thờ phượng và học hỏi thêm về Chúa Jesus, nhưng cũng để giúp đỡ và bảo vệ nhau trong một xã hội đầy thù hằn và ghen ghét.
Mối tương giao về sự tăng trưởng và giúp đỡ của các Cơ đốc nhân đã được hình thành trong suốt cả lịch sử Hội Thánh. Chúng ta không phải ngạc nhiên. Thần của đời này (Satan) luôn chống nghịch với mục đích của Đức Chúa Trời và bắt bớ dân Ngài.
3. Vai Trò Căn Bản Của Những Hội Thánh Tư Gia.
a. Giúp Đỡ Thực Tế.
Cách thức thực tế nhất mà Hội Thánh đầu tiên đã làm để giúp đỡ những tín hữu trong Hội Thánh là thông qua sự thông công ở trong nhà của họ.
Hội Thánh tại Giêrusalem hình thành vào ngày Chúa nhật của Lễ Ngũ tuần với 3.000 người. Họ phát triển nhanh chóng khi số lượng lớn đàn ông, đàn bà được thêm vào mỗi ngày. Một số người tin rằng một, hai năm sau, số lượng của họ có thể lên từ 30.000 đến 40.000 người. Làm thế nào bạn có thể chứa trong nhà một số lượng người đông như thế?
Chúa Jesus đã cảnh báo rằng thành phố và đền thờ này sẽ bị hủy phá. Không có chỗ nào trong Kinh Thánh chép lại rằng họ đã cố xây dựng một nơi nhóm họp lớn. Thay vì vậy họ khuyến khích Hội Thánh nhóm tại các gia đình. Sau đó họ thiết lập các trưởng lão để chăm lo cho những nhóm mới hình thành này.
Sau đó các sứ đồ vẫn có thể liên lạc được với tất cả mọi người thông qua các trưởng lão đã được thiết lập cho mỗi nhóm tư gia.
Chính Phierơ và Giăng đã thuật lại cho hội đồng Do thái về một trong các buổi nhóm tư gia mà họ đã chữa lành cho người què ở cửa đền thờ (Công vụ 4:23)
Tư gia là bối cảnh rất tự nhiên và đơn giản để thiết lập mối thông công và chức vụ rất thực tế.
Người ta không hề biết đến các giáo đường lớn và giới tăng lữ mặc áo thụng đen cho đến thời của Constantine (một Hoàng đế La-mã, mà người ta cho rằng đã tin Chúa vào thế kỷ thứ tư).
Các giáo đường và giới tăng lữ xuất hiện là dấu hiệu sa sút của Hội Thánh, và những điều đó bắt đầu thay thế cho sự hiện diện và quyền năng của Thánh Linh. Những điều này đã thay thế sự phục vụ của mỗi chi thể đối với Chúa, đối với nhau và với thế gian này.
Sự thay thế của những tòa nhà lớn và giới tăng lữ lên mình có liên quan đến sự sa sút trong đời sống thuộc linh.
Chức vụ của các tín hữu đã bị ngăn cấm khi giới tăng lữ chuyên nghiệp đã xa rời đức tin chân thật. Sự gắn bó cá nhân không còn nữa, những nhu cầu tình cảm về yêu thương và chấp nhận nhau không còn tràn đầy. Những hình thức tôn giáo đã thay thế Koinonia chân chính.
b. Quan Hệ Cá Nhân.
Con trẻ cần vuốt ve, nói chuyện, bồng ẵm và ôm ấp hơn là thực phẩm và mặc ấm. Có những trường hợp, các cô nhi viện phải chăm sóc quá nhiều trẻ mới sinh nên đã thiếu nhân viên. Những đứa trẻ mới sinh này có đủ nhu cầu vật chất nhưng đã chết vì thiếu sự chăm sóc, bồng ẵm và ôm ấp.
Những người lớn cũng có thể chết vì thiếu tình yêu thương với một tiến trình chậm hơn. Đối với một số người, đó là sống mà tưởng như đã chết rồi, không được yêu thương, không được lưu tâm, không ích lợi, không được chăm sóc.
Ở các nước phương tây, cô đơn là một trong những căn bệnh lớn của thời đại chúng ta. Trong một đám đông, chúng ta vẫn cảm thấy cô đơn nếu không có ai biết hoặc quan tâm đến chúng ta.
Hội Thánh phải có cách thức đặc biệt và riêng tư đối với những người đã xa rời sinh hoạt của cộng đồng Cơ đốc. Điều này rất cần với những người lớn tuổi và bệnh tật, cùng tất cả những ai đã mất sự quan hệ yêu thương với những người khác.
Như chúng ta đã nói, một trong những lý do để có các buổi nhóm thông công tư gia trong Hội Thánh đầu tiên là để cung cấp sự giúp đỡ tình cảm cho những người cần đến. Mỗi người đều biết họ thuộc về một nhóm cầu nguyện, chăm sóc là nhóm người tiếp nhận và yêu thương họ trong Chúa.
Sự tương giao là nơi mà tình yêu của Đức Chúa Trời được chia sẻ theo những cách cá nhân và thực tế. Những nhu cầu của con người về cả mặt tình cảm (tình yêu thương) và về quyền bính (lẽ thật) có thể được thỏa mãn và đáp ứng.
Đó là đường lối thánh của Đức Chúa Cha về sự dẫn dắt, sữa trị, bảo vệ và cung cấp cho tất cả mọi người trong gia đình ấm áp riêng của Ngài.
Đó là cảm giác an toàn khi chúng ta biết rằng chúng ta được cha mẹ, anh chị em trong gia đình của Đức Chúa Trời giúp đỡ. Đó là sự tương giao mà trong đó những khả năng của chúng ta và những ân tứ thiên thượng của chúng ta đều được cần đến.
Hội Thánh luôn là nơi chúng ta có thể thờ phượng, phục vụ và làm chứng cho nhau.
B. CÁCH THỨC GIÚP ĐỠ VỀ TÀI CHÁNH
Cách thức thứ hai mà Kinh Thánh dạy chúng ta để giúp đỡ lẫn nhau nằm trong lĩnh vực tài chánh.Theo mục đích của chúng tôi, điều này không chỉ bao gồm vấn đề tiền bạc mà còn bao gồm cả những đồ đạt vật chất và những việc làm khác nữa.
1. Trong Hội Thánh Đầu Tiên
Chúng ta hãy xem Hội Thánh đầu tiên đã hành động như thế nào để phát triển cách thức giúp đỡ tài chánh cho những chi thể. Chúng ta sẽ kiếm những nguyên tắc của Kinh Thánh để ứng dụng trong thời đại và bối cảnh của chúng ta. Chúng ta sẽ bắt đầu với Hội Thánh mới thành lập ở Giêrusalem.
"Tất cả các tín đồ đều thường xuyên gặp nhau và chia xẻ cho nhau mọi thứ, bán của cải mà chia cho người có nhu cầu. "... Có một sự tương giao nồng ấm giữa vòng những kẻ tin và không có ai nghèo nàn, vì những người nào có đất đai, nhà cửa đều bán đi, đem tiền đến cho các sứ đồ để chia cho những người có nhu cầu " (Công vụ 2:44, 45; 4:34, 35 smf).
Thái độ của chúng ta về của cải thường biểu lộ những điều trong lòng của chúng ta - hoặc tốt hoặc xấu.Đức Chúa Trời đã giải cứu Hội Thánh Giêrusalem khỏi tham lam xấu xa và sự giả dối (nói dối) bằng cách rất thuyết phục. Đây là điều đã xảy ra:
"Giôsép, người mà các sứ đồ gọi là Banaba (con trai của sự yên ủi), là một người Lêvi, quê hương ở tại Chíprơ. Ông đã bán một số đất đai và mang tiền đến cho các sứ đồ để chia cho những người có nhu cầu.
"Có một người đàn ông tên là Anania và vợ là Saphira cũng bán một số đất đai. Tuy nhiên họ đã giữ lại một phần giá bán nhưng họ đã làm như thể đã đem tất cả số tiền đến cho các sứ đồ vậy.
"Phierơ đã nhìn thấy trong lòng họ và nói thẳng rằng "Hỡi Anania. .. Tại sao ngươi nói dối Thánh Linh? ... Miếng đất và số tiền là của ngươi, ngươi muốn làm gì tùy ý. Không phải ngươi nói dối chúng ta nhưng nói dối Đức Chúa Trời. Khi Anania nghe những lời này, ông đã ngã xuống nền nhà và chết " (4:36-5:11 smf).
Sau khi Anania chết, vợ ông là Saphira cũng bị xét xử tương tự và bà cũng ngã chết.
a. Những Nguyên Tắc Được Khám Phá.
Chẳng bao giờ có đủ tiền để giúp đỡ mọi người. Vì vậy điều cần thiết là phải biết giúp ở đâu và giúp khi nào. Nhiều điều và nguyên tắc thực tế và quan trọng được tìm thấy trong cách thức giúp đỡ về tài chánh của Hội Thánh thời Tân Ước.
1) Những Yêu Cầu Giúp Đỡ Phải Được Kiểm Tra. Những người có đời sống phục vụ người khác và có nhu cầu thì nên giúp đỡ.
Phaolô đã thiết lập những nguyên tắc thực tế về việc giúp đỡ tài chánh cho những tín hữu trong Hội Thánh. Chẳng hạn ông dạy chúng ta phải có trách nhiệm với bà góa "Hãy cung cấp nhiều (theo nguyên văn) cho những đàn bà góa, những bà góa thật sự có nhu cầu " (1Ti-mô-thê 5:3 N.I.V).
a) Những Người Già và Người Tật Nguyền. Những người được giúp đỡ phải là những người những người già hoặc tật nguyền không có khả năng làm việc hoặc tự nuôi mình. "Nếu những bà góa không trên sáu mươi tuổi thì đừng lên danh sách. .." (5:9 N.I.V).
b) Có Khả NăngLàm Việc. Những ai có khả năng về thể lực và tinh thần thì phải làm việc. Hội Thánh không nên giúp đỡ họ "... Khi chúng tôi ở với anh em, chúng tôi đã nêu cho anh em nguyên tắc này: Nếu một người không làm việc thì cũng không nên ăn ".
"Chúng tôi nghe rằng giữa vòng anh em có một số người không chịu làm việc. .. Trong Chúa Jesus Christ, chúng tôi ra lệnh và buộc những người như vậy phải làm việc và kiếm bánh ăn " (2Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12).
c) Những Người Bà Con Phải Có Trách Nhiệm. Những người bà con trong gia đình phải có trách nhiệm với những người già hoặc không có khả năng làm việc.
"Nhưng nếu đàn bà góa có con hoặc cháu thì những người này trước hết phải bày tỏ sự mộ đạo của mình bằng cách chăm sóc gia đình của mình và cũng chăm sóc cho cha mẹ và ông bà của mình nữa, vì điều này làm Đức Chúa Trời hài lòng.
"Nếu có ai không chịu cung cấp cho bà con của mình và đặc biệt là cho gia đình của chính mình thì người đó đã chối bỏ đức tin và còn tệ hơn những người chưa tin Chúa nữa " (1Ti-mô-thê 5:4, 8 N.I. V).
Những người lãnh đạo Hội Thánh nên dạy điều này và yêu cầu các gia đình nên vui vẻ nhận trách nhiệm về những người bà con của họ. Nếu điều này không thực hiện được hoặc không có người bà con nào thì...
d) Người Đó Đáng Được Giúp Đỡ. Những người được giúp đỡ về tài chánh phải là người xứng đáng.
"Đừng kê tên vào sổ những đàn bà góa trừ khi người ấy chung thủy với chồng và được người khác biết đến về phương diện công việc tốt như nuôi dạy con cái, hay tiếp khách, rửa chơn các thánh đồ, giúp đỡ những người đang gặp khủng hoảng, và tự nguyện làm tất cả những công việc thiện " (1Ti-mô-thê 5:9, 10 N.I. V).
e) Gương mẫu của Hội Thánh Giêrusalem. Nhiều tín đồ từ các tỉnh lẻ đã lên Giêrusalem để dự lễ Ngũ tuần (Công vụ 2:5-12). Sau khi xưng nhận Đấng Christ là Đấng Mêsia, Cứu Chúa, họ đã được báptêm bằng nước và được đầy dẫy Thánh Linh. Có một số người đã gia nhập cộng đồng Cơ đốc ở Giêrusalem.
Vào lúc đó, có lẽ một số người đã không còn tiền và khó kiếm được công việc làm. Một số tín đồ cũng nghèo khó và cũng có những người góa bụa.
Dây yêu thương trong gia đình Đức Chúa Trời mạnh mẽ đến nỗi nhiều người đã cảm động bán đi những gì họ có và đem số tiền bán được đến cho các sứ đồ và những người lãnh đạo để chia sẻ công bằng cho những ai đang có nhu cầu.
2) Không Có Ai Bị Buộc Phải Dâng. Không có áp lực nào trên tín đồ để buộc họ phải bán tài sản của họ. Họ đã làm điều đó cách vui mừng và tự nguyện để dâng những gì mình có cho những người không có gì cả. Họ đã làm điều này dưới sự hướng dẫn của người lãnh đạo. Do đó mọi sự đã diễn ra theo trật tự và công bằng.
Tội lỗi của Anania và Saphira không phải là việc họ giữ lại một phần tiền bán đất. Họ có quyền giữ lại tất cả số tiền nếu họ muốn.
Các sứ đồ không bao giờ yêu cầu tín đồ bán đất đai của họ mà dâng hết số tiền. Ngay cả Đức Chúa Trời cũng không đòi hỏi nếu họ giữ lại toàn bộ số tiền bán đất.
Nhưng tội lỗi của vợ chồng Anania là họ đã nói dối về số tiền họ dâng. Họ đã giả vờ và làm như thể đã dâng mọi thứ cho Đức Chúa Trời trong khi họ không thực lòng như vậy. Có lẽ họ nghĩ rằng sự dâng hiến của họ sẽ làm cho họ có tiếng tăm dưới mắt của các sứ đồ và mọi người.
Vấn đề là họ không bị buộc phải dâng và họ cũng không được nói dối.
Nếu họ giữ lại số tiền họ đã bán tài sản thì họ vẫn được cộng đồng yêu thương và chấp nhận, thay vì vậy họ đã giả vờ như đã dâng tất cả.
3) Sự Lãnh Đạo Trung Thực Là Điều Cần Thiết! Hội Thánh đầu tiên là Hội Thánh có ơn vì có những người lãnh đạo công bình, là những người trung thực có đức tính tốt.
Các sứ đồ đã được chính Chúa Jesus huấn luyện. Nhưng giữa vòng các sứ đồ này có một người đã bị ma quỉ nắm lấy vì ông ta không thành thật và tham lam.
Cuối cùng cuộc đời của ông ta là một thảm kịch. Ông không những đã tự bán mình cho Satan mà còn bán Chúa mình cho những kẻ đóng đinh Ngài. Tên của ông là Giuđa. Điều này thật sự là một lời cảnh báo cho tất cả con cái Chúa trong mọi thời đại!
Có lẽ đây là lý do khiến Đức Chúa Trời xử lý nghiêm khắc với Anania và Saphira. Có lẽ trong họ có cùng một tà linh như đã hành động và thúc giục trong lòng Giuđa. Nếu tà linh này không được xử lý thì nó có thể làm ô uế và tổn hại đến cộng đồng Cơ đốc ở tại Giêrusalem.
Chính Thánh Linh đã hành động mau lẹ để diệt trừ tà linh này trước khi nó có thể lan ra khắp cả Hội Thánh.Mọi người đều biết đến vì "cả Hội Thánh đều rất sợ hãi " (Công vụ 5:11).
b. Chính Sách Về Tài Chánh.
Bây giờ chúng ta có thể hiểu được vì sao các sứ đồ lại hết sức cẩn thận để tài chánh được quản lý theo cách công bằng và trung thực. Đó là một nhiệm vụ nghiêm trọng mà họ phải chịu trước mặt Chúa. Theo sự ghi lại của sách Công-vụ, chúng ta thấy họ đã đặt ra một kế hoạch hay một chính sách về tài chính với sự cẩn thận và khôn ngoan hết mức. Điều đó thật đáng cho chúng ta nghiên cứu.
1) Những Người Lãnh Đạo Là Những Người Trung Thực Và Đầy Dẫy Thánh Linh. Những ai có trách nhiệm về những vấn đề thương mại của Hội Thánh phải là những người thông thạo, trung thực đầy dẫy Thánh Linh và có tiếng tốt. Họ là những người khôn ngoan, chân thật, có đức tính và phẩm hạnh mà cả Hội Thánh đều biết. Những người bên ngoài đều biết họ và họ là đầy tớ trung thành trong Hội Thánh. Đời sống hằng ngày của họ và gia đình riêng của họ chứng minh rằng họ là những người có thể tin cậy được.
2) Giúp Đỡ Những Người Đến Trước. Nhu cầu "con người" đặt trước nhu cầu của "chương trình". Khi có những nhu cầu cá nhân xuất hiện, thì Hội Thánh cần được thông báo về điều đó. Những người lãnh đạo không cần phải thúc ép hoặc không trung thực trong những yêu cầu của họ.
Các con cái Chúa cần được biết nhu cầu và cách sử dụng tiền bạc như thế nào. Do đó họ sẽ dâng hiến tự nguyện và vui mừng. Không nên lấy sự đoán phạt của Đức Chúa Trời để dọa họ hoặc lấy ơn phước của Đức Chúa Trời khuyến dụ họ.
Nói cách khác, họ không nên dâng hiến vì cớ sợ những gì Đức Chúa Trời sẽ làm nếu họ không chịu dâng. Họ cũng không nên dâng hiến với ý nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho họ số tiền lớn hơn.
Họ dâng hiến chỉ vì tình yêu của Đức Chúa Trời cảm động trong lòng họ để giúp đỡ cho các anh, chị em trong Chúa. Sau đó những người khác cũng đã dâng hiến như Thánh Linh thúc giục họ vậy.
3) Theo Nhu Cầu Của Mỗi Người. Những người lãnh đạo phải biết phân phối và ban cho "theo nhu cầu của mỗi người". Cách thức giúp đỡ tại Hội Thánh Giêrusalem đã đáp ứng những nhu cầu thực tế cho mọi người, không nhiều hơn cũng không ít hơn. Mọi người đều nhận phần phân chia công bằng của mình. Điều này là điều có thể làm được vì những người có nhu cầu thật sự đều được những người trong nhóm tư gia biết rõ.
Bất cứ ai lười biếng, không chịu làm việc hoặc không chịu phục vụ trong cộng đồng đều không được giúp đỡ tài chánh gì cả. Những người ích kỷ và dại dột để bị mắc nợ lớn thì đừng mong Hội Thánh sẽ thanh toán cho. Hội Thánh đừng bao giờ phạm vào sai lầm là giúp đỡ cho những người có cách ăn ở vô trách nhiệm.
Những ai hành động vô trách nhiệm thì cần được dạy về những kỷ luật và mạng lịnh thánh mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm theo trong lãnh vực tài chính của chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta mắc nợ, chúng ta phải chịu sự trói buộc và điều đó sẽ cản trở sự tự do của chúng ta trong sự hầu việc Chúa.
Đối với những người có nan đề về tài chánh thì có một nguyên tắc đơn giản để làm theo là "Nếu bạn không cần điều đó thì đừng lấy. Nếu bạn không có tiền thì đừng mua".
Nợ nần quá nhiều không chỉ hạn chế sự hầu việc Chúa của chúng ta mà còn làm hỏng sự làm chứng của chúng ta trên thế gian này. Một dấu hiệu của sự trưởng thành thuộc linh là khôn ngoan trong cách sử dụng tiền bạc.
Chính sách tài chánh của Hội Thánh đầu tiên cũng tránh được một nan đề khác là:
4) Phải Đề Phòng Những Người Hầu Việc Chúa Tự Phong. Những người hầu việc Chúa tự phong cảm thấy rằng các thánh đồ phải có trách nhiệm lo cho đời sống của họ. Một số người đã ra đi mà không hề được một nhóm có trách nhiệm nào sai đi. Họ đến một nơi nào đó và thông báo với các anh em ở địa phương đó rằng họ đã được Đức Chúa Trời sai đi và cần sự ủng hộ tài chánh. Họ không ở dưới một quyền bính nào cả nhưng lại muốn được mọi người tôn trọng, và cần tiền.
Trong những thư tín của Phaolô, ông có đề cập đến những chức vụ này và khuyên các thánh đồ phải chống lại những người đó. Hiện nay nan đề này vẫn còn. Chúng ta cần phải đề phòng trường hợp này để không bị lừa dối. Thật vậy, trong Kinh Thánh có những gương mẫu an toàn và khôn ngoan về vấn đề tài chánh trong Hội Thánh.
c. Mối Quan Hệ: Bí Quyết Để Sự Giúp Đỡ Được Thành Công.
Chúng ta thấy rằng Hội Thánh đầu tiên có sự giúp đỡ về mặt tình cảm và điều này làm cho công tác lãnh đạo gắn bó với con cái Chúa. Từ mối quan hệ này đã hình thành sự giúp đỡ về mặt tài chánh.
Không những những nhu cầu về tình cảm giữa vòng các Cơ đốc nhân được thỏa mãn mà các nhu cầu về vật chất và tài chánh cũng được đáp ứng.
Bởi vì những người lãnh đạo tinh kính và dân sự đã biết về nhau trong Chúa nên một chính sách khôn ngoan và công bình về tài chánh đã được hình thành. Chúa đã ban phước "và trong tín đồ không có ai thiếu thốn cả ".
C. CÁCH THỨC GIÚP ĐỠ THUỘC LINH.
Hội Thánh Giêrusalem đã phục vụ nhau không những trong lĩnh vực tình cảm và tài chánh mà còn trong những nhu cầu thuộc linh nữa. Họ đã làm điều này qua cách thức giúp đỡ thuộc linh được tìm thấy trong các buổi nhóm tư gia.
1. Hội Thánh Tư Gia: Nơi Tốt Nhất Để Tăng Trưởng.
Nơi tốt nhất để cho cây ăn trái phát triển là trong vườn cây ăn trái. Vườn cây ăn trái là nơi cây cối được bảo vệ khỏi những hiểm nguy bên ngoài bằng những hàng rào. Rễ của nó ăn sâu xuống lòng đất để hút được nước và phân bón. Nhánh của nó được tỉa sửa để ra trái ngon nhất. Sâu bệnh phá hoại cây sẽ được chữa trị ngay lập tức. Đó là môi trường đã được qui hoạch cẩn thận nhằm làm cho cây kết quả cao nhất.
Một nhóm thông công nhỏ cũng giống như một vườn cây ăn trái. Đó là nơi để bảo vệ gìn giữ.
2. Hội Thánh Tư Gia: Nơi Tốt Nhất Để Học Tập
Chúng ta học tập bằng cách cố gắng và cũng phạm lỗi lầm. Lỗi lầm thì cần sửa sai. Sửa sai trong tình yêu của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ bị từ chối.
Nếu tình yêu của Đức Chúa Trời (tiếng HyLạp là Agape) tràn đầy trong lòng của những người lãnh đạo và các tín hữu thì chúng ta sẽ không sợ bị sửa sai. Tất cả chúng ta đều cần sự sửa sai nhưng chúng ta muốn được những người yêu thương chúng ta làm điều đó. Nếu chúng ta là người dễ bảo và không phản loạn thì chúng ta có thể phạm sai lầm mà không sợ sẽ bị loại bỏ.
Khi chúng ta cảm nhận Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm một điều gì đó, chúng ta phải làm ngay. Nếu chúng ta sợ phạm sai lầm thì điều này sẽ cản trở chúng ta không dám có những hành động đức tin mạo hiểm.
Phierơ đi bộ trên mặt nước với Chúa Giêxu là một ví dụ điển hình. Cái nhảy của Phierơ và bước đi bởi đức tin của ông đã đưa ông ra khỏi con thuyền và đi trên mặt biển đang có bão. Khi ông bắt đầu chìm vì sợ hãi thì Chúa Jesus đã nắm lấy tay Phierơ và nâng ông lên trở lại. Sau đó Chúa Jesus dạy ông về những nguy hiểm của sự nghi ngờ lời Đức Chúa Trời.
Học được bài học của mình, Phierơ cùng với Chúa Jesus, hai con người đức tin đã sánh bước bên nhau quay trở lại con thuyền xuyên qua bão tố.
Hành động đức tin của Phierơ dù có lúc trồi lúc sụt, cũng được Đức Chúa Trời ban phước lớn. Chỉ có Phierơ mới dám tin lấy lời của Chúa Jesus. Chỉ có Phierơ mới dám có hành động đức tin mạo hiểm và đi bộ trên nước! (xem Ma-thi-ơ 14:22-34).
Nhóm tư gia là nơi chúng ta có thể học tập bước đi trong Thánh Linh một cách an toàn và khôn ngoan. Hy vọng rằng sẽ có những người trong nhóm tư gia của bạn có thể sửa sai bạn cách khôn ngoan và cứu bạn khi bạn nghi ngờ và phạm sai lầm.
a. Học Sử Dụng Các Ân Tứ Thuộc Linh.
Phaolô nói rằng "Tất cả anh em đều có thể nói tiên tri... để tất cả đều có thể học tập" (1Cô-rinh-tô 14:31 smf). Câu này có hai ý nghĩa:
• Chúng ta "học" nói tiên tri bằng cách nói tiên tri.
• Chúng ta "học" những gì chúng ta nghe khi có một người nào đó nói tiên tri. Nói tiên tri thường hàm chứa sự chỉ dẫn.
Theo điểm thứ nhất, chúng ta học được rằng Đức Chúa Trời không chỉ ban cho chúng ta những ân tứ của Thánh Linh nhưng chúng ta phải học cách sử dụng những ân tứ đó nữa.
Được Đức Chúa Trời kêu gọi và ban cho ân tứ thì chưa đủ. Chúng ta phải học làm thế nào để thực hiện "xuất sắc", tức là thực hiện chức vụ của chúng ta một cách trọn vẹn và khôn ngoan. Điều này cần phải có thời gian trau dồi và kinh nghiệm thực tế.
Cách thức giúp đỡ thuộc linh của Hội Thánh nên có những buổi nhóm dành cho những người khao khát sử dụng những ân tứ Thánh Linh chẳng hạn như chức vụ giảng dạy.
3. Huấn Luyện Trong Những Buổi Nhóm Lớn
Có thể dạy cho các tín hữu phục vụ lẫn nhau trong những buổi nhóm có hàng trăm người nhóm nhau lại. Đây là cách để làm được điều này:
a. Hình Thành Những Vòng Tròn Cầu Nguyện.
Hãy tạo thành những vòng tròn cầu nguyện từ bốn đến sáu người. Họ đứng trong một vòng tròn đối mặt nhau và nắm tay nhau.
Sau đó họ làm những điều sau:
1) Giới Thiệu. Mỗi người trong nhóm cầu nguyện tự giới thiệu tên mình.
2) Chia Sẻ Những Nan Đề Cầu Nguyện. Sau đó mỗi người đều chia sẻ một nan đề cầu nguyện. Nan đề cầu nguyện là một điều gì đó mà họ muốn mọi người cùng cầu nguyện với họ. Có thể họ muốn cầu nguyện cho sự chữa lành cơ thể hoặc được Đức Chúa Trời giúp đỡ trong vấn đề kiếm việc làm, hoặc nhiều vấn đề khác mà không thể nói hết được.
3) Mỗi Người Cầu Nguyện. Sau đó người mang số một cầu nguyện cho người mang số hai (lúc này những người còn lại cầu nguyện thầm) khoảng một hoặc hai phút, cầu xin Đức Chúa Trời đáp lời cầu xin của họ. Sau đó người mang số hai cũng cầu nguyện cho người số ba giống như vậy. Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi mọi người trong vòng tròn đều được cầu thay.
4) Chia Sẻ Những Khải Tượng. Trong khi điều này đang xảy ra, đôi khi Thánh Linh sẽ ban cho chúng ta một bức tranh trong đầu (một khải tượng) có liên hệ đến nhu cầu của người đang được cầu thay. Đôi khi Thánh Linh lại ban cho một lời "cầu nguyện tiên tri" hay một câu Kinh Thánh đến trong trí để chia sẻ. Tất cả những điều này (đều được Thánh Linh ban cho) phải chia sẻ cho người đang được cầu thay.
5) Cần Phải Xác Nhận. Sau đó chúng ta nên hỏi người mà chúng ta chia sẻ khải tượng, lời cầu nguyện tiên tri hoặc một câu Kinh Thánh rằng: "Điều đã được chia sẻ có đúng nhu cầu của bạn không? Điều đó có nói đúng nỗi quan tâm của bạn không? Có chính xác không?"
Nếu họ nói KHÔNG thì người nói sai nên trả lời rằng "Tôi đang học tập và đôi khi có phạm sai lầm. Xin lỗi. Tuần sau tôi sẽ cầu nguyện nhiều hơn về điều này, và lần tới xin Chúa giúp tôi làm tốt hơn".Nếu họ nói ĐÚNG, thì hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đã giúp bạn để bạn giúp người khác.
b. Những Nguyên Tắc Của Vòng Tròn Cầu Nguyện.
Nếu làm theo các nguyên tắc được nêu ra ở trên thì vòng tròn cầu nguyện sẽ là những lúc học tập có giá trị. Hãy nhớ rằng những nguyên tắc này đòi hỏi ba điều:
1) Tự Do Làm Thử , nghĩa là khi đang thử người ta cũng dễ phạm sai lầm.
2) Có Giới Hạn. Có nghĩa là một người nào đó phải xác minh rằng những điều đang được chia xẻ là đúng và chính xác. Nếu không thì hãy chân thật nhìn nhận là...
3) Có Sai Lầm. Điều này có nghĩa là chúng ta có khả năng phạm sai lầm.
Tâm tánh và các ân tứ của chúng ta phải được phát triển đồng thời, đi đôi với nhau. Người ta không thể trở thành một "tiên tri" lớn chỉ qua một đêm được.
Cần phải có thời gian học hỏi và thử nghiệm, học tập những đường lối của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Sau đó khi chúng ta phạm sai lầm và chấp nhận sự sửa sai, chúng ta sẽ trưởng thành trong ân tứ và chức vụ. Hội Thánh tư gia là môi trường lý tưởng cho khuôn mẫu Kinh Thánh này.
Hầu hết các trường Kinh Thánh và các chủng viện để rất ít thì giờ hoặc ít chú ý đến các ân tứ của Thánh Linh. Vì vậy hầu như họ chẳng bao giờ dạy cho các học viên cách đáp ứng với hành động của Thánh Linh.
Chúng ta chẳng bao giờ học được làm thế nào để bước đi trong sự vận hành của Thánh Linh qua một bài thuyết trình sơ lược được. Phải có kinh nghiệm thực tế ở nơi chúng ta đang tham dự và làm việc với những người có ân tứ.
c. Hội Thánh Đầu Tiên.
Trong Hội Thánh đầu tiên (Hội Thánh trong Tân Ước), các tân tín hữu đã được cho biết làm thế nào để bước đi trong quyền năng của Thánh Linh trong các nhóm nhỏ.
Họ có thể học cách nói và hành động trong đức tin nhưng phải có trật tự thiên thượng. Họ được những người lãnh đạo khôn ngoan và yêu thương khích lệ và điều chỉnh.
Trái và ân tứ Thánh Linh phải được giữ cho quân bình. Do đó các tín đồ mới có thể lớn lên cả về tâm tánh và về sự kêu gọi của họ. Đức Chúa Trời quan tâm nhiều đến những "người làm việc" (nhân sự) cũng như Ngài quan tâm đến "công việc".
Chúng ta cần những lời khải đạo của những người lãnh đạo tin kính và cần sự tương giao với các anh chị em để tăng trưởng trong Chúa. Chúng ta học tập bằng cách phục vụ sự sống Ngài cho nhau. Chúng ta không được dựng nên để "ở một mình"!
Trong môi trường của một nhóm nhỏ, chúng ta phải đối diện với kết quả của hành động chúng ta với người khác. Điều này sẽ giữ cho đời sống chúng ta được quân bình. Tâm tánh và sự kêu gọi của chúng ta, động cơ và chức vụ của chúng ta, sẽ phát triển một cách chắc chắn và vững vàng.
Sau đó khi chúng ta sẵn sàng ra đi để phục vụ thế giới này, chúng ta sẽ ra đi với phước hạnh, với sự chấp thuận và hỗ trợ của Hội Thánh ở địa phương.
D. THỰC TẬP CÁC NGUYÊN TẮC
Chúng tôi đã nêu cho bạn thấy một số nguyên tắc liên quan đến các cách giúp đỡ về tình cảm, tài chánh và thuộc linh. Tuy nhiên khi đưa những ý tưởng này vào thực hiện thì nên nhớ ba điều này:
1. Phải Thực Hiện Cẩn Thận Và Từ Từ.
"Các ý tưởng của người cần mẫn dẫn đến sự dư dật; còn những kẻ khờ dại chỉ chạy đến điều thiếu thốn " (Châm Ngôn 21:5 smf).
Đức Chúa Trời không vội vàng, Ngài muốn làm mọi sự cách khôn ngoan và tốt đẹp. Điều này có nghĩa là phải đặt nền một cách cẩn thận. Bạn đặt nền cho các tín hữu trong Hội Thánh theo những bước sau:
a. Tài Liệu Huấn Luyện Tín Đồ Mới.
Hãy bắt đầu dạy thật nhẹ nhàng về "tài liệu huấn luyện tín đồ mới" cho họ. Điều này sẽ giúp họ hiểu được mục đích thiên thượng đằng sau những biến đổi ở trước mắt họ.
b. Chiến Sĩ Cầu Nguyện.
Dạy họ làm thế nào để trở thành chiến sĩ cầu nguyện, sử dụng những phần A4 và A5 của tài liệu "Hướng dẫn huấn luyện người lãnh đạo"
c. Báptêm Và Các Ân Tứ Thánh Linh.
Dạy họ về phép báptêm trong Đức Thánh Linh và các Ân Tứ Thánh Linh trong những phần D1.1 - D1.3 của tài liệu "Hướng dẫn huấn luyện lãnh đạo".Điều này sẽ giúp họ thấy vai trò phải làm là gì và phước hạnh mà Đức Chúa Trời dành cho họ. Điều này cũng sẽ cắt bỏ sự sợ hãi mà nhiều người đã có khi đang được huấn luyện để phục vụ người khác.
2. Phải Thực Hiện Từ Một Tấm Lòng Sẵn Sàng.
"Các ngươi hãy nhận lấy lễ vật của mọi người có lòng thành dâng cho " (Xuất Ê-díp-tô 25:2).
Sự thờ phượng, công việc và sự phục vụ là những điều làmđẹp lòng Đức Chúa Trời, vì thế đó không nên là những công việc ép buộc. Vì ép buộc là ngược lại với luật yêu thương. Hãy dạy dỗ họ và sau đó để Thánh Linh hành động trong họ để họ tự nguyện phục vụ và chịu huấn luyện.
Những người được Thánh Linh phán bảo, cảm động, dạy dỗ và đụng chạm thì họ sẽ đáp ứng lại cách sung sướng và tự nguyện. Một người chăn bầy khôn ngoan sẽ yêu thương và kiên nhẫn dẫn dắt bầy của mình vào sự trưởng thành và có trách nhiệm. Không nên ép buộc hoặc thúc bách họ.
3. Mọi Người Phải Cùng Làm Chung Với Nhau.
"Khi Hội Thánh nhóm lại một nơi. .. trong anh em ai có bài ca hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói tiếng lạ hoặc giải tiếng lạ chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng. .. Bởi vì anh em đều cứ lần lượt mà nói tiên tri được cả, để ai nấy đều được dạy bảo, ai nấy đều được khuyên lơn " (1Cô-rinh-tô 14:23, 26, 31).
Ý chính trong những câu này là các ân tứ và các chức vụ chỉ được học tập khi chúng được áp dụng trong buổi nhóm của Hội Thánh. Chúng ta học bằng cách làm những điều này cho nhau và với nhau.
Cách Phaolô dùng từ "hết thảy" lặp đi lặp lại, cho chúng ta thấy rõ rằng mọi người đều phải có phần trong chức vụ.
Không phải chỉ có những người thường hay ra đi và có ơn mới phục vụ. Mọi người đều có phần và chức vụ trong Thân Thể của Đấng Christ. Trong kế hoạch thiên thượng của Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta đều học tập lẫn nhau bởi Thánh Linh của Ngài.
E. KẾT LUẬN.
Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những nguyên tắc và khuôn mẫu thiên thượng một cách khôn ngoan. Qua đó ý chỉ của Ngài dành cho thời đại của chúng ta mới có thể thực hiện được qua dân sự của Ngài.
Khi chúng ta đến với Lời của Đức Chúa Trời, chúng ta mới thấy rằng:
1. Mỗi Tín Hữu Là Một Thầy Tế Lễ.
Đức Chúa Trời đã lập nên những người lãnh đạo trong Hội Thánh để trang bị và sửa soạn cho mọi người đều trở thành thầy tế lễ nhà vua theo quyền của Ngài.
2. Mỗi Tín Hữu Có Một Chức Vụ.
Chức vụ đó có thể được phát hiện và phát triển trong môi trường của những buổi nhóm nhỏ.
3. Những Buổi Nhóm Nhỏ Rất Quan Trọng
Ở đây, chúng ta có thể học tập được:
a. Cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời.
b. Phục vụ nhau theo các ân tứ của Thánh Linh.
c. Ra đi làm chứng cho thế gian.
Đây là cách để chúng ta trở thành những chi thể trưởng thành trong Thân Thể Đấng Christ. Đây là ý chỉ của Đức Chúa Trời và đường lối của Đức Chúa Trời!
4. Những Người Lãnh Đạo Phải Cung Cấp
Là những người lãnh đạo trong Hội Thánh, chúng ta hãy thiết lập những hình thức giúp đỡ để bảo đảm cho sự phát triển thuộc linh của các chi thể. Chúng ta hãy cung cấp cho họ:
a. Sự giúp đỡ về mặt tình cảm:
Sự thông công (Koinonia).
b. Sự giúp đỡ về tài chánh:
Những người có nhu cầu về tài chánh.
c. Sự giúp đỡ thuộc linh:
Huấn luyện về những ân tứ và chức vụ thuộc linh.
Nếu bạn cẩn thận làm những điều này trong sự cầu nguyện thì Chúa sẽ thêm những người được cứu vào Hội Thánh của bạn.