(Judaism)
Trên bờ biển phía đông của Địa Trung Hải có một dãi đất nhỏ hẹp được gọi là xứ Pa-lét-tin. Bạn có thể không thấy nó là quan trọng hay thậm chí chẳng có gì đáng ưa. Nó là chỗ thấp nhất trên trái đất và là một vùng cực kỳ khô nóng. Tuy nhiên, các quốc gia đã tranh chiến trên vùng đất nầy hơn ba ngàn năm qua. Hầu như suốt thế kỷ hai mươi, các đấu thủ là các quốc gia Ả Rập và dân tộc Do Thái.
Mảnh đất nhỏ bé nầy có gì lạ mà đã làm cho người ta phải tranh chiến với nhau như vậy? Nó thật là to lớn đối với các quốc gia Ả Rập và Dân Do Thái, vì nó là vùng Đất Thánh. Cả hai phía đều bảo rằng nó là đất của họ, vì nó đã được ban cho họ theo giao ước của chính Đức Chúa Trời. Điều đó đã làm cho vùng đất nầy là một phần của tôn giáo họ. Họ tin tưởng rằng họ là dân tộc duy nhất của Đức Chúa Trời -- Dân Do Thái đối với người Giu đa và người Hồi giáo đối với dân Ả Rập -- có quyền chiếm giữ nó. Vì thế, họ đã quyết định chiến đấu để giành được nó.
Có một số vấn đề mà chúng ta sẽ xem xét khi chúng ta nghiên cứu ba tôn giáo của vùng Trung Đông -- Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Do Thái giáo là tôn giáo cổ nhất trong ba tôn giáo thuộc độc thần giáo lớn nầy của thế giới, và là cha đẻ của Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Niềm tin nơi một Đức Chúa Trời là trái tim của Do Thái giáo. Ngài là Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa, là Đấng cai quản muôn vật. Ngài là vĩnh hằng, Ngài thấy mọi vật và biết mọi sự. Ngài phán bảo với dân Ngài qua các tiên tri của Ngài, và Ngài đã chọn họ làm tuyển dân của Ngài để làm ánh sáng soi rọi cho cả nhân loại.
Dàn Bài
Làm quen với Do Thái giáo.
Những niềm tin của Do Thái giáo.
Những sự truyền thông của Do Thái giáo.
Sự phát triển của Do Thái giáo.
Đánh giá về Do Thái giáo.
LÀM QUEN VỚI DO THÁI GIÁO
Ý Nghĩa
Từ ngữ Do Thái giáo (Judaism) phát sinh từ chữ Do Thái (hay Giu - đa Jew). Một người Do Thái là một thành viên của chi phái Giu đa và của quốc gia Do Thái, quốc gia nầy đã tồn tại ở xứ Pa-lét-tin từ thế kỷ thứ sáu trước công nguyên đến thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Giu đa là tên của quốc gia Do Thái thời xưa và phát nguồn từ tiếng Hê-bơ-rơ (Hay Hi-bá-lai), chữ Yehudhi. Một định nghĩa của Do Thái giáo đó là một tôn giáo phô bày những niềm tin và tập tục của người Do Thái mà đã được mặc khải cho Áp-ra-ham, Môi se và các tiên tri.
Bối Cảnh
Dân Do Thái đã có một lịch sử đáng chú ý nhất. Nét độc đáo của nó là nó đem sự đối xử của Đức Chúa Trời đối với người ta trực tiếp vào tầm nhìn. Ngoài việc được gọi là tuyển dân của Đức Cúa Trời, dân Do Thái còn được gọi là dân Sê-mít (semites), dân Hê-bơ-rơ, dân Y-sơ-ra-ên và dân Giu-đa.
Dòng dõi của dân Do Thái được ghi nhận từ thời của Áp-ra-ham, là người thuộc thế hệ thứ mười của dòng dõi Sem, con trai cả của Nô-ê. Do đó họ được gọi là dân Sê-mít (dân tộc của Sem). Dân tộc của Áp-ra-ham cũng được gọi là dân Hê-bơ-rơ, là một từ ngữ có lẽ đến từ dân Habiru ở phía bắc xứ Mê-sô-bô-ta-mi, nơi mà Áp-ra-ham đã sống ở đó một thời gian. Tên Y-sơ-ra-ên đến từ cháu nội của Áp ra ham là Gia Cốp, là một người sau khi vật lộn với Đức Chúa Trời đã được đổi tên thành Y-sơ-ra-ên. Vì vậy, con cháu của ông được gọi là dân Y-sơ-ra-ên. Danh hiệu Do Thái (hay Giu-đa) đến từ con trai của Gia cốp là Giu-đa. Dân tộc nầy được gọi là dân Giu-đa kể từ cuộc lưu đày qua ba-by-lôn. Tuy nhiên, được gọi là Dân của Đức Chúa Trời là điều quan trọng nhất đối với chính người Do Thái.
Sự kêu gọi Áp-ra-ham vào khoảng năm 1800 T.C là một biến cố đầy ý nghĩa vì những tình trạng đã có trong vùng của ông. U-rơ là một thành phố lớn ở vùng Canh-đê, khu vực nằm giữa sông Ty-rơ và sông Ơ-phơ-rát chảy vào vịnh Ba Tư. U-rơ đã bị phân hóa vào tình trạng đa thần giáo và duy linh thuyết. Dân chúng ở đây dùng đá tạc thành những trụ đá và những khối đá đặc biệt để thờ lạy theo như sự thờ lạy của các dân tộc ngoại bang. Ghinh-ganh, là một vòng tròn gồm các cột trụ, là một tên của tiếng Hê-bơ-rơ về sau nầy được đặt cho một thành phố ở xứ Pa-lét-tin. Người ta tin rằng đá, giếng, suối, cây cối và gió là chỗ ở của các linh và tà ma, và họ thường dùng các vườn cây để thờ hình tượng và làm theo những thói tục xấu. El-shaddai, tức Chân Thần, là một Đức Chúa Trời có thân vị đối với Áp-ra-ham, nhưng vợ của Áp-ra-ham đã cấu giữ tượng Thê-ra-phim trong một thời gian, đó là những tượng chạm bằng gỗ hay bằng đá mà dân ngoại cất giữ để thờ lạy ở trong nhà.
Toàn vùng Trung Đông ở trong tình trạng căng thẳng vào thời của Áp-ra-ham. Các bộ lạc Ấn-Âu từ vùng núi Armenian (Ac-mê-ni) dùng chiến xa do ngựa kéo xâm lăng vùng nầy. Nhiều gia đình và nhiều bộ lạc đã trở thành lưu lạc, và xứ Pa-lét-tin đã tràn ngập dân tị nạn. Một số trong vòng họ thuộc dân Aryan, là những người đã di dân về hướng đông đến tận xứ Ấn độ. Tha-rê, vị gia trưởng trong một gia đình sống bằng nghề chăn chiên ở xứ U-rơ, đã đem các con mình là Áp-ra-ham, Na-cô cùng tài sản của họ dọn đến Cha-ran, thuộc vùng tây bắc xứ Mê-sô-bô-ta-mi. Họ đi dọc theo các sông và những đồng bằng vùng đất phì nhiêu hình bán nguyệt, tức lộ trình phổ thông của thời đó. Một nhóm người Sê-mít khác của dân Ấn-Âu, là nhóm Hyksos, đã di chuyển ngang qua xứ Pa-lét-tin để xâm lăng vùng Ai-cập.
Giữa tình trạng huyên náo của các quốc gia đó, Đức Chúa Trời đang hình thành một dân tộc để làm của riêng mình. Từ sách Công vụ 7:2-4, dường như lần đầu tiên Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham là lúc ông vẫn còn sống tại sanh quán của mình ở U-rơ, trong xứ Canh-đê. Rồi sau đó, tại Cha-ran, Đức Chúa Trời đã xác nhận lại sự kêu gọi của Ngài, và Ngài bảo ông đi đến một xứ mà Ngài sẽ chỉ cho ông (Sáng Thế Ký 12:1-3). Sự kêu gọi có liên quan đến một lời hứa về phước hạnh lớn sẽ giáng trên dân Do Thái. Mọi quốc gia chúc phước cho họ sẽ được ban phước, mọi dân tộc rủa sả họ sẽ bị rủa sả. Về sau, Đức Chúa Trời chỉ cho Áp-ra-ham vùng đất hứa. Nó trải dài từ sông Ơ-phơ-rát cho đến sông Ai-cập (Sáng Thế Ký 12:7; 13:14-17; 15:13-18). Lời hứa đó đã trở thành một giao ước giữa Áp-ra-ham và Đức Chúa Trời, và đã được phê chuẩn bằng sự dâng sinh tế và phép cắt bì (Sáng Thế Ký 17:1-11). Nó là một giao ước đời đời. Trong việc nầy, chúng ta thấy một sự tham chiếu có tính cách tiên tri đến Đấng Mê-si, tức là Đấng chịu xức dầu và là niềm hy vọng của dân Y-sơ-ra-ên.
Như vậy, Áp ra ham đã vào “đất hứa” và lập cư trên một chỏm của dãy núi Hếp-rôn, mà chổ nầy đã trở thành địa điểm của gia tộc cho những thế hệ sắp tới. Dù khởi đầu Áp-ra-ham chỉ có hai con trai là Ích ma ên và Y-sác, và huyết thống gia tộc được truyền từ Áp-ra-ham đến Y-sác, rồi đến Gia-cốp mà sau nầy được đổi tên là Y-sơ-ra-ên. Vì một cơn đói kém lớn đã xảy ra, Y-sơ-ra-ên và các con mình đã dời xuống Ai-cập. Người Hyksos đã chinh phục đất Ai Cập, là bà con dòng tộc Sê-mít, họ rất nhân hậu đối với dân Y-sơ-ra-ên và cho phép những người nầy lập cư ở đó. Dân Y-sơ-ra-ên đã thịnh vượng và sanh sản ra nhiều, từ chỗ bảy mươi người đến chỗ thành một quốc gia khoảng ba triệu người.
Khi dân Y-sơ-ra-ên đã sống 215 năm tại Ai-cập, thì người Ai-cập đã giành lại vương quốc nơi người Hyksos và “một vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô sép” cầm quyền tại Ai-Cập (Xuất Ê-díp-tô 1:8). Người ta không biết chắc Pharaôn nầy là ai, nhưng những khám phá mới đây chứng tỏ rằng đó chính là vua Rameses II (304-1237 T.C). Vua Rameses đã xây cất những đền thờ và các thành phố, và ông đã ép buộc dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ để xây cất các công trình của ông. Dân sự của Đức Chúa Trời đã chịu nhiều khổ sở, nhưng Đức Chúa Trời đã nghe tiếng kêu van của họ.
Môise, một người Hêbơrơ, được con gái của Pha-ra-ôn nuôi dưỡng trong triều đình Ai-Cập cùng với sự học thức và nếp sống xa hoa của nó. Nhưng ông đã bị đày đến đồng vắng Ma-đi-an vì tội giết chết một người Ai-cập. Sau bốn mươi hai năm sống với nghề chăn chiên tại đó, một ngày kia. Môi se đã gặp gỡ Đức Chúa Trời tại một bụi gai đang cháy, và Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-Cập. Môi se đã quay về Ai-cập, và Đức Chúa Trời đã làm nhiều phép lạ để thuyết phục người Ai-Cập phóng thích dân Y-sơ-ra-ên. Phép lạ lớn nhất đã xảy ra khi thiên sứ của sự chết “vượt qua” những nhà của người Y-sơ-ra-ên, nhưng sát hại mọi con đầu lòng của dân Ai-Cập. Rồi khi dân Y-sơ-ra-ên đa chạy thoát, họ đã đi ngang qua một hành lang dưới lòng Biển Đỏ mà Đức Chúa Trời đã dự bị cho họ, nhưng quân đội Ai-Cập đã đuổi theo họ và bị vùi lấp khi nước trở lại trạng thái ban đầu của nó. Sự trốn thoát thảm hại khỏi ách nô lệ Ai-Cập nầy được gọi là Cuộc Xuất Hành (hay Xuất Ai Cập).
Tại núi Si-nai, Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên các bảng Luật pháp và đã lập giao ước nghiêm túc với dân sự Ngài. Ngài cũng đã chỉ dạy Môi-se xây cất Đền Tạm, hay hội mạc, ở đó Ngài có thể gặp gỡ dân sự Ngài. Sau bốn mươi năm lang thang trong sa mạc,cuối cùng dân Y-sơ-ra-ên đã đến núi Nê-bô trong xứ Mô-áp và đã nhìn thấy đất hứa. Môise, người đã lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên chỉ nhìn thấy miền đất ấy xa xa, và ông qua đời mà không được vào đó.
Giô suê, người kế nhiệm Môi-se, đã dẫn dân sự vào xứ Ca-na-an và đã chinh phạt ba mươi mốt thành phố trong khoảng thời gian bảy năm. Sau đó, trong khoảng ba trăm năm, các quan xét đã cai trị dân sự. Tuy nhiên, dân Y-sơ-ra-ên đã nài ép Đức Chúa Trời cho họ một vua “như các dân tộc khác đã có” (1Sa-mu-ên 8:5). Dầu đó không phải ý muốn Ngài, Đức Chúa Trời cũng đã cho phép Y-sơ-ra-ên trở thành một vương quốc, và đã lập Sau lơ là vị vua đầu tiên vào năm 1050 T.C. Kế sau ông, có Đa vít và Sa-lô-môn, mỗi triều đại khoảng bốn mươi năm. Vì sự bội đạo của Sa-lô-môn, Y-sơ-ra-ên bị chia làm hai vương quốc. Vương quốc Giu đa ở phía nam, gồm hai chi phái Giu đa và Bên gia min. Thủ đô của nó là Giê-ru-sa-lem và vị vua đầu tiên của nó là Rô-bô-am. Mười chi phái kia lập thành vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía bắc, lấy Sa-ma-ri làm thủ đô và Giê-rô-bô-am là vị vua đầu tiên của nó.
Trong hai trăm năm kế đó, bất chấp lời cảnh cáo của các tiên tri, dân sự ở vương quốc phía bắc đã phản loạn lại đường lối của Đức Giê hô va. Sau cùng, vào năm 721 T.C, họ bị người A-si-ry chinh phạt và bị phân tán vào các xứ khác. Đây là khởi đầu của Cuộc Tản Lạc (Diaspora) mà từ đó hầu hết dân sự không bao giờ được quay về cố hương nữa. Vương quốc Giu đa ở phía nam cũng kinh qua nhiều nan đề thuộc linh như vậy, mà nó đã đặc trưng cho dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, nhiều lần dân sự đã kinh nghiệm các cuộc phục hưng thuộc linh, và trong gần 350 năm họ đã là một quốc gia. Dù sao chăng nữa, như là hậu quả của sự bội đạo, Đức Chúa Trời đã cho phép người Ba-by-lôn chinh phục nước Giu-đa vào năm 606 T.C. Dầu rằng vương quốc vẫn kéo dài đến năm 586 T.C, nhưng đại đa số dân chúng đã bị bắt làm phu tù sang Ba-by-lôn vào năm 597 T.C. Đền thờ của Sa-lô-môn bị phá hủy vào năm 586 T.C và người ta chẳng bao giờ còn thấy hòm giao ước nữa.
Dân Do Thái bị phu tù trong bảy mươi năm như các tiên tri đã loan báo (Giê-rê-mi 26:11-14). Dưới đời vua Ba Tư, dân Do thái được phép trở về pa-lét-tin. Vào năm 536 T.C, khoảng năm mươi ngàn người đã đáp ứng, dưới sự lãnh đạo của Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi, họ đã hồi hương để tái thiết quốc gia, thành phố và đền thờ. Từ đó cho đến kỷ nguyên Cơ Đốc, dân Do Thái đã là công dân của các đế quốc Ba Tư, Hy Lạp Và La Mã; và tiếng Hy Lạp cùng tiếng A-ram (Aramaic) là những ngôn ngữ thông dụng.
Khi Chúa Jesus Christ xuất hiện, người Do Thái đang bị ở dưới ách đô hộ của La Mã, và họ đang trông mong Đấng Mê-si mà họ tin rằng Ngài sẽ giải thoát họ ra khỏi ách nô lệ. Nhưng khi họ biết rằng sứ mạng của Chúa Jesus là một sứ mạng thuộc linh, thì họ đã chối bỏ Ngài. Họ nổi loạn chống lại La Mã, và tự chuốc lấy cho mình sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 S.C. Đó là một cuộc nổi loạn đem lại kết quả làm thiệt mạng nhiều người và mất cả sự tồn tại của quốc gia. Quân đội La Mã sát hại hơn một triệu người Do Thái, hàng trăm người bị chết đói và nhiều ngàn người khác bị bắt làm phu tù.
Người La Mã nghĩ rằng quốc gia Do Thái đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, giao ước của Đức Chúa Trời đã lập với Áp-ra-ham vẫn vững bền và sự bảo tồn dân Do Thái đã là hiện tượng vĩ đại của các thời đại. Mặc cho đắng cay và bị bắt bớ suốt mười chín thế kỷ qua, người Do Thái đã sống sót và trở thành một phần của mọi quốc gia trên trái đất nầy.
NHỮNG NIỀM TIN CỦA DO THÁI GIÁO
Niềm Tin Của Người Do Thái Nơi Một Hữu Thể Tối Cao
Đối với người Hêbơrơ, Đức Chúa Trời của các từng trời đã có mặt từ đời đời trong quá khứ. “Ban đầu Đức Chúa Trời...” (SaSt 1:1). Ngài tạo dựng muôn vật. Ngài ở khắp mọi nơi và Ngài có sự giao thông với dân sự Ngài.Elohim là tên thường dùng để chỉ về Đức Chúa Trời trong Sáng thế ký. Từ ngữ El ở số ít và từ ngữ Elohim thuộc số nhiều. Elohim thường dùng với một số ít mang bằng chứng chỉ về sự hiệp nhất và tính số nhiều của Đức Chúa Trời. Sự tương giao của El với dân Ngài được bày tỏ ra bằng việc kết nối với một chữ khác. Đức Chúa Trời là El - Shaddai đối với Áp-ra-ham (Đấng thỏa đáp). Một số danh từ khác là: El - aezar (Đức Chúa Trời cứu giúp), Bê-tên (nhà Đức Chúa Trời), Ê-li (Đức Chúa Trời là Đức Giê hôva) và Ê-li-sê (Đức Chúa Trời là Cứu Chúa).
Đối với người Hê-bơ-rơ, Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài là YHWH (Gia vê hay Giê-hô-va), từ ngữ nầy có nghĩa đặc biệt là “Ta là Đấng Ta là” (hay dịch “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”) hoặc “Ta là Đấng làm cho có”. Nó đến từ động từ “là” bao hàm mọi thì -- quá khứ, hiện tại và tương lai -- Người Do Thái xem chữ nầy là quá thánh khiết để phát âm ra. Trong lúc đọc Torah (sách Luật pháp), họ thay thế bằng từ ngữ Adonai, tức là “Chúa”. Danh xưng YHWH hay Đức Giê hô va thỉnh thoảng được xử dụng trong sách Sáng thế ký, nhưng nó không được mặc khải đầy đủ ý nghĩa cho đến thời của Môi se (Xuất Ê-díp-tô 3:11-15). Ở đây, một lần nữa sự tương giao của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên được chỉ ra trong danh hiệu kết ước của Ngài. Đối với người đau, Ngài là Đức Giê hô va Ra-pha, tức “Chúa là Đấng chữa bệnh”. Trước áp lực của quân thù, dân sự Ngài nương dựa nơi Đức Giê hô va Di-rê, tức là “Chúa là Đấng sắm sẵn”.
Niềm tin nơi các thần ngoại bang là nguyên nhân chính của việc sụp đổ nước Y-sơ-ra-ên. Dân Ca-na-an là dân trồng trọt và họ hầu việc Thần Ba-anh. Ba-anh nghĩa là “Chúa” hay “chủ nhân” (của đất đai). Họ tin rằng đất đai được màu mỡ là nhờ nơi Thần Ba anh. Cùng nhóm với Thần Ba-anh có A-sê-ra hay At-tạt-tê, được người ta thờ lạy với những tập tục khó hiểu. Các tiên tri đã cảnh cáo dân Y-sơ-ra-ên phải chống trả các thần tượng đó” Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe ! Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai... Ngươi phải kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, phục sự Ngài...” (Phục truyền 6:4, 13).
Bộ Luật Luân Lý Của Do Thái Giáo
Mười luật lệ tuyệt đối đã được ban cho dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-nai là căn bản của đời sống người Do Thái. Chúng thường được biết đến với cái tên gọi Mười Điều Răn và được ghi chép trong Xuất Ê-díp-tô 20:1-17. Chúng được tóm tắt ngắn gọn ở đây để bạn có thể học thuộc lòng.
I. Ta là Giê hô va Đức Chúa Trời ngươi, trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác.
II. Ngươi chớ làm tượng chạm theo hình dạng của bất cứ vật gì.
III. Ngươi chớ lấy Danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời người mà làm chơi.
IV. Hãy nhớ ngày yên nghỉ (Sa bát) đặng làm nên ngày thánh.
V. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.
VI. Ngươi chớ giết người.
VII. Người chớ phạm tội tà dâm.
VIII. Ngươi chớ trộm cắp.
IX. Người chớ làm chứng dối cho kẻ lân cận mình.
X. Ngươi chớ tham lam bất cứ vật gì thuộc về kẻ lân cận ngươi.
Sách luật pháp chứa 623 điều răn cả thảy, chúng được ghi chép trong các sách Xuất Ê díp tô ký, Lê vi ký, Dân số ký, và điều hòa mọi phương diện của cuộc sống. Luật pháp có thể đưọc chia làm ba loại. Luật đạo đức (Mười Điều Luật hay Mười Điều Răn) là bộ luật luân lý của dân Y-sơ-ra-ên. Luật nghi lễ bao gồm việc dâng sinh tế, sự hầu việc trong đền tạm, chức vụ tế lễ và các kỳ lễ. Luật Dân sự điều hòa đời sống xã hội của dân sự. Bộ Torah (hay Ngũ Kinh - Pentateuch - nghĩa là “năm sách”) chứa đựng các luật lệ và lịch sử, và đã trở thành phần tối cao của Kinh Thánh đối với dân Do Thái. Như vậy, Do Thái giáo được gọi là một tôn giáo luật pháp và dân Do Thái là một dân tộc Kinh Sách.
Moses Maimonides (1135-1204 S.C) là một ra bi sanh tại Tây Ban Nha và đã bị đày sang Ai- Cập, ông đã rút gọn niềm tin của người Do Thái thành một bản tín điều gồm mười ba điểm chính. Chúng có thể được cô đọng như sau:
Tôi tin nơi một Đức Chúa Trời (YHWH), là Đấng Tạo Hóa muôn vật.
Đức Chúa Trời (YHWH) là một Hiệp Nhất.
Ngài là một thần linh, không có thân thể.
Ngài có mặt từ trước vô cùng và cho đến đời đời trong tương lai.
Ngài là Đức Chúa Trời duy nhất đáng tôn thờ.
Mọi lời của các đấng tiên tri đều chân thật.
Môi-se là thủ lãnh trong hàng các tiên tri.
Luật pháp được Đức Chúa Trời ban cho Môi se.
Luật pháp là luật pháp duy nhất và không thể thay đổi.
Đức Chúa Trời biết các tư tưởng và hành động của con người.
Ngài ban thưởng cho kẻ vâng phục và hình phạt kẻ vi phạm.
Đấng Mê si sẽ đến để dẫn dắt dân Ngài.
Sẽ có sự sống lại của kẻ chết.
Những Tổ Chức Thiêng Liêng Của Do Thái Giáo
Những nơi Thánh Thiêng
Đền Tạm. Đền tạm là chỗ Đức Chúa Trời gặp gỡ dân sự Ngài trong đồng vắng và tại xứ Ca-na-an trong lúc các quan xét cai trị. Nó là một công trình xây dựng có thể di động, được bao bọc bằng một vách gồm những tấm màn trắng với một cái sân để dâng của lễ. Bên trong công trình có hai phần: phần thứ nhất là Nơi Thánh, và phần thứ nhì, tức phần phía trong, là “Nơi Chí Thánh”. Phần thứ nhì nầy là trái tim của đền tạm và hòm giao ước được đặt ở đó. Hòm giao ước là một loại hòm trong đó có đặt các bảng Luật Pháp. Nắp của nó làm bằng vàng và được gọi là Ngôi thi ân với hai chê-ru-bin là một phần của nắp nầy. Khi dân Y-sơ-ra-ên ra đi, hòm giao ước được khiêng trên vai của các thầy tế lễ và đi trước dân sự.
Đền Thờ. Vua Sa-lô-môn đã xây cất đền thờ đầu tiên của dân Do Thái. Nó ưu việt hơn đền tạm rất nhiều và thuộc trong số những công trình kiến trúc nổi tiếng thời đó. Nó được thiết kế tương tự như đền tạm, như nó dài chín mươi bộ (hai mươi bảy mét), rộng ba mươi bộ (chín mét) và cao bốn mươi lăm bộ (khoảng mười bốn mét), với nhiều vật trang hoàng đẹp đẽ và đắt tiền. Nó đã bị vua Nê-bu-cát-nết-sa phá hủy vào năm 586 T.C và đã được tái thiết một phần do E-xơ-ra; nhưng Hê-rốt Đại Vương đã khôi phục nó trở lại vẻ huy hoàng cũ. Chúa Jesus đã viếng đền thờ vài lần, và vào một cơ hội nọ, Ngài đã phê bình nó (Ma-thi-ơ 24:1). Tuy nhiên, nó đã bị quân đội La Mã phá hủy hoàn toàn vào năm 70 S.C.
Các Nhà Hội. Những nhà hội dùng là nơi thờ phượng ở các địa phương đã được xây cất từ thời Ê-xơ-ra và vẫn được xử dụng ở khắp thế giới. Trong buổi nhóm, những người nam đội một mũ chụp nhỏ và phụ nữ ngồi trong một khu vực riêng. Các thành viên cùng đọc bài Shema, tức là bài xưng nhận đức tin ghi trong PhuDnl 6:4, “Hỡi y-sơ-ra-ên, hãy nghe ! Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. Một vị cantor (người hướng dẫn hát lễ) có thể hát đơn ca hay hướng dẫn hát và các vị ra-bi đọc sách Torah và giảng giải.
Vách Thành Than Khóc. Phần duy nhất của đền thờ còn sót lại là một phần của vách tường và nó là một chỗ thánh nhất đối với người Do Thái. Họ hành hương đến đó, họ đặt những bài cầu nguyện đã viết ra trên giấy vào những kẻ nứt của vách tường. Nó mang tên nầy bởi vì dân Do Thái than khóc về việc mất đền thờ và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Tòa Công Luận. Tòa công luận là tòa án tối cao ở trong Do Thái giáo, và đã được thành lập vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Nó có bảy mươi hai thành viên bao gồm các thầy tế lễ, các trưởng lão và các thầy thông giáo. Thầy tế lễ thượng phẩm thường là chủ tịch của tòa công luận. Nó có quyền lực rất rộng, nhưng quyền kết án tử hình thì do nhà cầm quyền La Mã quản trị.
Những Người Thánh Thiêng
Các Tiên Tri. Từ ngữ tiếng Hê-bơ-rơ để chỉ vị tiên tri là Na-bi, có nghĩa là “một người được kêu gọi để nói ra thay Đức Chúa Trời”. Các tiên tri đôi lúc tiên báo hay nói trước về những biến cố trong tương lai, nhưng phần lớn là họ chỉ nói ra (phát ngôn nhân). Họ rao giảng về sự công bình của Đức Chúa Trời và tố cáo các tội lỗi và sự thờ hình tượng của dân sự. Các tiên tri như Ê-li và Ê-li-sê được biết đến như là các tiên tri tiền trước tác (chưa biết sách). Các vị tiên tri có trước tác (có viết sách) được liệt kê trong Cựu Ước là từ Ê-sai đến Ma-la-chi.
Các Thầy Tế Lễ. Chức tế lễ được trong gia tộc A-rôn, và trong chi phái Lê-vi. Trong số các nhiệm vụ của họ, họ phải giữ việc đốt lửa trên bàn thờ, châm dầu vào Đèn vàng đặt trong nơi thánh và dâng các tế lễ. Một phần trong số một phần mười về thịt và các của dâng bằng ngũ cốc được ban cho họ. Trong cuộc chinh phục xứ Ca-na-an, họ được cấp bốn mươi tám thành và đất để chăn bầy súc vật của họ thầy tế lễ thượng phẩm nắm chức vụ dâng tế lễ cao nhất và có những nhiệm vụ riêng quan đến sự thờ phượng và các công việc của dân sự. Mỗi năm một lần, vào ngày Đại lễ Chuộc tội, ông vào nơi chí thánh để cầu thay cho dân sự.
Các Ra-bi Người Sa-đu-sê Và Người Pha-ri-si. Ra-bi có nghĩa là “thầy dạy”, là một danh từ tôn kính được dùng cho những người dạy dỗ thuộc linh (Ma-thi-ơ 23:7). Họ xuất hiện vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Chúa Jesus đã nói với các môn đồ Ngài rằng đừng gọi ai là chủ, vì các ra-bi đã trở thành như là chủ đối với dân chúng.
Người Sa-đu-sê là một đảng tôn giáo và chính trị, họ phát khởi khoảng một thế kỷ rưỡi trước công nguyên. Họ thuộc giai cấp cao của các thầy tế lễ, giàu có nhưng rất thế gian, và họ đã đào tạo ra nhiều thầy tế lễ thượng phẩm. Họ tin nơi sự thông giải nguyên văn (theo nghĩa đen) sách Torah, họ bác bỏ luật khẩu truyền và niềm tin nơi các thiên sứ, cũng như sự sống lại của thân thể. Họ là những người yêu nước trung thành với Lamã.
Người Pha-ri-si là một đảng sùng đạo và hầu hết các thầy thông giáo và các ra-bi thuộc về hàng ngũ nầy. Họ sốt sắng đối với sách Torah nhưng họ cảm thấy cần có một luật pháp khẩu truyền. Họ chống đối phái Sa-đu-sê vì họ tin nơi sự hiện đến của Đấng Mê-si, sự sống lại và sự phán xét sau cùng. Chúa Jesus thường chỉ trích họ vì sự giả hình của họ.
Những Tập Tục Thiêng Liêng
Sinh Tế Và Của Lễ. Môi se đã khai triển một hệ thống tỉ mỉ về việc dâng sinh tế bằng thú vật và các của lễ bằng ngũ cốc (của lễ chay). Với việc dâng sinh tế, dân sự phải ăn năn. Huyết được rưới đều đặn trong nơi thánh để chuộc tội. Mỗi ngày, sự thờ phượng và các của lễ tạ ơn được dâng lên.
Sự Cầu Nguyện Và Hộp Kinh (phylacteries). Khoảng từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên, mọi người nam Do Thái đều mang hộp kinh trong buổi cầu nguyện ban sáng. Đây là những hộp da nhỏ chứa bốn khúc Kinh Thánh trích từ Cựu Ước. Xuất Ê-díp-tô 13:1-10, 11-16; Phục truyền 6:4-9 và 11:13-21. Một hộp được đeo trên đầu và một hộp khác đeo bên cánh tay trái.
Phép Cắt Bì Và Giao Ước. Phép cắt bì là một dấu hiệu bề ngoài của giao ước giữa Đức Chúa Trời và Áp-ra-ham. Được thực hiện vào ngày thứ tám sau khi sinh ra đối với mỗi bé trai, nó nhắc cho người Do Thái nhớ đến sự kêu gọi thánh của họ.
Con Của Điều Răn. Khi một bé trai Do Thái được mười ba tuổi, nó được xem là một người đàn ông một cách có kỹ thuật và được dạy bảo về niềm tin và ngôn ngữ của người Hê-bơ-rơ. Sau đó, cậu bé trải qua một nghi lễ khởi đầu là Bar Mitzvah, nghĩa là Con Trai Của Điều Răn. Vào dịp đó, cậu bé đọc Kinh Thánh tại nhà hội và có thể đọc một diễn văn. Cha mẹ cậu sẽ tổ chức một lễ hội, trong đó cậu nhận được quà tặng của bạn hữu mình.
Những Kỳ Lễ Và Ngày Thánh. Những ngày lễ để kỷ niệm các biến cố quan trọng trong lịch sử là một yếu tố đoàn kết trong một quốc gia. Người Do Thái kính yêu lịch sử của mình và họ tuân giữ những ngày lễ thánh. Ngày Sa-bát là chính nền tảng của đức tin Do Thái giáo. Không những dân Y-sơ-ra-ên giữ ngày Sa-bát, mà ngày Sa-bát cũng giữ dân Y-sơ-ra-ên nữa. Đó là ngày thờ phượng, ngày mà Đức Chúa Trời yên nghỉ công việc sáng tạo của Ngài. Nó bắt đầu từ lúc mặt trời lặn của ngày thứ sáu và chấm dứt vào lúc mặt trời lặn vào ngày thứ bảy.
Những ngày lễ hội và ngày nghỉ khác của dân Do Thái là:
1. Lễ Pesach. Lễ Vượt qua bắt đầu vào ngày 15 tháng Ni-san, tức giữa tháng Ba và tháng Tư dương lịch. Nó là một sự tưởng nhớ việc xuất hành của dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, tức là ngày sinh nhật của dân Y-sơ-ra-ên. Kỳ lễ nầy kéo dài tám ngày.
2. Lễ Shavuot. Lễ các tuần lễ hay lễ Ngũ Tuần (năm mươi) được tổ chức vào ngày thứ năm mươi sau lễ Vượt qua, trong tháng Si-van. Nó kỷ niệm mùa gặt ngũ cốc và việc ban bố luật pháp tại núi Si-nai.
3. Lễ Rosh Hashanah. Ngày Tết dân sự của người Do Thái được tổ chức vào ngày thứ nhất và ngày thứ nhì của tháng Tishri, tức Tháng Chín hoặc Tháng Mười dương lịch.
4. Lễ Yom Kippur. Ngày Đại lễ Chuộc Tội được tổ chức vào ngày mồng mười tháng Tishri, đó là ngày thánh mà thầy tế lễ thượng phẩm vào nơi chí thánh. Sukkoth, hay Lễ Lều Tạm, được tổ chức vào ngày 15 tháng Tishri. Người Do Thái ở trong các lều hay trại để tưởng nhớ kinh nghiệm của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng vào thời Xuất Hành (Xuất Ê díp tô).
5. Lễ Hanukkah. Ngày Lễ Đèn được tổ chức vào ngày tháng Kít-lơ (Kislev), tức tháng mười hai dương lịch. Nó tượng trưng cho lễ Tái Khánh thành đền thờ vào năm 165 T.C, sau khi đền thờ đã bị vua hung ác Seleucid là Antiochus Epiphanes làm ô uế. Trong kỳ lễ nầy, người Do Thái đốt đèn trong tám ngày.
6. Lễ Purim (Phu-rim). Lễ Rút thăm để kỷ niệm sự cầu thay của Hoàng hậu Ê-xơ-tê cho dân Do Thái tại Ba-Tư. Nó được tổ chức vào tháng A-đa, tức giữa tháng hai và tháng ba dương lịch.
Tội Lỗi, Sự Cứu Rỗi Và Số Phận Trong Do Thái Giáo.
Con Người- Sự Thiện Lành Cố Hữu. Người Hê-bơ-rơ tin nơi đức tính cố hữu (có sẵn) và sự thiện lành của con người. Con người được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời và không phải là một nô lệ như dân ngoại đã tin. Họ phủ nhận ý tưởng về sự trụy lạc hoàn toàn, nghĩa là, nhân loại được sinh ra trong tội lỗi lưu truyền từ A-đam. Ngoài ra, theo thần đạo học Do Thái, con người phạm những hành động tội lỗi cá nhân và phải đền tội cho những hành động đó.
Con Người- Cứu Tinh Của Chính Mình. Theo Do-Thái giáo, vì con người phạm tội lỗi của riêng mình nên người đó phải đền tội. Những họ không cần Cứu Chúa. Sự cứu rỗi vốn ở trong chính họ. Phải tự xét mình, xưng tội, ăn năn và cầu nguyện. Rồi người đó phải quyết tâm không tái phạm những tội lỗi của quá khứ và phải làm việc lành. Vào ngày Đại Lễ Chuộc Tội, tội lỗi của cả dân sự đều được tha thứ và được cất bỏ.
Tội Lỗi -- Sự Vi Phạm Luật Pháp. Đối với người Do Thái, đạo đức tốt có nghĩa nhiều hơn là việc làm đúng theo bộ luật của xã hội. Nó liên can đến động cơ trong lòng. Chính nền tảng của Do Thái là giao ước lập với Đức Giê hô va, theo đó Đức Chúa Trời và con người là những phần tử trong một cuộc đối thoại và tình bạn hữu suốt đời. Luật pháp định nghĩa giao ước và bày tỏ cách Đức Chúa Trời muốn mỗi người phải sống. Tội lỗi là sự vi phạm giao ước và Đức Chúa Trời kêu gọi mỗi người quay về với Luật Pháp, vì Đức Chúa Trời là Luật Pháp của Ngài.
Tương Lai -- Một Cảm Thức Về Số Phận. Lịch sử của dân Do Thái là đang nhìn về phía trước. Nhiều tôn giáo khác nhìn lại quá khứ như thời đại vàng son của họ, đó là lúc các thần thiết lập công việc của họ. Một số khác xem lịch sử như là một chu kỳ lặp đi lặp lại mãi mãi. Người Do Thái nhìn về tương lai, hướng về thời đại hoàng kim là lúc Đức Chúa Trời sẽ lập vương quốc của Ngài với Đấng Mê-si là người cai trị vương quốc đó. Lúc đó người Do-Thái sẽ là ánh sáng cho thế gian, kẻ chết sẽ được sống lại và kẻ ác sẽ bị phán xét.
CÁC SỰ TRUYỀN THÔNG CỦA DO THÁI GIÁO.
Theo như luật pháp và các tiên tri đã được đặt vào trong sách vở, người Do Thái được nhận biết như là dân tộc kinh sách. Thánh Kinh của họ giống y như phần Cựu Ước của Kinh Thánh Cơ-Đốc-Giáo, nghĩa là một bộ sưu tập gồm ba mươi chín sách. Trong Thánh Kinh Do Thái, một sách được nối kết lại với nhau tạo thành một toàn thể gồm hai mươi hai sách, theo hai mươi hai ký tự trong mẫu tự Hê-bơ-rơ. Chúng được viết bằng tay trên các cuộn giấy do một số tác giả khác nhau. Vào thời của Đấng Christ, chúng được phân thành ba nhóm chính: Nhóm Luật Pháp, Nhóm Tiên Tri và Nhóm Văn Phẩm hay Thi Thiên (Lu-ca 24:44). Đó là:
Nhóm Luật Pháp, tức Torah. Luật pháp là Torah, năm cuốn sách đầu (Tiếng Hy Lạp gọi là Ngũ Kinh - Pentateuch). Năm sách đó là: Sáng thế ký, Xuất Ê díp tô ký, Lê vi ký, Dân số ký, và Phục truyền luật lệ ký. Người ta tin rằng Môi se đã viết các sách đó, vì chúng thường được đề cập đến như là “Các sách của Môi se”.
Nhóm Tiên Tri, tức Nebhiim. Nhóm tiên tri gồm bốn sách: Giô suê, Các quan xét, I và II Samuên, I và II Các Vua.
Nhóm hậu Tiên tri gồm bốn sách: Ê sai, Giê rê mi, Ê xê chi ên và sách Mười hai (tiểu tiên tri).
Nhóm Văn phẩm, tức Kethubhim. Các sách văn thơ: Thi Thiên, Châm ngôn và Gióp.
Các sách lễ hội, Megilloth (những cuộn sách ngắn được đọc vào các kỳ lễ): Nhã Ca, Ru tơ, Ca thương, Ê xơ tê và Truyền đạo.
Các sách Lịch sử: Đa ni ên, Ê xơ ra, Nê hê mi và I và II Sử ký.
Luật Lệ Truyền Khẩu, sách Talmud. Trong thời kỳ giữa hai giao ước, sách Talmud, tức luật pháp truyền khẩu dần dần được phát triển và thu gọn thành sách. Nó trở thành quan trọng đối với Do Thái giáo, chỉ đứng hàng thứ nhì sau sách Torah mà thôi. Có hai sách Talmud, được đặt tên theo vùng mà nó phát xuất: Sách của Pa-lét-tin (thế kỷ thứ tư) và sách của Ba-by-lôn (thế kỷ thứ sáu sau công nguyên). Sách Talmud gồm hai phần lớn: phần Mishnah nghĩa là “sự nhắc lại”, bao gồm các lời truyền khẩu được chép ra khoảng năm 200 S.C. Phần Gemara gồm các lời truyền khẩu theo sau đó, với các lời thông giải luật pháp, mãi cho đến thế kỷ thứ sáu sau công nguyên. Sách Talmud bày tỏ một dân tộc tìm kiếm Đức Chúa Trời và nhấn mạnh cả sự trông đợi Đấng mê-si lẫn sự sống lại
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DO THÁI GIÁO
Đấu Tranh Để Sinh Tồn
Sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá vào năm 70 S.C. Ban lãnh đạo người Do Thái, là những người còn sống sót, dời đến Jamnia trên bờ biển. Một trường học và một tòa công luận đã được thành lập. Dần dần, các cộng đoàn Do Thái được khôi phục tại Ai cập, Ba Tư, Pa-lét-tin và ngay cả tại Giê-ru-sa-lem nữa. Họ bị những người cai trị Byzantine loại bỏ vào những năm 500. Vào thế kỷ thứ bảy, đạo quân Hồi giáo chinh phục xứ Pa-lét-tin, Ai Cập và Tây ban nha; người do Thái dưới sự cai trị của người Hồi Giáo có được điều kiện sinh sống khá hơn. Họ tấn bộ trong lãnh vực toán học, thiên văn học, triết học và hóa học.
Tại Tây ban nha, thế kỷ thứ chín và thứ mười đã trở thành thời đại hoàng kim của thành tựu văn học. Do Thái giáo Sephardic (thuộc Tây Ban Nha) xử dụng một thổ ngữ -- Tây Ban Nha -- Do Thái đã phát triển tại Tây Ban Nha, với một nhà hội và các lễ nghi. Tại Âu Châu, Do Thái giáo Ashkernazi (thuộc Đức) đã phát triển với thổ ngữ Đức -- Do Thái của nó, gọi là Yiddish. Vào thế kỷ mười một và mười hai, các đoàn Thập tự quân, trên đường đến Cứu Thánh địa ra khỏi tay người Hồi giáo, đã tàn sát nhiều người Do Thái và phóng hỏa các nhà hội của họ. Người Do Thái bị vu cáo là nguyên do của Nạn Dịch Đen năm 1348 mà nó đã giết hại một phần ba dân số Âu Châu. Tại tôn giáo pháp đình Tây Ban Nha năm 1492, hằng ngàn người đã bị giết và hằng trăm người phải chạy trốn. Nhưng bất cứ nơi nào họ đi đến, họ đều có một tác động lớn trên xã hội và đã sinh ra các học giả Thánh Kinh Do Thái nổi tiếng.
Vào thế kỷ mười sáu, Martin Luther khởi xướng phong trào cải chánh, vào lúc đầu ông ưu đãi người Do Thái; tuy nhiên, về sau ông đã thay đổi và rao giảng nghịch cùng họ. Trong cuộc phản cải chánh của giáo hội Công giáo, người Do Thái trở thành nạn nhân của một tôn giáo pháp đình khác. Tại Rô ma và các thành phố khác, người Do Thái bị ép buộc dọn vào các ghettoes (khu tập trung) là những nơi chật chội, bẩn thỉu, thiếu ánh sáng mặt trời trong các vùng tệ nhất của thành phố. Họ bị nhốt trong các vách tường, khóa kín cổng và ở trong một sự giới nghiêm cưỡng bức. Người Do Thái phải mang một dấu hiệu màu vàng để nhận diện.
Tại Ba lan, năm 1648, có những cuộc tàn sát tập thể người Do Thái được biết với cái tên Pogroms. Những ai không thể chạy trốn đều bị giết, và có gần nữa triệu người đã bị chết. Lời bào chữa cho rằng người Do Thái có tài thì được giới cầm quyền xử dụng và họ là những người cho vay tiền nên làm mất lòng các giai cấp thấp hơn. Vào những năm 1800, Do Thái giáo đã được công nhận là một tôn giáo ở Anh, ở Đức và ở Mỹ và đã có những cuộc đàm luận về quyền bình đẳng. Nhưng tại nước Nga dưới chế độ Nga hoàng, sau cuộc ám sát Nga hoàng Alexander II vào năm 1881, những cuộc tàn sát tập thể tệ hại nhất đã nổ ra để chống lại người Do Thái mà nó khiến cho đông đảo người phải ra đi đến châu Mỹ.
Sau đó, như là hậu quả của sự phân biệt chủng tộc giữa người Sê-mít và người Aryan, một làn sóng bài Sê-mít đã quét qua châu Âu. Vào thập niên 1930, một phong trào đã bắt đầu tại Đức do Adolf Hitler dẫn đầu nhằm tiêu diệt người Do Thái. Từ năm 1933 đến năm 1945 có khoảng sáu triệu người Do Thái đã bị giết -- một phần ba số người Do Thái trên thế giới -- và dân số của người Do Thái hầu như đã không còn hiện hữu ở Âu châu. Sự tiêu diệt người Do Thái của Đức là độc nhất trong lịch sử. Thế giới bị rúng động và nhiều người tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép sự đau khổ dường ấy xảy ra cho dân sự của Ngài? Nếu đọc kỹ Phục truyền luật lệ ký chương 28, thì chúng ta sẽ được soi sáng. Nó cho chúng ta một chút ý niệm tại sao những biến cố nầy xảy ra. Sự chối bỏ Chúa Jesus của người Do Thái cũng soi sáng về vấn đề nầy. Tuy nhiên, như nhiều người đã nói, toàn bộ câu chuyện về sự toàn thiêu hủy (holocaust) vẫn chưa được nói hết.
Một Quê Hương Quốc Gia Cho Người Do Thái.
Một ký giả Do Thái, ông Theodore Herzl, đã nhận thức rằng người Do Thái không được đối xử tử tế cho tới khi nào họ tìm được một mảnh đất cho riêng họ. Vào những năm đầu của thập niên 1900, ông và những người khác đã khởi phát một phong trào được gọi là phong trào được gọi là phong trào Si-ôn (hay chủ nghĩa Si-ôn) để biện minh cho chính nghĩa của một quốc gia Do Thái. Họ sẽ tìm kiếm ở đâu một mảnh đất như vậy? Không có chỗ nào khác trên thế giới là gần gũi với trái tim của người Do Thái hơn là vùng đất Pa-lét-tin.
Sau đệ nhất thế chiến, Hội quốc liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) đã ủy nhiệm cho Anh quốc cai quản vùng Pa-lét-tin. Vào năm 1917, những người trong phong trào Si-ôn dưới sự lãnh đạo của Chaim Weizmann đã thuyết phục chính phủ Anh cấp cho người Do Thái một quê hương trong vùng Pa-lét-tin. Thư ký bộ ngoại giao, Huân tước Balfaur, đã ra một công bố nổi danh được biết dưới tên “Tuyên ngôn Balfour”: “Chính phủ của ông ưu ái xem xét việc thành lập một quê hương quốc gia trong vùng Pa-lét-tin cho dân Do Thái”. Người Ả-rập, họ đã ở trong vùng đất nầy trải qua nhiều thế hệ, chống đối lại sự tràn vào của người Do Thái. Tuy nhiên đã định cư tại xứ Pa-lét-tin. Vào khoảng giữa thập niên 1930, người Do Thái ở châu Âu bắt đầu xem vùng Pa-lét-tin là một nơi tị nạn để tránh khỏi dân Đức, nhưng cuộc di dân đã bị hạn chế vì sự công phẫn sôi sục của người Ả rập.
Vì sự toàn thiêu hủy của thế chiến thứ II, đã có một sự thay đổi trong thái độ và liên hiệp quốc đã bỏ phiếu vào năm 1947, phân chia vùng Pa-lét-tin thành các nước Do Thái và Ả rập. Ngày 14 tháng 5 năm 1948, lá cờ Anh quốc đã được hạ xuống và David Ben Gurion công bố thành lập Y-sơ-ra-ên là một quốc gia độc lập. Nó có một dân số khoảng sáu trăm ngàn người. Ngay lập tức, quốc gia mới nầy bị năm quốc gia lân cận tấn công nhưng nước y-sơ-ra-ên đã được thoát khỏi các cuộc tấn công và được ghi nhận rằng nó có thể và sẽ bảo vệ những lợi ích của nó. Vào tháng mười năm 1956, chiến tranh lại bùng nổ khi Ai cập tấn công Y-sơ-ra-ên. Trong cuộc chiến tranh nầy, Y-sơ-ra-ên chiếm được toàn bộ bán đảo Si-nai và mở rộng lãnh thổ thêm nhiều dưới sự kiểm soát của mình. Trong cuộc chiến tranh 1967, cổ thành Giê-ru-sa-lem lọt vào tay Y-sơ-ra-ên, người Do Thái đã nhận lại được nơi thờ phượng thiêng liêng nhất của họ, đó là bức tường Than khóc, và nhiều người đã khóc lóc cũng như nhảy nhót vui mừng. Trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, vào ngày Đại lễ chuộc tội năm 1973, Y sơ ra ên bị liên minh các nước Ả rập tấn công, nhưng những đợt tấn công nầy đã bị đẩy lùi, để lại vùng biên giới hầu như nguyên cũ.
Trong những năm kế tiếp, nhiều cuộc chiến đã diễn ra, mỗi bên đều cố gắng tập trung ý kiến của thế giới về sự hợp lý về sự đòi hỏi của mình đối với vùng đất của nước Y-sơ-ra-ên. Trong khi đó, dân số của nước Y-sơ-ra-ên đã lên đến hơn ba triệu người, còn dân số người Do Thái trên thế giới lên đến hơn mười lăm triệu người. Giữa lúc cuộc đối đầu đang tiếp diễn, một người có thể nhận định rằng lời tiên tri trong Kinh Thánh đã và đang được ứng nghiệm bởi thế hệ nầy của xứ đó và bởi sự tái lập quốc gia Y-sơ-ra-ên. Nó chẳng phi Kinh Thánh gì cả để dự báo về sự hiện đến của Chúa Jesus Christ, Ngài sẽ đem lại giải pháp vĩnh viễn cho cuộc khủng hoảng ở Trung đông. Trong tiến trình đó, nhân dân Y-sơ-ra-ên quay lại với Ngài.
Những Nhánh Do Thái Giáo Ngày Nay.
Câu hỏi thường được nêu lên là: Một người Do Thái là ai? Một người Do Thái là một người Do Thái do sự sinh ra, hay là do sự theo đạo? Nhiều sự thay đổi và nhiều nền văn hóa đã xảy ra cho Do Thái giáo do sự hôn nhân tạp chủng, do sự trở lại đạo và do sự tản lạc. Triết lý của Do Thái giáo đã thay đổi và đã phát triển thành ba dạng Do Thái giáo: Do Thái giáo chính thống, Do Thái giáo cải cách và Do Thái giáo bảo thủ.
Những người Do Thái chính thống là người giữ theo truyền thống, vâng giữ nghiêm túc luật Torah, sách Talmud và thẩm quyền của các ra-bi. Người Do Thái cải cách là những người phóng khoáng. Họ không trông đợi Đấng Mê-si hay tìm kiếm một vùng đất quê hương Do Thái. Thay vào đó, họ gọi Y-sơ-ra-ên là một dân tộc mê-si. Việc chấp nhận luật Torah tùy vào sự lựa chọn cá nhân. Nhánh Do Thái bảo thủ giữ lập trường ở giữa nhánh Do Thái chính thống và Do Thái cải cách. Họ cũng loại bỏ một vùng đất quê hương của người Do Thái nhưng lại giữ luật Torah và các truyền thống.
Chỉ với lịch sử Do Thái ở trong đầu thì một người có thể tạo cái cảm thức về sự gìn giữ nước Y-sơ-ra-ên một cách hùng mạnh tiếp tục tác động trên những người Do Thái ở mọi nơi khác. Đối với họ, sự lựa chọn của Đức Chúa Trời đối với dân sự Ngài là một điều vĩnh viễn. “Ngài là Đức Chúa Trời giữ giao ước đến ngàn đời”. Niềm tin quyết nầy là lý do để dân Do Thái phải chịu mang dấu hiệu sĩ nhục màu vàng và thậm chí bị thiêu hủy hoàn toàn. Đây là lý do tại sao họ đã nổi bật trong thời đại nầy.
ĐÁNH GIÁ VỀ DO THÁI GIÁO
Những Điểm Mạnh Của Do Thái Giáo.
· Trong Do Thái giáo, các tín đồ giữ niềm xác tín về sự hiện hữu của Chân Thần và một sự thờ hình tượng.
· Người Do Thái có một sự đoàn kết dân tộc căn bản thông qua một lịch sử lâu dài mà người ta tin đó là sự hiệp một của Đức Chúa Trời.
· Dân Do Thái có một đức tin không rúng động nơi Kinh Thánh như là được Đức Chúa Trời hà hơi (soi dẫn).
· Sự tôn kính tổ phụ của người Do Thái không trở thành sự thờ lạy tổ tiên.
· Những nguyên tắc của luật Torah là cơ sở cho nhiều tiêu chuẩn luân lý và đạo đức của phần còn lại của thế giới.
· Người Do Thái trân trọng mọi sinh mạng và họ tin rằng toàn thể nhân loại được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời.
· Người Do Thái có một bổn phận luân lý và xã hội đối với toàn thể nhân loại.
· Người Do Tháivững bền và đoàn kết trong sự bắt bớ.
· Người Do Thái chính thống giữ niềm hi vọng về Đấng Mê-si ở một thời đại công chính và niềm hi vọng về sự sống lại của kẻ chết.
Những Điểm Yếu Của Do Thái Giáo
· Người Do Thái phủ nhận Chúa Jesus Christ là Đấng Mê-si và là Con Đức Chúa Trời.
· Người Do Thái không dự liệu gì về một sự cứu rỗi nhờ ân điển hiện tại hay một sự cầu thay của một Đấng Trung Bảo hằng sống.
· Người Do Thái nhấn mạnh đến việc làm như là một phương tiện để được sự cứu rỗi cá nhân.
· Do Thái giáo xu hướng mạnh mẽ về chủ nghĩa luật pháp và chủ nghĩa hình thức.
· Người Do Thái không công nhận bản chất vốn xấu của con người, tội lỗi được quan niệm chỉ là sự vi phạm luật pháp.
· Người Do Thái nhấn mạnh một cách không đúng về sự ưu ái của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên.
Định Giá Do Thái Giáo Theo Quan Điểm Cơ Đốc Giáo.
Giờ đây chúng ta sẽ đánh giá một số niềm tin của Do Thái giáo theo ánh sáng của những nguyên tắc của Kinh Thánh và lưu ý đến những nhịp cầu dẫn đến Đấng Christ và sự sống đời đời.
Đề Tài: Hữu Thể Tối Cao.
Niềm Tin Của Do Thái Giáo. Người Do Thái có một niềm tin vững chắc nơi Đức Giê-hô-va, tức Đức Chúa Trời của sự sáng tạo. Ngài là một Đức Chúa Trời có thân vị và mọi dân tộc đều là con cái của Ngài. Ngài đã sáng lập giao ước đời đời với dân sự Ngài và họ sẽ được cứu rỗi lúc chung cuộc và được sống trong vương quốc công bình của Ngài.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Chúng ta là con cái của cùng Đức Chúa Trời do sự sáng tạo. Nhưng con cái do sự sáng tạo không có nghĩa là con cái do sự cứu rỗi. Đức Chúa Trời đã ban cho con người quyền lựa chọn, và vì sự tương giao với Đức Chúa Trời. Chúng ta không vào Thiên đàng một cách tự động vì Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta, chúng ta được cứu chỉ bởi sự tiếp nhận Con Ngài là Chúa Jesus Christ.
Lẽ Thật Kinh Thánh.
Sáng Thế Ký 2:17. “Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. Khi A đam và Ê va ăn trái cây đó thì mắt họ được mở ra (3:6-7).
Rô-ma 5:19. “Vì như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình”.
Giăng 14:6 “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống, chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”.
Công vụ 4:12. “Dưới đời nầy chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu”.
Đề Tài: Bộ Luật Luân Lý.
Niềm Tin Của Do Thái Giáo. Bộ luật luân lý của Do Thái giáo được ban bố trong mười điều răn. Đó là tiêu chuẩn của đức tin và cuộc sống của Do Thái giáo. Đức Chúa Trời là luật pháp của Ngài, vì vậy, để được cứu, một người phải tuân giữ Torah, vì vâng giữ Torah tức là vâng phục Đức Chúa Trời.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Nhờ luật pháp mà biết tội lỗi, và tội lỗi dẫn đến sự chết. Luật pháp không thể cứu bất cứ ai. Không ai có thể khoe mình rằng được cứu nhờ việc giữ luật pháp, vì không ai có thể giữ luật pháp! Không có người nào từng giữ vẹn luật pháp, ngoại trừ Chúa Jesus ! Mọi người đều cần một Đấng cứu giúp mà Ngài có thể tha thứ tội của họ và ban cho họ sự sống. Đấng đó là Chúa Jesus.
Lẽ Thật Kinh Thánh.
Thi Thiên 14:3. “Chúng nó thảy đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô uế, chẳng có ai làm điều lành, dầu một người cũng không”.
Rô-ma 3:27-28. “Vậy thì sự khoe mình ở đâu? Đã bị trừ bỏ rồi... Vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không phải bởi việc làm theo luật pháp”.
Rô-ma 6:23 “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta”.
Đề Tài: Con Người, Tội Lỗi Và Sự Cứu Rỗi.
Niềm Tin Của Do Thái Giáo. Quan niệm của người Do Thái cho rằng con người có sẵn sự thiện lành vì họ được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Người Do Thái phủ nhận nguyên tội, con người làm hành động tội lỗi và chỉ chịu trách nhiệm về tội lỗi của chính mình mà thôi. Với việc dâng sinh tế, người dâng phải có một tấm lòng ăn năn và có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Nhưng vì việc dâng sinh tế đã chấm dứt, con người phải đền bồi tội lỗi của chính mính và tự cứu mình bằng việc làm lành.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Con người được tạo dựng trong sự thiện lành, nhưng họ đã bất tuân mạng lịnh của Đức Chúa Trời và đã đem tội lỗi vào thế gian. Bây giờ họ sống trong môi trường tội lỗi và dễ phạm tội và làm những việc tội lỗi. Dưới thời Môi-se, một người dân sinh tế đặt đức tin mình nơi Đức Chúa Trời để tẩy sạch và tin một sinh tế toàn vẹn sắp đến. “Những tế lễ đó chẳng qua là mỗi năm nhắc cho nhớ lại tội lỗi” (Heb 10:3). Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài đã sắm sẵn một sinh tế toàn vẹn. Chúa Jesus đã gánh lấy tội lỗi của cả nhân loại trên cây thập tự giá, là bàn thờ dâng sinh tế của Ngài. Đức tin đặt nơi công tác đã hoàn tất của Ngài bôi xóa người tín đồ khỏi tội lỗi. Việc lành không thể cất tội lỗi được, vì tội lỗi dẫn đến sự chết.
Lẽ Thật Của Kinh Thánh.
Rô-ma 3:10, 23. “Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không.... Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”.
Thi Thiên 51:16, 17 “Vì Chúa không ưa thích của lễ.... Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời ấy là tâm thần đau thương.”.
Hê-bơ-rơ 10:12, 14. “Còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời. Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh trọn vẹn đời đời”.
Rô-ma 3:24 “.... Họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình cách nhưng không bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jesus Christ”.
Đề Tài: Tuyển Dân Của Đức Chúa Trời.
Niềm Tin Của Do Thái Giáo. Niềm tin của người Do Thái cho rằng họ là tuyển dân của Đức Chúa Trời còn rất mạnh mẽ. Ngài sẽ đến với họ, bênh vực họ và lập vương quốc Mê-si của Ngài giữa vòng họ. Người Do Thái là một dân tộc được đặc ân và Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ những ân huệ đặt biệt.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin Nơi Đấng Christ. Thái độ độc hữu nầy không làm vừa lòng Đức Chúa Trời. Vì Ngài muốn dân Do Thái làm sứ giả của Ngài và làm một nguồn phước cho toàn thế gian. Vì họ đã chối bỏ Con Đức Chúa Trời nên Đức Chúa Trời đã từ chối họ như là một quốc gia. Giờ đây, họ phải tiếp nhận Đấng Christ trên cơ sở từng người một cũng như những dân tộc khác. Các tín đồ giờ đây là tuyển dân của Ngài, là con cái của Áp ra ham và là kẻ kế tự lời hứa vì họ đã lấy đức tin tiếp nhận Chúa Jesus Christ.
Lẽ Thật Kinh Thánh.
Rô-ma 2:11. “Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai đâu”.
Rô-ma 2:28-29. “Vì người nào chỉ bề ngoài là người Giu đa thì không phải là người Giu đa... phép cắt bì bởi trong lòng, làm theo cách thiêng liêng, không theo chữ nghĩa, mới là phép cắt bì thật”.
Rô-ma 3:9 “Người Giu đa và người Gờ réc (dân ngoại) thảy đều phục dưới quyền tội lỗi”.
Ri 3:29-30. “Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của dân Giu đa sao? Há chẳng phải cũng là Đức Chúa Trời của dân ngoại ư?.... Đấng làm cho kẻ chịu cắt bì được xưng công bình bởi đức tin, cũng làm cho kẻ không chịu cắt bì được xưng công bình bởi đức tin nữa”.
Ga-la-ti 3:5-14, 29. “Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp ra ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa”.
Đề Tài: Số Phận Tương Lai
Niềm Tin Của Do Thái Giáo. Theo Do Thái giáo, có một hi vọng đời đời về Đấng Mê-si, của một thời đại hoàng kim và của sự cứu rỗi. Tội lỗi sẽ bị chinh phục và ngưòi ta sẽ sống trong một thế giới hòa bình. Sẽ có một sự sống lại của kẻ chết để sống trong thời đại công bình nầy. Nhưng cũng có một sự phán xét dành cho kẻ làm ác và những người khước từ lời hứa của Đức Chúa Trời.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin Nơi Đấng Christ. Việc Chúa Jesus đến trần gian là một sự kiện lịch sử, nhưng người Do Thái khước từ Ngài là Đấng Mêsi và Đấng Cứu Thế, vì họ tin rằng Ngài đã chết như một người tử đạo. Người Cơ Đốc tin rằng Ngài phải chết để trở thành Cứu Chúa. Khi Đức Chúa Trời khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì điều đó đã chứng minh Thần tính của Ngài. Giờ đây, Ngài đang ở trên thiên đàng cầu thay cho chúng ta. Tuy nhiên, Ngài sẽ trở lại và lập vương quốc của Ngài trên đất. Người Do Thái và người tín đồ, là những người được chuộc bởi huyết Ngài, sẽ cùng trị vì với Ngài.
Lẽ Thật Kinh Thánh
Giăng 12:27. “Nhưng cũng vì sự đó mà Con đến giờ nầy”.
Ma-thi-ơ 16:16 “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”.
Rô-ma 4:25. “Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta”.
Hê-bơ-rơ 9:28. “Đấng Christ... sẽ hiện ra lần thứ hai.... để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài”.
1Tê-sa-lô-ni-ca 4:16. “Chính mình Chúa ở trên trời sẽ giáng xuống... và kẻ chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước hết”.