(Shintoism)
Từ Phật giáo, bây giờ chúng ta quay về với Thần giáo, tôn giáo của nước Nhật, “Xứ mặt trời mọc”. Thần giáo là một quốc giáo và là một đức tin độc đáo. Nó không có giáo chủ, không có tín điều, không có thần học, không có cứu tinh. Nhưng, giống như Cơ Đốc giáo, nó có nhà thờ, có trường học, có tư tế, có hệ phái và có nghi lễ. Giống như Ấn độ giáo, nó là một tôn giáo có nhiều thần và dung nhượng nhiều niềm tin, với nhiều tập tục khác nhau,từ chỗ làm thỏa mãn mình đến chỗ tự bỏ mình, từ khoa học đến pháp thuật, từ đức tin đến việc đốt pháo.
Quốc kỳ của nước Nhật với biểu tượng một mặt trời đỏ ở chính giữa của nó chắc chắn nói cho dân tộc nầy về niềm tin tôn giáo của họ và khơi dậy lòng yêu nước nhiệt thành. Nó nhắc nhở họ rằng họ là thần dân của một thiên hoàng và là một dân tộc thánh của một vùng đất thánh. Trong nước Nhật thời nay, hoàng đế không còn xưng là có thần tính nữa, nhưng người Thần giáo vẫn giữ niềm tin nầy trong lòng họ.
Trong khu vườn các niềm tin tôn giáo, Thần giáo đâm rễ sâu vào lòng đất của duy linh thuyết và thần thoại. Nhánh của nó trải rộng như trí tưởng tượng và ngọn của nó cao như núi Phú Sĩ, ngọn núi cao nhất ở nước Nhật, được nhiều người tôn sùng như một vị nữ thần.
Trong bài học nầy, bạn sẽ nghiên cứu nhiều thay đổi mà nó đã xảy ra trong các niềm tin của Thần giáo trải qua nhiều thế kỷ. Trong khi bạn nghiên cứu những sự đổi thay đầy ý nghĩa vào năm 1945, bạn hãy cố gắng xác định xem những sự thay đổi nầy trợ giúp hay cản trở cho việc quảng bá Tin Lành tại Nhật Bản.
Dàn Bài
Làm quen với Thần Giáo.
Những niềm tin của Thần Giáo.
Những sự truyền thông của Thần Giáo.
Sự phát triển của Thần giáo.
Đánh giá về Thần giáo.
LÀM QUEN VỚI THẦN GIÁO
Thần giáo là một trong số các tín điều cổ nhất trên thế giới, nó đã mọc rễ trong lịch sử của Nhật Bản từ thế kỷ thứ bảy trước công nguyên. Từ ngữ Thần giáo dẫn xuất từ chữ Thần Đạo (Shen Tao ), có nghĩa là “con đường của các thần”. Chữ thứ hai, chữ Đạo, tham chiếu đến Đạo giáo của người Trung Hoa. Từ ngữ nầy bắt đầu được sử dụng vào khoảng năm 552 S.C, khi Phật giáo đang truyền vào Nhật Bản với các Kinh sách và văn hóa Trung Hoa của nó. Việc nầy khiến người Nhật Bản có một sự quan tâm mới nơi tôn giáo và văn hóa của họ. Họ nhìn nhận tôn giáo của họ chưa từng có một tên gọi nào. Bằng việc chấp nhận tên gọi nầy, họ thành lập đạo riêng của mình và tôn vinh các thần liên quan đến những hòn đảo trồng lúa gạo của người Nhật. Như vậy, tôn giáo về Kami được biết đến như là tôn giáo Thần Đạo. Theo một nghĩa rộng, Thần Đạo ám chỉ đến cách sống của nhân dân trải hơn hai mươi lăm thế kỷ, là sợi chỉ truyền thống buộc chặt những người dân Nhật Bản tân thời vào tổ tiên xa xưa của họ.
Đặc Tính
Gốc rễ của Thần giáo đã đâm vào trong một loại đa thần giáo xa xưa nằm sát biên giới phiếm thần giáo. Các hữu thể ưu việt đã được thờ phượng tại Nhật Bản, xếp hàng dài từ linh các tổ tiên đến các vị anh hùng và các linh trong thiên nhiên, từ thái dương thần nữ đến thần lương thực. Tất cả các thần linh đó đều được tỏ lòng sùng bái, kính sợ và tôn trọng.
Có bốn biểu tượng riêng biệt trong Thần giáo. Biểu tượng thứ nhất là Torii, tức là “tổ chim”, bao gồm hai thanh cây dựng đứng với một thanh khác gác ngang hai đỉnh của chúng và một cây đòn tay nằm ngang bên dưới. Biểu tượng thứ hai là Gohei, tức là một chiếc đũa mảnh dẻ bằng gỗ không sơn với hai tua giấy dài cột thắt vào hai phía đối diện của nó. Biểu tượng thứ ba là một chiếc gương và biểu tượng thứ tư là một sợi dây rơm. Các ý nghĩa của chúng nó liên quan đến các chuyện cổ tích của dân chúng.
Thần giáo có khoảng ba mươi triệu tín đồ, họ thờ phượng tại khoảng một trăm ngàn nơi thờ phượng. Hầu hết những người Nhật Bản là những người Thần giáo hữu danh và nhiều người thờ phượng tại các nơi thờ phượng riêng của họ. Trong một gia đình theo Thần giáo, có một trang thờ trên đó người ta dựng một Torii đứng ở đó. Có một chiếc gương thiêng thượng trưng cho vẻ đẹp bên trong của lòng người. Những biểu tượng nầy nhắc nhở chủ nhân của nó về Kami, tức là sự thần bí của hồn người. Người theo Thần giáo lượm lặt những điều gì họ cảm thấy tốt nơi Phật giáo, Khổng giáo và ngay cả nơi Cơ Đốc giáo nữa. Như thế, thần giáo được gọi là một trong số những tôn giáo cổ xưa nhất, đồng thời cũng là tôn giáo tân thời nhất.
Thần giáo không có người sáng lập, theo như chúng ta được biết từ văn khố của nó. Khi người dân Nhật Bản bắt đầu ý thức về văn hóa của họ thì Thần giáo đã có mặt ở đó rồi. Do đó, không có ý niệm nào về một niềm tin tôn giáo cá nhân, như đã thành lập trong các tôn giáo khác.
NHỮNG NIỀM TIN CỦA THẦN GIÁO
Thần giáo rất độc đáo trong niềm tin tôn giáo của nó. Điều nầy được bày tỏ ra trong những nét nó thiếu kém cũng như những khác biệt trong niềm tin của nó. Không có người sáng lập, nó khó có nhiều nét mạnh để làm cho nó khác biệt với các tôn giáo khác. Tuy nhiên, chúng ta sẽ liệt kê ra một vài nét.
Tính Ít Ỏi Về Niềm Tin
Thần giáo là một hệ thống tôn giáo và chính trị mà nó không có Kinh sách, bộ luật đạo đức hay thần học nào cả. Nó không có môn học về thế giới tương lai (lai thế học -- eschatology). Nó chẳng quan tâm đến tình tình trạng tương lai, chẳng biết gì về thiên đàng hay địa ngục, và quan tâm rất ít đến sự cứu rỗi. Chẳng có tội lỗi nguyên thủy hay là tội lỗi thừa kế. Sự trụy lạc, và sự chết chỉ là một ảo ảnh. Nó có khuynh hướng pha trộn chuyện thần thoại của nó với lịch sử quốc gia và các thành viên của nó là những công dân độc chiếm của Mikado (Thiên Hoàng). Gốc rễ của nó ở trong duy linh thuyết và nguyên lý thiết yếu của nó là niềm tin nơi một sức mạnh vũ trụ mơ hồ, sức mạnh đó gán thần tính cho vị thiên hoàng (hoàng đế Nhật Bản).
Những Hữu Thể Siêu Nhiên
Trái tim của Thần giáo là niềm tin nơi một sức mạnh huyền bí được gọi là Kami. Người ta không thể giải thích nó một cách đầy đủ bằng ngôn từ, vì Kami vượt cao hơn khả năng trí óc của con người. Nó có một dạng thức đa thần và những người theo Thần giáo tuyên bố rằng họ có thể hiểu biết Kami nhờ đức tin. Đó là một quyền năng đã sáng tạo, duy trì cai quản và nâng đỡ mọi vật trong vũ trụ. Nó là nguyên nhân và hậu quả, quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó là không gian và thời gian, nhưng nó lại vượt ngoài không gian và thời gian. Kami giám hộ (hay hộ vệ) là nguồn cội của đời sống loài người, nhưng mỗi Kami đều có một cá tính thần linh và có thể đáp ứng cho lời cầu nguyện thành khẩn. Kami dường như có một số phẩm chất tính tương tự với mana ở vùng Nam Thái Bình Dương.
Sự Thờ Phượng Thiên Nhiên
Từ trong nguồn gốc, Thần giáo vốn là một tôn giáo thờ phượng thiên nhiên, và Thái Dương Thần Nữ (nữ thần mặt trời) là vị thần linh chính. Vị thần thứ nhì là thần mặt trăng, lạ vị cai trị ban đêm. Kế đến có các thần tú, một vị nữ thần sương mù và nhiều vị thần khác. Cốt lõi của sự thần thoại đó bao gồm một số truyện Amaterasu Omikami, tức Thái Dương Thần Nữ, là vị đứng đầu trong hoàng tộc Nhật Bản. Theo một huyền thoại của Thần giáo thuở ban đầu, đã xuất hiện một đôi Kami được gọi là Izanagi và Izanami. Họ đã sinh ra quần đảo Nhật Bản cũng như đã sinh ra vị Kami, tổ tiên của các bộ tộc khác nhau. Một con cháu của Thái Dương Thần Nữ là Jimmu Tenno, được người ta cho là vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản. Ba báu vật là thần lần đầu tiên được Thái Dương Thần Nữ ban cho cháu nội của bà, đó là: Gương soi, thanh gươm và châu ngọc; chúng là những biểu tượng được tôn kính nhất của ngai vị hoàng gia.
Vô Số Vị Thần
Các huyền thoại của Thần giáo đề cập đến tám trăm vạn (eight hundred myriads) Kami. Một số trong đó là thần giám hộ hay Thần hộ vệ của các bộ tộc và các cộng đoàn. Các Kinh sách của Thần giáo mô tả rất thẳng thắng về các vị thần, và đôi khi khôi hài tục tỉu nữa. Họ ra đời, kết hôn tắm rửa, bị bệnh, giận giữ, ghen tương. Họ khóc, phá phách, chết và được chôn và có thể được phong chức bởi vị thiên hoàng của nước Nhật. Tâm tánh đạo đức của họ cũng thay đổi như tâm tánh của con người. Một số là những vị thần dối trá và rất thô lỗ. Vị thần Susa-no-wo trong một buổi chiều khiêu vũ mừng chiến thắng đã đạp bể các bờ ruộng, lấp kín các hào mương và đã lột da một con thú còn sống. Một cuốn sách của Thần giáo kể rằng: “tám trăm vạn thần đã nghị luận cùng nhau, họ cắt râu ông ta, nhổ móng tay móng chân của ông ta”. Không có người nào ở Nhật Bản giờ đây được phép làm cái điều mà thần Susa-no-wo đã làm, hay làm cái điều các vị thần kia đã làm cho ông ta.
Hoàng Đế Tối Cao
Người theo Thần giáo xem Hoàng Triều Nhật Bản là một phần của thần linh. Vị Mikado của họ, tức Thiên Hoàng, được xem là một thần linh. Niềm tin nầy đã có từ thời xa xưa. Truyền thuyết của họ nói rằng quần đảo Nhật Bản là tạo vật đầu tiên của thần linh và vị Mikado đầu tiên là từ Thái Dương Thần Nữ mà xuống. Người ta nói rằng Nữ Thần Amaterasu đã sai một trong số các con cháu của bà đến cai trị trái đất. Khi Nhật Bản lập hiến pháp vào năm 1889, thì trong đó có lời tuyên bố rằng Thiên Hoàng được “kế ngôi cha truyền con nối không dứt cho đến mãi mãi”. Như vậy, nền đế chế lâu đời nhất thế giới nầy có một nền tảng tôn giáo và hoàng đế có quyền của thần linh để cai trị thần dân của mình.
Mãi cho đến Đệ Nhị Thế Chiến, thiên hoàng vẫn cách biệt với mọi người khác và chỉ có một ít quan đại thần được đến gần ông mà thôi. Hình vẽ về ông được canh giữ một các kính cẩn. Thần linh của Thiên Hoàng được dạy dỗ một rộng rãi tại Nhật Bản. Trước năm 1946, hàng năm, người ta tổ chức chức một nghi lễ ái quốc đặc biệt vào ngày sinh nhật của Thiên Hoàng tại mỗi học viện. Sự tôn kính như vậy đã có một tác dụng lớn trên lớp trẻ của Nhật Bản. Nó tạo cho Thiên Hoàng một uy quyền chính trị và tôn giáo. Kết quả là tạo lập được một quân lực trung thành một cách cuồng tín. Họ không hề chối từ sự hy sinh nào để làm trọn ước muốn của Người. Thế lực song sinh của tôn giáo và lòng ái quốc nầy đã trở thành một đầu não trong các cuộc tiến quân của hoàng gia Nhật để dành quyền kiểm soát Phương Đông. Sau thế chiến, khi Thiên Hoàng thoái từ thần quyền của mình, nhiều người Nhật Bản đã không thể tin nổi điều đó. Hành động của ông đã được giải thích như là một hành động mà trong đó ông không quyền lựa chọn, là kết quả của những sức mạnh quân sự. Đối với người Thần giáo truyền thống, Thiên Hoàng của lãnh thổ Thái Dương Thần Nữ (xứ mặt trời mọc) sẽ luôn luôn là một biểu tượng của trời cũng như của đất nước.
Những Nơi Thiêng Liêng Và Những Người Thiêng Liêng
Bên cạnh hơn một trăm ngàn nơi thờ phượng dưới sự kiểm soát của chính quyền, có hơn mười nơi thờ phượng của các giáo phái do nhân dân xây cất và tài trợ. Người ta đến các nơi thờ phượng qua các cổng torii, mà vòng cong ở hai đầu của nó hướng thẳng lên trời. Họ cũng dựng các torii bên cạnh các thác nước, ở các khu rừng và các nhịp cầu. Bằng cách nầy, người ta phát triển một sự ưa thích của tôn giáo để làm đẹp cho thiên nhiên.
Đại Đền Ise, nằm trên bờ biển tây nam của cựu kinh đô Kyoto (Tây kinh) là địa điểm thiêng liêng nhất trong cả Nhật Bản. Ngôi Chùa phía trong, Chùa Naiku, được người Nhật Bản tin là đã có từ năm thứ 4 T.C và được dùng để thờ Thái Dương Thần Nữ Amaterasu. Một chiếc gương tròn đặt trong thánh điện dùng làm biểu tượng cho mặt trời, vì sáng lớn ở trên bầu trời.
Dân chúng thường hành hương đến ngôi đền nầy, một phần để tham quan như là những du khách và một phần để thờ phượng. Khi người du khách đến thờ phượng, họ sẽ đi ngang qua cổng torii và họ được nhắc nhở đến nhịp cầu nối liền giữa trời và đất. Sự thờ phượng mang tính cách cá nhân chứ không mang tính cách hội chúng, trong đó bao gồm việc vái lạy, quì gối, vỗ tay, rung chuông hay đánh chiêng (phèn la) và dâng của cúng. Các vị tư tế không thuyết pháp hay là nói về địa ngục hoặc sự hình phạt đời đời mà dân chúng cần phải được cứu khỏi đó. Họ cũng không dạy gì về thiên đàng mà người ta cần phải chuẩn bị để vào đó. Các tổ tiên được nhớ đến và được kính cẩn tôn trọng hơn là được thờ lạy.
Khi người Thần giáo đã hoàn tất lòng mộ đạo của mình, họ cúi lạy với thái độ thờ phượng biết ơn và dâng tiền cúng vào hộp đựng tiền, cúi lạy lần nữa rồi ra về, dường như được tươi tắn hẳn. Theo điều người Thần giáo quan tâm thì đời sống là tốt đẹp, các thần linh là đáng tôn, Nhật Bản là thuộc về cõi trời, vậy thì người ta còn có thể đòi hỏi gì nữa? Có một điều duy nhất, điều quan trọng nhất, đó là sự sống đời đơi trong Chúa Jesus Christ !
Những Ngày Lễ Hội Của Thần Giáo
Thần giáo thiết yếu là một tôn giáo của niềm vui và nghi lễ. Mọi mùa gieo, gặt đều được cử hành nghi lễ với các bài kinh và lễ nghi, lễ hội tôn giáo. Có một ngày lễ hội vào lúc người ta gieo lúa, một ngày lễ hội khi lúa đang trổ mạ và một lễ hội khác vào lúc lúa mới trổ hương thơm (mùa gặt). Có một Bữa Đại Tiệc Hương Vị, trong đó Thiêng Hoàng sẽ chủ tọa ngày Lễ Hội Đầu Mùa vào năm ông đăng quang. Có những ngày lễ trăng non và các nghi lễ hằng tháng khác. Ngày Lễ Hội Thanh Tẩy là quan trọng đối với người Nhật Bản đối với họ “Sự thanh sạch là đứng kế sau sự ngoan đạo”. Dân chúng thường rửa sạch tượng trưng thân thể họ bằng việc dùng những mảnh giấy lau trên da rồi đốt các giấy đó hoặc ném chúng xuống một dòng sông. Sau đó, Mikado (Thiên Hoàng) thay mặt cho Thái Dương Thần Nữ, tuyên bố rằng nhân dân đã tinh sạch trong thân thể và tâm hồn. Ngày nay, nó đã là một nếp sống của Thần giáo.
Người theo Thần giáo nói rằng con đường của thần linh họ là con đường tốt. Họ gọi tôn giáo họ là một đức tin lành mạnh, trọn vẹn và tinh khiết, không bị ảnh hưởng của các tôn giáo khác. Thần giáo không được truyền bá ra nước ngoài trên mức độ rộng lớn. Theo các sách vở thời cổ của Thần giáo thì thế giới bên ngoài chỉ là một bản sao của thế giới cõi trời, mà trong đó Nhật Bản có tính cõi trời nhiều hơn cả.
NHỮNG SỰ TRUYỀN THÔNG CỦA THẦN GIÁO
Thần giáo không có Kinh sách chính thức có thể được so sánh với Thánh Kinh của Cơ Đốc giáo hay Kinh Cô ran của Hồi giáo. Trước khi Phật giáo truyền đến Nhật Bản vào năm 552 S.C, không có hệ thống chữ viết nào được nhìn nhận ở Nhật Bản. Với việc Phật giáo truyền đến, nó đã nẩy sinh ra một thách thức để có một hệ thống Kinh sách và những tuyên ngôn của đức tin Thần giáo. Để đáp ứng điều nầy, năm 712 S.C Kinh Kojiki (Cổ Thời Ký ) đã được viết ra, nó bao gồm “những văn kiện của thời cổ”. Vào năm 720, Kinh Nihongi, tức “Niên đại ký của Nhật Bản” được biên soạn, phần lớn dành cho Phật giáo, trình bày ảnh hưởng lớn mạnh của nó ở Nhật Bản. Những Kinh sách nầy của Thần giáo chứa đựng những truyền thống khẩu truyền và lịch sử cổ thời của Thần giáo hơn là chứa đựng giáo lý. Giáo thuyết của nó được dựa trên những thần thoại và những tập tục mà chúng mô tả. Như vậy, các Kinh sách nầy của Thần giáo xuất hiện trễ hơn mười ba thế kỷ sau lịch sử của nó. Vị Mikado đầu tiên, Jimmu Tenno được phong vương vào năm 660 T.C. Nhìn từ quan điểm của văn hóa Phương Tây, các Kinh sách nầy rất là thẳng thắn và đôi khi có phần khôi hài.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THẦN GIÁO
Kể từ buổi đầu của nó vào khoảng năm 660 T.C, lịch sử của Thần giáo được chia làm năm thời kỳ kế tiếp nhau:
Thời Kỳ Phật Giáo Thâm Nhập. Từ năm 552 S.C đến năm 800 S.C. Có ba tôn giáo Đông Phương là Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo đã xâm nhập vào Nhật Bản trong 250 năm nầy. Phật giáo đã trở thành mối đe dọa cho Thần giáo vào năm 552 S.C. Khi một vị vua của Đại Hàn gởi một tượng Phật bằng vàng để tặng cho hoàng đế Nhật Bản. Cùng với nó, xuất hiện các tu sư Phật giáo. Chuyện kể rằng khi bức tượng nầy được đặt trong nhà của một quan tể tướng thì một trận dịch đầu mùa đã phát sinh. Nó được xem như là một điềm xấu. Kami đã không bằng lòng người ta tôn kính bức tượng đó. Thiên Hoàng đã ra lịnh đem ném bức tượng đó xuống sông. Nhưng không bao lâu sau đó, sét đánh trúng hoàng cung và người ta cho rằng các thần của Phật giáo đã bất bình. Bức tượng Phật lại được trục lên khỏi sông và được đặt vào một chỗ trong một ngôi chùa mới.
Thời Kỳ Hỗn Thành. Từ năm 800 S.C đến năm 1700 S.C. Trong chín trăm năm nầy, tôn giáo của Nhật Bản bị pha tạp với các tôn giáo nước ngoài. Một nhà sư Phật giáo ở thế kỷ thứ tám đã dạy một giáo thuyết được gọi là Thần giáo Hỗn Hợp trong đó ông nói rằng các Thần giáo đã đầu thai thành các thần của Phật giáo. Những nhà lãnh đạo khác dạy rằng Thần giáo, Phật giáo và Khổng giáo cần phải được hàn gắn vào thành một. Kết quả là có một sự làm suy yếu Thần giáo nguyên thủy.
Thời Kỳ Phục Hưng Thần Giáo. Từ năm 1700 S.C đến năm 1868 S.C Trong thời kỳ nầy, bốn nhà lãnh đạo Thần giáo đã làm hồi sinh ngôn ngữ và các sách cổ của người Nhật. Họ dạy dỗ luân lý của Thần giáo và viết nhiều bài bình giảng và sách vở làm canh tân sự vinh quang của Thần giáo và đưa đến cuộc phục hưng Thần giáo nổi tiếng vào năm 1868.
Thời Kỳ Chủ Nghĩa Giáo Phái. Từ năm 1868 cho đến ngày nay. Trong thời kỳ nầy, những tư tưởng mới đã lan tràn cả thế giới, nhiều giáo phái đã nổi lên gây ra nhiều sự phân hóa tại Nhật Bản. Chính quyền phân chia Thần giáo thành hai tôn phái chính: Thần giáo quốc gia và Thần giáo giáo phái. Thần giáo quốc gia được xem như là một sự thờ phụng hoặc các nghi thức mang tính ái quốc mà trong đó mọi công dân Nhật Bản đều tham dự, không phân biệt niềm tin. Còn Thần giáo giáo phái thì được xem như bình đẳng với Phật giáo và các tôn giáo khác.
Khi thần giáo quốc gia trở thành tôn giáo chính thức của đất nước thì thần quyền của Thiên Hoàng trở thành giáo thuyết chủ yếu. Sau Thế Chiến thứ nhất, có một sự bành trướng chủ nghĩa quốc gia và mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài. Trong tờ Biblical World (Thế giới Thánh Kinh) phát hành năm 1919, có một câu nói làm rõ những gì đã xảy ra vào thập niên 1940. Một tác giả đã mô tả ý kiến của người dân Nhật nói rằng: “Người Nhật là tuyển dân của Thượng Đế và sự hiện diện của Thượng Đế được tỏ ra một cách đặc biệt nơi Thiên Hoàng của Nhật Bản. Thần giáo được mệnh định là một tôn giáo phổ quát và là nền văn hóa cứu rỗi của nhân loại. Thiên Hoàng sẽ trở thành người cai trị thuộc linh và là người cai trị tối cao trong đời nầy của thế giới”.
Thần giáo quốc gia đã hoàn toàn tiêu hủy bằng cuộc chiếm đóng của phe Đồng Minh vào năm 1944. Vào ngày tết Dương lịch đầu tiên sau Thế Chiến thứ hai, Nhật Hoàng Hirohito ra một sắc lịnh đầy ý nghĩa nhất và nó đã miêu tả một sự thay đổi lớn tại Nhật Bản. Ông đã gạt bỏ quyền uy thần thánh và bãi bỏ niềm tin nơi địa vị tối cao của người dân Nhật. Trong tân hiến pháp, quyền tự do tôn giáo được hoàn toàn bảo đảm cho mọi công dân. Một số nơi thờ phượng đã bị suy vong nhưng tôn giáo nầy hiện nay vẫn mạnh mẽ như bao giờ. Hơn bảy trăm giáo phái mới đã được đăng ký và khoảng sáu năm giáo phái trong số đó đã nổi lên sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Thần giáo giáo phái được phát triển sau ba tôn giáo -- Thần giáo, Phật giáo và Cơ Đốc giáo -- và được chính quyền nhìn nhận. Có mười ba giáo phái được nhìn nhận. Một số giáo phái thờ các thần của Thần giáo, nhưng một số giáo phái khác thì thêm vào những vị thần riêng của họ và một số xem những người sáng lập như là những thần linh. Các giáo phái được liệt kê ra là Thần giáo Thuần Khiết (Pure Shinto), phái Khổng giáo, phái Thanh Tẩy (Purijication), Sơn phái (Mountain) và các phái chữa bệnh bằng đức tin. Nói chung, các giáo phái thực thi những nghi lễ của họ như các tôn giáo khác. Một số giáo phái có tính truyền giáo với nỗ lực đạt thêm số tín đồ, và nhiều giáo phái có Kinh sách riêng của họ.
ĐÁNH GIÁ VỀ THẦN GIÁO
Trong phần đánh giá của chúng ta về Thần giáo, chúng ta sẽ nói ngắn gọn những điểm mạnh và yếu của nó. Sau đó chúng ta sẽ nêu ra một số niềm tin của nó và những nhịp cầu dẫn đến lẽ thật của Cơ Đốc giáo mà nó có thể dẫn người Thần giáo đến chỗ hiểu biết về Đấng Christ và sự sống dư dật.
Những Điểm Mạnh Của Thần Giáo
- Nó tôn kính một quyền lực siêu nhiên trong thiên nhiên.
- Nó chủ trương một sự tôn kính tự hy sinh đối với giới thần quyền.
- Nó duy trì một cảm thức mạnh mẽ về lòng yêu nước và sự đoàn kết xã hội.
- Các người theo nó bày tỏ lòng tin tôn giáo qua giá trị của sự Tinh sạch và sự Thanh Tẩy bề ngoài.
- Nó nuôi dưỡng một cảm thức tôn giáo về vẻ đẹp trong thiên nhiên.
Những Điểm Yếu Của Thần Giáo
- Nó ôm ấp một đa thần giáo rộng rãi và duy linh thuyết.
- Nó theo nhiều huyền thoại lạ đời và quái dị về thần linh.
- Nó không có những tiêu chuẩn luân lý và luật lệ đạo đức cao đẹp.
- Nó không nhìn biết sự đầy tội lỗi của con người.
- Nó không có người sáng lập để thúc đẩy những lý tưởng cao đẹp.
- Nó không cần mục đích của đời sống tương lai, vì sự chết chỉ là một ảo ảnh.
- Nó không cung cấp một nguồn trợ giúp thần thánh nào trong cuộc đời nầy.
- Nó không đưa ra kế hoạch cứu rỗi.
Định Giá Thần Giáo Theo Quan Điểm Của Cơ Đốc Giáo
Giờ đây chúng ta sẽ đánh giá một số niềm tin của Thần giáo trong ánh sáng của lẽ thật của Cơ Đốc giáo và lưu ý đến một số nhịp cầu mà theo đó người Thần giáo có thể đến với Đấng Christ, “Con của sự Công Bình”.
Đề Tài: Tội Lỗi Và Sự Cứu Rỗi
Niềm Tin Của Thần Giáo. Người theo Thần giáo nói rằng con người chẳng có tội, họ không cần sự cứu rỗi. Chẳng có thiên đàng cũng chẳng có địa ngục, sự chết chỉ là ảo ảnh.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Nếu con người không có phạm tội thì tại sao có tội phạm xảy ra ngoài đường phố? Tại sao có sự băng hoại, ghen ghét, đánh nhau, suy đồi đạo đức xảy ra ở nhiều nơi? Những điều đó từ đâu đến? Như có người đã nói: “Nếu không có Sa tan, thì chắc chắn phải có ai đó đang làm công tác của hắn !” Tại sao phải có luật pháp dân sự? Chúng ta phải đối diện với thực tại. Có luật pháp đạo đức và luật pháp thuộc linh vì con người đã phản loạn với Đức Chúa Trời. Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Mọi người đều cần sự cứu rỗi và Đấng Christ là Cứu Chúa duy nhất. Mọi người nào biết lý luận đều nhìn nhận thực tế của sự chết, đó là một trong những sự kiện chắc chắn của cuộc sống ! Nhưng rồi, sau cái chết, điều gì sẽ xảy ra? Tất cả chúng ta đều phải đối diện với Đức Chúa Trời.
Lẽ Thật Kinh Thánh.
Rô-ma 3:10 “Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không”.
Rô-ma 6:23 “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta”.
Heb 9:27-28 “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét, cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người”.
Heb 2:3 “Nếu ta còn trễ nãi sự cứu rỗi lớn dường ấy thì làm sao tránh cho khỏi được?”.
Đề Tài: Hữu Thể Tối Cao
Niềm tin của thần giáo. Thần giáo nói rằng Kami là hữu thể tối cao vĩnh hằng, đầy quyền năng. Cũng có hằng ngàn vị thần và các tiểu thần khác, có vị tốt, có vị xấu, có vị giúp đỡ con người, có vị làm thiệt hại con người.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Theo một số sách thì Kami tương tự như một Đức Chúa Trời thực hữu, nhưng Kami là một sức mạnh vô vị cách (không có thân vị), một người không thể thông công với Kami. Đức Chúa Trời muốn ở trong mọi người, làm một người bạn, một người cha của họ. Ngài là một Đức Chúa Trời tốt, trong Ngài chẳng có điều xấu nào. Ngài không thể tự chối mình. Như vậy, Ngài đáng được tôn kính và thờ phượng. Ngài là Đức Chúa Trời duy nhất. Ngài đã tạo dựng mọi vật và Ngài đã tự bày tỏ chính mình Ngài cho con người qua Con Độc Sanh của Ngài. Đấng Christ là Đức Chúa Trời trở thành người để con người có thể hiệp một với Đức Chúa Trời.
Lẽ Thật Kinh Thánh
Ma-thi-ơ 6:9 “Các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, Danh Cha được tôn thánh”.
Ma-thi-ơ 4:10 “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”.
Xuất Ê-díp-tô 20:2-5 “Ta là Giê hô va Đức Chúa Trời ngươi... trước mặt Ta ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình.... Ngươi chớ qùy lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó. Vì Ta là Giê hô va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà”.
Đề Tài: Con Người Thần Thánh
Niềm Tin Của Thần Giáo. Từ buổi đầu, trong Thần giáo đã có niềm tin nơi hoàng đế Nhật Bản là thần linh. Sau thế chiến thứ II, dầu ông đã công khai tuyên bố rằng ông không còn là thần linh nữa, nhưng trong con tim của dân chúng, vẫn không có gì thay đổi.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Cái tư tưởng gán thần tính cho một người đã là tập quán trải qua bao thế kỷ. Thần quyền được gán cho Sê-sa và mọi người được lịnh phải gọi ông là Chúa. Các môn đồ của Chúa Jesus đã chịu khổ và chịu chết vì họ đã từ chối vinh danh Sê-sa của người La mã như là Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta hãy hỏi một cách đơn sơ: “Bằng chứng về thần tínhđó ở đâu? Một con người có thể bày tỏ cho chúng ta quyền năng của Đức Chúa Trời không? Tại sao Nhật Bản bị đại bại nếu Thiên Hoàng là Đức Chúa Trời?”.
Chúa Jesus đã chứng minh thần tính của Ngài bằng việc sống lại từ trong kẻ chết và ngày nay Ngài vẫn đang sống. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời và muôn vật bởi Ngài dựng nên. Trong khi còn ở trên đất, Ngài đã bày tỏ thần quyền của Ngài trong thiên nhiên, trong việc tha tội, trong việc chữa bệnh và trong việc khiến kẻ chết sống lại.
Lẽ Thật Kinh Thánh.
Ma-thi-ơ 23:8 “Các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy và các ngươi hết thảy đều là anh em”.
Ma-thi-ơ 4:10 “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”.
Ma-thi-ơ 9:6 “Hầu cho các ngươi biết Con Người ở thế gian có quyền tha tội”.
Giăng 1:1 “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”.
Đề Tài: Những Nơi Thánh Và Các Nghi Lễ
Niềm Tin Của Thần Giáo. Có hàng trăm ngàn đền chùa và các trang thờ được xây cất ở Nhật Bản để nhắc nhở người ta về sự thừa kế của họ và để tâm đến thế giới bên ngoài của họ. Sự thay đổi mùa màng, mùa gieo, mùa gặt, tất cả đều được đặc biệt tôn trọng bằng những nghi lễ và các ngày lễ hội.
Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Những nơi thiêng liêng và những biến cố thiêng liêng đã chiếm một chỗ trong cuộc sống của mọi người. Tuy nhiên, người ta phải coi chừng tầm nguy hiểm của việc quá nhấn mạnh đến các nghi lễ mà coi nhẹ ý nghĩa của nó. Trong mọi sự, Đức Chúa Trời phải được tôn cao. Ngài không ở trong chỗ xây cất bằng gạch đá mà Ngài ở trong lòng mọi người. Đây là sự nguy hiểm trong việc tổ chức các ngày lễ Phục Sinh và Giáng Sinh. Một người có thể bị mắc vào bẫy của ngày lễ hội mà quên đi Đấng Christ của lễ Giáng Sinh. Ngài phải đứng hàng đầu trong lòng mọi tín đồ và trong lòng mọi cơ hội vui vẻ.
Lẽ Thật Kinh Thánh.
Công vụ 17:24-28 “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài... Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất... hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời và hết sức tìm rờ cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”.
Cô-lô-se 1:18 “Ấy chính Ngài là đầu của thân thể, tức là đầu Hội Thánh. Ngài là ban đầu, sanh trước nhất từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng hàng đầu”.
Sau cùng, chúng ta hãy nói cho người Thần giáo biết rằng Chúa Jesus Christ là Con của Đức Chúa Trời hằng sống, như Phi e rơ đã nói trong Mat Mt 16:16. Trong Ngài có sự sống cả trong đời nầy và trong đời hầu đến nữa. Phao lô đã nói về điều đó trong Rô-ma 10:6-10. Đây là lời của đức tin mà chúng ta rao giảng, rằng Đấng Christ ở gần họ. Họ không cần phải lên trời hay xuống dưới vực sâu để tìm kiếm Đấng Christ. Ngài ở gần mỗi một người trong chúng ta. Vì vậy, tất cả những gì một người cần phải làm là tin trong lòng mình rằng Đức Chúa Trời đã khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và miệng mình xưng nhận rằng Ngài là Chúa, thì người đó sẽ được cứu.