Tìm kiếm

ĐẠO SIKH (Sikhism)

Trong bài học trước, chúng ta đã biết Ấn độ giáo là một tôn giáo đa thần - tức là một tôn giáo thờ nhiều vị thần. Nó cũng là một tôn giáo phổ cập, trong đó mọi tôn giáo khác có thể ẩn trú dưới tàng của nó. Trong khi học về các tôn giáo thế giới, một lớp học của một trường Kinh Thánh đã viếng một đền chùa của người Ấn độ giáo. Một sinh viên hỏi thầy tư tế: “Làm thế nào một người có thể trở thành tín đồ Ấn giáo?” Ông trả lời: “Cậu chẳng phải làm gì cả ! Cậu đã là tín đồ rồi, vì cậu đã vào chùa nầy !”. Các sinh viên có nhiều thắc mắc về điều nầy.

Khi chúng ta nghiên cứu đạo Sikh, chúng ta sẽ thấy một bức tranh khác. Đây là một hệ thống độc thần nghiêm nhặt, bác bỏ các hình tượng. Đối với một người đã nhận chân được hình tượng là giả dối, thì đạo Sikh có thể thu hút họ đến chân lý. Nó đòi hỏi sự thờ phượng một Chân Thần thông qua một danh xưng thực sự, và kêu gọi phải nghiêm khắc với bản thân. Trên bình diện những sự dạy dỗ của đạo Sikh, dường như chúng chứa đựng rất nhiều chân lý. Có thể nào một tôn giáo hàm chứa nhiều sự thật mà vẫn không phải là Chân lý không? Có thể nào một người tìm thấy Thượng Đế chỉ bởi vì người đó đang tìm kiếm một kinh nghiệm thuộc linh không?

Đạo Sikh là một cây gồm những niềm tin mà bông hoa của nó hoàn toàn đẹp đẽ khi ngắm nhìn vào, nhưng khi chúng ta bóp nát chúng thì chúng sẽ phóng ra một mùi hôi thối khó chịu. Trong bài học nầy, chúng ta sẽ thấy tại sao như vậy, khi chúng ta xem xét cách chuyển đổi chính cái bản chất của những niềm tin nầy “rút ra mùi hương”.

Dàn Bài

Làm quen với đạo Sikh.

Các niềm tin của đạo Sikh.

Những sự truyền thống của đạo Sikh.

Sự phát triển của đạo Sikh.

Đánh giá về đạo Sikh.

Những Mục Tiêu Bài Học


LÀM QUEN VỚI ĐẠO SIKH

Đạo Sikh là một đạo xuất hiện gần đây nhất trên sân khấu tôn giáo rộng lớn của thế giới. Nó được thành lập vào lúc vừa bước sang thế kỷ thứ 16 sau công nguyên. Mặc dầu nó đã có căn rễ trong Ấn độ giáo ở Ấn độ , đạo Sikh đã tháp một số ý niệm của Hồi giáo vào thân các niềm tin của nó. Từ sự kết hợp đó, đã mở ra một hệ thống tôn giáo mới. Thực ra, đạo Sikh là một phong trào cải cách mà nó đã tìm cách đem cái tinh túy của vài tôn giáo cùng vào một đức tin mới. Giống như Do Thái giáo, nó là một trong số ít tôn giáo đã lập được một tình trạng mới.

Định nghĩa

Từ ngữ Sikh đến từ chữ Sisya của Phạn ngữ hay từ chữ Sikha của ngôn ngữ Pali (một ngôn ngữ của Ấn độ, thường được dùng trong văn tế của Phật giáo Tiểu thừa -ND ) có nghĩa là “môn đệ”. Các vị Sikh là các môn đệ của mười vị Guru (những lãnh tụ tôn giáo), bắt đầu với ông Nanak và chấm dứt với ông Gobind Singh. Khi đạo Sikh được thành lập, các tín đồ Ấn độ giáo và Hồi giáo đang xét lại phương cách để đến gần Thượng Đế. Đạo Sikh là một cố gắng để cung ứng một phương pháp thay thế.

Vị Trí Địa Dư

Đạo Sikh phát khởi như là một cộng đoàn tôn giáo và quân sự tại lãnh thổ Punjab, vùng đất của năm con sông ở phía tây bắc Ấn độ . Nó đã trở thành một tiểu bang vào năm 1966 trong một cuộc tái tổ chức lãnh thổ căn cứ theo tiếng nói. Khi Ấn độ đã dành được độc lập từ tay người Anh vào năm 1947 thì lãnh thổ Punjab bị phân làm hai. Vùng phía tây thành một phần của xứ Pakistan và vùng phía đông trở thành một phần của Ấn độ. Một sự phân rẽ xâu xa hơn được đặt cơ sở trên tôn giáo. Vì xứ Pakistan theo Hồi giáo, cho nên đã có một cuộc xuất hành đông đảo của người Sikh để đến vùng Punjab thuộc phía bắc Ấn độ. Phần lớn người Sikh đã ở lại khu vực đó từ đến nay. Những người đã di chuyển đến các nơi khác vẫn xem vùng Punjab là quê hương của họ và họ muốn một ngày nào đó sẽ trở lại chốn ấy.

Những Đặc Tính Của Người Sikh

Từ lúc được thành lập, đạo Sikh đã can dự vào sinh hoạt chính trị và cải cách. Để chống lại người Ấn độ giáo, người Sikh đã phải chiến đấu để độc lập cho tôn giáo của họ. Kết quả là với tài chiến đấu và lòng nhiệt thành họ đã thuộc trong số những lực lượng mạnh nhất tại Ấn độ . Họ có mặt rất đông ở những nơi có cần, như lực lượng cảnh sát và các vệ sĩ, ở tại những chỗ như là Penang, Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải. Do đó, đạo Sikh được nhiều người biết đến vì vai trò của nó trong lịch sử Ấn độ, hơn là vì niềm tin của họ.

Sự Thánh Lập Đạo Sikh

Guru Nanak, người sáng lập đạo Sikh, sinh năm 1469, tại làng Talvadi, cách Lahore độ 40 dặm (khoảng 70km). Ông là con của một người kế toán, là một người Ấn độ giáo thuộc giai cấp Ksatriya (chiến sĩ). Nanak rất quan tâm đến những vấn đề tôn giáo từ thuở thiếu thời. Ông sáng tác các bài đạo ca và dành nhiều thì giờ trong sinh hoạt hát đạo ca trong cộng đoàn. Ông và bạn mình là Mardana đã tổ chức một nơi mà ở đó người Hồi giáo và người Ấn độ giáo gồm những giai cấp khác nhau có thể ăn uống chung cùng nhau.

Cuộc Sống Ban Đầu . Trong thời kỳ ấy, những vị thánh thường hay đi dạo và bàn luận các tư tưởng của Ấn độ giáo lẫn Hồi giáo, ngay cả tại những làng mạc nhỏ. Nanak thích tranh luận những vấn đề tôn giáo với họ. Khi lớn lên, Nanak chẳng còn dự phần trong các sinh hoạt thường nhật đều đặn của gia đình nữa. Điều nầy khiến cho cha mẹ ông e sợ rằng con họ đã mắc bệnh tâm thần. Ông bảo với cha mẹ mình rằng, cái đau duy nhất của ông là “cái đau bị xa cách Thượng Đế”. Ông kết hôn với con gái của một Kshatri (người ở giai cấp cao hơn) và sanh được hai con trai. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình của không được hạnh phúc, và sự thôi thúc tìm kiếm chân lý thuộc linh trở nên mãnh liệt, nên ông đã bỏ nhà ra đi.

Một Sự Thăm Viếng Thuộc Linh . Nanak dành nhiều thì giờ kiêng ăn, đọc kinh nguyện và suy gẫm, cho đến cuối cùng ông cảm thấy xứng đáng để khoác chiếc áo dài của một nhà tu hành. Một lần nọ, trong một khu rừng ở Sultanpur, lần đầu tiên ông đã có kinh nghiệm thuộc linh của mình. Ông nói rằng ông đã nghe một tiếng nói, mà ông tin rằng đó là tiếng nói của một vị thần: “Ta ở cùng ngươi, Ta làm cho ngươi hạnh phúc. Hãy giữ đừng để thế gian làm hư hỏng mình. Hãy thực hành lòng bác ái, các phép rửa, sự thờ phượng và trầm tư. Ta là Thượng Đế, là Brahma đệ nhất. Ngươi sẽ là một guru thần thánh”. Theo truyền thuyết của người Sikh thì trong khi ông đang tắm tại một dòng suối, ông đã biến mất. Ngày thứ ba ông quay trở về và nói lời công bố nổi tiếng đầu tiên: “Không có Ấn độ giáo, cũng không có Mussulman (Hồi giáo)”.

Những Chiến Dịch Rao Giảng . Sau đó, Nanak mở ra những chiến dịch truyền giảng, Mục tiêu của ông là tinh luyện và giải hòa các đức tin tôn giáo. Để minh họa sự dạy dỗ của mình, ông mặc một bộ y phục tôn giáo phối hợp giữa người Ấn giáo và người Hồi giáo. Đem theo hai người bạn, Mardana, một nhạc sĩ Hồi giáo, và một người dân quê Ấn độ giáo, ông đã giảng đạo trong các phố chợ, nơi công viên hoặc tại các góc đường. Khi vào một làng mạc nào, Mardana tụ tập được một đám đông bằng cách kéo chiếc đàn rebab của mình, một loại đàn vĩ cầm thời xưa. Sau đó, Nanak cao rao các bài giảng thuyết nổi tiếng của mình. Khi có người hỏi nó có ý nghĩa gì, ông liền giới thiệu sự dạy dỗ của mình. Cả ba người đều được các lãnh tụ tôn giáo ân cần tiếp đón, họ chiêu tập các tín đồ theo đạo mình và tiếp tục lên đường. Trong bốn cuộc hành trình, họ đã viếng thăm các vùng thánh địa của người Ấn độ giáo. Họ đến Assam, một tiểu bang ở đông bắc Ấn độ, rồi đi xuyên qua vùng Tamil ở phía đông nam Ấn độ và tiếp tục tiến đến Tích Lan. Sau đó họ lên vùng phía bắc, đến xứ Tây Tạng ở trong dãy núi HiMã Lạp Sơn, và đi xa tít về phía tây, đến tận Baghdad, Mecca và Medina.

Sự Chết Của Nanak. Các tín đồ của Nanak nói rằng giáo chủ của họ đã có một sự chết nhiệm mầu. Giống như nhiều lãnh tụ tôn giáo khác, ông đã được tôn kính và được thần thánh hóa bằng những quyền năng tưởng tượng mà chúng không được mơ tưởng đến trong lúc ông còn sống. Những giờ cuối cùng của đời ông cũng được thêu dệt cũng một cách y như vậy. Một tác giả thuộc đạo Sikh nói:

Guru Nanak ngồi dưới cây keo khô cằn. Kìa ! Nó trở nên xanh tốt, đâm lá và trổ hoa. Những người Hồi giáo nói họ sẽ chôn Ngài, các tín đồ Ấn độ giáo của Ngài nói họ sẽ hỏa táng Ngài. Khi người ta xin Ngài Guru quyết định, Ngài nói: “Hãy để người Ấn giáo đặt hoa bên phải ta và các người Hồi giáo đặt hoa bên trái ta”. Sáng mai, hoa của ai còn tươi tốt, thì kẻ ấy an táng thi hài ta. Rồi ông ra lệnh cho đoàn chúng hát: “Hỡi các bạn hữu ta, hãy cầu kinh cho ta để ta có thể gặp được chủ (chúa)”. Vị guru kéo tấm che kín mình, cúi phục thần linh của mình. Sáng hôm sau, khi tấm khăn được cất đi, chẳng còn có vật gì bên dưới nó. Các bông hoa ở cả hai phía đều nở rộ.

Người Sikh đã xây một lăng miếu và người Hồi giáo lập một lăng tẩm để tôn kính ông.


NHỮNG NIỀM TIN CỦA ĐẠO SIKH

Nhìn từ quan điểm của Cơ Đốc giáo, sự dạy dỗ của Nanak là một sự pha trộn kỳ lạ. Một mặt thì ông tin nơi giáo thuyết Karma của Ấn độ giáo. Ông đã mô tả tình trạng sau cùng của con người như là sahaj (một sự kết hợp với quan niệm của ông về Thượng Đế) cũng như người Ấn độ giáo đã mô tả. Người Ấn độ giáo tin rằng Thượng Đế là nội tại, nghĩa là Ngài ở trong thế giới nầy và tin rằng con người muốn được thu hút vào Thượng Đế, giống như một giọt nước rơi vào đại dương. Theo luật Karma, nếu một người qua đời người đó sẽ được đầu thai vào thế kỷ nầy nhiều lần nữa cho đến khi người ấy bước vào sự kết hiệp với tuyệt đối.

Mặt khác, những người khác đang dạy về avatars (sự hóa thân). Theo sự dạy dỗ nầy, các thần linh khác nhau đã đến trái đất nầy trong sự nhập thể làm người. Còn Nanak nói rằng chỉ có một Thượng Đế duy nhất và không có avatars nào. Ông đồng ý với người Hồi giáo rằng Thượng Đế là khác hẳn với tạo vật, Ngài là siêu việt. Tuy nhiên, vào thời ấy, như là một kết quả của phong trào Bhakti, Braman đã được nhìn theo một cách có thân vị hơn. Theo sự dạy dỗ nầy, nếu bạn có bhakti, tức là “lòng sùng tín mến yêu” đối với Thượng Đế, thì bạn cũng không thể giúp gì cho việc suy nghĩ về Ngài như là một thân vị. Nanak đồng ý rằng Thượng Đế là một thân vị và ngay cả sau khi kết hợp với Thượng Đế rồi thì một người vẫn giữ cái đặc tính riêng của mình.

Ý Niệm Về Thần Linh Của Nanak

Nanak chủ trương hai sự dạy dỗ chính: quan niệm của ông về Thượng Đế là một Thượng Đế có một, là Đấng tối cao và là guru vĩnh hằng, và Thượng Đế là chân lý. Ông dạy rằng Đức Allah của Hồi giáo và nhiều vị thần của Ấn độ giáo thực ra chỉ là một Thượng Đế cao cả. Ông gọi Thượng Đế nầy là Sat Nam tức là Chân Danh (tên thật ) và tuyên bố rằng Sat Nam là một guru, tứ ái, tức là một vị thầy. Kinh Mul Mantra, bài kinh nguyện buổi sáng chính của người Sikh, cho thấy một ý niệm về niềm tin nơi quan niệm của họ về Sat Nam.

  • Có một Thượng Đế, Ngài là chân lý tối cao.
  • Ngài, Đấng Tạo Hóa, không biết sợ và không biết ghét.
  • Ngài, Đấng toàn tại, thâm nhập vào vũ trụ nầy.
  • Ngài không sinh ra, cũng không chết đi để đầu thai.
  • Bởi ơn Ngài, ngươi sẽ thờ phượng Ngài.
  • Trước khi có thời gian, đã có chân lý.
  • Khi thời gian bắt đầu nhịp chuyển, Ngài đã là chân lý
  • Cho đến giờ nầy, Ngài vẫn là chân lý.
  • Chân lý sẽ còn trổi cao mãi mãi.

Cho tới ngày nay, người Sikh vẫn nhấn mạnh đến sự kết hiệp với Thượng Đế, và xem Ngài ngang bằng với chân lý. Cuốn sách thánh của họ, Kinh Japji , tuyên bố rằng: “Ngài chỉ có một. Nhưng nhiều sự vật là sự biểu hiện của Ngài”. Những lời tỏ tường của cuốn sách nầy nhắc đến danh hiệu dùng để gọi Thượng Đế, danh hiệu Sat Nam, nghĩa là Chân Danh (True Name). Danh hiệu nầy có trong mọi bài thánh thi và được người ta tin là sự nhậ thể của thần linh. Theo đạo Sikh, Thượng Đế tối cao là một vị guru, tức là một vị thầy. Vì Sat Nam là trừu tượng, do đó, sự thánh khiết là cái gì chúng ta tiếp nhận hơn là đạt được do nổ lực. Nó được ban cho qua sự vâng phục vị guru thần thánh.

Các Nghi Lễ Và Chủ Nghĩa Hình Thức. Sứ điệp của Nanak được ăn khớp theo các thời kỳ. Vì bộ dạng bên ngoài của ông có vẻ chất phác và hài hước, cho nên ông rất thành công trong việc đả phá chủ nghĩa hình thức trong tôn giáo. Tính hài hước của ông khiến ông trình bày sự ngu xuẩn của các lễ nghi tôn giáo bị hư hoại mà không cần phải lên án chúng một cách thực tế. Tại Hardwar, ông đã gia nhập với người Ấn độ giáo trong việc tắm rửa theo nghi lễ của họ. Trong buổi lễ nầy họ thường hay tạt nước về hướng mặt trời mọc như là một sự dâng lên cho tổ tiên họ. Tuy nhiên, Nanak đã tạt nước về hướng tây, và những người thờ phượng đã thóa mạ ông. Ông trả lời: “Tôi đang tạt nước về vùng đất của tôi ở Punjab. Nếu các ông tạt nước cho người quá cố ở trên trời, thì dễ dàng hơn là chúng ta nên gởi nó về cho một chỗ nào khác ở trên đất nầy”.

Theo truyền thuyết của người Sikh, trong khi Nanak ở tại Mecca, ông đã giả trang mình là một người Hồi giáo. Nhưng khi ông ngủ, đôi bàn chân ông lại hướng về phía Kaaba, tức công viên được xây cất bằng đá thiêng và là nơi thánh nhất của Hồi giáo. Một thầy tư tế Hồi giáo giận dữ đánh thức ông dậy một cách sỗ sàng và truyền cho ông phải chuyển đôi bàn chân về hướng khác. Nanak đáp lại: “Hãy xoay đôi bàn chân của tôi về nơi mà Thượng Đế không cư trú ở đó”. Bằng cách nầy, ông phơi bày sự giả hình của Hồi giáo và ông cao rao đức tin của mình nơi một Thượng Đế thật.

Hình Tượng Và Các Nghi Lễ. Vì Nanak tin rằng chỉ có Thượng Đế của ông là đáng tôn thờ, nên ông đã ngăn cấm tất cả các sự thờ phượng các ngẫu tượng và biểu tượng. Ông nói rằng Thượng Đế không thể bị nhốt vào một hình tượng bằng gỗ hoặc bằng đá. Chân lý cao trọng hơn tất cả các vật đó. Thượng Đế đòi hỏi sự thờ phượng qua sự suy gẫm danh của Ngài. Nanak bác bỏ mọi hình thức bề ngoài và các nghi lễ tôn giáo. Những điều nầy bao gồm sự thờ phượng bằng hình tượng, bằng sinh tế, bằng các cuộc hành hương, các kinh nghiệm có tính cách nghi thức và chức vụ tư tế. Vì mọi người đều giống như nhau trước mặt Thượng Đế, nên ông bác bỏ hệ thống giai cấp của Ấn độ giáo. Ông cũng giảng dạy nghịch cùng các tập tục tảo hôn của Ấn độ giáo, sự sát hại trẻ con (giết các em bé thơ) và tập tục Sutee (sự hỏa thiêu các góa phụ) (Sutee: Tập tục hỏa thiêu các người vợ theo chồng của họ khi chồng họ qua đời để tỏ lòng chung thủy -- ND). Sự dạy dỗ của ông về việc cải cách xã hội đã góp phần nhiều trong việc nâng cao tình trạng phụ nữ tại Ấn độ để được bình đẳng với nam giới. Ông dạy dỗ người ta lấy chân lý (sự thật) để thay thế cho các nghi lễ của người Hồi giáo.

  • Hãy lấy lòng thương xót làm giáo đường cho ngươi,
  • Hãy lấy đức tin làm tấm thảm cầu kinh cho ngươi,
  • Hãy lấy nếp sống thật thà làm kinh Quran của ngươi,
  • Hãy lấy nết na làm luật lệ để tuân giữ
  • Hãy lấy sự tin kính làm chay tịnh mà người phải giữ,
  • Hãy lấy hành vi phải lẽ làm khuôn viên Kaaba, là sự chân thật của người tiên tri.
  • Các công việc lành sẽ là bài kinh nghiệm cho ngươi.

Theo quan niệm của Nanak, thế giới là một thực tại do Thượng Đế tạo nên. Nó không chỉ là một maya (ảo tưởng) như người Ấn độ giáo tin tưởng, mà là con người lãng quên Thượng Đế. Kết quả là Nanak đã cấm mọi tập tục tu hành, ông bảo rằng mọi vật trong thế gian đều được xử dụng một cách hoan hỉ. Điều nầy bao gồm cả thịt, vì điều nầy mà người Ấn độ giáo đã chỉ trích ông, vì họ từ chối ăn thịt, bởi vì thịt có thể là một sự luân hồi (hay tái đầu thai -- reincarnation).

Các Vị Guru Của Đạo Sikh

Ý niệm về các vị guru nằm trong trái tim của đạo Sikh. Từ ngữ guru đến từ Phạn ngữ có nghĩa là “xem trọng, đáng tôn kính”. Một vị guru được xem là một vị thầy và là người dẫn đạo thuộc linh, nhưng đạo Sikh đã làm rộng nghĩa nó ra và bao gồm những ý nghĩa khác.

Thượng Đế là vị guru thật. Lời của Ngài đến cho nhân loại qua mười vị lãnh đạo, mỗi người được gọi là một guru.

Mười vị lãnh đạo của đạo Sikh là các vị guru, khởi đầu là Nanak.

Cộng đoàn người Sikh cũng là một guru, tiếp theo sau vị guru thứ mười.

Các lãnh đạo tôn giáo, các avatar (hiện thân) cũng được gọi là guru, vì họ được xem là một người có thần linh ở cùng.

Các sách thánh của đạo Guru Granth Sakib.

Karma Và Sự Chuyển Tiếp (Karma and Transmigration )

Nanak chủ trương ý niệm kép về Karma và sự chuyển tiếp, như những nhà cải cách khác của Ấn độ đã chủ trương. Kinh Japji đã nói:

“Lời nói không làm cho thành thánh nhân hay thành tội nhân”. Chỉ có hành động là được ghi trong Sách Số Mệnh mà thôi. Chúng ta gieo gì thì chúng ta chỉ gặt thứ ấy. Hỡi Nanak, được cứu rỗi hay phải bị chuyển tiếp mãi mãi (Thánh Thi Thiên 20 của đạo Sikh). Bởi lệnh truyền của người mà kẻ nầy được sung sướng, kẻ khác phải khổ đau. Bởi ân sủng của người mà kẻ nầy được cứu rỗi còn kẻ khác phải u buồn trong việc chết đi, rồi lại sống để rồi chết đi nữa (Thánh Thi Thiên 20 của đạo Sikh)

Nanak tin nơi moksha nghĩa là “sự giải thoát khỏi nghiệp quả”. Con người có thể bước vào chỗ sahaj , tức là “kết hiệp cùng Thượng Đế”, và bẻ gãy cái vòng độc ác của nghiệp quả và sự chuyển tiếp, nhận được sự cứu rỗi. Tình trạng kết hiệp cùng Thượng Đế nầy được tin là xảy ra khi Karma chấm dứt. Nó có thể xảy ra như thế nào ? Nó được ban cho nhờ “ân sủng” của Sat Nam và qua nếp sống công chính về phần con người. Ý chí con người là quan trọng đối với giáo lý Karma của người Sikh. Theo cách nầy, nó khác với giáo lý của Ấn độ giáo. Đây là những bước tiến diễn ra :Ân sủng tạo ra một sự thay đổi trong linh hồn con người. Rồi người đó trở thành được soi sáng để hướng về Thượng Đế thay vì lấy chính nình làm trung tâm. Kết quả là Karma không còn hoạt động nghịch lại người đó để kéo người đó sa xuống được nữa. Bây giờ người đó làm theo ý muốn của Thượng Đế. Do đó, giáo thuyết của người Sikh tương tự với niềm tin của Cơ Đốc Giáo cho rằng một tấm lòng được thay đổi đưa đến một cuộc đời được thay đổi.

Ân Sủng Và Việc Làm

Từ ngữ parshad có nghĩa là “ân sủng” là từ ngữ được dùng nhiều nhất trong kinh sách của đạo Sikh. Nó xảy ra 636 lần trong Sách thánh. Theo ý nghĩa nầy, đạo Sikh rất gần gũi với Cơ Đốc Giáo. Một tác giả cho rằng Nanak đã gặp gỡ và chịu ảnh hưởng bởi người Cơ Đốc. Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng. Nanak đã trộn lẫn ân sủng với việc làm. Ông nói rằng Thượng Đế quá cao trọng đến nỗi con người không thể biết Ngài, trừ phi Thượng Đế mặc khải chính Ngài. Chính nhờ ân sủng của Thượng Đế mà chúng ta biết Ngài và đến cùng sự cứu rỗi. Thật là cao xa, thật là tốt lành. Ông đồng ý với Thánh Kinh về phương diện đó.

Tuy nhiên, Nanak có khác biệt trong vấn đề mục đích của ân sủng. Ông nói ân sủng hoạt động để mukti , tức là để giải thoát. Nhưng đối với ông, sự cứu rỗi có nghĩa là sự giải phóng khỏi vòng Karma để rồi được kết hiệp với Thượng Đế. Đối với Nanak, sự tìm kiếm của ông là khôi phục sự kết hiệp mà nó luôn luôn có. Ân sủng tạo ra một sự thay đổi trong linh hồn con người, đến nỗi người đó được soi sáng hướng về Thượng Đế. Do đó, Karma không còn kéo người đó sa xuống nữa mà dẫn người đó hướng thượng, đến cùng Thượng Đế.

Nhưng theo Kinh Thánh, ân sủng của Thượng Đế không còn có bước nào khác để đến sự cứu rỗi. Nanak đã hy vọng nhờ ân sủng, cộng thêm với một chuỗi những sự thay đổi của Karma, mà được đến gần Thượng Đế. Lời Đức Chúa Trời hứa về một sự tiếp xúc trực tiếp với Đức Chúa Trời - bởi đức tin. Ngài ban ân điển như là một quà tặng nhưng không, vô điều kiện. Ân điển của Đấng Christ tạo ra kết quả gì ? Không phải Karma, nhưng là sự cứu rỗi (Ê-phê-sô 2:3-10). Việc làm công chính đến sau khi được cứu rỗi. Ân sủng là một “khẩu hiệu” (watchword) đối với đạo Sikh, nhưng điểm mạnh của nó lại có điểm yếu. Cũng như luật pháp Môi-se, nó chỉ có thể là một thầy giáo để dẫn người ta đến cùng Đấng Christ.

Sự Cứu Rỗi

Nanak dạy rằng sự cứu rỗi bao gồm một sự hiểu biết về Thượng Đế và một sự hòa lẫn sau cùng vào Thượng Đế. Ông nói điều nầy xảy ra qua sự nhắc đi nhắc lại danh Sat Nam. Một sự hòa lẫn con người với thần linh như vậy chính là sự cứu rỗi theo như trong Kinh Upanishads của người Ấn độ giáo. Tuy nhiên, ý niệm về sự đầu phục Thượng Đế như là phương tiện để đạt sự cứu rỗi, theo như người Hồi giáo tin, là xa lạ với tư tưởng của Ấn độ giáo. Cũng như Allah, Sat Nam hành động theo ý mình, không có sự cưỡng bức nào từ phía bên ngoài. Một bài Thánh Thi của đạo Sikh nói rằng : “Điều chi Ngài muốn thì Ngài truyền, chẳng ai có thể ra lệnh cho Ngài, hỡi Nanak, vì Ngài là vua muôn vua. Theo ý muốn Ngài mà chúng tôi sống” (Thánh Thi Thiên 27 của đạo Sikh).

Nanak dạy cho tín đồ mình chỉ suy nghĩ về Thượng Đế và lặp đi lặp lại không ngừng danh của Ngài, nó là công thức để nhận được sự cứu rỗi. Nanak nói, làm như vậy sẽ còn hữu hiệu hơn là dâng sinh tế hay là bố thí. Trở thành được hấp thu vào Sat Nam, vì chỉ trong Ngài mới có chân hạnh phúc. Đối với người Sikh, sự cứu rỗi không phải là vào thiên đàng sau kỳ phán xét cuối cùng, mà là được hấp thu vào Thượng Đế, là Danh hiệu của chân chính.

Năm Bước Đi Của Đạo Sikh: Cá nhân người Sikh cố gắng đi theo năm bước sau đây để đạt được kết hiệp với Thượng Đế:

  • Dharam Khand là bước nhận biết rằng cả thế giới là của Thượng Đế và ở dưới quyền lực Ngài.
  • Ghyan Khand là bước nhận được sự thông hiểu chân lý thuộc linh và các nền tảng thuộc linh về thế giới.
  • Saram Khand là bước đáp ứng tích cực với ân sủng của Thượng Đế bằng cách thực hành việc lành.
  • Karam Khand là bước thông công mật thiết trong tình yêu mến với Thượng Đế.
  • Sach Khand là một giai đoạn của chân lý mà trong đó có sự hòa hợp hoàn toàn giữa con người và Thượng Đế.



SỰ TRUYỀN THÔNG CỦA ĐẠO SIKH

Guru Nanak không để lại tác phẩm nào về niềm tin của mình, theo như người ta biết. Công tác mô tả các giáo thuyết của đạo Sikh được để lại cho các vị guru nối tiếp ông.

Kinh Adi Granth. Cuốn sách thánh của đạo Sikh là Kinh Adi Granth có nghĩa là “Sách nguyên thủy”. Nó được biên soạn bởi Arjan, vị guru thứ năm vào năm 1604. Khi được hoàn tất, nó là một cuốn sách khổng lồ gồm 1.500 trang. Nó có 3.384 bài đạo ca do Nanak, Kabir và các vị guru khác sáng tác. Người Sikh cho là nó có uy quyền và tôn kính nó, đó là sự thờ hình tượng thực tế. Họ tin rằng Kinh Adi Granth (Sách của chúa) là vị guru vô hình của họ, được nhập thể bằng thân thể của chúa (chủ).

Kinh Adi Granth là trọng tâm của mọi sự thờ phượng, và không cần lễ nghi nào khác ngoài ra nó. Nó được bọc trong một bao bằng lụa đắt giá, và được đặt trên một chiếc ngai bên dưới một táng che (canopy -- giống như một chiếc lộng che)của bàn thờ. Những người hầu lễ đứng phía sau nó, đong đưa một cái đuôi bò (giống bò lông dài ở Tây Tạng). Những người thờ phượng đến gần nó phải đi chân trần, đầu cúi xuống và tỏ lòng cung kính bằng cách đụng trán của họ xuống đất. Họ đặt của cúng bằng thực phẩm và tiền bạc trên những tấm thảm đặt cuốn sách đó. Các bản sao của nó tại một số gurdwaras (nơi hội họp, có nghĩa là “cửa dẫn đến guru”), thậm chí chúng được đặt để an nghỉ trong các chiếc giường vào ban đêm, Như vậy, đạo Sikh đã phát triển thành một tôn giáo thờ sách. Nanak đã từng bác bỏ một cách quyết liệt sự tôn thờ sách bibliolatry.

Các Phần Của Kinh Granth. Kinh Adi Granth hay Kinh Granth Sahib có bảy phần chính, được đọc vào từng thời gian đặc biệt. Toàn bộ tác phẩm được phổ nhạc cổ điển Ấn độ.

  • Kinh Japji của Guru Nanak được đọc vào giờ kinh nguyện buổi sáng.
  • Kinh So daru (cánh cửa ấy) được đọc vào giờ kinh nguyện buổi chiều.
  • Kinh So purkh (hữu thể tối cao) cũng được dùng trong giờ kinh nguyện ban chiều.
  • Kinh Sohila (bài ca ngợi) được đọc vào giờ đi ngủ.
  • Phần chính của sách được hát theo âm điệu.
  • Kinh Bhog (đoạn kết) gồm các bài chọn lọc của Kabir, Farid, của các thi sĩ của Brahman và của các guru.
  • Phần Rag Mala, phần kinh gọi tên các âm điệu (các âm tiết).

Tương phản với Thánh Kinh của Cơ Đốc giáo, Kinh sách của người Sikh rất dài dòng và khó hiểu. Chẳng hạn, chúng không có hiệu lực đối với người dân thường vì chúng cần phải được các giáo sư đã được huấn luyện hoặc các guru giải thích. Thánh Kinh của Cơ Đốc giáo được ghi nhận về tính đơn giản và tính có hiệu lực của nó. Việc tôn trọng Kinh Adi Granth ngang với thẩm quyền của một vị guru là một ví dụ về tôn giáo của người Sikh đã suy thoái như thế nào. Sự thờ hình tượng như vậy đã từng bị chính Nanak lên án. Chúng ta tin Kinh Thánh là Lời thành văn của Đức Chúa Trời, nhưng các trang bằng giấy và mực của nó không phải là sự hóa thân của Đức Chúa Trời. Cái điều là thánh, là tốt lành chính là các lẽ thật của nó.



SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẠO SIKH

Nanak đã hy vọng hợp nhất người Hồi giáo và người Ấn giáo vào một sự kết hợp với Thượng Đế. Tuy nhiên, phong trào nầy không bao lâu bắt đầu có những hội chúng riêng rẽ của nó. Cuối cùng, Nanak đã bước một bước quan trọng trong việc lựa chọn người kế nhiệm để làm một guru. Bằng việc làm đó, ông nhận định rằng phong trào của mình là xứng đáng tiếp tục trong chỗ riêng của nó. Nó còn hơn việc làm một nhịp cầu nối liền giữa hồi giáo và Ấn độ giáo.

Sự kế Kế Nhiệm Của Các Guru. Lịch sử của đạo Sikh xoay quanh các vị guru. Tất cả có 10 vị guru, bắt đầu với Nanak. Trước khi qua đời vào năm 1538, Nanak nhận định các con mình là không có phẩm chất, nên ông đã chỉ định một đệ tử sùng đạo là Lahina làm người kế nhiệm mình.

Vị guru thứ nhì là Angad (từ năm 1538-1552). Trước kia tên ông là Lahina, nghĩa là người bện dây thừng, nhưng sau đó tên ông được đổi thành Angad có nghĩ là “xả thân”. Ông đã xếp đặt lại cựu kinh Guru Mukti theo thứ tự mẫu tự và là người đầu tiên xem Nanak ngang hàng với Thượng Đế.

Amardas Nanak III là vị guru thứ ba, từ năm 1552 đến 1574. Ông đã góp công nhiều trong việc tổ chức và củng cố cộng đồng người Sikh, và cung ứng các trung tâm dạy đạo và một chùa miễu trung ương.

Guru Ramdas, hay là Nanak IV (1574-1581) là con rễ của Amardas. Ông đã đưa ra nguyên tắc kế thừa sự kế nhiệm bằng việc chỉ định con trai mình làm vị guru kế tiếp của đạo Sikh. Công việc sau cùng của ông là mua lại vùng đất từ nơi Hoàng đế Akbar và xây cất trên đó chùa miếu Amritsar, có nghĩa là “bất tử”, đó là đền miếu trung ương của đạo Sikh.

Guru Arjan, tức Nanak V, từ năm 1581 đến 1606, được chú ý vì đã biên soạn Kinh Granth . Bộ Kinh nầy ông biên soạn từ các nguyên tác của bốn vị guru tiền nhiệm và từ một số tác phẩm của các vị thánh khác.

Har Govind, là vị guru thứ sáu, từ năm 1606 đến 1638. Công tác của ông là mở rộng các cuộc hành quân của đạo Sikh để chiến đấu với các người cai trị Hồi giáo Moghul cả Ấn độ.

Vị guru thứ bảy, Har Rai (1638-1660) Tham dự vào chiến tranh chống lại các Moghul, nhưng đã bị đại bại.

Vị guru thứ tám, Har Kishan (1660-1664) tham dự vào chiến trận chống nhà cầm quyền Hồi giáo ở Delhi.

Vị guru thứ chín, Tegh Bahadur (1664-1675), là một chiến sĩ có khả năng khác thường. Ông đã hàn gắn đạo Sikh thành một lực lượng lớn hơn bất cứ vị guru nào trước đó.

Vị guru thứ mười, Gobind Singh (1675-1708), đã trở thành nhà chiến lược quân sự tài ba nhất trong số họ. Vào lúc ông mất, ông đã không chỉ định một người nào kế nhiệm, nhưng ông nói với người Sikh rằng, từ đây về sau, Kinh Adi Granth sẽ là vị guru của họ. Từ đó về sau nó được gọi làGuru Granth Sahib.

Ngũ K (năm chữ K). Gobind đã được nổi danh vì sáng tạo được một Hiệp hội quân sự gọi là Khalsa, nghĩa là “được tinh luyện”. Các tín đồ được bắt đầu vào tổ chức bằng phép rửa gươm. Mồ hôi của người Ấn độ trộn vào nước rồi nhúng kiếm vào, ông tạo ra một thứ nước phép. Nước phép nầy ông đổ trên đầu họ và cho họ uống năm ngụm đầy. Các người nầy đã được làm phép rửa để gia nhập vào Khalsa, họ sẽ nhắc lại tiếng kêu tham trận của người Sikh: “Sự tinh sạch thuộc về Thượng Đế, chiến thắng thuộc về Thuộc về Thượng Đế”. Sau đó, tất cả họ đều gia nhập vào Khalsa, mang danh hiệu Singh, nghĩa là “sư tử”. Họ được bảo phải luôn luôn mang “Ngũ K”.

  • Kesh, không cắt râu tóc.
  • Kangha, lược.
  • Kachh, quần cụt.
  • Kara, còng thép (vòng đeo tay bằng thép).
  • Kirpan, kiếm (gươm).

Mỗi môn đệ phải nghiêm túc tuyên thệ kiêng cữ thuốc lá, rượu, thịt (ngoại trừ khi con thú bị giết bằng chỉ một nhát đâm), bỏ giai cấp, bỏ sự thờ lạy hình tượng, bỏ mang dây chỉ Brahman, bỏ các cuộc hành hương của Ấn độ giáo, bỏ tập tục hỏa tế góa phụ. Họ được đòi hỏi dâng phần mười tiền tiết kiệm cá nhân để làm việc bác ái.

Gobind là một nhà lãnh đạo quân sự có quyền lực. Guru Nanak đã kêu gọi những nhóm nhỏ các người sùng tín phải nhận biết chân lý và chống lại điều ác. Nhưng Gobind thì luyện người Sikh vào một lực lượng quân sự hùng mạnh chống lại các sự áp bức chính trị. Người ta nói rằng “gươm được luyện bởi Guru Gobind còn thép thì do Guru Nanak chuẩn bị”. Như vậy, lần đầu tiên kể từ sau lúc có Hồi giáo, một tôn giáo đã trở thành một lực lượng quân sự. Một quốc gia đã chổi lên tại Ấn độ mà nó đã ôm ấp mọi chủng tộc, mọi giai cấp tôn giáo và cùng kết hiệp để đối diện với bất cứ kẻ thù nào bên ngoài.

Sư Suy Thoái Của Đạo Sikh. Kết quả của việc coi trọng quân sự là sự thực hành việc giảng đạo nguyên thủy đều đã chấm dứt. Các hình tượng được đặt trong các gia đình và tại nhiều nơi thờ phượng. Kinh Granth được Gobind Singh cho nó một sự tôn kính ngang hàng với sự tôn kính thần linh. Nhiều môn đệ ở giai cấp cao đã quay lại với Ấn độ giáo nhưng nhiều người ở giai cấp thấp thì gia nhập vào đạo Sikh. Hai nhóm tẻ tách của cộng đồng đã nổi lên. Một là nhóm quân sự của các Singh (gọi là Keshdhari). Nhóm kia là nhóm các người Sikh dân sự (gọi là Sahijdhari nghĩa là “người đi đường dễ đi”), nhóm người nầy theo sát Nanak hơn là chống lại những đường lối mới của Gobind Singh.

Đế quyền của người Sikh bị phân chia thành các nước phong kiến sau khi vị guru thứ mười qua đời vào năm 1708. Vào năm 1785, hội Khalsa của đạo Sikh đúc ra các đồng bạc tại Amritsar với dòng chữ “Thế giới, gươm và sự chiến thắng”, như vậy họ đã liên kết đức tin của họ với sự chinh phục thế giới.

Hệ thống chính trị đã suy tàn vào năm 1849 khi Maharaja Dhulip Singh đầu hàng người Anh và đã dâng cho Nữ Hoàng Victoria viên kim cương nổi tiếng thế giới, viên Koh-i-noor. Vào năm 1858, vị Nữ Hoàng nầy đã trở thành Nữ Hoàng Đế của Ấn độ và quân Maharaja đã chấp nhận Cơ Đốc Giáo.

Phần ở phía bắc Ấn độ đã thành lập nước Pakistan vào ngày 26 tháng 6 năm 1947. Vùng Punjab đã bị phân chia theo tôn giáo. Vùng Punjab thuộc Pakistan là theo hồi giáo, vùng Panjab thuộc Bắc Ấn là theo đạo Sikh. Lập tức sự thù nghịch giữa người Hồi và người Sikh lại bùng lên, và hằng ngàn người Sikh bị mất đất đai của mình. Những ai kháng cự đều bị thảm sát. Một cuộc di trú đông đảo người tỵ nạn đã xảy ra dọc theo các con đường đi, và vào khoảng mùa xuân năm 1948 tất cả mọi người theo đạo Sikh đã bị trục xuất ra khỏi nước Pakistan. Việc nầy can dự đến mười triệu người, nên nó là sự dời chuyển dân số lớn nhất trong thời kỳ cận đại.

Thành phố Lahore thuộc về vùng Punjab. Còn vùng Punjab Ấn độ thì chọn Amritsar làm thành phố, nơi đây người ta xây cất một đền thờ bằng vàng rất đẹp cho Nanak. Người Sikh vẫn còn hãnh diện với cái tên lịch sử của họ: “Sư tử của vùg Punjab”. Tuy nhiên, có một cuộc chiến đấu tranh dai dẳng để thành một vùng tự trị, và nhiều người đã cậy vào chủ nghĩa cộng sản.

Sự Tiến Triển Của Hội Thánh (giáo hội). Mức trung bình các tín đồ Cơ Đốc của mọi đức tin (các hệ phái) toàn quốc tại Ấn độ đã nâng lên trong khoảng những năm gần đây đến khoảng 5% dân số. Mức trung bình tại vùng Punjab khoảng 2,4% dân số. Hầu hết các người tin theo Chúa tại vùng Punjab được chinh phục từ trong các giai cấp thấp. Một số ít người là các Singh, nhưng có một số người trong số các người tin theo Chúa từ cộng đồng phân ly đó đã nổi tiếng trên thế giới, đó là Sadhu Sundar Singh. Bạn có thể tìm thấy một cuốn sách viết về cuộc đời của ông (Cuốn “Người Thấy Chúa” -- ND). Ông không được phong chức trong giáo hội, tuy nhiên ông là một niềm phấn khởi cho Cơ Đốc giáo giới. Là một Singh, ông có thể thông đạt cho dân sự mình bằng ngôn ngữ và hình thức quen thuôc đối với họ. Ông đã chịu nhiều bắt bớ từ phía người Sikh và các nhà lãnh đạo Ấn độ giáo; trong chuyến đi lên vùng núi cao, thân thể ông đã chịu nhiều gian khổ vì thời tiết. nhưng ông vẫn bền lòng một cách gan dạ. Ông là một môn đồ Đấng Christ, người đã chỉ ra con đường khác hơn bất cứ con đường nào khác cho giáo hội bản xứ tại Ấn độ.



ĐÁNH GIÁ VỀ ĐẠO SIKH

Đâu là những điểm mạnh và những điểm yếu của đạo Sikh dựa trên tiêu chuẩn Cơ Đốc Giáo của chúng ta ? Bạn có thể đã khám phá một số điểm rồi trong khi bạn nghiên cứu bài nầy. Một sự kiện đáng lưu tâm là có một số người Sikh đã quay lại với Ấn độ giáo mà chẳng có người nào quay về với Hồi giáo.

Những Điểm Mạnh Của Đạo Sikh

  • Người sáng lập đạo Sikh có một niềm tin mãnh liệt nơi thần linh.
  • Ông tin nơi sự cứu rỗi qua việc đầu phục Thượng Đế.
  • Ông nhận định được tầm quan trọng của lời cầu nguyện.
  • Người Sikh có lòng tôn kính cao độ đối với sách thánh của họ.
  • Người sáng lập đã nhận định được giá trị của ân sủng Thượng Đế.
  • Ông tố cáo bất cứ hình thức thờ hình tượng nào.

Những Điểm Yếu Của Đạo Sikh

  • Hữu thể tố cao mang tính chất huyền bí hơn là mang tính chất thân vị.
  • Người Sikh xem việc nhắc đi nhắc lại danh hiệu Sat Nam là điều cần thiết.
  • Họ giữ cái ý niệm về số mệnh là hầu như vô phương giúp đỡ.
  • Cuốn sách thánh, Kinh Granth, không có hiệu lực cho mọi người.
  • Kinh Adi Granth đã trở thành đối tượng thờ phượng.
  • Người Sikh hòa đồng các tôn giáo khác nhau.
  • Sự cứu rỗi được mô tả như là sự hấp thu vào Thượng Đế sau nhiều kiếp luân hồi.
  • Guru Nanak được tôn thờ như là Thượng Đế sau khi ông qua đời.

Sự Định Giá Các Niềm Tin

Như chúng ta đã làm với các tôn giáo khác, chúng ta quan sát xem có những niềm tin nào trong đạo Sikh mà chúng ta có thề dùng làm “nhịp cầu” nối liền từ đạo Sikh đến Đấng Christ. Người Sikh cần được chỉ dẫn cách để bước vào sự sống trong Đấng Christ.

 

Đề Tài: Đấng Tối Cao

Niềm Tin Của Đạo Sikh. Người Sikh nhận biết một hữu thể tối cao là Thượng Đế thật. Nhưng họ hy vọng đến gần Ngài bằng cách nhắc đi nhắc lại danh Sat Nam.

Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Sự kiện họ tin có một Chân Thần là điểm chung cho người Cơ Đốc và người Sikh. Nhưng đâu là phương tiện để nhờ đó con người đến gần Đức Chúa Trời ? Chúa Jesus đã lên án mạnh mẽ việc lặp lại những lời nói vô ích và những lời cầu nguyện to tiếng. Con người không thể tìm thấy Đức Chúa Trời chỉ bằng việc lặp đi lặp lại danh hiệu Sat Nam mà bằng sự mặc khải của Đức Chúa Con. Chúa Jesus cũng đã đặt thẩm quyền nơi Danh Ngài, nhưng chúng ta không thờ phượng danh hiệu của Ngài. Nhờ danh Ngài, tức thẩm quyền mà chúng ta được đến cùng Đức Chúa Trời. Nhân Danh Ngài mà chúng ta có thể làm công việc Ngài đã hứa.

Lẽ Thật Kinh Thánh.

Giăng 14:9 “Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha”

Giăng 14:6 “Chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha”

Công vụ 4:12 “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu”

 

Đề Tài: Sự Loại Bỏ Việc Thờ Hình Tượng

Niềm Tin Của Đạo Sikh. Nanak đã nghiêm khắc cấm đoán việc thờ hình tượng. Tuy nhiên, không lâu, sau khi ông mất, người ta đã xem Nanak là ngang hàng với Thượng Đế. Tất cả vì guru cũng đã được đặt ngang cấp với Thượng Đế. Guru Gobind Singh đã tuyên bố kinh sách của đạo Sikh là Guru Granth Sahib và nó được người ta thờ phượng như là Thượng Đế.

Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Các guru đã không thể đem lại sự thông công cá nhân giữa con người với Thượng Đế mà Nanak đã tìm kiếm. Trong khi đạo Sikh vẫn tồn tại, thì các vị thần của nó đã chết. Còn Chúa Jesu vẫn sống ! Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, và Ngài hứa ban cho môn đồ Ngài quyền năng để làm công tác của Ngài. Thánh Kinh là cuốn sách thánh duy nhất của Đức Chúa Trời. Chúng ta trân trọng những lời của Thánh Kinh như là Lời của Đức Chúa Trời.

Lẽ Thật Kinh Thánh.

Xuất Ê-díp-tô 20:3 “Trước mặt ta, ngươi chớ các thần khác”.

Giăng 14:12, 14 “..... Kẻ nào tin ta cũng sẽ làm việc ta làm, lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha. Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho”

2Ti-mô-thê 3:12 “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời hà hơi, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình”

 

 

Đề Tài: Tiếp Nhận Hỗn Thành Thuyết

Niềm Tin Của Đạo Sikh. Nanak đã cố gắng hòa lẫn các phần của Ấn độ giáo với Hồi giáo để lập thành một tôn giáo riêng của mình.

Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Một mục đích như vậy là xa lạ đối với sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Tôn giáo thuần khiết không cho phép có sự pha trộn. Sự chấp nhận Chúa Jesus như là Con Đức Chúa Trời là rất cần thiết, vì Đức Chúa Trời chỉ cho phép một Đấng Trung bảo duy nhất. Giáo thuyết đúng đến từ sự lựa chọn đúng, và sự lựa chọn đúng chỉ có thể được thực hiện bằng việc nghe Lời Đức Chúa Trời một cách đúng đắn.

Lẽ Thật Kinh Thánh.

Giăng 7:17 “Ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì sẽ biết đạo lý ta có phải bởi Đức Chúa Trời hay là ta nói theo ý ta”

Ê-sai 43:10 “Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa”

1Ti-mô-thê 2:5 “Chỉ có một Đức Chúa Trời và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jesus Christ, là người”

 

 

Đề Tài Sự Ban Thưởng Của Ân Điển

Niềm Tin Của Đạo Sikh. Ý niệm về ân sủng của Nanak là một sự giải phóng khỏi vòng nghiệp quả và sau đó được sự cứu rỗi, tức là được kết hợp với Thượng Đế.

Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Theo Kinh Thánh, ân điển của Đức Chúa Trời là một sự ban cho nhưng không, vô điều kiện và không thể nhận được bằng bất cứ công đức nào.

Lẽ Thật Kinh Thánh.

Ê-phê-sô 2:8-9 “Ấy là nhờ ân điển , bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó chẳng phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời, ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình”

Rô-ma 11:6 “Nếu bởi ơn thì chẳng phải bởi việc làm nữa, bằng chẳng thì ơn không còn phải là ơn”

 

 

Đề Tài: Sự Hạn Chế Của Sự Cứu Rỗi

Niềm Tin Của Đạo Sikh. Như chúng ta đã học, sahaj (sự cứu rỗi) đối với người Sikh có nghĩa trở thành được hấp thu vào Thượng Đế. Đó là con đường đức tin, yêu thương, sùng đạo (bhakti), nhưng con người phải trải qua nhiều cuộc đời trước khi họ có thể đến đó.

Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin. Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta nên hỏi: “Ai là người có thể được cứu ?” Đấng Christ ban cho sự cứu rỗi hiện nay, một người có thể được tái sanh trong khi còn sống ở đời nầy mà thôi. Chính ở đời nầy chớ không phải sau nhiều lần nhập thể (đầu thai). Chúng ta chẳng có thể làm gì để được cứu rỗi. Chúa chúng ta đã làm công việc đó trên thập tự giá rồi. Vì vậy, phương cách của Cơ Đốc Giáo không phải là làm lành trước khi được cứu mà là làm lành sau khi được cứu. Đấng Christ đã nói với chúng ta rằng chúng ta không thể làm lành để được cứu, mà chúng ta có thể làm lành vì chúng ta đã được cứu.

Lẽ thật Kinh Thánh.

1Giăng 5:13 “Ta viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời, là kẻ nào tin đến Danh Con Đức Chúa Trời”.

Tit 3:5 “Không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm”.

Ê-phê-sô 2:10 “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jesus Christ để làm việc lành”.

Bằng sự lý luận của trí óc, con người có thể chỉ đi quá xa, trước khi họ đến một hố thẳm mà họ không thể vượt qua. Thất bại lớn của con người là họ nghĩ rằng họ có thể tạo ra giải pháp cho chính mình. Họ không thể làm được việc nầy, vì tại nơi hố thẳm họ bị đòi hỏi phải có một bước nhảy của đức tin. Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài làm nhịp cầu bắt ngang khoảng cách đó. Khi Chúa Jesus trở về thiên đàng. Ngài sai Đức Thánh Linh đến để ở trong chúng ta và giúp chúng ta vượt qua hố thẳm đó. Vì vậy, hỡi bạn yêu dấu, nếu bạn đang ở chỗ tận chung tài lực của mình, bạn chỉ cần phó thác cuộc đời bạn cho Chúa. Hãy để cho Thần Thánh của Ngài đem bạn vượt qua để đến cùng sự sống, sự tự do và sự thực tại ở trong Đức Chúa Trời.