Tìm kiếm

 

ẤN ĐỘ GIÁO (Hinduism)
 

 

Trong bài học 2, bạn đã thấy rằng Duy Linh Thuyết là một tôn giáo vô danh. Nói cách khác, người ta không nói “Đạo của tôi là duy linh thuyết.” Người theo duy linh thuyết có những niềm tin khác nhau ở những miền khác nhau, nhưng họ chỉ nói rằng: “Đây là sự thờ phượng của chúng tôi.” Tuy nhiên, các tôn giáo khác mà chúng ta sẽ nghiên cứu đều có tên gọi riêng.

Ấn độ giáo là một tôn giáo rất lâu đời và là một hệ thống các niềm tin được nhiều người san sẻ. Trong bài học nầy bạn sẽ thấy cách một tôn giáo cổ có thể hấp thụ nhiều niềm tin khác nhau, tụ họp nhiều nhóm dân đến những sự dạy dỗ của nó và trở thành một hệ thống mà nó là một triết lý cho đời sống.

Các tôn giáo nói chung có thể được ví sánh với một số đông những cây cối trong một khu vườn khổng lồ. Có những cây cổ hơn, to lớn hơn và xinh đẹp hơn những cây khác. Tất cả các tôn giáo đó đều tạo thành một khu vườn tôn giáo của con người. Tuy nhiên có một cây đẹp hơn những cây khác. Nó là cây duy nhất sinh trái “dùng để chữa bệnh cho các dân” như cây được chép trong Khải Huyền 22:2. Đó là cây Cơ Đốc Giáo. Nhưng trước khi chúng ta đến với cây đó, chúng ta sẽ xem xét một số cây khác về tầm cỡ, hình dạng, tuổi tác và bông trái của nó. Một trong số các cây có tàng rộng mà các nhánh của nó đã che bóng cho nhiều niềm tin là Ấn độ giáo.

Dàn Bài

  • Làm quen với Ấn độ giáo.
  • Những niềm tin của Ấn độ giáo.
  • Sự truyền thông của Ấn độ giáo.
  • Sự phát triển của Ấn độ giáo.
  • Sự đáng giá về Ấn độ giáo.

Những Mục Tiêu Bài Học

Khi học xong bài học nầy bạn có thể:

  • Nói được từ ngữ Ấn độ giáo hàm ý nghĩa gì, và nhận định được những nguồn gốc cùng những đặc điểm cơ bản của Ấn độ giáo.
  • Mô tả được những niềm tin của Ấn độ giáo về thần linh, về con người và tội lỗi, về hành vi luân lý, sự cứu rỗi, số phận và nguồn của uy quyền.
  • Nêu ra được những sự phát triển có ý nghĩa của Ấn độ giáo cận kim.
  • Đánh giá những điểm mạnh và yếu của nó và trình bày cách nào một số các điểm đó có thể trở thành nhịp cầu giữa Ấn độ giáo và Cơ Đốc Giáo.

Sinh Hoạt Học Tập

Nghiên cứu bài học nầy và làm bài tự kiểm theo những chỉ dẫn đã cho trong bài 1.

Nhớ viết những câu trả lời của riêng bạn cho những câu hỏi trong bài học trước khi xem phần giải đáp ở cuối bài học nầy. Thủ tục nầy sẽ giúp bạn học hỏi tài liệu nhanh chóng hơn.



Khai Triển Bài Học



Mục tiêu 1. Mô tả những nguồn gốc của từ ngữ Ấn độ giáo (Hinduism) và nêu tên những nguồn cội, những đặc điểm chính và những địa điểm chủ yếu của Ấn độ giáo.



LÀM QUEN VỚI ẤN ĐỘ GIÁO

Ấn độ giáo tuyên bố là tôn giáo cổ nhất trên đất. Tuy vậy, nó có cội rễ trong Duy Linh Thuyết. Duy Linh Thuyết tới phiên nó lại có cội rễ trong độc thần giáo của thuở Sáng Tạo. Vì thế, chính xác hơn phải nói rằng Ấn độ giáo là tôn giáo cổ nhất có tên gọi. Lịch sử của nó lùi về tận những ngày từ thời của Ápraham.



Định Nghĩa

Thật khó định nghĩa Ấn độ giáo, vì các niềm tin của nó rất khác nhau. Một số người theo Ấn độ giáo thờ lạy một vị thần là Brahman (Bà-la-môn) trong khi các tín đồ khác không tin một vị thần có thân vị. Một số người là người ăn chay (họ không ăn thịt) trong khi những người khác lại ăn thịt. Đối với nhiều người, Ấn độ giáo là một tôn giáo, trong khi đối với những người khác nó là một triết lý của cuộc sống. Một vị tổng thống trước kia của Ấn độ đã nói rằng Ấn độ giáo là một nền văn hóa hơn là một tín điều. Từ ngữ Hindu đến từ chữ Sindhu là một từ phạn ngữ (Sanskrit) để chỉ về sông Indus ở Ấn độ. Người theo Ấn độ giáo gọi tôn giáo của họ là Sanatana dharma có nghĩa là “đạo vĩnh hằng hay chân lý vĩnh hằng.” Nó bao gồm cả những niềm tin tôn giáo lẫn những ý niệm luân lý.



Vị Trí Địa Dư

Có một câu tục ngữ nói rằng Ấn độ là Ấn giáo và Ấn giáo là Ấn độ.. Tuy nhiên, có hàng ngàn người theo Ấn giáo sinh sống ở các nơi khác trên thế giới. Về dân Ấn độ, có khoảng 84% dân số là theo Ấn độ giáo (Theo tự điển Bách Khoa Anh quốc - Encyclopedia). Bảng thông tin của Thánh Kinh Liên Hiệp Hội (United Bible Societies) công bố rằng khoảng 11,6% dân số là người Hồi giáo và khoảng 2,4% là theo Cơ Đốc Giáo.



Những Nguồn Gốc Của Ấn độ giáo

Ấn độ giáo không có một người nào được xem là người sáng lập ra nó. Phần lớn nó là một sự pha trộn các niềm tin của những người mà họ chuyển đến sống ở trong vùng đó. Ví dụ như dân Aryan đã di dân vào thung lũng Ấn Hà (Indus). Những phong tục và tôn giáo của họ bị pha tạp với phong cách địa phương và nền văn hóa phát sinh ra đã trở thành “Ấn độ giáo cổ điển ” (Classical Hinduism ).

Người Ấn giáo và người Aryan. Từ ngữ Aryan đến từ Phạn ngữ có nghĩa là “bậc quý tộc.” Người Aryan đến từ vùng Ba-tư, đồng thời với lúc các vương quốc địa phương đang tranh chấp quyền lực. Giữa khoảng 1.700 T.C và 1.200 T.C, họ đã đến thung lũng Ấn Hà và đã chinh phục dân thành thị ở vùng đó.Người Aryan nói tiếng Ấn -- Âu (Indo -- European) mà ngôn ngữ nầy đã trở thành căn bản cho Phạn ngữ, một ngôn ngữ thờ cổ của Ấn độ. Họ chia thành những bộ lạc và do các vị tù trưởng cầm đầu được gọi là các rajah (giống như các lãnh chúa). Trong khi họ lập cư tại Ấn độ một số các rajah đã lập nên các tiểu vương quốc cho chính họ. Những người bà con của dân Aryan mà họ không di dân đã trở thành những người sáng lập ra Đế quốc Ba tư mà họ đã sinh tồn từ thế kỷ thứ sáu đến thế kỷ thứ tư trước công nguyên. Trong thời kỳ cận đại, vùng đất đó được đặt tên là Iran, nghĩa là đất của người Aryan. Nguồn gốc về dân Aryan được hậu thuẫn bằng các chữ tương tự nhau trong các ngôn ngữ thời trước:

Chữ Thượng Đế Chữ Cha
Anh ngữ God Father
Phạn ngữ: Deva hay Dyaush pitar
Hy lạp ngữ Zeus pater
La mã ngữ Deus piter
Iran ngữ Dia pidar
Pháp ngữ Dieu père
Tây Ban Nha ngữ Dios padre



Người Aryan được gọi là Caucasian (người Cô-ca) vì họ đến từ khu vực miền núi Caucasus. Họ cũng được gọi là dân Ấn -- Âu, vì một số người giữa vòng họ đã đi về Phương Đông đề vào xứ Ấn độ và một số khác đã đi về Phương Tây để vào Âu Châu. Họ đem theo mình các thần tượng của họ, tình yêu gia tộc, những phương pháp quân sự, các truyền cổ tích và lòng tự tin.



Duy Linh Thuyết và Ấn Độ giáo.

Duy Linh Thuyết vẫn tồn tại trong Ấn độ giáo dân gian thậm chí có trong những giai cấp cao hơn. Ví dụ như, nói chung người theo Ấn Độ giáo sợ hãi các linh dữ, họ giữ sự mê tín, họ tin nơi thuật chiêm tinh, lời nguyền, con mắt hung ác và bùa chú. Bò cái, một biểu tượng của Duy Linh Thuyết, là một biểu tượng linh thiêng của sự phì nhiêu trong Ấn độ giáo, giết con bò là vi phạm luật. Người theo Ấn giáo cũng thực hành sự tôn kính tổ tiên theo Duy Linh Thuyết. Chỉ trong Ấn Độ giáo, sự tôn kính nầy mới mang hình thức của một chu kỳ sinh, tử và đầu thai.


Bốn Thời Kỳ Của Lịch Sử Ấn Độ Giáo

Cũng như ở tại hầu hết các quốc gia, lịch sử Ấn độ giáo đã chứng kiến nhiều thay đổi. Những sự thay đổi nầy đã theo sau những niềm tin và các Kinh Sách của Ấn độ giáo. Chúng ta có thể phân chia lịch sử nầy thành hai môn phái chính. Ấn độ giáo triết học và Ấn độ giáo dân gian. Tuy nhiên, chúng ta sẽ xét đến bốn thời kỳ mà theo đó hầu hết các trước giả đã phân chia lịch sử Ấn độ giáo.


Thời Kỳ Vệ Đà (Vedic Period).
Đây là thời kỳ có cuộc xâm lăng của dân Aryan từ năm 2000 T.C. Vào khoảng năm 1400 T.C, bộ Kinh Vệ-đà (Vedas), tức những cuốn sách thánh của Ấn độ giáo, đã được viết ra. Hầu hết những cuốn nổi tiếng trong bộ kinh nầy được gọi là Kinh Upanishads. Chúng đã trở thành nguồn của Ấn độ giáo triết học và cổ điển.


Thời Kỳ Cải Cách.
Vào những thế kỷ thứ chín và thứ mười trước công nguyên, một số người đã phản ứng với việc dâng sinh tế, hệ thống giai cấp và thuyết luân hồi của hệ thống theo kinh Vệ-đà. Sự phản kháng kéo dài hầu như từ năm 600 T.C. đến năm 200 T.C. Dường như Đức Chúa Trời đã khuấy động lương tâm của số dân ở một vùng rộng lớn trong các thế kỷ thứ chín và thứ mười trước công nguyên. Tại xứ Canaan, có một cuộc chiến đấu giữa Đức Giêhôva và sự dâng tế lễ cho các thần giả Baanh. Êli cùng các tiên tri khác đã thách đố họ và đã chứng minh rằng Đức Chúa Trời của dân Ysơraên là Chân Thần. Vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên, Đế quốc Hy lạp đã bành trướng đến tận xứ Ấn độ và đã gây ra sự pha tạp khác về các dân tộc và các niềm tin. Tất cả những thay đổi nầy đã dọn đường cho Đấng Christ, cho sự ứng nghiệm của việc dâng sinh tế, cho những lời hứa của các đấng tiên tri và cho những ý niệm của triết học.


Thời Kỳ Cổ Điển.
Một lần nữa, có sự trùng lắp của các thời kỳ lịch sử, dựa theo sự dạy dỗ và các kinh sách. Thời kỳ cổ điển của Ấn độ giáo vào khoảng từ năm 200 T.C đến năm 1.000 S.C. Các vị thần đã bị thu hẹp thành Trimurti tức ba dạng thức của Thượng Đế: Thần Brahma, Thần Shiva và Thần Vishnu. Các ý niệm nầy đã được tranh luận suốt thời Trung Cổ cho đến vào khoảng năm 200 S.C.


Thời Kỳ Bhakti.
Thời kỳ Bhakti (sùng đạo) của phái Ấn độ giáo dân gian (1000 - 1750 S.C) được chú ý vì sự quay về với đa thần giáo. Hồi giáo đã nổi lên vào thế kỷ thứ bảy và đã lan truyền đến tận Ấn độ. Vào đầu thế kỷ thứ mười sáu, đạo Sikh đã mọc lên từ căn rễ của Ấn độ giáo. Cả Hồi giáo và đạo Sikh có ảnh hưởng trên những sự dạy dỗ của Ấn độ giáo.


Những Đặc Điểm

Tính khoang nhượng (dung chịu). Ấn độ giáo có lẽ là tôn giáo khoang nhượng nhất trong tất cả các tôn giáo. Những niềm tin của nó, cũng như các thần tượng của nó, thật vô số. Ấn độ giáo chấp nhận các vị thần lớn nhỏ, các đền chùa và các thầy tư tế của nó. Khi đạo Phật và tôn phái Jain (Jainism - một tôn giáo của Ấn độ từ thế kỷ thứ sáu trước công nguyên - ND) xuất hiện thì Ấn độ giáo đã mở cửa và để cho các giáo phái đó tràn vào sự chính thống của tư tưởng Ấn giáo. Tuy nhiên, Ấn độ giáo không phải là một tôn giáo truyền giáo như Hồi giáo hay Cơ Đốc Giáo. Nó lớn lên do sự hấp thụ các tôn giáo khác. Điều nầy đặt nền tảng trên truyền thống của dân Aryan. Họ đã rất quan tâm đến những sự phát sinh sâu nhiệm hơn về cuộc sống và những thắc mắc về thực tại, về con người và về Thượng Đế.

Người Ấn độ giáo nói: “Hãy để cho kẻ khác thay đổi còn chúng ta thì chẳng cần.” Nói như vậy, họ hàm ý rằng thà chấp nhận những tôn giáo mới đến, Ấn độ giáo chỉ đơn thuần hấp thụ các tôn giáo khác vào cho chính mình. Một số bài kinh (đạo ca) của người Ấn độ giáo cho thấy rằng dân Aryan đã đến Ấn độ một cách tự do và hùng mạnh nhưng họ đã kết thúc một cách yếu đuối và bị trói buộc vào bánh xe của các giai cấp và sự luân hồi. Họ đã mang vào đa thần giáo các thần giông bão, thần mặt trời, thần mặt trăng và thần đất. Người Ấn độ giáo đã thêm vào hàng trăm vị thần khác nữa. Người Aryan dân sinh tế ở ngoài trời còn người Ấn độ giáo tế thần trong các đền chùa. Ngày nay, hệ thống của người Aryan chỉ còn là một sự việc của quá khứ, trong khi đó Ấn độ giáo lại là một trong các tôn giáo đông nhất thế giới.


Những Đặc Điểm Xã Hội

Hệ Thống Giai Cấp (Caste System). Hệ thống giai cấp là độc đáo đối với tôn giáo của người Ấn độ giáo. Nó là sự phân chia người Ấn độ giáo vào một số các giai tầng trong xã hội. Từ lịch sử ban đầu của Ấn độ giáo, đã có bốn giai cấp chính. Mỗi thành viên phải giữ giai cấp mà mình được thừa kế và không giao dịch với các giai cấp khác. Bốn giai cấp đó là:

1. Giai cấp Brahmin, gồm các thầy tư tế và tầng lớp trí thức.
2. Giai cấp Kshatriya, gồm những người cai trị và các chiến sĩ.
3. Giai cấp Vaisya, gồm các nông dân và các thợ thủ công bình thường.
4. Giai cấp Sudra, là tầng lớp người lao động thấp kém nhất.


Nguồn gốc giai cấp đến từ truyền thuyết của người Ấn độ giáo cho rằng Thần Brahma đã tạo dựng Manu, tức con người đầu tiên. Từ Manu đã sinh ra bốn hạng người. Từ cái đầu của Manu sanh ra hạng người Brahmin, tức hạng người thánh thiện nhất. Từ đôi bàn tay của Manu sanh ra những người cai trị và các chiến sĩ. Từ phần mông của Manu sanh ra lớp thợ thủ công. Từ đôi bàn chân của Manu mà sanh ra hạng người Sudra. Do đó, người Ấn độ giáo tin hệ thống giai cấp ngày càng trở nên phức tạp hơn. Ngày nay đã có năm mươi tám giai cấp mà số lượng có hơn một triệu thành viên và trên hai ngàn giai cấp phụ. Ngoài ra có khoảng năm mươi triệu người hay hơn nữa được gọi là thành phần bị loại bỏ, người Harijan, những người không ai thèm đụng đến (không thể tiếp xúc) hoặc gọi một cách hợp pháp thì họ là “những giai cấp có thời gian biểu (Scheduled Classes)” (hay là giai cấp phụ thuộc). Hệ thống giai cấp đã bị chính phủ

Ấn độ đặt ra ngoài vòng pháp luật nhưng nó vẫn cứ là một phần của xã hội Ấn độ.

Bốn Giai Đoạn Của Cuộc Sống. Người theo Ấn độ giáo cho rằng có bốn giai đoạn của cuộc sống:

Giai Đoạn Học Sinh. Ở giai đoạn học sinh, các bé trai theo Ấn độ giáo nhận được một sợi chỉ thiêng khoác quanh một vai và chạy vòng thân. Họ phải học Kinh Vệ-đà một cách cần mẫn.

Giai Đoạn Gia Trưởng. Trong giai đoạn thứ hai, một người đàn ông đã trưởng thành và có gia đình. Họ dành nhiều thì giờ hơn cho vợ con và là một người làm việc chăm chỉ và hiếu khách.

Giai Đoạn Hồi Hưu. Ở giai đoạn nầy người đó vẫn sống với vợ mình và dành nhiều thời gian để suy tư trong rừng vắng.

Giai Đoạn Khôn Thánh. Ở giai đoạn nầy một người đàn ông sẽ rời bỏ gia đình vào dạo bước trên những đường phố Ấn độ như là một ông thánh.

Phụ Nữ. Bốn giai đoạn của cuộc sống chỉ áp dụng cho phái nam của xã hội. Phụ nữ bị xem là phái ở nhà và phải chịu sự sai khiến và sự bảo vệ của gia trưởng (người đàn ông chính trong gia đình). Họ không bao giờ được phân ly khỏi người chồng, người cha hay là con cái. Nếu có sự phân ly, họ sẽ đem lại sỉ nhục cho gia đình. Phụ nữ có nghĩa là phải sanh đẻ và săn sóc con cái và là ánh sáng, sự giàu có, vẻ đẹp và sự huy hoàng cho gia đình. Tuy nhiên, đây là lý tưởng của Ấn độ giáo, một số người ở bên ngoài đã chỉ trích Ấn độ giáo vì phụ nữ không có quyền bình đẳng với nam giới trong xã hội Ấn độ giáo.



Mục tiêu 2. Mô tả những niềm tin của Ấn độ giáo về thần linh, con người và tội lỗi, con người và cách hành xử, số mệnh và sự cứu rỗi.



NHỮNG NIỀM TIN CỦA ẤN ĐỘ GIÁO

Ấn độ giáo là một quốc gia có nhiều niềm tin rất khác nhau. Người nghiên cứu về Ấn độ giống như một người bơi lội trong đại dương bao la của ý niệm. Một trước giả đã có lần nói: “nét thống nhất duy nhất trong Ấn độ giáo là phong cách Ấn độ của người có đức tin và sự tôn kính bò cái một cách phổ thông!.” Đối với sự nghiên cứu của chúng ta, chúng ta sẽ chỉ chọn một ít đề tài mà chúng ta có thể đánh giá và so sánh với các tôn giáo khác.


Quan Niệm Của Người Theo Ấn Độ Giáo Về Thần Linh.


Những Ý Nghĩa.
Có một số hình thức lẫn lộn về từ ngữ Brahman mà chúng ta cần làm rõ. Tất cả các từ ngữ đó đều đến từ chữ brahman của Phạn ngữ có nghĩa là một “lời cầu nguyện.” Các sách thánh của bộ Kinh Vệ-đà gọi làBrahmanas. Brahma là một từ ngữ giống đực có nghĩa là Thần Khải Phát (Thần Sáng Tạo - tiếng Hán gọi là Phạm Thiên Vương - ND). Brahman là một từ trung tính, nó không thuộc giống đực cũng không thuộc giống cái. Brahman được xem là thực tại đầu tiên và cuối cùng. Brahmanism (Bà-la-môn giáo) là tôn giáo của xứ Ấn độ đồng thời với bộ Kinh Upanishads và Phật giáo. Brhamin là thầy tư tế thuộc giai cấp cao nhất và những người có chỗ đứng trong xã hội.



Sự Sáng Tạo.
Bộ Kinh Upanishads (một sách phản động của Ấn độ giáo) nhận quan niệm cho rằng vũ trụ được tạo dựng từ vật đã hiện hữu sẵn. Tuy nhiên, một cuốn kinh nguyên thủy của Ấn độ giáo, Kinh Rig-Veda, tuyên bố rằng thế giới sinh ra từ sự không không (không có gì cả). Quan niệm nầy tương tự với lời tường thuật của Kinh Thánh ghi trong Heb 11:3 “Vũ trụ được sáng tạo bởi Thượng Đế và nguồn gốc của vạn vật không phải là những vật hữu hình” (Bản
Diễn Ý).


Những Sự Thay Đổi.
Trong lịch sử lâu dài của nó, Ấn độ giáo đã thay đổi quan niệm của nó về thần linh. Từ buổi ban đầu của nó trong duy linh thuyết, nó đã đến chỗ thành đa thần giáo, rồi đến một hệ thống Tam Thần và rồi lại quay về thành đa thần giáo. Theo Kinh Vệ-đà, người Aryan đã mang các thần của họ theo họ. Varuna là thần khoảng không và công chính. Thần Visvarkarmen là vị thần tạo dựng mọi vật. Surya là thần mặt trời. Indra là vị thần được nhắc đến nhiều nhất trong các bài Kinh Vệ-đà. Đây là vị thần của sấm sét giông bão, mây, mưa và là người cai trị khí quyển. Bộ Kinh Rig-Veda có 250 bài ca về vị thần nầy. Đây là một trong số các bài ca đó:


Thần Indra cầm giữ quả đất mà nó bị quỷ thần đe dọa. Ngài đã giết các tà linh bằng một tia sét, dùng nó đánh các đám mây. Ngài làm cho nước tuôn ra từ nơi chúng trên trời cao. Hỡi Đấng phi thường của sấm sét, hỡi Đấng khôn sáng, xin hãy ném khí giới của Ngàivào kẻ thù nghịch của chúng tôi. Xin làm gia tăng sức mạnh và vinh quang cho dân tộc Aryan.


Nhất Nguyên Thuyết (monism).
Vào khoảng năm 600 T.C triết lý nhất nguyên đã trở thành phổ thông. Đó là niềm tin cho rằng không có sự khác nhau giữa linh hồn và Brahman, tức là Đại Hồn của vũ trụ. Một câu chuyện kể về một cậu bé được cha bảo cậu bỏ muối vào trong một chén nước. Chén nước đó được để qua một đêm. Ngày hôm sau, cậu được bảo đem muối đến, nhưng cậu không thể tìm thấy nó nữa, vì nó đã hòa tan mất rồi. Cha cậu bảo rằng, cũng một thể ấy, linh hồn của cậu và Brahman chỉ là một. Ông chấm dứt với lời tuyên bố nổi tiếng nầy: “Đấng đó chính là Bản Ngã (self): ngươi là như thế (hay ngươi là đấng đó)” (That is the Self: thou art that).


Nhị Nguyên Thuyết (Dualism).
Trong thời kỳ Cải Cách, triết lý nhị nguyên đã chống đối giáo thuyết của Kinh Vệ-đà. Như ở trong Kinh Upanishads, nó cố gắng tìm thấy Thượng Đế xa cách khỏi sinh tế và các thầy tư tế. Tuy nhiên, nó chính là lý thuyết cho rằng hồn người (atman) và Brahman là một nhưng lại là hai toàn thể riêng biệt. Muối đã tan trong nước vẫn mặn và khác với nước.


Brahman
. Theo Kinh Upanishads, thực tại duy nhất là Brahman. Brahman là vĩnh hằng, không có quá khứ, hiện tại hoặc tương lai, là bất định, không có phái tính và hoàn toàn không có thân vị. Tuy nhiên, Thượng Đế không được quan niệm như là một thân vị mà như là một nguyên lý của vũ trụ. Nói như vậy nghĩa là Ngài là vũ trụ, và như vậy là phiếm thần giáo. Kinh Maitri Upanishads nói:


Quả thật, Brahman đã có từ buổi ban đầu của thế giới nầy, là Đấng vô hạn, vô hạn về phương đông, phương bắc và về mọi hướng. Không thể hiểu nổi linh hồn tối cao đó, không sinh ra, không thể suy nghĩ, không thể lý giải được. Linh hồn của Ngài là không gian.


Trimurti.
Trong thời kỳ Ấn độ giáo dân gian (năm 1.000 -- 1.750 S.C), tôn giáo nầy đã thay đổi điểm nhấn mạnh của nó. Người ta thờ phượng ít vị thần hơn, nhưng người ta nói rằng các vị thần đã quan tâm nhiều hơn đến nan đề của con người. Các bà vợ của các vị thần cũng đã thấy xuất hiện, một số vị nữ thần đã trở thành quen thuộc với mọi người như các ông chồng của họ. Trong thời kỳ nầy, Thượng Đế được tỏ bày ra trong Trimurti (ba dạng thức), mỗi dạng có vị thần riêng. Thần Brahma (tiếng Hán gọi là Phạm Thiên Vương) tứ là Thần Sáng Tạo. Thần Shiva (tiếng Hán gọi là Thấp bà) tức là Thần phá hoại và thần Vishnu (Tiếng Hán gọi là Thấp Nữu) tức là Thần Bảo tồn.


Brahma
. Brahma được người Ấn độ giáo tôn kính như là Đấng Tạo Hóa nhưng chỉ có rất ít chùa chiềng dùng để tôn thờ ông. Các tượng hình của ông có bốn khuôn mặt, có râu và bốn cánh tay. Sự thờ phượng ông dường như đã có khuynh hướng suy thoái theo tiến độ thời gian. Vợ của ông là Thần Sarasvati được gọi là nữ thần của khoa học (kiến thức) và khôn ngoan.


Shiva
. Vị thần phổ thông nhất của thời kỳ nầy là thần Shiva. Được gọi là Thần Phá hoại vì Shiva là thần của sự chết, sự hủy diệt và tật bệnh. Ông được biết đến như là vị thần đặc biệt đối với các vị tu hành, vì ông hủy diệt xác thịt là một phần trong lối sống của họ. Trong nghệ thuật của Ấn độ giáo,người ta vẽ ông có một cây chỉa ba (một cây gậy có ba mũi đinh). Các nhà tu hành thường mang theo mình một cây chỉa ba hoặc vẽ ba lằn trên mặt mình. Shiva là tử thần mà cũng là thần của sự phì nhiêu. Vì vậy, các hành động tính dục là một phần của sự thờ lạy nầy. Những người sùng đạo phải tập suy tư, học hỏi dưới một guru (một vị dạy đạo của Ấn độ giáo - ND) và nhắc đi nhắc lại một câu thần chú (mantra) đặc biệt. Vợ của Thần Shiva là nữ thần Cali -- Bà còn đáng sợ hơn cả thần Shiva nữa, Bà đeo một xâu chuỗi sọ người, xé thịt của các nạn nhân và uống máu của họ. Một số người tuyên bố rằng bà được gắn liền với thành phố Calcutta (Kalikata).


Vishnu
. Vị thần thứ ba trong trimurti là thần Vishnu. Ông được biết đến như là vị thần của tình yêu, ân sủng và sự tha thứ. Người ta nói rằng ông đã xuất hiện trên trái đất chín lần và sẽ đến lần thứ mười và đó là lần cuối cùng để chấn dứt thế gian nầy. Các tín đồ thờ thần Vishnu được chú ý về lòng yêu quý sâu xa của họ đối với vị thần nầy của họ. Người ta viết ra các bài hát để ca ngợi ông. Kabir và Nanak, những người sáng lập ra đạo Sikh là những thi sĩ của giáo phái Vishnu. Bài Bhagavad- Gita, bài thơ quan trọng của Ấn độ giáo, nói rằng Krishna là avatar (sự hóa thân) của thần Vishnu. Ông là vị thần của phong trào Hara Krishna. Từ thế kỷ mười lăm, phong trào nầy đã lan rộng khắp thế giới. Qua sự học hỏi, niệm thần chú Krishna và suy tư, các thành viên của phong trào hy vọng nhận thức được Krishna.


Các Nơi Thánh Thiêng Và Những Người Thánh Thiêng.

Trong thời kỳ người Aryan, sự thờ phượng diễn ra ở ngoài trời nhưng về sau, người ta xây cất đền chùa để thờ các thần. Vì người ta nghĩ rằng các thần sống ở trong núi cho nên nhiều đền chùa được xây cất theo kiểu của một ngôi nhà trong núi. Một ảnh tượng, tức biểu tượng cho sự hiện diện của thần linh, được đặt ở trung tâm của một bảo tháp với các vách tường bao bọc chung quanh. Sự thờ phượng các vị thần nầy có nhiều nghi thức bao gồm: Sự rửa chân, sự súc miệng, tắm rửa và ăn uống. Người ta rung chuông, hát các bài kinh ca và đốt hương với các nhạc điệu theo nghi thức. Sự thờ phượng không có tính cách đại chúng mà có tính cách cá nhân. Các đạo sư, các tư tế, các Guru và các tu sĩ (gọi là sadhus) là những người thánh trong hệ thống phụng sự nầy.


Nhà cửa của người Ấn độ giáo thường dành một chỗ để làm miếu thờ. Trong miếu có các hình tượng và tranh ảnh của các thần linh và một mandala, tức là một tấm hình biểu tượng dùng lửa và nước để thanh tẩy và họ đặt thức ăn, lư hương và bông hoa gần miếu thờ.


Lễ hội của người Ấn độ giáo được tổ chức theo mùa. Lễ Holi là một lễ hội phổ thông trong mùa xuân để tôn vinh thần Krishna. Giai cấp và điều cấm kỵ được gác qua một bên trong thời gian vui chơi. Divali là lễ hội của mùa thu có rước đèn để tôn vinh thần Kali và Lakshmi.


Bò thiêng
. Người ta thường hỏi, “Người Ấn giáo có thờ bò cái không?” Một số người nghĩ rằng bò cái được cho phép đi lang thang trong sự cô đơn chịu khổ và chết đói dọc theo các đường phố khô cằn của xứ Ấn độ. Người Ấn độ giáo phủ nhận điều đó. Mahatma Gandhi (tức thánh Găng-đi) đã nói về sự che chở của bò thiêng và gọi một con bò cái là:


yếu tố trung tâm của Ấn độ giáo, là niềm tin cụ thể quen thuộc với mọi người theo Ấn độ giáo. Qua bò cái, con người được dạy dỗ để nhận thức được sự đoàn kết mình với mọi loài sống khác. Bò cái là mẹ của hàng triệu dân Ấn độ, là một bài thơ về lòng thương xót và là một biểu tượng sống về sự đại lượng của nhân loại.


Đối với người theo Ấn độ giáo, cho bò cái ăn là một hành động thờ phượng. Phân bò cái được dùng làm nhiên liệu, tráng sàn nhà, làm hồ vôi và làm thuốc. Thậm chí nước tiểu của nó cũng được dùng trong nghi lễ thanh tẩy.


Con người

Ấn độ giáo đã liên kết những tôn giáo của con người và niềm tin của Ấn độ giáo nơi thực tại, con người và tội lỗi.


Ba Phần Của Con Người.
Chúng ta nhận biết ba phần của con người là tâm trí, cảm xúc và hành động. Các tôn giáo khác nhau nhấn mạnh quan niệm nầy một cách khác nhau. Bà-la-môn giáo nhấn mạnh đến tâm trí. Người ta nói rằng nan đề của con người đến từ sự suy nghĩ sai lạc của mình. Người ta hay nói rằng sự suy nghĩ của con người bị sai trật hơn là nói con người đã phạm tội trong cuộc sống mình. Sự dạy dỗ của tôn phái Jain nhấn mạnh đến hành động của con người. Một người phải hành động để tránh sự ô uế - sự cám dỗ đầy tội lỗi - của thế gian. Sự dạy dỗ thứ ba là của phật giáo, nhấn mạnh đến những sai lầm do cảm xúc của con người. Những ước muốn (dục) của con người phải bị kiềm chế nếu không chúng sẽ lôi cuốn người đó vào đường khốn khổ. Ba sự nhấn mạnh khác nhau nầy suy nghĩ, cảm xúc, hành động - giúp chúng ta thấy được các tôn giáo nầy liên hệ với nhau như thế nào.


Con Người Và Tội Lỗi.
Người Ấn độ giáo tin rằng con người phản ánh Brahman. Con người không phải là một bản ngã riêng rẽ, do đó con người không có giá trị của riêng mình. Những hành động sai trái không phải là những tội lỗi nghịch cùng một Thượng Đế thánh khiết. Chủ yếu chúng là kết quả của sự thiếu hiểu biết hoặc là của việc đã không tuân giữ các lễ nghi của giai cấp mình, và chúng gây cho người đó rắc rối trong kiếp luân hồi. Nếu người đó suy nghĩ tốt, nói năng tốt, hành động tốt, người đó sẽ nhận được thiện nghiệp (good karma). Dù sao chăng nữa, người đó không bao giờ biết được cái kết quả, vì người đó đang ở trong vòng luân hồi của mình. Người đó bị buộc vào một số mệnh không biết và vô vọng.


Maya
. Bộ Kinh Upanishads bày tỏ một quan niệm khác về nan đề của con người. Chúng cũng không nhắc đến tội lỗi. Thay vào đó, người ta chịu khổ là do Maya, tức là sự ảo tưởng và sự không biết. Nếu một người hiệp nhất với Brahman thì người đó sẽ không có tội vì Brahman không thể phạm tội. Khi người ta suy nghĩ về thế giới hiện tại là thực, thì đã trở thành không biết về sự hiệp một thật của họ với Brahman. Kinh sách viết rằng: “Những người thờ lạy mà không biết là vào sự tối tăm mù mịt. Biết Thượng Đế thì con người được giải phóng khỏi mọi xiềng xích.” Người ta được bảo rằng cần phải nhận định được cuộc sống là ảo mộng.


Hành Vi Và Số Phận Của Con Người.


Karma
. Trong niềm tin Ấn độ giáo, số phận của một người có liên hệ đến hành vi của người đó. Sự cứu rỗi tùy thuộc nơi Karma của một người. Nguồn gốc chính của sự dạy dỗ về Karma được tìm thấy trong bộ Kinh Upanishads, là thẩm quyền giáo lý của Ấn độ giáo. Karma theo nghĩa đen có nghĩa là “nghiệp” (tức là công việc làm) và nó bị buộc chặt vào luật nhân quả. Niềm tin nầy cho rằng atman (hồn người hay tiểu ngã) có thể được hợp nhất với Brahman là Đại hồn (hay đại ngã). Sự hiệp nhất nầy được hoàn thành qua Karman của một người mà nó lại tuỳ thuộc vào việc lành và sự từ bỏ mình. Một người sẽ tiết chế dục vọng của mình khi người đó nghĩ đến nghiệp quả của mình. Tuy nhiên, không có sự phán xét, sự ăn năn hay là sự tha thứ trong tiến trình đó. Đúng như chính định luật đó. Bằng việc thiện linh hồn con người có thể tìm được moksha (sự giải thoát) khỏi samsara (kiếp luân hồi).


Sự luân hồi
. Niềm tin nơi sự luân hồi hay sự chuyển kiếp (linh hồn chuyển sinh) là Samsara. Việc linh hồn chuyển sinh được giải thích như sau: Khi một người qua đời, linh hồn không chết nhưng được đầu thai trong một hình thể sống khác. Tiến trình nầy được lặp đi lặp lại một vòng quay bất tận. Sự đầu thai có thể ở mức độ cao hơn hay thấp hơn cuộc sống trước đó. Nó có thể thuộc về cõi trời, cõi địa ngục hay nhân gian. Nó có thể xảy ra ở bất cứ hình thái nào của cuộc sống: con người, thú vật, cây cỏ... Một người ở tình trạng xã hội thấp vẫn có thể đầu thai thành một rajah (tù trưởng) hay là một Brahmin (quý tộc, thượng lưu). Hoặc người đó có thể thành một người bần cùng trong xã hội, một con thú vật, một con bọ, một con trùng, hay là cây cối, cát đá hoặc là một linh hồn ở cõi địa ngục. Một số người Ấn độ giáo tin rằng có tám triệu rưỡi các hình thái khác nhau mà một người có thể bị hóa thân vào đó.

Người theo Ấn độ giáo nói như thế nào về hình thái mà người đó sẽ đầu thai ở kiếp sau? Theo niềm tin của người Ấn độ giáo, điều nầy được quyết định theo luật nghiệp quả. Tư tưởng, lời nói, hành động của một người ở đời nầy sẽ có hậu quả tốt hay xấu cho đời sau của người đó. Chính định luật thời cổ cho rằng một người sẽ gặt cái mình đã gieo. Kinh Upanishads nói rằng:

Một Brahmin ăn cắp vàng của một Brahmin sẽ trải qua một ngàn lần thân phận làm nhện rắn, thằn lằn. Nếu ăn cắp ngũ cốc, người đó sẽ trở thành một con chuột. Nếu ăn cắp hoa quả hay cũ rễ thì sẽ trở thành một con khỉ. Ăn cắp một phụ nữ sẽ trở thành một con gấu. Ăn cắp một con gia súc sẽ trở thành một con dê dực.


Sự Cứu Rỗi


Con Đường Ba Lối.
Đối với người Ấn độ giáo, Moksha hay là sự cứu rỗi không phải là sự giải thoát khỏi tội lỗi đã vi phạm luật của Thượng Đế. Nó chỉ là sự giải thoát khỏi toàn bộ tình trạng con người, tình trạng đó bao gồm thân xác, cõi vật chất và thời gian. Nó cũng có nghĩa là được giải thoát khỏi vòng luân hồi. Có ba đường dẫn đến sự cứu rỗi: đường công đức, đường tri thức và đường sùng tín.


1. Đường Công Đức.
Đây là đường cứu rỗi thông qua các bổn phận tôn giáo, gọi là Karma marga. Bằng việc thực hiện một số nghi lễ tôn giáo nào đó, người Ấn độ giáo tin rằng họ sẽ đến gần hơn với sự giải thoát khỏi vòng nghiệp quả (Karma). Công việc nầy sẽ kéo dài cho đến lúc họ được đầu thai vào bậc cao nhất làm một Brahmin.


2. Đường Tri Thức.
Đường tri thức được đặt cơ sở trên nhất nguyên thuyết, đó là niềm tin cho rằng thực tại duy nhất là Brahman. Niềm tin nầy cho rằng nan đề của con người đến từ sự không hiểu biết rằng mình và Brahman là một. Tư tưởng cho rằng con người cách biệt với Brahman là một ảo tưởng. Khi một người có sự hiểu biết rằng mình và Brahman là một, thì người đó được giải thoát khỏi xiềng xích của bánh xe luân hồi. Sự giải thoát nầy xảy ra sau nhiều lần suy tư và tự ghép mình vào kỷ luật.


3. Đường Sùng Tín
. Đường cứu rỗi thứ ba là Brakti Marga, tức là “sự yêu thích sùng tín.” Đây là một đề tài đặc biệt trong Sách thánh, Kinh Bhagavad Gita, nó đòi hỏi phải yêu thích, sùng tín thần Brahman và các thần linh khác. Sự sùng tín nầy cũng giải thoát khỏi vòng luân hồi và chuẩn bị linh hồn cho sự kết hiệp vĩnh hằng với Thượng Đế.


Dường như khá xa lạ cho chúng ta, khi thấy có quá nhiều ý niệm về Thượng Đế trong cùng một tôn giáo. Trong đường Brakti (sùng tín), Thượng Đế là một Thượng Đế có thân vị, là niềm tin hữu thần. Trong Đường Tri Thức, Thượng Đế là một phần của vũ trụ, đó là niềm tin Phiếm thần. Những niềm tin khác thì chia thượng Đế ra thành nhiều nhân cách và Ngài chẳng còn hiện hữu nữa. Đây là niềm tin vô thần. Tuy nhiên, trong Ấn độ giáo, tất cả các niềm tin đó đều tồn tại bên cạnh nhau. Triết lý của trường phái Yoga thuộc thuyết nhị nguyên, nhưng những tín đồ của nó tin nơi một Thượng Đế thuộc một loại, và do đó nó cũng có niềm tin hữu thần. Thượng Đế đó không phải là Đấng Tạo Hóa mà là một linh hồn trọn vẹn, không bị ảnh hưởng bởi sự vật. Theo triết lý Yoga, tâm trí học biết được cách để kiểm soát toàn bộ thân thể. Khi điều nầy xảy ra thì linh hồn sẽ được giải thoát khỏi sự vật, và được hiệp nhất với Thượng Đế.


Mục tiêu 3. Mô tả ngắn gọn về các sách thánh của Ấn độ giáo.


NHỮNG SỰ TRUYỀN THÔNG CỦA ẤN ĐỘ GIÁO


Người Ấn độ giáo tuyên bố rằng các sách thánh của họ là nhiều nhất và cổ nhất thế giới. Chúng được viết ra trên hai ngàn năm dài, từ khoảng năm 1400 T.C. đến năm 600 S.C. Chúng có thể được chia thành hai nhóm Sruti tức “Điều được nghe thấy” và nhóm Smriti “Điều được ghi nhớ.”


Bộ Kinh Vệ Đà (Vedas).
Các sách thuộc nhóm Sruti gồm bốn cuốn Kinh Vệ đà. Những cuốn kinh nầy được người ta tin là những chân lý nguyên thủy đã được các vị linh kiến (seer) thời cổ tiết lộ (giống như các tiên tri của người Do Thái - ND). Chúng là thẩm quyền của Ấn độ giáo. Từ ngữ Vedas ra từ chữ Vid của Phạn ngữ có nghĩa là “khôn ngoan hay tri thức.” Chúng được viết ra trên 1000 năm và chứa đựng các bài đạo ca, các kinh nguyện và các bài dạy về nghi lễ (văn tế).


Có bốn cuốn Kinh Vệ đà:
Cuốn Kinh Rig Veda, Kinh Sama veda, Kinh Yajur- Veda và Kinh Atharva Veda. Mỗi cuốn Kinh Vệ đà gốm bốn phần chính, đó là Kinh Samhitas (thần chú), Brahmanas, Aranyakas và Kinh Upanishads .


Kinh Upanishads.
Bộ Kinh Upanishads (700-600 T.C), có nghĩa là “ngồi gần Thầy”, là phần quan trọng nhất của Kinh Vệ đà, nó còn được gọi là Vedanta, tứ c “Phần kết của bộ Kinh vệ đà, nó đánh dấu buổi đầu của Ấn độ giáo triết học. Bộ Kinh nầy là sự phản ứng chống lại sự dạy dỗ nguyên thủy của Kinh Vệ đà về sinh tế và chức vị tư tế. Nó cũng mô tả về giáo thuyết Karma (nghiệp quả), nhất nguyên thuyết, và về Brahman (đại ngã) cùng atman (tiểu ngã hồn người). Bộ Kinh Upainshads cũng cung cấp thêm những chi tiết về các bước trong đường nghiệp ngã.


Theo cách một người hành động thể nào, người đó sẽ trở nên thể ấy. Người làm lành sẽ trở nên lành. Kẻ làm ác sẽ trở thành ác. Một người trở thành có đức hạnh do hành động đức hạnh, và trở thành xấu do hành vi xấu. Nhưng người ta nói rằng: Con người được tạo nên, không bằng hành động nhưng chỉ bằng dục vọng thôi. Để đáp lại điều nầy, tôi xin nói rằng: “Con người muốn thể nào thì họ giải quyết thể ấy, họ hành động thể nào thì họ sẽ thâu góp thể ấy.”


Nhóm Smriti.
Nhóm Kinh thứ nhì là các sách Smriti (600-200 T.C), có nghĩa là “Điều được ghi nhớ”, nó không có cùng một uy quyền như bộ Kinh Vệ đà. Chúng là những lời giải thích và các áng thi ca để giải nghĩa Kinh Vệ đà, nhưng chúng cũng chỉ trích hệ thống dâng sinh tế. Các cuốn khác trong nhóm nầy được viết ra trong thời kỳ Ấn độ giáo dân gian (200-700S.C) cho dân chúng theo Ấn độ giáo nói chung và chúng gồm tóm các luật lệ và những tập tục. Các Kinh nầy được gọi là Kinh Sastras, Ramayana và Mahabharata .


Kinh Bhagavad Gita.
Đây là một phần của Kinh Mahabhanata và là cuốn Sách thiêng liêng nhất và được nhiều người biết đến nhất của người Ấn độ giáo. Nó nói về Krishna, là avatar (hóa thân) thứ tám của thần Vishnu, rishna đã dạy cho Arjuna các phương pháp của một chiến sĩ và con đường hành động đúng (Karma) và việc yêu thích sự sùng tín (bhakti). Krishna thì cao trọng hơn các thần của Kinh Vệ đà. Ông đã nâng một quả núi trên ngón tay mình để che chở cho một ngôi làng khỏi một trận giông bão mà thần Indra tức thần sấm giáng xuống. Trong cuốn sách có ghi chuyện Arjuna hỏi thần Krishna làm thế nào có thể giết người bà con máu mủ của mình.


Hỡi thần Krishna! Như tôi chứng kiến, những bà con cùng huyết thống của chúng tôi đã đến để tương tàn; những người của chúng tôi đã thua cuộc, lưỡi tôi khô trong miệng tôi. Thân thể tôi rùng mình, tóc tôi dựng lên vì sợ hãi, tôi phải khó khăn mới đứng nổi. Quảng đời dường như đẫm mồ hôi và máu như thế để làm gì? Nói như thế rồi, trước mặt hai đạo binh đó, Arjuna ngã xuống lòng xe ngựa của mình, thả rơi cung tên, lòng đau quặn thắt.


Luật Manu.
Sách dùng làm nguồn gốc chính cho các luân lý, luật lệ và phong tục của người theo Ấn độ giáo là cuốn Luật Manu, một cuốn sách gồm 2685 câu. Nó có niên hiệu từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Phần lớn nó đề cập đến dharma, tức là các bổn phận của người dân. Việc đúng hay sai được xác định bằng các tác phẩm nầy, bằng hành vi thiện và lương tâm. Luân lý và nghi lễ được pha trộn vào nhau, các thầy tư tế phải trải qua mười hai nghi lễ từ lúc sinh ra cho đến lúc thành hôn. Sự nhân từ, sự chân thật, tình yêu thương, sự giúp đỡ đối với người hoạn nạn được nhấn mạnh đến.

Trong danh sách nhóm Smriti có nhiều sách thi ca khác như Kinh Puranas, Tantras, Darsanas, Yoga Sutra và Sankara. Chúng chứa đựng các sách nầy và đã tích lũy điều họ có thể làm cho chính họ bằng việc tiến tới trong ý niệm về Trimurti, tức Tam Thần.


SỰ PHÁT TRIỂN ẤN ĐỘ GIÁO


Những Ảnh Hưởng Cận Đại Trên Ấn Độ Giáo.
Những sự dạy dỗ của đạo Phật và đạo Hồi đã có một số ảnh hưởng trên Ấn độ giáo. Tuy nhiên, từ năm 1750 S.C. Cơ Đốc giáo đã có ảnh hưởng nhiều hơn, do sự cai trị của Đế quốc Anh tại Ấn độ. Nhiều phong trào cải cách đã nổi lên trong các thế kỷ mười chín và hai mươi trong cuộc đấu tranh dành độc lập của Ấn độ.


Phong trào Brahmo Samaj.
Phong trào nầy do Rammohan Roy thành lập vào khoảng năm 1828 nhằm thanh lọc Ấn độ giáo về việc thờ thần tượng và hệ thống giai cấp. Qua Samaj (Hiệp hội) của ông, Roy cố cải cách Ấn độ giáo bằng việc kết hợp các luân lý của Cơ Đốc Giáo với Kinh Vệ-đà và Kinh Upanishads. Tuy nhiên, người Ấn độ giáo chỉ chấp nhận những phần Kinh Thánh nào phù hợp với lý lẽ của họ. Như vậy, lý luận của con người được đặt trên căn bản bình đẳng với King Vệ-đà và Thánh Kinh. Vì thái độ phóng khoáng của họ, các phong trào Samaj bị suy yếu và các phong trào Ấn độ giáo cổ điển lấn lướt.


Phong Trào Sri Ramakrishna (1834-1883).
Một phong trào cải cách khác được phát khởi nhờ sự dạy dỗ của Sri Ramakrishna. Sau khi lắng nghe một Sufi (nhà thần bí) của Hồi Giáo và một Giáo sĩ Cơ Đốc Giáo, ông đã kết luận rằng mọi tôn giáo đều đúng. Các tôn giáo chỉ là những đường khác nhau để dẫn đến sự hiệp một với Thượng Đế. Ông tự xưng mình là “ chính cái linh hồn đã từng được sinh ra để làm một Rama, làm Krishna, làm Chúa Jesus hay là làm Đức Phật.” Ấn độ giáo đã được hồi sinh dưới sự hướng dẫn của ông. Ngày nay hội Rama Krishna là một cánh truyền giáo của Ấn độ giáo.

Phong Trào Swami Vivekananda. Một đệ tử của Ramakrishna là Vivekananda (1863-1902). Ông là một nhà diễn thuyết nổi danh và có uy thế, ông đã rao truyền cho thế giới rằng mọi con đường đều dẫn đến cùng một Thượng Đế. Ông dạy rằng một người Ấn độ giáo không cần phải trở thành một Cơ Đốc Giáo mà mỗi người cần phải đồng hóa lẫn nhau. Theo quan niệm của ông, Ấn độ giáo là một tôn giáo hoàn toàn thỏa đáp. Ông đã làm việc thiện qua việc giúp đỡ kẻ đau, kẻ nghèo và trong việc giáo dục quần chúng.


Những Lãnh Tụ Của Thế Kỷ Hai Mươi.
Sri Aurobindo (1872-1950) là một nhà trí thức, ông đã pha trộn Ấn độ giáo với một số tư tưởng của Cơ Đốc Giáo. Ông dạy rằng một người mới được xây dựng bằng sự hiện đến của một tâm trí siêu phàm đối với nhân loại. Đây là một hình thức khác của trí huệ giáo (gnosticism), tức là sự cứu rỗi nhờ vào sự tri thức. Tiến sĩ Radhakrishnan (1888-1975) là tổng thống của Ấn độ năm 1958. Ông cũng cố gắng pha trộn Ấn độ giáo với Cơ Đốc giáo, vì thế mà ông bị các lãnh đạo Ấn độ giáo chỉ trích.

Jawaharlal Nehru đã trở thành vị thủ tướng đầu tiên của Ấn độ khi đất nước nầy được độc lập vào năm 1947. Ông là một người theo thuyết bất khả tri luận (agnostic) và đã tìm cách làm cho Ấn độ thành một quốc gia thế tục. Ông cảm thấy tôn giáo đã làm thương tổn Ấn độ và khoa học là hy vọng duy nhất cho đất nước nầy. Phong trào nầy có tác dụng cản ngăn các nhà thờ Cơ Đốc giáo khỏi việc dẫn dân chúng về với Chúa.

Mahatma Gandhi (tức Thánh Găng-đi, 1869-1948) là một chính trị gia và là một tu sĩ tôn giáo, là người lãnh đạo phong trào dành độc lập cho Ấn độ vào năm 1947. Ông đãcó lòng tôn kính Đấng Christ và những sự dạy dỗ của Cơ Đốc Giáo. Ông đã nói rằng câu chuyện thập tự giá là một gương mẫu về sức mạnh của tình yêu và sự thực hành hình thức Bất bạo động (ahimsa). Vào cuối một kỳ chay, ông thường xin nghe bài thánh ca “Giờ được chiêm ngưỡng thập giá” (Thánh Ca Thương 95-ND). Tuy nhiên, ông vẫn vững niềm tin theo Kinh Bhagavad Gita. Dạy rằng mọi tôn giáo đều dẫn đến Thượng Đế, ông bài bác các giáo sĩ Cơ Đốc giáo về việc rao giảng về sự hoán cải. “Lời cầu nguyện trong lòng của chúng tôi là một tín đồ Ấn giáo trở thành một tín đồ Ấn giáo tốt hơn, một tín đồ Hồi giáo trở thành một tín đồ Hồi giáo tốt hơn và một tín đồ Cơ Đốc giáo trở thành một tín đồ Cơ Đốc giáo tốt hơn.” Thánh Gandhi đã bị sát hại vào năm 1948 bởi một thành viên của phong trào mà họ tin rằng thánh Gandhi đang phản bội Ấn độ giáo. Một người theo Ấn độ giáo sau đó đã nói “Ông Gandhi được mọi người xem là một trong các thánh nhân vĩ đại nhất đã từng sống.”


Mục tiêu 4. So sánh những niềm tin chính của Ấn độ giáo với các nguyên tắc của Cơ Đốc giáo.


ĐÁNH GIÁ VỀ ẤN ĐỘ GIÁO

Trong việc đánh giá của chúng ta về Ấn độ giáo, trước tiên chúng ta sẽ nhắc đến một số những điểm mạnh và điểm yếu của tôn giáo nầy. Sau đó, chúng ta sẽ nêu ra một số nhịp cầu nối liền từ niềm tin của họ đến lẽ thật của Cơ Đốc giáo và đến kinh nghiệm sống thỏa mãn trong Đấng Christ.


Các Điểm Mạnh Của Ấn Độ Giáo

Bảy điểm mạnh qua sự nghiên cứu của chúng ta là:

  • Người Ấn độ giáo dung chịu các niềm tin khác.
  • Người Ấn độ giáo tin nơi một hữu thể toàn tại tối cao.
  • Người Ấn độ giáo tin nơi sự hiệp nhất với thần linh trong đời sống tương lai.
  • Người Ấn độ giáo xem xã hội là quan trọng hơn từng cá nhân trong xã hội đó.
  • Người Ấn độ giáo tin rằng tôn giáo là một phần quan trọng trong đời sống của những tín đồ thuộc tôn giáo đó.
  • Người Ấn độ giáo bày tỏ lòng tôn kính các sách thánh hơn là vị sáng lập ra nó (giáo chủ).
  • Người Ấn độ giáo đã giữ sự hiệp một lâu dài hơn các tín đồ của các tôn giáo khác trên thế giới.

Những Điểm Yếu Của Ấn Độ Giáo

Những điểm yếu của Ấn Độ Giáo là tín đồ của đạo ấy:

  • tin rằng hữu thể tối cao không có đặc điểm của một thân vị.
  • theo tập tục thờ hình tượng, cả ở chỗ công cộng lẫn nhà riêng.
  • tin rằng trách nhiệm đạo đức của họ tùy thuộc vào Karma.
  • tin rằng tình trạng hiện tại của con người chỉ là một sự ảo tưởng.
  • cho rằng chỉ sự chết mới có thể làm thay đổi chỗ đứng trong xã hội.
  • thực hành những sự cực đoan về các nghi lễ trống rỗng và sự suy tư cá nhân một cách nghiền ngẫm.
  • chấp nhận hệ thống giai cấp và hạ thấp tình trạng của phụ nữ.
  • cho rằng các sách thánh chỉ có hiệu lực đối với các Brahmin.

Sự Đánh Giá Các Niềm Tin


Đề tài: Hữu Thể Tối Cao


Niềm Tin Của Ấn Độ Giáo
. Người Ấn độ giáo tin nơi một hữu thể tối cao vĩnh hằng nhưng Đấng ấy không có thân vị. Ngài xuất hiện trong các avatar (Hóa Thân) để làm các hoạt động riêng.


Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin.
Người Ấn độ giáo tin rằng Đức Chúa Trời (Thượng Đế) là tối cao, đó là một điểm mạnh, nhưng Ngài không có thân vị, đó là một điểm yếu. Nếu Ngài là Chân Thần thì Ngài sẽ gặp gỡ con người ở cấp bậc ngôi vị. Đức Giêhôva, tức Thượng Đế của Thánh Kinh, là một Thượng Đế có thân vị. Ngài muốn có sự thông công với con người, Ngài đã tự mặc khải Ngài trong hình thể loài người. Bài ca trong Kinh Rig Veda là một nhịp cầu dẫn đến lẽ thật nầy. Bài ca đó nói rằng: “Miệng Ngài trở thành Brahmin.” Chúa Jesus là Lời của Đức Chúa Trời trong hình thể loài người. Ngài là avatar duy nhất của Thượng Đế, là Thần Nhân, là Đấng đem con người đến với Đức Chúa Trời.


Lẽ Thật Kinh Thánh .

Giăng 1:14, “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta.”

1Ti-mô-thê 2:5 “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, là Đức Chúa Jesus Christ.”

Hê-bơ-rơ 4:15 “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối của chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.”


Đề tài: Sách Thánh


Niềm Tin Của Ấn Độ Giáo.
Người Ấn độ nói rằng tôn giáo của họ là tôn giáo cổ nhất và các Kinh Vệ đà đã có niên hiệu từ 1.400 T.C.


Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin.
Trước tiên, lời tuyên bố rằng Ấn độ giáo là tôn giáo cổ nhất, là không đúng. Cả duy linh thuyết lẫn độc thần giáo đã tồn tại trước Ấn độ giáo. Sự xuất hành khỏi Ai cập của dân Ysơraên xảy ra đồng thời với sự xuất hành của dân Aryan ra khỏi Ba-tư. Thứ hai, lời tuyên bố rằng Sách Vệ đà là các sách cổ nhất cũng không đúng. Đã có các sách viết bằng chữ hình gai (Tiết hình tự -- cuneiform) trên các bảng đất ở tại xứ Mê-sô-bô-ta-mi, thậm chí trước cả Kinh Vệ đà, vào khoảng năm 2.600 T.C. Môi se cũng đã viết Ngũ Kinh (Torah) vào khoảng năm 1.400 T.C. tức vào khoảng đồng thời với Kinh Vệ đà. Đức Chúa Trời đã hà hơi những người thánh của Ngài để viết ra Lời của Ngài (2Phi-e-rơ 1:21). Lời thành văn là sự diễn đạt về lời phán của Ngài, mà lời đó đã trở thành Đấng Christ, là Lời Hằng Sống.


Lẽ Thật Kinh Thánh .

2Phi-e-rơ 1:21 “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào mà bởi một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.”

Giăng 1:1 “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.”


Đề Tài: Thực Tại Tối Hậu


Niềm Tin Của Ấn Độ Giáo.
Người Ấn độ giáo nói rằng thực tại duy nhất là ở trong cõi vô hình. Cõi hiện tại chỉ là ảo mộng, nhưng sự thuộc linh và sự vĩnh hằng là điều duy nhất không thể bị dời đổi của thực tại tối hậu.


Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin.
Phải, những điều thuộc linh thì quan trọng hơn những điều thuộc thể. Nhưng người Ấn độ giáo nói rằng mọi vật không thuộc linh thì chỉ là ảo mộng. Trong thế giới vật chất của chúng ta, những điều thuộc thể là rất thực. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của Ấn độ giáo, nếu những vật thấy được sẽ qua đi thì chúng là không có thực. Chỉ những điều không thấy được mới là có thực.

Dựa theo thần học, người Ấn độ giáo có một điểm mà có thể dùng nó để làm nhịp cầu dẫn đến lẽ thật. Theo Kinh Thánh, ông Phao lô đã đồng ý rằng vật không thấy được thì có ý nghĩa hơn vì nó là vĩnh hằng. Nhưng điều gì là vật không thấy được? Chính là thực tại thuộc linh trong Đấng Christ. Chúng ta có “nhà đời đời ở trên trời” (2Cô-rinh-tô 5:1). Đối với Cơ Đốc Nhân, ra khỏi thế giới nầy tức là được ở với Đấng Christ, chớ không ở trong một kiếp luân hồi khác.

Lẽ Thật Kinh Thánh .

4:18 “Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được, vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.”

5:19 “Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người.”


Đề Tài: Nan Đề Của Con Người


Niềm Tin Của Ấn Độ Giáo.
Theo Ấn độ giáo, không có niềm tin nào về những lầm lỗi cá nhân để gọi là tội lỗi. Cách hành xử hằng ngày dựa vào luật Karma (nghiệp quả) và sự ảo tưởng về sự không biết (maya).


Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin.
Ý thức luật nhân quả mà người Ấn độ giáo xem thấy giữa hànhvi của họ và nghiệp quả của họ, có thể dùng làm một nhịp cầu dẫn đến đức tin. Người đó đáp ứng trách nhiệm của mình đối với luật nầy, dầu họ chưa từng biết chỗ đứng của mình. Tuy nhiên, Lời Đức Chúa Trời chỉ tỏ rằng con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và dựa trên cơ sở mà Lời Đức Chúa Trời đã mặc khải người đó có thể biết sự thật về số phận của mình. Sự đáp ứng trước luật nghiệp quả của người Ấn độ giáo có thể dùng để chuẩn bị họ về trách nhiệm tiếp nhận phương pháp cứu rỗi của Đức Chúa Trời, rồi sau đó sống vâng phục theo những đòi hỏi của Lời Ngài. Khi đó họ sẽ sống cuộc sống vừa lòng Đức Chúa Trời.

Trong Ấn độ giáo, không có niềm tin tưởng rằng con người “được hoài thai trong tội lỗi đã chống lại luật pháp thánh khiết của Đức Chúa Trời.” Ngày nay Đức Chúa Trời đến trong tình yêu thương để thuyết phục, nhưng rồi đây Ngài sẽ đến để phán xét những ai đã vi phạm luật pháp của Ngài. Hôm nay, Thánh Linh là đại diện của Ngài đang cáo trách con ngưòi về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét.


Lẽ Thật Kinh Thánh.

Thi Thiên 51:4 “Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi và làm điều ác trước mặt Chúa, hầu cho Chúa được xưng công bình khi Chúa phán và được thánh sạch khi Chúa xét đoán.

Giăng 16:8 “Ngài (Thánh Linh) sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét.”


Đề Tài: Thuyết Nhất Nguyên Tuyệt Đối .


Niềm Tin Ấn Độ Giáo.
Kinh Upanishads dạy về thuyết nhất nguyên tuyệt đối rằng chỉ có Thượng Đế là có thực, con người và sự vật chỉ là ảo mộng.


Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin.
Trước hết, quả thật Đức Chúa Trời là không thể xác định. Ngài ở nơi cao xa vượt khỏi mọi vật mà Ngài đã tạo dựng. Những cái mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng là xác định nhưng không có nghĩa là không có thực. Trong khi sự vật mà con người là xác định, thì không có nghĩa là họ không có thực, một cách khách quan. Họ có những phẩm chất và giá trị vì họ được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Một phần của sự giống như Đức Chúa Trời nầy đó là tâm linh của con người là vĩnh hằng, và tiếp tục sống sau khi thân xác nầy chết đi. Phương diện thuộc linh nầy đáp ứng cho Đức Chúa Trời, và là nền tảng để con người thông công với Đức Chúa Trời.

Người Cơ Đốc tin rằng Đức Chúa Trời vừa là nội tại (ở trong) vừa là siêu việt (ở trên). Ngài vừa ở trong thế giới, vừa vượt xa thế giới. Chúa Jesus vừa là một với Đức Chúa Trời, vừa là một thân vị riêng rẽ. Khi Ngài sống trên đất, Ngài bị phân cách với Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã phán: “Ta với Cha là một.” Đức Chúa Trời không hạ thấp giá trị của con người thì như là một phần của một bộ máy. Con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, vì vậy con người có giá trị. Người Cơ Đốc có đức tin rằng mình sẽ sống sau khi chết và mang một hình thể có thể nhận được ở với Đức Chúa Trời.


Lẽ Thật Kinh Thánh

Sáng Thế Ký 1:27 “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài.”

Giăng 10:30 “Ta với Cha là một.”

Thi Thiên 8:4-5 “Loài người là gì mà Chúa nhớ đến.... Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút.”

Giăng 5:24 “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta và tin Đấng sai ta, thì được sự sống đời đời và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống.”


Đề Tài: Karma (Nghiệp quả)


Niềm Tin Ấn Độ Giáo.
Số phận nhân loại bị ấn định bởi luật hành động và gặt hái hành động, cho tới khi được siêu thoát (moksha) vào cõi tuyệt đối. Trong cuộc đời mình, mỗi người quyết định mình sẽ đầu thai vào kiếp khác như thế nào.


Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin.
Cả thiên nhiên là luân lý đều ủng hộ cho nguyên tắc gieo và gặt. Nhưng động cơ phía đàng sau nghiệp quả là một vấn nạn. Tại sao con người tìm kiếm thiện nghiệp? Nếu nó là dành cho người thì người bảo người đó là sai lầm. Không thể trông mong nơi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Nó cũng không thể là dành cho kẻ khác, vì mỗi người có một nghiệp quả riêng. Con người đã bị cột chặt vào nghiệp quả mình. Nó là vòng quay bất tận. Vô hiệu con người làm thiện như thế nào thì cũng không đủ.

Biết được điều gì sẽ nhận được ở tương lai thì tốt hơn biết bao, biết rằng tội của bạn có thể được tha thứ thì tốt hơn biết bao! Có một con đường tốt hơn: được tự do khỏi xiềng xích và có sự an nghỉ cho linh hồn.


Lẽ Thật Kinh Thánh.

Ma-thi-ơ 11:28”Hỡi những kẻ mệt mõi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”

Giăng 3:36 “Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.”


Đề Tài: Sự Cứu Rỗi.


Niềm Tin Ấn Độ Giáo.
Sự cứu rỗi xảy ra theo ba cách: Đường tri thức (hiệp một với Brahman), đường sùng tín (đối với thần linh) và đường công đức (giữ theo lễ nghi).


Nhịp Cầu Dẫn Đến Đức Tin.
Nếu sự cứu rỗi là sự giải thoát khỏi vòng quay luân hồi bất tận, thì sự sợ hãi không nhận được thiện nghiệp là một động cơ đối với sự cứu rỗi. Người Ấn độ giáo dùng nhiều phương pháp khác nhau để xua đuổi sự sợ hãi. Họ đeo bùa và giữ theo các nghi lễ không bao giờ dứt, để làm nguôi ngoai các vị thần. Người Ấn độ giáo thực hành sự xuất thần, đánh đập thân thể, đi ngang qua lửa, đâm xé thân thể bằng móc câu và kim. Sự giải thoát có xảy ra nhờ việc chịu khổ không?


Giải pháp cho người Ấn độ giáo là gì? Sự cứu rỗi không xảy ra qua việc làm thiện, mà qua đức tin đặt nơi Chúa Jesus. Câu hỏi tối hậu là: “Chúa Jesus Christ có phải là Con Đức Chúa Trời không? hay Ngài không phải là Con Đức Chúa Trời?.” Nếu Ngài là Con Đức Chúa Trời thì mọi người bắt buộc phải “làm theo những điều Ngài đã phán.” Khi Chúa Jesus hỏi: “Các ngươi nói ta là ai?” thì Phierơ đã thưa: “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:15, 16). Người Ấn độ giáo có nhu cầu rất lớn làm vang vọng lại lời của Phao lô: “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? (Rô-ma 7:25), và câu trả lời được tìm thấy trong câu 25 “cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta.”


Lẽ Thật Kinh Thánh.

Tit 3:5 “Ngài cứu chúng ta, không phải cứu vì chúng ta đã làm, nhưng cứu theo lòng thương xót Ngài.”

Giăng 3:36 “Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.”

1Giăng 4:2 “Bởi điều nầy, hãy nhận biết Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Phàm thần nào xưng Chúa Jesus Christ lấy xác thịt mà ra đời, thần đó là bởi Đức Chúa Trời.”