Một vị giáo sĩ kia khi trở lại quê nhà đã trình bày cho Ủy Ban Truyền Giáo của mình một tờ báo cáo về Các Tôn Giáo trên thế giới. Trong báo cáo đó ông mô tả những tôn giáo trong khu vực của mình và ông đã tiếp cận với họ như thế nào. Ông chỉ nói với dân tộc ở đó một cách đơn sơ rằng Đấng Christ làm trọn mọi khao khát của con người họ. Ủy ban truyền giáo của ông đã không chịu hiểu và không tán thưởng sự tiếp xúc đó của ông. Họ khăng khăng cho rằng mục tiêu của các giáo sĩ là phải tiêu hủy những thần ngoại bang, không nên viết gì về các thần linh đó.
Một số người có khuynh hướng đặt tất cả các tôn giáo ngoại bang vào một chiếc hộp và đánh dấu trên đó rằng: Những luật lệ và nghi thức của dân tộc không hiểu biết. Họ nghĩ về người ngoại quốc như là dân tộc chỉ ngồi tréo chân và mơ mộng ! Nhưng trong thời đại nầy, không có thể nào chữa cho sự không biết và thiếu quan tâm như vậy. Vì có một điều, đó là những hệ thống truyền thông và giao thông đã thu nhỏ thế giới chỉ như một làng mạc. Điều thứ hai, đó là sự tận hiến của hàng triệu người sùng đạo đối với tôn giáo của họ cũng mãnh liệt như sự tận hiến của chính chúng ta . Là những Cơ Đốc Nhân, chúng ta phải hiểu biết thế giới của chúng ta, và với một sự hiểu biết tốt hơn, chúng ta càng phải quan tâm nhiều hơn đến việc lan rộng Tin Lành của một Đấng Christ hằng sống cho mọi quốc gia.
Trong bài học đầu tiên nầy, chúng ta sẽ xem xét tiêu chuẩn của tôn giáo và tìm hiểu xem tại sao nó được xem là một kinh nghiệm phổ quát. Chúng ta sẽ nghiên cứu những loại niềm tin và những cách khác nhau để tiếp cận với tôn giáo mà những dân tộc khác nhau tin theo.
Dàn bài :
- Những định nghĩa về tôn giáo
- Tính phổ quát của tôn giáo
- Những nguồn gốc của tôn giáo
- Cách tiếp cận với các tôn giáo
- Mục đích trong tôn giáo
Mục Tiêu Bài học :
Khi học xong bài nầy bạn sẽ có thể:
Định nghĩa từ ngữ tôn giáo và mô tả tiêu chuẩn cùng những đặc tính của tôn giáo.
Trình bày được những lý do khiến tôn giáo được xem là một kinh nghiệm phổ quát.
Mô tả được những nguồn gốc của tôn giáo, về sự đền tội và cách đến gần Đức Chúa Trời, và niềm tin nơi duy linh thuyết (animism) như là nguồn gốc của tôn giáo.
Nhận biết được niềm tin của các dân tộc về Đức Chúa Trời như thế nào và thế giới có ảnh hưởng thế nào trên sự tiếp cận của Cơ Đốc Nhân với các tín đồ của những tôn giáo khác.
Kể được mục đích mà nó ép buộc con người tìm kiếm sự vĩnh hằng.
Sinh Hoạt Học Tập :
Đọc Phần Giới Thiệu khóa trình trong tập tài liệu học tập nầy (từ đây về sau, sách Tài liệu học tập nầy được viết tắt là TLHT). Đặc biệt lưu ý đến mục “Tổ chức bài học và kiểu mẫu học tập ”. Mục nầy gồm các lời chỉ dẫn quan trọng cho việc thành đạt của bạn trong khóa trình nầy. Tất cả những lời chỉ dẫn đó đều quan trọng, nhưng cólẽ chỉ một số chỉ dẫn là đáng lưu tâm cho trường hợp của bạn.
Học mục “Dàn bài và những mục tiêu bài học”. Những điều ở mục nầy sẽ giúp bạn nhận rõ những điều mà bạn nên cố gắng học hỏi trong khi bạn học bài nầy.
Làm công tác của mục “Triển khai bài học” ghi trong TLHT nầy. Phải chắc chắn đọc tất cả các câu Kinh Thánh tham khảo đã cho, làm những bài tập theo sự đòi hỏi và kiểm tra các câu trả lời của bạn.
Làm “Bài tự kiểm” ở cuối bài học nầy và kiểm tra cẩn thận những câu trả lời của bạn so với những câu giải đáp đã cho trong tập tài liệu chỉ dẫn dành cho học viên (Student packet). Xem lại bất cứ mục nào bạn trả lời không đúng.
NHỮNG ĐỊNH NGHĨA VỀ TÔN GIÁO
Ý Nghĩa của Tôn Giáo
Tôn giáo là một từ ngữ rất khó định nghĩa. Những người học vấn cao đã nghiên cứu các tôn giáo trên thế giới trong nhiều năm vẫn thấy từ ngữ nầy thật khó phô diễn. Bạn sẽ tìm thấy những định nghĩa khác nhau do các tác giả khác nhau. Một định nghĩa nầy có thể thích hợp cho Cơ Đốc giáo nhưng lại không thích hợp cho Phật giáo, định nghĩa nầy có thể thỏa đáng cho Ấn độ giáo nhưng không thỏa đáng cho Hồi giáo. Vì vậy, chúng ta phải chọn một định nghĩa càng rộng càng tốt cho khóa trình nầy. Một cuốn tự điển đã gọi tôn giáo là một niềm tin đặt nơi và sự thờ phượng một Thượng Đế hay các thần linh. Niềm tin nầy cũng buộc có sự phó thác cá nhân cho thần linh với sự thờ phượng và tận hiến. Nó là hành vi vâng phục theo những mạng lịnh của thần linh đã tìm thấy trong Sách Thánh được công nhận.
Nguyên ngữ học (etymology )
Chúng ta hãy xem nguyên chữ của từ tôn giáo, nghĩa là sự giải trình về lịch sử và nguồn gốc của từ ngữ nầy. Tôn giáo đến từ từ ngữ La Tinh religare có nghĩa là “cột, buộc chặt”. Nó liên hệ với từ lig có nghĩa là “trói buộc” hoặc với từ leg có nghĩa là “chiếm lấy, tụ họp hay tuân giữ”. Điều nầy cho chúng ta cái ý niệm về việc một người tự trói buộc mình để vâng theo những sự đòi hỏi của một sứ điệp thần linh.
Thực tại tối hậu (Ultimate Reality )
Nhà thần học Paul Tillich gọi tôn giáo là thực tại tối hậu tức là cái thuộc về sự liên quan sau cùng . Nói một cách khác, một tôn giáo là điều căn bản nhất của những giá trị của một con người. Tuy nhiên, đây là một định nghĩa quá rộng, nó có thể bao gồm một số quan niệm học (hay tư tưởng luận), hoặc những các niềm tin mà nhiều người trong chúng ta sẽ không gọi là tôn giáo. Ví dụ, một số người có lòng yêu nước đối với tổ quốc của họ và họ sẵn sàng chết cho tổ quốc. Với một định nghĩa rộng như vậy thì ngay cả chủ nghĩa Mác-xít (Marxism) cũng có thể được gọi là một tôn giáo vì nó cũng đòi hỏi một sự tận tụy trung thành cho một thực tại tối hậu. Một quan niệm học có thể là một tôn giáo đối với những người đi theo quan niệm đó, nhưng một tôn giáo theo như các Cơ Đốc Nhân quan niệm nó, thì không chỉ là một quan niệm học. Nó bao gồm một sự phó thác đức tin nơi Chúa Jesus Christ và sự phó thác đó được vượt xa khỏi những giới hạn của một quan niệm học.
Tiêu Chuẩn Của Tôn Giáo
Vì những định ý của bài học nầy, chúng ta hãy nêu ra một số tiêu chuẩn mà chúng ta thấy cần thiết để gọi một hệ thống là một tôn giáo từ quan điểm hữu thần.
Sự Thuận Phục: Một tôn giáo có những đòi hỏi nhất định mà những tín đồ của tôn giáo đó phải tuân theo trong sự thực hành tôn giáo đó. “Người ta xem mọi bổn phận như là những mạng lịnh của thần linh” (Theo Immanuel Kant).
Sự Tin Tưởng: Một tôn giáo đòi hỏi các tín đồ bày tỏ lòng tin cậy và tin tưởng nơi thần linh của nó. Người ta tin rằng thần linh của họ sẽ thỏa đáp những nhu cầu của đời sống. Kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng Ngài HIỆN HỮU và Ngài ban thưởng cho những kẻ tìm kiếm Ngài (Hê-bơ-rơ 11:6).
Sự Tôn Kính: Các tín đồ của một tôn giáo nhìn xem thần linh của họ với lòng kính cẩn và tôn trọng. Như vậy, tôn giáo của họ là một sự thông công giữa họ với thần linh của họ. Như William James đã nói: “Tôn giáo là những cảm giác, những hành động, những kinh nghiệm cá nhân của con người mà người ta bày tỏ ra trong sự thông công với đối tượng mà họ xem như là thần thánh”.
Tính Siêu Việt: Tôn giáo điều khiển tín đồ của nó đến một năng lực vược xa năng lực của con người và của tự nhiên. Tôn giáo là “cái mà độc lập đối với ý thức và lý trí, đã khiến con người có thể hiểu được cõi vô hạn” (Theo Max Muller).
Bạn có thể thắc mắc về những nghi thức bên ngoài mà các giáo hội khác nhau ngày hôm nay thực hành. Chúng có phải là một phần của tôn giáo không? Câu hỏi nầy thường được hỏi trong sự liên quan đến các cuộc phục hưng tôn giáo ở thế kỷ 20. Những người truyền bá Tin Lành có khuynh hướng ít nghi thức còn các hệ phái cũ hơn có nhiều nghi thức hơn. Các tín hữu tân tòng thường thắc mắc về những vật như đèn nến, lễ phục, việc quỳ gối và việc hát xướng trong nhà thờ. Những điều đó đúng hay sai? Trước tiên, chúng ta hãy nghĩ xem một nghi thức là gì? Nó là sự diễn đạt bề ngoài của sự thờ phượng. Nó là sự phản ảnh của đức tin của người thờ phượng và nó được thực hành lặp đi lặp lại. Một số Cơ Đốc Nhân nhiệt thành đã lên án những nghi thức một cách mạnh mẽ, nhưng chúng ta không nên phán xét kẻ khác cho đến khi nào chúng ta biết rõ tình trạng của họ. Không một ai được cứu nhờ vào những nghi thức của Cơ Đốc giáo: một người được cứu chỉ nhờ ân điển của Đức Chúa Trời. Trong phương diện nầy, Cơ Đốc giáo khác với bất cứ tôn giáo nào khác.
Những Điều Bao Hàm Của Tôn Giáo
Theo một ý nghĩa vượt hơn vật chất, chúng ta tìm thấy một số điều điển hình của một hệ thống tôn giáo:
Những vật linh thiêng : Một số người xem núi non, đá, cây, những nguồn nước như là những vật linh thiêng. Một số vật linh thiêng nầy có thể được ở phía trong một khuôn viên linh thiêng hoặc ở bên trong những công trình xây cất như đền thờ hay chùa chiềng. Một số người thường dùng những trang bị hay những lễ phục đặc biệt dành cho sự thờ phượng. Có thể có những sách thánh. Ấn độ giáo có Kinh Bhagavad Gita, người đạo Sikhs có Kinh Granth, người Cơ Đốc có Kinh Thánh, người Hồi giáo có Kinh Quran (Kinh Cô-ran). Tất cả các sách nầy được biệt riêng ra thánh và có một ý nghĩa đặc biệt.
Những Con Người Được Biệt Riêng : Mọi tôn giáo đều có những con người được biệt riêng như là các Mục sư, các tư tế, các tiên tri, các người trung gian (đồng cốt) hoặc các người hộ vệ những nơi thánh và những linh vật. Họ thường được huấn luyện riêng và họ có thi hành những việc đọc kinh hoặc việc dâng tế lễ cho những người thờ phượng. Một số người có thể nhận biết được sự kêu gọi đặc biệt từ trời như Ê sai đã nhận được (Ê-sai 6:1-13). Họ thường được gọi là có Thần của Đức Chúa Trời ở cùng như trong 6:1-2.
Sự Thông Giải Các Biến Cố Thiên Nhiên: Bạn có thể nghe nói rằng có một số người đạo giáo nào đó tuyên bố những lời thông giải các biến cố thiên nhiên như bão tố, động đất và lụt lội. Họ bảo rằng những hiện tượng thiên nhiên nầy là dấu hiệu về sự hiện diện của Đức Chúa Trời hoặc chúng có thể là sự phán xét của Ngài giáng trên họ hay trên những kẻ thù nghịch của họ. Những biến cố lịch sử được người ta bảo rằng có nghĩa là Đức Chúa Trời đã can thiệp vào để cứu rỗi hoặc để phán xét họ.
Tuyên Ngôn Về Các Niềm Tin: Hầu hết các tôn giáo đều có những Sách thánh là một tập sách ghi chép về niềm tin của họ nơi thế giới: thuộc linh, các Sách đó bao gồm những nghi thức để giao thông với một thần linh hay để dành được ân sủng của thần linh đó. Chúng có thể là một sự tuyên bố về cuộc đời sau khi chết và chúng có thể mô tả về thiên đàng, địa ngục hoặc có thể là một sự luân hồi.
Tôn Giáo Và Thần Linh
Bạn có thể để ý rằng chúng ta nói đến một thần linh như là một phần quan trọng của tôn giáo. Một thần linh là gì? Tự điển mô tả một thần linh là “một hữu thể tối cao hay là một vị thần, một vị được tôn cao hay được tôn kính như là Đấng thiện lành nhất và đầy quyền năng nhất”. Một thần linh có một số đặc tính.
Một thần linh là một Đấng trổi cao hơn con người (siêu nhân), dầu vậy. Đấng ấy có những sự giống như con người.
Một thần linh là vô hình, dầu vậy đôi lúc thần linh đó có thể được tỏ ra bằng những phương cách vật chất. Những tín đồ của một thần linh có thể tạo một ảnh tượng và gán cho nó quyền năng của một thần linh.
Một thần linh thì tể trị tối cao, nghĩa là một thần linh cai quản trên thế giới, sự thịnh vượng an khương của con người và số phận của người ta.
Một thần linh có thể đáp ứng lại những hành động vì tôn giáo của con người.
Một thần linh được thờ phượng hoặc được kính cẩn và có thể gây những xúc cảm như là sợ hãi, tin cậy, vâng phục và đầu phục.
Một thần linh có những yếu tố về cá tính: có sự khôn sáng, có cảm tình và có ý chí. Nghĩa là, một thần linh biết suy nghĩ, biết cảm xúc như loài người và biết hành động.
Bạn nên hiểu một số từ ngữ liên quan tới chủ nghĩa hữu thần. Đó là: Thần linh (deity ), Hữu Thần Thuyết hay Tự Nhiên Thần Giáo (deism ), Chủ Nghĩa Hữu Thần (theism) Độc Thần Giáo hay Duy Nhất Thần Giáo (monotheism ), Đa Thần Giáo (polytheism ) và Phiếm Thần Giáo (pantheism ).
Tự nhiên thần giáo khác với thần linh . Từ ngữ Thần linh ám chỉ đến hữu thể tối cao, đối tượng của sự thờ phượng cao nhất của một người. Tuy nhiên, Tự nhiên thần giáo không phải là một hữu thể mà là một niềm tin. Tín đồ của tự nhiên thần giáo, tức những người theo Hữu Thần thuyết, tin rằng Đức Chúa Trời (hay Thượng Đế) chẳng liên can gì với thế giới nầy một cách cá nhân. Họ cho rằng Ngài đã làm ra thế giới và đặt những định luật chuyển động. Rồi sau đó Ngài rút lui và để cho thế giới tự vận chuyển. Chúng ta có thể so sánh Đức Chúa Trời mà tín đồ tự nhiên thần giáo tin với một người lên dây thiều chiếc đồng hồ của mình và để nó trên một chiếc kệ cho nó cứ tiếp tục chạy.
Chủ Nghĩa Hữu Thần, trái lại, là một niềm tin cho rằng con người có thể bước vào sự thông công mật thiết với Đức Chúa Trời. Người hữu thần nói rằng Đức Chúa Trời có can dự vào những công việc của con người và thế giới của Ngài. Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo cả hai đều là những tôn giáo hữu thần và cả hai đều là Độc thần giáo, nghĩa là niềm tin đặt nơi một Đức Chúa Trời. Đa thần giáo là niềm tin đặt nơi nhiều vị thần. Ấn độ giáo là Đa thần giáo. Phiếm thần giáo là niềm tin cho rằng mọi sự vật đều là những phần tử của một hữu thể tối hậu. Ấn độ giáo, Phật giáo và những niềm tin của người Hy Lạp, người La Mã đôi lúc là Phiếm thần giáo.
Tính Phổ Quát Của Tôn Giáo
Tôn Giáo là phổ thông cho toàn thể nhân loại. Không một bộ lạc nào, dầu là bán khai, mà người ta khám phá ra không có một tàn lửa của sự tấn ấm cúng tôn giáo. Một số nhà thám hiểm thời xưa tuyên bố rằng họ đã thấy những dân tộc ở xa xôi dường như không có dấu hiệu nào là có tôn giáo. Tuy nhiên, sự quan sát nầy được đặt cơ sở trên sự thiếu hiểu biết tỉ mỉ của họ về các nền văn hóa của các dân tộc. Từ khi người ta thực hiện các cuộc khảo cứu kỹ càng hơn, thì người ta đã tìm thấy rằng không có một cộng đoàn nào mà trong đó tôn giáo hoàn toàn vắng mặt. Những đài kỷ niệm cổ xưa nhất của con người, như các kim tự tháp ở Ai cập chẳng hạn, trình ra những bằng cớ chứng tỏ rằng người thời xưa nhất đã có những niềm tin và những tập tục tôn giáo. Tuy nhiên, chỉ có con người là có cảm thức về tôn giáo. Không một loài thú vật nào bày ra bằng cớ chứng tỏ có sự cảm nhận về tôn giáo hay về bất cứ một sự chuẩn bị nào cho một cuộc sống bên kia sự chết.
NHỮNG NGUỒN GỐC CỦA TÔN GIÁO
Tôn Giáo Và Kinh Nghiệm Ban Đầu
Tôn giáo đã bắt nguồn từ đâu? Những hồ sơ lâu đời nhất về lịch sử tôn giáo là ở trong Thánh Kinh. Thánh Kinh cho chúng ta biết tôn giáo đến từ đâu và nó chứng tỏ rằng tôn giáo đầu tiên là một tôn giáo độc thần. Sáng Thế Ký 1:1 tuyên bố rằng: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Một số nhà nhân chủng học dạy rằng tôn giáo là cái gì đó con người đã triển khai ra. Họ bảo rằng con người đã chuyển từ những nguồn gốc dã man đến chỗ độc thần giáo và cuối cùng là đa thần giáo phức tạp. Tuy nhiên, đây là một sự ước đoán về phần họ, được dùng để ủng hộ cho thuyết tiến hóa. Trái lại, niềm tin của người Cơ Đốc - Do Thái giáo (Judeo - Christian) cho rằng tôn giáo với hình thức độc thần của nó đã có mặt từ buổi sáng tạo thế giới. Nó vẫn được người Cơ Đốc, người Do Thái và người đạo Hồi vâng giữ. Có bằng chứng cho rằng những tôn giáo khác trên thế giới đã trở thành đa thần vì người ta trở thành bị băng hoạivề mặt đạo đức và thuộc linh.
Tôn giáo đầu tiên là một sự thông công cá nhân giữa Đức Chúa Trời với con người trong vườn Ê đen. Trong Sáng thế ký chương 2 và 3 chúng ta có thể thấy rằng bằng cớ của sự thông công đó. Có một sự đàm đạo giữa Đức Chúa Trời và Ađam, và phước hạnh của Đức Chúa Trời đã giáng trên khu vườn đó: “Đức Chúa Trời ban phước cho họ” (Sáng Thế Ký 1:28). Từ 2:8, chúng ta thâu lượm được rằng chính Đức Chúa Trời đã quen dạo bước và đàm đạo cùng A đam trong không khí mát lạnh của ban chiều. Tuy nhiên, những rắc rối đã nổi lên trong tình trạng lý tưởng đó. Ađam và Ê va đã sa ngã vào tội lỗi và qua họ mà tội lỗi đã vào trong thế gian.
Sự đền chuộc và sự đến gần Đức Chúa Trời.
Từ khi có biến cố ở vườn Ê đen, người ta đã cố gắng bằng nhiều cách khác nhau để chuộc tội và trở lại cùng Đức Chúa Trời. Sự kiêu ngạo của việc “tự mình làm lấy” đã là sai lầm chính yếu của con người. Từ buổi ban đầu, Đức Chúa Trời đã bày tỏ rõ ràng rằng phương cách để đến với Ngài là nhờ vào sinh tế. Khi Ngài làm những chiếc áo khoác bằng da thú cho Ađam và Ê va, Ngài đã phải làm đổ huyết ra. Đây là sự đền chuộc và khỏa lấp tội lỗi lần đầu tiên. Nhưng việc dâng sinh tế tùy thuộc nơi đức tin có trong lòng của một người. Nó cũng đã được minh họa trong việc dâng sinh tế của Cain và Abên (Sáng Thế Ký 4:4). Câu chuyện nầy là một bài học dạy cho tất cả chúng ta biết rằng “ấy là nhờ ân điển chớ không phải bởi việc làm” mà chúng ta được cứu.
Tại tháp Ba bên, người ta đã phản loạn nghịch cùng Đức Chúa Trời và sự phản loạn cu3a họ là một tai họa. Tiếng nói của họ bị lộn xộn và họ bị tản lạc khắp đất. Sau nhiều năm, Đức Chúa Trời đã khôi phục sự thông công một cách cá nhân với con người trong nhân vật Áp ra ham. Cũng vậy, Áp ra ham đã dâng sinh tế và vì đức tin cùng sự vâng lời của ông đối với sự kêu gọi của Đức Chúa Trời mà ông đã trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc. Tuy nhiên, sự dâng sinh tế của ông là kết quả của đức tin ông chơ không phải là phương tiện để kiếm được ân sủng và phước hạnh của Đức Chúa Trời trên cuộc đời của ông.
Về sau, suốt trong kinh nghiệm xuất hành (ra khỏi Ai Cập), Đức Chúa Trời đã chỉ dạy Môi se những loại sinh tế khác nhau mà dân chúng phải dâng lên cho Ngài. Ngoài ra, Đức Chúa Trời còn bày tỏ rõ ràng cho dân sự Ngài rằng, các sinh tế không được xem như là sự thực hành một cách máy móc. Chúng phải được đi kèm với sự ăn năn thật và một sự thay đổi trong cách xử sự. Suốt lịch sử của dân Ysơraên, qua việc phục sự trong đền tạm và đền thờ, sinh tế bằng huyết là trọng tâm của sự thờ phượng. Tuy nhiên, sinh tế mà thôi thì không đủ. Cũng cần phải có tấm lòng trọn vẹn, tức là Chúa Jesus Christ. Các câu Kinh Thánh trong Tân Ước như Ga-la-ti 2:16 đã cắt nghĩa về sự cần thiết phải có sinh tế trọn vẹn, bởi vì “con người không thể được xưng công bình bằng sự vâng giữ luật pháp”.
Duy Linh thuyết và Mana.
Duy linh thuyết đã trở thành tôn giáo cổ cho những dân tộc bên ngoài gia đình của Áp ra ham và con cháu của ông là dân Do Thái. Duy linh thuyết là niềm tin cho rằng mọi vật đều có linh và hồn. Một số các học giả về tôn giáo tuyên bố rằng hầu hết các tôn giáo thờ cổ của thế giới đều có rội rễ từ Duy linh thuyết. Điều nầy bao gồm cả Ấn độ giáo và Phật giáo. Họ có những điểm chung như là sự tôn kính tổ tiên, sự bái thánh vật, sự kiêng cữ và sự thờ phượng thiên nhiên. Hầu hết giới thẩm quyền tin rằng Duy linh thuyết vốn đã phát triển từ Độc thần giáo.
Tại vài quốc gia được cho là theo Duy linh thuyết, dân chúng vẫn có tập tục dâng sinh tế bằng huyết. Họ làm việc nầy để có thể đến gần với thần linh tối cao của họ. Niềm tin nơi việc dâng sinh tế cũng là một nhịp cầu để chúng ta hướng dẫn người theo Duy linh thuyết đến với sinh tế toàn vẹn tức là Chúa Jesus, và phục hồi người đó trở lại với sự thờ phượng Chân Thần.
Dân Melenasien ở Nam Thái Bình Dương tin nơi mana (mà chúng ta sẽ xem xét chi tiết hơn trong bài học 2). Mana là một sức mạnh huyền bí mà họ tin là có trong khắp thiên nhiên. Giám mục Codrington, một giáo sĩ phục vụ cho dân Melenasien, được bảo cho biết niềm tin đó cho rằng mana là nguồn gốc của mọi tôn giáo. Những người dân sống ở đảo nầy cũng tin nơi những điều cấm kỵ (cấm đụng đến) được đặt nơi một số người nào đó, ở những chỗ nào đó và ở những đồ vật nào đó để ngăn ngừa bệnh tật hoặc sự bất hạnh xảy ra.
TIẾP CẬN VỚI CÁC TÔN GIÁO
Khi chúng ta đến với những người theo các tôn giáo khác để trình bày Tin Lành cho họ, chúng ta cần hiểu họ suy nghĩ về Đức Chúa Trời và thế giới như thế nào. Có hai mẫu người căn bản : Trước tiên là mẫu người Khu Trú Thần Linh (The Devine Locality Types), tức những người quan tâm đến nơi chốn Đức Chúa Trời sống. Thứ hai là mẫu người Suy Tư Thế Giới (The World Mentality Types), tức những người quan tâm về bản chất của các dân tộc và nền văn hóa của họ.
Những Niềm Tin Về Đức Chúa Trời
Dân của các tôn giáo khác nhau được phân chia dựa trên cơ sở mà nơi chốn mà họ tin Đức Chúa Trời đang sống ở đó, nghĩa là thuộc mẫu người Khu Trú Thần Linh. Người của một nhóm nầy thì cho rằng Ngài là siêu việt trên mọi tạo vật của Ngài. Điều nầy có nghĩa là Ngài ở bên trên thế gian nhưng người ta có thể đến gần Ngài qua một người trung gian. Cả Cơ Đốc giáo và Hồi Giáo đều thuộc về loại nầy. Trong Ê-sai 6:1-3 và 40:12-26 chúng ta đọc được rằng Đức Chúa Trời “ngự trên cao” và sự vinh quang Ngài đầy dẫy đất. Trong thời Cựu Ước, người ta có thể tiếp xúc với Ngài qua các thầytế lễ. Rồi Chúa Jesus đến và mở một con đường mới và sống để người ta đến với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên vũ trụ, nhưng Ngài không phải là vũ trụ. Thiên nhiên và thế giới không phải là Đức Chúa Trời.
Những người khác thì cho rằng Đức Chúa Trời là nội tại (immanent). Đây là niềm tin cho rằng Đức Chúa Trời cư trú ở bên trong. Đối với Cơ Đốc Nhân, Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và Ngài điều khiển mọi vật được sáng tạo. Đức Chúa Trời hiện diện khắp nơi, nhưng Ngài cũng ở bên trong người tín đồ. Người theo Phiếm thần giáo thì tin rằng linh của các thần ở trong mọi vật. Chúng ta sẽ học biết rằng triết lý Ấn Độ giáo ủng hộ niềm tin nầy. Tuy nhiên, những người phiếm thần cho rằng Đức Chúa Trời bao phủ trên một vùng rộng lớn đến nỗi họ không thể tiếp xúc với Ngài. Họ không có được sự thông công cá nhân với Đức Chúa Trời mà Cơ Đốc Giáo được vui hưởng. Người Cơ Đốc Giáo thì bảo rằng Đức Chúa Trời là siêu việt , tuy vậy Ngài là nội tại trong chúng ta. Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, nhưng điều đó không làm cho chúng ta trở thành Đức Chúa Trời.
Những Kiểu Lý Luận Cơ Bản
Trong việc tiếp cận với các tôn giáo khác, chúng ta cần xem cách mà người ta nhìn thế giới. Đa số nhân loại có thể được chia thành ba mẫu người suy tư thế giới căn bản :
- Mẫu người lý luận: Những nền văn hóa lý luận của Phương tây.
- Mẫu người trực giác: Những nền văn hóa Viễn Đông.
- Mẫu người tưởng tượng: Những nền văn hóa theo Duy linh thuyết.
Bạn cũng cần phải biết rằng có vài điểm khác nhau giữa người dân ở thế giới Phương Tây với người dân ở cái gọi là Thế giới thứ ba. Những mẫu người suy tư không thuộc thế giới Tây Phương họ thường thụ động hơn là có sáng kiến. Họ bám chặt quá khứ và chậm chạp trong việc tiếp thu những điều mới hay những gì của nước ngoài. Họ rất lơ là đối với các sự kiện hay là sự lý luận. Họ suy nghĩ theo cách của gia đình, của bộ tộc hay của cộng đoàn mình. Lòng trung thành đối với đoàn thể được xem trọng hơn sự quan tâm ưa thích của cá nhân. Thời đại hoàng kim của họ là ở trong quá khứ, được ràng buộc chặt chẽ với tổ tiên của họ, là những người mà họ rất mực tôn kính.
MỤC ĐÍCH TRONG TÔN GIÁO
Một người thường gặp những người nói rằng họ không tin nơi Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nói chung người ta đều đồng ý rằng mọi dân tộc đều có cái gì đó mà họ tôn kính và cái mà họ tôn kính đó cao trọng hơn chính họ. Do đó, câu hỏi đặt ra là: Đức Chúa Trời phải tìm kiếm con người hay con người phải tìm kiếm Đức Chúa Trời? Câu hỏi nầy đã là điểm bàn cãi trải qua nhiều thế kỷ. Chúng ta nhận định rằng kể từ lúc “con người sa ngã”, người ta đã có “sự tìm kiếm vĩnh hằng” Một số người tìm cách trốn lánh tình trạng khó khăn, kẻ khác thì cố sức tìm sự đầy đủ. Sách Sáng thế ký bày tỏ rằng Đức Chúa Trời cũng đã có một sự tìm kiếm Ngài tìm kiếm sự hiệp thông với con người.
Những tín đồ của các tôn giáo so sánh sự tìm kiếm nầy với việc leo núi mà ngọn núi đó đưa đến với Đức Chúa Trời. Họ tin rằng một tôn giáo là những con đường khác nhau dẫn lên ngọn núi đó. Tất cả các tôn giáo đều có thể được chấp nhận, vì chúng đều dẫn đến Đức Chúa Trời. Có lẽ bạn đã nghe người ta nói như vậy, nhưng điều đó có đúng không? Lời Đức Chúa Trời phán gì về điều đó? Trước tiên, chúng ta phải thấy cho được con người như thế nào. Con người có một chiều kích thuộc linh mà chỉ có thể được thỏa mãn bởi nguồn sự sống thuộc linh mà thôi. Chiều kích nầy có thể được so sánh với sự khác nước. lạc lõng trong sa mạc của tội lỗi và sự thất vọng, bị khô héo, con người khát nước cần phải có nước. Đức Chúa Trời đã cung cấp một chỗ phì nhiêu trong sa mạc. Ngài mời gọi mọi người đến với suối nước để linh hồn họ được thỏa mãn. Một người được cứu không nhờ vào sự nỗ lực để leo lên ngọn núi của sự cố gắng riêng. Người đó được cứu chỉ bằng cách đến với Nguồn Sự Sống. Nơi đây, sự khát khao của họ được thỏa đáp khi người đó uống nước nơi Suối. Đây là cứu cánh của sự tìm kiếm của họ.
Một ngày nọ, vào một ngày lễ của dân Do Thái tại thành Giêrusalem, Chúa Jesus đã đứng giữa đoàn dân mà kêu lên rằng: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống” (Giăng 7:37). Linh hồn của bạn đã được no đầy bằng nước Cứu Rỗi chưa? Lời mời gọi vẫn còn mở ra cho bạn: “Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến Suối Nước” (Ê-sai 55:1).